Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Thi thiên 8 & Hêbơrơ 2:5-9: "Tại sao Đấng Christ phải đến"



Sự vinh hiển nhạt nhòa:
Tại sao Đấng Christ phải đến

- Thi thiên 8 & Hêbơrơ 2:5-9
Vào ngày Lễ Giáng Sinh năm 1998, George Will đã viết một bài có đề tựa là: “Ngày Lễ Phước Hạnh Nhất”. Bài viết như sau:
Một người Anh thuộc phái phê bình hay mỉa mai vào cuối thế kỷ thứ 19 đề nghị rằng ba chữ nầy nên được khắc vào bảng đá đặt nơi cửa tất cả các nhà thờ: “Important if true” (Quan trọng nếu là sự thật). Vào dịp Lễ Giáng Sinh, ở phần cuối cuộc diễu hành mà người Mỹ thực hiện mỗi năm cho ngày lễ phước hạnh nhất, dường như là họ muốn cử hành lễ Giáng Sinh dù họ nhất trí quên đi lễ Giáng Sinh có ý nghĩa gì!?!
Có vài lý do tại sao việc quên, trên thực tế hay bắt buộc tin, không phải là điều đáng tiếc. Thứ nhứt, có người thực sự đã quên, hay không hề biết, hoặc chẳng hề quan tâm đến tầm cỡ tôn giáo của lễ Giáng Sinh, song họ vẫn có thể vui mừng, hưởng lợi từ sự bộc phát ý tốt phi hệ phái trong mùa lễ. Thứ hai, nhiều người Mỹ có đức tin xác nhận Cơ đốc giáo đã sai lầm về những gì đã diễn ra ở xứ Palestine cách đây 2000 năm, và trong 33 năm sau đó.
Đây là một trường hợp mà tác giả có xu hướng đến gần với lẽ thật hơn nhiều nhà thần học có. Tôi đang suy nghĩ về những gì ông ta viết khi tôi nhận một e-mail tối qua từ Erwin Lutzer, Mục sư chủ tọa của Hội Thánh Moody tại Chicago. Ông đã viết về điều nầy điều kia, và rồi ông nói:
Bạn đang giảng gì trong những ngày nầy? Tôi quyết định đưa ra một sự biện hộ cho Chúa Jêsus lễ Giáng Sinh nầy — mới vừa soạn xong một sứ điệp nói tới Mật Mã Da Vinci đang gây nhiều chú ý. Một sự tinh ranh khó tin tấn công chống lại Cơ đốc giáo.
Cụm từ ấy đâm thẳng vào lý trí tôi — "biện hộ cho Chúa Jêsus lễ Giáng Sinh nầy”. Sau cùng, có phải chúng ta đạt tới chỗ mà Chúa Jêsus cần biện hộ trong kỳ lễ Giáng Sinh không? Rõ ràng câu trả lời là “phải”, và tôi dám chắc Mục sư Lutzer sẽ thực hiện công việc ấy thật xuất sắc. Gene Edward Veith, vừa viết một bài trong tạp chí World (ngày 6 tháng Chạp, 2003), ghi chép lại xu thế đang dấy lên về sự ít hiểu biết giáo lý giữa vòng những Cơ đốc nhân đã sanh lại. Ông trưng dẫn phần nghiên cứu Barna về việc tự nhận mình là “những Cơ đốc nhân sanh lại” chứa những tin tức rất đáng lo ngại:
26% tin mọi tôn giáo về cơ bản là như nhau.50% tin việc lành sẽ đưa bạn lên thiên đàng.35% không tin Chúa Jêsus đã sống lại từ kẻ chết.45% không tin Satan đang tồn tại. 33% chấp nhận hôn nhân đồng phái tính. 38% nói sống chung trước hôn nhân là không sao.
Veith ghi thêm lời bình nầy: “Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy thể nào Cơ đốc giáo Mỹ chìu theo văn hóa thế tục đang trội hơn. Sống tôn giáo cũng được thôi, theo chủ trương của hậu chủ nghĩa hiện đại, bao lâu đức tin bạn còn tồn tại trong đầu óc của bạn. Nếu bạn khởi sự xưng nhận rằng mọi niềm tin của bạn chỉ là thể trạng trí khôn riêng tư làm cho bạn cảm thấy tốt đẹp, thay vì xác nhận điều bạn tin là thực và vững chắc cho mọi người biết, thì bạn là mối đe dọa không thể chịu được đối với xã hội”.
Lễ Giáng Sinh và thế giới quan của Cơ đốc nhân
Tôi nghĩ nhà phê bình người Anh có một luận điểm hay khi ông nói chúng ta nên ghi trên cửa của từng nhà thờ: “Important if true” (Quan trọng nếu là sự thật). Mấy chữ nầy đang treo trên khoảng không khi chúng ta tiếp cận với Lễ Giáng Sinh năm nay. Nhưng sẽ ra sao nếu những việc chúng ta tin là không thật? Làm sao chúng ta biết chắc? Nhất định là có những nghi ngờ rồi đấy. Có thể Chúa Jêsus cần sự biện hộ trong năm 2009. Hay có lẽ chúng ta cần phải tự nhắc nhớ mình về những gì chúng ta thực sự tin theo. Tháng rồi, tôi được mời đến giảng cho một nhóm các Mục sư tại buổi nhóm có điểm tâm ở Carol Stream. Khi tôi đến, tôi khám phá ra rằng người duy nhứt tôi biết là Mục sư Lou Diaz ở Hội Thánh Tin Lành Wheaton. Tôi quen Lou trong nhiều năm rồi, nhưng không gặp ông ấy trong một thời gian ngắn. Vì vậy chúng tôi trao đổi trước khi tôi giảng luận. Ông ấy nói cho tôi biết rằng ông đang suy nghĩ về việc thực hiện một loạt bài giảng có chủ đề “Giáng Sinh và thế giới quan Cơ đốc”. Ngay lập tức tôi có ấn tượng bởi những điều ông nói vì chúng tôi định đa cảm hóa lễ Giáng Sinh khi chúng tôi muốn nhìn thấy sự ra đời của Đấng Christ là một biến cố lạ lùng nhất trong lịch sử thế giới. Nếu bạn suy nghĩ đến điều nầy, mọi yếu tố trong thế giới quan Cơ đốc đều nằm trong truyện tích Giáng Sinh. Vì sự đến của Đấng Christ làm thay đổi lịch sử — sát nghĩa, từ TC cho đến SC — chúng ta không làm cho mọi việc căng ra khi nói: “Mọi sự giờ đây khác biệt vì Đấng Christ đã ngự đến thế gian”. Đây không phải là một tư tưởng ủy mị đâu — giống như “The Little Drummer Boy” (Chú Bé Gõ Trống) hay “I’ll Be Home for Christmas” (Tôi sẽ có mặt ở nhà để dự lễ Giáng Sinh). Sự đến của Đấng Christ thiết lập lẽ thật trong mọi sự chúng ta đang tin theo. Trong phần văn mạch nói tới sự Giáng Sinh, sự ra đời của Đấng Christ phát biểu với sự thích đáng khó tin cho con người trong thế kỷ thứ 21, những kẻ xem lễ Giáng Sinh không khác gì hơn rượu nóng đánh trứng (eggnog) và những cây gậy kẹo.
Tôi mong rằng trong bốn tuần kế tiếp đây, chúng ta có thể đặt nền tảng cho việc nhìn xem Lễ Giáng Sinh là cơ sở cho mọi sự chúng ta đang tin theo. Chúng ta hãy bắt đầu với phần quan sát mà Kinh Thánh đưa ra những lời xưng nhận đáng ngạc nhiên liên quan tới Lễ Giáng Sinh:
+ Một thiên sứ đến viếng nữ đồng trinh, là người đã chịu thai bởi Đức Thánh Linh.
+ Con trẻ trong lòng nàng là Con Thượng Đế đến từ trời.
+ Đức Chúa Trời đã khiến cho Hoàng đế theo tà giáo chuẩn bị thâu thuế nên sai Mary và Giôsép trở về thành Bếtlêhem đúng giờ phút Chúa Jêsus ra đời.
+ Các vị tiên tri đã nói trước cả hai: sự ra đời bởi nữ đồng trinh, và sự ra đời của Ngài tại thành Bếtlêhem mấy trăm năm trước khi sự việc xảy ra.
+ Một ngôi sao đã dẫn mấy thầy bác sĩ đến từ phương Đông trực chỉ đến ngôi nhà tại thành Bếtlêhem nơi có Chúa Jêsus ở đó.
+ Các thiên sứ đã phán với mấy gã chăn chiên.
+ Một thiên sứ phán cùng Giôsép trong ba cơ hội khác nhau.
+ Một thiên sứ phán với mấy thầy bác sĩ, cảnh cáo họ đừng trở lại với Hêrốt.
+ Ngay cả sự giết chóc các con trẻ ở thành Bếtlêhem đã làm ứng nghiệm lời tiên tri xa xưa.
+ Khi cụ Simêôn bồng con trẻ Jêsus trên tay, ông đã nói tiên tri về sự chết của Ngài trên thập tự giá.
Kế đó, có những danh xưng Ngài được đưa ra:
+ Đấng Mưu Luận
+ Đức Chúa Trời quyền năng
+ Cha đời đời
+ Chúa bình an
+ Jêsus — Cứu Chúa
+ Emmanuên — Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta
+ Con của Đấng Chí Cao
+ là Christ, là Chúa
Tiếp đến, có những việc Ngài sẽ hoàn thành:
+ Ngài sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.
+ Ngài sẽ trị vì từ ngôi của David tại thành Jerusalem.
+ Nước của Ngài sẽ không hề dứt.
Những việc chúng ta không nghĩ tới
Tôi giả định với bạn rằng đây là những lời xưng nhận tuyệt đối lạ lùng nếu bạn suy nghĩ đến chúng, là điều chúng ta hiếm khi suy nghĩ đến. Thay vì suy nghĩ điều đó thực sự có nghĩa gì, chúng ta hát bài Đấng Mêsi của Handel. Chúng ta hát lên mấy lời nầy bởi Charles Wesley nhưng chúng ta không dừng lại để suy xét ý nghĩa của nó:
Kẻ tiếp Chúa, Chúa luôn ngự bên,
Thật rõ Chúa, Emmanuên.
Khá chú ý khúc ca diệu hay;
Vinh hiển bấy Christ hạ sanh rày!
Hay câu nầy từ một bài thánh ca khác:
Chúa chơn thật của Đức Chúa Trời chơn thật Sự sáng đến từ sự sáng đời đời. Nầy, Ngài không tránh né tử cung của Nữ đồng trinh; Con độc sanh của Đức Chúa Cha, không phải được dựng nên.
Bạn không nghe nhiều bài giảng về cụm từ sau cùng đó — "độc sanh, không phải được dựng nên" — và tôi giả sử nhiều người trong chúng ta khó mà nhận ra câu ấy có nghĩa gì — tuy nhiên, nó đề cập tới một trong những tranh cãi về giáo lý trong lịch sử Hội Thánh Cơ đốc.
“Important if true” (Quan trọng nếu là sự thật) Thi thiên 8:4-6 đưa chúng ta mặt đối mặt với thực tại Giáng Sinh với mấy lời rung động nầy: “Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó? Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, đội cho người sự vinh hiển và sang trọng. Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, khiến muôn vật phục dưới chân người”. Ở đây chúng ta thấy sự vinh hiển và tai họa của dòng giống con người. Chúng ta được đội cho sự vinh hiển và sang trọng. Chúng ta được dựng nên để cai trị đất. Đấy là sự vinh hiển của chúng ta. Chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời. Cứ mỗi bốn năm các vận động viên giỏi nhứt trên thế giới gặp nhau trong giải Olympic. Họ chạy, nhảy, bơi lội, vượt rào, đấu vật, ném lao, lặn dưới nước, cử tạ. Và rồi lúc cuối ngày, hễ ai có thể thực hiện nhanh nhứt, xa nhứt, mau nhứt, cao nhứt, lâu nhứt sẽ đoạt huy chương vàng. Và trong ngày ấy, ít nhứt, họ là người giỏi nhứt trên thế giới. Đấy là tầm nhìn của chúng ta về sự vinh hiển và sang trọng. Song sự vinh hiển không bao lâu nữa nó sẽ nhạt nhòa đi. Những thành tích được lập sẽ bị phá vỡ, rồi không sớm thì muộn, từng thành tích sẽ bị phá vỡ. Và hết thảy những vị anh hùng của chúng ta kết thúc với hai bàn chân bằng đất sét.
Chẳng có màu vàng nào ở lại
Robert Frost đã viết về điều nầy trong một bài thơ nổi tiếng nhất của ông:
Màu xanh đầu tiên của thiên nhiên là vàng,
Màu sắc vững chắc nhứt phải nắm giữ.
Cái lá đầu tiên của nó là một bông hoa;
Nhưng chỉ được một giờ đồng hồ.
Rồi hết lá nầy ra lá khác.
Vườn Êđen chìm trong đau khổ,
Để bình minh dẫn lối cho ban ngày.
Chẳng có màu vàng nào ở lại.
Bạn có nắm bắt được cách nói bóng của Kinh Thánh không? “Vườn Êđen chìm trong đau khổ”. Trong câu nầy, ông mô tả những gì đã xảy ra cho dòng giống con người khi Ađam và Êva đã ăn trái cấm. Tội lỗi đã bước vào. Sự chết trở thành số phận của chúng ta. Sự buồn rầu vây hãm lấy DNA của con người. Đau khổ đang mở ra cánh cửa kế đó.
Chúng ta được dựng nên để được sang trọng. Đấy là điều tác giả Thi thiên muốn nói. Chúng ta được dựng nên kém hơn thiên sứ một chút. Không phải những thiên sứ, thực sự, hầu hết những thiên sứ. Đấy là chúng ta. Đấy là bạn và tôi — kém hơn thiên sứ một chút. Nhưng thiên sứ sa ngã, và chúng ta cũng một thể ấy. Bằng chứng là mọi sự đang ở xung quanh chúng ta — và chúng ta đang nhìn thấy nó mỗi ngày. Có khi chúng ta nhìn thấy nó theo một cách rất tư riêng. Cách đây mấy tuần, tôi đến giảng ở một trong những đám tang khó chịu nhất mà tôi đã từng dự. Đấy là tang lễ cho Michael Padin 5 tuổi, nó đã bị đánh đến chết. Phương tiện truyền thông ở Chicago đã mau mắn chụp lấy cơ hội nầy. Người mẹ và bạn trai của nó cả hai đều bị kết án giết người cấp 1. Michael có quan hệ với Linda và Rebecca DeCarlo, cả hai đều nhóm lại ở Hội Thánh Calvary. Khi Linda yêu cầu tôi chủ trì tang lễ, nó nói cho tôi biết Michael có đến nhóm ở Hội Thánh Calvary mấy lần. Mặc dù nó chỉ mới có 5 tuổi, nó thích nói cho người ta biết rằng nó yêu Chúa Jêsus. Căn phòng chúng tôi cử hành tang lễ đầy ắp người đến nỗi người ta phải sắp hàng ba hàng tư ở phía sau và cả hai bên. Chiếc quan tài còn mở ra trong suốt buổi lễ. Nó là một cậu bé thật dễ nhìn, song đời sống nó kết thúc quá nhanh. Có nhiều nước mắt, cũng có giận dữ nữa, hết thảy trộn lẫn với một thứ đức tin đau buồn nơi Đức Chúa Trời, mọi đường lối của Ngài vượt quá mọi suy tưởng. Một người kia (một người bạn) đến ôm tôi rồi nói: “Nó không đáng chết như vầy”. Không, nó không đáng đâu. Đúng là một thế giới kinh hoàng mà chúng ta đang sống trong đó khi có những vụ việc như thế nầy có thể xảy ra. Khi tôi rời khỏi nghĩa trang, bạn bè và các thành viên trong gia đình đã hát lên bài hát theo tiếng Tây ban Nha. Một bài ca ngợi khen và thờ phượng, tôi nghĩ thế. Toàn bộ tang lễ buồn đến nỗi tôi không có lời để mô tả nó. Mọi sự tôi có thể nói là, người ta đang làm gì khi họ không nhìn biết Chúa? Bấy nhiêu đủ khó cho chúng ta rồi và chúng ta đang tin vào sự sống đời đời. Bạn làm gì khi bạn không nhìn biết Chúa chứ?
Đấy là những gì bài thơ muốn nói khi nó ghi câu: “Vườn Êđen chìm trong đau khổ”. Không một màu vàng nào còn ở lại. Chúng ta được dựng nên để được sự sang trọng — để được điều gì đó tốt đẹp hơn những gì chúng ta nhìn thấy trong thế giới tội lỗi bị rủa sả nầy. Nhưng khi được dựng nên kém hơn thiên sứ một chút, dường như là chúng ta đã chìm xuống thấp đến nỗi chúng ta càng giống như ma quỉ hơn là giống thiên sứ. Ngay cả sự công bình của chúng ta đã trở giống như những miếng giẻ rách trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Tại sao Đức Chúa Trời thăm viếng chúng ta?
Nhưng đấy chẳng phải là kết cuộc của câu chuyện đâu. Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta để được sang trọng và chúng ta đã tạo ra một mớ lộn xộn. Chúng ta đã bắn vào tình trạng bất tử của mình — và giờ đây những nghĩa trang đầy ắp người. Nhưng Đức Chúa Trời chưa làm xong việc với chúng ta đâu. Hãy trở lại với Thi thiên 8 cho phần còn lại của câu chuyện: “Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?” (câu 4). Giống như thể đang nói, sao lại quấy rối hạng người như chúng tôi? Chúng tôi hủy hoại vườn Êđen, Ngài đã cung ứng cho chúng tôi cơ hội khác, và có thể chúng tôi dại dột, tồi tệ đến nỗi Ngài đã sai một trận lụt đến quét sạch hết dòng giống con người trừ ra một gia đình. Sao không ấn nút xóa sạch dòng giống con người cho rồi đi? Sao không nhìn nhận đây là một cuộc thí nghiệm mà chẳng có kết quả? Không một ai có thể đổ thừa cho Đức Chúa Trời nếu Ngài quyết định rũ bỏ chúng ta hết thảy rồi khởi sự lại một lần nữa.
Thắc mắc của David đến ngay trọng tâm của lễ Giáng Sinh — Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa chăm chút đến chúng tôi sau khi chúng tôi đã thất bại đáng thương như thế? Tại sao Đức Chúa Trời lại quan phòng chúng ta chứ? Bản dịch Kinh Thánh New King James ghi câu 4 theo cách nầy: “Con người là gì mà Chúa phải quan tâm đến, và con trai loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?” Tại sao Đức Chúa Trời quan tâm đủ để thăm viếng hạng người như chúng ta? Thật là đúng tại điểm nầy khi chúng ta nhìn thấy sự vinh hiển, sự lạ lùng và sự kín nhiệm của Tin Lành. Khi tác giả sách Hêbơrơ tìm cách gây ấn tượng trên độc giả của ông về sự oai nghi của ơn cứu rỗi chúng ta, chắc chắn ông đã trưng dẫn mấy câu nầy từ Thi thiên 8 — và ông ứng dụng chúng cho Chúa Jêsus!
“Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con người là ai, mà Chúa săn sóc đến? Chúa đã đặt Người ở dưới thiên sứ một chút; Cho Người đội mão triều vinh hiển tôn trọng; Và đặt mọi vật dưới chân người. Đức Chúa Trời đã khiến mọi vật phục Đức Chúa Jêsus như vậy; thì chẳng để cho một vật nào chẳng phục Ngài; song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài. Nhưng Đức Chúa Jêsus nầy, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết” (Hêbơrơ 2:6-9).
Có nhiều việc ở đây mà chúng ta phải nghĩ tới. Chúng ta hãy tập trung vào ba câu nói:
1) Theo bổn tánh Ngài, Chúa Jêsus phải trở nên giống như chúng ta. Đấy là sự hóa thân thành nhục thể. Đấy là Bếtlêhem. Đấy là sự Giáng Sinh. Ngài đã đến trong thế gian nầy như một con trẻ sơ sinh, chào đời trong chuồng chiên, trong một ngôi làng chẳng có gì đáng nói, ra đời trong nghèo khó, thế gian chẳng ai thèm để ý đến. Ngài chỉ là một khuôn mặt khác trong cả đám đông mà thôi. Không một ai biết rằng Ngài đã ngự đến. Chẳng ai quan tâm rằng Ngài đã đến. Hãy chú ý những điều tôi đã nói — Chúa Jêsus “phải” trở nên như thế nầy. Để thực sự “thăm viếng” chúng ta, Ngài phải trở nên giống như chúng ta.
2) Chúa Jêsus đã nếm sự chết vì đấy là số phận chung của chúng ta. Ở đầu tuần nầy, tôi thức muộn và có xem vài phút cuộn phim miền Viễn Tây do Paul Newman đóng. Khi tôi xem phim ấy, tôi không biết tên phim vì những gì tôi xem đang ở đoạn cuối. Về sau có người nói cho tôi biết tựa phim là: “Hombre”. Trong cảnh cao điểm, gã kia nói với Paul Newman: “Cảm giác xuống địa ngục là sao hả?” Trả lời cho câu hỏi đó, Newman đáp: “Hết thảy chúng ta rồi sẽ chết. Chỉ là khi nào thôi”. Thế rồi Newman bắn gã đó, và hắn bắn lại Newman. Cả hai người đều gục chết — minh chứng luận điểm của Newman. Cuộc sống ngắn ngủi quá. Như đã ấn định cho một người phải chết một lần. Chúa Jêsus thực sự không “thăm viếng” chúng ta nếu Ngài lui lại đối với “kẻ thù sau cùng” đang đối mặt với chúng ta — là sự chết. Để trở thành con người trọn vẹn, Ngài phải nếm sự chết. Chúa Jêsus đã chịu thương khó và chịu chết vì đấy là cách duy nhứt Ngài có thể cứu chúng ta. Chỉ bởi sự chết Ngài mới có thể ban sự sống cho chúng ta.
3) Chúa Jêsus đã đến để phục hồi lại mọi sự chúng ta đã đánh mất trong vườn Êđen. Kinh Thánh gọi Chúa Jêsus là “Ađam sau cùng”. Một trong những câu của bài “Kìa thiên binh cùng nhau trổi hát” gọi Ngài là “Second Adam from above” (A đam thứ hai đến từ trên cao). Ngài đã đến để đảo lộn sự rủa sả mà chúng ta đã mang lấy trên bản thân mình. Giờ đây, ở trên trời Ngài được tôn quí, và vinh hiển. Một ngày kia, hết thảy những ai tin theo Chúa Jêsus sẽ dự phần vào sự vinh hiển với Ngài.
Nhưng ngày ấy chưa đến. Đấy là lý do tại sao tác giả viết: “song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài” (Hêbơrơ 2:8). Những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến, nhưng chúng chưa đến tại đây. Ngày nay, chúng ta sẽ khóc lóc về con cái bé nhỏ đã qua đời quá sớm, chúng ta lấy làm lạ về mọi đau khổ, nhức đầu, bịnh tật và sự chết mà chúng ta đang nhìn thấy ở chúng quanh chúng ta. G. K. Chesterton đã nói: “Bất kể điều chi thật hay không thật, một việc nầy là chắc chắn — con người chưa phải là thứ mà họ được nói tới”.
Vinh hiển nhạt nhòa
Ngay tại thời điểm nầy lễ Giáng Sinh nói rõ ràng và chính xác với chúng ta. Chúng ta được dựng nên để được vinh hiển, nhưng sự vinh hiển của chúng ta đã nhạt nhòa đi từ lâu lắm rồi. Trước tiên, chúng ta bất tuân, rồi chúng ta ngã chết từ bên trong, kế đó chúng ta khởi sự chết từ bên ngoài, và chúng ta hướng theo ý riêng mình, rồi chúng ta nói: “Đức Chúa Trời ơi, chúng tôi chẳng cần Ngài nữa đâu. Xin để chúng tôi yên”. Và chúng ta lấy làm lạ tại sao thế gian lại là như thế. Hãy nhìn vào gương đi: “Chúng tôi đã gặp kẻ thù rồi, và hắn chính là chúng ta”.
Còn Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ chẳng để cho ngươi yên đâu. Ta sẽ không để cho ngươi hủy diệt bản thân mình, hủy diệt nhau, và hủy diệt thế giới mà ta đã dựng nên. Ta yêu ngươi nhiều đến nỗi không để cho ngươi yên đâu”. Vì vậy, Ngài đã sai phái các thiên sứ. Chúng ta đã giết họ. Ngài đã viết ra những thư tín. Chúng ta bất chấp chúng. Ngài dạy chúng ta cách sinh sống — và chúng ta nói: “Ngài là ai mà dạy chúng ta những điều phải làm theo?” Chúng ta chế giễu Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên chúng ta, chúng ta phá vỡ luật pháp Ngài, chúng ta đã nói chúng ta không cần đến Ngài, và chúng ta đã dựng lên những vị thần cho riêng mình mà chúng ta ưa thích vì chúng trông giống với chúng ta thật nhiều.
Ồ, chúng ta đã tạo ra một mớ hỗn độn. Đức Chúa Trời có từng lý do để giết hết thảy chúng ta. Nhưng Ngài không làm thế. Ngài phán: “Ta yêu ngươi nhiều lắm, không thể để cho ngươi đi đâu”. Rồi sau đó chúng ta coi mọi sự là rác rưỡi, Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ ngự đến đó một lần đủ cả để ngươi nhìn biết ta yêu ngươi nhiều lắm”. Chúng ta không chủ ý vào gì hết; sự ấy chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta. Làm sao Chúa thăm viếng chúng ta được kìa? Nhưng Ngài đã đến — và Ngài đã đến với trần gian theo một phương thức thật lạ lùng. Ngài đã bước vào tử cung của người nữ đồng trinh và sanh hạ như một con trẻ, chào đời tại thành Bếtlêhem, một con trẻ có tên là Jêsus, ra đời để cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi của chúng ta.
Vậy, Ngài đã đến như một con trẻ, và khi Ngài lớn lên, chúng ta giết chết Ngài. Đã giết Ngài. Đã treo Ngài trên thập tự giá. Đấy là lời cảm tạ mà chúng ta đã dâng lên cho Đức Chúa Trời vì đã thăm viếng chúng ta. Nhưng chúng ta đã sai lầm trong mọi sự. Sau khi chúng ta giết Ngài, Ngài đã trở lại từ kẻ chết — minh chứng rằng Ngài đã đúng và chúng ta đã sai — sai lầm chết chóc trong mọi sự — và Đức Chúa Trời vẫn yêu thương chúng ta và đã ngự đến với đất từ trời với sứ mệnh giải cứu quan trọng nhất trong lịch sử.
Ngài đã đến vì chúng ta thực sự rất tồi tệ.
Ngài đã đến và chúng ta đã giết Ngài.
Ngài đã chịu chết rồi trở thành Cứu Chúa của chúng ta.
Không một ai trừ ra Đức Chúa Trời mới có thể làm được một chuyện giống như thế. Đúng là một câu chuyện! Đúng là Đấng Christ! C.S. Lewis đã nói: “Con của Đức Chúa Trời đã trở thành người để giúp cho loài người trở thành con cái của Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời đã làm hết mọi sự đó. Đấy là những tin tức tốt lành nói tới Lễ Giáng Sinh: Đức Chúa Trời đã làm hết mọi sự đó. Việc duy nhứt còn lại cho bạn và tôi là TIN. Đức Chúa Trời đã quấn Con Ngài trong mấy tấm tả lót rồi nói với toàn thế gian: “Đây là món quà Giáng Sinh của ta ban cho các ngươi”.
Bạn có nhận món quà ấy không? Bạn sẽ nhận chứ? George Will gọi lễ Giáng Sinh là “ngày lễ phước hạnh nhất”, và ông đã nói đúng. Nhưng nó sẽ thực sự là phước hạnh cho những ai chịu tin theo Chúa Jêsus mà thôi. Tôi kết thúc với ba từ nầy mà tôi đã nhắc tới ở trên: “Important if true” (Quan trọng nếu là sự thật). Tôi không thể chứng minh cho bạn thấy những điều tôi đã nói là sự thật. Bạn phải quyết định điều đó cho chính mình. Nhưng tôi có thể nói mà không đảo lại một điều gì, tôi lấy sinh mạng tôi quyết chắc sự thực rằng Chúa Jêsus là Đấng Christ, là Con vô đối của Đức Chúa Trời.
Giáng Sinh là vấn đề, vì sự thực là vấn đề. Và trọng tâm của lẽ thật, ấy là Đức Chúa Trời không để cho chúng ta yên đâu, nhưng trong nổi thống khổ của chúng ta, Ngài đã đến để thăm viếng chúng ta trong một đêm tăm tối ở thành Bếtlêhem cách đây 2.000 năm.
Lễ Giáng Sinh tỏ ra cho chúng ta biết chúng ta là ai, Đức Chúa Trời là ai, và Đức Chúa Trời đã đi bao xa vì chúng ta.
“Important if true” (Quan trọng nếu là sự thật). Trong lễ Giáng Sinh, chúng ta học biết Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta nhiều lắm, và chẳng có một việc gì quan trọng cho bằng điều đó. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét