Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

I Samuên 14: "Vai Phụ Bị Quên Lãng"



I Samuên 14 v.v…
VAI PHỤ BỊ QUÊN LÃNG
Trải qua nhiều năm tháng, đã có nhiều cặp “song hành với nhau”. Đây là hạng người giúp đỡ cho người nào nắm lấy địa vị hàng đầu, có thể nói như thế.
Thường thì mỗi cặp nổi tiếng nầy gồm một người nổi tiếng và một người trợ giúp? Quí vị có thể nhớ tới một số cặp như thế nầy không?
Batman và Robin; Roy Rodgers và Pat Brady, hay Gabby Hayes; Sherlock Holms và Watson; Yogi Bear và Boobo; The Green Hornet và Kato; The Lone Ranger và Tonto; Phaolô và Sila, hay Barnabas; Phierơ và Anhrê.
Thường thì trong phim ảnh hay phim hoạt hình, vai phụ được xem là một vai hờ thôi. Nhưng trong các trường hợp khác, vai phụ thực sự phải hoàn toàn giỏi, cho dù vai ấy (nam hay nữ) không có nhiệm vụ chính.
Khi chúng ta trở lại với phần nghiên cứu “Những gương mặt bị lãng quên” tối nay, chúng ta đến với câu chuyện nói về một nhân vật đã kết thúc phần diễn vai phụ cho một nhà vua rất nổi tiếng. Thực ra, nếu cha của người nầy không gây rối, nhân vật nầy sẽ trở thành Vua của Israel, và có đủ khả năng để đảm đương chức vụ đó.
Chẳng có gì sai với việc đóng “vai phụ” khi đời sống chúng ta đã dâng hiến cho Đức Chúa Trời. Chúng ta chỉ cần phục vụ ở nơi nào Ngài đặt để chúng ta. Như có người đã nói, chúng ta cần phải “trổ bông ở nơi chúng ta được gieo trồng”. Thi thiên 47.4; 75.6-7.
Vai Phụ mà tôi đang nghĩ tới tối nay là Giônathan.
Giônathan là ai?
Chàng là con trai của Vua Saulơ.
Chàng là bạn thiết của David.
Chàng sẽ trở thành Vua, nếu cha của chàng, không tự mình làm mất tư cách của một vì vua (I Samuên 15.28).
I Samuên 15.28 – “Sa-mu-ên nói cùng người: Ấy ngày nay Đức Giê-hô-va xé nước Y-sơ-ra-ên khỏi ngươi là như vậy, đặng ban cho kẻ lân cận ngươi, xứng đáng hơn ngươi”.
Tối nay chúng ta nhìn xem đời sống của Giônathan, nhân vật đã kết thúc phần diễn vai phụ cho Vua David. Điều nầy đã không làm cho chàng thất vọng, chàng đã sống đời sống làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chàng đã chấp nhận kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho đời sống của mình.
LÒNG CAN ĐẢM CỦA GIÔNATHAN
Israel đã ở trong tình cảnh rất xấu xa lúc bấy giờ.
Quân Philitin đang thực hiện các cuộc xâm nhập vào lãnh thổ của Israel.
Saulơ đã hành động dại dột, cố thực hiện vai trò của thầy tế lễ khi dâng các của lễ.
Saulơ đã được truyền cho biết rằng ông không còn xứng đáng làm Vua nữa và ông sẽ bị mất nước.
Nhiều người Israel đã sợ hãi đi ẩn mình trong các hang động vì sợ quân Philitin.
Chẳng có một thanh gươm nào, trừ ra gươm của Saulơ và Giônathan. Với mọi việc tiêu cực nầy đang xảy ra, Saulơ dường như bị tê liệt với sợ hãi và do dự.
14.1 – Giônathan cùng với kẻ vác binh khí mình quyết định đi qua đồn quân Philitin, gọi là đồn Míchma. Cùng lúc đó, cha của chàng chẳng làm chi hết.
14.6 – Ở đây, chúng ta thấy một câu nói có cả lòng can đảm và đức tin. Giônathan có lòng can đảm vì Giônathan đã có đức tin. Chàng nhận biết rằng chẳng có một giới hạn nào cho Chúa khi nhắc tới những con số. Ngài có thể giải cứu khi sử dụng một ít hay nhiều người.
Thường thì Cơ đốc nhân rất giống với Saulơ, họ thất bại không dám hành động vì quân nghịch quá đông.
Chúng ta cần phải sống giống như Giônathan, chàng nhận biết “Đức Chúa Trời khiến cho số ít người được thắng giống như số đông người vậy”.
Đức tin và lòng can đảm của Giônathan không phải là đức tin hay lòng can đảm mù quáng đâu.
Đức Chúa Trời đã hứa đắc thắng kèm theo nếu Israel chịu bước theo Đức Giêhôva. Lêvi ký 26.7-8
Có nhiều lúc chúng ta thiếu mất lòng can đảm.
Có những lúc chúng ta thiếu đức tin nữa.
Chúng ta phải gây dựng đức tin như thế nào đây? Roma 10.17
14.8-10 – Nếu quân thù mời họ đến, họ sẽ tin chắc rằng Đức Chúa Trời đã có mặt ở đó rồi.
14.11-12 – Quân thù tưởng chúng đã bắt gặp hai người Do thái có lòng hoảng sợ. Chúng vui vẻ mời họ đến gặp chúng. Giônathan lấy điều nầy làm một dấu hiệu cho đắc thắng.
Các câu 13-15 – Không những 20 quân Philitin bị giết, mà điều nầy còn tạo ra sự lộn xộn hay hoảng loạn giữa vòng quân Philitin. Và Đức Chúa Trời còn thêm vào một trận động đất nữa.
Ngay lúc Saulơ đến, ông nhìn thấy mọi điều đã diễn ra, quân thù đang đánh lẫn nhau, và chi phái Do thái nào đã bỏ đi, giờ đây quay trở lại với Israel, và những ai đang ẩn mình, họ đã bước ra để chiến đấu (các câu 20-23).
BẠN THIẾT CỦA GIÔNATHAN
Chúng ta cần phải trở lại với hai sự cố quan trọng.
Thứ nhứt, chúng ta nói tới việc xức dầu cho David làm Tân Vương.
Mặc dù ông chưa bắt đầu trị vì, ông đã được Đức Chúa Trời chỉ định là người kế tục của Saulơ.
Thứ hai, chúng ta sơ nét về câu chuyện nói tới David và Gôliát.
Israel vốn rất đỗi sợ hãi tên khỗng lồ nầy.
David đã được Đức Chúa Trời đại dụng để đánh bại Gôliát bằng cái trành ném đá và một viên đá được Đức Chúa Trời hướng dẫn.
Cái chết của Gôliát dẫn tới phần đắc thắng khác của Israel đối với quân Philitin và lập David làm anh hùng dân tộc.
Tôi dám nói rằng quí vị có thể nói tới tánh tình của một người nam hay người nữ qua bạn bè của họ. Những người nam hay nữ khí khái kết bạn thân thiết với những người nam và nữ khí khái.
18.1- Ngay tức khắc sau thất bại của Gôliát, linh hồn của Giônathan khắng khít với linh hồn của David.
Cả hai đều là người có lòng can đảm.
Cả hai đều kính sợ Giêhôva Đức Chúa Trời của Israel.
Cả hai đều là hạng người có đức tin.
Mặc dù đã có khác biệt trong tuổi tác của họ, Giônathan có lẽ là người lớn tuổi hơn, chẳng có chi khác biệt trong lòng sốt sắng vì Đức Chúa Trời của họ.
Trong tình yêu của mình dành cho David, Giônathan đã tỏ ra một đức tính đáng phải có giữa vòng các cấp lãnh đạo của Hội Thánh. Chàng là người đáng yêu trong số người nhơn đức. Tít 1.7-8
Quí vị và tôi đáng phải trở thành người đáng yêu trong số người (nam hay nữ) nhơn đức và dành thì giờ với họ để cho đức tin của chúng ta được thăng tiến. Hêbơrơ 10.24-25
18.2-3 – Giônathan và David lập một giao ước cho tình bạn. Họ sẽ chăm sóc nhau và chăm sóc gia đình của nhau, đặc biệt nếu có người qua đời trước. Hãy lưu ý chiều sâu tình cảm của Giônathan. Chàng yêu David rất nhiều như chính bản thân mình vậy.
18.4 – Địa vị của Giônathan trong triều đình là gì?
Chàng là Hoàng Thái Tử.
Rất có khả năng chàng đã ăn mặc xứng đáng với địa vị của mình.
Có thể là Giônathan, khi trao áo xống mình cho David, đang công nhận sự ấy, chính David, chớ chẳng phải chàng, sẽ trở thành vua kế vị của Saulơ?
Đây là người bạn bằng lòng để cho bạn của mình đứng trước mình. Bạn bè tốt, thiết hữu tốt, không sống ích kỷ. Một trong những đức tính của tình yêu thương là không sống ích kỷ.
SỰ CỘNG TÁC CỦA GIÔNATHAN
Một vai phụ giỏi biết rõ mình phải cộng tác như thế nào, đặc biệt với bạn đồng diễn với mình. Các sự cố trong triều đình của Israel chắc chắn khiến cho David phải cần có sự cộng tác của Giônathan. David nhận lấy sự cộng tác đó vì họ là bạn thiết của nhau.
18.6-12 – Saulơ trở thành kẻ thù của David. Thật là quan trọng khi thấy David không hề trở thành kẻ thù của Saulơ. David không hề ăn miếng trả miếng.
Có hai sự cố tôi muốn chúng ta phải xem qua để thấy rõ sự cộng tác giữa Giônathan và David.
19.3 – Khi Giônthan thấy rõ David bị cha mình xem là mục tiêu phải giết chết, trước hết chàng đã cảnh báo cho David biết.
Ngợi khen Đức Chúa Trời vì bạn thiết cộng tác bằng cách cảnh báo chúng ta.
Trong trường hợp nầy Giônathan đã cảnh báo cho David biết về mối nguy hiểm khả thi.
Thật là quan trọng khi chúng ta noi theo tấm gương của Giônathan.
Có những lúc khi bạn bè chúng ta cần phải được cảnh báo về mối nguy hiểm.
Cộng tác với David, Giônathan không thôi cảnh báo.
Chàng cũng can thiệp cho David.
19.4-7 – Có nhiều lúc khi quí vị và tôi cần có ai đó nói ra vì ích cho chúng ta như Giônathan đã làm cho David. Có những lúc khi quí vị và tôi cần phải biện hộ cho ai đó đang vắng mặt, và chúng ta nói ra vì ích cho họ.
Đôi khi có người nói ra điều chi đó hoàn toàn dối trá về một người. Tôi cần phải nói ra và biện hộ cho người không có mặt ở đó.
Đôi khi có người nói ra một lời biện hộ cho ai đó đã tình cờ gây tổn thương tình cảm của kẻ khác.
Đôi khi cần có người thứ ba để giải hoà.
Mathiơ 5.9 – “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!”
Mặc dù Giônathan đã cộng tác với David và là người giải hoà của ông, Saulơ mau chóng quay trở lại với tình trạng đối kháng nghịch lại với David.
Trong I Samuên 20 có câu chuyện khác nói tới sự cộng tác của Giônathan với David.
Trong trường hợp nầy, Giônathan đã hành động như một thám tử để xem coi Saulơ có muốn giết David hay không!?! Như nếu đây là trường hợp. Giônathan đã cảnh báo cho bạn mình và David có thể đi trốn.
Tôi có ấn tượng rằng qua hết mọi sự nầy, Giônathan đã cộng tác với David, vì Giônathan có lòng quan tâm tới mọi lợi ích của David. Nguyện chúng ta cũng làm y như thế.
Philíp 2.4 – “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.
THôNG BÁO CỦA GIÔNATHAN
Có những lúc khi chúng ta cần sự khích lệ.
Chúng ta ngã lòng. Chúng ta thối lui. Chúng ta đang cần một lời nói lành.
Châm ngôn 12.25 – “Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn; Nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ”.
David bị Saulơ truy đuổi không ngừng nghỉ.
Ông cần sự khích lệ.
Chính Giônathan mới là người tạo ra sự khích lệ đó.
23.14-18 – Tư tưởng chính trong phân đoạn nầy là câu 16.
I Samuên 23.16 – “Bấy giờ, Giô-na-than, con trai của Sau-lơ đứng dậy, đi đến cùng Đa-vít ở trong rừng, làm cho người vững lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời”.
Vì vậy, chúng ta làm cho tay bạn bè chúng ta được vững vàng nơi Đức Chúa Trời như thế nào?
Chúng ta cầu nguyện với họ.
Chúng ta chia sẻ Kinh Thánh.
Chúng ta nhắc cho họ nhớ tới mọi lời hứa của Đức Chúa Trời.
Chúng ta nhắc cho họ nhớ về sự thành tín của Đức Chúa Trời.
Chúng ta khích lệ họ.
Việc tốt nhứt chúng ta có thể làm cho bạn bè là truyền đạt sự khích lệ.
Có lẽ quí vị biết rõ phần cuối của câu chuyện.
Saulơ và Giônathan đều bị chết trong chiến trận.
David trở thành Vua.
Nhưng David không bao giờ quên người có thể trở thành vua, nhưng đã trở thành vai phụ. II Samuên 1.26
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét