Thứ Tư, 28 tháng 7, 2010

Galati 4:4: "Đức Chúa Trời của từng hoàn cảnh"



Nào được nôi, nệm giường:
Đức Chúa Trời của từng hoàn cảnh
- Galati 4:4
"Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở” (Luca 2:7).
Đang khi thực hiện một số chuẩn bị cho sứ điệp nầy, lý trí tôi lướt ngang qua chủ đề của một bài giảng. Có ai đó đã giảng về câu gốc nầy khi sử dụng đề tựa: “Phép lạ trên con đường máng cỏ”. Đề tựa ấy thật là hay và lôi cuốn, và nó cũng thích hợp vì thực sự có một phép lạ trên “con đường máng cỏ” trong đêm Chúa Jêsus ra đời. Bối cảnh được phác hoạ ra ở Luca 2:7 rất là quen thuộc, bối cảnh ấy không thể lầm lẫn được. Chúng ta gọi phần nầy là trình bày sự ra đời của Đấng Christ, một là với những bức tượng hay trên bản vẽ, hoặc có khi với những nghệ sĩ trong vai Giôsép, Mary và Chúa Jêsus. Thường thì bối cảnh hoàn toàn là nhà quê, với Mary và Giôsép đang đứng nhìn Chúa Jêsus nằm ngủ trong chiếc máng cỏ bằng gỗ sạch sẽ. Đôi khi có một luồng sáng phát ra từ Con Trẻ Jêsus. Rơm thì sạch sẽ, phía trên cao những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, gần đấy bầy gia súc và bầy chiên nằm nghỉ và con lừa trung thành (luôn luôn có một con lừa) nhìn theo bố mẹ hạnh phúc kia. Và rất thường có mấy gã chăn chiên và mấy thầy bác sĩ sấp mình xuống trước Con Trẻ đang nằm trong máng. Như tôi đã nói, đây là một bối cảnh rất dịu dàng và xinh đẹp.
Bối cảnh nầy cũng rất là nguy hiểm nữa. Tôi biết bối cảnh là nguy hiểm vì bạn không thể đặt cảnh ấy vào bất kỳ một địa điểm công cộng nào trong thời buổi nầy. Nếu bạn làm thế, bạn chắc sẽ bị rắc rối ngay. Có ai đó chắc chắn sẽ bị phật lòng. Nhưng nan đề thực với bối cảnh không nằm ở bất kỳ chỗ rắc rối nào, mà ở sự thực bối cảnh an bình nầy mang một ít nối kết với những gì thực sự đã xảy ra trong đêm đó tại thành Bếtlêhem. Bối cảnh ấy không thật bình an đâu, bối cảnh ấy không thể sạch sẽ được, chẳng một thứ gì là xinh đẹp như chúng ta thấy đâu, và chẳng có lý do gì để tin rằng mấy gã chăn chiên cùng mấy thầy bác sĩ từng nhìn thấy Chúa Jêsus cùng một lúc cả đâu.
Nhưng vấn đề chính đặt vào một sự kiện: Con của Đức Chúa Trời từ trời đến với đất và chào đời trong một chuồng chiên vì chẳng còn chỗ trong nhà quán. Chúng ta nghe điều nầy rất thường đến nỗi chúng ta chấp nhận như thế, nhưng chấp nhận như thế dường như là chẳng đúng đâu. Để giúp cho chúng ta suy nghĩ về sự kiện ra đời của Chúa Jêsus, chúng ta hãy cùng nhau nghĩ đến ba thắc mắc: 1) Có gì sai với bức tranh nầy? 2) Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép điều đó xảy ra? 3) Chúng ta học được gì từ bức tranh ấy? Từ nhận định của chúng ta, Chúa Jêsus không nên ra đời trong cái chuồng chiên — nhưng Ngài đã ra đời ở đó. Chắc chắn đây không phải là một sự tình cờ — mà là một sứ điệp từ Đức Chúa Trời đến với mọi lòng của chúng ta.
1) Có gì sai với bức tranh nầy?
Câu trả lời rất đơn giản: Chúa Jêsus không thuộc về nơi nầy. Ngài là Con của Thượng Đế đến từ trời. Ngài không đáng bị đối xử như một kẻ du mục hay một tội phạm. Ngài xứng đáng với phần tốt nhứt mà thế gian phải hiến cho. Ngài đến với đất từ trời — rồi kết thúc trong một chuồng chiên sao? Làm sao có thể được như thế chứ? Cho phép tôi trình bày theo cách khác. Đức Chúa Trời có thể làm tốt hơn. Hãy suy nghĩ về điều nầy trong một phút xem. Giả sử bạn có hết thảy quyền phép và có thể chọn thời gian và không gian cùng tư thế ra đời của con trai bạn. Bạn sẽ chọn để cho con mình ra đời ở ngoài hay trong cái chuồng chiên? Điều đó không quan trọng lắm đâu. Điều gì đang diễn ra ở đây vậy? Tại sao điều nầy lại diễn ra? Tại sao chẳng còn có chỗ trong nhà quán nữa?
Có lẽ chỗ phải bắt đầu là một chút lưu ý về thành Bếtlêhem. Nếu bạn đến viếng Bếtlêhem ngày nay, bạn sẽ thấy đấy chỉ là một thị trấn khá lớn, rộn ràng của người Ảrập nằm cách thành Jerusalem về phía Nam khoảng 7 hay 8 dặm. Bạn đến Bếtlêhem bằng cách đi từ thành Jerusalem xuống rồi kế đó cho xe đi vào một con đường rộng trải nhựa. Địa điểm nằm trong phần hay căng thẳng của thế giới hôm nay, và mặc dù không nên đi bộ từ thành Jerusalem đến Bếtlêhem, bạn có thể thực hiện điều đó thật dễ dàng trong một hay hai tiếng đồng hồ. Trong thời của Chúa Jêsus, Bếtlêhem là một ấp nhỏ của người Do thái, một ngôi làng nhỏ bên đường, một trong những thị trấn ít quan trọng trong tất cả thị trấn của xứ Giuđa. Một tác giả đã gọi nơi ấy là một cái “thôn”, ý nói ngôi làng nhỏ bé. Có mấy gã chăn chiên sống ở đó, mấy nhà nông, vài thương buôn, và chỉ bấy nhiêu thôi. Đây là một ngôi làng nhỏ của người Do thái đã được làm cho nổi tiếng chỉ vì đấy là thị trấn quê hương của Vua David.
Một phần của câu chuyện có liên quan đến một người có tên là Caesar Augustus ở Lamã xa xôi kia, ông ta (được kích thích bởi Đức Chúa Trời) đã phát ra chiếu chỉ phải điều tra dân số để thu thuế trên khắp Đế quốc. Cuộc điều tra dân số đòi hỏi rằng hết thảy những người nam Do thái phải quay về thị trấn quê hương của tổ phụ họ để đăng ký. Kể từ khi Giôsép là dòng dõi tính từ David, ông phải trở về thành Bếtlêhem. Điều nầy “xảy ra” khi Mary đang ở chặng cuối của sự thai nghén khi họ đến tại thành Bếtlêhem. Tôi dùng chữ “xảy ra” ở phần trưng dẫn vì Đức Chúa Trời đã sắp xếp mọi sự để hoàng đế phát ra chiếu chỉ đúng vào thời điểm và đúng lúc, đúng kỳ Mary và Giôsép về đến tại thành Bếtlêhem, họ đến tại nơi mà tiên tri Michê nói chính xác họ sẽ có mặt khi Chúa Jêsus ra đời (Michê 5:1). Mọi sự dường “xảy ra”, nhưng mọi sự dường xảy ra bởi cơ hội chắc chắn là bàn tay của Đức Chúa Trời đang vận hành qua lịch sử để hoàn thành ý định của Ngài. “Nếu Đức Chúa Trời ấn định việc ấy, Ngài sẽ dọn một con đường”.
Không phải trong quán Holiday
Một phần vấn đề trong sự tìm hiểu của chúng ta về câu chuyện nầy xoay quanh chữ “nhà quán”. Chúng ta miệt mài trong xã hội Mỹ khi chúng ta đọc câu gốc theo cách nầy: “Chẳng còn có chỗ cho họ trong Quán Holiday ở Bếtlêhem”. Hay “Họ không thể tìm được một phòng tại Nhà Quán Hampton tại thành Jerusalem”. Hoặc quán Ramada. Hay quán Sheraton. Hoặc quán Hilton. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ tới một toà nhà xinh đẹp gần lối vào của xa lộ, cao ba hay bốn tầng, với chỗ đậu xe thật đẹp, một hành lang thật rộng, một hồ bơi hay bồn tắm nước nóng, một máy Coca Cola đặt trên sàn nhà, với bông sen nước nóng, truyền hình cáp, và dữ liệu thể thao trên điện thoại, để chúng ta có thể nối kết với mạng Internet. Đối với chúng ta, thật là khổ sở nếu máy làm nước đá bị hư.
Nếu bạn có thể, hãy tìm cách xoá sạch mọi thứ đó trong đầu của bạn đi. Trong tất cả đế quốc Lamã, chẳng có một cái nhà quán nào xinh đẹp như Quán Holiday trung bình kia. Trong thời buổi ấy du lịch là bẩn thĩu, cam go và nguy hiểm. Không có tiện nghi đầy đủ đâu. Du khách cần sự an toàn và an ninh tránh cướp bóc có thể tìm thấy họ trên từng con đường lớn. Một “nhà quán” chỉ là ngôi nhà mà ở đó bạn có thể nghỉ ngơi an toàn trong đêm. Những tiện nghi bên trong không có như bây giờ đâu — và truyền hình cáp là 20 thế kỷ sau trong tương lai.
Để tìm hiểu cho thích ứng những gì đã xảy ra, cần phải nhìn biết rằng Luca đã sử dụng hai từ khác nhau về “nhà quán” khi ông viết ra sách Tin Lành. Một từ đề cập tới ngôi nhà nhỏ được dành cho sự phục vụ du khách. Ở cuối ngôi nhà, bạn cột ngựa và lừa của mình.Về tiền thù lao, chủ quán để cho bạn ngủ ở tấm nệm đặt trên sàn nhà. Ông ta cũng giữ cho lò sưỡi ấm lên và cung ứng cỏ khô cho bầy súc vật nữa. Đây là “nhà quán” mà Chúa Jêsus nhắc tới trong thí dụ nói về người Samari nhơn lành (Luca 10: 34). Nếu bạn từng đi trên con đường mòn từ thành Giêricô xuống thành Jerusalem, chiếc xe bus của bạn có lẽ sẽ dừng lại tại “quán của người Samari nhơn lành” kia, một ngôi nhà đơn sơ nằm ngay bối cảnh truyền thống của nhà quán tồn tại trong thời của Chúa Jêsus.
Khi Luca thuật lại câu chuyện nói về sự ra đời của Chúa Jêsus, ông sử dụng một từ khác chỉ về “nhà quán” ở câu 7, về cơ bản có ý nói tới phòng khách. “Nhà quán” nầy thậm chí nhỏ hơn và đơn sơ hơn nhà quán ở Luca 10. Bầy súc vật sẽ được giữ trong cái chuồng chiên chẳng khác gì hơn cái hang được đục bên sườn núi với những bức tường bằng đá thấp để giữ bầy súc vật không chạy rong trong đêm. Đó là “nhà quán” chẳng có chỗ cho Mary và Giôsép và Chúa Jêsus trong đêm thánh tại thành Bếtlêhem.
Tại sao họ không bỏ đi nơi khác? Chắc chắn là nhà quán đã đầy ắp người trong đêm đó. Có lẽ những dòng dõi khác của David đã đến thành Bếtlêhem để đăng ký vào cuộc điều tra dân số. Và chủ nhà quán sẽ không biết Giôsép vì ông xuất thân từ thành Naxarét. Có lẽ vì họ rất nghèo, họ không thể trả nổi tiền phòng. Và có lẽ chủ nhà quán, sau khi nhìn thấy Mary đang có thai, không muốn làm phiền đến các khách hàng khác. Việc duy nhứt chúng ta biết chắc, ấy là chẳng còn có chỗ cho họ nữa. Mọi sự khác chỉ là ước đoán mà thôi.
Và điều nầy đưa tôi trở lại với điểm chính. Từ nhận định của con người, chẳng có gì trong bức tranh nầy được xem là đúng cả. Chúa Jêsus xứng đáng được hưởng tốt hơn thế; Đức Chúa Trời có thể làm tốt hơn. Vậy tại sao điều nầy lại xảy ra như thế chứ? Thắc mắc ấy dẫn chúng ta đến câu hỏi thứ nhì.
2) Tại sao Đức Chúa Trời lại để cho đều đó xảy ra?
Mặc dù tôi ghi ra thắc mắc cho chính mình, tôi nghĩ nó chưa đủ lực. Nếu chúng ta tin vào sự tể trị của Đức Chúa Trời, tôi nghĩ chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời không những “cho phép” Con Ngài chào đời trong cái chuồng chiên kia; chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời “đã ấn định” như thế. Chẳng còn có chỗ trong nhà quán vì Đức Chúa Trời muốn như thế. Nếu Đức Chúa Trời muốn sự thể xảy ra theo cách khác, thì nó sẽ xảy ra theo “cách khác”.
Để có một câu trả lời, chúng ta hãy quay trở lại một chút. Giôsép và Mary bị buộc (bởi cuộc điều tra dân số) phải trở lại thành Bếtlêhem ở chặng cuối sự mang thai của Mary. Rõ ràng là họ đến tại thành Bếtlêhem đúng mấy ngày trước khi nàng hạ sanh Chúa Jêsus. Bản thân chuyến đi là rất cam go và nguy hiểm. Những người Do thái tin kính đi từ thành Naxarét sẽ đi hướng Đông qua sông Giôđanh, rồi xuôi Nam qua xứ Bêrê, băng ngang qua xứ Giuđê tại thành Giêricô. Họ sẽ leo qua những ngọn núi để đến thành Jerusalem, và rồi thực hiện chuyến hành trình khoảng 7 hay 8 dặm về phía Nam đến thành Bếtlêhem. Chuyến đi cam go ấy — Đông, Nam, Tây, Nam — giúp họ tránh không đi qua thành Samari. Chuyến hành trình 90 dặm phải tốn mất 6 hay 7 ngày, đi thật chậm vì thai của Mary sắp đến ngày rồi.
Mary vẫn phải đi bộ hôm nay
Tôi lấy làm lạ nếu mọi việc có khác hôm nay. Giả sử Mary muốn bay trên hảng Southwest or United hay American hoặc Northwest thay vì đi bộ. Một ngân phiếu chi trả vé máy bay chỉ ra vấn đề liền. Tất cả hảng hàng không sẽ để cho phụ nữ mang thai đi qua tuần thứ 35 của họ. Sau đó, họ phải trình thư của bác sĩ, (viết trong vòng 72 giờ so với chuyến đi) thư ấy nói rằng họ có đủ sức khoẻ để thực hiện chuyến bay. Một phụ nữ ở những chặng sau cùng của sự thai nghén sẽ bị mời ra khỏi cổng. Dòng cuối muốn nói rằng chẳng có gì thực sự thay đổi trong 2.000 năm. Mary vẫn sẽ phải đi bộ thôi.
Vì vậy, họ đến tại thành Bếtlêhem, bị xua đi khỏi nhà quán, và con trẻ phải ra đời trong cái chuồng chiên — ở ngoài trời, trong giá lạnh, chắc chắn với bầy gia súc nằm gần đó. Họ chẳng có cái gì riêng tư, không hệ thống vệ sinh, và chẳng có yếu tố bảo đảm nào hết.
Tại sao Đức Chúa Trời sai Con Ngài vào trong thế gian với tư thế nầy? Trong bài giảng của ông về chủ đề nầy, Charles Spurgeon ("Không chỗ trong quán cho Đấng Christ") đã đưa ra một số giải đáp cho thắc mắc nầy. Trước hết, Đấng Christ ra đời với tư thế nầy tỏ ra sự thấp hèn của Ngài. Ông hỏi: “Có lẽ nào là xứng đáng khi kẻ bị chết trần truồng trên thập tự giá sẽ khoác lụa là lúc chào đời?” Câu trả lời là “không”, thật là chẳng xứng hiệp cho Chúa Jêsus khoác lấy nhung gấm lúc ra đời. Cuộc sống mà Ngài sẽ sống chẳng khác gì một nông dân. Không gì thích hợp cho Đấng Christ hơn là ra đời trong máng cỏ một khi Ngài đã gạt qua một bên sự vinh hiển của Ngài để khoác lấy hình hài của một tôi tớ.
Chúa Jêsus, Vua của kẻ nghèo
Thứ hai, Ngài ra đời như thế nầy là vì Ngài là Vua của người nghèo. Kẻ nghèo khó và kẻ bị xã hội ruồng bỏ đều biết Chúa Jêsus là một trong số họ vì cớ phương thức Ngài đã đến trong thế gian. “Trong ánh mắt của kẻ nghèo, những lụa là nhung gấm hoàng gia chẳng có kích động gì hết, một người có cách ăn mặc như chính họ mới lôi cuốn lòng tin của họ được”. Spurgeon lưu ý rằng những cấp chỉ huy tài ba nhất là những người có cái chạm phổ thông, là nhân vật chẳng e sợ gì khi trà trộn với binh sĩ nơi tuyến đầu, là người chẳng thấy xấu hổ gì khi bắt lấy bàn tay bẩn thĩu của họ nơi giao thông hào của trận chiến. Khi những binh sĩ nhìn biết cấp chỉ huy của họ đã đi nơi họ đi, họ sẽ theo người cho đến cùng trái đất. Kẻ nghèo của đất nhìn biết rằng nơi Chúa Jêsus họ có một bạn hữu, là Đấng hay chăm sóc họ.
Thứ ba, Ngài đã ra đời như thế nầy để kẻ thấp hèn cảm thấy họ được mời đến với Ngài. Chính tư thế ra đời của Ngài — bị xua đi khỏi nhà quán, ra đời trong chuồng chiên — là một lời mời gọi cho kẻ bị chối bỏ, kẻ bị ngược đãi, kẻ bị xử tệ, kẻ bị quên lãng, kẻ bị người ta lờ đi, đến với Ngài để được cứu. “Chúng ta run rẩy đến gần ngai vàng, nhưng chúng ta không e sợ khi tiếp cận chiếc máng cỏ”. Nếu Chúa Jêsus ra đời tại Paris hay ở Beverly Hills, chỉ có người giàu và nổi tiếng mới cảm thấy gần gũi với Ngài mà thôi. Nhưng khi Ngài ra đời ở một chuồng chiên, hết thảy những kẻ ngoài cuộc của thế gian (và có nhiều kẻ ngoài cuộc hơn là trong cuộc) về bản năng họ sẽ thấy gần gũi với Chúa Jêsus hơn.
Do việc được đặt trong chiếc máng cỏ, Ngài tự minh chứng Ngài là một thầy tế lễ được lấy ra từ giữa vòng loài người, là kẻ đã chịu khổ giống như anh em mình, Ngài cũng yếu đuối như chúng ta. Về Ngài Kinh Thánh chép: “Ngài ăn uống với kẻ thâu thuế và người có tội”; “người nầy làm bạn với kẻ có tội và ăn chung với họ”. Ngay khi còn thơ ấu, bị đặt vào trong máng cỏ, Ngài đã được xem là bạn hữu của tội nhân rồi.
Tôi thấy đây là một tư tưởng rất đáng khích lệ. Sự thực chẳng có chỗ trong nhà quán đổi ra nhiều việc hơn là một chi tiết tình cờ. Thật thế, mọi sự đều tập trung vào Chúa Jêsus là ai. Giờ đây, chúng ta biết lý do tại sao Ngài đã đến, chắc chắn chúng ta sẽ nói: “Ngài phải ra đời như thế nầy. Không thể xảy ra theo cách khác được”.
Có một gợi ý ở đây về sự chết hầu đến của Ngài? Tôi tin là có đấy. Bị xua ra khỏi nhà quán rồi yên nghỉ trong chiếc máng cỏ kia, Ngài đã mang rồi thập tự giá duy nhứt mà một con trẻ có thể mang lấy — tình trạng nghèo khó cực độ và sự khinh dễ, dửng dưng của con người. Theo lời lẽ của Francis xứ Assisi: “Vì cớ chúng ta, Ngài đã ra đời như một khách lạ trong chuồng chiên rộng mở kia; Ngài đã sống ở một nơi không có chỗ để gối đầu, sống bởi lòng từ thiện của hạng người nhơn đức; và Ngài đã chết trần trụi trên thập tự giá với vòng tay ôm chặt của cái nghèo thánh khiết”.
Con trẻ nầy đang nằm đó, bị quên lãng trong cái chuồng chiên chẳng ai thèm ngó đến, yên nghỉ trong chiếc máng cho súc vật ăn, là “dấu” được ấn định của Đức Chúa Trời cho hết thảy chúng ta. Đây là sự hoá thân thành nhục thể có thật. Đức Chúa Trời đã đến với thế gian trong một tư thế thật bất thường. Đây là những gì Philíp 2:7 nói tới khi câu nầy chép rằng “Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người”. Chẳng có điều gì nơi con trẻ Jêsus tỏ ra là siêu nhiên hết. Chẳng có một vầng hào quang nào cả, chẳng có thấy một thiên sứ nào hết, và chẳng có ca đoàn nào chúc tụng. Nếu bạn có mặt ở đó, và nếu bạn chẳng có một thông tin nào khác, bạn sẽ phải kết luận rằng đây chỉ là một đứa trẻ ra đời cho đôi vợ chồng nghèo khó kém may mắn kia. Không một điều gì về những hoàn cảnh bên ngoài chỉ ra Đức Chúa Trời hết. Tuy nhiên, mọi sự trong đó — từng chi tiết trong đó, từng chi tiết đơn sơ, riêng biệt, dường như là tình cờ nữa — đã được hoạch định bởi Đức Chúa Cha trước khi sáng thế. Đối với con mắt không thấy được, chẳng có gì trông như Đức Chúa Trời hết, đối với những ai hiểu biết, những dấu tay của Đức Chúa Trời có ở khắp mọi nơi.
3) Chúng ta học được gì từ bức tranh nầy?
Nếu chúng ta đứng lui lại và xem xét khía cạnh nầy trong truyện tích Giáng Sinh, một số lẽ thật đáng kinh ngạc sẽ nổi bật lên. Chúng ta học biết đôi điều về Đức Chúa Trời, đôi điều về thế gian, đôi điều về Chúa Jêsus, và đôi điều về những môn đồ của Ngài.
Thứ nhứt, chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời sử dụng những hoàn cảnh bất lợi, chẳng có ý nghĩa chi hết lúc bấy giờ để hoàn thành mọi ý định của Ngài trong tương lai. Ở cái nhìn đầu tiên, sự kiện chẳng còn có chỗ nào trong quán dường như là một chi tiết chẳng có ý nghĩa chi hết trong một bức tranh lớn. Nhưng tôi quyết chắc với bạn rằng đấy chẳng phải là một chi tiết nhỏ cho Mary và Giôsép đâu. Bị xua đi ngay giây phút ấy, khi con trẻ sắp sửa ra đời chắc sẽ là đau đớn lắm. Sanh con trong một chuồng chiên chắc chắn đã thử nghiệm đức tin của họ nhiều lắm. Nhất định là việc ấy chẳng có ý nghĩa gì lúc đó. Mary và Giôsép — bất luận họ sốt sắng cỡ nào đi nữa — không thấy trước được thể nào sự việc “tiêu cực” nầy xoay chuyển mọi biến cố trở thành chi tiết trong chương trình của Đức Chúa Trời đưa Con của Ngài vào thế gian. Họ đã tin điều đó, nhưng họ không biết trước được. Cuộc sống thì giống như thế — chúng ta không biết điều gì sẽ đến sau đó, và nhiều việc chúng ta đang gánh chịu chẳng có ý nghĩa gì hết. Đôi khi chúng chẳng có ý nghĩa gì trong những năm sắp đến. Và đôi khi chúng chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta. Tuần nầy tôi nghe nói về một phụ nữ trẻ khoảng trên 20 tuổi, cô vừa được chẫn đoán với một hình thức ung thư trầm trọng đã di căn khắp cơ thể của cô. Chứng ung thư lan rộng đến nỗi không phương thế để giải phẩu được nữa. Khi ấy, hoá học trị liệu là cách chữa trị duy nhứt rất khó. Không một ai có thể nói việc chẫn đoán lâu dài của cô ấy sẽ dẫn tới đâu. Tôi dám nói về bố mẹ của cô ấy, điều nầy chẳng có ý nghĩa gì với họ hết. Trong những giờ phút như thế, thay vì tìm cách giải thích những đường lối kín nhiệm của Đức Chúa Trời, hoặc tìm cách trả lời những thắc mắc khó giải đáp, chúng ta nên yên nghỉ trên những gì chúng ta biết về Đức Chúa Trời — rằng Ngài là nhơn từ, công bình, và thương xót, rằng đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta, rằng Ngài không phạm một lỗi lầm nào hết, và Ngài làm bất cứ điều chi Ngài đẹp lòng (Thi Thiên 115:3). Tôi rất được yên ủi trong sự thực Đức Chúa Trời chúng ta biết Ngài sẽ làm gì, và Ngài sử dụng mọi sự xảy ra cho chúng ta để hoàn thành mọi ý định của Ngài nơi chúng ta, qua chúng ta và cho chúng ta. Không một điều gì là phung phí cả. Đấy là sự thực đối với Mary và Giôsép. Không một điều gì phí mất cả — thậm chí chẳng phải việc bị xua đi vì chẳng có chỗ trong nhà quán.
Thứ hai, chúng ta cũng học biết rằng thế gian chẳng có chỗ nào cho Đấng Christ, và nó chẳng có chỗ cho Đấng Christ trong lúc bây giờ nữa. Giăng 1:11 chép rất đơn sơ như sau: “Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy”. Chúa Jêsus đã đến tận “quê hương” với chính dân tộc mình — và họ không chịu tiếp nhận Ngài. Ngài đã đến với những người nhìn biết rõ Ngài nhất — và họ chẳng muốn làm gì với Ngài hết. Họ đáng phải biết nhiều hơn. Họ biết rõ Ngài đã đến — Đức Chúa Trời đã phán với họ nhiều, nhiều lần với nhiều cách thức. Họ có nhiều lời cảnh báo. Thậm chí những nhà chiêm tinh tà giáo ở Batư đã hình dung ra việc ấy khi họ nhìn thấy ngôi sao Ngài bên Đông phương (Mathiơ 2:1-5). Nhưng sự chối bỏ Đấng Christ bởi chính dân của Ngài là một điềm gỡ cho nhiều việc sẽ xảy đến. Nếu Mary và Giôsép đến tại Chicago, họ sẽ bị xua ra khỏi Nhà Nghỉ Palmer và Hilton. Nếu họ đến tại Oak Park, họ sẽ không thể ngụ tại Nhà Nghỉ Carleton hay Wright. Và Mary không thể sinh con mình ở Bịnh viện Rush Presbyterian hay Loyola hoặc West Suburban. Nếu Chúa Jêsus ra đời hôm nay, điều đó sẽ xảy ra trong căn hộ của một toà nhà xiêu vẹo đổ nát hoặc ở ngoài đồng trong xứ hay trong một ngôi làng xa xôi nào đó ở Ấn độ. Thế gian chẳng có chỗ cho Ngài trong lúc bây giờ đâu.
Thứ ba, chúng ta học biết rằng sự sỉ nhục của Ngài đã khởi sự rất sớm và cứ tiếp tục cho đến cuối cùng. Ngài đã ra đời ở ngoài vì họ không để cho Mary và Giôsép bước vào bên trong. Trong suốt chức vụ của Ngài, Ngài đã phán với các môn đồ của Ngài rằng: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu” (Mathiơ 8:20). Ngài chẳng sở hữu một thứ gì trừ ra chiếc áo trên lưng Ngài, và khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, mấy tên lính đã bóc thăm lấy chiếc áo của Ngài. Khi Ngài qua đời, họ chôn Ngài trong một ngôi mộ mượn. Toàn bộ câu chuyện hoàn toàn là đáng nhớ nếu bạn chịu suy nghĩ về câu chuyện ấy. Sau một buổi thờ phượng vào ngày Chúa nhựt, một người bạn đến gặp tôi rồi nói: “Đúng là phép lạ. Chúng ta thờ lạy một người ra đời trong cái chuồng chiên”. Nếu điều nầy là cường điệu, quan điểm của bạn ấy vẫn là sự thật. Một người khác đến hỏi, tôi nghĩ chuồng chiên có mùi như thế nào. Tôi đáp: “Giống một cái chuồng chiên”. Đấy chẳng phải là một chỗ xinh đẹp để sanh con đâu. Cần phải nói cho sát với sự thực, ấy là chúng ta đang thờ lạy một người ra đời trong cái chuồng súc vật hơn là nói chúng ta đang thờ lạy một người chào đời trong một cung điện. Chúa Jêsus còn hơn là một con người nữa kìa — Ngài là Con của Đức Chúa Trời — nhưng Ngài cũng là một con người trọn vẹn nữa. Sự ra đời của Cứu Chúa chúng ta đã phác hoạ toàn bộ chuổi sự sống của Ngài. Ngài đã ra đời bên ngoài nhà quán, và Ngài đã chết ở bên ngoài các bức tường thành Jerusalem (Hêbơrơ 13:11-13). Ngài là một “kẻ ngoài lề” theo từng ý nghĩa — Ngài đã đến từ “bên ngoài” địa cầu nầy, Ngài ra đời “bên ngoài” nhà quán, và Ngài qua đời “bên ngoài” các bức tường thành.
Thứ tư, chúng ta học được rằng những môn đồ Ngài dự vào số phận của Ngài. Chúng ta sống với Ngài, chúng ta chịu khổ với Ngài, chúng ta chịu chết với Ngài, và chúng ta đồng trị với Ngài. Những gì xảy đến cho Chúa Jêsus cũng xảy đến cho các môn đồ Ngài chẳng sớm thì muộn sau đó. Giống như chẳng còn có chỗ cho Chúa Jêsus, cũng chẳng có “chỗ” nào cho các môn đồ của Ngài nữa. Tuần nầy, tôi để ý thấy một chi tiết trong câu chuyện Giáng Sinh mà tôi chưa hề thấy trước đây. Bất cứ khi nào tôi đọc hay nghe đọc Luca 2:7, tôi luôn luôn đọc và nghe thấy cụm từ cuối theo cách nầy: “vì nhà quán không có đủ chỗ ở”. Nhưng đấy chẳng phải là điều Luca đã nói. Thực sự ông viết: “vì chẳng có chỗ cho họ trong nhà quán”. Hãy nhớ, chủ nhà quán không có nghĩ gì tới việc Đấng Mêsi sẽ sắp chào đời đâu. Tôi luôn luôn đọc cụm từ ấy giống như thể chẳng có chỗ cho Chúa Jêsus vậy. Thực ra, cũng chẳng có chỗ cho cả Mary và Giôsép nữa. Chi tiết ấy thuật lại một câu chuyện. Họ cũng phải ở “bên ngoài nhà quán” khi Chúa Jêsus ra đời. Điều chi sẽ xảy ra cho Ngài cũng xảy ra cho họ nữa. Đấy cũng là một khuôn mẫu cho tương lai. Nhiều năm về sau, Chúa Jêsus đã thách thức các môn đồ Ngài như vầy: “Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta” (Mác 8:34). Khi Đấng Christ kêu gọi chúng ta, Ngài buộc chúng ta phải đến rồi chịu chết với Ngài.
Có chỗ cho Ngài trong tấm lòng của bạn không?
Và thế là chúng ta đến với phần cuối của câu chuyện. Đúng là một sự thực rất long trọng nằm ở đàng sau câu nói đơn sơ Luca 2:7. Ngay cả những chi tiết nhỏ nhất đổi thành quan trọng nhất trong câu chuyện Giáng Sinh. Cho phép tôi nói lần cuối cùng để chúng ta chắc chắn nắm bắt được lẽ thật đó. Tấm biển “Không Còn Chỗ Trống” đặt ở đó vì ích cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã đặt trước một chỗ rồi. Ngài có thể dựng lên một bịnh viện hay một cung điện tại thành Bếtlêhem nếu Ngài muốn làm thế. Kết quả của mọi biến cố chưa được mở ra — cuộc điều tra dân số, chuyến hành trình thật dài, không chỗ trong quán, “nào được nôi nệm giường”, chỉ có cái máng cho súc vật ăn, “mấy tấm tả lót" — hết thảy đều đã được Đức Chúa Trời sắp đặt dù khi mọi sự ấy xảy ra do cơ hội. Đức Chúa Trời muốn chẳng có chỗ trong nhà quán không phải vì cớ Chúa Jêsus, song vì cớ chúng ta, để chúng ta có thể học biết Chúa Jêsus là ai và tại sao Ngài ngự đến.
Vì chẳng còn có chỗ trong nhà quán, sự kêu gọi sau cùng luôn luôn có tính cách riêng tư. Thế gian chẳng có chỗ cho Chúa Jêsus. Liệu bạn có chỗ cho Ngài trong tấm lòng của bạn không? Câu chuyện thuật lại về một em thiếu niên được chọn để đóng vai người chủ quán trong dịp đóng kịch Giáng Sinh hàng năm của ban thiếu niên trong Hội thánh. Khi buổi tối đến, tất cả các em thiếu niên đều ngồi vào chỗ của mình, đang khẩn trương chờ đợi vở kịch bắt đầu. Mấy đứa con gái ăn mặc giống như các thiên sứ, mấy đứa con trai đóng vai mấy gã chăn chiên và mấy thầy bác sĩ. Trong khi bên nữ thì hay nói chuyện và khúc khích cười, bên nam chọc nhau bằng mấy cây gậy chăn chiên của chúng. Cậu thiếu niên được chọn đóng vai chủ quán chỉ có một hoạt cảnh thôi. Khi Giôsép gõ cửa, nó phải ra mở cửa rồi nói với họ chẳng còn có chỗ trong quán nữa.
Khi vở kịch bắt đầu, ông bà cha mẹ đều lấy làm lạ không biết con cháu mình giữ vai gì trong buổi tối đó. Mọi sự đều tiến triển như đã định. Sau cùng, giây phút trọng đại đã đến cho chủ quán. Giôsép gõ cửa. Cậu chủ quán kia ra mở cửa rồi nhìn thấy Giôsép cùng cô vợ trẻ đang có thai. Có cái gì đó trong hoàn cảnh của Mary chạm đến tấm lòng của nó, và nó vẫn theo kịch bản mà nói: “Chẳng còn có chỗ nào trong quán hết … nhưng bạn có thể dùng phòng của tớ”. Có người nghĩ hoạt cảnh Giáng Sinh bị sụp đổ rồi. Nhiều người khác nghĩ đấy là vở kịch hay nhứt từ trước tới giờ. Cậu thiếu niên nói với Trưởng ban đặc trách thiếu niên sau đó: “Em không thể xua Chúa Jêsus đi. Em phải tìm một chỗ cho Chúa Jêsus”.
Chẳng có chỗ cho Chúa Jêsus trong nhà quán trong đêm đó tại thành Bếtlêhem. Liệu bạn có dọn cho Ngài một chỗ trong tấm lòng của bạn năm nay không? Khi Mục sư Spurgeon giảng về đề tài nầy, ông đưa ra lời kêu gọi nầy cho khán thính giả:
Khi còn thơ ấu, bị đặt vào chiếc máng cỏ, Ngài được định làm bạn hữu của tội nhân. Hãy đến với Ngài, hỡi các ngươi là kẻ mệt nhọc và gánh nặng! Hãy đến với Ngài, hỡi các ngươi là kẻ thống khổ trong tâm linh, người nào có linh hồn thống hối! Hãy đến với Ngài, hỡi các ngươi là kẻ tự hạ mình xuống và bị người khác xem khinh! Hãy đến với Ngài, hỡi kẻ thâu thuế và kỵ nữ kia! Hãy đến với Ngài, hỡi kẻ trộm cướp và say sưa! Trong chiếc máng cỏ Ngài đang nằm ở đó, chẳng được bảo hộ khỏi cái chạm và không tránh được cái nhìn của ngươi. Hãy quì gối xuống, và hãy hôn Con của Đức Chúa Trời; hãy tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của ngươi, vì Ngài tự đặt mình vào chiếc máng cỏ đó để ngươi có thể đến gần Ngài.
Đây là những tin tức tốt lành cho hạng người tệ hại nhất trong số tội nhân. Mặc dù cả thế gian có thể xây mặt đi, bạn có thể mở lòng mình ra rồi mời Ngài ngự vào. Và nếu Ngài ngự vào, Ngài sẽ không hề lìa khỏi bạn đâu. Nguyện Đức Chúa Trời ưng ban cho mỗi một người chúng ta đức tin để tin và một tấm lòng cởi mở mà nói: “Phải, lạy Chúa Jêsus, có chỗ cho Ngài trong tấm lòng của con đây” Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét