Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Những việc chưa từng biết



Những việc chưa từng biết
Bài giảng ngày Chúa nhựt 4 tháng 3 năm 1900, Mục sư C. H. SPURGEON,Tại Giảng đường New Park, Southwar
"Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết" — Giêrêmi 33.3.
DÂN SỰ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI SẼ KHÔNG BAO GIỜ DỰA VÀO bất cứ điều gì có giá trị hơn bánh đến từ trời. Dân Israel trong xứ Ai cập đã sống trên củ hành và củ kiệu, nhưng dân Israel trong đồng vắng đã được nuôi bằng mana đến từ trời, và với nước chảy ra từ hòn đá, khi nó bị đập bởi cây gậy của Đức Chúa Trời. Con cái của Đức Chúa Trời, trong khi cứ miệt mài trong tội lỗi của mình, có thể giống như nhiều người khác, ham mê trong đó, và các khoái lạc cùng điên cuồng của đời nầy sẽ là niềm vui thích của họ; thế nhưng khi họ từng được đưa ra khỏi Ai cập, bởi bàn tay cao cả của ý chỉ Đức Chúa Trời, và bàn tay toàn năng sức lực của Đức Chúa Trời, họ sẽ không bao giờ sống theo điều chi kém hơn lời hứa và lẽ thật của Đức Chúa Trời. Quả là hư không cho con người khi tìm cách cất bỏ đi mọi nghi ngờ và cũng cố sự tự tín của mình, đúng là luống nhưng cho con người khi nổ lực nuôi mình bằng đạo do con người lập nên hay bằng các ý tưởng duy lý, chúng phải có điều gì đó thiêng liêng, có con dấu của sự khải thị trên đó; thực vậy, trừ phi chúng ta mỗi ngày Chúa nhựt đều đến với câu "Đức Giêhôva phán vậy", chúng ta sẽ không có năng lực phục vụ cho Giao Ước Mới, và không phải với sức lực của chúng ta mà đủ yên ủi cho con cái của Chúa đâu!
Trong chương nầy, chúng ta thấy tiên tri Giêrêmi đang ở trong tù; ông đã bị làm cho câm nín trong nhà ngục của triều đình, và để yên ủi ông, Lời của Đức Giêhôva đã đến với ông: "Đức Giêhôva phán vậy". Bấy nhiêu đó là đủ rồi, trong lúc chúng ta thịnh vượng, nó đủ làm cho mọi hy vọng của chúng ta nổi phình lên; vì, than ôi! Có đủ con người tự nhiên trong Cơ đốc nhân để khiến cho người vui mừng thậm chí trong những việc thuộc xác thịt khi người chưa được làm nên thánh cách hoàn toàn; nhưng khi chúng ta lâm vào cảnh rối ren, khi đau khổ và nghịch cảnh, bịnh tật và khốn khó, đang rèn thử chúng ta, ở đó, là chiếc bè do con người làm ra, trên đó linh hồn của chúng ta sẽ trôi nổi qua các cơn lũ hoạn nạn cùng những lượn sóng khổ đau sâu sắc, nhưng chúng ta phải có chiếc phao cứu sinh thiêng liêng của câu nói "Đức Giêhôva phán như vậy". Đấy là điều mà Cơ đốc nhân mong muốn trong từng lúc và ở từng nơi, nhưng đây là điều mà người đặc biệt có cần hơn khi người đang ngụp lặn trong chỗ nước sâu, và được luyện lọc bởi đau khổ: "Đức Giêhôva phán vậy". Câu gốc của tôi là "Đức Giêhôva phán vậy". "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết".
Ở đây, trước tiên là một lời hứa long trọng; thứ hai, đây là một sự bất toàn hiển nhiên; và thứ ba, đây là một ứng dụng đặc biệt của lời hứa, được lập ra vì sự bất toàn đó.
I. Thứ nhứt, đây là MỘT LỜI HỨA LONG TRỌNG. "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho".
Bây giờ, nếu có người bạn nào viết cho chúng ta một bức thư chứa câu nói như câu nầy: "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho", tự nhiên chúng ta sẽ hiểu ra ngay, rằng bất cứ điều chi chúng ta kêu cầu nơi người bạn của mình, người bạn ấy chắc chắn sẽ ban cho chúng ta; và nếu đấy là một người mà chúng ta tin tưởng vào khả năng và sự tử tế của người ấy, chúng ta sẽ không chậm chạp dấn thân vào việc tìm kiếm sự vùa giúp của người bạn ấy. Nếu chúng ta bị mắc nợ, chúng ta sẽ nộp đơn xin người giúp đỡ cho về mặt tài chính, hầu cho chúng ta có thể thanh toán mọi khoản nợ nần của chúng ta; nếu chúng ta bị thử thách bởi tật bịnh, chúng ta sẽ trình toa cho người để người cung ứng cho chúng ta đủ thuốc men để làm cho mọi nổi đau đớn của mình được vơi đi; nếu bạn bè chúng ta sống bạc nghĩa với chúng ta, chúng ta sẽ kêu cầu người xin cho có sự cảm thông; và nếu tâm linh chúng ta buồn khổ do một nguyên nhân nào đó không biết, nếu chúng ta tin người có sự khôn ngoan bao la, chúng ta sẽ cầu xin người cung ứng cho một thứ bổ dưỡng nào đó để cất chúng ta ra khỏi nỗi đau khổ của chúng ta.
Nhưng quả là khác biệt lắm trong trường hợp chúng ta đọc mấy lời ấy như đang toát ra từ môi miệng của Đức Chúa Trời! Hỡi anh em, thật là kỳ lạ thay vì sử dụng chúng, chúng ta chỉ đọc chúng như một vấn đề đạo đức, đôi khi chúng ta nghĩ tới việc sử dụng chúng. Chúng ta nói: "Được thôi, đây là một lẽ đạo đem lại sự yên ủi, Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện; thực là yên ủi khi nghe vị Mục sư cho chúng ta biết, bất cứ điều chi chúng ta cầu xin trong lúc cầu nguyện, cứ tin thì chúng ta sẽ nhận được". Nhưng rồi vấn đề kết thúc ở đó; và, trừ phi với một tinh thần lựa chọn, đối với chúng ta nó chỉ là một giáo lý, chứ không phải là điều phải thực hành. "Hỡi kẻ dại dột kia, sao ngươi chậm tin quá vậy", Chúa sẽ phán với chúng ta như thế; và nếu Ngài ngự vào lòng chúng ta, Ngài sẽ phát ra hàng ngàn lời quở trách vì chúng ta chễnh mãng trong việc minh chứng tính chơn thật trong lời hứa của Ngài. Vì Đức Chúa Trời nghiêm túc đối với mọi điều Ngài đã phán; và vì Ngài đã phán: "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho", Ngài dự trù mọi lời của Ngài đều là chắc chắn; và Ngài ao ước chúng ta phải tin chúng là sự thực, rồi nhơn cớ đó xác minh đức tin của chúng ta bằng cách căn cứ chúng mà làm theo. Than ôi! Sự thực quá đơn giản không cần phải tranh cãi nữa, nghĩa là hầu hết chúng ta, trong khi chúng ta nhận lãnh lẽ đạo nầy vì nó nằm trong Kinh Thánh, lẽ ra phải nhận lãnh rồi đưa lẽ đạo ấy vào trong thực hành. Trong phần giới thiệu, quí vị phải để ý, lẽ thật quan trọng nầy: "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho", có lẽ tôi phải giải đáp cho một loạt nhiều đối tượng và nhiều thắc mắc.
Có người nói: “Được thôi, phải chăng ông muốn chúng tôi tin rằng bất cứ điều chi chúng tôi xin trong sự cầu nguyện thì chúng tôi sẽ nhận được không?" Tôi phải giải đáp cho quí vị với sự thận trọng. Trong chỗ thứ nhứt, quí vị là ai khi đưa ra câu hỏi đó? Có phải quí vị là một con cái của Đức Chúa Trời, hay quí vị là một người chưa tin Chúa! Quí vị đã được sanh lại chưa, hay phải chăng quí vị vẫn là con người thiên nhiên, chưa có sự đổi mới từ Đức Thánh Linh!?! Giải đáp của tôi cho quí vị phải căn cứ theo thắc mắc nêu trên. Nếu quí vị sống mà chưa có Thánh Linh của Đức Chúa Trời, và chưa được đổi mới, tôi sẽ nhắc cho quí vị nhớ tới phân đoạn Kinh Thánh nói về kẻ ác: "Lời cầu nguyện người ấy cũng là một sự gớm ghiếc" (Châm ngôn 28.9), và nếu lời cầu nguyện của quí vị là một sự gớm ghiếc, tất nhiên quí vị không thể mong Đức Chúa Trời chấp nhận một sự gớm ghiếc, rồi trả lời cho lời cầu nguyện ấy. Vì vậy, quí vị phải biết rõ rằng, bản thân quí vị là một người dự phần vào ân điển của Đức Chúa Trời, hoặc giả lời hứa nầy không thuộc về quí vị.
Quí vị đồng ý với tôi như thế, và rồi quí vị hỏi tôi câu nầy: "Thưa ông, tôi hy vọng tôi là một con cái của Đức Chúa Trời; vì lẽ đó, tôi hiểu bất cứ điều chi tôi cầu xin trong sự cầu nguyện, thì tôi sẽ được Đức Chúa Trời ban cho không?" Tôi cũng phải giải đáp cho quí vị với sự thận trọng; e rằng, trong nổ lực trình bày một sự thật, tôi sẽ nói ra sự giả dối. Trước tiên tôi phải hỏi quí vị, quí vị là con cái của Đức Chúa Trời trong tình trạng nào của tấm lòng mới được? Phải chăng quí vị vừa mới giao thông với Đấng Christ? Có phải quí vị thường xuyên nghiên cứu Lời của Ngài không? Ao ước của quí vị là gì? Quí vị đang cần gì mới được? Mong muốn của quí vị là gì? Vì, căn cứ theo những câu trả lời các thắc mắc nầy của quí vị, giải đáp của tôi phải nương vào thắc mắc của quí vị, có thể quí vị là một Cơ đốc nhân; thế nhưng, dù là một người Do thái, quí vị, giống như dân Israel ở trong đồng vắng, đang cầu xin cho có thịt để làm thoả tư dục riêng của quí vị, thậm chí khi họ đã thoả thích rồi nữa; nhưng khi họ nài xin cho có thịt ăn, và Đức Giêhôva đã gửi tới bầy chim cút, trong khi thịt còn ở đầy trong miệng của họ, sự rủa sả của Đức Giêhôva đã giáng trên họ.
Chúng ta biết chắc mọi lời cầu xin của mình sẽ được nhậm, nếu lời cầu xin đó đúng đắn, lời cầu xin ấy sẽ được trả lời. Đôi khi, ngay cả dân sự của Đức Giêhôva cầu xin ban cho những thứ không làm vinh hiển cho Chúa, cũng không vì lợi ích của họ khi nhận lãnh, nếu quí vị nói cho con của mình biết quí vị sẽ cung ứng cho nó bất cứ thứ chi nó muốn, quí vị sẽ không nghĩ rằng mình dám hứa bất kỳ một lời cầu xin vô lý nào mà nó đưa ra. Giả sử nó cầu xin quí vị một lượng thạch tín, giả sử nó xin quí vị hãy giết nó đi, quí vị sẽ làm thành lời hứa chứ? Chắc chắn là không rồi. Quí vị sẽ nói: "Con ơi, mẹ yêu con nhiều lắm nên không nghe theo sự dại dột quá quắt của con đâu; mẹ muốn con phải sống tốt đẹp đến nỗi không đồng ý với lời cầu xin vô lý của con, và mẹ không thể nghe theo con đâu”. Đức Chúa Trời cũng phán y như thế: "Hãy kêu cầu ta. Ta sẽ trả lời cho” nhưng ta sẽ không nhậm các ngươi theo như các ngươi muốn ta nhậm lời đâu. Nếu các ngươi cầu xin một thứ mà chẳng thích ứng cho các ngươi nhận lãnh, ta sẽ ban cho các ngươi một thứ tốt đẹp hơn. Ta sẽ không ban cho các ngươi thứ ấy đâu; ta sẽ nghe lời cầu nguyện của các ngươi, nhưng ta sẽ không ban cho các ngươi đúng cái điều mà các ngươi cầu xin đâu, nhưng ta sẽ thuận cho các ngươi một thứ siêu hạng hơn chính thứ ấy".
Quả là một việc tồi tệ nếu Đức Chúa Trời luôn luôn nghe lời cầu nguyện của chúng ta, rồi ban cho chúng ta đúng cái điều mà chúng ta cầu hỏi nơi Ngài. Nếu Ngài luôn luôn ban cho chúng ta đúng cái điều mà chúng ta cầu xin, chúng ta sẽ tự huỷ diệt mình. Có lẽ quí vị đã nghe nói tới câu chuyện kể về một người đờn bà có đứa con mắc bịnh; và khi vị Mục sư được bà ta mời đến, bà ta đã xin ông cầu nguyện để cho đứa trẻ được sống, và trong sự cầu nguyện ông lại nói: "Lạy Chúa, xin buông tha mạng sống cho đứa trẻ nầy, nếu đây là ý Chúa". Người mẹ liền ngắt ngang Mục sư, bà ta nói: "Không, tôi không muốn thế; đứa trẻ nầy phải sống cơ! Tôi muốn ông cầu xin Đức Chúa Trời rằng đứa trẻ sẽ sống dù Đức Chúa Trời muốn hay không muốn". Vị Mục sư đáp: "Hỡi bà kia, bà sẽ có lý do để run sợ về lời cầu xin nầy. Nếu bà xin Đức Chúa Trời một việc như thế, sẽ có một lời rủa sả giáng trên sự cầu xin đó". Tuy nhiên, lời cầu nguyện đã được đưa ra; và, hai mươi năm sau đó, người đờn bà ấy, với tấm lòng thật đau đớn, đã nhìn thấy con trai mình đang đánh chiếc xe bò tới Tyburn, ở đó nó sẽ bị treo cổ. Quả là tốt hơn cho nó lẫn cho bà ta khi nó chết mất trên ngực của bà ta, và được đưa tới mồ mả dù là chết yểu, còn hơn là nó gửi cho bà mái tóc màu xanh với buồn rầu mà vào mồ mả. Vì lẽ đó, Đức Chúa Trời sẽ có sự hạn chế trong sự tử tế, là nếu chúng ta đưa ra lời cầu xin vô lý, là những điều không đem lại ích lợi cho chúng ta, Ngài sẽ không chuẩn nhận đâu.
Nhưng có thắc mắc đưa ra cho tôi nữa, như thế nầy đây: "Thưa ông, nếu tôi cầu xin một việc mà rõ ràng là một việc tốt, chắc chắn là có lợi cho tôi đấy, tôi dám chắc như thế, sau khi tôi cầu xin việc ấy trong sự cầu nguyện, thì tôi có nhận được điều đó hay không?" Một lần nữa, tôi phải đưa ra câu hỏi khác. Quí vị có học biết nghệ thuật tin tưởng nơi Đức Chúa Trời chưa? Vì, có thể quí vị là một Cơ đốc nhân, có thể quí vị tin nơi Đấng Christ đủ để linh hồn quí vị được cứu; nhưng quí vị có thể là một Cơ đốc nhân nhỏ nhoi đến nỗi quí vị chưa hề đạt tới chiều cao tin tưởng như một ngọn núi trong mọi điều mà Chúa đã phán ra. Và, quí vị hãy đánh dấu đi, lời hứa trả lời cho những lời cầu nguyện của quí vị chỉ được ban ra cho đức tin của quí vị mà thôi. Đức Chúa Jêsus Christ nói như thế với các môn đồ: "Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi". Bây giờ, nếu quí vị tiếp tục cầu nguyện trên hai đầu gối của mình, và cầu xin Đức Chúa Trời ban cho một việc gì đó, và không tin rằng Ngài sẽ ban cho mình, nó sẽ đến trong sự hào phóng phi thường của Đức Chúa Trời, nhưng nó sẽ không đến trong sự đáp trả cho lời cầu nguyện của quí vị. Những lời cầu nguyện của quí vị sẽ được đáp trả thích ứng với đức tin của quí vị; vì vậy, nếu quí vị tin, và cầu xin Ngài ban cho một thứ vì ích cho quí vị và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, quí vị sẽ có điều đó chắc chắn như lời hứa là lời hứa và Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời vậy. Tôi đã trao đổi với nhiều Cơ đốc nhân, và một số bạn hữu đã có tuổi, nhưng cả họ và bản thân tôi có thể làm chứng rằng chúng tôi chưa hề gặp một Cơ đốc nhân nào có thể kết án Đức Chúa Trời phá vỡ lời hứa của Ngài. Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người, họ có đức tin rất sâu xa, nhưng chúng tôi chưa hề khám phá ra người nào bất trung với Đức Chúa Trời dám kết án Ngài không đáp trả sự cầu nguyện có đóng ấn với sự tin tưởng. Bất cứ lúc nào có đức tin, sẽ có đáp trả cho sự cầu nguyện có đức tin; quí vị chưa hề nghe nói một Cơ đốc nhân nào chối bỏ sự thật đó bao giờ.
Cách đây hai năm, tôi được ơn đến thăm viếng viện mồ côi ở Bristol của Ông Muller, và tôi chưa hề thấy quyền phép của đức tin thể hiện đáng giật mình như tôi đã thấy ở đó. Ông Muller lo nuôi dạy ba trăm trẻ mồ côi mà chẳng có một nguồn tài nguyên nào hết, trừ ra chính đức tin và sự cầu nguyện của ông. Khi ông cần một việc gì đó, ông triệu tập chúng lại với nhau, rồi trình dâng nhu cần cho Đức Chúa Trời, và cầu xin trợ cấp các thứ cần thiết; và, mặc dù có ba trăm đứa trẻ cần được nuôi dưỡng, cần được ăn mặc, và cần có chỗ trú ẩn, và mặc dù chẳng có xu nào ở trong két sắt, cũng không có nhúm đồ ăn nào trong thùng, khi giờ ăn đến, luôn luôn có bánh dư dật ở trong nhà khi lời cầu nguyện được nhậm. Tôi không bao giờ quên được buổi nói chuyện của tôi với người thánh của Đức Chúa Trời. Có người đến nói với tôi: "Tôi muốn ông hỏi Ông Muller một hay hai câu, nếu ông gặp ông ấy, cái nền của viện Mồ Côi mới mà ông ấy định xây cất để nuôi 700 trẻ mồ côi hay hơn nữa là gì!?! Bây giờ, tôi cảm thấy ba trăm trẻ là quá đủ cho một người chăm sóc; tôi nghĩ thật là vô lý cho ông ấy khi có tới 700 trẻ hay nhiều hơn nữa; ông ấy không có đủ khả năng để lo cho hàng ngàn trẻ được. Theo thể chế hiện hành, tôi tin rằng những nhà hảo tâm đang nghe nói tới sự ấy, rồi gửi đến cho ông ấy mọi quyên góp cho phần bảo dưỡng; nhưng có tới 700 trẻ hoặc hơn, điều nầy khó có thể thực hiện được lắm". Tôi đáp: "Tôi nghĩ có đôi điều trong những gì ông mới nói. Tôi sẽ hỏi khi tôi gặp ông ấy". Nhưng khi tôi gặp ông ấy, tôi không thể, và không dám, hỏi ông ấy bất kỳ câu nào như thế cả; và khi tôi nhìn thấy đúng là một công việc to tát mà ông ấy đã làm bởi đức tin của mình, và bắt đầu nhận xét công việc đó, ông ấy nói: "Ồ! Đây chỉ là một việc nhỏ mà tôi đã làm; đức tin có thể làm nhiều hơn thế nữa. Nếu đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời thì tôi sẽ nuôi cả thế gian bằng sự cầu nguyện và đức tin, tôi có thể làm được điều đó. Nếu tôi có thêm đức tin, việc ấy sẽ được làm thành cho xem". Tôi chỉ có thể nói rằng, ông có thể lo liệu cho hơn một ngàn trẻ mồ côi, khi ông nói: "Khi tôi nhận ba trăm trẻ, tôi bắt đầu cầu xin Đức Chúa Trời gửi tới cho tôi tiền để xây Viện Mồ Côi để nuôi hơn 700 trẻ; và tôi đã nhận 17.000 bảng Anh gửi tới vì lý do đó, mặc dù tôi chưa hề xin một sự đóng góp từ bất cứ ai trừ ra Chúa. Tôi tin Đức Chúa Trời đã khiến tôi có mặt ở đây, có mặt trong thế gian, một minh chứng cho thấy rằng Ngài nghe và đáp lời cầu nguyện". Tôi cũng nghĩ như thế, khi tôi nhìn thấy toà nhà đồ sộ đó, và nhiều đứa trẻ lớn lên biết ngợi khen Đức Chúa Trời của chúng, và ca hát thật du dương tôn vinh Đấng Chăn Hiền Lành, là Đấng đã nhóm chúng lại giống như bầy chiên ở trong lòng Ngài, và tử tế ràng chúng ở đó.
Hỡi anh em, chúng ta không nói mà không có những sự thực hiển nhiên để khẳng định điều mình quyết đoán, khi chúng ta khẳng định điều đó, bất luận điều chi một thánh đồ nài xin trong lúc cầu nguyện, nếu người cầu xin trong đức tin, và điều cầu xin ấy là vì ích cho người, và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chắc chắn người sẽ nhận được điều đó. Tôi dám nói quí vị đã đọc quyển “Ngân hàng đức tin” của Huntington. Thực sự ông cung ứng cho chúng ta quá nhiều trường hợp nói tới những người có lòng tin, nhưng tôi nghĩ ở đó có nhiều người sống đã có được nhiều câu trả lời cho mọi lời cầu nguyện của họ như William Huntington đã có, và họ, nếu họ còn sống để ghi lại các chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống của họ, có thể đưa ra nhiều bằng chứng quan trọng cho lẽ thật mà họ nhớ mãi rằng Đức Chúa Trời là thành tín đối với các lời hứa của Ngài, hoặc những lời cầu nguyện của họ không được nhậm. Tuy nhiên, điều nầy luôn luôn nương vào chính con người, vì nếu chúng ta cầu xin trong do dự, hay không có đức tin, chúng ta đừng mong nhận được câu trả lời. Chúng ta không nên quên mọi điều Đức Chúa Trời đang phán hứa, khi Ngài không chấp nhận những lời cầu xin không có lòng tin, thì đúng là điều nầy: "Vì chưng ngươi không có đức tin, thì ta chẳng ban gì cho ngươi cả". Chúng ta phải cầu xin giống như dân sự đã cầu xin vào dịp Lễ Giáng Sinh trong những ngày xa xưa. Thường thì theo thông lệ dành cho những người nghèo khó trong một ngôi làng phải đi vòng quanh với mấy cái chậu đến với người giàu có trong giáo khu, rồi xin bánh cùng các thức ăn, đồ uống của họ; và điều luật là, mỗi người hào phóng đều phải làm đầy cái bát đã được đưa đến tận cửa nhà mình. Tất nhiên, người khôn ngoan nhất giữa vòng số người nghèo đã mang cái bát lớn nhất dành cho sự thu thập trong lễ Giáng Sinh, còn người nào có ít đức tin nơi sự hào phóng của kẻ láng giềng giàu có đã đem cái bát nhỏ, để được làm đầy; người nào đem cái bát lớn cũng được làm cho đầy nữa. Vì vậy, hỡi quí bạn yêu dấu ơi, quí vị phải luôn luôn thử đi, trong những lời cầu nguyện của mình, hãy đem cái bát lớn mà đến với Đức Chúa Trời. Hãy đem theo đức tin lớn, và phần còn lại chắc chắn rằng, tùy theo đức tin của quí vị, mọi sự sẽ được làm ra cho quí vị. Nếu quí vị có đức tin ít, quí vị sẽ nhận được ít câu trả lời; nếu quí vị có đức tin tốt, quí vị sẽ nhận được một câu trả lời tốt; còn nếu quí vị có đức tin mạnh mẽ, quí vị sẽ nhận được một câu trả lời mạnh mẽ, khi ấy quí vị sẽ lấy làm lạ trước sự đáp trả đó, tuy nhiên quí vị sẽ cảm thấy rằng tuỳ theo lời hứa trong câu gốc của chúng ta: "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho".
II. Giờ đây chúng ta đến với phần thứ hai của đề tài, và chúng ta hãy để ý MỘT SỰ BẤT TOÀN HIỂN NHIÊN. "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho, ta sẽ tỏ cho các ngươi những việc khó, là những việc các ngươi chưa từng biết". Câu nầy có ý nói rằng dân sự của Đức Chúa Trời không biết hết mọi sự.
Quí vị có bao giờ gặp được người nào biết hết mọi sự chưa? Tôi đã từng gặp gỡ với cả nửa tá người như vậy đấy. Tôi đã từng gặp gỡ một vị Mục sư, ông nầy biết hết mọi sự, — theo câu chuyện của ông ta, tôi muốn nói, không theo câu chuyện của tôi. Ông ta nói cho tôi biết khi tôi gặp ông ta, rằng, trong giáo xứ nơi ông ta sinh sống, không có hơn một tá người thực sự nhìn biết Đức Chúa Jêsus Christ. Tôi thấy thích thú con người nầy, vì tôi biết rất ít về ông ta, vì vậy tôi nói với ông ta như sau: "Ồ, họ là ai vậy?" Thế là ông ta bắt đầu: "Nầy nhé, có tôi, vợ tôi, và hai vị chấp sự của tôi" rồi cứ thế. Tôi đáp: "Ồ, người duy nhứt tôi muốn bàn bạc trong số đó là ông, vì tôi nghĩ ông biết quá nhiều do chức vụ cao; dường như ông đang trèo lên cao, và đã trông thấy cuộn giấy kín nhiệm của Đức Chúa Trời rồi. Không một con cái nào của Đức Chúa Trời sẽ trèo cao như thế. Con cái không nhìn vào những bí mật của cha mình; chỉ có hạng trộm cướp mới nhìn như thế thôi. Tôi nghi ngại trong cách ông xưng mình là con cái của Đức Chúa Trời".
Có nhiều lúc, với một sự thích thú mỗi một chúng ta gặp gỡ riêng kẻ biết thật nhiều việc, trong nhóm của người ấy người ta luôn luôn cảm thấy không thích nghi. Chúng ta không nên giới thiệu bất cứ một đề tài nào, chúng ta để cho người ấy làm việc đó, vì người là Giáo Hoàng trong vòng chúng ta. Tất nhiên là người không ưa chế độ Giáo Hoàng; hai Giáo Hoàng không thể nhất trí với nhau; vì vậy, thật là tự nhiên, người có một thái độ chống đối rất mạnh mẽ đối với Giáo Hoàng của Rôma. Bản thân người thông biết nhiều điều. Quí vị thốt ra một cảm nghĩ; tất nhiên là người biết rõ, người nói cho quí vị biết điều đó chưa hay đâu. Quí vị nói tới một vấn đề của kinh nghiệm; nhưng người nói: "Đấy chưa phải là kinh nghiệm sống động của con cái Đức Chúa Trời". Tất nhiên, người là kẻ phân xử; người biết rõ mọi sự về điều đó; người là quan án chuyên kết thúc mọi cuộc tranh cạnh; người toan liệu mọi sự. Hãy đưa người vào, phiếu bầu cho người là phiếu bắt buộc, gần như lá phiếu ấy báng bổ cuộc tranh luận. Người là Vua, là Chúa, và là Đấng rất bình dân, mọi sự đều tính làm một hết; người làm ra luật pháp, và người làm phu phỉ luật pháp ấy. Trong bối cảnh của người, người là kẻ chuyên quyền trong hết thảy các Cơ đốc nhân. Giờ đây, con cái của Đức Chúa Trời đang thuộc về một trình tự khác biệt với các cá nhân đáng tôn kính và rất thánh; họ không biết hết mọi sự, và họ chẳng giả vờ chi hết khi biết rõ như thế. Một trong những người tốt nhứt trong số họ, Phaolô nói tới tên của người như sau: ông nói: "Ấy không phải tôi đã giựt giải rồi, hay là đã đến nơi trọn lành rồi đâu, nhưng tôi đang chạy hầu cho giựt được, vì chính tôi đã được Đức Chúa Jêsus Christ giựt lấy rồi. Hỡi anh em, về phần tôi, tôi không tưởng rằng đã đạt đến mục đích, nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ".
Một ông cụ gặp một thanh niên đã nhập Đại học khoảng 6 tháng; ông cụ hỏi thanh niên kia: "Anh có biết nhiều việc chưa?" Chàng thanh niên đáp: "Dạ, cháu tiếp thu rất nhanh ạ". Ông cụ nói: "Anh không muốn nói rằng trong khoảng thời gian một năm, hay hơn nữa tôi sẽ chẳng trông mong gì nơi anh chăng!?!" Trong thời gian một năm, ông cụ lại hỏi chàng thanh niên kia chẳng biết anh ta có biết nhiều hơn 6 tháng trước đây không!?! Chàng trai đáp: "Đôi khi, cháu nghĩ cháu biết nhiều điều hơn, nhưng, ở những lúc khác, cháu nghĩ cháu biết rất ít ạ! Cháu đã khám phá ra tình trạng dốt nát của mình hơn năm ngoái ạ!" Ông cụ nói: "Trong thời gian anh ở trường 4 năm, anh sẽ xưng mình là một kẻ dốt nát nhất"; và khi ông cụ gặp lại anh ta, ở năm thứ tư, ông cụ hỏi: "Bây giờ anh biết gì nào?" Chàng sinh viên đáp: "Cháu nghĩ có lẽ cháu biết nhiều hơn khi cháu nhập trường; nhưng, theo ý của cháu, cháu cũng biết đôi chút rồi. Khi cháu đến lần đầu tiên, cháu nghĩ mình có trình độ để đưa ra quyết định trên từng sự việc; còn bây giờ, cháu buộc phải cân đo mọi sự trước khi cháu đưa ra quyết định sau cùng. Sự thiếu hiểu biết của cháu đã được tìm ra cụ ạ!"
Giờ đây, hãy nương theo câu chuyện ấy, hỡi quí bạn yêu dấu, đối với từng người trong quí vị cũng một thể ấy thôi. Chúng ta có thể suy nghĩ, khi chúng ta lần đầu tiên bước vào trong nhà thờ: "Chúng ta biết gần như hết mọi sự vậy". Có người cho rằng hết thảy lẽ thật đã được tìm ra trong hệ phái Báptít; nhiều người khác cho rằng lẽ thật được tìm ra trong hệ phái Episcopal, Independent, hay hệ phái Wesley, hoặc trong bất cứ hệ phái nào mà họ thuộc về; nhưng khi chúng ta là thuộc viên của hệ phái Báptít trong một thời gian nào đó, chúng ta khám phá ra rằng có một vài lầm lỗi ở giữa vòng chúng ta; và chúng ta nghĩ, có lẽ, là nếu chúng ta chiếu theo khuôn mẫu của hệ phái Trưởng Lão, chúng ta sẽ được cải thiện tốt hơn. Rồi, chúng ta tìm được một người bạn, người nầy nhóm lại với hệ phái Episcopal, ở đó anh ta nghe tin lành được rao giảng rất đơn sơ bởi một nhà truyền đạo rất sốt sắng, và chúng ta nói chúng ta nghĩ có điều chi đó tốt đẹp ở hệ phái nầy; và chúng ta càng sống lâu hơn, chúng ta càng thấy rõ rằng có điều chi đó tốt đẹp nơi mọi người; và rốt lại, chúng ta không biết nhiều như chúng ta tưởng mình đã biết, và Hội Thánh của chúng ta, dù dường như đấy là một khuôn mẫu của sự trọn vẹn, lại được thấy là có nhiều chỗ sơ sót, giống như bất kỳ một Hội Thánh nào khác, và rốt lại không hẳn là Hội Thánh nữa.
Tôi nhắc lại, cái điều chắc chắn đã được ám chỉ trong câu gốc, ấy là hết thảy chúng ta đều có một lượng thiếu hiểu biết và bất toàn nhất định nào đó; vì nếu chúng ta biết hết mọi sự, chúng ta sẽ chẳng còn cần tới lời hứa nầy, để Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra cho chúng ta biết những việc lớn và khó, là những việc chúng ta chưa biết. Như vậy thì, khi chúng ta còn bất toàn, và tấn tới trong sự hiểu biết của mình, lời hứa nầy rất quí báu đối với chúng ta. Tôi hầu như không nghĩ rằng tôi biết có ai đó ở đây thuộc nhóm đặc biệt ấy, là hạng người tưởng mình biết hết mọi sự. Nếu tôi biết, tôi sẽ nói một lời với người ấy. Có một nhóm người ưu tú, họ tự nhận mình là: "dân sự yêu dấu của Đức Chúa Trời!" Kêu như thế mới đúng là họ; họ rất yêu dấu đối với bất kỳ ai, chẳng có ai nghĩ về việc mua chuộc họ cả. Nếu họ cần phải bố thí, họ sẽ chẳng có gì để bố thí cả. Họ là dân sự yêu dấu của Đức Chúa Trời. Họ lắng nghe vị Mục sư họ của giảng một bài, bị chạm lòng tự ái rồi cay đắng, và như thế mới đáng cho họ. Dân sự của ông vui mừng trong kiểu cách nói năng đó, và cho rằng ông là một vị Mục sư có lòng trung tín. Nếu ông thôi không còn cay đắng nữa, ông sẽ không có lòng trung tín đâu, — lòng trung tín, theo ý của họ, bao gồm cả việc tìm ra lỗi lầm với cả thế gian bên cạnh. Họ bảo quí vị hãy đi đến "Bêtên Ấp Nhỏ", "Rêhôbốt" hay "Bêtếtđa" vì chẳng có lẽ thật ở đâu khác cả. Chỉ có ở đó mới có lẽ thật, và tất cả các hội chúng khác đều có tính cách ly giáo, bổn phận của họ là đoạn tuyệt với các hội chúng nầy rồi bắt bớ với toàn bộ sự khắc khe của Tin lành, và quí vị nhận ra rằng hết thảy sự khắc khe của Tin lành còn tệ hại hơn toàn bộ sự khắc khe của luật pháp nữa. Sự khắc khe của Tin lành còn không thể chịu đựng nổi, còn hơn cả luật lệ của chính Draco nữa; vì mọi sự khe khắc ấy xua đuổi, đoạn tuyệt, và xét đoán từng người nào không chìu theo mọi quan điểm của họ. Đối với mỗi con người ấy, chúng ta nói: "Nầy anh yêu dấu ơi, anh thiệt là khôn ngoan! Mọi người đều tán dương anh đấy! Chúng tôi sẽ đặt anh ngồi trên chiếc ghế giống như bậc Thầy của Chúa vậy. Anh là con người, sự khôn ngoan sẽ cùng chết với anh; và, trong khi chúng tôi hạ mình xuống nơi chơn của anh, chúng tôi buộc phải nói rằng anh chẳng biết một tí gì hết; có đôi ba việc cần phải tỏ ra cho chính bản thân anh; và trong khi chúng tôi giữ mình ở một khoảng cách tôn trọng đối với bất cứ điều chi giống như tri thức siêu việt của anh, chúng tôi buộc phải nghĩ rằng anh chưa đạt tới sự trọn lành, và chúng tôi không thể nhận rằng anh là người duy nhứt trên thế gian hiểu biết Tin lành". Thế rồi, dù người anh em của chúng ta sẽ không hiệp với chúng ta trong câu nói: "Chúng ta không biết hết mọi sự", tôi nghĩ rằng hết thảy những ai đang có mặt ở đây sẽ cúi đầu họ xuống, rồi mỗi người sẽ nói: "Lạy Chúa, xin dạy con những điều mà con chưa biết; vì một ít việc mà con đang biết đây chẳng là gì hết khi đem sánh với bộ sách khôn ngoan của Ngài mà con chưa đọc, và cũng chẳng hiểu luôn".
III. Bây giờ chúng ta bước sang phần thứ ba của đề tài, là phần hay nhứt. Chúng ta có ở đây PHẦN ỨNG DỤNG ĐẶC BIỆT CỦA LỜI HỨA. "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho, ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết".
Thứ nhứt, chúng ta hiểu lời hứa nầy có liên quan tới đạo tin lành. Tôi nhận rằng khi lần đầu tiên tôi giảng ở một ngôi làng kia trong vai trò Mục sư, tôi có đọc quyển "Body of Divinity" [Thân thể của Chúa] của Tấn sĩ Gill và quyển "Institutes" [Chủng viện] của Calvin; và khi tôi đọc xong, tôi nghĩ: "Bây giờ! Sau khi nắm vững chân lý rồi, tôi dám chắc mình vững vàng; và tôi có thể đối mặt với mọi đối thủ, và nếu họ không tuân theo các quan điểm của một người học giỏi nhất đó, Tấn sĩ Gill, và vị giáo sư ưu tú nọ, John Calvin, chẳng chóng thì chầy tôi sẽ cắt đứt họ ra khỏi bộ rễ và nhánh cây cho xem". Phải, tôi bắt đầu giảng những gì tôi đã tiếp thu được từ hai nhân vật xuất sắc và quan trọng nầy, và tôi chưa hề bị xấu hổ khi làm như thế, vì, là kẻ kế tục của Tấn sĩ Gill, tôi không thấy xấu hổ khi tán thành mọi quan điểm của ông trong lúc bây giờ, và tán thưởng các câu nói thuộc linh mà John Calvin đã thốt ra. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, tôi bắt đầu nhận ra rằng có nhiều điều khác cần phải rao giảng hơn, rốt lại, về một số vấn đề mà Tấn sĩ Gill và John Calvin đã không nói tới, và tôi thấy rằng người ta mang ơn tôi vì tôi có lòng từ ái bao la, và trong lòng biết tới một số anh em hoàn toàn không nhìn thấy hết mọi sự mà hạng người ưu tú kia đã nhìn thấy. Và hơn thế nữa, tôi nhận ra rằng mình chưa biết hết mọi sự, và tôi vẫn còn phải học hỏi thêm, và tôi mỗi ngày đều nhận ra y như thế. Tôi hy vọng mình sẽ nắm vững được mọi chân lý mà tôi đã tiếp thu vào bất cứ mọi thời điểm. Tôi có khuynh hướng nắm chặt ở một tay các lẽ thật mà tôi đã tiếp thu rồi, và giữ cho bàn tay kia hoàn toàn rộng mở để đón lấy những việc mà tôi chưa từng biết qua.
Có lẽ tôi đang gặp một số bạn trẻ ở đây, họ có một quan niệm cho rằng vị Mục sư sẽ có đủ hết mọi lẽ thật, hoặc chính bản thân ông ấy đã vòng tay ôm lấy hết mọi chân lý. Bây giờ, hỡi quí bạn trẻ kia, có nhiều việc lớn mà quí vị chưa biết qua, có một số lẽ đạo mà quí vị chưa hiểu được. Nếu quí vị chịu khó đợi một chút, và chịu nghiên cứu thêm Kinh Thánh, quí vị sẽ quì gối xuống, rồi nói: "Lạy Chúa, con chưa hề rõ sự thiếu hiểu biết của con nhiều như con nhìn biết hiện nay; nguyện Ngài sẽ dạy cho biết lẽ thật của Ngài chứ?" Có phải chúng ta khao khát muốn hiểu rõ đức tin của Đức Chúa Trời không? Chúng ta đừng nãn lòng. Khi đáp trả lời cầu nguyện của chúng ta, Đức Chúa Trời sẽ tỏ cho chúng ta thấy "những việc lớn và khó" là những việc chúng ta hiện nay chưa từng biết qua. Quí vị là một Cơ đốc nhân, tuy nhiên quí vị chưa hiểu lẽ đạo nói tới sự lựa chọn, hay lẽ đạo nói tới sự kêu gọi hiệu quả làm cho quí vị phải bối rối. Quí vị là những người hay đi nhà thờ, có lẽ thế, tuy nhiên quí vị không biết chi hết về mọi sự nầy. Quí vị rất giống với một người mà tôi từng gặp trên bến xe điện ngầm. Ông ta nói ông ta là người có chức sắc trong nhà thờ, và tôi cũng nói về mình y như thế. Ông ta hỏi: "Thế là thế nào, ông là người Tin lành à!?!" Tôi đáp: "Tôi tin vào nhiều lẽ đạo nói tới Hội Thánh của ông". Ông ta nói: "Tôi chẳng nghĩ gì hết". Tôi nói: "Tôi tin vào lẽ đạo nói tới sự lựa chọn, thuyết tiền định, và còn nhiều nữa". Ông ta đáp: "Ồ, tôi không tin đâu". Tôi nói: “Vậy thì, chúng đang nằm trong ông những tín điều của ông đấy". Ông ta đáp: "Tôi tin vào giáo lý, nhưng tôi chưa đọc bài tín điều". Tôi nói ngay: "Vậy thì, tôi là chức sắc giỏi hơn trong hai người; ông là người theo Tin lành, và tôi là chức sắc tôn giáo. Ông phải ra khỏi nhà thờ nếu ông không tin vào bản tín điều. Chúng đã nắm lấy tôi, và ban cho tôi một đời sống ở giai cấp hàng đầu, rồi biến tôi thành một trong các giám mục của họ; vì tôi đã đọc bản tín điều, và nghiên cứu chúng".
Có một số người không biết họ tin theo cái gì. Chẳng ai có quyền nói mình là một chức sắc trong nhà thờ cả, cho tới chừng nào họ đã đọc quyển sách cầu nguyện. Quí vị không có quyền nói mình là thuộc viên của Wesley cho tới chừng nào quí vị đã đọc các bài giảng của Wesley; và quí vị chẳng có quyền gì để nói mình là thuộc viên của Calvin cho tới chừng nào quí vị đã đọc những gì Calvin đã tin theo; và quí vị không có quyền nói mình là một Cơ đốc nhân cho tới chừng nào quí vị đã đọc quyển Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là tiêu chuẩn của đức tin và cách thực hành đạo Cơ đốc; và khi quí vị đã đọc quyển Kinh Thánh của mình rồi, rốt lại quí vị sẽ thấy rõ sự việc nầy, rằng các quan điểm nhỏ bé, riêng tư của mình không hoàn toàn rộng lớn giống như quyển Kinh Thánh đâu; và quí vị sẽ phải nói: "Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết những việc lớn và khó, là những việc con chưa từng biết". Tôi dám tin chắc rằng Hội Thánh Anh quốc, hay hệ phái Wesley, hệ phái Independents, hệ phái Baptists, đều không nắm bắt hết lẽ thật đâu. Tôi sẽ không thuộc về bất kỳ hệ phái nào trong số các hệ phái nầy, vì đất đai đều ở dưới bầu trời, nếu tôi phải nhất trí hết mọi sự mà họ đang nắm giữ. Tôi tin rằng Hội Thánh cần phải được quản lý bởi một hỗn hợp gồm các hệ phái ấy. Tôi tin chúng ta hết thảy đều đúng trong một số lẽ đạo nào đó, nhưng hết thảy chúng ta đều có điều chi đó phải tiếp thu. Lẽ đạo nói tới "trách nhiệm của con người" không thể bị bác bỏ được, lẽ đạo nói tới "quyền tể trị của Đức Chúa Trời" cũng không thể đưa ra tranh cãi được. Tôi hy vọng rằng, một ngày kia, hết thảy chúng ta sẽ đem mọi quan điểm của mình đến chỗ thử nghiệm với bản Kinh Thánh. Tiếp đến chúng ta sẽ có một Hội Thánh, "một Chúa, một đức tin, một phép báptêm" mà thôi. Khi ấy chúng ta nhận biết được nhiều việc lớn và khó, là những việc chúng ta chưa từng biết. Tôi dám chắc với quí vị đấy, hỡi quí bạn Báptít của tôi ơi, hệ thống của quí vị không trọn vẹn đâu, và quí vị, các thuộc viên của Hội Thánh Episcopal, tổ chức của quí vị không phải là không có sự bất toàn; quí bạn tôi ơi, tôi nài xin quí vị, mặc dù quí vị là thuộc viên của một thân thể gồm nhiều tín hữu, dù Hội Thánh của quí vị có xuất sắc ngần nào, đừng nghĩ là nó không có sai sót đâu nhé. Bây giờ hãy quì gối xuống đi, và hãy cầu xin Đức Chúa Trời dạy cho quí vị biết những gì quí vị chưa biết, và khiến cho quí vị ra tốt hơn bản tín điều của quí vị; hoặc giả, trong 10 trường hợp, thì 9 trường hợp quí vị chưa phải là trọn vẹn đâu.
Nhưng, tiếp đến, "những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết", Đức Chúa Trời theo ý muốn Ngài sẽ tỏ ra cho quí vị biết. Một người nghèo khó đương ở trong chỗ rắc rối; ông ta không đủ tiền mua bánh ăn hàng ngày. Hãy để cho ông ta kêu cầu Đức Chúa Trời, và cầu xin bánh ăn; và dù ông ta chưa hề nhìn thấy Chúa chìa ta ra từ thiên đàng, hoặc dùng bầy quạ mà cho ông ta ăn, hay dập tắt cơn khát bằng nước chảy ra từ vầng đá, hãy để cho ông ta quì gối xuống, và ông ta sẽ thấy rằng có nhiều sự kỳ diệu theo ý muốn Ngài hơn quí vị và tôi đã nhìn thấy nữa. Trong khi đáp trả lời cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy thể nào là ý muốn của Đức Chúa Trời, mặc dù nó trổi cao hơn mọi ý tưởng của chúng ta, tuỳ thuộc vào mọi lời cầu xin của chúng ta. Có nhiều Cơ đốc nhân đã ở trong chỗ rất rối rắm, và đã kinh nghiệm một sự giải cứu lạ lùng trong ý định trước đó. Nếu chúng ta gặp rất rối lớn, chúng ta hãy đem chúng đến với Đức Chúa Trời cao cả của chúng ta; chúng ta hãy kêu cầu cùng Ngài, và theo ý muốn Ngài chúng ta sẽ nhìn thấy "những việc lớn và khó" là những việc chúng ta chưa từng biết.
Trong chỗ kế tiếp, bước qua các điểm nầy rất vắn tắt, "những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết", Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra cho ngươi biết nhiều vấn đề trong kinh nghiệm Cơ đốc. Chúng ta hãy tra cứu Lời của Đức Chúa Trời, và dâng mình vào sự cầu nguyện, rồi kế đó, trong các vấn đề kinh nghiệm, chúng ta sẽ nhìn thấy "những việc lớn và khó" là những việc ngươi chưa từng biết. Một Cơ đốc nhân phải sống trổi cao hơn người thế gian, và có khả năng một Cơ đốc nhân tự mình trổi lên trong lúc bây giờ là một tội nhân đang chết ở trong tội lỗi. Chẳng có ai nói năng gì về người ấy phải trở nên cao trọng như thế nào ở trên đất. Tôi không nghĩ chúng ta sẽ trở nên trọn vẹn ở trên đất, nhưng chúng ta biết chúng ta có thể tới gần sự trọn vẹn là dường nào. Chúng ta sẽ không ở trên trời giống như ở trên đất được; nhưng, ai có thể nói nhiều về thiên đàng sẽ ở trong chúng ta đang khi chúng ta còn sống ở đây chứ? Có bao giờ quí vị ngồi lại và đọc tác phẩm Cuộc Đời của Herbert, hay Whitefield, hoặc Haliburton? Sau khi đọc những quyển sách ấy, chúng ta nhũ thầm rằng: "Đúng chúng ta là chỉ là những con trùng mà thôi!" Chúng ta cảm nhận giống như Robert Hall, là người, khi một vị Mục sư đến thăm ông, đã nói: "Tôi rất hân hạnh được gặp ông! Ông (A hay ông B) đã sống ở đây; ông ấy sống tuyệt vời hơn tôi, tôi thấy mình chẳng ra gì trong sự hiện diện của ông ấy, nhưng bây giờ lòng tôi cảm nhận về người một lần nữa". Quí vị có bao giờ cảm thấy, trong một đoàn người cao trọng, quí vị chẳng là gì hết không? Khi lần đầu tiên tôi đọc về cuộc đời của Henry Martyn, tôi không thể ngăn được nước mắt trong nhiều giờ sau đó, khi nghĩ mình đã sống một đời sống thấp hèn như thế. Tuy quí vị chưa biết nhưng khi quí vị trèo lên đến nơi mà mấy người nầy đã trèo; những bước chân của ngọn núi mộ đạo thật là dốc ở bên trên, nhưng người ta có thể bước lên chúng bằng hai bàn chân cần mẫn. Hãy bước tới đi, và quí vị sẽ đến đứng ở chỗ mà Môise đã đứng, và kìa, xứ Canaan nhìn từ đỉnh Núi Nêbô. Hãy nhớ rằng quí vị đang đứng trên vùng đất thấp; đừng xấu hổ khi công nhận rằng quí vị có lòng mơ ước trèo lên trên đó. Hãy quì gối xuống, và Đức Chúa Trời sẽ tỏ cho quí vị biết qua kinh nghiệm "những việc lớn và khó" mà quí vị chưa từng biết.
Nếu có ai đang thoả lòng với kinh nghiệm riêng của mình, sự ấy chẳng qua là do thiếu hiểu biết mà thôi. Tôi sẽ thách ai đó hãy lấy các bức thư của Rutherford, rồi ngồi xuống, và sau khi đã đọc chúng rồi, sẽ nói: "Rutherford dường như đã sống giống như một thiên sứ của Đức Chúa Trời; tôi chỉ là một con người mà thôi, tôi không bao giờ đứng được ở chỗ mà Rutherford đã đứng". Thường thì khi tôi trở về nhà từ toà giảng vào tối Chúa nhựt, tôi lấy theo quyển nhạc của George Herbert; và khi tôi nhìn thấy ông yêu mến Chúa là ngần nào, đối với tôi dường như ông đang cầm lấy đàn lia đánh lên những nốt nhạc mà ông đã nghe thấy từ Thiên đàng, rồi cao giọng hát các bài ca ấy lên. Chúng ta đừng ngã lòng, chúng ta có thể trở thành những Herbert, Rutherford, và Whitfield; mà nầy, chẳng có một lý do gì tại sao chúng ta không trở nên cao trọng bằng các thánh đồ trong Cựu ước chứ!?! Chẳng có một lý do gì tại sao chúng ta không trở nên cao trọng giống như Ápraham, Y-sác, và Gia-cốp; sao mỗi con cái của Đức Chúa Trời, trong thời buổi nầy, lại không trở thành một con người mạnh đức tin giống như Ápraham thời xưa chứ? Chúng ta hãy đọc lời hứa trong câu gốc đi: "Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho, ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết".
Rồi để kết luận, lẽ thật ấy chú về Hội Thánh chung của Đức Chúa Trời. Tôi không biết quí vị có chú ý hay không, ma quỉ, theo sự quỉ quyệt của hắn, đã cố làm sai lệch tất cả những buổi thờ phượng của chúng ta. Lòng tôi trở nên vui sướng khi Giảng đường Exeter mở cửa cho việc rao giảng Tin lành! Tấm lòng tôi không hề nhảy cởn lên vui mừng giống như khi tôi hay được anh em của chúng ta ở Hội Thánh Anh quốc phải bắt đầu rao giảng ở giảng đường Exeter, mặc dù tôi cảm thấy buồn khi mấy cánh cửa ấy đóng lại nghịch cùng họ. Giờ đây niềm vui mừng của chúng ta đã bùng lên, niềm sung sướng của chúng ta vầy lấy như đám mây trên cao. Sở dĩ như thế là vì có người đã cố gắng, sốt sắng đưa ra câu chuyện tốt lành của người biết lắng nghe Ngôi Lời trong nhà thờ và trên giảng đường của chính họ, Chúa nhựt tới chúng ta sẽ nhìn thấy cảnh than khóc, trong toà nhà to lớn nầy, vì là nơi không mở cửa để rao giảng Ngôi Lời, mà chỉ để cho một buổi hoà nhạc vào ngày Chúa nhựt. Chúng ta sẽ nghe đọc về nhiều đám dân đông nhóm lại trong toà nhà, chỉ để làm nhà hát; chúng ta sẽ nghe nói về những con người nhóm lại với nhau, và sẽ có một người thấy mình sẽ xưng nhận rao giảng Tin lành cho họ, và “Đấng Mêsi” sẽ được trình bày như một sự khích lệ để lôi cuốn họ. Có lẽ chẳng có ai cảm thấy đau buồn hơn tôi cảm thấy khi đám mây đáng sợ nầy phủ trên chúng ta. Ma quỉ một ngày kia mở cửa Điện Crystal, Bảo Tàng Viện, và từng địa điểm khác vào ngày Chúa nhựt; nhưng Đức Giêhôva đang tể trị; và nếu xứ sở nầy có phá vỡ đi ngày sa-bát, chúng ta đừng thất vọng. Đức Chúa Trời đang ngự như vì vua trị vì trên thiên đàng và, chắc thật y như Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài sẽ dành lấy chiến thắng. Ma quỉ sẽ tự đánh lừa mình, y như hắn luôn luôn làm; Satan sẽ rơi vào chính cái hố mà nó đã đào. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng Cơ đốc nhân ở Anh quốc sẽ rất sốt sắng trong việc kêu cầu Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyện liên tục với Đấng Chí Cao, để Ngài làm cho việc rao giảng Tin lành cho nhiều đoàn dân đông được thành công; nguyện Ngài khiến cho chúng ta không bước vào những nơi bất khiết, để rồi bị chao đảo và không hữu dụng, nguyện Đức Chúa Trời từ điều ác làm sản sinh ra điều lành, và nhơn đó làm vinh hiển cho chính mình Ngài, và tỏ ra cho chúng ta thấy những việc lớn và khó mà chúng ta chưa từng biết.
Giờ đây tôi nài xin Chúa tuôn đổ phước hạnh của Ngài trên mỗi một người trong quí vị. Nguyện quí vị sẽ nên sốt sắng trong sự cầu nguyện, và thường thường làm đủ thứ nài xin; và nếu quí vị chưa nhìn biết Đấng Christ, nguyện Đức Thánh Linh làm cho quí vị mau mau nhìn biết Ngài, và nguyện mọi lời cầu nguyện của quí vị sẽ bay lên đến tận thiên đàng hầu cho Ngài sẽ tỏ ra cho quí vị biết ơn chửng cứu của Ngài, đây là một trong những "việc lớn và khó" mà hiện nay quí vị chưa từng biết!

**
*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét