Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 1.5-6: "Những đức tính cho cấp lãnh đạo thuộc linh - Phần 1"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH

Những đức tính cho cấp lãnh đạo thuộc linh - Phần 1
Tít 1.5-6
Khi chúng ta trở lại với phần nghiên cứu sách Tít, chúng ta nhớ rằng Sứ đồ Phaolô đã dành một khoảng thời gian trên Đảo Crete thuộc vùng Biển Địa Trung Hải. Chúng ta biết rằng cư dân của đảo Crete đã có mặt trong lúc Đức Thánh Linh giáng lâm vào ngày lễ Ngũ Tuần (Công Vụ các Sứ đồ 2.11). Lúc bức thư nầy được viết ra đã có một số hội chúng được thiết lập trên khắp cả quốc đảo ấy.
Phaolô, từng là giáo sĩ, cần phải đến những địa điểm khác để rao giảng Tin Lành. Ông đã nói ở Rôma 15.20: "Nhưng tôi lấy làm vinh mà rao Tin Lành ở nơi nào danh Đấng Christ chưa được truyền ra, để cho khỏi lập lên trên nền người khác". Vì thế, ông để "con" trong "đức tin chung" là Tít ở lại để lo củng cố và làm cho các Hội Thánh còn non nớt trên đảo Crete được vững mạnh. Ông nói ở câu 5: "Ta đã để con ở lại Cơ-rết". Ông cần phải "sắp đặt mọi việc chưa thu xếp", nghĩa là, sắp đặt chức năng lãnh đạo thuộc linh. Cụm từ "sắp đặt" ra từ chữ Hy lạp orthos từ đó chúng ta mới có chữ orthodontics (chỉnh răng) và orthopedics (chỉnh hình). Từ ngữ nầy được sử dụng để mô tả tình trạng của hàm răng không được thẳng, sắp lại mấy cái xương bị gãy và làm cho chỗ bị cong được thẳng ra.
Vì lẽ đó Tít cần phải "lập mỗi trưởng lão trong mỗi thành", giống như Phaolô đã "răn bảo" ông trước đó. Tít chưa trở thành một nhà lãnh đạo chính thức. Đây là phần việc không lâu dài nhưng là một sứ mệnh ngắn hạn, có chiến lược. Thực vậy, ở 3.12 Phaolô nói: "Đến chừng ta sẽ sai A-te-ma hoặc Ti-chi-cơ đến cùng con, thì hãy vội vã sang thành Ni-cô-bô-li nhập với ta; vì ta định qua mùa đông tại đó". Nói cách khác: "Tít, phải khôn khéo. Hãy dạy dỗ và lập những người có tư cách làm trưởng lão trong các Hội Thánh và kế đó trở lại với ta tại thành Nicopolis. Ta sẽ sai người khác đến lo chỗ của con".
Tít cần phải lo "lập các trưởng lão". Vậy thì "trưởng lão" là gì? Trong phần nghiên cứu vừa qua của chúng ta, tôi đã dành trọn sứ điệp để xác định địa vị nầy. Cho phép tôi nhắc lại cách vắn tắt cho bạn nhớ về những gì chúng ta đã cùng nhau tiếp thu: *Thứ nhứt, từ ngữ "trưởng lão" chuyển đến cho chúng ta từ Cựu Ước. Môise đã lập các trưởng lão để phụ giúp ông xét đoán quốc gia Israel. Họ được giao cho quyền lãnh đạo các thành phố, các khu vực và chắc chắn trong các nhà hội địa phương nữa. Từ ngữ đề cập tới một người trưởng thành biết nêu gương cho nhiều người khác. *Thứ hai, chúng ta học biết rằng có vài từ ngữ trong Tân Ước đồng nghĩa với "trưởng lão". Giám mục, đấng tiên kiến, Mục sư, người chăn bầy hết thảy đều đề cập các chức năng khác nhau trong cùng một chức vụ. *Thứ ba, chúng ta xem xét bốn bổn phận cơ bản: "Trưởng lão" cần phải LÃNH ĐẠO Hội Thánh, DẠY DỖ Hội Thánh. *Sau cùng, chúng ta lưu ý rằng trong Tân Ước gần như luôn luôn có nhiều "trưởng lão". Công Vụ các Sứ đồ 14.23 chép: "Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão (số nhiều) trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến". Dường như trong các Hội Thánh đó chưa có hình thức đầy đủ cho tới khi có nhiều vị "trưởng lão".
John Benton viết: "Trong Tân Ước, bạn không hề thấy chỗ nào nói tới việc lập một vị ‘Mục sư’. Công việc của cấp lãnh đạo Cơ đốc phải là một việc được phân chia. Hội Thánh cần phải được lãnh đạo, không phải bởi một người, mà bởi một nhóm người chia sẻ quyền lãnh đạo. Làm như thế nầy có nhiều ích lợi. Không một ai là toàn tri; người ấy cần nhiều người khác kèm theo mình với những ân tứ khác. Khi một người mệt mõi và kiệt sức, có nhiều vị lãnh đạo khác tiếp tục cưu mang gánh nặng. Những rắc rối trong Hội Thánh hiếm khi đến cùng một lúc, và phải có nhiều hơn một người để trợ giúp. Một chức năng lãnh đạo được phân công cũng canh chừng chống lại bất cứ người nào trở nên quá nổi bật trong một hội chúng và làm mờ đi địa vị hàng đầu của Đấng Christ trên Hội Thánh của Ngài".
Vậy thì ai sẽ phục vụ trong vai trò "trưởng lão" trong Hội Thánh địa phương? Các câu 6-9 cung ứng cho chúng ta một phần mô tả sống động về các đức tính dành cho các cấp lãnh đạo thuộc linh, có thể họ là những vị Mục sư trọn thời gian, được đào tạo chuyên nghiệp, ban trị sự bán thời gian hay những người làm công việc khác vì cuộc sống của họ nhưng dâng đời sống của họ cho Hội Thánh. Nhiều Hội Thánh có những "trưởng lão". Một số phục vụ trong ban chấp sự cai trị, độc đoán, điều động từng phương diện của sinh hoạt đời sống. Nhiều người khác làm việc nhỏ hơn tước hiệu họ mang. Một số Hội Thánh biệt riêng diễn giả hay nhất, cấp lãnh đạo tự nhiên, giới thương nhân thành công hay những người giàu có nhất phục vụ trong vai trò trưởng lão với ít hay chẳng quan tâm tới những đức tính theo Kinh Thánh. Nếu Hội Thánh của bạn đã được phước của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta cần phải có sự hiệp một mà chúng ta ao ước, chúng ta phải có hạng người đủ tư cách theo Kinh Thánh nắm lấy chức năng lãnh đạo.
Cách đây mấy ngày, tôi chạy ngang qua khẩu hiệu La tinh từ Cuộc Cải Chánh. Khẩu hiệu nầy ghi như sau semper reformata. Câu nầy có nghĩa là: "luôn luôn sửa đổi". Tôi thích khẩu hiệu đó. Chúng ta phải luôn luôn sửa đổi niềm tin, lẽ đạo, truyền thống và cách thực thi của mình đối với thẩm quyền của Kinh Thánh. Đặc biệt điều nầy là cần thiết trong chức năng lãnh đạo thuộc linh. Có 16 thuộc tính của cấp trưởng lão trong Kinh Thánh được liệt kê ra ở các câu 6-9. Tôi không muốn chạy ùa qua mấy câu nầy, nhưng đi thật chậm để chúng ta có thể dầm thấm chúng. Sự dạy nầy có giá trị cho từng tín đồ, trẻ, già, nam và nữ vì những đức tính tin kính của một vị trưởng lão là mục tiêu vì đó mà hết thảy Cơ đốc nhân phải phấn đấu. Mỗi một người chúng ta phải phấn đấu để sống theo từng đức tính trong những đức tính nầy.
Hôm nay chúng ta sẽ nhìn thấy cấp trưởng lão sẽ tỏ ra danh tiếng không chỗ trách được, nêu gương thanh sạch về tình dục và tỏ ra chức năng lãnh đạo gia đình thật vững vàng.
I. Một trưởng lão phải tỏ ra danh tiếng không chỗ trách được.
A. Ý nghĩa của việc không chỗ trách được.
Đức tính trước tiên của một trưởng lão hay bất kỳ cấp lãnh đạo nào khác trong Hội Thánh là phải "không chỗ trách được". Sát nghĩa thì cụm từ nầy có ý nói tới "không thể chê trách được" hoặc "không thể kết tội được". Bản Kinh Thánh NAS dịch cụm từ nầy là "hoàn hảo, không thể chê". Tình trạng không thể chê trách mô tả một người không bị buộc bất kỳ tội gì. Phẩm chất và cách ăn ở của người nầy không nằm trong chỗ bị thắc mắc. Người được tự do không bị ai cáo giác bất cứ điều gì. Bạn có thể ném bùn vào người suốt cả ngày và vì cớ phẩm chất của đời sống người, chẳng có ai gây rối người được. Người ấy là một người ngay thẳng hoàn hảo, thành thực không chao đảo, và đạo đức trước sau như một. Người ấy là một người mà bạn sẽ tin cậy với gia đình và tiền bạc của bạn. Nếu bạn mượn người chiếc xe, người ấy sẽ trao chiếc xe với bình xăng đầy và rửa thật sạch.
Gióp là một gương nói tới một người thể ấy. Ngay câu đầu tiên của sách Gióp ghi là: "Tại trong xứ Út-xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng; kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác" (Gióp 1.1).
Thầy tế lễ Samuên đã mô tả tình trạng không chỗ trách được của ông khi ông nói: "Vậy, ta đây; hãy làm chứng về ta tại trước mặt Đức Giê-hô-va và trước kẻ chịu xức dầu Ngài. Ta có bắt bò ai chăng? Bắt lừa ai chăng? Ta có lừa dối ai chăng? Hành hung cùng ai chăng? Ta có nhận của hối lộ nơi tay ai đặng vì nó mà nhắm mắt ta chăng?" (I Samuên 12.3).
"Không chỗ trách được" quan trọng đến nỗi Phaolô nhắc tới tình trạng nầy hai lần trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, cả ở câu 6 và ở câu 7. Ngoài phân đoạn Kinh Thánh nầy, I Timôthê 3 cũng cung ứng đức tính của một trưởng lão hay "Giám mục". Ở đó trong câu 2, ở phần đầu danh sách chúng ta đọc: "Vậy, người giám mục [đấng tiên kiến] cần phải không chỗ trách được". Tất cả cấp lãnh đạo Hội Thánh cần phải không chỗ trách được. Về sau trong I Timôthê 3, khi mô tả phẩm chất của hàng chấp sự, Phaolô nói: "Những người đó cũng phải chịu thử thách trước đã, nếu không chỗ trách được thì mới được làm chức chấp sự" (câu 10).
Trong thực tế, được người ta thấy "không chỗ trách được" không những là phẩm chất đầu tiên trong danh sách 16 phẩm chất, mà còn là một đức tính bao quát mà từng phẩm chất trong 15 phẩm chất kia mô tả chi tiết nhiều hơn cho phẩm chất nầy. Thí dụ, một người "không chỗ trách được" là một người chỉ có một vợ. Người nầy có ánh mắt chỉ dành riêng cho vợ mình. Một người "không chỗ trách được" là người có đức tin và con cái vâng phục. Một người "không chỗ trách được" hiểu mình là một "quản gia", một người lo chăm sóc, bảo quản tài sản của Đức Chúa Trời. Một người "không chỗ trách được" không sống ích kỷ, không mau giận, không ăn uống say sưa, không hung hăng bạo lực, không ham mến tiền bạc và sự thành công.
Mặt khác, một người "không chỗ trách được" mở cửa nhà mình ra và chia sẻ với người khác, ưa thích các việc lành, đứng đắn trong cuộc sống, làm điều chi là phải, theo đuổi sự thánh khiết, biết tiết độ và đào sâu vào kho báu Lời của Đức Chúa Trời. Phẩm chất chính của cấp lãnh đạo thuộc linh là phải "không chỗ trách được". Phần còn lại của các phẩm chất chỉ là mở rộng ý nghĩa của tình trạng không chỗ trách được. Không chỗ trách được không đề cập sự hoàn toàn vô tội, thay vì thế đề cập tới một người trong người ấy rõ ràng chẳng có một khuyết điểm nào về đạo đức, là điều sẽ đem lại hổ thẹn và trách móc cho danh của Đấng Christ và Hội Thánh.
B. Tính cần thiết của việc không chỗ trách được.
Tại sao tình trạng nầy lại là một vấn đề lớn như thế chứ? Tại sao tình trạng ấy quan trọng đối với các cấp lãnh đạo Hội Thánh, đặc biệt là cấp trưởng lão và hàng chấp sự cần phải được thấy "không chỗ trách được"? Câu trả lời là vì cấp lãnh đạo sống thể nào, dân sự sẽ sống theo thể ấy. Nếu bạn có cấp lãnh đạo cam kết sống loại đời sống tin kính, hội chúng cũng sẽ noi theo gương của họ và phản ảnh sự tin kính nữa. Mặt khác, nếu cấp lãnh đạo cung ứng cách ăn ở nghèo nàn, dân sự chắc chắn sẽ làm theo. Nếu chúng ta muốn có một Hội Thánh tin kính, chúng ta phải có cấp lãnh đạo tin kính.
Nguyên tắc nầy chạy xuyên suốt Cựu Ước. Khi Israel có một vị vua tồi, dân sự bèn phóng túng. Khi Israel có một nhà vua nhơn đức, dân sự đã chạy theo Đức Giêhôva. Chúng ta mới vừa có một minh họa sinh động về sự phi đạo đức trong cấp lãnh đạo thể nào đã gây chia rẽ và làm mất tinh thần của dân sự. Tại sao chúng ta trông mong nền công nghệ giải trí dọn sạch hoạt động của nó khi những hành vi tục tỉu phi đạo đức và dâm dục lại bị phạm phải nơi chức vụ cao nhất ở trong nước? Tại sao chúng ta trông mong xã hội của chúng ta cứ phải thành thực và ngay thẳng đang khi cựu lãnh đạo của chúng ta công khai, biết rõ và liên tục nói dối với hết thảy chúng ta?
Chẳng điều chi có giá trị cho Đức Chúa Trời hơn Hội Thánh. Đấy là lý do tại sao Phaolô căn dặn các trưởng lão thành Êphêsô trong Công Vụ các Sứ đồ 20.28: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Nếu chẳng có điều chi quí giá hơn Hội Thánh, và cấp trưởng lão cần phải nêu gương cho Hội Thánh, thì nhất định Hội Thánh phải có tiêu chuẩn cao nhất trong các tiêu chuẩn dành cho cấp trưởng lão.
Alexander Strauch nói: "Một vị trưởng lão đại diện cho Đức Chúa Trời. Người được giao thác cho với cả nhà Đức Chúa Trời, của cải của Đức Chúa Trời, kho báu của Đức Chúa Trời, và sự giàu có của Đức Chúa Trời. Người hành xử vì ích cho mọi lợi ích của Đức Chúa Trời. Một vị trưởng lão phải trình sổ và chịu trách nhiệm đối với Đức Chúa Trời … Đức Chúa Trời đòi hỏi rằng người nào được giao thác cho công tác giám sát nhà của Ngài phải sống thật đạo đức và thuộc linh. Một công việc cao thượng đòi hỏi một phẩm chất cao thượng".
Tôi đã thấy có nhiều người phấn đấu để được thanh sạch theo lẽ đạo trong khi chẳng để ý gì về chính tấm lòng của họ. Bạn biết có bao nhiêu nhà truyền đạo lỗi lạc đã sa vào nanh vuốt của tham lam và tà dâm không? Có bao nhiêu người đã đánh trận để gìn giữ lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, nhưng lại chối bỏ lẽ thật ấy qua những hành vi của họ? Có bao nhiêu người đã không giảng với đời sống của họ những gì họ đã giảng bằng môi miệng của họ? Sự thanh sạch của đạo mà không có sự thanh sạch đạo đức thì là vô quyền!
Một người có thể có lý trí sáng láng lắm, một óc nhạy bén đối với nguyên tắc lãnh đạo, những tài khéo truyền đạt rất hùng biện và được giáo dục tốt nhất về thần học, tuy nhiên mọi sự ấy sẽ là vô giá trị nếu người ấy không biết cách ăn ở. John MacArthur đã nói: "Những đức tính cơ bản và không thể thiếu được mà Ngài [Đức Chúa Trời] đòi hỏi nơi những vị Mục sư có tài và nổi bật là những đức tính Ngài đòi hỏi như vị Mục sư không được học tập nhiều, đơn sơ nhất, là người phục sự trong rừng ở khu vực vùng sâu vùng xa hay ở một quốc gia đang phát triển thuộc thế giới thứ ba. Bất chấp họ phục vụ ở đâu và như thế nào, họ cần phải sống đạo đức và thanh sạch về mặt thuộc linh. Chỉ có hạng người thể ấy mới xứng đáng trở thành cấp lãnh đạo trong Hội Thánh Đấng Christ".
Cấp lãnh đạo trong Hội Thánh phải luôn luôn nêu gương. Hội Thánh là một gia đình và chức năng của cấp trưởng lão như bậc phụ huynh, những người cha thuộc linh. Ở câu 4, Phaolô gọi Tít là "con thật ta trong đức tin chung". Ở I Têsalônica 2.7-8, Phaolô nói: "Nhưng chúng tôi đã ăn ở nhu mì giữa anh em, như một người vú săn sóc chính con mình cách dịu dàng vậy. Vậy, vì lòng rất yêu thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước ao ban cho anh em, không những Tin Lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết nghĩa với chúng tôi là bao". Giăng đề cập với các độc giả của ông là "con cái bé mọn ta" (I Giăng 2.1, v.v…). Ông nói ở III Giăng 4: "Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa".
Phaolô nhấn mạnh quan niệm làm theo khuôn mẫu của các tín hữu tin kính. Ông nói ở Philíp 3.17: "Hỡi Anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi" Hêbơrơ 13.7 chép: "Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ".
Phierơ đã khẳng định rằng cấp trưởng lão cần phải nêu gương cư xử tin kính cho Hội Thánh. Ông viết ở I Phierơ 5.1-3: "Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ, và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra: hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy".
Khi tôi còn nhỏ, tôi nhớ đã thần tượng hóa cha tôi. Dường như ông mạnh mẽ và uy quyền lắm. Ông có thể giải quyết mọi sự. Khi chúng tôi đi dạo qua những hàng đậu Hà lan và bắp, tôi ướm thử chân mình vào dấu chân thật to kia của ông. Càng lớn lên tôi càng ý thức được ân sũng của Đức Chúa Trời khi ban cho tôi bậc cha mẹ tin kính. Con cái luôn luôn tìm cách bước theo những dấu chân của bố mẹ mình dù tấm gương là sai hay đúng.
Khi người ta đến với Đấng Christ rồi được "sanh lại" là con cái thuộc linh, họ noi theo gương của các Cơ đốc nhân trưởng thành hơn ở quanh họ. Đây là lý do tại sao cấp trưởng lão, những người cha thuộc linh phải "không chỗ trách được" trỗi hơn mọi sự khác trong cách ăn ở và phẩm chất của họ. Điều nầy áp dụng cho hết thảy chúng ta. Những anh chị em khác yếu đuối hơn đang quan sát chúng ta và họ sẽ noi theo gương của chúng ta. Nếu Hội Thánh chúng ta có cấp trưởng lão "không chỗ trách được", thì các tín hữu non nớt hơn sẽ nhìn thấy các tấm gương mạnh mẽ, những mối hôn nhân bền chắc, con cái có đức tin và vâng phục, chức năng quản gia tốt, sự phục vụ tận tụy hy sinh, nhịn nhục, tiết độ, rời rộng, có ơn tiếp khách, trang nghiêm, công bằng, thánh khiết và một sự tận hiến đối với Kinh Thánh.
Bạn muốn Hội Thánh nầy giống như thế nào trong một vài năm? Phẩm chất của những người phục vụ trong vai trò trưởng lão và cấp lãnh đạo thuộc linh sẽ quyết định phẩm chất của Hội Thánh.
II. Một vị trưởng lão phải nêu gương chung thủy trong hôn nhân.
Sau khi chỉ ra phẩm chất cao của việc "không chỗ trách được", kế đó Phaolô cho rằng một trưởng lão phải là "chồng của một vợ". Một lần nữa, điều nầy y hệt với những gì ông đã viết ra cho Timôthê ở I Timôthê 3.2 và cũng ám chỉ đến hàng chấp sự nữa. Chúng ta hãy hỏi và đáp ba thắc mắc quan trọng về cụm từ hay bị tranh cải và thường được sử dụng nầy:
A. Là chồng của một vợ, cụm từ nầy có ý nói gì?
Sát nghĩa, cụm từ "chồng của một vợ" đề cập đến "chồng của một vợ" hay người đàn ông "của một người đàn bà". Về mặt lịch sử, một số học giả Kinh Thánh cho rằng một trưởng lão duy nhất có một người vợ trọn cả cuộc đời mình, một người góa vợ hay chưa lập gia đình không được phục sự.
"Chồng của một vợ" không những đề cập tới tình trạng hôn nhân của một người, mà còn đề cập tới đặc điểm của mối hôn nhân ấy nữa. Một người đàn ông của một người đàn bà có ánh mắt chỉ dành cho một người đàn bà mà thôi. Người ấy không hề phạm vào bất kỳ một hành vi gian dâm nào, tự mình cam kết về mặt tình dục với chỉ một người đàn bà. Người không được chung chạ bừa bãi dù là bất kỳ thế nào.
Một người đàn ông có thể kết hôn với chỉ một người đàn bà, nhưng vẫn chưa phải là người đàn ông của một người đàn bà. Có thể người không phạm vào hạnh động gian dâm với với người đàn bà khác, nhưng vẫn tư dục ở trong lòng về những người đàn bà khác. Chúa Jêsus đã phán ở Mathiơ 5.28 rằng tà dâm không nhất thiết phải là hành vi của xác thịt, mà là tư dục ở trong lòng: "Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi".
Trưởng lão không phải là người đàn ông có dính dáng với sự tà dâm. Người không phải là loại người tỏ ra chung thủy với vợ mình nhưng kín đáo viếng qua cửa hàng sách khiêu dâm hoặc xem những hình ảnh đồi trụy trên Internet. Người phải chối bỏ không xem bất cứ một cuộn phim hay tiết mục truyền hình nào làm cho lý trí người phải thỏa hiệp và khiến cho người phải suy nghĩ về sự tà dâm với những người đàn bà khác.
Hơn nữa, người không nên lăng nhăng với những phụ nữ khác. Người phải thiết lập và duy trì những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc xử lý với họ. Thí dụ, tôi sẽ không ở riêng với bất kỳ người đàn bà nào khác hơn vợ của mình. Tôi sẽ không ngồi kề bàn bạc với một phụ nữ nào trừ ra thư ký của tôi, một thành viên trong ban trị sự khi vợ của tôi đang ở trong một căn phòng kế đó. Tôi sẽ không gặp gỡ với một phụ nữ trong những lần thăm viếng tiếp liền nhau. Tôi sẽ không lái xe một mình trong một chiếc xe với bất kỳ phụ nữ nào khác hơn vợ tôi. I Têsalônica 5.22 chép: "Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi".
"Chồng của một vợ" là chung thủy và trung tín. Họ có một mối quan hệ độc quyền. Mối hôn nhân của họ không phải là trọn vẹn vì họ không phải là hạng người trọn vẹn, nhưng đây là một tấm gương cho nhiều người khác phải noi theo. Họ là "một". Họ là "một thịt" (Sáng thế ký 2.24; Mathiơ 19.6), một là lý trí, thân thể, linh hồn và tâm linh. Họ có cùng những mục tiêu và cùng những niềm vui mừng. Họ đã cam kết độc quyền đối với nhau cho tới chết. Từ "ly dị" không tồn tại trong bảng kê từ vựng trong mối hôn nhân của họ. Vì thế, là "chồng của một vợ" là phải có tiếng tăm về sự chung thủy trọn đời với vợ của mình, phải "không chỗ trách được" và hoàn hảo trong mối hôn nhân của mình.
B. Một người đã ly dị có được xem là chồng của một vợ không?
Bất cứ lúc nào chúng ta bàn về ý nghĩa "chồng của một vợ" câu hỏi nầy thoạt đến. Thắc mắc nầy đã được tranh cải trong nhiều thế kỷ với những người thông thái và được giáo dục cao độ về cả hai phái. Mặc dù bạn có thể hay không thể đồng ý với tôi, tôi yêu cầu bạn cùng xem xét với tôi một vài đáp ứng theo Kinh Thánh đối với câu hỏi khó khăn nầy.
Theo nhận định của tôi, Kinh Thánh cho phép ly dị với chỉ hai lý do: Thứ nhứt, có trường hợp GIAN DÂM MÀ KHÔNG ĂN NĂN. Trong bài giảng của Ngài về ly dị và tái hôn ở Mathiơ 19, Chúa Jêsus giải thích rằng Luật pháp Môise cho phép ly dị "vì sự cứng lòng của các ngươi" song "từ lúc ban đầu thì không phải như vậy", nghĩa là, Đức Chúa Trời không đẹp lòng với ly dị. Thực vậy, Malachi 2.16 chép: "Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ…". Thế rồi, Chúa Jêsus dạy chúng ta ở Mathiơ 19.9: "Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình".
Như vậy, ly dị theo Kinh Thánh chỉ được phép khi một người bạn đời bắt đầu một mối quan hệ gian dâm và từ chối không chịu ăn năn quay trở lại với người bạn đời (nam hay nữ) của mình. Người bạn đời chung thủy khi ấy và chỉ khi ấy mới được tự do ly dị và tái hôn. Thứ hai, một cuộc ly dị theo Kinh Thánh có thể diễn ra vì cớ SỰ RUỒNG BỎ BỞI NGƯỜI BẠN ĐỜI VÔ TÍN. Trong I Côrinhtô 7.10-16, Phaolô đưa ra những lời dạy dỗ đặc biệt về các tín đồ nào đã thành hôn với những người không tin Chúa. Họ cần phải sống như thế nếu có thể được. Tuy nhiên, câu 15 chép: "Nếu kẻ không tin Chúa muốn phân rẽ, thì cho phân rẽ: trong cơn đó, người anh em hay là người chị em chẳng phải cầm buộc gì…". Nói cách khác, nếu bạn đã kết hôn với một người không tin Chúa, bạn phải ở lại với người (nam hay nữ) và phải trở thành một tấm gương về một Cơ đốc nhân chung thủy.
Tuy nhiên, nếu người (nam hay nữ) ruồng bỏ bạn, bạn được tự do ly dị và có lẽ tái hôn nữa. Mặc dù đây là một vấn đề khó, theo nhận định của tôi, dưới những điều kiện nầy, nếu một người đàn ông thỏa mãn những đức tính khác của một trưởng lão, một cách máy móc riêng tôi, tôi cho người ấy là đủ tư cách.
C. Ly dị trước khi trở lại đạo không xứng đáng là một người cho địa vị trưởng lão chăng?
Còn về người đã kết hôn, đã ly dị rồi đạt tới mức nhận biết Đấng Christ và được cứu cách vinh hiển thì sao? Sẽ ra sao nếu người ấy về sau lấy một người đàn bà tin Chúa và trở thành người đàn ông của một người đàn bà sau khi trở lại đạo? Có phải người ấy tự nhiên không xứng đáng với chức năng trưởng lão không?
Ed Glasscock nói: "Chắc chắn một người không thể nổ lực để tạo ra những phẩm chất … áp dụng cho đời sống của một người trước khi người được cứu. Nếu Đức Chúa Trời đã tha thứ cho người và lập người làm một chi thể trong Hội Thánh của Ngài, tại sao những Cơ đốc nhân cứ nắm lấy quá khứ của người ấy nghịch lại người ấy chứ? … Dường như câu nói của Phaolô không phải như vậy … ông tính nắm lấy những tội lỗi của người trước khi trở lại đạo nghịch lại người … để xét đoán những phẩm chất thuộc linh của một người trên cơ sở một tội lỗi đã phạm trước khi người được cứu, trước khi người có khả năng hiểu rõ ý chỉ hay Lời của Đức Chúa Trời, và trước khi người có quyền phép sự sống của Đấng Christ ở trong người là tạo ra một tiêu chuẩn giả dối làm giảm giá trị ân sũng kỳ diệu của Đức Chúa Trời và cũng thất bại không xử lý được vấn đề …".
Phaolô là một người bắt bớ Hội Thánh rất bạo lực trước khi người trở lại đạo. Ông đánh đập những Cơ đốc nhân, bỏ họ vào tù và thậm chí kết án tử hình một số người nữa. Tuy nhiên, sau khi ông trở lại đạo rồi, Đức Chúa Trời đã chỉ định ông làm một sứ đồ. Có phải ly dị là một tội lỗi tệ hại hơn bạo lực và giết người không? Nếu Phaolô có thể trở thành một sứ đồ bất chấp ông sống như thế nào trước khi ông được cứu, liệu có những người không trở thành trưởng lão dù họ sống như thế nào trước khi họ đạt tới chỗ hiểu biết lẽ thật? Tôi tin chúng ta sẽ nắm lấy từng người trên cơ sở từng trường hợp một. Một người đã phạm tội tà dâm hay có một cuộc ly dị không theo Kinh Thánh có thể nhận được sự tha thứ, ân điển và được Đức Chúa Trời đại dụng, nhưng người ấy không thể trở thành một trưởng lão. Người ấy có thể lên đến ngai vàng của Israel giống như Vua David. Người ấy thậm chí có thể trở thành Tổng Thống của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, người ấy không bao giờ lên đến chức vụ lãnh đạo trong Hội Thánh địa phương: là "trụ và nền của lẽ thật" (I Timôthê 3.14), "Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình" (Công Vụ các Sứ đồ 20.28).
III. Một trưởng lão phải thể hiện chức năng lãnh đạo trong gia đình.
Vì Hội Thánh địa phương được mô tả là một gia đình, phương thức người cha lãnh đạo gia đình mình trực tiếp liên quan tới khả năng lãnh đạo Hội Thánh của người. Gia đình là cái nền thử nghiệm cho chức năng lãnh đạo Hội Thánh. Phaolô cung ứng cho chúng ta cả hai trướng hợp tích cực và tiêu cực của chức năng lãnh đạo trong gia đình.
A. Về mặt tích cực, con cái của trưởng lão phải thật trung tín.
Phaolô nói rằng một trưởng lão xứng đáng là một người "có con cái trung tín". Mặc dù một số bản dịch có thể chép: "con cái phải tin Chúa" như trong bản dịch NAS: "con cái phải trung tín" là một cách dịch sát nghĩa. "Con cái" là một từ phổ thông teknon đề cập tới con cái của bất kỳ lứa tuổi nào. Đây cũng chính là từ ngữ Phaolô sử dụng khi đề cập đến Tít lúc ông gọi Tít là "con thật ta" ở câu 4.
Ở I Timôthê 3.4-5, Phaolô viết cho Timôthê là một trưởng lão phải là người "khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn; vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?" Con cái còn trẻ phải được giữ trong "sự thuận phục và tin kính". Con cái lớn tuổi hơn, hàm ý chỉ ra con cái đã trưởng thành, cần phải "trung tín".
Khi bạn xem xét trường hợp gia đình của một trưởng lão, không những bạn đang nhìn thấy một mối hôn nhân mạnh mẽ, gắn bó, mà con cái đang phản ảnh chức năng lãnh đạo và sự dạy dỗ của cha họ. Con cái còn nhỏ hơn cần phải biết cách cư xử sao cho phải phép và kỷ luật. Con cái lớn tuổi hơn cần phải trở thành hạng tín đồ biết vâng phục.
B. Về mặt tiêu cực, con cái của một trưởng lão không nên mất kiểm soát hay loạn nghịch.
Bằng cách so sánh, Phaolô cung ứng cho chúng ta hai cụm từ tiêu cực. Thứ nhứt, con cái của cấp trưởng lão không nên "bị cáo là buông tuồng". "Buông tuồng" đề cập tới tình trạng hoang đàng hay lối sống hoang đàng. Từ ngữ thường được dùng để mô tả cuộc chè chén say sưa. Êphêsô 5.18 chép: "Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng…". Con trai hay con gái của trưởng lão không nên được người ta biết đến như một con thú của tiệc tùng.
Thứ hai, con cái của trưởng lão không nên sống trong sự "ngỗ nghịch" hay loạn nghịch. Tôi không phải mô tả một gã thiếu niên loạn nghịch cho bạn thấy đâu. Tham dự trại hè của trường trung học, đi dạo trong siêu thị, bạn sẽ nhìn thấy chúng khắp mọi nơi. Con trai của trưởng lão cần phải là một thanh niên mà bạn cảm thấy vui sướng cho con gái bạn hẹn hò. Con gái của trưởng lão cần phải là một thiếu nữ gương mẫu, giàu ơn.
Mục đích thật là đơn sơ. Nếu một người không thể lãnh đạo con cái mình cho Đấng Christ và dạy dỗ chúng biết sống theo một lối sống tin kính, người ấy sẽ không có khả năng lãnh đạo người khác cho Đấng Christ và dạy dỗ họ biết sống cách công nghĩa. Thất bại trong gia đình là thất bại trong Hội Thánh. Mọi sự thành công hay thất bại đang nhắm vào chức năng lãnh đạo. Vì lẽ đó cấp lãnh đạo của chúng ta cần phải có những tiêu chuẩn cao nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét