Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Philíp 3.13-14: "HƯỚNG DẪN CHO MỘT NĂM MỚI PHƯỚC HẠNH"



HƯỚNG DẪN CHO MỘT NĂM MỚI PHƯỚC HẠNH
Philíp 3.13-14
Đức Chúa Trời là Đấng ban cho nhiều sự mới thật là kỳ diệu. Chúng ta đến với Ngài bởi đức tin nơi Đấng Christ và Ngài ban cho chúng ta đời mới. Tiếp đến, Ngài ban cho chúng ta một bổn tánh mới, một tấm lòng mới, một sự sống mới, một sự trông cậy mới, và một phần việc mới. Sau cùng, ở cuối con đường, Ngài sẽ ban cho chúng ta một thân thể mới trong một quê hương mới được gọi là thiên đàng. Không một điều chi ở đó sẽ trở nên già cỗi hay rách nát. “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật” (Khải huyền 21.5).
Giờ đây, Đức Chúa Trời ban cho bạn và tôi một Năm Mới. Điều nầy có ý nói một khởi sự mới cho ai đó trong chúng ta. Chúng ta chưa làm đủ trong năm cũ – chúng ta chưa sống cho Đức Chúa Trời như chúng ta đáng phải sống. Giờ đây chúng ta có một cơ hội để thực hiện một khởi sự mới. Nói như thế có nghĩa là một sự trông cậy mới cho ai đó. Chúng ta đã mơ tới những sự việc nhất định sẽ xảy ra trong năm cũ, nhưng những giấc mơ nầy chưa biến thành hiện thực, vì vậy chúng ta sẽ nắm lấy sự trông cậy rằng chúng sẽ thành ra hiện thực trong cả năm mới nầy … Điều nầy có ý nói tới những bổn phận mới cho ai đó. Có thể đó là một công việc làm ăn mới, có thể đó là các trách nhiệm cho gia đình mới, có thể đó là một địa vị mới cần phải nắm lấy. Bạn quyết định phải gánh lấy các trách nhiệm nầy một cách thành công hơn trong năm tới … Có thể đó là một đời mới cần phải sống theo. Ngày đầu năm vừa qua bạn chưa phải là một Cơ đốc nhân, nhưng giờ đây bạn biết rõ và kính mến Chúa và bạn muốn Năm Mới được kể cho Ngài. Được lắm, đây là thời điểm dành cho hết thảy chúng ta phải thay đổi cách sống và viết ra một câu chuyện mới trên một trang giấy trắng tinh. Nguyện Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta để viết ra câu chuyện đó.
Trong tiểu đoạn Kinh Thánh gốc, chúng ta thấy Phaolô đang nhìn vào hai phía. Ông đã nhìn lại phía sau và nghĩ đến mọi sự mà ông đã chịu đựng vì cớ Đấng Christ và mọi sự mà ông đã đạt được cho Đấng Christ. Thế rồi ông nói: “Tôi sẽ xây lưng đối với mọi sự ấy, vì có đôi điều còn quan trọng hơn ở trước mặt”. Khi nhìn về phía trước, ông nói: “Tôi sẽ tái dâng đời sống tôi cho Đấng Christ và gấp đôi mọi nổ lực của tôi cho Ngài. Tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Với cùng tư thế ấy, chúng ta có nhiệm vụ nhìn lại đàng sau, nhìn về quá khứ trong một lúc – chúng ta cần phải trao mọi sự cho Đức Chúa Trời rồi để mọi sự ấy lại cho Ngài. Rồi chúng ta nhìn tới trước về Năm Mới, toan liệu ở trong lòng mình rằng với sự vùa giúp của Đức Chúa Trời chúng ta sẽ biến năm nầy thành một năm tốt đẹp hơn cho Ngài. Chúng ta cùng nhau ao ước một Năm Mới Phước Hạnh, nhưng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa. Cho phép tôi cung ứng cho bạn một hướng dẫn cho Năm Mới Phước Hạnh. Hướng dẫn nầy gồm có 3 chữ R – repent (ăn năn), resolve (quyết tâm) và remember (nhớ).
I. Chúng ta cần phải ăn năn.
Giờ đây, chúng ta biết rõ ăn năn là bước đầu tiên đến với Đức Chúa Trời. Một người chưa được cứu và không thể đến với Đức Chúa Trời cho tới chừng nào người ấy biết ăn năn tội của mình trước đã. Tiếp đến, cùng với ăn năn, người ấy phải đặt lòng tin cậy nơi Đấng Christ rồi được cứu. Mỗi người đến với Đức Chúa Trời qua Đấng Christ đều ăn năn tội của mình … Nhưng cũng có một sự ăn năn dành cho Cơ đốc nhân. Ăn năn trước tiên đưa người đến chỗ đứng phải lẽ với Đức Chúa Trời và địa vị ấy không bao giờ thay đổi được. Người đã trở thành con cái của Đức Chúa Trời và mối quan hệ đó sẽ liên tục cho đến đời đời. Tuy nhiên, sự thưởng thức địa vị ấy có thể sẽ thay đổi. Người có thể phạm tội và mất đi mối giao thông ngọt ngào với Chúa.
Ađam và Êva đã bước đi với Đức Chúa Trời vào lối chiều, nhưng khi họ phạm tội, mối giao thông ngọt ngào ấy đã bị mất đi, và chúng ta nghe Đức Chúa Trời phán trong Vườn: “Ngươi ở đâu?” Họ không còn ở trong mối giao thông với Ngài nữa. Bạn có thể được cứu mà lại mất đi niềm vui của ơn cứu rỗi qua tội lỗi. David đã phạm một tội trọng. Ông vẫn là con cái của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta nghe ông kêu van: “Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa” (Thi thiên 51.12). Vì thế, chúng ta thấy một Cơ đốc nhân phạm tội với cùng tư thế ấy trong một ngày – trong việc làm, lời nói, hay trong tư tưởng. Người ấy cần đến với Đức Chúa Trời trong sự ăn năn, sám hối và cầu xin để được tha thứ. Chúng ta không hề đi ngủ lúc ban đêm cho tới chừng nào chúng ta đã nhìn xem Đức Chúa Trời, xưng tội mình, và làm mọi sự ra phải lẽ đối với Ngài. Và chắc chắn chúng ta không bước vào Năm Mới cho tới chừng nào chúng ta đã ăn năn về mọi sự sai trái mà chúng ta đã phạm trong năm cũ.
1./ Có những tội lỗi cần phải ăn năn. Ồ, bạn nhớ rõ chúng đấy! Bạn nhớ khi bạn bước ra rồi đã phạm những việc sai trái trước mặt Đức Chúa Trời và khi bạn là một Cơ đốc nhân bạn chẳng thấy vui sướng chi về sự ấy. Khi David phạm tội, ông đã giữ im lặng về sự đó trong một thời gian rất lâu. Nhưng ông không thể cầu nguyện – ông không thấy vui vẻ chi hết. Ông nói rằng xương cốt ông tiêu tàn và tay Đức Chúa Trời đè nặng trên ông. Nhưng khi ông phá vỡ sự im lặng, khi ông kêu van cùng Đức Chúa Trời, ông trút hết nỗi lòng mình ra. Ông thấy đường lối mình xây trở lại với chính tấm lòng của Đức Chúa Trời. Sự vui mừng đầy dẫy linh hồn ông và ông đã viết ra một Thi thiên thuật lại một người có thể được phước là thể nào khi tội lỗi người được che phủ.
Nếu bạn là một Cơ đốc nhân thực và nếu bạn phạm tội, bạn sẽ không có một lương tâm thanh thản đâu! Bạn sẽ không nói được: “Ồ, chẳng sao đâu!” Bạn sẽ thấy đau khổ cho tới chừng nào mọi việc đã được ngay thẳng giữa bạn và Chúa của bạn. Nếu bạn cứ tiếp tục phạm tội hết ngày nầy qua ngày khác và hết năm nầy sang năm khác, rồi chẳng thấy lương tâm dằn vặt về sự phạm tội đó, như thế có nghĩa là bạn chưa hề biết Chúa Jêsus là Cứu Chúa, hay Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng của bạn rồi.
Hãy suy nghĩ về Simôn Phierơ – ông là cánh tay hữu của Chúa Jêsus. Nhưng khi thời điểm thử thách đến, khi Chúa Jêsus phải chịu khổ, thì ông đi theo một khoảng xa xa. Ông đã vào trong sân rồi tự sưỡi ấm mình bằng ngọn lửa của kẻ thù. Ông đứng chen vai với những kẻ đang kêu gào đòi lấy huyết của Đấng Christ. Có ai đó hỏi ông có quen biết với Chúa Jêsus không!?! Ba lần ông nói dối và cho rằng ông không hề quen biết Ngài. Lần chối bỏ sau cùng của ông có một lời thề đi kèm. Bạn có nghĩ là Phierơ sẽ vui sướng không? Không, ông bước ra ngoài rồi dựa vào bức tường mà khóc lóc cách cay đắng. Trong lòng ông chẳng có sự bình an cho tới khi nào ông quay trở lại với Chúa Jêsus, thổn thức: “Lạy Chúa, Ngài biết hết mọi sự. Ngài biết rõ tôi yêu Ngài”. Cũng vậy, nếu bạn có bất kỳ tội lỗi nào đang đứng giữa bạn và Đức Chúa Trời hôm nay, hãy đẩy chúng ra khỏi tấm lòng bạn, đưa chúng ra ánh sáng, hãy quên chúng đi và hãy ném bỏ chúng, cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ và quên đi. Và Ngài sẽ làm y như thế. Ngài đã hứa như thế và Ngài luôn luôn giữ lời hứa của Ngài. “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác” (I Giăng 1.9). Tiếp đến, Ngài hứa bỏ hết mọi tội lỗi ra sau lưng Ngài, ném chúng vào vực sâu của đại dương, và quăng chúng ra khỏi chúng ta giống như phương đông xa cách phương tây vậy.
2./ Có sự chễnh mãng chưa chịu ăn năn. Có thể bạn không xả láng với tội lỗi công khai, nhưng bạn đã chếnh mãng các bổn phận Cơ đốc của mình. Khi bạn đến với Đấng Christ, bạn thề sẽ sống trung tín. Bạn giữ lời thề nầy trong một thời gian ngắn, thế rồi bạn để cho nhiều việc khác ụp đến trên Đấng Christ và Hội Thánh của Ngài, những thứ ngoài đời sống của bạn. Tiếng kêu gọi của Đấng Christ là tiếng kêu gọi vang lanh lảnh. Ngài không hề ấp úng trong bổn phận của Ngài – Ngài đi khắp các nẻo đường vì chúng ta. Giờ đây Ngài kêu gọi chúng ta phải sống thật trung tín. Nhưng một số người trong các bạn đã nghe theo các tiếng gọi khác. Thế gian cùng những tổ chức của nó đã kêu gọi quí bạn, và bạn đã xây lưng mình lại đối với các bổn phận Cơ đốc, và thì giờ của bạn mãi miết với những sự việc của trần gian.
Ở Kentucky có một người nam và một người nữ tin kính lo nuôi dạy một gia đình đông đúc gồm nhiều đứa con trai. Người mẹ hàng ngày cầu xin Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi một trong mấy đứa con trai của bà lo rao giảng Tin lành ở một công trường truyền giáo hải ngoại. Thì giờ đã đến khi Đức Chúa Trời làm theo lời cầu xin đó. Đứa con trai nhập học đại học và thần học viện rồi được tấn phong phục vụ ở Trung Hoa. Anh qua bang Georgia rồi thành hôn với một thiếu nữ xinh đẹp, cô cũng đã dâng đời sống mình để trở thành một giáo sĩ. Khi họ trở lại Kentucky cả gia đình đã hội hiệp lại và chào tạm biệt với đôi vợ chồng trẻ nầy. Họ đến lúc 10 giờ vào buổi sáng rồi dự định đi chuyến xe lửa lúc ban trưa. Người mẹ đang lui cui trong bếp và một trong mấy đứa con trai để ý thấy bà đang sụt sùi khóc. Anh ta nói: “Kìa mẹ, đây là ngày cuối ở nhà của anh con. Anh ấy sẽ qua Trung Hoa y như mẹ đã cầu nguyện mà. Anh ấy cần sự giúp đỡ và lòng dạn dĩ. Chúng ta hãy chổi dậy mau đi và đừng để cho anh ấy thấy mẹ đang khóc chứ!”
Bà đáp: “Mẹ không khóc vì anh ấy sắp ra đi, mẹ chỉ ước ao rằng mẹ có thể làm một việc gì đó cho anh ấy để làm cho gia đình vui vẻ hơn khi anh ấy đến tại Trung Hoa”.
Người con kia nói: “Sao vậy mẹ, mẹ đã làm mọi thứ cho anh ấy rồi mà. Mẹ sinh anh ấy ra, mẹ chăm sóc anh ấy thời tuổi thơ, mẹ lo dạy dỗ cho anh ấy. Mẹ đã làm mọi sự để cho anh ấy sẵn sàng ra đi mà”.
Bà đáp: “Đúng đấy, có lẽ mẹ đã làm được nhiều thứ hơn là mẹ nghĩ”.
Khi ấy người con trai nầy mới quàng tay quanh vai bà rồi nói: “Mẹ ơi, mẹ không nghĩ anh ấy là người con tốt đẹp nhất mà mẹ đang có hay sao?”
Và bà đáp ngay: “Tất cả con trai của mẹ đều tốt đẹp cả, nhưng đứa con tốt đẹp nhất mẹ có chưa tốt đủ cho Chúa Jêsus”.
Tôi ước ao rằng mỗi thuộc viên của Hội Thánh đều cảm nhận theo cách ấy. Mặc dù bạn dâng thì giờ, ta-lâng, tiền bạc cùng sự phục vụ tốt nhứt trong cả năm mới – tốt nhứt vẫn chưa đủ đối với Chúa Jêsus. Ồ, thật là xấu hổ khi chúng ta dâng cho Ngài ít hơn điều tốt nhứt của chúng ta. Thật là xấu hổ khi hết tuần nầy sang tuần khác, chúng ta chễnh mãng không dâng thì giờ, đời sống của chúng ta cho những việc mà vì đó Chúa Jêsus đã phó sự sống của Ngài.
3./ Có một tinh thần sai lầm đối với tha nhân cần phải được ăn năn. Nhiều Cơ đốc nhân đã phạm tội nầy hơn bất kỳ một tội nào khác. Họ không dám đi đến chỗ không đàng hoàng, họ không nghĩ tới việc cầm một ly rượu, họ sẽ nổi giận nếu bạn tố cáo họ ăn cắp. Đời sống của họ sẽ thanh sạch đạo đức hơn song tấm lòng của họ chất chứa đầy với thù hận, ghen ghét, ác ý, và tranh cạnh. Tôi cậy Lời của Đức Chúa Trời mà nói mạnh mẽ với bạn rằng người nào có một tinh thần như thế thì phạm tội giống như bất cứ một người phi đạo đức hay một tên cướp hoặc một kẻ chuyên giết người. Khi có một việc gì giữa bạn và người nào khác, thì có một việc gì đó giữa bạn và Đức Chúa Trời. Làm sao một Cơ đốc nhân có thể tiếp tục bước đi với cảm xúc ấy ở trong lòng? Nếu bạn cho phép cảm xúc nầy ở tại đó, nó sẽ gậm nhấm hết tình trạng vui sướng của tấm lòng và sức mạnh đời sống thuộc linh của bạn.
Joe Evans, một trong những chấp sự của chúng ta, đang lái xe qua miền Tây cùng với vợ trong một chiếc xe Ford đời T cách đây nhiều năm. Thình lình ông ấy nhìn xuống rồi thấy con rắn chuông đang bò giữa ghế ông ngồi cùng với vợ ông. Tất nhiên, ông bắt sợ hãi không làm chủ được tình huống. Ông đã hành động cách mau chóng. Ông có mang cặp găng tay lái xe hơi dày, vì vậy ông mau mau thò tay xuống, bắt lấy con rắn rồi ném nó qua cửa sổ trước khi con rắn kịp cắn ông. Bạn có cảm giác bối rối ở trong lòng đối cùng ai đó không? Cảm giác ấy là mối nguy hiểm cho đời sống thuộc linh của bạn giống như một con rắn trong đời sống thuộc thể của bạn vậy. Hãy bắt lấy nó ngay rồi quăng nó đi cho đến đời đời. Không bao lâu nữa Năm Mới sẽ đến tại đây, bạn không nên đối diện với Năm Mới cho tới khi nào bạn đến gặp kẻ mà bạn đang có cảm giác sai trật nầy nghịch cùng họ – hãy đổ tấm lòng của bạn ra và làm cho mọi sự được ngay thẳng lại. Nhưng bạn nói: “Ồ, tất cả là lỗi của họ đấy thôi”. Có thể là như vậy đấy, nhưng là một Cơ đốc nhân cảm giác nầy không được ở mãi trong tấm lòng của bạn. Hãy xua nó ra đi, bất luận với cái giá nào. Tôi không yêu cầu bạn phải làm một chuyện nào dễ dàng, song hãy đi và Đức Chúa Trời sẽ vùa giúp bạn. Bạn sẽ thấy cảm xúc được tốt hơn và bạn sẽ có một sự bình an sâu sắc ở trong lòng mình.
Vậy là bạn thấy phần thứ nhứt của sự hướng dẫn là phải ăn năn.
II. Chúng ta phải quyết tâm.
Thật lấy làm tốt khi nói: “Tôi hạ quyết tâm”. Có thể bạn không giữ quyết tâm nầy suốt cả năm, nhưng thà đưa ra và giữ lấy quyết tâm nầy trong một thời gian ngắn, còn hơn là nói: “Tôi muốn trở thành người tốt hơn. Tôi sẽ cố gắng để trở thành một Cơ đốc nhân tốt hơn”.
Chúng ta hãy nhìn vào một số nhân vật trong Kinh Thánh cùng những quyết tâm mà họ đã đưa ra.
1./ Đaniên quyết tâm không làm ô uế bản thân mình. Ông đã bị bắt làm phu tù khi ông còn là một thiếu niên. Với những thiếu niên khác, ông bị đưa vào tập huấn để trở thành một trong những mưu sĩ của nhà vua. Không những các tư tưởng của ông, mà đồ ăn của ông của đều do nhà vua đề ra. Họ buộc ông phải ăn thịt heo và uống rượu – và Đức Giêhôva đã ngăn cấm những sự nầy. Thay vì bất tuân đối với Đức Chúa Trời, ông đã thề không ăn thịt heo và uống rượu. Ông đã giữ lời thề đó và đã sống một đời sống thánh khiết trong 70 năm.
Bạn sẽ nghĩ rằng ông sẽ mất mát nhiều khi tuân giữ theo lời thề như vậy. Nhưng thay vì thế, ông đã chiếm được lòng của Vua Nêbucátnếtsa cùng những kẻ kế vị ông ta. Ông trở thành một nhân vật quan trọng trong đế quốc. Đức Chúa Trời đã chúc phước cho ông vì ông đã đưa ra quyết tâm sống một đời sống thánh khiết và ông hăng hái với quyết tâm của mình. Bạn cũng hãy chú ý rằng Đaniên đang sống cách xa quê hương, gia đình mình. Có người nói: “Khi bạn sống xa nhà, thì làm những việc ấy chẳng sao đâu. Khi bạn sống ở Rôma, hãy làm y như người La mã đang làm”. Thế nhưng Đaniên đã nói: “Đức Chúa Trời hiện có mặt ở đây y như Ngài hiện diện ở quê nhà. Tôi đã quyết tâm sống cho Ngài bất cứ đâu tôi đang sống”.
Đức Chúa Trời đã chúc phước cho Đaniên vì ông thề sống hiệp lẽ với Đức Chúa Trời bất chấp là giá nào. Trong Năm Mới, Ngài sẽ chúc phước cho bạn nếu bạn biết hạ quyết tâm y như thế. Lẽ nào bạn không nói: “Trong năm tới, tôi sẽ sống cho Chúa”.
2./ Gia cốp hạ quyết tâm dâng phần mười cho Đức Giêhôva. Ông còn rất trẻ. Ông đã phạm tội nghịch lại cha và anh mình, giờ đây ông chạy trốn, xa khỏi gia đình. Đêm đầu tiên ông nằm ngủ dưới bầu trời đầy sao. Ông có một chiêm bao thật là kỳ diệu. Ông đã nhìn thấy một cái thang bắt lên tận trời, với các thiên sứ đi lên và đi xuống cái thang đó. Chiêm bao nầy có ảnh hưởng sâu nặng trên ông. Khi ông tỉnh giấc, ông nhìn vào gương mặt của Đức Chúa Trời rồi nói: “nếu Đức Chúa Trời ở cùng tôi, tôi sẽ sống cho Ngài và chắc chắn nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi”.
Giacốp không trung tín giữ theo lời thề nầy, nhưng khi ông giữ theo, Đức Chúa Trời đã chất đống nhiều ơn phước thật rời rộng trên ông. Sáng hôm ấy khi ông đưa ra lời thề nầy, ông chẳng có gì gọi là của riêng, trừ ra gói nhỏ quần áo và bữa ăn trưa. Khi ông trở lại với địa điểm nầy nhiều năm về sau, ông là một người giàu có. Tôi không nói rằng Đức Chúa Trời sẽ khiến cho bạn ra giàu có nơi những thứ thuộc vật chất nếu bạn dâng phần mười, nhưng tôi biết rõ rằng Ngài sẽ chúc phước cho bạn. Tuy nhiên, Đấng Christ đã nói về những thứ vật chất khi Ngài phán: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Mathiơ 6.33).
Mặc dù sẽ chẳng có một ơn phước về vật chất gắn với việc dâng phần mười trong mỗi trường hợp, tôi biết rõ luôn luôn có một ơn phước thuộc linh rất lớn ở trong đó. Bất kỳ một Cơ đốc nhân nào cũng cảm thấy tốt hơn khi người nhìn biết mình đang làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời trong một việc quan trọng như dâng hiến.
3./ David đã đưa ra hai quyết tâm. Thứ nhứt, ông quyết tâm đọc Kinh Thánh, rồi dùng Kinh Thánh làm tiêu chuẩn cho cuộc sống. Một số Cơ đốc nhân đọc tạp chí Time mỗi tuần, họ đọc từng trang một của tờ Reader’s Digest mỗi tháng. Thế nhưng họ không hề đọc Kinh Thánh. Họ phạm lỗi chễnh mãng trong vấn đề đọc Lời của Đức Chúa Trời. Nhưng đây là quyết tâm của David: “Tôi sẽ suy gẫm về giềng mối Chúa, chăm xem đường lối của Chúa. Tôi ưa thích luật lệ Chúa, sẽ chẳng quên lời của Chúa. Tôi sẽ hằng gìn giữ luật pháp Chúa cho đến đời đời vô cùng”.
Sau một trận đánh trong Đệ I Thế Chiến, một vị tuyên úy đến tại bãi chiến trường với những người lính cứu thương để giúp lấy xác chết và người bị thương. Họ tìm thấy một thanh niên đang nằm ngửa, thân thể anh ta đầy những vết đạn súng máy. Quyển Kinh Thánh tay trái anh ta cầm úp lên ngực mình. Ngón tay anh ta chỉ vào mục lục ở Giăng 14.6. Vị tuyên úy rút lấy quyển Kinh Thánh rồi lật sang tờ giấy trắng, ông thấy lời đề tặng của mẹ anh ta. Ông thấy ghi chú của thanh niên nầy ở đó: “Những phân đoạn Kinh Thánh sau đây lập thành phương châm của đời sống tôi”. Khi ấy thanh niên đó liệt kê ra ba câu Kinh Thánh rồi ký tên mình ở dưới. Câu Kinh Thánh đầu tiên là Giăng 14.6: “Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha”. Câu thứ hai là Mathiơ 6.33, ở đây Chúa Jêsus khuyên chúng ta trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Câu thứ ba là Rôma 8.28, ở đây Phaolô nói cho chúng ta biết rằng: “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”.
Bạn có nhìn thấy thanh niên kia đang nói gì không? Anh ta nói rằng trước tiên anh ta tin cậy Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình; thứ hai, anh ta đặt Ngài trên hết mọi sự; và thứ ba, anh ta tin rằng mọi sự hiệp lại sẽ làm ích cho anh ta. Đây là triết lý sống thật phi thường, dựa theo Kinh Thánh. Đây là phương châm rất hay cho bạn và tôi. Trong Năm Mới, chúng ta hãy đọc Kinh Thánh và noi theo những sự dạy của Kinh Thánh.
Kế đó David đưa ra một quyết tâm về sự cầu nguyện. Chúng ta nhìn thấy quyết tâm đó ở Thi thiên 116.2: “Tôi sẽ cầu khẩn Ngài trọn đời tôi, bởi vì Ngài có nghiêng tai qua tôi”.
David đã có nhiều kinh nghiệm với Đức Chúa Trời và ông nhìn biết rằng Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện. Vì vậy, ông nói rằng ông sẽ liên tục giữ sự kêu cầu nơi Đức Chúa Trời bao lâu ông còn sống. Mỗi Cơ đốc nhân đều nhìn biết rằng Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện – chính Đức Chúa Trời là Đấng đã lắng nghe David Ngài sẽ lắng nghe bạn và tôi. Nhưng chúng ta nổi giận, bực dọc, và lo lắng, thay vì trao mọi gánh nặng cho Chúa rồi để chúng lại đó.
Chúng ta phải cầu nguyện điều gì? Chúng ta phải cầu nguyện cho chính đời sống của chúng ta hầu cho chúng trở thành những đời sống nhơn đức cho Đức Chúa Trời. Chúng ta phải cầu nguyện cho các thành viên trong gia đình mình. Chúng ta phải cầu nguyện xin Đức Chúa Trời vùa giúp trong công ăn việc làm hay nghề nghiệp của mình. Chúng ta phải cầu thay cho bạn bè, đặc biệt những người sắp bị hư mất. Chúng ta nên cầu thay cho Hội Thánh và cho những người lãnh đạo trong công việc của họ.
Một đầy tớ gái nói rằng cô đã cầu nguyện không thôi. Nhà truyền đạo hỏi cô cầu nguyện như thế nào!?! Cô ta đáp: “Khi tôi mở mắt ra vào buổi sáng, tôi cầu xin Đức Chúa Trời mở con mắt hiểu biết của tôi ra. Khi tôi mặc quần áo, tôi cầu xin Đức Chúa Trời mặc cho tôi sự công bình của Ngài. Khi tôi rửa mặt, tôi xin Đức Chúa Trời thanh tẩy mọi tội lỗi của tôi. Khi tôi làm việc, tôi cầu xin cho có sức lực tương xứng với công việc của mình. Khi tôi nhúm lửa, tôi xin Đức Chúa Trời nhen lại những ngọn lửa trong linh hồn tôi. Khi tôi quét nhà, tôi xin Đức Chúa Trời thanh tẩy tấm lòng tôi khỏi mọi bất khiết. Khi tôi bận rộn với mấy đứa trẻ kia, tôi cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tôi tâm tình của một đứa trẻ thơ”. Quả thực vậy, cô ta đã học biết như thế nào là “cầu nguyện không thôi”.
Đâu là những việc đáng kể nhất trong những lời cầu nguyện của chúng ta? Không phải những con số trong lời cầu nguyện – chúng ta cầu nguyện bao nhiêu lời. Không phải thuật hùng biện trong lời cầu nguyện – những lời cầu nguyện nầy hùng biện ra sao. Không phải là hình học trong lời cầu nguyện – chúng dài bao nhiêu. Không phải âm điệu của lời cầu nguyện – giọng nói ngọt ngào như thế nào. Không phải phương pháp cầu nguyện – những lời cầu nguyện có thứ tự như thế nào!?! Nhưng việc đáng kể trong lời cầu nguyện là sự thiết tha. Kinh Thánh phán rằng: “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều”. Cũng như David, chúng ta hãy hạ quyết tâm đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cho thật nhiều.
4./ Phaolô hạ quyết tâm thu phục được nhiều linh hồn. “Tôi mắc nợ mọi người. Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Hỡi anh em, sự ước ao trong lòng tôi và lời tôi vì dân Y-sơ-ra-ên cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, ấy là cho họ được cứu”.
Quả là một việc kỳ diệu nếu mỗi thuộc viên trong Hội Thánh của chúng ta hạ quyết tâm đưa ai đó về với Chúa Jêsus trong năm tới. Điều nầy sẽ làm cho Hội Thánh phát triễn, điều nầy sẽ làm cho bạn tiến bộ hơn, điều nầy sẽ tạo ra đời mới cho người mà bạn đem về cho Đấng Christ.
Một cô gái nhỏ đi du lịch trên xe lửa cùng với mẹ mình có một cuộc trao đổi ngắn với một cụ già ngồi đối diện. Cô bé nói với ông cụ như sau: “Cháu có ông nội và ông ấy là một người nhơn đức, có lòng yêu mến Chúa Jêsus.Ông có yêu mến Chúa Jêsus không?” Câu hỏi đơn sơ nầy của cô bé đã tạo ảnh hưởng cho ông cụ nầy muốn dâng lòng mình cho Đấng Christ. Về sau, ông cụ nói: “Tôi đã 83 tuổi rồi, nhưng chưa có ai tạo ra được một sự ham thích trong tôi trước đó”.
Bạn không phải trở thành một nhà truyền đạo hay một nhà thần học mới chinh phục được nhiều linh hồn. Một lời nói đơn sơ, lấy lòng yêu thương thốt ra với một người bị hư mất, có thể trở thành phương tiện xây chuyển người ấy về cho Đấng Christ. Khi tất cả những ngày của năm mới nầy qua đi vào trong mộ địa của thời gian, nguyện Đức Chúa Trời nhìn thấy bạn sẽ nói: “Năm nay tôi sẽ để một bó tại nơi chơn của Cứu Chúa”.
III. Chúng ta cần phải Nhớ
1./ Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không thể đền đáp lại Đấng Christ đối với mọi điều mà Ngài đã làm cho chúng ta. Ngài đã làm gì vậy? Ngài biết rõ rằng bạn đã phạm tội và cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên bạn. Vì vậy, Ngài đã bước lên thập tự giá rồi gánh lấy chỗ của bạn và chịu chết thay cho bạn. Ngài đã nhìn thấy bạn đang trầm mình trong địa ngục – Ngài đã cúi xuống rồi nhấc bạn lên, đặt một bài hát vào môi miệng của bạn, rồi tra chân bạn trên Vầng Đá của mọi thời đại. Ngài đã ban cho bạn mọi sự tốt lành mà bạn hiện đang có. Mọi sự trông cậy của bạn về tương lai đều tựu trung vào Ngài. Bạn sẽ qua cõi đời đời trên thiên đàng thay vì địa ngục vì cớ Chúa Jêsus. Nếu bạn có cả ngàn cuộc đời để sống và có thể sống từng cuộc đời ấy cho Ngài từng giây phút, bạn không thể nào đền đáp lại cho Ngài vì mọi sự mà Ngài đã làm cho bạn. Khi ghi nhớ mọi sự mà Ngài đã làm, lẽ nào bạn không nói: “Trong Năm Mới nầy, tôi sẽ làm hết sức mình cho Đấng Christ”.
2./ Chúng ta phải nhớ rằng hạnh phúc lớn lao nhất và phần thưởng phong phú nhất đến với người nào sống trung tín. Năm nay không thể là một Năm Mới phước hạnh cho bạn trừ phi bạn đang sống cho Đấng Christ. Cái điều rắc rối với người ta hôm nay, ấy là họ đang tìm kiếm hạnh phúc ở những chỗ sai lầm, khi hạnh phước thật chỉ có thể tìm thấy trong Đấng Christ.
Tại California, con gái của một đôi vợ chồng hay làm lành kia đã được cứu. Bố mẹ cô ta chống đối Cơ đốc giáo của cô ta rất kịch liệt. Một sáng kia, họ gọi cô ấy đến bên cửa sổ rồi nói: “Con có thấy chiếc xe dễ thương đang đậu bên lề đường kia không?”
Cô ta đáp: “Thưa có, chắc chắn là chiếc xe ấy rất đẹp”.
Người cha nói: “Chúng ta hãy ra đó nhìn xem nó”.
Sau khi họ đến gần chiếc xe, cô gái nói: “Chiếc xe nầy của ai vậy?”
Người cha đáp ngay: “Nó là của con đấy!”
Cô ta hỏi: “Có thực là của con không!?”
Người cha đáp: “Phải, với một điều kiện. Bố mẹ không thích thái độ con đã có khi tham gia Hội Thánh. Con cũng nói quá nhiều về tôn giáo của con. Con nói con đoạn tuyệt với khiêu vũ, bài bạc cùng những việc đời nầy. Giờ đây hãy bỏ đi sự cuồng tín ấy và chiếc xe đẹp đẽ nầy sẽ là phần của con”.
Cô gái liếc nhìn chiếc xe dễ thương kia, rồi nhìn vào gương mặt của bố mẹ mình. Cô ta nói: “Con cảm ơn bố mẹ vì món quà nầy, song bố mẹ hãy giữ lấy chiếc xe, còn con sẽ giữ lấy Đấng Christ của con”.
Đây là cách thức đáng phải nhớ nhất. Nếu chúng ta giữ Đấng Christ trên hết mọi sự khác trong Năm Mới, thì Năm Mới nầy sẽ là năm tốt đẹp và hạnh phúc nhất trong cuộc đời của quí vị.
3./ Chúng ta phải nhớ rằng năm nầy có thể là năm cuối cùng của chúng ta. Vì cớ đó, chúng ta muốn biến nó thành một năm phước hạnh trong từng phương thức.
Chúa Jêsus phán rằng người kia trồng một cây vả. Ông ta đào chung quanh nó, bón phân, và chăm sóc nó. Ông ta trông cây ấy có trái, nhưng hết năm nầy sang năm khác cây ấy vẫn không có trái. Sau cùng, ông ta bảo người giữ vườn: “Hãy đốn hạ nó đi – đốn cho tận gốc”. Người giữ vườn bèn ngăn, ông ta nói: “Xin cho cây ấy một cơ hội khác. Xin chờ thêm một năm nữa, nếu nó không ra trái chúng tôi sẽ đốn hạ nó”. Người kia đồng ý hạn thêm cho cây ấy một năm nữa.
Có thể bạn giống với cái cây đó. Bạn từng có kinh nghiệm lớn lao với Đức Chúa Trời, bạn hứa sẽ sống trung tín và kết quả. Ngài đã quan phòng bạn, chăm sóc cho bạn, và ban phước cho bạn suốt bao nhiêu năm tháng rồi. Nhưng bạn lại làm cho Ngài phải thất vọng. Bạn chẳng sống trung tín – bạn không đốc ra một quả nào cả. Ai biết được nếu như bạn bị chặt bỏ đi trước khi năm khác lại qua một khi chẳng có trái nào lưu xuất ra từ đời sống của bạn. Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài đang ban cho bạn thêm một cơ hội nữa. Ngài đời đời là Đức Chúa Trời của cơ hội thứ nhì. Chỉ hãy nhớ rằng Ngài đã ban cho bạn cơ hội khác để sống tốt đẹp cho Ngài.
Hai thương buôn đến dự một buổi nhóm phục hưng. Hai người là đối thủ trong thương mại và sự cạnh tranh rất cay đắng. Một vài đêm sau đó, một người đã được cứu. Người kia đã bị thuyết phục rất sâu sắc về tội lỗi, song không đem lòng phục theo Đấng Christ. Ông ta nói: “Tôi sẽ để ý người kia trong một năm. Nếu ông ta sống theo Cơ đốc giáo của mình trong một năm tôi sẽ tin thực sự có điều chi trong đó, và tự tôi sẽ trở thành một Cơ đốc nhân”. Không bao lâu sau đó, ông ta nhìn thấy một sự thay đổi hoàn toàn trong cuộc sống xã hội, thương mại và mỗi ngày của người kia. Đến cuối năm, người thứ nhì đã dâng lòng mình cho Đấng Christ. Đến gặp người kia, ông ta nói: “Tôi đã để ý đời sống của ông cả năm qua và tôi tin rằng có điều chi đó thực sự nơi đức tin Cơ đốc của ông. Tôi đã dâng lòng tôi cho Đấng đã cứu ông và đã thay đổi đời sống ông”.
Nguyện Đức Chúa Trời giúp đỡ chúng ta sống trong Năm Mới để thế gian sẽ nhìn biết có điều chi đó thực sự rồi lấy làm lạ trong tôn giáo của Đức Chúa Jêsus Christ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét