Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Philíp 1.1-11: "Viễn cảnh của một Mục sư"


Xong cuộc chạy
Viễn cảnh của một Mục sư
Philíp 1.1-11

Đến bây giờ, hầu hết nếu không phải tất cả mọi người trong quí vị đều biết tôi đã nhận địa vị của mình là giáo sư/mục sư của Hội Thánh nầy. Tôi đã nói điều nầy nhiều lần với những ai lắng nghe bài giảng nầy trên mạng Internet hay trên bưu thiếp của chúng tôi, những khán thính giả nào không giữ kín được những gì đã tiết lộ ra trong Hội Thánh của chúng ta.
Tôi sắp rời khỏi địa vị nầy vì tôi cảm thấy Đức Chúa Trời đang hướng dẫn tôi phục vụ trọn thời gian với MarketPlace Chaplains. Chẳng có một nan đề, con người hay tiềm năng nào khác khiến cho tôi phải rời bỏ chức vụ của mình. Tôi xem các trưởng lão và các cấp lãnh đạo Hội Thánh nầy ở giữa những anh chị em yêu dấu nhất của tôi. Toàn thể hội chúng đối với tôi giống như gia đình vậy. Mặc dù tôi sẽ không còn là chủ tọa vào cuối năm nay, gần như tôi chỉ còn phụ giúp với thời kỳ chuyển tiếp khi Đức Chúa Trời dấy ai đó lên, họ sẽ đến để lãnh đạo Hội Thánh trong tương lai.
Tôi đã hầu việc Chúa ở đây trong 17 năm, trước tiên là chủ tọa Hội Thánh Journey Street, kế đó lo thành lập Hội Thánh nầy cách đây 10 năm. Tôi đã cố gắng trung tín với ơn kêu gọi của mình lo cẩn thận dạy dỗ cho quí vị Lời của Đức Chúa Trời và giúp đỡ quí vị biết vâng theo Lời ấy. Tôi đã có nhiều lỗi lầm và đã kinh nghiệm những lần thất bại của mình. Tuy nhiên, tôi rời khỏi địa vị nầy với một nhận thức tự hào trong sự tin kính đối với những gì Chúa đã làm qua hết thảy chúng ta trong suốt những năm tháng nầy.
Dự tính trong các tuần lễ tôi còn ở đây là để sửa soạn cho quí vị từ Ngôi Lời về tương lai. Tôi muốn vài sứ điệp sau cùng mà tôi đã giảng cho quí vị sẽ làm cho quí vị đầy dẫy với lòng tin cậy và hy vọng vào tương lai. Phaolô đã nói ở II Timôthê 4.7: “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin”. Đấy là điều mà tôi muốn làm. Tôi muốn hoàn tất cuộc chạy. Tôi muốn hoàn tất thật mỹ mãn.
Thời gian của tôi ở đây đang rút tới mức cuối. Nhưng Hội Thánh sẽ cứ tiếp tục. Nếu Đức Chúa Trời gợi ra quyết định nầy trong tấm lòng của tôi, Ngài đang gợi ra trong tấm lòng của nhà truyền đạo khác ở đâu đó để đến đây và làm quản nhiệm quí vị. Chúng ta phải bắt đầu cầu nguyện cho người ấy ngay bây giờ. Tôi biết ngay trong lúc nầy việc chuyển tiếp dường như làm cho ai nấy phải nản chí. Nhiều người trong quí vị đã bày tỏ mối quan tâm với tôi theo cách riêng. Tuy nhiên, tôi nhớ rằng nếu tôi đặt ngón tay lên mặt nước rồi rút nó ra, ngón tay tôi sẽ biến mất khỏi đó. Bất cứ khoảng trống nào tôi để lại đàng sau sẽ được lắp đầy ngay. Không thể thiếu người được. Hội Thánh nầy không phải được xây trên một sứ giả, mà xây trên Sứ Điệp. Ai giảng gần như là không quan trọng như những gì đã được rao giảng.
Có một lúc khi người cha phải cho những đứa con được thong thả để chúng trở nên người lớn. Con gái tôi là Ashlea đã 18 tháng tuổi khi lần đầu tiên chúng tôi đến tại đây và giờ đây nó đã 18 tuổi rồi. Tôi đang tìm cách để cho nó được thong thả đây. Theo một ý nghĩa tương tự, tôi đang làm cho quí vị được thong thả theo cách ấy. Tôi đã dạy dỗ, khích lệ quí vị, song bây giờ, đây là lúc cho quí vị, trong vai trò một Hội Thánh phải tiếp tục mà không có tôi vì Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi vào một phần việc mới.
Sứ đồ Phaolô đã sáng lập và phục vụ cho một số các Hội Thánh khác nhau trên suốt con đường làm sứ đồ của ông. Ông đã ở với họ, dẫn dắt họ trong một thời gian và rồi Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông đến một địa điểm khác. Các thư tín cảm động của ông trong Tân Ước chứng tỏ tình yêu và tình cảm của ông dành cho dân sự của Đức Chúa Trời, là những người đã đến nhóm với các Hội Thánh đầu tiên nầy. Lời lẽ dịu dàng của ông nói với các tín hữu nầy thực sự là viễn cảnh của một vị Mục sư về công việc của Chúa. Phaolô viết cho các bạn bè yêu dấu của ông giống như một người cha viết cho con cái của mình vậy. Những câu nói của ông dầm thấm với tình cảm, lòng tin cậy và hy vọng.
Có lẽ bức thư dịu dàng nhất của ông là bức thư gửi cho Hội Thánh tại thành Philíp. Ông không thể có điện thoại di động để gọi đến họ. Ông không thể gửi một tin nhắn hay thư điện tử được. Ông đã sử dụng phương pháp truyền đạt duy nhứt sẵn có. Ông lấy bút ra rồi bắt đầu viết trên cuộn giấy da hoặc nhờ Timôthê viết khi ông đọc những dòng thơ đó. Ông muốn Hội Thánh nầy nhìn biết ông yêu thương họ nhiều là dường nào và ông dâng lời cảm tạ vì chức vụ của họ. Khi các dòng chữ tuôn tràn ra, Đức Thánh Linh đã cảm thúc sứ điệp để sứ điệp ấy đầy tràn sự dạy dỗ cho chúng ta ngày nay cũng như cho các độc giả đầu tiên của nó.
Khi chúng ta xem xét những câu mở đầu của thư tín gửi cho người thành Philíp, tôi muốn quí vị nhìn thấy viễn cảnh của Phaolô dành cho Hội Thánh quan trọng đó phản ảnh viễn cảnh của tôi ở đây. Tôi nguyện rằng qua phần học hỏi của chúng ta, quí vị sẽ tìm được vui mừng, hy vọng và lòng tin cậy vào tương lai.
I. Ký ức của Mục sư (các câu 1-3).
Ở câu 1, chúng ta đọc lời chào thăm của bức thư: “Phao-lô và Ti-mô-thê, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, Phao-lô và Ti-mô-thê, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự”. Vào thời ấy trong lịch sử, tác giả của bức thư giới thiệu mình ở ngay phần đầu thư, chớ không phải ở cuối thư.
Tất nhiên, là nhà sáng lập Hội Thánh, ai cũng biết ông và Timôthê đã ở với họ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Phaolô nhắc cho họ nhớ rằng họ là: “tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ”. Chữ Hy lạp là doulos có nghĩa là “nô lệ”. Trong lý trí của Phaolô, ông không phải là người cầm quyền nổi bật đâu; ông không phải là nhà sáng lập kiệt xuất; ông chỉ là một tôi tớ đang làm theo mệnh lệnh của Chủ mình. Trong những năm sắp đến đây, khi quí vị nghĩ lại thời gian chúng ta cùng làm việc với nhau, hãy nhớ đến tôi là một tôi tớ đang hầu việc chủ của mình. Vinh hiển phải quy cho Chủ chớ không phải cho tôi tớ.
Ông nhắc cho họ nhớ tới lai lịch của họ là: “các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Họ đã được biệt riêng ra thánh cho Chúa. Vì thế, quí vị hết thảy đều là hạng tín đồ chân chính. Hãy nhớ quí vị là ai “trong Đấng Christ”.
Phaolô đặc biệt nói thư tín nầy gửi cho: “các giám mục và các chấp sự”. “Các giám mục” ra từ chữ “episkopos”, một chữ mô tả chức vụ của hàng trưởng lão. Vì vậy, Phaolô đặc biệt viết cho những người nào đang nắm giữ chức vụ của cấp trưởng lão và chấp sự trong Hội Thánh thành Philíp.
Ở câu 2, Phaolô cung ứng cho người thành Philíp lời chào thăm bình thường của ông: “nguyền xin anh em được ân điển và sự bình an ban cho bởi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta và bởi Đức Chúa Jêsus Christ!” Tuy nhiên, tôi muốn quí vị để ý đến lời bình rất riêng tư ở câu 3: “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi”.
Đâu là cái “nhớ” hay ký ức của Phaolô về Hội Thánh Philíp đã khiến ông phải dâng lời cảm tạ đối với Đức Chúa Trời? Công Vụ các Sứ đồ 16 nói cho chúng ta biết thể nào ông đã trực chỉ đến thành Philíp bởi một sự hiện thấy khi ông đang trên chuyến hành trình truyền giáo lần thứ hai. Khi đến tại thành phố, ông chẳng tìm được một nhà hội nào trừ ra một buổi nhóm lại của phụ nữ, họ đã đến cầu nguyện ở gần bờ sông. Ông đi đến đó và giảng đạo cho họ, đặc biệt hướng dẫn một phụ nữ tên là Lyđi đến với Đấng Christ. Công Vụ các Sứ đồ 16.14 chép: “Chúa mở lòng cho người, đặng chăm chỉ nghe lời Phao-lô nói”. Lyđi đã mời Phaolô cùng các phụ tá của ông đến ngụ trong nhà của bà.
Phaolô cũng nhớ rằng khi ông làm chứng cho Đấng Christ trong thành phố ấy, một thiếu nữ nô lệ đã bị quỉ ám cứ theo đàng sau ông mà hô vang lên. Sau mấy ngày Phaolô đã chặn đứng và đuổi quỉ ra. Chủ của cô gái đó rất giận dữ vì chính qua việc quỉ ám nầy mà cô gái đã làm ra rất nhiều tiền cho ông ta qua sự bói khoa. Ông ta đã nhờ nhà cầm quyền bắt lấy Phaolô và Sila, họ công khai đánh đòn Phaolô và Sila bằng roi vọt rồi ném họ vào nhà ngục.
Phaolô nhớ lại rằng đêm hôm ấy ở trong tù với Sila. Họ đã bị bầm mình bầm mẫy và đổ máu từ các trận đòn và chân của họ đã bị xùm xiềng lại. Thay vì rên rỉ và than khóc, họ đã cất tiếng hát lên những bài thánh ca ngợi khen Đức Chúa Trời lúc nửa đêm trong khi các bạn tù khác đã lắng nghe. Thình lình, một trận động đất ụp đến và hai cánh cửa nhà ngục mở toang ra. Viên cai ngục nhìn nhận mọi tù phạm đều trốn thoát hết và sắp sửa hủy đi mạng sống mình khi Phaolô kêu gọi ông ta đừng làm hại bản thân mình. Đêm hôm đó viên cai ngục và gia đình ông ta đã trở thành Cơ đốc nhân.
Phaolô đã có nhiều ký ức tuyệt vời về Hội Thánh Philíp, những ký ức ông đã mang theo suốt đời sống mình mà vào trong cõi đời đời. Tôi nói cho quí vị biết rằng gia đình tôi và tôi đều có nhiều ký ức về quí vị, mọi điều ấy luôn luôn rất quí báu. Chúng tôi nhớ lần đầu tiên đến tại Amarillo rồi được hai vợ chồng Jim và Sharron Belcher tiếp đón ở phi trường. Chúng tôi nhớ khi lái xe vào thị trấn ngồi ở băng trước chiếc xe tải rồi qua đêm đầu tiên trên giường ngủ của vợ chồng Danny và Jean Johnson. Chúng tôi nhớ những người đến thăm viếng lần đầu tiên, họ đã trở thành bạn hữu thân thiết lâu dài của chúng tôi. Tôi có thể đứng ở đây suốt buổi sáng và gợi lại hết ký ức nầy đến ký ức khác. Tuy nhiên, cái điều tôi muốn quí vị biết, ấy là giống như Phaolô, “mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Đức Chúa Trời tôi”. Gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ quên quí vị và luôn luôn cảm tạ Chúa vì tình yêu thương mà quí vị đã tỏ ra cùng chúng tôi.
II. Những lời cầu nguyện của Mục sư (các câu 4-5).
Không những Phaolô nói tới ký ức thôi, ông còn nói tới những lời cầu nguyện của ông nữa. Ông nói ở câu 4 rằng: “mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở”. Mặc dù Phaolô không đích thân có mặt nữa, ông tiếp tục cầu nguyện cho họ rất đều đặn. Ông không có mặt ở đó theo phần xác, nhưng ông mang họ theo với ông trong tấm lòng bất luận chỗ nào ông đi tới.
Tôi đưa ra lời cam kết với quí vị rằng dù tôi không còn là một cư dân của Amarillo hay một thuộc viên của Hội Thánh ở đây nữa, tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện cho quí vị. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời chọn lựa cho quí vị một vị Mục sư mới. Tôi cầu xin rằng quí vị sẽ dạn dĩ tấn tới trong sự chứng đạo, để Hội Thánh sẽ đạt tới một cộng đồng theo những phương thức lớn lao hơn trước đây. Tôi cầu xin rằng quí vị sẽ ngày càng tấn tới hơn, dấn thân vào các chương trình truyền giáo và rao giảng Tin Lành cho từng người một. Tôi cầu xin rằng Đấng Christ sẽ tiếp tục được vinh hiển qua quí vị.
Hãy chú ý ở câu 5 để thấy mục tiêu Phaolô cầu thay cho người thành Philíp: “vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành”. Ngày đầu tiên là khi Phaolô giảng đạo cho Lyđi và nhiều người khác bên bờ sông. Ít nhất là 10 năm đã trôi qua. Vị đại sứ đồ đã cảm tạ Chúa vì mọi điều mà Ngài đã làm trong suốt thời gian đó.
Tôi sẽ tiếp tục cầu thay cho quí vị. Sẽ chẳng có ai ủng hộ Hội Thánh nầy hơn tôi. Không một ai sẽ hạnh phúc hơn với sự thành công của quí vị hơn tôi. Tôi trông mong ngày trở lại và vui mừng với quí vị trong những năm tháng hầu đến.
III. Lòng tin cậy của Mục sư (câu 6).
Một trong những lãnh vực tôi biết rõ trong đó một số người trong quí vị đang phấn đấu, ấy là lòng tin cậy. Hội Thánh sẽ mời một vị Mục sư mới như thế nào đây? Làm cách nào quí vị tìm được ông ấy? Làm sao quí vị biết ông ấy là một Mục sư đúng như quí vị muốn? Liệu Hội Thánh sẽ ngồi lại với nhau chăng? Tôi muốn giải đáp tất cả những mối quan tâm nầy với chỉ một câu thôi. Câu 6 chép: “tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ”. Tôi thích cách Phaolô nói như thế. Ông nói: “Tôi tin chắc rằng…”. Ông không bị sa lầy trong những nghi ngờ hay sợ hãi về tương lai. Ông tin chắc với lòng thật dạn dĩ. Ông tích cực tin chắc rằng mọi sự rồi sẽ suông sẻ. Tại sao chứ? Làm sao ông dám chắc như thế được? Sở dĩ như thế là vì lòng tin cậy của ông đã đặt nơi Đức Chúa Trời chớ không đặt vào con người. Ông dám tin chắc rằng: “Đấng đã khởi làm việc lành…” cũng sẽ “làm trọn” hay hoàn tất công việc ấy.
Phaolô vốn không chịu một ảo tưởng nào về tầm quan trọng của chính ông. Mặc dù ông đã có mặt ở đó ngay từ buổi ban đầu, chính Đức Chúa Trời là Đấng đã giải cứu nhiều người ra khỏi tội lỗi của họ và chính Đức Chúa Trời là Đấng sẽ hoàn tất sự nên thánh của họ.
Những gì Đức Chúa Trời đã khởi sự Ngài lo hoàn tất. Ngài chẳng để một việc gì còn lại mà chưa làm xong. Ngài không hề xao lãng đối với phần việc của Ngài. Ấy chẳng phải tôi, mà là Đức Chúa Trời là Đấng: “đã khởi sự làm việc lành” ở tại đây. Hội Thánh nầy không được sáng lập trên Coy Willy mà là trên Đức Chúa Jêsus Christ. Tên tuổi của chúng ta nhắc cho chúng ta nhớ đến sự kiện nầy. Êsai 28.16 chép như sau: “Vậy nên, Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Nầy, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quí báu, là nền bền vững…”. Hội Thánh nầy sẽ không chia rẽ khi tôi ra đi vì Hội Thánh không được lập trên tôi. Hội Thánh không được lập trên sự giảng dạy của tôi, mà trên sứ điệp tôi đã rao giảng. Dù là phương thế nào đi nữa, Hội Thánh cũng không nương vào tôi.
Cho phép tôi nói thẳng về điều nầy. Nếu theo một cách thế nào đó Hội Thánh nầy cứ xu hướng về tôi, thì tôi mong rằng Hội Thánh sẽ chia rẽ vì không một Hội Thánh nào sẽ nương vào tôi hay bất kỳ một người nào khác. Nếu Hội Thánh nương vào tôi thì Hội Thánh sẽ chẳng tồn tại đâu.
Tuy nhiên, giống như Phaolô, tôi “tin chắc”. Tôi tin chắc rằng Hội Thánh sẽ tiếp tục hầu việc Đức Chúa Trời trong những chương trình lớn lao hơn vì Hội Thánh không lập trên con người mà trên chính mình Chúa.
IV. Tấm lòng của Mục sư (các câu 7-8)
Viễn cảnh chức vụ Mục sư của Phaolô không những bao gồm ký ức, sự cầu nguyện, và lòng tin cậy của ông, mà cũng hãy chú ý các câu 7-8, ở đây ông chia sẻ tấm lòng mình, tình cảm nồng nàn nhất của ông dành cho Hội Thánh thành Philíp:
“Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm; vì anh em ở trong lòng tôi, dầu trong vòng xiềng xích tôi, hoặc trong khi binh vực và làm chứng đạo Tin Lành, thì anh em cũng có dự phần ân điển đã ban cho tôi. Đức Chúa Trời cũng chứng rằng: tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Jêsus Christ mà trìu mến anh em”.
Ông nói: “Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy, là phải lắm”. Ông nghĩ như thế nào vậy? Ông đã sống gần gũi với họ. Họ rất yêu dấu đối với ông. Khi ông bắt đầu cầu nguyện, ông đã dâng họ cho Chúa. Ông chất chứa mọi ký ức về họ. Ông viết: “vì anh em ở trong lòng tôi”. Bất cứ Phaolô đi nơi đâu, bất luận ông làm gì, dân sự thành Philíp cùng đi với ông. Sự giao kết vẫn còn ở đó dầu Phaolô đang “ở trong vòng xiềng xích” và trong khi ông “binh vực và làm chứng đạo Tin Lành”. Bất cứ đâu ông tới trong sự phục vụ Đấng Christ, các tín hữu thành Philíp đều: “dự phần ân điển” đã ban cho ông.
Phaolô luôn luôn có người thành Philíp ở trong lòng ông và người thành Philíp sẽ luôn luôn dự phần trong chức vụ của Phaolô. Bất luận ông đang ở xa, đang chờ đợi xét xử tại Rôma, ông vẫn nói: “tôi lấy lòng yêu dấu của Đức Chúa Jêsus Christ mà trìu mến anh em”. Từ Hy lạp nói tới “lòng yêu dấu” đề cập tới các bộ phận của thân thể, tình cảm mãnh liệt nhất.
Tôi muốn quí vị hiểu rằng chẳng điều gì có thể làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta. Chẳng điều gì có thể cất đi 17 năm hầu việc Chúa với nhau như thế nầy. Bất cứ đâu Đức Chúa Trời kêu gọi tôi, bất luận tôi đảm nhận chức vụ gì, quí vị sẽ cùng ở với tôi. Quí vị là cái đe trên đó Đức Chúa Trời đã nắn đúc chức vụ của tôi. Những gì tôi tiếp thu được ở đây sẽ ở với tôi cho đến đời đời. Hội Thánh nầy sẽ luôn ở “trong lòng tôi”.
Mặc dù chỉ còn mấy tháng nữa là tôi sẽ ra đi, quí vị sẽ luôn luôn có tôi. Đức Chúa Trời đã sử dụng các ân tứ xoàng xĩnh của tôi để làm cho quí vị vững chãi. Trong nỗi kinh ngạc, tôi nhìn thấy nhiều người tấn tới về mặt thuộc linh trong hội chúng nầy. Tôi sẽ luôn có một phần nhỏ trong sự tấn tới đó.
V. Hy vọng của Mục sư (các câu 9-11).
Chúng ta đã nhìn thấy ký ức, sự cầu nguyện, lòng tin cậy và tấm lòng của Mục sư, song hãy chú ý đến khía cạnh sau cùng, hy vọng của Mục sư, Phaolô nói ở các câu 9-11:
“Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn, hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ, được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời”.
Chúng ta hãy phân tích tiểu đoạn Kinh Thánh nầy và đặc biệt xem xét những gì Phaolô đã kỳ vọng và cầu thay cho Hội Thánh thành Philíp.
Trước tiên, Phaolô nói: “tôi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn…”. Giống như dòng suối tuôn chảy thật tự do, chẳng có một ngăn trở nào hết, vị sứ đồ hy vọng rằng bạn bè thân hữu của ông sẽ để cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời tuôn tràn qua họ.
Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 13.34: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy”. I Giăng 4.21 chép: “Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Đức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình”. I Têsalônica 4.9 chép như sau: “Còn như sự anh em yêu thương nhau, về điều đó, không cần viết cho anh em, vì chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau”. I Phierơ 1.22 chép: “Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng”.
Tôi có thể tiếp tục kể ra hết câu nầy đến câu khác trong một khoảng thời gian về việc phải yêu thương nhau, nhưng quí vị hiểu rõ mục đích rồi. Hy vọng của Phaolô dành cho người thành Philíp, ấy là tình yêu thương của họ sẽ: “ngày càng chan chứa hơn”. Nói cách khác, ông ao ước rằng tình yêu của họ càng chan chứa và càng tấn tới hơn.
Hỡi Hội Thánh yêu dấu, đây không phải là lúc để gió cuốn đi, mà là lúc kéo lại gần nhau hơn. Nếu sự giảng dạy của tôi rốt lại đã trợ giúp nhiều cho quí vị, nếu tôi đã phục vụ cho quí vị bằng đủ cách thế, thì tôi cầu xin rằng quí vị sẽ kéo đến gần nhau trong các mối quan hệ yêu thương trong những tuần lễ và các năm tháng hầu đến. Tôi cầu xin rằng vị Mục sư kế tiếp đây khi ông đến thì ông sẽ nhìn thấy một Hội Thánh hiệp một trọn vẹn, yêu thương và làm thỏa mãn mọi nhu cần của nhau.
Thứ hai, tôi hy vọng rằng quí vị cũng sẽ tiếp tục đầy dẫy và tấn tới “trong sự thông biết và sự suy hiểu” nữa. Đâu là đặc điểm chính dành cho Mục sư sắp tới đây của Hội Thánh nầy? Ông ấy sẽ phải là người của Quyển Sách. Ông ấy phải là người yêu mến việc nghiên cứu và rao giảng Lời của Đức Chúa Trời. Ông ấy sẽ không giống hẳn như tôi. Ông ấy sẽ không giảng luận y như tôi. Ông ấy sẽ có nhân cách riêng, kiểu cách riêng của mình, nhưng ông ấy phải có sự hiểu biết cơ bản về thẩm quyền của Kinh Thánh.
Tôi hy vọng rằng quí vị có một vị Mục sư như thế để quí vị có thể tiếp tục tấn tới trong “sự thông biết”, hầu cho quí vị nhìn biết càng hơn nữa về Chúa khi quí vị tiếp thu càng hơn từ Lời của Ngài. Tuy nhiên, chỉ sự thông biết thôi sẽ thổi phồng chúng ta lên rồi khiến cho chúng ta sanh lòng kiêu ngạo. Tôi cầu xin rằng quí vị sẽ không thấy thỏa lòng chỉ với sự thông biết thôi, mà quí vị cũng tiếp thu “sự suy hiểu”, phần ứng dụng thực tiễn của sự thông biết đó. Tôi cầu xin rằng quí vị không những là khán thính giả thôi, mà còn là những người biết làm theo Lời Đức Chúa Trời nữa. Tôi hy vọng rằng quí vị sẽ không bị kéo vào chỗ phải nổi tiếng, nhưng hy vọng rằng quí vị sẽ nắm bắt được lẽ thật của Kinh Thánh và gạt bỏ các thứ dở hơi đang hành hại Hội Thánh.
Thứ ba, tôi hy vọng rằng quí vị sẽ “nghiệm thử những sự tốt lành hơn”. Câu nầy có ý nói rằng quí vị đang luyện tập sự khôn ngoan tin kính. “Nghiệm thử” ra từ chữ dokimazo và đề cập tới tiến trình qua đó quặng mỏ được nghiệm thử và chứng minh hoàn hảo. Quí vị cần phải cân phân mọi thứ cách cẩn thận rồi chọn lấy điều chi là “tốt lành hơn”.
Thứ tư, tôi hy vọng rằng quí vị sẽ “được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ”. Ý tưởng nằm ở sau từ “tinh sạch”, ấy là sống chơn thật chớ đừng sống giả dối. Đây là bức tranh bằng lời đến từ một chữ Hy lạp nói tới: “không bôi sáp”. Trong những thời xa xưa, bình gốm nào bị nứt trong lò sẽ được tu sửa lại bằng cách bôi sáp vào đường nứt rồi chuyển nó đi thành một sản phẩm cao cấp. Khách hàng khôn khéo sẽ xem xét cái bình qua ánh nắng mặt trời để quyết chắc rằng cái bình đó “không bôi sáp”.
Có rất nhiều người không thành thực trong thế gian nầy đang xưng mình bước theo Đấng Christ. Tôi hy vọng rằng quí vị cứ bền đỗ và chứng minh mình là thành thực cho đến “ngày Đấng Christ” khi hết thảy chúng ta cùng đứng trước mặt Ngài.
Không một vị Mục sư nào có hy vọng lớn lao hơn về dân sự của mình trừ ra cùng đứng bên cạnh họ tại ngai phán xét của Đấng Christ rồi nhìn thấy họ được ban thưởng vì sự trung tín. Năm ngoái, đứa con gái lớn nhất của tôi đã tốt nghiệp trung học. Đây là giây phút tự hào cho gia đình chúng tôi khi nó thu lượm được một số phần thưởng do những thành tựu của nó. Tôi sẽ thấy tự hào càng hơn khi nhìn thấy quí vị đã hoàn tất cách trung tín cuộc chạy của mình và nhìn biết rằng tôi có đôi ba phần trong đó.
Thứ năm, tôi hy vọng rằng quí vị sẽ tiếp tục được “đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Jêsus Christ”.
“Được đầy trái công bình”, nói như thế có nghĩa gì chứ? Nói như thế có nghĩa là đức tin chân chính tạo ra những việc làm chơn thật. Nói như thế có nghĩa là những điều quí vị biết rõ đang ảnh hưởng việc quí vị làm. Nói như thế có nghĩa là đời sống của quí vị cung ứng bằng chứng rõ nét cho thấy Đức Chúa Trời đang sống động và đang hành động trong và qua quí vị. Galati 5.22-23 chép: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó”.
Thứ sáu và sau cùng, niềm hy vọng của bất kỳ Mục sư nào, ấy là dân sự của mình đang sống đời sống của họ: “làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời”.
Vì vậy, chúng ta đang có một mặc khải còn lớn lao hơn bốn bức tường nầy. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời có một chương trình mang phạm vi còn lớn lao hơn nhiều bất cứ điều chi chúng ta có thể suy tưởng được. Nguyện chúng ta tin cậy vào sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời và được đầy dẫy với những ký ức hạnh phước, cứ tiến tới trước, cầu nguyện, và tin cậy với kỳ vọng lớn lao về tương lai mà Chúa đang sửa soạn cho chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét