Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 1.8-9: "Những đức tính cho cấp lãnh đạo thuộc linh - Phần 3"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH
Những đức tính cho cấp lãnh đạo thuộc linh - Phần 3
Tít 1.8-9
Hôm nay, chúng ta bước qua tuần thứ năm trong phần nghiên cứu từng câu, từng chữ trong sách Tít . Chúng ta đã trải qua 7 câu trong 5 tuần lễ. Vì đa số trong các bạn đều biết rõ tôi rồi, nên không phải nhắc nhiều nữa! Chúng ta sẽ đi ở tốc độ chậm qua tiểu đoạn Kinh Thánh nầy vì nó rất quan trọng. Đức Chúa Trời đang cung ứng cho chúng ta một danh sách chi tiết những đức tính cho những ai đang phục vụ trong vai trò lãnh đạo thuộc linh trong Hội Thánh. Nếu chúng ta muốn có một Hội Thánh mạnh mẽ và một Mục sư trưởng thành, chúng ta phải có những cấp lãnh đạo đủ tư cách. Điểm quan trọng tương đương là sự thực các đức tính nầy là mục tiêu của Đức Chúa Trời dành cho tất cả các tín hữu, chớ không phải chỉ có cấp lãnh đạo trong Hội Thánh.
Ở câu 5, Sứ đồ Phaolô nhắc nhớ môn đồ của ông là Tít: "Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp". Phaolô đã giúp thiết lập các Hội Thánh trên quốc đảo ấy, nhưng hết thảy họ đều là những Hội Thánh còn non nớt chưa trưởng thành. Họ cần đến Tít để làm cho họ được vững vàng thêm. Chủ yếu ông đến đó là để "lập những trưởng lão trong mỗi thành", y như Phaolô đã "truyền" cho ông rồi vậy. Khi ấy Phaolô mở ra một danh sách thật chi tiết gồm 16 đức tính cho những người nào phục vụ Hội Thánh trong vai trò trưởng lão, giám mục và chăn bầy. Chúng ta đã làm việc rồi qua chín đức tính đầu tiên. Chúng ta hãy ôn lại tóm tắt những gì chúng ta đã tiếp thu.
Thứ nhứt, một trưởng lão phải "không chỗ trách được" hay "hoàn hảo". Một người "không chỗ trách được" là một người ngay thẳng không chê vào đâu được. Bạn có thể trông mong nơi người ấy luôn luôn làm điều chi là phải lẽ và nhơn đức. Tôi đã nói cho bạn biết tình trạng không chỗ trách được là một đức tính bao quát vì 15 đức tính kia chỉ ra tình trạng không chỗ trách được là như thế nào trong các lãnh vực khác nhau trong cuộc sống.
Thứ hai, một trưởng lão cần phải là "chồng của một vợ". Người cần phải là "đàn ông của một người đàn bà", hết lòng, hết ý, ánh mắt và thân thể cam kết với vợ mình. Người không phải là một kẻ tà dâm. Người không trụ theo những tư tưởng gian dâm hoặc dính dáng vào hành động khiêu dâm, nói năng tục tỉu hay lăng nhăng, cách xử sự bừa bãi.
Thứ ba, một trưởng lão có "con cái trung thành". Con cái còn nhỏ của người phải biết "thuận phục" (I Timôthê 3.4) và con cái lớn tuổi hơn phải là tín đồ vâng phục, không bị cáo giác về lối sống hoang đàng hay loạn nghịch. Một người không thể lãnh đạo gia đình mình trong sự tin kính sẽ không bao giờ lãnh đạo Hội Thánh trong sự tin kính được. Địa vị lãnh đạo trong gia đình là cái nền thử nghiệm cho địa vị lãnh đạo trong Hội Thánh.
Thứ tư, một trưởng lão là "quản lý của Đức Chúa Trời". Hãy chú ý ở câu 7, một lần nữa Phaolô nói về ông như ""không chỗ trách được", ông là "kẻ quản lý nhà Đức Chúa Trời thì phải cho không chỗ trách được". Trong thời buổi xa xưa, một viên "quản lý" là một tôi tớ đáng tin cậy, là người có trách nhiệm và quyền hành để quản lý tài sản của chủ. Một trưởng lão là một viên "quản lý" đối với Hội Thánh. Đức Chúa Trời ban cho người quyền hành để lãnh đạo, nhưng buộc người phải trình sổ về chức vụ lãnh đạo đó.
Thứ năm, một trưởng lão không được "tự ý" hay lo "làm đẹp lòng mình". Người cần phải phục vụ cho người khác, chớ chẳng phải cho bản thân mình. Người không được cứng cổ, kiêu căng, đàn áp hay ham cai trị.
Thứ sáu, một trưởng lão không được nóng nảy hay "giận dữ”. Người không có một cái đầu nóng nảy hay có một ngòi nổ ngắn. Một người dễ bùng lên giận dữ khi thất bại không có chỗ lãnh đạo Hội Thánh của Chúa Jêsus đâu.
Thứ bảy, một trưởng lão không được "ghiền rượu". Người không được ghiền rượu. Người không nên để cho rượu cai trị suy nghĩ của mình hay hủy diệt phần làm chứng của người. Thực vậy, trong xã hội của chúng ta, bất cứ Cơ đốc nhân nào cũng có một thời điểm khó mà xưng công bình việc uống rượu lắm.
Thứ tám, một trưởng lão phải không được "hung tàn". Người phải lo trưởng dưỡng và lãnh đạo bầy chiên, chớ không phải đánh đập chúng.
Thứ chín, một trưởng lão phải không được "tham lợi". Tiền bạc và các thứ vật chất không phải là tiêu điểm của đời sống người. Người biết rõ sự giàu có thực phải được chất chứa ở trên trời, chớ không phải ở trên đất. Hôm nay, chúng ta sẽ xem xét bảy đức tính còn lại. Mục đích của tôi là đi nhanh qua 5 đức tính đầu tiên rồi dành nhiều thời gian hơn cho đức tính sau cùng.
I. Một trưởng lão phải hay tiếp đãi khách.
Từ ngữ "tiếp đãi khách" ra từ chữ Hy lạp có nghĩa là "mến khách" hay "mến chuộng khách". Trong thế kỷ đầu tiên, có nhiều người đi du lịch và có rất ít quán trọ hay khách sạn. Thường thì nhà quán có đông người và rất đắt đỏ. Phần nhiều những nhà quán nầy đều bẩn thỉu và chỉ có vài phòng ở phía trên quầy rượu. Một số lại có thêm nhà thổ nữa. Vì lý do nầy, thật là quan trọng khi Cơ đốc nhân tiếp đón các Cơ đốc nhân khác đi du lịch vào ở trong nhà của họ.
Trong xã hội của chúng ta, một trưởng lão phải bằng lòng tiếp đón người khác vào trong nhà của mình. Vì người "không chỗ trách được", người chẳng có gì để che giấu cả. Nhà của người luôn rộng mở cho những cuộc nghiên cứu Kinh Thánh và các mối tương giao. Những giáo sĩ và các nhân sự Cơ đốc khác luôn luôn tìm được một chiếc giường, một phòng tắm ấm áp và một bữa ăn ngon lành dưới mái nhà của người. Tiếp đãi khách là một vai trò quan trọng của chức năng đạo thuộc linh. Người ta cảm thấy thế nào khi họ có một người chăn nếu họ không cảm thấy được tiếp đón trong nhà hay trong buổi học Kinh Thánh của người?
Mỗi giáo sư dạy Kinh Thánh đều cần thời gian không dứt trong phần nghiên cứu. Làm ơn đừng bao giờ xem nhẹ nếu bạn không thể ở gần tôi vì tôi bận nghiên cứu. Tuy nhiên, còn hơn cả thời gian nghiên cứu, mỗi trưởng lão phải biết "tiếp đãi khách" nữa. Danh sách khác về các đức tính của cấp trưởng lão trong I Timôthê 3 cũng chứa đức tính nầy nữa. Galati 6.10 chép: "Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin". Hêbơrơ 13.2 chép một điều dường như kỳ lạ đối với chúng ta: "Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết". Rôma 12.13 chép hết thảy chúng ta phải "cung cấp sự cần dùng cho các thánh đồ; hãy ân cần tiếp khách". Tôi thích I Phierơ 4.9, ở đây chép: "Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn". Tôi nhớ câu nầy khi chúng tôi mời những vị khách đến nhà và tôi rất mệt mõi. Tôi phải tiếp họ theo cách vui mừng và không bao giờ cằn rằn về công việc "tiếp đãi khách".
Người nào không sẵn lòng, giàu ơn mở cửa nhà mình tiếp khách, đặc biệt là các tín hữu, người ấy đang có những nan đề thuộc linh. Bạn không thể lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời nếu bạn không yêu mến họ. Thiếu ơn "tiếp đãi khách" nhất định là một dấu hiệu của đức tin không có sự sống, thiếu mất tình yêu thương.
II. Một trưởng lão phải là bạn của người hiền.
"Bạn với người hiền" mang ý tưởng ủng hộ điều chi là nhơn lành hay đạo đức. Từ ngữ Hy lạp đứng sau cụm từ nầy đã được xác định là "người nào bằng lòng và tự chối bỏ mình để làm theo điều chi là nhơn đức, hay tử tế". Ý tưởng khác thì cho là: "sẵn sàng làm theo điều chi có ích cho người khác". Vẫn có ý tưởng khác xác định đức tính nầy là: "hoạt động không mệt mỏi của tình yêu thương".
Đôi khi chúng ta hiểu cụm từ ấy bằng cách xem xét những gì nó không nói tới. Trong trường hợp nầy: "bạn với người hiền" là người không ưa điều chi là xấu, ác, bẩn thỉu hay đồi bại. Một trưởng lão không phải là người có trong trí sự đểu cáng. Người là hiện thân của Philíp 4.8: "Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến".
Gióp là một tấm gương trong Cựu Ước về phẩm chất của một trưởng lão. Gióp 4.3-4 mô tả ông là người yêu mến sự nhơn đức: "Kìa, ông đã dạy dỗ nhiều người, và làm cho tay yếu đuối ra mạnh mẽ; Các lời nói ông đã đỡ kẻ xiêu tó lên, và đầu gối lung lay, ông đã làm cho vững bền". Một trưởng lão là loại người biết yêu thương, hiểu biết, giàu ơn, rời rộng, tử tế, luôn luôn sẵn sàng làm theo điều phải và không bao giờ tìm cách ăn miếng trả miếng hay báo thù.
Có phải bạn biết những người trong Hội Thánh nầy, họ là hạng người "bạn với người hiền" không? Chúng ta được phước khi có cấp lãnh đạo đủ năng lực cao như thế vì Phaolô đã cảnh cáo Timôthê ở II Timôthê 3.3 rằng trong "những ngày sau rốt" người ta sẽ "vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành". Thật là rất khó tìm được hạng người làm "bạn với người hiền".
III. Một người trưởng lão phải khôn ngoan.
"Khôn ngoan" sát nghĩa phải "nhạy bén". Từ nầy mô tả một người biết xét đoán, khôn khéo hay có cái đầu nguội lạnh, không đưa ra những ý tưởng dại dột. Một người thể ấy không thể dễ sai lạc được. Người ấy không "bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc" (Êphêsô 4.14). Thay vì thế, người sống theo Rôma 12.3, trong đó Phaolô nói: "Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người".
Một người "khôn ngoan" tin rằng Đức Chúa Trời có thể làm việc khó; người bày tỏ ra đức tin lớn. Tuy nhiên, người pha trộn với đức tin mình ý thức về đạo đức. Người không để cho tấm lòng mình chạy theo cái đầu. Người không lìa bỏ lý trí để chạy theo tình cảm. Người từ chối không muốn dính dáng không những vào điều ác hay những việc phi đạo đức, mà còn bất cứ điều chi tầm thường, không kết quả hay không ích lợi. Người biết rõ các thứ tự ưu tiên của mình trong cuộc sống và dấn thân vào đấy.
IV. Một trưởng lão phải cho công bình.
"Công bình" ra từ chữ dikaios là từ phổ thông nói tới "công nghĩa". Từ nầy mang ý tưởng nói tới sự ngay thẳng. Một người "công bình" là người sẽ nói thẳng với bạn và không tránh né đi đâu khác. Người sống công bằng, vô tư. Người không nhảy đại vào kết luận đâu. Một lần nữa, hãy xem lại Gióp. Người được mô tả là "vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác" (1.1). Ở 29.14, người nói: "Tôi mặc lấy sự công bình, và nó che phủ tôi, sự ngay thẳng tôi khác nào áo ngoài và mão triều thiên". Thú vị thay, dikaios hay "công bình" là một đức tính được chính mình Đức Chúa Trời nói tới một cách đặc biệt. Chúa Jêsus cầu nguyện trong Giăng 17.25: "Hỡi Cha công bình [dikaios]!" Ở Rôma 3.26, Phaolô nói tới Đức Chúa Cha "đã tỏ sự công bình Ngài trong thời hiện tại, tỏ ra mình là công bình và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Jêsus". Vì lẽ đó, vì bất cứ tín đồ nào hành động trong sự công bình, họ đang phản ảnh bổn tánh thiêng liêng của chính mình Đức Chúa Trời.
Một trưởng lão là chứng nhân thấy được bằng mắt thường đối với tính ngay thẳng của Đấng Christ và Hội Thánh. Người phải sống "công bình", ngay thẳng trong cách xử sự của mình. Đấy là lý do tại sao I Timôthê 3.7 nói một trưởng lão "phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỉ". Người cũng phải sống "công bình" trong phương thức người lãnh đạo Hội Thánh. Người phải xử sự công bình với mọi người và không được thiên vị. Người phải cân nhắc mọi sự một cách cẩn thận và phải vô tư, những quyết định sao cho công bằng.
V. Một trưởng lão phải sống thánh sạch.
Đây không phải là một từ ngữ Tân Ước thông thường nói tới "thánh khiết", nhưng là từ liên kết hosios đôi khi được dịch là "sốt sắng". Một trưởng lão là một người về mặt tình cảm đã ký thác cho Đức Chúa Trời. I Timôthê 2.8 sử dụng chính từ ngữ nầy khi Phaolô nói: "Vậy, ta muốn những người đàn ông đều giơ tay thánh sạch lên trời, mà cầu nguyện khắp mọi nơi, chớ có giận dữ và cãi cọ". Chúng ta phải giơ loại "tay" nào lên trong sự cầu nguyện? Hai bàn tay "thánh sạch", sốt sắng, trong sạch và biệt riêng cho Chúa sử dụng. Phaolô đã sử dụng chính từ nầy khi ông viết cho các tín hữu thành Têsalônica: "Anh em làm chứng, Đức Chúa Trời cũng làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em có lòng tin, thật là thánh sạch, công bình, không chỗ trách được" (I Têsalônica 2.10). Người thành Têsalônica đã chứng kiến cách xử sự của Phaolô giữa vòng họ, không những là "không chỗ trách được" và "công bình", mà còn "thánh sạch" hay sốt sắng nữa. Người phải thánh hóa đối với Chúa.
Trong xã hội của chúng ta, làm sao nhìn biết được một người sốt sắng hay "thánh sạch"? Bạn nói như thế nào khi có một người sốt sắng? Người sống khác biệt với người khác. Một người thể ấy sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Mọi giá rị của người không theo đời thường hay thế gian, mà phải theo Kinh Thánh và thuộc linh. Người diễu hành đúng theo nhịp trống thiên thượng. Người không hùa theo hay sống "với nó". Người ít quan tâm đến thời trang và xu hướng mau qua. Đôi mắt người nhắm vào sự đời đời. Lý trí người đầy dẫy với những tư tưởng về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Tấm lòng người tràn đầy với tình cảm dành cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Hai bàn tay người sẵn sàng làm việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Mặc dù người yêu mến hạng tội nhân, tấm lòng người tan vỡ vì cớ tội lỗi. Người quyết định giữ lấy mình "cho khỏi sự ô uế của thế gian" (Giacơ 1.27). Người quyết định sống ở đây và bây giờ trong ánh sáng của đàng kia và khi ấy. Một người "thánh sạch" hay sốt sắng ao ước muốn sống theo Thi thiên 101.1-4: "Tôi sẽ hát xướng về sự nhân từ và sự công bình; Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hát ngợi khen Ngài. Tôi sẽ ăn ở cách khôn ngoan trong đường trọn vẹn; Ồ! Chúa chừng nào sẽ đến cùng tôi? Tôi sẽ lấy lòng trọn vẹn mà ăn ở trong nhà tôi. Tôi sẽ chẳng để điều gì đê mạt trước mặt tôi; Tôi ghét công việc kẻ bất-trung: Việc ấy sẽ không dính vào tôi. Lòng gian tà sẽ lìa khỏi tôi; Tôi sẽ chẳng biết sự ác".
VI. Một trưởng lão phải cho tiết độ.
"Tiết độ" cơ bản là "điều khiển sức lực hay tình cảm của một người". Một cấp lãnh đạo thuộc linh trong Hội Thánh phải tự luyện tập kỷ luật và tự kềm chế trong từng phương diện của cuộc sống. Người phải có khả năng kìm nén những khao khát của mình. Phaolô vốn hiểu rõ thiếu tiết độ hay thiếu kỷ luật khiến cho một người không đủ tư cách nắm lấy chức vụ trong Hội Thánh. Ông nói ở I Côrinhtô 9.27: "song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng".
Phaolô cũng cung ứng một minh họa về đức tính rất quan trọng nầy ở I Côrinhtô 9.25: "Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát". Cách nói ám chỉ rằng một vận động viên đang ở trong sự huấn luyện nghiêm ngặt, sửa soạn thi đấu trong "các bộ môn", là người chạy dẫn trong các bộ môn điền kinh Olympic hiện đại của chúng ta. Người kỷ luật thân thể mình qua thời gian luyện tập với chế độ nghiêm khắc cao để cho thân thể được cường tráng. Người tự kỷ luật với thời biểu luyện tập không được ăn uống bất cứ thứ gì sẽ làm hư đi mục tiêu đoạt huy chương vàng của mình. Từng phương diện của cuộc sống tập trung vào việc đoạt cho kỳ được "mão triều thiên", huy chương, "một thứ thuộc về đời nầy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn". Là tín đồ, chúng ta kỷ luật bản thân để đạt tới một mục tiêu quan trọng hơn, một giải thưởng hay "mão triều thiên không hay hư nát".
Một trưởng lão phải biết tự kỷ luật trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới một bài hát chúng tôi thường hát khi tôi còn là thiếu niên trong Lớp Trường Chúa Nhựt: "Ôi phải cẩn thận đôi mắt nhỏ bé cần phải xem gì, ôi phải cẩn thận đôi mắt nhỏ bé cần phải thấy chi, vì Cha trên cao đang nhìn xuống với tình yêu thương, ôi phải cẩn thận đôi mắt nhỏ bé phải xem gì". Bài hát tiếp tục để cảnh cáo hai bàn tay của chúng ta cần phải cẩn thận với những gì chúng làm và đôi bàn chân của chúng ta cần phải cẩn thận nơi chúng sẽ đi đến.
Tự kỷ luật đặc biệt có quan hệ với phần nghiên cứu những thói quen. Bậc trưởng lão là hạng giáo sư như chúng ta sẽ thấy ở câu 9. Chúng ta cần phải trở thành hạng người biết phục theo Ngôi Lời. Họ không phải tính chỉ kỉnh kiền trong mười phút để khởi sự một ngày của họ, mà phải tự kỷ luật để dành thì giờ đào sâu vào Lời của Đức Chúa Trời cách riêng tư để họ có thể "khuyên bảo" và "bác lại" nơi người khác. Lời lẽ của Phaolô cho người thành Côrinhtô tóm tắt quan niệm "tiết độ", khi ông nói: "Còn như cái điều làm vẻ vang cho chúng tôi, ấy là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng mình lấy sự thánh sạch và thật thà đến bởi Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian nầy, nhất là đối với anh em, không cậy sự khôn ngoan theo tánh xác thịt, nhưng cậy ơn của Đức Chúa Trời" (II Côrinhtô 1.12).
VII. Một trưởng lão phải là người của Ngôi Lời.
Khi chúng ta bắt đầu phần nghiên cứu nầy, có người đến hỏi tôi đâu là khác biệt giữa trưởng lão và chấp sự. I Timôthê 3 cung ứng cho chúng ta hai danh sách nói tới các đức tính. Nếu bạn xem kỹ, bạn sẽ thấy cả hai, trưởng lão và chấp sự đều có cùng những đức tính về đạo đức và về thuộc linh. Điểm khác biệt là tình trạng được ơn. Trưởng lão được ơn là những người dạy dỗ. Một trưởng lão phải "có tài dạy dỗ". Người cũng phải được ơn trong vai trò một người lãnh đạo, một người "biết cai trị nhà riêng mình" để người có thể "chăm sóc Hội Thánh của Đức Chúa Trời". Rôma 12.7-8 mô tả cả hai: sự dạy dỗ và chức năng lãnh đạo là những ân tứ thuộc linh.
Mặt khác, từ ngữ "chấp sự" ra từ chữ diakonos, có ý nói tới một đầy tớ, sát nghĩa là người hầu, như một người hầu bàn vậy. Trưởng lão là quản lý; chấp sự là tôi tớ. Trưởng lão làm thỏa mãn những nhu cần thuộc linh; chấp sự làm thỏa mãn những nhu cần theo phần xác. Trưởng lão có các ân tứ thuộc linh dạy dỗ và lãnh đạo; chấp sự có các ân tứ thuộc linh thương xót và phục vụ.
Trưởng lão không siêu đẳng hơn chấp sự và chấp sự không cao siêu hơn trưởng lão. Cả hai chức vụ đòi hỏi hạng người có phẩm chất đạo đức và thuộc linh ở đỉnh cao. Hội Thánh đang cần cả hai chức vụ nầy. Điểm khác biệt nằm ở phương thức Thánh Linh của Đức Chúa Trời tể trị ban ơn cho chúng ta.
Ở I Timôthê 3.2 nói một trưởng lão phải "có tài dạy dỗ". Ở đây, trong Tít 1.9, Phaolô mở rộng câu nói ấy. Trên hết mọi sự khác, một trưởng lão phải là người của Ngôi Lời. Người phải dấn thân vào sự nghiên cứu và dạy dỗ Lời đời đời của Đức Chúa Trời. Các câu 6-8 cho chúng ta biết trưởng lão phải là người như thế nào; câu 9 cho chúng ta biết những điều trưởng lão lo làm. I Timôthê 5.17 chép: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức [chịu khó đến mức kiệt lực] rao giảng và dạy dỗ". Chúng ta hãy chú ý 5 yếu tố nói tói sự đầu phục của trưởng lão đối với Ngôi Lời.
A. Một trưởng lão xem trọng Lời của Đức Chúa Trời là thành tín và đáng tin cậy.
Thứ nhứt, Phaolô nói một trưởng lão là người "hằng giữ đạo thật". Chúng ta hãy khoanh tròn cụm từ "đạo thật". Chữ "đạo" tất nhiên là Lời của Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh. Phaolô đã dặn vị Mục sư trẻ khác là Timôthê phải "giữ lấy điều phó thác tốt lành [báu vật có giá trị]" (II Timôthê 1.14). Ông cũng nói: "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành" (II Timôthê 3.16-17). Ở 1 Tim.4.6, Phaolô dặn Timôthê phải "được nuôi bởi các lời của đức tin và đạo lý lành mà con đã theo".
Một trưởng lão nhìn biết Lời của Đức Chúa Trời là "thành tín", chơn thật và tuyệt đối đáng tin cậy. Chúng ta đã nhìn thấy rồi ở câu 2 rằng "Đức Chúa Trời … không thể nói dối". Phaolô là bằng chứng sống của sự thành tín của Ngôi Lời. Ông là một chứng nhân cho Đấng Christ phục sinh trên con đường đến thành Đamách.
Ngày nay Hội Thánh đang ở trong chỗ khó khăn kinh khủng vì nhiều cấp lãnh đạo thuộc linh không tin cậy nơi Lời của Đức Chúa Trời. Họ nói Kinh Thánh "chứa Lời của Đức Chúa Trời", mặc dù toàn bộ Kinh Thánh là thực, điều nầy không chắc ở chỗ Lời ấy đụng đến khoa học và lịch sử. Vấn đề là nếu Kinh Thánh không đáng tin, thì chẳng có gì đáng tin hết. Nếu tôi không thể tin hết Kinh Thánh là thật, làm thể nào tôi biết chi tiết nào là thật và chi tiết nào là nói bóng gió? Nếu Ađam không phải là một con người thật, làm sao tôi biết được Chúa Jêsus là một con người thật? Nếu chẳng có một việc gì giống như địa ngục, làm sao tôi biết chắc là có một chỗ giống như thiên đàng? Nếu tôi không biết chắc cả Kinh Thánh là thật, làm sao tôi biết Giăng 3.16 là thật, làm sao tôi biết chắc là tôi đã được cứu?
Nếu tôi không tuyệt đối tin chắc theo trí khôn và theo mặt thuộc linh rằng cả Kinh Thánh là thật, tôi sẽ không đứng trước mặt các bạn mỗi tuần đâu. Tôi chẳng có uy quyền gì để rao giảng cả. Nếu Kinh Thánh không thực một cách tuyệt đối, chúng ta nên đi chơi golf hay dạo bờ hồ mỗi Chúa nhựt là hay hơn! Nếu Kinh Thánh không thật một cách tuyệt đối, chúng ta nên đóng cửa nhà thờ lại, bán cơ sở đi rồi chia nhau tiền bạc! Nếu Kinh Thánh không phải là "đạo thật" của Đức Chúa Trời, Cơ đốc giáo của chúng ta chỉ vô mục đích thôi. Vì lẽ ấy, một trưởng lão phải là người hoàn toàn tin quyết vào sự đáng tin cậy của Kinh Thánh.
B. Một trưởng lão phải giữ chắc lấy Đạo.
"Giữ chắc" có ý nói "bám chặt hay trung thành triệt để với điều gì hay với ai đó". Một trưởng lão không phải là kẻ để quyển Kinh Thánh của mình ở hàng ghế để không quên nó vào ngày Chúa nhựt tới, cũng không để quyển Kinh Thánh vào ghế sau của xe hơi suốt cả tuần lễ. Một trưởng lão không phải là kẻ thấy thỏa lòng khi đọc một câu rút ra từ quyển bồi linh để khởi sự một ngày của mình. Thay vì thế, một trưởng lão lo đào sâu vào Ngôi Lời rồi nắm chặt lấy những sự dạy của lời ấy. Người càng nắm chặt lấy Ngôi Lời, Ngôi Lời càng nắm chặt lấy người! Charles Spurgeon từng lưu ý: "Rốt lại, bạn đạt tới mức trao đổi theo thuật ngữ của Kinh Thánh, và tâm linh bạn được ướp với hương vị Lời của Chúa, để máu của bạn là mạch Kinh Thánh và lưu chất Kinh Thánh tuôn chảy ra từ bạn".
Hai phần việc chính của một trưởng lão là dạy dỗ và lãnh đạo. Làm sao người có thể dạy dỗ những điều mà người không biết chứ? Làm sao người "bởi đạo thật … khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả" nếu người không biết "đạo thật"? Làm sao người có thể rao giảng với thẩm quyền của thiên đàng nếu cái đầu của người đầy những triết lý của trần gian? Làm sao người có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan để dẫn dắt Hội Thánh nếu người không dầm thấm trong Kinh Thánh? Làm sao người có thể chăn dắt dân sự qua mê lộ của cuộc sống nếu như người không rút tỉa quyết định từ trên cao? Dầu người là Mục sư-Giáo sư trọn thời gian hay không, người phải biến cuộc sống mình lo đào những chiến hào, một trưởng lão phải từng là người dấn thân vào việc trở thành một học viên của Kinh Thánh.
C. Một trưởng lão vận dụng Ngôi Lời cách cẩn trọng khi Ngôi Lời được rao giảng.
Kế đó, Phaolô nói một trưởng lão không những phải "hằng giữ đạo thật" mà còn dặn Tít phải biết cách vận dụng Ngôi Lời bất cứ phương thức nào Tít muốn. Ông không thể rút ra một câu ở đây và ở kia, rút ra khỏi văn mạch rồi bẻ cong nó khiến nó phải nói ra những gì ông muốn nó phải nói. Ông phải là người của "đạo thật" hay sự dạy dỗ vững chắc. Từ ngữ "thật" có ý nói "lành mạnh và bổ ích". Nếu chúng ta nói ai đó "có thân thể tráng kiện và lý trí vững vàng", chúng ta muốn nói rằng họ mạnh mẽ cả về phần xác lẫn phần lý trí. Có "đạo thật" là sống vững mạnh về mặt thuộc linh.
Có nhiều người ngày nay cho rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên khác với kỷ nguyên của Kinh Thánh. Ngày nay chúng ta có kỷ thuật, tâm lý học và các bộ môn khoa học. Chúng ta dấn thân vào một cuộc đua siêu nhiên. Chúng ta đang sống ngày càng tốt đẹp hơn. Về cơ bản, chúng ta sống ngày càng tiện nghi hơn. Chúng ta không cần bài giảng về tội lỗi, về lửa địa ngục và lưu huỳnh, cơn thạnh nộ và sự phán xét. Chúng ta sống tự do. Chúng ta đưa ra những quyết định riêng của mình. Nói về Đức Chúa Trời như thế nầy là đưa mọi sự vào chỗ kinh khiếp nhất. Hạng người thể ấy ngày nay sẽ nhờ chúng ta hãy nói sơ sịa sứ điệp Tin Lành thôi. Họ sẽ nhờ chúng ta biến Cơ đốc giáo ra chẳng có quan hệ gì hết.
Cái điều thực sự họ muốn là khiến chúng ta biến Cơ đốc giáo ra vô thưởng vô phạt, kín đáo và hoàn toàn chẳng có quan hệ gì hết. Thời cuộc thay đổi. Xã hội thay đổi. Kỷ thuật thay đổi. Một số việc không bao giờ thay đổi. Tội lỗi không thay đổi. Sứ điệp Tin Lành chơn thật không thay đổi. Đức Chúa Trời không thay đổi. Hêbơrơ 13.8 chép: "Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi". Chúng ta không thể thay đổi những gì chúng ta tin thích ứng với thời gian. Hãy chú ý sứ điệp của vị sứ đồ trong thơ Galati 1.8-9: "Nhưng nếu có ai, hoặc chính chúng tôi, hoặc thiên sứ trên trời, truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành chúng tôi đã truyền cho anh em, thì người ấy đáng bị a-na-them [bị định phải bị hủy diệt]! Tôi đã nói rồi, nay lại nói lần nữa: Nếu ai truyền cho anh em một tin lành nào khác với Tin Lành anh em đã nhận, thì người ấy đáng bị a-na-them!" Chúng ta cần phải dạy dỗ những gì chúng ta đã "nhận được", như chúng ta đã được "dạy dỗ", và không nên thêm hay bớt điều chi. Thực vậy, ở phần cuối của chương cuối của Kinh Thánh, chúng ta được cảnh cáo nghiêm khắc phải vận dụng Kinh Thánh cách cẩn thận. Khải huyền 22.18-19 chép: "Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy".
Chúa Jêsus đã dạy dỗ các vị sứ đồ theo cách riêng. Êphêsô 2.20 chép Hội Thánh được "dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri". Công Vụ các Sứ đồ 2.42 chép Hội Thánh đầu tiên "bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ". Cũng một thể ấy, Hội Thánh chúng ta phải liên tục ở trong "đạo thật" hay sự dạy lành mạnh đến với chúng ta qua các vị sứ đồ đã được Chúa gìn giữ, cảm thúc trong Tân Ước không sai sót. Một trưởng lão cần phải dạy dỗ "như mình đã được dạy dỗ". Người không phải nghĩ ra sự dạy mới, mà cứ liên tục trong những sự dạy theo lịch sử về đức tin vì Đức Chúa Trời không hề thay đổi.
D. Một trưởng lão dạy dỗ Ngôi Lời để khuyên bảo hay khích lệ.
Mặc dù sự nghiên cứu về Ngôi Lời của một trưởng lão sẽ có ích cho người theo cách riêng và khiến người trưởng thành trong đức tin, sự học hỏi của người cũng sẽ giúp đỡ lớn lao cho nhiều người khác khi người đứng dạy dỗ. Người sẽ có tài qua "đạo thật" mà "khuyên bảo" hay khích lệ nhiều người khác. Ở 3.4, chúng ta đọc thấy "nhưng từ khi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình thương yêu của Ngài đối với mọi người ta đã được bày ra, thì Ngài cứu chúng ta". Phần lớn trong Kinh Thánh là sự khích lệ! Đấy là những tin tức TỐT LÀNH! Chúng ta được cứu ra khỏi những đời sống vô nghĩa trong tội lỗi và trong sự thạnh nộ đời đời! Chúng ta sẽ kế tự những sự vinh hiển trong thiên đàng! Chúng ta có một Đức Chúa Trời là Đấng lắng nghe những lời cầu nguyện, chọn lọc những giọt nước mắt của chúng ta trong cái ve và làm thỏa mãn từng nhu cần của chúng ta! Chúng ta càng học hỏi và áp dụng "đạo thật" chúng ta càng được khích lệ! Là một giáo sư, một trường lão nghiên cứu Ngôi Lời cách tỉ mỉ để người có thể "khuyên bảo" nhiều người khác và cung ứng cho họ sự trông cậy trong một thế giới vô vọng.
E. Một trưởng lão dạy Ngôi Lời để bẻ bác hay chống trả.
Sự dạy dỗ của một trường lão không hẳn hết thảy đều là khích lệ; mà đó là thanh gươm có hai lưỡi; nó chứa một lời quở trách dành cho những ai cứ khăng khăng sống trong tội lỗi. Phaolô nói rằng "đạo thật" của ông sẽ "bác lại kẻ chống trả". Không phải hết thảy sự giảng dạy đều đáng nếm trải đâu. Hãy nhớ, một trưởng lão cho một Hội Thánh phải là cha của một gia đình. Một người cha tin kính có cả hai: khích lệ và kỷ luật con cái của mình. Ông khích lệ chúng khi chúng làm điều chi là phải. Ông là cấp lãnh đạo “number one”. Ông kỷ luật chúng khi chúng sống bất tuân. Động lực của ông trong cả hai: khích lệ và quở trách là y như nhau: tình yêu thương. Ông ao ước rằng con cái của ông sẽ lớn lên trở thành những người trưởng thành, tin kính.
Một trưởng lão có cùng trách nhiệm ấy trong Hội Thánh. Giống như một người cha trong gia đình, người phải "trình sổ" vì gia đình thuộc linh của ông (Hêbơrơ 13.17). Ông đem lại sự khích lệ và quở trách, khuyên bảo và bẻ bác. Ông tán thưởng sự tấn tới thuộc linh và quở trách sự bất tuân đối với Kinh Thánh. Mỗi đồng tiền đều có hai mặt. Bạn nhận lấy đồng tiền ấy nương theo vị trí của bạn trong đời sống thuộc linh. Chính sự dạy dỗ ấy có thể đem lại sự khích lệ cho ai đó và bẻ bác đối với nhiều người khác.
Một trưởng lão phải là người với sự khích lệ đương đầu với tội lỗi ở trước mặt, bẻ bác và quở trách đạo giả, không lành mạnh. Phần nhiều tà giáo phát triển trong thế gian ngày nay đã khởi sự vì những người nghiên cứu lẽ thật và bị lẽ thật thuyết phục đã không đứng vững cho lẽ thật. Trưởng lão là hạng người cột trụ! Bạn sẽ lấy làm lạ tại sao tôi đã dành ba ngày Chúa nhựt làm việc qua bốn câu Kinh Thánh nầy. Có thể bạn cảm thấy tôi đã nện nhừ tử vào mục tiêu. Tôi không đưa ra lời xin lỗi nào hết. Đây là sự dạy rất quan trọng. Đức Chúa Trời ban hiến cho chúng ta ơn cứu rỗi đời đời. Sự cứu rỗi đời đời chỉ đến với chúng ta khi chúng ta nghe sứ điệp chính xác của Tin Lành và đáp ứng trong đức tin.
Vì lẽ đó, sứ điệp là sản phẩm quí báu nhất ở trên đất. Đây là "tài khoản" trao cho Hội Thánh để canh giữ "trụ và nền của lẽ thật" (I Timôthê 3.15). Chúng ta phải trao sứ điệp, lẽ thật quí báu nầy qua cho thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên, trong từng thế hệ chúng ta có cơ phải chịu rủi ro sứ điệp quí báu của Tin Lành sẽ bị giảm thiểu đi đến chỗ nó sẽ trở nên vô nghĩa.
Vì lẽ thật rất quan trọng, nó đòi hỏi hạng người dạn dĩ, không chỗ trách được để canh giữ nó. Vì Hội Thánh là quan trọng đối với chương trình của Đức Chúa Trời, nó đòi hỏi hạng người thánh sạch, không chỗ trách được để lãnh đạo nó. Đấy là lý do tại sao Tít cần phải "lập trưởng lão trong mỗi thành". Các Hội Thánh trên đảo Crete sẽ phản ảnh chức năng lãnh đạo của họ. Hội Thánh Cornerstone sẽ phản ảnh chức năng lãnh đạo của nó. Có lẽ quyết định quan trọng nhất chúng ta đưa ra cho các thế hệ trong tương lai của hội chúng nầy là chất lượng của những người nào chấp nhận chiếc áo choàng của cấp lãnh đạo thuộc linh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét