Đời sống và thời thế của Vua David
Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta
II Samuên 21.1-22
Có ít người trong vòng quí vị biết sáng nay chúng ta mở Kinh Thánh ra bắt đầu sứ điệp thứ ba mươi trong loạt bài đời sống và thời thế của Vua David. Chúng ta bắt đầu loạt nghiên cứu nầy khoảng chín tháng qua. Chúng ta đã lướt qua từng câu một trong phân nửa thứ nhì của sách I Samuên và gần hết sách II Samuên, không nhắc tới một số Thi thiên do David viết. Chúng ta vài lần chú ý tới con người duy nhứt thường được nói đến trong Kinh Thánh hơn cả David là Con của Đức Chúa Trời, chính Đức Chúa Jêsus Christ.
Tôi xưng nhận trong tôi có một phần mong muốn hoàn tất loạt bài nầy một cách mau chóng. Vì chúng ta đã đi quá lâu trong loạt bài nghiên cứu nầy, tôi thấy nếu như chỉ gói ghém đời sống của David trong một vài chương bằng một, hai sứ điệp thì giống như nói ra chuyện tầm phào mà thôi. Tôi cũng thấy rằng trong một loạt nhiều bài học quá thì tâm trí chúng ta dễ bị phân tán nữa.
Gút lại vấn đề đó, phân đoạn Kinh Thánh hôm nay đặc biệt là một phân đoạn khó. Câu chuyện nói tới sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên Israel trong suốt sự trị vì của David quả là một câu chuyện kỳ lạ vì một số điều mà Saulơ đã làm trước đó, việc làm của ông ta đã phá vỡ một giao ước đã có 400 năm rồi. Phân đoạn nầy mô tả thể nào dòng dõi của Saulơ bị án chết vì một việc làm mà ông ta đã làm nhiều năm trước đó và điều nầy dường như là công bình theo lý trí của người Tây phương chúng ta. Và kế đó chương sách kết thúc với bốn trận đánh liên tục trong đó các dõng sĩ của David đã giết thêm bốn gã giềnh giàng khác.
Ở đầu tuần lễ nầy, tôi bị cám dỗ nên lướt qua chương nầy, chỉ tóm tắt nó và tiếp tục nhắm vào các sự cố sau cùng khác trong đời sống của David. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu đọc và nghiên cứu, tôi được nhắc nhớ trong lòng rằng chương nầy là một chương rất cảm động, không nên bỏ qua, không nên để sót và vì lẽ đó nó quan trọng cũng như bất kỳ chương nào khác trong Kinh thánh. II Samuên 21 đúng là có giá trị cho chúng ta cũng như Mathiơ 16, Giăng 3, Rôma 8, I Côrinhtô 13 hay Hêbơrơ 11 (một ngày nào đó tôi sẽ giảng một loạt bài về các chương quan trọng trong Kinh thánh). Tôi được nhắc nhớ rằng MỌI SỰ trong Lời của Đức Chúa Trời đều rất quan trọng cho phần học hỏi của chúng ta. Phục truyền luật lệ ký 8.3 chép và Chúa Jêsus đã nhắc lại trong Mathiơ 4.4: "Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời". Rôma 15.4 chép về Cựu Ước: "Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy".
Khi tôi bước vào phần nghiên cứu cẩn thận chương nầy, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã mở mắt tôi ra. Cái điều dường như kỳ lạ và cổ xưa đã trở nên tươi mới và quan trọng lắm. Thường là như thế. Muốn tiếp thu lấy mọi báu vật chứa trong Lời của Đức Chúa Trời, chúng ta phải chịu khó tìm tòi học hỏi để truy cho ra các lẽ thật quí báu đó. Điều nầy đã xảy ra cho tôi trong tuần lễ nầy. Từ chương sách Cựu Ước kỳ lạ nầy, tôi đã tìm ra ba đặc điểm rất vinh hiển của Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta. Tôi lấy làm run sợ mà chia sẻ cho quí vị, vì vậy chúng ta hãy bắt đầu:
I. Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta là một Đức Chúa Trời luôn giữ giao ước (các câu 1-9).
Saulơ đã phá vỡ Giao ước.
Bối cảnh của sự cố nầy diễn ra ngay sau sự loạn nghịch của Ápsalôm khi David trở về lại thành Jerusalem từ chuyến lưu đày ngắn ngủi của ông ở bên kia sông Giôđanh. Ông đã giẫm nát cuộc nổi loạn trong một thời gian ngắn của Sêba rồi ổn định lại mọi công việc của nhà nước. David đương ở trong cảnh xế chiều của cuộc đời, có lẽ 60 tuổi hay hơn thế.
Câu 1 cho chúng ta biết có một nan đề mà David phải lo xử lý với. Có một "ách cơ cẩn" đã hoành hành xứ sở với nạn đói trong "ba năm liên tiếp". Nạn đói ấy liên miên “hết năm nầy sang năm khác” dường như không thấy kết thúc. David bắt đầu nhận ra rằng tai nạn nầy không phải là một kiểu thăng trầm của hạn hán và dư dật bình thường, nghĩa là, nó không phải là kết quả của những hoàn cảnh thông thường. Ông cảm thấy có một lý do thuộc linh cho tai nạn nầy. Vì lẽ đó: "David cầu vấn Đức Giêhôva" để tìm biết nguyên nhân. Ông đã nhận được giải đáp. Chúng ta không biết có phải đây là một giấc chiêm bao, một giọng nói nghe thấy được hay bởi miệng của một tiên tri hay không, song giải đáp của Đức Chúa Trời là chắc chắn. Đức Giêhôva phán: "Sự nầy xảy đến vì cớ Sau-lơ và nhà đổ huyết của người, bởi vì người có giết dân Ga-ba-ôn". Trước khi chúng ta vào sâu hơn, chúng ta cần phải tiếp thu phần lịch sử của dân "Gabaôn".
Câu 2 chép: "Người Ga-ba-ôn chẳng thuộc về dân sự Y-sơ-ra-ên, nhưng họ là kẻ sống sót của dân A-mô-rít”. Hơn nữa, câu nầy chép: "dân Y-sơ-ra-ên có thề hứa tha thứ họ. Dầu vậy, Sau-lơ vì lòng sốt sắng về dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, đã tìm cách trừ diệt họ". Vì vậy, chúng ta biết rõ dân Gabaôn không phải là người Do thái, mà là người Canaan ra từ dân Amôrít. Chúng ta hãy quay trở lại với Giôsuê 9 để biết phần còn lại của câu chuyện.
Người Gabaôn xuất thân từ thành phố theo tà giáo Gabaôn. Đặc biệt, Giôsuê 9.1, 7 chỉ ra họ là dân "Hêvít", người Hêvít là một trong các chi tộc dân Amôrít. Hãy suy nghĩ về sự ấy theo cách nầy. Chúng ta là người Amarilloan, người Texas và người Mỹ. Họ là người Gabaôn, người Hêvít và người Amôrít.
Khoảng bốn trăm năm trước, ngay sau khi Môise qua đời, khi Giôsuê lãnh đạo dân Israel ra khỏi đồng vắng, băng qua sông Giôđanh mà vào đất Hứa, Đức Chúa Trời đã ban cho Israel những chiến thắng oanh liệt đối với thành Giêricô (các bức tường thành đổ xuống ở đây) và thành Ahi. Các tin tức nầy đã lan rộng trong các bộ tộc tà giáo đang sinh sống trong xứ Canaan. Đa số trong vòng họ đã sửa soạn để chiến tranh. Tuy nhiên, dân Gabaôn đã sử dụng một chiến lược khác.
Họ đã chọn ra một số sứ giả để sai đến với Israel. Họ mặc lấy cho mình những áo quần cũ rách và giày mòn hết. Họ sử dụng mấy cái túi cũ và mang theo những bầu da vá víu cũ kỹ. Mặc dù Gabaôn chỉ cách nơi quân Israel đóng trại chỉ cách chừng vài đặm đường, họ muốn dân Israel tưởng chừng như họ đã đi một con đường dài lắm vậy.
Họ đến gặp các trưởng lão Israel rồi xin lập với họ một giao ước hoà bình. Họ nói họ đi từ một xứ xa đến và họ đã nghe nói về Giêhôva Đức Chúa Trời, danh tiếng Ngài, cùng những công việc diệu kỳ của Ngài ở Ai cập cũng như những chiến thắng mà Ngài đã ban cho dân Israel trước những kẻ nghịch thù kia. Họ không muốn đánh nhau mà chỉ muốn lập một giao ước hoà bình mà thôi. Họ xưng rằng bánh mốc meo mà họ mang theo để làm của lễ rất còn tươi mới khi họ khởi sự chuyến hành trình đi tới đó. Họ cũng nói áo quần, giày dép, bầu da rượu hãy còn mới khi họ rời khỏi quê nhà.
Các cấp lãnh đạo Israel đã làm một việc rất dại dột. Giôsuê 9.14 chép: "Người Y-sơ-ra-ên bèn nhậm lương thực chúng nó, không cầu hỏi Đức Giê-hô-va". Không cầu hỏi ý chỉ của Đức Chúa Trời, họ đã lập một giao ước hoà bình với sắc dân tà giáo nầy.
Ba ngày sau, khi lực lượng Israel vào đến xứ, họ đến tại một thành và tên của thành ấy là Gabaôn. Thành ấy không ở đâu xa lắm, mà ở ngày trên đường. Giôsuê và hết thảy Israel khi ấy mới nhận ra mình đã bị lừa. Có nhiều người muốn tấn công thành phố vì sự lừa lọc ấy nhưng họ không tấn công vì họ đã bước vào trong một giao ước rồi. Thực ra trong các câu 19-20, các cấp lãnh đạo Israel nói: "Chúng ta đã chỉ danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng dân đó; vậy, từ bây giờ chúng ta không thế hại chúng nó được. Chúng ta phải đãi dân đó như vầy: Phải để cho chúng nó sống, hầu cho chớ vì cớ lời thề đã lập, mà chúng ta khiến cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va giáng trên chúng ta". Họ vốn hiểu rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ xem giao ước là bắt buộc và sẽ giáng phạt họ nếu họ phá vỡ nó. Họ biết rõ Đức Chúa Trời rất nghiêm ngặt về các giao ước.
Thay vì giết dân Gabaôn, Israel đã khiến họ thành ra đủ loại nô lệ. Họ phải trở thành thợ "đốn cũi" và thợ "xách nước" cho đền tạm. Giôsuê đã tôn trọng giao ước thậm chí cho dù nó đã được lập ở dưới sự lừa lọc.
Giao ước đã được thử nghiệm sâu xa hơn ở Giôsuê 10. Năm vị vua người Amôrít hiệp nhau quyết định tiêu diệt dân Gabaôn vì cớ họ lập giao ước với dân Israel. Họ sửa soạn tấn công thành phố và lật đổ nó. Giao ước mà Israel đã lập không những là một sự đồng ý sống giao hảo với dân Gabaôn, mà còn phải bảo hộ họ khi cần thiết nữa. Vì vậy họ đã đến để giải cứu cho dân nầy. Đức Chúa Trời bảo đảm với Giôsuê: "Chớ sợ, vì ta đã phó chúng nó vào tay ngươi, chẳng còn một ai đứng nổi trước mặt ngươi được" (câu 8).
Một trận đánh lớn đã xảy ra trong đó Giôsuê và dân Israel đã "loại" quân đội của năm vua kia rồi giải cứu Gabaôn khỏi bị tàn sát. Đây là trận đánh nổi tiếng trong đó Giôsuê đã cầu nguyện cho mặt trời đứng yên để có đủ thì giờ trong ban ngày để truy kích các kẻ thù của họ.
Về sau, trong Giôsuê 21.17, chúng ta học biết rằng Gabaôn là một phần trong sự bóc thăm của chi phái Bêngiamin. Thành nầy được biệt riêng ra như một nơi ở của chi phái Lêvi, các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Thành ấy nằm ở một địa thế khoảng 8 dặm phía tây bắc thành Jerusalem và đây là nơi dựng Đền Tạm cho tới khi Solomon hoàn tất công cuộc xây cất Đền Thờ. Chính trong Gabaôn mà 12 người của Ápne đánh nhau với 12 người của Giôáp (II Samuên 2). Chính trong Gabaôn, nơi "hòn đá lớn", Giôáp đã đâm Amasa và ông ta "đẫm trong máu ở giữa đường" (II Samuên 20.9-12).
Giờ đây khoảng 400 năm sau, Israel đang đối diện với một nạn đói liên tục trong ba năm và David học biết rằng Đức Chúa Trời đang xét đoán cả nước vì Vua Saulơ một thế hệ trước đã phá vỡ giao ước xưa nầy. Saulơ thuộc về chi phái Bêngiamin. Các tổ phụ của ông ta đã xuất thân từ Gabaôn. Saulơ đã lớn lên quanh các dòng dõi của dân Ngoại và những người gốc Gabaôn đó. Mặc dù Kinh Thánh cho chúng ta biết rất ít về điều nầy, Saulơ và gia đình của ông ta đã bắt đầu một sự bắt bớ đầy bạo lực chống lại người Gabaôn. Chúng ta không biết ông ta đã giết bao nhiêu người trong tội ác diệt chủng nầy. Chúng ta không biết hết thảy những ai đã thông đồng với ông ta. Chúng ta chỉ biết Đức Chúa Trời đang xét đoán Israel vì cớ "Saulơ và nhà [gia đình] đổ huyết của người".
Tại sao Saulơ và gia đình ông bắt đầu tội diệt chủng nầy chứ? Câu 2 chép ông ta "vì lòng sốt sắng về dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa, đã tìm cách trừ diệt họ". Ông ta đã thất bại không giết hết được dân Amaléc theo như Đức Chúa Trời đã truyền lịnh (I Samuên 15) nhưng đã giết dân Gabaôn mà với họ ông bị ràng buộc bởi giao ước phải lo bảo hộ. Mục tiêu của tất cả mọi điều nầy rất rõ ràng. Đức Chúa Trời rất nghiêm ngặt về việc tuân giữ giao ước nầy.
David biết rõ rằng phải có sự bồi thường cho giao ước đã bị phá vỡ như thế nầy, vì vậy ông đã hạ mình xuống đến gặp dân Gabaôn rồi hỏi: "Ta phải làm sao cho các ngươi, lấy vật gì mà chuộc tội, hầu cho các ngươi chúc phước cho cơ nghiệp của Đức Giê-hô-va?" (câu 3). Để được phước của Đức Chúa Trời giáng trên dân Israel, người Gabaôn phải chúc phước cho dân Israel.
Có lẽ David nghĩ ông có thể làm dịu đi nỗi đau buồn của người Gabaôn với tiền trợ cấp của chính phủ. Tuy nhiên, họ đáp: "Chúng tôi đối cùng Sau-lơ và nhà người chẳng đòi bạc hay vàng, chúng tôi cũng chẳng có phép giết người nào trong Y-sơ-ra-ên". Hãy tưởng tượng các nạn nhân người Do thái khi bị thiêu sống, họ nghĩ gì? Có một lượng vàng bạc nào của quân Phát xít có thể làm cho nỗi đau buồn mà họ đã gánh chịu vơi đi được không? Tất nhiên là không rồi. Họ mong muốn sự công bình. David bằng lòng làm điều đó. Ông nói: "Vậy các ngươi muốn ta làm gì cho các ngươi?" (câu 4). Saulơ đã chết vì vậy ông ta không thể bị trừng phạt nơi tay của họ được. Tuy nhiên, dòng dõi của ông hãy còn sống. Họ nói: "Thế thì, hãy phó cho chúng tôi bảy người trong những con trai người; chúng tôi sẽ treo chúng nó trước mặt Đức Giê-hô-va ở Ghi-bê-a, thành của Sau-lơ" (câu 6).
Hãy nhớ câu 1 chép, chính "Saulơ và nhà đổ huyết của người" hay gia đình ông đã giết người Gabaôn. Luật pháp nói trong Phục truyền luật lệ ký 24.16: "Chớ vì con mà giết cha, cũng đừng vì cha mà giết con. Phàm người nào phạm tội, thì phải giết người nấy". Điều nầy làm cho tôi thấy rõ rằng con cháu của Saulơ đã nhúng tay vào tội diệt chủng người Gabaôn. Có lẽ David biết rõ họ là ai hay đã đưa họ ra chịu án rồi quyết định tội lỗi của họ.
David đã đồng ý làm theo lời yêu cầu nầy. Ông đã tha cho Mêphibôsết vì "lời thề" của ông với Giônathan. Hai người con trai nếu "Rípba" là hầu của Saulơ và năm con trai của "Micanh" con gái của Saulơ. Mấy người nầy bị "treo" bởi người Gabaôn. Án treo cổ được lưu giữ cho những tội trọng. Họ đã bị treo cho tới chết "nhằm mấy ngày đầu mùa gặt lúa mạch" (câu 9). Đức Chúa Trời rất nghiêm ngặt về các giao ước đến nỗi Ngài đã để cho mấy người nầy gánh chịu những cái chết tồi tệ và sĩ nhục nhất khi phá vỡ một giao ước.
Đức Chúa Trời rất nghiêm ngặt về các giao ước của Ngài.
Đức Chúa Trời luôn luôn và tiếp tục xử lý với nhân loại bằng phương thức giao ước. Phục truyền luật lệ ký 7.9 chép: "Vậy nên, phải nhận biết rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, ấy là Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ đến ngàn đời cho những người yêu mến Ngài và vâng giữ các điều răn Ngài". Một cách định nghĩa giúp ích rất nhiều ở đây. Theo tự điển Webster, giao ước là "bản hợp đồng trang trọng ràng buộc hai hay nhiều bên". Giống như Israel đã lập một giao ước với dân Gabaôn, Đức Chúa Trời đã lập nhiều giao ước với con người. Chúng ta hãy nghiên cứu tóm tắt các giao ước ấy.
Giao ước với AĐAM (Sáng thế ký 2-3) – Khi Ađam nổi loạn và ăn trái cấm, ông phải ở dưới sự rủa sả của tội lỗi. Chúng ta gọi điều nầy là Sự Sa Ngã. Tuy nhiên, là một phần của sự rủa sả, Đức Chúa Trời cũng lập một lời hứa, một giao ước với Ađam. Ngài hứa rằng từ người nữ đó sẽ ra “dòng dõi” của ông, người sẽ chà nát đầu của Satan. Tất nhiên chúng ta biết rõ lời hứa nầy nhắm vào Chúa Jêsus.
Giao ước với NÔÊ (Sáng thế ký 9) – Đức Chúa Trời cũng giao ước với Nôê và dòng dõi của ông không hủy diệt đất bằng nước lụt nữa. Cái mống là một dấu hiệu của lời thề nầy.
Giao ước với ÁPRAHAM (Sáng thế ký 12, 17) – Đức Chúa Trời hứa với Ápraham ông sẽ là cha của nhiều dân tộc, Ngài sẽ chúc phước cho người nào chúc phước ông và rủa sả kẻ nào rủa sả ông, và nơi ông mọi chi tộc trên thế gian sẽ được phước. Tân Ước chỉ ra sự đầy dẫy của giao ước nầy ở chỗ dân Ngoại dự phần vào giao ước và trở thành con cái của Ápraham bởi đức tin.
Giao ước với DAVID (II Samuên 7) – Đức Chúa Trời đã hứa với David rằng Ngài sẽ lập dòng dõi ông và ngôi vị của ông sẽ được lập cho đến đời đời. Tất nhiên là giao ước nầy cũng được ứng nghiệm nơi Chúa Jêsus, Ngài đã đến như "Con của David". Ngài sẽ trị vì cho đến đời đời.
Giao ước MỚI – Trong thực tế, tất cả các giao ước trước kia đã được xem như một giao ước, giao ước CŨ như đối chiếu với giao ước MỚI. Quyển Kinh thánh của quí vị được phân ra bởi hai Ước hay giao ước. Toàn bộ Tân Ước mô tả, minh họa và bàn rộng quan niệm của giao ước Mới. Giờ đây chúng ta đến với Đức Chúa Trời bởi đức tin nơi Con của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài đã đến để trở thành của lễ cho chúng ta trên thập tự giá. Bởi ân điển thôi, Đức Chúa Trời giải cứu, chuộc lấy, xưng công bình, nhận chúng ta làm con nuôi, tái tạo và đóng ấn chúng ta bằng Đức Thánh Linh cho tới ngày cứu chuộc.
Đức Chúa Trời luôn luôn giữ giao ước của Ngài. II Timôthê 2.13 chép: "nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được".
Đức Chúa Trời rất nghiêm ngặt về các giao ước của chúng ta.
Không những Chúa gìn giữ giao ước của Ngài. Ngài rất nghiêm ngặt về việc chúng ta tuân giữ các giao ước của mình. Phân đoạn Kinh Thánh ở trước mặt chúng ta minh hoạ cho thấy Đức Chúa Trời nghiêm ngặt như thế nào về giao ước bị phá vỡ giữa dân Israel và dân Gabaôn. Đức Chúa Trời là công bình khi nghiêm ngặt đối với quí vị và tôi trong việc tuân giữ giao ước của chúng ta. Chúng ta cần phải tuân giữ những giao ước nào? Mặc dù có nhiều giao ước, tôi muốn nhắc tới ba giao ước chính mà hầu hết chúng ta đều bị buộc mình vào:
Giao ước của chúng ta với NGƯỜI BẠN ĐỜI – Phần nhiều người trong chúng ta đã bước vào một giao ước hôn nhân. Chúng ta đã đứng trước mặt Đức Chúa Trời và loài người, ký thác đời sống chúng ta với người bạn đời của mình. Là một xã hội, giao ước hôn nhân không có ý nói tới những điều họ thường nhắc tới. Có rất nhiều người nam người nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà chẳng có một sự ký thác hôn nhân hay hứa hẹn nào lâu dài cả. Một nghiên cứu mới đây được đăng trong tờ Amarillo Globe-News nói rằng 43% cuộc hôn nhân đã tan vỡ trong 15 năm đầu tiên. Phân nửa những phụ nữ trong nước Mỹ đã sống với người bạn đời của họ cho tới khi họ 30 tuổi. 40% những người đã lập gia đình sau khi sống chung với nhau đã ly dị trong 10 năm đầu chung sống đó.
Đây là một sự gớm ghiếc đối với Đức Chúa Trời. Ngài ban cho chúng ta người bạn đời để sống suốt đời. Ý chỉ của Ngài, ấy là chúng ta phải sống với nhau dù bịnh tật hay khoẻ mạnh, dù nghèo hay giàu, dù thuận cảnh hay nghịch cảnh và chỉ có cái chết mới phân rẽ chúng ta. Hãy lắng nghe Đức Chúa Trời đã phán gì với các thầy tế lễ đồi bại qua tiên tri Malachi.
“Các ngươi lại nói rằng: Vì sao? Ấy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi. Vả, hơi sống của Đức Chúa Trời dầu có dư dật, chỉ làm nên một người mà thôi. Nhưng vì sao chỉ làm một người? Ấy là vì tìm một dòng dõi thánh. Vậy các ngươi khá cẩn thận trong tâm thần mình; chớ đãi cách phỉnh dối với vợ mình lấy lúc tuổi trẻ. Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán rằng ta ghét người nào bỏ vợ, và người nào lấy sự hung dữ che áo mình, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy. Vậy hãy giữ trong tâm thần các ngươi, chớ đãi cách phỉnh dối” (Malachi 2.14-16).
Nếu chúng ta "đãi cách phỉnh dối", nếu chúng ta ngược đãi, lợi dụng, lạm dụng, hay hành động bất công đối với người bạn đời của mình, chúng ta sẽ gặt lấy một cơn đói kém về sự sống thuộc linh. Kinh thánh dứt khoát ban lẽ thật nầy cho những người làm chồng. I Phierơ 3.7 chép: "Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em".
Giao ước của chúng ta với Hội thánh – Dù quí vị biết hay không biết, khi quí vị trở thành một thuộc viên của Hội thánh địa phương nầy, quí vị đã bước vào một mối tương thông giao ước với từng tín hữu khác ở đây. Tôi không nói về một tấm áp phích nào đó đang treo trên tường của nhà thờ. Giao ước chúng ta bước vào không phải viết bằng mực mà được viết bằng huyết, huyết của Đức Chúa Jêsus Christ đang ràng buộc chúng ta.
Kinh thánh mô tả Hội thánh là một thân thể. Đấng Christ là đầu và phần chúng ta còn lại là các chi thể hay "thuộc viên" khác. Tôi muốn được là cái miệng. Một số trong quí vị là mấy ngón tay. Một số là mấy ngón chân. Một số là hai đầu gối, cùi chỏ hay cái gì đó khác nữa. Chúng ta là những cá nhân đặc biệt với nhiều cá tính và khả năng khác nhau. Khi chúng ta kết nhau lại, chúng ta rất mạnh mẽ. Khi chúng ta phân rẽ ra, chúng ta yếu đuối. I Côrinhtô 12.24-27 chép:
“Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người…hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng. Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy”.
Giống như các giao ước hôn nhân, nhiều người đã xem thường giao ước của họ với Hội thánh. Họ nhảy từ hội chúng nầy sang hội chúng khác. Họ có những cảm xúc bị thương tổn và thay vì xứ lý với người làm mất lòng theo như Kinh Thánh dạy, họ mở rộng khoảng cách và phân rẽ ra. Họ bất chấp những lời cảnh cáo đúng đắn của Mục sư và của cấp lãnh đạo họ. Điều chi xảy ra cho các Hội thánh giống như thế? Cơn đói kém đến. Họ thất bại không tôn trọng giao ước của họ với nhau và Đức Chúa Trời thôi không nhuần tưới ơn phước nữa. Tiên tri Amốt nói về loại đói kém thuộc linh như sau:
"Chúa Giê-hô-va phán: Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va" (Amốt 8.11).
Giao ước của chúng ta với CHÚA – Quan trọng nhất, khi chúng ta trở thành tín đồ, chúng ta bước vào một mối tương thông giao ước với chính mình Đức Chúa Trời. Ngài luôn luôn giữ kỹ mọi cứu cánh của Ngài. Thắc mắc là, có phải chúng ta trung tín với cứu cánh của mình không? Có phải chúng ta đang bước đi trong sự thánh khiết, gạt bỏ tội lỗi ra khỏi đời sống chúng ta không? Có phải chúng ta đang tấn tới trong sự thông biết và khôn ngoan từ ngôi Lời chăng? Có phải chúng ta đang tìm kiếm mối tương giao với Ngài mỗi ngày qua sự cầu nguyện không? Có phải chúng ta đang tiếp cận sự vinh hiển của Ngài trong sự thờ phượng tự do không?
Khi chúng ta xây khỏi Đức Chúa Trời và bất chấp giao ước, khi chúng ta bước đi theo xác thịt hơn là bước đi theo Thánh Linh, khi bước theo các khoái lạc mau qua của đời hơn là bước theo sự vui vẻ của Chúa, ách cơ cẩn bước vào ngay…cơn đói kém thuộc linh. Tấm lòng chúng ta trở lạnh giá và chai lì đi. Tâm thần chúng ta khô hạn. Chúng ta trở nên yếu đuối và trơ trụi. Giải pháp duy nhứt là phải ăn năn và xây về Chúa. Giống như người con trai hoang đàng, chúng ta phải hạ mình xuống quay về với Cha chúng ta. Khi chúng ta quay về, Ngài chạy ra đón lấy chúng ta.
Tôi biết chúng ta đã tốn quá nhiều thời gian cho phần mô tả nầy về Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta là một Đức Chúa Trời luôn giữ giao ước. Tuy nhiên, còn phải đào sâu nữa từ phân đoạn nầy. Chúng ta sẽ nhìn vào hai phần mô tả kế đó cách nhanh chóng hơn.
II. Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta là một Đức Chúa Trời lắng nghe lời cầu nguyện (các câu 10-14).
Trường hợp đáng thương của Rípba.
Dường như là dân Gabaôn không những tính hành quyết dòng dõi nầy của Saulơ bằng cách treo cổ, mà họ còn muốn dâng cho ma quỉ thi thể của họ bằng cách để cho họ bị treo mãi cho tới khi nào họ bị chim trời hay thú dữ ăn hết thịt của họ. Thường thì điều nầy bị luật Môise ngăn cấm, luật nầy buộc thi thể của kẻ bị treo phải được cất đi trước khi trời tối (đối chiếu Phục truyền luật lệ ký 21.22-23). Tuy nhiên, điều nầy dường như là một ngoại lệ phù hợp với Phục truyền luật lệ ký 28.26, ở đây nói về kẻ bất tuân: "Thây ngươi sẽ làm đồ ăn cho chim trên trời và thú dưới đất, không ai đuổi chúng nó đi".
Rípba là một nàng hầu của Saulơ. Hai người con trai của bà có mặt giữa vòng những kẻ bị xét đoán. Bà đã nhất quyết bảo hộ cho thi thể của mấy người con của mình. Bà "lấy một cái bao trải trên hòn đá dùng làm giường mình. Rồi từ đầu mùa gặt cho đến khi có mưa từ trên trời sa xuống trên thây chúng nó, ban ngày nàng cản không cho chim trời đậu ở trên thây, và ban đêm cản không cho thú đồng đến gần" (câu 10). Bà đã tự mình cắm trại 24/24 như một người lính vậy.
Sự chôn cất sau cùng của Saulơ.
David hay được về sự hy sinh của Rípba. Tấm lòng ông phải thổn thức đối với người mẹ nầy. David đã cho di dời hài cốt của Saulơ và Giônathan ra khỏi nơi dân sự Giabe Galaát đã chôn họ sau khi họ ngã chết tại chiến trường trên Núi Ghinh-bô-a. Ông cũng cho lấy các thi thể của 7 người con cháu của Saulơ và đem đặt yên nghỉ ở nơi "mộ của Kích, cha Saulơ".
Đáp ứng thành tín của Đức Chúa Trời.
Câu nói quan trọng nhất ở tiểu đoạn nầy nằm ở phần cuối câu 14: "Về sau Đức Chúa Trời mới đoái thương đến xứ". Khi sự bồi thường đã được làm ra vì giao ước bị phá vỡ, Đức Chúa Trời đã đáp trả những lời cầu nguyện của dân sự và cơn đói kém đã tiến đến chỗ chấm dứt cách thình lình. Tôi lấy điều nầy để nói rằng trong ba năm dân Israel đã kêu la cùng Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời không chịu nghe những lời họ cầu nguyện cho tới chừng giao ước bị phá vỡ đã được bồi thường.
Có hai lẽ thật tương ứng cần phải được lưu ý ở đây. Thứ nhứt, tội lỗi phân rẽ chúng ta ra khỏi ơn phước của Đức Chúa Trời. Thứ hai, sự ăn năn làm phục hồi các ơn phước của Đức Chúa Trời. Nhiều người trong chúng ta có thể trưng dẫn II Sử ký 7.14, một câu nói quen thuộc trong đó Đức Chúa Trời dạy hai lẽ thật sanh đôi nầy cho Solomon, con trai của David.
“và nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng danh ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt ta, và trở lại, bỏ con đường tà, thì ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó, và cứu xứ họ khỏi tai vạ”.
Tôi nhớ có lần trong chức vụ, khi tôi là chi thể của một Hội thánh nhỏ hay tranh cạnh đã trải qua một kỳ phân rẽ mấy năm trước đó. Nhiều người đã rời bỏ Hội thánh trong khi có rắc rối và đã có nhiều cảm xúc khó chịu ở cả hai bên. Sau khi Đức Chúa Trời sai tôi đến đó, một vài người mới đã khởi sự lộ mặt. Có một số tiến bộ hạn chế. Có người trước đây đã ra đi bây giờ quay trở lại. Họ bắt đầu đến dự các buổi thờ phượng và điều nầy đã gây ra một số khuấy động nhỏ. Vẫn còn có một số cảm xúc cay đắng trong bầu không khí. Tôi nhớ đã rao giảng từ sách Áp đia về đề tài Oán hận. Tôi đã cầu nguyện, rao giảng, khích lệ dân sự phải tỏ ra sự tha thứ. Tôi không bao giờ quên được khi cặp vợ chồng kia quyết định tiến lên phía trước và dâng mình cho Hội thánh. Có một sự đổ ra của ân điển, tha thứ và tình yêu thương đã tuôn tràn ra từ cả hai phía. Cũng có nhiều sự đổ ra khác nữa. Đức Chúa Trời "đã đoái thương" dân sự Ngài trong Hội thánh đó và Hội thánh bắt đầu lớn lên, lớn lên và lớn lên. Hội thánh nhỏ đã trở thành Hội thánh nầy đây. Tôi đề nghị với quí vị rằng chúng ta sẽ không được như ngày hôm nay nếu chúng ta không bằng lòng sửa ngay lại mọi sự. Chúng ta sẽ không đứng được ở chỗ mà chúng ta đáng được ở ngày mai trừ phi chúng ta bằng lòng gạt bỏ qua một bên mọi sự dị biệt của chúng ta và tìm kiếm Chúa hôm nay.
III. Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta là một Đức Chúa Trời hay hủy diệt kẻ thù (các câu 15-22).
Sự đánh hạ bốn gã giềnh giàng.
Chương sách kết thúc với phần mô tả những ngày đánh trận cuối cùng của Vua David. Những cừu thù của Israel, người "Philitin" bắt đầu cuộc chiến tranh khác với họ. Mặc dù chúng ta không dám chắc về thứ tự niên đại, họ đã tìm cách chiếm ưu thế khi có sự bất ổn nội bộ trong khi Ápsalôm nổi loạn. Tuy nhiên họ đã ở trong "cuộc chiến với người Israel".
David là một nhà vua hay chinh chiến, ông đi ra chỉ huy các đội quân của mình ở chiến trường. Giờ đây ông là một người già dặn hơn, có lẽ ít nhất là 60 tuổi. Trong khi ông "tranh chiến với người Philitin", ông "biết trong người mình mỏi mệt lắm" (câu 15). "Mệt mỏi" ra từ chữ Hêbơrơ ‘uwph. Nó có nghĩa là "che đậy, ngất đi, trôi qua". David đã kiệt sức về thể xác trong chiến trận.
Giữa vòng người Philitin là "Ítbi Binốp, con của một trong mấy gã giềnh giàng". Giờ đây có người nghĩ đây là một trong các anh em của Gôliát và có nhiều người khác nghĩ đây là một trong các con trai của Gôliát. Dù là cách nào, dường như hắn là bà con của gã giềnh giàng mà David đã giết chết ngay lúc bắt đầu sự nghiệp quân sự của mình. Ítbi Binốp đã nhìn thấy David "mệt mỏi" và "toan đánh giết David". Nhưng khi ấy Abisai trung thành kia đã nhìn thấy sự yếu đuối của David và "đến tiếp cứu vua, đánh người Philitin ấy, và giết đi" (câu 17). Sự tiếp cận nầy làm cho hết thảy người của David phải đâm lo. Họ nói: "Vua chớ ra trận cùng chúng tôi nữa, e ngọn đuốc Y-sơ-ra-ên phải tắt chăng".
Một thời gian ngắn sau, trong một trận đánh khác "tại Góp" một chiến binh Do thái có tên là "Sibêcai" đã giết "Sáp" cũng là "con cháu của gã giềnh giàng". Chính tại chỗ đó "Ênchanan" đã giết "Gôliát ở Gát" (các câu 18-19). Trong một trận đánh "ở Gát" có một gã giềnh giàng khác với dị tật kỳ lạ. Hắn ta có "sáu ngón nơi hai bàn tay và sáu ngón nơi hai bàn chơn, cộng là hai mươi bốn ngón". Giônathan cháu trai của David đã giết hắn. Chương sách kết thúc với câu nói: "Bốn người Phi-li-tin nầy đã sanh tại Gát, về dòng dõi Ra-pha, đều bị giết bởi tay Đa-vít và bởi tay các đầy tớ người".
Sự bảo đảm trong những trận đánh thuộc linh của chúng ta.
Nếu quí vị suy nghĩ tới vấn đề nầy, quí vị sẽ thấy David đã bắt đầu sự nghiệp quân sự của mình bằng cách giết một gã giềnh giàng và giờ đây ông kết thúc kinh nghiệm chiến trường của mình trong một trận đánh chống lại một gã giềnh giàng. Khi toàn bộ quân đội Israel "suy yếu" trước sự thách thức của một gã giềnh giàng, chàng trai trẻ David đã chỗi dậy để đánh trận. Giờ đây khi cụ David đang "mệt mỏi" những người dõng sĩ của ông đã chỗi dậy để bảo hộ ông.
Hết thảy chúng ta, dù chúng ta có nghĩ tới phương thức nầy hay không, đều dính dáng vào chiến trận thuộc linh. Mỗi ngày kẻ thù của linh hồn chúng ta đang tấn công mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời. Mỗi "gã giềnh giàng" giống như sự cám dỗ, nói dối, nghi ngờ đang tấn công chúng ta. Có nhiều lúc, khi chúng ta phải đứng một mình mà kháng cự hắn. Tuy nhiên, lúc nào cũng nên có một anh em giống như Abisai đứng với chúng ta. Đấy là chỗ mà Hội thánh đang bước vào. Đấy là lý do tại sao chúng ta không nên thoả lòng với mối quan hệ một buổi sáng một tuần, mà phải đan dệt đời sống chúng ta trong cái khung đức tin vững chắc kia.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét