Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Luca 1:48-55: "Bài ca của Mary"



Chúa Jêsus Nhà Cách Mạng:
Bài ca của Mary –

Luca 1:48-55
Khi lịch sử của thế kỷ thứ 20 sau cùng được viết ra, rõ ràng bốn mươi năm sau cùng sẽ được gọi là Kỷ Nguyên Cách Mạng. Trước tiên, chúng ta có cuộc cách mạng văn hoá, kế đó chúng ta có cuộc cách mạng về phái tính, nối theo sau là cuộc cách mạng kỷ thuật. Trong mấy năm sau cùng, chúng ta có cuộc cách mạng về chính trị.
Hãy xem xét các biến cố đáng kinh ngạc trong năm 1991. Cách đây 12 tháng, mọi mắt đều dồn về Vịnh Batư. Đã có cuộc đồn đãi về Đệ III Thế Chiến, chiến trường Atmaghêđôn và kỳ tận thế của thế giới. Hết thảy chúng ta đều lấy làm lạ không biết điều chi sẽ diễn ra ở Kuwait và Iraq khi “Mẹ đẻ của mọi chiến trận” đã nổ ra. Thế rồi, cuộc chiến đã qua đi, và Saddam Hussein xem ra chỉ là kẻ độc tài nhãi nhép, một con chó hay kêu rú, tiếng sủa của nó đã được minh chứng rất tệ hại hơn miếng cắn của nó nữa.
Khi năm 1991 đến mức cuối cùng, mọi mắt đều nhắm về Liên Bang Sô Viết. Ai dám tin những việc lạ lùng đã xảy ra ở đó trong mấy tháng sau cùng ấy? Nếu có ai tiên đoán tháng Chạp vừa qua Đảng Cộng Sản sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở nước Nga, người ấy sẽ bị cười nhạo ngay. Nhưng đấy chính xác là những gì đã xảy ra theo hậu quả của việc làm táo bạo sớm thất bại vào tháng 8. Chủ nghĩa Cộng sản không còn nữa, Gorbachev bị loại ra ngoài, Yeltsin bước vào, nền độc lập hiện diện, và khối thịnh vượng chung được hình thành.
Cuộc tấn công lén lút
Những chiến thuật và sự thù hằn phá tán đất là những đặc điểm của kẻ thù thuộc linh của bạn. Hãy tự bảo vệ bản thân mình chống lại chương trình của Satan hòng huỷ diệt đời sống của bạn.
Rút tỉa thêm những chi tiết
Bạn có để ý Ông Gorbachev nói gì vào tuần lễ nầy không? Khi những chi tiết của thoả thuận mới được công bố, ông nói: “Công việc của cuộc đời tôi đã xong rồi. Chẳng có gì còn lại cho tôi để làm nữa”. Đúng vậy, công việc của ông đã hoàn tất. Lịch sử đã trôi qua ông. Thế nhưng những biến cố trong mấy ngày qua đã làm cho mọi người phải kinh ngạc.
Với khối thịnh vượng chung mới, Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết xưa đã thôi không tồn tại nữa. Không một ai biết phải gọi mọi sự sắp đặt mới mẻ kia là gì nữa, nhưng ai nấy đều biết đường lối cũ đã qua đi cho đến đời đời. Ai có thể tiên đoán được một việc như thế mới xảy ra cách đây có 3 tuần lễ thôi!?!
“Tôi không biết mình xuất thân từ quốc gia nào”
Đôi khi chúng ta quên rằng những thay đổi gây choáng váng nầy có ý nhắm vào trình độ cá nhân. Thứ Sáu vừa qua, Marlene và tôi đến dự Tiệc Giáng Sinh Thân Hữu Quốc Tế tại nhà của Keuer. Tôi nhận ra sau đó rằng hơn 100 người có mặt ở đó, gồm những sinh viên quốc tế, họ đến từ Trung hoa, Hàn quốc, Nhận bản, Đức, Anh quốc, Thụy điển và Nga sô. Khi chúng tôi đến, người ta yêu cầu chúng tôi phải điền vào bảng danh sách tên tuổi và gốc gác quốc gia của chúng tôi. Trong suốt buổi tối, tôi gặp gỡ Lena đến từ Mắxcơva, chồng cô là sinh viên học vị Tiến sĩ ở trường UIC. Họ đến Mỹ mới vừa có hai tháng. Khi tôi hỏi cô ấy nghĩ gì về những thay đổi ở xứ sở của mình, cô ấy nói: “Tôi nghĩ những thay đổi đó rất là tuyệt vời”. Nhưng rồi cô nhìn vào bảng danh sách, cô nói: “Tôi biết tên của mình, nhưng tôi không biết tôi xuất thân từ quốc gia nào nữa”.
Đồng thời, một người có tên là Erich Honecker hiện có mặt ở Toà Đại Sứ Chile ở Mắccơva. Trong nhiều năm trời, ông đã lãnh đạo Đông Đức, nhưng khi bức tường Bá linh sụp đổ, công việc của ông thôi không còn có nữa. Ông Gorbachev đã để cho ông đến nước Nga để tránh sự bắt bớ về tội ác chống lại dân tộc Đức. Giờ đây, Boris Yeltsin đang nắm lấy quyền lực, ông ta chẳng còn có chỗ nào để đi nữa. Bị từ chối không cho ẩn náu bởi nước Nga và rồi kế đó bởi Chile, ông ta được lịnh phải rời khỏi nước Nga vào ngày mai. Ông ta không thể trở về lại quê hương, nếu ông ta về, ông ta sẽ bị bắt ngay giây phút ông ta bước ra khỏi phi cơ. Khi ông còn là lãnh tụ của Đông Đức, ông đã đứng ra lịnh bắn bất cứ ai tìm cách thoát thân sang Tây Đức. Giờ đây, bản thân ông là một kẻ đào tẩu trốn tránh sự công bình. Ôi, kẻ mạnh sức gục ngã là dường nào!
Kỷ nguyên của bịnh AIDS
Chúng ta đang sống trong những thời kỳ cách mạng. Ngay trước mắt chúng ta, trật tự cũ đã sụp đổ, và trong chỗ của nó một thế giới mới đang thành hình. Trong hai năm qua, chủ nghĩa Cộng sản đã gãy vụn và tan vỡ. Bạn tìm đâu trên thế giới để thấy một người cộng sản thật nữa? Có lẽ ở Cuba, hay có thể ở Bắc Hàn. Nhưng ngay cả hai quốc gia đó ngọn gió thay đổi cũng đang thổi bùng lên.
Bạn có để ý những gì tạp chí Newsweek đăng trong tuần nầy về khủng hoảng bịnh AIDS không? Tạp chí nầy nói thập niên 60 và thập niên 70 thuộc về Kỷ nguyên Hoàng đạo. Nhưng giờ đây Kỷ nguyên Hoàng đạo đã nhường chỗ cho kỷ nguyên AIDS. Chủ nghĩa lạc quan bị thế chỗ bởi chủ nghĩa bi quan, và tin cậy bị thế chỗ bởi sợ hãi, lớp người trẻ, họ thường rất phấn khích về tương lai giờ đây đầy dẫy trong họ là bất ổn. Thế giới đang quay tròn trên trục đạo đức của nó, và chúng ta được dành cho những chỗ ngồi nhìn xem cuộc cách mạng về đạo đức, về thuộc linh và về văn hoá đang diễn ra ở chung quanh chúng ta.
Chuyện khởi sự tại chuồng chiên
Chuồng chiên dường như là một nơi không thích hợp lắm, từ đó bắt đầu một cuộc cách mạng làm lay động cả thế giới. Nhưng đấy là chỗ mà mọi sự đã bắt đầu — trong cái chuồng chiên nằm bên ngoài một ngôi làng bị quên lãng có tên gọi là Bếtlêhem. Nhà quán đã đông người vì các hành khách mệt mõi đang trên đường của họ về lại quê để đăng ký vào sổ bộ. Không một ai dành ra một giây đồng hồ để nhìn qua đôi vợ chồng trẻ đang lấp ló nơi cửa. Người chồng có nét lo âu trên gương mặt, người vợ rõ ràng là đang có thai gần đến ngày rồi. Đã có một cuộc trao đổi ngắn, một lời nài nĩ từ người cha mệt nhọc đó, song chủ quán chỉ lắc đầu rồi quay đi. Ông ta chẳng phải là con người khó chịu, hay người lỗ mãng, hoặc kẻ xấu đâu. Ông ta chỉ nói ra sự thật mà thôi. Quán trọ của ông ta đã đầy ắp người đêm hôm đó.
Đúng là một khoảng thời gian rất dài khi có việc quan trọng xảy ra tại thành Bêtlêhem — gần 1000 năm. Đúng là đã lâu như thế khi Vua David chào đời tại đó, kể từ đó, có hơn 30 thế hệ đến rồi đi, và Bếtlêhem đã trở thành một ngôi làng yên tĩnh như bao làng mạc trong xứ Giuđê.
Phía bên ngoài nhà quán là cái chuồng chiên — đúng ra là một cái hang nhỏ được khoét sâu bên sườn núi. Đấy là nơi mà Mary và Giôsép đã đến sau khi chủ nhà quán xua họ đi. Khi Chúa Jêsus ra đời, họ đã đặt Ngài vào cái máng ăn của gia súc hay bầy chiên. Chắc chắn Mary phải làm sạch bụi bặm, rác rưỡi trước khi nàng đặt con trẻ Jêsus vào đó. Đây không phải là nơi rất tiện nghi cho một con trẻ mới sanh nằm nghỉ đâu. Mary đã quấn con trẻ của mình bằng những mảnh vải vụn để giữ ấm chống lại tiết lạnh giá giữa đêm đông. Thuật ngữ truyền thống là “tả lót”.
Thế là Chúa Jêsus đã vào trong thế gian — chào đời trong một ngôi làng bị quên lãng, cho hai bố mẹ đang ở tuổi niên thiếu, được đặt nằm trong máng cỏ, thế gian đang ngủ say bất cần đến. Không, bạn không trông mong một cuộc cách mạng khởi sự ở đây. Và nếu bạn đang hoạch định một lối vào thật lớn, đây chẳng phải là phương thức bạn sẽ thực hiện cuộc cách mạng đó. Nhưng đấy là phương thức cuộc cách mạng đã nổ ra. Cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử đã khởi sự trong một chuồng chiên. Và Lễ Giáng Sinh đang nói tới cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong mọi thời đại — Đức Chúa Jêsus Christ.
Bài ca của Mary
Câu chuyện của chúng ta sáng nay không thực sự nói tới thành Bêtlêhem. Nó kết thúc tại đó, nhưng nó khởi sự khoảng 9 tháng trước kìa, khi Mary nhìn biết rằng mình đã có thai. Mục tiêu của chúng ta nhắm vào Mary, bản thân nàng, trong những ngày đầu sớm sủa đó khi nàng nhìn biết rằng mình đã được Đức Chúa Trời chọn để cho ra đời Đấng Mêsi.
Chúng ta nắm lấy câu chuyện ở Luca 1 khi nàng đến thăm Êlisabết, bản thân bà đang mang thai Giăng Báptít. Khi Êlisabết nhìn thấy Mary, bà đã chào nàng với những lời lẽ nổi tiếng ấy: “Ngươi có phước trong đám đàn bà, thai trong lòng ngươi cũng được phước!” (Luca 1:42). Khi Mary nghe thấy lời lẽ quả quyết đó, nàng đã thốt ra thành bài ca. Lời lẽ trong bài ca của nàng đã được ghi lại ở Luca 1:46-55.
Bản thân bài ca theo truyền khẩu được gọi là “Bài Ca Ngợi”, từ chữ đầu tiên của bản Latinh. Như vậy, bài ca ấy giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Hội thánh. Trong 2.000 năm, bài ca nầy đã được nhiều Cơ đốc nhân hát lên trên khắp thế giới. Không may thay, chúng ta đang ở trong thế giới truyền giáo lại chẳng biết nhiều về bài ca đó, nhưng ở những nhánh khác trong phong trào Cơ đốc, Bài Ca Ngợi là một phần quan trọng trong sự thờ phượng Cơ đốc. Ở một số nơi, họ hát bài ca nầy trong từng ngày Chúa nhựt.
Mary có thực sự thốt ra mấy lời nầy không?
Trước khi chúng ta nhìn vào chi tiết của bài ca, một sự quan sát rất có ích lợi: Bài ca của Mary bắt nguồn từ trong kinh Cựu Ước. Khi bạn đọc nó, âm vang của nó giống như một trong những Thi Thiên của David vậy. Khi Mary nói: “Và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia”, âm vang ấy nghe giống như Thi Thiên 103. Cũng có giống nhiều với bài ca của Anne ở I Samuên 2 — một sự thực không làm cho chúng ta phải ngạc nhiên khi bài ca của Anne bậc ra bởi Samuên con bà vừa ra đời.
Như một chú thích bên lề, tôi muốn nhắc nhớ rằng một số học giả thuộc phái phê bình đã thắc mắc một người ở tuổi thiếu niên — đặc biệt một thiếu nữ thôn dã như Mary — có thể thực sự sáng tác một Bài Ca Ngợi tráng lệ như thế. Không có bằng chứng nào về địa vị của họ, họ cho rằng Hội thánh đầu tiên đã sáng tác mấy lời nầy rồi đưa chúng vào văn mạch của Luca. Một lời đề xuất như thế mang lấy sự phản bác cho chính nó. Tại sao lại suy nghĩ bất thường như thế, một thiếu nữ sáng láng, thông minh, là người đã được nuôi dạy trong một gia đình tin kính (và người đã học biết Kinh Thánh ngay từ những ngày còn thơ ấu), há chẳng sáng tác được một bài hát như vầy? Người nào nghi rằng Mary thực sự nói ra mấy lời nầy cho thấy họ tỏ ra bản thân họ nhiều hơn là họ nói đến Mary.
Vì thế, khi bạn đọc Bài Ca Ngợi nầy, bạn đang đọc lời lẽ của Tân Ước qua ánh mắt của một thiếu nữ được Đức Chúa Trời lựa chọn để đưa Đấng Mêsi vào trong thế gian.
Đừng đọc điều nầy ở chỗ đông người
Một điểm khác nữa đáng được nhắc tới. Bên cạnh bài hát mừng đầu tiên của dịp Lễ Giáng Sinh, bên cạnh chính lời lẽ của Mary, bên cạnh sự dầm thấm của Cựu Ước, bài Ca Ngợi là một trong những tư liệu có tính cách mạng nhất từng được viết ra. Mục sư E. Stanley Jones, học giả lỗi lạc của hệ phái Giám Lý, nhà văn và là nhà truyền đạo, đã nói rằng Bài Ca Ngợi là “tài liệu có tính cách mạng nhất trong lịch sử thế giới”. Đấy là một câu nói phải thốt ra, có phải không? Nhưng hãy xét điều nầy xem. Nhiều năm tháng trôi qua trước khi Mục sư Jones đưa ra câu nói ấy, William Temple, Giám Mục của xứ Canterbury, đã dạy cho các giáo sĩ của ông đến Ấn độ đừng bao giờ đọc Bài Ca Ngợi ở chỗ đông người khi có nhiều người chưa tin Chúa hiện diện. Tại sao vậy? Vì trong một quốc gia như Ấn độ với mọi vẻ nghèo khó của nó, phân đoạn Kinh Thánh nầy, nếu rút ra khỏi phân đoạn Kinh Thánh, sẽ chẳng gây ra điều chi khác hơn là rối rắm.
Tìm hiểu cấu trúc
Bước thứ nhứt của chúng ta khi tìm hiểu bài ca nầy là nắm lấy những phần khác nhau của nó. Giống như bao bài ca khác, Bài Ca Ngợi có thể được chia ra làm nhiều khổ. Khi bạn quan sát bài ca cho thật kỹ, bạn có thể nhìn thấy, về cơ bản nó có hai khổ — Khổ 1 gồm các câu 46-50 và khổ 2 gồm các câu từ 51-55. Chúng ta có thể chia nó ra bằng cách lưu ý rằng trong khổ 1, Mary đang suy gẫm điều nàng được chọn để mang thai Đấng Mêsi có nghĩa gì!?! Nàng đang ca ngợi Đức Chúa Trời vì lòng thương xót lớn lao Ngài dành cho cá nhân nàng. Lời lẽ của nàng rất tư riêng và quan điểm của nàng thì hướng nội. Trong khổ 2, dường như Mary mờ dần đối với bối cảnh; nàng đang ca ngợi Đức Chúa Trời vì những tác dụng sự đến của Đấng Christ sẽ có trên thế gian. Quan điểm của nàng là hướng ngoại, lời lẽ của nàng trải khắp toàn cầu trong phạm vi của chúng. Sau cùng, chúng ta có thể quan sát hai khổ ấy bằng cách lưu ý rằng mỗi một khổ đều kết thúc với phần tham khảo đến lòng thương xót của Đức Chúa Trời (các câu 50 & 54).
Nếu Đức Chúa Trời muốn giàu có
Với lai lịch đó, chúng ta hướng vào khổ 1. Ở các câu 46-48, Mary ca ngợi Đức Chúa Trời vì Ngài đã chọn nàng mang thai Đấng Mêsi, bất chấp tình trạng thấp hèn của Ngài. Câu 48 là câu chìa khoá: “Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài”. Từ ngữ “hèn hạ” đề cập tới tuổi tác, lai lịch, tình trạng kinh tế, thiếu địa vị xã hội của nàng. Nói ngắn gọn, Mary đã lấy làm lạ vì Đức Chúa Trời đã chọn nàng trong tất cả mọi người để mang thai Đấng Mêsi. “Sao lại là tôi, ôi Chúa, khi Ngài có thể có được một thiêu nữ giàu có từ thành Jerusalem?” Nàng chỉ là một thiếu nữ Do thái khó nghèo — một người giữa vòng hàng ngàn người. Trong tất cả những người Do thái, không có một người hèn kém như thế. Mary bị phủ lút bởi tư tưởng cho rằng nàng đã được Đức Chúa Trời lựa chọn.
— Nếu Đức Chúa Trời muốn sự giàu có cho Con của Ngài, Ngài có thể sắp đặt việc đó.
— Nếu Đức Chúa Trời muốn quyền lực cho Con của Ngài, điều đó có thể được làm ra.
— Nếu Đức Chúa Trời muốn Chúa Jêsus chào đời trong chỗ xa hoa, Ngài chỉ cần phán một lời mà thôi.
— Nếu Đức Chúa Trời muốn Chúa Jêsus ra đời ở giai cấp thượng lưu, Ngài có hàng trăm gia đình để mà lựa chọn.
— Nếu Đức Chúa Trời muốn học vấn, hay trường đại học nổi tiếng, hoặc những nối kết xã hội thích ứng, hay bất kỳ một việc nào khác mà người ta thường gắn với sự thành công, điều đó sẽ được thực hiện ngay.
Đức Chúa Trời không phải làm theo cách ấy! Đấy là điều kỳ diệu trong Lễ Giáng Sinh.
Đây là một phát biểu về ân điển tối hậu của Đức Chúa Trời. Mary thực sự đang nói: “Lạy Chúa, chẳng có một cớ gì để Ngài chọn tôi”. Đây là một sự lựa chọn được lập ra trong ân điển thanh sạch. Chẳng có một điều gì về Mary hầu tiến cử nàng cho Đức Chúa Trời. Phải, rõ ràng là nàng đã sống tin kính lắm, nhưng có biết bao nhiêu thiếu nữ khác trong độ tuổi của nàng. Mary đang nói: “Tôi biết Ngài chọn tôi vì cớ lòng thương xót của Ngài. Ngài không chọn tôi vì học vấn của tôi, hay lai lịch của tôi, hoặc vì cớ bố mẹ tôi, hay vì cớ địa vị cao trọng của tôi trong xã hội”. Mary đang khen ngợi Đức Chúa Trời vì Ngài đã chọn nàng bất chấp mọi sự mà thế gian đã không thèm nhìn đến nàng.
Ngài đã chọn một thiếu nữ nông thôn nghèo khó khi Ngài có thể có bất kỳ thiếu nữ nào Ngài muốn để trở thành mẹ của Đấng Mêsi. Đấy là những gì Mary không thể xem thường được. Nếu bóc thăm và lá thăm rơi trúng nàng, nàng sẽ rất biết ơn song vinh quang sẽ không tới được như thế. Nhưng sự việc không xảy ra do cơ hội hay hoàn cảnh. Mary không phải là sự lựa chọn cuối cùng sau khi mọi người khác nói “không”. Mary là sự lựa chọn tiên khởi của Đức Chúa Trời. Không, mạnh hơn thế nữa. Mary là sự lựa chọn duy nhứt của Đức Chúa Trời.
Và Đức Chúa Trời đã chọn một thiếu nữ dường không thích nghi lắm cho đặc ân cao trọng nhất mà bất cứ người nữ nào từng nhìn biết, có phải không? Không có gì phải ngạc nhiên, khi Mary nói: “Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước”. Nàng không biết câu nói ấy hư thực thể nào!?! Sau 2.000 năm, chúng ta vẫn còn nói tới Mary. Ngoài Êlisabết, bạn có thể kể tên một người mẹ khác từng sống trong xứ Israel vào thời của Mary không? Hết thảy mọi người khác đều bị quên lãng đi, nhưng Mary thì được ghi nhớ cho đến đời đời.
Đấy là khổ thứ nhứt của Bài Ca Ngợi.
Ngài lật đổ cả thế gian
Trong khổ thứ hai, tiêu điểm nâng từ Mary sang thế giới ở chung quanh nàng. Khi Đức Chúa Trời đã làm những việc lớn bằng cách chọn một người dường không thích hợp như thế, giờ đây Ngài sẽ làm những việc lớn với những phương thức không thích ứng. Khi bạn đọc các câu 51-55, không những bạn nhìn thấy một sự thay đổi về mục tiêu, mà bạn còn nhìn thấy một sự thay đổi theo các thì động từ nữa kìa. Khi Mary nói về bản thân mình, nàng sử dụng thì hiện tại; song khi nàng nói về thế gian, nàng sử dụng thì quá khứ — "Ngài đã dùng, Ngài đã phá tan, Ngài đã cách, Ngài đã làm đầy”.
Ở đây còn điều gì nữa không? Khi nàng nói: “Ngài”, Mary đang nói tới Đức Chúa Jêsus Christ. Khi nàng nói “đã”, nàng đang nói tới những điều Đấng Christ sẽ làm. Nhưng ở tại điểm nầy, Chúa Jêsus vẫn còn đang lớn lên ở trong cơ thể nàng. Làm sao nàng nói theo thì quá khứ những gì Đấng Christ sẽ làm trong tương lai? Câu trả lời, ấy là Mary đang sử dụng cái điều mà những nhà mô phạm gọi là “tiên tri bất định” (prophetic aorist). Đôi khi những vị tiên tri nhìn vào tương lai và dám chắc về những điều họ trông thấy đến nỗi họ sử dụng thì quá khứ để mô tả những gì đối với họ là một sự kiện chắc chắn tuyệt đối trong tương lai. Nàng đã tin quyết hoàn toàn về những gì Con của nàng, Chúa Jêsus, sẽ làm khi Ngài ngự đến, nàng nói về sự ấy giống như thể sự ấy đã xảy ra rồi vậy. Đồng thời, sự ấy hãy còn ở thì tương lai; trong lý trí của Mary, đây là một sự thực đã hoàn tất vì Đức Chúa Trời bằng lòng để cho việc ấy xảy ra.
Ở các câu 51-53, Mary mô tả những thay đổi mang tính cách mạng sẽ xảy ra trên đất vì cớ sự ra đời của Đức Chúa Jêsus Christ:
1. Sự ra đời của Ngài sẽ mang lại một cuộc cách mạng về đạo đức.
“Ngài đã dùng cánh tay mình để tỏ ra quyền phép; Và phá tan mưu của kẻ kiêu ngạo toan trong lòng” (câu 51). Sự đến của Đấng Christ có nghĩa là sự cuối cùng của mọi khoe khoang loài người. Đây là điểm chấm hết cho lòng tự cao tự đại và tham vọng thái quá. Sự đến của Ngài có nghĩa là một dấu chấm hết cho sự tham lam không đáy và tư dục không kềm chế được về quyền lực. Kẻ mạnh bị hạ xuống bởi cánh tay mạnh sức của Chúa.
Cho nên, điều nầy đã xảy ra trải bao thế kỷ. Hạng người kiêu ngạo và cả gan đã ngước cái đầu của họ lên thách thức Đấng Toàn Năng, nhưng Ngài đã đập nát họ giống như loài ruồi vậy. Điều gì đã xảy ra cho Saddam Hussein? Điều gì đã xảy ra cho Erich Honecker? Điều gì đã xảy ra cho Idi Amin? Điều gì đã xảy ra cho Vladimir Lenin? Khi nào là lần cuối cùng bạn suy nghĩ tới Juan Peron? Hay Pinochet? Hoặc Mao Trạch Đông? Họ đã đến, họ dấy lên quyền lực, và chẳng chóng thì chầy, họ biến mất đi.
Theo lời lẽ của Mục sư Martin Luther King, Jr.: “Cánh tay của vũ trụ dài lắm, song nó quay hướng về sự công bình”.
Sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ có nghĩa là Đức Chúa Trời đã đề ra một cuộc cách mạng về đạo đức được thực thi trong thế gian, một cuộc cách mạng trong đó những kẻ phạm tội chắc chắn phải được đưa ra xét xử. Hãy viết ra câu nầy “Tháp Ba bên”. Câu chuyện ấy cho chúng ta biết rõ Đức Chúa Trời hành động như thế nào. Ngài để cho kẻ kiêu ngạo tập trung lại với nhau rồi trong mọi kế sách vĩ đại của họ, họ tính lên cao đến tận trời. Đức Chúa Trời nhìn xem trong một lúc, Ngài chờ đợi, dường như Ngài thậm chí chẳng biết đến nữa, và trong sự thành công nhất thời của họ, họ chúc tụng nhau về sự tài giỏi của họ. Nhưng Đức Chúa Trời phá tan kẻ kiêu ngạo, và Ngài phá tan cách thình lình.
Đâu là Donald Trump? Đâu là Ivan Boesky? Đâu là Robert Maxwell? Một người bị khánh kiệt, người kia là tội phạm bị kết án, còn kẻ nọ đã gục chết.
Hạng người kiêu ngạo mong đem mọi sự theo với họ. Nhưng Đức Chúa Trời cắt ngang họ. Ngài bẻ cây cung của họ. Ngài thổi tung mọi dự án của họ. Ngài hạ họ xuống thấp. Và Ngài làm thế bởi chính mưu luận mà với đó họ tưởng làm cho mình thăng hoa.
2. Sự ra đời của Ngài sẽ mang lại một cuộc cách mạng về xã hội.
“Ngài đã cách người có quyền khỏi ngôi họ, và nhắc kẻ khiêm nhượng lên” (câu 52). Có một số người trong các bạn đã xem bộ phim chiếu năm ngoái có đề tựa là “Đổi số phận”. Đấy là những gì Mary đang nói tới ở đây: Sự đến của Đấng Christ đem lại một sự thay đổi số phận trong xã hội. Kẻ kiêu ngạo bị hạ thấp xuống, còn người khiêm nhường được nâng cao lên.
Những gì con người gọi là may mắn, Mary gọi đó là công việc của Đức Chúa Trời. Khi người ta mất hết mọi sự, chúng ta nói tới may rủi. Khi có ai đó trúng số, chúng ta nói người ấy may mắn. Còn Mary không nói như vậy đâu. Nàng hiểu rõ ở đàng sau lẽ mầu nhiệm vô diện kia gọi là may mắn, có Đức Chúa Trời đang ngự trị ở đó. Ngài nhấc lên, và chẳng có ai hạ xuống được. Ngài hạ xuống, thì không có người nào nhấc lên trở lại được.
Như John Calvin nói, bậc vua chúa của thế gian không hiểu được điều nầy. Họ càng láo xược, phì nộn ra, làm biếng và tham lam. Họ hưởng thụ trong xa hoa, nếm sự kiêu ngạo rồi càng say sưa với quyền lực. Không bao lâu sau đó, họ quên rằng mọi sự họ có đều đến từ Đức Chúa Trời. Và để trưng dẫn Calvin cho thật chính xác: “Nếu Chúa không thể dung chịu thái độ vô ơn bạc nghĩa như thế, chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên”.
Nhưng hãy đi một bước xa hơn. Chẳng một ai sống cho đến đời đời được — dù công bình hay không công bình cũng không. Sam Walton một ngày kia sẽ chết, cùng với George Bush, Madonna và Billy Graham. Không một vì vua nào cai trị cho đến đời đời được. Hãy hỏi Elvis xem. Nếu chúng ta sống cho đến đời đời, không lâu sau đó hết thảy chúng ta sẽ quên phứt Đức Chúa Trời. Song Kinh Thánh chép: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hêbơrơ 9:27).
Thế nhưng bởi sự cất nhắc kẻ thấp hèn lên nắm quyền lực, Đức Chúa Trời thắng hơn thế gian. Ông Gorbachev ơi, làm ơn nói hello với Boris Yeltsin đi. Hãy biết điều đối với ông ta. Ông ấy là chủ nhân mới của các bạn. Đấy là cách Đức Chúa Trời hành động.
Phải biết chắc bạn đã tiếp thu lấy bài học: Những thăng trầm của lịch sử thực sự là bàn tay năng động của Đức Chúa Trời. Một người cai trị, rồi tới người khác, rồi người khác nữa thay thế người. Và đàng sau luồng lịch sử dường như không ngôi kia chính là bàn tay rất năng động của Đức Chúa Trời — thình lình đánh hạ kẻ kiêu ngạo xuống (hay một nước) rồi thế người với người khác. Những khoảnh khắc ấy dường như lật đổ mọi thứ trong xã hội được Đức Chúa Trời chỉnh đốn với sự công bình luôn luôn chính xác.
1. Kẻ mạnh nghĩ họ luôn được an toàn.
2. Người nghèo khó thất vọng về số phận của họ.
3. Đức Chúa Trời ưa thích làm đảo lộn số phận của họ.
Phù thủy Johnson thổ lộ
Bạn có xem cuộc phỏng vấn mà phù thủy Johnson đã có với Connie Chung đêm kia không? Bấy giờ anh ta hát với một âm điệu khác. Bạn nhớ đi, khi anh ta bị chẫn đoán lần đầu tiên bị nhiễm virus AIDS, anh ta nói sẽ làm phát ngôn viên cho an toàn tình dục. Rồi anh ta đến Sảnh đường Arsenio trình diễn, làm nhiều trò cười, và nhận lấy sự cười đùa của đám đông. Cơ bản là anh ta đã nói rằng bao lâu bạn sử dụng bao cao su, bạn sẽ được an toàn. Khi ấy tôi nói cho bạn biết tôi nghĩ đấy là một lời bình rất là phi đạo đức — và tôi chờ sự phán xét đó.
Nhưng bây giờ sự thực đã bắt đầu luồn vào. Anh ta nói giờ đây anh ta biết những gì anh ta đã làm là sai lầm. Thậm chí anh ta nói rằng anh ta biết đấy là sai trái ở trước mắt của Đức Chúa Trời.
Magic Johnson chắc chắn xứng đáng là một người đã ở trên đỉnh của thế gian cách đây một tháng. Anh ta sẽ trở thành một trong những “người có quyền” mà Mary đã nói tới. Là người đã từng thưởng thức anh ta chơi bóng rỗ trải qua nhiều năm tháng, tôi thấy chẳng vui khi nói rằng Đức Chúa Trời đã đánh hạ anh ta xuống khỏi ngôi của mình. Một cách thình lình — thật là nhanh — sự nghiệp của anh ta qua đi và sinh mạng anh ta bị đe doạ. Giờ đây, anh ta đang hát lên một âm điệu nghe thật là lạ. Giờ đây, thực tế đã nhập cuộc. Bây giờ, lúc sau cùng — và với cái giá thật kinh khủng — Magic Johnson đang học biết con đường khôn ngoan.
Trong cuộc phỏng vấn, anh ta nói: “Tôi đã lầm. Tôi đã sống cuộc sống của một gã độc thân và ngủ với nhiều phụ nữ. Bây giờ tôi biết điều đó là sai”. Thậm chí anh ta còn nói: “Trong ánh mắt của Đức Chúa Trời, tôi biết điều đó là sai lầm. Bây giờ tôi biết cử kiêng là con đường duy nhứt phải đi”.
Đức Chúa Trời không kéo kẻ mạnh ra khỏi ngôi của họ chỉ để sửa phạt họ. Ngài cũng làm thế để dạy cho họ biết sự thực mà họ chẳng thể tiếp thu được ở đâu khác. Tôi muốn nói thêm rằng mọi tư tưởng và mọi lời cầu nguyện của chúng ta cùng với phù thủy Johnson — không những xin cho anh ta được phục hồi — mà còn cầu xin rằng anh ta sẽ tiếp tục tấn tới trong sự thông biết lẽ thật và anh ta sẽ sử dụng kinh nghiệm lớn lao của mình để kêu gọi lớp người trẻ của nước Mỹ trở lại với sự cử kiêng, sự trong trắng, thanh sạch, và hoàn toàn quay trở lại với Đức Chúa Trời.
3. Sự ra đời của Đấng Christ mang lại một cuộc cách mạng về kinh tế.
“Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy thức ngon, và đuổi kẻ giàu về tay không” (câu 53). Đây là phần có tính cách mạng nhứt trong bài ca của Mary. Không những sự đến của Đấng Christ làm chao đảo kẻ kiêu ngạo trong thế gian nầy, không những sự ra đời ấy nhấc kẻ khiêm nhường lên cao, mà sự ra đời ấy còn có ý nghĩa kẻ đói được no đầy và kẻ giàu ra đi với hai bàn tay không.
Bạn có biết điều nầy có nghĩa gì không? Nó có ý nói rằng trong Đức Chúa Jêsus Christ chẳng có một việc gì là “một người nam bình dân” hay một “người nữ bình dân” cả. Đôi khi chúng ta sử dụng loại thuật ngữ ấy đề cập tới những người nam người nữ lao động với sự chế giễu, đến hạng người làm việc cực nhọc lo lái những chiếc xe tải và bốc vác. Chúng ta đối chiếu “người bình dân” với “giai cấp thượng lưu” và hết thảy chúng ta thích mình là một thứ gì đó trổi hơn là một “người lao động” (dù nam hay nữ). Rốt lại, đấy là một phần trong bản chất của con người, họ nhìn người khác kém cõi hơn qua sóng mũi của họ.
Nhưng trong Đức Chúa Jêsus Christ, không có một việc gì là một người bình dân cả. Đức Chúa Trời không biết bất kỳ một người nam hay nữ “bình dân” nào hết. Làm sao bạn dám gọi bất kỳ ai là bình dân một khi Đấng Christ đã chịu chết cho họ!?!
Kẻ nghèo thường là người đầu tiên chịu tin theo
Cho phép tôi giải thích ý nghĩa thực tiễn của cuộc cách mạng về đạo đức, về xã hội và về kinh tế nầy mà sự đến của Đấng Christ đã mang lại. Xuyên suốt lịch sử, bất cứ khi nào Tin Lành bước vào trong một xã hội, Tin Lành ấy thường xâm nhập vào trình độ kinh tế xã hội ở dạng thấp. Đúng là một việc hiếm cho người giàu có trở thành người đầu tiên vòng tay ôm lấy Tin Lành. Những người nghèo khó thường dựng lên Hội thánh đầu tiên trong bất cứ xã hội nào. Tại sao chứ? Vì người nghèo chẳng có gì để trông cậy vào đó, vì vậy khi họ nghe Tin Lành họ vòng tay ôm lấy nó như là những tin tức thực sự tốt lành. Còn người giàu, họ không nhìn thấy nhu cần của họ trong Đấng Christ, vì vậy họ bất chấp Tin Lành.
Kẻ giàu nào lắng nghe Tin Lành thường là như vậy hết. Còn kẻ nghèo, kẻ thấp hèn, kẻ goá bụa, kẻ bị quên lãng và kẻ bị bức hiếp, trước tiên họ bằng lòng nghe theo Tin Lành. Bạn có nhớ Giăng Báptít đã làm gì khi ông bị bỏ tù không? Ông đã nghe nói về Chúa Jêsus cùng các phép lạ của Ngài rồi lấy làm lạ không biết Đấng Christ có thực sự là Đấng được hứa cho hay không nữa!?! Vì vậy, ông đã sai các môn đồ mình đến với Đấng Christ trình một thắc mắc đơn sơ như vầy: “Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải chờ Đấng khác?” Đấng Christ đã trả lời với mấy lời nầy: “Hãy đi và thuật lại cho Giăng nghe những điều các ngươi trông thấy. Kẻ đau được lành, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được sáng, kẻ chết được sống lại, và kẻ nghèo được nghe giảng Tin Lành”. Ở cái nhìn đầu tiên, cụm từ sau cùng dường như không nằm ở chỗ đó. Nhưng đối với Chúa Jêsus thì không phải như thế đâu. Có nhiều phép lạ cung ứng, minh chứng địa vị Đấng Mêsi của Ngài — giữa vòng chúng là phép lạ kẻ nghèo đang lắng nghe và đáp ứng lại với sứ điệp Tin Lành.
Đấy là đặc tính của đức tin Cơ đốc — nghĩa là Tin Lành trước tiên đến với kẻ nghèo trong thế gian. Trước tiên đến với kẻ có lòng khao khát, trước tiên đến với kẻ có lòng đau thương, trước tiên đến với kẻ đang có cần, trước tiên đến với kẻ vô gia cư, trước tiên đến với những giai cấp bị lãng quên trong nhân loại.
Tin Lành làm cho người ta được tốt hơn
Đây là một sự thực mà có thể bạn chưa biết. Bất cứ đâu Tin Lành xâm nhập vào một xã hội và tạo ra cái chạm trên một nhóm người nào đó, nó luôn luôn có tác dụng nhấc cao số người ấy lên về mặt kinh tế. Bất cứ khi nào Tin Lành đến với kẻ nghèo, nó dấy những kẻ ấy lên trong xã hội. Điều đó đã xảy ra ở Anh quốc. Điều đó đã xảy ra ở Brazil. Điều đó đang xảy ra ở châu Phi và châu Mỹ Latinh. Điều đó đang xảy ra ở Ấn độ và Indonesia. Điều đó đang xảy ra ngay bây giờ trên khắp thế giới. Lớp người trẻ cùng du hành với tôi và Bob cách đây hai năm đã nhìn thấy điều đó đang xảy ra ở Haiti.
Điều đó xảy ra bằng cách nào? Đây là một người chồng, là kẻ phạm tội tà dâm, đang ngủ đâu đó với người đàn bà mà ông ta có thể tìm gặp. Khi ông ta đến với Đấng Christ, toàn bộ đời sống của ông ta được điều chỉnh lại. Đây là người đàn bà đã lạm dụng rượu trong 35 năm trời. Khi bà ta đến với Đấng Christ, toàn bộ đời sống của bà ta được thay đổi và bà ta học biết sống nghiêm trang và giữ lấy sự nghiêm trang đó. Đây là một người chẳng nổ lực làm việc trong nhiều năm trời. Ông đã sống không có phúc lợi và nhờ vào của bố thí của bạn bè trong một thời gian rất lâu. Nhưng khi ông đến với Đấng Christ, ông có được một mục đích mới mẻ trong cuộc sống. Và mục đích mới mẻ ấy cung ứng cho ông một sự khao khát mới. Và ngoài khao khát mới mẻ đó, ông ta còn có một việc làm đúng đắn nữa. Và ông ta giữ lấy việc làm ấy. Và trong quá trình đó, ông ta trở thành một công dân rất tốt.
Vì vậy, chính Tin Lành đó làm cho người ta được khá hơn và người được khá hơn đó làm cho thế giới được khá hơn. Tin Lành không những tác động một sự biến đổi từ bên trong; nó còn tác động một sự biến đổi ở bên ngoài, đúng ra nó làm thay đổi tư duy suy tưởng, nói năng và hành động của con người. Và trong quá trình đó, nó tạo ra những đức tính xu hướng vào sự tiến triển về mặt kinh tế.
Nước Mỹ mắc nợ Tin Lành
Cho phép tôi nói điều nầy cách đơn giản. Có một hàm ý về kinh tế trong Tin Lành. Khi các nguyên tắc Tin Lành được người ta làm theo, kẻ khao khát được no đầy và kẻ giàu bị đổi thành đói khát. Nan đề của chúng ta ở đây tại Hội thánh Oak Park, ấy là chúng ta có nhiều tiền bạc, nhiều sự giàu có và nhiều của cải đời nầy đến nỗi chúng ta đã quên mất lý do tại sao Chúa Jêsus đã đến trong chỗ thứ nhứt.
Bạn có hiểu không, phần lớn những gì chúng ta có ở nước Mỹ ngày nay đã đạt được từ di sản Cơ đốc của chúng ta? Điều nầy có được từ các tín đồ Thanh giáo và những hệ phái khác, họ đã dạy dỗ các nguyên tắc Tin Lành về sự chịu khó làm việc, sự tiết kiệm, dàm dụm và đầu tư. Đây là phần thặng dư của một hệ thống giáo dục dạy dỗ con cái đọc sách bằng cách sử dụng những truyện tích từ Kinh Thánh — chớ không phải loại truyện kinh dị tưởng tượng ra đâu. Đây là kết quả của nhiều thế hệ tín đồ đã sáng lập những bịnh viện, dưỡng đường, thư viện, các trường trung và đại học. Trong phần lớn, những sự tự do chúng ta vui hưởng và chỗ đứng kinh tế thuộc về chúng ta đều đã đạt được vì cớ Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ. Chủ nghĩa vô thần, thuyết bất khả tri, chủ nghĩa nhân văn không thể tạo ra được những gì chúng ta đang có hôm nay. Nếu bạn muốn nhìn thấy những điều họ tạo ra, chỉ hãy nhìn vào Liên Bang Sô Viết đã sụp đổ kia.
Tin Lành là niềm hy vọng duy nhứt dành cho nhân loại — không những cho linh hồn con người, mà còn cho thân thể của con người nữa, không những cho Hội thánh mà còn cho thế gian nữa, không những cho cá nhân mà còn cho xã hội nữa. Khi Tin Lành lên đường tiến thẳng vào xã hội, ở đó bạn sẽ tìm thấy sự bình an, hài hoà, bình thản và sự thịnh vượng (một cách trọn vẹn).
Chúa Jêsus ra đời ở Austin, chớ không ở Oak Park
Chiếu theo ánh sáng đó, những gì Mary đang thốt ra hoàn toàn thực sự có tính cách mạng. Chúng ta có khuynh hướng tư hữu hoá Tin Lành nhiều đến nỗi chúng ta không nhìn thấy sự thực nầy. Chúng ta nói về việc “cầu xin Chúa Jêsus ngự vào lòng” nhưng chúng ta không hề nói tới việc “cầu xin Chúa Jêsus bước vào phòng hộp của bạn”. Chúng ta muốn có Chúa Jêsus và sử dụng những gì chúng ta mong muốn, mặc lấy thứ gì chúng ta muốn, làm những gì chúng ta muốn. Và thay vì thế chúng ta chẳng thấy lo lắng chi về kẻ nghèo hết.
Nhưng nếu Kinh Thánh dạy dỗ điều chi — và nếu truyện tích Giáng Sinh có ý nghĩa gì đó — thì chính là việc Đức Chúa Trời đang ở bên cạnh kẻ nghèo. Ngài không phải là Đức Chúa Trời của người giàu có; Ngài là Đức Chúa Trời của kẻ nghèo khó. Ngài ở bên cạnh họ vì chẳng có ai ở đó hết. Ngài vực dậy chủ trương của họ vì chẳng có ai muốn thế. Ngài dự những trận đánh của họ vì chẳng có ai chiến đấu cho họ hết. Đặc biệt Ngài chú trọng đến họ vì phần còn lại của thế giới chẳng thèm ngó ngàng chi đến họ.
Cũng thực như thế đối với kẻ đói khát, kẻ có lòng đau thương, kẻ vô gia cư, kẻ ngã lòng, kẻ bị ức hiếp, kẻ bị tật nguyền, và kẻ cô độc. Đức Chúa Trời cũng đang ở bên cạnh họ, vì nếu Ngài không lo liệu cho họ, thì ai sẽ lo đây?
Tấm lòng của Mary đầy dẫy với sự ngợi khen, vì nàng biết thế gian sẽ là một nơi rất khác biệt khi Đấng Christ ngự đến. Ngài sẽ đánh hạ kẻ kiêu ngạo. Ngài sẽ nhấc kẻ khiêm nhường lên. Ngài sẽ làm cho kẻ đói được no đầy. Và người giàu sẽ ra về tay không. Đây là sự đảo lộn hoàn toàn của số phận.
Ngài nhớ lại lòng thương xót mình
Các câu 54-55 đưa chúng ta đến với cứu cánh bài ca của Mary. Nàng kết luận bằng cách ngợi khen Đức Chúa Trời khi sai phái Đức Chúa Jêsus Christ đến với thế gian, Đức Chúa Trời đang giữ mọi lời hứa của Ngài từ ngàn xưa với Ápraham. Có một cụm từ thật tuyệt vời ở câu 54: “Ngài đã vùa giúp Y-sơ-ra-ên, tôi tớ Ngài, và nhớ lại sự thương xót mình”. Đấy là một đường lối thật kỳ diệu. Đức Chúa Trời nhớ lại lòng thương xót mình. Há bạn chẳng vui sướng sao khi tại lễ Giáng Sinh Đức Chúa Trời đã nhớ sai phái Con Ngài đến? Chúng ta sẽ làm gì một khi Đức Chúa Trời quên đi? Chúng ta sẽ ở đâu nếu Chúa Jêsus không ngự đến?
Thế rồi Mary nhắc tới Ápraham, và điều nầy đưa chúng ta trở lại 2.000 năm trước Đấng Christ. Giữa Ápraham và Mary, có một việc như thế nầy đây: 70 thế hệ đã đến rồi đi. Hết thảy họ đều đã sống trong viễn cảnh về lời hứa của sự Chúa Giáng Sinh. Đấy là những gì họ đang trông mong, mặc dù họ chưa hề nghe đến cụm từ ấy. Giờ đây, sau ngần ấy năm tháng, Mary đang nhìn thấy sự ứng nghiệm của những gì tổ phụ nàng chỉ có mơ đến mà thôi. Tấm lòng nàng đầy dẫy đến nỗi nàng không thể chất chứa trong lòng: “Lạy Chúa, Ngài đã làm điều đó. Ngài đã giữ lời hứa của Ngài. Đã 2.000 năm rồi, Ngài vẫn nhớ lại lòng thương xót”.
Sự năng động đáng yêu
Đây là một bài ca rất hay, có phải không? Cái điều đáng thương hại, ấy là chúng ta những nhà truyền đạo đã lướt qua nó mà không xem xét thực sự nó nói cái gì!?! Cho phép tôi chia sẻ mấy lời của William Barclay khi ông tóm tắt ý nghĩa sâu sắc của Bài Ca Ngợi nầy.
Có sự đáng yêu trong Bài Ca Ngợi, nhưng trong sự đáng yêu đó có sự năng động nữa. Cơ đốc giáo sinh ra một cuộc cách mạng trong mỗi con người và cuộc cách mạng trên thế giới nữa.
Đâu là sứ điệp toàn diện trong Bài Ca Ngợi? Nếu bạn ghép hai khổ nầy lại với nhau, thì nó sẽ ra như thế nầy đây: Đức Chúa Trời hành động theo cùng một phương thức suốt mọi thời đại. Khi Mary ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đã chọn nàng bất chấp tình trạng thấp hèn của nàng, nàng đang tỏ ra khuôn mẫu mà Đức Chúa Trời luôn noi theo. Ngài tỏ lòng thương xót cho những ai không xứng đáng được thương xót, Ngài chọn kẻ thấp hèn hơn kẻ kiêu ngạo, Ngài tìm kẻ đói khát và làm cho họ được no đầy, và người giàu trong thế gian sẽ ra về tay không. Ngài luôn luôn giữ mọi lời hứa của Ngài cho dù điều ấy có nghĩa là đảo lộn mọi giá trị sai trái trong xã hội con người. Hai khổ nầy thực sự đang nói tới cùng một việc, chỉ từ hai nhận định khác nhau mà thôi. Mary là phần Triển Lãm A phương thức Đức Chúa Trời hành động. Nàng là biểu tượng của những gì khổ thứ hai đang nói tới.
Khi Đức Chúa Trời sai phái Con Ngài, Ngài đứng về phía kẻ bị lãng quên trong thế gian. Ngài vẫn làm y như thế hôm nay. Nếu chúng ta sắp xếp sự ra đời của Chúa Jêsus, chúng ta sẽ không sắp xếp sự ấy theo cách nầy. Chúng ta sẽ trực điện thoại, gọi CNN rồi tổ chức hội nghị báo chí cho thật lớn. Chúng ta nói: “Hãy đến gặp chúng tôi tại số 931 đường Lake vì chúng tôi sẽ tổ chức một biến cố rất lớn sắp sửa diễn ra. Bạn phải đem theo máy thu hình đến đó vì bạn không muốn bỏ sót sự kiện đâu”. Chúng ta đem theo Connie Chung, Dan Rather, Charles Jaco, Wolf Blitzer, Diane Sawyer cùng hết thảy những người còn lại. Thêm nữa, chúng ta sắp xếp một cuộc diễu hành với ban nhạc kèn trống đủ thứ dẫn đầu. Chúng ta gọi Paul Harvey để biết chắc ông ấy đưa tin lên đài phát thanh.
Chúng ta thấy Chúa Jêsus đang đến trên một chiếc xe ngựa. Rốt lại, ít nhứt đấy là những gì bạn trông mong nơi Con của Đức Chúa Trời. Đấy là cách thức Ngài phải ngự đến. Giai cấp thượng đẳng. Mọi sự phải ngừng lại hết. Dàn chào đội mũ đỏ. Không miễn trừ một phí tổn nào hết. Thật nhiều tiền bạc. Thật nhiều phần trình diễn. Thật nhiều vẻ lộng lẫy, huy hoàng.
Đấy chẳng phải là phương thức Đức Chúa Trời hành động.
Khi Đức Chúa Trời muốn sai con Ngài vào trong thế gian, Ngài chọn một thiếu nữ dường chẳng thích hợp mấy Ngài có thể tìm được để làm người mẹ. Ngài chọn một tỉnh bị lãng quên trong Đế quốc Lamã. Ngài sắp đặt để Con Ngài trở thành một chi thể trong dòng giống Do thái bị thù ghét. Khi ấy, Ngài tìm một thị trấn dường chẳng nổi tiếng chi hết rồi sắp đặt cho Con Ngài phải ra đời trong cái chuồng chiên rồi đặt Ngài vào trong cái máng cỏ cho gia súc ăn.
Chúa Jêsus đã ra đời theo phương thức ấy để gửi cho chúng ta một sứ điệp nói tới cách thức Đức Chúa Trời lo liệu công việc Ngài. Bài ca của Mary dạy cho chúng ta biết đây là cách Đức Chúa Trời luôn luôn làm công việc của Ngài. Ngài chẳng làm việc với kẻ kiêu ngạo. Ngài không chạy thi với những vua chúa đời nầy. Ngài không song hành với người giàu. Đức Chúa Trời đã ở tại nhà với kẻ khiêm nhường, kẻ mệt nhọc, kẻ yếu đuối, và kẻ thấp hèn của đời nầy. Ngài lo liệu công việc với những ai biết kính sợ danh Ngài.
Cho phép tôi nói như thế một lần nữa để chúng ta không thể quên được: Sứ điệp của Bài Ca Ngợi, ấy là Đức Chúa Trời luôn luôn ở bên cạnh kẻ thấp hèn. Ngài luôn luôn ở bên cạnh kẻ có lòng đau thương. Ngài luôn luôn ở bên cạnh kẻ tật nguyền, kẻ điếc, kẻ mù, kẻ què, kẻ nhu nhược. Đức Chúa Trời đang ở bên cạnh những ai không thể tự lo cho mình được.
Nếu Lễ Giáng Sinh dạy chúng ta điều chi có giá trị, ấy là Đức Chúa Trời không đến trợ giúp cho kẻ tự lo được cho mình. Ngài để cho họ tự hì hụp lấy. Ngài không đến với hạng người nghĩ mình làm được sự ấy.
Đấy là lý do tại sao nếu Chúa Jêsus ra đời ngày hôm nay, Ngài sẽ không chào đời ở Oak Park. Ngài sẽ chào đời cách đây mấy dặm về phía Đông — ở trong một ngôi nhà tồi tàn nào đó ở Austin.
Và đấy là những gì Mary đang ngợi khen Đức Chúa Trời — vì Ngài làm sự bất ngờ. Và Ngài hành động chống lại những giá trị nhân đạo dõm của đời nầy. Khi Đức Chúa Trời sẵn sàng hành động, Ngài làm cho mọi người phải kinh ngạc.
Nói ngắn gọn, Mary đang ngợi khen Đức Chúa Trời vì khi Chúa Jêsus ngự đến Ngài sẽ khởi động một cuộc cách mạng trong tình yêu thương, sự phục hoà và sự tha thứ chắc chắn sẽ lan đi cho đến đầu cùng đất. Cuộc cách mạng Ngài khởi sự sẽ là lớn lao hơn bất cứ điều chi thế gian đã từng nom thấy.
Và cuộc cách mạng đã khởi sự trong cái chuồng chiên ở tại thành Bếtlêhem — một nơi dường không thích ứng gì cả.
Những gì đã khởi sự cách đây 2.000 năm vẫn còn đang diễn ra hôm nay. Năm 1991 là năm đáng kinh ngạc, có phải không? Chúng ta đã nhìn thấy một số việc gây sốc đang diễn ra quanh chúng ta. Tôi nghĩ ngay cả quan sát viên khó tính nhất cũng sẽ kết luận rằng đây quả thật là những thời kỳ cách mạng.
Nhưng cuộc cách mạng vĩ đại nhất không phải là cuộc cách mạng bạn đã đọc thấy trên đài ABC hay CBS hoặc NBC đâu. Cuộc cách mạng vĩ đại nhất — cuộc cách mạng tạo ra cái chạm lớn lao nhất trong năm 1991 — là cuộc cách mạng đã khởi sự tại thành Bếtlêhem.
Cho phép tôi gói ghém lẽ thật nầy với ba câu nói kết luận như sau:
1. Sự ra đời của Chúa Jêsus đánh dấu phần khởi đầu của cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Những gì Đức Chúa Trời đã khởi sự tại thành Bếtlêhem thật sâu xa hơn cái chạm con người có trong bất kỳ một cuộc cách mạng nào khác trong lịch sử. Sâu xa hơn cuộc cách mạng của người Anh. Sâu xa hơn cuộc cách mạng của người Pháp. Sâu xa hơn cuộc cách mạng của người Mỹ. Vĩ đại hơn Cuộc Cách mạng Nga. Tất cả những phong trào đó đều được con người khởi động vì những lý do hoàn toàn về mặt chính trị. Những gì Đức Chúa Trời đã khởi sự tại thành Bếtlêhem là một cuộc cách mạng về mặt thuộc linh, về đạo đức và về kinh tế, mọi tác động của nó người ta vẫn còn cảm nhận được hôm nay. Không mọi điều gì trong toàn bộ lịch sử có thể đem sánh được với những gì Đức Chúa Trời đã làm khi Ngài sai Con Ngài đến với trần gian.
Bạn có biết Giáng Sinh thực sự là Lễ gì không? Giáng Sinh là ngày kỷ niệm cuộc cách mạng. Bạn có biết bạn đang làm gì khi dựng lại bối cảnh máng cỏ ở trên cái bàn trong phòng khách của bạn không? Bạn đang dựng lên một biểu tượng có tính cách mạng đấy.
Mỗi lần bạn hát lên một bài ca Giáng Sinh, bạn đang hát bài quốc ca cách mạng đó. Mỗi lần bạn gửi đi tấm thiệp Giáng Sinh — nếu thiệp ấy nói tới Chúa Jêsus — bạn đang gửi đi một tài liệu có tính cách mạng đó.
Và đấy là lý do tại sao những người theo chủ nghĩa nhân văn thế tục không muốn Lễ Giáng Sinh trong các trường công. Họ hiểu mọi hàm ý của Lễ Giáng Sinh rõ hơn chúng ta hiểu nữa. Khi bạn kỷ niệm Lễ Giáng Sinh, bạn đang lật đổ các giá trị đời thường của thế gian xuống đất rồi đó — giống như Mary đã nói trong Bài Ca Ngợi.
Và mọi sự kỳ quặc trong đó, ấy là những kẻ thế tục hiểu rõ lẽ thật nầy tốt hơn chúng ta hiểu nữa. Có nhiều người trong chúng ta suy nghĩ về Giáng Sinh giống như bao kỳ lễ tôn giáo khác thôi. Nhưng những người theo chủ nghĩa nhân văn biết rõ rằng Giáng Sinh có nghĩa là Đức Chúa Trời đã đột nhập vào hành tinh nầy! Họ biết như thế, và đấy là lý do tại sao họ muốn từng dấu vết của Lễ Giáng Sinh phải bị cất bỏ ra khỏi hệ thống trường công lập. Với nhiều phương thức, họ nhìn thấy lẽ thật của lễ Giáng Sinh rõ hơn là chúng ta nhìn thấy nữa.
Đối với chúng ta, lễ Giáng Sinh là thời điểm ấm áp trong năm. Nhưng chẳng có một sự ấm áp, vui vẻ nào trong dịp Giáng Sinh đầu tiên, vì chẳng có chút ấm áp vui vẻ nào khi khởi đầu một cuộc cách mạng. Khi ấy chỉ có dao găm, kèn tù và tiếng mời gọi vũ trang.
2. Tin Lành nói tới Đức Chúa Jêsus Christ vì lẽ đó là sứ điệp long trọng và có tính cách mạng nhất mà thế giới đã từng nhìn biết.
Qua Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ, có một cuộc cách mạng về đạo đức đang tuôn ra trong thế gian. Hạng người bị ruồng bỏ thình lình được hoan nghênh. Nhiều chủng dân không thể thân thiện nổi nay thình lình hoá thân hữu. Kẻ đói được no đầy, kẻ đau được lành, kẻ cô độc được khích lệ, kẻ phung được sạch, và người có lòng đau thương được vùa giúp. Mọi sự ấy và còn nhiều việc nữa đều xảy đến qua Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ.
Một lần nữa, nan đề của chúng ta, ấy là chúng ta rất thường nghe điều nầy đến nỗi Tin Lành mất hẳn quyền phép cảm động chúng ta. Chúng ta nói “Ờ há” rồi tiếp tục gói quà. Nhưng những kẻ ở ngoài kia — ngoài mấy bức tường thánh nầy — người ta ở ngoài đó, về trực giác họ nhìn biết quyền phép của Tin Lành, cho dù họ không thể nói lưu loát hoàn toàn Tin Lành ấy.
3. Nói như thế có nghĩa là chính mình Đức Chúa Jêsus Christ là Nhà Cách Mạng Vĩ Đại Nhất trong mọi thời đại.
Tất cả những lãnh tụ con người cao trọng kia đều mờ nhạt trước thành tích của Ngài. Hãy kể ra tên tuổi của họ xem — Julius Caesar, Đại đế Alexander, Charlemagne, Napoleon, George Washington, Abraham Lincoln — ai giữa vòng họ có thể sánh được với Đức Chúa Jêsus Christ? Ai trong số họ bạn sẽ nhắc tới tên trong cùng một hơi thở? Hay hãy ghép họ lại với nhau và cái chạm của họ trên thế giới nầy thực kém cõi hơn cái chạm của Con Người xuất thân từ thành Bếtlêhem.
Một đời sống cô độc
Cách đây nhiều năm, có người đã viết một tiểu luận rất nổi tiếng về cái chạm của đời sống Chúa Jêsus. Đại loại là như thế nầy đây:
Đây là một người đã chào đời trong một ngôi làng tăm tối, là con của một phụ nữ nhà quê. Ngài lớn lên trong một ngôi làng khác. Ngài lao động trong một trại mộc cho tới năm 30 tuổi, rồi trong ba năm Ngài là một nhà truyền đạo lưu động. Ngài chưa hề làm chủ một gia đình, Ngài chưa hề viết một quyển sách. Ngài không có một văn phòng nào cả. Ngài chưa hề đi học. Ngài chưa hề đặt chơn vào một thành phố lớn. Ngài chưa hề đi quá 200 dặm kể từ nơi chào đời của mình. Ngài không hề làm một việc gì quá lỗi lạc. Ngài không có một ủy nhiệm thư nào hết trừ ra bản thân Ngài…
Trong khi còn trẻ, làn sóng dư luận chuyển sang nghịch lại Ngài. Bạn hữu Ngài bỏ đi. Một trong số họ đã chối bỏ Ngài. Ngài bị giao nộp cho kẻ thù. Ngài nếm trải sự chế giễu trong một cuộc xét xử. Ngài bị đóng đinh trên một cây thập tự giữa hai tên cướp. Trong khi Ngài còn hấp hối, những kẻ hành quyết Ngài đã bỏ thăm đặng lấy đi tài sản duy nhứt mà Ngài có ở trên đất – chiếc áo choàng. Khi Ngài gục chết, Ngài được đem xuống và được đặt trong một ngôi mộ mượn do lòng thương xót của một người bạn.
Hai mươi thế kỷ đến rồi đi và ngày nay Ngài là trung tâm điểm của dòng giống con người. Tôi dám nói như vầy: tất cả những quân đội từng đi diễu hành, tất cả những lực lượng hải quân từng được thiết dựng; tất cả những quốc hội từng hội họp và tất cả bậc vua chúa từng nắm quyền cai trị, góp hết lại, chưa có tác động vào đời sống của con người trên đất nầy một cách có năng quyền cho bằng một đời sống cô độc nầy. (Evidence That Demands a Verdict, p. 140).
Hãy đến hiệp với nhà cách mạng
Đây là ngày sinh nhựt của Ngài, chúng ta đang kỷ niệm trong kỳ lễ Giáng Sinh — sự ra đời của Chúa Jêsus nhà cách mạng.
Ngài đã đến làm thay đổi thế giới. Khi Ngài đến, thế gian chưa hề được như vậy đâu. Ngài đã khởi động một cuộc cách mạng liên tục qua nhiều thế kỷ cho đến ngày nay. Những môn đồ của Ngài đã tiếp tục cuộc cách mạng nhơn danh Ngài.
Ở ngoài những cánh cửa nầy trong dịp Lễ Giáng Sinh, cuộc chiến đang sôi động. Chúa Jêsus đã khởi sự một cuộc chiến chống Satan và Nước của hắn, một cuộc chiến tiếp tục xung quanh chúng ta ngày và đêm, một cuộc chiến trong đó nhiều người nam và người nữ là chiến lợi phẩm của chiến trận.
Năm nay và từng năm một, Vị Quan Tướng Đạo Binh của chúng ta đang tìm kiếm những người tình nguyện nào sẽ gắn kết với lý tưởng của Ngài, vác lấy ngọn cờ rồi nhơn danh Ngài mà đánh trận. Hôm nay và từng ngày một, lời kêu gọi của Ngài cũng vẫn y nguyên: “Hãy đến, hiệp tác với nhà cách mạng và chúng ta cùng nhau làm thay đổi thế giới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét