Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Luca 2:25-35: "Bài ca của Simêôn"



Máng cỏ và thập tự giá:
Bài ca của Simêôn

Luca 2:25-35
Đấy là một thắc mắc tốt, có phải không? Nếu Chúa Jêsus ra đời hôm nay, thì có gì khác biệt với sự ra đời cách đây 2.000 năm? Chúng ta thích nghĩ câu trả lời là có, chúng ta sẽ sẵn sàng, chúng ta sẽ không phạm lỗi lầm trong việc xua Con Đức Chúa Trời đi. Sẽ có phòng trong nhà quán của chúng ta, chúng ta dám nói như thế. Chúng ta sẽ tìm phòng, hay sắm sửa căn phòng đó, hoặc chúng ta ném ai đó ra khỏi phòng của họ, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta sẽ sẵn sàng nếu Chúa Jêsus ra đời ở Chicago.
Nhưng đấy có phải là sự thật không? Có phải chúng ta sửa soạn nhiều cho sự đến của Đấng Christ hơn là họ được sửa soạn ở Bếtlêhem không? Đấy mới thực là câu đáng hỏi.
Dường như là khi bạn đọc Kinh Thánh, thì thấy hầu hết ai nấy đều chẳng sửa soạn cho sự đến của Ngài. Hêrốt chắc là không rồi, mấy thầy thông giáo cũng thế (dù họ biết rõ nơi Ngài ra đời). Người giàu và kẻ có quyền lực ở thành Bếtlêhem (giả sử là như thế) dường như chẳng chút chú ý gì đến đôi vợ chồng trẻ đến từ thành Naxarét. Bậc vua chúa của trần gian không hề biết Ngài ra đời. Nhiều người không hề biết Ngài sống hay chết. Bởi các tiêu chuẩn của trần gian, sự ra đời của Ngài chỉ là một đốm sáng trên màn hình rađa của lịch sử, một đứa trẻ nhà quê ra đời cho bố mẹ quê mùa. Ở Rome, họ chẳng chút để ý đến; ở Athens và Alexandria chẳng ai hề chú ý. Ở Trung quốc và Ấn độ chẳng ai biết chi hết.
Phillips Brooks đã nói về vấn đề nầy như sau: “Yên lặng, yên lặng dường nào, món quà kỳ diệu đã được ban cho”. Ngài đã đến trong yên lặng, thật yên lặng (yên lặng như một trẻ sơ sinh mới chào đời), chẳng có ồn ào hay om sòm, chẳng có chút gì huyên náo hay công bố sự hiện diện của Ngài. Ngài đã đến theo cùng một cách với bao đứa trẻ khác, và hầu hết thế gian chẳng có ai chú ý đến. Sứ đồ Giăng nói theo cách nầy: “Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy” (Giăng 1:10-11). Điều chi thuộc về Ngài? Thế gian thuộc về Ngài, tuyển dân thuộc về Ngài, xứ sở thuộc về Ngài. Chính dân sự ấy phải hạnh phúc nhất khi gặp Ngài, thay vì thế, họ chẳng chút chú ý gì hết.
Nhóm kín trong xứ
Nhưng đấy chẳng phải là toàn bộ câu chuyện. Thực sự, cả xứ là một tổng thể chẳng sẵn sàng cho sự ra đời của Ngài, đã có một vài người biết sẵn sàng. Mấy thầy bác sĩ là một tấm gương tốt. Hết thảy họ đã đi suốt từ Ba tư đến để chào đón nhà Vua còn thơ ấu. Họ đại diện cho một số lớn dân Ngoại biết sẵn sàng tiếp nhận Chúa Jêsus với sự vui mừng, phấn khởi và kỉnh kiền. Nhưng ngay cả với Israel, đã có những người tin thời gian đã đến gần cho Đức Chúa Trời sau cùng giữ lấy mọi lời hứa của Ngài mà sai Đấng Mêsi đến với trần gian.
Giữa vòng họ là một nhóm được biết là Nhóm Kín Trong Xứ. Họ là một nhóm người có tổ chức, họ tránh mưu đồ về chính trị và hành vi bạo động. Họ từ chối không dính dáng với những phong trào lo lật đổ quyền thống trị của Lamã. Qua sự tin kính và cầu nguyện, họ hy vọng sẽ ở tư thế sẵn sàng khi Đấng Mêsi sau cùng ngự đến trên bối cảnh.
Luca thuật lại câu chuyện nói tới một người là chi thể của nhóm kín ở trong xứ. Tên của ông là Simêôn. Ông đã trông đợi nhiều năm trời muốn nhìn thấy Đấng Mêsi, và khi ông gặp Con Trẻ Jêsus, ông biết sự trông đợi lâu dài của mình sau cùng đã qua đi.
Những ngày tinh sạch
Chúng ta mở câu chuyện ở Luca 2:21-24.
Đến ngày thứ tám, khi đến lúc phải làm phép cắt bì cho Con Trẻ, Ngài được đặt tên là Jêsus, là tên thiên sứ đã đặt trước khi được thai dựng.
Khi thời gian tinh sạch của họ theo luật pháp Môise đã hoàn tất rồi, Giôsép và Mary đem Ngài lên thành Jerusalem để dâng cho Đức Giêhôva (như đã được chép trong luật pháp của Đức Chúa Trời: “Mỗi con trai đầu lòng phải được dâng cho Đức Giêhôva"), và dâng một của lễ khi tuân giữ những gì đã được dạy dỗ trong luật pháp của Đức Chúa Trời: “Một cặp bồ câu hay một đôi chim cu”.
Ba phương diện khác biệt trong luật pháp Cựu Ước đã quyện vào nhau trong mấy câu nầy:
1. Luật pháp đòi hỏi tất cả con trẻ nam phải chịu phép cắt bì vào ngày thứ 8 sau khi ra đời. Đấy là câu 21.
2. Luật pháp cũng đòi hỏi phụ nữ phải đợi 40 ngày sau khi sinh con trai trước khi họ phải lên đền thờ đặng làm lễ tinh sạch. Đấy là câu 22.
3. Luật pháp cũng đòi hỏi người mẹ người cha phải trình con trai đầu lòng của họ trước mặt Chúa để được “chuộc” qua việc dâng của lễ. Đấy là câu 23.
Tất cả ba việc sẽ xảy ra trong mấy câu nầy. Câu 21 diễn ra 8 ngày sau Giáng Sinh, và các câu 22-23 diễn ra 33 ngày sau đó. Phép cắt bì có thể đã diễn ra tại thành Bếtlêhem, nhưng việc dâng con và sự chuộc tội phải diễn ra tại thành Jerusalem. Lễ tinh sạch nằm trong sự phu phỉ Lê vi ký 12 và sự chuộc tội nằm trong sự phu phỉ Xuất Êdíptô ký 13.
Cặp bồ câu hay hai con chim cu
Mấy câu nầy, dù là điều rất ngẫu nhiên cho mục đích của chúng ta, cho thấy rõ ràng rằng Chúa Jêsus đã ra đời trong một gia đình tuân giữ luật pháp, kính sợ Chúa. Chúng minh họa cho lẽ thật ở Galati 4:4 khi kỳ được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến, sanh bởi nữ đồng trinh: “sanh ra dưới luật pháp”. Chúng cũng minh hoạ cho chính lời lẽ của Chúa chúng ta ở Mathiơ 5:17: “ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn”. Chúa Jêsus không phải là kẻ phá luật pháp, như một số đối thủ của Ngài gán cho trong nhiều năm sau đó. Ngài sanh ra dưới luật pháp, sống toàn bộ đời sống của Ngài trong sự vâng theo luật pháp, và giữ giới luật của luật pháp thật phu phỉ.
Câu 23 cũng nói cho chúng ta biết đôi điều về tình trạng tài chính của Mary và Giôsép. Bạn đã đọc qua phần nhắc tới “cặp bồ câu hay cặp chim cu” mà chẳng nghĩ suy gì về sự ấy. Nhưng Lê vi ký 12 cho chúng ta biết khi một người đàn bà đến kỳ làm lễ tinh sạch, người ấy phải đem theo một chiên con làm của lễ. Tuy nhiên, nếu người không thể dâng chiên con, thay vì thế người có thể đem cặp chim bồ câu hay cặp chim cu. Sự ấy cũng khả thi cho những người phụ nữ nghèo khi vâng theo luật tinh sạch. Tất cả những điều nầy khẳng định sự thực Mary và Giôsép rất là nghèo, một khi chiên con được coi là khoản xa xỉ. Chúa chúng ta không ra đời trong một gia đình thuộc giai cấp thượng lưu. Ngài không chào đời trong một gia đình trung lưu đầy đủ tiện nghi. Ngài chào đời trong một gia đình tin kính, yêu thương được coi là giai cấp dưới trung lưu. Chúa Jêsus vốn biết rõ tình trạng nghèo khổ và sự nhọc nhằn ngay từ buổi ban đầu.
Simêôn bước vào
Bốn mươi ngày đã trôi qua kể từ lúc Chúa Jêsus ra đời. Ở đây, Mary và Giôsép đã đến trong khu vực Đền thờ, sẵn sàng để “chuộc lấy” con trai đầu lòng của họ. Ở bề ngoài, họ chẳng có gì khác biệt cả, chẳng có một dấu hiệu nào cho thấy họ có gì khác hơn những đôi vợ chồng trẻ khác đang tới đến với con trai đầu lòng của họ.
Đúng thời điểm nầy, Simêôn bước vào câu chuyện. Bên cạnh những gì chúng ta được thuật lại cho biết ở Luca 2, chúng ta chẳng biết gì về ông hết. Chúng ta không biết lai lịch, thị trấn quê hương, học vấn, hay thậm chí đến nghề nghiệp của ông nữa. Chúng ta giả định ông là một thầy tế lễ — dù phân đoạn Kinh Thánh không trực tiếp nói như thế. Chúng ta cũng giả định ông là một cụ già — nhưng dù thế chưa hẳn là một sự kiện chắc chắn. Ông xuất hiện trên bối cảnh lịch sử giống như một màn kịch xoay quanh sự ra đời của Đấng Christ. Sau khi vai trò của ông qua đi, ông mờ dần đối với bối cảnh ấy, không còn nghe nói đến nữa.
Ở đây Mary đến, Giôsép đến, và ở đây Simêôn đến. Ông chưa hề gặp họ trước đây, họ chưa hề gặp ông trước đây. Nhưng một cuộc gặp gỡ được hoạch định cách thiêng liêng sắp sửa diễn ra. Luca thuật lại câu chuyện theo cách nầy:
“Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si- mê-ôn, trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên người. Đức Thánh Linh đã bảo trước cho người biết mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa” (Luca 2:25-26).
Mấy câu nầy cho chúng ta biết vài yếu tố chính về Simêôn. Thứ nhứt, ông là một người công bình. Thứ hai, ông là một người đạo đức. Thứ ba, ông đang trông đợi Đấng Mêsi ngự đến (đấy là điều “trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên” thực sự muốn nói tới). Thứ tư, ông là một người đầy dẫy Đức Thánh Linh. Thứ năm, quan trọng nhứt, ông sốt sắng trông đợi sự hiện ra sắp tới của Đấng Mêsi. Phần sau cùng đó rất là hấp dẫn. Đức Thánh Linh đã phán cùng ông: “Ngươi sẽ không chết trước khi ngươi thấy Đấng Christ”.
“Đây có phải là Ngài không?”
Đúng là một lời hứa. Nếu Simêôn giờ đây là một cụ già (dường như là từ câu 29), vậy thì ông đã trông đợi tại Đền Thờ trong nhiều năm trời. Hết ngày nầy sang ngày khác, ông đã cầu thay cho Đấng Christ của Chúa xuất hiện vào lúc sau cùng. Hết năm nầy sang năm khác, những lời cầu nguyện của ông như không có hiệu quả. Khi ông lớn tuổi thêm, tình trạng đề phòng của ông càng mạnh mẽ hơn vì ông biết mình không thể sống đời đời được. Có lẽ ông hiện đã 70 hay 75 hoặc thậm chí 80 tuổi rồi. Có lẽ ông có một bộ râu thật dài màu xám, gù lưng tôm, khuôn mặt nhăn nheo, đôi chân mày rậm rạp, và hai bàn tay run rẩy. Nếu thực vậy, thì ông biết rõ cuộc sống không thể kéo dài mãi được. Đấng Mêsi của Chúa phải đến bất kỳ giờ phút nào.
Bạn có thể hình dung ra bối cảnh không? Mỗi sáng sớm Simêôn đi lên Đền thờ, quan sát, chờ đợi Đấng Mêsi ngự đến. Làm sao ông ta nhìn biết Ngài? Ông trông đợi điều gì chứ? Có phải ông biết rõ mình đang trông đợi một đứa trẻ không? Hay có phải ông đang tìm kiếm một thiếu niên hay một thanh niên vạm vỡ? Không một ai biết câu trả lời cho những thắc mắc đó.
Hết ngày nầy sang ngày khác, ông cứ quan sát các đám đông đến trong Đền Thờ. Mỗi lần có đôi vợ chồng trẻ bước vào với một đứa bé, ông thì thầm: “Có phải là Ngài chăng?” Nếu ông nhìn thấy một thiếu niên dễ nhìn, ông sẽ nói: “Có phải là Ngài không, lạy Chúa, hay là người khác?” Mỗi ngày ông quan sát, trông ngóng, và thắc mắc. Mỗi ngày câu trả lời được đưa ra, thật nhiều lần: “Không, không phải là Ngài đâu. Cứ tìm kiếm đi. Cứ quan sát đi. Cứ đợi đi nhé!”
Ở đây, Mary đến, tay bồng đứa trẻ cùng với Giôsép đi bên cạnh. Chúa Jêsus chỉ mới có 40 ngày tuổi. Chưa hề có một đôi vợ chồng nào như thế. Chồng là thợ mộc nghèo khó xuất thân từ thành Naxarét, vợ là thôn nữ quê mùa đang bồng một đứa con trai. Rõ ràng họ đến từ trong xứ. Rõ ràng là họ chẳng có nhiều tiền bạc. Nếu bạn đang quan sát con người, bạn sẽ không dành cho họ một cái liếc mắt đâu.
Không học vấn. Không phải là thành phần của giới trí thức. Không xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Và tại đây, họ có mặt trong thành Jerusalem, đang bước vào sảnh đường của Đền Thờ. Khi Simêôn nhìn thấy họ, ông đưa ra câu hỏi chắc là lần thứ 10.000: “Có phải đây là Ngài không?” Và Đức Thánh Linh đáp: “Đúng đấy”.
“Đây là Ngài đây”
Thình lình trái tim của Simêôn nhảy dựng lên trong ông. Những ngày dài trông đợi sau cùng cũng trôi qua. Đấng Christ của Chúa đang ở ngay trước mặt ông. Đây là Đấng mà cả xứ đã trông đợi. Ông bước tới, tự giới thiệu mình, rồi nói: “Ông bà có phiền không nếu tôi bồng lấy Con Trẻ?” Khi Mary trao Con Trẻ Jêsus cho Simêôn, tư tưởng chạm đến ông: “Ta đang bồng ẳm ơn cứu rỗi của thế gian trong vòng tay của mình”.
Ở điểm nầy, Simêôn thốt ra thành bài ca ngợi khen, một bài ca tuyệt vời đến nỗi nó được tải đi hàng bao thế kỷ đến với chúng ta như bài hát sau cùng lên đến đỉnh điểm cao ngất trong Lễ Giáng Sinh. Bài ca được gọi là Nunc Dimittis, đề tựa được lấy từ hai chữ đầu của bản dịch Latinh ghi lại lời của Simêôn.
Những điều nối theo sau, trước tiên là bài ca (các câu 29-32) và kế đó một lời tư riêng có tính tiên tri chúc phước cho Mary (các câu 34-35). Bài ca là thế nầy đây:
Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên hạ, và làm vinh hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài.
Tư tưởng đầu tiên của Simêôn, ấy là giờ đây cụ sẵn sàng để chết rồi. Từ ngữ “qua đời” là một từ quân sự, được sử dụng để mô tả một người lính gát đứng canh chừng nhiều giờ trong ban đêm. Giờ đây, sau cùng thì mặt trời mọc lên trên đường chân trời hướng Đông, người biết công việc của mình đã qua rồi, và người đến gặp vị sĩ quan chỉ huy xin được nghỉ ngơi. Khi được cho phép nghỉ ngơi, người trở về doanh trại để ngủ nghỉ. Đấy là cách mà Simêôn cảm nhận. Sự trông đợi lâu nay đã xong rồi, nhiều năm tháng đề phòng đã phu phỉ rồi, bổn phận thức canh của ông đã xong, vì ông đã nhìn thấy và đã tư riêng bồng ẳm “Đấng Christ của Chúa”.
Đôi khi chúng ta nghe những câu chuyện nói tới những bịnh nhân đau ốm, họ nói: “Bác sĩ ơi, tôi muốn cứ sống cho đến Lễ Phục Sinh”. Thế rồi khi Lễ Phục Sinh đến, họ yên lặng rút gọn. Hoặc họ nói: “Tôi muốn cứ sống cho tới chừng cháu gái tôi lập gia đình”. Họ sống thọ đủ để nhìn thấy nó bước xuống các nấc thang trong nhà thờ, và rồi họ qua đời. Những vị bác sĩ nhìn thấy việc ấy xảy ra hoài. Khi mục tiêu đạt được, cuộc sống đã hoàn tất và sự chết đến mau chóng.
Đấy chính xác là điều mà Simêôn đang cảm nhận. Ông không sống để nhìn thấy Chúa lớn lên. Ông không chứng kiến bất kỳ một phép lạ lớn lao nào. Ông không nhìn thấy Chúa Jêsus đi bộ trên mặt biển, cho 5.000 người ăn và làm cho kẻ chết được sống lại. Simêôn qua đời rất lâu khi Chúa Jêsus đứng trước mặt Philát. Ông cũng không nhìn thấy Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá, cũng như sự sống lại. Sự ông không nhìn thấy điều kết cuộc thì không thành vấn đề, vì Simêôn đã nhìn thấy phần mở đầu, và bấy nhiêu là đủ rồi.
Con Trẻ nầy thì như thế nào đây?
Hãy chú ý ông nói gì về Chúa Jêsus. Trong những lời lẽ sau đây, Simêôn nói cho chúng ta biết ba điều quan trọng về Chúa Jêsus là ai:
I. Ngài là sự vinh hiển của Israel
Ở câu 32, Simêôn gọi Ngài là: “vinh hiển cho dân Israel”. Nơi Con Trẻ nầy, Simêôn nhìn thấy sự ứng nghiệm của tất cả mọi hy vọng và ước mơ của dân Do thái trải bao thế kỷ. Gọi Chúa Jêsus là: “vinh hiển cho dân Israel” đưa chúng ta ngược trở về với thời Ápraham khi Đức Giêhôva phán: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”. Sau đó, sự tái khẳng định đã đến cho Ysác, và rồi với Giacốp. Sau đó Đức Chúa Trời còn căn dặn Môise rằng một ngày kia vị tiên tri lớn sẽ đến, Ngài sẽ không giống với bất cứ một tiên tri nào trước Ngài. Sau đó, Đức Chúa Trời đã hứa với David một con trai sẽ trị vì trên ngôi của ông cho đến đời đời. Sau đó, Đức Chúa Trời phán qua Êsai và hứa rằng một con trai sẽ sanh ra bởi nữ đồng trinh, và danh Ngài sẽ được gọi là Emmanuên — Đức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta. Về sau, tiên tri Michê đã nói trước rằng Đấng Mêsi sẽ chào đời ở thành Bếtlêhem. Trong nhiều thế hệ mọi lời hứa đã được lặp đi lặp lại — từ cha cho con trai, từ mẹ cho con gái, từ gia đình đến gia đình, từ người già đến kẻ trẻ, và trẻ con Do thái được dạy dỗ phải cầu nguyện xin sự xuất hiện của Đấng Mêsi.
“Tại sao Đấng Mêsi trì hoãn sự đến của Ngài?”
Hãy đến với thế kỷ đầu tiên, bạn có biết bao nhiêu thế kỷ trông đợi đã trôi qua không? Trong tác phẩm tuyệt vời của ông có để tựa là Đời sống và thời thế của Chúa Jêsus Đấng Mêsi, Alfred Edersheim nói cho chúng ta biết khi Chúa Jêsus chào đời đã có sự phấn khích rất lớn trong xứ Israel. Đang khi sự thực có nhiều người chẳng trông mong, thì cũng rất thực khi có nhiều người khác vốn biết rõ điều chi đó sẽ xảy tới và Đức Chúa Trời đang bắt đầu quậy cái bình lịch sử lên.
Một số người Do thái nghĩ Đấng Mêsi sẽ là một lãnh tụ chính trị quan trọng, Ngài sẽ lật đổ Rome và phục hưng Israel đến địa vị quyền lực của nó trên thế gian. Nhiều người khác nghĩ Đấng Mêsi sẽ là chính mình Đức Chúa Trời. Vẫn có nhiều người khác trông mong một Môise thứ nhì hoặc một Êli thứ nhì. Vì thế, bạn sẽ có một mớ lộn xộn pha lẫn với một ý thức trông mong. Edersheim nói rằng vào thời điểm Chúa Jêsus chào đời, có một thắc mắc dấy cao lên hơn những thắc mắc khác trên môi miệng của từng người Do thái nào có lòng trông mong: “Tại sao Đấng Mêsi trì hoãn sự đến của Ngài chứ?”
Giờ đây, sau hết thảy những tháng năm ấy, mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đã trở thành hiện thực. Đấy là điều Simêôn muốn nói khi ông gọi Chúa Jêsus là “vinh hiển cho Israel”. Như có bài hát viết: “mọi kỳ vọng, e sợ trong mọi năm tháng đều được thoả trong Ngài tối nay”.
II. Ngài là Cứu Chúa của thế gian
Khi ấy Simêôn gọi Ngài là: “ánh sáng trước mặt muôn dân”. Đây là một tư tưởng hoàn toàn mới mẻ. Bạn không tìm thấy điều nầy trong các bài ca Giáng Sinh khác đâu. Bài ca của Mary hoàn toàn là của người Do thái. Nàng suy nghĩ trong mọi giới hạn của người Do thái rồi tỏ ra mọi suy tưởng của mình theo những phương thức của người Do thái. Người dân Ngoại chẳng biết đâu mà rờ. Cũng thực như thế về Xachari. Bài ca của thiên sứ mở rộng nhận định bằng cách nhắc nhớ: “Bình an trên đất, ân trạch cho loài người”. Nhưng chẳng có một chỗ nào trong bất kỳ bài ca nào trước đây có dân Ngoại được nhắc tới đích danh.
Nhưng Simêôn nói quyết rằng Con Trẻ nầy không những là vinh hiển cho đồng bào Israel của ông. Ông còn cho đấy là ánh sáng trước mặt muôn dân nữa. Không những Ngài là dành cho dân Israel. Ngài không đến chỉ cho tiện ích cho họ thôi đâu. Ngài đã đến để chiếu ra ánh sáng khải thị của Đức Chúa Trời cho từng quốc gia, từng chi tộc, từng họ hàng và từng thứ tiếng nói. Người Do thái không thể nói: “Ngài thuộc về chúng tôi và bạn không thể có Ngài đâu”. Họ cũng không thể nói: “Bạn phải trở thành một người Do thái để tận hưởng những ơn phước của Đấng Mêsi” Không đâu! Chắc chắn đấy là điều mà một số người Do thái trông mong. Nhưng lời lẽ của Simêôn đã đập tan chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đó.
Ngài là Cứu Chúa của cả thế gian. Giàu và nghèo, trẻ và già, đen và trắng, Do thái và dân Ngoại, người Mỹ hay người Nhật, khoẻ mạnh hay đau yếu. Tất cả mọi người đều gộp lại trong sự đến của Ngài. Ngài không đến cho một nhóm thiểu số. Ngài đã đến cho cả thế giới. “Đỏ và vàng, đen và trắng, họ rất quí giá trong ánh mắt của Ngài”.
Nói như thế là có hy vọng cho bạn vào dịp Lễ Giáng Sinh. Nếu bạn sống cô độc trong năm nay, Simêôn có ý nói gồm cả bạn nữa đấy. Nếu gia đình bạn chối bỏ bạn, Simêôn có ý nói gồm cả bạn đấy. Nếu bạn cảm thấy bị bỏ quên, ngã lòng, thối chí, kém may mắn, hãy vui vẻ lên, Lễ Giáng Sinh là dành cho bạn đấy! Dù là tội lỗi nào đang lôi kéo bạn năm nay, lễ Giáng Sinh có ý nói rằng bạn đã được tha thứ, vì Chúa Jêsus đã đến vì bạn.
Nếu sự thực Chúa chúng ta là một người Do thái. Nhưng Ngài không đến chỉ cho người Do thái thôi đâu.
Ngài gặp gỡ người đàn bà Samari bên giếng, và Ngài đã tha thứ cho bà ta.
Ngài gặp thầy đội Lamã và phán: “Ta chẳng thấy đâu có đức tin lớn trong khắp cả Israel”.
Ngài đã gặp người đàn bà Sirôphênixi và đã chữa lành cho con gái của bà ta.
Khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, chính thầy đội người Lamã đã thốt ra: “Quả thật, người nầy là Con của Đức Chúa Trời”.
Trong mọi sự nầy, Simêôn đang nói cho chúng ta biết đôi điều rất cụ thể. Bằng cách sai Con Ngài đến với trần gian, không những Ngài làm ứng nghiệm mọi lời hứa của Ngài cho xứ sở. Mà Ngài còn đem đến cho thế gian một Đấng Cứu Thế cho mọi người ở khắp mọi nơi.
III. Ngài là Đấng phân chia dòng giống con người
Tuy nhiên, có việc thứ ba mà Simêôn đã thốt ra. Câu chuyện tiếp tục ở các câu 33-35:
Bố mẹ của Con Trẻ đã lấy làm lạ nơi những điều đã được nói về Ngài. Khi ấy Simêôn chúc phước cho họ rồi nói với Mary, mẹ Ngài: “Đây, con trẻ nầy đã định làm một cớ cho nhiều người trong Y-sơ-ra-ên vấp ngã hoặc dấy lên, và định làm một dấu gây nên sự cãi trả; còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi. Ấy vậy tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ”.
Đây là việc thứ ba và là việc sau cùng mà Simêôn thốt ra về Chúa Jêsus. Ngài là Đấng phân chia loài người. Ngài sẽ khiến cho nhiều người phải vấp ngã. Ngài sẽ khiến cho nhiều người dấy lên. Và nhiều người sẽ nói nghịch Ngài, và khi nói nghịch Ngài, những tư tưởng kín giấu trong lòng sẽ được bày tỏ ra.
Đúng là điều phải nói về một con trẻ: “Mary ơi, ta biết ngươi giờ đây vui sướng lắm, nhưng ngươi sẽ khóc lóc sau đó. Hôm nay tấm lòng ngươi đầy dẫy với mừng vui. Về sau nó sẽ đầy dẫy với đau buồn. Hãy vui vẻ và tận hưởng thời điểm nầy vì những ngày tăm tối sẽ xảy đến”.
Há chẳng thật sao, nếu bạn là bố mẹ, việc xấu xa nhất có thể xảy ra cho bạn khi nhìn thấy con cái bạn đau khổ? Hầu hết chúng ta sẽ làm điều chi đó để giải thoát cho con cái chúng ta không phải chịu khổ. Chúng ta vui sướng tự mình chịu khổ một khi điều đó tạo cho con cái mình cuộc sống dễ dàng hơn. Đấy là ý nghĩa khi trở thành Bố hay Mẹ. Bạn chịu lấy khổ đau để rồi con cái mình sẽ không phải gánh chịu.
Sanh ra để chết
Simêôn đang nói: “Mary ơi, họ sẽ chạm đến con trẻ nầy, và ngươi sẽ chẳng có quyền làm điều gì về sự ấy. Họ sẽ thù ghét nó, họ sẽ vu cáo nó, họ sẽ đồn đãi về ngươi và Giôsép, họ sẽ chế nhạo tên tuổi của nó bằng những lời dối trá. Còn ngươi sẽ phải đứng đó trong vô dụng mà nhìn điều ấy xảy ra”.
Hãy đi đi rồi sẽ nhìn thấy mọi sự thực đó. Chắc chắn họ sẽ thắc mắc không những về bố mẹ của Ngài, mà còn thắc mắc về khả năng trí khôn của Ngài nữa. Họ sẽ cười thầm rồi nói: “Hắn nghĩ hắn là Con Đức Chúa Trời sao. Nhưng hắn chỉ đầy ắp với ma quỉ thôi”. Đến cuối cùng, thù hằn sẽ nắm hết quyền điều khiển và họ sẽ bắt Chúa Jêsus rồi đem Ngài xét xử như một tên phạm thượng dấy loạn. Họ đánh đòn Ngài với từng giây hơi thở, để lại trên da Ngài những lằn đòn vọt. Sau khi xét xử, Ngài bị kết án tử hình. Đến cuối cùng, Mary đứng bên cạnh thập tự giá nhìn thấy con trai bà chết một cái chết đau thương, tàn bạo, đổ máu và như không phải là con người. Ở giữa mùi hôi thối khó chịu và máu me của sự đóng đinh trên thập tự giá, Mary đứng bên cạnh con của bà, không thể cầm lại được dòng huyết đó, không thể lau sạch vầng trán Ngài, không thể cầm lấy tay Ngài.
Mọi sự ấy đã xảy ra thật chính xác y như Simêôn đã nói trước. Khi Mary nhìn thấy con bà gục chết, một thanh gươm đâm thấu linh hồn bà. Bên trên chiếc máng cỏ, thập tự giá sừng sửng đứng. Con Trẻ nầy ra đời để chịu chết. Dag Hammarskjold, về sau là Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã nói như sau:
Thật là thích hợp khi Lễ Giáng Sinh theo sau Mùa Vọng. Đối với ai nhìn tới tương lai, chiếc máng cỏ được đặt trên đồi Gôgôtha, còn thập tự giá đã dựng lên rồi tại thành Bếtlêhem. (Hymns for the Family of God, p. 189)
Niềm vui của Lễ Giáng Sinh dẫn tới nỗi đau thương của ngày Thứ Sáu Tốt Lành. Ngài ra đời để rồi kết thúc theo cách ấy.
Không có trung lập
Bạn có để ý không, làm thế nào mà Simêôn nói như thế được chứ? Vì cớ Chúa Jêsus, những tư tưởng của mọi lòng sẽ được tỏ ra. Hãy để điều đó vào tâm trí của bạn đi. Với Chúa Jêsus, chẳng có trung lập chi hết. Không một ai có thể mặt đối mặt với Chúa Jêsus mà rồi vẫn cứ sống như nguyên cũ được đâu. Mỗi lần bạn nhìn xem Chúa Jêsus, một là bạn sẽ kéo đến gần Ngài hơn hoặc bạn sẽ lui đi càng xa thêm. Đấy là điều Simêôn muốn nói khi ông nói rằng Chúa Jêsus sẽ khiến cho nhiều người bị vấp ngã và nhiều người được dấy lên. Một là bạn lên cao thêm về mặt thuộc linh khi bạn gặp gỡ Chúa Jêsus hoặc bạn sẽ quay ngoắt rồi đi theo hướng khác. Một là đi lên hoặc đi xuống, thiên đàng hay địa ngục.
Làm sao được như thế chứ? Người ta lên cao hay vấp ngã tuỳ theo đáp ứng riêng của họ đối với Chúa Jêsus. Trong thế gian nầy chỉ có hai hạng người mà thôi: Người nào tin theo Đức Chúa Jêsus Christ và những ai không tin theo. Và chẳng có một vùng đất nào ở giữa hết. Chẳng có một vạch cản nào đặng ngồi lên trên.
Chuyện nầy rất thường ở nước Mỹ, và đặc biệt ở một chỗ trí thức như Oak Park, ngồi lên vạch cản liên quan đến Thân Vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Cũng rất thường khi người ta gọi Ngài là giáo sư nhơn đức, một người nhơn đức, một tấm gương đạo đức tuyệt vời, và cứ thế. Simêôn đang nói bạn không thể làm như thế được. Bạn phải nặn đầu óc về Chúa Jêsus. Một, Ngài là Con Đức Chúa Trời đến từ trời, hoặc Ngài không phải vậy. Nếu Ngài không phải vậy, thế thì Ngài là kẻ lừa lọc vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, và xứng đáng cho sự khinh bĩ sâu sắc nhất của chúng ta. Vì nếu Ngài không phải là Con của Đức Chúa Trời, thì một, Ngài là kẻ mất trí hoặc Ngài là cái gì tệ hại hơn thế nhiều — Ngài phạm phải việc che giấu lai lịch thật của mình.
Nhưng nếu Ngài là con của Đức Chúa Trời, thế thì đáp ứng khả thi duy nhứt là sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài!
Trong kỳ lễ Giáng Sinh, bạn chỉ có hai sự lựa chọn về Đức Chúa Jêsus Christ. Một, bạn hiệp với Hêrốt trong việc tìm cách giết chết Ngài hoặc bạn hiệp với mấy thầy bác sĩ trong việc sấp mình xuống thờ lạy Ngài. Và chẳng có gì ở giữa hết!
Hãy nhớ, nếu bạn dửng dưng, thực sự bạn đã hiệp với phe muốn giết chết Ngài rồi đấy.
Đối với bạn Jêsus là gì nào?
Đối với bạn, Jêsus là gì sáng nay?
Ngài là sự sống hay sự chết.
Ngài là thiên đàng hay địa ngục.
Ngài là vui mừng hay buồn rầu.
Ngài là tội lỗi hay sự tha thứ.
Ngài là sự cứu rỗi hay sự phán xét.
Ngài là sự sống đời đời hay án phạt đời đời.
Cho phép tôi chuyển câu hỏi về tận nhà. Đối với bạn, Jêsus là gì nào? Không phải Ngài là ai, mà đối với bạn Ngài là gì nào? Có phải Ngài là sự sống hay Ngài là sự chết đối với bạn sáng nay?
Đấy là điều Simêôn đang thố lộ. Con Trẻ nầy là sự vinh hiển của dân Israel, Ngài là sự sáng của thế gian, cũng là Đấng phân chia dòng giống con người. Một, bạn đang ở phía nầy hoặc phía kia về Chúa Jêsus. Không một người nào cứ ở mãi nơi khu giữa hết.
Phương thức bạn đáp ứng với Chúa Jêsus tỏ ra những gì đang có ở trong tấm lòng của bạn. Hãy suy nghĩ về điều đó xem. Phương thức bạn đáp ứng với Chúa Jêsus nói cho chúng tôi biết bạn là ai, bạn là gì và điều chi có ở trong tấm lòng của bạn. Nhưng bấy nhiêu chưa phải là đủ đâu. Phương thức bạn đáp ứng với Chúa Jêsus nói cho chúng tôi biết bạn đang ở đâu và làm thể nào bạn đi đến đó được. Và trên hết mọi sự, phương thức bạn đáp ứng với Chúa Jêsus nói cho chúng tôi biết bạn sẽ qua cõi đời đời ở đâu nữa kìa.
Chúa Jêsus, Đấng phân chia nhân loại!
Và há chính mình Chúa chúng ta đã có phán: “ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo” (Mathiơ 10:34). Simêôn đã nhìn thấy điều đó ngay từ buổi ban đầu.
Trước tiên, có Hêrốt và Mấy thầy bác sĩ. Một kẻ muốn giết Ngài và những người kia muốn thờ lạy Ngài. Tiếp đến có Phierơ biết ăn năn và Giuđa đã tự tử. Rồi có Philát tìm cách rửa ray mình và thầy đội nói: “Quả thật người nầy là Con của Đức Chúa Trời”. Kế đó, có tên cướp, hắn phạm thượng và tên kia đã chịu tin theo. Từ buổi đầu của cuộc đời Ngài cho đến cuối cùng, Chúa Jêsus đã phân chia dòng giống con người.
Đối với bạn, sáng nay Ngài là gì vậy?
Khi Simêôn bồng Con Trẻ Jêsus trên tay mình, ông nói: “Lạy Chúa, con sẵn sàng về quê hương ngay bây giờ. Con sẽ qua đời bình an”. Nhưng không có ai sẵn chịu chết cho tới khi họ đã gặp Đức Chúa Jêsus Christ với con mắt đức tin. Bạn không sẵn sàng chịu chết cho tới chừng nào bạn đã gặp Ngài, nhận biết Ngài và tin cậy Ngài làm Cứu Chúa của bạn.
Một khi bạn đã gặp Ngài, sự chết không còn là kẻ thù nữa. Thực ra bạn có thể sống đời sống của mình và bạn có thể đến mức cuối không thành công như bạn muốn. Có thể bạn sống trong nỗi thất bại nào đó vì bạn không đạt được mọi mục tiêu riêng của mình. Nhưng (và đây là “nhưng” thiệt là lớn) nếu bạn có thể đến mức cuối của cuộc đời mình, bạn nói: “Tôi đã gặp Đức Chúa Jêsus Christ”, khi ấy bạn đã có một cuộc sống nhơn đức.
Nếu bạn đến tại mức cuối, và bạn chưa gặp Chúa Jêsus, về mặt cơ bản bạn đã phí mất nhiều năm tháng trên đất nầy.
Ngài là Đấng vĩ đại phân chia con người. Ai đang đọc những lời nầy, một là ở bên nầy hay là ở bên kia.
Việc duy nhứt là vấn đề: ấy là Chúa Jêsus
Đầu tuần nầy, tôi có nhận một cú phone từ một người bạn thân, ông đã trải qua kinh nghiệm nhìn thấy cái chết của người thân. Việc ấy không phải là dễ làm trong dịp Lễ Giáng Sinh. Trong khi mọi người khác đang ca hát, cười đùa, bạn nhìn xem ai đó bạn yêu dấu phải xa rời bạn. Khi bạn tôi gọi đến, ông ấy nói như sau: “Vào thời điểm như thế nầy, bạn nhận ra điều chi là quan trọng. Khi bạn thấy ai đó chết trước mặt mình, bạn nhận ra rằng những việc của thế gian không còn là quan trọng nữa. Tiền bạc, quyền lực, sự nghiệp, hết thảy chúng đều chẳng nhằm nhò chi hết. Ở chỗ cuối cùng, việc duy nhứt là vấn đề, ấy là nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ”.
Bây giờ là thời điểm Lễ Giáng Sinh. Bạn có nhìn biết Ngài chưa?
Ngài là Đấng Mêsi của Israel. Bạn có nhìn biết Ngài chưa?
Ngài là Cứu Chúa của thế gian. Bạn có nhìn biết Ngài chưa?
Ngài là Đấng phân chia loài người. Bạn có nhìn biết Ngài chưa?
Bây giờ là thời điểm Lễ Giáng Sinh. Ngài đã đến vì bạn đấy. Bạn có nhìn biết Ngài chưa?
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Ngài vì Ngài không làm những điều Ngài có thể làm. Ngài không để chúng con lại trong tội lỗi của chúng con. Ngài có thể quên chúng con, Ngài có thể để cho chúng con sống trong vô vọng. Nhưng Ngài không để chúng con lại một mình. Ngài đã đến vì chúng con! Và Ngài đã tìm gặp chúng con. Ngài đã sai Chúa Jêsus đến cứu chúng con. Cảm tạ Ngài vì đã ngự đến cùng chúng con, để chúng con được an ninh lúc bây giờ và được cứu cho đến đời đời — trong đời nầy và trong đời hầu đến. Chúng con cảm tạ Ngài trong danh Chúa Jêsus, Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét