Đời sống và thời thế của Vua David
David và Hòm Giao Ước
II Samuên 6
Nếu có một sự phân biệt rõ ràng giữa nam giới và nữ giới, thì đó là cách chúng ta mua sắm. Dọ giá là của nữ giới. Còn nam giới thì cứ mua. Nữ giới có thể để ra ba giờ đồng hồ trong một cửa hàng và xài có ba đôla. Nam giới để ra ba phút và tiêu mất ba trăm đôla. Tôi có nghe nói rằng nữ giới về mặt cơ bản họ là những người chuyên thu gom, còn nam giới là những thợ săn. Nữ giới không những biết dọ giá, mà họ còn kinh nghiệm hàng hiệu nữa! Họ xem xét mọi sự trong trường hợp có món gì đó mà họ muốn mua. Mới đây, vợ tôi, mẹ vợ tôi, chị dâu tôi, cùng với các con gái, cháu gái tôi (họ đã được dạy dỗ kỹ lưỡng về nghệ thuật mua sắm) đã dành ra cả ngày đi hết cửa hàng nầy sang cửa hàng khác! Còn mấy gã đờn ông, môn sử Tây ban Nha nói chẳng có một giấc mơ nào đau khổ hơn là đi mua sắm cả ngày! Nói cách khác, mới đây tôi quyết định cần phải mua một cái máy cắt cỏ mới. Tôi đã đi xem ba chỗ bán máy cắt cỏ, rồi quyết định kiểu mà tôi ưng ý, quyết định tiệm nào, dịch vụ nào có giá tốt nhất rồi thực hiện việc mua sắm…trong vòng một giờ rưỡi. Nữ giới gom góp. Nam giới săn tìm. Chúng tôi đã mua, đóng thùng và đem cái máy ấy về nhà!
Trong một cách thức tương tự, có một sự phân biệt rõ ràng giữa các tín đồ. Là một Mục sư, tôi nhìn thấy họ xứng đáng chia thành hai phạm trù. Có những người đi dọ giá và những người đi mua. Những người đi DỌ GIÁ là những Cơ đốc nhân muốn kinh nghiệm Cơ đốc giáo. Họ tra chỗ nầy một chút, họ xem chỗ kia một chút. Họ mua thứ gì làm cho họ cảm thấy khoẻ khoắn, nhưng lẫn tránh thứ chi thực sự là tốt cho họ. Nếu những gì Kinh Thánh dạy phù hợp với chương trình của họ thì điều đó tốt. Nếu Kinh Thánh đi ngược lại với quan điểm của họ, không cứ là cách gì, họ sẽ làm theo những điều họ muốn làm.
Loại tín đồ thứ hai là NGƯỜI ĐI MUA. Đây là người đã được mô tả trong Châm ngôn 23.23, câu nầy chép như sau: "Hãy mua chân lý, sự khôn ngoan, sự khuyên dạy, và sự thông sáng; chớ hề bán đi". Người nầy muốn biết mọi điều Kinh Thánh nói! Người không thể tiếp thu đủ được. Người đọc. Người nghiên cứu. Người ghi chú thích. Người vâng theo. Người mua lấy mọi sự mà Kinh Thánh dạy. Người muốn trên hết mọi sự làm cho đời sống mình phù hợp với Kinh Thánh. Nếu quí vị có thể chỉ cho người thấy trong Kinh Thánh thể nào thái độ và hành vi của người cần phải thay đổi, người bắt đầu thay đổi ngay lập tức. Người là đất sét dễ uốn nắn trong bàn tay của Đấng Thợ Gốm Bậc Thầy. Người vấp chơn. Người té ngã. Thế nhưng người đứng dậy, mua thêm chân lý rồi tiếp tục lần bước chuyến đi đức tin lâu dài đó.
Thế còn David thuộc về loại tín đồ nào? Ông thích ứng với phạm trù nào? David rõ ràng là một NGƯỜI ĐI MUA. Trong Công vụ Các Sứ Đồ 13, chúng ta thấy Phaolô đang nói tới phần lịch sử Do thái thể nào đã lên đến cực điểm nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Suốt cả chương, ông đã nói về Vua David. Câu 22 chép: "đoạn, Ngài [Đức Giêhôva] bỏ vua [Saulơ] đó, lại lập Đa-vít làm vua, mà làm chứng về người rằng: Ta đã tim thấy Đa-vít con của Gie-sê, là người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ ta".
Đã nhiều lần chúng ta khen ngợi David là người vừa lòng Đức Chúa Trời. Có thực đúng như thế không? Một người vừa lòng Đức Chúa Trời là người mau mắn làm theo MỌI Ý CHỈ CỦA NGÀI. Người mua chân lý mà chẳng bán nó ra. Người không đi lòng vòng để mua một mớ hay một phần chân lý đó. Người mua HẾT THẢY ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chắc chắn người vấp ngã hết lúc nầy tới lúc khác, nhưng người cứ học hỏi và tấn tới. Trong II Samuên 6, chúng ta sẽ nhìn thấy thể nào David tìm cách làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời trong việc lo liệu cho Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời và trong phản ứng với thái độ phê phán của Micanh. Sau đó, chúng ta sẽ ứng dụng một vài bài học cho cuộc sống.
I. Lo liệu cho Hòm Giao Ước (các câu 1-19).
A. Tầm quan trọng Hòm Giao Ước của Đức Chúa Trời.
Các câu 1 và 2 cho chúng ta biết rằng David "lại nhóm hiệp hết thảy những người kén chọn của Israel" "ba vạn người" trong số họ cùng đi lên đặng "thỉnh Hòm của Đức Chúa Trời, cầu khẩn danh Chúa, tức là chánh danh Đức Giêhôva vạn quân, vẫn ngự ở giữa chêrubin tại trên Hòm ấy". Trước khi chúng ta có thể đi xa hơn, chúng ta cần phải được nhắc nhớ về tầm quan trọng của "Hòm của Đức Chúa Trời".
Khi một số người trong quí vị nhìn thấy chữ "hòm", quí vị sẽ hiểu lầm về chiếc tàu to lớn như "chiếc tàu của Nôê". Sai lầm rồi. Loại tàu khác đấy. "Hòm của Đức Chúa Trời", cũng được biết là "Hòm Giao Ước" là cái hòm hay rương làm bằng gỗ, bọc vàng, là đồ vật chính trong sự thờ phượng xưa của người Do thái.
Cùng với các đồ vật khác trong đền tạm, Đức Chúa Trời đã dạy cho Israel biết cách đóng hòm giao ước, mọi sự phải làm với nó và phương thức chuyển dịch nó. Như tôi đã nói, hòm làm bằng gỗ nhưng bọc bằng vàng ròng. Hòm có một cái nắp rất đặc biệt, được gọi là "ngôi ơn phước". Ở mỗi đầu của nắp hòm là các thiên sứ bằng vàng to lớn được gọi là "chêrubin". Bên trong hòm là ba vật kỷ niệm quí báu thuộc mối quan hệ của Israel với Đức Chúa Trời. Một bình đựng mana, là bánh xuống từ trời cung ứng cho Israel trong đồng vắng, cây gậy của Arôn và hai tấm bảng đá trên đó ghi 10 Điều Răn.
Hòm được khiêng bởi các thầy tế lễ đi trước dân sự bất cứ đâu trại quân di chuyển, trong suốt thời kỳ phiêu bạt trong đồng vắng của họ. Khi họ đến mé sông Giôđanh, ngay khi các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước bước xuống nước, nước liền rẽ ra. Chỉ khi hòm giao ước đã được dời qua phía bên kia sông thì dòng nước mới chảy trở lại bình thường. Các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước đi chung quanh các bức tường thành Giêricô ngay thời điểm nó sụp xuống. Một số các dân theo tà giáo họ nghĩ rằng Hòm giao ước là hình tượng Đức Chúa Trời của Israel.
Hòm giao ước đã được lưu giữ tại Silô trong một thời gian dài, cho tới thời kỳ Hêli. Trong I Samuên 4 chúng ta học biết thể nào dân Israel loạn nghịch đã nghĩ nếu họ đem Hòm giao ước theo cùng vào chiến trường, họ sẽ đánh bại quân Philitin. Không những làm thế chẳng có tác động gì, mà quân Philititn còn chiếm lấy Hòm giao ước nữa. Có một câu chuyện rất khôi hài trong I Samuên 5 về số dân theo tà giáo nầy đem Hòm giao ước đặt trong đền thờ thần Đagôn, là thần cá của họ. Đagôn cứ sấp mình xuống trước Hòm giao ước và bễ nát ra! Còn hơn thế nữa, Đức Chúa Trời đã đánh họ với chứng ung bướu, có lẽ là bịnh dịch hạch. Các lãnh chúa người Philitin cho Hòm giao ước đi vòng quanh cho tới khi hết thảy xứ Philitin đều bị hành hại bởi trận dịch. Họ nói: "Người ta khiêng hòm của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đến cùng ta đặng giết chúng ta và dân sự chúng ta!!" (I Samuên 5.10). Sau cùng, hết thảy họ đều nhất trí: "Hãy khiêng hòm của Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đi, để nó trở về nơi cũ, và chớ làm cho chúng ta và dân sự chúng ta phải chết" (câu 11). Không biết cách thức hòm nầy phải được chuyển đi bằng cách nào, họ đem đặt hòm trên một chiếc xe bò mới có hai con bò cái còn cho bú kéo đi cùng với một của lễ thù ân làm bằng vàng rồi gởi trả hòm về xứ Israel đến tại làng Bết Sêmết, ở đây các thầy tế lễ người Lêvi đã lo liệu cho hòm ấy. Dù Đức Chúa Trời đã giết 70 người ở Bết Sêmết vì dám nhìn vào trong hòm. Điều đó làm cho họ sợ hãi lắm, nên họ đã đưa hòm ấy qua một chỗ gọi là Ki-ri-át Giê-a-rim.
Cái điều đã làm cho Hòm giao ước ra đặc biệt như thế không nằm ở chỗ cổ xưa mà ở chỗ nó tiêu biểu cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự Ngài. Sự hiện diện vinh hiển, trông thấy được bằng mắt thường ngự trên ngôi ơn phước giữa chêrubin. Hãy chú ý một lần nữa lời lẽ ở câu 2: "… hòm của Đức Chúa Trời lên; trước hòm ấy dân cầu khẩn danh Chúa, tức là chánh danh Đức Giê-hô-va vạn quân, vẫn ngự ở giữa chê-ru-bin tại trên hòm ấy”.
B. Nổ lực đầu tiên di dời Hòm giao ước (các câu 1-5).
David không phải là người chuyên dọ giá, mà là người đi mua. Ông muốn mua chân lý rồi không bán nó đi. Ông muốn trở thành người vừa lòng Đức Chúa Trời và làm theo ý chỉ của Ngài. Vì lẽ đó David không những muốn chiến thắng về mặt quân sự đối với các kẻ thù của Israel, ông còn muốn Israel trở lại với Chúa, để kinh nghiệm sự phục hưng của xứ sở nữa.
Trong khoảng 75 năm, Hòm giao ước của Đức Chúa Trời được để trong nhà kho ở Ki-ri-át Giê-a-rim. Giờ đây David đã có một thành phố thủ phủ, là Jerusalem, thành David, thành của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã ban cho ông thành phố đồn lũy nầy từ đó cai trị trên dân sự. David cũng muốn thành ấy trở thành một nơi thờ phượng và ơn phước thuộc linh cho cả nước. Ông muốn dời Hòm giao ước về thành Jerusalem.
Một phân đoạn Kinh Thánh tương ứng trong I Sử ký 13 cung ứng cho chúng ta thêm sự thông biết. David đã vời các cấp lãnh đạo từ khắp nơi trên xứ sở mới vừa tái thống nhứt của Israel đến rồi nói cho họ biết gánh nặng của ông là phải đem Hòm giao ước lên thành Jerusalem. Ông muốn Jerusalem phải trở thành chốn thờ phượng trung tâm của quốc gia. Các câu 2-4 đọc như sau:
“Đa-vít nói với cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Nếu các ngươi lấy đều nầy làm tốt lành, và nếu sự nầy do nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta mà đến, thì ta hãy sai người đi khắp mọi nơi, đến cùng anh em chúng ta còn lại ở khắp xứ Y-sơ-ra-ên, và đến cùng những thầy tế lễ và người Lê-vi ở trong các thành địa hạt chúng, để nhóm chúng lại cùng ta; rồi chúng ta phải thỉnh hòm của Đức Chúa Trời về cùng chúng ta; vì trong đời Sau-lơ, chúng ta không có đến trước hòm giao ước mà cầu vấn Đức Chúa Trời. Cả hội chúng đều nói rằng nên làm như vậy; vì cả dân sự lấy lời ấy làm tốt lành”.
Hãy chú ý David đã nói: "Nếu các ngươi lấy điều nầy làm tốt lành, và nếu sự nầy do nơi Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta mà đến…". Lời nói ấy đối với dân sự dường tốt lành, thế nhưng họ đã chạy ùa lên phía đầu đám rước mà chẳng cầu hỏi có phải sự nầy "do nơi Giêhôva Đức Chúa Trời” mà đến không nữa!?! Dân sự của Đức Chúa Trời vẫn hay làm như thế. Các nhà thờ làm y như thế lâu nay. Chúng ta có tư tưởng cho rằng "nói như thế lúc nào cũng nghe hay cả". Chúng ta bàn luận về Hòm giao ước. Chúng ta trao đổi về Hòm giao ước. Chúng ta theo sau Hòm giao ước. Chúng ta sắp đặt, lo liệu cho Hòm giao ước. Chúng ta dâng tiền bạc cho Hòm giao ước. Nhưng không cứ cách nào đó chúng ta không bao giờ đi tới đi lui rồi hỏi thăm: "Kinh Thánh dạy gì về Hòm giao ước nầy?" hay để thì giờ ra cầu nguyện về Hòm giao ước đó.
David và dân sự của ông hết thảy đều đi lên, khi họ nổ lực để di dời Hòm giao ước. Đây không phải là một cuộc diễu hành nho nhỏ của dân sự đâu. Câu 1 nói David có "ba vạn" người cùng đi với ông. Câu 5 chép: "Đa-vít và cả nhà Y-sơ-ra-ên đều múa hát trước mặt Đức Giê-hô-va với đủ thứ nhạc khí bằng gỗ bá hương, đờn cầm, đờn sắt, trống, bạt, và mã la". Hãy so sánh với I Sử ký 13.8 xem, ở đây chép: "Đa-vít và cả Y-sơ-ra-ên đều hết sức vui chơi trước mặt Đức Chúa Trời, xướng ca, dùng đờn-cầm, đờn-sắt, trống nhỏ, chập chỏa, và kèn mà vui mừng". Có nhiều tốp diễu hành, những người chơi bộ gõ, các ca đoàn và nhiều tốp binh lính.
Hết thảy họ đều rời khỏi thành Jerusalem rồi đi xuống "Balê xứ Giuđa", chỗ nầy có cái tên khác là Ki-ri-át Giê-a-rim rồi tới "nhà Abinađáp" khoảng 10 dặm phía Tây thành Jerusalem. Hòm giao ước đã được cất giữ ở đây trong suốt các năm tháng đó. Họ sẽ dời hòm đi bằng cách nào? Có thể họ đã hỏi thăm người Philitin cách dời Hòm giao ước đi? Có thể họ đã hợp đồng với các kiến trúc sư soạn ra một chương trình? Dù thể nào thì họ cũng đã đến tận nơi rồi, đây là điều họ đã làm: "chúng để hòm của Đức Chúa Trời trên một cái xe mới". "Uxa" và "Ahigiô" là hai con trai hay có lẽ là hai cháu nội của Abinađáp, họ được truyền cho phải "dẫn cái xe mới đó" (câu 3). Đây không phải là một chiếc xe bò thường, mà là một chiếc “xe bò mới", không nghi ngờ chi nữa đây là chiếc xe bò mới nhất và lớn nhất.
Đúng là một quang cảnh náo nhiệt. Khi "chúng đi khỏi nhà Abinađáp" mấy tốp nhạc công trỗi nhạc lên và các ca đoàn bắt đầu hát. Dân chúng thì hô lên lớn tiếng, cầu nguyện rồi nhảy múa trước mặt Đức Giêhôva.
C. Lỗi lầm tai hại của Uxa (các câu 6-7).
Đoàn diễu hành bắt đầu quay ngược trở về lại thành Jerusalem. Hàng ngàn người tụ tập dọc theo con đường để được ngắm nhìn Hòm giao ước khi hòm đi ngang qua. Nhiều việc cứ tiến hành theo như dự định cho tới khi họ đến một nơi kia, bên lề đường được gọi là "sân đạp lúa của Nacôn". Khi ấy có một việc khủng khiếp đã xảy ra, "những con bò ấy ngã". Hòm giao ước nghiêng qua một bên theo chiếc xe. Uxa không có thì giờ để suy nghĩ. Ông đã phản ứng theo bản năng. Ông đã làm đúng những gì quí vị sẽ làm thôi. Ông đã làm y những gì mà tôi sẽ làm. Ông "giơ tay lên nắm hòm của Đức Chúa Trời". Ông không để cho chiếc hòm ngã theo chiếc xe bò.
Tôi không biết phải mô tả như thế nào bối cảnh nầy sống động hơn câu 7 mô tả: "Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va bèn nổi phừng cùng U-xa; Đức Chúa Trời hành hại người vì cớ lầm lỗi người, và người chết tại đó, gần bên hòm của Đức Chúa Trời". Tôi hình dung bàn tay ông chạm đến Hòm giao ước có phản ứng giống như đang nắm lấy đầu dây diện sống vậy. Cái chết đến liền ngay khi ấy. Ông không hề biết điều chi đã đụng đến ông nữa.
Câu hỏi quan trọng là lý do TẠI SAO? Tại sao Đức Chúa Trời đã phản ứng quá mạnh, quá nặng nề…quá cứng như thế? Vì chẳng có ai dừng lại để cầu hỏi xem Đức Chúa Trời muốn Hòm giao ước được di dời như thế nào!?! Họ đã xem thường Đức Giêhôva. Họ không hề biết Ngài đã viết điều chi trong Lời của Ngài. Vì lẽ đó Đức Chúa Trời không phản ứng bằng SỰ KHẮC NGHIỆT mà bằng SỰ THÁNH KHIẾT. Ngài đã từng chạm trên lý trí họ một bài học quan trọng.
Đức Chúa Trời đã ghi rõ Hòm giao ước phải được di dời như thế nào rồi trong Dân số ký 14. Vì Hòm giao ước tiêu biểu cho sự hiện diện về mặt thuộc thể của Đức Chúa Trời giữa vòng dân sự, hòm phải được di dời một cách cẩn thận. Chỉ có những thầy tế lễ đủ tư cách theo dòng Kêhát thuộc chi phái Lêvi mới được sử dụng. Hòm giao ước được đậy bằng da cá nược và vải xanh. Kế đó hai đầu đòn bọc vàng sẽ được xỏ vào khoen bằng vàng đặt ở bốn góc hòm. Khi người Kêhát khiêng hòm đi, họ phải thật cẩn thận khi chạm đến hòm e họ phải chết chăng (Dân số ký 14, đối chiếu Xuất Êdíptô ký 25).
Cái chết của Uxa là một hình ảnh sống động về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Cơn thạnh nộ hay cơn giận thánh khiết của Đức Chúa Trời không phải là một cảm xúc giống như một con người "tỏ vẽ thù nghịch đối với điều ác" đâu. Động lực của Uxa là trong sạch. Ông lo bảo hộ cho chiếc hòm. Tuy nhiên ông đã ngã chết và có lẽ trong sự hiện diện của Đức Giêhôva hôm nay. Uxa chết không phải vì Đức Chúa Trời thù ghét ông mà vì sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đã bị xúc phạm và cơn thạnh nộ của Ngài đã dậy lên. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời đòi hỏi Ngài phải hình phạt tội lỗi. Điều nầy giống như luật trọng lực vậy. Cái gì tưng lên phải rơi xuống. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta gặt lấy mọi hậu quả của tội lỗi. Nói như thế không có nghĩa là Đức Chúa Trời đã chối bỏ chúng ta. Mà nó có nghĩa là chúng ta đang gặt lấy những gì chúng ta đã gieo ra.
D. Sự David nản lòng đối với Đức Giêhôva (các câu 8-11).
Câu 8 chép: "Đa-vít lấy làm buồn thảm, vì Đức Giê-hô-va đã hành hại U-xa, và người ta gọi chỗ ấy là Hành hại U-xa cho đến ngày nay".
Câu 9 chép: "Trong ngày đó, Đa-vít sợ Đức Giê-hô-va". Trước tiên David đã "buồn thảm" với Đức Giêhôva rồi kế đó ông đã "sợ Đức Giêhôva". Đặt hai phản ứng nầy chung với nhau thì quí vị nhìn thấy một tín đồ từng thất bại với những gì Đức Chúa Trời đang thực hiện trong đời sống của người. Quí vị có thể nghe thấy sự thất bại trong giọng nói của người khi đưa ra thắc mắc: "Hòm của Đức Giê-hô-va sẽ thế nào vào nhà ta được?”
David nhắc cho tôi nhớ tới mấy đứa con gái của tôi. Giống như hầu hết những đứa con trai, đôi khi chúng không làm bài tập ở nhà hay chúng không học bài và rồi gặp khó khi thi cử. Chúng than phiền rằng giáo sư đã bất công trong việc học của chúng. Chúng giận dữ và nãn lòng với giáo sư khi lỗi lầm nằm về phía chúng. David không làm bài tập của mình ở nhà. Ông chưa bao giờ chịu dừng lại để hỏi thăm: "Kinh Thánh dạy như thế nào?" Giờ đây ông đã buồn thảm và nãn lòng khi Đức Chúa Trời không chơi theo luật của ông.
David đi từ buồn thảm tới sự hãi. Ông đã "sợ Đức Giêhôva kể từ ngày đó". Khi ông đứng bên cạnh thi thể của Uxa, tôi nghĩ David đã nhận biết trách nhiệm của chính mình. Ông đã suy nghĩ, không dễ dàng gì khi Uxa nằm bất động trên mặt đất như thế đâu. Ông đã kiếm được một sự kính trọng mới mẻ đối với sự thánh khiết của Đức Chúa Trời ngày ấy. Châm ngôn 9.10 chép: "Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng". Châm ngôn 14.27 chép: "Sự kính sợ Đức Giê-hô-va vốn một nguồn sự sống, đặng khiến người ta tránh khỏi bẫy sự chết".
Ồ, ngày nay chúng ta cần phải kính sợ Chúa dường bao. Xã hội của chúng ta đã tô điểm bức tranh nói về một Đức Chúa Trời, Ngài là sự yêu thương, yêu thương, yêu thương và ân điển, ân điển, ân điển. Ngài được chỉ ra là một ông cha quắc thước chuyên chúc phước cho chúng ta và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Trời là sự yêu thương. Đức Chúa Trời đầy dẫy ân điển và sự thương xót. Nhưng Đức Chúa Trời cũng là thánh khiết, thánh khiết, thánh khiết. Đức Chúa Trời cũng là Đức Chúa Trời nổi thạnh nộ nữa. Đôi khi cần phải có một Uxa để nhắc cho chúng ta nhớ về điều nầy. Hội thánh đầu tiên đã có Uxa của nó. Hãy nhớ tới A-na-nia và Sa-phia-ra là hai người đã cố gắng che đậy thái độ ích kỷ của họ. Đức Chúa Trời đã đánh cả hai người và họ đã ngã chết. Công vụ Các Sứ Đồ 5.11 chép về ngày đó: "Cả Hội thánh đều rất sợ hãi, cho đến người nào nghe tin cũng vậy". Phaolô đã giải thích cho Hội thánh Côrinhtô biết vì cớ họ làm ô uế Tiệc Thánh của Chúa nên nỗi có nhiều người trong số họ đã đau bịnh và một số đã ngã chết (I Côrinhtô 11.30). Đức Chúa Trời đã không thay đổi. Ngài vẫn xem trọng sự thánh khiết của Ngài hôm nay y như Ngài đã xem trọng thuộc tính ấy trong những ngày qua.
David không biết phải làm gì ở thời điểm nầy. Ông hỏi: "Hòm của Đức Giê-hô-va sẽ thế nào vào nhà ta được?" Tôi có thể hình dung ra có người đến hỏi: "Nào nhà vua ơi, chúng tôi phải làm gì với chiếc hòm ấy trong lúc nầy?" Chẳng một người nào muốn đụng đến nó nữa. Vì vậy David "không muốn để hòm của Đức Giêhôva đến nhà mình". Ông bảo họ để hòm ấy lại ở đó. Họ chuyển hòm đó vào con đường dẫn đến "nhà của Ôbết Êđôm". Khi quí vị không biết phải làm gì, thì đừng làm cái gì hết. Hãy trở lại với Kinh Thánh. Nghiên cứu. Cầu nguyện. Tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời. Tiếp đến là làm theo.
"Ba tháng" trôi qua. Hãy chú ý mệnh đề ngắn ở phần cuối câu 11: "Đức Giê-hô-va ban phước cho Ô-bết-Ê-đôm và cả nhà người". Ôbết đã thành công chỉ qua một đêm thôi. Ông đã nếm trải được cú chạm ơn phước của Đức Chúa Trời. Mùa màng của ông đã trúng hơn trước đây rất nhiều. Bầy bò của ông đã có một thành tích nhiều bê con. Bầy cừu cái của ông đã sanh được nhiều cừu con ở một cấp độ đáng ngạc nhiên. Bầy gia súc của ông càng tăng trưởng rất cao. Vợ ông thôi không còn cằn nhằn ông nữa. Bầy con của ông thôi không đánh nhau nữa.
E. Nổ lực di đời Hòm giao ước lần thứ hai (các câu 12-15).
Trong "ba tháng" David đã nghiền ngẫm trong cung điện đang khi Đức Chúa Trời chúc phước cho Ôbết Êđôm. Nhà Vua đã nghe báo cáo lại: "Đức Giê-hô-va đã ban phước cho nhà Ô-bết-Ê-đôm và mọi vật thuộc về người, vì cớ hòm của Đức Chúa Trời" (câu 12). David mong muốn ơn phước đó, không những cho chính mình ông mà còn cho cả Israel. Ông muốn hòm giao ước đặt ở thủ đô Jerusalem. Vì vậy ông đã làm bài tập ở nhà của mình. Ông đã đưa ra thắc mắc: "Kinh Thánh dạy như thế nào?" và đã tìm được câu trả lời. Cho phép tôi đọc cho quí vị nghe I Sử ký 15.1-13 nhé:
“David… sắm sửa một nơi cho hòm của Đức Chúa Trời, cùng dựng nhà trại cho hòm ấy. Khi ấy Đa-vít bèn nói rằng: Ngoại trừ người Lê-vi, chẳng ai xứng đáng khiêng hòm của Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời đã chọn chúng đặng khiêng hòm của Đức Chúa Trời, và hầu việc Ngài luôn luôn. Đa-vít bèn nhóm cả Y-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem, đặng thỉnh hòm của Đức Chúa Trời về nơi người đã sắm sửa cho hòm. Đa-vít cũng hội lại các con cháu A-rôn và người Lê-vi…mà bảo rằng: Các ngươi là tộc trưởng của chi phái Lê-vi; vậy, hãy cùng anh em các ngươi dọn mình cho thánh sạch, rồi khiêng hòm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đến nơi mà ta đã sắm sẵn cho hòm. Vì tại lần trước các ngươi không theo lệ đã định mà cầu vấn Đức Giê-hô-va; nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã hành hại chúng ta. Vậy, những thầy tế lễ và người Lê-vi dọn mình cho thánh sạch đặng thỉnh hòm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên. Các con cháu Lê-vi dùng đòn khiêng hòm của Đức Chúa Trời trên vai mình, y như Môi-se đã dạy bảo tùy lời của Đức Giê-hô-va”.
Quí vị có thể hình dung một trong các thành viên thuộc nội các của David tâu như sau: "Tâu Vua, thần đã thực hiện một số nghiên cứu về nan đề của chúng ta. Ngài có biết Xuất Êdíptô ký 25 chép rằng Ngài phải xỏ hai đầu đòn qua mấy lỗ khoen nhỏ kia trên Hòm giao ước rồi khiêng nó trên vai của những người Lêvi không?" David nói: "Đúng thế, chúng ta có nghiên cứu Kinh Thánh về phân đoạn đó và học biết phương thức Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải di dời Hòm giao ước". Trước khi ông tìm cách cải tiến và áp dụng kỹ thuật cao. Giờ đây ông muốn di dời Hòm giao ước theo đúng phương thức của Đức Chúa Trời.
Đây là mục tiêu. Đức Chúa Trời hiện hữu trong các chi tiết. Nếu Ngài toan liệu đủ để viết ra về cây đòn và mấy cái khoen, thì chúng ta phải quan tâm đủ để làm theo những điều Ngài phán dạy. Nếu Đức Chúa Trời phán người chồng và người vợ có chức năng như thế nào, thì chúng ta phải lắng nghe cho kỹ càng hơn. Nếu Đức Chúa Trời phán chúng ta cần phải sử dụng tiền bạc như thế nào, thì chúng ta phải lắng nghe cho kỹ càng hơn. Nếu Đức Chúa Trời phán chúng ta phải có thái độ làm việc như thế nào, thì chúng ta phải lắng nghe cho kỹ càng hơn. Nếu Đức Chúa Trời phán Hội thánh cần phải được quản trị như thế nào, thì chúng ta phải lắng nghe cho kỹ càng hơn. Nếu Đức Chúa Trời phán chúng ta cần phải thờ phượng như thế nào, thì chúng ta phải lắng nghe cho kỹ càng hơn. Nếu Đức Chúa Trời phán phải truyền giáo như thế nào, thì chúng ta phải lắng nghe cho kỹ càng hơn. Đức Chúa Trời đang hiện hữu trong các chi tiết. Trong mọi sự chúng ta làm đều có lời giáo huấn hay nguyên tắc từ Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta. Thắc mắc mà chúng ta phải luôn luôn đưa ra trước hết là: "Kinh Thánh dạy như thế nào?"
Hãy xem lại câu 13: "Khi những người khiêng hòm của Đức Chúa Trời đã đi sáu bước, thì Đa-vít tế một con bò đực và một con thú mập béo". Wow! Sáu bước. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, đứng lại! Tế một của lễ! Hãy tưởng tượng sáu bước đầu tiên ấy căng thẳng như thế nào. Hãy tưởng tượng các thầy tế lễ đó đã lên thần kinh như thế nào. Ai nấy đều tưởng đến Uxa. Họ đã rất cẩn thận. Họ rất kỉnh kiền. Tuy nhiên, khi chuyến hành trình tiếp tục, họ đã thấy thư giãn và bắt đầu thờ lạy cách tự do. Hãy chú ý câu 14-15.
“Đa-vít mặc áo ê-phót vải gai, nhảy múa hết sức tại trước mặt Đức Giê-hô-va. Ấy Đa-vít và cả nhà Y-sơ-ra-ên lấy tiếng vui mừng và tiếng kèn thổi mà thỉnh hòm của Đức Giê-hô-va lên là như vậy”.
Tại sao David đã nhảy múa? Ông rất vui sướng. Ông quá đỗi vui mừng. Hòm giao ước đang trở về nhà. Ông đã tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời trong Ngôi Lời và bằng cách tuân theo Đức Chúa Trời nên đã tiếp nhận ơn phước của Đức Chúa Trời. Trong ơn phước đó, ông đã tìm được niềm vui quá đỗi, dâng tràn, niềm vui mừng ấy khiến cho đôi chân ông phải nhảy múa! Ông đã vâng theo Đức Chúa Trời trong các chi tiết. Ông đã tra hai đầu đòn vào mấy cái khoen và đã nhờ mấy người thanh niên khiêng Hòm giao ước trên vai của họ, và họ đã không đụng đến hòm. Ông tiếp thu đúng đắn các chi tiết và tìm được sự tự do đáng kinh ngạc ở trước mặt Đức Chúa Trời.
F. Tổ chức kỷ niệm sự đến của Hòm giao ước (các câu 17-19).
Ai nấy đều nhìn thấy khi Hòm giao ước được đặt "tại chỗ, giữa trại David đã dựng cho hòm đó". Kế đó họ "dâng của lễ thiêu và của lễ thù ân". David "nhơn danh Đức Giêhôva vạn quân mà chúc phước cho dân sự". Số dân nầy có khuynh hướng giống những người Báptít vì sau khi thờ phượng, họ phải ăn uống! David phát cho mọi người trong "hết thảy dân chúng" bánh, thịt và bánh nho tráng miệng.
I Sử ký 16 ghi lại một Thi thiên mà David làm cho Asáp, là ca trưởng và hết thảy họ đã hát "ngợi khen Đức Giêhôva" (câu 7). Thú vị thay, đây là hình ảnh đầu tiên của sự thờ phượng chung có sử dụng âm nhạc trong Kinh Thánh. Cho phép tôi cung ứng cho quí vị một vài khổ từ Thi thiên khá dài nầy bằng lời lẽ của John Piper trong đó: "vang dội tiếng khen ngợi của dân sự Ngài".
“Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va cầu khẩn danh Ngài, và đồn công việc Ngài ra giữa các dân tộc! Hãy ca hát cho Ngài, hãy ngợi khen Ngài! Suy gẫm về các công việc mầu của Ngài. Hãy lấy danh thánh Ngài làm vinh; Phàm ai tìm cầu Đức Giê-hô-va, khá vui lòng!” (các câu 8-10).
“Hỡi người khắp thế gian, khá hát ngợi khen Đức Giê-hô-va; Ngày ngày hãy tỏ ra sự chửng-cứu của Ngài! Trong các nước hãy thuật sự vinh hiển của Ngài; Tại muôn dân khá kể những công việc mầu của Ngài” (các câu 23-24).
“Hỡi các dòng của muôn dân, khá tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng; Khá tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xét đoán danh Ngài, đem lễ vật đến trước mặt Ngài; hãy mặc lấy trang sức thánh khiết mà thờ lạy Đức Giê-hô-va. Hỡi khắp thiên hạ, khá run sợ trước mặt Ngài” (các câu 28-30).
“Các từng trời hãy vui mừng, trái đất khá hỉ-lạc; Còn trong các nước người ta đáng nói: Đức Giê-hô-va quản trị!” (câu 31).
Khi bài ca kết thúc, câu 36 chép: "Cả dân sự đều đáp rằng: A-men! và ngợi khen Đức Giê-hô-va”.
II. Thái độ phê phán nhà Vua (các câu 16, 20-23).
A. Ánh mắt khi dễ của Micanh (câu 16).
Hãy đặt sự tưởng tượng của quí vị quay trở lại từ đầu và đến với bối cảnh lễ kỷ niệm khi Hòm giao ước được khiêng vào thành phố. Hãy trở lại đọc câu 16.
“Nhưng khi hòm của Đức Giê-hô-va vào thành Đa-vít, thì Mi-canh, con gái của Sau-lơ, dòm ngang qua cửa sổ, thấy Đa-vít múa nhảy trước mặt Đức Giê-hô-va, thì trong lòng khinh bỉ người”.
Còn từng người Do thái khác đâu rồi? Ở ngoài đường phố! Ca hát! Nhảy múa! Ngợi khen! Micanh đã ở đâu [không được mô tả là vợ của David mà là "con gái của Saulơ"]? Nàng đang “dòm ngang qua cửa sổ". Trong khi mọi người khác đều ở bên ngoài dự lễ, nàng còn ở bên trong nhà chỉ để bĩu môi khinh bỉ.
Câu 14 chép rằng David mặc "áo êphót vải gai". Áo nầy không những là áo lót trong như một số người đề xuất mà còn là áo xống của một thầy tế lễ bình thường. David không mặc loại áo dài tương xứng của một Vì Vua. Ông không ngồi trên kiệu duyệt binh quan sát đám rước đi ngang qua dưới mắt ông. Thay vì thế, ông đã xuống đường, ăn mặc giống như một thầy tế lễ bình dị "nhảy múa hết sức tại trước mặt Đức Giêhôva" cùng với mọi người khác.
Trong lý trí của Micanh đây là sự giả đò. Rốt lại nàng đã lớn lên như một cô công chúa. Nàng sống rất vương giả. Nàng khinh bỉ chồng mình vì mất phẩm cách, chẳng ra gì hết và tự làm giảm giá trị mình ở chỗ đông người. Một phụ nữ luôn luôn đồng hóa với chồng mình. Nàng vừa là người bảo hộ đáng tin cậy, trung thành vừa là người chê bai khinh bỉ ông thật là khắc nghiệt.
B. Lời lẽ phê phán của Micanh (câu 20).
Sau buổi lễ trong đó David đã chúc phước cho xứ sở, sau khi "hết thảy ai về nhà nấy" (câu 19), David "cũng trở về chúc phước cho người nhà mình". Là một Mục sư, tôi có liên quan đến vấn đề nầy. Ở nhà thờ quí vị phải chúc phước cho mọi người, nhưng khi buổi thờ phượng tan rồi, quí vị đi về nhà để sinh hoạt với gia đình của chính mình.
Tôi hình dung nhiều người vợ, hầu và con cái của David, đang chạy ra đón người khi người bước vào cung điện. Tuy nhiên, qua căn phòng, với hai bàn tay chống nạnh bên hông là người vợ đầu tiên của ông, "con gái của Saulơ", là người duy nhất và chỉ có Micanh chẳng cần gì phải úp mở lời mai mỉa của mình: "Hôm nay vua Y-sơ-ra-ên được vinh hiển thay, mà ở trần trước mặt các con đòi của tôi tớ vua, làm như một kẻ không ra gì vậy!"
C. Phản ứng bất cần của David (các câu 21-23).
David không bắt tay thân thiện với nàng. Ông không ngồi xuống bên nàng trên ghế sofa, và như cấp lãnh đạo thuộc linh của nàng ông giải thích những điều mà ông biểu hiện ở đó. David là một người thành công trong nhiều lãnh vực, nhưng là một người chồng, ông chẳng phải là người thành công đâu. Ông phản ứng bất cần nơi phần của mình.
“Đa-vít đáp với Mi-canh rằng: Ấy tại trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng đã chọn lấy ta làm hơn cha nàng và cả nhà người, lập ta làm vua chúa Y-sơ-ra-ên, là dân của Đức Giê-hô-va; phải, trước mặt Đức Giê-hô-va, ta có hát múa”.
Hai lần trong câu đó David nói rằng sự ông nhảy múa thờ phượng là "tại trước mặt Đức Giêhôva". Đây không phải là một sự biểu diễn cho dân sự xem đâu, đây là một đáp ứng hết mức đối với Đức Chúa Trời. Có bao nhiêu điều trải qua trong buổi thờ phượng ngày nay đã được ấn định để làm đẹp lòng loài người hơn là đẹp lòng Đức Chúa Trời?
David tiếp tục trong câu 22: "Ta sẽ hạ mình xuống nhiều hơn nữa, tự xem mình là hèn mạt; dầu vậy, những con đòi nàng nói đó lại sẽ tôn kính ta". David đang nói rằng mặc dù Micanh không tôn trọng ông, mọi người khác sẽ tôn kính ông. Câu 23 chép rằng: "Vì vậy, Mi-canh, con gái Sau-lơ, không sanh con cho đến ngày nàng thác". Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh nói điều nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời đã xét đoán nàng vì sự kiêu ngạo của nàng. Tôi nghĩ điều nầy có nghĩa là nàng đã chối bỏ David cho nên David đã chối bỏ nàng và không còn có mối quan hệ vợ chồng với nàng nữa. Ông “dứt khoát nàng” để cho nàng trở nên bị khinh bỉ vì nàng không có con.
III. Các bài học cần phải tiếp thu.
A. Đức Chúa Trời quan phòng các chi tiết.
Khi Đức Chúa Trời phán dạy phải xỏ cây đòn qua cái khoen rồi khiêng Hòm giao ước ở trên vai của quí vị, đây đúng chính xác là những điều Ngài muốn dạy dỗ. Có phải quí vị là NGƯỜI ĐI DỌ GIÁ hay là NGƯỜI ĐI MUA? Có phải quí vị chỉ muốn di dời Hòm giao ước hay có phải quí vị muốn di dời Hòm giao ước theo phương thức của Đức Chúa Trời? Quí vị thấy đấy, khi chúng ta không quan tâm tới các chi tiết, chúng ta không quan tâm tới Đức Chúa Trời.
Có phải quí vị để ý thấy phương thức duy nhứt Hòm giao ước được dời đi là khi họ sau cùng đã quyết định dời hòm đi theo đúng phương thức của Đức Chúa Trời đã ấn định không? Phải mất đến "ba tháng" nhưng sau cùng họ đã dời Hòm giao ước đi được rồi.
Tôi lấy làm lạ không biết những kỷ niệm nào chúng ta đã bỏ sót trong sự cứng cổ của chúng ta? Tôi lấy làm lạ không biết chúng ta đã bỏ qua sự vui mừng nào vì ham muốn của chúng ta bám chặt lấy việc di dời hòm và buổi thờ phượng trình diễn mà chúng ta với sự bất tuân kiêu kỳ cứ mãi làm theo phương thức riêng của mình. Các ơn phước dư dật của Đức Chúa Trời sẽ không thuộc về chúng ta cho tới chừng chúng ta biết hạ mình xuống khi xử lý với các chi tiết.
B. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta phương hướng hẳn hòi.
Khi David quyết định theo chương trình của mình lo di dời Hòm giao ước, ông đã tham khảo ý kiến của dân sự nhưng ông không cầu hỏi Đức Chúa Trời. Ông đã có được một lá phiếu và dư luận cử tri, song ông không tìm kiếm trong Kinh Thánh. Khi chúng ta có một thắc mắc, thắc mắc đầu tiên chúng ta nên đưa ra là: "Kinh Thánh phán dạy như thế nào?" Kinh Thánh là huấn thị của Đức Chúa Trời về sự sống. II Timôthê 3.16-17 chép:
“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.
Trước đây tôi có nhắc tới một việc, ấy là Uxa đã lớn lên quanh Hòm giao ước. Chính ngôi nhà của tổ phụ ông, ông lớn lên ở đó. Có thể đối với ông, Hòm giao ước không phải là một việc lớn lao đâu! Thân quá hoá lờn. Mối nguy hiểm cho nhiều người trong chúng ta là tín đồ trong một thời gian dài, ấy là chúng ta xem nhẹ mọi vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời. Chúng ta mang Kinh Thánh theo với chúng ta, nhưng mang theo và biết rõ chúng là hai việc khác nhau. Biết rõ và làm theo chúng cũng là hai việc khác nhau. Chúng ta hãy làm tươi mới lại trong quyết định của chúng ta muốn biết rõ và làm theo Lời của Đức Chúa Trời.
C. Thái độ phê phán và hoài nghi là những tay giết chết niềm vui mừng.
David đã có được một trong những ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình, nhưng rồi kế đó ông phải xử lý với Micanh. Không những nàng đã cướp mất niềm vui mừng của ông, mà còn kéo ông xuống thấp với thái độ yếm thế của ông nữa. Chúng ta hãy cẩn thận đừng làm theo y như thế. Chúng ta đừng học theo thói chỉ trích những gì Đức Chúa Trời đang chúc phước cho. Như Giacơ 1.19 chép, chúng ta hãy "…mau nghe mà chậm nói, chậm giận".
Chúng ta hãy trở thành NGƯỜI ĐI MUA, đừng trở thành NGƯỜI ĐI DỌ GIÁ. Chúng ta đừng mua sắm ở đây và ở đàng kia để lấy những mãng chân lý theo Kinh Thánh dường tốt lành cho chúng ta. Chúng ta hãy ham muốn "toàn bộ mưu luận của Đức Chúa Trời". Chúng ta hãy sống theo Châm ngôn 23.23 và "Hãy mua chân lý, mà chớ hề bán đi".
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét