Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Niềm Vui Của Lễ Giáng Sinh



Luca 2, Mathiơ 2
NIỀM VUI CỦA LỄ GIÁNG SINH

Ngợi khen Đức Chúa Trời vì cớ Lễ Giáng Sinh. Ngợi khen Ngài vì sự hoá thân thành xác thịt, vì Ngôi Lời đã trở nên xác thịt.
Tôi sẽ không hát về mấy gã chăn đang trông chừng bầy chiên vào những đêm trời đầy sương, hay dàn đồng ca thiên sứ.
Tôi sẽ không hát về chuồng chiên trống rỗng ở Bếtlêhem, hay mấy thầy bác sĩ dò theo ngôi sao với vàng, nhũ hương và một dược.
Tối nay tôi sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Cha, Ngài là Đấng đứng ngay ngưỡng cửa thiên đàng và chào tạm biệt với Con của Ngài khi Con ấy bước ngang qua các ngôi sao đến tại thành Bếtlêhem và Jerusalem.
Và tôi sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Con vô hạn, đời đời, Ngài đã trở thành một em bé hữu hạn, rồi một ngày kia Ngài sẽ trở thành tội ác của tôi. Hãy ngợi khen Ngài trên các từng trời, hãy ngợi khen Ngài trong chuồng chiên, hãy ngợi khen Ngài trong tấm lòng của tôi. (Joseph Bayly).
Bài thơ của Joseph Bayly phản ảnh niềm vui mừng của Lễ Giáng Sinh.
Chuck Swindoll nói: “Một số lễ vật bạn đem dâng trong dịp lễ Giáng Sinh nầy có giá trị rất lớn về mặt tiền bạc:
+ Hãy sửa chữa lại cuộc tranh cãi, hãy bỏ đi sự hồ nghi, hãy nói với ai đó: “Tôi yêu mến bạn”.
+ Hãy bố thí cái gì đó — giấu tên.
+ Hãy tha thứ ai đó đã phạm sai lầm với bạn.
+ Hãy dẹp bỏ cơn giận với một câu trả lời nhẹ nhàng.
+ Hãy thăm viếng ai đó trong nhà điều dưỡng.
+ Hãy xin lỗi nếu bạn phạm sai lầm.
+ Đặc biệt hãy tử tế với ai đó mà bạn đang cùng làm việc với.
+ Hãy bố thí giống như Đức Chúa Trời ban cho bạn trong Đấng Christ, không có sự bắt buộc, hay tuyên bố, hoặc dè dặt, hay giả hình. (C. Swindoll).
Khi chúng ta làm theo những việc tốt đẹp nầy, chúng ta đang tỏ ra những điều vui mừng trong dịp Lễ Giáng Sinh.
Chúng ta cảm thấy căng thẳng khi lo liệu, chuẩn bị đón Lễ Giáng Sinh, nhưng Giáng Sinh là thời điểm của sự vui mừng.
Chúng ta để cho các thái độ và những hành động của người khác làm buồn lòng chúng ta, nhưng Giáng Sinh là thời điểm của sự vui mừng.
Chúng ta thấy chán nãn với nhiều người đứng xếp hàng ngoài các cửa hàng và nhân viên cửa hàng thiếu tế nhị, nhưng Giáng Sinh là một thời điểm của sự vui mừng.
Chúng ta thấy áy náy trong lòng khi chúng ta không làm theo những điều chúng ta biết chúng ta nên làm, và làm theo những điều chúng ta không nên làm, nhưng Giáng Sinh là thời điểm của sự vui mừng!
Kinh thánh nói rõ rằng Giáng Sinh là thời điểm của sự vui mừng. Sáng nay tôi muốn chúng ta nhìn xem các nhân vật trong Kinh thánh, họ đã có niềm vui mừng vào dịp Giáng Sinh đầu tiên đó.

THIÊN SỨ CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA SỰ BÀY TỎ
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN VÀ ANNE CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA VIỆC THÔNG BÁO
MARY CÓ NIỀM VUI CỦA SỰ SUY GẪM
MẤY THẦY BÁC SĨ CÓ NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐỀN ĐÁP

THIÊN SỨ CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA SỰ BÀY TỎ
Như bạn biết đấy, Chúa Giêxu ra đời tại thành Bêtlêhem cho một nữ đồng trinh có tên là Mary. Giôsép là bố dượng của Chúa Giêxu.
Nàng đã quấn Chúa Giêxu bằng mấy cái khăn rồi đặt Ngài nằm trong máng cỏ. Không có chỗ trong nhà quán.
Luca 2. 8 – Bên sườn đồi ngoài thành Bếtlêhem, mấy gã chăn chiên đang làm bổn phận thường ngày của họ. Họ đang chăn giữ bầy chiên của họ.
Câu 9 – Một thiên sứ hiện ra bất cứ chỗ nào cũng đủ làm cho người ta phải giật mình. Nhưng bạn có thể hình dung ra thứ ánh sáng chói loà đã chiếu sáng xung quanh Ngài, có lẽ chiếu sáng bầu trời lúc ban đêm. Mấy gã chăn chiên lấy làm kinh khủng.
Câu 10 – Thiên sứ đem đến cho họ những tin tức tốt lành nói tới niềm vui mừng lớn.
Nếu những tin tức tốt lành chỉ dành cho mấy gã chăn chiên hay cho dân Israel, đấy vẫn là những tin tức tốt lành nói đến sự vui mừng lớn.
Nhưng sứ điệp nầy nói tới sự vui mừng dành cho cả thế gian, kể cả bạn và tôi, nước Mỹ, và người ta từng tiếng nói, từng dân tộc.
Câu 11 – Hãy lưu ý, mấy gã chăn chiên được truyền cho biết rằng Chúa Giêxu được sanh ra cho họ. Ngài ra đời vì ích cho họ!
Ngài chào đời tại “thành David”, thị trấn quê nhà của David, thành Bếtlêhem.
Ngài ra đời để trở thành Đấng Cứu Thế. Đấy là chính xác những gì Ngài đã làm khi Ngài chịu chết trên thập tự giá để trả món nợ mà bạn mắc Đức Chúa Trời vì tội lỗi của bạn. Tiên tri Êsai nói về Ngài là Cứu Chúa khi ông nói: “Người đã bị người ta khinh dể và chán-bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người”.
Không những Ngài ra đời để trở nên Đấng Cứu Thế, mà Ngài còn là “Christ, là Chúa” nữa.
Chúa Giêxu là Đấng Mêsi đã được hứa cho, là “Đấng Xức Dầu” đã được hứa cho trong Cựu ước.
Chúa Giêxu đã và đang là “Chúa”. Ngài có uy quyền để trị vì.
Câu 12 – Con trẻ sẽ được bọc bằng khăn được gọi là “khăn tả”. Ngài cũng được thấy nằm trong chiếc máng cỏ.
Là một tôi tớ của Đức Chúa Trời, tôi quyết chắc rằng bày tỏ ra các tin tức quan trọng nầy chính là niềm vui cho vị thiên sứ. Đây là chương trình của Đức Chúa Trời, và thiên sứ rất vui mừng trong chương trình của Đức Chúa Trời.
Các câu 13 -14 – Giống như thể sứ điệp của một vị thiên sứ cần sự khẳng định, và tôi nghĩ vì muôn vàn thiên sứ không thể giữ im lặng được, một đoàn đông thiên sứ đứng đầy bầu trời dâng lên Đức Chúa Trời sự ngợi khen.
Khi Chúa Giêxu ngự đến trị vì, chỉ có một phương thức duy nhứt, ấy là “bình an dưới đất”. Và sẽ là như thế.
“Ân trạch cho loài người” chỉ có qua chức vụ của Chúa Giêxu.
THIÊN SỨ CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA SỰ BÀY TỎ
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN CÓ NIỀM VUI CỦA SỰ NHẬN LÃNH
Các câu 15 -16 – Mấy gã chăn chiên quyết định làm theo việc đáng phải làm.
Họ quyết định ra đi và gặp con trẻ nầy.
Họ đã nhận lãnh các tin tức từ vị thiên sứ là sự thật và đã làm theo. Họ tin theo những điều họ đã nghe thấy được.
Và họ tìm được những việc đúng y như thiên sứ đã thông báo.
Bạn đã được truyền cho biết sự tích của Lễ Giáng Sinh.
Bạn có nhận sự tích của Lễ Giáng Sinh là thực không?
Quan trọng hơn thế nữa, bạn đã tiếp nhận Chúa Giêxu làm Cứu Chúa của bạn chưa? Bạn đã tin cậy Ngài là sự tha tội của bạn và là sự trông cậy duy nhất của bạn để được vào thiên đàng không?
Giăng 1.12 – “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài”.
Roma 5.1 – “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được hòa thuận với Đức Chúa Trời, bởi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta”.
Câu 20 – Hãy lưu ý niềm vui mừng lớn đã dẫn tới việc làm vinh hiển và ngợi khen Đức Chúa Trời vì những điều họ đã thấy và nghe.
Họ đã kinh nghiệm niềm vui mừng giống như một kết quả của việc tiếp nhận sứ điệp của Thiên Sứ bởi đức tin vậy.
Tôi đã nhiều ngày hạnh phúc trong cuộc đời của tôi.
Đó là một ngày hạnh phúc khi tốt nghiệp Trung học, rồi đại học!
Đó là một ngày hạnh phúc khi tôi được tấn phong, mặc dù tôi hay bịnh hoạn.
Đó là một ngày hạnh phúc khi tôi cưới Dottie.
Thế nhưng vào một buổi tối mùa Đông gần 40 năm qua khi lắng nghe Mục sư Billy Graham trên đài phát thanh, tôi đã quì gối xuống bên cạnh giường ngủ và đã tiếp nhận Chúa Giêxu làm Cứu Chúa của tôi. Tôi được đầy dẫy với niềm vui mừng như thế! Đó là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi.
Nếu bạn chưa nhận biết Chúa Giêxu là Chúa của bạn, hãy biến ngày hôm nay làm ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bạn bằng cách tin cậy Ngài. Nếu bạn đang nhìn biết Đấng Christ làm Cứu Chúa, nếu bạn đã tiếp nhận Ngài, tôi khuyên bạn nên tiếp tục nhận lãnh.
Hãy tiếp tục nhận lãnh sứ điệp của các Thiên sứ với sự vui mừng.
Hãy tiếp tục nghiên cứu quyển Kinh thánh của bạn và làm theo những gì Kinh thánh dạy và bạn sẽ có niềm vui mừng mà sự vâng phục đem lại.
Hãy tiếp tục ở trong Đấng Christ, và kinh nghiệm niềm vui của sự hiện diện hàng ngày của Ngài.
Hãy tiếp tục trò chuyện với Đức Chúa Trời và kinh nghiệm niềm vui lời cầu nguyện được nhậm!
Hãy tiếp tục nhận lãnh những gì Đức Chúa Trời truyền cho bạn bởi đức tin và tiếp tục cảm nhận sự vui mừng và hãy vui vẻ lên!
THIÊN SỨ CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA SỰ BÀY TỎ
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN CÓ NIỀM VIU CỦA SỰ NHẬN LÃNH
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN VÀ ANNE CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA VIỆC THÔNG BÁO
Các câu 17 -18 – Mấy gã chăn chiên không thể giữ im lặng.
Họ đã trông thấy một phép lạ.
Họ đã chính mắt mình trông thấy Đấng Xức Dầu của Đức Chúa Trời.
Họ đã có một đôi điều để tường trình lại và họ đã làm xong việc ấy.
Các câu 36 -38 – Một bà cụ già có tên là Anne đã nhìn thấy Chúa Giêxu và đã ngợi khen Đức Chúa Trời. Và bà đã làm chứng cho những kẻ đang trông đợi sự đến của Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời.
Bạn có nghĩ đây là việc vặt cho mấy gã chăn chiên và Anne khi họ tường trình lại những gì họ đã thấy và nghe chăng?
Bạn có nghĩ là họ đã phàn nàn về bổn phận của họ khi phải chia sẻ các tin tức tốt lành với người khác không?
Bạn có nghĩ rằng họ lo sợ không biết người ta sẽ nghĩ hay nói gì sau khi nghe sứ điệp của họ không?
Tất nhiên câu trả lời cho mấy câu hỏi nầy là một chữ ‘không’ thật vang dội.
Anne và mấy gã chăn chiên rất vui mừng về kinh nghiệm riêng của họ đến nỗi họ muốn tường trình lại cho nhiều người khác biết!
Bạn vốn biết rõ rằng một trong các bổn phận của bạn trong vai trò Cơ đốc nhân là phải trở thành một “người tường trình lại” các tin tức tốt lành nói về Chúa Giêxu.
Mác 16.1 – “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người”.
I Phierơ 3.15 – “nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ”.
Chúng ta có một vấn đề.
Vấn đề của chúng ta là đây: Chúng ta biết chúng ta phải tường trình lại cho nhiều người khác biết về Chúa Giêxu. Chúng ta biết rằng chúng ta phải nói cho họ biết họ cần được cứu và chúng ta biết chúng ta phải nói cho họ biết được cứu là thể nào!
Nhưng chúng ta xem sự làm chứng là một bổn phận nguội lạnh, chúng ta đã bỏ qua hay bất chấp vì sợ hãi phần đáp ứng của nhiều người khác hay sợ hãi nỗi xấu hổ của chính chúng ta nếu chúng ta không hoàn thành được sự làm chứng ấy.
Chúng ta thất bại không xem sự làm chứng như một niềm vui mừng và như một đặc ân.
Hãy làm chứng cho người ta biết điều chi đã xảy ra cho chúng ta, đó sẽ là một niềm vui mừng.
Nói cho người ta biết chỉ có một con đường duy nhất lên thiên đàng, đó là niềm vui mừng, và bạn có thể nói cho họ biết đó là con đường nào.
Đại diện như một khâm sai cho Đấng đã làm thật nhiều việc cho chúng ta, đấy sẽ là một niềm vui mừng.
II Côrinhtô 5.20 – “Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhơn danh Đấng Christ mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời”.
+ Nếu trở thành Cơ đốc nhân là quan trọng, thì chúng ta đáng phải làm chứng cho những người chúng ta gặp gỡ biết về Đấng Christ.
+ Nếu Tân ước là thực — và chúng ta biết rõ Tân ước vốn là thực — ai đã cho chúng ta quyền đặt trách nhiệm giải phóng linh hồn lên đôi vai của người khác hơn đôi vai của chúng ta?
Nếu họ từ chối Đấng Christ, họ đang ở trong mối nguy hiểm, chẳng có gì lạ lùng hết khi chúng ta, lại thông cảm khi có những khó khăn thuộc về mặt xác thịt hay nhất thời, sẽ đánh mất ý hướng rồi để cho bạn bè cùng những kẻ lân cận và bà con thân thuộc chúng ta tới với đời sống chúng ta rồi ra đi mà không có một lời mời tiếp nhận Đấng Christ, chẳng có ai nói ra một lời cảnh cáo về sự hư mất của họ?
+ Nếu hôm nay là ngày cứu rỗi, nếu ngày mai không bao giờ đến, và nếu cuộc sống là bất ổn, làm sao chúng ta có thể ăn, uống hay vui sướng khi những người cùng sống với chúng ta, làm việc với chúng ta, đồng đi với chúng ta và yêu thương chúng ta chưa sửa soạn cho cõi đời đời vì họ chưa chuẩn bị cho thời điểm nầy?
+ Nếu Chúa Giêxu kêu gọi các môn đồ Ngài trở nên tay đánh lưới người, Ngài ban cho chúng ta quyền vui thoả với việc làm ra dụng cụ đánh cá hoặc chỉ cách cho những người đánh cá thay vì tự mình đi đánh bắt cho tới khi lưới được đầy cá?
+ Nếu bản thân Chúa Giêxu ra đi tìm kiếm kẻ bị hư mất, nếu sứ đồ Phaolô đã chịu thương khó vì những đồng bào của mình, theo phần xác, không nhận biết Đấng Christ, tại sao chúng ta không xem việc ra đi tìm kiếm kẻ bị hư mất là quan trọng cho tới khi nào họ được tìm thấy?
+ Nếu tôi phải đứng trước ngôi phán xét của Đấng Christ để trình sổ vì những việc đã được làm ra lúc còn ở trong xác thịt, tôi sẽ nói gì với Ngài nếu con cái của tôi bị bỏ quên, nếu bạn bè của tôi chưa được cứu, hoặc nếu chủ nhân hay người làm thuê của tôi bị lạc lối vì tôi không trung tín?
+ Nếu tôi muốn được khen thưởng vào lúc sau cùng, thì hãy để tôi nhớ rằng không có một trí khôn siêu đẳng nào, không một tài hùng biện nào trong sự rao giảng, không một sự thu hút nào trong công ăn việc làm, không một trạng thái dè dặt hay nhút nhát nào có thể chiếm được vị trí hoặc là một sự miễn trừ cho việc đưa ra một nổ lực thành thật, chân thành, cầu nguyện để đem người ta về với Đấng Christ [J. Wilbur Chapman].
Trong vài tuần lễ ngắn ngủi, chúng ta có đặc ân đưa người ta đến với các buổi nhóm đặc biệt, chúng ta gọi là “Buổi thông công cuối tuần”. Đây là phương thức bạn sẽ có được niềm vui mừng của việc chia sẻ các tin tức tốt lành nói tới Chúa Giêxu với những người khác bằng cách đưa họ đến với một số các buổi gặp gỡ nầy.
Liệu bạn có dành thì giờ để chia sẻ niềm vui của bạn với những người cần nghe thấy niềm vui ấy không?
THIÊN SỨ CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA SỰ BÀY TỎ
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA VIỆC NHẬN LÃNH
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN VÀ ANNE CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA VIỆC THÔNG BÁO
MARY CÓ NIỀM VUI CỦA SỰ SUY GẪM
Luca 2.19 – “Còn Ma-ri thì ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng”.
Bạn có nghĩ tới những niềm vui của mình không?
Bạn có nhớ niềm vui mà người bà con đã tỏ ra cho bạn lâu lắm rồi không?
Bạn có nhớ niềm vui của tình bạn trong quá khứ hay hiện tại không?
Bạn có nghĩ tới các niềm vui mà con cái bạn đã kể cho bạn nghe không?
Bạn có nghĩ tới những niềm vui của các năm tháng sống chung vợ chồng không?
Mary đã suy nghĩ tới mọi sự cố của Lễ Giáng Sinh. Nàng đã suy gẫm chúng. Nàng ghi nhớ chúng.
Thực ra, cá nhân tôi tin rằng câu chuyện của Luca nói tới sự tích Lễ Giáng Sinh có lẽ là do Mary kể lại.
Bà đã chia sẻ nhiều năm về sau vì bà đã suy gẫm chúng ở trong lòng bà.
Bạn có khám phá ra niềm vui của việc suy gẫm về một vấn đề thuộc linh không?
Bạn càng ghi nhớ và suy gẫm Kinh thánh, bạn sẽ càng có thêm niềm vui mừng.
Và bạn càng suy gẫm sự tích Giáng Sinh có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, bạn sẽ càng có thêm niềm vui.
Giêrêmi 15.16 – “Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài!”
Hầu hết mọi người chúng ta nhóm lại ở đâu đó để trao đổi về Lễ Giáng Sinh.
Tôi muốn thách thức bạn làm theo những gì Dottie, tôi và con cái tôi hiện nay đang làm. Trước khi món quà đơn sơ được mở ra, chúng ta hãy đọc sự tích Giáng Sinh.
Và khi bạn lái xe đi mua sắm vào dịp Lễ Giáng Sinh hay thực hiện một công việc lặt vặt nào đó trong dịp Lễ Giáng Sinh, hãy dành thì giờ suy nghĩ về sự tích Giáng Sinh và Lễ ấy có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
Suy nghĩ về sự giáng sinh của Chúa Giêxu sẽ đem lại sự vui mừng!
MARY CÓ NIỀM VUI CỦA SỰ SUY GẪM
MẤY THẦY BÁC SĨ CÓ NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐỀN ĐÁP
Mathiơ 2.1-12 thuật lại sự tích Mấy Thầy Bác Sĩ đã đến viếng Chúa Giêxu
Mấy thầy bác sĩ nầy ở phương Đông đã đến có mang theo nhiều lễ vật.
Trong sự cảm kích vì sự giáng trần của “Vua dân Giuđa” họ đã mang theo lễ vật.
Họ đã mang theo bốn lễ vật.
Phải, bốn lễ vật!
Họ đã mang theo vàng, nhũ hương và một dược.
Nhưng họ cũng mang theo lễ vật thờ phượng nữa.
Mathiơ 2.11 nói họ “…sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài”.
Sự thờ lạy của họ dành cho Vua các vua và Chúa các chúa là của lễ tốt nhất trong mọi của lễ.
Bạn có cảm kích những gì Chúa Giêxu đã làm cho bạn không?
Có thể bạn chưa bao giờ đền đáp cách đầy đủ đối với những gì Ngài đã làm, nhưng có một số việc bạn sẽ làm. Những việc nầy sẽ đem lại sự vui mừng.
+ Hãy dành thì giờ vui mừng thờ lạy Ngài.
+ Hãy vui vẻ giúp đỡ cho ai đó đang có cần trong danh của Ngài.
+ Hãy vui vẻ tiếp tục ủng hộ Hội thánh Ngài và các giáo sĩ của Ngài.
Giáng Sinh là một thời điểm của sự vui mừng
Các nhân vật trong Kinh thánh đều có sự vui mừng trong dịp Giáng Sinh.

THIÊN SỨ CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA SỰ BÀY TỎ
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA VIỆC NHẬN LÃNH
MẤY GÃ CHĂN CHIÊN VÀ ANNE CÓ NIỀM VUI MỪNG CỦA VIỆC THÔNG BÁO
MARY CÓ NIỀM VUI CỦA SỰ SUY GẪM
MẤY THẦY BÁC SĨ CÓ NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐỀN ĐÁP

Bạn cũng phải có niềm vui trong dịp Giáng Sinh nầy.

NIỀM VUI NHẬN LÃNH
NIỀM VUI THÔNG BÁO
NIỀM VUI SUY GẪM
NIỀM VUI ĐỀN ĐÁP
***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét