Kìa, Đức Chúa Trời ngươi
"Tình yêu thương của Đức Chúa Trời"
Mục sư David Legge
"Nói theo Kinh Thánh, thực sự có ít người nắm bắt được tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra như thế nào".
Chúng ta cùng mở Kinh Thánh ra ở sách
1 Giăng, 1 Giăng và chương 4. Trong sáu tuần qua, chúng ta đã nếm trải một loạt bài có đề tựa: “Kìa, Đức Chúa Trời ngươi”, chúng ta đã suy gẫm bổn tánh của Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta – Ngài là ai, Ngài giống với cái gì và Đức Chúa Trời chúng ta đang làm gì. Chúng ta sẽ tiếp tục trong loạt bài nầy hôm nay, tra xét đề tài “Tình yêu thương của Đức Chúa Trời”. Trong I Giăng 4.8, chúng ta đọc câu nầy: "Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương” - câu 16 - "Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy”.
Mời quí vị cùng tôi mở ra ở Êphêsô chương 3 – trong phần đọc Kinh Thánh, chúng ta sẽ đọc qua sách Êphêsô - chương 3.14-19. Chúng ta thấy ở đây lời sứ đồ Phaolô cầu thay cho Hội Thánh Êphêsô, và thực sự chúng ta có thể áp dụng cho chính bản thân mình, đây là lời cầu nguyện của Phaolô cho chúng ta – và quả thực, trong lời cầu nguyện đó Đức Thánh Linh đã cảm thúc để rồi Phaolô viết ra, đây là lời cầu nguyện của Thánh Linh, là ao ước và là ý chỉ của Đức Chúa Trời dành cho từng con cái của Ngài. Câu 14-19: "Ấy là vì cớ đó mà tôi quì gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên, tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em; để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời”.
Chúng ta hãy cầu nguyện trong một phút: “Lạy Cha, chúng con cảm tạ Ngài vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời là một đề tài rất quan trọng. Chúng con cảm tạ Ngài trước khi chúng con nghiên cứu sâu vào những chỗ thăm thẳm của ân điển và sự nhơn từ không dò lường được của Ngài đối cùng chúng con. Chúng con muốn cảm tạ Ngài vì Ngài là một Đức Chúa Trời yêu thương – và ngày nay, khi chúng con suy gẫm ân ban của Cứu Chúa, nguyện chúng con có thể nhìn thấy ân ban ấy. Thật là hiển nhiên, trong từng chi tiết, chúng con nhìn thấy Đức Chúa Trời đã yêu thương thế gian và Ngài đã phó chính mình Ngài cho thế gian. Lạy Cha, xin giúp chúng con và chúc phước cho chúng con, những ai cần tới cái chạm từ chính mình Ngài, những ai chưa từng kinh nghiệm tình yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng của họ – nguyện hôm nay ánh sáng của Tin lành cao cả Ngài sẽ chiếu rạng qua họ, và Cứu Chúa vĩ đại nầy sẽ thuộc về họ theo cách riêng. Chúng con cầu nguyện trong danh của Ngài, Amen”.
"...nhận biết tình yêu thương của Đức Chúa Trời, khi là con người ở đây trên đất, thực sự đó là thiên đàng ở trên đất..."
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời là một đề tài rất bao la, và tôi không dám thử đứng bên bờ của đề tài rộng lớn nầy. Đây là một đề tài rất bao la, đồng thời – ở mặt kia của đồng tiền: đề tài nầy rất dễ bị hiểu sai. Nói theo Kinh Thánh, có ít người có cái nắm bắt thực sự tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra như thế nào!?! Hai lần được lặp đi lặp lại trong phần đọc của chúng ta, ở I Giăng 4.8, 16, đều có cụm từ nầy: 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương'. Có nhiều người cho rằng, nói theo Kinh Thánh, có ít người có cái nắm bắt thực sự tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra như thế nào?!? Lời cầu nguyện của Phaolô cho Hội Thánh của ông, ấy là từng cá nhân tín hữu ở dưới trời đều phải nhìn biết, bởi Thánh Linh của sự mặc khải và phải hiểu rõ, tình yêu thương rời rộng của Đức Chúa Trời đối cùng từng tín hữu. Tôi ngạc nhiên, có phải chúng ta nhận biết như thế hôm nay không? Như một thi sĩ đã nói về Lễ Giáng Sinh như sau:
'Ôi, đáng ngạc nhiên dường bao,
sự hoá thân thành nhục thể kỳ diệu ấy!
Đức Chúa Trời của sự sáng tạo
lại sanh ra trong dòng giống con người,
Đổ huyết ra vì cớ tội lỗi và
đem ơn cứu rời rộng đến cho chúng ta.
Một việc nhỏ thật kỳ diệu, thời gian và không gian'.
"Khi chúng ta nói 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương', thì đấy không phải là sự chối bỏ mọi thuộc tính khác của Ngài".
Đức Chúa Trời là sự yêu thương – há đấy chẳng phải là một câu nói kỳ diệu sao? Đức Chúa Trời là sự yêu thương, không phải 'Ngài hiện hữu giống như tình yêu thương' đâu! Tất nhiên, 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương' không phải là lẽ thật trọn vẹn nói về Đức Chúa Trời, vì như chúng ta đã tiếp thu nhiều thuộc tính của Đức Chúa Trời trong mấy tuần qua, có nhiều điều chúng ta có thể nói về Đức Chúa Trời – và chắc chắn câu nầy không có ý nói, như một số người trong thế gian đã lý giải, rằng 'Yêu thương là Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương'. Cái điều mà chúng ta gọi là 'yêu thương', là tình cảm hay hành động của ý muốn tỏ ra rằng chúng ta có lòng quan tâm và có lòng thương xót trên người khác, một số người đã giải thích sự kiện Đức Chúa Trời là sự yêu thương, họ nói: 'Yêu thương là Đức Chúa Trời' – để họ thờ lạy chính tình yêu thương. Đấy không phải là lời của Đức Chúa Trời nói khi Kinh Thánh chép 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương'. Chúng ta có thể nói về một người nam hay một người nữ rằng chúng ta biết ai là người có lòng thương xót: 'Anh ấy, hay chị ấy, rất tử tế' – quí vị có nghe nói như thế chưa? 'Họ rất hiền lành', hay, 'họ biết yêu thương' – nhưng chúng ta không nói rằng người nam hay người nữ đó chính xác là yêu thương, tử tế hoặc hiền lành, nhưng câu nói ấy mô tả bổn tánh của họ, câu nói ấy mô tả họ là ai. Và khi hôm nay chúng ta nói từ Lời của Đức Chúa Trời rằng 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương', cách nói như thế không phải là chối bỏ hết mọi thuộc tính khác của Đức Chúa Trời đâu, hay Ngài làm gì trong vai trò một con người. Nói như thế không có ý nói rằng Đức Chúa Trời là sự yêu thương và mọi sự khác bị loại bỏ trong bổn tánh cao trọng của Ngài. Nhưng cái điều Lời Đức Chúa Trời đang nói tới, ấy là thuộc tính yêu thương rời rộng nầy, còn hơn cả một thuộc tính nữa, đây là lời công bố ra bổn tánh của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là sự yêu thương! Đây là phần tóm lược lại Đức Chúa Trời là gì cho từng người tin Chúa biết, cho từng người nào đã bước vào mối tương giao với Đức Chúa Giêxu Christ qua sự chết của Ngài. Chúng ta có thể nói: 'Đối với tôi, Đức Chúa Trời là sự yêu thương'.
Chúng ta đã tiếp thu rồi nhiều thuộc tính của Đức Chúa Trời giống như cái mái vòm che phủ lên hết thảy các thuộc tính của Ngài, tất cả những việc thuộc về Ngài. Chúng ta đã học biết rằng sự thành tín của Đức Chúa Trời bao trùm hết thảy các thuộc tính của Ngài, mọi sự Đức Chúa Trời làm là do Ngài là thành tín. Phải, chúng ta có thể nói trong tuần nầy rằng tình yêu của Đức Chúa Trời thì giống như cái mái vòm bao phủ lấy từng hoạt động và các thuộc tính của Ngài. Tình yêu đó của Đức Chúa Trời là bổn tánh khiến cho mọi sự ra dễ dàng, cho thấy Ngài đang hiện hữu, đang sống động và có – và vì Ngài không có khởi đầu, tình yêu ấy không có khởi đầu; vì Ngài là siêu việt và Ngài ở ngoài mọi giới hạn, tình yêu nầy chẳng có một giới hạn nào hết; và vì Ngài là thánh, Ngài không tì vít và Ngài thanh sạch, tình yêu nầy là thanh sạch, tình yêu nầy đáng tin cậy, tình yêu nầy là trọn vẹn vì Ngài là sự yêu thương.
"...có nhiều người nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời lại không biết tình yêu của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ. Họ chưa hề kinh nghiệm tình yêu ấy, họ nghĩ rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là thứ Ngài đổ ra trên mọi người một cách bừa bãi, rằng Ngài chúc phước cho người ta bất chấp họ có là con cái của Ngài hay là con cái của ma quỉ, hoặc bất chấp cách thức họ đã sống đời sống của họ!?!".
Khi chúng ta nhìn xem “Đức Chúa Trời là sự yêu thương”, thật là dại dột khi quên rằng Lời của Đức Chúa Trời nói nhiều về Đức Chúa Trời hơn 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương'. Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời là Thần, Giăng 4.24, đó là bổn tánh của Ngài, Ngài do Thần Linh tác thành, Ngài không có một thân thể. 1 Giăng 1.5 chép: 'Đức Chúa Trời là sự sáng' – không những Đức Chúa Trời là sự yêu thương, mà Đức Chúa Trời còn là Thần Linh, Đức Chúa Trời còn là sự sáng nữa. Có người cho rằng: 'Đức Chúa Trời hiện hữu không cần thân thể, không cần các chi thể và không cần cảm tính' – nói như thế há chẳng đúng sao? Ngài hiện hữu không cần thân thể, Ngài là Thần, quí vị không thể chứa Ngài được. Ngài không thể thấy được bằng mắt thường, Ngài hiện hữu ở khắp mọi nơi, Ngài là Thần – Ngài không có một chi thể nào hết, nói cách khác, do sự thành tín của Ngài, quí vị không thể ly dị với tình yêu của Ngài, do sự công bình, do sự thạnh nộ, do sự thánh khiết của Ngài, quí vị không thể ly dị với tình yêu của Ngài. Ngài hiện hữu không cần các chi thể! Ngài hiện hữu không cần cảm tính, không có một dao động nào bên trong Đức Chúa Trời, không có một sự quá độ nào, không có một sự sa sút nào trong Ngài, Ngài tuyệt đối là trọn vẹn – Đức Chúa Trời là Thần. Đức Chúa Trời là sự sáng, một lần nữa chúng ta thấy rằng trong I Giăng, và Giăng đang nói với các độc giả của mình rằng: 'Anh em không thể tách ra khỏi đời sống đạo đức, đời sống ấy chỉ ra anh em là con cái của Đức Chúa Trời'. Đấy là những gì đã diễn ra, họ đã sa bẫy và họ đang sống trong tội lỗi – đấy là lý do tại sao quí vị tìm thấy, trong quyển sách nhỏ đó, Giăng tiếp tục nhắc đến con cái Đức Chúa Trời không nên sống liên tục trong tội lỗi. Và điều Giăng đang nói: 'Đức Chúa Trời là sự sáng', và 'Đức Chúa Trời là thánh khiết, Đức Chúa Trời là trọn lành' – ông nói: 'Đức Chúa Trời là sự sáng và trong Ngài chẳng có bóng tối tăm nào hết'. Sự thanh sạch, sự thánh khiết, sự trọn lành, sự hoàn hảo!
Vì vậy, Đức Chúa Trời là sự yêu thương – nhưng đừng quên điều nầy, bất luận quí vị làm gì, Đức Chúa Trời là Thần và Đức Chúa Trời cũng là sự sáng. Bây giờ, lý do tại sao tôi vung vén vấn đề nầy trước khi chúng ta đi sâu vào đề tài rộng lớn ấy? Quí vị có biết tại sao không? Đối với nhiều người trong thế gian nầy, như tôi đã nói ở phần mở đầu, đây là một đề tài bao la, song rất dễ bị hiểu sai, vì có nhiều người nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời lại không biết tình yêu của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ. Họ chưa hề kinh nghiệm tình yêu ấy, họ nghĩ rằng tình yêu của Đức Chúa Trời là thứ mà Ngài đang đổ ra trên mọi người một cách bừa bãi, rằng Ngài chúc phước cho người ta bất chấp họ có là con cái của Ngài hay là con cái của ma quỉ, hay bất luận họ đang sống đời sống của họ như thế nào!?! Đối với nhiều người trong thế gian, và đáng buồn thay trong Hội Thánh, tình yêu thương của Đức Chúa Trời là một thứ tình cảm yếu đuối, nhạt nhẽo, bịnh hoạn. Thực ra, chúng ta có thể nói rằng tình yêu ấy chẳng có gì khác hơn nhiều thứ tình cảm mà chúng ta tỏ ra cho người nầy người kia, đó là thứ thấp kém hơn các thứ cảm xúc khác nữa. Nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời không phải là nhạt nhẽo, vô vị, tình yêu ấy không bị tách ra khỏi đạo đức, sự công bình và sự thánh khiết của Ngài – vì tình yêu của Đức Chúa Trời là một tình yêu thánh khiết, vì Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời thánh khiết. Tình yêu của Đức Chúa Trời là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu không tì vít, một tình yêu công chính, vì đó là Đức Chúa Trời của chúng ta – vì Đức Chúa Trời của chúng ta là một Đức Chúa Trời, Ngài ưa thích sự công bình và ghét điều tội lỗi!
“Đối với nhiều người trong thế gian, và đáng buồn thay trong Hội Thánh, tình yêu thương của Đức Chúa Trời là một thứ tình cảm yếu đuối, nhạt nhẽo, bịnh hoạn”.
Quí vị thấy đấy, như trong mọi sự của cuộc sống, chúng ta có những điều giả đò của Hollywood – có phải không? Đấy là phương thức người thế gian lĩnh hội mọi sự. Chúng ta không lĩnh hội tình yêu thương của Đức Chúa Trời theo cách người thế gian lĩnh hội. Trong Roma 5.5, chúng ta thấy câu nầy, hãy nghe đây: 'Vì sự yêu thương của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta”. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời được rải khắp trong lòng chúng ta – giờ đây, không phải tình yêu dành cho Đức Chúa Trời, mà là tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Động từ “rải khắp” – quí vị có biết “rải khắp” có nghĩa gì không? Nó có nghĩa là 'lật úp', nó có nghĩa là 'đổ xá', đó là chữ được dùng nói đến Đức Thánh Linh trong dịp Lễ Ngũ Tuần, khi Đức Thánh Linh ngự đến và làm báptêm cho hết thảy các tín đồ – và cái điều Phaolô đang nói ở đây, ấy là tình yêu được đổ vào con cái của Đức Chúa Trời. Như một bản dịch ghi như thế nầy: 'Tình yêu của Đức Chúa Trời đã tuôn tràn vào bên trong tấm lòng' – đó là một dòng chảy tự do với một số lượng lớn tình yêu thương của Đức Chúa Trời, đó là một sự ngập tràn sự nhơn từ của Đức Chúa Trời đối cùng con cái Ngài.
Tình yêu ấy há chẳng đáng yêu sao? Tình yêu ấy ở trong thì hoàn thành [the perfect tense], và có nghĩa như vầy: tình yêu ấy được thể hiện ở một điểm trong thời gian, đó là một hành động trọn vẹn nhưng chúng ta đang sống trong chỗ tốt lành của nó trong lúc bây giờ. Nó giống như một thung lũng chứa đầy nước ngày kia trong một cơn bão lớn, nhưng trong phần còn lại của cả năm, nó vẫn chứa đầy nước. Tình yêu của Đức Chúa Trời rải khắp trong lòng chúng ta, và đấy là những gì tôi muốn chúng ta suy gẫm trong dịp Lễ Giáng Sinh nầy. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời! Tôi xin mạn phép hỏi quí vị: tình yêu ấy có được gắn chặt vào lòng quí vị chưa? Tình yêu ấy có tuôn tràn vào nhịp sống của quí vị không? Trong cuộc sống của quí vị, quí vị có nhận lãnh một cơn lũ tình yêu của Đức Chúa Trời, nó có tuôn tràn vào trong tấm lòng của quí vị không? Chúng ta hãy nhìn xem tình yêu nầy của Đức Chúa Trời.
Có 7 điều tôi muốn trình bày với quí vị. Trước hết: tình yêu của Đức Chúa Trời là một tình yêu thật giàu ơn, có phải như thế không? Đấy là bản chất của chính tình yêu, ân điển, ân điển và sự thương xót! Nếu quí vị đọc lịch sử, quí vị thấy rằng các thần Hy lạp và La mã đều rất giống như loài người, thực ra phần nhiều các thần ấy đều bị người nữ gợi dục, các vị thần ấy đánh nhau giống như loài người, cãi nhau ầm ĩ trên đường phố – điều nầy xảy có trong các câu chuyện thần thoại. Nhưng Đức Chúa Trời nầy mà chúng ta đang có, Ngài trỗi cao hơn chúng ta, cao hơn chúng ta đến nỗi Phaolô vị đại sứ đồ phải đặt ra một từ khác để mô tả tình yêu cao cả của Ngài. Ông đã phát minh ra từ 'agape', vì tình yêu nầy trỗi cao hơn tình yêu của con người, cao hơn tình yêu của gia đình, tình yêu của con cái và tình bạn, và đủ loại tình cảm giữa một người nam và một người nữ – đây là tình yêu siêu nhiên của Đức Chúa Trời. Quí vị thấy đấy, đây là một tình yêu rất giàu ơn, vì các đối tượng cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời đều là loại đối tượng cho cơn thạnh nộ của Ngài – đây là một việc rất đáng kinh ngạc! Chúng ta có khuynh hướng yêu người nào vì họ là ai, nếu họ có quan hệ với chúng ta, hoặc họ dễ thương, họ dễ nhìn, hay nếu họ rất xinh đẹp đối với chúng ta, chúng ta sẽ tỏ ra tình cảm đối cùng họ – thế nhưng đây là tình yêu rất giàu ơn, đây là tình yêu agape, đây là thứ tình yêu trỗi cao hơn mọi thứ tình cảm mà Ngài đang tỏ ra cùng chúng ta đang khi chúng ta còn là hạng tội nhân... đúng là tình yêu thương!
Tình yêu nầy há chẳng làm cho quí vị rung động sao? Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã ở trên đầu của quí vị, nhưng giờ đây ân điển của Đức Chúa Trời đang gắn chặt vào lòng của quí vị! Đúng là tình yêu thương! Kẻ không đáng yêu, kẻ không yêu nổi, đã thừa hưởng sự tự do, ân điển không sao kiếm được, không xứng đáng, không đủ tư cách – nơi quí vị chẳng có chi hết, nơi tôi chẳng có chi hết có thể lôi cuốn Đức Chúa Trời đến với chúng ta, thực vậy mọi sự nơi chúng ta sẽ đẩy lùi bất cứ điều chi là thánh khiết, bất cứ điều chi là công bình, bất cứ điều chi là nhơn đức – thế mà Đức Chúa Trời, trong ân điển của Ngài, đã đến với chúng ta. Phaolô đã nói: 'Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi’. Một đống hư nát, một đống đồi bại, tội lỗi và ô uế, nhưng Đức Chúa Trời đã ban tình yêu thương của Ngài đối cùng chúng ta - tình yêu rất giàu ơn! Há Ngài không nói với Israel trong Phục truyền luật lệ ký 7: 'Đức Giê-hô-va tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác: Nhưng ấy vì Đức Giê-hô-va thương yêu các ngươi, và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các ngươi' – quí vị là ai, hay quí vị đã làm gì thì chẳng nhằm nhò chi hết. Tình yêu ấy rời rộng, ân điển cho người không xứng đáng đã đổ vào lòng của một tội nhân bị thoái hoá, suy đồi. Như một thi sĩ đã viết:
'Điều chi trong tôi được xem là xứng đáng,
hay đáng được Đấng Tạo Hoá ưa thích?
'Tôi phải hát chúc tụng Cha vì cớ ấy,
Vì điều đó dường như tốt lành trước mặt Ngài'.
Halêlugia! Đúng là một Đức Chúa Trời giàu ơn, đúng đấy là một tình yêu rất giàu ơn – và cho phép tôi nói với quí vị, đấy là lý do tại sao ông đã nói: 'chúng ta yêu Ngài vì Ngài yêu chúng ta trước', và đấy là trình tự của tình yêu đó, đừng đặt tình yêu ấy theo một hướng nào khác! Nếu Ngài không yêu thương quí vị theo ân điển, quí vị sẽ không hề biết yêu mến Ngài! Thế nhưng Ngài đã đổ ân điển Ngài ra trên quí vị, Ngài yêu thương quí vị vì quí vị nhận biết Ngài – và trước khi quí vị có một lượng nhỏ tình cảm dành cho Ngài, Ngài đã yêu thương quí vị rồi. Ngài không thể yêu quí vị hơn nữa – nghe như thế há chẳng kỳ diệu cho sáng nay không? Ngài không thể yêu thương quí vị hơn nữa, quí vị không thể kiếm được tình yêu ấy, nhưng mọi sự quí vị có thể làm là tiếp thu ngày càng nhiều về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, tình yêu rất giàu ơn đó.
"Ồ, hôm nay chúng ta sẽ nhìn biết chẳng có một cái lưỡi nào – không phải lưỡi của tôi, không phải lưỡi của bất kỳ một nhà truyền đạo nào – có thể diễn tả được tình yêu cao cả của Đức Chúa Trời!"
Thứ hai: đó là một tình yêu đời đời. Quí vị thấy rất rõ ràng trong Kinh Thánh, vì nếu Đức Chúa Trời là đời đời – hãy suy nghĩ về điều đó – tình yêu của Ngài phải là tình yêu đời đời, thực vậy mọi sự cho thấy Ngài là đời đời. Giêrêmi 31.3: 'Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến’ – giờ đây nếu câu Kinh Thánh nầy chưa minh chứng cho quí vị thấy quí vị chẳng có việc gì phải làm với tình yêu ấy, tôi không biết sẽ làm chi đây! Ngài yêu thương quí vị trước khi có quí vị nữa là! Hãy suy nghĩ xem – hãy tưởng tượng đi, khi chỉ có Đức Chúa Trời trong sự hiểu biết của Ngài, Ngài vốn biết sẽ có quí vị, Đức Chúa Trời đã yêu thương quí vị rồi! 'Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời: bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo ý tốt của Ngài’ - ồ, có nhiều người mau mắn tìm cách lý giải lẽ thật đó, rồi làm rối tung ý nghĩa của sự ấy và khiến sự ấy ra vô nghĩa – quí vị có biết như thế chăng? Họ bỏ qua yếu tố thưởng thức! Họ bỏ qua, không thưởng thức tình yêu nầy! Tình yêu của Đức Chúa Trời là một tình yêu đời đời, Ngài yêu tôi trước khi tôi ra đời, tình yêu của Ngài đối với tôi không có khởi đầu, tình yêu của Ngài đối với tôi không có dấu chấm hết – không có một điều chi tôi có thể làm, hay suy nghĩ, hoặc hành động, không có một chỗ nào tôi có thể sống xa cách Đức Chúa Trời đến nỗi tình yêu đời đời của Ngài không thể yêu tôi. Nói như thế có làm cho quí vị rung động không?
Tình yêu ấy là tình yêu rất giàu ơn, đời đời – và thứ ba: tình yêu ấy không giới hạn, vì Đức Chúa Trời là vô hạn, nói như thế lại chẳng đúng sao? Đó là những điều giáo lý dạy: 'Đức Chúa Trời là vô hạn trong sự khôn ngoan, trong quyền phép và trong tình yêu thương'. Nói cách khác, tình yêu nầy là không giới hạn, quí vị không thể đo được tình yêu ấy – chiều sâu của tình yêu Ngài, quí vị hãy đào vào những chỗ sâu thẳm của tình yêu nầy. Ở chiều cao của tình yêu ấy, quí vị không thể trèo lên hay với tới tình yêu ấy được, quí vị không thể đo được chiều dài hay chiều cao của tình yêu ấy vì đó là tình yêu vượt quá mọi sự hiểu biết. Há chúng ta chẳng đọc thấy từ sách Êphêsô sao? Tình yêu ấy trỗi hơn chúng ta! Trong Êphêsô 2.4 ông nói: 'vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta’, Êphêsô 3.18,19: 'để anh em khi đã đâm rễ vững nền trong sự yêu thương, được hiệp cùng các thánh đồ mà hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu của nó là thể nào, và được biết sự yêu thương của Đấng Christ, là sự trổi hơn mọi sự thông biết, hầu cho anh em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời’. Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời siêu việt, quí vị biết nói như thế có nghĩa gì rồi, chúng ta đã học biết rằng Ngài trỗi hơn muôn vật – và quí vị thấy nếu Đức Chúa Trời trỗi cao hơn muôn vật, tình yêu của Ngài cũng trỗi cao hơn muôn vật nữa! Tình yêu ấy trỗi cao hơn chúng ta, và ồ, sáng nay chúng ta sẽ đo lấy chiều rộng, chiều dài, chiều sâu và chiều cao tột vời của tình yêu ấy. Ồ, chúng ta sẽ nhận biết hôm nay rằng không một lưỡi nào – không phải lưỡi của tôi, không phải lưỡi của bất kỳ một nhà truyền đạo nào – có thể diễn tả được tình yêu rời rộng của Đức Chúa Trời...lý trí tuyệt vời nhất có trên đất cũng không thể hiểu hay thực sự suy tưởng nổi tình yêu cao vời nầy. Ngọn núi cao nhất không thể với tới chiều cao của tình yêu ấy, đại dương sâu thẳm nhất không thể dò được mọi chiều kích sâu thẳm của tình yêu ấy, đường nứt xa nhất của khoảng không gian kia không đủ để với tới tình yêu thương của Đức Chúa Trời! Tình yêu ấy cao hơn các từng trời, tình yêu ấy sâu thẳm hơn đại dương, quí vị không thể tát cạn được tình yêu của Ngài! Ồ, tình yêu ấy sẽ làm cho quí vị rung động, tình yêu ấy sẽ tràn ngập linh hồn quí vị – dù quí vị có được cứu hay chưa – rằng tình yêu nầy của Đức Chúa Trời là không giới hạn, và vô luận quí vị đang ở đâu hôm nay quí vị đang có nhiều hơn quí vị cần về tình yêu thương của Đức Chúa Trời! Faber đã nói như sau:
'Vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời
là rời rộng hơn phạm vi lý trí của con người,
Và tấm lòng của Đấng đời đời
là một thứ kỳ diệu nhất'.
"Giờ đây hãy đến mau! Hãy quên đi mấy tấm rèm vô nghĩa bằng kim tuyến, cây Nôen và mọi thứ trong dịp Lễ Giáng Sinh – đây là chỗ mà tình yêu ấy ngự trị! Tình yêu thương của Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, là Đấng đã phó mạng sống của Ngài vì quí vị!"
Ồ, đúng là một tình yêu rất giàu ơn, đúng là một tình yêu đời đời, đúng là một tình yêu vô giới hạn. Rồi khi hôm nay chúng ta ngồi đây, nhìn về ngày mai – trong dịp Lễ Giáng Sinh – đúng là một tình yêu cứu rỗi! Có phải như thế không? Giăng đã nói trong I Giăng 3.16: 'Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống' – đó là sự bày tỏ cao nhất về tình yêu thương, trong cả thế gian. Đó là phương thức Đức Chúa Trời đã thể hiện ra, đã bày tỏ ra về tình yêu của Ngài, đó là sự bày tỏ của tình yêu, là sự tuyên bố – II Côrinhtô 5.19: '...Vì chưng Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài', rằng Đức Chúa Trời đời đời, Đức Chúa Trời giàu ơn, Đức Chúa Trời vô hạn, Đức Chúa Trời thánh khiết, quyền năng, đời đời, tối cao, siêu việt vốn ở trong Đấng Christ! Đấy là điều mà sự hoá thân thành nhục thể nói tới, và quí vị đừng quên điều đó trong dịp Lễ Giáng Sinh nầy trong bất cứ điều chi quí vị làm: ấy là Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ. Ngài là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của Đức Chúa Trời, Sự sáng của Sự sáng – và ở đó, Roma 8.32: 'Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?’ Quí vị có bao giờ trông thấy một người mẹ cho con mình bú, rồi bà mệt mỏi khi cho nó bú không!?! – khi đứa bé khá bụ bẫm một chút, còn bà mẹ thì hốc hác và ốm đi, nhưng bà không hề than vãn. Bà không than thở, mà thực ra bà đã nhìn xuống, ánh mắt sáng ngời lên với vui sướng và tự hào về đứa con nhỏ mà bà đã hết lòng, hết năng lực, hết tình yêu đã được bà đổ vào cho nó. Bà đã phó mạng sống của mình cho đứa con đó – và Lời của Đức Chúa Trời nói không ai có được tình yêu lớn lao hơn tình yêu nầy, nghĩa là một người phó mạng sống mình vì bạn hữu mình.
Ồ, quí bạn tôi ơi, quí vị tiếp thu tư tưởng ấy chưa? Giờ đây hãy đến mau! Hãy quên đi mấy tấm rèm vô nghĩa bằng kim tuyến, cây Nôen và mọi thứ trong dịp Lễ Giáng Sinh – đây là chỗ mà tình yêu ấy ngự trị! Tình yêu thương của Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ đã phó mạng sống của Ngài vì quí vị! Tình yêu thương lớn lao nhất trong mọi thứ tình yêu, vì từng thứ yêu thương tốt lành cung ứng cho đối tượng thuộc về tình yêu đó, và Đấng Christ đã ban cho quí vị. Ồ, quí bạn tôi ơi, Đấng Christ đã ban huyết của Ngài cho quí vị, Đấng Christ đã phó linh hồn của Ngài cho quí vị, Ngài đã đổ mạng sống ra làm một của lễ chuộc tội tại đồi Gôgôtha! Thập tự giá là minh chứng toàn hảo về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Giăng 3.16, câu nói của sự mặc khải thiêng liêng ngay từ đầu cho đến cuối của mọi thời đại, câu nói ấy được chép như sau: 'Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài hầu cho hễ ai tin Con ấy [sẽ không bị] hư mất [mà] được sự sống đời đời'. Hãy suy gẫm câu ấy xem, Đức Chúa Trời cao cả nầy đã yêu! Ngài đã yêu ai? Ngài yêu thế gian! Ngài yêu như thế nào? Ngài đã ban! Ai chứ? Con của Ngài! Tại sao chứ? Hầu cho hễ ai! Để chi vậy? Tin! Và đây là vấn đề: sẽ được – đây là một từ ngữ rất có quyền lực, có phải không? Được – không có gì phải nghi ngờ về điều đó, vì tình yêu cứu rỗi nầy có quyền cứu cho đến đầu cùng đất hết thảy những ai bởi Ngài mà chạy đến với Đức Chúa Trời. Tình yêu cao cả nầy – nếu quí vị chịu để cho tình yêu ấy dầm thấm, tuôn tràn vào tấm lòng của quí vị, quí bạn tôi ơi, quí vị sẽ nhìn biết tình yêu rời rộng của Đức Chúa Trời đối cùng quí vị. Nếu quí vị nghi ngờ tình yêu của Đức Chúa Trời, quí vị chỉ nhìn vào đồi Gôgôtha, chỉ nhìn vào đó thôi. Bây giờ hãy nhìn vào đấy rồi thấy cho rõ hình thức một người bị treo trên cây thập tự ở đó, ai là một em bé nằm trong máng cỏ, ai đã được ban cho vì mục đích ấy, ai đã được sai vào trong thế gian để làm Cứu Chúa của thế gian, ai đang ở trong hình thể nhỏ nhắn của một em bé, chính dòng huyết đang lưu thông trong các mạch máu của Ngài sau đó sẽ đổ ra vì tội lỗi của thế gian – đúng là một tình yêu thương!
"Halêlugia! Quí vị có thể hô to lên 'Halêlugia' không? Hãy hô to lên đi! Halêlugia vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời vốn ở trong Đức Chúa Giêxu Christ!"
Ngợi khen Đức Chúa Trời, thứ năm, đây là một tình yêu không dời đổi, vì Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời không thay đổi. Trong Giăng 13.1 Kinh Thánh nói về Chúa Giêxu: '...đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng'. Ít có tình yêu nào giống như thế, có phải không? Tình yêu sẽ yêu bất chấp mọi giá, tình yêu sẽ yêu vô luận quí vị có như thế nào, hay vô luận quí vị đang làm gì, hoặc vô luận quí vị nói điều chi vào mặt của Đấng yêu thương quí vị. Đấng Yêu Thương nầy sẽ yêu quí vị cho đến cuối cùng – và tình yêu ấy không thể đem sánh với tình yêu của con người. Tình yêu ấy không có sự đam mê, không có ngẫu hứng đâu – Ngài không yêu quí vị ngày hôm nay rồi ghét quí vị vào ngày mai đâu, tình yêu của Ngài không xuống thấp một mét rồi vượt lên tới một đỉnh cao – đấy không phải là tình yêu thương của Đức Chúa Trời! Tình yêu ấy chẳng có một ý niệm gì, tình yêu ấy không có sự thay đổi bất thường – tình yêu ấy không phải là thị hiếu về hy vọng của Ngài, vì Ngài muốn, Ngài có thể yêu thương quí vị. Lời của Đức Chúa Trời phán: 'Tình yêu của Ngài vốn mạnh mẽ như sự chết', Kinh Thánh chép: 'Nước nhiều không tưới tắt được ái tình, các sông chẳng nhận chìm nó được’ – không một điều gì có thể phân rẽ tình yêu ấy ra khỏi những kẻ đã nhận lấy nó, há đây không phải là điều mà thơ Rôma đã nói sao? 'Điều chi sẽ phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời', điều chi sẽ phân rẽ được? Chúng ta còn hơn là những người đắc thắng trong tình yêu đó – sự chết, sự sống, thiên sứ, các bậc cầm quyền, quyền lực, những việc đời nầy, những việc hầu đến, chiều cao, chiều sâu, bất kỳ một loài thọ tạo nào cũng sẽ không có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời vốn ở trong Đức Chúa Giêxu Christ. Halêlugia! Quí vị có thể hô to lên 'Halêlugia' không? Hãy hô to lên đi! Halêlugia vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời vốn ở trong Đức Chúa Giêxu Christ!
'Đời đời thuộc Ngài, đời đời chỉ thuộc Ngài thôi.
Ai sẽ phân rẽ Chúa và tôi?
Chúa Giêxu sẽ làm cho tấm lòng yêu thương
được đầy sự bình an, sự yên nghỉ,
và niềm vui sướng nhất.
Trời và đất có thể phai tàn và qua đi mất,
Ánh sáng chiếu vào nơi tăm tối ảm đạm trước tiên.
Nhưng khi Đức Chúa Trời và tôi gặp nhau,
Tôi thuộc về Ngài và Ngài là của tôi!'
Hãy suy gẫm về sự ấy! Trong khi Đức Chúa Trời là hằng sống – và Ngài sống cho đến đời đời – tôi thuộc về Ngài và Ngài là của tôi! Có phải Ngài thuộc về quí vị không? Quí vị có biết tình yêu không dời đổi ấy chưa? Hãy đến đây! Quí vị có nhìn biết tình yêu ấy chưa? Tôi không có ý hỏi quí vị có biết về tình yêu ấy chưa, tôi đang hỏi quí vị tình yêu ấy có gắn chặt vào tấm lòng của quí vị chưa? Tình yêu ấy đã đổ ra, quí vị có kinh nghiệm được tình yêu ấy trong đời sống của quí vị chưa? Thứ sáu: đây là một tình yêu có kỷ cương hẳn hòi. Chúng ta đang nhìn thấy sự kỷ luật con cái trong phần đọc Kinh Thánh mới đây, và chúng ta thấy những phần kỷ luật thực sự có tính yêu thương. Và chúng ta thấy với Đức Chúa Trời những ai Ngài không chấp nhận, Ngài tống khứ vào địa ngục, và đó là sự trừng phạt của Ngài vì sự chối bỏ Ngài – và thậm chí những ai Ngài chấp nhận, Ngài sửa phạt họ, Ngài kỷ luật họ: 'Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt’. Điều nầy thật không dễ chịu chút nào, song nó rất có lợi, và sự sửa phạt đó ngăn chận người tin Chúa không bị xét đoán bởi người thế gian – và có những lúc trong đời sống chúng ta khi Đức Chúa Trời cần phải ủi cho thẳng một số nếp nhăn và nếp gấp trong đó, há chẳng được sao? Leeman Strauss đã nói rằng khi mẹ ông sửa phạt ông, bà đã nói sự sửa phạt ấy đã làm cho bà đau nhiều hơn, và bà đã bật khóc. Còn Đức Chúa Trời không phải là loại chủ tể tàn bạo trên thiên đàng, nhưng Ngài biết điều chi là tốt nhứt cho chúng ta. Vì vậy Đức Chúa Trời phán, trong Êsai 63: 'Hễ khi dân Ngài bị khốn khổ, chính Ngài cũng khốn khổ, và thiên sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu đang thương xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa’ – và chúng ta có một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm biết cảm thương mọi sự yếu đuối của chúng ta.
"Đức Chúa Trời sẽ không ban hiến hạnh phúc cho những ai sống ngoài lãnh vực thánh khiết của Ngài".
Đức Chúa Trời sẽ không ban hiến hạnh phúc cho những ai sống ngoài lãnh vực thánh khiết của Ngài. Cho phép tôi nhắc lại rằng: Đức Chúa Trời sẽ không ban hiến hạnh phúc cho những ai sống ngoài lãnh vực thánh khiết của Ngài. Vì vậy, Ngài kỷ luật chúng ta, Ngài buộc chúng ta phải đứng vào hàng. 'Tình yêu thương của Đức Chúa Trời' – đây là nhận thức của một số người - 'là thuốc giải cho mọi rối rắm', điều nầy như trái lại với lẽ thật, nhưng cho phép tôi hỏi quí vị: có lẽ những gì quí vị đang nếm trải hôm nay, có phải Đức Chúa Trời đang mài dũa quí vị, có phải Đức Chúa Trời đang làm cho quí vị ra tốt hơn và chắc chắn quí vị sẽ ra như vàng không? Có thể không phải là như vậy vì quí vị đang phạm tội, nhưng Đức Chúa Trời đang kỷ luật quí vị, và Ngài muốn quí vị một ngày kia phải được biến đổi ra giống theo ảnh tượng của Con Ngài – chúng ta có tin điều nầy không? Chúng ta có tin Roma 8.28: '...Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời’. Chúng ta phải nếm trải cơn đau đầu, chúng ta phải nếm trải sự thử thách, và sự thể cho thấy: đây là chuyện thường vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, và Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta phải ra giống như Ngài.
Thứ bảy và sau cùng: tình yêu nầy là tình yêu rộng lượng. Rộng lượng – tốt thôi! Hãy suy nghĩ về một người mẹ, và hết thảy chúng ta đều thấy điều nầy, người mẹ vẫn thấy vui sướng khi đứa con đang lâm nguy – quí vị đã thấy sự ấy – và quí vị suy nghĩ: 'Làm sao bà ta lại xử sự, hay nói năng như thế, hoặc cứ như thế trong khi đứa con nhỏ của bà ta đang ngã bịnh chứ?' Và chúng ta bắt đầu đưa ra thắc mắc: 'Tôi lấy làm lạ không biết bà ta có thực sự yêu thương chúng hay không nữa?' Đối với tôi điều nầy thật đáng chú ý: rằng Đức Chúa Trời đã buộc phước hạnh sau cùng của chính Ngài vào hạnh phúc của chúng ta. Đức Chúa Trời là toàn túc, điều đó đúng đấy; Đức Chúa Trời là tối cao – nhưng việc đáng kinh ngạc trong mọi sự nầy là đây: Ngài là Đấng rất rời rộng và thật rời rộng, Ngài đã chọn buộc tấm lòng của chính Ngài với niềm hạnh phúc của chúng ta cho đến đời đời. 'Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta’ – Ngài đã chọn buộc sự hạnh phước và sự thoả lòng của Ngài vào sự phước hạnh của chúng ta! Ngài có thể tồn tại mà không có chúng ta trước khi sáng thế, Ngài có thể tồn tại không có chúng ta trong lúc bây giờ và Ngài luôn luôn tồn tại – nhưng Ngài đã chọn làm cho chúng ta được hạnh phúc để Ngài được hạnh phúc!
Chuyện kể lại về George Mueller rằng trên bàn giấy của ông, có để một tấm bảng nhỏ ghi rằng: 'Quí vị là vấn đề cho Ngài'. Điều đó há chẳng lý thú sao? Phải nói sát nghĩa như thế nầy mới đúng: 'Ngài quan tâm đến quí vị' trong I Phierơ 5.7 – quí vị là vấn đề đối với Ngài! Đức Chúa Trời, trong tình yêu của Ngài, đưa chúng ta vào mối tương giao, ở đó chúng ta thưởng thức Ngài, ở đó Ngài sẽ làm hết sức mình, Đức Chúa Trời làm hết sức mình vì chúng ta – hãy tưởng tượng điều đó xem! Đức Chúa Trời đang làm hết sức mình cho tôi! Ngài hằng hữu – và mặt kia của đồng tiền, đó là: chúng ta cần phải làm hết sức cho Ngài. Quí vị sẽ không nhất trí với tôi về việc nầy, nhưng tôi không tin rằng ai nấy được yêu như nhau đâu. Tôi tin Lời của Đức Chúa Trời dạy rằng người nào biết vâng phục đang tỏ ra một tình yêu lớn lao hơn dành cho Chúa Giêxu và có ân điển lớn lao hơn đổ ra trên họ – vì Ngài phán như thế nầy trong Giăng 14.23: 'Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người’ – đó là một tình yêu rất đặc biệt. Đó là một tình yêu đến bằng sự đáp ứng với sự vâng lời.
"Xã hội của chúng ta bị chìm đắm bởi sự sợ hãi, căng thẳng và lo lắng, và ngay cả những người thuộc về Chúa lại đang sống y như thế! Bao lâu chúng ta sinh sống trong thế gian, là còn thấy không thoả mãn, run rẩy, trong đôi vòng tay của cơ hội và hệ thống thế gian nầy – chúng ta sẽ sợ hãi!"
Khi chúng ta kết thúc, tôi muốn nói với quí vị một câu, đó là I Giăng 4.18, hãy nghe câu nầy được viết trong quyển sách nói về tình yêu thương: 'Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương’. Quí vị biết đứa trẻ bị lạc trong siêu thị, nó rơi vào chỗ hoảng loạn, hớt hơ hớt hãi nhìn quanh, và nó cảm thấy như mình đang ở trong chỗ nguy hiểm vậy – và đấy là cách mà nhiều người ngày nay đang cảm nhận. Xã hội của chúng ta bị chìm đắm bởi sự sợ hãi, căng thẳng và lo lắng, và ngay cả những người thuộc về Chúa lại đang sống y như thế! Bao lâu chúng ta sinh sống trong thế gian, là còn thấy không thoả mãn, run rẩy, trong đôi vòng tay của cơ hội và hệ thống thế gian nầy – chúng ta sẽ sợ hãi! Nếu quí vị muốn tiếp tục đi trên con đường Cơ đốc xác thịt, nếu chúng ta muốn sống trong tội lỗi không có Đấng Christ, sợ hãi sẽ đến với chúng ta – và như Lời Đức Chúa Trời phán dạy, sợ hãi vốn có nỗi dày vò. Và có bao nhiêu người đã bị sợ hãi dày vò? Lời của Đức Chúa Trời đến với quí vị ngay bây giờ – rõ như tiếng chuông kêu vậy! Nếu quí vị sợ hãi, quí vị sẽ bị dày vò – và phương thức duy nhứt, quí bạn của tôi hôm nay ơi, muốn xử lý với nỗi sợ của quí vị là phải bước vào chỗ kín nhiệm nương mình trên cánh tay của Đức Chúa Trời, nương mình trên cánh tay yêu thương của Đức Chúa Trời!
Ồ, nương như thế há chẳng kỳ diệu sao? A. W. Tozer đã nói như vầy: 'Muốn một người tin quyết rằng không một điều gì có thể làm hại người ấy, và đối với người ngay lập tức mọi nỗi sợ hãi sẽ lìa xa. Sự phản xạ của thần kinh, nỗi lo sợ tự nhiên, nỗi đau xác thịt đôi lúc có thể cảm nhận – nhưng cái dày vò của sợ hãi sâu sắc đã lìa xa cho đến đời đời. Đức Chúa Trời là sự yêu thương, Đức Chúa Trời là toàn năng, tình yêu của Ngài làm cho Ngài có ý muốn chúng ta được thịnh vượng mãi mãi và sự toàn năng của Ngài làm cho Ngài phải bảo đảm sự thịnh vượng đó'. Ồ, chúng ta đã học biết, Đức Chúa Trời muốn làm gì thì Ngài có quyền phép để làm việc ấy. Và ngày nay, quí vị đang nom thấy quí vị đang ngồi ở đâu, nếu Đức Chúa Trời muốn giải cứu quí vị ra khỏi nỗi sợ hãi đã đem lại sự dày vò, Ngài có thể làm điều đó ngay bây giờ. Tại sao chúng ta lại lằm bằm? Tại sao chúng ta không thấy thoả lòng? Tại sao chúng ta bực tức khi Đức Chúa Trời hạ chúng ta xuống con đường [nào đó] trong cuộc sống rồi chúng ta cảm thấy nghi ngờ, e sợ, và ngã lòng? Có thể đời sống Cơ đốc của chúng ta trở nên hâm hẩm, nửa vời, và lòng trung thành của chúng ta phân hai – tại sao điều nầy xảy ra? Vì chúng ta không yên nghỉ trên tình yêu thương của Đức Chúa Trời!
Handley Moule là Giám Mục ở Durham, và có một thảm hoạ về mỏ than. Và ông đã đi tới nơi với quyển Kinh Thánh trên tay mình – vì ông là người của Đức Chúa Trời – để đem một vài sự yên ủi cho số người nầy, họ đã lâm nạn và đau khổ lắm. Và ông không biết mình sẽ nói điều gì, ông không tìm được câu phải nói, rồi ông mở quyển Kinh Thánh ra – còn Chúa cũng mở quyển Kinh Thánh ra – ở một chỗ đặc biệt mà ông có đặt thẻ câu gốc. Và quí vị đã nhìn thấy thẻ câu gốc nầy, ở mặt nầy là: 'Đức Chúa Trời là sự yêu thương', còn ở mặt kia là một mớ lộn xộn những sợi chỉ màu. Và cụ Handley Moule cầm cái thẻ câu gốc ấy lên rồi chỉ cho họ thấy những sợi chỉ màu lộn xộn, rồi ông nói: 'Đây là tai hoạ trong đời sống của quí vị, dường như quí vị sẽ nhìn thấy qua mớ lộn xộn đó, những việc mà quí vị không thể hiểu được' – và khi ông xây cái thẻ câu gốc ấy lại, ông nói: 'Nhưng đàng sau mọi sự lộn xộn nầy, còn có một Đức Chúa Trời yêu thương'. Há điều ấy chẳng thực sao?
Quí vị biết đấy, khi tôi nghiên cứu đề tài nầy tôi đã nhận biết – khi tôi suy gẫm về Đức Chúa Trời – rằng khi chúng ta nghĩ tới thời điểm Lễ Giáng Sinh nầy về ân ban của Chúa Giêxu, việc tối thượng không phải là tôi biết Đức Chúa Trời như thế nào, mà nhìn biết Đức Chúa Trời biết rõ tôi nhiều là dường nào – và nhìn biết điều nầy: con trẻ đang bú tay trong máng cỏ ở chuồng chiên kia, một ngày kia tại đồi Gôgôtha tên của tôi sẽ được tạc khắc trên đó. Đấy là cách mà tôi biết rằng mọi người đều biết tới tôi.
Lạy Cha, chúng con nhớ tấm bia mà tôi tớ Ngài là Wesley đã khắc trên mộ của ông: 'Ơn tốt nhứt trong mọi ơn: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta'. Và lạy Cha, trong dịp Lễ Giáng Sinh chúng con ghi nhớ Emmanuên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng con – là Cứu Chúa được sai đến để cứu ra khỏi tội – và chúng con cảm tạ Ngài vì cớ Chúa Giêxu, và chúng con cầu xin Chúa có ai đó ở đây hôm nay sẽ gặp Ngài như Cứu Chúa của họ và sẽ được cứu. Hãy lắng nghe chúng con cầu nguyện trong danh của Đức Chúa Giêxu Christ, Amen.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét