Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Mathiơ 2:1-6: "CÁCH CHÚA JÊSUS CHỈ CÓ 6 DẶM"



CÁCH CHÚA JÊSUS CHỈ CÓ 6 DẶM
Mathiơ 2:1-6

Đi bộ 6 dặm phải mất bao lâu?
Nếu bạn đi bộ bình thường, bạn sẽ đi đoạn đường đó khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nếu địa thế bằng phẳng, có thể bạn đi cả buổi trưa với đoạn đường ấy.
Chuyến đi đó không phải lặn lội gì nhiều lắm đâu. Nếu bạn muốn đi từ thành Jerusalem đến thành Bếtlêhem, với 6 dặm đường đó bạn có thể khởi hành vào buổi sáng rồi đến tại nơi ấy vào ban trưa.
Nếu bạn từng đến viếng Xứ Thánh, bạn sẽ thấy y như điều tôi đang nói tới. Xứ Israel thì nhỏ khi so với Hoa kỳ. Cả xứ chỉ khoảng chừng 8500 dặm vuông. Đấy là tầm cở của bang New Jersey và chỉ nhỏ hơn Vermont một chút thôi. Từ Đan ở phía Bắc xuống đến Bêesêba ở phía Nam chỉ chừng 150 dặm mà thôi. Đối với chúng ta, những ai thường suy nghĩ đến khoảng cách thì là giữa Miami và Seattle, viếng thăm xứ thánh buộc chúng ta phải sử dụng một lối suy nghĩ hoàn toàn khác. Trên một tua điển hình, bạn có thể thức giấc ở Caesarea trên bờ biển Địa Trung Hải rồi kết thúc ở Biển Galilê tối hôm đó. Trên đoạn đường ấy bạn có thể tham quan Núi Cạt-mên, Mêghiđô, Naxarét và Cana. Dọc đường, bạn sẽ đi ngang qua những bối cảnh của nhiều sự cố trong Cựu Ước. Và thật là đặc biệt khi khởi hành tại Biển Galilê, tham quan thành Cabênaum, Núi của những phước lành, Côraxin, Giêricô, rồi kết thúc ngày ấy tại thành Jerusalem. Đúng là trọn một ngày nhưng không phải vì khoảng cách đâu! Khách tham quan xứ sở của Kinh Thánh mau nhận ra rằng hầu hết các biến cố chính đã diễn ra trong vòng 100 dặm tính từ thành Jerusalem.
Một trong những biến cố quan trọng nhất đã diễn cách thành Jerusalem chỉ có 6 dặm đường mà thôi.
Cách đây hai ngàn năm chẳng có nhiều người cư ngụ ở đó. Thành Bếtlêhem quả thật là một “ấp nhỏ” như đã được mô tả trong bài thánh ca quen thuộc của Phillips Brooks. Mặc dù nổi tiếng là nơi ra đời của Vua David, bản thân thành phố ấy là quê hương của 200 cư dân thường trực. Vì thành ấy rất gần với thành Jerusalem, chúng ta có thể giả định rằng những nhà quán, nhà nghỉ đều đầy những lữ khách đang trên đường họ lui tới thành Jerusalem và trên đường họ về lại quê hương tổ phụ mình để đăng ký điều tra dân số đặng nộp thuế mà Caesar Augustus đòi hỏi (Luca 2:1-3).
Hãy giữ lấy tư tưởng nầy trong trí. Thành Jerusalem và thành Bếtlêhem là những láng giềng lân cận với nhau, thành Jerusalem là thành phố lớn và thành Bếtlêhem là một thôn, ấp nhỏ bình thường không phải là địa điểm hay lui tới. Thành Bếtlêhem trong thời đó là một nơi bạn nghỉ chơn khi đến với thành phố lớn kia. Bạn qua đêm tại thành Bếtlêhem và qua ngày sau bạn đi bộ 6 dặm đường đến thành Jerusalem.
Sáu dặm đường. Đâu có xa lắm đâu!
Ngược lại với cái phông ấy, chúng ta đọc câu chuyện của Mathiơ về sự đến của mấy thầy bác sĩ xem:
“Khi Đức Chúa Jêsus đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu. Tâu rằng: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng phải kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, Vì từ ngươi sẽ ra một tướng, Là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân ta" (Mathiơ 2:1-6).
Vì vậy, có nhiều thắc mắc hiện lên trong trí khi chúng ta đọc phân đoạn Kinh Thánh nầy:
Mấy thầy bác sĩ là ai vậy?
Họ đến từ đâu?
Họ đi bao xa?
Có mấy thầy bác sĩ đến tại thành Jerusalem?
Đâu là “ngôi sao” mà họ đã thấy bên Đông phương?
Họ biết về ngôi sao ấy như thế nào?
Nó dẫn đường cho họ ra sao?
Tại sao họ đến đặng thờ lạy “Vua của dân Giuđa"?
Tại sao cả thành phố đều bối rối?
Tôi muốn chú trọng vào một câu hỏi duy nhứt mà phân đoạn Kinh Thánh không giải đáp hoàn toàn:
Tại sao các cấp lãnh đạo Do thái không đi đến thành Bếtlêhem?
Thành ấy gần quá mà. Chỉ cách có 6 dặm thôi. Nếu họ biết rõ Đấng Mêsi sẽ ra đời ở đó, tại sao họ không đến mà kiểm tra cho chính mình?
Mấy thầy bác sĩ đều biết rất ít, họ đến từ phương xa, và đã dâng hiến rất nhiều.
Các thầy thông giáo thì biết rất nhiều, lại ở rất gần, và đã làm rất ít.
Đoạn đường ấy chỉ là một chuyến đi ngắn ngủi mà thôi.
Chỉ có 6 dặm đường.
Tôi đang viết ra mấy lời nầy từ tư thất ở Tupelo, Mississippi, vì vậy tôi trình bày vấn đề theo những thuật ngữ của địa phương.
Nếu Chúa Jêsus đã đến tại Verona, liệu chúng ta có đến mà gặp Ngài không?
Nếu có ai nói rằng Chúa Jêsus đã ra đời ở Belden, liệu chúng ta có ngưng ngay những việc mình đang làm không?
Nếu Chúa Jêsus xuất hiện ở Saltillo, liệu chúng ta có đến mà chào tiếp Ngài không?
Sẽ ra sao nếu Chúa Jêsus đến tại Pontotoc hay New Albany hoặc Mooreville hay Fulton, liệu chúng ta có bận quá mà không đến gặp Ngài chăng?
Hãy suy nghĩ đến mọi sự mà các thầy thông giáo đã biết về sự đến của Đấng Mêsi:
Ngài sẽ ra đời thuộc dòng dõi của người nữ. Điều đó chép ở Sáng thế ký 3:15.
Ngài sẽ là dòng dõi của Sem. Điều đó chép ở Sáng thế ký 9:26.
Ngài sẽ là dòng dõi của Ápraham. Điều đó chép ở Sáng thế ký 12:1-3.
Ngài sẽ là dòng dõi của Ysác. Điều đó chép ở Sáng thế ký 22:18.
Ngài sẽ là dòng dõi của Giacốp. Điều đó chép ở Sáng thế ký 28:14.
Ngài sẽ thuộc về chi phái Giuđa. Điều đó chép ở Sáng thế ký 49:10.
Ngài sẽ là “con của Vua David". Điều đó chép ở II Samuên 7:11-12, 16.
Ngài sẽ do người nữ đồng trinh sanh ra. Điều đó chép ở Êsai 7:14.
Ngài sẽ ra đời tại thành Bếtlêhem. Điều đó chép ở Michê 5:1.
Chúng ta có thể tóm tắt trong 5 câu nói đơn sơ những gì các học giả Do thái biết về Đấng Mêsi:
1. Ngài sẽ là một người Do thái.
2. Ngài xuất thân từ chi phái Giuđa.
3. Ngài là dòng dõi của Vua David.
4. Ngài sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem.
5. Ngài sẽ do người nữ đồng trinh sanh ra.
Các thầy thông giáo, các thầy tế lễ cả, các văn sĩ mà Hêrốt đã hỏi thăm là ai vậy? Họ là những bộ óc thâm thúy và sáng láng nhất trong thời ấy. Là học viên chuyên nghiệp bộ kinh Torah của Đức Chúa Trời, họ đã nghiên cứu Cựu Ước cả ngày lẫn đêm. Họ vốn biết rõ Lời của Đức Chúa Trời, yêu mến, tôn kính, học hỏi, tranh cãi, nghiên cứu và học thuộc lòng Lời ấy. Một số người trong họ đã học thuộc lòng năm sách đầu tiên của Kinh Thánh tiếng Hybálai. Nhiều người khác đã thuộc lòng sách Thi thiên bằng tiếng Hybálai.
Khi chúng ta có mặt tại thành Jerusalem vào tháng Mười, chúng ta nhìn thấy một thầy thông giáo hiện đại lúc chúng ta đến viếng Học viện Đền Thờ. Một thanh niên ăn mặc toàn màu đen và đội cái mũ trên chõm tóc. Chúng ta quan sát khi anh ta đang sao chép tỉ mỉ từng chữ của Cựu Ước, cẩn thận viết từng chữ Hybálai một. Anh ta dành thì giờ, quan sát cẩn thận, kiểm tra việc làm mình, biết chắc mình không để sót một mẫu tự nào. Trong sự tôn kính ấy, chẳng có một việc gì thay đổi trong mấy ngàn năm. Khi chúng ta đến viếng Bức Tường ở phía Tây, chúng ta thấy nhiều người Do thái ở gần bức tường, họ đứng đó và hát lên những phân đoạn từ Cựu Ước và kể lại những lời cầu nguyện truyền thống bằng tiếng Hybálai, theo truyền khẩu xa xưa chuyền xuống qua các thế hệ.
Khi Hêrốt hỏi thăm nơi Đấng Christ sẽ ra đời, ngay lập tức các cấp lãnh đạo tôn giáo đều biết rõ câu trả lời, tại thành Bếtlêhem xứ Giuđê vì đó là điều tiên tri Michê đã loan báo khoảng 700 năm trước.
Họ biết rõ điều đó tận đáy lòng.
Họ không cần phải xem xét lại.
Sử dụng thuật ngữ hiện đại, họ không phải sử dụng chỉ tay hay nói: “Thưa, chúng ta biết chắc 5/5 về sự kiện đó”. Tôi dám chắc một trong số họ đã mỉm cười rồi nói: “Tôi hy vọng nhà vua sẽ hỏi chúng tôi một câu hỏi khó vào lần tới".
Nếu họ biết rõ sự thật, tại sao họ không đi đến thành Bếtlêhem? Cho phép tôi đề nghị ba câu trả lời cho câu hỏi ấy.
1. Sự hiểu biết của họ đã làm cho họ lười biếng về trí khôn.
Có phải bạn biết quá nhiều là dễ dàng không? Bạn có thể nghiên cứu lâu dài, so sánh nhiều ý kiến, đọc thật nhiều sách, và tranh luận với nhiều ý tưởng đến nỗi bạn chưa dám chắc về một việc gì. Bạn “vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được” (II Timôthê 3:7). Tri thức thì tốt đấy, song ở một số điểm bạn phải đưa ra quyết định điều mình phải tin. Nói như thế nầy thì chưa phải là đủ đâu: “Tôi đã nghiên cứu tôn giáo. Tôi biết tín đồ Ấn độ giáo tin cái gì, tôi biết tín đồ Hồi giáo tin điều gì, tôi nghe tất cả những chuyên gia nói, tôi có đọc những quyển sách mới nhất, và tôi có thể luận về những thành tích của mọi hệ phái”. Đúng và tốt đấy. Nhưng tri thức cả thể của bạn được sử dụng như thế nào nếu bạn chưa hề đưa ra một cam kết cá nhân?
2. Tôn giáo của họ khiến họ dửng dưng về mặt thuộc linh.
Trả lời thắc mắc của Hêrốt giống như đang chơi game Bible Trivia, trong đó bạn đã biết trước những câu trả lời rồi. Thế nhưng, tôn giáo thậm chí là tôn giáo đứng đắn đi nữa, ngay cả tôn giáo dựa theo Kinh Thánh, có thể làm cho tâm trí của bạn phải câm điếc đi. Đừng quá dễ dãi khi sa vào cái bẫy cho rằng: “Tôi là tín đồ Báptít” hay “Tôi là người Công giáo” hoặc “Tôi thuộc hệ phái Luther” hay “Tôi thuộc hệ phái Trưởng Lão” hoặc “Tôi thuộc nhóm Anh Em” hay “Tôi thuộc Hội Thánh của Đấng Christ” hoặc “Tôi thuộc hệ phái Giám Lý”, giống như thể lên thiên đàng được quyết định bởi tư cách của giáo hội vậy. Thật quá dễ dàng cho hết thảy chúng ta đừng “chơi theo luật” của bất kỳ giáo hội nào chúng ta đang nhóm lại mà vẫn giữ lấy Đấng Christ trong tay. Bao lâu Chúa Jêsus còn là một học thuyết cho chúng ta, Ngài sẽ chẳng có ích gì cho cá nhân chúng ta.
3. Lai lịch của họ khiến cho họ dốt nát về mặt văn hóa.
Tôi nghĩ đây là lý do chính. Hãy suy nghĩ về điều đó trong một phút. Ngày kia, có một số khách viếng đến trong thị trấn của bạn, họ xưng đã nhìn thấy một ngôi sao bên Đông phương đã dẫn họ đến tìm kiếm con trẻ ra đời làm “vua dân Giuđa”. Đúng là một câu chuyện quái dị. Nhưng dù sao thì mấy gã nầy là ai chứ? Làm sao chúng ta biết điều họ đang nói là sự thực? Ai đã sai phái họ? Họ đến từ đâu? Và ngôi sao nầy là gì chứ? Nó ở đâu vậy? Tại sao chúng ta không thể nhìn thấy ngôi sao đó?
Trông họ rất là khác biệt. Họ nói năng khác biệt. Họ ăn mặc cũng khác. Mọi sự về họ như gào lên: “Chúng tôi không đến từ quanh đây đâu”. Không có gì lạ lùng khi thành phố đã ở trong sự phản ứng. Những việc lạ lùng chắc chắn cũng có ở tại thành Jerusalem.
Thật dễ dàng không kể đến hạng người không giống như chúng ta.
Charles Spurgeon bình luận về các cấp lãnh đạo Do thái như sau:
Người nào là cấp lãnh đạo thì chẳng phải là lãnh đạo gì cả; thậm chí họ không phải là môn đồ của những gì là tốt lành, vì họ chẳng có lòng dạ nào đối với Đấng Christ.
Tôi gạch dưới cụm từ sau cùng vì tấm lòng luôn luôn là vấn đề. Nếu tấm lòng không ngay thẳng, không một lượng tôn giáo nào có thể cứu được nó. Nếu tấm lòng không ngay thẳng, không một lượng tri thức Kinh Thánh nào có thể trám được sự khác biệt.
Trong phần chú giải của ông về phân đoạn nầy, John Calvin nói như sau:
Đây là một trường hợp rất thờ ơ, nghĩa là chẳng một người Do thái nào tự nguyện làm hộ tống cho những khách lạ nầy, để đi đến nơi, nhìn xem nhà Vua đã được hứa cho chính dân tộc họ.
Thờ ơ quá.
Đấy là những gì đã xảy ra. Ông cũng gọi đó là “tình trạng vô ơn bạc nghĩa xấu xa”. Có lẽ họ e sợ thái độ giận dữ của Hêrốt nếu họ cùng đi với mấy thầy bác sĩ. Nhưng sợ gì chứ? Cái sợ đó chỉ ra người Do thái đã chìm đắm thật sâu trong vòng nô lệ về mặt thuộc linh.
Họ chỉ cách Chúa Jêsus có 6 dặm đường!
Sáu dặm đường!
Bạn có thể đi bộ rất dễ dàng trong hai hay ba tiếng đồng hồ. Giả sử chúng ta để trống nhà thờ rồi đi sáu dặm đường đó. Hầu hết chúng ta có thể làm việc ấy mà chẳng gặp phải trở ngại nào.
Nhưng dù sợ hãi hay vô ơn bạc nghĩa hoặc thờ ơ hay dửng dưng, các cấp lãnh đạo Do thái đã không đi 6 dặm để gặp gỡ Chúa Jêsus.
Hãy đến, hỡi Ngài Chúa Jêsus từ lâu mong đợi ... Chỉ có 6 dặm đường mà thôi.
Ra đời để buông tha cho dân sự Ngài được tự do ... Chỉ có 6 dặm đường mà thôi.
Hãy đến, hỡi các môn đồ trung tín ... Chỉ có 6 dặm đường mà thôi.
Hãy đến, chúng ta hãy thờ lạy Ngài ... Chỉ có 6 dặm đường mà thôi.
Sáu dặm đường. Và chẳng ai trong những thầy thông giáo quan tâm đủ để ra đi mà kiểm chứng tiếng đồn đãi nói rằng Đấng Mêsi từ lâu mong đợi đã ra đời. Cách Chúa Jêsus có sáu dặm đường. Cách ơn cứu rỗi có sáu dặm đường. Cách ơn tha thứ có sáu dặm đường. Cách sự sống đời đời có sáu dặm đường. Họ quá bận rộn nghiên cứu Kinh Thánh đến nỗi không đến gặp gỡ cho chính họ.
Khi tôi đọc Mathiơ 2, một sự kiện đập mạnh vào tôi trên hết mọi sự khác. Ai nấy đều chú trọng vào cùng một thông tin rất cơ bản. Hết thảy họ đều biết rõ con trẻ sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem và hết thảy họ đều biết rõ con trẻ là ai rồi. Hêrốt vốn biết rõ và tìm cách để giết Ngài; các thầy thông giáo đều biết rõ và bất chấp Ngài; mấy thầy bác sĩ đều biết rõ và đã đến thờ lạy Ngài.
Các học giả Kinh Thánh đều biết rõ câu trả lời cho thắc mắc đó, họ biết rõ Đấng Mêsi sẽ chào đời tại thành Bếtlêhem, nhưng tri thức của họ đã xét đoán họ càng hơn vì họ chẳng làm một điều gì về lẽ thật mà họ vốn biết rõ. Nguyện đừng có ai bỏ qua bài học quan trọng nầy: Thật dễ nhìn biết một việc quan trọng mà vẫn bỏ qua lẽ thật.
Đối với những ai cảm thấy họ quá bận đến nỗi không lao vào tìm kiếm Chúa Jêsus, C. S. Lewis đã viết ra mấy lời nầy:
Hãy tìm kiếm cho chính mình, và bạn sẽ tìm thấy trên con đường dài chỉ có thù ghét, cô độc, thất vọng, giận dữ, đổ nát, và thối rửa. Nhưng hãy tìm kiếm Đấng Christ và bạn sẽ gặp được Ngài, và với Ngài mọi sự khác sẽ được thêm cho.
Chúa Jêsus đứng ở cuối con đường sự sống để đón hết thảy chúng ta. Chẳng có một vùng đất trung lập nào cả. Không biết Ngài thì y như là thù ghét Ngài vì bạn kết thúc mà chẳng có Ngài. Và có lẽ thù ghét thì tốt hơn vô tình từ bỏ vì khi bạn thù ghét, ít nhất bạn phải chú ý đến đối tượng bị thù ghét kia, và chính sự chú ý đó một ngày kia sẽ dẫn đến sự thay đổi của tấm lòng. Bất chấp Chúa Jêsus cũng có nghĩa là sống giống như thể Ngài chẳng nhằm nhò gì cả. Nhưng không một ai có thể bất chấp Ngài cho đến đời đời được. Hết thảy chúng ta đều có một sự gặp gỡ với Đấng Christ không sớm thì muộn.
Toàn bộ thắc mắc không phải là ai khác phải đáp ứng mà chính bạn phải đáp ứng với Chúa Jêsus. Thực sự, đấy là việc duy nhứt là vấn đề. Một là bạn giống như Hêrốt hay với các thầy thông giáo hoặc với mấy thầy bác sĩ? Bạn có thù nghịch Chúa Jêsus không? Bạn có quá bận rộn không quan hệ được chăng? Bạn có chịu đến đặng thờ lạy Ngài là Cứu Chúa và Chúa không?
“Xin biến lòng con thành chiếc máng cỏ”
Một câu chuyện sau cùng và chúng ta được nghe kể lại trong quyển sách của ông, Jess Moody thuật lại việc gặp gỡ Rose Kennedy (mẹ của Tổng Thống John F. Kennedy) cách đây nhiều năm trong một buổi học Kinh Thánh mà ông đang đứng dạy. Buổi tối hôm ấy, ông đã thách các khán thính giả của mình hãy khiến lòng họ ra sẵn sàng để đón Chúa vì cuộc sống là ngắn ngủi cho hết thảy chúng ta, và không ai biết tương lai đang nắm giữ điều gì!?! Khi buổi nhóm xong rồi, Rose Kennedy đã nói chuyện riêng với Jess Moody, bà nói: “Tôi đã làm điều mà ông vừa nói tối nay”. Bà tiếp tục nói rằng khi còn là một cô dâu trẻ, bà đã có lòng ham mến quyền lực của đồng tiền. Bà sống ích kỷ, chỉ sống cho những ham muốn của riêng mình. Thế rồi bà cho ra đời một bé gái rất xinh xắn. Không lâu sau đó rõ ràng là có gì sai trái với đứa con gái của bà. Những trị liệu về y học cho thấy rằng con gái bà đã ra đời với tình trạng chậm phát triển về trí khôn và phải bị đưa vào viện để sống cả đời mình. Rose Kennedy nói rằng bà và chồng bà đều thấy đau buồn lắm với những tin tức đó. Thế rồi sự tàn phá chắc chắn đổi thành giận dữ ghê gớm đối với Đức Chúa Trời: “Sao Ngài lại để cho chuyện nầy xảy ra với chúng con?” bà đã cầu hỏi Chúa. Cơn giận trở thành một loại cay đắng gậm nhấm dần dần, nó làm cho từng điều vui mừng trong đời sống của bà phải khô héo đi.
Một tối kia, bà và chồng bà vạch kế hoạch đến dự một buổi nhóm xã hội. Họ quyết định vào lúc sau cùng không đi khi bà nhận ra rằng cơn giận đang thiêu đốt bà. Bà sợ hãi đối với những gì bà đã làm hay nói, nếu có ai đó hỏi han về tình trạng của con gái bà. Và đấy là việc đã xảy ra. Một người tớ gái làm việc cho gia đình đã nói với bà: “Thưa bà Kennedy, tôi đã nhìn thấy bà mấy phút trước đây và tôi đã thấy bà rất giận dữ kia mà. Nếu bà chưa làm một việc gì, nó sẽ phá hủy bà đấy. Tôi nghỉ bà nên dâng lên lời cầu nguyện như thế nầy: “Lạy Chúa, xin biến lòng con thành chiếc máng cỏ để con trẻ Christ sẽ ngự vào”.
Rose Kennedy nói cho Jess Moody biết rằng bà giận đến nỗi bà muốn thiêu đốt người tớ gái kia ngay tại chỗ. Nhưng tối hôm ấy, khi bà lên giường ngủ, bà không thể chợp mắt được. Cứ trở mình trằn trọc rồi xây qua xây lại, bà không thể loại được lời cầu nguyện đơn sơ ấy ra khỏi đầu. Sau cùng, bà quì gối xuống cạnh giường mình, và trong một hành động đầu phục sâu sắc, bà dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin biến lòng con thành chiếc máng cỏ để con trẻ Christ sẽ ngự vào”. Chính giờ phút ấy, trong bóng đêm trầm hẳn xuống, khi bà kêu la trong đau khổ, Đức Chúa Trời đã nghe và đã đáp lời cầu nguyện của bà. “Con luôn luôn sống rất tôn giáo, Ngài biết đấy. Con là một người Công giáo và con luôn luôn tin theo Chúa Jêsus”. Nhưng đây là sự khác biệt. Vào buổi tối đó, bà đã mở lòng ra cho Đấng Christ theo một cách mới, và tấm lòng của bà quả thật đã biến thành chiếc máng cỏ, Đấng Christ có thể chào đời tại đó trong bà. Yêu thương đã thế chỗ cho cơn giận đã nắm bắt lấy linh hồn bà. Và cuối cùng của câu chuyện là đây: Bà đã thuê lại người tớ gái đã ở với gia đình cho tới chừng bà qua đời nhiều năm sau đó.
Phần nhiều người trong chúng ta cần phải dâng lên lời cầu nguyện ấy tối hôm nay. Có lẽ chúng ta đã sống rất tôn giáo và hiển nhiên có nhiều người đang tin theo Chúa Jêsus. Nhưng đối với một số người trong chúng ta, niềm tin ấy không hề dẫn tới một phút cam kết tư riêng nào cả. Và có thể trong những ngày nầy đang dẫn tới Lễ Giáng Sinh, giận dữ, lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ, và những bối rối khác bên trong đang làm khô héo mọi sự mừng vui trong tấm lòng của bạn. Vì vậy, đây là lời mời dành cho bạn đến từ Chúa. Hãy mở lòng bạn ra. Hãy bỏ đi những điều hồ nghi và sợ hãi. Hãy bỏ đi cơn giận của bạn. Hãy chào vĩnh biệt với nỗi cay đắng. Hãy bỏ đi những việc đang xiềng xích quá khứ của bạn. Hãy dâng lên lời cầu nguyện nầy: “Lạy Chúa, xin biến lòng con thành chiếc máng cỏ để Đấng Christ ngự vào”. Mấy lời ấy có thể làm thay đổi đời sống của bạn hôm nay. Đấng Christ không hề xây mặt đi đối với tấm lòng nào đang cởi mở ra đối với Ngài. Người nào tìm kiếm Ngài sẽ gặp được Ngài bất cứ lúc nào. Nguyện đây sẽ là kinh nghiệm của bạn trong suốt mùa lễ Giáng Sinh nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét