Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

II Côrinhtô 1:1-11: "Tại sao cuộc sống gian nan như thế chứ?"



Tại sao cuộc sống gian nan như thế chứ?
II Côrinhtô 1:1-11
Mục sư Ray Pritchard.
Cú điện thoại gọi đến lúc 10:30 đêm. Có ai đó mới qua đời. Tôi có nên gọi cho gia đình không? Trước khi tôi nhấc máy thì bà mẹ đã gọi đến tôi rồi. Con trai bà đã dùng ma túy và đã qua đời chiều ngày ấy. Khi tôi khoác y phục để đến với gia đình, tôi lấy làm lạ, không biết phải nói năng thế nào đây!?1 Khi tôi đến đó, ai nấy đều xúm xít lại quanh chỗ lộn xộn ấy. Rốt cuộc thì bà mẹ đẩy tôi qua một bên và với hai hàng nước mắt, bà đã đưa ra một câu hỏi không thể tránh được, là thắc mắc mà tôi biết sẽ phải có. Tại sao? Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho điều nầy xảy ra cho con trai tôi chứ?
Đây không phải là lần đầu tiên tôi chẳng có một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi ấy, và đấy cũng chẳng phải là lần cuối cùng. Vì khi bạn nhìn vào những thắc mắc trong cuộc sống về sự sống và sự chết, và khi bạn xem xét các nan đề của dòng dõi bị kết án phải chết nầy, ngay cả người tín đồ sốt sắng nhứt cũng phải ngước mắt nhìn lên trời rồi kêu lên: Tại sao chứ? Sao lại là tôi? Sao phải là lúc nầy? Tại sao phải như vầy chứ?
Tại sao? Thắc mắc ấy rung lên qua nhiều thế kỷ và qua từng thế hệ. Hết thảy chúng ta chẳng chóng thì chầy cũng phải đưa ra câu hỏi đó. Nếu bạn chưa đưa ra, bạn sẽ đưa ra. Đấy là một thắc mắc không chắc gì có được một câu trả lời dễ dàng đâu! Thật vậy, hạng tín đồ tin kính nhứt đôi khi đã lấy làm lạ về những đường lối của Đức Chúa Trời. Và nếu Gióp chưa hề nhận được câu trả lời trọn vẹn, thì tôi sẽ mong được gì đây? Khi tôi đọc Kinh Thánh, tôi không nghĩ có một câu trả lời đơn giản cho thắc mắc ấy.
Một câu trả lời không mong đợi
Nhưng có nhiều câu trả lời. Và những người nam người nữ có đức tin đã thấy chúng rất thực xuyên suốt nhiều thế kỷ. Một câu trả lời rất kín đáo trong Kinh Thánh có thể làm cho bạn phải ngạc nhiên. Câu trả lời nầy được thấy trong một sách của Tân Ước mà chúng ta thường không đọc nhiều: II Côrinhtô. Trong những câu đầu tiên của chương một, chúng ta khám phá ra một viễn cảnh về những đau khổ trong cuộc sống có thể trợ giúp cho chúng ta. Sau lời chào thăm ngắn ngủi dành cho các độc giả của mình (các câu 1-2) trong đó Phaolô (cùng với Timôthê) đều ao ước ân điển và sự bình an ban cho các độc giả của mình tại thành Côrinhtô và khắp khu vực xung quanh, ngay lập tức ông bắt đầu nói về sự yên ủi mà ông đã nhận được ở giữa nổi khó nhọc rất nhiều phải gánh chịu trong vai trò làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ. Các câu 3-11 đề ra bối cảnh cho cả sách bằng cách trình bày đơn giản rằng bất luận ông đã gánh chịu điều gì, vẫn còn có điều giá trị hơn thế.
Ở đây, chúng ta học được ngay trước mắt một nguyên tắc rất quan trọng dành cho toàn bộ cuộc sống. Ấy chẳng phải những gì xảy đến cho chúng ta là vấn đề đâu; mà chính cách chúng ta phản ứng lại mới làm cho mọi sự ra khác biệt. Cách đây nhiều năm, có một người bạn đến nói với tôi: “Khi thời điểm hoạn nạn đến, hãy là một học viên, chớ đừng là một nạn nhân”. Hãy suy nghĩ về câu nói ấy trong một phút xem.
Hãy là một học viên, chớ đừng là một nạn nhân.
Một nạn nhân nói: “Tại sao điều nầy lại xảy đến cho tôi?”
Một học viên nói: “Tôi học được chi về sự việc nầy?”
Một nạn nhân tin thời khó nhọc của mình đã đến vì Đức Chúa Trời đang ra sức trừng phạt mình.
Một học viên hiểu rằng Đức Chúa Trời để cho những thời điểm nhọc nhằn ấy xảy ra để giúp cho người lớn lên.
Một nạn nhân tin Đức Chúa Trời đã từ bỏ mình.
Một học viên nhìn thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong mọi sự, kể cả những giây phút tệ hại nhất của cuộc sống.
Đấy là tình trạng Cơ đốc thật. Chúng ta tin nhiều vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời đến nỗi khi gian truân đến, chúng ta tin - không, chúng ta biết!- rằng Đức Chúa Trời không cứ cách nào đó đang hành động, ở đâu đó, với một phương thức vì ích cho chúng ta và cho sự vinh hiển của Ngài. Phaolô nói rất nhiều ở Rôma 8:28. Khi ông bắt đầu thư tín nầy cho người thành Côrinhtô, ông thốt ra chính lẽ thật ấy với một phương thức rất khác. Ở đây, chúng ta khám phá ra thể nào sự hoạn nạn chỉ ra bốn điều ích rất tích cực cho chúng ta.
I. Sự hoạn nạn kéo chúng ta đến gần với Chúa hơn.
"Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp! Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì sự yên ủi của chúng tôi bởi Đấng Christ mà chứa chan cũng thể ấy" (các câu 3-5).
Có một mục đích thiêng liêng đang tác động vào đời sống của bạn và đời sống của tôi, và mục đích thiêng liêng đó đang khởi sự với Đức Chúa Trời. Phaolô gọi Ngài là “Cha hay thương xót”. Tôi đã học được điều nầy cách đây nhiều năm. Khi đứa con trai cả của chúng tôi còn là một đứa trẻ, nó thường không muốn lên giường ngủ lúc ban đêm. Chúng tôi đã đặt nó vào một cái nôi, và rồi Marlene sẽ đi ngủ vì kiệt sức khi cứ mãi lo chăm sóc nó trọn cả ngày. Khoảng 30 phút sau thì Joshua bắt đầu kêu khóc. Tôi lăn ra một bên rồi độn cái gối dưới đầu mình, hy vọng rằng tiếng khóc kia sẽ không còn nghe thấy nữa. Chắc chắn là tôi sẽ đi đến phòng của Joshua, rồi ẳm nó lên. Bồng nó với tư thế đầu nó úp trên vai tôi, tôi sẽ đi quanh căn nhà mà hát ru nó. Có khi tôi hát lên những bài hát quen thuộc, và có khi bài hát sẽ là: “Con ơi, đừng khóc, đừng khóc, đừng khóc nữa con ơi”. Chúng tôi cứ đi tới đi lui mãi suốt cả đêm. Tôi không phải là ca sĩ hát hay dù là phương thế nào, nhưng tiếng hát của tôi dường như giúp ổn định nó. Sau ba mươi hay bốn mươi lăm phút, Joshua rồi cũng đã ngủ lại. Tôi đặt nó trở lại giường rồi tôi quay về phòng ngủ tiếp. Bây giờ, tôi chưa phải là một người cha trọn vẹn, song tôi đã làm điều đó cho con trai tôi. Chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại làm kém hơn tôi sao? Không, Ngài sẽ làm nhiều hơn. Ngài là Cha hay thương xót.
Hãy chú ý câu 4 nói gì: “Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn". Nói như thế có nghĩa là khi tôi trở bịnh, Ngài hiện diện ở đó bên cạnh giường tôi. Khi tôi hết tiền xài, Ngài hiện diện ở đó với tôi trong sự túng thiếu của tôi. Khi tôi bị người ta ghét bỏ và xem khinh, Ngài đứng bên cạnh tôi. Và khi tôi đi qua trũng bóng chết, Ngài cầm lấy tay tôi và Ngài dẫn tôi qua.
Chúng ta chưa hề khám phá ra chiều sâu sự thương xót của Đức Chúa Trời cho tới chừng nào chúng ta ở trong một nơi mà ở đó chúng ta chỉ cần tới sự thương xót của Đức Chúa Trời. Bạn không nhận được ơn thương xót cho tới chừng nào bạn ở trong sự hoan nạn thật. Trong bữa ăn tối trao đổi với một cặp vợ chồng kia, người chồng nhắc rằng ông ta đã được chẫn đoán với một hình thức ung thư rất trầm trọng. Khi sự việc xảy ra, chứng ung thư đã đến bất chấp sự thực ông ta đã giữ mình trong một tình trạng thuốc men rất hoàn hảo. Nó khởi sự với một cơn đau dường giống như cơ bắp bị căng ra vậy. Khi bác sĩ chẫn đoán chứng ung thư, bạn tôi được được thông báo rằng ông ta gần như đã ở chặng thứ tư rồi. Sau một vòng hóa trị liệu, dường như ông ta đã ở trong sự thuyên giảm. Nhưng đấy là loại ung thư thường tái trở lại nên bạn không hề cảm thấy thoải mái được. Khi tôi hỏi chứng ung thư đã tác động thế nào đối với ông ta về mặt thuộc linh, ông ấy nói rằng bấy giờ ông ta cảm thấy thư thả hơn rồi. Những việc thường quấy rối ông ta không còn quấy rối ông ta nhiều nữa. Chứng ung thư ấy, dường như nó đã gạn lọc các thứ tự ưu tiên trong đời sống của ông ta. Ông ta cũng thấy rằng ông ta đã trở thành một tín đồ mạnh mẽ hơn trong sự tể trị của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời đang cầm quyền tể trị muôn vật, dù là những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Ông ấy kết luận như sau: “Tôi đạt đến chỗ nhìn thấy chứng bịnh ấy đôi khi lại là một phước hạnh”.
Sứ đồ Phaolô chắc chắn đã nhất trí như thế. Chứng ung thư không dễ gì thấy thoải mái hay vui vẻ chi hết, bản thân nó cũng chẳng có gì là “ích” cả. Nhưng chứng ung thư có thể là cái ống dẫn có ích rất nhiều nếu trong căn bịnh của bạn, bạn nhận ra điều chi là vấn đề và điều chi không phải là vấn đề. Và chứng bịnh ấy sẽ trở thành một ơn phước rất sâu sắc nếu qua căn bịnh của bạn, bạn khám phá ra rằng sự yên ủi của Đức Chúa Trời là lớn lao hơn sự buồn rầu của bạn nữa.
Và sự yên ủi ấy dẫn tới điều ích thứ nhì từ hoạn nạn của chúng ta . . .
II. Sự hoạn nạn trang bị cho chúng ta để phục vụ tha nhân.
"Như vậy, hoặc chúng tôi gặp hoạn nạn, ấy là cho anh em được yên ủi và được rỗi; hoặc chúng tôi được yên ủi, ấy là cho anh được em yên ủi, mà sự yên ủi đó được hiện ra bởi anh em chịu cách nhịn nhục những sự đau đớn mà chúng tôi cùng chịu. Sự trông cậy của chúng tôi về anh em thật vững vàng; vì biết rằng bởi anh em có phần trong sự đau đớn, thì cũng có phần trong sự yên ủi vậy" (các câu 6-7).
Phaolô nhìn lại những sự thương khó của mình – chức vụ khó nhọc, sự túng thiếu, tù đày, sự chống đối không ngừng nghỉ mà ông đã đối diện với, và ông kết luận: “Sự nầy không phải chỉ dành cho tôi đâu. Đức Chúa Trời đang làm một việc ở trong tôi vì ích cho nhiều người khác".
Chúng ta không hề chịu khổ một mình đâu!
Có ai đó luôn luôn quan sát. Bạn bè của chúng ta đều nhìn thấy cách chúng ta đáp ứng với hoạn nạn. Họ muốn biết rõ những điều chúng ta nói chúng ta tin thực sự có là đủ cho chúng ta trong thì gian truân hay không!?! Và xa hơn nữa, nhiều người khác đang quan sát những gì chúng ta đang nếm trải. Phần nhiều người trong số họ đều là những người chưa tin Chúa, họ lấy làm lạ không biết Đấng Christ có thực không!?! Họ không biết, họ chưa chắc, có thể họ có đọc Kinh Thánh, có thể họ chưa đọc, nhưng họ đang quan sát cách chúng ta đáp ứng với sự ngược đãi, những lời vu cáo mạ lị, bịnh tật, mất việc làm, sự cuối cùng của mối hôn nhân của chúng ta, sự nghiệp đi xuống, suy sụp tài chính, và từ trong bóng tối họ chăm chú quan sát người thánh đồ đang chịu khổ để xem coi những gì người ấy có … có thực sự hay là không!?!
Đấy chính xác là điều mà Phaolô đang nói tới. Những hoạn nạn của chúng ta làm cho lòng chúng ta dịu đi khi chúng ta nhận lấy sự yên ủi của Đức Chúa Trời, chúng ta chuyển tải sự yên ủi ấy cho người khác thật là dễ dàng. Ồ, chúng ta cần sự yên ủi nầy trong Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ là dường nào. Chai lì đi là dễ lắm. Không sống tử tế cũng dễ lắm. Thật là dễ xem thường anh chị em của chúng ta yếu đuối hơn khi họ đang trong cảnh gian truân. Chúng ta nói rất vô tâm: “Sao họ không nhận lãnh vận đen đủi chứ? Sao họ không tỏ ra đôi chút nghị lực đi? Sao họ không thôi đừng than phiền nữa mà cứ hiên ngang trong cuộc sống? Sao họ không mạnh mẽ giống như phần còn lại trong chúng ta?” Đức Chúa Trời để cho chúng ta nếm trải những lúc nhọc nhằn để phá vỡ thái độ ấy của chúng ta và làm cho chúng ta được dịu đi để chúng ta có khả năng phục vụ trong danh của Đức Chúa Jêsus Christ cho hạng người khác, họ đang bị tổn thương.
Chuck Colson đi đến trại tù và ông đã tìm được kinh nghiệm ấy ở nhà tù Fellowship. Joni Erickson Tada đã bị tê liệt trong một tai nạn rồi từ nổi khổ của cô mà ra một chức vụ trải khắp thế giới cho kẻ bị tổn thương có danh xưng là Joni và Thân Hữu. Điều nầy không làm cho chúng ta phải kinh ngạc vì vũ khí mạnh nhất của Chúa đã được rèn luyện trên cái đe nghịch cảnh.
Nguyên tắc phi thường nầy trả lời cho nhiều thắc mắc. Phần nhiều người trong chúng ta có nhiều chỗ chai cứng trong đời sống của chúng ta sẽ không mềm mại được cho tới chừng nào chúng ta đi qua những lò hoạn nạn. Đức Chúa Trời để cho điều đó xảy ra để chúng ta sẽ chìa tay ra với tha nhân mà yên ủi họ.
Hoạn nạn của chúng ta tạo ra điều ích thứ ba…
III. Sự hoạn nạn tẩy sự tự tín ra khỏi chúng ta.
"Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống. Chúng tôi lại hình như đã nhận án xử tử, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại. Ấy chính Ngài đã cứu chúng tôi khỏi sự chết lớn dường ấy, và sẽ cứu chúng tôi; phải, chúng tôi còn mong Ngài sẽ cứu chúng tôi nữa" (các câu 8-10).
Chúng ta không biết bản chất chính xác loại khó nhọc mà Phaolô đã gánh chịu trong xứ A-si (Thổ nhĩ Kỳ ngày nay). Có thể đó là sự chống đối cực kỳ của các cấp lãnh đạo Do thái. Có thể đó là loại đau ốm nghiêm trọng về phần xác. Dù là điều nào, người thành Côrinhtô vốn biết rõ về điều đó và họ hiểu Phaolô đã suy nghĩ trong suốt sự thử thách cho rằng ông sẽ phải chết. Ông viết để thuật lại ơn giải cứu của Đức Chúa Trời và để yêu cầu người thành Côrinhtô về sự cầu nguyện của họ.
Khi hoạn nạn ụp tới hay khi thời điểm khó khăn xảy đến hoặc khi bạn bè xây lưng lại nghịch cùng chúng ta hay khi bị rơi xuống tận đáy cuộc sống, chúng ta lấy làm lạ không biết lý do tại sao mọi việc lại xảy ra theo cách chúng đã xảy ra. Ở đây chúng ta thấy có một sự giải thích rất quan trọng. Thời điểm hoạn nạn xảy đến để dạy cho chúng ta đừng tin cậy nơi cái tôi của mình, mà chỉ tin cậy duy nhứt nơi Chúa là Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại. Phần lớn chúng ta đều rất giỏi trong việc vận dụng những vấn đề “ôn hòa” trong cuộc sống. Chúng ta có thể sử lý với con cái lập dị hay một ông chủ kỳ khôi hoặc một trường hợp tồi của chứng bịnh cúm hay cả đống công việc chất chồng trên bàn giấy của chúng ta. Chúng ta hiểu rõ các áp lực thông thường và chúng ta học biết cách xử lý với chúng. Nhưng có khi những việc xảy ra “phóng hết ga” trong cuộc sống và buộc chúng ta phải đến với hai đầu gối của mình và có khi phải nằm rạp sát xuống mặt đất nữa. Tại điểm đó, khi mọi ý kiến của con người chẳng còn gì nữa, niềm hy vọng duy nhứt của chúng ta là Chúa. Chúng ta kêu la với Chúa trong nổi tuyệt vọng, nhìn biết rằng nếu Ngài không giúp chúng ta, chúng ta sẽ bị chìm đắm mất. Đấy là một bài học mà chúng ta cần phải học hỏi luôn.
Có một việc sau cùng mà hoạn nạn đang thực hiện trên chúng ta. . .
IV. Sự hoạn nạn tỏ ra quyền năng thực của sự cầu nguyện.
"Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi, hầu cho chúng tôi nhờ nhiều người cầu nguyện mà được ơn, thì cũng nên dịp cho nhiều người vì cớ chúng tôi mà tạ ơn nữa" (câu 11).
Tôi thích cụm từ: “Chính anh em lấy lời cầu nguyện mà giúp đỡ chúng tôi”. Phaolô sử dụng một từ Hylạp xảy ra chỉ có ở đây trong Tân Ước. Đây là một từ kép xảy đến từ ba chữ khác có nghĩa là “với”, “dưới” và “làm việc”. Đấy là công việc mà người ta làm khi họ phải dựng lên một nhà kho. Đúng ra, họ phải kê vai, cùng nhau vác lấy, rồi đưa lúa thóc đến đúng nơi đúng chỗ. Cũng một thể ấy, chúng ta hiệp nhau lại, vác lấy gánh nặng cho nhau trong cuộc sống khi chúng ta cầu thay cho nhau.
Nhiều lần chúng ta xem sự cầu nguyện là phương sách sau cùng khi lẽ ra đấy phải là phương sách đầu tiên hết. Tôi biết sự cầu nguyện đôi khi dường hư không vì chúng ta nghĩ chúng ta cần phải “làm một việc gì đó”. Cầu nguyện cũng tốt thôi, nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta nướng một cái bánh? Phải, cầu nguyện cũng tốt đấy. Nhưng đừng rơi vào cái bẫy sống biệt riêng thành “thuộc linh” và “thực tế”, giống như thể nướng một cái bánh là “sự cứu giúp thật” đang khi cầu nguyện chỉ là một việc thuộc linh chúng ta làm khi chúng ta không thể làm chi khác nữa. Chuyện ngược lại là rất thực đấy. Qua sự cầu nguyện chúng ta phóng ra quyền phép của thiên đàng cho các nan đề mà chúng ta đang đối diện với ở trên đất. Vì thế chúng ta chúng ta cần phải cầu nguyện, nhất là trong các thời điểm hoạn nạn.
Một bức thư đã gửi đến từ một người bạn, con của người nầy đã được chẫn đoán mắc phải chứng ung thư cực kỳ hiếm dường như không còn biết phải chạy đi nơi nào nữa.
Cách đây hai tuần, chúng tôi nghĩ nó mắc phải chứng sa ruột. Điều nầy chẳng có gì là thực hết và chúng tôi nghiêng hẳn về Đức Chúa Trời và tất cả những người Ngài đã đặt để xung quanh chúng ta để vùa giúp chúng ta khi chúng ta bước đi trên con đường nầy.
Nhìn biết rằng có nhiều người khác đang cầu thay cho chúng ta khiến cho chúng ta thêm sức mạnh mà tiến tới trước. Đức Chúa Trời đã truyền rằng sự cầu nguyện thật có linh nghiệm nhiều. Hãy dừng lại ở chỗ nầy trong một phút đi.
Những lời cầu nguyện của chúng ta thật có linh nghiệm nhiều.
Khi chúng ta cầu nguyện hay không cầu nguyện, điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt. Phaolô đang nói: “Khi ta nghĩ mình sẽ chết, anh em cầu nguyện thì Chúa giải cứu ta". Chúng ta sẽ không bao giờ biết được cho tới chừng nào chúng ta về đến thiên đàng là có bao nhiêu lần lời cầu thay của tha nhân đã giải cứu chúng ta. Nhưng tôi tin trong cái ngày trọng đại ấy, khi mọi điều kín giấu đều được bày tỏ ra, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã sa ngã nhưng có ai đó đã cầu thay cho chúng ta. Chúng ta đã thối lui, song có ai đó đã cầu thay cho chúng ta. Chúng ta đã đưa ra một quyết định dại dột, nhưng có ai đó đã cầu thay cho chúng ta. Chúng ta sẽ nhượng bộ đối với sự thử thách nhưng có ai đó đã cầu thay cho chúng ta. Chúng ta muốn ăn miếng trả miếng, song có ai đó đã cầu thay cho chúng ta. Chúng ta sẽ bị vụn nát ở dưới áp lực, nhưng có ai đó đã cầu thay cho chúng ta. Khi mọi sự đã được thốt ra và được làm theo, chúng ta sẽ học được rằng Đức Chúa Trời đã sử dụng lời cầu nguyện của tha nhân để vùa giúp chúng ta thực hiện cuộc hành trình từ đất lên trời, và chúng ta sẽ khám phá được rằng nếu không có những lời cầu nguyện được cảm thúc bởi Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không sao hoàn thành cuộc hành trình đó.
Tôi có một người bạn làm Mục sư chủ tọa ở một khu vực rất khó khăn trên thế giới, nơi ấy có nhiều sự chống đối đối với đạo Tin Lành. Mới đây, ông ấy đã nhận được một số áp lực từ các viên chức khác nhau về chức vụ của ông. Khi tôi viết cho ông ấy biết rằng có nhiều người đang cầu thay cho ông ấy, ông ấy đã viết thư trả lời với nhiều lời cảm tạ. Tôi muốn ghi lại câu đầu tiên và câu cuối cùng của bức thư ấy:
Tôi rất vinh dự khi nhận 2 thư của ông nói về tình yêu thương và sự quan tâm đến tôi và hoàn cảnh của tôi! Chắc chắn đều đó đã chạm đến lòng tôi và tinh thần của tôi rất lớn!
TRONG TÌNH YÊU CỦA NGÀI, CẢM TẠ HẾT THẢY NHỮNG AI ĐÃ CẦU THAY CHO TÔI, VÀ QUÍ VỊ PHẢI BIẾT RẰNG ĐẤY LÀ SỰ GIÚP ĐỠ RẤT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI TÔI TRONG HOÀN CẢNH NẦY!
Ông ấy đang sống theo lẽ thật của phân đoạn Kinh Thánh nầy.
Những hòn đá trong cái ao
Chúng ta cần phải cầu thay cho nhiều người khác, và chúng ta cần phải cùng nhau dâng lời cảm tạ khi những lời cầu nguyện của chúng ta được nhậm. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hãy giao tay hữu với Đức Chúa Trời để chúc phước cho nhiều người khác và làm cho lý tưởng Ngài được thăng tiến trên khắp đất. Qua những lời cầu nguyện hiệp một, chúng ta chạm vào những cái lỗ hổng trong chỗ tối tăm để cho ánh sáng của Chúa Jêsus chiếu vào. Đấy là lý do tại sao “ma quỉ run rẩy khi hắn nhìn thấy người thánh đồ yếu đuối nhất đang quì trên hai đầu gối của người”.
Trong phần nhiều các bài giảng của tôi, tôi hay nói rằng không có ai được miễn trừ khỏi những thử thách trong cuộc sống. Trở thành một Cơ đốc nhân là rất tuyệt vời, nhưng điều đó không miễn trừ cho bạn khỏi những gánh nặng trong cuộc sống. Trong nhiều cách thức, trở thành một Cơ đốc nhân có thể làm tăng thêm nhiều rối rắm cho bạn vì cớ sự chống đối thuộc linh mà bạn đối mặt với. Khi hoạn nạn đến, chúng ta chỉ có hai sự lựa chọn:
Chúng ta sẽ chịu khổ với Đức Chúa Trời, hay:
Chúng ta có thể chịu khổ mà không có Đức Chúa Trời.
Tôi đã nói điều đó rất nhiều lần rồi. Nhưng bây giờ, tôi muốn thêm một điều nữa vào sự ấy. Khi hoạn nạn đến...
Chúng ta có thể tự mình chịu khổ, hoặc…
Chúng ta sẽ chịu khổ với dân sự của Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta nhận lãnh sự yên ủi, chúng ta được trang bị để phục vụ cho tha nhân. Khi ấy chúng ta sẽ chuyển tải những gì Đức Chúa Trời đã ban bố cho chúng ta. Đây chính là cốt lõi của Cơ đốc giáo:
Từ Đức Chúa Trời
Đến chúng ta
Đến tha nhân
Có bao giờ bạn ra một cái ao trong xứ rồi ném một hòn sỏi xuống mặt nước chưa? Điều gì xảy ra? Từ chỗ mà hòn sỏi chạm mặt nước, mặt nước gợn sóng lăn tăn lan rộng càng lúc càng xa thêm. Một hòi sỏi nhỏ tạo ra làn sóng lăn tăn ảnh hưởng cả cái ao. Đấy là hình ảnh những gì Đức Chúa Trời đang làm trong đời sống chúng ta. Ngài yên ủi bạn trong những cơn hoạn nạn của bạn để bạn có thể yên ủi kẻ khác, rồi họ cũng có thể yên ủi kẻ khác nữa. Và làn sóng lăn tăn kia đang tác động khắp cả tính từ bạn đến người nào mà bạn có thể gặp được.
Một số tín đồ chưa bao giờ khám phá ra lẽ thật nầy. Họ là những kẻ hay lằm bằm khi mọi việc dường khó khăn. Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng cả, họ luôn luôn nhận lấy đầu kia của cây gậy, Đức Chúa Trời đã chỉa vào họ để mà sửa phạt. Hạng người thể ấy chưa hề có một chức vụ đến với tha nhân vì họ thường xuyên tranh đấu chống lại triển vọng của Đức Chúa Trời trên những thử thách khó khăn của họ và đã cứng lòng khi họ đáng phải mềm mại và dịu dàng. Kết quả là, họ chẳng có gì để chuyển tải cho ai khác hết.
Ánh mắt giáo sĩ
Tôi muốn đưa ra bước ứng dụng thật đơn giản!?! Phần nhiều người trong chúng ta ưa thích một chức vụ riêng tư, nhưng chúng ta không biết phải bắt đầu ở chỗ nào. Phân đoạn Kinh Thánh nầy cho rằng chức vụ riêng của chúng ta bắt đầu khi chúng ta chia sẻ với tha nhân những gì Đức Chúa Trời đã chia sẻ cho chúng ta. Nói như thế có nghĩa là có nhiều người trong cuộc sống của bạn, họ cần sự vùa giúp duy nhất mà bạn có thể đưa ra. Một số trong họ đang cần một lời khích lệ, và bạn là người duy nhứt có thể cung ứng cho họ lời ấy. Một số trong họ đang loạng choạng bên dưới một gánh nặng chồng chất, và bạn là người duy nhứt có thể cất gánh nặng ấy ra khỏi đôi vai của họ. Một số trong họ sắp sửa bỏ cuộc, và bạn là người duy nhứt có thể giữ họ lại trong cuộc chạy. Một số trong họ đã bị trói buộc với sợi dây thử thách rất khó tin nổi, và bạn là người duy nhứt có thể giữ họ cứ tiến bước.
Hạng người đó hết thảy đều đang ở xung quanh bạn đấy. Vấn đề duy nhứt của bạn, ấy là bạn không nhìn thấy họ. Hãy cầu xin để Đức Chúa Trời ban cho bạn đôi mắt của giáo sĩ. Đấy là những cặp mắt nhìn thấy nhu cần thiết thực của những người mà bạn gặp gỡ. Hãy cầu xin để Đức Chúa Trời đưa ít nhứt một người đến trên đường lối của bạn, họ đang có cần sự vùa giúp duy nhứt mà bạn có thể cung ứng cho. Đấy là lời cầu xin mà Đức Chúa Trời sẽ đáp lời, vì có nhiều người ở chung quanh bạn, họ chỉ cần có bấy nhiêu thôi. Bạn gặp họ nơi bạn làm việc, và bạn sống kế bên cửa nhà họ. Con cái của bạn đến trường với con cái họ. Họ đang có mặt ở đó chờ đợi ai đó cung ứng sự cứu giúp cho họ. Và chúng ta đã kinh nghiệm sự nhơn từ của Đức Giêhôva. Đức Chúa Trời đã vùa giúp chúng ta vì một mục đích: chúng ta cầm lấy những gì chúng ta đã nhận lãnh rồi chia sẻ nó với những ai đang có cần điều đó trong tuyệt vọng.
Bạn đã nghe thuật ngữ “người chữa lành bị thương tích”. Hết thảy chúng ta đều bị thương tích với những thất bại trong cuộc sống và các gánh nặng đang đè nặng vai chúng ta. Và chính những người nam người nữ bị thương tích đó, Đức Chúa Trời đã giao phó chức vụ lớn lao lo chia sẻ tình yêu của Ngài cho tha nhân.
Đừng làm phung phí nổi đau của bạn nhé! Hãy sử dụng nó mà đến gần Chúa hơn và đến với dân sự Ngài. Hãy sử dụng nó như một phương tiện để phục vụ tha nhân. Nguyện Đức Chúa Trời dấy lên một đội quân “những người chữa lành bị thương tích”, họ sẽ cầm lấy sự yên ủi mà họ đã nhận, rồi trong danh của Chúa Jêsus hiến nó cho một thế giới đau thương, họ đang trông đợi và canh chừng. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét