Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Sáng thế ký 35.1-15: "Thoái là con đường tiến"



"Thoái là con đường tiến"
Sáng thế ký 35.1-15
Có nhiều lúc trong đời sống Cơ đốc, chúng ta thấy mình đang thăng tiến và có nhiều lúc chúng ta thấy mình đang thoái hậu. Đôi khi chúng ta thấy mình cần phải tiến tới trước vì chúng ta đã tụt hậu. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta thấy thoái chính là con đường để tiến tới phía trước.
Một trường hợp như thế đang có trước mặt chúng ta là đời sống của Giacốp. Chúng ta thấy Giacốp đang thăng tiến vì ông đã biết thoái hậu. Ông đã tiến tới đàng trước thế rồi lại tụt hậu, ông phải tụt hậu để rồi ông sẽ tiến tới về phía trước. Quí vị có thấy như thế không?
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng một kẻ tái phạm là người đang sống trong tội lỗi, bất cần, ngoan cố, công khai, và rõ ràng có nhu cần phải làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Thế nhưng nếu sự thật đã lậu ra, đã chỉ ra chúng ta là kẻ tái phạm, chúng ta thích công nhận mình là như thế hơn.
Hãy xem xét câu nói nầy. Nếu quí vị thấy mình ưa thích bất kỳ một khoái lạc nào khác hơn những lời cầu nguyện ; bất cứ quyển sách nào khác hơn quyển Kinh Thánh; bất kỳ một ngôi nhà nào đẹp hơn nhà của Đức Chúa Trời; bất cứ con người nào tốt đẹp hơn Đức Chúa Jêsus Christ; hoặc bất kỳ một nơi nào trên đất tốt hơn quê hương của quí vị ở trên trời, quí vị đang là kẻ tái phạm đấy.
Nếu có một thời điểm nào đó, khi quí vị yêu mến Chúa Jêsus hơn quí vị yêu Ngài trong lúc bây giờ; một thời điểm khi quí vị sốt sắng về Đức Chúa Trời hơn quí vị đang có trong lúc bây giờ; một thời điểm khi quí vị sống gần gũi với Chúa hơn quí vị đang sống bây giờ, quí vị đã tái phạm rồi. Nếu quí vị không sống gần gũi với Đức Chúa Trời như quí vị đã sống một thời gian trong quá khứ, đây là lỗi của quí vị, vì "nếu anh em đến gần Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ đến gần anh em".
Một nông dân kia cùng với vợ đang lái xe xuống phố trong chiếc xe tải nhỏ của họ. Người nông dân ấy ngồi sau tay lái trong im lặng. Vợ ông ta ngồi đối ngang với cửa xe, cách xa tầm với của chồng mình. Sau khi đi mấy dặm đường, bà ta nói: "Anh biết không, khi chúng ta cưới nhau lần đầu tiên, chúng ta không ngồi xa như vậy".
Chồng bà đáp lại: "Anh không phải là người dịch chuyển trên xe đâu". Nếu quí vị không sống gần gũi với Đức Chúa Trời như quí vị từng sinh sống, hãy đoán xem ai là người đã dịch chuyển nào!?!
Quí vị có biết một Cơ đốc nhân phải làm gì khi sa ngã không? Không làm gì hết, tuyệt đối không làm gì hết. Một Cơ đốc nhân giống như một chiếc phi cơ vậy.
Cơ bản là có bốn loại phương tiện chuyên chở: máy bay, tàu hoả, xe hơi, và tàu thuyền. Giờ đây xe hơi, tàu thuyền, và xe lửa có thể dừng lại và chúng có thể đi lùi lại. Còn máy bay đang ở trên không, việc duy nhứt nó có thể làm là bay thẳng lên và tiến tới trước; hoặc giả, nó sẽ bị rơi xuống đất.
Giacốp đã rơi xuống đất. Về mặt thuộc linh ông đã đụng đến tận cùng đáy sâu rồi. Ông đã đi vào một thành phố ngoại giáo. Con gái ông đã bị một hoàng tử theo tà giáo dụ dỗ. Trong sự báo thù, các con trai ông đã tàn sát hết những người nam trong cả ngôi làng đó. Thêm nữa, gia đình ông đã quên Đức Chúa Trời và đã sa vào hình thái tà giáo và thờ lạy hình tượng.
A. Con gái ông bị hãm hiếp (34.2)
(Sáng thế ký 34.2): "Si-chem, con trai Hê-mô, người Hê-vít, hoàng tử xứ đó, thấy nàng, thì cướp đi, nằm với nàng và làm điếm nhục nàng".
B. Các con trai lừa đảo (34.13-18,25-30)
C. Nổi khổ của Giacốp (34.30-31)
(Sáng thế ký 34.30-31): "Gia-cốp bèn nói cùng Si-mê-ôn và Lê-vi rằng: Bay xui cho tao bối rối, làm cho dân xứ nầy, là người Ca-na-an và người Phê-rê-sít, oán ghét tao vậy”.
Giacốp cần khơi lại ngọn lửa của mình, đức tin ông được mạnh mẽ lại, và gia đình ông phải tái kết ước lại với Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy trong chương nầy phương cứu chữa của Đức Chúa Trời dành cho căn bịnh tái phạm.
I. Trở lại với địa điểm đặc biệt:
Trong Sáng thế ký 35 chúng ta thấy một địa điểm rất đặc biệt trong cuộc đời của Giacốp. Câu 1, 3, 6
Khi chúng ta nghiên cứu cuộc đời của Giacốp, chúng ta thấy chuyến hành trình thuộc linh của ông trải qua một cơn khủng hoảng cho tới khi nào ông trở lại với Bêtên. Sự ông chần chừ đi tới nơi ấy ngay lập tức khiến cho ông phải trả giá bằng nhiều năm dài khó khăn. Khi Đức Chúa Trời hiện ra cùng Giacốp ở Haran rồi dẫn ông trở về xứ, Ngài đã dạy ông một lần nữa hãy đi tới chính Bêtên. Sáng thế ký 31.11-13 cho chúng ta biết: "Thiên sứ Đức Chúa Trời phán cùng ta trong mộng rằng: Hãy Gia-cốp! Ta bèn thưa: Có tôi đây. Thiên sứ rằng: Hãy nhướng mắt lên mà nhìn: hết thảy chiên đực đang giao hiệp cùng chiên cái đều có sọc, có rằn và có đốm; vì ta đã thấy cách La-ban ăn ở cùng ngươi rồi. Ta đây là Đức Chúa Trời của Bê-tên, tức nơi ngươi đã thoa dầu đầu cây trụ và đã khấn vái ta. Bây giờ, hãy đứng dậy, ra khỏi xứ nầy và trở về xứ của bà con ngươi". Đây là lần gặp gỡ đầu tiên của Giacốp với Đức Chúa Trời tại Bêtên, Đức Chúa Trời bắt đầu nắn đúc và mài dũa Giacốp. Vì cớ sự hiện thấy của ông ở đó, Giacốp đã tự hứa hẹn bản thân và của cải mình với sự cảm tạ công nhận ân điển của Đức Chúa Trời!
Nhưng khi chúng ta đọc ở Chương 34, Giacốp đã không lập tức trở lại với Bêtên theo như Đức Chúa Trời đã dạy bảo ông! Thay vì thế, chúng ta thấy ông đương gặp phải nhiều rắc rối. Điều rắc rối bắt lấy Giacốp tại Sichem đánh dấu mùa gặt mà ông buộc phải gặt về những năm tháng trước đó của cuộc đời mình (Galati 6.7-8). Sau lời thề của ông (Sáng thế ký 28.20-22), Giacốp đã đi thẳng đến Bêtên (Sáng thế ký 35.1), nhưng, cũng y như Lót vậy, vùng đất chung quanh đó rất hấp dẫn đối với ông, vì vậy ông mới tính ở lại, với những hậu quả khốc liệt trong sinh hoạt của gia đình ông.
(Câu 1) Quí vị có biết phương cứu chữa của Đức Chúa Trời dành cho kẻ tái phạm là gì không? Đức Chúa Trời đã có câu nầy cho Giacốp - "hãy quay trở lại Bêtên".
Bêtên đối với Giacốp là địa điểm khải thị, ở đó ông đã có một sự hiện thấy về Đức Chúa Trời lần đầu tiên. Đây là địa điểm tái sanh, ở đó lần đầu tiên ông nghe được tiếng của Đức Chúa Trời. Đó là chỗ được biệt riêng, là nơi lần đầu tiên ông lập lời thề với Đức Chúa Trời.
Bêtên là địa điểm mà Đức Chúa Trời đã gặp gỡ Giacốp; tại đây Đức Chúa Trời đã làm cho Giacốp tan vỡ; ở đó Đức Chúa Trời đã khiến Giacốp trở thành một trong số con cái của Ngài. Quí vị có biết lý do tại sao Đức Chúa Trời muốn Giacốp phải quay trở lại với Bêtên không? Ngài muốn Giacốp phẩi dầm thấm linh hồn tái phạm của mình vào nhựa thơm chữa lành của ký ức quý báu mà ông đã có khi lần đầu tiên ông gặp gỡ Đức Giêhôva.
Quí vị thấy đấy, Giacốp đã không đánh mất ơn cứu rỗi của mình. Ông đã mất đi niềm vui của ơn cứu rỗi. Ông đang ca hát với nhịp điệu "blues sa ngã".
Trong hai mươi năm Giacốp đã bất trung, không kết quả, không thích ứng về mặt thuộc linh vì ông đã sống xa cách Bêtên. Quí vị nhớ lại rằng Giacốp đã lập một lời thề với Đức Chúa Trời về Bêtên (Sáng thế ký 28.20-22).
Giacốp đã hứa với Đức Chúa Trời rằng ông sẽ đều đặn trở lại với Bêtên, là nhà của Đức Chúa Trời. Thế nhưng ông đã không giữ lời hứa ấy. Vì cớ đó, ông đã rơi vào một tình trạng tái phạm.
Quí vị đã có một Bêtên chưa? Quí vị cần phải có một Bêtên!
“Ồ, tôi luôn luôn là một Cơ đốc nhân". Nầy quí bạn ơi, nếu quí vị luôn luôn là một Cơ đốc nhân, thì quí vị chưa bao giờ là một Cơ đốc nhân. Nói như thế giống như nói quí vị luôn luôn đã lập gia đình rồi vậy. Giống như có một lúc quí vị đi từ chỗ độc thân tới chỗ đã lập gia đình rồi, có một thời điểm nào đó quí vị đi từ chỗ bị hư mất không có Đức Chúa Trời, đến chỗ được cứu với Đức Chúa Trời.
Mỗi ngày chúng ta cần phải trở lại với Bêtên. Mỗi ngày chúng ta cần phải có thời gian để đem lòng yêu mến Đức Chúa Jêsus Christ.
Quí vị thấy đấy, phong vũ biểu xác thực đo đạt mối quan hệ của quí vị với Đức Chúa Trời không phải ở mức quí vị thường đi nhà thờ như thế nào đâu; không phải là tiền bạc quí vị dâng hiến nhiều như thế nào đâu; không phải quí vị sống như thế nào với kẻ lân cận của mình đâu. Mà chính là chỗ quí vị thường quay trở lại với Bêtên để ở riêng với Đức Chúa Trời.
A. Bêtên là địa điểm của sự làm mới lại (câu 1)
B. Bêtên là địa điểm của ký ức (các câu 1,3)
(Sáng thế ký 35.1): "Đức Chúa Trời phán cùng Gia-cốp rằng: Hãy chổi dậy, đi lên Bê-tên mà ở, và hãy lập nơi đó một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng hiện ra cùng ngươi đang lúc chạy trốn khỏi Ê-sau, anh ngươi".
(Sáng thế ký 35.3): "Đoạn, chúng ta hãy chổi dậy, đi đến Bê-tên, nơi đó ta sẽ lập một bàn thờ cho Đức Chúa Trời, là Đấng đã trả lời ta trong lúc nguy hiểm, và đã phù hộ ta trong khi đi đường".
C. Bêtên là địa điểm chôn giấu (câu 4)
D. Bêtên là địa điểm của sự vui mừng (câu 9)
(Sáng thế ký 35.9): "Khi ở xứ Pha-đan-A-ram đến, Đức Chúa Trời lại hiện ra cùng Gia-cốp nữa, ban phước cho người".
II. Chối bỏ lối sống tội lỗi
Quí vị sẽ thấy rằng chỉ có một cánh cửa để cho kẻ tái phạm sẽ đi qua nếu người muốn trở lại với Đức Chúa Trời. Đấy không phải là cánh cửa hối hận đâu, đó không phải là cánh cửa tiếc nuối, mà đó là cánh cửa ăn năn.
Con đường quay trở lại với Bêtên là con đường ăn năn, xưng tội và làm cho sạch sẽ. Chúng ta phải làm cho sạch sẽ, và thanh tẩy. Đấy mới chính xác là những gì Giacốp cùng gia đình ông phải làm.
A. Họ đã chôn bỏ tà thần (câu 2a)
Việc đầu tiên họ phải làm là chôn bỏ hết các tà thần rồi lìa bỏ sự thờ lạy hình tượng của họ. Hãy chú ý Câu 4
Sự thờ lạy hình tượng rất sống động và mạnh giỏi ở tại nước Mỹ.
Quí vị thấy đấy, hình tượng là thứ quan trọng đối với quí vị hơn cả Đức Chúa Trời nữa. Có người đã vạch rõ hình tượng là bất kỳ người nào hay vật nào chiếm ngự ở chỗ tối hậu trong tấm lòng từng thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ.
Nước Mỹ có đầy dẫy hình tượng. Có hình tượng khoái lạc, hình tượng của cải, hình tượng địa vị, và có một hình tượng mà hết thảy chúng ta đều phải gạt qua một bên. Vì hình tượng lớn nhất trong nước Mỹ chính là cái tôi.
Xứ sở nầy đầy những người thức dậy vào buổi sáng, họ xem gương, trông thấy mình rồi hát bài Thánh ca: "Lớn bấy duy Ngài". Hãy lắng nghe cho cẩn thận. Đức Chúa Trời có thể hiện diện trong đời sống của quí vị và Đức Chúa Trời có thể nổi bật lên trong đời sống của quí vị, nhưng nếu Đức Chúa Trời không trổi cao trong đời sống của quí vị, quí vị đang là một kẻ thờ lạy hình tượng.
B. Họ thay áo xống dơ bẩn (câu 2b)
Sự việc nầy giờ đây không làm cho quí vị phải kinh ngạc vì họ có áo xống rất dơ bẩn. Họ đã sống xa cách đối với sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ rất xa lạ đối với công việc của Đức Chúa Trời. Họ không gần gũi với Lời của Đức Chúa Trời. Spurgeon nói: "Những kẻ tái phạm bắt đầu với quyển Kinh Thánh đầy bụi bặm, và họ kết thúc với thứ áo xống đầy bụi bẩn đó".
Nhưng quí vị thấy đấy, chỉ sau khi họ đã giũ sạch hết rồi thì Giacốp mới nói: "Đoạn chúng ta hãy chổi dậy, đi tới Bêtên" (câu 3). Quí vị thấy đó, quí vị không thể đi tới Bêtên với tình trạng bẩn thỉu cho được. Tội lỗi còn che giấu phải được xưng ra trước khi nó trở thành tội lỗi đã được giũ sạch. Nếu quí vị muốn làm hoà lại với Đức Chúa Trời quí vị cần phải thẳng tay xử lý với tội lỗi của mình. Những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi, Đức Chúa Trời làm cho sạch.
Loại áo xống tội lỗi phải được thay đổi thành áo xống ân điển. Trong trường hợp quí vị có là tội nhân đã tan vỡ hay là một thánh đồ tái phạm, nếu quí vị muốn đến với Đức Chúa Trời, hay trở lại với Đức Chúa Trời, quí vị phải ăn năn tội của mình.
III. Khải thị về một thân vị siêu nhiên
Khi Giacốp ăn năn, rồi bày tỏ ra bởi hành động và thái độ cho thấy ông muốn quay trở lại với Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã làm hai việc. Ngài nhắc cho Giacốp nhớ Ngài là ai, và Ngài nhắc cho Giacốp nhớ Giacốp là ai.
A. Đức Chúa Trời tỏ ra sự vinh hiển của Ngài
Lần đầu tiên Giacốp đến đây, ông đã đặt cho địa điểm nầy là Bêtên. Nhưng giờ đây ông thay đổi tên ấy thành Ên Bêtên. Vậy thì có gì khác biệt không?
Từ ngữ Bêtên có nghĩa là "nhà của Đức Chúa Trời". Còn từ El (Ên) là danh xưng chỉ về Đức Chúa Trời có nghĩa là "Đức Chúa Trời quyền năng, vinh hiển, toàn năng, mạnh sức". Quí vị thấy đó, địa điểm nầy không còn là nhà của Đức Chúa Trời nữa rồi. Nhưng nó tiêu biểu cho Giacốp một Đức Chúa Trời vinh hiển, quyền phép, mạnh sức của nhà Đức Chúa Trời. Giacốp đã nhìn qua nhà của Đức Chúa Trời để thấy được Đức Chúa Trời của ngôi nhà.
Lần đầu tiên Giacốp tới đây, ông đã có ấn tượng với địa điểm nầy, và ông gọi đó là Bêtên, nhà của Đức Chúa Trời. Còn bây giờ, ông lại có ấn tượng với chính thân vị, và ông gọi đó là Ên Bêtên, Đức Chúa Trời của nhà Đức Chúa Trời.
Có rất nhiều người thờ lạy một địa điểm thay vì thờ phượng một thân vị.
Có rất nhiều người chịu đến với nhà của Đức Chúa Trời mỗi tuần. Họ mang theo Kinh Thánh, họ dâng tiền, họ hát thánh ca, họ tay bắt mặt mừng với nhà truyền đạo, nhưng họ đã bỏ quên Đức Chúa Trời.
Quí vị có thể sốt sắng trong tôn giáo của mình, thế mà xa cách trong mối tương giao của họ.
Vì quí vị có thể trở thành một người sốt sắng quá mấu và là kẻ tái phạm trong cùng một thời điểm. Quí vị có thể rất tôn giáo ở bề ngoài và trống rỗng không có Đức Chúa Trời ở bên trong.

Tôi có nghe nói về một vị tân luật sư ngồi trong văn phòng mới của mình trong ngày hành nghề đầu tiên. Ông ta đang chờ người khách hàng đầu tiên bước vào qua cánh cửa cái. Thế rồi có người bước qua cửa cái và ông ta quyết định người nầy có vẽ bận rộn đây, vì vậy ông ta nhấc máy điện thoại lên rồi khởi sự nói chuyện. Ông ta nói: "Ồ John đấy hả, tôi không biết mình có thể lo cho vụ việc của ông được không nữa. Tôi quá bận rộn vì có nhiều khách hàng lắm, và nghề của tôi là nói oang oang vậy thôi. Tôi đã có sự thành công lớn lắm. Tôi quá bận bịu. Hãy gọi lại cho tôi trong một tháng và tôi sẽ coi lại không biết tôi có giúp gì được cho ông không!?!"
Khi ấy ông ta nhìn lên vị khách rồi nói: "Không biết tôi có giúp gì được cho ông không?" Người kia đáp: "Ồ, không sao mà. Tôi từ công ty điện thoại đến đây. Tôi tới đây để móc cái điện thoại của ông lên". Có nhiều người trải qua nhiều cảm xúc, hình thức, và chức năng, thế nhưng họ không có một ý niệm gì về sự thực hữu của Đức Chúa Trời.

B. Đức Chúa Trời tỏ ra ân điển của Ngài (các câu 9-10)
Giờ đây loại âm thanh nầy giống như đĩa hát bị ngắt ngang vậy, vì Đức Chúa Trời mới vừa phán cùng ông trong một hai chương đứng trước rằng tên của ông không còn là Giacốp nữa, mà sẽ là Israel. Nhưng tại sao Đức Chúa Trời lại nói cho ông biết điều nầy nhiều lần như thế chứ? Vì Đức Chúa Trời phải nhắc cho Giacốp nhớ tới một việc mà Giacốp đã bỏ quên. Giacốp đã quên mình là con cái của Đức Chúa Trời.
"Sự khám phá quan trọng nhất mà một Cơ đốc nhân có thể thực thi, ấy là mình là ai trong Đức Chúa Jêsus Christ". Mỗi kẻ tái phạm cũng cần phải nhớ lại mình, là "hoàng tử của Đức Chúa Trời" nữa. Chúng ta là những kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, có huyết thống hoàng tộc, là con cái của nhà Vua, và vì lẽ đó chúng ta cần phải sống trong sự thể đó.
Quí vị thấy đấy, Đức Chúa Trời không biến đổi Giacốp để yêu mến ông đâu. Mà Đức Chúa Trời yêu mến ông nên mới thay đổi ông. Đấy mới chính xác là điều Đức Chúa Trời đang làm với hết thảy con cái của Ngài.

C. Đức Chúa Trời tỏ ra sự cao trọng của Ngài (các câu 11-12)
Đức Chúa Trời làm mới lại lời hứa với Giacốp mà Ngài đã lập với tổ phụ của ông. Lời hứa nầy không tuỳ thuộc vào sự tốt lành của Giacốp. Vì Giacốp không luôn luôn tốt đủ đâu. Lời hứa đó tuỳ thuộc vào ân điển của Đức Chúa Trời. Việc quan trọng nhất mà một thánh đồ hay một tội nhân cần phải lo liệu cho họ, ấy là ân điển của Đức Chúa Trời.
IV. Tái cung hiến cho một nguyên tắc thuộc linh
(Câu 14) Giacốp đã quay lại với trình tự ưu tiên một của đời sống mình, đó là sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Sự thờ lạy của Giacốp bao gồm ba việc: một hòn đá, dầu, và một lễ quán.
Giờ đây hòn đá ấy là một hình ảnh nói tới Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa Jêsus là Hòn Đá Góc. Chúa Jêsus là "Vầng Đá của mọi thời đại". Đức Giêhôva là Vầng Đá và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.
Nhưng hãy chú ý hòn đá đã được xức dầu kia. Đây cũng là một hình ảnh nói với Chúa Jêsus. Quí vị có biết danh Christ có nghĩa gì không? Danh ấy có nghĩa là "Đấng chịu xức dầu". Dầu nầy cũng là một hình ảnh nói tới Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì sự thờ phượng Đức Chúa Jêsus Christ của chúng ta cần phải được Đức Thánh Linh ban năng lực và mặc lấy quyền phép cho.
Nhưng cũng hãy chú ý rằng Giacốp đã đổ ra đất một lễ quán uống được. Trong Cựu ước của lễ quán đó người ta không được uống. Nó luôn luôn được đổ ra đất. Của lễ sẽ được đổ ra trên bàn thờ khi các ngọn lửa đang nhấp nhô thiêu của lễ ấy. Tiếp đến họ sẽ đến rồi lấy của lễ uống được đó đổ vào bàn thờ rực đỏ kia. Nước ấy sẽ bốc hơi ngay lập tức. Nó sẽ bị thiêu hoá giống như khói bay lên tới hai lỗ mũi của Đức Chúa Trời. Khói nầy tiêu biểu cho cách chúng ta chạy đến và dâng mình như một của lễ sống, và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Khi Giacốp dâng của lễ nầy, ông đã tượng trưng hoá cho sự thật ông đã đổ hết toàn bộ sự sống của ông cho Đức Chúa Trời rồi. Sứ đồ Phaolô đã làm y như thế. Philíp 2.17: “Ví dầu huyết tôi phải dùng để tưới trên của tế lễ và của dâng đức tin anh em tôi cũng vui lòng, lại đồng vui với anh em hết thảy”.
Quí vị có nhìn thấy sứ điệp ở đây không? Nếu quí vị sống xa cách Đức Chúa Trời, cách duy nhứt để tiến tới trước là lui lại. Quí vị phải lui lại sau, ngay chỗ mà quí vị đã khởi hành. Quí vị phải lui lại sau, ngay chỗ đã khởi hành, ở nơi quí vị lần đầu tiên gặp Chúa, ở nơi lần đầu tiên quí vị đã đến với Đấng Christ và dâng đời sống, linh hồn và mọi sự của mình cho Ngài.

Phương cứu chữa duy nhứt cho việc tái phạm, ấy là bởi quay trở lại nhờ sự ăn năn và tái cung hiến cho Đức Chúa Jêsus Christ. Sự việc đẹp đẽ là, bất luận quí vị có sống cách xa Đức Chúa Trời như thế nào đi nữa, quí vị có thể luôn luôn hướng về lại quê hương.

Tôi có đọc một câu chuyện kể về một người say rượu, tối kia ông ta bước lên một chiếc thuyền để qua sông. Ông ta cầm lấy hai mái chèo rồi bắt đầu chèo, và ông ta cứ chèo như thế suốt cả đêm. Nhưng khi bình minh ló dạng, không những ông ta không đến bờ bên kia, mà ông ta còn thấy mình hãy còn ở đúng chỗ mà tối qua ông ta bước lên thuyền dù ông ta đã chèo suốt cả đêm. Quí vị biết nan đề là gì rồi, ông ta đã quên tháo dây cột thuyền.
Có một số người ở đây hôm nay, quí vị bị cột chặt vào những thói quen cũ, ước muốn cũ, một hình tượng nào đó đã được ấp ủ ở trong lòng lâu nay, và quí vị chưa tháo dây chiếc thuyền của mình và hoàn toàn đổ sự sống mình ra một lần nữa cho Đức Chúa Jêsus Christt!
Quí vị có sẵn sàng khởi sự lại với Đức Chúa Trời không? Nếu quí vị muốn tiến tới trước quí vị cần phải thoái lại sau. Quí vị cần phải quay lại với Bêtên. Quí vị cần phải quay lại với một địa điểm mà lần đầu tiên quí vị ngã vào tình yêu với Chúa Jêsus, rồi tiếp đến ngã vào tình yêu với Chúa Jêsus một lần nữa. Đúng là một sự thật dành cho một thánh đồ tái phạm, cũng là rất thật cho hạng tội nhân bị hư mất nữa.
Đức Chúa Trời sẽ vùa giúp quí vị. Dù đây là lần đầu tiên hay là lần thứ mười lăm, quí vị có thể quay trở lại với Bêtên và quí vị có thể làm hoà lại với Đức Chúa Trời.
KẾT LUẬN
Quí vị có cần phải đi đến “Bêtên" không?
Tại sao phải chờ đợi chứ? Hãy quay trở lại chốn phước hạnh đó. Hãy quay trở lại chốn thờ phượng đó. Hãy quay trở lại nơi mà Đức Chúa Trời muốn quí vị phải sinh sống. Hãy quay lại ngay hôm nay đi!
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét