Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 1.10-16: "Công việc của cấp lãnh đạo thuộc linh"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH
Công việc của cấp lãnh đạo thuộc linh
Tít 1.10-16
Kent Hughes thuật lại một nhà khoa học tên là Max Sherman, ông đã thực hiện một thí nghiệm để quyết định tính hiệu quả của các chất làm nóng và loại ống dẫn máy điều hòa nhiệt độ. Ông đã đạt đến phần kết luận đáng giật mình được đăng trên tạp chí Wall Street và được tờ Associated Press lan truyền đi. Sherman quyết rằng hầu hết mọi chất khả thi cho ống dẫn nhiệt đều hoạt động tốt trừ ra một chất – duct tape. Ông cho biết, chỉ sau một vài ngày duct tape "bị hỏng và thất bại thảm thương". Một phóng viên hỏi: "Làm sao có được cái tên duct tape đó?" Sherman đáp: "Tôi không biết". Phóng viên hỏi: "Ông dùng nó vào việc gì?" Sherman đáp: "Bất cứ thứ chi, trừ ra mấy cái ống". "Ông có dùng duct tape không?" "Bất cứ lúc nào…chỉ không dùng cho mấy cái ống thôi". Mặc dù duct tape thường được khen ngợi là: "lực giữ vũ trụ lại với nhau", nó lại thất bại trong mục đích mà vì đó nó được thiết kế ra.
Trong phần nghiên cứu sách Tít trong mấy tuần rồi, chúng ta đã xét qua từng chi tiết về nhu cần và các đức tính của đại đa số cấp lãnh đạo thuộc linh trong Hội Thánh địa phương, nghĩa là cấp trưởng lão hay giám mục, những người phục vụ trong vai trò quản lý Hội Thánh, là nhà của Đức Chúa Trời. Hãy dành một phút cho Công Vụ các Sứ đồ 20.27-32. Phaolô nói cho cấp trưởng lão tại thành Êphêsô biết ông đã "không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời". Ông không chừa lại một chút gì, mà lo dạy cho họ biết mọi sự mà họ cần phải biết. Ở câu 28, ông nói: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Rồi ở câu kế, ông cẩn thận giải thích lý do tại sao phải cần đến cấp lãnh đạo được ơn, xứng đáng. Ông nói: "Còn tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muông sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu" (câu 29).
"Muông sói dữ tợn" nầy là những giáo sư giả, họ chuyên xuyên tạc sứ điệp Tin Lành. Hãy lưu ý, Phaolô không nói họ có thể hay họ sẽ đột nhập vào, nhưng họ đang "xen vào trong anh em". Trong mỗi Hội Thánh, có mối nguy hiểm hằng hiện hữu về hạng người được mô tả trong câu 30: "… lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ". Mục đích chính của cấp trưởng lão hay cấp lãnh thuộc linh trong Hội Thánh là "tỉnh thức" (câu 31) để họ có thể bảo hộ Hội Thánh và sự thanh sạch của Tin Lành.
Một trưởng lão phải "không chỗ trách được" trong từng phương diện. Người phải xứng đáng trong sinh hoạt của gia đình mình, cách ứng xử của người đối với tha nhân, lối sống và tình cảm của người dành cho và đầu phục đối với Lời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nếu người không "tỉnh thức" trước bầy chiên của Đức Chúa Trời như một người chăn biết cảnh giác, giống như duct tape, người thất bại ngay chính mục đích mà vì đó người được kêu gọi. Mối nguy hiểm lớn lao nhất đối với Hội Thánh không phải là việc xía vào của nhà cầm quyền, hay sự tự do về mặt chính trị, phong trào đòi quyền đồng tính, tranh cãi về việc phá thai, chủ trương công giáo toàn thế giới hay bất cứ một thế lực ngoại tại nào khác. Mối nguy hiểm lớn lao nhất là Ở BÊN TRONG, chớ không phải Ở BÊN NGOÀI. Phaolô đã nói với các trưởng lão thành Êphêsô rằng "muông sói dữ tợn" sẽ xen vào "giữa anh em". Mối nguy hiểm lớn lao nhất đối với Hội Thánh là đạo giả đang phát sinh từ bên trong. Nó lan rộng giống như một chứng ung thư thuộc linh tỏa khắp Hội Thánh.
Phaolô đã viết trong Rôma 16.17-18: "Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi. Vì những kẻ đó chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ, và lấy những lời ngọt ngào dua nịnh dỗ dành lòng kẻ thật thà".
Đặc biệt điều nầy rất thực trong các Hội Thánh mới đầy dẫy với những con đỏ thuộc linh rất dễ bị sai lạc, các Hội Thánh giống như thế nằm trên đảo Crete. Đây chính xác là lý do tại sao Phaolô đã dặn Tít phải "đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp". Ông phải lo "lập những trưởng lão trong mỗi thành". Những bầy nhỏ trong bầy chiên của Đức Chúa Trời cần những người chăn biết tỉnh thức. Sau khi đề ra những đức tính dành cho cấp trưởng lão, khi ấy Phaolô tiến hành nói cho Tít biết về công việc của họ. Ông đề ra NAN ĐỀ về các giáo sư giả mà họ sẽ đối diện, GIẢI PHÁP có cần cho cách xử sự với hạng giáo sư giả đó và SỰ HIỂU BIẾT mà cấp trưởng lão có cần để đánh trận với họ.
I. Nan đề cấp trưởng lão đối diện với (các câu 10-13a).
Vì Sứ đồ bắt đầu ở câu 10 bằng cách nói: "Vả, có nhiều người…". Luôn luôn có nhiều giáo lý nguy hiểm và con người với những ý tưởng kỳ lạ xuất hiện ở chung quanh. Đấy là lý do tại sao một Hội Thánh cần nhiều vị trưởng lão. Một hội chúng đông đảo, đang tấn tới sẽ không nhận ra một người và có khả năng xử lý với mọi sự dạy giả dối sẽ xảy có.
Sự phát triển đạo giả và các giáo sư giả đang tấn tới ngày càng mạnh với từng năm tháng trôi qua. I Timôthê 4.1-2 chép: "Vả, Đức Thánh Linh phán tỏ tường rằng, trong đời sau rốt, có mấy kẻ sẽ bội đạo mà theo các thần lừa dối, và đạo lý của quỉ dữ, bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư dối, là kẻ có lương tâm đã lì". Khoảng một năm sau khi Phaolô viết thư tín nầy cho Tít, Phierơ cảnh báo: "…trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình. Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha" (II Phierơ 2.1-2). Trở lại với phân đoạn Kinh Thánh gốc ở câu 10, Phaolô nói rằng số người nầy được mô tả là "chẳng chịu vâng phục, hay nói hư không và phỉnh dỗ". Chúng ta sẽ chú đến ba phần mô tả nầy vào một lúc thôi:
Thứ nhứt, Phaolô nói họ là "chẳng chịu vâng phục" ý nói tới sự loạn nghịch và mang ý tưởng từ chối không chịu ở dưới bất kỳ một quyền bính nào hết. Cũng chính từ ngữ nầy được sử dụng ở câu 6 để mô tả con cái của cấp trưởng lão không được ăn ở như thế. Hết thảy chúng ta đều đã nhìn thấy nhiều thanh thiếu niên loạn nghịch, một số người trong chúng ta đã từng là thanh thiếu niên loạn nghịch rồi. Lớp thanh niên thường xem khinh giới cầm quyền. Họ muốn sự tự do. Họ không muốn bất kỳ ai bảo họ phải làm điều nầy điều kia. Họ muốn uống bất cứ thứ chi họ muốn, hút thuốc gì tùy ý, đi bất cứ đâu thật nhanh như họ muốn. Kinh Thánh dạy rằng hạng giáo sư giả đều có đúng thái độ ấy. Họ không muốn ở dưới thẩm quyền của Kinh Thánh hay cấp lãnh đạo thuộc linh. Giống như lứa tuổi thanh thiếu niên loạn nghịch, họ tưởng họ biết nhiều hơn bất cứ ai khác. Họ sống bất kỉnh và sai trái đối với bất cứ ai đang có quyền hành ở trên họ.
Thứ hai, Phaolô mô tả giáo sư giả là "hay nói hư không". Sát nghĩa, cụm từ nầy dịch là "lời lẽ vô tích sự". Theo câu 9, một trưởng lão phải là người của "đạo thật", nhưng số người nầy là những kẻ hay nói hư không. Giống như Shakespeare từng nói: họ "lung tung, điên dại, chẳng ra thể thống gì hết". Họ chứa đầy không khí nóng bức. Khi bạn làm cho nó sôi sụt lên, họ nổi bật lên trong cách ăn nói, nhưng làm thì chẳng có gì hết.
Hạng người thể ấy chỉ có tài bẻm mép. Họ đang lôi cuốn và có sức thuyết phục trong cách nói năng của họ. Họ nói năng lưu loát lắm, hùng biện và rất thú vị. Tuy nhiên, trong mọi sự họ nói ra, chẳng có chút chất lượng chi hết. Những điều họ nói ra chẳng có gì là thật cả. Giuđe 12 mô tả họ là "những đám mây không nước". Khi sinh sống ở miền tây nam khô cằn, chúng ta hiểu ngay hình ảnh đó. Có bao nhiêu lần bạn nhìn thấy một đám mây mưa thật đẹp đang đến gần chỉ để bị gió đưa đi không chẳng buông xuống một giọt mưa quí báu nào hết. Nó xuất hiện đem lại yên ủi lắm, song chẳng có ích chi hết.
Thứ ba, Phaolô nói rằng hạng giáo sư giả là những kẻ "phỉnh dỗ". Không những họ sai lầm trong sự dạy của họ, mà còn có ý lừa dối người khác nữa. Họ che đậy các ý tưởng lạc sai của họ trong thuật ngữ Kinh Thánh. Họ đưa ra những câu Kinh Thánh theo văn mạch của họ rồi sử dụng chúng để cung ứng sự đáng tin cho mọi sự dạy của họ. Họ không hiểu sai Kinh Thánh; họ xuyên tạc Kinh Thánh. Câu 11 chép họ "dạy điều không nên dạy, và phá đổ cả nhà người ta".
Bạn có từng xem những kẻ chữa lành bằng đức tin với tên tuổi to lớn trên các kênh tôn giáo chưa? Đừng để họ dối gạt dù chỉ một phút đồng hồ thôi. Tất cả chỉ là trò lừa đảo. Đấy là một phiên bản tôn giáo của trò đô vật chuyên nghiệp. Nó dối gạt để rút lấy tối đa cái chạm từ đám dân đông … và tối đa lạc hiến! Trong thế kỷ đầu tiên "đặc biệt" điều nầy là thật về "những người chịu cắt bì đó". Có nhiều người Do thái họ xưng mình là Cơ đốc nhân nhưng muốn tất cả các tín hữu khác phải chạy theo các tiêu chuẩn nghi thức của Luật pháp Môise cùng những truyền khẩu của các rabi. Ở câu 14, vị sứ đồ nói tới "truyện huyễn của người Giu-đa, và điều răn của người ta". Mới đây chúng ta đã hoàn tất phần nghiên cứu về sách Galati xử lý đặc biệt với vấn đề nầy.
Ở câu 11, Phaolô nói "miệng họ đáng phải bịt đi" vì họ "phá đổ cả nhà người ta". Các giáo sư giả nầy trên đảo Crete dường như không chia sẻ những ý tưởng tà giáo của họ trong các buổi thờ phượng chung, mà trong những buổi nhóm học Kinh Thánh tại nhà riêng. Trong một nhóm lớn, sẽ có những tín đồ trưởng thành, biết phân biện về mặt thuộc linh, họ sẽ nhận ra và đối mặt với sự dạy giả dối. Trong môi trường tư gia, một nhóm nhỏ tín đồ kém trưởng thành hơn có thể bị một giáo sư giả dọa dẫm và thao túng dễ dàng. Chẳng có gì sai với các buổi nhóm học Kinh Thánh tại tư gia, nhưng các cấp lãnh đạo phải là những Cơ đốc nhân mạnh mẽ, lập nền theo Kinh Thánh, họ biết cách đối mặt với sự sai trái.
Trước tiên, hãy chú ý sự dạy của họ sẽ "phá đổ" hay lật đổ. Sự công bố lẽ thật rõ ràng thường khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại tình trạng tư duy đã có của mình. Cơ đốc giáo thật không tránh né những điều hồ nghi và thắc mắc, nhưng sẵn sàng đối diện với chúng. Những nhà cải chánh đã sử dụng phương châm semper reformata, theo tiếng La tinh có nghĩa là: "luôn luôn sửa đổi". Chúng ta phải luôn luôn sửa đổi những niềm tin, truyền thống và cách sống đạo của mình theo Kinh Thánh. Tuy nhiên, những gì xảy ra ở đảo Crete thì rất khác biệt. Các giáo sư giả nầy không thách thức "cả nhà" phải suy nghĩ theo Kinh Thánh về những thắc mắc khó hiểu, những dối gạt, nguy hiểm sẽ đưa họ xa khỏi đức tin.
Thứ hai, họ đang khuấy rối nhiều gia đình. Thể chế của Hội Thánh được xây dựng trên thể chế của gia đình. Bất cứ điều chi gây hư hỏng cho gia đình không làm ích cho Cơ đốc giáo theo Kinh Thánh. Vì thế, Phaolô nói thêm, "miệng họ đáng phải bịt lại". Nếu đọc câu nầy theo cách sát nghĩa, thì là: "họ phải bị khóa miệng lại" vì thuật ngữ Hy lạp muốn nói "đem cái gì đó ra khỏi miệng". Chúng ta xử lý thế nào với nan đề sự dạy giả dối trong Hội Thánh? Chúng ta phải khóa miệng các giáo sư giả lại. Chúng ta phải bịt miệng họ lại. Chúng ta sẽ xử lý với giải pháp nầy thêm ở câu 13.
Một lần nữa, ở phần cuối câu 11, chúng ta để ý động lực của các giáo sư giả. Họ dạy theo kiểu lừa đảo những lẽ đạo nguy hiểm, rồi lật đổ các gia đình hết thảy "vì mối lợi đáng bỉ". Giống như hạng người hám lợi tôn giáo trong thời của chúng ta, cốt lõi của họ là điểm mấu chốt. Họ vốn quan tâm đến những gì họ sẽ thu lấy của người ta hơn là những gì họ đặt để trong người ta.
Điều nầy luôn luôn là nguy hiểm cho quí giáo sư-mục sư và các cấp trưởng lão. Chúng ta được kêu gọi, được ơn và được trang bị để dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta phải liên tục xem xét tấm lòng mình và tự hỏi tại sao chúng ta dạy dỗ và dẫn dắt Hội Thánh. Có nhiều điều lố bịch về những vị Mục sư tỏ ra biếng nhác và không may thay một số những điều lố bịch đó lại rất thực tế. Một số Mục sư giảng dạy như một nghề nghiệp. Họ xem đấy là một việc làm. Họ giảng dạy vì tiền bạc, không có tình yêu thương dành cho dân sự của Đức Chúa Trời. Một số người rất giàu có và quyền thế. Họ không yêu bầy chiên, nhưng yêu bản thân họ. Chúa Jêsus đã gọi hạng người thể ấy là "kẻ chăn thuê". Ngài phán trong Giăng 10.11-13: "Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình. Kẻ chăn thuê chẳng phải là người chăn, và chiên không phải thuộc về nó, nếu thấy muông sói đến, thì nó bỏ chiên chạy trốn; muông sói cướp lấy chiên và làm cho tản lạc. Ấy vì nó là kẻ chăn thuê, chẳng lo lắng chi đến chiên".
Ở câu 12, Phaolô nhắc cho Tít nhớ đến bản chất của người đảo Crete. Về người đảo Crete, ông nói: "Một người trong bọn họ, tức là bậc tiên tri của họ, có nói rằng: Người Cơ-rết hay nói dối, là thú dữ, ham ăn mà làm biếng". Chẳng có một dân nào khác có tiếng xấu hơn họ có. Thậm chí ngày nay hành động theo kiểu tà giáo là "hành động như người đảo Crete". Họ nổi tiếng là giống dân lúc nào cũng say xỉn, xấc láo, không đáng tin cậy, chuyên nói dối và tham ăn. Polybius viết: "Người đảo Crete, tính theo tánh tham của họ, sống trong một tình trạng suốt đời tranh cạnh và thù hận liên miên … và bạn sẽ khó tìm được ở đâu những đức tính xảo quyệt và dối trá hơn người đảo Crete. Tiền bạc được đánh giá cao giữa vòng họ, của cải không những được xem là cần thiết, mà còn đáng ca ngợi nữa; thực vậy, tham lam là bẩm sinh cho vùng đất đảo Crete, họ là hạng người duy nhất trên thế gian xấu xa đến độ như thế".
Phaolô đang trưng dẫn từ Epimenides, một thi sĩ Hy lạp đã sống khoảng năm 600 TC. Ông là "bậc tiên tri của họ" hay bản thân ông đã chào đời ở đảo Crete. Ông nổi tiếng là một trong bảy người khôn ngoan cả thể lắm của đất nước Hy lạp. Ấy chẳng phải là Phaolô, mà là Epimenides đã nói thế giới thời cổ khẳng định: "Người Cơ-rết hay nói dối, là thú dữ, ham ăn mà làm biếng". Không những họ "nói dối", mà "hay nói dối". Không những họ sống giống như các loài thú hay "thú hoang dã" mà còn là "thú dữ" nữa. Không những họ "ham ăn" mà còn "làm biếng" nữa. Thú vị thay, nhiều thế kỷ về sau, Phaolô đã khẳng định những gì Epimenides đã nói. Ở phần đầu câu 13, ông nói: "Lời chứng ấy quả thật lắm".
Những gì từng là sự thực nơi dân cư đảo Crete dường như là thực trên khắp thế giới ngày hôm nay. Từ Nhà Trắng cho đến nhà thờ, chúng ta thấy rõ tình trạng loạn nghịch, dối trá và bất lương. Thế gian dường như là một nơi tăm tối lại càng tối tăm hơn. Thân thể của Đấng Christ thường bị hành hại với hạng giáo sư giả mà môi miệng của họ cần phải được khóa lại. Vẫn còn có những tin tức tốt lành.
Học giả Kinh Thánh lỗi lạc William Barclay nói về phân đoạn Kinh Thánh nầy: "Người đảo Crete là hạng người dối trá có tiếng lừa đảo, tham ăn, phản trắc, nhưng đây là một việc kỳ diệu. Khi nhìn biết như thế, và thực sự kinh nghiệm nó, Phaolô không nói với Tít: ‘Hãy bỏ họ đi. Họ sống trong vô vọng và ai nấy đều biết như thế’. Ông nói: ‘Họ vốn xấu xa và ai nấy đều biết rõ: Hãy đi và biến đổi họ.’ Một vài phân đoạn Kinh Thánh chứng tỏ tính lạc quan thiên thượng của nhà truyền đạo Cơ đốc, ông từ chối không xem bất kỳ ai là vô vọng. Điều ác càng lớn, thách thức càng lớn hơn. Đây là lòng tin Cơ đốc, không có một tội lỗi nào quá lớn mà ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ không chinh phục được".
Đôi lúc, khi chúng ta xem xét mọi điều ác trong thế gian và sự đồi bại tăm tối của con người, chúng ta có khuynh hướng khoanh lấy mọi gánh nặng và cô lập mình đối với tình trạng tội lỗi của những kẻ chưa tin Chúa. Khi ấy, chúng ta cần phải nhớ rằng sự hư hoại hiển nhiên nơi kẻ chưa được cứu ở chung quanh chúng ta từng rất thực trong chúng ta. Hết thảy chúng ta từng "chết vì lầm lỗi và tội ác mình". Mỗi Cơ đốc nhân từng "học đòi theo thói quen đời nầy" (Êphêsô 2.1-3). I Côrinhtô 6.9-11 chép: "Anh em há chẳng biết những kẻ không công bình chẳng bao giờ hưởng được nước Đức Chúa Trời sao? Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu. Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ, và nhờ Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch, được nên thánh, được xưng công bình rồi". Nếu Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta đến với sự cứu rỗi từ chỗ băng hoại của thế gian, chúng ta có thể dám chắc rằng khi chúng ta công bố tin lành chơn thật bằng môi miệng và bằng đời sống của chúng ta, Ngài sẽ kêu gọi thêm nhiều người nam người nữ nữa. Tình trạng tối tăm của tội lỗi càng lớn, tình trạng sáng chói của ân điển càng cả thể hơn!
II. Giải pháp các trưởng lão cung ứng (các câu 13b-14).
Chúng ta đã xem NAN ĐỀ theo từng chi tiết. Là một sắc dân, người đảo Crete là những kẻ nói dối, lừa đảo và tham lam. Đặc biệt hơn, có nhiều giáo sư trong những nhà thờ, họ đều là những kẻ dối trá loạn nghịch. Mặc dù Phaolô đã gợi ý rồi về tình trạng nầy ở câu 11, ở đây trong nửa phần sau của câu 13 và trong câu 14, chúng ta thấy phần GIẢI PHÁP. Chúng ta cần phải xử lý thế nào với những giáo sư giả "miệng họ đáng phải bịt lại" hay khóa lại? Chúng ta hãy "quở nặng họ". Khi sự dạy giả dối bắt đầu tràn vào Hội Thánh, cấp trưởng lão không phải vùi đầu của họ trong cát rồi hy vọng việc ấy sẽ mau qua. Các cấp lãnh đạo thuộc linh của Hội Thánh không phải rùng vai giống như thể họ chẳng có chút trách nhiệm nào hết. Thay vì thế, họ cần phải trụ cho vững vàng và "quở trách" bất kỳ giáo lý giả dối nào theo cách "nặng nề". "Nặng" dịch chữ apotomos có nghĩa là "cắt đứt" như với một con dao, gươm hay búa. Cấp trưởng lão cần phải hành động một cách mau chóng cắt đứt bất kỳ một giáo lý giả dối nào e rằng nó sẽ lan rộng ra.
Động lực của giáo sư giả là "mối lợi đáng bỉ" (câu 11). Động lực của cấp trưởng lão tin kính, ấy là "họ có đức tin vẹn lành". Người không "quở trách" dân sự để người cảm thấy siêu nhiên về mặt thuộc linh. Người không "tự ý" hay đang đi trên hành trình của bản ngã. Người không tin mình tuyệt đối đúng về mọi sự và lời lẽ của người là luật lệ. Người nhận ra có nhiều vấn đề trên đó Cơ đốc nhân có thể bất đồng mà vẫn có những mối quan hệ yêu thương. Tuy nhiên, người biết rõ đạo giả khi người nghe nó. Hai lổ tai người hài hòa với bất kỳ sự biến dị nào trong sứ điệp Tin Lành.
Cấp trưởng lão có thái độ tỉnh thức hiểu rõ lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mathiơ 7.15: "Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé". Ngài biết rõ muông sói phải bị quở trách e rằng chúng tàn sát bầy chiên. Cách đây mấy năm, có người bước vào nhà thờ của chúng ta. Ông ta đến nhóm trong mấy tuần rồi mời tôi ăn trưa. Chúng tôi có một buổi trao đổi rất lâu về Chúa, về Kinh Thánh và về Hội Thánh. Cả hai chúng tôi đều được khích lệ vì dường như chúng ta là loại Hội Thánh mà ông ta đang tìm kiếm và ông ta dường là loại người có thể chúc phước rất lớn cho chức vụ của chúng ta. Chúng tôi bắt đầu tương giao với từng người khác và nhận biết nhau nhiều hơn. Tôi có ấn tượng với tri thức của ông ta về Ngôi Lời. Rõ ràng là ông ta có để ra nhiều thời gian nghiên cứu rất chi tiết về Kinh Thánh. Sau cùng, ông ta nhóm lại với Kinh Thánh trong vai trò một thuộc viên. Tôi nhớ từng suy nghĩ: "Ông nầy quá tốt chưa hẳn là thành thực đâu. Có điều gì sai trật với ông ta đây. Mình cần phải kiểm chứng ông ta lại". Tôi đã kiểm chứng. Dầu tôi không biết cựu Mục sư của ông ta ở thành phố khác, tôi tìm được số tel rồi gọi vị Mục sư ấy. Vị Mục sư đó quyết chắc với tôi người nầy rất thẳng thắn. Ông ta quả là như thế thật. Chẳng phải ông ta là "sói trong lốt chiên" đâu! Tôi vui mừng lắm vì hai lý do: Thứ nhứt, chúng ta đã kiếm được một vị lãnh đạo có giá trị và thứ hai tôi đã trung tín canh giữ bầy chiên của Đức Chúa Trời.
Mặt khác, có những người khác, trông họ dường như rất tin kính và công bình, rất lanh lẹ về Kinh Thánh. Tuy nhiên, qua thời gian rõ ràng họ có mặt ở đây không phải để hầu việc Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài, mà để kiếm lợi cho bản thân họ, để dạy dỗ theo chương trình riêng của họ. Hạng người thể ấy phải bị "quở nặng, hầu cho họ có đức tin vẹn lành". Có "đức tin vẹn lành" nghĩa là sống lành mạnh thuộc linh theo cùng một cách với "tâm trí và thân thể vẹn lành" , phải lành mạnh về lý trí và thuộc thể. Mục đích của chúng ta trong việc "quở trách" luôn luôn là giúp cho cả hội chúng đều được "đức tin vẹn lành". Phaolô bảo Timôthê phải "đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi" (II Timôthê 4.2). Ở II Timôthê 2.23-25, ông nói: "Hãy cự những lời biện luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi [đừng bàn bạc về những việc không quan trọng]. Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật".
Phaolô căn dặn Tít rằng các giáo sư giả trên đảo Crete cần một sự quở trách để họ sẽ thôi không cung ứng "truyện huyễn của người Giu-đa, và điều răn của người ta". Ông căn dặn gần như cùng một việc với Timôthê ở I Timôthê 1.4: "đừng nghe phù ngôn và gia phổ vô cùng, là những điều gây nên sự cãi lẫy” đặc biệt những gì "truyện huyễn của người Giuđa" và “điều răn" đang hành hại các Hội Thánh. Người Do thái đã phát triển những cách thực hành kỳ dị về triết lý có vần có điệu bằng cách quy giá trị bằng số cho từng mẫu tự trong tiếng Hy bá lai và cho sự kết nối các mẫu tự đó. Giống như lý thuyết hiện đại về các "mã Kinh Thánh", họ bất chấp lẽ thật của Kinh Thánh khi tìm kiếm những ý nghĩa kín nhiệm bị che giấu. Các rabi Do thái trong nhiều thế kỷ đã phát triển "điều răn của người ta" chiếu theo Luật pháp thêm vào và thậm chí mâu thuẫn với Kinh Thánh nữa. Ở Mác 7.5-7, người "Pharisi và thầy thông giáo" đã hỏi Chúa Jêsus: "Sao môn đồ thầy không giữ lời truyền khẩu của người xưa, dùng tay chưa tinh sạch mà ăn như vậy?" Ngài đáp rằng: “Hỡi kẻ giả hình, Ê-sai đã nói tiên tri về việc các ngươi phải lắm, như có chép rằng: Dân nầy lấy môi miếng tôn kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra". Họ nhắm nhiều vào các điều răn của họ hơn là điều răn của Đức Chúa Trời!
Bất cứ điều chi họ đang dạy dỗ, ở phần cuối câu 14 trong phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta thấy nan đề thật mà Tít phải nói đến, hạng giáo sư giả nầy đã khiến cho nhiều người khác phải "xây khỏi lẽ thật". Trong lối quyến rũ của họ về những ý nghĩa kín giấu, những bài thơ có vần có điệu, những cách thực hành chuộng theo nghi thức và luật pháp, họ đang xây người ta ra khỏi Tin Lành chân chính của Đức Chúa Jêsus Christ. Vì điều nầy, họ phải bị "quở nặng". Có nhiều vấn đề trên đó chúng ta có thể bàn bạc và bất đồng. Chúng ta có thể bàn về lời tiên tri, kiểu cách thờ phượng, những góc cạnh chính trị, các lựa chọn giải trí, trường học tư, học ở nhà hay học trường công, v.v… Danh sách dường như là vô tận. Tuy nhiên, cấp lãnh đạo Hội Thánh phải hiểu rõ khi nào Tin Lành bị rơi vào chỗ nguy hiểm, khi nào nhiều người khác sẽ sống "trái với lẽ thật", chúng ta phải bước vào với sự quở trách dạn dĩ và nặng nề từ Kinh Thánh.
III. Phần giải thích cấp trưởng lão hiểu rõ (các câu 15-16).
NAN ĐỀ là sự dạy giả dối làm cho lan rộng lẽ đạo nguy hiểm. GIẢI PHÁP là các cấp lãnh đạo thuộc linh mạnh mẽ, các trưởng lão phải khóa kín miệng mồm của hạng giáo sư giả bằng cách quở nặng họ. Giờ đây, Phaolô cung ứng cho chúng ta phần GIẢI THÍCH cho thấy lý do tại sao có những giáo sư giả cùng nhiều lẽ đạo nguy hiểm. Thứ nhứt, ông nói ở câu 15: "Mọi sự là tinh sạch cho những người tinh sạch". Các giáo sư giả: "đặc biệt những người chịu cắt bì" họ dạy "truyện huyễn của người Giuđa và điều răn của người ta" có những bảng danh sách thật dài những điều nào là thanh sạch và những điều nào là bất khiết. Họ công bố một số điều phải thanh sạch và một số điều ô uế. Họ xưng mình tin theo Chúa Jêsus, nhưng mong muốn Cơ đốc nhân phải thực hành đủ thứ nghi thức, luật lệ và nội quy, những thứ chẳng có việc gì phải làm với sự tấn tới thực sự về mặt thuộc linh. Họ có những sự thanh tẩy theo nghi thức và chẳng ăn các thứ đồ ăn nhất định nào đó vì sợ họ sẽ bị ô uế hay bất khiết.
Chúa Jêsus nói rõ là việc rửa sạch bề ngoài chén là vô ích trừ phi bạn trước hết rửa sạch người bề trong. Ở Mác 7.18-23 Ngài phán: "Vậy chớ các ngươi cũng không có trí khôn sao? Chưa hiểu chẳng có sự gì ở ngoài vào trong người mà làm dơ dáy người được sao? Vả, sự đó không vào lòng người, nhưng vào bụng, rồi bị bỏ ra nơi kín đáo, như vậy làm cho mọi đồ ăn được sạch. Vậy, Ngài phán: Hễ sự gì từ người ra, đó là sự làm dơ dáy người! Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người". Mục đích: bất luận bạn làm sạch bề ngoài đời sống bạn như thế nào, nếu bề trong là ô uế, bạn sẽ bị ô uế hết thôi! Sự thanh sạch thật chỉ đến bởi sự ăn năn và đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ không phải thêm vào một điều chi khác!
Kế đó, câu 15 chép: "nhưng, cho những kẻ dơ dáy và chẳng tin, thì không sự gì là tinh sạch cả; trái lại, tâm thần và lương tâm họ là dơ dáy nữa". Triết gia Horace đã nói: "Trừ phi cái bình là sạch, mọi thứ bạn đổ vào trong bình đó càng cay đắng hơn". Hãy tưởng tượng bạn đang đi picnic xem. Thời tiết thì ấm áp và bạn muốn đem theo một ít nước. Bạn nghĩ có một ít nước chanh lạnh thì hay hơn. Bạn sẽ không ra khỏi garage rồi lấy cái bình cũ để pha nước chanh? Tất nhiên là không rồi! Tại sao không? Vì cái bình chống đông lạnh kia đã bị nhiễm với các thứ hóa chất có độc tố cao. Bạn sẽ chẳng dám uống từ cái bình ấy. Bạn không thể làm sạch nó đủ để cảm thấy an toàn mà dùng nó để uống. Bất cứ thứ chi bạn để vào bình ấy, nước chanh hay thứ nước uống sẽ bị nhiễm bẫn cho xem. Cũng một thể ấy, bất cứ thứ chi nhập vào lý trí của một "người ô uế và không tin" không phải là sạch mà là "ô uế". Một lý trí ô uế sẽ luôn luôn tạo ra những tư tưởng ô uế. Một người như thế có thể lấy những việc xinh đẹp nhất rồi làm cho chúng phải nhiễm bẩn.
Một người đưa ra những quyết định dựa theo "lý trí" và "lương tâm" của mình. "Lý trí" hay trí khôn của người chỉ ra khả năng người nghĩ suy qua những sự việc. "Lương tâm" là khả năng của người nhìn biết điều chi là đúng, nghe theo tiếng phán của Đức Chúa Trời. Nếu lý trí người bị nhiểm bẩn bởi bản chất tội lỗi và lương tâm người bị hư hỏng bởi tánh ích kỷ, mọi sự trong đời sống người đã bị nhiễm bẩn, "chẳng có điều chi là thanh sạch". Ở câu 16, vị sứ đồ nói rằng hạng người thể ấy "xưng mình biết Đức Chúa Trời, nhưng theo những việc làm thì đều từ chối Ngài". Hạng giáo sư giả kia dường như "biết Đức Chúa Trời". Họ có thể trưng dẫn Kinh Thánh. Họ nhìn biết thuật ngữ Kinh Thánh. Khi lắng nghe họ, bạn sẽ nghĩ họ là hạng môn đồ tin kính của Đấng Christ. Tuy nhiên, khi bạn thực sự xem xét đời sống của họ, bạn nhận ra rằng bởi "những việc làm, họ từ chối Ngài". Mọi sự họ nói bằng môi miệng của họ, họ không nói bằng đời sống của họ. Trong ánh mắt của Đức Chúa Trời, hạng người thể ấy là "đáng ghét" hay kinh tởm. Họ sống "trái nghịch". Họ không thể tuân theo ý chỉ của Đức Chúa Trời vì quyền phép của Đức Thánh Linh, là điều giúp cho chúng ta làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời không hiện diện trong họ. Họ "không thể làm một việc lành nào hết" vì họ không phải là người chăn, mà là muông sói. Họ không có chỗ dạy dỗ bầy chiên vì mục tiêu của họ là ăn thịt chiên. Việc làm của cấp trưởng lão, cấp lãnh đạo thuộc linh là phải lo bảo hộ dân sự tránh loại dã thú thuộc linh. Chúng ta không sống giống như “duct tape”. Chúng ta hãy làm tròn chức năng mà vì đó chúng ta đã được chỉ định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét