Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Mathiơ 22.34-40 1 Giăng 4.7-11; 19-21: "Dành Thì Giờ Cho Yêu Thương"



DÀNH THÌ GIỜ CHO YÊU THƯƠNG
Mathiơ 22.34-40 1 Giăng 4.7-11; 19-21

Billy Rose từng kể một câu chuyện nói về một chàng thanh niên kia và cha của anh ta, họ có một nông trại nhỏ. Mỗi năm có mấy lần họ lên chợ một chuyến trên chiếc xe bò chở đầy rau cải.
Người con kia thuộc hạng người không có tánh kiên nhẫn. Anh ta luôn luôn chọt gậy vào lưng con bò để thúc nó đi nhanh hơn. Tuy nhiên, cha anh ta, lại muốn đi theo kiểu ung dung nhàn hạ. Người con muốn đến chợ trước nhứt vào sáng hôm sau để dành chỗ tốt và bán hết hàng trước mọi người bán dạo khác. Dù vậy, người cha đã có những nghĩ suy khác.
Tới một chỗ kia, họ phải đi ngang qua nhà của người chú của chàng thanh niên nầy. Người cha đã cho dừng xe lại rồi vào trong nhà trò chuyện tâm đắc với em mình hơn cả giờ đồng hồ.
Khi họ khởi sự tiếp tục lên đường, họ đi tới một ngã ba kia. Chàng thanh niên muốn theo ngả bên trái vì đường ấy đi nhanh hơn, còn người cha thì cho bò quẹo sang phía phải vì con đường ấy đẹp hơn. Trong khi trời còn choạng vạng, người cha đã chọn một chỗ dễ chịu nhất để nghỉ qua đêm. Người con càu nhàu: "Ba chỉ thích hoa hơn là lo kiếm tiền".
Người cha đáp: "Lâu nay, con mới nói một câu nghe được đó". Sáng hôm sau, người con nóng vội kia đánh thức cha mình trước khi trời sáng. Họ thắng bò vào xe lại rồi lên đường hướng vào thành phố. Tuy nhiên, khi mới đi được một chút, họ gặp một nhà nông khác, xe của ông ta bị kẹt trong một cái mương. Người cha nói: "Chúng ta hãy giúp ông ta một tay". Chàng thanh niên kia phản kháng, nhưng anh ta biết mình phải làm phần việc của mình, hoặc họ sẽ bị chậm trễ thêm một thời gian nữa. Lúc ấy, đồng hồ đã điểm 8 giờ rồi.
Thình lình, có một tia sét lớn loé ngang qua bầu trời. Trời sáng trưng thế mà lại có sấm sét. Bên kia dãy núi, bầu trời trở tăm tối lắm. Người cha nói: "Dường như có trận mưa lớn trong thành phố”. Người con lằm bằm: “Nếu chúng ta đến đúng giờ, chúng ta sẽ bán hết số rau nầy mau lắm đây”. Người cha tử tế kia đáp: “Dễ thôi mà con, con sẽ không chờ lâu đâu”. Đến gần giữa trưa thì họ cũng lên tới đỉnh đồi nhìn thấu thành phố ở bên kia. Họ nhìn xuống phố một lúc lâu. Không ai trong hai người buồn nói chuyện gì hết. Sau cùng, chàng thanh niên lúc nào cũng thấy hối hả kia, bình tỉnh nói: "Ba ơi, con thấy ba nói đúng đấy". Thế rồi họ đánh chiếc xe bò quay vòng lại rồi đánh đi khỏi đó, để đừng trông thấy địa điểm từng là thành phố Hiroshima. (1)
Bây giờ chúng ta hãy xem một câu chuyện khác. Lần nầy, là bối cảnh của một vở kịch. Đây là vở trích từ loại kịch cổ điển của Thornton Wilder có đề tựa là “THỊ TRẤN CỦA CHÚNG TA”.
Tôi muốn quí vị xem cảnh Emily đang nằm chết. Sau khi qua đời, cô được vào trong nghĩa địa. Ở đó, người ta nói cho cô biết là cô có thể trở về nhà lại để chứng kiến một ngày trong đời sống của mình. Người ta đến hỏi cô: "Cô thích trở lại với ngày nào đây?" Cô đáp ngay: "Ồ, tôi nhớ ngày sinh nhật thứ 12 của tôi, ngày ấy vui làm sao ấy". Mọi người ở nghĩa địa đó nói: "Emily, đừng trở lại cô ơi. Đừng trở lại ngày ấy Emily ơi". Thế nhưng cô lại muốn trở lại với ngày vui vẻ ấy. Cô muốn nhìn thấy Mẹ và Cha một lần nữa. Vì vậy, màn kịch chuyển đi, và cô có mặt ở đó, 12 tuổi, và cô trở về đúng thời điểm cái ngày tuyệt vời mà cô đã nhớ lại. Cô bước xuống các bực thang trong bộ áo đầm thật đẹp. Nhưng mẹ cô thì lại bận rộn lo làm chiếc bánh sinh nhật cho cô đến nỗi bà không thể dừng tay lại đặng ngắm nhìn cô. Cô nói: "Mẹ ơi, ngắm con nè. Con là con gái trong ngày sinh nhật đây!" Và Mẹ cô đáp: "Đẹp rồi, ôi con gái trong ngày sinh nhật. Hãy ngồi xuống và ăn bữa sáng của con đi". Và Emily đứng tại đó nói: "Mẹ ơi, ngắm con nè!" Nhưng Mẹ không rãnh tay. Cha vừa bước tới chỗ đó, nhưng ông bận lo kiếm tiền cho cô đến nỗi ông không thể ngắm cô được, và anh của cô cũng thế. Bối cảnh kết thúc khi cô đứng giữa sân khấu nói: “Mọi người làm ơn đi, chỉ ngắm nhìn con thôi mà. Con không cần bánh hay tiền bạc đâu. Làm ơn ngắm nhìn con thôi mà”. Thế mà chẳng ai nhìn ngắm cô cả. Cô quay sang mẹ thêm một lần nữa, cô nói: "Làm ơn đi mà Mẹ?" Thế rồi cô buồn bã quay sang ông bầu sân khấu rồi nói: "Thôi cho tôi vô đi. Tôi đã quên điều chi giống như con người rồi. Chẳng ai thèm nhìn đến ai cả. Không ai biết quan tâm hết, có phải không?"
Phải, chắc chắn chúng ta có quan tâm đấy chứ. Nhưng, có khi chúng ta quên. Chúng ta quên dành thời gian để yêu thương.
Chúng ta cần phải đọc Tân ước để biết sắp đặt lại các thứ tự ưu tiên.
Mathiơ 22.34-40 ; 1 Giăng 4.7-11 ; 19-21
Tân ước cho chúng ta biết lý do chính yếu chúng ta có mặt ở đây là yêu thương. Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Chúng ta được dựng nên từ tình yêu thương và cho sự yêu thương. "Cái điều thế giới đang cần hiện nay là tình yêu thương, tình yêu dịu dàng", tác giả bài hát đã viết trong thập niên 1960. Bài hát ấy gần như là một bài cầu nguyện. Hãy nhớ cho hết bài hát ấy, khi nó được trình bày!?! "Lạy Chúa, chúng con không cần hòn núi khác", hoặc một dòng sông hay một đồng trũng. Cái điều chúng con đang cần, ông nói, là tình yêu thương. Và ông đã nói đúng. Nhưng nếu có một sự thiếu thốn tình yêu thương trong thế gian nầy, thì chắc chắn đấy không phải là lỗi của Đức Chúa Trời.
"Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào", Giăng viết trong một thư tín của ông. Quí vị và tôi sẽ có mặt ở đây suốt cả ngày để chúng ta đếm hết những phương thức mà Đức Chúa Trời đã ban phước cho chúng ta với chứng cớ của tình yêu thương.
Vậy hãy khởi sự đi, chúng ta có thể kể tên ánh mặt trời, cơn mưa, những đoá hoa, những em bé nhỏ xíu và ông bà đã lẩm cẩm. . . Bảng danh sách cứ tiếp tục mãi không dứt. Khi Emily nói trong phần khác của vở THỊ TRẤN CỦA CHÚNG TA, "Ôi, hành tinh quả đất ơi, ta chưa hề biết ngươi thực sự đẹp đẽ dường ấy". Và quả đất kỳ diệu nầy là tặng phẩm của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.
Nhưng còn ấn tượng hơn mọi ơn phước vật chất nầy là tặng phẩm Con của Đức Chúa Trời. Thình lình, tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã hoá thành ra vật chất, xác thịt, có hình hài.
Tôi có nghe kể lại về một người cha, ông đã làm biếng kể và đọc những câu chuyện bên giường để ru ngủ đứa con gái nhỏ của mình, vì vậy ông mua cho nó một máy ghi âm và một số đĩa ghi âm về những câu chuyện mà nó ưa thích.
Nhưng nó không thích mấy cái đĩa đó. Nó nài nĩ cha nó chính ông phải đọc mấy câu chuyện ấy. Người cha phản đối: "Nhưng cha đã mua cho con cái máy xinh đẹp đó rồi mà” Đức con gái đáp: “Phải, nhưng máy ghi âm không có tấm lòng".
Trong Đức Chúa Giêxu Christ, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời của Ngài trọn vẹn với một tấm lòng.
Ở đó Ngài đang ẳm lấy một đứa trẻ trong vòng tay của Ngài. Ở đó Ngài đang ăn tối với Xachê, Ngài đem tình yêu thương vào trong ngôi nhà của một kẻ bị khi dễ. Đôi vòng tay của Ngài đang rộng mở trong sự tha thứ. Hai bàn tay của Ngài trải dài ra trong sự chữa lành. Môi miệng của Ngài thốt ra lời lẽ đầy sự hy vọng cho những kẻ đang sống trong vô vọng. Và sau cùng Ngài bị treo trên một cây thập tự. Thầy đội La mã thầm thì: "Quả thật người nầy là Con của Đức Chúa Trời". Ngài là mọi sự và còn hơn thế nữa. Phaolô viết: "Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài…". Clarence Jordan, trong bản Kinh Thánh Cotton Patch của ông, dịch câu nầy đại loại như sau: "Đức Chúa Trời đã ở trong Chúa Giêxu ghì chặt lấy thế gian cho mình…".
Tình yêu thương đan dệt trên tấm thảm của sự sáng tạo. Vậy thì, chúng ta không có gì ngạc nhiên khi thấy người ta đến hỏi Chúa Giêxu điều răn nào là lớn nhất, Ngài đáp: "Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Nầy là điều thứ hai: Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình".
Chúng ta cũng không thể tránh thoát nghĩa vụ phải yêu thương, vì khi chúng ta thôi không yêu thương nữa, chúng ta thôi không còn là con người nữa.
Chúng ta phân biệt ba cấp độ yêu thương. Cấp thứ nhứt là sự yêu thương theo tự nhiên, tình yêu nầy giữ người ta lại với nhau trong các gia đình.
"Trên cấp độ nầy là cấp độ yêu thương được gọi là tình yêu phileo. Tình yêu Phileo gồm có sự hội hiệp của chúng ta trong tình bạn, trong các nhóm đồng nghiệp và trực thuộc xã hội, và trong các mối quan hệ của những người có cùng chung sở thích”.
Rồi có một cấp độ tình yêu cao hơn nữa dựa theo lương tâm hay agape – Loại tình yêu của Đức Chúa Trời.
Một cách định nghĩa của người Nhật về tình yêu Agape nầy như sau:
"Nếu một người đi dọc theo con đường kia với một kẻ thù ở bên tay phải, và một tội nhân bên phía tay trái, nếu người ấy có thể đồng đi với họ mà không tố cáo họ, hoặc nếu người có thể dừng lại để giúp đỡ họ, thì người đã làm cho chiếc phi cơ lương tâm hay agape cất cánh bay cao – tình yêu thương. Đó là thứ tình yêu mà Chúa Giêxu đã bày tỏ ra, và Ngài đã kêu gọi các môn đồ của Ngài, buộc họ phải làm điều lành cho những kẻ thù ghét họ…" (2)
Hầu hết mọi người đều yêu ở một cấp độ rất cơ bản – họ chỉ yêu những ai đang yêu họ mà thôi. Còn Chúa Giêxu kêu gọi chúng ta phải kinh nghiệm một loại tình yêu rất là đặc biệt.
Trong quyển tự truyện của ông, Mục sư A. J. Cronin thuật lại về một gia đình lân cận, gia đình Adams. Ông Adams là một nhân viên kế toán trong Thành phố Nữu ước, nhưng ông thích để nhiều giờ để lao động trong ngôi vườn nhà ông ở Connecticut, cùng với con trai duy nhất của mình là Sammy. Khi Đệ II Thế Chiến nổ ra, Bà Adams đề nghị là họ nên đem đứa trẻ tị nạn vào ở trong nhà. Ông Adams lúc đầu chẳng quan tâm gì đến lời đề nghị đó, nhưng sau cùng ông đã đồng ý. Đứa trẻ đã đến sống chung với họ là một trẻ mồ côi từ miền Trung Âu có tên là Paul Piotrostanalsis. Không may, khi Paul học biết ngôn ngữ của những ân nhân của mình, dường như nó nhận ra đó chính là phương tiện để biến sự thật thành những điều dối trá. Nó thấy ăn cắp thật là dễ, và nó chẳng tỏ ra một chút tình cảm nào với gia đình Adams hết. Tuy nhiên, nó đã phát triển một tình bạn rất mật thiết với con trai của gia đình Adams, là Sammy.
Ngày nọ, Paul, đã vi phạm lời dặn dò, nó đã đi bơi ở một dòng suối rất bẩn gần nhà của họ, nó trở về nhà với một bịnh lây nhiễm là bịnh sốt rét. Do khả năng lây nhiễm, Paul đã bị dời sang ở một phòng riêng biệt, và bố mẹ đã bảo Sammy không được qua chơi với nó. Paul đã chịu đựng sự khủng hoảng nầy, nhưng một buổi sáng kia cả nhà đều thấy Sammy đang bò dưới giường cùng với Paul và chúng đã giáp mặt vào nhau mà thở. Bốn ngày sau Sammy ngã chết. Mục sư Cronin nhớ viết thư cho Henry Adams và thúc giục ông nên bỏ Paul đi, nó đã đem lại cho họ cơn đau đầu và rắc rối mà thôi. Nhưng khi Mục sư Cronin trở về từ một chuyến đi sáu tháng sau đó, ông đến thăm gia đình Adams, ông lấy làm ngạc nhiên khi thấy hình ảnh quen thuộc của người cha cùng đứa con trai đang lao động bên cạnh nhau ở trong vườn. Thằng bé ấy là Paul. Mục sư Cronin lên tiếng hỏi thăm với sự kinh ngạc: "Ông vẫn còn giữ nó lại sao?" Henry đáp: "Thưa phải ạ, và bây giờ nó làm việc tốt lắm đấy" Cronin thì thầm: "Mọi sự mà tôi muốn nói với cháu, Paul ạ, cháu là một đứa trẻ đầy may mắn đấy". Henry Adams ngắt ngang: "Thưa Mục sư Cronin, ông không cần cố gắng nói ra tên họ của nó nữa mà chi. Nó là Paul Adams. Chúng tôi đã nhận nó là con nuôi đấy" (3).
Bây giờ, đó là loại tình yêu mà thế giới đang thực sự có cần.
Đấy là loại tình yêu mà chúng ta đã nhận lãnh, hay chúng ta có thể nhận lãnh:
Roma 5.8: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết”.
Đang khi chúng ta còn là tội nhân, phá vỡ luật pháp của Ngài, không sống theo sự Ngài mong đợi, đang khi chúng ta còn ở trong sự loạn nghịch cùng Ngài, Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi Ngài đã lập chúng ta làm kẻ kế tự – những kẻ đồng kế tự với Đức Chúa Giêxu Christ.
Chúng ta là những người đã nếm trải tình yêu nầy, chúng ta là những người có sự sống trong tình yêu nầy, chúng ta là những người được kêu gọi trở thành hạng người dự phần vào tình yêu nầy, chúng ta có thể yêu kém hơn chăng?
Chúng ta có thể yêu kém hơn khi phải đến với tha nhân chăng?
Quí bạn tôi ơi, hãy dành thì giờ để mà yêu thương. Hãy yêu những kẻ gần gũi nhất với quí vị. Nhưng hãy yêu nhiều hơn thế. Hãy bước đi trên các dấu chân của Chúa Giêxu. Hãy học biết yêu thương từng người mà quí vị giao tiếp, đụng chạm. Loại tình yêu ấy vẫn còn có thể giải cứu thế giới nầy.
Bởi điều nầy Chúa Giêxu phán người ta sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta, nếu các ngươi yêu nhau.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét