Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Những làn nước mắt



Đời sống và thời thế của Vua David
Những làn nước mắt
II Samuên 15.13 - 16.14
David đã phạm vào ba tội rất kinh khủng. Ông phạm tội tà dâm, giết người và lừa dối. Đức GIÊHÔVA tóm tắt mấy tội nầy bằng câu nói: "Ngươi đã khinh ta" (12.10). Khi chúng ta cố ý, cố tình phạm tội, chúng ta đang xem khinh Chúa. Chúng ta hỉnh mũi lên đối với ân điển của Ngài, bất cần ơn thương xót và chế nhạo sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá.
Đức Chúa Trời đã tha thứ cho tội lỗi của David, nhưng đã khiến ông phải gặt lấy bão lốc, mọi hậu quả ghê khiếp của tư dục, giết người và sự dối gạt của ông. Con trưởng nam của ông là Amnôn, đã thèm khát em gái cùng cha khác mẹ với mình là Tama. Amnôn hiển nhiên đã cưỡng hiếp nàng và đã ích kỷ cướp đi sự trong trắng quí báu của nàng. Đứa con trai khác là Ápsalôm đã chờ đợi hai năm tròn trông mong David sửa phạt Amnôn. Khi nhà vua không làm gì cả, Ápsalôm đã giết chết Amnôn.
Ápsalôm trốn sang Ghêsurơ để ở với ông ngoại vợ của mình. Chàng đã bị đày ải ở đó trong ba năm trời. Sau cùng, Vua David đã cho phép chàng trở về lại thành Jerusalem với điều kiện bị nhốt hẳn ở trong nhà. Rốt lại, sau hai năm, David đã tha thứ cho Ápsalôm và để cho chàng được tự do.
Ngay lập tức, Ápsalôm hoạch định cướp ngai vàng khỏi tay cha mình. Chàng kiến tạo đảng chính trị bằng cách hứa xét công bình và tự lập mình như người của mọi người. Phân đoạn Kinh Thánh đặc biệt nói: "Áp-sa-lôm dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy" (15.6). Sau bốn năm toan tính về chiến lược và tìm kiếm sự ủng hộ, cuộc lật đổ bắt đầu. Từ Hếprôn có tiếng kêu la vang dội trên khắp cả xứ: "Ápsalôm làm vua" (15.10).
Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay ở các chương 15 và 16, chúng ta sẽ thấy David đang trốn chạy vì mạng sống mình trước mặt con trai ông. Khi chính quyền Mỹ khiến cho các bộ tộc Cherokee phải bỏ xứ sở của tổ phụ họ mà chuyển sang miền tây Oklahoma, nhiều người đã ngã chết dọc đường. Họ đã gọi con đường họ đi là "những làn nước mắt". Đây là phần mô tả thích ứng với con đường mà David đã bước đi khi ông trốn tránh Ápsalôm. Chúng ta sẽ thấy ông bước đi với những làn nước mắt. Chúng ta sẽ thấy các bạn hữu trung tín ủng hộ ông ngay thời điểm đau đớn nhất nầy. Chúng ta cũng sẽ thấy các bạn hữu từng giúp đỡ đã xây lưng lại với nhà vua khi có dấu hiệu đầu tiên của thủ đoạn chính trị. Chúng ta sẽ thấy thể nào David thật giàu ơn tiếp lấy mọi hậu quả của tội lỗi ông và tin cậy vào ân điển bao la của Đức GIÊHÔVA.
Phân đoạn Kinh Thánh nầy cho thấy những chặng đường trốn tránh khốn khổ nầy. David đối mặt với nhiều người khác nhau cùng các trạng huống khác nhau dọc theo đường đi. Phân đoạn Kinh Thánh dường như tự phân chia ra thành 7 địa điểm dọc theo con đường thoát thân của David. Chúng ta sẽ xem xét những gì đã xảy ra ở mỗi bối cảnh dọc theo những làn nước mắt và kế đó rút tỉa được những lẽ thật vô hạn cho hôm nay.
I. Bối cảnh thứ nhứt. Ở tại cung điện (15.13-16).
Những tiếng kèn đã thổi lên khắp cả xứ. Trong từng thị trấn và từng ngôi làng đều có tiếng kêu la mà ai nấy đều nghe thấy: "Ápsalôm làm vua trên Hếprôn" (câu 10). Đúng là một phong trào chính trị bất hợp pháp đã nổi lên thành một cuộc lật đổ bộc phát rất mạnh. Nó tạo ra những cú sốc trên khắp cả xứ. Chẳng ở đâu trên đất đang run rẩy giống như ở tại Jerusalem. Một sứ giả đến tại cung điện với các tin tức không thể nghĩ được: "Lòng của dân Y-sơ-ra-ên nghiêng về Áp-sa-lôm".
Nhà vua không chần chừ nữa. Ông mau chóng đưa ra quyết định thực tế và tuyên bố: "Hãy chổi dậy và chạy trốn đi, bằng chẳng, chúng ta không thế thoát khỏi Áp-sa-lôm được. Hãy đi mau mau, e nó sẽ đến kịp chúng ta, làm hại cho chúng ta, và dùng gươm diệt thành" (câu 14). David dường như đã thấu suốt được sự phản nghịch của Ápsalôm và nhận biết ông chỉ có một cánh cửa sổ nhỏ về thời gian để đi trốn mà thôi.
Tôi thích đáp ứng của các tôi tớ trung thành của David trong câu 15. Họ nói: "Phàm việc gì vua chúa chúng tôi nhứt định, thì các tôi tớ vua sẽ sẵn làm theo". Từ ngữ "tôi tớ" không bị hạn chế trong chỗ tôi tớ ở trong nhà, mà còn nói tới nội các của nhà vua là các cấp lãnh đạo chính phủ và quân đội. Nếu nhà vua phải trốn chạy, họ sẽ trốn theo ông. Nếu nhà vua muốn ở lại chiến đấu, số người trung thành nầy sẽ ở lại chiến đấu.
David là một tay chiến sĩ. Là một thiếu niên, ông đã đánh cả sư tử và gấu dữ. Ông không ngần ngại khi phải đối diện với những sức chống đối mạnh mẽ khi ông giao chiến với Gôliát. Thanh gươm của ông đã đánh hạ hàng trăm, có lẽ hàng ngàn người Philitin, Amaléc và những kẻ thù khác của Israel. Tại sao giờ đây David phải trốn chạy chứ? Tại sao ông dám rời bỏ Jerusalem và tiếp tục chạy chứ?
Mặc dù David rời khỏi thành Jerusalem, ông không từ bỏ ngôi vị. Thực ra, câu 16 chép: "nhưng vua để lại mười người cung phi đặng giữ đền". Ápsalôm có thể chiếm lấy Jerusalem nhưng David chưa đem ngai vàng hàng phục. Những phụ nữ nầy là một dấu hiệu thấy được bằng mắt thường sự trị vì của ông. Thế thì tại sao ông không thoái vị khi ông tháo chạy chứ? Cho phép tôi cung ứng cho quí vị thấy ba lý do:
Thứ nhứt, David tháo chạy đặng tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời. Trong các câu 25-26, ông nói với Xađốc: "Hãy thỉnh hòm của Đức Chúa Trời vào trong thành. Nếu ta được ơn trước mặt Đức GIÊHÔVA, ắt Ngài sẽ đem ta về...Nhưng nếu Ngài phán như vầy: Ta không ưa thích ngươi; thế thì, nguyện Ngài xử ta theo ý Ngài lấy làm tốt!" David vốn biết rõ mọi rối rắm trong gia đình là những hậu quả của chính tội lỗi ông. Ông biết rõ ông đang gánh chịu sự sửa phạt của Đức GIÊHÔVA. Ông sẽ không đánh trận vì ngai vàng cho tới chừng nào ông biết chắc Đức Chúa Trời vẫn còn muốn ông ngồi trên ngôi.
Thứ hai, David tháo chạy để bảo vệ thành phố. Ông đã tốn nhiều năm tháng xây dựng thành phố nầy và biến nó thành thủ phủ của Israel. Ông không muốn thành phố trở thành một bãi chiến trường cũng không muốn nó phải trở thành nơi để cho các cư dân phải lọt vào giữa bãi chiến trường.
Thứ ba, và quan trọng nhất, David đã tháo chạy để giữ an toàn cho con trai ông là Ápsalôm. Dù gì đi nữa, ông vẫn yêu thương con trai mình. Ông không muốn có một trận chiến với Ápsalôm vì ông không muốn Ápsalôm phải bị giết chết. Vì vậy David tháo chạy thay vì chiến đấu.
II. Bối cảnh thứ hai. Ở ngoại thành (15.17-22).
Câu 17 chép: "Thế thì, vua đi ra, có cả dân sự theo sau; chúng dừng lại tại nhà ở cuối chót thành". "Cả dân sự" không có ý nói toàn bộ cư dân thành Jerusalem đâu, mà tất cả những người có mối liên kết chặt chẽ với David, gia đình ông, các mưu sĩ, các cấp lãnh đạo quân sự và bạn hữu thân tín của ông.
Khi David ra đến "cuối chót thành" Jerusalem, có lẽ dãy nhà cuối hoặc nơi cỗng thành, ông dừng lại để xem coi ai là người cùng đi với ông. Câu 18 chép: "Hết thảy tôi tớ vua đều đi ở bên vua". Câu nầy cũng nói chi tiết một nhóm gồm "sáu trăm người" được mô tả là "người Kê-rê-thít", "người Phê-lê-thít" và "người Ghi-tít". Đây là những người "đã theo Vua từ xứ Gát".
Những người nầy không phải là người Do thái. Họ không phải là dân Do thái mà là dân Ngoại. Họ là những người ngoại quốc, họ đã thề phục vụ Vua David. Một chiến binh tên là Bê-na-gia đã lãnh đạo họ (đối chiếu 8.18; 23.22-23). Thường thì trong thời buổi đó đối cùng nhà vua dùng người nước ngoài làm nhân viên bảo vệ thì không được lòng người trong nước lắm. Một "người Ghi-tít" là một người đến từ xứ Gát, quê nhà của gã khỗng lồ Gôliát (đối chiếu II Samuên 21.19). Sáu trăm người nầy lâu nay là tôi tớ của nhà vua. Họ đã ở với ông nhiều thập niên rồi, từ khi ông còn ở tại Gát. Họ rất trung thành và đáng tin cậy.
Sau khi những chiến binh nầy đi ở trước mặt vua, có người tên là "Ytai người Ghi-tít" cũng đến gần nhà vua. David hỏi:
"Cớ sao ngươi cũng muốn đến cùng chúng ta? Hãy trở lại, ở với vua, bởi vì ngươi là một người ngoại bang đã lìa xứ ngươi. Ngươi mới đến hôm qua, và hôm nay ta há sẽ cho ngươi lạc loài đây đó với chúng ta sao? Còn ta, ta đi đâu không rõ. Vậy, hãy trở về và dẫn các anh em ngươi theo ngươi. Nguyện sự thương xót và sự thành tín ở cùng ngươi!" (các câu 19-20).
Rõ ràng Ytai đã không ở với David lâu bằng những người Ngoại khác. Tôi tin lời lẽ của David: "ngươi mới đến hôm qua" là cách nói bóng mà thôi. Ông ta là một người mới nhập cư đến Israel và David đang nói cho ông ta biết rằng đây không phải là nan đề của ông ta và không phải là chiến trận của ông ta.
Mặc dù Ytai là một người mới đến, song ông rất trung thành. Ông ta nói trong câu 21: "Tôi chỉ Đức GIÊHÔVA hằng sống, và chỉ mạng sống của vua chúa tôi mà thề, hễ vua chúa tôi ở đâu, hoặc trong sự chết, hoặc trong sự sống, thì kẻ tôi tớ vua cũng sẽ ở đó". Lời lẽ của ông ta cũng đồng thanh với lời lẽ của Rutơ khi nàng nói cùng Naômi.
"Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi" (Rutơ 1.16).
Ytai dường như còn hơn cả lòng trung thành với David nữa. Dường như ông đã trở thành một người tin theo Đức GIÊHÔVA, là Đức Chúa Trời của Israel. Ông ta đã thốt ra mấy lời nầy: "Tôi chỉ Đức GIÊHÔVA hằng sống...". Ông ta không có một sự ham muốn nào ở lại trong thành Jerusalem dưới quyền Ápsalôm bất kỉnh hay trở lại với các tà thần của dân tộc ngoại giáo của ông.
David để cho ông ta cùng đi với mình rồi sau đó đặt ông làm đầu các toán quân của mình (18.2). Câu 22 chép: "Thế thì, Y-tai người Ghi-tít cùng hết thảy con trẻ theo mình, và cả bọn người đều đi tới trước".
III. Bối cảnh thứ ba. Ở tại Khe (15.23-29).
Khi đoàn người ủng hộ viên trung thành của David đi qua "cuối chót thành" Jerusalem, họ đi xuống Trũng Xết-rôn rồi "qua" dòng suối gọi là "khe Xết-rôn". Khi ấy họ sẽ trèo lên Núi Ôlive rồi tiến thẳng "vào con đường về đồng vắng" (câu 23).
Ở tại khe, David nói với "Xađốc... và hết thảy người Lêvi". Họ mang theo trên vai họ: "Hòm giao ước của Đức Chúa Trời". Thầy tế lễ Abiatha cũng có mặt ở đó nữa. Họ "để hòm của Đức Chúa Trời xuống đất...cho đến khi hết thảy dân sự đã ra khỏi thành xong rồi" (câu 24). Khi ấy David mới nói với Xađốc:
"Hãy thỉnh hòm của Đức Chúa Trời vào trong thành. Nếu ta được ơn trước mặt Đức GIÊHÔVA, ắt Ngài sẽ đem ta về, cho ta thấy lại hòm giao ước và nơi ngự của Ngài. Nhưng nếu Ngài phán như vầy: Ta không ưa thích ngươi; thế thì, nguyện Ngài xử ta theo ý Ngài lấy làm tốt!" (II Samuên15.25-26).
Không một chỗ nào khác, mấy câu nầy chỉ ra nhân vật vừa lòng Đức Chúa Trời. Ông phó thác chính mình cho một Đức Chúa Trời thành tín. Ông đặt tương lai mình vào trong hai bàn tay của Đức GIÊHÔVA và bằng lòng chấp nhận bất luận điều chi Đức GIÊHÔVA sẽ làm.
Ông cũng biết rằng Hòm giao ước làm biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự Ngài và hòm ấy thuộc về thành Jerusalem bất luận ai đang ngồi trên ngai vàng.
David khi ấy đề nghị với Xađốc rằng ông và Abiatha đem Hòm giao ước và người Lêvi trở về lại thành Jerusalem. Ông sẽ chờ đợi để họ nhắn tin ra ngoài đồng vắng. Họ có thể gửi cho ông tin tức từ bên trong, về những gì đang xảy ra trong thành Jerusalem qua hai con trai ông ta là A-hi-mát và Giô-na-than. Họ không muốn rời khỏi David. Họ không muốn trở lại với những gì đã đợi họ dưới quyền Ápsalôm, nhưng họ phải trung thành nghe theo mạng lịnh của nhà vua.
IV. Bối cảnh thứ tư. Bên con đường dốc (15.30-31).
David và dân sự đã xuống khỏi thành Jerusalem đến trũng Xết-rôn. Sau khi băng qua "khe Xết-rôn" giờ đây họ trèo lên Núi Ôlive. Địa điểm mà ở đó đoàn người bắt đầu trèo lên được gọi là "dốc Núi Ôlive".
Hãy hình dung David khi ông bắt đầu trèo lên con đường dốc. Câu 30 chép: "người vừa leo vừa khóc". Ông vừa leo vừa khóc trong nước mắt giống như dòng dõi theo phần xác của ông, Đức Chúa Jêsus Christ của chúng ta đã trèo lên chính ngọn núi ấy và đã kêu cầu cùng Đức Chúa Cha trong trũng vườn ôlive.
David đã "trùm đầu lại" có lẽ bằng chiếc khăn choàng cầu nguyện. Trong đau khổ ông đang kêu la với Đức GIÊHÔVA. Ông trèo lên dốc bằng "chơn không". Ông đã quăng bỏ đôi giày đi làm một dấu của sự hạ mình. Ông tuyệt đối nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Ông không thể làm được gì để tự cứu mình. Chỉ có Đức Chúa Trời mới cứu được ông thôi.
Dọc theo con đường có người cho vua hay các tin tức đáng giật mình: "Ahitôphe cũng hiệp đảng phản nghịch với Ápsalôm". Ahitôphe là mưu sĩ chính của David. Ông khôn ngoan đến nỗi 16.23 chép: "Vả, trong lúc đó, người ta coi mưu của A-hi-tô-phe như lời phán của chính Đức Chúa Trời". Lắng nghe từ Ahitôphe thì giống như lắng nghe trực tiếp từ Đức Chúa Trời vậy. Chúng ta cũng biết ông là ông Nội của Bátsêba (đối chiếu 11.3; 23.34). Hãy tưởng tượng nỗi kinh khủng lan khắp người David khi ông biết rõ kẻ lắm khôn ngoan nầy không còn cộng tác với ông nữa, mà là đang chống nghịch ông.
Một lần nữa ông tỏ ra thái độ nương cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời bằng cách cầu nguyện: "Ôi, Đức GIÊHÔVA! xin làm cho những mưu chước của A-hi-tô-phe ra ngu dại". Chúng ta sẽ thấy về sau Đức Chúa Trời thể nào đã đáp trả cho lời cầu nguyện đó!
V. Bối cảnh thứ năm. Trên chót núi (15.32-37).
Câu 32 chép rằng: "Khi David đã đi đến chót núi", trên đỉnh Núi Ôlive. Tôi tưởng tượng ông dừng lại tại đây. Ông nhìn qua vai mình, qua trũng Xết-rôn rồi thấy thành Jerusalem. Có thể ông nhận ra cung điện giữa vòng các toà nhà khác. Kinh Thánh chép: "người thờ lạy Đức Chúa Trời". Ông cảm thấy kiệt sức và kêu cầu với Đức GIÊHÔVA. David biết rõ mọi sự nầy là kết quả của sự ông phạm tội. Tuy nhiên, trong sự thờ phượng ông đã tôn cao Đức GIÊHÔVA và ném mình vào ơn thương xót của Đức Chúa Trời. Tôi nghĩ ông cũng dâng lên những lời cầu nguyện xin được bình an và xin sự an ninh cho Ápsalôm, con trai mình.
Khi nhà Vua quay trở lại, ông gặp người bạn khác: "Husai người Atkít đến đón người". Husai có "áo xé rách và đầu đầy bụi đất". Ông đang than khóc. Những giọt nước mắt lăn dài xuống mặt ông và ông đang theo sau David. Giống như nhiều người khác, ông bằng lòng đi bất cứ đâu David đi. Đây là lần nhắc tới đầu tiên về Husai. Câu 37 mô tả ông là "bạn hữu của David". I Sử ký 27.33 chép: "A-hi-tô-phên làm mưu-sĩ của vua; Hu-sai, người Ạt-kít, là bạn hữu của vua".
Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì có những người bạn như Husai. Khi quí vị đau buồn, khi quí vị đang chịu khổ, khi quí vị dốc đổ tấm lòng ra với Đức Chúa Trời, quí vị ngước mắt lên và cũng có Husai với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Quí vị có để ý thấy Husai chẳng nói chẳng rằng không!?! Ông chẳng đưa ra một lời khuyên nào cả. Ông không bàn bạc chi hết. Ông chỉ đứng ở đó mà thôi.
Husai dường như là một cụ già giống như Ahitôphe. David vì thế chỉ định với mọi khả năng của ông làm người thợ may. Vua bảo Husai nếu ông cố gắng đi theo ông sẽ trở thành một "gánh nặng". Ông chỉ làm cho David phải đi chậm lại mà thôi. Thay vì thế, vua nói:
“Nhưng nếu ngươi trở về thành, và nói cùng Áp-sa-lôm rằng: Ôi vua! tôi là kẻ tôi tớ vua. Thuở trước tôi đã phục sự vua cha thể nào, bây giờ tôi sẽ phục sự vua thể ấy, vậy ngươi sẽ vì ta làm bại mưu chước của A-hi-tô-phe” (II Samuên 15.34).
Husai sẽ đấu tranh với mưu mẹo của Ahitôphe và trở thành tai mắt của David trong triều đình. David nói: "phàm việc chi ngươi hay được, ngươi phải báo cho ta biết". Đức Chúa Trời đã đáp lại lời cầu nguyện của David trong sự hiện diện của bạn hữu ông, người "trở về thành" trong khi "Ápsalôm vào trong Jerusalem" (câu 37).
VI. Bối cảnh thứ sáu. Bên kia chót núi (16.1-4).
Chương 16 mở ra với David đang bắt đầu đi xuống phía bên kia sườn Núi Ôlive khi ông hướng về phía đồng vắng của sông Giôđanh. Khi ông "vừa trèo qua khỏi chót núi" ông gặp ngay "Xípba, tôi tớ của Mêphibôsết".
Chúng ta nhớ Xípba từ chương 9. Xípba là tôi tớ của Vua Saulơ. Khi David tìm cách chu toàn giao ước của mình với Giônathan bằng cách làm ơn cho dòng dõi Giônathan, Xípba báo cho nhà vua biết đứa con trai bị què của Giônathan là Mêphibôsết. David đã nhận Mêphibôsết làm con y như con ruột của mình, cho phép Mêphibôsết ngồi ăn cùng bàn và ban cho phần cơ nghiệp của tổ phụ mình là Saulơ. Ông bảo Xípba cùng các con trai người phải lo phục sự cho Mêphibôsết.
Xípba giờ đây đến với David đem theo "hai con lừa mang bành" chở theo những đồ tiếp trợ cho David cùng người của vua khi họ tháo chạy ra khỏi Jerusalem. Xípba đã mang một tặng phẩm gồm "hai trăm ổ bánh, một trăm cái bánh nhỏ bằng trái nho, một trăm cái bánh nhỏ bằng trái vả, và một bầu rượu nho".
Ở câu 2 khi David hỏi Xípba về sự rời rộng của hắn ta, dường như vua có một ít ngạc nhiên. Có thể vua nghĩ rằng các món quà đó thực sự đến từ Mêphibôsết. Vua hỏi trong câu 3: "Vậy, con trai của chủ ngươi đâu?" Xípba thưa: "Người ở lại Giê-ru-sa-lem, vì nói rằng: Ngày nay nhà Y-sơ-ra-ên sẽ trả nước của cha ta lại cho ta".
Hãy nói về việc bị đâm từ sau lưng. Ân điển của David dành cho Mêphibôsết rất lớn lao, ơn nầy làm một minh hoạ cho ân điển Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ. Tuy nhiên khi David cần tới Mêphibôsết, mọi sự Mêphibôsết có thể suy nghĩ là về cái tôi của mình. Vì lẽ đó David đã nói với Xípba: "Thế thì, mọi vật thuộc về Mêphibôsết đều nên của ngươi".
VII. Bối cảnh thứ bảy. Trong làng (16.5-14).
Khi David và người của mình đã xuống hết "những làn nước mắt", họ đến tại một ngôi làng nhỏ có tên là "Bahurim". Bahurim là bối cảnh cho một cuộc tránh thoát rất hồi hộp trong chương kế tiếp. Còn bây giờ, khi họ tới nơi, "một người về dòng dõi nhà Saulơ" ra đến đón họ trên đường. Tên của người là "Simêi, con trai của Ghêra". Chắc chắn hắn ta không cảm thông đối với David. Ngược lại, hắn đi ra "vừa đi tới vừa rủa sả".
Không những hắn ta thốt ra những lời rủa sả, mà còn ném đá nữa! Hắn nhặt lấy những hòn đá bên đường rồi ném túi bụi vào David cùng "cả dân sự và các dõng sĩ". Hắn kêu la: "Ớ người huyết, người gian tà kia! Hãy đi nà! Hãy đi nà!" Hắn mắng nhiếc, chửi bới thậm tệ.
“Người đã tự làm vua thay vì Sau-lơ, nên bây giờ Đức GIÊHÔVA khiến những huyết của nhà người đổ lại trên ngươi; Ngài sẽ phó nước vào tay Áp-sa-lôm, con trai ngươi; và kìa, chính ngươi bị hoạn nạn, bởi vì ngươi là một người huyết” (II Samuên 16.8).
Con người nầy chẳng biết trước biết sau gì hết. Rủa sả David quả là một việc rất dại dột, đặc biệt trong sự hiện diện của "các dõng sĩ". Một người trong số họ, Abisai nói: "Cớ sao con chó chết kia dám mắng vua chúa tôi? Hãy để tôi đi chém đầu nó" (câu 9).
Phản ứng của David chẳng có gì khác hơn đôi chút ngạc nhiên. Ông tỏ ra một sự nương cậy tuyệt đối nơi lòng thương xót của Đức GIÊHÔVA và một đức tin tuyệt đối nơi quyền tể trị của Chúa. Ông nói:
“Hỡi các con trai Xê-ru-gia, ta có can hệ gì với các ngươi? Hãy để Si-mê-i rủa sả. Ấy là Đức GIÊHÔVA đã phán cùng người rằng: Hãy rủa sả Đa-vít. Vậy ai dám nói cùng người rằng: Cớ sao ngươi làm như vậy? Đoạn, Đa-vít nói với A-bi-sai và các tôi tớ mình rằng: Kìa, con ruột ta, là kẻ do lòng ta sanh ra, còn muốn hại mạng sống ta thay; phương chi người Bên-gia-min nầy! Hãy để cho nó làm, để nó rủa sả, vì Đức GIÊHÔVA đã phán dặn nó làm vậy. Có lẽ Đức GIÊHÔVA sẽ đoái xem sự hoạn nạn ta, lấy phước trả lại thế cho sự rủa sả mà ta bị ngày nay... (II Samuên 16.10-12).
Mặc dù sự thực là Simêi "đi theo hông núi, người vừa đi vừa rủa sả David, ném đá và hất bụi lên". David cứ tiếp tục đi qua ngôi làng. Mặc dù có sự ngược đãi của Simêi, vì dân sự đã "mệt nhọc rồi", David dừng lại và họ "nghỉ khoẻ tại đó".
VIII. Ba lẽ thật vô hạn.
Hoạn nạn mới biết bạn bè chơn thật.
Châm ngôn 17.17 chép: "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; Và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn". Khi tôi nhìn lại đời sống mình, tôi nhận ra tôi đã có nhiều bè bạn. Tuy nhiên, có ít "anh em" nào đứng với tôi khi gặp phải những điều khó nhọc. Có những người tôi tưởng là bạn hữu mình, khi tôi cần tới họ thì chẳng thấy họ đâu hết.
Những mối quan hệ gần gũi nhất là thuộc linh chớ không phải thuộc thể.
Há chẳng thú vị sao khi hầu hết những người trung thành với David đều không phải là người Do thái? Máu có thể dày hơn nước, nhưng Đức Thánh Linh ràng buộc tấm lòng chúng ta lại với nhau, thậm chí còn chặt chẽ hơn. Chúng ta thường gần gũi với các anh chị em thuộc linh trong Hội thánh hơn là với gia đình của chúng ta.
Đức Chúa Trời đang tể trị trên mọi sự.
David vốn hiểu rõ rằng "mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời" (Roma 8.28). Với Simêi, ông hiểu rõ y như Giôsép đã hiểu trong Sáng thế ký 50.20: "Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi". Chúng ta hãy chịu đựng chức vụ khó nhọc của mình theo ánh sáng của I Phierơ 4.19: "Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa thành tín".
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét