Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 1.5: "Cấp lãnh đạo thuộc linh"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH Ưu tiên một:
Cấp lãnh đạo thuộc linh
Tít 1.5

Tuần vừa qua, chúng ta đã xem xét phần giới thiệu bức thư của Phaolô. Trong một câu nói thật dài sâu sắc về mặt thần học, vị sứ đồ nhắc cho chúng ta nhớ đến các lẽ đạo quan trọng trong Kinh Thánh nói tới sự xưng công bình ("đức tin của người được chọn của Đức Chúa Trời"), sự nên thánh ("công nhận lẽ thật phù hợp với sự tin kính") và sự vinh hiển ("trông cậy về sự sống đời đời"). Ông nói tới sứ mệnh của ông đến từ Đức Chúa Trời là bày tỏ ra hay làm cho ai nấy đều biết rõ "Lời của Ngài bởi sự giảng dạy" và nhắc cho chúng ta nhớ chức vụ nầy cũng đã được "giao phó" hay ủy thác cho chúng ta nữa.
Sau lời chào thăm riêng tư với Tít như "con thật ta trong đức tin chung", Phaolô chuyển từ thần học sang những lãnh vực thực tế. Ông lo công việc ngay lập tức. Ông nói với Tít. "Ta đã để con ở lại Cơ-rết", là hòn đảo rộng lớn trong vùng Biển Địa Trung Hải vì một "lý do" đặc biệt. Tít chịu dưới quyền bính sứ đồ của Phaolô, ông cần phải "sắp đặt mọi việc chưa thu xếp". Thực vậy, toàn bộ bức thư có thể được tóm tắt trong một câu nói đó. Bức thư hay sách Tít nói về việc sắp đặt lại trật tự trong Hội Thánh. Lẽ đạo của thư tín nầy là sắp đặt Hội Thánh sao cho hoàn chỉnh, lãnh đạo Hội Thánh đi đến chỗ TRƯỞNG THÀNH trong công cuộc truyền giáo.
Hãy nhớ, đảo Crete rất thù nghịch với Hội Thánh và sứ điệp Tin Lành. Dân chúng của quốc đảo ấy đã có một tai tiếng ai cũng biết là "hay nói dối, thú dữ" và "ham ăn mà làm biếng" nữa (1.12). Thậm chí ngày nay khi nói ai đó là "người đảo Crete" là nói người ấy sống phi đạo đức. Các Hội Thánh trên đảo Crete đã tiếp lấy ít "đạo thật" (2.1). Dường như họ đã say mê với "những truyện huyễn của người Giuđa" cùng điều răn của người ta (1.13). Như trong nhiều Hội Thánh ngày nay, đã có những giáo sư giả họ "xưng mình biết Đức Chúa Trời, nhưng theo những việc làm thì đều từ chối Ngài" (1.16). Dường như đã có những sự ganh tỵ trong các thế hệ, lớp người trẻ không tôn trọng lớp người già và lớp người lớn tuổi hơn không dạy dỗ lớp trẻ tuổi hơn. Như chúng ta sẽ thấy, tất cả các tín đồ đã được khuyên phải chối bỏ tư dục của nền văn hóa của họ và theo đuổi sự tin kính trong cuộc sống thánh khiết.
Như bạn có thể nhìn thấy rất dễ dàng, đã có nhiều việc "chưa thu xếp" trong các Hội Thánh đảo Crete. Tôi thường lấy làm lạ nơi tính xác đáng của Kinh Thánh vì phần nhiều trong chính các việc ấy vẫn còn "chưa thu xếp" trong Hội Thánh ngày hôm nay. Ồ, chúng ta cần phải đào sâu trong Kinh Thánh là dường nào. Tôi cảm tạ Đức Chúa Trời vì quyển sách Tít cực kỳ thực tế.
Trước hết, việc chính yếu "chưa thu xếp" trong các Hội Thánh đảo Crete là các cấp lãnh đạo thuộc linh, tin kính. Một là các cấp lãnh đạo, họ không sống thuộc linh hoặc dân sự thuộc linh không nắm quyền lãnh đạo. Vì thế, Phaolô căn dặn Tít: "và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành". Cụm từ "theo như ta đã răn bảo con" dường như chỉ ra rằng Phaolô và Tít đã từng có một cuộc tranh luận nghiêm trọng về nhu cần phải có "những trưởng lão", hạng người thuộc linh để lãnh đạo các Hội Thánh. Hôm nay phần nghiên cứu của chúng ta sẽ nhắm vào từ ngữ "trưởng lão". Chúng ta cũng cần hạng người thuộc linh, đủ tư cách để tiếp lấy chiếc áo choàng lãnh đạo.
Từ ngữ "trưởng lão" có thể là không quen thuộc với nhiều người trong chúng ta vì phần lớn lai lịch của chúng ta nằm trong các nhà thờ do giáo đoàn cai trị. Nghĩa là, chức năng lãnh đạo chỉ trao cho lá phiếu đại đa số của các thuộc viên trong Hội Thánh. Thực sự, có hai thái cực trong chức năng lãnh đạo Hội Thánh. Trong các nhà thờ do giáo đoàn cai trị, các thuộc viên bỏ phiếu cho mọi sự từ màu sắc của cuộn giấy toilet trong các phòng tắm đến kích cở của tách cà phê Styrofoam ở trong bếp. Trong các nhà thờ đó, những buổi họp bàn công việc làm ăn có thể trở thành những sự kiện quyết định, nó hủy diệt sự hiệp một thuộc linh bằng những vấn đề tầm thường. Cực kia là chế độ độc tài thuộc giáo hội, trong đó vị Mục sư hay một nhóm nhỏ nhân sự về cơ bản bảo mọi người khác những điều phải làm. Phierơ đã cảnh cáo chống lại lề lối lãnh đạo theo kiểu nầy trong I Phierơ 5.3. Cấp lãnh đạo thuộc linh không nhất thiết phải "… quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy".
Sự cân bằng giữa hai thái cực nầy là nguyên tắc theo Kinh Thánh về chức vụ trưởng lão. Thành thực mà nói, đây là một lãnh vực lợi ích riêng tư và nghiên cứu riêng trong ba năm qua. Sau cùng tôi được cảm động phải đưa nó lên tòa giảng. Tôi nguyện rằng bạn sẽ không đưa ra sự đoán xét mau quá hay theo "lời truyền khẩu của loài người" (Côlôse 2.8), nhưng bạn hãy xem xét sự dạy nầy cách cẩn thận rồi sống như người thành Bêrê, họ "ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng" (Công Vụ các Sứ đồ 17.11).
Tôi muốn đưa ra ba câu hỏi thẳng thắn, nền tảng về cấp "trưởng lão" và hy vọng cung ứng những câu trả lời hoàn toàn theo Kinh Thánh. Tôi luôn luôn khuyên bạn phải đưa ra những thắc mắc của mình. Chúng ta sẽ tìm cách bàn bạc chúng sau.
I. Trưởng lão là gì?
A. Những trưởng lão đầu tiên–Xuất Êdíptô ký 18.
Tính cần thiết của chức năng lãnh đạo thuộc linh mạnh mẽ không phải là một việc mới mẻ trong thời của Phaolô và Tít. Cần phải lần trở lại với Israel trong lịch sử và lần Xuất Êdíptô. Môse đã dẫn dắt khoảng 2 triệu nô lệ Hêbơrơ ra khỏi Ai cập. Đức Chúa Trời đã giải phóng họ bằng những trận dịch nặng nề, cầm giữ lại nước của Biển Đỏ để họ băng ngang qua đó như đi trên đất khô, ban bánh cho họ đến từ trời, nước chảy ra từ vầng đá, và thắng hơn mọi kẻ thù của họ.
Mặc dù Đức Chúa Trời đã cung ứng cho họ từng nhu cần, dân sự vẫn lằm bằm và đem mọi nan đề của họ đến cho Môise. Hãy tưởng tượng việc phải quyết định từng cuộc cãi cọ giữa hai triệu người Do thái cứ rên rỉ mãi xem! Môise đã kiệt lực, bực bội và thất bại. Ông rơi vào thế bí. Ngày kia khi họ "đóng trại gần bên núi Đức Chúa Trời", cha vợ của Môise, là Giêtrô đến thăm. Môise nói cho ông ấy biết "mọi điều Đức Giê-hô-va vì Y-sơ-ra-ên đã làm cho Pha-ra-ôn và người Ê-díp-tô, mọi điều khổ nhọc xảy đến cho mình dọc đường và Đức Giê-hô-va đã giải thoát dân Y-sơ-ra-ên thế nào" (câu 8). Qua ngày sau, Môise tiếp tục "ngồi xét đoán dân sự". Họ "đứng chực trước mặt người từ sớm mai đến chiều" (câu 13). Giêtrô không thể tin nổi gánh nặng công việc nầy. Ông hỏi: "Con làm chi cùng dân sự đó? Sao con chỉ ngồi một mình, còn cả dân sự đứng chực trước mặt từ sớm mai cho đến chiều như vậy?" (câu 14). Môise, giống như bất kỳ một Mục sư giỏi nào cũng muốn làm hết sức mình để làm thỏa mãn mọi nhu cần của họ. Ông nói: "Ấy vì dân sự đến cùng tôi đặng hỏi ý Đức Chúa Trời. Khi nào họ có việc chi … tôi xét đoán người nầy cùng người kia, và cho họ biết những mạng lịnh và luật pháp của Đức Chúa Trời" (các câu 15-16).
Giêtrô cắt ngang, ông nói: "Điều con làm đó chẳng tiện". Ông nói thêm: "Quả thật, con cùng dân sự ở với con sẽ bị đuối chẳng sai, vì việc đó nặng nề quá sức con, một mình gánh chẳng nổi" (các câu 17-18). Đúng là một lời khuyên đúng đắn đến từ một cụ già khôn ngoan! Khi ấy Giêtrô mới tóm tắt một chương trình quan trọng về chức năng lãnh đạo thuộc linh ở các câu 19-23. Môise cần phải "kẻ thay mặt cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời", ông cần phải siêng năng cầu thay cho họ. Ông cần phải "lấy mạng lịnh và luật pháp Ngài mà dạy họ, chỉ cho biết con đường nào phải đi, và điều chi phải làm". Thế là Môise cần phải cầu nguyện và giảng dạy. Kế đó, và quan trọng nhất, Môise cần phải "chọn lấy trong vòng dân sự mấy người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét sự tham lợi" rồi đặt những người nầy trên các khu vực dân sự. Từ đó trở đi, chúng ta biết được có 70 người như thế được chọn (đối chiếu 24.1,9; Dân số ký 11.16, 24). Môise cần phải để cho họ "xét đoán" và ông chỉ dính dáng đến việc "can hệ lớn" còn "những việc nhỏ mọn, chính họ hãy xét đoán lấy". Giêtrô kết luận: "Hãy san bớt gánh cho nhẹ; đặng họ chia gánh cùng con".
Vì thế, ở đây trong sách thứ hai của Kinh Thánh, chúng ta có một tấm gương về đa số những người tin kính lo chia sẻ với nhau trong chức vụ cầu nguyện, giảng dạy và khích lệ dân sự của Đức Chúa Trời.
B. Các trưởng lão của Israel.
Từ ngữ Hêbơrơ chính được dịch là “trưởng lão" là zaqen, ý nói "già, lớn tuổi, có râu". Chữ nầy được dùng để đề cập tới 70 vị lãnh đạo nầy, là những người phụ tá cho Môise. Họ được biệt riêng ra giống như hội đồng nhà nước vậy. Về sau các trưởng lão của Israel đã cai trị trên xứ (nghĩa là, I Samuên 11.3; 16.4; 30.26). Họ đã giải quyết những tranh cãi và đưa ra những quyết định vì ích cho dân sự.
Nhóm lãnh đạo nầy được gọi là "các trưởng lão Israel” (I Samuên 4.3), "trưởng lão trong xứ" (I Các Vua 20.7), "những trưởng lão Giuđa" (II Các Vua 23.1), "các trưởng lão và quan xét của bổn thành" (Exơra 10.14) và "các trưởng lão của hội chúng" (Các Quan Xét 21.16).
Sách Exơra sử dụng một từ ngữ Hêbơrơ khác, siyb nói tới "trưởng lão" 5 lần. Siyb có nghĩa là "tóc hoa râm". Đặc biệt tôi thích từ nầy đây! Như vậy cả hai từ ngữ đều đề cập tới hạng người có tài năng, trưởng thành, họ kính sợ Đức Chúa Trời và ghét tội lỗi.
C. Các trưởng lão của Hội Thánh đầu tiên.
Trong các sách Tin Lành thường có những tham khảo đến "các trưởng lão của dân sự". Điều nầy có ý nói đến một sự liên tục của chức vụ trong Cựu Ước. Họ là cấp lãnh đạo thuộc linh được công nhận trong Israel. Với người Pharisi và người Sađusê, dường như họ đã dựng nên Tòa Công Luận. Từ ngữ Hy lạp là presbuteros. Giống như các từ ngữ Hêbơrơ, chúng ta đã nhắc tới rồi, từ nầy đề cập đến hạng người già dặn hơn, trưởng thành rồi.
Chúng ta phải nhớ rằng Hội Thánh đầu tiên được thành lập từ những người Do thái trở lại đạo. Về lẽ tự nhiên, họ đã đem nhiều thói tục Do thái vào Cơ đốc giáo lúc ban đầu. Giống như họ là cấp trưởng lão chuyên lo dạy dỗ và cung ứng chức năng lãnh đạo trong các nhà hội của người Do thái, họ đã chỉ định các trưởng lão trong Hội Thánh đầu tiên. Các Cơ đốc nhân đầu tiên đã tìm ra hạng người giống như Môise đã chọn, hạng người có khả năng kính sợ Đức Chúa Trời, hạng người thù ghét tội lỗi.
Khi đến giữa sách Công Vụ các Sứ đồ, từ ngữ presbuteros được sử dụng không những đề cập tới Tòa Công Luận Do thái, mà còn đề cập tới các cấp lãnh đạo tin kính trong các Hội Thánh địa phương nữa. Thí dụ, ở Công Vụ các Sứ đồ 11.30, một của dâng từ Hội Thánh tại thành Antiốt cho các tín đồ đang bị đói kém trong xứ Giuđê "nhờ tay Ba-na-ba và Sau-lơ, gởi tiền ấy cho các trưởng lão".
Khi Phaolô và Banaba hoàn tất chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên của họ, Công Vụ các Sứ đồ 14.23 chép: "Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến". Rõ ràng đây là một trong những bước chính trong sự sáng lập và thiết lập các Hội Thánh mới nầy ở Đẹt-bơ, Lít-trơ, Y-cô-ni và Antiốt.
Trong Công Vụ các Sứ đồ 15, chúng ta đọc thấy Giáo hội nghị thành Jerusalem đã ổn định cuộc tranh cãi về những người Ngoại trở lại đạo có phải chịu phép cắt bì hay không!?! Câu 2 chép: "Phao-lô và Ba-na-ba với mấy người đó" đi lên "thành Giê-ru-sa-lem, đến cùng các sứ đồ và trưởng lão đặng hỏi về việc nầy". Câu 4 chép họ "được Hội thánh, các sứ đồ và trưởng lão tiếp rước". Câu 6 chép rằng: "Các sứ đồ và các trưởng lão bèn họp lại để xem xét về việc đó".
Sau khi lắng nghe chứng cớ về dân Ngoại trở lại đạo, Giacơ, vị lãnh đạo chính cấp Mục sư của Hội Thánh thành Jerusalem đã nói: "Vậy, theo ý tôi, thật chẳng nên khuấy rối những người ngoại trở về cùng Đức Chúa Trời" (câu 19). Câu 22 chép: "các sứ đồ và trưởng lão cùng cả Hội thánh bèn quyết định …".
Hầu hết mỗi Hội Thánh được nhắc tới trong Tân Ước đều đã có cấp trưởng lão. Công Vụ các Sứ đồ 20.17 chép: "Bấy giờ, Phao-lô sai người ở thành Mi-lê đi tới thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão trong Hội thánh đến". Chúng ta học biết đôi điều về chức vụ của họ vì cớ những điều Phaolô đã căn dặn họ trong câu 28: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Vì đã có một chức vụ trưởng lão mạnh mẽ trong thành Êphêsô, chúng ta có thể nói chính xác rằng, đã có cấp trưởng lão trong các Hội Thánh ở Á châu (như những người đã được nhắc tới trong Khải huyền 1-3) vì các Hội Thánh nầy đã được trồng ra từ Hội Thánh Êphêsô. Như vậy, họ đã noi theo cùng một khuôn mẫu. Chính khi Timôthê phục vụ trong thành Êphêsô, Phaolô đã viết cho ông về các trưởng lão ở I Timôthê 5.17-25.
Ở I Timôthê 5.17, Phaolô nói: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Ở Tít 1.7, Phaolô nói một trưởng lão là "quản lý nhà Đức Chúa Trời". I Timôthê 3.5 chép rằng một trưởng lão là phải "cai trị Hội Thánh của Đức Chúa Trời". Giacơ 5.14 chép rằng người nào đau ốm nên "mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người". Cả hai, I Timôthê 3 và Tít 1 cung ứng những đức tính đạo đức và thuộc linh của cấp trưởng lão.
Ở I Phierơ 5.1-2, Phierơ đã viết cho các Hội Thánh ở Bon-tu, Galati, Cápbađốc, Á châu và Bithini: "Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ, và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra: hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng …".
D. Bậc trưởng lão ngày nay.
Bất cứ người nào sống giống như người thành Bêrê và "ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng" (Công Vụ các Sứ đồ 17.11), sẽ tìm thấy một sự giàu có trong tư liệu của Kinh Thánh về quan niệm nói tới hàng trưởng lão. Từ 70 "người có khả năng" được Môise tuyển chọn, để làm trưởng lão trong Israel, đến những trưởng lão phục vụ Hội Thánh đầu tiên trong các địa điểm như đảo Crete, Êphêsô, Đẹtbơ và Líttrơ, rõ ràng là chương trình của Đức Chúa Trời cho Hội Thánh địa phương gồm có chức năng lãnh đạo và sự giảng dạy của cấp trưởng lão.
Alexander Strauch kết luận: "Không những Tân Ước tường trình lại sự hiện hữu của hàng trưởng lão trong vô số Hội Thánh, Tân Ước cũng cung ứng huấn thị quan trọng về các trưởng lão. Thực vậy, Tân Ước đưa ra nhiều huấn thị về cấp trưởng lão hơn bất cứ đề tài nào khác quan trọng như Tiệc Thánh và phép Báptêm … Thêm nữa, chức vụ trưởng lão trong Hội Thánh theo Kinh Thánh đã được trình bày trực tiếp và đơn giãn hơn bất cứ một lẽ đạo nào khác".
Jon Zens thêm: "Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải xem xét kỷ lưỡng lẽ đạo nói tới chức vụ trưởng lão, lẽ đạo ấy đập vào mắt chúng ta từ những trang giấy của Tân Ước, thế mà chức vụ ấy lại rơi vào chỗ mang tiếng xấu và không được thực thi như một tổng thể trong các Hội Thánh địa phương".
Hỡi Hội Thánh, ao ước của tôi trong vai trò giáo sư-mục sư của quí vị, ấy là chúng ta phải thích nghi với mẫu mực theo Kinh Thánh của một Hội Thánh. Tôi không thấy thú vị trong những sự việc mới đây của Cơ đốc giáo đương thời. Hội Thánh không phải là một chỗ làm ăn và tìm cách sử dụng nó cho mẫu lãnh đạo tập thể, vì đấy là một phương thức để đón lấy tai họa. Tôi cũng thấy không thích ứng với những truyền thống của hệ phái. Sở dĩ như vậy là vì "chúng ta luôn luôn làm theo cách ấy" không có nghĩa là chúng ta luôn luôn làm đúng theo cách ấy. Cái điều tôi quan tâm thực sự là những vị sứ đồ đã tổ chức các Hội Thánh địa phương đầu tiên như thế nào và Kinh Thánh rõ ràng chỉ ra khuôn mẫu của họ là phải "lập những trưởng lão trong mỗi thành".
John MacArthur đã viết: "Cai trị thích đáng theo Kinh Thánh bởi cấp trưởng lão làm cho Hội Thánh được vững vàng và tiêu chuẩn theo Kinh Thánh cho cấp lãnh đạo Hội Thánh là đa số những trưởng lão đã được Đức Chúa Trời chỉ định. Hơn nữa, chính khuôn mẫu duy nhứt cho cấp lãnh đạo Hội Thánh đã được cung ứng trong Tân Ước. Tôi tin rằng một sự đổi lại với khuôn mẫu theo Kinh Thánh về cấp lãnh đạo sẽ làm nhiều điều để đưa sức sống mới vào Hội Thánh đương thời. Sức lực, tình trạng kết quả của bất cứ Hội Thánh nào đều phản ảnh trực tiếp đức tính của cấp lãnh đạo của nó".
II. Cấp trưởng lão phục vụ như thế nào?
A. Những mô tả khác nhau, một chức vụ.
Tân Ước cung ứng cho chúng ta ba từ ngữ khác nhau mô tả công việc của một trưởng lão. Chúng đề cập tới những chức năng khác nhau của cùng một chức vụ. Như chúng ta đã lưu ý rồi, từ ngữ Hy lạp được dịch là "trưởng lão" là presbuteros, từ nầy đề cập đến hạng người già dặn hơn, khôn ngoan, và trưởng thành, họ nêu gương một đời sống tin kính trước mặt dân sự.
Từ thứ hai nói đến cùng một chức vụ là "giám mục". Từ nầy ra từ chữ episkopos có nghĩa là "đấng tiên kiến" hay "người canh". Cũng chính từ nầy được sử dụng để mô tả Chúa Jêsus trong I Phierơ 2.24 như sau: "Đấng chăn chiên và Giám mục của linh hồn mình". Ở Philíp 1.1, Phaolô chúc mừng "hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự". Ở I Timôthê 3.1, Phaolô lưu ý: "Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành; lời đó là phải lắm". Trong câu kế dó, ông nói: "Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được …". Ở đây trong phần nghiên cứu sách Tít của chúng ta, chúng ta sẽ lưu ý từ 1.7 cũng chính câu nói y hệt ấy: "trưởng lão phải cho không chỗ trách được".
Các đức tính của một "giám mục" ở I Timôthê 3 tương xứng với những đức tính của "trưởng lão" trong Tít 1. Vì vậy, "trưởng lão" đề cập tới một người trưởng thành, khôn ngoan. "Giám mục" đề cập tới một người biết đưa ra phần giám sát trên Hội Thánh.
Từ thứ ba là "Mục sư". Từ ngữ Hy lạp là poimen có ý nói "chăn bầy". Từ nầy được sử dụng nhiều lần trong Tân Ước, nhưng chỉ có một lần nó được dịch là "Mục sư". Êphêsô 4.11 chép: "Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư". Trong từng trường hợp khác, chữ nầy được dịch là "chăn bầy". Thí dụ, ở Hêbơrơ 13.20, Chúa Jêsus được gọi là: "Đấng chăn chiên lớn". Một lần nữa, I Phierơ 2.25 chép: "Vì anh em vốn giống như con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng chăn chiên [poimen] và Giám mục [episkopos] của linh hồn mình".
Giờ đây, chúng ta hãy đặt hết ba từ mô tả các chức năng khác nhau của cùng một chức vụ lại với nhau. Hãy cùng tôi mở ra ở I Phierơ 5.1-2. tất cả ba từ nầy được kết lại với nhau trong cùng một phân đoạn. Phierơ viết: "Tôi gởi lời khuyên nhủ nầy cho các bậc trưởng lão [presbuteros] trong anh em, tôi đây cũng là trưởng lão như họ, là người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ, và cũng có phần về sự vinh hiển sẽ hiện ra: hãy chăn [poimaino, hình thức động từ của poimen ý nói "chăn bầy" hoặc thậm chí "nuôi dưỡng"] bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó [episkopos] chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm".
Kế đó, hãy mở ra ở Công Vụ các Sứ đồ 20. Ở đây, Phaolô đã "sai người ở thành Mi-lê đi tới thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão [presbuteros] trong Hội thánh đến" (câu 17). Ông căn dặn họ trong câu 27 rằng ông không trễ nãi chút nào để tỏ ra cho họ biết "hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời". Ông đã bền đỗ dạy dỗ họ mọi sự. Ông nói trên cơ sở của sự dạy đó: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc [episkopos], để chăn [poimaino] Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình".
Giờ đây, chúng ta thấy rằng chữ "trưởng lão" nhấn mạnh phẩm chất của người, người là AI. Người là một tấm gương trưởng thành cho hội chúng. "Giám mục" hay "đấng tiên kiến" nhấn mạnh công việc của người, CÔNG VIỆC người làm. Người cung ứng chức năng lãnh đạo và dạy dỗ cho Hội Thánh. "Mục sư" nhấn mạnh sự quan tâm của người, CÁCH THỨC người phục vụ. Người yêu thương chăn dắt dân sự của Đức Chúa Trời.
B. Các bổn phận khác nhau, một chức vụ.
Trước tiên, trưởng lão cần phải LÃNH ĐẠO Hội Thánh. I Timôthê 3.1 chép: "Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục [episkopos], ấy là ưa muốn một việc tốt lành; lời đó là phải lắm". Các câu kế đó cung ứng những đức tính của một Giám mục. Câu 5 chép người cần phải "cai trị Hội thánh của Đức Chúa Trời". Như vậy, một trưởng lão hay một Giám mục là người trông coi, là quản lý của Hội Thánh.
I Timôthê 5.17 chép: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần …". "Cai trị" ra từ chữ proistemi sát nghĩa có ý nói "đứng trước" hoặc "dẫn đầu hay dự vào việc chăm lo". Từ nầy được được sử dụng để mô tả một người cha đang lãnh đạo cả gia đình (I Timôthê 3.4-5, 12). I Têsalônica 5.12 sử dụng chính từ nầy khi nói tới hàng trưởng lão đáng tôn trọng: "Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em". Rôma 12.8 nói tới "ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị", cho biết rằng khả năng lãnh đạo Hội Thánh là một ân tứ thuộc linh.
Vậy nên, các trưởng lão trong Hội Thánh cần phải cung ứng chức năng lãnh đạo cho Hội Thánh. Họ không phải là một ban quản lý đang nắm quyền, mà là những người chăn dịu dàng được Đức Chúa Trời ban ơn cho. Họ cần phải nghiên cứu Kinh Thánh và cầu nguyện để đưa ra phương hướng cho Hội Thánh, phải có nhiều người như 70 trưởng lão đã được Môise biệt riêng ra vậy. Họ cần phải đồng lòng trong chức năng lãnh đạo của họ. Nếu họ chia rẻ ra, họ phải lùi lại lo nghiên cứu, cầu nguyện và tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời cho tới chừng nào đạt được sự đồng lòng kia. Hội Thánh cần phải ở trong sự phục theo chức năng lãnh đạo tin kính, theo Kinh Thánh. Hêbơrơ 13.17 chép: "Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em".
Khi cấp trưởng lão lãnh đạo Hội Thánh bước đi trong sự hiệp một, sự hiệp một sẽ lan khắp trong Hội Thánh. Sự hiệp một đó sẽ giống như: "dầu quí giá đổ ra trên đầu, chảy xuống râu, tức râu của A-rôn, chảy đến trôn áo người" (Thi thiên 133.2).
Thứ hai, cấp trưởng lão cần phải DẠY DỖ Hội Thánh. Một lần nữa, I Timôthê 5.17 chép: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Họ cần phải trở nên người thuộc về Đức Chúa Trời. Một trong những điểm khác biệt chính giữa đức tính của hàng chấp sự và hàng trưởng lão, ấy là trưởng lão cần phải "khéo dạy dỗ" (I Timôthê 3.2). Họ cần phải trở thành hạng giáo sư được ơn với một sự khao khát sâu sắc về đạo thật. Theo Tít 1.9, một trưởng lão phải là người "giữ đạo thật y như đã nghe dạy, hầu cho có thể theo đạo lành mà khuyên dỗ người ta và bác lại kẻ chống trả".
Trưởng lão không nhất thiết phải là người giàu nhất, thương gia thành công nhất hay cấp lãnh đạo tự nhiên. Thay vì thế, họ cần phải là hạng người thích đi sâu vào Ngôi Lời và có thể dạy dỗ nhiều người khác. Họ cần phải trở nên năng động trong chức vụ dạy dỗ, họ phải làm phu phỉ II Timôthê 2.2: "Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác".
Thứ ba, trưởng lão cần phải CHĂN DẮT Hội Thánh. Một lần nữa, Công Vụ các Sứ đồ 20.28 chép: "Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình". Trưởng lão là hạng người vốn yêu mến Hội Thánh. Họ sẽ bảo hộ Hội Thánh tránh khỏi hạng giáo sư giả và hạng người gây chia rẻ, là những kẻ chuyên tìm cách phá hủy sự hiệp một của thân thể. Cấp trưởng lão vốn hiểu rằng Chúa Jêsus là đầu của Hội Thánh. Đây là "Hội Thánh của Đức Chúa Trời" và họ là những viên quản lý, những giám thị, những người lo "chăn bầy của Đức Chúa Trời" (I Phierơ 5.2).
MacArthur đưa ra mưu luận khôn ngoan nầy: “Thật dễ hiểu, trưởng lão không thể cho phép mình bị nung nấu với các vụ việc thương mại, các mối quan hệ trong quần chúng, các vấn đề liên quan đến tài chính, và đặc biệt mỗi ngày với tổ chức nào khác trong Hội Thánh. Họ cần phải trước tiên lo cầu nguyện và giảng đạo và chọn lựa những người khác để lo liệu các vấn đề ít quan trọng hơn (Công Vụ các Sứ đồ 6.3-4).
Thứ tư, cấp trưởng lão cần phải CẦU THAY cho Hội Thánh. Giacơ 5.14 chép: "Trong anh em có ai đau ốm chăng? hãy mời các trưởng lão Hội thánh đến, sau khi nhân danh Chúa xức dầu cho người bịnh đoạn, thì các trưởng lão hãy cầu nguyện cho người". Ở cuối phân đoạn đó, câu 16 chép: "người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều". Trưởng lão là hạng người "công bình", họ lấy lòng "sốt sắng" trong những lời cầu nguyện của họ cho Hội Thánh. Họ cần phải cầu thay cho mỗi cá nhân dân sự và khi họ nhóm lại với nhau. Họ cần phải được nung nấu với tình yêu thương với lòng khao khát muốn phục vụ Hội Thánh của Đức Chúa Jêsus Christ.
III. Ai có thể phục vụ trong vai trò trưởng lão?
A. LUÔN LUÔN phải có nhiều trưởng lão.
Có hai đức tính chung cho cấp trưởng lão và một vài đức tính quan trọng. Hôm nay, chúng ta sẽ nói tới hai đức tính chung và trong nhiều tuần sắp tới chúng ta sẽ nói tới những đức tính đặc biệt từ các câu 6-9 trong phân đoạn Kinh Thánh nầy. Tuy nhiên, trước tiên tôi muốn hỏi và trả lời cho một thắc mắc quan trọng đã có trong lý trí của bạn thậm chí khi bạn đang lắng nghe bài giảng nầy: chức vụ của trưởng lão khác biệt thế nào đối với chức vụ của Mục sư?
Câu trả lời, ấy là chẳng có gì khác biệt hết. Chúng ta đã thấy rồi, theo Kinh Thánh Mục sư là trưởng lão và là Giám mục hay đấng tiên kiến. Những gì thường "chưa được thu xếp" thì cần phải "sắp đặt lại" theo phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, ấy là phải có "những trưởng lão trong mỗi thành" hay trong từng Hội Thánh. Nói cách khác, ở đâu có những người đủ tư cách, ở đó sẽ có nhiều trưởng lão, chớ không phải chỉ có mỗi mình Mục sư.
Hầu như mỗi lần Kinh Thánh nhắc tới chức vụ trưởng lão hay giám mục, Kinh Thánh nhắc tới nhiều trưởng lão trong từng Hội Thánh địa phương, chớ không phải một người, mà là vài người. Thí dụ, trong Philíp 1.1, Phaolô nói trong thư tín của ông: "gởi cho hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ, ở thành Phi líp, cùng cho các giám mục và các chấp sự". Có nhiều vị "Giám mục" tại thành Philíp. Ở Công Vụ các Sứ đồ 20.17, Phaolô "sai người ở thành Mi-lê đi tới thành Ê-phê-sô, mời các trưởng lão trong Hội thánh đến". Thực vậy, thời điểm duy nhứt trong Tân Ước chúng ta thấy chức vụ trưởng lão được nói tới theo thể số ít là khi Phierơ và Giăng tự mô tả họ là trưởng lão (I Phierơ 5.1; II Giăng 1; III Giăng 1).
Vì thế, bất kỳ Hội Thánh nào có nhiều hơn một trưởng lão đủ tư cách sẽ có nhiều trưởng lão để lãnh đạo, dạy dỗ, chăn dắt và cầu thay cho Hội Thánh. Vậy thì, ai sẽ đủ tư cách? Chúng ta hãy gói ghém vấn đề nầy lại bằng cách xem xét hai đức tính chung được thấy có trong Kinh Thánh.
B. Trưởng lão phải có lòng khao khát.
I Timôthê 3.1 chép: "Ví bằng có kẻ mong được làm giám mục, ấy là ưa muốn một việc tốt lành; lời đó là phải lắm". Cụm từ: "Lời đó là phải lắm" được lặp đi lặp lại 5 lần trong các bức thư gửi cho Timôthê và Tít (I Timôthê 1.15; 3.1; 4.9; II Timôthê 2.11; Tít 3.8).
Câu nói nầy dường như là câu nói hay có giữa vòng các Cơ đốc nhân đầu tiên đã được thử nghiệm và thời gian chứng minh, được chứng thực trọn vẹn bởi tất cả các tín đồ và được ghi lại ở đây bởi một sứ đồ qua sự cảm thúc của Đức Thánh Linh. Các Cơ đốc nhân đầu tiên nhất định đã có một nhận định rất cao về những người đang lãnh đạo Hội Thánh. Bên trong một số người sẽ có một sự khát khao muốn giám sát và lãnh đạo Hội Thánh. Cách dùng đầu tiên từ "ưa muốn" đến từ một chữ có nghĩa là "với tới hay kéo dài ra". Trong cùng câu nầy, chữ thứ hai được dịch là "ưa muốn" thường được dịch là "khao khát". Cho nên, nếu một người với tới và khao khát vai trò giám sát Hội Thánh, người đang ưa muốn một việc tốt lành.
Chẳng có gì sai với tham vọng chăn dắt Hội Thánh. Chúa Jêsus đã phán ở Mác 9.35: "Nếu ai muốn làm đầu, thì phải làm rốt hết và làm tôi tớ mọi người". Mong muốn lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời không phải là một ham muốn theo đời nầy để có ảnh hưởng và sự công nhận, mà là một ham muốn được phục vụ cách khiêm nhường trong vai trò một tôi tớ. Đây là con đường dẫn tới sự cao trọng thật trong ánh mắt của Đức Chúa Trời. Không có gì quí báu cho Đức Chúa Trời hơn "Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình" (Công Vụ các Sứ đồ 20.28).
Khao khát muốn phục vụ Hội Thánh là khao khát lớn lao nhất mà bất kỳ ai cũng có thể có! Thực vậy, Phaolô nói người có sự ưa muốn ấy là "ưa muốn một việc tốt lành". Hãy tin tôi, chăn dắt dân sự của Đức Chúa Trời là một việc làm. Đây là việc làm khó, nhưng là "việc tốt lành". Cấp trưởng lão phải bằng lòng để làm việc.
C. Cấp trưởng lão phải không chỗ trách được.
Có hai danh sách các đức tính đặc biệt dành cho cấp trưởng lão. Danh sách thứ nhứt ở trong I Timôthê 3.1-7 và danh sách thứ hai ở trong Tít 1.6-9. Hai bảng danh sách chồng chéo và phóng đại lên nhau. Chúng ta sẽ xem xét chúng từng chi tiết trong phần nghiên cứu tới đây. Còn bây giờ, hãy chú ý cả hai bảng danh sách đều bắt đầu với cùng một đức tính. Một trưởng lão hay giám mục phải "không chỗ trách được" hay sống "trên sự chỉ trích".
Sống "không chỗ trách được" không có ý nói một người là trọn vẹn đâu. Nói như thế có nghĩa là không có tội lỗi rõ ràng, hiển nhiên nào trong đời sống của người. Không một ai có thể chỉ ra những vết uế hiển nhiên nào trong tánh tình hay cách ứng xử của người. MacArthur nói: "Đức tính tổng quát mà ai nấy đều công nhận là người sống vượt ‘trên sự chỉ trích’. Nghĩa là, người phải là một cấp lãnh đạo không thể bị tố giác về bất kỳ một tội lỗi nào. Tất cả các đức tính khác, có lẽ trừ ra tài khéo dạy dỗ và quản lý chỉ tán rộng ý tưởng đó".
Cho phép tôi kết luận với lời kêu gọi hãy đến với chức năng lãnh đạo. Khi Phaolô căn dặn Tít phải "sắp đặt mọi việc chưa thu xếp", ưu tiên một là chức năng lãnh đạo thuộc linh. Các Hội Thánh đảo Crete hết thảy đều cần đến cấp lãnh đạo thuộc linh mạnh mẽ để bước tới và làm tròn các vai trò mà Đức Chúa Trời ban cho. Hội Thánh của chúng ta cũng không có gì khác biệt.
Tôi muốn khích lệ người nào cảm thấy có ý thức "ưa muốn" hay sự kêu gọi chăn dắt dân sự của Đức Chúa Trời phải xem xét vai trò của trưởng lão trong Hội Thánh. Hãy dò xem Kinh Thánh. Hãy siêng năng nghiên cứu. Chúng ta cần chức năng lãnh đạo mạnh mẽ và sự dạy dỗ cho tương lai. Tất nhiên, bên cạnh cấp trưởng lão là chức vụ chấp sự, những người đang phục vụ các nhu cần từ thiện và thuộc thể của hội chúng. Có thể Đức Chúa Trời đang dấy lên một số người hầu việc Ngài trong khả năng nầy.
Hỡi quí ông, Đức Chúa Trời đang kêu gọi mỗi một người chúng ta trở thành cấp lãnh đạo thuộc linh trong gia đình của chúng ta, để chăn dắt vợ con chúng ta nữa. Đức Chúa Trời đang kêu gọi tất cả các tín đồ, những người nam người nữ phải đưa người khác đến với đức tin bằng cách công bố Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Jêsus Christ trong từng chặng đường của cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét