Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

MARY & MATHÊ



MARY & MATHÊ
CÂN ĐỐI THỨ TỰ NHỮNG ĐIỂM ƯU TIÊN TRONG CUỘC SỐNG
Luca 10.41-42: “Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.
Alice Mathews dùng những kinh nghiệm trong cuộc sống và tấm lòng của bà để đem đến nhận định tươi mới đối với Lời của Đức Chúa Trời. Bà là một vị giáo sĩ, vợ của một vị Mục sư, là người mẹ, người bà. Giờ đây với học vị Tiến sĩ vừa mới nhận được, bà là đương kim Giáo Sư ở Thần Học Viện Gordon Conwell.
Chỉ có một phụ nữ bận rộn mới hiểu được tấm lòng của Mathê, một phụ nữ bận bịu, làm việc quá tải trong Tân Ước. Cũng phải có một phụ nữ có tấm lòng chuyên suy gẫm mới ham thích ở nơi chơn của Chúa mình để hiểu rõ tấm lòng của Mary, là em của Mathê.
Tôi tin Alice đúng là một phụ nữ như thế. Và bà chia sẻ mọi nhận định của bà về Mary và Mathê trong những trang sách sau đây.
Martin R. De Haan II Hội Trưởng Hội Truyền Giáo RBC
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG THÀNH CÔNG TRONG HAI THẾ GIỚI (PHẦN I)
Phấn đấu để được coi trọng
Khi tôi học lớp 5, tôi bắt đầu học biết cái điều được gọi là “khoa nội trợ”. Đến khi tôi lên trung học, danh xưng được đổi thành “kinh tế gia đình”. Tôi hiểu danh xưng ấy trong course đại học giờ đây đổi thành “sinh thái học về con người”. Bởi bất kỳ danh xưng nào, thì nó cũng y như nhau mà thôi:
một học kỳ cho nấu ăn
một học kỳ cho may vá
một học kỳ cho nấu ăn
một học kỳ cho may vá
Quí vị có thể tìm thấy chính mình trong một phương thức tương tự.
Tôi không dám chắc tôi ghét cái nào nhất – nấu ăn hay may vá. Lúc được 10 tuổi, tôi không thể phân các quả trứng ra sao cho gọn gàng hoặc ghép hai đường viền của miếng vải để may cho thẳng hàng được. Tôi nhớ gần như tôi đã tốn rất nhiều thời gian trong các phòng học về khoa nội trợ.
Chúng ta học may đồ bằng cách sử dụng máy may đạp bằng chân. Khi ấy chưa có điện như bây giờ đâu. Khi tôi dừng chân đứng lại ở một tiệm vải để chọn một mẫu, tôi liếc nhìn một loạt máy may hiện đại đang trưng bày ở đó – loại máy may bằng điện chạy bằng máy tính hoá, thật là kỳ diệu! Tôi cũng để ý thấy một thứ đã thay đổi kể từ khi tôi được giới thiệu môn nội trợ cách đây 50 năm. Ở mặt trước máy may phía bên trên cây kim là mặt đồng hồ điều chỉnh lực căng của sợi chỉ khi máy chạy.
Để có một đường may chắc chắn một sợi chỉ chạy từ ống ở phía trên và một sợi chỉ khác từ suốt chỉ ở bên dưới phải đan cài vào nhau thật êm ả và chặt chẽ lên đường may của miếng vải. Một cô thợ may có kinh nghiệm phải kiểm tra lực căng của sợi chỉ và thực hiện phần điều chỉnh từng phút một trên mặt đồng hồ vì cô ta hiểu rõ tầm quan trọng của lực căng, vì thế mới điều chỉnh sao cho thật phù hợp.
Có nhiều lúc khi tôi đạp máy may, tình cờ tôi đụng phải mặt đồng hồ điều chỉnh đó. Tôi nghe thấy những tiếng kêu click-click, chúng cho tôi biết tôi đã làm đảo lộn sự cân đối của sợi chỉ ở phía trên và sợi chỉ ở bên dưới bàn máy. Tôi biết các đường chỉ sẽ không còn chạy đúng mức và dày chắc như trước nữa, cho tới khi nào tôi điều chỉnh lại lực căng đó. Mọi hoạt động khác phải dừng lại cho tới khi tôi đã làm cho hình thái đan cài của hai luồng chỉ đã được thích ứng như trước.
Khi tôi đọc Luca 10.38-42 xong, tôi suy nghĩ về mặt đồng hồ căng lực trên chiếc máy may của tôi. Luca đã viết về một bữa ăn tối được tổ chức tại một ngôi nhà trong vùng Bêthany:
“Khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đờn bà, tên là Ma-thê, rước Ngài vào nhà mình. Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chơn Chúa mà nghe lời Ngài. Vả, Ma-thê mảng lo việc vặt, đến thưa Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi. Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.
Đây là bối cảnh: Một ngày nóng bức cuối mùa mưa khi mùa hè vừa bắt đầu. Một ngôi làng tường vôi trắng nằm trên sườn đồi cách thành Jerusalem khoảng 2 dặm đường. Ngôi nhà của Mathê, có lẽ là một goá bụa lo liệu rất giỏi cho hai anh em: em gái là Mary và anh trai là Laxarơ.
Nàng nghinh tiếp Chúa Jêsus cùng các môn đồ của Ngài đến nhà nàng ở Bêthany. Nàng vội vã sắp xếp một chỗ ngồi thích đáng cho Chúa Jêsus, kế đó nàng dọn thứ nước mát cho từng người khách của mình. Nàng ra hiệu cho Mary đang đổ đầy thau nước đặt gần cửa ra vào, rồi đi lấy khăn và bắt đầu rửa từng bàn chơn cho mỗi người khách ấy. Các môn đồ của Chúa Jêsus tự họ tìm chỗ ngồi quanh căn phòng rộng lớn đó, họ đang ôn lại các sự cố đã xảy ra trong ngày. Dân làng bắt đầu tụ tập lại ở trước cửa, họ muốn bước vào bên trong để lắng nghe vị Rabi cao cả là Chúa Jêsus rao giảng.
Đây không phải là lần đầu tiên Ngài viếng thăm Bêthany đâu. Những người trong thị trấn đã nghe đồn đại về những truyện tích đầy kinh ngạc của Ngài trước đó rồi. Có lẽ Ngài sẽ nói cho họ biết thêm nhiều điều nữa. Một vài người len vào rồi ngồi xuống phía ngoài vòng các môn đồ. Mathê và Mary chiếm một chỗ nơi chơn của Chúa Jêsus để học hỏi từ nơi Ngài quả là điều rất dễ dàng. (Luca 10.39 trong bản Kinh Thánh NKJV chép rằng Mary cũng đã ngồi nơi chơn Chúa Jêsus rồi).
Tôi không biết Mathê đã ngồi ở đó bao lâu để lắng nghe Chúa Jêsus rao giảng. Thế nhưng tôi có một cảm giác rằng nếu nàng là một kẻ giống như tôi, nàng đã ngồi đấy trong ngày đó với một tâm trí phân hai. Rốt lại, đây là 13 người đờn ông sẽ đói khát và cần được ăn uống. Có cái gì trong tay để cho họ ăn không? Làm sao cho mọi thứ đều sắp sẵn chứ? Phải chăng nàng cần phải chổi dậy rồi chạy tới một cửa hàng để mua gạo và chút ít trái cây?
Tôi thông cảm cho Mathê. Tôi biết chính xác nàng sẽ làm gì khi nàng ngồi ở đó. Trước tiên, nàng thực hiện một cuộc kiểm kê trong trí mọi thứ đang có sẵn trong bếp. Sau đó, nàng hoạch định thực đơn, biết chắc mình sẽ không bỏ sót một thứ gì. Thế rồi nàng lập một danh sách ở trong đầu mình các phần việc cần phải được thực thi. Khi đã suy nghĩ mọi thứ rồi, nàng kín đáo liếc nhìn quanh căn phòng để xem coi con đường tốt nhứt từ chỗ nàng ngồi băng qua đám đông để vào căn bếp cho thật nhanh. Khi nàng đã nhắm được rồi, nàng không thể ngồi ở đó lâu hơn nữa. Nàng phải bắt tay làm việc! Rốt lại, nàng là bà chủ nhà. Làm thoả mãn mọi nhu cần của thực khách chính là trách nhiệm của nàng. Không một ai sẽ suy nghĩ về Laxarơ và Mary là thiếu sót nếu bữa ăn không được xứng đáng. Nỗi xấu hổ sẽ quy hết về cho nàng. Giờ đây không còn có thì giờ để ngồi nghe Chúa Jêsus giảng nữa – có lẽ công việc đã được bắt đầu ngay sau đó.
Một lần nữa, ở trong gian bếp đó, nàng cảm nhận được sự phấn khích dâng tràn đến với phần nhiều người trong chúng ta khi chúng ta sắp sửa làm một việc gì đó đặc biệt cho người mà chúng ta rất quan tâm. Chúng ta mong muốn mọi sự phải được toàn hảo – phải, ít nhất là phải gần trọn vẹn mới được. Tình cảm làm cho chúng ta thêm năng lực. Chúng ta rất phấn khởi bởi cơ hội bày tỏ ra tình cảm của chúng ta dành cho thực khách rất đặc biệt nầy.
Quí vị có thể nhìn thấy Mathê, giờ đây đang ở trong khu bếp quen thuộc của nàng, xoay trở trong một cơn lốc hoạt động, có phải không? Thứ nhứt, lấy mấy thứ đậu nấu với hành tỏi. Kế đó chuẩn bị nướng thịt chiên. Xay bột nặn thành bánh rồi đem hấp. Tiếp đến, chuẩn bị trái vả cùng trái lựu. Đổ nước trộn với rượu. Dọn bàn. Đảo các thứ đậu trên chảo. Trở thịt chiên cho chín đều. Khởi sự hấp bánh.
Liếc nhìn qua cửa sổ nhìn thấy vị trí của mặt trời trên bầu trời, Mathê đột nhiên nhận ra chẳng mấy chốc nữa thì tới giờ ăn rồi và nàng vẫn chưa làm món xong. Nàng đã cảm nhận được điều mà tôi đã có khi tôi đang ở trạng thái sốt sắng nhất, chỉ nhận biết rằng mình đang đốt thời gian mà chẳng thể hoàn tất được mọi thứ mà mình tính làm. Khi rơi vào sự thể ấy, tôi đã tức giận – và tức giận với bản thân mình cùng tức luôn cả người nào đã làm ra một sự khác biệt trong lúc tôi muốn mọi dự tính đều phải được hoàn thành.
Tôi e rằng đấy là điều đã xảy đến cho Mathê. Thình lình mọi dự tính và công việc đã khởi sự như một sự vui vẻ, thoải mái giờ lại trở thành chua chát, gắt gỏng. Luca cho chúng ta biết trong câu 40 rằng nàng bị cuốn hút vào mọi sự cụ bị mà nàng đang bắt tay làm. Nàng càng chịu khó làm việc, nàng càng trở thành cuống rối với công việc.
Đây là lỗi của Mary. Nếu Mary có mặt ở đó để phụ giúp cho Mathê, mọi chuyện có lẽ sẽ khác đi.
Nàng càng chịu khó làm việc, nàng càng trở thành cuống rối với công việc.
Hết thảy chúng ta đều biết rõ cảm xúc ấy, có phải không? Có đủ thứ việc để lo làm đủ là điều tồi tệ rồi đấy. Còn tệ hại hơn nữa khi có ai đó chúng ta nghĩ sẽ phụ giúp mình hạ bớt gánh nặng xuống lại chẳng làm gì hết. Trạng thái bực tức của chúng ta về sự bất công của công việc chẳng bao lâu sẽ bộc lộ ra mà thôi.
Đấy là những gì đã xảy ra cho Mathê. Trong câu 40, sau cùng nàng đã thốt ra:
“Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi”.
Há chẳng thú vị sao, ấy là Mathê đã trút sự bực bội của mình với Chúa Jêsus, chớ không phải với Mary. Có lẽ nàng đã cố gắng rồi, nhưng chẳng thành công trong việc khiến cho Mary để mắt tới mà đứng dậy phụ giúp nàng. Hoặc giả nàng đã dùng khuỷu tay thúc Mary, nhưng bị Mary bất chấp cái khuỷu tay ấy rồi cứ tiếp tục lắng nghe Chúa Jêsus rao giảng.
Hết thảy chúng ta đều có nhiều cách thức chúng ta sử dụng để giúp cho người khác nhận lấy một sứ điệp. Chúng ta tằng hắng. Chúng ta nhịp mấy ngón tay lên mặt bàn. Chúng ta tạo ra các động tác để gây sự chú ý. Khi người ta bất chấp, chúng ta càng cảm thấy bực tức thêm.
Bất cứ điều chi đã xảy ra, Mathê đã thưa trực tiếp với Chúa Jêsus, nàng tố cáo Ngài chẳng quan tâm chi đến nàng. Nàng dám chắc như thế, nếu Ngài thực sự quan tâm, Ngài sẽ bảo Mary chổi dậy mà phụ giúp nàng.
Tôi nghĩ bởi câu nói ấy Mathê đã gắn sự quan tâm của Chúa Jêsus đối với nàng với sự Ngài bằng lòng bảo Mary phải phụ giúp nàng làm công việc. Mathê nghĩ nàng biết rõ thể nào Chúa Jêsus sẽ bày tỏ lòng quan tâm của Ngài – bằng cách làm cho gánh nặng của nàng được nhẹ đi.
Đấy là điều mà chúng ta thấy Ngài đang làm một cách chính xác, dù không theo cách mà nàng đang mong đợi. Trong phần đáp ứng của Ngài, chúng ta học biết nhiều về địa vị môn đồ của chúng ta là những người nữ Cơ đốc :
“Hỡi Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được”.
Nan đề không nằm trong công việc mà Mathê đang lo làm. Chính thái độ khó chịu, bực dọc và lo lắng của nàng đã tạo ra trạng huống tồi tệ đó. Chúa Jêsus vốn biết rõ Mathê đặt quá nhiều căng thẳng vào những việc không quan trọng. Nan đề của Mathê là nan đề về sự cân đối, về sự nắm bắt nhịp sống trong một lực căng thích ứng. Hãy nhìn kỹ hơn câu nói Chúa Jêsus đã phán ra và chẳng nói với người phụ nữ có gánh nặng chồng chất nầy.
Nan đề của Mathê là nan đề về sự cân đối, về sự nắm bắt nhịp sống trong một lực căng thích ứng.
Trước tiên, Chúa Jêsus không quở trách nàng vì mãi mê lo chuẩn bị cho Ngài và các môn đồ Ngài. Nếu nàng là chủ trong ngôi nhà đã quyết định không lo dọn các thức ăn, thì thực khách của nàng sẽ lâm vào chỗ đói khát. Mọi điều diễn ra trong căn bếp ở Bêthany đó rất là quan trọng.
Quí vị có nhớ Chúa Jêsus đã phán gì với Satan khi bị cám dỗ trong đồng vắng ngay lúc khởi đầu chức vụ công khai của Ngài chăng? Trong Mathiơ 4.4 chúng ta đọc: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi”. Chúa Jêsus không nói: “Người ta không sống nhờ vào bánh”. Chúng ta đang sống nhờ vào bánh đây. Chúng ta có thân thể phải được ăn uống no đủ. Chúa Jêsus vốn biết rõ như thế và đã cho người ta ăn – một lúc những 5000 người.
Nhưng Chúa Jêsus cũng biết rõ con người không chỉ có thân thể thôi đâu. Chúng ta không sống chỉ nhờ bánh mà thôi. Nuôi dưỡng linh hồn chúng ta ít nhất cũng là việc quan trọng như nuôi thân thể vậy. Nan đề của Mathê không phải là lo dọn đồ ăn cho thực khách của mình ăn. Điều đó quả là cần thiết đấy, song trong vai trò chủ nhà của mình, địa vị của nàng là nhìn thấy mọi sự được thực thi mỹ mãn. Thế nhưng nàng đã xem vai trò đấy là quá quan trọng. Thay vì lo dọn một bữa ăn đơn sơ, nàng đã gắng sức gây ấn tượng với một bữa ăn quá thịnh soạn. Thế rồi Chúa Jêsus bảo nàng rằng một đĩa thức ăn cũng là đủ rồi.
Hết thảy chúng ta đều có trách nhiệm chúng ta cưu mang mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Chúng ta đi đến sở làm. Chúng ta nấu nướng. Chúng ta chấm điểm bài thi. Chúng ta dọn dẹp nhà cửa. Chúng ta giặt ủi đồ đạt. Chúng ta đang làm mọi công việc nầy, và chúng ta mong muốn làm cho các công việc ấy được mỹ mãn. Dorothy Sayers nhắc cho chúng ta nhớ rằng chẳng có một cái chân bàn nấu ăn nào mà không xuất ra từ phân xưởng của người thợ mộc ở Nazarét. Đức Chúa Trời không được tôn cao bởi việc làm xấu hay sự chễnh mãng trong các bổn phận cần thiết của chúng ta trong cuộc sống.
Chúng ta phải biết chắc rằng sự cần thiết không đi quá sự cân xứng và bóp méo đời sống của chúng ta.
Chúng ta phải biết chắc rằng sự cần thiết không đi quá sự cân xứng và bóp méo đời sống của chúng ta. Chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn phương tiện và cứu cánh. Khi thiếu suy nghĩ, chúng ta có thể đổi cái điều là phương tiện sống cho Đức Chúa Trời thành một cứu cánh. Khi chúng ta nắm lấy cái điều không quá quan trọng rồi biến nó thành chính yếu cho đời sống chúng ta, cái điều vô hại có thể trở thành một vầng đá vấp chơn cho chúng ta.
Một trong những việc mà Chúa Jêsus đã nhìn thấy vào buổi trưa hôm đó cách đây 2000 năm, ấy là Mathê đã xem thường sự việc mà Mary đã chọn làm. Mathê đã xem trọng hệ thống giá trị của mình – có lẽ một ngôi nhà khá giả và chắc chắn một bữa ăn thịnh soạn nữa – và bắt Mary phải làm theo mình. Nếu sự rộn ràng, lăng xăng đó là “cần thiết” đối với Mathê, thì nó cũng cần thiết cho cả Mary nữa.
Hãy lưu ý rằng Chúa Jêsus không bảo Mathê phải làm theo điều mà Mary đang làm. Đồng thời, Ngài chỉ ra rằng Mary đã chọn phần tốt nhứt. Khi nói như vậy, Chúa Jêsus đã chơi chữ không xuất phát từ các bản dịch Anh ngữ. Thực ra Ngài đang phán như sau: “Hỡi Mathê, ngươi đang lo dọn nhiều đĩa ăn cho chúng ta, còn Mary đã sửa soạn một đĩa ăn mà ngươi không thể đem đặt trong căn bếp của ngươi được”. Trong khi đồ ăn là cần thiết, có cái gì đó đơn sơ hơn sẽ là tốt hơn, ấy là Mathê cứ nên tiếp tục ngồi xuống với Mary và học hỏi từ Đấng Christ.
Quí vị có nghĩ Chúa Jêsus hơi có chút gay gắt với Mathê không? Rốt lại, nàng đang làm mọi việc nầy mong đẹp lòng Ngài. Tuy nhiên quí vị có nghĩ là Ngài đã đẹp lòng với lời thỉnh cầu Ngài bảo Mary đứng dậy phụ giúp nàng không? Quí vị có nghĩ Mary vui lòng khi bị làm bẽ mặt theo cách đó không? Quí vị có nghĩ các môn đồ cùng những người lân cận vui lòng khi Thầy bị ngắt ngang theo cách ấy chăng? Và còn bản thân Mathê thì sao? Quí vị có nghĩ là nàng sẽ thấy vui sướng không? Chúng ta biết khi chúng ta chỉ chực muốn những thứ gì đó cho bản thân mình và người khác ở xung quanh chúng ta. Và Mathê đã hăm hở muốn những thứ đó.
Khi quí vị hình dung ra bối cảnh nầy trong lý trí, có phải đúng hình ảnh Mathê hiện ra trong đầu của quí vị không? Elisabeth Moltmann-Wendel cho rằng bất cứ khi nào bà nghĩ tới Mathê, bà nhớ đến quyển Kinh Thánh bằng tranh của thiếu nhi. Trong đó, Mary đang ngồi nơi chơn Chúa Jêsus lắng nghe, còn Mathê thì ở phía sau, người tựa vào cửa bếp với cái nhìn cau có, không vui trên gương mặt của nàng.
Khi chúng ta nghĩ tới hai chị em nầy, chúng ta có khuynh hướng tưởng tượng Mary với sự thánh thiện toả ra chung quanh nàng, và chúng ta gắn Mathê với dầu ôlive và con cá.
Khi có người nói: “Cô ấy là mẫu người của Mathê”, chúng ta biết ngay câu nói ấy có nghĩa gì rồi. Một mẫu người rất thực tế, giỏi giang. Mathê chắc chắn rất hoàn hảo và cần thiết. Hội thánh sẽ trở thành một nơi vững vàng nếu hết thảy chúng ta đều là Mary. Nhưng khi cần phải vẽ ra một mẫu người hay một lý tưởng, thì Mary chính là người đó. Nếu chúng ta suy nghĩ tới sự việc nầy, thì chúng ta sẽ phải lúng túng ngay. Công việc của Mathê quả là cần thiết – trong nhà thờ hay tại gia đình. Thế nhưng Mary lại được nổi bật hơn.
Mathê, được gọi là thánh đồ hàng đầu của những bà nội trợ chuyên nấu nướng, lại rơi vào vị thế hạng nhì. Martin Luther đã viết: “Mathê, công việc của nàng sẽ bị quở phạt và bị kể là vô ích…..Tôi sẽ chẳng chọn một công việc nào khác hơn công việc của Mary”.
Câu nói nghiệt ngã quá! Vì vậy tôi cảm thấy một chút ngượng ngịu khi có ai đó cho tôi là một Mathê. Thế nhưng Martin Luther đã không đúng rồi. Công việc của Mathê không bị quở phạt và bị kể là vô ích đâu. Thái độ của Mathê cần phải sửa đổi. Nhận định của Mathê cần phải thay đổi. Nhưng việc làm của Mathê là tốt đẹp và cần thiết. Thực tế cho thấy, là các môn đồ của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta cần phải vừa có cả Mathê vừa có cả Mary trong mỗi một người chúng ta.
BÀI HỌC 1:
+ PHẤN ĐẤU ĐỂ ĐƯỢC COI TRỌNG
* Mathiơ 4.4: “Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.
* Mục tiêu: Học biết phương thức cân đối thứ tự ưu tiên lối sống thực tế và thuộc linh trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
* Học thuộc lòng câu gốc Mathiơ 4.4
* Đọc: hết phần “Phấn đấu để được coi trọng”
+ Khởi động:
Quí vị có thông cảm với Mathê và tính thực tế của nàng, hay thông cảm với Mary và sự tin kính của nàng? Hãy giải thích.
+ Suy gẫm:
Hãy xem lại câu: “Chúng ta phải biết chắc rằng sự cần thiết không đi quá sự cân xứng và bóp méo đời sống của chúng ta”. Đâu là một số điều “cần thiết” có thể vượt quá sự cân xứng trong đời sống của quí vị? Chúng bóp méo đời sống ấy như thế nào?
Khi chúng ta đọc câu: “Công việc của Mathê quả là cần thiết – trong nhà thờ hay tại gia đình. Thế nhưng Mary lại được nổi bật hơn”. Quí vị đã kinh nghiệm sự bất công giống như thế nầy chưa? Một “Mathê” muốn được nổi bật, được khen ngợi thì phải làm sao?
Martin Luther đã nói: “Mathê, công việc của nàng sẽ bị quở phạt và bị kể là vô ích…..Tôi sẽ chẳng chọn một công việc nào khác hơn công việc của Mary”. Quí vị có đồng ý với quan điểm của Luther về Mathê và Mary không? Tại sao?
+ Đào sâu:
* Câu gốc: Mathiơ 4.1-4
Nội dung của câu 1 là sự cám dỗ của Đấng Christ trong đồng vắng. Chúa Jêsus đã đáp ứng với sự cám dỗ đặc biệt nào? [câu 3]. Tại sao Chúa Jêsus dễ bị hại trước sự cám dỗ nầy? [câu 2]. Ngài phản ứng như thế nào?
Chúa Jêsus đã sánh Lời Đức Chúa Trời với bánh trong câu 4. Các thành phần nào của bánh tạo thành một sự ví sánh thích đáng với Kinh Thánh?
Sự ví sánh về bánh của Chúa Jêsus và Kinh Thánh nói tới các thứ tự ưu tiên khác nhau mà Mathê và Mary đã tỏ ra như thế nào trong phần phân tích ở trên? Theo cách nói riêng của quí vị, hãy trình bày lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mathiơ 4.4 giống như thể chúng được nói ra với Mathê vậy.
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Hãy so sánh Lời lẽ của Chúa Jêsus trong Mathiơ 4.4 với hai câu khác – Giăng 6.35 và I Phierơ 2.2. Chúng giống nhau ở chỗ nào? Chúng khác nhau ở chỗ nào?
- Suy gẫm:
Làm việc cật lực hay suy gẫm thuộc linh – quí vị nghĩ điều nào là dễ hơn? Tại sao? Quí vị thích điều nào hơn? Tại sao?
Có phải thời gian ở riêng với Đức Chúa Trời mỗi ngày là ưu tiên một trong đời sống quí vị không? Nếu thực vậy, quí vị sẽ làm gì để giữ vững thời gian ở riêng với Ngài? Nếu không phải, quí vị cần những bước nào để ngày càng đầu phục hơn trong cách ăn ở cá nhân của quí vị với Đấng Christ?
Mathiơ 4.1-4: “Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ. Ngài đã kiêng ăn bốn mươi ngày bốn mươi đêm rồi, sau thì đói. Quỉ cám dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. Đức Chúa Jêsus đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời”.
Giăng 6.35: “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát”.
I Phierơ 2.2: “thì hãy ham thích sữa thiêng liêng của đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh hồn”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG THÀNH CÔNG TRONG HAI THẾ GIỚI (PHẦN II).
Phấn đấu để có được sự cân đối
Ở phần đầu Luca 10 chúng ta thấy câu chuyện nói tới một thầy dạy luật, ông nầy tính gài bẫy Chúa Jêsus bằng cách hỏi Ngài ông ta phải làm gì để được sự sống đời đời!?! Chúa Jêsus hỏi ngược lại ông ta một câu rất đơn sơ: “Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó?” Thầy dạy luật đã đáp lại với hai câu nói quan trọng rút ra từ Phục truyền luật lệ ký 6.5 và Lêvi ký 19.18 – chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn và hết trí yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời và yêu kẻ cân cận như mình.
Thầy dạy luật đưa ra câu trả lời tuyệt đối là phải lẽ. Chúa Jêsus nhất trí, Ngài đáp: “Ngươi đáp phải lắm, hãy làm điều đó thì được sống”.
Thầy dạy luật có thể dừng lại ở đó, thế nhưng ông ta đã không chịu như thế. Ông ta ép Chúa Jêsus với một câu hỏi khác: “Ai là người lân cận tôi?” Để trả lời cho câu hỏi ấy, Chúa Jêsus đã thuật lại một trong những câu chuyện kỳ diệu nhất khiến chúng ta phải lấy làm kinh ngạc.
Câu chuyện kể lại một người đi từ thành Jerusalem xuống thành Giêricô trên một con đường đầy bụi bặm. Có mấy tên cướp tấn công, trấn lột, đánh đập rồi bỏ người hòng chết. Trước tiên, có một thầy tế lễ trờ đến. Ông nầy mới vừa hoàn tất xong tuần lễ phục vụ tại đền thờ ở thành Jerusalem và đang trên đường về nhà đón năm mới. Ông ta nhìn thấy kẻ đáng thương nầy, nhưng đi đường khác để tránh tiếp xúc với kẻ đó. Thế rồi có một người Lêvi đi tới. Người Lêvi trong xứ Israel thuộc thế kỷ đầu tiên là những thầy tế lễ thuộc giai cấp thấp, họ chuyên ca hát trong giờ dâng của lễ, và họ là những người giữ cửa và là tôi tớ cho các thầy tế lễ thuộc giai cấp cao hơn. Người Lêvi, giống như thầy tế lễ nọ, đã liếc nhìn kẻ bị trọng thương kia và đi ngang qua ở phía lề đường bên kia.
Người thứ ba trờ đến lại là người Samari, bị xem khinh bởi người Do thái. Quí vị phải nhận biết người Do thái vốn ghét cay ghét đắng người Samari đến ngần nào thì mới rõ câu chuyện nầy đã gây sốc dường bao khi Chúa Jêsus nhắc tới người Samari đang trờ đến. Con người ngoại bang từng bị xem khinh nầy đã trông thấy kẻ đáng thương nọ, rồi thay vì làm y như những người Do thái tôn giáo đã làm, ông ta dừng lại, mặc quần áo rồi băng bó các vết thương của kẻ tội nghiệp đó, đặt người lên lưng lừa của mình, và đưa vào nhà quán, ở đó săn sóc cho người. Thậm chí ông ta còn trả tiền cho chủ nhà quán cứ tiếp tục săn sóc cho kẻ tội nghiệp kia trong khi ông ta đi lo liệu công việc của mình.
Đâu là chỗ đáng nói chứ? Khi Chúa Jêsus kể xong câu chuyện. Ngài đã hỏi thầy dạy luật xem ông ta nghĩ ai là người lân cận của kẻ tội nghiệp kia. Tất nhiên, thầy dạy luật phải nói: “Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người” (câu 37). Và Chúa Jêsus đáp: “Hãy đi, làm theo như vậy”.
Há đấy chẳng phải là điều mà Mathê đã làm sao? Há nàng chẳng nhọc công để đối xử tử tế với Chúa Jêsus và các môn đồ sao? Há chẳng phải là nàng đã lo làm phu phỉ nhu cần của người khác sao? Chắc là như thế rồi! Há nàng chẳng phải là một “người Samari nhơn lành” trong khi Mary bất chấp mọi nhu cần theo phần xác của các thực khách giống như hai người Do thái tôn giáo kia đã bất chấp kẻ bị cướp đánh nầy sao?
Hãy xem lại câu trả lời mà Chúa Jêsus đã từng khen ngợi thầy dạy luật vào thế kỷ đầu tiên đó: “chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn và hết trí yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời và yêu kẻ cân cận như mình”.
Đây không phải là thắc mắc về việc đem cuộc sống đời và cuộc sống đạo ra mà đối chiếu đâu. Đây là vấn đề của những điều cần phải ưu tiên.
Hãy lưu ý trình tự của hai cái yêu mến kia: trước tiên là yêu mến Đức Chúa Trời, kế đến là người lân cận. Không có một con đường vòng nào khác. Đây không phải là thắc mắc về việc đem cuộc sống đời và cuộc sống đạo ra mà đối chiếu đâu. Đây là vấn đề của những điều cần phải ưu tiên. Chúng ta đặt việc lắng nghe và học hỏi Lời Đức Chúa Trời trước công tác phục vụ. Điều nầy trang bị và khích lệ chúng ta cho sự phục vụ của chúng ta dành cho Đức Chúa Trời và cho tha nhân.
Điều Chúa Jêsus mong muốn trong thời buổi đó không phải là các thứ đậu và chiên con của Mathê, mà là chính bản thân Mathê. Có cái đĩa ăn duy nhứt mà nàng không thể dọn ở trong bếp là mối tương giao của nàng với Đức Chúa Trời. Nàng có thể dọn cái đĩa ăn ấy chỉ bởi cách ngồi lại nơi chơn của Chúa Jêsus rồi để Ngài cung ứng đồ ăn cho linh hồn của nàng mà thôi.
Mathê muốn Chúa Jêsus làm cho gánh nặng của nàng được vơi nhẹ đi trong ngày đó. Ngài đã làm đúng y như thế, nhưng không phải theo cách mà nàng đã dự trù. Ngài vốn biết rõ mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời không phát triển ở giữa sự bận rộn nấu nướng đâu. Việc cần thiết duy nhất là lắng nghe Đức Chúa Trời phán cùng chúng ta. Mary đã chọn đặt thời gian vào mối tương giao thiết yếu đó và không bị cuốn hút vào những việc vặt.
Một nhà giải kinh đã viết: “Mathê đáng phải trở thành một Mary, và Mary thật cũng đáng phải trở thành một Mathê; cả hai đều là chị em ruột mà”. Câu nói nầy đưa tôi trở lại với mặt đồng hồ điều chỉnh lực căng trên chiếc máy may của tôi. Nếu lực căng trên ống chỉ quá lỏng lẻo, thì máy sẽ kêu lên khi chúng ta đạp bàn máy. Đường chỉ may sẽ không vững chắc được. Vì áp lực trên đường chỉ không đủ sức. Việc duy nhứt cô thợ may có thể làm là rút hết chỉ ra, điều chỉnh lại lực căng, rồi bắt đầu lại.
Khi chúng ta sắp xếp thứ tự ưu tiên phải lẽ rồi, Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta thực thi những điều cần phải làm – với sự vui vẻ và thoả lòng.
Chúng ta cũng không có được đường may khả thi nếu các sợi chỉ không ăn khớp với nhau từ ống chỉ bên trên với suốt chỉ ở bên dưới. Chúng ta sẽ cố may suốt cả ngày với duy nhứt ống chỉ ở bên trên bàn máy mà chẳng có chỉ trong cái suốt chỉ ở trong thuyền phía dưới. Chúng ta sẽ không có một đường chỉ may đơn độc cho được. Sợi chỉ Mathê và sợi chỉ Mary cả hai phải ăn khớp với nhau và đan quyện vào nhau nếu chúng ta muốn có một đường may trọn vẹn. Sự cân đối giữa hai đường chỉ cần phải được điều chỉnh cho sát sao nếu muốn có đường may khắng khít chặt chẽ.
Chúng ta đang sống trong thế gian nầy. Điều nầy có nghĩa là chúng ta phải lo cho bản thân mình với đồ ăn, quần áo, nhà cửa, gia đình, công ăn việc làm, và học hành. Nhưng chúng ta cũng đang sống trong thế giới của tâm linh nữa. Chúng ta tự lo cho bản thân mình bằng mối tương giao của mình với Đức Chúa Trời. Đấy là nan đề thực sự của Mathê. Nàng đang may mà chẳng có một sợi chỉ nào trong cái suốt cả.
Để làm cho sự phục vụ của chúng ta ra đúng mức, chúng ta phải sắp đặt những công việc có trước có sau. Chúng ta để cho Chúa Jêsus phục vụ chúng ta trước khi chúng ta đi ra phục vụ cho Ngài. Đấy là trình tự của Đức Chúa Trời: trước hết chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết trí yêu mến Giêhôva Đức Chúa Trời, rồi chúng ta được sửa soạn cho để đi ra và yêu kẻ lân cận như mình. Khi chúng ta đảo ngược trình tự đó, chúng ta sẽ kết thúc với cảm xúc bị quá tải và không được hoan nghênh cho lắm. Khi chúng ta giữ trình tự công việc có trước có sau song hành với trình tự của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời vùa giúp chúng ta thực thi mọi điều cần phải lo làm – với sự vui vẻ và thoả lòng.
BÀI HỌC 2:
+ PHẤN ĐẤU ĐỂ CÓ ĐƯỢC SỰ CÂN ĐỐI
* Phục truyền luật lệ ký 6.5: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.
* Mục tiêu: Học biết cân đối công việc thực tế và thuộc linh trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
* Học thuộc lòng Phục truyền luật lệ ký 6.5
* Đọc: hết phần “Phấn đấu để có được sự cân đối”
+ Khởi động: Lập một danh sách 5 điểm ưu tiên một trong đời sống của quí vị. Những điểm nào là thường xuyên và điểm nào là tạm thời? Hãy giải thích.
+ Suy gẫm:
Trong thí dụ nói về Người Samari Nhơn Lành trong Luca 10, kẻ bị xã hội ruồng bỏ về mặt chủng tộc lại là anh hùng và những nhà lãnh đạo tôn giáo bảo thủ lại là hạng gian ác. Có điều chi là bất thường trong cách nắm bắt nhân vật của Chúa Jêsus?
Trong phần chia sẻ trên, chúng ta đọc thấy rằng thật là khó phát triển một mối tương giao với Đức Chúa Trời ở giữa chỗ “bận rộn nấu nướng” kia. Làm sao để khả thi cho quí vị cả “bận rộn cho” và “tin kính cho” Chúa chứ?
Tác giả gắn việc thiếu vui vẻ trong chức vụ với việc thiếu tin kính dành cho Chúa. Quí vị đồng ý hay không đồng ý? Tại sao? Điều gì bị kể là thiếu vui mừng?
+ Đào sâu:
* Câu gốc: Luca 10.25-28
Khi thầy dạy luật muốn thử Chúa Jêsus, ông ta đã đưa ra câu hỏi về sự sống đời đời. Chúa Jêsus đã chỉ cho ông ta thấy cái gì, và thầy dạy luật đã trả lời câu hỏi của Chúa Jêsus như thế nào?
Phân đoạn nầy nói tới bốn yếu tố nào trong đời sống chúng ta cần phải có trong sự yêu mến Đức Chúa Trời? Mỗi yếu tố bước vào mối tương giao đó như thế nào?
Phần nầy mô tả về tình cảm có quan hệ như thế nào với hoạt động của Mathê trong Luca 10? Với sự tin kính của Mary?
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Hãy so sánh Luca 10.27 với các câu nói ở Phục truyền luật lệ ký 6.5 và Lêvi ký 19.18. Chúng có phù hợp với nhau như thế nào, quan trọng ra sao khi đối chiếu tình yêu thương với hận thù và cay đắng?
- Suy gẫm:
Có bao giờ quí vị thấy không thoả thích vì các thứ của lễ quí vị dâng lên và sự thờ phượng quí vị dành cho nhà thờ của mình chăng? Nếu quí vị có thấy thoả thích như vậy, hãy chia sẻ một trường hợp đặc biệt. Bài học nầy bằng cách nào đã giúp cho quí vị hiểu biết lý do tại sao quí vị cảm nhận được như thế?
Luca 10.27 cung ứng cho chúng ta một tham khảo đúng đắn về thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Trình tự các công việc phải như thế nào mới là hiệp nghi? Quí vị có cần phải tái sắp xếp lại trong chính đời sống của mình không?
Luca 10.25-28: “Bấy giờ, một thầy dạy luật đứng dậy hỏi đặng thử Đức Chúa Jêsus rằng: Thưa thầy, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời? Ngài phán rằng: Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; và yêu người lân cận như mình. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ngươi đáp phải lắm; hãy làm điều đó, thì được sống”.
Phục truyền luật lệ ký 6.5: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”.
Lêvi ký 18.18: “Chớ toan báo thù, chớ giữ sự báo thù cùng con cháu dân sự mình; nhưng hãy yêu thương kẻ lân cận ngươi như mình: Ta là Đức Giê-hô-va”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ẤP Ủ HY VỌNG TRONG KHI BỊ MẤT MÁT (PHẦN I).
Thất vọng khi mất mát
Khi chồng tôi hoàn tất phần học vấn của mình ở Thần học viện Denver vào năm 1956, chúng tôi bước vào chức vụ lần đầu tiên ở một thị trấn nhỏ miền trung Wyoming. Khi chúng tôi làm quen với các cấp lãnh đạo của Hội thánh, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao một cặp vợ chồng đã đứng tuổi. Gene, một thợ mộc đã nghỉ hưu, ông đến tại nhà thờ mỗi buổi sáng để giúp dựng thêm một gian nhà nhỏ để dạy đạo trong nhà thờ. Mae cũng thường đến phụ giúp. Chúng tôi công nhận sự đầu phục không mệt mỏi đối với Đức Chúa Jêsus Christ và với Hội thánh của Ngài mà cả hai người đều thể hiện ra ở trước mặt chúng tôi.
Khoảng 6 tháng sau khi chúng tôi đến đó, một cú điện thoại cho hay rằng con trai duy nhứt của họ đã bị tai nạn chất nổ trong khu mỏ nghiền nát cho tới chết. Chúng tôi đã vội vàng chạy đến với Gene và Mae, chúng tôi biết họ đã phấn đấu với cú sốc và sự không tin của họ. Tai nạn nầy trở thành một sự dằn vặt đối với họ khi họ phải nếm trải nỗi đau khổ. Thế nhưng chúng tôi dám chắc họ sẽ vượt qua. Hết thảy họ đều có những nguồn lực Cơ đốc trợ giúp họ trong cơn khủng hoảng nầy. Những bạn bè khác đã đến đây, và chúng tôi tin rằng cả một cộng đồng sẽ vây quanh họ, con dâu của họ, và hai cháu nội với tình yêu thương và mối quan tâm.
Một vài ngày sau tang lễ, Gene đã trở lại với công việc tình nguyện của mình trong việc xây dựng nhà thờ. Nhưng vào các ngày Chúa nhựt ông đã đi nhà thờ có một mình mà thôi. Khi chúng tôi đến với gia đình họ, chúng tôi mới thấy rằng Gene đang tìm kiếm sức lực để đối phó với nỗi đau khổ của mình, song thật là khác biệt đối với Mae.
Khi chúng tôi hỏi thăm về điều nầy, chúng tôi mới hay rằng kể từ lúc có tin tai nạn, Mae đã xây lưng bà về phía Đức Chúa Trời. Làm sao bà tin được Đức Chúa Trời là Đấng sẽ từ chối không cho họ đứa con duy nhứt và từ chối không cho mấy đứa cháu nội của họ một người cha chứ? Có lẽ Đức Chúa Trời không còn yêu thương và tử tế nữa, đồng thời lại đối xử với họ giống như một cú đấm thôi sơn vậy. Bất cứ lúc nào chúng tôi đến thăm bà, chúng tôi lắng nghe trường hợp bà chống nghịch Đức Chúa Trời. Rõ ràng là mọi điều trong cuộc sống và những gì bà tin đều không trùng khớp với nhau. Đức tin mà chúng tôi tưởng sẽ nâng đỡ bà dường như đã đẩy bà đi xa mất.
Mae nhắc cho tôi nhớ tới hai phụ nữ đã sai người đến với Chúa Jêsus khi người anh của họ đau bịnh. Nhưng Chúa Jêsus đã không đến kịp lúc để giúp đỡ họ. Sau cùng, khi Ngài xuất hiện, cả hai người đều nói với Ngài: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”. Hai chị em ruột nầy đã có đức tin đủ để tin rằng nếu Chúa Jêsus đã đến Ngài sẽ có quyền chữa lành cho người anh của họ. Thế nhưng sự thể giống như Chúa Jêsus đã để cho họ phải nãn lòng vậy.
Câu chuyện được thấy có trong Giăng 11. Sáu câu đầu tiên cho chúng ta biết sự thể nầy:
“Có một người đau, tên là La-xa-rơ, ở Bê-tha-ni, là làng của Ma-ri và chị người là Ma-thê. Ma-ri là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc mình lau chơn Ngài; chính anh người là La-xa-rơ đương đau. Vậy, hai chị em sai người đến thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh. Đức Chúa Jêsus vừa nghe lời đó, bèn phán rằng: Bịnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh. Vả, Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người và La-xa-rơ. Khi Ngài nghe người nầy đau, bèn ở lại hai ngày nữa trong nơi Ngài đương ở”.
Chúa Jêsus không đáp ứng theo cách Mathê và Mary đã mong Ngài sẽ đáp ứng.
Đấy là bối cảnh. Laxarơ đã mắc bịnh. Hai chị em của người, Mary và Mathê, ngay lập tức đã hướng về Chúa Jêsus là thiết hữu của họ, mong Ngài sẽ mau đến và chữa lành cho anh của họ trước khi quá trễ.
Sau khi nhận biết Chúa Jêsus vốn yêu thương hai chị em nầy, chúng ta sẽ mong Ngài ngay lập tức sẽ đến tại Bêthany để làm những gì Ngài có thể để giải phóng họ ra khỏi nỗi lo lắng và đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta thấy Chúa Jêsus đã không đáp ứng theo cách hai chị em mong mỏi. Thay vì lập tức đi ngay đến làng Bêthany, Ngài đã ở lại nơi Ngài đã ở thêm 2 ngày nữa.
Một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống, ấy là yêu thương cho phép đau khổ. Chúng ta không mong muốn theo cách thức ấy. Chúng ta muốn tin rằng nếu Đức Chúa Trời thực sự yêu thương chúng ta Ngài sẽ không cho phép điều gì đau khổ vây phủ đời sống chúng ta. Nhưng ở đây không phải là như vậy. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không bảo đảm với chúng ta một nơi ẩn trú tránh khỏi những kinh nghiệm khó khăn là những điều cần thiết cho sự tấn tới thuộc linh của chúng ta. Tình yêu thương và sự chậm trễ tương hợp với nhau.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không bảo đảm với chúng ta một nơi ẩn trú tránh khỏi những kinh nghiệm khó khăn là cần thiết cho sự tấn tới thuộc linh của chúng ta.
Nếu Chúa Jêsus lập tức đã chạy ùa đến Bêthany khi Ngài hay tin Laxarơ mắc bịnh, Mary và Mathê sẽ không bị treo lơ lửng giữa hy vọng và nỗi lo sợ – hy vọng rằng Đấng duy nhứt có quyền cứu giúp họ sẽ đến kịp lúc, lo sợ rằng Ngài sẽ đến quá trễ. Họ đã đâm lo về việc nhìn thấy Laxarơ đang lịm dần vào sự chết. Họ sẽ tránh được những phút sau cùng đó trước khi họ vuốt mắt của Laxarơ và sửa soạn lo chôn cất cho Laxarơ. Họ sẽ giải quyết sớm tình trạng trống vắng khi mất đi một người thân. Thế nhưng Chúa Jêsus đã không đến.
Ngài vốn biết rõ đây là lúc cho Mary, Mathê và các môn đồ Ngài học biết những điều mà họ không thể học được nếu Ngài can thiệp cách mau chóng. Giăng 11 cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã nắm giữ tình hình một cách trọn vẹn là thể nào! Ngài vốn biết rõ Ngài đang làm gì. Ngài vốn biết rõ sự lớn lên về mặt thuộc linh của Mathê và Mary cùng nhóm môn đồ đang đi theo Ngài đều nương vào việc phải đúng với thời điểm. Làm sao chúng ta biết được điều đó? Hãy đọc Giăng 11.7-16:
“Rồi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy trở về xứ Giu-đê. Môn đồ thưa rằng: Thưa thầy, hôm trước dân Giu-đa tìm ném đá thầy, thầy còn trở lại nơi họ sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? nếu ai đi ban ngày, thì không vấp vì thấy sự sáng của thế gian nầy. Nhưng nếu ai đi ban đêm, thì vấp, vì không có sự sáng. Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin; nhưng chúng ta hãy đi đến cùng người. Nhơn đó, Thô-ma, gọi là Đi-đim, nói với môn đồ khác rằng: Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!”
Thời điểm của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus vốn biết rõ rằng Mary và Mathê sẽ không bao giờ nhìn biết Ngài là sự sống lại và sự sống nếu Laxarơ không chết. David sẽ không nhìn biết Đức Chúa Trời là vầng đá và là đồn lũy của ông nếu ông không bị Saulơ săn đuổi trong vùng núi Ênghêđi. Người Israel sẽ không nhìn biết Đức Chúa Trời là Đấng giải phóng họ nếu họ không là nô lệ trong xứ Ai cập. Những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta có thể bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho chúng ta bằng những phương thức mới mẻ. Chúa Jêsus vốn biết rõ Ngài đang làm điều gì.
Những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta có thể bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho chúng ta bằng những phương thức mới mẻ.
BÀI HỌC 3:
+ THẤT VỌNG KHI MẤT MÁT
Giacơ 1.2-3: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục”.
+ Mục tiêu: Nhìn thấy thể nào đau khổ có thể chạm vào suy nghĩ của chúng ta về Đấng Christ.
+ Học thuộc lòng: Giacơ 1.2-3
+ Đọc: hết phần “thất vọng khi mất mát”.
+ Khởi động: Có bao giờ quí vị cảm thấy Đức Chúa Trời không lắng nghe quí vị khi quí vị cầu nguyện không? Sự thể đó khiến quí vị cảm thấy như thế nào? Đây là điều làm cho quí vị không an tâm: Đức Chúa Trời nói không với sự cầu nguyện của quí vị hay sự im lặng của Ngài? Tại sao?
+ Suy gẫm: Mary và Mathê đã lấy làm thất vọng vì Chúa Jêsus không đến đúng lúc để chữa lành cho người anh của họ trước khi Laxarơ chết. Họ cảm thấy rằng Chúa Jêsus đã làm cho họ phải nãn lòng. Quí vị có thể hồi tưởng lại thời điểm mà quí vị cảm thấy thất vọng bởi Đức Chúa Trời không? Quí vị giải quyết tình huống bằng cách nào?
Chúng ta đọc trong phần chia sẽ ở trên: “một nguyên tắc quan trọng trong cuộc sống, ấy là yêu thương cho phép đau khổ”. Hãy đưa ra một trường hợp cá biệt về nguyên tắc nầy trong chính đời sống của quí vị.
Hãy đáp ứng với phần nầy: “Những kinh nghiệm đau khổ của chúng ta có thể bày tỏ Đức Chúa Trời ra cho chúng ta bằng những phương thức mới mẻ”. Điều nầy có thực đối với quí vị không? Hãy giải thích.
+ Đào sâu:
* Câu gốc: Giăng 11.7-16
Trong câu 8 và câu 16, các môn đồ đã tỏ ra mối quan tâm của họ về những sự đe doạ mạng sống của Chúa Jêsus. Chúa Jêsus có dự phần vào mối lo ngại của họ không? Làm sao quí vị biết?
Lời lẽ của Chúa Jêsus trong các câu 9-10 dạy gì về “thời điểm trọn vẹn” trong chương trình của Đức Chúa Trời? Làm sao đoán trước được thời điểm của Đức Chúa Trời hầu giúp ấp ủ niềm hy vọng ở giữa nỗi thất vọng?
Tại sao quí vị nghĩ Chúa Jêsus sử dụng từ “ngủ” để nói tới cái chết của Laxarơ? Tại sao các môn đồ không hiểu Chúa Jêsus đang nói điều gì?
+ Đào sâu hơn:
* Xem xét:
Theo Giăng 11.5: “Vả, Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người và La-xa-rơ”. Nhận biết sự thể nầy giúp chúng ta thế nào khi chúng ta bắt đầu thắc mắc Đức Chúa Trời trong các thời điểm khó khăn?
* Suy gẫm:
Ngày nay người ta dạy rằng ấy không phải ý muốn Đức Chúa Trời khiến cho Cơ đốc nhân phải chịu khổ đâu. Phải chăng đây là ý của Kinh Thánh? Kinh Thánh nói gì về mục đích của sự chịu khổ?
Hãy suy nghĩ về một sự cố trong đó quí vị mong muốn Đức Chúa Trời can thiệp, thế nhưng quí vị cảm thấy Ngài đã để cho quí vị phải thất vọng. Tại sao quí vị nghĩ Đức Chúa Trời làm cho quí vị phải buồn lòng? Một nhận thức khác đã giúp đỡ quí vị như thế nào?
Giăng 11.7-16: “Rồi đó, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy trở về xứ Giu-đê. Môn đồ thưa rằng: Thưa thầy, hôm trước dân Giu-đa tìm ném đá thầy, thầy còn trở lại nơi họ sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Trong ban ngày há chẳng phải có mười hai giờ sao? nếu ai đi ban ngày, thì không vấp vì thấy sự sáng của thế gian nầy. Nhưng nếu ai đi ban đêm, thì vấp, vì không có sự sáng. Ngài phán như vậy, rồi tiếp rằng: La-xa-rơ, bạn ta, đương ngủ; nhưng ta đi đánh thức người. Môn đồ thưa rằng: Thưa Chúa, nếu người ngủ, chắc sẽ được lành. Vả, Đức Chúa Jêsus phán lời đó chỉ về sự chết của La-xa-rơ; song môn đồ tưởng nói về giấc ngủ thường. Đức Chúa Jêsus bèn nói tỏ tường cùng môn đồ rằng: La-xa-rơ chết rồi. Ta vì các ngươi mừng không có ta tại đó, để cho các ngươi tin; nhưng chúng ta hãy đi đến cùng người. Nhơn đó, Thô-ma, gọi là Đi-đim, nói với môn đồ khác rằng: Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!”
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ẤP Ủ HY VỌNG TRONG KHI BỊ MẤT MÁT (PHẦN II).
Nỗi khát khao muốn có hy vọng
Khi Chúa Jêsus đến, Ngài thấy rằng Laxarơ đã ở trong mồ 4 ngày rồi. Nhiều người Do thái đã từ Jerusalem đến Bêthany để yên ủi Mathê và Mary trong sự mất mát người anh của họ. Cảm thông với họ là bổn phận đầu tiên trong các bổn phận. Chẳng có điều chi khác là quan trọng hơn bày tỏ ra nỗi buồn đau với người đã quá cố.
Trong bầu không khí nóng nực ở Israel, người chết sẽ được đem chôn ngay sau khi chết. Mấy người đờn bà xức dầu cho thi thể với các thứ hương liệu và dầu tốt nhứt, kế đó quấn thi thể bằng vải mịn, hai tay và hai chân thì quấn chặt giống như băng bột, còn đầu thì bọc bằng một cái khăn liệm. Hết thảy mọi người đến tại tang lễ đều có thể tham gia vào đám rước đưa từ nhà ra mộ. Trước tiên là mấy người đờn bà, theo các giáo sư trong thời buổi ấy, chính một người đờn bà do phạm tội ở trong Vườn Êđen, người đờn bà đó chịu trách nhiệm về sự chết đã xâm nhập vào thế gian.
Tại ngôi mộ, bạn bè đưa ra những câu nói tưởng niệm. Kế đó, là những người khóc than đứng thành hai dãy dài, đi ở giữa đó là gia đình tang quyến. Bao lâu thi hài người chết còn được lưu giữ tại nhà, cả gia đình bị cấm không được dọn đồ ăn ở đó, không được ăn thịt hay uống rượu, hay học hành gì hết. Khi thi hài được dời đi, mọi đồ đạt phải bị úp ngược xuống và mấy người than khóc ngồi dưới đất hoặc ngồi trên mấy cái ghế đẩu thấp. Khi trở về từ mộ địa, họ dùng bánh có thịt, trứng luộc sôi, các thứ đậu, làm biểu tượng cho sự sống, là điều luôn luôn chạy về hướng sự chết.
Cuộc than khóc kéo dài những 7 ngày, trong thời gian đó không một ai được xức dầu cho mình, không được mang giày, không đi học hay buôn bán, hoặc tắm rửa chi cả. Ba mươi ngày than khóc nhẹ nối theo sau tuần lễ than khóc nặng.
Giữa khoảng thời gian than khóc sâu sắc nầy, Mathê nghe nói rằng Chúa Jêsus đã về tới đầu làng. Bất chấp lệ làng ở xứ Trung đông, nàng tất tả ra đón Ngài trong khi Mary còn ngồi lại ở trong nhà. Cuộc trao đổi đáng nhớ của Mathê và Chúa Jêsus đã có được ghi lại trong Giăng 11.21-27:
“Ma-thê thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết; mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Anh ngươi sẽ sống lại. Ma-thê thưa rằng: Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? Người thưa rằng: Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian”.
Lẽ đạo về sự sống lại đặc biệt không yên ủi Mathê trong lúc nàng đau lòng.
“Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”. Trong câu nói đó, giọng nói của Mathê nhuốm vẻ hồ nghi Chúa Jêsus có quyền phép giới hạn mà thôi. Nếu Ngài có mặt ở đó, điều nầy đã không xảy ra. Ngài phải có mặt để chữa lành cho anh nàng. Tuy nhiên lòng tin của nàng nơi Chúa Jêsus chiếu sáng qua câu nói: “mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho”.
Chúa Jêsus đã đáp lại nàng bằng cách hướng tâm trí nàng vào lời hứa về sự sống lại: “Anh ngươi sẽ sống lại”. Mathê dường như mất kiên nhẫn khi nàng đối lại: “Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại”.
Nàng vốn biết rõ lẽ thật. Nàng đã đưa ra đúng lẽ đạo. Thực vậy, nàng đã có một nền tảng thuộc linh vững chắc hơn cả người Sađusê, là những người đã chối bỏ sự sống lại. Trong câu nói của nàng, nàng thể hiện bằng chứng cho sự dạy mạnh mẽ về đức tin của dân tộc nàng. Thế nhưng nàng chưa tìm được nhiều yên ủi theo thì tương lai. Trong giờ phút ấy, nàng cần điều gì có ngay tức thì hơn là một biến cố nào đó còn ở xa xôi như: “sự sống lại ngày cuối cùng”. Lẽ đạo về sự sống lại đặc biệt không yên ủi Mathê trong lúc nàng đau lòng.
Chúa Jêsus đã nhìn thấy điều đó và xây ý tưởng nàng về sự sống lại như một biến cố trong tương lai thành hiện thực trong thì hiện tại: “Ta là sự sống lại và sự sống”. Đúng là điều mà Mathê phải cảm nhận được trong giờ phút đó! “Ta là sự sống lại và sự sống”. Với câu nói đáng giật mình ấy, Chúa Jêsus đã đẩy các tư tưởng của Mathê từ chỗ hy vọng lờ mờ trong tương lai sang một sự kiện trong hiện tại. Ngài ban cho đức tin của nàng đối tượng thật của nó, là chính mình Ngài. Tin cậy nơi Đức Chúa Jêsus Christ, là Người-Trời, Ngài là sự sống lại và sự sống, có thể thay thế cho niềm hy vọng lờ mờ của nàng ở một biến cố trong tương lai.
Làm sao chúng ta có được sự trông cậy ấy? Chúa Jêsus chỉ cho chúng ta biết ở câu 25: “kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết”.
Khi chúng ta tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta có được lượng sự sống rộng lớn hơn cả sự chết.
Khi chúng ta tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ, chúng ta có được lượng sự sống rộng lớn hơn cả sự chết. Sự chết không trở thành tận cùng của sự sống, mà là cánh cửa để bước vào sự sống rộng lớn hơn. Người ta gọi thế giới của chúng ta là: “thế giới của người sống”. Còn chúng ta gọi thế giới nầy là: “thế giới của kẻ chết”. Chúng ta bắt đầu chết ngay giờ phút chúng ta ra đời, và đời sống của chúng ta đang hướng tới cái chết không thể tránh được. Nhưng những ai đã tin theo Đức Chúa Jêsus Christ đều biết rõ rằng khi sự chết đến, chúng ta không bước ra khỏi xứ của người sống mà là bước vào xứ của người sống. Chúng ta không đi trên con đường dẫn đến sự chết. Chúng ta đang đi trên con đường dẫn tới sự sống. Đấy là ý nghĩa của sự sanh lại. Đấy là ý nghĩa của việc có sự sống đời đời. Đấy là ý nghĩa của sự tin theo Đức Chúa Jêsus Christ.
Chúa Jêsus kết thúc câu nói của Ngài với Mathê ra sao? Ngài hỏi: “Ngươi tin điều đó chăng?” Với câu hỏi đó, Ngài dẫn nàng đến với thắc mắc về đức tin cá nhân. Đức tin dẫn tới sự sống đời đời không thể là một đức tin mà chúng ta thừa hưởng từ ông bà cha mẹ hay là khi chúng ta được ở gần Mục sư. Đây là sự đầu phục cá nhân mà mỗi một người chúng ta đều phải thực thi.
Trước câu hỏi của Chúa Jêsus, Mathê đã đưa ra câu trả lời thật là quan trọng (câu 27): “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian”. Hãy so sánh với lời xưng nhận long trọng của Phierơ (Mathiơ 16.16). Chúa Jêsus đã hỏi ông: “Còn ngươi nói ta là ai?” Phierơ đã đáp: “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Chúa Jêsus đã phán rằng Hội thánh sẽ được dựng nên trên lời xưng nhận đó, trên lẽ thật đó.
Mathê đã hiểu rõ chính lẽ thật ấy. Nàng đã học biết lẽ thật ấy ở đâu vậy? Há nàng đã ngồi dưới chơn Chúa Jêsus sao? Há nàng đã nghe Ngài dạy dỗ cho đám dân đông kia sao? Rõ ràng người phụ nữ nầy, dù đức tin nàng là bất toàn, đã nắm bắt được lẽ thật chủ yếu trên đó đức tin lớn lên: Chúa Jêsus là Đấng được Đức Chúa Trời sai phái đến.
Cũng một thể ấy cho chúng ta hôm nay. Chính trên lẽ thật mà Mathê đã thốt ra trong ngày đó ở Bêthany cách đây 2.000 năm mà quí vị và tôi đến với Đấng là sự sống lại và sự sống. Chúng ta không thể bắt đầu lớn lên cho tới chừng chúng ta nhìn biết Chúa Jêsus Ngài là ai rồi chạy đến với Ngài.
Câu chuyện tiếp tục. Mathê trở về lại ngôi nhà và, đem Mary riêng ra, nói với Mary rằng Thầy đã đến và đã hỏi thăm nàng. Mary chổi dậy nhanh chóng rồi bước ra đón Chúa Jêsus. Đổi lại, nàng đã thốt ra chính lời lẽ mà Mathê đã nói khi nảy: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”. Mathê đã nói ra lời lẽ ấy, nhưng với một sơ sót. Mathê còn nói tiếp: “mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho”. Mathê, ở một chừng mực nào đó, đã thốt ra đức tin của nàng. Còn Mary, ngược lại, đã bị đau khổ phủ lút. Nàng đã ngồi nơi chơn Chúa Jêsus và đã học hỏi từ nơi Ngài. Nhưng bây giờ trong sự hiện diện của Ngài nàng đã bị vò xé với nỗi đau đớn đang nung nấu ở trong lòng.
Khi chúng ta đọc câu chuyện khác về Mary và Mathê trong Luca 10, ở đây cho thấy rằng Mary là một con người rất “thuộc linh” và Mathê là một người “chẳng thuộc linh” gì hết. Bây giờ khi chúng ta xem xét cũng chính hai người phụ nữ đó, chúng ta khám phá ra Mathê thực tế kia đã hiểu rõ đủ để đưa ra lời xưng nhận về đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Còn Mary, thì bị nỗi mất mát nhận chìm thật sâu nên mới thốt ra câu: “Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết”.
Hãy lưu ý thể nào Chúa Jêsus đã điều chỉnh lại nhu cần của từng người. Với Mathê, thậm chí trong lúc than vãn nặng nề nhất, Ngài đã phán ra lẽ thật sâu sắc về thần học. Với Mary, Ngài đã cảm thông. Ngài đã gặp nàng ở chỗ đấy để rồi Ngài đưa nàng đến một cấp độ khác của đức tin. Cũng thế đối với mỗi một người chúng ta. Đức Chúa Trời khởi sự với chúng ta ở chỗ chúng ta hiện đang đứng đây. Thế nhưng Ngài không bỏ chúng ta lại ở đó. Ngài đưa chúng ta đến với một cấp độ đức tin sâu sắc hơn.
BÀI HỌC 4:
+ NỖI KHÁT KHAO MUỐN CÓ HY VỌNG
Thi thiên 23.4: “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi”.
+ Mục tiêu: Hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự Đấng Christ thắng hơn sự chết.
+ Học thuộc lòng: Thi thiên 23.4
+ Đọc: hết phần: “Nỗi khao khát muốn có hy vọng”.
+ Khởi động: Hãy nhớ lại một kinh nghiệm đau buồn mà quí vị đã trải qua. Hãy mô tả sự mất mát, tình cảm, đau khổ, và nhiều nước mắt. Làm thế nào quí vị ngăn được nỗi đau buồn và tìm được sức lực, can đảm để bước tới?
+ Suy gẫm: Giống như Mathê, là người đã không hiểu rõ tầm cỡ quyền phép vô hạn của Chúa Jêsus, chúng ta cũng đề ra những giới hạn cho Ngài và các khả năng của Ngài? Chúng ta giới hạn quyền phép và khả năng của Ngài như thế nào? Điều nầy có ảnh hưởng như thế nào trên đời sống thuộc linh của quí vị?
Trong phần chia sẻ ở trên, có chỗ nói rằng thế giới nầy được mô tả là: “đất của người sống”. Quí vị có thấy bằng chứng nào trong thế giới của chúng ta ủng hộ một câu nói như thế chăng?
Hãy xét qua câu nói: “Đức Chúa Trời khởi sự với chúng ta ở nơi chúng ta đang đứng đây. Thế nhưng Ngài không bỏ chúng ta lại ở đó. Ngài đưa chúng ta đến với một cấp độ đức tin sâu sắc hơn”. Đức Chúa Trời sử dụng điều gì để làm cho đức tin chúng ta được thêm lên? Hãy đưa ra một thí dụ từ chính đời sống của quí vị để minh hoạ cho điều nầy.
+ Đào sâu:
- Phân đoạn Kinh Thánh: Giăng 11.21-27
Sự chính xác về lẽ đạo của Mathê trong câu 24 không cung ứng cho nàng nhiều yên ủi. Chúa Jêsus đáp ứng thể nào với nàng trong các câu 25-26 làm thay đổi nhận định của nàng?
Lời xưng nhận “sự sống lại” của Chúa Jêsus phán với nỗi sợ cái chết của chúng ta như thế nào? Lời xưng nhận của Ngài là “sự sống” chạm đến sự hy vọng của chúng ta về cõi đời đời như thế nào? (câu 25).
Lời tuyên xưng đức tin của Mathê trong câu 27 đưa ra ba lẽ thật về Chúa Jêsus. Đâu là các lẽ thật đó và tại sao mỗi lẽ thật đều quan trọng?
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Hãy so sánh lời tuyên xưng đức tin của Mathê với lời tuyên xưng của Phierơ ở Mathiơ 16.16. Chúng giống nhau như thế nào? Khác nhau như thế nào?
- Suy gẫm:
Có phải quí vị nghĩ rằng hầu hết Cơ đốc nhân đều giống như Mathê – tin sự sống lại là một biến cố ở trong cõi tương lai chớ không phải là một thực tế trong hiện tại? Tại sao tin và tại sao không?
Quí vị có đến dự một tang lễ, nơi đó chẳng ai ý thức chi về sự sống đời đời? Hãy mô tả quí vị cảm nhận như thế nào!?! Hãy mô tả quí vị sử dụng lẽ đạo nói về sự sống lại như thế nào để yên ủi một người đang có tâm trạng đau buồn!?!
“Ma-thê thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết; mà bây giờ tôi cùng biết mọi điều Ngài sẽ xin Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời ắt ban cho. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Anh ngươi sẽ sống lại. Ma-thê thưa rằng: Tôi vẫn biết rằng đến sự sống lại ngày cuối cùng, anh tôi sẽ sống lại. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? Người thưa rằng: Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian” (Giăng 11.27).
“Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống” (Mathiơ 16.16).
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ẤP Ủ HY VỌNG TRONG KHI BỊ MẤT MÁT (PHẦN III).
+ QUYỀN PHÉP CỦA SỰ SỐNG LẠI
Bối cảnh đã được dàn dựng ra. Bốn ngày trôi qua, kể từ khi Laxarơ qua đời. Ngôi mộ ở xứ Trung đông thường là một hang đá với những chỗ trú ẩn được cắt gọt trong đá theo ba chiều. Ngay trước cửa mộ, một đường rãnh được đục ở trên mặt đất và một hòn đá tròn kiểu bánh xe được đặt ngay trên đường rãnh để nó có thể trượt ngang qua lối vào mộ. Đối với người Do thái, thật là quan trọng khi lối vào được đóng ấn đàng hoàng. Họ tin rằng linh hồn của người quá cố sẽ lảng vảng quanh ngôi mộ trong bốn ngày, họ tìm kiếm lối vào để tái nhập lại với thân xác của người quá cố. Thế nhưng sau bốn ngày họ đã bỏ đi, vì khi ấy thi thể đã bị biến dạng đến nỗi họ không còn nhận ra nó nữa.
Những người than khóc đã theo sau Mary và giờ đây nhóm lại ở trước hang đá. Tục lệ lúc bấy giờ cho rằng người ta càng than khóc, họ càng làm vinh dự cho người quá cố. Số người nầy đã đến đặng yên ủi Mary và Mathê, họ không than khóc với cái đầu gục xuống đâu. Thay vì thế, họ tôn vinh Laxarơ với sự khóc lóc không kềm chế được, họ la thét ghê lắm.
Chúa Jêsus đứng ở giữa đám đông những kẻ khóc mướn kia. Trong hai câu 33 và 38, Giăng mô tả Ngài bằng cách sử dụng từ Hy lạp không được dịch chính xác trong nhiều quyển Kinh Thánh. Chúa Jêsus “đau lòng cảm động”. Ngài run lên với căm phẫn.
Căm phẫn vì chuyện gì? Chúa Jêsus đã đứng ở đó trong ngày ấy là Chúa của sự sống, là Đấng mới vừa nói với Mathê rằng Ngài là sự sống lại và sự sống. Ở đó Ngài mặt đối mặt với mọi tác dụng của Sự Sa Ngã: sự chết, đau khổ, xé lòng. Ngài đã vào trong thế gian để giải phóng chúng ta ra khỏi sự chết và sự xét đoán. Ngài vốn biết rõ rằng khi Ngài đối diện và thắng hơn sự chết trong ngày ấy, cuộc chinh phục sau cùng sẽ đến chỉ trong một phương thức. Ngài cũng phải trải qua sự chết. Ngài phải nếm lấy nỗi đắng cay của nó. Ngài sẽ phải chết.
Ngài đã run lên – run lên ở nỗi khủng khiếp của sự chết. Ngài run lên nơi mọi hậu quả của tội lỗi. Ngài run lên nơi sự đớn đau của tình trạng cách ly. Ngài run lên với căm phẫn khi thấy bất kỳ việc nào trong số các việc nầy xảy ra. Và rồi Ngài đã hành động. Ngài phán bốn lần.
Phán với những kẻ khóc mướn. Ngài chỉ nói: “Hãy lăn hòn đá đi” (Giăng 11.39). Chúa Jêsus có thể bảo hòn đá lăn đi mà chẳng cần chi sự phụ giúp của con người, thế nhưng Ngài không làm thế. Những kẻ đứng ở đó trong ngày ấy đã được giao cho phần việc đấy. Đức Chúa Trời đang vận hành với một sự tiết kiệm quyền phép thiêng liêng. Ngài yêu cầu chúng ta phải làm những điều chúng ta có thể làm. Ngài thử chúng ta bằng cách thu hút chúng ta vào phép lạ của Ngài. “Hãy lăn hòn đá đi”.
Chúa Jêsus đã vận hành để dấy đức tin của Mathê lên một cấp độ cao hơn để nàng có thể nhìn qua bên kia đời tạm, bên kia thực tại, bên kia cõi trần tục để nhìn thấy thực tại thuộc linh.
Phải chăng người Do thái đang đứng ở đó nghe đúng như thế chứ? Hãy lăn hòn đá đi sao? Chắc chắn Chúa Jêsus không thể đùa được! Mathê gợi lên tư tưởng của họ khi nàng can gián Ngài: “Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi”. Mathê đã quên mất những gì đã trao đổi trên con đường đi tới đây. Chúa Jêsus đã nhắc cho nàng nhớ: “Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” (câu 40). Chúa Jêsus đã vận hành để dấy đức tin của Mathê lên một cấp độ cao hơn để nàng có thể nhìn qua bên kia đời tạm, bên kia thực tại, bên kia cõi trần tục để nhìn thấy thực tại thuộc linh. “Hãy lăn hòn đá đi”.
Lần thứ hai Chúa Jêsus nói, là nói với Đức Chúa Trời:
“Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi. Tôi biết rõ rằng Cha nhậm lời tôi luôn, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân nầy đứng chung quanh tôi, hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến”.
Mathê nói nàng đã tin như thế. Thế nhưng còn những người khác thì sao? Mary? Các môn đồ? Chúa Jêsus đặt lời xưng nhận của Ngài lên đầu hàng để dẫn người ta đến với đức tin.
Lần thứ ba Chúa Jêsus phán, Ngài phán cùng Laxarơ: “Hỡi Laxarơ, hãy ra!” (câu 43). Người chết đi ra, chơn tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đám đông lui lại, kinh khủng. Phải chăng họ đang nghĩ trong trí mình bị lừa sao? Họ đã trông thấy một thi thể đã bị đưa vào mộ 4 ngày rồi trước đây mà! Laxarơ không thể sống lại được!
Chúa Jêsus không cầu nguyện: “Lạy Cha, xin làm cho người sống lại từ sự chết”. Ngài cũng không nói: “Nhơn danh Đức Chúa Cha, hãy đi ra” đâu! Ngài đã nói cho Mathê biết Ngài là sự sống lại và sự sống. Ngài đã hành động bằng quyền phép của chính mình Ngài. Ngài là Chúa của sự sống, vì vậy Laxarơ đã đi ra.
Giống như con chim phượng hoàng vinh hiển kia chổi dậy từ đống bụi tro của chính sự chết của nó và cái tổ bị hủy hoại kia, cũng một thể ấy, đức tin lớn chỉ dấy lên từ những hy vọng tàn phai và những sự hiện thấy vụn nát kia.
Chúa Jêsus phán lần thứ tư, một lần nữa trước sự kinh ngạc của khán thính giả: “Hãy mở cho người, và để người đi” (câu 44). Những kẻ đứng quanh đó phải chạm đến Laxarơ rồi bản thân họ phải nhìn thấy rằng Laxarơ không phải là một hồn ma.
Có hai việc đã xảy ra. Thứ nhứt, phần nhiều những người Do thái đã đến viếng Mary đều đã đặt đức tin nơi Chúa Jêsus (câu 45). Đấy là kết quả có ngay tức thì. Thứ hai, lời đồn đãi về phép lạ khó tin nầy chẳng bao lâu sau đó đã đến tận tai các cấp lãnh đạo tôn giáo tại thành Jerusalem. Họ đã nhìn thấy Chúa Jêsus là một mối đe doạ cho quyền lực của họ. Họ đã nhóm lại để đóng ấn số phận của Ngài với bản án tử hình.
Một bản án tử hình ư? Phải, dành cho Ngài. Nhưng một án sự sống dành cho hết thảy chúng ta là những người bằng lòng tin. Ngài là sự sống lại và sự sống. Những ai tin nơi Ngài đều sẽ sống, cho dù người đó đã chết. Bất cứ ai sống và tin nơi Ngài đều sẽ không bao giờ chết. Quí vị có tin như thế không?
Những người kể chuyện đời xưa trong nhiều vùng đất thuật lại về một con chim thần thoại kia, dành cho mặt trời, được gọi là chim phượng hoàng. Con chim to lớn nầy, được che phủ với chiếc cầu vồng lông lá rực rỡ nhiều màu sắc, đất chẳng bì kịp với nó. Chẳng có một loài chim nào sánh ngang bằng với nó được, không những thế chẳng có một loài chim nào hót hay hơn nó, cũng chẳng sống thọ hơn nó được. Những người kể chuyện đời xưa có thể không nhất trí về tuổi tác của chim phượng hoàng nầy. Có người nói con chim sống tới 500 năm. Nhiều người khác nói tuổi thọ của nó nhiều hơn 12.000 năm tuổi nữa là.
Khi những tháng năm đó kết thúc, con chim phượng hoàng làm cho mình cái tổ bằng nhánh cây con, đem cái tổ đặt trên ngọn lửa, rồi cùng bị thiêu cháy với cái tổ đó. Không có gì còn lại trừ ra bụi tro vung vải trên mặt đất. Thế nhưng, khi ấy, những người kể chuyện đời xưa nói, từ đống tro bụi ấy xuất hiện một con chim phượng hoàng khác, một con chim rực lửa thậm chí còn rực rỡ hơn cả con chim trước đã chết nữa. Nó sẽ giang rộng đôi cánh, họ nói, và nó bay thẳng lên tới mặt trời.
Những người kể chuyện thuật lại câu chuyện thần thoại nầy với hy vọng rằng câu chuyện sẽ biến thành sự thực. Họ đã nói tới một việc rất sâu sắc ở bên trong chúng ta, họ ao ước rằng xuất phát ra từ những thảm hoạ có tính hủy diệt của cuộc sống, một cái gì đó tốt hơn, huy hoàng hơn sẽ hiện đến. Những gì mấy người kể chuyện đời xưa kia chỉ có thể tưởng tượng chứa một lẽ thật trong đó Đức Chúa Jêsus Christ là một thực tại. Giống như con chim phượng hoàng vinh hiển kia chổi dậy từ đống bụi tro của chính sự chết của nó và cái tổ bị hủy hoại kia, cũng một thể ấy, đức tin lớn chỉ dấy lên từ những hy vọng tàn phai và những sự hiện thấy vụn nát kia.
Donald Grey Barnhouse đã viết: “Nếu Đức Chúa Trời muốn bạn tin cậy Ngài, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ khó khăn. Nếu Ngài muốn bạn tin cậy Ngài thật nhiều, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ mà bạn sẽ không thể làm chi được. Vì khi có một việc khó, không thể làm chi được, khi ấy chúng ta là những kẻ có khuynh hướng nắm lấy mọi sự bằng sức riêng mình phải thốt ra: “Lạy Chúa, Ngài phải làm việc nầy. Con chẳng làm chi được”.
BÀI HỌC 5:
+ QUYỀN PHÉP CỦA SỰ SỐNG LẠI
Thi thiên 37.3: “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài”.
+ Mục tiêu: Nắm bắt cách Đức Chúa Trời sử dụng đau khổ và tai vạ để kéo chúng ta đến với chính mình Ngài.
+ Học thuộc lòng: Thi thiên 37.3
+ Đọc: hết phần: “Quyền phép của sự sống lại”.
+ Khởi động: Chìa khoá cho sự sống chúng ta chạy đều là nương cậy vào Đức Chúa Trời. Hãy đưa ra một trường hợp quí vị không vận dụng sự nương cậy đó rồi phản ứng bằng sức riêng mình trong một hoàn cảnh? Kết quả ra sao?
+ Suy gẫm: Tại sao Chúa Jêsus “run lên với sự căm phẫn” khi Laxarơ chết?
Hãy xem lại phần trưng dẫn của Barnhouse: “Nếu Đức Chúa Trời muốn bạn tin cậy Ngài, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ khó khăn. Nếu Ngài muốn bạn tin cậy Ngài thật nhiều, Ngài sẽ đặt bạn vào một chỗ mà bạn sẽ không thể làm chi được”. Quí vị có đồng ý với phần dẫn chứng nầy không? Quí vị đã kinh nghiệm điều nầy như thế nào trong chính đời sống của quí vị?
Hãy quay lại với phần dẫn chứng của Barnhouse, tại sao Đức Chúa Trời lại thử chúng ta theo cách nầy, có bất công không? Có cách nào tốt hơn để phát triển lòng tin cậy mà không có khó khăn hay đau khổ không?
+ Đào sâu:
Phân đoạn Kinh Thánh: Giăng 11.39-45
Lòng quan tâm mọi sự của Mathê theo phương diện thực tế đã tỏ ra như thế nào trong hoàn cảnh nầy? (câu 39). Chúa Jêsus trả lời cho mối quan tâm của nàng ra sao? (câu 40).
Hãy xem xét lời cầu nguyện của Chúa Jêsus ở các câu 41-42. Những yếu tố nào trong lời cầu nguyện của Ngài chúng ta có thể bắt chước theo trong lời cầu nguyện của chính chúng ta?
Trong câu 40, Chúa Jêsus bảo Mathê rằng nàng sẽ nhìn thấy “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Mathê cùng nhiều người khác nhóm lại ở đó nhìn thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời như thế nào? Điều chi đã kết quả từ sự phô diễn quyền phép của Chúa Jêsus đối với sự chết? (các câu 45-53).
+ Đào sâu hơn:
- Xem xét:
Câu gốc cho bài học nầy (Thi thiên 37.3) đưa ra một số phương thức đặc biệt chúng ta có thể đáp ứng trong những lúc khó khăn. Đâu là những nguyên tắc đó, và chúng đã trợ giúp cho Mathê như thế nào?
- Suy gẫm:
Hãy suy nghĩ tới một trường hợp thử thách mới đây mà quí vị đã nếm trải qua. Chúa Jêsus đã phục vụ cho quí vị như thế nào? Nhận định của quí vị về Đức Chúa Trời như kết quả của kinh nghiệm thay đổi như thế nào?
Trong ánh sáng của bài học nầy, có phải quí vị đã sửa soạn để tiếp nhận sự chịu khổ là một phần trong sự tấn tới và trưởng thành thuộc linh của mình không? Những kinh nghiệm nào Đức Chúa Trời đã sử dụng trong đời sống quí vị để đào sâu đức tin của quí vị?
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy lăn hòn đá đi. Ma-thê, là em gái kẻ chết, thưa rằng: Lạy Chúa, đã có mùi, vì người nằm đó bốn ngày rồi. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ta há chẳng từng nói với ngươi rằng nếu ngươi tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao? Vậy, họ lăn hòn đá đi. Đức Chúa Jêsus bèn nhướng mắt lên trời mà rằng: Thưa Cha, tôi tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời tôi. Tôi biết rõ rằng Cha nhậm lời tôi luôn, nhưng tôi nói vậy là vì cớ đoàn dân nầy đứng chung quanh tôi, hầu cho họ tin rằng ấy chính Cha là Đấng đã sai tôi đến. Khi Ngài nói xong, bèn kêu lên một tiếng lớn rằng: Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra, chơn tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn. Đức Chúa Jêsus phán cùng chúng rằng: Hãy mở cho người, và để người đi. Có nhiều người Giu-đa đã đến cùng Ma-ri và thấy sự Đức Chúa Jêsus làm bèn tin Ngài” (Giăng 11.39-45).
NHỮNG TƯ TƯỞNG SAU CÙNG
Laxarơ đã sống chỉ để chết một lần nữa mà thôi. Lần thứ hai, hai chị em đi ra mộ với thi hài của người anh yêu dấu của mình. Lần nầy không có sự sống lại nữa. Nhưng Chúa Jêsus đã lấy phần thần học của Mathê rồi ban cho nó linh lực: “kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống mà tin ta thì không hề chết”. Nếu quí vị tin nơi một Đức Chúa Trời của sự sống lại, quí vị có thể đối diện với nghĩa trang và biết rõ rằng sự sống sẽ ra từ sự chết. Đúng như thế, trong lời lẽ của Thánh Francis ở xứ Assisi, trong sự chết chúng ta đang sống.
Nhưng không phải hết thảy mọi tang lễ đều dẫn tới sự sống đâu. Khi Mae mất đứa con trai duy nhứt của bà, bà đã không còn nhìn thấy Đức Chúa Trời, quyền phép và tình yêu của Ngài nữa. Bà không thể nhìn thấy con chim phượng hoàng kia chổi dậy từ bụi tro sự chết của chính nó. Bà đã quên hẳn thực tại chỉ ra sự sống đang phủ lấy sự chết. Bà đã quên – hay không hề biết – rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã nếm trải sự chết để chinh phục nó cho mọi thời đại và cho cõi đời đời.
Khi chúng ta kinh nghiệm nỗi đau mất mát, chúng ta có thể quên con chim phượng hoàng. Thế mà Chúa Jêsus phán chính những lời lẽ ấy cho chúng ta y như Ngài đã phán với Mathê cách đây 2.000 năm trên con đường đi đến làng Bêthany: “Ta là sự sống lại và sự sống”. Sau cái chết, sự sống lại hiện đến. Chúng ta có thể tin cậy thời điểm trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tin cậy vào tình yêu thương của Ngài. Chúng ta có thể nếm trải mọi kinh nghiệm khó khăn của chúng ta mạnh mẽ hơn trong đức tin và sự trông cậy khi chúng ta học biết Đức Chúa Trời đang hiện hữu ở đó vì chúng ta trong sự mất mát, trong nỗi buồn đau của chúng ta. Những gì chúng ta để cho Đấng Christ thực thi trong hoàn cảnh của chúng ta đang tạo ra sự khác biệt.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét