Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Giacơ 5.14-16: "Cầu nguyện cho người bịnh – Phần 2"



Cầu nguyện cho người bịnh – Phần 2

Giacơ 5.14-16
Cách đây mấy ngày, tôi có nhận một bức thư bạn tôi gửi đến, con gái của người nầy vừa được chẫn đoán với chứng bướu não rất trầm trọng sẽ cất lấy mạng sống của cô ấy trong khoảng thời gian từ 12 đến 24 tháng tới đây, trừ phi có một việc gì đó bất thường xảy ra. Cô ấy và chồng là giáo sĩ với công tác rất hiệu quả cho những người nam người nữ phục vụ trong các lực lượng vũ trang. Chúng tôi biết họ rất rõ và có lòng tin cậy rất lớn trong công tác mà họ đang thực hiện cho Chúa. Con gái của bạn tôi vừa tròn 40 tuổi. Đây là mẫu tin trích từ bức thư mà tôi đã nhận được:
“Hiện đang có hàng ngàn người cầu xin Đức Chúa Trời can thiệp, và chúng tôi cảm ơn bạn rất nhiều. Cứ giữ lấy sự cầu nguyện luôn – chúng tôi tin nơi một Đức Chúa Trời hay làm phép lạ”. Ông ấy đã kết thúc bức thư với mấy lời nầy: “Mắt đẩm lệ, nhưng lòng thì tin tưởng nhiều việc tốt lành sẽ xảy đến”.
Gần như mỗi ngày tôi đều nhận được những bức thư đại loại giống như bức thư nầy. Hết thảy chúng ta đều biết đấy. Ở đây, trong nước Mỹ chúng ta hiện đang tranh cãi về chăm sóc y tế rất cẩn thận vì chúng ta có rất nhiều người đang đau bịnh. Và mỗi ngày, chúng ta đã đọc thấy sự lan rộng của bịnh cúm H1N1. Tôi có một người bạn đang điều trị ung thư ở Dallas, rồi ở Tupelo, rồi không tới một tuần trôi qua lúc nào cũng có người yêu cầu tôi cầu nguyện cho họ về ung thư, một là bịnh của họ hoặc chứng ung thư của bạn bè hay người thân. Một người bạn khác đang nằm trong bịnh viện với chứng viêm não, chứng nầy rất hiếm có. Chúng tôi đã cầu thay cho hết thảy những người nầy, và tất nhiên cho Colson Taylor đã ra đời vào ngày 26 tháng 6 và rất khó qua khỏi được.
Dường như bịnh tật chẳng có kết thúc. Nó song hành với cuộc sống trên chỗ mà nhà soạn kịch Noel Coward gọi là: “hành tinh bị kết án tử hình” nầy. Và trong hai ngàn năm, nhiều Cơ đốc nhân đã noi theo gương của Chúa Jêsus lo chăm sóc cho kẻ đau yếu và người hấp hối. Trong từng nhánh của phong trào Cơ đốc, dân sự của chúng ta đã mở ra nhiều bịnh viện, dưỡng đường, bệnh xá, nhà nghỉ, ký túc xá, các trung tâm chăm sóc y tế, nhà thuốc tây và các trường y khoa, và chúng ta đã làm việc để cung ứng thực phẩm và nước sạch cho những kẻ không có các khoản ấy. Cơ đốc nhân không phải là hạng người duy nhứt đang lo liệu các lãnh vực nầy, nhưng ở nhiều nơi chúng ta đã chỉ đạo lo liệu chúng. Từ Chittagong đến Galmi, từ Jos đến Asuncion, các môn đồ của Đấng Christ đã cầu nguyện, dâng hiến và hy sinh để giúp cho kẻ khốn khổ trong danh của Chúa Jêsus.
Như bức thư của bạn tôi cho thấy, thường thì mối lo đến rất gần với từng gia đình. Ông ấy biết rõ phần chẫn đoán về y học cho con gái mình. Tôi biết chứng bịnh ấy vì ông ta ghi rõ căn bịnh đó. Và theo ánh sáng của sự việc, với sự nhìn biết trong hiện tại, chẳng có một phương cứu chữa nào về y học cho chứng viêm não của cô nầy hết, ông ấy cảm tạ mọi người vì đã dâng lời cầu nguyện, và rồi ông ấy nói: “Cứ giữ lấy sự cầu nguyện – chúng tôi tin tưởng nơi một Đức Chúa Trời hay làm phép lạ”.
Khi tôi đọc mấy lời nầy, tôi nhũ thầm rằng: “Đấy là một sự cân nhắc đúng đắn. Đấy là phương thức một Cơ đốc nhân nói năng và cầu nguyện khi đối diện với một trường hợp khẫn cấp về mặt y khoa”. Bạn có thể nhận lãnh sự trợ giúp về mặt y khoa khi có thể. Bạn đối diện với thực tế rất thẳng thừng. Bạn yêu cầu bạn bè mình cầu nguyện. Bạn tự nhắc nhớ bản thân mình và nhiều người khác rằng bạn tin tưởng nơi một Đức Chúa Trời hay làm phép lạ.
Và bạn cứ tin, dù qua đôi mắt đẩm lệ, dù qua “những việc tốt lành” đang có ở trước mặt có thể đến từ trên trời, chớ chẳng phải từ dưới đất.
Vì người con gái cứ tin vào Chúa Jêsus, số phận đời đời của cô ấy là chắc chắn. Vì người cha tin nơi sự tể trị và lòng nhơn từ của Chúa, ông ấy có quyền giữ lòng tin.
Chữa lành thực sự có nghĩa gì!?!
Điều ấy đưa chúng ta quay trở lại với phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta. Ở phần 1 của sứ điệp nầy, chúng ta đã nhìn vào Giacơ 5.14-15 với từng chi tiết. Tôi sẽ nhắc lại những câu nầy ở đây, thêm vào lời lẽ của câu 16:
“Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người. Sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu kẻ bịnh, Chúa sẽ đỡ kẻ ấy dậy; nếu kẻ bịnh có phạm tội, cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều”.
Khi tôi xem xét phân đoạn Kinh Thánh nầy theo ánh sáng của cả Kinh Thánh, hai câu sau đây dường như rất thực đối với tôi:
1) Ý chỉ của Đức Chúa Trời không luôn luôn chữa lành theo phần xác hoặc không một người tin Chúa nào bịnh sẽ ngã chết.
2) Chính ý của Chúa thường là chữa lành hay khác đi thì tại sao Giacơ 5.14-15 lại có trong Kinh Thánh?
Có khi chúng ta chú trọng vào một câu nói nầy mà chẳng chú trọng vào câu nói kia, nhưng chúng ta cần phải nắm chắc lấy cả hai câu đó. Tôi nghĩ rằng chúng ta thường định nghĩa “chữa lành” quá hạn hẹp. Chữa lành hay có ý nói tới “dời bịnh tật đi”. Chữa lành không có nghĩa là cho đồng hồ chạy lui lại để sự cố đừng xảy ra hay chứng ung thư không xảy đến. Sự sống không tác động theo cách đó. Chữa lành luôn luôn có quan hệ tới việc đẩy chúng ta tới phía trước. Chúng ta “được lành” khi chúng ta bước vào mối quan hệ phải lẽ với Đức Chúa Trời. Khi ấy mối quan hệ đó chạm đến từng chi thể của cuộc sống – thân, hồn, thần. Mối quan hệ ấy bao gồm sự chữa lành các mối quan hệ gãy vỡ và đưa chúng ta đến một nơi mà ở đó chúng ta có thể nhận lãnh các ơn phước của Đức Chúa Trời theo một phương thức mới mẻ và đầy năng quyền. Cho phép tôi nhắc lại một lần nữa phần trưng dẫn làm sáng tỏ vấn đề ra: “Chữa lành trong Kinh Thánh không phải là trở nên những gì chúng ta sẽ trở thành mà là trở nên mọi sự mà Đức Chúa Trời dự trù cho chúng ta phải trở thành”. Hãy suy nghĩ về điều đó trong một phút xem. Khi tôi cầu nguyện xin chữa lành, chúng ta không dám chú trọng nhiều về phần xác đến nỗi chúng ta quên phứt về mặt thuộc linh, về tình cảm, và những phương diện liên quan trong cuộc sống. Chúng ta không được chữa lành cho tới chừng nào chúng ta được làm cho trọn vẹn trên từng cấp độ hiện hữu của chúng ta.
Tầm nhìn của chúng ta về “chữa lành” thường nói tới: “thay đổi các cảnh ngộ nầy”. Tầm nhìn của Đức Chúa Trời về “chữa lành” bao gồm cả việc làm cho chúng ta ra giống như Con của Ngài (Rôma 8.28-29).
Tôi không có ý nói rằng chúng ta không nên sốt sắng cầu nguyện xin được chữa lành trong chỗ thứ nhứt. Tôi đã có mặt ở đó hơn một lần với những người thân của tôi. Trong những giây phút tuyệt vọng đó, mọi sự chúng ta có thể nhìn thấy là sự đau khổ của một số người, họ là thế gian đối với chúng ta. Chúng ta có thể khó mà cầu nguyện được: “Lạy Chúa, làm ơn chữa lành vì Ngài là nguồn hy vọng của chúng con”. Những lời cầu nguyện đó rất tốt, đúng đắn và chúng ta nên cầu nguyện theo cách ấy. Thế nhưng, khi chúng ta thốt ra những lời đó, chúng ta cũng biết rõ chúng ta sống giống như mấy đứa trẻ đang nhìn qua cái lỗ khóa vậy:
Chúng ta thấy ít lắm.Đức Chúa Trời thấy nhiều hơn.Chúng ta thấy có một phần.Còn Đức Chúa Trời nhìn thấy cả tổng thể.
Và đây là chỗ mà quan niệm chữa lành của chúng ta cần phải bao gồm cả việc trở nên mọi sự mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải trở thành. Như vậy, chúng ta phải bởi đức tin mà thốt lên: “Lạy Chúa, xin hãy làm điều chi mà Ngài biết là tốt nhất trong hoàn cảnh nầy. Chúng con cầu xin sự chữa lành theo phần xác qua bất cứ thứ chi Ngài chọn ưng ý. Hãy làm cho Ngài được vinh hiển qua những lời cầu nguyện của dân sự Ngài. Xin gây dựng đức tin để biết tin cậy thật sâu sắc ở trong Ngài. Hãy làm điều chi thực sự là tốt nhứt theo con mắt của Ngài, bất luận đó là việc gì, để chúng con trở nên giống như Đấng Christ càng hơn và Ngài có thể được vinh hiển và thế gian kia có thể được kéo đến với Chúa Jêsus”.
Một số kết luận dựa theo bổn tánh của Đức Chúa Trời.
Khi tôi nghiên cứu Giacơ 5, tôi thấy rằng cầu nguyện cho người bịnh đáng phải là công việc bình thường của Hội Thánh. Đây là một chức vụ cao thượng sẽ có năng quyền trong một phương thức lớn lao hơn nếu chúng ta dám tin và vâng theo Lời của Ngài.
Sau đây là tám kết luận tóm tắt sự hiểu biết của tôi trong hiện tại về cách áp dụng Giacơ 5.14-16 trong thời buổi của chúng ta.
A. Một khi Đức Chúa Trời đang tể trị, chúng ta không thể biết được kết quả của những lời chúng ta cầu nguyện. Vì thế, chúng ta nên cầu nguyện với sự hạ mình, không đưa ra những lời hứa mà chúng ta không thể giữ được. Đến cuối ngày, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, còn chúng ta thì không. Chúng ta phải giữ lấy nhận thức nầy trước mặt chúng ta đang khi chúng ta cầu thay cho người bịnh.
B. Một khi Đức Chúa Trời là toàn năng, chúng ta phải mong mỏi Đức Chúa Trời sẽ vận hành từ trời khi đáp lời cầu nguyện của chúng ta, thường qua những cách thức mà chúng ta không thể giải thích theo cách của con người được. Vì thế, chúng ta nên dạn dĩ cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời cung ứng. Có khi, trong lúc viếng thăm người bịnh, có thể chúng ta cảm thấy bị dọa dẫm bởi tình trạng trầm trọng của tình huống. Nhưng nếu chúng ta hướng mắt mình nhìn về Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không sợ hãi mà cầu xin Ngài chữa lành cho con cái Ngài.
C. Khi Đức Chúa Trời mời chúng ta cầu nguyện, chúng ta nên sốt sắng cầu nguyện cho những gì chúng ta có cần. Giacơ 5.16 chép rằng lời cầu nguyện của người công bình thật có linh nghiệm nhiều. Mượn một cụm từ ở một bản dịch xưa, chúng “hữu hiệu nhiều” với Đức Chúa Trời. Chúng quan trọng đối với Đức Chúa Trời. Ngài chú ý đến những lời cầu nguyện thật sốt sắng. Từ Hylạp nói tới “sốt sắng” là nói tới sự “sôi sụt”. Những lời cầu nguyện sôi sụt lôi kéo sự chú ý của Đức Chúa Trời. Bạn có biết một lời cầu nguyện “sôi sụt” có nghĩa gì không? Bạn sẽ khám phá ra ý nghĩa khi vị bác sĩ nói: “Chúng tôi đem con của ông đi để giải phẩu. Cuộc giải phẩu có lẽ sẽ mất cả hai tiếng đồng hồ”. Khi họ đẩy con của bạn đi, bạn sẽ biết ngay “lời cầu nguyện sôi sụt” có ý nghĩa như thế nào liền. Không một điều chi có thể làm cho bạn xao lãng được khi ấy. Cầu nguyện giống như vầy y như là phải tập trung hoàn toàn vậy. Thà một lời cầu nguyện ngắn từ đáy lòng còn hơn là cầu nguyện dài chỉ khiến cho bạn phải buồn ngủ.
D. Khi mọi sự Đức Chúa Trời dựng nên đều là tốt lành, chúng ta nên xem cả cầu nguyện và y khoa là những ân tứ để giúp chúng ta khi chúng ta đau bịnh. Quan điểm nầy dường như là rõ ràng đối với tôi, song có thể đó là chỗ mà một số người sẽ tranh cãi. Đức Chúa Trời không buộc chúng ta phải chọn giữa cầu nguyện và y khoa. Hãy cầu nguyện, và cầm lấy những viên thuốc cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Hãy tìm kiếm Chúa khi bạn yếu sức và cầu xin Ngài cứu giúp. Và đừng xem khinh sự cứu giúp của Ngài một khi nó đến trong hình thức giải phẩu hay hóa học trị liệu.
E. Một khi Đức Chúa Trời biết điều chi là tốt nhứt, chúng ta phải tin rằng khi sự chữa lành không đến, ấy là vì sự tốt lành của chúng ta và vì sự vinh hiển của Ngài. Điều nầy chẳng khác chi hơn phần tóm tắt mà Rôma 8.28 đã dạy. Có khi chúng ta nhìn thấy điều nầy rất rõ ràng và nhiều lần khác chúng ta phải chọn tin theo đấy bởi đức tin. Nhưng thực sự trong từng trường hợp chúng ta có hiểu được sự đó trọn vẹn hay là không.
F. Khi đức tin là một ân tứ đến từ Đức Chúa Trời, chúng ta hiểu rõ Đức Chúa Trời sẽ ban đức tin để tin khi Ngài muốn vận hành trong quyền phép bất thường. Trong bất kỳ trường hợp nào, công việc của chúng ta luôn luôn là cầu nguyện bất chấp những “cảm xúc” riêng mình dù là phương thế nào! Nhiều lần, khi tôi cầu thay cho người bịnh, tôi không dám chắc Đức Chúa Trời dự tính trả lời cầu nguyện của tôi theo cách nào! Nhưng tôi không chịu trách nhiệm về những câu trả lời, chỉ chịu trách nhiệm về những lời cầu nguyện mà thôi. Tôi tin rằng có khi lúc chúng ta cầu nguyện, chúng ta ý thức được sự hiện diện của Đức Chúa Trời với một tư thế thật bất thường. Nếu có ai đó được lành khi những lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm, ấy chẳng phải đức tin của chúng ta làm ra sự chữa lành đâu. Đức tin chỉ là một công cụ cho quyền phép của Đức Chúa Trời mà thôi, và bản thân đức tin là một ân tứ đến từ Đức Chúa Trời.
G. Khi tội lỗi có thể ngăn trở quyền phép chữa lành của Đức Chúa Trời, chúng ta được xưng công bình trọn vẹn để cầu xin cho tình trạng thuộc linh của một người trước khi chúng ta cầu thay cho họ. Bậc trưởng lão hay thương xót sẽ biết phải xử lý khôn khéo với bầy chiên được ký thác cho sự chăm sóc của họ. Chắc chắn chúng ta cần phải hỏi: “Ông có biết điều chi trong cuộc sống đã dẫn tới tình trạng bịnh tật nầy cho ông hoặc điều chi đang ngăn trở quyền phép chữa lành của Đức Chúa Trời không?” Khi câu trả lời là “có”, chúng ta khi ấy có thể xử lý với vấn đề đó là một phần trong quá trình chữa lành tổng thể.
H. Một khi Lời của Đức Chúa Trời là chơn thật, chúng ta làm vinh hiển cho Ngài khi chúng ta vâng theo Lời của Ngài, bất chấp kết quả. Chúng ta không có sự hiểu biết trọn vẹn Giacơ 5.14-16 để cầu thay cho người bịnh. Mọi sự chúng ta phải làm là vâng theo chi tiết mà chúng ta đang hiểu biết. Sự cầu nguyện luôn luôn gắn chúng ta vào những lẽ mầu nhiệm trổi hơn kinh nghiệm của con người. Ai có thể giải thích lời cầu nguyện “tác động” như thế nào không? Không phải tôi đâu! Tuy nhiên, tôi biết lời cầu nguyện ấy đang tác động. Và đấy là bằng chứng của nhiều Cơ đốc nhân trải qua nhiều thế kỷ. Chúng ta tin những gì chúng ta không hiểu trọn. Đức Chúa Trời không kêu gọi chúng ta phải hiểu rõ từng chi tiết. Chúng ta cần phải vâng theo những gì chúng ta biết và kế đó để mọi kết quả lại cho Ngài.
Từng phần và tạm thời.
Có một lời sau cùng cần phải được nói ra: Khi sự chữa lành là quan trọng, chúng ta phải nhớ rằng mọi sự chữa lành trong đời nầy chỉ là từng phần và tạm thời mà thôi. Sự chữa lành hoàn toàn sẽ không đến cho tới chừng kẻ chết trong Đấng Christ được sống lại khi Chúa Jêsus tái lâm (I Têsalônica 4.13-18). Điều nầy đập vào tôi như một điểm tối quan trọng. Có khi chúng ta nói tới những tín đồ đã chết sau căn bịnh lâu dài sẽ được chữa lành ở trên trời. Nhưng Kinh Thánh không nói như vậy đâu. Sự thực là người nào chết trong Đấng Christ đang ở với Ngài trên thiên đàng kể từ giây phút họ chết trong đời nầy (II Côrinhtô 5.8). Và cũng rất thực khi nổi khổ ải của họ dù thế nào thì cũng qua đi đời đời rồi. Song bao lâu thi thể vật lý của họ còn chôn ở trong đất, chúng ta không nói rằng họ đã được lành một cách thực sự được. Chúng ta chưa được lành hoàn toàn cho tới chừng nào thân thể hay chết của chúng ta mặc lấy thể không hay chết trong sự sống lại khi Đấng Christ tái lâm (I Côrinhtô 15.50-53). Sự cứu rỗi theo Kinh Thánh còn bao gồm sự cứu chuộc thân thể, chớ không những sự cứu chuộc linh hồn trên thiên đàng (Rôma 8.23). Nếu chúng ta chối bỏ hay xem thường sự phục sinh theo phần xác của hàng tín đồ, chúng ta chẳng khác gì hơn những môn đồ của các tôn giáo Đông phương khác, họ không tin vào bất kỳ hình thái sống lại nào của thân thể.
Tôi nghĩ khi tôi viết ra mấy lời nầy của Gary Olson, bạn thân tôi, ông ấy qua đời vào tháng 11 1999. Tôi nhớ đến ông ấy khi chúng tôi ở gần với thời điểm kỷ niệm 10 năm qua đời của ông ấy. Tôi biết ông ấy đang ở trên thiên đàng và tôi biết nổi đau khổ của ông ấy đã qua đi và tôi cũng biết ông ấy đang ở trong tình trạng rất vui vẻ ở trên trời. Có phải ông ấy đang sống ở một nơi tốt hơn không? Phải. Có phải ông ấy đã được chữa lành không? Không hoàn toàn đâu! Bao lâu những di tích hay chết của ông ấy vẫn còn ở đây trên đất, thì chưa hoàn toàn đâu. Tôi sẽ không thỏa lòng cho tới chừng nào tôi gặp lại ông ấy một lần nữa, nghe thấy ông ấy cười thật vui, và cảm thấy ông ấy vòng tay qua vai tôi rồi nói với giọng nói đầm ấm: “Mục sư Ray ơi, ông đang làm gì thế?” Những giấc mơ đều rất tốt và ký ức đều rất ngọt ngào, nhưng chẳng có gì chiếm được chỗ của việc gặp lại người thân của mình một lần nữa.
Tiên vị của những việc hầu đến
Nếu tôi nghĩ đến sự việc theo cách ấy, thì thắc mắc về sự chữa lành theo phần xác đến ngay mục tiêu của chúng ta. Đức Chúa Trời có thể chữa lành cho người bịnh không? Có chứ. Ngài có chữa lành không? Bất cứ thời điểm nào. Có khi nào Đức Chúa Trời đi từ thiên đàng đến giải cứu cho ai đó ra khỏi căn bịnh tuyệt vọng không? Có chứ, và tôi nghĩ điều đó xảy ra thường hơn là tôi tưởng nữa. Chúng ta nên vui mừng trong từng sự chữa lành, bất luận sự ấy lớn hay nhỏ đối với chúng ta. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng người nào được chữa lành trong đời nầy chắc chắn sẽ chết. Sự chết vẫn còn tể trị trên hành tinh địa cầu (I Côrinhtô 15.26). Sự thể giống như Đức Chúa Trời đang phán: “Vì thế người rất có ấn tượng với những gì ta có thể làm về chứng ung thư, có phải không? Chỉ hãy đợi cho tới chừng ngươi nhìn thấy những gì ta có thể làm với một người chết kìa”. Mọi sự chữa lành theo phần xác giống như một sự ban thưởng nho nhỏ, một món tiền đặt cọc, một tiên vị câu nhữ, một sự bảo đảm của nhiều phép lạ hơn sẽ đến khi kẻ chết trong Đấng Christ được sống lại và được biến đổi nơi sự tái lâm. Khi tôi nghĩ đến mọi sự đó mà tôi đã chôn kín bao năm và tôi quên phứt đi, tôi muốn nói: “Lạy Chúa Jêsus, hãy trở lại ngay hôm nay đi. Hãy làm trống không những mồ mả, và hãy để cho sự tán tụng bắt đầu!”
Trong số 41 người đã kinh nghiệm nhiều phép lạ chữa lành trong các sách Tin Lành, hết thảy đều đã qua đời. Ngay cả Laxarơ, là người mà Chúa Jêsus đã làm cho sống lại từ kẻ chết (Giăng 11) chắc chắn đã chết lại rồi. Và bạn tôi, Libby Redwine (về người tôi có viết tới ở sứ điệp cuối cùng) đã qua đời cách đây chừng 10 năm. Bà đã sống 12 hay 13 năm sau khi chúng ta cầu thay cho bà (vì cớ đó tôi dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời), nhưng rồi bà đã qua đời, giống như tôi cũng sẽ qua đời trừ phi tôi cứ sống cho tới khi Chúa tái lâm.
Tại sao một số lời cầu nguyện xin chữa lành đã được nhậm, còn một số thì không chứ? Chẳng có một câu trả lời nào giải thích đầy đủ mọi ý định của Đức Chúa Trời, nhưng tôi hài lòng với lời lẽ của Thi thiên 115.3: “Đức Chúa Trời chúng tôi ở trên các từng trời; Phàm điều gì vừa ý Ngài, thì Ngài đã làm”. Tôi có thể phát biểu thần học về sự cầu nguyện của tôi về sự chữa lành bằng một câu nói: chúng ta lo cầu nguyện, còn Đức Chúa Trời lo sự chữa lành, theo thì thuận tiện, theo đường lối, theo ý muốn của riêng Ngài. Chúng ta cần phải thành khẫn, sốt sắng, hiệp một, cứ nhắc đi nhắc lại, vâng phục, và hết đức tin mà cầu nguyện thì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Nếu chúng ta lo phần của mình, Đức Chúa Trời không thể thất bại khi lo phần của Ngài.
Tôi đến với phần cuối của loạt bài có hai phần nói về sự cầu nguyện cho kẻ bịnh với sự vui mừng lớn ở trong lòng khi tôi sấp mình xuống trước sự mầu nhiệm của một Đức Chúa Trời, mọi đường lối của Ngài trổi hơn sự hiểu biết của tôi. Qua sự cầu nguyện, chúng ta có đặc ân nhấc gánh nặng ra khỏi anh chị em của chúng ta. Qua sự cầu nguyện, chúng ta có thể trở thành đại biểu chữa lành cho những ai đang đau ốm. Đúng là một vinh dự khi được Đức Chúa Trời sử dụng theo phương thức nầy.
Đây là lời khuyên sau cùng của tôi. Chúng ta hãy cầu nguyện cách dạn dĩ, tin cậy, hạ mình, trong đức tin, tin rằng khi chúng ta cầu nguyện cho người bịnh và người đang hấp hối, Đức Chúa Trời sẽ lắng nghe, Ngài quan tâm, và Ngài sẽ làm điều chi là tốt nhứt trong từng tình huống. Khi chúng ta cầu thay cho người bịnh, chúng ta đang làm công việc của Chúa Jêsus trong thế gian nầy. Đừng sợ, cứ tin tưởng, và cứ lo cầu nguyện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét