Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Tại sao phải học thuộc lòng Kinh Thánh?



Tại sao phải học thuộc lòng Kinh Thánh?
Mục sư John Piper
Thứ nhứt, một vài bằng chứng: Tôi có trong trí Mục sư Howard Hendricks (của Thần học viện Dallas) từng đưa ra câu nói (và tôi đóng ngoặc đơn lại) rằng nếu đấy là quyết định của ông, từng sinh viên tốt nghiệp tại Thần Học Viện Dallas sẽ bị buộc học thuộc lòng cả ngàn câu cho trọn vẹn trước khi họ tốt nghiệp.
Dallas Willard, giáo sư môn Triết ở Đại học đường Nam California, đã viết: "Học thuộc lòng Kinh Thánh tuyệt đối là nền tảng cho cơ sở thuộc linh. Nếu tôi phải chọn giữa mọi kỷ luật của đời sống thuộc linh, tôi sẽ chọn học thuộc lòng Kinh Thánh, vì đấy là phương thức nền tảng làm đầy dẫy lý trí của chúng ta với những gì nó cần. Quyển sách Luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi. Đấy là điều mà bạn có cần đó! Quyển sách ấy làm sao lọt vào miệng của bạn được? Học thuộc lòng" ("Spiritual Formation in Christ for the Whole Life and Whole Person" in Vocatio, Vol. 12, no. 2, Spring, 2001, p. 7).
Chuck Swindoll đã viết: "Nói một cách thực tế, tôi chẳng biết một cách thực hành đơn giản nào trong đời sống Cơ đốc được ban thưởng nhiều hơn là học thuộc lòng Kinh Thánh ... Không một cách thực hành đơn giản nào chi lãi thuộc linh ròng hơn! Đời sống cầu nguyện của bạn sẽ được mạnh mẽ hơn. Sự làm chứng của bạn sẽ sắc bén và nhiều hiệu quả hơn. Thái độ và quan điểm của bạn sẽ bắt đầu thay đổi. Lý trí của bạn sẽ được lanh lợi và tinh tường hơn. Lòng tin cậy và sự quyết đoán của bạn sẽ được nâng cao thêm. Đức tin của bạn sẽ càng vững chãi thêm" (Growing Strong in the Seasons of Life [Grand Rapids: Zondervan, 1994], p. 61).
Một trong những lý do Martin Luther đã đạt tới mức khám phá sâu rộng sự xưng công bình bởi đức tin trong Kinh Thánh, ấy là trong những năm đầu ở chủng viện Augustine, ông đã chịu ảnh hưởng đem lòng yêu mến Kinh Thánh bởi Johann Staupitz. Luther đã ăn nuốt Kinh Thánh trong thời buổi mà người ta kiếm được học vị Tiến sĩ môn thần học mà thậm chí chẳng đọc Kinh Thánh. Luther nói rằng vị giáo sư bạn của ông là Andreas Karlstadt, thậm chí không có một quyển Kinh Thánh riêng khi ông ấy kiếm được bằng Tiến sĩ Thần học, ông ấy cũng không có Kinh Thánh trong nhiều năm trời sau đó nữa (http://www.crosswalkmail.com/rqlrsglnlr_kwrwwlrllqb.html/t_blank). Luther biết nhiều về Kinh Thánh ghi từ bộ nhớ lúc Chúa mở mắt ông nhìn thấy lẽ thật về sự xưng công bình ở Rôma 1:17, ông nói: "Ngay sau đó, tôi đã lo học thuộc lòng Kinh Thánh", để khẳng định điều mà ông đã tìm được.
Vì vậy, đây là một vài lý do tại sao có nhiều người đã xem việc học thuộc lòng Kinh Thánh là quan trọng cho đời sống Cơ đốc:
1. Tuân theo Đấng Christ
Phaolô đã viết rằng: "Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển". Nếu chúng ta được biến hóa nên như ảnh tượng của Đấng Christ, chúng ta phải mau mau nhìn xem Ngài. Điều nầy diễn ra trong câu: "Đức Giê-hô-va cứ hiện ra tại Si-lô, vì ấy tại Si-lô mà Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Sa-mu-ên, khiến cho người biết lời của Ngài" (I Samuên 3:21). Học thuộc lòng Kinh Thánh có tác dụng khiến cho sự nhìn xem Chúa Jêsus của chúng ta được vững vàng và rõ rệt hơn.
2. Thắng hơn tội lỗi mỗi ngày
"Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa ... Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa" (Thi thiên 119:9, 11). Phaolô nói rằng chúng ta phải "nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể" (Rôma 8:13). Thứ vũ khí dùng để giết là "gươm của Đức Thánh Linh", là Lời của Đức Chúa Trời (Êphêsô 6:17). Khi tội lỗi cám dỗ thân thể sa vào hành động tội lỗi, chúng ta gợi lên trong trí một câu Kinh Thánh tỏ ra Đấng Christ rồi giết chết sự cám dỗ với sự đẹp đẽ và giá trị siêu việt của Đấng Christ trổi hơn những gì tội lỗi hiến cho.
3. Thắng hơn Satan mỗi ngày
Khi Chúa Jêsus bị Satan cám dỗ trong đồng vắng, Ngài đã gợi Kinh Thánh ra từ trí nhớ rồi xô đuổi Satan đi (Mathiơ 4:1-11).
4. Yên ủi và mưu luận cho dân sự mà bạn yêu mến
Thời điểm mà dân sự cần bạn cung ứng cho họ sự yên ủi và mưu luận không luôn luôn trùng với thời điểm bạn đang cầm quyển Kinh Thánh trên tay. Không những thế, chính Lời của Đức Chúa Trời đã phán dạy từ đáy lòng bạn vốn có quyền phép. Châm ngôn 25:11 chép: "Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc". Đấy là lời nói thật hữu hiệu: Khi tấm lòng đầy dẫy tình yêu thương của Đức Chúa Trời, có thể rút ra từ lý trí đầy dẫy lời của Đức Chúa Trời, những ơn phước đúng thì tuôn tràn ra từ môi miệng.
5. Truyền đạt Tin Lành cho người chưa tin Chúa
Những cơ hội chia sẻ Tin Lành đến khi chúng ta không cầm Kinh Thánh trên tay. Những câu Kinh Thánh cụ thể có quyền phép thẩm thấu riêng của chúng. Và khi chúng phát ra từ tấm lòng của chúng ta, cũng như từ Quyển Sách, người nghe được cung ứng cho những điều quí báu đủ để học đòi theo. Hết thảy chúng ta đều có thể tóm tắt Tin Lành dưới bốn tiêu đề chính: (1) Sự thánh khiết/luật pháp/sự vinh hiển của Đức Chúa Trời; 2) tội lỗi/sự loạn nghịch/sự bất tuân của con người; 3) sự chết của Đấng Christ dành cho hạng tội nhân; 4) món quà sự sống miễn phí bởi đức tin. Hãy học một hay hai câu có quan hệ đến từng tiêu đề nầy, và hãy sẵn sàng dù đúng hay không đúng kỳ để chia sẻ chúng.
6. Tương giao với Đức Chúa Trời với sự tận hưỡng Thân Vị và mọi đường lối của Ngài
Phương thức chúng ta giao thông với (nghĩa là, tương giao với) Đức Chúa Trời bằng cách suy gẫm về các thuộc tính của Ngài rồi trình cho Ngài mọi lời cảm tạ, ngợi khen, và yêu thương của chúng ta, và tìm kiếm sự vùa giúp của Ngài trong việc sống một đời sống phản ảnh giá trị của các thuộc tính đó. Vì thế, dồn chứa những câu gốc trong lý trí của bạn về Đức Chúa Trời cứu giúp chúng ta có liên quan tới Ngài y Ngài vốn có thực vậy. Thí dụ, hãy tưởng tượng việc gợi ra trong trí điều nầy suốt cả ngày:
“Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tôi luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi. Vì hễ các từng trời cao trên đất bao nhiêu, thì sự nhân từ Ngài càng lớn cho kẻ nào kính sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ lại rằng chúng tôi bằng bụi đất” (Thi thiên 103:8-14)
Tôi thường cố ý dùng từ ngữ "tận hưởng" khi tôi nói: "tương giao với Đức Chúa Trời với sự tận hưởng Thân vị và mọi đường lối của Ngài". Hầu hết chúng ta đều khập khiễng về mặt tình cảm — thực sự là hết thảy chúng ta. Chúng ta không kinh nghiệm Đức Chúa Trời trong sự đầy dẫy tiềm năng về tình cảm của chúng ta. Sự thay đổi diễn ra bằng cách nào chứ? Có một cách, là phải học thuộc lòng nhiều câu nói về tình cảm trong Kinh Thánh rồi thưa chuyện với Chúa và với nhau cho tới chừng chúng trở thành một phần trong chúng ta. Thí dụ, ở Thi thiên 103:1, chúng ta nói: "Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!" Đấy chẳng phải là một sự lột tả tự nhiên của nhiều người. Nhưng nếu chúng ta học thuộc lòng câu nầy và nhiều câu nói tình cảm khác nữa từ Kinh Thánh, rồi thường xuyên nói ra những câu nói ấy, với lòng cầu xin Chúa tạo ra tình cảm chơn thật trong tấm lòng chúng ta, chúng ta có thể tấn tới trong tình cảm và cách lột tả đó. Nó sẽ trở thành một phần trong chúng ta. Chúng ta sẽ không còn khập khiễng về mặt tình cảm nữa và có thể trình dâng sự ngợi khen và cảm tạ cho Đức Chúa Trời.
Có những lý do khác nữa cho việc học thuộc lòng Kinh Thánh. Tôi mong bạn tìm được chúng trong cách thực hành cụ thể.
Vẫn học với bạn luôn,
Mục sư John

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét