Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 1.7: "Những đức tính cho cấp lãnh đạo thuộc linh - Phần 2"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH

Những đức tính cho cấp lãnh đạo thuộc linh - Phần 2
Tít 1.7
Khi chúng ta trở lại với phần nghiên cứu của chúng ta về sách Tít hôm nay, chúng ta bận bịu với bảng danh sách của vị Sứ đồ về những đức tính dành cho cấp lãnh đạo thuộc linh. Phaolô đã để con đức tin của ông là Tít lại trên quốc đảo Crete để chỉnh đốn các Hội Thánh còn non trẻ đã được thiết lập rồi ở đó. Ông dặn Tít phải "sắp đặt mọi việc chưa thu xếp" trong câu 5, nghĩa là "lập những trưởng lão trong mỗi thành".
Từ phần nghiên cứu của chúng ta, chúng ta biết rằng cấp trưởng lão là hạng người trưởng thành, họ nêu gương cho hội chúng. Kinh Thánh sử dụng những từ ngữ khác như giám mục, đấng tiên kiến và mục sư-giáo sư đề cập tới các trách nhiệm khác nhau của họ trong Hội Thánh. Cấp trưởng lão cần phải lãnh đạo, chăn dắt hay chăm sóc, dạy dỗ và cầu thay cho dân sự của Đức Chúa Trời. Mỗi Hội Thánh cần phải có nhiều người thể ấy. Công Vụ các Sứ đồ 14.23 chỉ ra phần ấn định cấp trưởng lão là một thành phần cần thiết trong các Hội Thánh lành mạnh: "Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến".
Khi Tít làm việc với mỗi Hội Thánh trên đảo Crete, ông cần phải tìm kiếm những người thích ứng với các đức tính. Ông không phải tìm kiếm cấp lãnh đạo bẩm sinh, sáng chói nhất, hạng thương gia thành công hay loại chuyên gia đáng kính trọng. Thay vì thế, ông phải tìm kiếm những con người với phẩm chất và ân tứ thuộc linh. Tuần qua, chúng ta đã xem xét ba trong mười sáu đức tính dành cho cấp trưởng lão. Bạn sẽ tìm gặp một danh sách tương tự trong I Timôthê 3.1-7.
Trước tiên, có một đức tính rất bao quát. Một trưởng lão cần phải là một người "không chỗ trách được" hay hoàn hảo. Chúng ta đã học biết rằng tình trạng không chỗ trách được có nghĩa là "không thể chê trách, không thể cáo giác". Một người "không chỗ trách được" sống với tính ngay thẳng không chê vào đâu được hết, phẩm chất hay cách xử sự của người cũng không bị thắc mắc. Nếu bạn ném bùn vào người ấy, người sẽ chịu đựng. Tình trạng không chỗ trách được rất quan trọng nơi cấp lãnh đạo Hội Thánh vì họ nêu gương thánh khiết cho phần còn lại của hội chúng và tiêu biểu cho Đấng Christ và Hội Thánh ở trước mặt cả thế gian đang quan sát. Tôi nói tình trạng không chỗ trách được là một đức tính bao quát vì mười lăm đức tính kia tỏ ra thể nào một trưởng lão cần phải "không chỗ trách được" trong các lãnh vực khác trong cuộc sống của người.
Thứ hai, chúng ta đã xem xét những đức tính trong gia đình của một vị trưởng lão. Ông phải là người trung thực trong hôn nhân và thanh sạch về mặt tình dục. Phaolô nói người ấy phải là "chồng của một vợ", hay là người "đàn ông của một người đàn bà". Điều nầy đề cập tới không những đến tình trạng hôn nhân của người đó, mà còn đề cập tới phẩm chất của mối hôn nhân ấy nữa. Người cần phải trung thành với vợ mình, với thân thể mình, với ánh mắt và lý trí mình. Người không được dính dáng đến bất kỳ một hình thức tà dâm nào, những tư tưởng sai trái, cách xử sự khiêu dâm, lăng nhăng hay chung chạ bừa bãi. Con cái của một vị trưởng lão cần phải "trung thành", nghĩa là họ cần phải trở thành hạng tín đồ biết phó thác, họ không bị "cáo là buông tuồng [một lối sống hoang đàng, tiệc tùng liên miên] hay ngỗ nghịch [loạn nghịch công khai]. Nếu một người không thể trung tín trong việc lãnh đạo gia đình, người ấy sẽ không có khả năng lãnh đạo Hội Thánh. I Timôthê 3.5 chép: "vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?"
Trong câu gốc ngày hôm nay ở câu 7, Phaolô nhắc lại đức tính bao quát tích cực “không thể trách được” và rồi cung ứng cho chúng ta 5 thuộc tính tiêu cực trong phẩm chất của một trưởng lão. Chúng ta đặt cho sứ điệp nầy là NHỮNG ĐIỀU MỘT TRƯỞNG LÃO KHÔNG SỐNG THEO.
I. Một vị trưởng lão phải chứng tỏ chức năng quản lý không chỗ trách được.
Phaolô bắt đầu câu 7 bằng cách nói: "Vì người giám mục làm kẻ quản lý nhà Đức Chúa Trời thì phải cho không chỗ trách được". Hãy chờ một phút. Chúng ta đang nói tới vai trò của cấp trưởng lão. Giờ đây Phaolô nhắc tới một người "giám mục". Phải chăng ông đã thay đổi đề tài? Có phải ông đang nói tới ai khác chăng? Không. Trong các phần nghiên cứu trước đây của chúng ta, chúng ta đã học biết rằng có vài từ ngữ có thể hoán đổi cho nhau liên quan đến những chức ăng khác nhau của cùng một chức vụ. "Trưởng lão" đề cập tới hạng người trưởng thành, họ nêu gương cho Hội Thánh. "Mục sư" hay "người chăn bầy" đề cập tới sự quan tâm đầy lòng yêu thương đối với hội chúng, lo nuôi họ bằng Ngôi Lời, cầu thay cho sự sống lành mạnh và phục vụ cho các nhu cần của họ. "Giám mục" ra từ chữ episkopos và sát nghĩa có ý nói "một người giám sát trên nhiều người khác hay đấng tiên kiến". Vai trò của đấng tiên kiến hay "giám mục" chỉ là một mặt trách niệm của trưởng lão.
Một vị trưởng lão giám sát Hội Thánh như một người lính canh. Người đứng quan sát để giữ vững đạo thật và sự thanh sạch về mặt thuộc linh. Hêbơrơ 13.7 chép: "Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ". Câu 17 chép: "Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi”, mưu luận nầy nói tới cấp trưởng lão ở I Phierơ 5.2: "hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm". I Phierơ 2.25 đề cập tới Chúa Jêsus là: "Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn mình". Vì lẽ đó, khi Đấng Christ là "Đấng Chăn Chiên trưởng" và "Giám mục", cấp trưởng lão phục vụ trong vai trò chăn bầy, đứng canh bầy của Đức Chúa Trời.
Phaolô nói rằng một trưởng lão phục vụ trong vai trò của mình là một đấng tiên kiến hay “giám mục” thì phải "không chỗ trách được". Đây là lần thứ hai trong hai câu Phaolô đề cập tới tình trạng không chỗ trách được. Như tôi đã nhắc tới trong phần giới thiệu, đức tính "không chỗ trách được" là một đức tính bao quát. Mười lăm đức tính kia mở rộng chi tiết về quan niệm không chỗ trách được. Bất cứ khi nào bạn nhìn thấy một từ ngữ được lặp đi lặp lại trong một tư thế như vậy, hãy gạch dưới từ ngữ đó, hãy để ý đến nó, vì sự lặp đi lặp lại trong Kinh Thánh chỉ ra sự quan trọng lớn lao lắm.
Phaolô cũng nói cho chúng ta biết lý do tại sao một đấng tiên kiến phải "không chỗ trách được". Ông ấy là "quản gia của Đức Chúa Trời" hay như bản Kinh Thánh NIV nói, người ấy được "giao thác cho công việc của Đức Chúa Trời". Từ ngữ "quản gia" ra từ chữ oikonomos. Oikos là một chữ Hy lạp cơ bản có nghĩa là "nhà". Nomos đề cập tới luật lệ hay sự sắp đặt. Vì thế từ ngữ kép có nghĩa là "một quản gia của ngôi nhà". Một vị trưởng lão lo quản lý nhà của Đức Chúa Trời.
Trong những thời xưa, một người giàu phải có một nô lệ được tin cậy cao độ phục vụ trong vai trò "quản gia" nhà của ông. Viên "quản gia" đã quản lý tài sản của chủ mình. Các trách nhiệm của ông bao gồm việc làm thỏa mãn các nhu cần trong gia đình, dạy dỗ con cái, giám sát tài chính, mùa màng và các tôi tớ khác. Cùng với các trách nhiệm đó, ông có thẩm quyền rất lớn.
Giôsép là một tấm gương về một viên quản gia thể ấy. Ông là giám sát viên cho Phôtipha, một chức vụ chính trong triều đình của Pharaôn Ai cập. Sáng thế ký 39.6 chép: "Người [Phôtipha] giao hết của cải mình cho Giô-sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa, trừ ra các phần vật thực của mình ăn mà thôi".
Một vị trưởng lão là một "quản gia" của Đức Chúa Trời. Phaolô đã viết ở I Timôthê 3.15: "phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thể nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy". Giống như Giôsép là viên "quản gia" trong nhà của Phôtipha, cấp trưởng lão là quản gia "trong nhà của Đức Chúa Trời". Họ có trách nhiệm và thẩm quyền rất lớn phải giám sát, dạy dỗ và chăm sóc dân sự của Đức Chúa Trời.
Hội Thánh thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng Ngài ban sự giám sát cho cấp trưởng lão tin kính. Đây là lý do tại sao đời sống gia đình của một trưởng lão lại quan trọng như thế. I Timôthê 3.5 chép: "vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?" Nếu người không phải là một viên quản gia tốt trên gia đình mình, làm sao người có khả năng trong việc quản lý hiệu quả gia đình của Đức Chúa Trời cho được?
Hội Thánh rất quí báu đối với Đức Chúa Trời. Không một điều gì ở trên đất quan trọng hơn đối với Ngài. Công Vụ các Sứ đồ 20.28 nhắc cho các trưởng lão nhớ rằng chính "Đức Thánh Linh" là Đấng "đã lập anh em làm kẻ coi sóc"; vì thế chúng ta cần phải "chăn Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết của Ngài". Phaolô nói ở I Côrinhtô 4.1: "Vậy, ai nấy hãy coi chúng tôi như đầy tớ của Đấng Christ, và kẻ quản trị những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời". Câu 2 chép: "Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành". Vì thế, cấp trưởng lão phải là hạng người quản trị không chỗ trách được. Họ có danh tiếng không tì vít và họ hiểu rõ trách nhiệm của mình ở trước mặt Đức Chúa Trời.
II. Một trưởng lão không nên kiêu ngạo.
Giờ đây, chúng ta bắt đầu với thuộc tính đầu tiên trong năm thuộc tính tiêu cực của cấp lãnh đạo Hội Thánh. Thuộc tính thứ nhứt, ấy là một trưởng lão chẳng nên “kiêu ngạo” hoặc xem mình là trung tâm. Từ ngữ sát nghĩa có ý nói "làm đẹp lòng mình". Một người thể ấy rất ngoan cố, kiêu căng, độc đoán và khinh suất đối với những điều người khác suy nghĩ, có cần hay mong muốn. Người ấy ương ngạnh, quyết đoán và sẽ dọa dẫm người khác.
Tất nhiên, sống "tự ý" hoặc xem mình là trung tâm là một triệu chứng của kiêu ngạo tội lỗi, ích kỷ. Một người sống "tự ý" không có chỗ trong vị trí lãnh đạo thuộc linh của Hội Thánh vì mối quan tâm của người không dành cho Đấng Christ hay dân sự của Đấng Christ, mà chỉ quan tâm đến bản thân mình. Trong lý trí của người, Hội Thánh xoay quanh người chớ không xoay quanh Chúa. Người độc đoán chỉ muốn chỉ tay mình vào mọi sự. Người lấy làm thích thú trong việc buộc người khác phải chạy theo ý của mình.
Sứ đồ Giăng đã viết về một người thể ấy, là kẻ dấy lên cấp lãnh đạo trong một Hội Thánh địa phương. Ở III Giăng 9, ông nói tới "Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội thánh". Một kẻ mị dân tự phong như thế vi phạm từng phương diện của chức vụ trưởng lão theo Kinh Thánh. Billy Graham đã nói rất rõ điều nầy: "Gói đồ nhỏ nhất tôi từng nhìn thấy là một người lo bọc lấy đủ cho bản thân mình".
Philíp 2.5-8 chép: "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự". Tất cả những tín đồ, đặc biệt cấp lãnh đạo Hội Thánh cần phải sống giống như Chúa Jêsus. Không một ai dám nghĩ Chúa Jêsus là "tự ý" hay lấy mình làm trung tâm.
Trong chức vụ của Chúa Jêsus, các môn đồ thường xuyên tranh luận về ai là lớn nhất trong vòng họ. Giacơ và Giăng thường nhờ mẹ họ hỏi Chúa Jêsus không biết Ngài có cho phép họ ngồi bên cạnh ngôi của Ngài trong Nước Trời hay không (Mathiơ 20.20-24). Chúa Jêsus đáp: "Các ngươi biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy; trái lại, trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người".
Mới đây, tôi có đọc một câu chuyện nói về cuộc đua xe đạp bên Ấn độ. Đối tượng của cuộc đua là phải chạy một khoảng cách ngắn nhất khả thi trong một khoảng thời gian đặc biệt. Lúc khởi đầu cuộc đua, ai nấy sắp hàng từ vạch xuất phát, và khi tiếng súng nổ lên, tất cả các cua-rơ, lấy hết sức mình mà chạy chậm nhất. Những tay đua sẽ phạm quy nếu họ chạm chân xuống đất. Và vì thế, họ sẽ hướng tới trước từng cm một chỉ vừa đủ giữ cho chiếc xe ở trạng thái thăng bằng. Khi hết giờ và tiếng súng khác vang lên, người nào chạy ở mức xa nhất là người thua cuộc và người gần nhất với vạch xuất phát là người thắng cuộc.
Hãy tưởng tượng việc bước vào cuộc đua đó mà không rõ luật lệ xem. Khi có lịnh xuất phát rồi, bạn sẽ đạp như điên để tách rời ra khỏi nhóm. Bạn sẽ nhìn lại với thái độ vui sướng lắm, đồng thời nhìn biết mình sẽ bức phá khỏi đoàn đua. Có lẽ bạn sẽ nghĩ mình siêu đẳng lắm so với những tay đua khác. Bạn sẽ nghĩ, và cứ nghĩ mình đang lập một kỹ lục mới. Chỉ khi nào cuộc đua hoàn tất bạn mới nhận ra rằng mình hiểu sai cách thức phải chạy cuộc đua như thế nào!?!
Cũng vậy, nhiều tín đồ đã hiểu sai cuộc đua trong cuộc sống. Khi cuộc đua kết thúc ở trước ngai của Đức Chúa Trời, nhiều người sẽ bật ngửa khi biết được họ đã có chiến lược không đúng. Phương thức chạy không phải là tự đặt mình ở phía trước, chạy nhanh hơn nhiều người khác rồi bỏ họ lại trong bụi đường đâu! Thay vì thế, phương thức thắng cuộc chạy trong đời sống là để cho nhiều người khác chạy trước, chẳng có trông mong gì khác hơn thế. Giống như Chúa Jêsus, chúng ta phải học biết phục vụ, chớ không phải để người khác phục vụ mình.
III. Một trưởng lão không nên nổi giận cách dễ dàng.
Kế đó, Phaolô nói một trưởng lão không phải là người mau "giận dữ" ý nói không có khuynh hướng về sự giận dữ. Một trưởng lão không nên có "cái đầu nóng nảy" hoặc dễ cáu tiết. Trưởng lão không phải là loại người được đánh dấu bằng những đợt thù nghịch dễ bùng nổ.
Châm ngôn 15.18 chép: "Người hay giận gây điều đánh lộn; Nhưng người chậm nóng giận làm nguôi cơn tranh cãi". Châm ngôn 29.22 chép: "Người hay giận gây ra điều tranh cạnh; Và kẻ căm gan phạm tội nhiều thay". Giacơ 1.19 chép: "Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận". Câu 20 giải thích: "vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời". Thật là thích ứng khi II Timôthê 2.24 chép: "Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh…". I Timôthê 3.3 chép trưởng lão: "…đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hòa nhã".
Giận là một cảm xúc rất phổ thông đối với hết thảy chúng ta. Nó có thể lành mạnh và có ích. Trong các hoàn cảnh thích ứng, nó có thể giúp chúng ta trút bỏ mọi thất bại và tiếp tục với cuộc sống. Chúng ta sẽ nổi giận về những việc khiến cho Đức Chúa Trời phải nổi giận. Tuy nhiên, một cơn thịnh nộ bùng lên chống lại một tín hữu khác là tội lỗi. Một sự tức giận sôi sụt từ từ, mang theo một sự bực tức hay từ chối không tha thứ một điều sai lầm là tội lỗi. Đây là lý do tại sao Phaolô nói với chúng ta ở Êphêsô 4.26: "Ví bằng anh em đang cơn giận, thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn". Bất cứ một tín đồ nào và bất kỳ một lãnh đạo Hội Thánh nào đều có sự giận. Thắc mắc, ấy là chúng ta phải vận dụng cơn giận của chúng ta như thế nào đấy thôi!
Cho phép tôi cung ứng một trường hợp từ kinh nghiệm riêng. Khi tôi còn là Mục sư trẻ mới ra trường, tôi dấn thân sâu vào chức vụ cho thanh thiếu niên trong một Hội Thánh thuộc khu vực Dallas. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng tôi nhiều ơn phước lớn. Nhiều thiếu niên được cứu và tấn tới trong vai trò môn đồ. Tôi đã dạy một lớp Kinh Thánh cho thanh niên trước buổi thờ phượng tối. Chúng tôi đã có một buổi học thật tuyệt vời và các thanh thiếu niên đã đưa ra nhiều thắc mắc, vì vậy chúng tôi phải chạy quá thì giờ ấn định chừng vài phút. Một trong những bà mẹ theo sau tôi vào phòng giải lao của Hội Thánh sau buổi thờ phượng. Có nhiều người đứng quanh trao đổi. Với giọng nói lớn tiếng, bà ta tấn công tôi vì đã làm cho con trai bà đến thờ phượng trễ nãi. Quí vị ơi, hôm đó là tối Chúa nhựt. Tôi đã có một ngày thật dài. Tôi lấy làm mệt mõi. Tôi là trẻ mà. Tôi đã câm nín đi.
Xác thịt nổi lên và mặc dù tôi phải xấu hổ mà nói ra câu chuyện đó, tôi đã trả lại cho bà ấy những gì bà đã đổ trên tôi. Sự phẫn nộ công bình của tôi nổi phừng lên, bà ta dám thắc mắc với tôi khi mục tiêu của tôi là hướng dẫn con cái của bà ta bước vào mối quan hệ sâu hơn với Đấng Christ!?! Khi tôi trở về nhà, tôi gọi điện xin lỗi, nhưng bà ta tỏ ra khó chịu. Bà ấy từ chối không trao đổi với tôi, khiến cho chồng bà ấy hiện là chấp sự nghịch lại tôi và không bao giờ cho tôi cơ hội để sửa lại mọi việc. Bà ta đưa cả gia đình và bất cứ ai quen biết ra khỏi Hội Thánh của chúng tôi. Tại sao chứ? Tôi không thể kềm hãm được cơn giận của mình. Tôi chỉ có xin lỗi thôi. Bà ấy trông rất dại dột là do bà ấy, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, tôi đã đóng vai kẻ dại với bà ấy.
Tôi nhất trí với những gì Alexander Strauch đã viết: "Một trong những thuộc tính đẹp đẽ của Đức Chúa Trời, ấy là Ngài rất chậm giận. Vì vậy, các quản gia của Ngài phải biết chậm giận. Khi một trưởng lão phải lo xử lý với con người và những nan đề, một cái ‘đầu nóng nảy’ sẽ tìm thấy nhiên liệu để kích thích cơn giận của mình. Với lời lẽ giận dữ, không hay, một người mau giận sẽ hủy phá sự bình an và hiệp một mà Chúa đang ao ước cho dân sự của Ngài".
IV. Một trưởng lão phải không được ghiền rượu.
Kế đó, Phaolô nói cho Tít biết phải lập những trưởng lão gồm những người nào không "ghiền rượu". Chúng ta thấy cụm từ nầy ở I Timôthê 3.3. Từ ngữ Hy lạp là paraoinos. Para có ý nói "bên cạnh". Oinos là từ phổ thông nói đến "rượu". Kết lại với nhau, chúng có ý nói: "liên tục ở một bên hay trong sự hiện diện của rượu". Bản dịch Kinh Thánh NAS bắt lấy ý nghĩa đó bằng cách dịch như sau: "ghiền rượu". Cũng sự việc đó đã được nói tới hàng chấp sự ở I Timôthê 3.8 và về "các bà già" ở Tít 2.3.
Tất nhiên, ngày hôm nay, chúng ta sống trong một nền văn hóa khác biệt hoàn toàn với xã hội của Tít, Timôthê và Phaolô. Trong thời buổi và địa điểm đó, người ta uống rượu nhiều như chúng ta uống trà đá hôm nay vậy. Ngày nay uống rượu có nghĩa rộng về văn hóa rất sâu xa. MacArthur nói: "Rượu được uống rất thường xuyên trong thời của Phaolô, cũng như trong các thời kỳ Cựu Ước, một là không có cồn hay có chút ít cồn. Trái cây lên men được pha trộn với nước (8 đến 10 phần nước với 1 phần rượu) để làm giảm đi lực làm say của nó, đặc biệt khi thời tiết đang nóng và nhiều lưu chất bị tiêu hủy. Vì nước thường xuyên bị hỏng đi, như hiện có ngày nay trong các quốc gia thuộc thế giới thứ ba, Nồng độ cồn nhẹ trong rượu đã hành động như một chất tẩy uế và đã có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe".
Phaolô không nói rằng một trưởng lão không thể uống bất kỳ rượu nào nhưng người không được "gần gũi" hay ghiền rượu. Nói cách khác, các trưởng lão trong Tân Ước có thể uống rượu theo tục lệ và những dịp cần thiết trong văn hóa của họ, nhưng họ không hề được say sưa với hay nghiện ngập thứ có cồn.
Êphêsô 5.18 chép: "Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh". Châm ngôn 20.1 chép: "Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào; Phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan". Châm ngôn 23.31- 32 chép: "Chớ xem ngó rượu khi nó đỏ hồng, lúc nó chiếu sao trong ly, và tuôn chảy dễ dàng; Rốt lại, nó cắn như rắn, chít như rắn lục".
Người Naxirê hứa nguyện không bao giờ đụng đến rượu. Dòng thầy tế lễ phục sự trong đền tạm và đền thờ không uống rượu (Dân số ký 6.3; Lêvi ký 10.9). Tại sao chứ? Rượu kinh nghiệm làm sút kém lý trí, mà còn bắt phục tấm lòng nữa. Ôsê 4.11 chép: "Sự dâm dục, rượu cũ và rượu mới cất lấy hết trí khôn chúng nó". Châm ngôn 31.4-5 chép: "…chẳng xứng hiệp cho các vua, chẳng xứng hiệp cho các vua uống rượu, hay là cho các quan trưởng nói rằng: Vật uống say ở đâu? E chúng uống, quên luật pháp, và làm hư sự xét đoán của người khốn khổ chăng". Êsai 5.11 chép: "Khốn thay cho kẻ dậy sớm đặng tìm kiếm rượu, chầy đến ban đêm, phát nóng vì rượu!" Châm ngôn 23.29-30 chỉ ra tình trạng hư không của những kẻ nán trễ bên rượu: "Ai bị sự hoạn nạn? Ai phải buồn thảm? Ai có sự tranh cạnh? Ai than xiết? Ai bị thương tích vô cớ? Ai có con mắt đỏ? Tất những kẻ nán trễ bên rượu, đi nếm thứ rượu pha".
Ok, bạn thắc mắc, còn I Timôthê 5.23 thì sao? Trong cùng sách ấy, ở đó Phaolô căn dặn Timôthê rằng cấp trưởng lão không được "ghiền rượu", ông nói: "Đừng chỉ uống nước luôn; nhưng phải uống một ít rượu, vì cớ tì vị con, và con hay khó ở". Nhiều người đã sử dụng câu nói nầy để chống đỡ cho việc uống rượu hay bia lạnh vào lúc cuối ngày. Có phải câu nầy dạy rằng đồng ý cho các tín đồ uống "một ít rượu" hay thức uống có cồn khác miễn là họ không say xỉn chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Từ văn mạch, dường như là Timôthê tuyệt đối không được dùng rượu chi hết. Dường như ông đã hứa "chỉ uống nước mà thôi" thậm chí khi uống như vậy sẽ khiến cho ông phải bịnh. Ông rất quan tâm đến những đức tính của mình trong vai trò giám mục của Hội Thánh, ông sẽ nhuốm bịnh trước khi đụng đến rượu. Phaolô căn dặn ông phải dùng "một ít rượu" vì những mục tiêu y học "vì cớ tì vị con, và con hay khó ở". Rõ ràng là ông không tạo ra một ngoại lệ cho việc uống rượu trong thời hiện đại.
Ngược lại, Phaolô luận rằng chúng ta nên từ bỏ sự tự do Cơ đốc của mình nếu chúng ta khiến cho ai đó phải vấp ngã. Ông nói ở Rôma 14.21: "Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình".
Mặc dù Kinh Thánh tuyệt đối không cấm đoán tín đồ uống rượu, Kinh Thánh tuyệt đối cấm tình trạng say sưa. Mặc dù Kinh Thánh không cấm đoán sử dụng mọi thức uống có cồn, tôi không biết bất cứ lý do nào bất cứ Cơ đốc nhân nào đã cam kết, ít nhiều gì một cấp lãnh đạo Hội Thánh sẽ muốn uống rượu.
Sẽ ra sao nếu tôi có một tuần lễ căng thẳng và một ngày mệt nhọc và tôi nghĩ một lon bia lạnh sẽ làm cho tôi thấy khỏe hơn!?! Sẽ ra sao nếu bạn gọi tôi lúc 9 giờ tối báo cho tôi biết có vấn đề trong đời sống của bạn và tôi trả lời điện thoại với một giọng lè nhè? Sẽ ra sao nếu bạn cần tôi tại bịnh viện và tôi xuất hiện với mùi bia trong hơi thở và cảm giác sần sần? Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu con cái của bạn đến tại nhà tôi, đến với tủ lạnh rồi khám phá nửa kết bia trong đó? Một số trong các bạn sẽ sẵn sàng mời một vị Mục sư mới … và đúng thế thôi!
Giờ đây, cho phép tôi hỏi câu nầy: Tại sao các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời dành cho tôi lại có điều chi đó cao hơn tiêu chuẩn dành cho bạn chứ? Chúng ta cả hai đều đứng trước "ngai phán xét của Đấng Christ" (Rôma 14.10; II Côrinhtô 5.10). Chúng ta cả thảy đều phải trình sổ đấy thôi! Nếu là bất xứng cho vị Mục sư chuyên giảng dạy uống rượu, thì cũng bất xứng cho cấp trưởng lão và chấp sự uống rượu. Nếu là bất xứng cho cấp trưởng lão, thì cũng bất xứng cho hội chúng.
Cho phép tôi nói cho bạn biết các lý do thật tại sao tôi không đụng đến một giọt rượu nào trong nhiều năm trời. Tên của chúng là Ashlea và Hannah. Nếu chúng nhìn thấy bố chúng uống rượu, chúng sẽ nghĩ uống rượu là không sao. Ai biết được? Chúng sẽ sống với cuộc sống thảm hại của rượu chè. Chúng sẽ uống quá đà và sẽ chết trong tai nạn xe cộ. Lỗi của ai đây? Của tôi. Không nếm mùi bia là tốt đấy. Không có whiskey là yên lành đó. Không có thứ rượu nào có thể cám dỗ tôi để phá hoại đời sống của các con tôi.
Tuy nhiên, có nhiều thanh thiếu niên tại Amarillo High uống rượu. Có nhiều thiếu niên ở Tascosa, Caprock, Palo Duro, Randall và các trường học khác uống rượu. Chúng ta thậm chí không nói đến các bộ phận sinh viên của Trường Amarillo hay Tây Texas A&M. Làm sao các thanh thiếu niên nầy uống rượu vào tối thứ Bảy rồi có mặt ở nhà thờ vào sáng Chúa nhựt cho được? Tôi sẽ nói cho bạn biết cớ sự, chúng đã nhìn thấy bố mẹ chúng làm y như vậy. Nếu bạn uống rượu và giữ rượu trong nhà của mình, bạn sẽ rót rượu ấy ra trước mặt con cái mình, rồi chúng cũng sẽ làm theo y như thế.
Ai cần đến rượu khi chúng ta có thể được đầy dẫy với Đức Thánh Linh? Nào, quí vị ơi, hãy đến đây! Hãy tấn tới đi! Hãy gạt bỏ đi sự loạn nghịch thời thanh niên của bạn và hãy suy nghĩ đến con cháu của bạn. Tại sao cứ mãi mê với cảm giác sần sần nhất thời đó khi lẽ ra bạn có thể có sự thỏa lòng đời đời? Cấp lãnh đạo thuộc linh không phải là hạng say xỉn.
V. Một trưởng lão không được hung tàn.
Kế đó, loại người xứng đáng với chức vụ trưởng lão không được "hung tàn". "Hung tàn" ở đây ra từ một chữ Hy lạp có ý nói tới việc đánh đập. Một người hay tranh cãi, mau nóng giận là người dễ cảm vào việc lo liệu những nan đề với hai bàn tay nắm chặt lại không thể là cấp lãnh đạo thuộc linh. Chúa Jêsus là tấm gương của chúng ta, chớ không phải John Wayne. II Timôthê 2.24-25 chép: "Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật".
Nhiều người có khuynh hướng đánh trả lại thường tìm thấy các nạn nhân nơi vợ con của họ hay bất cứ ai làm buồn lòng họ. Thậm chí nếu người ấy không đánh trả họ với hai bàn tay nắm chặt của mình, người ấy sẽ gây ra những vít thương sâu hơn với lời lẽ của người. Hung tàn bằng lời nói là thứ thay thế chẳng ngọt ngào gì hơn hung tàn bằng sức mạnh. Một người chăn đang dẫn dắt bầy chiên, ông ta chẳng đánh đập chúng. Nếu một người "hung tàn" thấy có sự chống đối trong chức năng lãnh đạo, ông ta sẽ đánh trả bất cứ cách nào ông ta có thể. Một trưởng lão phải là người dẫn dắt tử tế dân sự qua những khó khăn và nghịch cảnh. Rôma 12.18 chép: "Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người".
VI. Một trưởng lão phải không được tham lợi.
Sau cùng, câu 7 nói rằng một người đủ tư cách để trở thành trưởng lão thì "không được tham lợi". Bảng Kinh Thánh KJV thì dịch sát nghĩa hơn ở đây: "lợi dơ bẩn". Bảng Kinh Thánh NAS chép: "hám lợi". Ý ở đây nói tới nguồn lợi đáng xấu hổ hay tham lam đáng hổ thẹn. Một trưởng lão không phải là loại người sẽ làm hay nói bất cứ điều chi vì một giá nào đó. Thay vì thế, người phải ăn ở "không chỗ trách được", một người ngay thẳng.
Rõ ràng, tham lam là một nan đề ở tại đảo Crete. Thi sĩ La mã là Livy đã nói: "Người đảo Crete là chim phượng hoàng vì sự béo bổ giống như loài ong sống vì mật vậy". Hiển nhiên đã có một số người trong các Hội Thánh ở đảo Crete, họ đã xem địa vị trưởng lão là một phương tiện để kiếm sống dễ dàng. Câu 11 nói tới những người nào đang "dạy điều không nên dạy, và phá đổ cả nhà người ta".
Tôn giáo luôn luôn là một cuộc kinh doanh lớn. Từ cấp lãnh đạo Do thái, họ khiến đền thờ trở thành chợ buôn bán để Giuđa bán Chúa Jêsus lấy một giá của tên nô lệ tầm thường cho đến nhiều trường hợp trải dài khắp sách Công Vụ các Sứ đồ, ở đó người ta sử dụng chức vụ như một phương tiện để kiếm tiền. Ở I Timôthê 6.5, Phaolô nói tới những kẻ: "…coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy". Vẫn còn có nhiều người nghĩ như thế ngày nay. Tôi có sai không? Hãy mở con đường tôn giáo ra và đích thân mình phải xem xét lấy.
Bất kỳ Cơ đốc nhân nào, kể cả quí Mục sư đều có quyền làm cho cuộc sống ra tốt đẹp cho bản thân và gia đình họ. Ở Luca 10.7, Chúa Jêsus phán: "…vì người làm công đáng được tiền lương mình". Ở I Côrinhtô 9.11, Phaolô hỏi: "Nếu chúng tôi đã gieo của thiêng liêng cho anh em, mà muốn thâu lại của vật chất của anh em, thì nào có phải một việc quá lẽ đâu?" Sau đó, ở câu 14, ông kết luận: "Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành". I Timôthê 5.17 chép: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Từ ngữ nói tới "kính trọng" là time, đề cập tới sự đền bù.
Một số trưởng lão được trả công đầy đủ cho chức năng phục vụ của họ. Một số được trả lương từng phần. Một số lo liệu cuộc sống của họ bằng những phương thức khác, nhưng tình cảm của họ dâng vào sự hầu việc Chúa. Bất luận cấp lãnh đạo Hội Thánh kiếm sống như thế nào, họ không được "tham lợi" hay họ sẽ bán rẻ chức vụ.
Sự kêu gọi vào chức năng lãnh đạo thuộc linh là ơn kêu gọi cao cả nhất trong mọi ơn kêu gọi. Cấp trưởng lão bởi tấm gương của họ làm dấy lên hay giảm đi sự thánh khiết trong Hội Thánh. Khi cấp lãnh đạo bước tới, thì Hội Thánh bước tới. Nguyện Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta biết dấy lên những người sẽ biết đặt ra tiêu chuẩn cao và lãnh đạo chúng ta hết thảy trong sự khoái lạc của Đức Chúa Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét