Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

Tít 1.1-4: "Một Mục Sư Trưởng Thành"



TÍT – MỘT MỤC SƯ TRƯỞNG THÀNH
Một Mục Sư Trưởng Thành
Tít 1.1-4

Hãy tưởng tượng những bờ biển trắng tràn ngập nắng ngút ngàn với cỏ cây xanh tươi, gợn nhấp nhô ở phía sau là dãy núi hùng vĩ màu đỏ tía kia. Hãy hình dung những lượn sóng xanh đang dựng lên từng đợt nầy sang đợt khác khi chúng ập vào bờ cát lấp lánh đó. Âm thanh thì giống như địa điểm trại hè vậy, có phải không? Địa điểm mà tôi đang mô tả là đảo Crete nằm trên Biển Địa Trung Hải khoảng 60 dặm Đông Nam Hy lạp. Đảo Crete khoảng chừng 150 dặm chiều dài (gần như xứng giữa Amarillo và Lubbock) và khoảng 35 dặm bề rộng ở điểm rộng nhất và 7 dặm ở điểm hẹp nhất của nó.
Đảo Crete là một địa đàng cho kỳ nghỉ hè ngày hôm nay, nhưng vào thời trước kia của Hội Thánh đầu tiên trong thế kỷ đầu tiên, nó chẳng quan trọng bao lăm. Dường như Cơ đốc giáo đã được đem vào đảo lần đầu tiên rất sớm trong lịch sử của Hội Thánh. Công Vụ các Sứ đồ 2.11 cho chúng ta biết rằng một số cư dân của đảo Crete đã có mặt vào dịp Lễ Ngũ Tuần khi Đức Thánh Linh lần đầu tiên mặc lấy quyền phép cho Hội Thánh. Đã có một số Cơ đốc nhân ở đó rồi khi Phaolô đến thăm hòn đảo sau lần bị tù đầu tiên của ông ở La mã.
Các Hội Thánh đã được thành lập trong nhiều thành thị và làng mạc ở đảo Crete đều nhỏ, chưa trưởng thành và dường như bị tiêm nhiễm với đạo giả. Xã hội ở chung quanh họ rất lỗ mãng và không thân thiện với Tin Lành. Người dân đã sẵn có một tai tiếng như "nói dối, thú dữ" và "làm biếng" (1.12). Các Hội Thánh chưa trưởng thành nầy cần đến chức năng lãnh đạo mạnh mẽ để tấn tới và phát triển trong một môi trường thù nghịch như thế. Phaolô đã để Tít lại đó "đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp" (1.5).
Người mang tên Tít nầy là ai vậy? Mặc dù Luca chẳng có nhắc gì đến ông trong sách Công Vụ các Sứ đồ và chúng ta không biết chính xác khi nào hay bằng cách nào ông đã gặp gỡ Phaolô, rõ ràng là ông cũng như Timôthê đều được vị sứ đồ lỗi lạc dẫn dắt theo cách riêng đến với đức tin. Phaolô đề cập tới ông ở 1.4 là: "con thật ta trong đức tin chung". Tít đã đi đó đi đây cùng khắp với Phaolô và đã phụ giúp trong việc chỉnh đốn những sai trái tại Hội Thánh gặp rối rắm tại thành Côrinhtô. Ông được nhắc tới 9 lần trong thư tín thứ nhì gửi cho Hội Thánh ấy. Tít đi với Phaolô đến dự giáo hội nghị Jerusalem (Công Vụ các Sứ đồ 15; Galati 2.1-3) như minh chứng tích cực rằng một người Ngoại có thể được sanh lại và được đầy dẫy Đức Thánh Linh mà không phải chịu phép cắt bì.
Tít sống gần gũi và thân mật với Phaolô. Khi vị sứ đồ không tìm gặp được ông tại Trô-ách, ông đã nói trong II Côrinhtô 2.13: "mà vì tôi không gặp anh em tôi là Tít, nên chẳng được yên lòng…". Ở II Côrinhtô 7.6, ông nói: "Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng yên ủi kẻ ngã lòng, đã yên ủi tôi bởi Tít đến nơi". Ở câu 13, ông nói thêm: "chúng tôi lại được sự vui mừng càng lớn hơn nữa, khi thấy sự vui mừng của Tít…". Phaolô viết ở II Côrinhtô 8.23: "Ấy vậy, nói về Tít, thì là bạn bè tôi, và là người cùng làm việc với tôi…". Phaolô đã tin cậy Tít nhiều đến nỗi ông đã hai lần phái đi lo thu thập của dâng về tiền bạc rất lớn cho Hội Thánh tại thành Jerusalem.
Các Hội Thánh ở đảo Crete cần đến chức năng lãnh đạo lỗi lạc. Phaolô đã xem Tít là một nhà lãnh đạo giỏi. Sau chuyến thăm ngắn ngủi, Phaolô đã để người "bạn và người cùng làm việc" yêu dấu của ông ở lại trên đảo để giúp đưa các Hội Thánh bị vây khốn đó đến chỗ trưởng thành trong đức tin.
Có một lẽ thật trong câu nói: "Khi nhiều việc thay đổi, họ càng trụ lại như cũ". Mặc dù khoảng 2000 năm lịch sử đã trôi qua, Phaolô và Tít đã đi ở với Chúa Jêsus lâu rồi, dân sự của Đức Chúa Trời ngày hôm nay đang có cùng những nhu cần ấy. Hội Thánh nầy dự vào một số những nan đề y như các Hội Thánh của đảo Crete. Giống như họ, chúng ta cần phải "sắp đặt mọi việc chưa thu xếp" (1.5).
Sức ép của thư tín được Thánh Linh cảm thúc Phaolô gửi cho Tít là để khích lệ ông hướng dẫn dân sự của Đức Chúa Trời đến MỘT CHỨC VỤ TRƯỞNG THÀNH. Ông được trao cho một công việc có ba phần. Thứ nhứt ở chương 1, Tít cần phải thiết lập chức năng lãnh đạo mạnh mẽ về mặt thuộc linh bằng cách "lập những trưởng lão trong mỗi thành" (1.5). Ở chương 2, ông cần phải "dạy điều hiệp với đạo lành" (2.1), dạy cho các thuộc viên trong Hội Thánh phải biết cách cư xử đối với nhau. Sau cùng, ở chương 3, ông cần phải dạy cho các Hội Thánh nầy cách thức sống và hành động trước mặt một thế giới đang quan sát mình. Với cái nền nầy trong trí, chúng ta hãy đào sâu vào bốn câu đầu tiên có tính cách giới thiệu.
I. Sự kêu gọi của Phaolô (câu 1a).
Mặc dù Tít vốn quen biết Phaolô rất mật thiết, tuy nhiên Phaolô đã đưa ra một lời giới thiệu chính thức trong bức thư. Bốn câu đầu tiên nầy là một câu nói gói ghém rất dài về mặt thần học. Bức thư nầy đã được Tít sử dụng để xác chứng bản thân mình và những huấn thị trong vai trò sứ đồ của Phaolô.
A. Theo ý nghĩa chung nhất, thì Phaolô được kêu gọi làm tôi tớ.
Phaolô đã tự mô tả mình với nhiều cách thức. Ông đã tự giới thiệu mình là một học giả lỗi lạc, một thương nhân dám nghĩ dám làm, một người Pharisi thuộc đẳng cấp cao nhất, một công dân La mã, một vị sứ đồ cho dân Ngoại, một nhà sáng lập hàng tá Hội Thánh, một giáo sư của đoàn dân đông, một nhà truyền đạo không ai ví sánh kịp, một người viết Kinh Thánh thiêng liêng, một người làm phép lạ, hay một người thuộc linh đến nỗi ông đã được "đem lên đến tầng trời thứ ba" (II Côrinhtô 12.2).
Thay vì thế, ông đã hạ mình xuống chọn nhận mình là "tôi tớ của Đức Chúa Trời". "Tôi tớ", doulos thường được dịch là "nô lệ" đề cập tới hạng người hèn hạ, thấp kém nhất. Điều nầy quả là ngược lại với hầu hết các tín đồ chưa trưởng thành của các Hội Thánh đảo Crete. Thái độ của ông đúng là ngược lại với hầu hết các tín đồ ngày hôm nay.
Trong xã hội hiện đại chủ yếu tiêu thụ của chúng ta, sự tự do chọn lựa của cá nhân lèo lái mọi sự. Giá trị chính trong thế giới của chúng ta là cá nhân tự quản. Chúng ta đòi hỏi quyền lựa chọn cho bản thân mình. Chúng ta chọn lựa những gì chúng ta muốn cho bữa điểm tâm, loại y phục chúng ta mặc, loại xe hơi chúng ta đang lái, nơi chúng ta sinh sống, nơi chúng ta làm việc và còn nhiều nữa. Những công ty nào mở rộng với những sự lựa chọn nầy và trưởng dưỡng quyền cá nhân tự quản đều phát triển và những công ty ấy không dãy chết. Mỗi chuyên gia buôn bán đều có khuynh hướng biết rõ điều nầy.
Tuy nhiên, Nước của Đức Chúa Trời không phải là nơi thừa thải những sự lựa chọn của cá nhân theo hệ tiêu thụ kia. Đây là một VƯƠNG QUỐC. Người tín đồ trưởng thành hiểu rằng chỉ có một vì Vua ngồi trên ngai và Ngài là Đức Chúa Trời. Phaolô đã cúi mình xuống trước quyền tể trị của Ngài. Ông đặt những sự chọn lựa của mình tại chơn của nhà Vua. Ông chẳng có một lối sống, ý muốn hay chương trình nào cho riêng mình. Ông đầu phục không phải để làm đẹp lòng mình, mà là để phục vụ nhà Vua. Phaolô đã nhìn thấy bản thân ông là tôi tớ thấp kém nhất trong hàng tôi tớ trong Vương quốc của nhà Vua.
Bạn có nhìn thấy chính mình theo phương thức ấy chăng? Bạn có phủ phục xuống trước mặt Vua Jêsus không? Bạn có nhìn biết giống như Phaolô đã nhìn biết bạn đã được "chuộc bằng giá cao rồi" không? (I Côrinhtô 6.20). Bạn có hiểu "chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình" không? (I Phierơ 1.18-19).
B. Theo ý nghĩa đặc biệt, Phaolô được kêu gọi làm một Sứ Đồ.
Tất cả những tín đồ đều là tôi tớ, nhưng chỉ một ít người dám xưng tước hiệu "sứ đồ". Từ ngữ nầy sát nghĩa có ý nói tới "sứ giả". Từ nầy được sử dụng trong Kinh Thánh mô tả một nhóm người được chọn, họ đã được ủy thác theo cách riêng bởi Chúa phục sinh và được sai đi với uy quyền của Ngài để đặt nền tảng cho Hội Thánh. Êphêsô 2.20 dạy cho chúng ta biết rằng Hội Thánh được "dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà".
Phaolô "tôi tớ của Đức Chúa Trời" hạ mình xuống mang lấy một uy quyền mà chẳng có một tín đồ nào dám xưng nhận ngày hôm nay. Ông là "sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ". Ông đã viết, đã giảng và đã hành động như một đặc phái viên có đầy đủ quyền bình của nhà Vua.
II. Sự thần phục của Phaolô (các câu 1b-2a).
Vừa là "tôi tớ" phủ phục xuống nơi chơn của Đấng Christ vừa là "sứ đồ" đã rao giảng với quyền bính của Đấng Christ, ông tuyệt đối thần phục theo chương trình tối cao của Đức Chúa Trời. Ba từ sau đây tóm tắt sự thần phục đó. Chúng nói tới vòng tròn của sự cứu rỗi trọn vẹn: sự xưng công bình, sự nên thánh và sự vinh hiển. Chúng ta thấy ở đây Phaolô đã ký thác vào công cuộc truyền giáo, sự gây dựng và sự khích lệ.
A. Phaolô đã ký thác vào công cuộc truyền giáo.
Phaolô nói ông là "tôi tớ" và là "sứ đồ… để đưa các người được chọn của Đức Chúa Trời đến đức tin và sự thông hiểu lẽ thật". Trong một bức thư tương tự viết cho vị Mục sư trẻ tuổi khác là Timôthê, Phaolô viết: "Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời" (II Timôthê 2.10).
Chúng ta hiểu rằng Kinh Thánh sử dụng cụm từ "được chọn của Đức Chúa Trời" đề cập tới những kẻ được chọn bởi Đức Chúa Trời để được cứu cho đến đời đời. Êphêsô 1.4 chép: "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ". Đối với các tín hữu thành Têsalônica, Phaolô viết: "Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em" (II Têsalônica 2.13). Phaolô dặn Timôthê rằng Đức Chúa Trời đã "…cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng" (II Timôthê 1.9). Phierơ đã viết cho các tín hữu nào đã được "chọn theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha, và được nên thánh bởi Đức Thánh Linh" (I Phierơ 1.2). Như Khải huyền 21.27 dạy: "kẻ được chọn" là những người có tên của họ đã được biên vào "sách sự sống của Chiên Con" từ trước khi sáng thế.
Làm sao chúng ta biết ai ở trong số người được "chọn của Đức Chúa Trời"? Làm sao chúng ta biết ai đã được chọn? Câu trả lời đang có ở trước mặt chúng ta. Những người được Đức Chúa Trời chọn lựa đã được ban cho "đức tin" để tin theo Đức Chúa Jêsus Christ. Sự thần phục của Phaolô là phải lo rao giảng sứ điệp Tin Lành thật rõ ràng cho mọi người vì chúng ta không biết ai sẽ được cứu. Khi “người được chọn của Đức Chúa Trời" nghe Đạo, họ tiếp nhận "đức tin" qua sự lôi kéo của Đức Thánh Linh để làm cho sự lựa chọn của họ hoạt động. Rôma 10.17 chép: "Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng". Đây là sự khích lệ vì chúng ta biết rõ Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn kéo ai đó đến với chính mình Ngài!
Vì thế, một sự ký thác vào công cuộc truyền giáo là phải dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời cho rõ ràng, rao giảng rõ ràng Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Jêsus Christ để những người nào được chọn sẽ ăn năn và tin trong "đức tin". Đấy là tấm gương của Phaolô cho các Hội Thánh ở đảo Crete và là tấm gương của chúng ta ngày hôm nay.
Buồn thay, nhiều Hội Thánh hiện đại đã làm hư hỏng Tin Lành thanh sạch đó. Mới đây tôi có nghe nói: "Hội Thánh đương thời thường thất bại không trình bày Tin Lành đủ nên người chưa được chọn mới chối bỏ Tin Lành đó!" Cho phép tôi nói rõ ràng hơn. Chúng ta không thể nâng cấp Tin Lành. Chúng ta không thể cải thiện được Tin Lành. Chúng ta chỉ phải công bố Tin Lành ấy với sự nhận biết rằng Đức Chúa Trời chí cao của chúng ta sẽ làm phần còn lại.
Đấy là sự trợ giúp, có phải không? Sự trợ giúp đó cất bỏ đi áp lực. Chúng ta không phải "mở lòng loài người". Chúng ta không phải tiếp thị Tin Lành. Chúng ta không phải hành động lòe loẹt như nhân viên tiếp thị xe hơi tìm cách kết thúc thỏa thuận trước khi chúng ta mất khách hàng. Chúng ta không phải áp dụng chiến thuật áp lực cao. Nếu Đức Chúa Trời tể trị lựa chọn họ, nếu Đức Chúa Trời làm hết mọi việc để cứu họ, khi ấy chúng ta chỉ phải trình bày Tin Lành chơn thật và tin cậy Đức Chúa Trời lo làm phần còn lại. Đấy là sự ký thác vào công cuộc truyền giáo của Phaolô, và phải là của chúng ta nữa.
B. Phaolô đã ký thác vào sự gây dựng.
Mối quan tâm của Phaolô không những là cho công cuộc truyền giáo thôi đâu. Ông không muốn chỉ tiếp lấy người được cứu, ông còn muốn tiếp nhận "người thông hiểu lẽ thật phù hợp với sự tin kính". Bản Kinh Thánh NIV nói câu nầy rõ ràng hơn: "sự thông biết lẽ thật dẫn tới sự tin kính". Vị sứ đồ không những quan tâm đến sự xưng công bình, mà ông còn muốn nhìn thấy sự nên thánh nữa. Ông muốn nhìn thấy người ta đang tấn tới trong "lẽ thật" là điều sẽ dẫn họ biết sống "với sự tin kính" nữa. "Thông hiểu lẽ thật" đề cập tới "lẽ thật cứu rỗi", một sự hiểu biết rõ ràng lẽ thật trong sứ điệp Tin Lành làm thay đổi đời sống. Đức Chúa Trời "… muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật" (I Timôthê 2.4). Ngược lại, là kẻ bị hư mất trong vòng triết lý hư không của đời nầy là kẻ "vẫn học luôn mà không hề thông biết lẽ thật được" (II Timôthê 3.7).
Khi một người thực được sanh lại, người ấy được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh (Êphêsô 1.13). Người ấy được tái sanh, được ban cho một bổn tánh mới và trở thành "một người mới" (II Côrinhtô 5.17). Sự hiện diện của Đức Thánh Linh và bổn tánh mới nầy cung ứng cho tân tín hữu một sự khao khát về "lẽ thật". Khi người thông hiểu "lẽ thật" của Kinh Thánh, người ấy tấn tới trong "sự tin kính". Như vậy, sự cứu rỗi thực luôn luôn dẫn tới sự nên thánh thực!
Kinh Thánh biết rõ không một điều gì trong công cuộc truyền giáo không dẫn đến sự gây dựng. Không một chỗ nào trong Kinh Thánh nói tới việc được cứu rỗi mà không nói tới việc được nên thánh. Hãy xem trước ở 2.11-13: "Vả, ân điển Đức Chúa Trời hay cứu mọi người, đã được bày tỏ ra rồi" cho chúng ta. Ân ấy dạy chúng ta điều gì? Ân ấy dạy chúng ta phải chừa bỏ "sự không tin kính và tình dục thế gian". Ân điển của Đức Chúa Trời dạy chúng ta phải "sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức" và phải "chờ đợi" Chúa Jêsus tái lâm.
Đức Chúa Trời lựa chọn chúng ta để chúng ta sẽ trở nên giống như Ngài. Mục đích của Ngài trong sự lựa chọn là để cho chúng ta phải mặc lấy "sự tin kính". Một lần nữa Êphêsô 1.4 chép: "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời". Rôma 8.29 chép: "Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài…".
Bạn đã được cứu chưa? Vậy thì hãy lấy hết năng lực theo đuổi "lẽ thật" để bạn có được "sự tin kính". Trong tư thế hạ mình, hãy quỳ gối xuống như một "tôi tớ" trước Nhà Vua Cao Cả và tìm cách làm đẹp lòng Ngài chớ không làm đẹp lòng bạn.
Người ta đến với nhà thờ với nhiều lý do khác nhau. Có người đến để nghe nhạc, nhiều người khác đến vì các mối quan hệ và vẫn có nhiều người đến vì đấy là "việc phải làm". Tuy nhiên, chúng ta nên đến để đương diện với "lẽ thật" để chúng ta kiếm được "sự tin kính". Mục đích thực sự của chúng ta trong việc dự phần vào sinh hoạt của Hội Thánh, ấy là chúng ta phải sống thánh khiết giống như Ngài là thánh khiết vậy (I Phierơ 1.15-16).
Bạn có biết điều chi xảy ra khi một Hội Thánh phấn đấu để được nên thánh không? Một môi trường phát triển để cho Đức Thánh Linh tự do tể trị. Đức Chúa Trời kéo người ta đến và họ được cứu. Tội lỗi phải được đương diện với và phải được xưng ra. Nhiều tín đồ nhắm vào truyền giáo mà không nhắm vào những theo đuổi ích kỷ nữa. Sự thờ phượng thật diễn ra. Cộng đồng được thay đổi. Sự phục hưng bước vào và nó lan rộng ra đến các Hội Thánh khác.
Tại sao chúng ta không nhìn thấy điều nầy đang diễn ra? Tại sao điều nầy không diễn ra trên đảo Crete? Vì thế gian vây lấy Hội Thánh thay vì Hội Thánh vây lấy thế gian. Cho phép tôi cung ứng cho bạn một số trường hợp từ mục Beliefs & Ethics trong tuần nầy trên tạp chí địa phương của chúng ta. Thứ nhứt, đã có một bài viết về con trai của Jim và Tammy Faye Bakker, là Jay. Bài viết nầy đã thúc đẩy chàng trai 25 tuổi nầy có một quyển sách mới nhan đề là Con trai của một nhà truyền đạo và theo đề tựa làm "lan rộng nhánh Cơ đốc giáo được thử nghiệm bằng lửa – một người chỉ biết yêu thương và tiếp nhận, chớ không phải xét doán và tội lỗi". Bakker nói: "Chúng ta lạc mất tiêu điểm của ân điển và sự tha thứ của Đấng Christ". Sống lẫn lộn với những tay nhạc rock và kẻ thô lỗ ở Atlanta, anh ta "tin rằng Chúa Jêsus yêu anh ta giống như anh ta yêu vậy". Anh ta nói thêm: "Thay vì thế, ‘Ổ, bạn đã uống say nữa rồi; bạn đã đến tận đây; tôi không muốn phải làm việc gì với bạn cả’, họ muốn: ‘Chúng ta giúp đỡ như thế nào đây? Làm sao chúng ta hồi phục được chứ?"
Chúa Jêsus không ban hiến ơn tha thứ và ân điển cách nhưng không. Tuy nhiên, ân điển của Ngài LUÔN LUÔN DẪN TỚI SỰ TIN KÍNH. Ngài không cứu chúng ta để chúng ta cứ ở lì trong tội lỗi của chúng ta!
Ngay dưới đây là một bài viết khác có đề tựa là: "Cơ đốc nhân xét đoán – và thiêu đốt – văn hóa pop". Theo quyển sách mới của ông Eyes Wide Open. Looking for God in Popular Culture [Mắt mở rộng ra. Tìm kiếm Đức Chúa Trời trong xã hội đời thường], William D. Romanowski, một vị giáo sư tại Đại học đường Calvin, một trường Cơ đốc ở Grand Rapids, bang Michigan: "Những người đã được sanh lại sử dụng trung bình 7 lần nhiều giờ mỗi tuần lễ để xem TV hơn là cho các cuộc theo đuổi thuộc linh và tốn gấp hai lần tiền bạc vào cuộc giải trí hơn là họ dâng vào Hội Thánh của họ".
Khi được hỏi: "Tôi có thể cứ xem cuốn phim hay nếu nó có một vài chỗ khỏa thân trong đó không?" Ông ấy đáp: "Còn tùy. Có người xem, có người không xem. Tùy vào cấp độ trưởng thành của một người, tài khéo phê phán, xuất xứ của họ. Nhiều Cơ đốc nhân xem xét rồi vấn đề nầy. Mối quan tâm của tôi là họ xem phim ấy như thế nào khi là một Cơ đốc nhân?" Tôi xin lỗi?
Còn về Thi thiên 101.3: "Tôi sẽ chẳng để điều gì đê mạt trước mặt tôi; Tôi ghét công việc kẻ bất-trung: Việc ấy sẽ không dính vào tôi", cùng với hàng trăm câu khác nói về sự tin kính và thanh sạch.
Đạt tới "sự thông hiểu về lẽ thật" sẽ LUÔN LUÔN dẫn tới "sự tin kính". Giống như Phaolô, chúng ta phải dấn thân vào việc dạy dỗ "lẽ thật" cho người ta để họ sẽ được dẫn dắt trong đường "tin kính".
C. Phaolô ký thác vào việc khích lệ.
Vị sứ đồ lỗi lạc không những quan tâm đến công cuộc truyền giáo và sự gây dựng, mà ông còn nhìn biết người ta cần sự khích lệ nữa, vì vậy ông đã dấn thân vào chỗ "trông cậy sự sống đời đời" nữa (câu 2). "Đức tin của người được chọn của Đức Chúa Trời" đề cập tới sự xưng công bình. "Lẽ thật" và "sự tin kính" đề cập tới sự nên thánh. "Trông cậy sự sống đời đời" chỉ ra trước cho chúng ta thấy sự vinh hiển trong tương lai.
Theo cách nói hiện đại của chúng ta "trông cậy" đề cập tới những việc còn trong tương lai mà chúng ta trông mong nhưng là những việc không chắc chắn (nghĩa là: "Tôi mong đội của tôi chiến thắng"). Sự trông cậy theo Kinh Thánh chỉ ra một tương lai rất chắc chắn vì tương lai đó căn cứ theo những lời hứa trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Chúng ta không có kiểu "trông" để mà trông, mà "trông" với sự biết chắc.
Phaolô cứ giữ việc rao giảng Tin Lành và giữ sự hầu việc Đức Chúa Trời giữa sự chống đối bằng cách nào? Làm sao ông cứ đi tới dưới sự bắt bớ nghiệt ngã như thế chứ? Ông cứ giữ "sự trông cậy" của mình ở trước mặt.
Ông đã giữ mắt nhìn về phần thưởng. Ông nói: "nhưng tôi đang chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi … tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ" (Philíp 3.12,14).
Philip Yancey mô tả thông tục trong tang chế của người Hồi giáo châu Phi. Gia đình và bạn hữu quây quần quanh quan tài, yên lặng nhìn vào thi thể. Không có một tiếng hát, chẳng có một cánh hoa và không có nước mắt. Một cây kẹo bạc hà cay được chuyền đến cho từng người. Như một dấu hiệu, từng người một đưa cây kẹo ấy vào miệng mình (nam hay nữ). Khi cây kẹo hết rồi, mỗi người dự phần được nhắc nhớ rằng cuộc sống dành cho người nầy đã hết rồi. Họ tin sự sống chỉ bị hủy đi rồi mà thôi. Không có sự sống đời đời chi hết. Không có sự trông cậy nữa. Làm sao mà người ta sống như thế được chứ?
"Trông cậy" bảo đảm cho chúng ta về hậu quả sau cùng của sự chúng ta được cứu. I Giăng 3.2- 3 chép: "Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy. Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên thanh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch". "Trông cậy" khích lệ chúng ta trong các chức vụ của chúng ta trong lúc bây giờ. Chúng ta nhìn tới đàng trước lắng nghe nhà Vua phán: "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi" (Mathiơ 25.21). "Trông cậy" mặc lấy cho chúng ta quyền phép để chịu đựng sự bắt bớ và đau khổ. Phaolô nói ở Rôma 8.18: "Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta".
III. Sứ mệnh của Phaolô (các câu 2b-3).
A. Phaolô được ủy thác cho phải rao giảng Lời của Đức Chúa Trời.
Ông nói ở câu 3 rằng Đức Chúa Trời đã "bày tỏ lời của Ngài ra bởi sự giảng dạy, là sự ta đã chịu giao phó theo mạng lịnh Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta". Phaolô vốn hiểu rõ rằng vai trò của ông trong công cuộc truyền giáo, sự gây dựng và khích lệ nằm trong sự trung tín "giảng dạy" Lời của Đức Chúa Trời.
Từ Hy lạp nói tới "giảng dạy" phác họa ra một sự truyền bá rộng khắp sứ điệp của nhà vua. Từ nầy luôn luôn đề cập tới sự công bố công khai. Khi chúng ta rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, người ta đạt tới đức tin cứu rỗi, tấn tới trong sự họ thông biết lẽ thật, mặc lấy sự tin kính và được khích lệ cho tương lai.
Trong Hội Thánh hiện đại "giảng dạy" thường bị hạ thấp. Một trong những dấu hiệu của những ngày sau rốt, ấy là người ta "không chịu nghe đạo lành … vì họ ham nghe những lời êm tai" (II Timôthê 4.3). Họ sẽ tìm kiếm những vị giáo sư nào lo gây dựng lòng tự trọng của họ và khiến cho họ cảm thấy tốt hơn về chính mình họ. Có người đã nói rằng ngày nay chúng ta có "bài thuyết pháp ngắn dành cho hạng Cơ đốc nhân theo thời khắc".
Đức Chúa Trời đã ấn định rằng Lời của Ngài sẽ được công bố qua việc "giảng dạy". Phaolô không chọn giảng dạy như một công việc. Đức Chúa Trời đã ủy thác cho ông. Ông nói chính vì việc ấy mà ông đã ra đời ở Galati 1.15-16: "Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi, hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo". Ông đã nói ở I Timôthê 2.7: "ta đã được cử làm thầy giảng, là sứ đồ và giáo sư cho dân ngoại". Ông nói ở I Côrinhtô 9.16: "Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ gì khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay!"
Trở lại với phân đoạn Kinh Thánh gốc của chúng ta ở câu 3, điều chi đã được "bày tỏ" hay làm cho người ta biết rõ qua việc "giảng dạy"? Ấy là "Lời của Ngài". Công việc của tôi không phải làm để cho bạn giải trí, vận động hay dụ dỗ bạn đâu. Tư tưởng, ý tưởng và luận lẽ của tôi chẳng có gì là quan trọng hơn của bạn đâu. Đấy là lý do tại sao khi tôi rao giảng, tôi CHỈ phải rao giảng "Lời của Ngài", vì chỉ có "Lời của Ngài" mới đem lại sự sống mà thôi.
Phaolô nhắc cho Hội Thánh Côrinhtô nhớ chính sự việc nầy ở I Côrinhtô 2.4-5: "Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời". Ông đã nói ở II Côrinhtô 4.5: "Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em".
Nhiều Hội Thánh đang khao khát ngày hôm nay vì họ đã được trưởng dưỡng bằng thực đơn "đồ ăn vụn thuộc linh". Nếu tôi để cho chúng, mấy đứa con của tôi cứ ăn kẹo, ăn kem và khô cá hồi Pháp thôi, chẳng ăn thứ gì khác hết. Chúng cũng sẽ đau bịnh và suy dinh dưỡng cho xem. Về mặt thuộc linh, chúng ta cần một thực đơn đầy đủ Lời của Đức Chúa Trời.
Có lẽ mưu luận quan trọng nhất của vị Sứ đồ từng được đưa ra cho Tít cũng như cho nhà truyền đạo khác là Timôthê, bạn đồng sự của Tít. Phaolô dặn ông ở II Timôthê 4.2: "hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi". Ông không nói giảng một bài giảng hay một bố cục, ông nói: "Giảng Đạo!" Ông cần phải làm theo điều nầy "bất luận gặp thời hay không gặp thời", cả hai dù là lời ấy được tiếp nhận hay khi không được tiếp nhận. Với lời của Đức Chúa Trời, Timôthê cần phải "bẻ trách" người ta về lẽ thật, phải "quở trách" họ về tội lỗi, phải "nài khuyên" họ trong sự tin kính và tiếp tục giảng dạy, giảng dạy, giảng dạy "cứ dạy dỗ chẳng thôi". Thậm chí Phaolô còn cung ứng cho chúng ta thêm ba lý do tại sao trong một chức vụ trưởng thành Ngôi Lời cần phải được thường xuyên rao giảng.
B. Lời của Đức Chúa Trời là chơn thật.
Ở câu 2, Phaolô nói tới "Đức Chúa Trời không thể nói dối". Nếu có một việc mà Đức Chúa Trời không thể làm, ấy là nói dối. Vị tiên tri trung tín Samuên đã tuyên bố cới Vua Sau-lơ trong I Samuên 15.29: "Vả lại, Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối, và không ăn năn; vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn!" Hêbơrơ 6.18 chép: " … Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối".
Lời của Đức Chúa Trời là chơn thật vì Đức Chúa Trời không thể và sẽ không nói dối với chúng ta. Nói dối ra từ Satan. Chúa Jêsus phán ở Giăng 8.44: "…ma quỉ,… chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối".
C. Lời của Đức Chúa Trời là đời đời.
Phaolô nói thêm rằng những gì đã được "hứa từ muôn đời về trước" “tới kỳ chỉ định, Ngài đã bày tỏ lời của Ngài ra bởi sự giảng dạy". Lời của Đức Chúa Trời, chương trình của Đức Chúa Trời, sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời, ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, sự nên thánh và sự vinh hiển qua Đức Chúa Jêsus Christ thì chẳng có gì mới mẻ. Cơ đốc giáo không phải là một tôn giáo mới đâu. Tôn giáo ấy đã có 2.000 năm rồi. Đây là sự ứng nghiệm của những gì Đức Chúa Trời đã hứa trong cõi quá khứ đời đời "từ muôn đời về trước". Ngày nay, các lẽ thật đời đời nầy đã được làm cho ai nấy đều nhận biết qua sự "giảng dạy" "Lời của Ngài".
D. Lời của Đức Chúa Trời được ủy thác cho chúng ta.
Phaolô nói rằng "Lời của Ngài" đã được "giao phó cho ta theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời". Đức Chúa Trời đã "giao phó" cho Phaolô, ký thác cho ông với lẽ thật thiêng liêng, ban sự sống. Ông đã dặn Timôthê phải "lấy lòng tin và yêu trong Đức Chúa Jêsus Christ mà giữ lấy mẫu mực của các sự dạy dỗ có ích, là sự con đã nhận lãnh nơi ta" (II Timôthê 1.14, NIV).
Trong quyển sách trước đây của ông, qua "Lời của Ngài", chúng ta có một sự trông cậy thiêng liêng. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Kinh Thánh qua Phaolô và các sứ đồ khác. Phaolô "giao phó" nó cho các môn đồ khác, những người như Tít và Timôthê. Ông căn dặn họ phải "giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác" (II Timôthê 2.2). Giờ đây chúng ta đã tiếp nhận "sự trông cậy thiêng liêng". Sự cậy trông ấy đã được truyền qua cho chúng ta. Tôi phải trung tín rao giảng sự trông cậy đó ở đây trên tòa giảng nầy. Bạn phải rao giảng sự ấy trong các lớp Trường Chúa nhựt, các nhóm học Kinh Thánh, các mối quan hệ môn đồ hóa, nơi sở làm và vùng lân cận của bạn. Trong một chức vụ trưởng thành, cây gậy được chuyền cho thế hệ các tín hữu khác.
IV. Mối quan tâm của Phaolô (câu 4).
Sau phần giới thiệu hoành tráng của Phaolô về ơn kêu gọi, sự phó thác và sứ mệnh của ông, ông thêm vài lời nói về sự ông quan tâm và lo lắng cho Tít là người bạn thân và là con cái của ông trong đức tin.
A. Tít là Con thật trong đức tin chung.
Phaolô gọi Tít là "con thật", về cơ bản có ý nói "con hợp pháp". Ông nói cùng một việc y như đã nói tới Timôthê (I Timôthê 1.1; II Timôthê 1.2). Có lẽ Phaolô đã hướng dẫn Tít, cũng như Timôthê đến với đức tin cứu rỗi trong Chúa Jêsus. Tít là "con thuộc linh" của ông. Hầu hết các tín đồ đều có một "cha thuộc linh", là người đã giảng Tin Lành cho họ khi họ được cứu. Mẹ tôi đã giảng Tin Lành cho tôi và là nguồn ảnh hưởng thuộc linh chính trong đời sống thơ ấu của tôi.
Tít là con của Phaolô "trong đức tin chung" dường như có ý nói rằng Tít giờ đây đã chia sẻ "đức tin" trong cái "chung" với Phaolô. Tít là bản sao công tác giảng dạy của Phaolô. Phaolô đã dạy dỗ Tít bằng lời của Đức Chúa Trời. Có Tít trên đảo Crete giống như có Phaolô trên đảo Crete. Tít đã có những chức vụ giống hay "chung" nhất với chức vụ của Phaolô.
B. Lời cầu nguyện của Phaolô xin cho có ân điển, thương xót và bình an.
Phaolô đã cầu nguyện xin cho có "ân điển, thương xót và bình an" cho Tít. Khắp cả Tân Ước, Phaolô sử dụng lời chào Cơ đốc rất phổ thông gồm "ân điển" và "bình an". Mặc dù chúng ta có thể đào sâu hơn ở đây, cần phải nói rằng chính trong "ân điển" mà Đức Chúa Trời đã xưng công bình chúng ta, làm nên thánh và làm vinh hiển cho chúng ta. Khi Ngài làm những việc nầy trong đời sống chúng ta, chúng ta thấy cả hai "hòa thuận với Đức Chúa Trời" (Rôma 5.1) và sự "bình an của Đức Chúa Trời" (Philíp 4.6-7).
Hỡi Hội Thánh, giống như các Hội Thánh ở đảo Crete, chúng ta cần phải tấn tới trong sự trưởng thành. Tôi không thể nghĩ sách nào trong Kinh Thánh có sự dạy dỗ trực tiếp cho chúng ta hơn là sách Tít nầy. Dù vậy, hãy nhớ sự tấn tới phải có thời gian. Mùa gặt sắp đến rồi.
Ngày kia, tôi có đọc về một người mua căn nhà với cây nọ trong sân sau. Trời đang lúc mùa đông, và không thể nhận ra cây nầy khi đó. Khi mùa xuân đến, cây trổ lá và chồi nhỏ đơm ra. Người ấy nghĩ: "Ôi đẹp quá! Một cây có hoa! Ta sẽ thưởng thức vẻ đẹp của nó suốt cả mùa hè". Nhưng trước khi ông ta có thì giờ để thưởng thức các bông hoa, ngọn gió bắt đầu thổi và không lâu sau đó các cánh hoa đều rụng lả tả trên sân. Ông ta nghĩ: "Thiệt là lộn xộn, cây nầy chẳng có tích sự chi hết". Mùa hè qua đi, rồi một ngày kia người ấy để ý thấy cây đầy những trái xanh cở bằng quả hạch lớn. Ông ta rứt lấy một quả rồi cắn một miếng "Ôi chao!" ông ta kêu lên rồi ném nó xuống đất: "Mùi gì mà khiếp quá! Cây nầy vô giá trị. Bông hoa của nó thiệt là mong manh, ngọn gió thổi đùa đi, còn trái của nó thì đắng nghét hà. Khi mùa đông đến, ta sẽ đốn hạ nó". Nhưng cây ấy chẳng chú ý gì đến người đó và cứ tiếp tục kéo nước từ dưới đất lên và hơi ấm từ mặt trời, rồi mùa thu đến đã cho ra những trái táo mọng đỏ.
Cần phải có thời gian để tấn tới thành một Hội Thánh trưởng thành. Những ngọn gió nghịch cảnh thổi đi những cánh hoa trổ sớm. Những trái đầu tiên thường đắng và khó ngửi. Nhưng nếu chúng ta chịu khó trưởng dưỡng cây chức vụ của mình bằng Nước Hằng Sống Lời Đức Chúa Trời và bón phân với sự thánh khiết của đời sống chúng ta, chắc chắn nó sẽ tạo ra "bông trái công bình và bình an" cho xem (Hêbơrơ 12.11).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét