Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Tiêu Điểm Cho Năm Mới



“TIÊU ĐIỂM MỚI CHO NĂM MỚI”
II Têsalônica 3.1-5

PHẦN GIỚI THIỆU. Khi chúng ta bắt đầu hướng tới một năm khác mà Chúa ban cho chúng ta, đôi khi chúng ta có khuynh hướng nhìn lại với sự nuối tiếc đối với những điều mà chúng ta chưa hoàn thành được cho Chúa trong năm qua. Nhưng chúng ta không nên để cho các thất bại trong quá khứ che khuất tầm nhìn của chúng ta vào tương lai. Như Richard C. Woodsome đã viết. “Bạn không thể thay đổi được quá khứ. Nhưng bởi ân điển của Đức Chúa Trời, bạn có thể thắng được tương lai. Vì vậy, khi nhớ tới những điều đó sẽ giúp cho bạn tiến tới đàng trước, còn quên những việc đó chỉ kéo lùi bạn lại thôi” (1). Sứ đồ Phaolô đã nói một việc tương tự trong Philíp 3.13-14 — “Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều. quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Vì sự trông cậy của chúng ta đặt nơi Đấng Christ…chúng ta có thể quên đi tội lỗi trong quá khứ rồi bươn tới đàng trước những điều mà Ngài giúp chúng ta phải trở thành. Đừng trụ lại nơi quá khứ của quí vị. Thay vì thế, hãy tấn tới trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời bằng cách tập trung vào mối thông công của quí vị với Ngài ngay bây giờ (2).
Đôi khi chúng ta, là những Cơ đốc nhân, từ trong tấm lòng đã lạc sai đối với Đức Chúa Trời, lỏng lẻo trong việc làm lành, và sơ xuất trong sự đầu phục của chúng ta. Chính trong khoảng thời gian nầy đời sống chúng ta dường như lạc mất tiêu điểm rồi. Chúng ta thất bại không nhìn thấy mình đang nhắm vào một hướng ngược lại với hướng của Đức Chúa Trời dành cho đời sống chúng ta. Phaolô đã cầu thay cho người thành Têsalônica ở câu 5 — “Nguyền xin Chúa soi dẫn lòng anh em tới đến sự yêu mến Đức Chúa Trời, và sự nhịn nhục của Đấng Christ!” Từ ngữ soi dẫn theo tiếng Hy lạp có nghĩa là “làm cho rõ nét”. Từ nầy ám chỉ rằng tiêu điểm của chúng ta đã bị lu mờ đi không rõ ràng. Phaolô đã cầu nguyện rằng người thành Têsalônica sẽ phải nhắm hướng trở lại. Họ phải điều chỉnh đời sống họ cho đúng hướng với Đấng Christ và ý chỉ của Ngài dành cho đời sống của họ. Khi chúng ta đứng trước thềm năm mới, chúng ta hãy dành thì giờ để tái xác định tiêu điểm đời sống chúng ta nơi Đấng Christ và ý chỉ của Ngài dành cho mỗi một đời sống chúng ta.
ĐÂY LÀ LÚC PHẢI.
(1) ĐIỀU CHỈNH TIÊU ĐIỂM TÌNH CẢM CỦA CHÚNG TA
II Têsalônica 3.5a — “Nguyền xin Chúa soi dẫn lòng anh em tới đến sự yêu mến Đức Chúa Trời…”
*Tình cảm là gì? Tình cảm có nghĩa là “cảm xúc hay tình yêu mãnh liệt; một sự ham muốn hoặc cảm xúc mạnh mẽ đối với một vật, một lý tưởng v.v…; mục tiêu của lòng ham muốn hay cảm xúc đó” (Funk & Wagnalls Standard Desk Dictionary, Volume 2, N-Z, pg. 478). Tác giả Thi thiên đã nói trong Thi thiên 63.1-2 — “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa; trong một đất khô khan, cực nhọc, chẳng nước, linh hồn tôi khát khao Chúa, thân thể tôi mong mỏi về Chúa, đặng xem sự quyền năng và sự vinh hiển của Chúa, như tôi đã nhìn xem Chúa tại trong nơi thánh”. Nầy quí vị ơi, quí vị có loại tình cảm đó đối với Chúa chưa? Hãy tra xét xem.
A. CHÚNG TA PHẢI YÊU MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ KHÁC. Phục truyền luật lệ ký 6.5 cho chúng ta biết: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời ngươi”. Người Do thái xem mấy câu nầy Phục truyền luật lệ ký 6.4-6, là Shema. Đối với người Do thái, đây là phân đoạn Kinh Thánh quan trọng nhất trong sách Phục truyền luật lệ ký. Theo Chúa Jêsus, yêu mến Đức Chúa Trời là điều răn thứ nhứt và quan trọng lắm (Mathiơ 22.36-38). Yêu mến Đức Chúa Trời với hết lòng của một người là cốt lõi và trọng tâm của Cơ đốc giáo (Roma 8.28; I Côrinhtô 13.1-3). Nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời như chúng ta đáng phải yêu mến, chúng ta sẽ bằng lòng chịu khổ cho Ngài, cho lý tưởng của Ngài và nhịn nhục chờ đợi Con Ngài đến từ trời. Phaolô muốn Đấng Christ soi dẫn tấm lòng của các tín hữu tại thành Têsalônica tới đến sự yêu mến Đức Chúa Trời, rồi nhơn đó làm đầy dẫy tấm lòng họ với sự nhịn nhục, thay vì lo âu về sự hiện ra vinh hiển của Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa, là Đức Chúa Giêxu Christ (3).
MINH HOẠ. Có người viết: ngày kia, tôi dậy sớm vào buổi sáng để xem mặt trời mọc. Ô, vẻ đẹp sáng tạo của Đức Chúa Trời trổi hơn mọi sự mô tả. Khi tôi nhìn xem, tôi ngợi khen Đức Chúa Trời vì công việc lạ lùng của Ngài. Khi tôi còn ngồi ở đó, tôi cảm thấy Chúa hiện diện với tôi. Ngài hỏi tôi: "Ngươi yêu ta chăng?" Tôi đáp: "Lạy Chúa, tất nhiên là con yêu Chúa! Ngài là Chúa và Cứu Chúa của con!" Tiếp đến, Chúa hỏi: "Nếu thân thể ngươi bị tật nguyền, ngươi vẫn yêu ta chứ?" Tôi thấy bối rối. Tôi nhìn xuống hai cánh tay, hai chân và phần còn lại của cơ thể mình, và lấy làm lạ có bao nhiêu việc mà tôi đã không chịu làm, những việc mà tôi cho là đúng. Và tôi đáp: "Điều nầy quả là khó đấy, lạy Chúa, nhưng con vẫn yêu mến Ngài". Khi ấy Chúa phán: "Nếu ngươi bị mù, liệu ngươi vẫn còn yêu mến sự sáng tạo của ta không?" Làm sao tôi có thể yêu được cái gì đó mà mình không thấy được chứ? Khi đó tôi mới nghĩ tới những người bị mù trên thế gian và có bao nhiêu người trong số họ vẫn cứ yêu mến Đức Chúa Trời và sự sáng tạo của Ngài!?! Vì vậy tôi đáp: "Thật khó suy nghĩ về việc ấy quá, nhưng con vẫn cứ yêu mến Ngài". Thế rồi Chúa hỏi tôi: "Nếu ngươi bị điếc, ngươi vẫn lắng nghe lời của ta chứ?" Làm sao tôi nghe được điều gì khi bị điếc chứ? Thế rồi tôi hiểu ra. Lắng nghe Lời của Đức Chúa Trời không những là sử dụng hai lỗ tai, mà còn là sử dụng tấm lòng của chúng ta nữa. Tôi đáp: "Sự thể tuy khó đấy, nhưng con vẫn cứ lắng nghe Lời của Ngài". Khi ấy Chúa hỏi: "Nếu ngươi bị câm, ngươi vẫn sẽ ngợi khen Danh Ta đấy chứ?" Làm sao tôi ngợi khen khi chẳng có một giọng nói chứ? Thế rồi đã xảy ra cho tôi. Đức Chúa Trời muốn chúng ta ca hát từ chính tấm lòng và linh hồn của mình. Bất luận chúng ta biết âm hưởng nào. Và ngợi khen Đức Chúa Trời không phải luôn luôn với một bài hát đâu, nhưng khi chúng ta bị bắt bớ, chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời sự ngợi khen với lời cảm tạ của chúng ta. Vì vậy tôi đáp: "Dù con không thể hát bằng môi miệng của mình. Con sẽ ngợi khen Danh Ngài".
Và Chúa hỏi: "Ngươi có thực yêu ta chăng?" Với lòng tin quyết mạnh mẽ và sự dạn dĩ, tôi can đảm đáp: "Phải lạy Chúa! Con yêu Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời chơn thật và duy nhứt!" Tôi tưởng mình đã trả lời đủ rồi, nhưng Đức Chúa Trời lại hỏi: "THẾ THÌ TẠI SAO NGƯƠI PHẠM TỘI?" Tôi đáp: "Vì con chỉ là con người. Con không được trọn vẹn".
"VẬY SAO TRONG LÚC THUẬN CẢNH NGƯƠI LẠI LẠC SAI? SAO NGƯƠI CẦU NGUYỆN SỐT SẮNG NHẤT CHỈ TRONG LÚC NGHỊCH CẢNH THÔI?" Không có câu trả lời. Chỉ có nước mắt thôi. Chúa tiếp tục: "Sao chỉ hát vào lúc lui đi và lúc tương giao? Tại sao lại tìm kiếm ta chỉ trong giờ thờ phượng? Tại sao cầu xin những thứ ích kỷ như thế chứ? Tại sao lại cầu xin những việc theo cách bất trung như thế chứ?"
Những giọt nước mắt lã chã rơi trên gò má của tôi.
"Sao ngươi lấy làm xấu hổ về ta chứ? Sao ngươi không rao giảng các tin tức tốt lành? Tại sao trong những lúc bắt bớ, ngươi kêu la cho người khác khi ta muốn được yên ủi chứ? Tại sao lại đưa ra những lời bào chữa khi ta cung ứng cho ngươi những cơ hội để phục vụ trong Danh Ta?" Tôi cố gắng trả lời, nhưng không đưa ra được một câu nào.
"Ngươi sống thật có phước. Ta dựng nên ngươi không phải để ném bỏ ơn nầy. Ta đã chúc phước cho ngươi với nhiều talâng để hầu việc ta. Ta đã tỏ Lời Ta ra cho ngươi, nhưng ngươi chẳng mong gì tri thức. Ta đã phán cùng ngươi nhưng hai lỗ tai ngươi đã đóng kín lại rồi. Ta bày tỏ ra cho ngươi thấy nhiều ơn phước của ta, nhưng hai con mắt ngươi đã xây sang chỗ khác. Ta đã sai ngươi, hỡi tôi tớ, nhưng ngươi ngồi nhàn rỗi ở đó trong khi họ bị đùa đi. Ta đã nghe thấy lời cầu nguyện của ngươi và ta đã trả lời chúng hết thảy". NGƯƠI YÊU TA CHĂNG?".
Tôi không thế trả lời. Làm sao tôi trả lời được chứ? Tôi thấy bối rối không còn tin được nữa. Tôi chẳng có một lời bào chữa nào hết. Tôi sẽ nói gì đây? Khi tấm lòng tôi kêu la và nước mắt tôi đổ ra, tôi nói: "Làm ơn tha thứ cho con Chúa ơi. Con không xứng đáng là con cái của Ngài". Chúa đáp: "Hỡi con ta, đấy là ân điển của ta". Tôi hỏi: "Vậy sao Ngài cứ mãi tha thứ cho con? Tại sao Ngài cứ yêu thương con vậy?"
Chúa đáp: "Vì ngươi là tạo vật của ta. Ngươi là con cái của ta. Ta không hề bỏ ngươi đâu. Khi ngươi kêu la, ta sẽ động lòng thương xót và cùng kêu la với ngươi. Khi ngươi hò hét với vui mừng, ta sẽ cười vui với ngươi. Khi ngươi ngã lòng, ta sẽ khích lệ ngươi. Khi ngươi sa ngã, ta sẽ nâng ngươi dậy. Khi ngươi mệt nhọc, ta sẽ bồng ẳm ngươi. Ta sẽ ở cùng ngươi cho tới ngày tận thế, và ta sẽ yêu thương ngươi cho đến đời đời". Chưa bao giờ tôi chịu khó kêu la như thế trước đây. Làm sao tôi lại nguội lạnh như thế chứ? Sao tôi lại làm tổn thương Đức Chúa Trời như tôi đã làm chứ? Tôi hỏi Đức Chúa Trời: "Ngài yêu thương con đến cở nào?"
Chúa giang đôi cánh tay Ngài thật rộng ra, và tôi trông thấy hai bàn tay có dấu đinh của Ngài. Tôi cúi đầu xuống nơi chơn Đấng Christ, là Cứu Chúa tôi. Và lần đầu tiên, tôi thực sự cầu nguyện.
B. ĐÔI KHI CHÚNG TA THẤT BẠI KHÔNG YÊU MẾN CHÚA NHƯ CHÚNG TA ĐÁNG PHẢI YÊU. Chúng ta trở giống như Hội Thánh Êphêsô, Chúa viết về họ trong Khải huyền 2.4 — “…Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu”. Điều chi khiến cho chúng ta thất bại nơi tình yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời? Ba việc đã xảy ra:
1. Thế gian cướp lấy tình cảm của chúng ta. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 6.24 — “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”. James Armstrong đã nói: “Chúng ta bước vào trong Hội Thánh, thường là một tin lành sa sút theo một tư thế bất khả kháng, và vì thế chúng ta nếm trải các tác động của sự hầu việc trung tín trong khi hướng vào thế gian đời thường để tìm kiếm những sự kích thích và sự thoả lòng” (4). AMEN! Thay vì trang bị cho các thánh đồ truyền giáo cho thế gian và đứng vững chống lại mọi mưu chước của ma quỉ, chúng ta lại trở thành hạng biếng nhác hướng vào sự hưởng thụ và thoả mãn từ thế gian! Trong thí dụ nói tới người gieo giống, Chúa Jêsus trong Luca 8.14 mô tả hột giống đó: “…Phần rơi vào bụi gai, là những kẻ đã nghe đạo, nhưng rồi đi, để cho sự lo lắng, giàu sang, sung sướng đời nầy làm cho đạo phải nghẹt ngòi, đến nỗi không sanh trái nào được chín”.
Thật đáng buồn khi nói như thế, nhưng có nhiều người trong Hội Thánh chúng ta ngày nay đang sa vào phạm trù đó! Chúng ta có quá nhiều “Đêma” trong Hội Thánh chúng ta ngày nay.
MINH HOẠ. Huấn luyện viên nói với cầu thủ tiền vệ: "Chuyền bóng cho George". Nhưng thay vì thế, anh ta đã chuyền bóng cho John, và chẳng có ích lợi gì. Vị huấn luyện viên hỏi: "Sao anh không chuyền bóng cho George?" Cầu thủ tiền vệ đáp: "Thưa ông, George nói anh ấy chẳng cần bóng".
Có một cầu thủ ở bên cạnh Chúa tên là Đêma. Giống như George, ông ấy không muốn có bóng. Ông ấy đánh giá cao sự yên ủi trên mọi thứ khác, an nhàn trên cả nổ lực, vàng bạc trên cả Đức Chúa Trời, đam mê trên cả tiết độ. Phaolô đã viết về Đêma như sau: "vì Đê-ma đã lìa bỏ ta rồi, tại người ham hố đời nầy". Quí vị có bằng lòng dắt bóng cho Chúa không?
2. Ma quỉ làm xói mòn tình cảm của chúng ta. I Phierơ 5.8 cảnh cáo chúng ta: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được”. Satan biết hắn không thể có được linh hồn chúng ta từng thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng nếu hắn có thể khiến cho chúng ta thất bại trong tình cảm của chúng ta đối cùng Đức Chúa Trời, hắn sẽ đạt được mục đích của hắn. Joseph Hall đã nói: “Satan lắc cái nôi khi chúng ta đang ngủ mê trong sự tin kính của mình" (5). Satan làm mọi sự hắn có thể để khiến cho tình cảm chúng ta dành cho Đấng Christ phải nguội lạnh đi. Hắn tạo ra chết chóc, thất vọng, ngã lòng, buồn rầu, và nhiều khó khăn trong đời sống chúng ta để thử tình cảm chúng ta dành cho Đức Chúa Trời. Êphêsô 4.27 cho chúng ta biết: “và đừng cho ma quỉ nhơn dịp”. Chúng ta đừng để cho Satan đóng dấu bàn chân của hắn trong đời sống chúng ta!
MINH HOẠ. Thật là đáng phải giật mình khi nghĩ rằng Satan có thể bước vào tấm lòng của một người sống đụng chạm gần gũi với Chúa Jêsus như Giuđa. Và còn nữa – hắn đang ra sức làm như thế hôm nay. Tuy nhiên, hắn chỉ có thể lọt vào chỉ khi có một cánh cửa mở ra từ bên trong đó. "Mỗi một người phải giữ chặt lấy cánh cửa của đời sống mình". Satan không thể lọt vào trong nếu không có sự giúp đỡ của chúng ta. – (S. D. Gordon in The Bent-Knee Time. Christianity Today, Vol. 33, no. 10).
Chúng ta PHẢI “…chống trả ma quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em”, như Giacơ 4.7b cho chúng ta biết.
3. Chúng ta thất bại không nuôi dưỡng được tình cảm của mình. Chúng ta thất bại không nuôi dưỡng được tình cảm dành cho Đức Chúa Trời nên tình cảm ấy không tấn tới và không thăng hoa như thế nào? Do thất bại không:
a. Dành thì giờ cầu nguyện với Ngài. Philíp 4.6-7 dạy chúng ta: “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Chúng ta càng để dành thì giờ cầu nguyện với Ngài, chúng ta càng yêu mến NGÀI hơn!
b. Nghiên cứu Lời quí báu của Ngài (II Timôthê 2.15). Chúng ta càng học hỏi về Ngài qua Lời của Ngài, chúng ta càng yêu mến Ngài hơn vì Sự Oai Nghi Và Vinh Hiển của Ngài! John Wesley đã nói: “Tôi muốn biết một việc — ấy là đường lối dẫn lên thiên đàng; phương thức hạ cánh an toàn trên bờ hạnh phước đó. Chính mình Đức Chúa Trời đã giáng lâm để dạy dỗ phương thức ấy. Vì chính cứu cánh nầy Ngài đã từ trời ngự xuống. Ngài đã viết ra phương thức ấy trong một quyển sách. Ồ hãy trao cho tôi quyển sách đó! Với bất kỳ giá nào, hãy trao cho tôi quyển sách của Đức Chúa Trời! Tôi đang có sách ấy đây. Đây là tri thức đủ cho tôi. Nguyện tôi trở thành người của quyển sách ấy” (6).
c. Vui sướng hầu việc Ngài. Thi thiên 100.2 — “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng, hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài”. Tại sao quí vị hầu việc Đức Chúa Trời? Sở dĩ như thế là vì quí vị yêu mến NGÀI! Có người đã nói: “Phục vụ là yêu tỏ tường”. Hầu việc Đức Chúa Trời là gánh nặng hay phước hạnh? Là đặc ân hay đau khổ?
MINH HOẠ. Có người đã viết.
CẦN BÁN
Một cây thập tự - gần như mới. Rất nặng. Hợp thời trang với người thế gian
Một talâng - chiếc kệ hư hỏng nhẹ. Mấy năm rồi không sử dụng.
Một lô cơ hội ít sử dụng – Giữa vòng các cơ hội nầy: nhóm lại với Hội Thánh, cá nhân chứng đạo.
Một ảnh hưởng tồi đã dùng rồi – Người mua cần sửa chữa lại rồi cẩn thận sử dụng nó.
Các món nầy có thể xem qua bất cứ lúc nào tại nhà của tôi. Góc đường Vô Ý và Đại lộ Chễnh Mãng.
Đã ký, Cơ đốc nhân Vô ý Vô Tứ
d. Hát ngợi khen Ngài và thờ phượng Ngài vì sự nhơn từ Ngài
(Thi thiên 34.1-3). Nếu chúng ta chưa học biết để trở thành hạng người thờ phượng, chúng ta không thể làm tốt các việc khác được – (Erwin Lutzer, Mục sư và Tác giả của quyển Men of Integrity, Vol. 1, no. 1). Chúng ta được kêu gọi vào một công việc đời đời với Đức Chúa Trời – (A.W. Tozer, That Incredible Christian. Christianity Today, Vol. 41, no. 5). Trong sự thờ phượng ấy chúng ta bị phủ lút với Ân Điển và Vinh Hiển của Ngài và chẳng làm gì khác hơn là ngợi khen và cảm tạ Ngài vì cớ sự Nhơn Từ Ngài!
C. ĐÔI KHI CHÚNG TA CẦN PHẢI ĐIỀU CHỈNH LẠI SỰ YÊU MẾN ĐỨC CHÚA TRỜI.
Phaolô đã viết trong câu 5 — “Nguyền xin Chúa soi dẫn lòng anh em tới đến sự yêu mến Đức Chúa Trời…”. Có nhiều lúc tấm lòng chúng ta cần phải điều chỉnh lại sự yêu mến Đức Chúa Trời. Sự yêu mến Đức Chúa Trời là động lực to lớn và là nguyên tắc của sự vâng phục; điều nầy phải chiếm hữu tấm lòng của quí vị, tấm lòng là chỗ rất thất thường trong mọi hoạt động của nó; chỉ một mình Đức Chúa Trời, bởi Thánh Linh Ngài, mới có thể đưa nó trở lại với tình yêu của Ngài, và gìn giữ nó an toàn (Adam Clarke’s Commentary on The Bible). Khi Chúa đưa chúng ta trở lại với tình yêu Ngài, có ba việc xảy ra:
 Thuyết phục.
 Xưng tội.
 Nên thánh.
Làm sao chúng ta biết tấm lòng của mình cần phải điều chỉnh lại sự yêu mến Đức Chúa Trời?
1. Khi đồi Gôgôtha không làm cho chúng ta tan vỡ. Chúng ta đọc ở Luca 23.33 — “Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài…” *Chúng ta biết tấm lòng của chúng ta cần phải được đưa trở lại với tình yêu của Đức Chúa Trời khi chúng ta có thể ca hát về đồi Gôgôtha, suy nghĩ về đồi Gôgôtha, rồi nói về ngọn đồi ấy mà không có một giọt lệ nào chảy ra từ mắt của chúng ta! Amy Carmichael đã nói: “Có một việc ở đồi Gôgôtha chuyển thành tri thức của chúng ta, và lời lẽ về Huyết Quí Báu không hề được đọc hay hát lên trừ phi trên hai đầu gối tâm linh của chúng ta”.
2. Khi sự hiện diện của Cứu Chúa không làm cho chúng ta được phước. Chúng ta đọc ở Khải huyền 2.1, 4-5 về Hội Thánh Êphêsô. Hội Thánh Êphêsô là một hình ảnh của nhiều Hội Thánh của chúng ta ngày nay. Họ từng có một cái nền vững chắc, nhưng lại có một tiêu điểm nhỏ. Họ đã đạt tới một điểm mà ở có sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ đã thờ phượng bằng một chương trình thay vì bằng quyền phép của Đức Thánh Linh.
Quí vị ơi, có phải Chúa là Tình Cảm của quí vị không? Hoặc quí vị cần một Tiêu Điểm Mới cho Năm Mới? Như I Phierơ 2.7 cho chúng ta biết: “Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì [Ngài] là đá quí…” Có phải Ngài là quí giá đối với quí vị không? Quí vị có cần một Tiêu Điểm Mới không? Đây là lúc đưa TÌNH CẢM CHÚNG TA TRỞ LẠI VỚI TIÊU ĐIỂM, cũng là lúc phải…
(2) ĐƯA MỤC ĐÍCH CỦA CHÚNG TA TRỞ LẠI VỚI TIÊU ĐIỂM
II Têsalônica 3.4 — “Về phần anh em, chúng tôi có lòng tin cậy trong Chúa rằng anh em đang làm và sẽ làm những việc chúng tôi dặn biểu”.
*Phaolô đã viết cho người thành Têsalônica rằng họ “đang làm và sẽ làm những việc chúng tôi dặn biểu”, ý nói đến các điều răn, mà Đấng Christ đã trao cho họ rồi, và họ đã chứng tỏ, và đã tiếp tục tỏ ra, hãy xem I Têsalônica 4.1 và cũng xem qua những điều đã được [Phaolô] truyền cho họ (John Gill’s Exposition of The Entire Bible). Đây là mục đích của họ. Mục đích của chúng ta, những người tin Chúa, là gì? Mục đích nầy gồm có hai phần:
A. CHÚNG TA PHẢI LÀM VINH HIỂN CHO ĐỨC CHÚA TRỜI. I Côrinhtô 6.19-20 — “Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”.
Phaolô có ý nói gì khi ông nói Đức Chúa Trời chiếm hữu thân thể của chúng ta? Nhiều người nói họ có quyền làm bất cứ điều chi họ muốn với chính thân thể của họ. Mặc dù họ nghĩ đây là quyền tự do, thực sự họ đã bị làm nô lệ cho mọi tư dục của họ thay vì được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh. Khi chúng ta trở nên Cơ đốc nhân, Đức Thánh Linh đầy dẫy đời sống chúng ta và đang ngự trong chúng ta. Vì lẽ đó chúng ta không còn là chủ của thân thể mình nữa. Nếu quí vị sống trong một ngôi nhà mà người khác làm chủ, quí vị không nên vi phạm luật lệ của ngôi nhà. Khi thân thể quí vị thuộc về Đức Chúa Trời, quí vị không nên vi phạm các tiêu chuẩn của Ngài dành cho sự sống (7).
B. CHÚNG TA CẦN PHẢI BƯỚC ĐI VỚI TIN LÀNH (Mathiơ 28.19-20).
Bất cứ đâu chúng ta đi và bất cứ chúng ta làm việc gì, chúng ta cần phải trở thành một chứng nhân cho Đức Chúa Trời của quyền phép Tin lành làm thay đổi đời sống. Tại sao chứ? Vì II Côrinhtô 5.18-20 cho chúng ta biết: “Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta. Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi. Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ…”. Warren Wiersbe đã nói: “Sứ điệp của Hội Thánh ngày nay là sứ điệp nói đến sự phục hoà. Đức Chúa Trời trong Đấng Christ trên cây thập tự đã làm cho thế gian hoà lại với chính mình Ngài và bằng lòng cứu hết thảy những ai chịu tin cậy nơi Con Ngài…Chúng ta đại diện cho Đấng Christ khi chúng ta mời người bị hư mất tiếp nhận Ngài. Đúng là một đặc ân — đúng là một trách nhiệm! Hết thảy những người tin Chúa đều là khâm sai, dù họ tiếp nhận sứ mệnh hay không” (8). Trong những ngày đầu sớm sủa của Cơ đốc giáo, những người nào đã xưng nhận Đấng Christ đều trở thành chứng nhân cho Đấng Christ, và đa số trong vòng họ đã chịu chết vì sự xưng nhận của mình, họ đã cung ứng ý nghĩa mới cho từ "chứng nhân" khiến nó ra tương đương với chữ “tuận đạo” -- Topical Illustrations
MINH HOẠ. Benjamin Franklin muốn quan tâm đến dân chúng ở Philadelphia về ánh sáng đèn của đường phố. Ông không kêu gọi một cuộc mít tinh của thành phố, cũng không tìm cách khuyên dân chúng bằng cách nói tới việc ấy. Ông đã hành động trên những gì ông xem là một ý tốt mà thôi. Ông cho treo một cây đèn lồng thật đẹp trên một cái giá dài trước nhà của mình. Ông giữ cho tấm kính được bóng láng rồi cẩn thận xoay theo đúng hướng gió và thắp sáng nó mỗi tối lúc trời đã chạng vạng. Ngọn đèn giúp cho người ta nhìn thấy đường đi ở trước mặt; khiến họ cảm thấy an toàn hơn lúc ban đêm. Nhiều người khác bắt đầu đem đặt các ngọn đèn ở trước nhà của họ. Không lâu sau đó Philadelphia đều nhận biết nhu cần về đèn đường. Phải trở thành một ngọn đèn ngày nay để chiếu sáng cho vùng lân cận mình với ánh sáng sự sống. Hãy chiếu sáng ra. Hãy chiếu sáng ngọn đèn của quí vị HÔM NAY!
Quí vị ơi, có phải quí vị cần phải ĐIỀU CHỈNH LẠI TÌNH CẢM và ĐIỀU CHỈNH LẠI MỤC ĐÍCH và sau cùng chúng ta phải xét xem, có phải đây là lúc …
(3) ĐIỀU CHỈNH LẠI SỰ NHỊN NHỤC CỦA CHÚNG TA
II Têsalônica 3.5b — “Nguyền xin Chúa soi dẫn lòng anh em … và sự nhịn nhục của Đấng Christ!”
*Cụm từ “nhịn nhục chờ đợi” có nghĩa là “Một sự chịu đựng nhẫn nại dành cho Đấng Christ” (The People’s New Testament Commentary). Bất luận chúng ta đối diện với điều gì cho tới chừng Đức Chúa Giêxu Christ tái lâm với chúng ta, chúng ta phải nhịn nhục chờ đợi sự hiện ra của Ngài.
Trong mọi biến cố, ơn nầy, "nhịn nhục" hay bền đỗ chịu đựng, được gắn với "hy vọng" (I Têsalônica 1.3, 10) về sự đến của Đấng Christ (Jamieson, Fausset & Brown Commentary). Hãy chú ý cùng với tôi ba việc.
A. NHỊN NHỤC LÀ BỔN PHẬN CỦA HẾT THẢY CÁC THÁNH ĐỒ. "Nhịn nhục là cay đắng lắm, song trái của nó thật ngọt ngào" - (Jean Jacques Rousseau - _Instant Quotation Dictionary_, p. 225). Có hai điều chúng ta phải làm để có được sự nhịn nhục.
1. Chúng ta phải phục theo thì giờ của Đức Chúa Trời. Chúng ta không chạy trước Đức Chúa Trời, một phải nhịn nhục chờ đợi để tìm biết ý chỉ và sự dẫn dắt của Ngài.
MINH HOẠ. Hỡi Cơ đốc nhân, quí vị phải hiểu rằng thẻ tín dụng MasterCard nhất định không phải là phương thức làm chủ cuộc sống đâu. Cung cách mà Chúa Jêsus đã thiết lập là phương thức kềm hãm mọi ham muốn – không phải vì sự thoả mãn các sự ham muốn là sai lầm, mà vì "thì giờ của ta chưa đến". Hầu hết trong chúng ta đều nghĩ thì giờ của mình đã đến 5 phút sau khi ham muốn thoạt đến trong lý trí của chúng ta -- (Joel Belz in World (May 11, 1987). Christianity Today, Vol. 33, no. 8).
2. Chúng ta phải trông đợi nơi Chúa. Thi thiên 37.7 cho chúng ta biết: “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài…” Cụm từ “nhịn nhục chờ đợi” có nghĩa là “thuận phục không có kêu ca, than phiền, hay giận dữ”. J. J. Lynch viết:
Sự khôn ngoan Ngài là tuyệt vời,
Tấm lòng Ngài thật là sâu sắc;
Đức Chúa Trời không hành động
trước thì giờ của Ngài,
Cũng không bao giờ đi sau thời điểm đó. (9)
Có người đã nói: “Ơn bền đổ chính là đức tính nhịn nhục luôn luôn tương xứng với áp lực của từng phút trôi qua, vì đức tính ấy bắt rễ trong một trật tự đời đời không một phút nào trôi qua mà thiếu vắng quyền phép”. “Chờ đợi nơi Chúa” có nghĩa là “bình tỉnh phục theo ý chỉ Ngài, rồi chờ đợi sự cứu giúp của Ngài” (John Wesley’s Explanatory Notes).
B. NHỊN NHỤC KHÔNG LUÔN LUÔN DỄ DÀNG ĐÂU.
MINH HOẠ. Người ta dường như tin rằng họ có một thứ quyền được sống hạnh phúc không thể chuyển nhượng -- "Tôi muốn cái tôi muốn và tôi muốn có nó ngay bây giờ". Không một ai muốn chờ đợi để có được một điều gì đó, và hầu hết, chẳng ai muốn chờ đợi cả. Chờ đợi được giải thích là đau khổ lắm. Có người bước vào văn phòng tôi rồi cho biết họ là Cơ đốc nhân, thế nhưng tôi chẳng thấy có gì khác biệt ngoại trừ họ muốn sống hạnh phúc và hiện đang trông cậy Đức Chúa Trời ban cho hạnh phúc ấy. Trong xứ sở của chúng ta, vấn đề là quí vị có thể có cái mình muốn khi quí vị cần nó nhất. Sự thật là người ta muốn mua một cây cao 50-foot và ngay lập tức được trồng trong sân của họ. Tại sao có người sống ở trên đất lại muốn trông đợi vào các mối thông công hay trông đợi nơi Đức Chúa Trời? – (Psychologist Kim Hall, interviewed in The Door (Sept.-Oct. 1992). Christianity Today, Vol. 37, no. 9).
Đôi khi chúng ta không nhịn nhục chờ đợi nơi Chúa. Hết thảy chúng ta đều có khuynh hướng làm theo hai việc.
1. Chúng ta nắm vấn đề trong hai bàn tay của mình (I Samuên 13.8-13). Saulơ được truyền cho trong câu 13 bởi Samuên rằng ông phải chờ 7 ngày đợi Samuên đến, để dâng của tế lễ, rồi bảo cho ông ta biết việc phải làm. Thế nhưng Saulơ đã mất kiên nhẫn rồi nắm lấy vấn đề trong hai bàn tay của mình. Chúng ta rất thường phạm vào cùng một lỗi lầm như thế.
MINH HOẠ. Một thế hệ Cơ đốc nhân chỉ giơ tay ấn nút và sử dụng những loại máy tự động, họ không kiên nhẫn nổi về sự chậm chạp và không thể chịu đựng được trước các thủ pháp kém hiệu quả để đạt được mục tiêu của họ. Chúng ta đang ra sức áp dụng các phương pháp máy móc vào những mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời. Chúng ta đọc phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta thiếu mất sự tin kính và lạc sai, chỉ mong nhận được sự phá sản sâu sắc ở bên trong do việc nhóm lại với buổi nhóm tin lành khác....
Những hậu quả không hay của tinh thần nầy đang xảy có quanh chúng ta. Những đời sống nông cạn, các triết lý tôn giáo thấp hèn, yếu tố vui vẻ đang trổi lên trong các buổi nhóm tin lành, sự vinh quang của con người, tin cậy vào mọi tính chất bề ngoài tôn giáo, những mối thông công hầu như là tôn giáo, các phương pháp tiếp thị, lấy nhân cách con người thay cho quyền phép của Thánh Linh. Mọi điều nầy và những điều na ná như thế đều là triệu chứng của một căn bịnh quái ác, một tệ nạn trầm trọng của linh hồn – (A. W. Tozer in The Pursuit of God. Christianity Today, Vol. 40, no. 2).
2. Chúng ta quên phứt bổn phận hay việc làm của mình. Hãy lưu ý những điều Phaolô đã viết ra trong II Têsalônica 3.10-15. Rõ ràng, đã có một số người ở Têsalônica đã mất kiên nhẫn và sơ xuất trong việc làm của họ đối với Chúa. Có sự khác biệt giữa rỗi rảnh và biếng nhác. Thoải mái và tái tạo cung ứng một sự quân bình cần thiết và có cần; nhưng khi bắt tay làm việc, Cơ đốc nhân phải gánh chịu trách nhiệm. Chúng ta phải sử dụng hầu hết talâng và thì giờ của mình…(10). Có những người sống tại thành Têsalônica vì cớ sự bắt bớ đức tin của họ nên đã quên phứt đi bổn phận của mình rồi mong Hội Thánh chu cấp cho họ. Về mặt thuộc linh, có những người thể ấy trong Hội Thánh chúng ta ngày nay, họ tin trách nhiệm của Hội Thánh phải lo giữ mối thông công của họ với Đấng Christ sao cho sống động và tấn tới, đang khi họ ít làm việc và chẳng làm chi hết để nuôi dưỡng đức tin của họ. Mối tương giao của chúng ta với Đấng Christ là một mối tương giao cá nhân và chúng ta cứ nuôi dưỡng nó theo cách chú tâm vào mọi trách nhiệm thuộc linh của mình!
MINH HOẠ. Để được giống như Đấng Christ, chúng ta phải luôn suy nghĩ giống như Đấng Christ. Muốn thay đổi những sự ham mến của mình ra giống như các sự ham mến của Đấng Christ, chúng ta cần quyền phép của Đức Thánh Linh đang ngự ở bên trong, ảnh hưởng của những Cơ đốc nhân trung tín, vâng theo Lời của Đức Chúa Trời (không chỉ hướng vào Lời ấy), và thờ phượng với lòng tận hiến. Thường thì chính việc làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời mà chúng ta kiếm được sự ham mến ý chỉ ấy (11).
C. SỰ NHỊN NHỤC CỦA CHÚNG TA PHẢI TRỞ THÀNH CHỜ ĐỢI CHÚA TÁI LÂM. Phaolô đã cầu nguyện xin cho người thành Têsalônica được vùa giúp để có được sự ham mến đó. Để họ có thể chịu nổi bất cứ điều chi Satan sẽ thử thách và giáng trên họ với sự hiểu biết rằng Chúa không bao lâu nữa sẽ tái lâm để tiếp nhận họ về với chính mình Ngài. Chúng ta cần phải sống giống như Tít 2.13 dạy chúng ta: “đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ”. Chúa chúng ta không bao lâu nữa sẽ tái lâm và như Phaolô đã viết trong Romans 8.18 — “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta”. Cách tốt nhứt để sửa soạn cho sự đến của Đấng Christ là đừng bao giờ quên sự hiện diện của Đấng Christ – (William Barclay trong quyển You Can Say That Again. Christianity Today, Vol. 39, no. 8).
MINH HOẠ. Đức Chúa Trời bảo Ghiđêôn đem 10.000 người bước xuống nước để uống. Những người nào cúi xuống rồi uống nước giống như chó sẽ bị để lại đàng sau. Người nào quì gối xuống uống nước cũng bị để lại đàng sau. Nhưng có 300 người bụm tay vốc nước mà uống, trong khi ngó nhìn hướng về kẻ thù, thì được chọn. Vì vậy, chúng ta cần phải sống bận rộn vì Đấng Christ, chúng ta phải để mắt mình ngó về sự tái lâm của Ngài.
PHẦN KẾT LUẬN. Quí bạn ơi, một năm mới đang ở trước mặt chúng ta. Một năm đầy những cơ hội. Một năm chắc cũng có thất vọng và thất bại. Nhưng là một năm chúng ta có thể dâng mình nhiều hơn cho Đấng đã chịu chết vì chúng ta. Có phải quí vị cần một TIÊU ĐIỂM MỚI CHO NĂM MỚI KHÔNG? Quí vị có cần phải ĐIỂU CHỈNH LẠI TÌNH CẢM, ĐIỀU CHỈNH LẠI MỤC ĐÍCH, và ĐIỀU CHỈNH LẠI SỰ NHỊN NHỤC của mình không?
Tác giả Thánh ca Frances Ridley Havergal đã xem trọng ngày Đầu Năm, luôn luôn sử dụng nó làm một thời điểm để suy gẫm và thường sáng tác một bài thơ để gửi cho bạn bè, bày tỏ ra những cảm xúc của bà về ngày và năm mới. Bài thơ bà đã viết vào năm 1874 đã trở thành bài thơ bất tử. Bà được 36 tuổi lấy bấy giờ, và bà đã cho in ấn bài thơ nầy trên một tấm thiệp chúc Tết để gửi đi cho bạn bè. Tấm thiệp có đề tựa: “Một Năm Mới Phước Hạnh!” Ở bên trong ghi như sau:
Năm mới đang ló dạng.
Lạy Cha, nguyện ý Chúa được nên,
Torng việc làm hay trong sự chờ đợi,
Một năm khác với Ngài;
Một năm mới tấn tới,
Thêm một năm nữa khen ngợi,
Một năm mới minh chứng
Sự hiện diện của Ngài suốt bao ngày. (12)
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét