Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Cái giá của sự kiêu ngạo



Đời sống và thời thế của Vua David
Cái giá của sự kiêu ngạo
II Samuên 24
Craig Larson thuật lại câu chuyện nói về Jose Cubero, một trong những tay đấu bò thần kỳ của Tây ban Nha. Anh chỉ mới có 21 tuổi và đã tận hưởng một sự nghiệp mà ai cũng phải nể nang. Tuy nhiên, vào một ngày không được tốt trong năm 1958 anh đã phạm một sai lầm. Anh đâm thanh gươm của mình lần sau cùng vào con bò đang đổ đầy máu, điên tiết, nó té sụp xuống. Cubero xây về phía đám đông đang vỗ tay reo hò, họ đã đứng dậy hết trong sự tán thưởng. Anh ta bị tiếng hoan hô dậy trời che lấp đến nỗi anh ta không hay con bò vừa bật dậy, nó lao tới bất thình lình tấn công tay đấu bò trẻ tuổi nầy và cắm cặp sừng của nó vào lưng anh ta thấu tim luôn. Trong cú sốc mạnh đó, Cubero đã xây mặt về phía người phụ tá của mình rồi kêu lên: "Pali, con bò nầy đã giết tôi rồi". Bài học là: Kiêu ngạo luôn luôn bật dậy đâm sau lưng chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ xem kiêu ngạo đã chết trước khi chúng ta chết.
Trong tuổi già của ông, khi ông đã hiểu biết nhiều hơn, Vua David đã vô ý bị sự kiêu ngạo đánh úp.
Trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy thể nào kiêu ngạo đã làm cho ông bị tổn thương trước mọi kế sách của ma quỉ. Sự kiêu ngạo khiến cho ông phải chối bỏ phần trình tấu đáng phải nghe theo. Sự kiêu ngạo khiến cho ông phải mở cuộc điều tra dân số dân Israel và làm cho sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên xứ sở.
Chúng ta sẽ xét chương nầy trong ba tiểu đoạn. Tội lỗi của David, nỗi đau buồn của David và của lễ của David và kế đó hãy xét qua một vài bài học sau cùng cần phải tiếp thu về sự kiêu ngạo.
I. Tội lỗi của David (các câu 1-9).
A. Đức Chúa Trời nổi giận dân Israel (câu 1a).
Câu 1 bắt đầu bằng cách nói cho chúng ta biết: "Cơn thạnh nộ của Đức Giêhôva lại nổi phừng cùng dân Israel…" Thú vị thay, từ Hy bá lai nói tới "thạnh nộ" có ý nói tới lỗ mũi hay cái mũi. Khi quí vị nổi giận dữ, quí vị thở rất khó nhọc, tim quí vị đập thình lình. Đây là phần nhân loại học (anthropomorphism). Mặc dù Đức Chúa Trời là thần không có lỗ mũi hay cái mũi, ở đây vẽ ra một bức tranh bằng lời cho chúng ta thấy rằng Ngài rất giận dữ. "Nổi phừng" có nghĩa là phực lên giống như một ngọn lửa vậy. Đức Chúa Trời không những bị phiền muộn hay bực tức bởi dân Israel. Mà Ngài còn phừng lên cơn giận đối cùng họ nữa.
Tại sao chớ? Tại sao Đức Chúa Trời lại giận phừng đối cùng dân sự Ngài chớ? Tôi không biết. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết. Có một manh mối ở đây qua một chữ của câu nói. Quí vị có nhìn thấy chữ ấy chưa? Kinh Thánh chép: "Cơn thạnh nộ của Đức Giêhôva lại nổi phừng cùng dân Israel…""Lại" là chìa khoá cho sự hiểu biết của chúng ta.
Trở lại chương 21, chúng ta thấy rằng đã có "một ách cơ cẩn trong ba năm liên tiếp" (câu 1). Khi ách cơ cẩn nầy kéo dài liên tục "hết năm nầy sang năm khác" không ngưng nghỉ, nhà Vua kết luận rằng đây là một sự phán xét của Đức Giêhôva vì một tội lỗi nào đó. Khi ông cầu hỏi Chúa, ông mới hay được rằng sở dĩ có ách cơ cẩn ấy là "vì cớ Sau-lơ và nhà đổ huyết của người, bởi vì người có giết dân Ga-ba-ôn". Israel đã có một giao ước 400 năm với dân Gabaôn. Vài năm trước, Saulơ và "nhà" của ông hay các con trai ông đã tìm cách phạm vào tội diệt chủng chống lại họ. Họ đã tìm cách hết hết thảy dân Gabaôn. Kết quả của cơn sóng bạo lực và giao ước bị phá vỡ như thế nầy đã làm cho Đức Chúa Trời phải nổi giận. Ngài đã cho phép một nạn đói kém khắc nghiệt giáng trên xứ. Đến khi dân sự ăn năn và kết án tử hình các con trai phạm tội của Saulơ thì Đức Chúa Trời mới cất bỏ nạn đói và ban phước lại cho dân sự của Ngài.
Giờ đây chúng ta đọc ở ba chương sau đó: "Cơn thạnh nộ của Đức Giêhôva lại nổi phừng…". Lần nầy chúng ta không được Kinh Thánh cho biết lý do tại sao. Mọi sự chúng ta có thể làm là đoán thôi. Có thể Israel đã nguội lạnh và lỏng lẻo trong sự thờ phượng của họ đối với Đức Chúa Trời. Có thể một số người đã xây sang thờ lạy hình tượng. Có thể họ đã từ chối không ngợi khen Đức Chúa Trời vì các ơn phước dư dật của Ngài dưới sự trị vì của Vua David. Có thể Ngài trừng phạt họ vì sự loạn nghịch của Ápsalôm và Sêba.
Theo ý của tôi thì Israel là một dân đã mập mạnh và kiêu ngạo dưới quyền trị vì của David. Tôi nghĩ họ đã sống giống y như Hội thánh Laođixê. Chúa Jêsus đã phán về dân sự nầy trong Khải huyền 3.15-16.
"Ta biết công việc của ngươi; ngươi không lạnh cũng không nóng. Ước gì ngươi lạnh hoặc nóng thì hay! Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta".
Tôi tin tội lỗi của Israel là thiếu nương cậy vào Đức Giêhôva. Dân tộc nầy đã tin vào các tài nguyên, vào sự giàu có và vào sức mạnh quân sự của chính mình. Hết thảy chúng ta đều rơi vào sự kỷ luật của Đức Giêhôva khi chúng ta bắt đầu tin cậy vào các ân tứ thay vì tin cậy vào Đấng Ban Cho.
B. Đức Chúa Trời giục lòng David tu bộ dân sự (câu 1b).
Đức Chúa Trời đã nổi "thạnh nộ" với dân Israel và quyết định trừng phạt họ, vì vậy Ngài đã "giục lòng David nghịch cùng chúng" để tính sổ với họ. Từ chỗ đọc phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta hiểu rõ David đang thực hiện sự tu bộ, và điều nầy rất tội lỗi. Ở đây chúng ta đọc thấy rằng Đức Chúa Trời đã "giục lòng" ông thực hiện cuộc tu bộ đó. Điều nầy giới thiệu cho chúng ta thấy một vấn đề rất nghiêm trọng. Tu bộ dân là một việc làm tội lỗi nhưng Đức Chúa Trời dường như lại là tác giả của hay ít nhất là kẻ xúi giục tội lỗi nầy. Ở cái nhìn đầu tiên chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã giục David phạm tội và điều nầy hoàn toàn vi phạm vào các bổn tánh của Đức Chúa Trời.
Ở đây là một nguyên tắc giải thích Kinh Thánh. Khi quí vị nghiên cứu Kinh Thánh và thấy điều chi đó dường như là một sự mâu thuẫn, Lời của Đức Chúa Trời không phải là sai, chính sự hiểu biết của quí vị là sai! Khi quí vị nghiên cứu tới chỗ chẳng đặng đừng như thế nầy, quí vị phải đào thêm một chút sâu hơn và nghiên cứu kỷ lưỡng hơn.
Chúng ta biết với sự chắc chắn tuyệt đối rằng Đức Chúa Trời không giục David phải phạm tội. Chúng ta có thể nắm chắc hoàn toàn phần giải thích đó. Giacơ 1.13 rõ ràng nói: "Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai". Đức Chúa Trời là thánh. Đức Chúa Trời là siêu việt. Đức Chúa Trời ghét tội lỗi với một thứ tình cảm giận phừng. Đức Chúa Trời không thể dung chịu tội lỗi được. Cách duy nhứt chúng ta có thể tiếp cận Đức Chúa Trời là bởi sự thực Đấng Christ đã trả giá cho mọi tội của chúng ta và che phủ chúng ta bằng sự công bình của Ngài. Đức Chúa Trời xem khinh tội lỗi, vì vậy Ngài sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ cám dỗ quí vị phạm tội đâu.
Như vậy, phân đoạn Kinh Thánh nầy dạy dỗ điều gì? Đức Chúa Trời"giục lòng David" làm một việc tội lỗi là có ý nghĩa gì? Để giúp chúng ta hiểu rõ, Kinh Thánh giới thiệu một câu chuyện tương đương trong I Sử ký 21. Ở câu 1 của chương ấy, chúng ta đọc: "Sa-tan dấy lên muốn làm hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn giục Đa-vít lấy số Y-sơ-ra-ên". A, đây là một manh mối. Satan có dính dáng vào.
David đã có lòng muốn tu bộ dân Israel rồi, đặc biệt là quân đội của ông. Ông muốn nhìn thấy xứ sở của ông cả thể là dường nào. Ông muốn đếm hết sự thành công của mình. Trong lòng ông đã muốn phạm tội rồi, ông chỉ cần được “giục” hay cám dỗ nữa là xong.
Hãy hiểu rằng Satan luôn luôn đứng sẵn đó để dẫn chúng ta vào trong tội lỗi. Trong Khải huyền 12.10 hắn được gọi là "kẻ kiện cáo anh em chúng ta". Có nhớ Gióp không? Satan muốn hại ông ấy. Satan dám chắc hắn sẽ khiến cho ông ấy phạm tội. Satan nói với Đức Chúa Trời như sau: "Gióp há kính sợ Đức Chúa Trời luống công sao? Chúa há chẳng dựng hàng rào binh vực ở bốn phía người…?" (Gióp 1.9-10). Có nhớ Chúa Jêsus đã nói gì với Phierơ không? Ngài phán trong Luca 22.31: "Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì". Dường như là Đức Chúa Trời đang có một chiếc hàng rào bảo hộ dựng quanh dân sự Ngài.
Đức Chúa Trời sử dụng mọi hành động gian ác của Satan vì các mục đích cao đẹp của chính Ngài. Thí dụ, trong I Côrinhtô 5.5 Phaolô nói về một tín đồ tà dâm, loạn nghịch: "…rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus". Ở ngoài sự bảo bọc, dạy dỗ và tương giao của Hội thánh, người tín đồ không chịu ăn năn kia sẽ bị Satan lợi dụng để rồi người sẽ bằng lòng và ăn năn hối hận mà xây trở về Chúa. Ở một phương thức tương tự, trong I Timôthê 1.20, Phaolô nói về: "…Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ, ta đã phó cho quỉ Sa-tan rồi, hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa". Thêm nữa, II Côrinhtô 12.7 chép: "Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo".
Vì vậy đây là những gì câu nầy muốn nói tới. Để đem lại điều ích lớn lao hơn khi sửa phạt Isarel vì cớ tội lỗi của họ, Đức Chúa Trời đã cho phép Satan cám dỗ David tu bộ họ. Trong sự toàn tri của Ngài, Đức Chúa Trời vốn biết rõ mọi điều David sẽ lo làm, nhưng Ngài không khiến David phải làm mọi điều đó. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Trời vốn biết rõ Ađam và Êva sẽ phạm tội, nhưng Ngài chắc chắn sẽ không khiến họ phạm tội. Đức Chúa Trời vốn biết rõ Giuđa sẽ phản bội Đấng Christ. Điều nầy đã được nói tiên tri rồi trong Cựu Ước. Tuy nhiên, Ngài không khiến Giuđa phải làm điều nầy. Ngài đã sử dụng tội lỗi của Giuđa nhưng Ngài không giục Giuđa phải phạm tội. Đức Chúa Trời đã sử dụng tội lỗi của David, nhưng không giục David phạm tội. Giống như Giôsép đã nói với các anh mình: "Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi…" (Sáng thế ký 50.20).
C. David truyền cho Giôáp lo tu bộ dân sự (các câu 2-9).
Chúng ta đã mất nhiều thời gian với câu thứ nhứt, nhưng phải có sự cố ý như thế. Tôi muốn quí vị phải hiểu rõ câu ấy. Giờ đây chúng ta sẽ đi nhanh hơn.
Ở câu 2, David triệu Giôáp đến, ông ta là: "quan tổng binh" và nói với ông ta: "Hãy đi khắp các chi phái Y-sơ-ra-ên, từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, tu bộ dân sự, để cho ta biết số dân Y-sơ-ra-ên là bao nhiêu".
Tu bộ dân sự không có gì là mới mẻ hết. Nhà cầm quyền của chúng ta đang lo thực thi cuộc điều tra dân số mỗi 10 năm một lần. Cuộc tu bộ nầy đã diễn ra mấy lần trong quá khứ của dân Israel. Thực ra, có nguyên một quyển sách có tên là "Dân số ký!" Thí dụ, Môise đã kê sổ toàn bộ dân Israel để xem coi xem có bao nhiêu người "đi ra trận được" (Dân số ký 1.1-4). Hơn nữa, Môise đã thực hiện cuộc kê sổ từ giữa vòng người Kê hát và người Ghẹt sôn để xem coi có bao nhiêu thầy tế lễ ở đó (Dân số ký 4.2, 22). Khi Saulơ tập trung các lực lượng để giải phóng Giabe ở Galaát trong I Samuên 11, ông đã đếm những người có khả năng chiến đấu (I Samuên 11.8). Ngay cả David đã tu bộ rồi các chiến binh trung thành của mình, những ai cùng đứng chống lại sự nổi loạn của Ápsalôm (II Samuên 18.1). Vì vậy tội lỗi không nằm ở chỗ tu bộ, mà nằm ở chỗ động lực. Tội lỗi đã có mặt nơi sự kiêu ngạo, nơi thái độ cậy mình và thái độ tự mãn mà David đã có qua cuộc tu bộ.
Giôáp chắc chắn không phải là một người công bình, thế nhưng ông đã nhìn thấy qua lịnh lạc của David. Ông chống lại: "Nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua làm cho dân sự vua ngày nay được còn thêm gấp bằng trăm, và nguyện mắt vua chúa tôi thấy sự gia thêm ấy! Nhưng cớ sao vua chúa tôi vui lòng về một việc như vậy?" Hãy so sánh với phần tường trình trong I Sử ký 21.1: "Nguyện Đức Giê-hô-va gia-thêm dân sự Ngài nhiều gấp trăm lần đã có! Ôi vua chúa tôi! hết-thảy chúng nó há chẳng phải là tôi tớ của chúa tôi sao? Cớ sao chúa tôi dạy bảo làm đều đó? Nhơn sao chúa tôi muốn gây tội lỗi cho Y-sơ-ra-ên?" Ngay cả Giôáp cũng có thể nhìn thấy tội lỗi trong cuộc tu bộ nầy.
Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: "lời của Vua thắng hơn lời của Giôáp". Vì vậy, ông đem "các quan tướng" theo rồi băng qua sông Giôđanh nhắm hướng Bắc, rồi hướng Tây, kế đó là hướng Nam đặng tu bộ dân Isarel. Sau "chín tháng hai mươi ngày" ông trở về báo cáo cho nhà Vua. Tổng cộng "trong Y-sơ-ra-ên có tám trăm ngàn người lính chiến, có tài cầm gươm được, và trong Giu-đa năm trăm ngàn người". Như vậy toàn bộ lực lượng “dõng sĩ” (mạnh sức, đã được huấn luyện, can đảm) là 1 triệu 300 ngàn người.
Quí vị phải để ý rằng I Sử ký 21.5 cung ứng một con số khác. Ở đây nói rằng Israel có "một trăm mười vạn người cầm gươm; trong cả Giu-đa được bốn mươi bảy vạn người cầm gươm". Tại sao lại có tình trạng không nhất quán với nhau như vậy? Có vài cách giải thích khả thi. Cách thứ nhứt theo tôi thì câu chuyện ở II Samuên tính đến các chiến binh đã được huấn luyện, có kinh nghiệm, còn I Sử ký có ý nói tới toàn bộ số chiến sĩ đã tu bộ được.
II. Nổi buồn đau của David (các câu 10-17).
A. Một tấm lòng bị xét đoán (câu 10).
Câu 10 cho chúng ta biết: "Sau khi tu bộ dân sự rồi, David bị lương tâm cắn rứt". Từ ngữ Hy bá lai nói tới chỗ “cắn rứt” có thể dịch như sau "bị thương tổn". Ông đã bị lương tâm mình cắn rứt. Tội lỗi đã quét qua ông. Ông đã nhìn biết mình đã bước ra khỏi sự hiện diện với Đức Chúa Trời. Ông nhận biết mình đã dại dột dường bao khi từ chối không chịu nghe theo Giôáp. Thay vì cảm thấy vui mừng và tự hào với tầm cỡ của quân đội mình, ông đã bị "lương tâm cắn rứt".
Khi một người tin Chúa bất chấp sự dạy của Kinh Thánh, từ chối không giải trình với các cấp lãnh đạo thuộc linh của mình mà cứ buông mình ở trong tội lỗi, đây là kết quả. Như tội lỗi của ông với Bátsêba, Đức Chúa Trời đã vắt kiệt David. Ngài đã đánh vào tận sâu thẳm lương tâm của ông. David biết rõ mình đã sai. Ông biết rõ mình đã phạm tội rất trọng.
Câu 11 dường như chỉ ra rằng các sự cố trong câu 10 đã diễn ra vào ban đêm. Quí vị có thể tưởng tượng David đang nằm trên giường mình trong cung điện. Tài liệu tu bộ đang nằm trước ngọn đèn đặt trên cái bàn kia. David đang cố sức ngủ, song giấc ngủ đã không chịu đến. Ông cứ xây trở luôn luôn. Ông rất tội nghiệp trong tội lỗi của mình. Ông nói:
“Tôi đã làm như vậy, thật là đã phạm tội rất nặng. Vậy, bây giờ Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy cất tội lỗi của kẻ tôi tớ Ngài đã phạm; vì tôi có làm cách ngu dại quá”(câu 10).
Khi quí vị phạm tội, khi lương tâm xét đoán quí vị, khi Đức Thánh Linh thuyết phục quí vị thì khi ấy hãy XƯNG TỘI! Hãy ăn năn trước mặt Chúa giống như David đã ăn năn vậy. Hãy sửa lại mọi việc với anh chị em của quí vị đi. Con đường tệ hại nhứt là cứ tiếp tục bước đi trong sự loạn nghịch của mình.
B. Ba lựa chọn (các câu 11-14).
Câu 11 nói rằng "Sáng ngày mai, khi David dậy". Tôi nghĩ ông chỉ có thể ngủ được sau khi đã xưng ra tội lỗi mình và làm cho tấm lòng được hoà lại với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã sẵn đợi David vào buổi sáng đó. Ngài đã phán với "tiên tri Gát, là người tiên kiến của David" và nói với ông như sau: "Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta có ba điều định cho ngươi; trong ba điều đó, hãy chọn một, rồi ta sẽ lấy nó mà phạt ngươi".
Có phải bố mẹ quí vị từng để cho quí vị lựa chọn hình phạt không? Chúng ta đang làm việc ấy hết lúc nầy tới lúc khác cùng con cái của mình. Thí dụ, chúng sẽ chọn chịu quất một vài roi, không được mở TV trong 2 tuần lễ hoặc không được đi chơi với bạn bè trong một tuần lễ. Cũng vậy, Đức Chúa Trời đã để cho David một sự chọn lựa giữa ba hậu quả rất ghê khiếp. Phần lựa chọn thứ nhứt là "bảy năm đói kém [nhiều bản Kinh Thánh cũng như I Sử ký 21.12 chép: ‘ba năm'. Có lẽ chỗ nầy đúng vì chẳn trơn với ba năm, ba tháng và ba ngày]. Thứ hai, ấy là ông sẽ phải "chạy trốn trong ba tháng" đặng tránh né kẻ thù mình. Phần lựa chọn sau cùng là "dịch hạch trong ba ngày" trên xứ sở.
Quí vị sẽ chọn phần nào đây? Cho phép tôi nói với các em thiếu nhi trong một phút thôi. Các em đã học một bài học từ David ở đây. Nếu quí vị đọc câu 14 quí vị thấy rằng David đã không máy móc chọn lựa một roi vào mông hay một sự sửa phạt dài hạn. Thay vì thế, ông đã ném mình vào ơn thương xót của Đức Giêhôva. Hãy lắng nghe điều ông nói: "Sự khốn khổ tôi lớn thay [tôi không biết phải chọn cái nào]. Nguyện tôi sa vào tay của Đức Giêhôva, vì những sự thương xót của Ngài là lớn lắm, nhưng chớ cho tôi sa vào tay của loài người ta". Mọi sự David đã nhận biết, ấy là ông không muốn chọn số 2 – bị kẻ thù truy đuổi. Ông biết Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời rất thương xót. Ông biết Đức Chúa Trời sẽ xử lý với ông và dân tộc giống như một người cha yêu thương vậy. Ông biết rõ rất đau đớn khi chịu sự sửa phạt của Chúa, nhưng thà là chịu thế còn hơn là phải chịu dưới tay của loài người. Vì vậy, hỡi các em, nếu tôi là các em và bố mẹ tôi cho phép tôi chọn lấy một hình phạt, tôi sẽ nói: "Xin cho con được chịu phạt dưới tay thương xót của bố mẹ! Các em nghĩ xem, ai sửa phạt là tốt nhứt!"
Đức Chúa Trời không những đang xét đoán dân Israel, mà Ngài còn dạy dỗ David nữa. Đức Chúa Trời thành tín kỷ luật con cái Ngài. Đây là một dấu hiệu chỉ ra tình yêu thương của Ngài đang dành cho họ.
“lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con, rằng: Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa, và khi Chúa trách, chớ ngã lòng; Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt" (Hêbơrơ 12.5-6).
“Vì Chúa chẳng hề bỏ cho đến đời đời. Dầu Ngài đã làm cho lo buồn, còn sẽ thương xót theo sự dư dật của lòng nhơn từ Ngài; Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu” (Ca thương 3.31-33).
C. Sự phán xét giáng suống (các câu 15-17).
Đức Chúa Trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của David. Từ "buổi sớm mai cho đến thì giờ Ngài đã nhứt định" nạn "dịch hạch" đã xảy đến. Từ ngữ "dịch hạch" có nguyên ngữ "nói tới sự hủy diệt". Dường như chữ nầy có ý nói tới một thứ tật bịnh ngay lập tức giáng thẳng xuống cho dân sự. Trong vụ nầy "chết bảy vạn người".
Hãy nhớ, Đức Chúa Trời không những kỷ luật David, mà trong “cơn thạnh nộ” công bình của Ngài, Ngài còn giáng sự phán xét trên Israel vì một tội khác không được ghi chép lại. Quí vị hãy để ý đến chi tiết trong câu 15, ở đây nói rằng nạn dịch đã quét "từ Đan cho đến Bêe Sêba". Đây đúng là phương thức David đã truyền cho Giôáp phải tu bộ dân sự. Cũng mỉa mai lắm khi David kê sổ dân sự, sau đó có “bảy vạn người” đã ngã chết.
Trên khắp Israel, dân sự đang rơi vào cảnh chết chóc do nạn dịch hoàn hành. Câu 16 mô tả nạn dịch theo hình thức một "thiên sứ". Đây không phải là một em bé mập mạp với đôi cánh kèm theo một cây kèn đâu, mà là một đại biểu đáng sợ của cơn thạnh nộ thánh của Đức Chúa Trời. Ngài đã đánh dân sự từ hết thảy các gia đình, các chi phái và các thành của Israel. Kế đó Ngài đã đến và "giơ tay ra trên Jerusalem đặng hại nó". Tất nhiên Jerusalem là thủ đô, thành phố đông dân nhất. Tiếng chuông sự chết đang rung lên ở một cấp độ cao hơn.
Thế rồi "Đức Giêhôva hối hận về tai họa ấy". Ngài phán với thiên sứ hành hại dân sự như sau: "Thôi, bây giờ hãy rút tay ngươi lại". Có một thuyết thần học phổ thông mà thời buổi ấy gọi là "thuyết hữu thần mở rộng" về cơ bản thuyết nầy dạy rằng Đức Chúa Trời không biết hết mọi sự, đặc biệt là cõi tương lai. Họ chỉ ra một vài phân đoạn khó hiểu trong Cựu Ước như phân đoạn nầy với nổ lực minh chứng cho lý thuyết của họ. Họ nói trong phân đoạn nầy Đức Chúa Trời đã "hối hận" hoặc đã đổi ý mình về sự hành hại.
Họ tìm cách xoá đi bổn tánh thiêng liêng của Đức Chúa Trời và đức tin chính thống Cơ đốc theo lịch sử, những người theo thuyết hữu thần nầy bất chấp ý nghĩa đơn giản của câu nầy. Giống như David đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban ra "ơn thương xót lớn lao" của Ngài. Ngài đã không đổi ý của mình. Ngài đã hành động trong sự thương xót. Giống như hình ảnh trong câu 1, câu nầy là câu nói theo nhân loại học (anthropomorphic). Thuyết nầy trình bày một Đức Chúa Trời vô hạn bằng từ ngữ hữu hạn mà chúng ta có thể hiểu được.
Dòng cuối cùng của câu 16 nói rằng: "thiên sứ của Đức Giê-hô-va ở gần sân đạp lúa của A-rau-na” [hay Ọtnan như trong I Sử ký 21.15]. Câu 17 chép rằng David "thấy thiên sứ". Đức Chúa Trời để cho ông thấy cả lãnh vực thuộc linh và một cái nhìn thoáng qua đại biểu siêu nhiên nầy "Đấng đang hành hại dân sự".
David nhìn thấy thiên sứ với hai cánh tay giang rộng ra hướng về thành phố thủ đô và ông đã kêu la với Đức Chúa Trời một lần nữa: "Ấy chính tôi đã phạm tội, tôi là kẻ có tội; còn các con chiên kia có làm chi?.... Nguyện tay Chúa chỉ hành hại tôi và nhà cha tôi". David đã nhìn thấy dân sự giống như "bầy chiên". Ông đã nghĩ họ sống vô tội. Ông không biết Đức Chúa Trời đang xét đoán họ vì một việc khác. Giống như Con của David, là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài đã cầu thay cho dân sự và đã hiến chính thân mình làm một của lễ trong chỗ của họ.
III. Của lễ của David (các câu 18-25).
A. Huấn thị của Gát (các câu 18-19).
Trong khi David đang nhìn xem thiên sứ và nài xin với Đức Giêhôva, một lần nữa Đức Chúa Trời sai tiên tri Gát đến nói với ông. Lần nầy huấn thị có như sau: "Hãy đi lên, lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va tại nơi sân đạp lúa của A-rau-na, người Giê-bu-sít".
Một cái "sân đạp lúa" là trung tâm hoạt động kinh tế của bất kỳ một làng mạc nào của người Palestine trong suốt mùa gặt. Nông dân đã gặt hái mùa lúa của mình bằng lưỡi liềm rồi đem chúng đến tại sân đạp lúa cho bò đạp để lấy hột ra khỏi gié lúa. Kế đó lúa sẽ dê sạch không còn rơm rạ bằng những cây chĩa hất lúa lên cao. Thường thì có một kho thóc gần đó để cất giữ sản phẩm sau cùng.
Hãy hình dung David khi ông đến gần “sân đạp lúa của Arauna" với lòng cung kính trong khi mắt ông cứ nhìn về phía thiên sứ đang đứng ở đó. I Sử ký 21.16 chép:
"Đa-vít ngước mắt lên, thấy thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng giữa lừng trời, tay cầm gươm đưa ra trên Giê-ru-sa-lem. Đa-vít và các trưởng lão đương mặc bao gai, liền sấp mình xuống đất".
B. Sự cung hiến của Arauna (các câu 20-23).
Theo câu chuyện trong I Sử ký, khi David đến gần sân đạp lúa, Arauna (hay Ot nan) ngước mắt nhìn lên và ông nhìn thấy thiên sứ. Bốn người con đang lao động với ông ta đều "ẩn mình đi", còn Arauna cứ đứng đó làm công việc "đạp lúa" của mình.
Khi David cùng đoàn tùy tùng của mình đã tới gần, Arauna "sấp mình xuống đất trước mặt Đa-vít mà lạy". David thông báo cho ông ta biết ông đến đó để "mua sân đạp lúa". Ông nói cho Arauna biết ông tính "xây tại đó một cái bàn thờ cho Đức Giêhôva, để ngừng tai họa hành hại dân sự".
Arauna không có nhiều ý kiến. Ông ta đem Vua David qua một bên nầy và thiên sứ của Đức Giêhôva ở một bên kia. Ông ta là người Giêbusít, một người Ngoại và được phước trú ngụ tại đây gần gũi với thành Jerusalem. Ông ta biết rõ David phải mua cái sân nầy từ nơi ông và ông phải bán nó đi. Ông ta có thể đòi một giá cao rồi nhận lấy nó. Có thể chính sự nhìn thấy thiên sứ khiến cho ông phải lui lại. Thay vì trình cho David một giá bán, ông đã hiến dâng cái sân đạp lúa cho nhà Vua. Sự cung hiến của ông không những cái sân đạp lúa thôi, mà còn luôn cả đôi bò để làm của lễ thiêu cùng cái ách, cộ đạp lúa làm mồi cho lửa nữa. Đây là mọi sự mà David có cần để dâng của lễ cho Đức Chúa Trời đã được hiến cho ông cách miễn phí.
Một lần nữa có lẽ với một con mắt nhìn về phía thiên sứ, Arauna nói thêm: "Nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua tiếp nhận vua!" (câu 23).
C. Quyết định của David (các câu 24-25).
David không chậm trễ. Thậm chí ông không coi việc nhận lãnh tài sản của Arauna là một của dâng nữa. Ông nói: "không không được; ta muốn mua hết của ngươi, cứ theo giá bạc. Ta không muốn dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta những của lễ thiêu không đáng giá chi".
David đã trả một giá đúng đắn cho cái sân và thực thi các của lễ của mình dâng lên Đức Chúa Trời. Câu, chương và sách kết thúc với đáp ứng nầy: "Thế thì, Đức Giê-hô-va động lòng thương Y-sơ-ra-ên, và tai họa trong xứ bèn ngừng lại" (câu 25).
IV. Các bài học cần phải tiếp thu.
A. Kiêu ngạo là hột giống của nhiều tội lỗi.
Như chúng ta đã bàn bạc trước đây, Đức Chúa Trời đang vận hành ở đàng sau bối cảnh xét đoán dân Israel vì mọi tội lỗi của họ. Đức Chúa Trời đã sử dụng điều ác đã có ở trong lòng của David để bày ra cơn phán xét nầy. Đức Chúa Trời nhìn thấy ở trong lòng David và đã nhìn thấy tội kiêu ngạo đó. David, trong lúc tuổi già đã thêm lên sự tự mãn, tự phụ. Ông không có trách nhiệm phải giải trình với bất cứ ai. Ông bất chấp lời bàn của Giôáp.
B. Kiêu ngạo lòn lách với nổi ám ảnh muốn tu bộ dân sự.
Tôi nói điều nầy kèm theo với lời xin lỗi những người làm kế toán trong hội chúng của chúng ta! Hạng người kiêu ngạo có ấn tượng với công việc kê sổ Họ đánh giá bản thân và đánh giá nhau bằng chỉ số lương hàng năm, và bằng mạng lưới giá trị của họ. Họ thường nói với người bán xe hơi bằng câu nói nầy: "Để tôi chỉ cho ông thấy cái điều mà người hàng xóm của ông không thể có được". Họ bị ám ảnh đối với việc kê sổ giống như thể họ có việc gì đó phải làm với mọi ơn phước của họ!
Các Hội thánh cũng có loại kiêu ngạo nầy. Họ lo lắng không biết có bao nhiêu người đến nhóm lại. Họ lo lắng không biết có bao nhiêu tiền đã được dâng cho. Họ lo không biết có bao nhiêu m2 nằm trong điều kiện dễ dàng cho họ. Các vị Mục sư xét đoán nhau bằng tầm cỡ của hội chúng của họ.
Đấy là một trong các lý do mà quí vị không nhìn thấy việc kê sổ sự nhóm lại trên bảng hay trên thông báo. Tôi không chịu thực hiện các cuộc kê sổ đó từ tuần nầy sang tuần khác. Nếu mục tiêu của chúng ta là nhắm vào việc nhìn thấy có bao nhiêu người đến nhóm tại nhà thờ hay có bao nhiêu tiền chúng ta thu vào, làm sao chúng ta có thể nhìn xem Chúa cho được? Tôi tin nếu chúng ta lo về chất lượng chức vụ của chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ lo về số lượng của chức vụ chúng ta.
C. Kiêu ngạo bị Đức Chúa Trời quở trách bằng kỷ luật.
Giacơ 4.6 chép: "Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường". Giacơ 4.10 chép: "Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên". 1 Phierơ 5.5-6 chép: "Cũng khuyên bọn trẻ tuổi, hãy phục theo các trưởng lão. Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến ký thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên".
D. Kiêu ngạo không hợp với sự thờ phượng thật.
David không thể dâng cho Đức Giêhôva của lễ không đáng giá chi. Người biết thờ phượng, dâng hiến cho Đức Chúa Trời phải là một của lễ, một sự hy sinh. Kẻ kiêu ngạo dâng hiến một cách miễn cưỡng từ chỗ có dư dật. Người biết hạ mình, ngoài của lễ còn dâng lên niềm vui mừng nữa.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét