Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Tiếng của Cha tôi



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Tiếng của Cha tôi
I Samuên 29 - 30
Bạn thân thời thơ ấu của tôi là Steve và tôi thường hay chơi chung với nhau lúc 8 hay 9 tuổi. Hôm ấy là buổi trưa Chúa nhựt. Steve đã từ nhà thờ về nhà với tôi để chơi đùa vào buổi trưa. Sau một bữa ăn thường nhật gồm cà và thịt nướng từ bàn tay nấu nướng của mẹ, chúng tôi ra khỏi nhà đi chơi. Tôi không thể nhớ là trò chơi gì. Có thể chúng tôi đã giả vờ làm lính chiến. Có thể là nhà thám hiểm hay chiến sĩ biên phòng. Chúng tôi thấm mệt khi chạy quanh kho lúa rồi hướng ra rừng ở chung quanh ngôi nhà thời thơ ấu của tôi. Thời tiết thật ấm áp theo như sự tưởng tượng của tôi. Chúng tôi lang thang qua khu rừng sồi và rừng thông cao vút kia. Chúng tôi chơi đùa thật là vui, chẳng lo lắng chi hết. Tôi nhớ khi ấy có để ý tới góc lệch của mặt trời. Trời đã xế chiều rồi. Chúng tôi cần phải quay về nhà. Tôi đã bắt giật mình. Thực sự tôi không biết ngôi nhà ở chỗ nào nữa. Phải tìm kiếm ư? Chúng tôi đã hốt hoảng. Steve nghĩ chúng tôi nên đi theo đường nầy. Tôi nghĩ chúng tôi nên đi theo đường kia. Tôi dám chắc đã có một vài giọt nước mắt kinh khiếp lăn dài trên gương mặt non choẹt của chúng tôi. Khi ấy chúng tôi đã nhớ lại một số việc. Chúng tôi đã từng nhóm với nhau chung nhà thờ kể từ thời ấu thơ. Chúng tôi được học biết về Kinh Thánh, về Chúa Giêxu và về sự cầu nguyện. Chúng tôi đã quì gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Lúc bấy giờ tôi có nghe một tiếng nói. Tiếng ấy gọi đúng tên của tôi. Trong một phút, có lẽ tôi nghĩ đấy là tiếng của Đức Chúa Trời, nhưng tôi mau chóng nhận ra âm thanh của cha tôi đang gọi tôi. Chúng tôi bắt đầu gào lên gọi ông và chạy hướng có tiếng gọi ấy. Khi ấy chúng tôi mới khám phá ra là chúng tôi đã đi quá ngôi nhà của mình khoảng hơn 200 yards. Giống như chúng tôi đã đi xa những hai ngàn dặm vậy. Chúng tôi đã bị lạc mất cho tới khi cha tôi đến tìm gặp chúng tôi.
Đấy là một ký ức quí báu đối với tôi. Trong lý trí tôi, câu chuyện nầy tô vẽ một bức tranh phản ảnh lòng khao khát của Cha tôi ở trên trời. Tôi là con của Ngài. Ngài đã đời đời chuộc tôi làm con nuôi trong gia đình đời đời của Ngài. Khi tôi phiêu bạt xa cách Ngài trong khu rừng tội lỗi của chính tôi, Ngài kêu gọi tôi phải trở lại với quê hương. Khi tôi nghe theo âm thanh của tiếng Ngài, tôi biết không bao lâu nữa mình sẽ ở trong vòng tay ôm ấp của Ngài. Chúng ta thường là hạng con cái hoang đàng. Đức Chúa Trời là Cha thành tín của chúng ta. Trong thí dụ của Chúa Giêxu ở Luca 15, Ngài phác hoạ người cha đang chờ đợi và trông ngóng đứa con quay trở về. Trong cùng chương đó là một thí dụ khác. Thí dụ nầy không nói về một người cha mà nói về một người chăn chiên. Người chăn có một trăm con chiên và một con đã đi lạc. Ông ta để 99 con an ninh trong ràng và rồi ra đi để tìm con bị lạc mất. Chúa Giêxu phán: "Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai" (Luca 15.5). Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha thành tín, là Đấng đang trông đợi con cái Ngài, thế nhưng Ngài cũng là Đấng Chăn hiền lành lo tìm kiếm một con chiên bị lạc mất.
Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, David là con chiên bị lạc mất. Chàng là một đứa con hoang đàng. Chàng không bị mất theo ý nghĩa chàng chưa được cứu. Rốt lại David là người vừa lòng Đức Chúa Trời. Chàng chỉ lạc mất theo ý nghĩa chàng đã phiêu bạt xa cách con đường thuộc ý chỉ của Đức Chúa Trời mà thôi.
Tuần rồi, chúng ta đã tra xét một phân đoạn được đặt trong dấu ngoặc đơn ở 28.3-25 xử lý với chiều sâu sự loạn nghịch của Vua Saulơ đối cùng Đức Chúa Trời. Thay vì ăn năn và trở lại với Đức Chúa Trời, Saulơ đã tìm kiếm một môi giới của Satan ở kẻ cầu vong tại Ênđôrơ. Trong một phân đoạn Kinh Thánh kỳ lạ, Đức Chúa Trời đã cho phép Samuên trở lại từ cõi chết để cảnh cáo Saulơ với lần thương xót cuối cùng. Ông nói: "ngày mai ngươi và các con trai ngươi sẽ ở một nơi với ta" (câu 19). Nói cách khác, trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa, Saulơ và các con trai của ông ta sẽ ngã chết tại chiến trường khi đánh nhau với dân Philitin. Saulơ sẽ phải chết. Nhà Vua kiêu căng nầy vẫn không chịu ăn năn.
Chúng ta xem lại chương 27 ở hai tuần trước. Có điều chi đó đã thay đổi nơi David. Thậm chí sau những chiến thắng lớn, David đã thôi không còn ưa thích nơi Đức Giêhôva và không còn tin cậy nơi sức lực của Đức Chúa Trời nữa. Chàng đã thôi không cầu nguyện. Chàng đã thôi không sáng tác và ca hát các Thi thiên nữa. Chàng đã mất đi niềm vui nơi Đức Giêhôva và kết quả chàng đã mất hy vọng. Chàng nói: "Chắc một ngày kia, ta sẽ chết bởi tay Sau-lơ. Ta chẳng làm chi hay hơn bằng trốn trong xứ Phi-li-tin" (câu 1).
Quả thực David đã đi xuống thành Gát, một trong các thành thủ phủ của xứ Philitin. Chàng đã không đi một mình. “Sáu trăm người” của chàng cùng với gia đình của họ cũng cùng đi nữa. David đã trở thành một kẻ đánh thuê cho Akích vua của người Philitin. Akích đã ban cho David một thành dành riêng cho chàng ở miền nam. Thành nầy có tên là "Xếc lác". Ở đó trong Xiếc lác, David bắt đầu càn quét những cừu thù của Israel "dân Ghêsurít, dân Ghiệt xít, và dân Amaléc". Tuy nhiên, chàng đã dối gạt Akích và khiến cho ông ta tin rằng chàng đã càn quét các làng mạc của người Israel. Thực ra David đã phiêu bạt xa cách Đức Giêhôva. Chàng đã ở đó trong "một năm bốn tháng". Chàng đã tham dự một kỳ nghỉ 16 tháng xa cách Đức Chúa Trời. Đức Giêhôva sẽ không để cho con cái của Ngài phiêu bạt cho đến đời đời đâu!
F.B. Meyer đã viết:
“Sự thương xót đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã dịu dàng ấp ủ trên đời sống của David… Khi các tôi tớ của Đức Chúa Trời phiêu bạt ở một nơi xa xôi, họ giống như một mảy bông bay bềnh bồng trong gió và những nỗi buồn rầu cay đắng đâm thấu lòng họ, Ngài đang phủ bao con đường họ đi và chỗ họ nằm ngủ, Ngài đầy lòng quan tâm và thương xót, Ngài tỏ ra các dấu hiệu dịu dàng nhất của lòng thương xót, để đem họ về lại với chính mình Ngài”.
Đấng Chăn Chiên Hiền Lành đã tìm kiếm bầy chiên lạc mất của Ngài. Ngài bước xuống những chỗ giống như Gát và Xiếc lác để tìm gặp chúng ta. Ngài sẽ đến để tìm chúng ta dù chúng ta xuống tận bầu không khí oi bức của giận dữ và tức tối đặt không đúng chỗ. Ngài đến vì xứ sở giá lạnh, ở đó tấm lòng của chúng ta đang đóng băng và chúng ta đang mất hết mọi cảm giác. Ngài truy đuổi theo chúng ta bất cứ đâu chúng ta đang phiêu bạt. Tiếng nói của Ngài đang kêu gọi nhiều người chúng ta hôm nay. Chúa Giêxu phán trong Giăng 10.27: "Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta". Như tôi đã từng nghe giọng nói của cha tôi đang kêu gọi và tôi chạy về phía ông, tôi nguyện rằng khi chúng ta tìm tòi những câu nầy, hết thảy chúng ta sẽ nghe thấy giọng nói của Cha thiên thượng của mình và với sự ăn năn mà chạy đến cùng Ngài.
Cho phép tôi chỉ ra cho quí vị thấy bốn phương thức Đức Chúa Trời đã tìm ra David và đem chàng trở về từ những cuộc phiêu bạt của chàng.
I. Đức Chúa Trời tìm kiếm David bằng cách thay đổi hoàn cảnh của ông (29.1-11).
Trở lại với hai câu đầu của chương 28, chúng ta học biết rằng "dân Phi-li-tin hiệp với các cơ binh làm một đạo đặng giao chiến cùng Israel". Đây không phải là một cuộc đột kích nhỏ hay chạm trán ngắn đâu! Họ đang sắp đặt hàng ngàn người cho "cuộc chiến sau cùng kết thúc tất cả các cuộc chiến tranh" với kẻ thù của họ là dân Israel.
Vua Akích cho đòi David đến rồi nói: "Ngươi phải biết rằng ngươi và những kẻ theo ngươi sẽ đi ra trận cùng ta". Trái tim của David đã bỏ mất một nhịp đập khi nghe thấy tin tức nầy. Trốn tránh Saulơ trong vùng đất Philitin là một việc, còn hướng gươm chỉa vào dân tộc mình là một việc hoàn toàn khác. David đang kẹt ở trong thế gọng kìm. Chàng để cho Akích tin rằng chàng đã giết chóc và cướp phá các làng mạc của người Do thái. Akích nghĩ David đã hoàn toàn xây lưng lại với dân tộc của mình. Trong 27.12, ông ta nói: "Hắn làm cho hắn bị gớm ghiếc nơi Y-sơ-ra-ên, là dân sự hắn, nên chắc hắn sẽ làm tôi tớ ta đời đời".
David rất mau mắn. Chàng chẳng cần phải suy nghĩ chi hết. Chàng không nói rằng chàng sẽ giao chiến với quân đội của Vua Saulơ. Chàng nói: "Vua sẽ thấy điều tôi tớ vua làm". Akích nghĩ rằng David đang bằng lòng đi đánh trận với ông ta, vì vậy ông ta nói: "Thế thì, ta sẽ lập ngươi làm thị vệ ta luôn luôn".
Sau phần mô tả chi tiết ngắn xen giữa cuộc viếng thăm của Saulơ tại Ênđôrơ, chương 29 trở lại với bối cảnh nói tới đoàn quân đông đảo của người Philitin. Câu 1 nói: "Dân Phi-li-tin nhóm hiệp hết thảy các đạo quân tại A-phéc, còn dân Y-sơ-ra-ên đóng trại gần suối Gít-rê-ên".
Dân Philitin vốn không có một chính quyền trung ương hay lực lượng quân đội theo hình thức. Đúng hơn, đây là một liên minh lỏng lẻo của 5 thành phố. Đây là một tập đoàn đầu sỏ chính trị chớ không phải một chế độ quân chủ đâu. Đã có 5 lãnh chúa phong kiến, mỗi người cai trị xứ ở quanh thủ phủ của mình. Vua Akích là lãnh chúa trên xứ Gát. Cũng có Áchkêlôn, Ách đốt, Écrôn và Gaza. Mỗi người trong số họ đã cai trị độc lập xứ sở của họ. Tuy nhiên, hết lúc nầy tới lúc khác, họ sẽ huy động tất cả quân đội của họ để giao chiến với một kẻ thù chung. Đây là trường hợp trong phân đoạn Kinh Thánh nầy. Họ đã huy động người, xe ngựa, cùng các chiến cụ của họ lên vùng đồng bằng thuộc bờ biển Aphéc. Từ đây họ sẽ tổ chức chiến dịch rồi di chuyển về phía đông hướng về Sunem (28.4).
Hãy tưởng tượng David khi chàng cùng đi với người của mình đến Aphéc xem. Từng bước chân của 50 hay 60 dặm đường đó rất là đau đớn. Làm sao chàng giơ tay mình lên nghịch cùng Saulơ, là vua xức dầu của Đức Chúa Trời cho được? Làm sao chàng rút gươm ra nghịch cùng Giônathan, người bạn thân nhất của mình cho được? Làm sao chàng dẫn người theo mình vào chiến trường chống lại đồng bào của mình cho được? Làm sao chàng cai trị trên Israel được nếu chàng đánh trận chống lại họ? Có thể trong nỗi tuyệt vọng tấm lòng chàng đã đi ngược lại với Đức Giêhôva rồi.
Tại Aphéc, câu 2 chép: "Các quan trưởng dân Phi-li-tin và đạo quân kéo ra trước từng trăm từng ngàn; còn Đa-vít và những kẻ theo người đi hậu-tập với A-kích". Hàng ngàn chiến binh đã đi ở đàng trước David. David dường như có mặt ở đầu quân đội của Akích với hàng trăm hay có lẽ hàng ngàn binh lính ở sau lưng chàng. Chàng phải dự chiến mà không thế chạy đâu được.
Quí vị có thể hình dung ra năm vị "lãnh chúa của người Philitin" đang ở vào một vị thế cân nhắc chăng? Xung quanh họ là "các quan trưởng dân Philitin". Có lẽ "các quan trưởng" phải được dịch là "tướng chỉ huy" hay "thủ lãnh". Dường như họ là những sĩ quan lãnh đạo quân đội của 5 vị lãnh chúa kia. Khi quân của Akích kéo ra trước mặt họ, ngay lập tức họ phát hiện ra David và người của chàng. Họ thắc mắc: "Những người Hêbơrơ đó là ai?"
Akích thực sự tin David và cố gắng bảo hộ cho chàng. Ông ta đáp: "Ấy là Đa-vít, tôi tớ của Sau-lơ, vua Israel, ở với ta đã lâu ngày chầy năm". Dường như ông ta đinh ninh lắm đến nỗi ông ta thổi phồng lên thời gian David đến sống với ông ta. Ông ta nói thêm: "Từ ngày người sang nơi chúng ta cho đến bây giờ, ta chẳng thấy lỗi gì nơi người" (câu 3).
Akích như đang rao bán song các lãnh đạo quân sự lại không chịu mua. Câu 4 chép rằng họ đã "nổi giận" rồi nói:
“Hãy đuổi người nầy trở về chỗ ông đã lập hắn, chớ cho hắn đi đánh giặc với chúng ta, e trong lúc chiến đấu, hắn trở lòng nghịch chúng ta chăng; vì hắn làm thế nào cho được hòa cùng chủ mình, há chẳng phải nhờ những thủ-cấp của chúng ta sao?”
Kế đó họ đã nhắc cho Akích nhớ tới một bài ca từ vài năm trước. Bài ca ấy như sau: "Saulơ giết hàng ngàn, còn David giết hàng vạn". Họ đã nhớ rất rõ và đã nhìn thấy tận mắt mình sự David đánh bại Gôliát rất đáng kinh kia. Họ vốn biết rõ thể nào chàng đã lãnh đạo nhiều trận đột kích và đã tham dự trong nhiều trận đánh chống lại họ. Thậm chí nếu Akích tin cậy David, còn họ thì không đâu! Họ e rằng lực lượng "những người mạnh sức" của David sẽ trở đánh lại họ ở giữa chiến trận.
Akích không thể bác họ được. Vì vậy ông ta đã gọi David đến rồi sai David trở về nhà tại Xiếc lác. Cái điều mỉa mai ở đây, ấy là nhà vua tà giáo nầy tuyệt đối thành thực với David trong khi David, người vừa lòng Đức Chúa Trời cứ tiếp tục dối gạt ông ta. Akích nói:
“Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, ngươi vốn một người ngay thẳng, ta thích ngươi vào trong trại quân với ta, vì từ ngày ngươi đến cùng ta cho tới ngày nay, ta chẳng tìm thấy nơi ngươi điều chi đáng trách. Nhưng ngươi không đẹp lòng các quan trưởng. Vậy bây giờ, hãy lui về và đi bình an, hầu cho khỏi mất lòng các quan trưởng Phi-li-tin” (các câu 6-7).
Ở ngoài mặt, David giả đò vô tội vạ và bị tổn thương. Chàng nói: "Tôi có làm điều gì?" Còn ở bên trong ông nói: "Úi chà”, David tiếp tục giả vờ chàng bằng lòng đi đánh trận và chàng bị sĩ nhục vì chàng bị từ chối (câu 8). Hãy lắng nghe cách đáp của Akích: "Ta biết điều đó, ngươi vốn đẹp lòng ta như một thiên sứ của Đức Chúa Trời, tuy nhiên…" (câu 9). Đó là một câu thành ngữ Hêbơrơ thốt ra từ những người giàu ơn, thận trọng và khôn ngoan. Ông ta đưa ra cho David một lời ca ngợi thuần Hêbơrơ.
Theo lịnh của Akích, David cùng người của chàng "dậy sớm, để vừa sáng mai đi trở về". Họ hướng ngược lại về Xiếc lác trong xứ Philitin, trong khi toàn bộ phận quân đội Philitin "đi lên Gít-rê-ên" để đón quân Isarel tại chiến trường.
David đã phiêu bạt xuống xứ Philitin xa cách Đức Chúa Trời. Chàng đã định cư xa cách Đức Chúa Trời ở Xiếc lác. Chàng tìm sự yên ủi khi cách xa Đức Chúa Trời. Trong 16 tháng, Đức Chúa Trời đã để cho David cứ ở lại đó. Sau cùng Đức Chúa Trời, Đấng Chăn Chiên tử tế đã đến để nhận lấy David bằng cách thay đổi mọi hoàn cảnh của chàng và xoa dịu tấm lòng chàng. Tôi e rằng chàng đã cầu nguyện khi ra trận với người Philitin đến Aphéc. Mặc dù Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết, tôi tưởng tượng ra chàng đã nhìn lên Đức Chúa Trời tìm sự giải cứu ra khỏi tình trạng khó chịu đó, vì chàng biết rõ chàng không thể tự cứu lấy mình.
Quí vị có bao giờ đến sống tại Xiếc lác chưa? Tôi không có ý nói rằng quí vị thực sự đã sống tại vùng Trung đông để quí vị định cư xa cách ý chỉ của Đức Chúa Trời trong đời sống của quí vị? Có phải quí vị lui đi khỏi Chúa không? Có phải quí vị thu mình lại trong sự cay đắng không? Có phải quí vị cố tình theo đuổi một tội lỗi nào đó, một thứ đam mê nào đó kín đáo chăng? Có phải quí vị đã ra khỏi mối tương giao với Hội thánh chăng? Có phải quí vị thôi không dành thì với Ngôi Lời chăng? Phải chăng đời sống cầu nguyện của quí vị không còn tồn tại nữa? Ôi chẳng còn chút nhiệt thành, sốt sắng nào dành cho Chúa nữa sao? Phải chăng tấm lòng của quí vị từng nóng cháy đã trở thành nguội lạnh rồi sao? Nếu thực vậy, nếu quí vị là một tín đồ chân chính, đã được sanh lại và được làm con nuôi trong gia đình của Đức Chúa Trời, trong bầy của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ không để cho quí vị ở lì trong tình trạng đó cho đến đời đời đâu! Nếu quí vị không chịu ăn năn và bằng lòng quay trở lại với Ngài; Ngài sẽ theo ở đàng sau quí vị. Ngài sẽ thay đổi mọi hoàn cảnh của quí vị để quí vị buộc phải kêu cầu nơi Ngài.
II. Đức Chúa Trời tìm kiếm David bằng cách cất bỏ niềm vui của ông (30.1-6).
Đời sống của một người tin Chúa được định cho phải đầy dẫy với niềm vui mừng. Thi thiên 16.11 chép: "Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng". Châm ngôn 15.15 chép: "Các ngày kẻ bị hoạn nạn đều là gian hiểm; Song lòng vui mừng dự yến tiệc luôn luôn". Thậm chí khi chúng ta sống trong những ngày u ám và trải qua trũng kinh nghiệm chúng ta tìm thấy niềm vui mừng của mình ở trong Chúa. Thi thiên 37.4 chép: "Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước". Nêhêmi 8.10 chép: "vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi". Một trong các nhà văn mà tôi ưa thích, là John Piper từng nói: "Đức Chúa Trời được vinh hiển nhiều nhất nơi chúng ta khi chúng ta biết vui thoả ở trong Ngài".
Nan đề của chúng ta, ấy là chúng ta thường tìm kiếm sự vui vẻ trong thế gian thay vì tìm kiếm ở nơi Chúa. David đã làm thế tại Xiếc lác. Chàng đã phát giàu có tại đó. Trong nhiều tháng trời, chàng đã cướp phá những kẻ cừu thù của Israel và chiếm lấy bầy và của cải của họ làm của riêng mình. Chàng đã tìm kiếm sự vui vẻ trong sự dư dật của cải và trong uy tín giữa vòng người của mình và trước mắt hai người vợ của chàng. Đức Chúa Trời đã phán với Môise: "Vì ta là Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà" (Xuất Êdíptô ký 20.5). Vì David đã tìm kiếm niềm vui của mình trong khoái lạc tạm thời thay vì tìm kiếm Chúa, Đức Chúa Trời đã cất bỏ những khoái lạc theo đời nầy mà chàng đương có.
Chương 30 bắt đầu với việc mô tả David cùng người của chàng trở lại thành Xiếc lác của họ vào "ngày thứ ba" của chuyến đi. Họ lấy làm kinh khủng khi thấy rằng dân "Amaléc" đã loán đến khi họ vắng mặt và đã "xông vào Xiếc lác và đã phóng hoả nó”. Không những họ đã phóng hoả thành phố, mà họ còn bắt “dẫn tù” cả thảy, phụ nữ và trẻ em, hết thảy "kẻ lớn nhỏ tại đó". Tôi không nghĩ David và người của mình vốn biết rõ điều nầy, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng "chúng nó chẳng giết một ai, song khi đi, có dẫn tù hết thảy".
David đã làm giàu bằng cách giết dân Amaléc và cướp phá của cải của họ (đối chiếu 27.8-9). Dân Amaléc đã hay biết dân Philitin đi tấn công dân Israel. Họ biết rõ các chiến binh từ cả dân Philitin và dân Israel trong các làng mạc sẽ rất bận rộn lo đánh nhau, nhơn đó nhà cửa của họ sẽ bỏ trống chẳng ai bảo vệ, vì vậy họ đã loán đến và phóng hoả trong khi những người kia không có mặt ở nhà.
Quí vị cảm thấy thể nào nếu quí vị ra đi trên một chuyến công du trong mấy ngày rồi trở về thấy nhà mình chỉ là một đống đổ nát ngun ngút khói, còn gia đình của quí vị thì biến đâu mất chẳng chút dấu vết? Bị sốc, giận dữ, thịnh nộ… mấy từ nầy không bắt đầu để mô tả các cảm xúc đang phủ lút trên David cùng người của chàng ngay thời điểm nầy. Câu 4 chép: "Bấy giờ, Đa-vít và những kẻ theo người đều cất tiếng khóc, khóc đến đổi không còn sức khóc nữa". Họ đã khóc đến nỗi mắt họ lồi ra. Mọi sự họ đã phấn đấu tìm kiếm nay không còn chi nữa. Mọi sự còn lại chỉ là những đống đổ nát mà thôi.
Không những hết thảy người trong gia đình ông biến đâu mất, mà đặc biệt, câu 5 nhắc tới hai người vợ của David "Ahinôam" và "Abigain" cũng đã bị "dẫn tù".
David bị "sự hoạn nạn lớn". Hãy hình dung những chiến binh tinh nhuệ, “những người mạnh sức” nầy xem, họ khóc than về sự mất mát gia đình của họ. Có người tìm được di tích sót lại là con gấu nhồi bông của đứa con gái mình. Người kia lôi ra được tấm ảnh cô dâu mới của mình. Họ nghĩ mọi người đều đã bị giết hết hay đã bị đem bán đi làm nô lệ rồi. Thế rồi nỗi buồn lớn lao ấy đổi thành giận dữ. Họ bắt đầu đưa ra nhiều thắc mắc. Sao mọi việc nầy xảy ra được chứ? Ai chịu trách nhiệm? Ai dẫn chúng ta ra khỏi làng? Ai bảo chúng ta phải đi với người Philitin? Ai không để người canh chừng ở lại? Chúng ta chịu như thế nầy là vì ai? Tất nhiên là mọi ngón tay đều chỉ về phía David. Một số người trong họ thậm chí "toan ném đá người" nữa. Sao vậy? Bởi "hết thảy đều có tâm hồn đầy cay đắng" (câu 6).
David đã chìm xuống đến chỗ thấp nhất rồi. Chàng đã mất hết mọi sự. Mọi sự giàu có chàng tích lũy đã bị phóng hoả hay bị cướp mất hết rồi. Chẳng một thứ gì còn lại. Chàng đã bị quét sạch về mặt tài chính, phá sản, và chẳng thứ chi còn lại. Đức Chúa Trời đã dứt bỏ niềm vui tạm thời về sự giàu có và của cải ra khỏi cái nắm bắt của chàng. Ở đỉnh cao đó, tất cả những người mạnh sức nầy, là những người đã theo chàng lâu nay bây giờ họ sẵn sàng xây khỏi chàng. Họ không còn xem chàng là đấng cứu tinh và vua của họ nữa, mà họ xem chàng là người chịu trách nhiệm cho cái chết của gia đình họ. Trong 16 tháng, David đã tìm kiếm niềm vui trong tiền bạc và người của mình, nhưng giờ đây Đức Chúa Trời đang dời đi cả thảy.
David định làm gì đây? Chìa khoá cho cả tiểu đoạn nầy nằm ở phần cuối của câu 6: "Nhưng Đa-vít được sức mạnh nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình". Chỉ khi chàng đụng tới tận đáy thì David mới nhớ xây lại với Đức Giêhôva. Chàng đã xây lại ngay lập tức. Chàng không phải là người vừa lòng Đức Chúa Trời vì bất kỳ một lý do nào khác trừ ra chàng luôn luôn ăn năn ngay lập tức khi chàng nhìn nhận tội lỗi của mình.
Đôi khi chúng ta cứng lòng và cứng cổ đến nỗi Đức Chúa Trời phải sử dụng những bước chân gay gắt để lôi kéo sự chú ý của chúng ta. Đôi khi chúng ta bị mù quáng do sự kiêu ngạo và bị thái độ ích kỷ của mình làm cho bị điếc lác đến nỗi Đức Chúa Trời sử dụng một cú gọi tỉnh thức liên hồi để mở con mắt của chúng ta ra. Đôi khi Ngài cất đi điều chi quí báu đối với chúng ta.
Hãy mở ra ở I Côrinhtô 11.27-33. Nội dung ở đây là sự tổ chức thông công, khi đến với bàn tiệc của Chúa. Chúng ta đã nghe điều nầy nhiều lần rồi. Chúng ta mỗi người cần phải "xét" mình và phải biết chắc rằng chúng ta không làm ô uế bàn tiệc của Chúa bằng cách ăn uống "cách không xứng đáng" và "mắc tội với thân và huyết của Chúa". Người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó là "ăn uống sự xét đoán cho mình". Bây giờ hãy nhìn kỹ vào câu 30. Phaolô nói rất đặc biệt: "Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm". Một số tín đồ trong Hội thánh Côrinhtô đã đau ốm và mắc nhiều chứng bịnh ghê gớm lắm, là do họ phải gánh chịu sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời! Họ đã làm ô uế bàn tiệc của Chúa. Phaolô nói thêm: "và có lắm kẻ đã ngủ", ý ông nói là họ đã chết. Có những người từ Hội thánh Côrinhtô đã ở trong mồ mả vì thái độ của họ đối với Đức Chúa Trời. Giống như Vua Saulơ, Đức Chúa Trời đã đưa họ về quê hương đấy thôi.
Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta nhiều đến nỗi không để cho chúng ta ở trong tình trạng không ăn năn. Ngài kêu gọi chúng ta trở lại với chính mình Ngài. Khi chúng ta không đáp ứng, Ngài khến cho chúng ta phải đau khổ. Nếu phải lấy bịnh tật, Ngài để cho chúng ta phải chịu bịnh tật. Nếu phải cần tới tai hoạ về tài chính, Ngài để cho chúng ta phải phá sản. Nếu phải cần tới sự chết, Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta về quê hương. Nếu chúng ta không tìm thấy niềm vui của mình ở trong Ngài, Ngài cất bỏ đi niềm vui chúng ta có từ trong thế gian.
Hãy xem nhanh ở Giăng 16.20-24. Chúa Giêxu đang phán dạy về sự chết và sự sống lại của Ngài. Ngài báo cho các môn đồ biết không bao lâu nữa họ sẽ "khóc lóc, than vản" vì sự chết của Ngài trên thập tự giá. Ngài phán: "người đời sẽ mừng rỡ; các ngươi sẽ ở trong sự lo buồn, nhưng sự lo buồn các ngươi sẽ đổi làm vui vẻ". Tại sao vậy? Vì trong ba ngày Chúa Giêxu sẽ sống lại từ kẻ chết. Trong câu 22, Ngài phán: "Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được". Trong câu 24, Ngài phán: "Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn".
Khi các môn đồ còn ở với Chúa Giêxu thì có sự vui mừng. Khi Ngài chết, họ sẽ buồn bực lắm song họ sẽ vui vẻ thậm chí với niềm vui cả thể khi họ trông thấy Ngài sau sự sống lại. John Piper bắt lấy phần ứng dụng thực tế của phân đoạn nầy bằng lời lẽ sau:
“Sự phân cách khỏi Chúa Giêxu có nghĩa là đau buồn. Sự phục hồi mối tương giao có nghĩa là vui mừng. Vì lẽ đó, chúng ta học biết rằng không một Cơ đốc nhân nào có thể có đầy dẫy vui mừng mà chẳng có một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Giêxu Christ. Thông biết về Ngài cũng chưa phải là đủ đâu. Làm việc cho Ngài cũng chưa phải là đủ đâu. Chúng ta phải có mối tương giao cá nhân, sâu đậm với Ngài; bằng không Cơ đốc giáo trở thành một gánh nặng không có sự vui mừng”.
Lý do duy nhứt đức tin của quí vị có thể trở thành "một gánh nặng không có sự vui mừng" là nếu quí vị không cứ cách nào đó đã tự mình ra khỏi niềm vui đang sẵn có trong Chúa Giêxu. David đã đến mức cuối của mình và "được sức mạnh nơi Giêhôva Đức Chúa Trời mình". Chỉ khi đó gánh nặng của ông mới được khuây khoả và niềm vui của ông mới trở lại.
III. Đức Chúa Trời tìm kiếm David bằng cách ban ra ân điển của Ngài (30.7-20).
David phải làm chi đây? Câu 7 nói chàng đã gọi "thầy tế lễ Abiatha" và xin Abiatha đem theo "cái êphót" để David có thể cầu vấn Đức Giêhôva hầu biết rõ ý chỉ của Ngài trước khi ông hành động. Meyer nói:
“Trong thì giờ khủng khiếp đó, với tro tàn còn úng khói dưới chân ông, với bàn tay âu lo lạnh lẽo cho số phận của hai người vợ đang xé nát trái tim ông, với ý thức về cách ăn ở hai lòng và dối gạt mà ông đã thực thi và đã xa lánh Đức Chúa Trời, với lời đe doạ ném đá bên tai mình, tấm lòng David đột nhiên xây trở lại với nơi yên nghỉ cũ trong lòng của Đức Chúa Trời… Từ giây phút nầy trở đi, David chính là ông như xưa, ông mạnh mẽ, vui sướng và cao thượng như trước. Lần đầu tiên sau nhiều tháng trời chẳng ngó ngàng đến, ông bảo Abiatha đem cái êphót đến cho ông, và ông đang cầu vấn Đức Giêhôva”.
Như chúng ta đã học biết trước đây, cái êphót chứa Urim và Thumim, sự sáng và sự trọn vẹn từ đó chàng có thể tiếp thu một câu trả lời được hay không được từ Đức Chúa Trời. David "cầu vấn Đức Giêhôva" bằng cách đưa ra hai câu hỏi. Thứ nhứt, "Tôi phải đuổi theo đạo binh nầy chăng?" và thứ hai: "Tôi sẽ theo kịp chăng?" Đức Chúa Trời đã đáp lại bằng cách nói "được" cho cả hai câu hỏi và rồi thêm một lời hứa phước hạnh: "Hãy khởi đuổi theo nó; quả thật ngươi sẽ theo kịp, và giải cứu hết thảy những kẻ bị bắt".
Quí vị có thấy ÂN ĐIỂN ở chỗ nầy không? Đức Chúa Trời thực đang phán:
“Hỡi David, hãy đuổi theo chúng. Ngươi sẽ dễ dàng tìm gặp chúng và ta bảo đảm là ngươi sẽ thu lại mọi thứ. Hai vợ ngươi không sao đâu. Không một sợi tóc nào bị tổn hại ở trên đầu của bất kỳ một đứa trẻ nhỏ nhất nào. Ngươi trở lại với Ta ngay bây giờ ta sẽ chúc phước cho ngươi!”
David đã chổi dậy với "sáu trăm" chiến binh của mình rồi ra đi với họ. Giống như trong phim ảnh miền Viễn Tây xưa kia, họ là một lực lượng vũ trang rất mạnh. Họ cỡi ngựa đi rất nhanh cho tới chừng họ đến tại "khe Bêsô". Hãy nhớ họ đã mới vừa đi khoảng chừng gần 60 dặm tính từ Aphéc. Giờ đây một phần ba trong số họ đã bị kiệt sức đến nỗi không đi xa thêm được nữa. Họ muốn tiếp tục đi nữa, song không thể. David và bốn trăm người khác để đồ đạt lại cho họ giữ và lên đường mau chóng (câu 9-10).
Dọc đường, họ "gặp một người Êdíptô", đây là một gã nô lệ đã bị dân Amaléc khát máu bỏ lại đàng sau. David đã dừng lại đủ lâu để ban cho hắn ta đồ ăn và nước uống hầu giúp cho hắn kiếm lại được sức lực. David cần thông tin và Đức Chúa Trời đã để gã nầy lại ở đây để cung cấp thông tin đó. Chàng hay được rằng dân Amaléc đã di chuyển nhanh đến nỗi bỏ lại gã Ai cập nầy ở đàng sau vì hắn "đau". Hắn vui sướng báo cáo lại mọi hoạt động của kẻ thù cho David biết rồi dẫn chàng đến gặp chúng (các câu 11-15).
Không bao lâu sau đó, họ trông thấy một trại quân lớn "tràn ra khắp xứ" thay vì tập trung theo kiểu cách quân sự. Dân Amaléc đang "ăn uống và chơi giỡn, vì cớ của cướp rất nhiều mà chúng nó đã đoạt lấy". Chúng đang ở trong tình trạng say sưa kỷ niệm thành công cuộc tấn kích của chúng. Chúng rất dễ bị xâm hại. Mặc dù David và bốn trăm người của mình còn sót lại có lẽ là đủ đông người rồi, họ "đã đánh chúng nó từ tảng sáng ngày đó cho đến chiều ngày sau". Đây là một trận đánh đủ lâu về thời gian. Thế mà lực lượng của David đã chiến thắng đến nỗi "trừ ra bốn trăm người trai trẻ cỡi lạc đà chạy trốn, thì chẳng một ai thoát khỏi". Câu 18 đặc biệt nói: "Đa-vít thâu lại mọi vật dân A-ma-léc đã cướp lấy, và cũng giải cứu cho hai vợ mình nữa". Không những chàng đã thâu lại mọi vật và mọi người đã bị cướp đi khỏi họ, mà chàng còn thu lấy "hoá tài" mà chúng đã cướp lấy từ các làng mạc khác nữa. Người của chàng nói: "Nầy là của David bắt được". Không những giờ đây David đã đem về lại những người thân và mọi hoá tài của họ, mà còn kiếm được nhiều hơn thế nữa (các câu 16-20).
Ân điển là “ơn không đáng được của Đức Chúa Trời”, là phước hạnh không đáng được của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không những phục hồi lại gia đình và của cải của David, mà Ngài còn cho thêm bằng mọi cách. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của ÂN ĐIỂN DIỆU KỲ. GIÓP đã mất hết mọi sự nhưng Đức Chúa Trời đã phục hồi lại cho ông "nhiều gấp hai những gì ông đã có trước đó" (Gióp 42.10). Khi ĐỨA CON HOANG ĐÀNG trở về với Cha của nó, nó đã nhận được chiếc nhẩn, áo xống và đôi giày vừa chân của mình. Con bò con mập đã bị giết và người ta đã dọn một bữa tiệc. Sau khi PHIERƠ chối Chúa, ông đã được phục hồi và được sử dụng như một sức mạnh trong thời Hội thánh đầu tiên. Khi Đức Chúa Trời đến kêu gọi chúng ta trở lại với Ngài, Ngài không đến với hình phạt mà đến với ân điển. Thi thiên 86.5 chép: "Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha thứ cho, ban sự nhơn từ dư dật cho những người kêu cầu cùng Chúa".
Hỡi những người tin Chúa, vì chúng ta hiểu biết ân điển và sự nhơn từ của Chúa, chúng ta cần phải mau chóng ăn năn khi chúng ta phiêu bạt xa cách Ngài. Giống như David, chúng ta cần phải trở thành những người nam người nữ vừa lòng Đức Chúa Trời, ngay khi chúng ta nhận biết chúng ta đã phạm tội chúng ta phải cúi mặt xuống và tìm kiếm ân điển của Ngài. Hãy lắng nghe Roma 2.4: "Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhơn từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhơn từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao?" Đừng khinh dễ sự nhơn từ và ân điển của Ngài, hãy trở lại cùng Ngài.
IV. Đức Chúa Trời tìm kiếm David bằng cách thêm cho ông sự khôn ngoan (30.21-31).
David và bốn trăm người kia lo gói ghém gia đình, các bầy gia súc, cùng những chiến lợi phẩm rồi trở về Xiếc lác. Không bao lâu sau đó, họ về đến "khe Bêsô", ở đây hai trăm người kia, là những kẻ đã ở lại sau đặng giữ đồ đạt. Không nghi ngờ chi nữa, số người nầy đã run lên khi thấy David trở về với gia đình của họ còn sống và mạnh giỏi. Họ "đi tới đón David". David "lại gần họ". Từ ngữ Hêbơrơ chỉ ra rằng chàng đã hỏi han với sự thương cảm về sức khoẻ của họ. Chàng đã quan tâm tới họ bằng sự chơn thật (câu 21).
Đã có một số người giữa vòng bốn trăm người kia đã được mô tả là "kẻ hung ác, côn đồ". Có một số người như thế trong từng đám đông. Họ đã làm chao đảo anh em của họ khi nói: "Bởi vì chúng nó không đi cùng chúng ta, chúng ta sẽ không nhường cho chúng nó một phần của cải nào mà chúng ta đã lấy được, chỉ trả lại vợ và con của mỗi người mà thôi. Chúng nó hãy dẫn họ mà đi đi".
Các chiến binh ích kỷ nầy cho rằng nếu họ là những người đã tham gia chiến trận, họ sẽ thu lấy chiến lợi phẩm. Họ nghĩ mấy gã kia vì quá mệt mõi không thể tiếp tục đi được nữa, họ không nên nhận lấy của hoá tài. Họ định rằng mọi thứ sẽ được chia chác giữa vòng bốn trăm người, rằng họ đã thắng trận và đáng được hưởng của hoá tài. Mắt của họ không đặt nơi Chúa mà đặt nơi của cải. Mọi sự họ có thể nhìn thấy là những tờ đô la mà thôi.
Sự thật cho thấy rằng họ chẳng kiếm được gì cả. Đức Chúa Trời đã ban cho họ chiến thắng. Đức Chúa Trời đã bảo tồn cho gia đình họ còn sống. Đức Chúa Trời đã ban trở lại và làm cho họ thêm của hoá tài. David vốn biết rõ điều nầy. Chàng đã chứng kiến sự thực là chàng không còn phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời nữa bằng lời lẽ khôn ngoan nầy:
“Hỡi anh em, chớ làm như vậy về vật mà Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta; Ngài đã gìn giữ ta, phó cho ta đạo binh đã đến đánh chúng ta. Vậy, ai theo lời định ước của các ngươi được? Phần của kẻ ra trận và phần của kẻ giữ đồ-vật phải bằng nhau; chúng ta sẽ chia cho nhau vậy” (các câu 23-24).
Thực vậy, sự khôn ngoan của David lớn lao đến nỗi "kể từ ngày ấy, ông lập điều đó làm luật và lệ trong Israel, hãy còn đến ngày nay" (câu 25).
Như minh chứng sâu xa về sự khôn ngoan của David khi chàng đồng đi với Chúa, chàng đã lấy mọi chiến lợi phẩm thu được từ chiến trường rồi chia đều chúng ra và gửi chúng như tặng phẩm cho nhiều "trưởng lão trong xứ Giuđa".
Khi quí vị loạn nghịch chống lại Đức Chúa Trời, quí vị có khả năng phạm phải nhiều lỗi lầm dại dột. Tuy nhiên, khi quí vị trở lại và đồng đi với Ngài, Đức Chúa Trời ban cho quí vị sự khôn ngoan tuyệt diệu lắm của Ngài. Gióp 28.28 chép: "Đoạn, phán với loài nguời rằng: Kính sợ Chúa, ấy là sự khôn ngoan; Tránh khỏi điều ác, ấy là sự thông sáng". Châm ngôn 1.7 chép: "Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức; Còn kẻ ngu muội khinh bỉ sự khôn ngoan và lời khuyên dạy". Giacơ 1.5 biến lời hứa nầy ra tuyệt vời: "Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho".
Tôi sẽ không bao giờ quên buổi trưa Chúa nhựt ấy cách đây thật nhiều năm, trong giây phút sợ hãi tôi nghe thấy tiếng nói quen thuộc của cha mình. Kể từ đó, thật nhiều lần, khi tôi phiêu bạt trong tội lỗi và sự ích kỷ của chính mình, tôi đã nghe thấy giọng nói của Cha Thiên Thượng đang gọi tôi quay trở lại. Ngài không quên tôi. Ngài yêu thương tôi nhiều đến nỗi không rời xa tôi. Ngài sẽ làm cho mọi hoàn cảnh của tôi phải thay đổi. Ngài sẽ dời đi niềm vui của tôi. Ngài sẽ làm bất cứ điều chi để đem tôi trở lại cùng Ngài. Khi tôi xây lại, rồi chạy về phía có giọng nói của Ngài, Ngài ban cho tôi với ân điển và nâng đỡ tôi bằng sự khôn ngoan của Ngài. Có phải quí vị cần tới ân điển hôm nay không? Có phải quí vị cần sự khôn ngoan của thiên đàng không? Hãy chạy về phía có giọng nói của Cha quí vị. Ngài đang chờ đợi với đôi vòng tay mở rộng đấy!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét