Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Samsôn 1



CÁC BÀI HỌC TRÍCH TỪ ĐỜI SỐNG CỦA SAMSÔN,
Các Quan Xét 13-16. Phần một.
"Sự yếu đuối của Samsôn là do tánh tự mãn, trong khi phần dạy dỗ thuộc linh đề ra trong chương 13 là nhắm vào tính hy sinh, tự quên mình. Quyền năng của Chúa được kết nối với Đấng Christ trên cao" - C. A. COATES.
Trong cuộc đời của Samsôn, có nhiều bài học cả về đắc thắng và thất bại. Các khuôn mẫu ấy được Kinh thánh thể hiện ra khi chúng ta nghiên cứu đời sống của ông. Trong phần nghiên cứu đặt trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ cố gắng tiếp thu các bài học mà Đức Thánh Linh dành cho chúng ta – các bài học về một bản chất đặc trưng cũng như thực tế.
Chương 13 của sách Các Quan Xét bắt đầu phần lịch sử của Samsôn. Những câu 24-25 ghi lại sự ra đời của ông, nhưng Chúa trên trời thật khôn khéo bắt đầu phần nghiên cứu trong mấy câu trước đó của chương nầy. Chúng ta đến với phần suy đồi của sách nầy. Giờ tăm tối đã đến rồi. Lần nầy chính người Philitin đang cai trị trên Israel. Khi chúng ta xem qua mấy câu mở đầu của chương nầy, chúng ta thấy đôi điều rất nổi bật. Ở mỗi chỗ suy đồi, mấy lời nầy ra từ Đức Chúa Trời: "Dân Israel kêu cầu cùng Đức Giêhôva". Lần suy đồi sau cùng nầy dưới thời Các Quan Xét không ghi lại một lời kêu cầu hoặc một sự quay trở lại nào với Đức Giêhôva. Việc nầy chẳng có gì ngạc nhiên, vì lần giải cứu sau cùng nầy không được trọn vẹn và bất toàn.
Chương 13 chỉ ra quyền uy tối thượng của Đức Chúa Trời. Chúng ta đừng bao giờ, trong phần nghiên cứu các lẽ thật trong sách nầy, không nhìn thấy sự thật Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị. Trong sách Các Quan xét, chúng ta thấy một chu kỳ tự nó thể hiện ra: tội lỗi, tình trạng nô lệ, cầu xin, sự cứu rỗi, im lặng. Tội lỗi luôn luôn đưa đến tình trạng nô lệ – cho thế gian, cho xác thịt, hay cho Ma quỉ. Nhưng người nào thực sự mong muốn được giải cứu, cầu nguyện trở thành nguyên tắc – một sự kêu cầu được lập ra với Chúa. Ngài là Đấng yêu thương chúng ta nhiều hơn chúng ta từng nhìn biết, Ngài lắng nghe và đáp lời. Cũng một thể ấy trong trường hợp tuyển dân của Đức Chúa Trời, là Israel. Một tiếng kêu cầu được thực hiện, và Đức Chúa Trời bèn giải cứu – đó là sự cứu rỗi. Và kết quả tự nhiên của sự cứu rỗi chính là sự bình an – sự im lặng. Cũng thế trong trường hợp của Israel.
Ở đây, trong lần suy đồi sau cùng, dân sự dửng dưng đến nỗi họ không còn muốn kêu cầu với Chúa nữa. Thế nhưng chính ân điển của Chúa nên Đức Chúa Trời mới cung ứng cho một người đến giải cứu dân sự Ngài. Chắc chắn, sự giải cứu nầy không căn cứ vào công trạng riêng của họ hoặc bất cứ việc gì họ làm ra. Họ chẳng làm được một việc gì xứng đáng với một sự giải cứu như thế; không cứ cách nào thì Đức Chúa Trời đang thực hiện sự giải cứu đó.
Kẻ áp bức trong lần bội đạo sau cùng nầy chính là người Philitin.
Dân nầy là dân nào và họ tiêu biểu cho cái gì? Theo lai lịch của họ, họ đến từ xứ Ai cập (Sáng thế ký 10.13,14), nhưng họ đã đi theo một hướng và một phương pháp khác hơn tuyển dân Israel. Hướng đi của họ là một chuyến hành trình dễ dàng và ngắn ngủi, bởi đó họ tránh né được Biển Đỏ và dòng sông Giôđanh. Hai dòng nước nầy tiêu biểu cho sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, và chẳng có phần gì trong lịch sử của họ. Họ đã có mặt trong đất của tuyển dân Đức Chúa Trời, họ đã không đến đó bằng các phương tiện mà Đức Chúa Trời đã chỉ định. Xuất Êdíptô ký 13.17. Hiển nhiên, là họ không có một quyền hạn đối với đất đai ở đó, vì Đức Chúa Trời đã ban xứ ấy cho dân Israel. Phục truyền luật lệ ký 32.8, 9.
Vậy thì họ tiêu biểu cho cái gì mới được? Họ, người Philitin, tiêu biểu cho phần tôn giáo theo đời nầy: thứ tôn giáo khả thi cho người chưa được cứu. Học thuyết của người Philitin là thứ tôn giáo tránh né Đức Chúa Trời của Kinh thánh. Chủ nghĩa đổi mới và chủ nghĩa hình thức là chủ nghĩa của người Philitin trong thời của chúng ta. Họ xưng mình là con cái của Đức Chúa Trời, nhưng họ không có quyền xưng nhận mối quan hệ đó, họ bị hư mất không có Đức Chúa Trời, vì họ không tiếp nhận Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời bởi đức tin (1 Giăng 1.12,13). Họ sống y như những kẻ trong II Timôthê, họ có một hình thức tin kính, nhưng lại chối bỏ quyền phép của sự tin kính đó.
Học thuyết Philitin vẫn còn tệ hại, học thuyết nầy được thấy trong thời của chúng ta, có những người là bậc thầy, họ chưa được sanh lại, lại được tiếp nhận như các cấp lãnh đạo và giáo sư trong các Hội thánh và các tổ chức tôn giáo. Họ đã đem những việc thánh của Đức Chúa Trời giày đạp dưới chân, qua việc làm ấy, họ đã đưa ra bằng chứng cho thấy rằng sự sanh lại là không cần thiết. Và, đáng buồn khi sự việc xảy có như thế, họ đã dẫn theo nhiều linh hồn đi xuống cùng một con đường ấy.
Chữ Philitin nói tới con người tự nhiên không có Đức Chúa Trời, duy chỉ tôn giáo mà thôi. Họ chối bỏ mọi sự lạ lùng trong Ngôi Lời: sự hoá thân thành nhục thể, sự chết, sự chôn, và sự sống lại của Đấng Christ bị chối bỏ và bị kể như một mãy bụi rơi trên cân. Mọi sự mà con người thiên nhiên không nhìn thấy và cảm thấy đều bị chối bỏ hết.
Palestine có nghĩa là vùng đất của người Philitin; đây là danh xưng được ban cho vùng đất ấy trong Kinh thánh khi sự phán xét nó được nói ra trước (Xuất Êdíptô ký 13.14; Êsai 14.29, 31; Giôên 3.4). Họ xuất hiện lần đầu tiên trong Sáng thế ký 21, ở đây họ đã cướp của Ápraham một giếng nước, một kiểu cách phước hạnh thuộc linh. Người Philitin là kẻ thù không đội trời chung của Israel xuyên suốt lịch sử của họ trong xứ. Hiển nhiên, trong Cựu ước nói nhiều về họ hơn bất cứ một dân nào khác, trừ ra dân Israel. Câu nói sau cùng được ghi lại về họ trong Kinh thánh là: “Con ngoại tình sẽ làm vua trong Áchđốt; ta sẽ trừ sự kiêu ngạo của người Philitin” (Xachari 9.6). Đây là kẻ thù mà Samsôn đã đối diện với, và trong thực tế, chúng ta đối diện với học thuyết của họ ngày hôm nay. Họ là kiểu cách của những điều mà Hội thánh Laođixê tượng trưng cho trong thời của chúng ta. Chính Đức Chúa Trời có phán rằng Hội thánh Lao-đi-xê: "Ta sẽ nhả ngươi ta khỏi miệng ta".
Cần phải lưu ý rằng người Philitin không bị đè bẹp trọn vẹn cho tới sự trị vì của David – ông là kiểu mẫu đẹp đẽ của Đấng Christ trong sự thắng hơn của sự sống lại – đã được thiết lập ở trên đất.
Cần phải nói rằng người Philitin cũng tiêu biểu cho bổn tánh cũ của người tin Chúa khi họ sống ở trong đất của Israel. Họ là kẻ thù ở bên trong, và mặc nhiên phải bị đánh bại. Phương thức duy nhất để có sự thắng hơn một kẻ thù như thế là phải sống trong sự nương cậy trọn vẹn vào Đức Chúa Trời. Đây là cách để con cái của Đức Chúa Trời thắng hơn bất kỳ một kẻ thù nào.
MẸ CỦA SAMSÔN
Đức Chúa Trời dự trù giải cứu Israel theo cách riêng của Ngài. Thiên sứ của Đức Giêhôva đã hiện ra cùng vợ của Manôa, một người thuộc chi phái Đan. Bà được Đức Chúa Trời lựa chọn, nhưng có nhiều người đờn ông đã không chọn lấy bà. Tên của bà có nghĩa là son sẻ, bà là một sự rủa sã giữa vòng dân Israel. Các đường lối của Đức Chúa Trời không phải là đường lối của con người. Con người hay thiên về sự kính trọng và thiên vị giữa vòng họ, rồi chọn lấy giữa vòng họ theo dáng dấp bề ngoài. Nhưng không phải như thế với Đức Chúa Trời; Ngài lựa chọn theo các mục đích riêng của Ngài những việc dại dột của thế gian nầy để làm cho kẻ khôn phải hổ thẹn (I Côrinhtô 1.27-29). "Những yếu đuối cùng mọi lời quở trách bà chịu tạo cho bà sự dạn dĩ, sự ấy cho thấy rằng ơn cứu nầy đến từ Đức Chúa Trời, chớ không phải bởi quyền phép của con người. Từ chỗ yếu đuối, son sẻ, và sự chết Đức Chúa Trời đã đem lại sức lực và sự đắc thắng".
Trong ánh mắt của loài người, bà đã được đánh dấu bằng sự yếu đuối và lời trách mắng, nhưng trong ánh mắt của Đức Chúa Trời, bà là một người nữ có đức tin đến nỗi trước mặt Ngài bà chẳng có một thắc mắc nào. Điều nầy quí giá đối với Đức Chúa Trời và đáng chấp nhận đối với Ngài.
Bà là vợ của Manôa, tên của người là “yên nghỉ”. Lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời và một tấm lòng yên nghỉ không thể bị phân ra. Chúng đan quyện vào nhau.
Nơi Manôa và vợ của ông, chúng ta thấy kiểu cách của dân sót tin kính, họ vốn trông đợi Đấng Mêsi, Cứu Chúa của Israel. Họ cũng là một kiểu cách dân sót trong những ngày sau rốt, họ đã trải qua cơn đại nạn, đang trông đợi sự đến của Vua lớn.
Samsôn, theo một ý nghĩa, là một kiểu cách nói tới Chúa chúng ta, khi Ngài đến lần đầu tiên chỉ thấy một dân sót, và sẽ thấy y như vậy khi Ngài đến lần thứ hai.
"Samsôn có nghĩa là 'tia nắng', và lúc đầu ông đã mang lại sự sáng sủa cho gia đình mình và cho dân Israel trong một thời kỳ tăm tối của lịch sử họ. Nhưng đời sống ông đã kết thúc trong bóng tối vì ông đã không vâng theo Đức Giêhôva cách đầy trọn. Ông đã bắt đầu giải phóng Israel ra khỏi người Philitin (13.5), còn Samuên và David thì lo hoàn tất phần việc".
Ông đã được ơn rất nhiều, dù vậy ông đã vấp ngã. Ở đây chúng ta đã được nhắc nhớ tới bí quyết sức mạnh của chúng ta – cũng là bí quyết mà Samsôn đã tận hưởng – và đấy là bí quyết năng lực thuộc về người nào hoàn toàn nương cậy vào Đấng Toàn Năng.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét