Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

I Côrinhtô 11.23-34: "THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN THỜ"



THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN THỜ
I Côrinhtô 11.23-34: “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ. Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán. Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian. Hỡi anh em, vậy thì lúc anh em hội lại để ăn chung với nhau, hãy chờ đợi nhau. Ví bằng có ai đói, hãy ăn tại nhà mình, hầu cho anh em không nhóm lại để mà chuốc lấy sự đoán xét. Còn các việc khác, lúc tôi đến sẽ đoán định”.
Theo một ý nghĩa, ngày nay chúng ta đang có một “bữa ăn biết ơn”. Chúng ta ghi nhớ mọi điều Chúa Giêxu đã làm cho chúng ta trên thập tự giá bằng cách kỷ niệm Bữa Tiệc Thánh của Ngài.

Tôi muốn nói với quí vị về “Sự thờ phượng quanh bàn tiệc”, bàn tiệc của Chúa. Thật là dễ dàng cho chúng ta khi mỗi tháng dự Tiệc Thánh vào cuối buổi thờ phượng. Nhưng nếu toàn bộ đời sống chúng ta phải trở thành một hành động thờ phượng, dựa theo Roma 12.1-2, thì sự dự phần vào Bàn Tiệc Thánh cũng phải là một hành động thờ phượng. Chúng ta không nên xem nhẹ bàn tiệc của Chúa.

Tôi xin quí vị hãy chú ý vào I Côrinhtô 11.23-34. Ở đây chúng ta thấy sự giải thích trọn vẹn nhất về Tiệc Thánh của Chúa trong Kinh Thánh. Dựa theo phân đoạn Kinh Thánh nầy, tôi mời quí vị đến thờ phượng tại bàn tiệc thánh, là sự kỷ niệm mà lát nữa đây chúng ta sẽ dự. Sáng nay chúng tôi mời quí vị xem xét:

THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC LÀ SỰ THỜ PHƯỢNG SÂU SẮC – Các câu 23-25

Thờ phượng bao gồm sự hồi tưởng lại.
Khi chúng ta nhớ lại mọi điều mà Chúa đã làm cho chúng ta, hãy nhớ lại khi chúng ta sẵn sàng thờ phượng.
Thi thiên 143.5, Philíp 4.8

Phaolô bắt đầu phần bàn luận của ông về Bàn Tiệc của Chúa bằng cách gợi lại mọi ký ức của người thành Côrinhtô.
I Côrinhtô 11.23 – “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Jêsus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra”.

Những gì Phaolô chia sẻ, ông đã nhận lãnh trực tiếp từ nơi Chúa. Những điều Phaolô chia sẻ, trước đó ông đã chia sẻ với người thành Côrinhtô. Ông buộc họ phải suy nghĩ tới những việc mà họ đã được dạy dỗ trước đó.
Phaolô nói cho họ biết một việc đáng nhớ. Trong đêm Chúa Giêxu bị phản, cũng là đêm Chúa Giêxu bị bắt, cũng là đêm Chúa Giêxu đương ở tại bữa ăn tối Lễ Vượt Qua, Ngài thiết lập một buổi thờ phượng đáng nhớ cho Hội Thánh của Ngài.

Hai lần trong buổi thờ phượng nhỏ nầy, Chúa Giêxu bảo các môn đồ Ngài “Hãy làm điều nầy để nhớ ta”.

Thờ phượng tại bàn tiệc thánh là sự thờ phượng rất sâu sắc. Mọi tư tưởng của chúng ta đều tựu trung về Chúa Giêxu.

I Côrinhtô 11.24: “mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta”.

Chúa Giêxu cầm lấy bánh rồi bẻ ra.
Ngài phân phát bánh ấy rồi nói “Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho, hãy làm điều nầy để nhớ ta”.

Có phải Chúa Giêxu có ý nói rằng bánh là thân thể Ngài? Không. Khi Chúa Giêxu phán “Ta là cái cửa”, Ngài không có ý nói theo nghĩa đen đâu. Chúa Giêxu có ý nói rằng bánh là biểu tượng cho thân thể Ngài. Và chúng ta cầm lấy bánh ấy để tưởng nhớ đến Ngài.
Cũng vậy, khi chúng ta chuyền và cầm lấy bánh trong tay của mình, chúng ta hãy suy nghĩ về thân thể của Chúa Giêxu. Thân thể của Chúa Giêxu đã được phó cho chúng ta.
II Côrinhtô 5.21 – “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”.

Thân thể Chúa Giêxu bị vỡ tan vì chúng ta. Không một cái xương nào bị gãy trong thân thể của Ngài. Nhưng sự thương khó nơi thân thể Ngài nằm ở cường độ cao nhất.

Và trên thập tự giá Ngài gánh lấy án phạt vì tội lỗi của cả thế gian. Êsai 53.3-6

Phải, chúng ta phải thờ phượng bằng cách nhớ lại thân thể bị vỡ tan khi bánh được chuyền đi. Nhưng còn hơn thế nữa!

I Côrinhtô 11.25 – “Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta”.

Khi cái chén được chuyền đi, nó nhắc cho chúng ta nhớ huyết đã đổ ra. Chính huyết đổ ra của Chúa Giêxu bảo đảm cho chúng ta một giao ước mới hay một hợp đồng mới với Đức Chúa Trời. Đối với hết thảy những ai đặt đức tin nơi Đấng Christ và nơi huyết đã đổ ra của Ngài đều có sự sống đời đời!
Vì chúng ta là hạng tội nhân bất xứng, phải có ai đó trả giá cho tội lỗi của chúng ta. Chúa Giêxu đã chọn chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. Vì lẽ đó, bất cứ ai chọn tin Đấng Christ làm Cứu Chúa đều có sự tha thứ và sự sống đời đời. Roma 5.1, 9.

Vì vậy, khi chúng ta thờ phượng tại Bàn Tiệc Thánh của Chúa, chúng ta đang thờ phượng một cách sâu sắc. Chúng ta cần phải suy gẫm luôn về mọi điều mà Chúa Giêxu đã làm cho chúng ta. Chúng ta cần phải tưởng nhớ đến Ngài.

THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC THÁNH LÀ MỘT SỰ LÀM CHỨNG – câu 26

I Côrinhtô 11.26 – “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”.

Nếu tôi kêu gọi hầu hết quí vị trong tuần lễ và tuyên bố với quí vị rằng tôi muốn quí vị phải rao giảng vào Chúa nhựt nầy, quí vị sẽ đâm hoảng, đặc biệt nếu quí vị nghĩ là tôi thật là đáng sợ.

Nhưng cho phép tôi nói với quí vị, nếu quí vị dự bánh và chén sáng nay, quí vị đang giảng đạo rồi đấy. Và quí vị đang rao giảng sứ điệp quan trọng nhất mà bất kỳ ai cũng có thể rao giảng được hết.

Chữ “rao” trong I Côrinhtô 11.26 có ý nói “công bố”. Khi chúng ta công bố, ấy là lúc chúng ta đang rao giảng. Khi quí vị cầm lấy bánh, quí vị đang rao giảng chính đức tin của mình nơi thân thể vỡ tan của Đấng Christ đã phó cho quí vị. Khi quí vị cầm lấy chén, quí vị đang rao giảng chính đức tin của mình đặt nơi huyết Đấng Christ đổ ra vì quí vị. Bởi việc cầm lấy bánh và chén quí vị là một nhân chứng trước mặt hết thảy những ai đang nhìn thấy quí vị. Quí vị đang rao giảng đức tin của mình cho họ biết!

Vì lẽ đó, thật là quan trọng những điều quí vị đang thể hiện bởi các hành động đều là thành thật trong đời sống của quí vị. Người nào dự phần vào mối thông công sẽ là người biết đặt đức tin của mình (nam hay nữ) nơi Đấng Christ làm Cứu Chúa. Nếu không, quí vị chính là một kẻ giả hình!

Thật là tồi tệ khi chưa nhận biết Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình! (Giăng 3.36).
Đúng là tồi tệ khi chưa nhận biết Đấng Christ làm Cứu Chúa, song còn tệ hại hơn nữa là hành động như quí vị đã được cứu qua việc dự Tiệc Thánh.
Phải biết chắc là tấm lòng của quí vị xứng hiệp với sự làm chứng của quí vị. Còn nếu quí vị chưa dám chắc mình đã được cứu, hãy chuyền bánh và chén đi qua khỏi đó, cho tới chừng nào quí vị dám chắc rồi. Tôi muốn quí vị nhìn thấy một việc khác ở trong câu 26.
I Côrinhtô 11.26 – “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến”.

Không những chúng ta làm chứng cho sự chết và sự chôn Đức Chúa Giêxu Christ Chúa chúng ta, mà chúng ta còn làm chứng cho sự sống lại của Ngài cùng sự thật Ngài sẽ tái lâm nữa. Không những chúng ta nhìn lui lại thập tự giá, mà chúng ta còn nhìn tới trước về sự tái lâm của Ngài vì chúng ta (Philíp 3.20).

THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC THÁNH LÀ SỰ THỜ PHƯỢNG RẤT TRONG SÁNG – Câu 27-28

I Côrinhtô 11.27 – “Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa”.

Giờ đây, chúng ta tiếp thu thêm một việc nữa. Chẳng có một người nào trong thế gian là xứng đáng với Chúa Giêxu. Chẳng có ai trong thế gian xứng đáng với thân thể vỡ tan và huyết đổ ra của Ngài (Êsai 64.6).

Chúng ta sống không xứng đáng. Đấy là lý do tại sao Chúa Giêxu phải chịu chết vì chúng ta. Khi Phaolô nói về sự bất xứng ở đây, ông có ý nói dự vào bánh và chén trong một tư thế bất xứng.

Chính việc dự Tiệc Thánh của Chúa mà không chịu tha thứ cho người khác. Chính việc dự tiệc thánh của Chúa và lý trí quí vị cứ mộng mơ cách xa nơi đó hàng trăm cây số vậy. Chính việc dự tiệc thánh của Chúa mà không xưng tội trong đời sống của quí vị. Khi chúng ta đến với Tiệc Thánh của Chúa, Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta phải dự trong sự trong sáng.

I Côrinhtô 11.28 – “Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình”.

Trước khi quí vị dự tiệc thánh của Chúa, Chúa muốn quí vị phải xét mình vì cớ tội lỗi và hãy xưng nó ra. Thi thiên 32.5, 1 Giăng 1.9
Có hai đòi hỏi khi dự tiệc thánh. Thứ nhứt, quí vị phải nhận biết Chúa Giêxu là Cứu Chúa của quí vị. Thứ hai, quí vị phải xưng ra mọi tội lỗi đã biết. Quí vị cần phải trong sáng, chân thành với Đức Chúa Trời về mọi thất bại của mình trong vai trò Cơ đốc nhân.
THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC THÁNH LÀ MỘT SỰ THỬ THÁCH – Câu 29-24

Vì hết thảy Cơ đốc nhân đều phạm tội, có một loại thử thách trong mỗi buổi thờ phượng thông công. Khi có một sự thử thách ở đó, luôn luôn có một quan án. Chúng ta được biết có hai quan án.

Thứ nhứt, và đáng ưa thích hơn, chúng ta phải trở thành quan án của chính mình.

I Côrinhtô 11.31 – “Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán”.
Nếu chúng ta trong sáng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ tự xét đoán bản thân mình.
Đức Chúa Trời thích như thế hơn.

Quan án kia chính là Đức Chúa Trời.
Chúng ta được cảnh cáo trong I Côrinhtô 11.29: “Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình”.

Chúng ta đón mời sự phán xét của Đức Chúa Trời khi chúng ta ăn và uống trong một tư thế không đúng. Và thực thế, có nhiều người trong thành Côrinhtô đã bị phán xét.
I Côrinhtô 11.30 – “Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm, và có lắm kẻ ngủ”.

Không phải mọi thứ tật bịnh đều có quan hệ tới một tội lỗi đặc biệt nào đó đâu, chỉ một số trong đó mà thôi.
Khi chúng ta xem nhẹ tiệc thánh của Chúa, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối, đau bịnh, và thậm chí bị ngủ nữa, nghĩa là chết. Đức Chúa Trời sẽ đưa các thánh đồ về quê hương sớm khi họ lạm dụng bàn tiệc thánh. Tại sao Đức Chúa Trời lại xét đoán chúng ta theo cách nầy?
I Côrinhtô 11.32 – “Song khi chúng ta bị Chúa xét đoán, thì bị Ngài sửa phạt, hầu cho khỏi bị án làm một với người thế gian”.

Đức Chúa Trời rất chịu khó làm cho con cái phạm tội của Ngài phải tỉnh thức, và thậm chí đưa họ về quê hương gặp Ngài sớm nếu họ cứ khăng khăng sống bất tuân như thế.
Cho nên, tiệc thánh của Chúa là một thời gian để thờ phượng.
THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC LÀ SỰ THỜ PHƯỢNG SÂU SẮC – Các câu 23-25
THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC THÁNH LÀ MỘT SỰ LÀM CHỨNG – câu 26
THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC THÁNH LÀ SỰ THỜ PHƯỢNG RẤT TRONG SÁNG – Câu 27-28
THỜ PHƯỢNG TẠI BÀN TIỆC THÁNH LÀ MỘT SỰ THỬ THÁCH – Câu 29-24
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét