Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

Giăng 3.1-21: "NICÔĐEM"



NHỮNG KHỞI ĐẦU MỚI!
NICÔĐEM

Giăng 3.1-21
Phần giới thiệu:
Trong hai tuần qua vào những buổi thờ phượng sáng Chúa nhựt, chúng ta đã nhìn xem một số nhân vật trong Cựu Ước mà Đức Chúa Trời đã ban cho họ “những khởi đầu mới”.
Chúng ta đã lấy chủ đề nầy nói tới “những khởi đầu mới” khi chúng ta bắt đầu nhóm lại ở đây trong ngôi nhà thờ nầy. Hội Thánh của chúng ta đã được Đức Chúa Trời chúc phước cho để cung ứng một “khởi đầu mới” ở đây trong nhà thờ nầy sau một thảm họa bốc mùi.
Tối nay, chúng ta muốn công nhận những người mà Đức Chúa Trời đã sử dụng để biến “khởi đầu mới” nầy ra khả thi. Chúng ta khen ngợi mọi công việc khó nhọc đã đưa chúng ta đến tại điểm nầy và chúng ta sẽ đi tới phần kết của sự phấn hưng trong những ngày tới.
Sáng Chúa nhựt vừa qua, chúng ta đã nhìn thấy Đức Chúa Trời hủy diệt một thế giới gian ác với một trận đại hồng thủy và rồi sử dụng Nôê để ban cho thế giới một “khởi đầu mới”.
Sáng nay, chúng ta đã nhìn thấy Đức Chúa Trời kêu gọi Ápram phải rời bỏ xứ sở của mình, vòng bà con mình, và nhà cha mình rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời muốn ông phải đến rồi trở thành những gì Đức Chúa Trời muốn ông phải trở thành và Đức Chúa Trời hứa ban phước cho ông thật nhiều trong phần “khởi đầu mới” của ông. Điều nầy đã khiến cho Ápraham phải ra khỏi khu vực an nhàn của mình!
Đức Chúa Trời phán Ngài sẽ khiến từ ông mà ra một dân lớn, Ngài sẽ ban phước cho ông, Ngài sẽ làm cho ông được nổi tiếng, ông sẽ trở thành một người làm nguồn phước cho nhiều người khác, những người đã chúc phước cho ông sẽ được chúc phước lại, ai rủa sả ông sẽ bị rủa sả lại, và Ápraham sẽ được dấy lên làm một nguồn phước cho tất cả các chi tộc ở trên đất.
Tôi rất vui sướng vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của những “khởi đầu mới!” Có phải không?
Tối nay, ki chúng ta kỷ niệm phần “khởi đầu mới” mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta ở đây trong ngôi nhà thờ nầy, tôi muốn chúng ta chuyển sang Tân Ước và xem xét một nhân vật khác, Chúa cũng ban cho người nầy một “khởi đầu mới” nữa.
Hết thảy chúng ta đều đã nghe những câu nói đùa nhắm vào hạng người hay tỏ mình nơi cổng trời đang tìm kiếm lối vào bên trong Thiên đàng. Những câu nói ấy có thể đem lại một nụ cười trên gương mặt của chúng ta, nhưng ở đàng sau chúng cho thấy muốn tìm được lối vào trong thiên đàng, chúng ta phải làm một việc gì đó.
Đúng là người ta sẽ bị sốc khi nghe biết được họ không thể làm gì để kiếm cho ra lối vào trong thiên đàng. Ân điển vượt quá sự hiểu biết của con người. Bởi bổn tánh của chúng ta, chúng ta muốn xứng đáng với ân sũng của Đức Chúa Trời. Quan niệm ân điển nầy thách thức đường lối suy nghĩ thông thường của chúng ta.
Trong phân đoạn Kinh Thánh gốc tối nay, chúng ta đến với một trong những người đã có một thời khó khăn khi tìm hiểu sự thực về ơn cứu rỗi miễn phí bởi ân điển. Tên của ông ấy là Nicôđem, và khi chúng ta lần qua phân đoạn Kinh Thánh gốc đó, chúng ta sẽ khám phá ra Nicôđem là một nhân vật sống rất tôn giáo, là người có một thời khó nhọc nhìn biết sự khác biệt giữa tôn giáo và mối quan hệ.
GIĂNG 3.1-21
I. NICÔĐEM ĐANG TÌM KIẾM NHỮNG GIẢI ĐÁP KHI ÔNG ĐẾN GẶP CHÚA JÊSUS.
A. Nicôđem là một công dân không bình thường.
Ông rất giàu có.
Ông được tôn trọng.
Ông sống rất tôn giáo. (Một người Pharisi tôn giáo đã dâng đời sống mình vào việc nghiên cứu và tuân theo Luật pháp và những truyền khẩu).
Ông là một quan quyền. (Là một trong 70 người trong Tòa Công Luận, cai trị người Do thái).
Ông được xem là một mẫu mực chính trong xã hội Do thái.
Nhìn từ bề ngoài, người ta có thể suy luận rằng Nicôđem dường như có hết mọi sự!
B. Nicôđem vốn có sự kính trọng sâu sắc và sở thích nơi Chúa Jêsus.
Ông xem Chúa Jêsus là Rabi (nghĩa là, “Thầy”) cho thấy sự cảm kích rất lớn đối với Chúa Jêsus. Rốt lại, Nicôđem là một người có địa vị trong giáo quyền, còn Chúa Jêsus chỉ là một con người bình thường. Chúa Jêsus không xuất thân từ những trường đào tạo Rabi giống như Nicôđem đâu!
Khi công nhận Chúa Jêsus là “Thầy”, điều nầy cho thấy rằng ông đã có một sự cảm kích rất lớn dành cho Chúa Jêsus.
Thậm chí ông đã công nhận chức vụ của Chúa Jêsus đã được Đức Chúa Trời chúc phước cho bằng cách công nhận ơn phước thiêng liêng của Đức Chúa Trời giáng trên Chúa Jêsus (câu 2).
Nicôđem, tại thời điểm nầy trong cuộc sống, đã rơi vào phạm trù của các tín đồ đã được mô tả ở phần cuối chương 2 sách Tin Lành Giăng (nghĩa là, ông đã tin theo Chúa Jêsus, nhưng chỉ vì cớ các phép lạ. Ông là một người ngưỡng mộ nhưng chưa phải là một tín đồ thực).
Tất nhiên, Chúa Jêsus vốn biết rõ tấm lòng của Nicôđem (2.24-25)
Nicôđem có một số thắc mắc chưa được giải đáp, vì cớ sự trống không sâu lắng ở trong lòng, dù ông có địa vị, quyền thế, danh tiếng và lòng một đạo (Thí dụ – Mẹ Teresa), nên đã chạy đến với Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus vốn biết rõ lý do tại sao Nicôđem thực sự có mặt ở đó, vì vậy ngay lập tức Ngài đã thách thức ông ta và cắt thẳng vào trọng tâm vấn đề (câu 3).
Hãy nghe, Chúa vốn biết rõ những thắc mắc mà bạn sẽ có y như lý do cho sự trống vắng mà bạn đã cảm nhận được. Và giống như Ngài đã thách thức Nicôđem trong ngày ấy, Ngài đang thách thức bạn với nút then chốt của vấn đề!
“Nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời”.
VÌ VẬY, NICÔĐEM ĐANG TÌM KIẾM NHỮNG GIẢI ĐÁP KHI ÔNG ĐẾN GẶP CHÚA JÊSUS.
II. CHÚA JÊSUS PHÁN RẰNG NICÔĐEM, CŨNG NHƯ BAO NGƯỜI KHÁC, ĐỀU CÓ NHU CẦN MỘT KHỞI ĐẦU MỚI.
Một sự tái sanh! Nhu cần phải được sanh lại! Nhu cần phải được sanh lại từ trên cao!
A. Chúa Jêsus phán: một sự sanh lại rất cần thiết! (các câu 3-7)
Tôi đã có phần khởi đầu theo phần xác vào năm 1956. Nhưng, tôi có phần khởi đầu mới, phần khởi đầu thuộc linh vào ngày 17/2/1971.
Sự sanh ra theo phần xác đem lại điều gì?
Một sự sanh ra theo phần xác đem lại cho chúng ta sự sống vật lý. Và nương trên bối cảnh ra đời của một người, sự ra đời ấy có thể đem đến:
Giàu hay nghèo.
Mạnh hay yếu.
Tiếng tăm hay chẳng ai biết đến.
Tôn trọng hay chế nhạo.
Hoặc một loạt nhiều việc khác, nhưng có một việc mà nó chẳng đem lại, ấy là sự sống thuộc linh.
Bởi sự sống thuộc linh, tôi đang nói tới một sự sống thực sự có quan hệ trực tiếp với Đức Chúa Trời. Chúng ta hết thảy đều sống theo phần xác, nhưng đã chết về mặt thuộc linh.
Rôma 5.12: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.
Kinh Thánh chép rằng khi chúng ta được sanh ra lần thứ nhứt, chúng ta ra đời đã chết về mặt thuộc linh.
Êphêsô 2.1-3: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác”.
B. Sanh lại nói tới một mối quan hệ cá nhân.
Sanh lại không nói tới tôn giáo, mà nói tới một mối quan hệ.
Đây là sự sanh lại từ trên cao. Đây là một khởi đầu mới, đây là sự biến đổi. Chúng ta đang nói tới sự tái sanh. Vậy thì, tái sanh là gì?
1. Tái sanh là sự sanh thuộc linh (các câu 3-6)
Tái sanh không phải là một hành động thuộc thể. Tái sanh không phải là quyết định theo lý trí hay theo cảm tính, dù là người thông minh, tình cảm, và có ý chí, hết thảy đều khởi sắc khi một người được sanh ra. Tái sanh không phải là cung cách sống đạo đức, dù đấy là kết quả của việc được sanh lại. Tái sanh là được sanh lại từ trên cao.
Đây là sự biến đổi thuộc linh chỉ đến qua quyền phép tái tạo của Đức Thánh Linh.
Tít 3.5: “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh”.
Sự sanh lại là một sự sanh thuộc linh.
Đây là sự biến đổi thuộc linh diễn ra khi một người đem đời sống họ phục theo Đức Chúa Jêsus Christ bởi đức tin.
Đây là một hành động thuộc linh!
Quá nhiều nổ lực theo phần xác không tạo được sự cứu (làm điều nầy hay không làm điều kia), mà trong thực tế, phải theo mặt thuộc linh.
2. Sự sanh lại là một sự sanh theo thần hựu (các câu 7-8)
Sự sanh lại do Đức Chúa Trời khai sáng và Đức Chúa Trời điều khiển. Qua minh họa của Ngài về gió, Chúa Jêsus nhấn mạnh quan điểm nầy. Giống như lý trí của con người không thể hiểu được chiều sâu và các chi tiết làm thể nào gió thổi được, cũng vậy, con người tội lỗi không sao hiểu được làm thế nào sự tái sanh diễn ra. Đây là vấn đề của đức tin. Ơn cứu rỗi là một hành động thuộc thần hựu của Đức Chúa Trời.
Cho phép tôi nói ở đây, là trong khi những người vô tín có thể nhìn biết đôi chút về cách thức Cơ đốc giáo “vận hành”, họ có thể quan sát thấy cách thức con cái thật của Đức Chúa Trời sinh hoạt trong xã hội. Họ có thể nhìn thấy mọi tác động của gió.
Đời sống của Cơ đốc nhân thật, là một bằng chứng cho thực tại không thấy được ân sũng thần hựu của Đức Chúa Trời. Sự tái sanh là một hành động thuộc thần hựu của Đức Chúa Trời.
Sự tái sanh là một sự sanh thuộc linh.
Sự tái sanh là một sự sanh thuộc ơn thần hựu.
3. Sự tái sanh là một sự sanh siêu nhiên (các câu 9-12)
Một lần nữa, giống như Chúa Jêsus đã giải thích cho Nicôđem, sự tái sanh là một vấn đề thiên thượng.
Giải thích sự cứu rỗi theo những giới hạn tự nhiên/con người thì rất là khó. Sự tái sanh là một kinh nghiệm siêu nhiên không thể xem xét hay chẫn đoán được. Sự cứu ấy không thể được đặt trong ống nghiệm hay đem xét nghiệm được.
Sự tái sanh không phải là một công thức khoa học. Không có một công thức hay kết hợp bí mật nào cả. Bạn nhìn thấy sự tái sanh đến chỉ qua quyền phép biến đổi của Đức Thánh Linh.
Đây là một tiến trình siêu nhiên tạo ra những kết quả siêu nhiên. Bạn không thể giải thích thực tại của sự cứu rỗi chân thật được. Sự cứu ấy không thể lý giải được. Sự cứu ấy chỉ có thể được giải thích qua ân điển của Đức Chúa Trời. Sự biến đổi không thể giải thích được.
Hãy xem người kia sanh ra đã bị mù ở Giăng 9. Ông ta nói, tôi không thể giải thích được. Tôi chỉ biết có một việc mà thôi. Tôi đã bị mù và giờ đây tôi thấy. Và đấy là bằng chứng của những ai đã được sanh lại.
Tôi không thể giải thích mọi cái trong và ngoài của việc Đức Chúa Trời làm biến đổi một tội nhân thành một thánh đồ. Tôi chỉ biết tôi đã bị hư mất và giờ đây tôi đã được tìm lại được. Tôi đã bị mù và giờ đây tôi thấy rõ. Tôi đã đi trên con đường đến với địa ngục và giờ đây tôi đang trên đường đến với thiên đường. Sự tái sanh là sự sanh siêu nhiên. Sự sanh ấy trổi hơn sự giải thích của con người.
4. Sự tái sanh chỉ đến qua Đấng Cứu Thế (các câu 13-15)
Sự sanh ấy nói tới mối quan hệ, một mối quan hệ giữa một Đức Chúa Trời thánh khiết và một con người tội lỗi. Làm sao có được điều nầy chứ? Làm sao một Đức Chúa Trời thánh khiết lại có một mối quan hệ với một con người tội lỗi cho được?
Vì Ngài xuống từ trời (câu 13). Và tại sao Ngài phải xuống từ trời? Để Ngài phải bị treo lên trên thập tự giá (câu 14), và người nào ngước mắt nhìn lên, người nào tin theo Ngài, sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời (câu 15).
Giống như dân Israel trong đồng vắng, hết thảy chúng ta đều bị tội lỗi đánh hạ. Tội lỗi đã cắm nọc độc của nó vào linh hồn của chúng ta và chúng ta đang dãy chết. Nọc độc đã theo đường của nó vào sâu trong tấm lòng của chúng ta và chúng ta đang dãy chết trong tội lỗi của mình.
Nhưng Đức Chúa Trời Ngài nhìn thấy chúng ta trong tình trạng vô vọng tội lỗi của mình, và Ngài lập một con đường. Ngài đã sai một Đấng Cứu Thế, là Đấng đã bị treo trên thập tự giá ở đồi Gôgôtha. Và người nào tin theo, họ sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Hãy nhìn xem thập tự giá. Có sự chữa lành trên thập tự giá. Có một Đấng Cứu Thế.
Sự tái sanh đến qua Đấng Cứu Thế.
Sự sanh lại nói tới một mối quan hệ cá nhân. Sự sanh lại không nói tới nổ lực của con người. Sự sanh ấy nói tới sự tái sanh. Một sự sanh thuộc linh do Đức Chúa Trời chủ động, sự sanh ấy đã được đem đến qua sự chết của một Cứu Chúa, và là sự biến đổi trong quyền phép của nó, hể ai tin nơi Ngài sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.
Có 4 ngăn trở gần như đã chặn Nicôđem không chạy đến với Đấng Christ:
1) Kiêu ngạo.
2) Truyền thống.
3) Thiếu hiểu biết.
4) Hiểu lầm.
Đừng để cho 4 điều ngăn trở nầy chặn đứng bạn không chuyển từ tôn giáo sang mối quan hệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét