Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Lý Do Để Kỷ Niệm Giáng Sinh



Lý do để kỷ niệm Giáng Sinh
Hêbơrơ 1.1-2a
Một nhà thám hiểm xưa kia đã đi về hướng Tây băng qua Vùng Đồng Bằng Lớn [Great Plains] cho tới khi ông dừng chân nghỉ ở bờ dốc hiểm trở Grand Canyon. Ông đứng ngẩn người nhìn bối cảnh ở trước mắt mình. Một lằn nứt thật sâu khoảng một dặm, 18 dặm bề ngang, và hơn 100 dặm theo chiều dài! Ông há hốc miệng ra vì kinh ngạc: "Có chuyện gì đó đã xảy ra ở đây!" Giả sử có ai đó từ thời kỳ khác đến với xã hội của chúng ta vào giữa tháng Chạp. Khi ông ta nhìn thấy những ngọn đèn, các biển quảng cáo, những cuộc diễu binh, các buổi tiệc tùng, những siêu thị đầy ắp người mua bán, và các nhà thờ với những buổi thờ phượng đặc biệt, không nghi ngờ chi nữa ông ta sẽ nói: "Có chuyện gì đó đã xảy ra ở đây!"
Tôi vừa sợ và vừa thích mùa lễ Giáng sinh. Tôi sợ sự bận rộn lắm. Tôi sợ có việc gì đó phải làm và phải ở một nơi nào đó mỗi buổi tối. Tôi sợ tuyến lưu thông tấp nập quanh siêu thị gần nhà tôi. Tôi sợ mức độ mua cùng bán trong mùa lễ. Tôi sợ cách xử lý quá nhàm chán trong ngày sinh nhật của Cứu Chúa tôi mặc dù chúng ta thưởng thức đúng đắn các tin tức quan trọng nhất của lịch sử với những cây thông có treo đèn chiếu sáng lung linh. Ồ, tôi không phải là một ông già bủn xỉn đâu! Tôi thích ánh đèn với đôi mắt như con trẻ của tôi. Tôi thích làm cho vợ tôi phải ngạc nhiên với một món quà bất ngờ. Tôi muốn quay về nhà nhìn thấy gia đình và bạn bè thân thuộc. Tôi yêu các buổi thờ phượng đặc biệt mà chúng ta đang có trong nhà thờ của chúng ta. Tôi thích suy gẫm về tình yêu thương rời rộng mà Đức Chúa Trời đã dành cho tôi khi sai Con của Ngài đến trong thế gian.
Thắc mắc của tôi là, trong suốt kỳ lễ nầy, chúng ta có biết chúng ta đang kỷ niệm điều gì không? Có phải chúng ta đang kỷ niệm vì đấy là kỳ lễ hay có một mục đích gì đó trong mọi sự nầy chăng? Phần nhiều việc mà tôi đang nhìn thấy trong suốt kỳ lễ nầy đang nhắc cho tôi nhớ tới quảng cáo Super Bowl. Ngay cả những người không xem trận đấu bóng đá cũng dự các bữa tiệc Super Bowl. Trận đấu chỉ là cái cớ để dự tiệc mà thôi.
Lễ Giáng Sinh không những là một lời cáo lỗi để đi dự tiệc, đi mua sắm cho tới chừng quí vị xuống hay lên chỉ số cholesterol của mình. Lễ Giáng Sinh đang nói về Đấng Christ. Lễ Giáng Sinh đang nói về ơn cứu rỗi. Lễ ấy nói tới ân điển và sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Lễ ấy nói tới cõi đời đời. Lễ ấy nói tới sự tự do không có tội lỗi, sự chết và địa ngục. Lễ Giáng Sinh đang nói tới Đấng Christ.
Quả đúng như thế, Lễ Giáng Sinh đang nói về người nữ đồng trinh, con trẻ, những tấm khăn tả lót em bé, máng cỏ, mấy gã chăn chiên cùng các thiên sứ. Thế nhưng còn có nhiều điều hơn nữa trong câu chuyện ấy. Còn có nhiều điều phải nói ra lắm! Tôi cầu nguyện rằng là những người tin Chúa, chúng ta sẽ không bị cuốn vào các kỳ lễ đến nỗi chúng ta thất bại không nắm bắt được đầy đủ ý nghĩa sự ban cho rời rộng nhất của Đức Chúa Trời.
Còn hơn cả "có chuyện gì đó đã xảy ra ở đây!" nữa, chúng ta có hiểu điều chi đã xảy ra ở đây không? Chúng ta có chịu dừng lại để xem xét đầy đủ nội dung lý do kỳ lễ của chúng ta không?
Đây không phải là một phân đoạn Kinh Thánh khuôn mẫu dành cho sứ điệp của Lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên, có lẽ còn hơn cả các phân đoạn Kinh Thánh khác, phân đoạn Kinh Thánh nầy ký thuật cho biết đầy đủ về câu chuyện Giáng Sinh. Nó không nói tới mấy gã chăn chiên hay mấy cái máng cỏ, mà nó cung ứng cho chúng ta một cái nhìn bao quát về mọi điều mà Đức Chúa Trời đã đạt được trong cái đêm đáng nhớ ở Bếtlêhem.
Chúng ta hãy xem xét Đức Chúa Trời đã sửa soạn cả thế giới cho Chúa Jêsus như thế nào và thể nào Ngài đã giới thiệu Chúa Jêsus cho thế gian!?!
I. Đức Chúa Trời SỬA SOẠN thế giới cho Chúa Jêsus.
A. Đức Chúa Trời đã phán dạy.
John MacArthur đã mô tả cuộc sống đời nầy giống như đang ở trong một cái hộp vậy. Sâu lắng trong chúng ta, chúng ta ý thức rằng có cái gì đó ở bên ngoài cái hộp của chúng ta, trỗi hơn mọi thứ chúng ta có thể xem thấy, nghe thấy, nếm ngửi hay rờ đụng được. Chúng ta nhận biết có một thế giới siêu nhiên mà chúng ta không thể đạt tới với ý thức của chúng ta. Tất cả các tôn giáo của thế gian. Phật giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo, Khổng giáo, Nho giáo và các triết gia Kỹ nguyên Mới đã tìm cách phá cho kỳ được một cái lỗ trên chiếc hộp để chúng ta có thể nhìn ra cái thế giới siêu nhiên. Cơ đốc giáo thì khác biệt với các tôn giáo nầy ở chỗ nó xưng nhận rằng chính mình Đức Chúa Trời đã bước vào trong chiếc hộp và đã mượn một hình thái vật chất để nói cho chúng ta biết về sự sống ở bên ngoài chiếc hộp.
MacArthur nói. "Vì chính con người không có khả năng nhận dạng, thấu suốt, hay hiểu rõ Đức Chúa Trời chi hết, Đức Chúa Trời đã phải đột nhập vào thế giới của con người để nói cho họ biết về chính mình Ngài".
Câu 1 chép. "Đức Chúa Trời… phán dạy". Điều nầy nằm trong bản tóm tắt ngắn gọn. "Đức Chúa Trời" là chủ từ. "Phán dạy" là động từ. Phần còn lại của câu và mệnh đề cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời phán dạy bằng cách nào và vào lúc nào.
Đức Chúa Trời luôn luôn là chủ động. Ngài luôn hành động, luôn bày tỏ chính mình Ngài ra. Ngài không hề buồn ngủ. Ngài luôn luôn phán dạy con người. Các nhà thần học tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên muôn vật và rồi để cho tạo vật của Ngài tự nó vận hành. Ngược lại, Đức Chúa Trời không dửng dưng đâu, mà chủ động phán dạy với và qua công cuộc sáng tạo của Ngài.
"Đời xưa, Đức Chúa Trời… phán dạy". Đức Chúa Trời đã phán dạy. Ngài đã phơi bày Ngài ra cho chúng ta thấy. Ngài không dựng nên thế gian rồi bỏ mặc nó. Ngài không giấu mình trong bóng tối kín nhiệm. Mà ngược lại, Ngài đã tỏ ra sự vinh hiển của Ngài cho con người thấy. Ngài đã làm thế lần đầu tiên với loài thọ tạo. Lúc ban đầu Ngài đã phán dạy mặt đối mặt với Ađam và kế đó là Êva. Sáng thế ký 3.8 chép. "Lối chiều, nghe tiếng GIÊHÔVA Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn…".
Sau lần Sa Ngã, Đức Chúa Trời đã phán với một số người theo cách riêng. Ngài phán trực tiếp với Cain và Abên. Đức Chúa Trời đã phán dạy theo các giới hạn mật thiết như thế với Hênóc, như Sáng thế ký 5.24 chép. "Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Đức Chúa Trời tiếp người đi". Trong kỹ nguyên tiền Nước Lụt, Hênóc đã sống 365 năm, đồng đi với Đức Chúa Trời và khi ấy Đức Chúa Trời đã đưa ông về trời mà không để cho ông phải nếm sự chết.
Mặc dù Đức Chúa Trời không phán với mỗi người theo cách riêng, sự thương xót và ân điển của Ngài đã nổi bật lên từ cõi sáng tạo của Ngài. Roma 1.20 chép: "bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa lành mình được".
Hêbơrơ 1.1 nói thêm: "Đời xưa, Đức Chúa Trời…phán dạy tổ phụ chúng ta". Ai là "tổ phụ" chứ? Họ là tổ phụ của hết thảy người Do thái, các vị tộc trưởng của dân Israel. Đây là một bức thư viết cho các tín đồ người Hêbơrơ.
Đức Chúa Trời đã phán cùng Ápraham rồi kêu gọi ông ra khỏi xứ Canhđê đi đến một xứ kia đượm sửa và mật. Ngài hứa với cụ già nầy rằng ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân lớn. Ngài phán với Ysác, là đứa con của lời hứa. Ngài phán với Giacốp rồi đấu vật với ông. Ngài phán với Giôsép trong các điềm chiêm bao. Ngài phán với Môise qua một bụi gai cháy. Kinh Cựu Ước đầy dẫy với các câu chuyện “đời xưa” khi Đức Chúa Trời "phán dạy… tổ phụ".
B. Đức Chúa Trời phán dạy nhiều lần.
Đức Chúa Trời không những đã "phán dạy" mà Ngài còn phán dạy "nhiều lần" nữa. Đây là một cách chơi chữ theo tiếng Hy lạp. Đúng ra nó có nghĩa là "bằng nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều giai đoạn khác nhau". Nói cách khác, Đức Chúa Trời không luôn luôn phán dạy cùng một cách suốt cõi thời gian đâu.
"Nhiều lần" hay "nhiều chỗ" có thể được dịch chính xác là "nhiều sách". Xuyên suốt 39 sách trong Cựu Ước, chúng ta thấy Đức Chúa phán dạy, bày tỏ chính mình Ngài ra cho nhân loại. Hãy xem xét một số trong “nhiều lần” Đức Chúa Trời đã phán dạy trong kỹ nguyên đó. Đức Chúa Trời đã phán dạy qua các điềm chiêm bao và những sự hiện thấy. Ngài đã phán dạy qua các ẩn dụ, thí dụ, và những truyện tích. Ngài đã phán dạy qua những kiểu cách và biểu tượng. Ngài đã phán dạy qua các thiên sứ. Ngài đã phán dạy qua các tiên tri của Ngài. Ngài đã phán dạy qua Kinh Thánh. Đôi khi Ngài phán dạy trực tiếp với con người.
"Nhiều lần" cũng có ý nói tới nhiều phương thức nữa. Cựu Ước đã được dựng lên bằng những câu chuyện kể, thi phú, bài hát ngợi khen, luật pháp, lời tiên tri, lẽ đạo, các tác phẩm về thơ văn và đạo đức, các câu châm ngôn, những lời khích lệ, các câu nói cảnh cáo, v.v…Thế nhưng luôn luôn Đức Chúa Trời đang phán dạy con người.
C. Đức Chúa Trời phán dạy nhiều cách.
Có nhiều lúc Đức Chúa Trời rất chủ động với mặc khải mới mẻ đến bất cứ lúc nào. Hãy suy nghĩ về phương thức Đức Chúa Trời xử lý với Ápraham hay Môise. Tuy nhiên, đôi khi không có bao nhiêu khải thị. Trong những thời kỳ người ta bất tuân, Đức Chúa Trời đã giữ im lặng. Thời gian giữa hai giao ước được gọi là "400 năm im lặng".
D. Đức Chúa Trời phán dạy qua các tiên tri Ngài.
Tác giả thơ Hêbơrơ cũng nói cho chúng ta biết cách nổi bật nhất từ “đời xưa” Đức Chúa Trời đã phán dạy trong đó. Trong kỹ nguyên Cựu Ước, Đức Chúa Trời chủ yếu phán dạy "bởi các tiên tri".
Amốt 3.7 chép: "Cũng vậy, Chúa GIÊHÔVA chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri".
Trong Cựu Ước, có nhiều người nam người nữ đã được đề cập đến là tiên tri. Trong Tân Ước, Cựu Ước được gọi là "luật pháp và các lời tiên tri" (Mathiơ 7.12). Trong Cựu Ước, có những "đại tiên tri" với các sách lớn như Êsai, Giêrêmi và Êxêchiên. Cũng có các "tiểu tiên tri" với những sách nhỏ tiên tri như Amốt, Ôsê và Giôên. Tuy nhiên, ý nghĩa chính của mệnh đề, "các sách tiên tri" không những đề cập tới những người "nói trước" mà còn đề cập tới những người "chuyên nói ra" Lời của Đức Chúa Trời cho dân sự. Điều nầy tương tự với ân tứ nói tiên tri hay dạy dỗ trong Tân Ước. Vì lẽ đó, mỗi người nam hay người nữ nào được Đức Chúa Trời cảm thúc, các tác phẩm của họ nằm trong Cựu Ước được xem là "các sách tiên tri". Cho nên trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta hôm nay, "các sách tiên tri" đề cập tới tính cách toàn vẹn của Cựu Ước.
Hơn 1.500 năm sử dụng khoảng hơn 40 trước giả hay "các tiên tri" thuộc lai lịch, giáo dục, văn hoá và địa vị khác nhau, Đức Chúa Trời đã "phán dạy" trong các tác phẩm của Cựu Ước. Số người nầy đã được Đức Chúa Trời “cảm thúc” để viết ra. "Cảm thúc" không có nghĩa là họ có tính sáng tạo, mà lời lẽ họ viết ra đều là do "Đức Chúa Trời hà hơi" (theopneaustia). Đức Chúa Trời đã sử dụng nhân cách, lời ăn tiếng nói, và kinh nghiệm sống của họ để “hà” Kinh Thánh vào Cựu Ước.
II Timôthê 3.16 chép: "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn [hà hơi], có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình". II Phierơ 1.20-21 chép: "Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời".
E. Đức Chúa Trời phán dạy qua sự khải thị tiệm tiến.
Khải thị tiệm tiến là một ý niệm thần học mà chúng ta dễ nắm bắt. Tôi học đọc chữ trong trường học. Tôi không học đọc một lần đủ cả đâu, mà học mỗi lúc một chút. Tôi không khởi đầu với “Chiến Tranh và Hoà Bình” của Tolstoy mà là học các mẫu tự. Tôi đã học các mẫu tự ABC. Sau đó, tôi đã học các mẫu âm, từng nguyên âm, từng phụ âm. Tiếp đến tôi đã học ráp vần như "A-n-h-Anh" và "B-a-ba-huyền Bà" và "C-h-i-nặng Chị". Kế đó, tôi tiến tới chỗ đọc thành câu như “Bà ăn trầu”. Tôi tiến xa hơn trong phần học hỏi của mình khi tài đọc chữ của tôi tiến bộ càng hơn. Tôi đi từ loại sách có nhiều hình ảnh, ít chữ tới loại sách có nhiều chữ mà chẳng có tranh ảnh gì hết. Ngữ vựng của tôi càng tăng thêm với năng khiếu đọc chữ của mình. Với từng cấp độ mới của việc đọc chữ, tôi thêm lên nhiều điều mà tôi đã biết rồi. Tôi đã học biết đọc bởi SỰ HIỂU BIẾT TIỆM TIẾN.
Trong kỹ nguyên Cựu Ước, “Đức Chúa Trời… phán dạy” bởi SỰ MẶC KHẢI TIỆM TIẾN. Đức Chúa Trời không bày tỏ chính mình Ngài một lần đủ cả đâu, mà là mỗi lúc một chút thôi. Thí dụ, Sáng thế ký cung ứng cho chúng ta một số lẽ thật về Đức Chúa Trời. Xuất Êdíptô ký gây dựng trên mọi điều chúng ta biết ở Sáng thế ký. Dân số ký xây dựng trên những gì chúng ta biết ở sách Xuất Êdíptô ký và cứ thế mà tiếp diễn. Mỗi sách cứ tỏ ra theo cách tiệm tiến cho chúng ta thấy “toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời”. Đấy là lý do tại sao chúng ta luôn luôn giải thích Kinh Thánh theo nội dung. Kinh Thánh không phát triển từ sai đến đúng, mà từ lẽ thật chưa toàn vẹn đến lẽ thật toàn vẹn.
Kinh Thánh cũng đi từ lời hứa đến chỗ ứng nghiệm. Cựu Ước thì toàn là lời hứa; Tân Ước nói về sự ứng nghiệm của các lời hứa đó. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 5.17: “Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn”.
Thực vậy, phần lớn những người viết ra Cựu Ước đều không hiểu trọn những gì họ đã viết ra. I Phierơ 1.10-12 chép: “Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau. Các đấng ấy đã được tỏ cho rằng chẳng phải vì mình, bèn là vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em, bởi những người nhờ Đức Thánh Linh từ trên trời sai xuống, mà giảng Tin Lành cho anh em; các thiên sứ cũng ước ao xem thấu những sự đó”.
Họ đã học, nếu quí vị thích, mẫu tự ABC và tốt nghiệp cấp một lẽ thật của Đức Chúa Trời. Trong thời đại nầy, “trong những ngày sau rốt nầy” chúng ta có sự khải thị trọn vẹn về Đức Chúa Trời trong quyển Kinh Thánh trọn bộ của chúng ta.
Tư tưởng sau cùng về điểm nầy. Đích nhắm của từng vị tiên tri và từng sách trong 39 sách Cựu Ước là sửa soạn thế gian cho sự đến của Chúa Jêsus. “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách” để sửa soạn dân sự Ngài, để khiến cho họ sẵn sàng hầu tiếp nhận Con của Ngài. Đức Chúa Trời sắp sửa đột nhập vào thế giới của chúng ta.
II. Đức Chúa Trời GIỚI THIỆU Chúa Jêsus cho thế gian.
Mục sư Dietrich Bonhoeffer, bị Hitler bắt bỏ tù trong suốt Đệ II Thế Chiến, viết cho hôn thê của mình một bài học đã tiếp thu được từ cuộc sống trong tù. "Một xà lim, trong đó một người chờ đợi, hy vọng, đang làm đủ thứ việc không đáng kể, và hoàn toàn nương vào sự thực cánh cửa tự do sẽ mở ra từ phía ngoài không phải là một hình ảnh tồi tệ của sự Chúa giáng sinh". Chúa Giáng Sinh, sự giáng trần hay sự đến của Đấng Christ có nghĩa là Đức Chúa Trời một lần đủ cả đã rung cánh cửa ngục tù của cá nhân chúng ta.
Lễ Giáng Sinh còn có nhiều thứ hơn là một con trẻ đang nằm trong máng cỏ có mấy gã chăn chiên đứng xung quanh. Sự ban cho Con của Đức Chúa Trời có một phạm vi rộng lớn đến nỗi giới hạn sự ban cho ấy trong một mùa lễ của năm hay một bối cảnh chuồng chiên máng cỏ tại Bếtlêhem là giới hạn sự hiểu biết của chúng ta. Lễ Giáng Sinh đang nói tới Đấng Christ. Lễ ấy đang nói tới sự Đức Chúa Trời giới thiệu cho thế gian biết Con độc sanh và duy nhất của Ngài là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế" (Khải huyền 13.8).
A. Đức Chúa Trời cũng phán dạy chúng ta bởi Con Ngài.
Câu 1 cho chúng ta biết rằng "Đời xưa, Đức Chúa Trời… phán dạy". Câu 2 cho chúng ta biết rằng Ngài "đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài". Đức Chúa Trời "phán dạy" trong kỹ nguyên đó và Ngài đã "phán dạy" trong kỹ nguyên nầy. Ngài đã phán dạy từ "đời xưa" và đã phán dạy "trong những ngày sau rốt". Ngài đã phán dạy "các tổ phụ" và Ngài đã phán dạy "chúng ta". Ngài đã phán dạy "bởi các tiên tri" nhưng giờ đây Ngài đã phán dạy "bởi Con Ngài".
Ưu tiên cho những việc trước tiên. Từ "đời xưa" Đức Chúa Trời đã phán dạy "bởi các tiên tri" nhưng giờ đây "trong những ngày sau rốt nầy" Đức Chúa Trời đã phán dạy chúng ta "bởi Con Ngài". Sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con người là chưa trọn vẹn nếu không có Con của Ngài. Cựu Ước mà không có Tân Ước là chẳng có ý nghĩa bao lăm. Chặng cuối của sự khải thị tiệm tiến là sự khải thị trọn vẹn và chúng ta có sự trọn vẹn đó trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Đức Chúa Trời từng phán dạy "nhiều lần nhiều cách". Ngài từng phán dạy bằng nhiều phương thức khác nhau qua nhiều con người khác nhau, nhưng sau cùng đã phán dạy con người bằng một phương thức và qua một Thân Vị, Con của Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ.
Mọi sự trong Tân Ước đều tựu trung vào Chúa Jêsus. Các sách Tin lành, Mathiơ, Mác, Luca, và Giăng đều tường thuật lại câu chuyện của Ngài, các biến cố của đời sống Ngài trên đất. Các thơ tín phê bình và giải thích đầy đủ những điều chúng ta tiếp thu trong các sách Tin lành. Sách Khải huyền loan báo trước chung điểm sau cùng của muôn vật, sự vinh hiển tột cùng của Chúa Jêsus.
Cựu Ước đã được ban cho loài người bởi Đức Chúa Trời ở từng mảng một. Lấy riêng từ mảng thì giống như một miếng hình ghép lớn đặt ở trước mặt quí vị. Quí vị nhìn thấy màu sắc và từng mảng của bức tranh, song quí vị không thể nhìn thấy liền làm cách nào chúng ghép lại với nhau. Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Jêsus cách đầy trọn là "sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài!" Chúa Jêsus là một bức tranh lớn. Không những Chúa Jêsus được ban cho mà còn là sự mặc khải trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Những gì Đức Chúa Trời thì thào trong công cuộc sáng tạo của Ngài, những gì Ngài đã phán dạy trong Cựu Ước, Ngài hô lên to tiếng cho chúng ta nghe thấy nơi Con của Ngài. II Côrinhtô 1.20 chép: "Vì chưng cũng như các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong Ngài cả, ấy cũng bởi Ngài mà chúng tôi nói "A-men", làm sáng danh Đức Chúa Trời".
Giống với một trò chơi ráp hình, chúng ta từng nhìn thấy một bức tranh hội tụ lại, chúng ta có thể đánh giá đúng đắn các mảng riêng tư. Chúng ta từng có sự khải thị đầy đủ trong Tân Ước, chúng ta có thể đánh giá đúng các mảng nhỏ trong Cựu Ước.
B. Đức Chúa Trời cũng phán dạy trong những ngày sau rốt nầy.
"Đời xưa" Đức Chúa Trời đã phán dạy, thế nhưng Ngài cũng phán dạy "trong những ngày sau rốt" nữa. “Những ngày sau rốt nầy” có ý nghĩa như thế nào? Điều nầy có ý đề cập tới thời kỳ của Đấng Mêsi. Những ngày sau rốt bắt đầu khi Chúa Jêsus chào đời tại thành Bếtlêhem và chúng ta vẫn sống giữa vòng họ 2.000 năm sau. Đây là lần cuối cùng Đức Chúa Trời đã phán dạy cho tới chừng nào chúng ta nghe thấy tiếng Ngài một lần nữa trong kỹ nguyên Vương quốc. Đó là “những ngày sau rốt’ của sự khải thị. Lẽ thật của Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta cách trực tiếp từ môi miệng của Con Ngài.
Người đờn bà bên giếng Sikha vốn hiểu rõ điều nầy. Bà ta nói với Chúa Jêsus: "Tôi biết rằng Đấng Mê-si (nghĩa là Đấng Christ) phải đến; khi Ngài đã đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta" (Giăng 4.25). Đây mới chính xác là mọi điều mà Chúa Jêsus đã đến để làm.
Thực ra tác giả thơ Hêbơrơ đang nói: "Mặc dù Đức Chúa Trời đã phán dạy con người theo nhiều phương thức khác nhau xuyên suốt lịch sử, trong những ngày sau rốt nầy, giờ đây Ngài phán với chúng ta qua Con của Ngài, Đấng Mêsi và sứ điệp của Ngài là trọn vẹn".
C. Đức Chúa Trời đã phán dạy để tỏ ra sự đầy dẫy của Ngài trong Đấng Christ.
Tuần tới, chúng ta sẽ xem lại ở đây phân nửa sau cùng của câu 2 và câu 3, phần nầy mô tả sự đầy dẫy của Chúa Jêsus là "Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian; Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao".
Tôi thích cách Joni Eareckson Tada nói về việc nầy: "Hãy suy nghĩ xem, mỗi lời hứa mà Đức Chúa Trời đã lập ra tìm được sự ứng nghiệm của nó nơi Chúa Jêsus. Đức Chúa Trời không những ban cho chúng ta ân điển; Ngài còn ban cho chúng ta Chúa Jêsus, là Chúa của ân điển nữa. Nếu đó là ân điển, nó chỉ được thấy nơi Chúa Jêsus, là Chúa Bình An. Ngay cả chính sự sống cũng được thấy có nơi sự sống lại và sự sống. Cơ đốc giáo chẳng có gì phức tạp hết...đó là Chúa Jêsus."
III. Ba lẽ thật trong dịp Lễ Giáng Sinh.
A. Giáng Sinh không phải chỉ là một ngày lễ.
Hầu hết mọi người đều tổ chức Lễ Giáng Sinh, nhưng hầu hết mọi người đều không biết lý do tại sao họ tổ chức kỷ niệm Chúa giáng sinh như thế. Đó đây họ đổ xô vào; họ mua sắm nhiều món quà mà họ không có dùng; họ hát các bài ca mà họ không hiểu. Họ xem những cuốn phim tràn đầy nhựa sống và liên tục xem vô tuyến truyền hình trong dịp lễ. Họ cung ứng cho nhiều hàng hoá vào tháng Chạp hơn bất cứ thời điểm nào trong năm, nghĩa là suốt cả một năm khác nữa. Họ đã bám vào mọi ký ức thời son trẻ. Có thể họ sẽ đi nhà thờ. Họ tìm kiếm một số ý nghĩa, một số cảm xúc, một vài mục đích trong tất cả kỳ lễ. Thế rồi khi ngày 26 tháng Chạp đến, người ta phải hoà nhập vào cuộc sống trở lại. Ngày lễ khác đã đến rồi đi và Năm Mới chỉ đến quanh góc nhà mà thôi.
Henry Nouwen viết: "Các bài hát, những cảm xúc chân thành, các nghi thức lễ lộc thật đẹp đẽ, các món quà xinh xắn, những bữa ăn tối thịnh soạn, và những lời lẽ ngọt ngào đều không nhằm vào Chúa Giáng sinh. Lễ Giáng Sinh đang nói có với điều gì đó vượt lên trên mọi cảm tính và cảm xúc. Lễ Giáng Sinh đang nói có với một sự hy vọng dựa vào thế chủ động của Đức Chúa Trời, hy vọng nầy chẳng có gì phải làm với mọi điều tôi suy nghĩ hay cảm nhận. Lễ Giáng Sinh đang tin rằng ơn cứu rỗi của thế gian là công việc của Đức Chúa Trời chớ không phải công việc của tôi".
Mặc dù chúng ta không biết chính xác khi nào Chúa Jêsus giáng sinh, Lễ Giáng Sinh là một kỳ lễ của sự "kỳ hạn đã trọn" khi "Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài" (Galati 4.4-5). Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ơn cứu rỗi!
B. Chúa Jêsus còn hơn cả một con trẻ.
Một bà mẹ viết thư tham dự một vỡ kịch Giáng Sinh với mấy người bạn cùng hai đứa con nhỏ của họ, một đứa 4 tuổi và một đứa 6 tuổi. Họ có ấn tượng khi thấy mấy đứa nhỏ cứ châu đầu vào nhìn xem con trẻ Jêsus đang nằm trong máng cỏ. Thực ra, vỡ kịch ấy rất thực và rất thuyết phục. Sau đó ở nhà của chúng, mấy đứa con trai đã khởi sự bàn luận, và sau khi bất chấp những lời cảnh cáo phải dừng lại, mẹ của chúng đã buộc chúng phải vào trong phòng để cầu xin sự tha thứ từ Chúa Jêsus đối với sự không nghe lời của chúng. Khi đứa lớn ra khỏi phòng, mẹ nó thắc mắc không biết nó có cầu xin Chúa Jêsus tha thứ cho nó hay không nữa!?! Nó đáp: "Không, con đã không xin Đức Chúa Trời vì Chúa Jêsus còn quá nhỏ chưa hiểu biết bao nhiêu". Câu chuyện rất hay, nhưng đối với nhiều người lớn, Chúa Jêsus của Lễ Giáng Sinh còn nhỏ không khác gì một con trẻ đang nằm trong máng cỏ.
Chúa Jêsus là một con trẻ, đúng như thế, được thai dựng bởi Đức Thánh Linh trong lòng của người nữ đồng trinh. Đấng Tạo Hoá của vũ trụ đang lớn lên trong thai, được bảo hộ bởi nước, tưng lên tưng xuống trên lưng một con lừa trên đường vào thành Bếtlêhem. Martin Luther đã mô tả sự hoá thân thành nhục thể của Đấng Christ là "Đức Chúa Trời chìm sâu trong xác thịt". Chúa Jêsus đã đến trong thế gian với chúng ta để Ngài đưa chúng ta về thiên đàng với Ngài. Ngài hiệp một với chúng ta để chúng ta sẽ ra giống như Ngài. Giăng 1.14 chép: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha".
Chẳng có gì sai với những ngọn đèn, cây thông, các món quà hay bối cảnh Giáng sinh. Đừng để bấy nhiêu đó chỉ là tầm nhìn của quí vị về Lễ Giáng Sinh. Hãy nhớ rằng hai bàn tay và hai bàn chân xinh xắn của con trẻ ấy về sau sẽ bị đóng đinh trên một cây thập tự của người La mã. Hãy nhớ rằng cái trán trông muốn hôn kia một ngày nọ sẽ đội lấy chiếc mão gai. Hãy nhớ rằng một mũi giáo ngày nọ sẽ đâm thấu cái hông nhỏ bé đó. Năm nay khi quí vị nhóm gia đình mình lại với nhau, đừng trao những món quà mà thiếu đi lời cảm tạ Đức Chúa Trời vì món quà long trọng nhất của Ngài, ơn cứu rỗi qua Con của Ngài.
C. Lễ Giáng Sinh đang nói tới việc ban cho sự sáng.
Mục sư James Dobson thuật lại câu chuyện kể về một bà cụ kia tên là Stella Thornhope, bà đang một mình vật vả với Lễ Giáng Sinh đầu tiên của mình. Chồng bà đã chết chỉ mấy tháng trước do một chứng ung thư phát triển chậm. Ngay trước Lễ Giáng Sinh, bà ta gần như lạnh cóng do hệ thời tiết lúc bấy giờ. Bà cảm thấy cô độc khủng khiếp, vì vậy bà ta mới quyết định sẽ không trang hoàng đón Lễ Giáng Sinh. Buổi trưa hôm ấy tiếng chuông cửa reo vang lên, và có một cậu bé giao hàng tay cầm một cái hộp đến. Nó gọi: "Bà Thornhope ơi?" Bà gật đầu. Nó nói: "Bà sẽ ký ở đây chứ?" Bà ta mời nó bước vào bên trong, đóng cửa lại để khỏi lạnh. Bà ta ký vào tờ giấy rồi nói: "Trong hộp có cái gì vậy?" Cậu bé kia bật cười rồi mở dây gói quà ra, bên trong là một con chó nhỏ, giống chó Labrador Retriever màu vàng. Cậu bé giao hàng cầm con chó con lên rồi giải thích: "Con chó con nầy tặng cho bà đấy. Nó mới có 6 tuần tuổi đấy". Con chó bắt đầu lắc lư với vẻ vui sướng lắm khi được đem ra khỏi hộp. "Ai gửi con chó này thế?" Bà Thornhope hỏi. Cậu bé kia đặt con thú xuống rồi trao cho bà một bì thư, nó nói: "Lá thư này giải thích tất cả, thưa bà. Con chó được mua vào cuối tháng 7 trong khi mẹ nó vẫn còn mang thai. Đây là quà Giáng Sinh cho bà đấy". Cậu bé ấy liền trao cho bà một quyển sách “Phải chăm sóc chó Labrador Retriever như thế nào”. Một lần nữa, bà ta hỏi: "Ai gửi cho tôi con chó này vậy?" Khi cậu bé đó quay ra cửa đi về, nó nói: "Chồng của bà, thưa bà. Chúc mừng Giáng Sinh". Bà ta liền mở bức thư ra. Ông ấy đã viết lá thư nầy ba tuần trước khi ông qua đời, rồi trao nó cho người chủ chó phải gửi đi kèm theo con chó con như món quà Giáng Sinh cuối cùng của ông tặng cho bà. Bức thư tràn ngập tình yêu và sự khích lệ. Ông hứa rằng ông sẽ đợi đến ngày mà bà sẽ gặp lại ông. Ông đã gửi cho bà con thú nhỏ nầy để làm bạn với bà cho tới chừng ấy. Bà quẹt nước mắt, đặt lá thư xuống, rồi nhớ lại con chó con đang ở dưới chân mình, bà ẳm nó lên như một quả bóng vàng ấn sâu dưới cổ mình. Khi đó bà nhìn qua khung cửa sổ thấy mấy ngọn đèn ở nhà hàng xóm, và bà nghe thấy từ chiếc radio đặt trong bếp: "Phước cho nhơn loại, Chúa ta ra đời". Thình lình Stella cảm thấy một ý thức đáng kinh ngạc về sự bình an đang tuôn chảy qua bà. Tấm lòng của bà cảm thấy một niềm vui và một sự kỳ lạ lớn lao hơn nỗi buồn và sự cô đơn kia. "Ê nhỏ", bà nói với con chó: "Chỉ có tao và mầy. Nhưng mầy biết gì không? Có một cái hộp đặt dưới nhà, tao đoán là mầy thích nó. Cần phải lấy một cây thông nhỏ trong cái hộp ấy và một số đồ trang trí ra, mấy ngọn đèn sẽ làm cho mầy có ấn tượng cho xem. Và có một bối cảnh máng cỏ ở đó nữa. Chúng ta đi lấy cái hộp ấy nhé". Đức Chúa Trời có một phương thức gửi đến một dấu hiệu để nhắc cho chúng ta nhớ sự sống thì mạnh hơn sự chết. Sự sống thì có quyền lực hơn sự tối tăm. Mathiơ 4.16 chép: "Dân ấy ngồi chỗ tối-tăm, đã thấy ánh sáng lớn; và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét