Chiến trường của người được ơn –
Norman Nelson –
Giáo sĩ với các chiến dịch Truyền giảng Tin lành Hải ngoại, Giọng Nam Cao.
Rôma 6.13: “Chớ nộp mình cho tội lỗi như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình”.
“Đại sứ Âm Nhạc” không phải là danh hiệu quen thuộc mà công chúng dành cho Norman Nelson. Ông đã ca hát trong các vận động trường lớn, cả đến tư thất của các vị Tổng Thống. Giọng nam cao hùng hồn của ông vang dội trên các quảng trường của nhiều thành phố và làng xóm ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Bản thân ông đã ca hát trước số khán giả tổng cộng có tới hơn 3 triệu người ở Đông phương. Giọng nam cao tuyệt vời của ông đã được công nhận và được yêu thích bởi hàng ngàn người nghe ông hát mỗi ngày trên đài phát thanh.
“Chúng ta là khâm sai của Đấng Christ” là sứ điệp các bài hát của Norm. “Vậy chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Đấng Christ mà nài xin anh em: Hãy hoà thuận lại với Đức Chúa Trời” (II Côrinhtô 5.20). Và giọng nam cao hùng hồn ấy cứ dồn dập một câu hát: “Chẳng có tình yêu nào lớn lao hơn” hay “Tình yêu ấy chân thật, tôi biết tình yêu ấy chân thật”.
Những lời làm chứng về công tác phục hoà đạt được trong tấm lòng của nhiều khán thính giả có nhiều trong hòm thư của Norm. Một cô gái người Phi luật Tân viết: “Tôi luôn luôn cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa Trời vì đã sai ông đến thành phố Davao. Thưa ông, ông biết đấy, từng thành viên trong gia đình tôi đã tiếp nhận Chúa qua sứ điệp trong các bài hát thật tuyệt vời của ông”.
Đời sống của Norm đã được biến đổi bởi sứ điệp của một bài hát do chính ông trình bày. Ca hát là việc mà ông rất ưa thích khi còn thơ ấu, Lớp Trường Chúa Nhựt và Hội Thánh đã cung ứng cho ông một số vốn tiết mục thật phong phú. Ngày kia, khi ông cất tiếng hát trong ngẫu hứng, ông nhận ra lời điệp khúc rất có ý nghĩa đối với bản thân ông. Ông hát: “Chúa Jêsus ơi, xin ngự vào lòng con”, sau khi biến lời bài hát đó thành lời cầu nguyện của riêng mình và ngay khi ấy ông đã nhận lãnh sự sống mới là một con cái của Đức Chúa Trời.
Thế là khi mới có 13 tuổi, Norm đã thuộc về Đức Chúa Trời, nhưng suốt những tháng năm ở Trung và Đại học, nhiều lần ông phải đối mặt với thắc mắc làm thế nào để tận dụng hết mức năng khiếu đang có sẵn của mình. Kết quả là, sau vai diễn xuất sắc Faust của Norm trong vở kịch của Verdi, vị giáo sư môn âm nhạc đã dành cho ông một học bổng chuyên về kịch nghệ. Norm đã được một gia sư chuyên về chất giọng nam cao hàng đầu ở Denver hướng dẫn rồi được mời đến dự buổi trình diễn của Jack Benny. Với giọng hát thiên phú chiếm lĩnh sân khấu, Norm hiển nhiên bước vào sự nghiệp biểu diễn trên sân khấu.
Nhưng một lần nữa bài hát cứ bám mãi trong lòng ông, nó ảnh hưởng lớn trên đời sống ông. Tối Chúa nhựt kia, khi tốp tứ ca của trường đến hát tại nhà thờ, Norm đã nghe thấy tiếng gọi của Đức Chúa Trời giục giã ông bước vào phục vụ Chúa trọn thời gian và hứa nguyện sử dụng giọng hát của mình sao cho luôn xứng đáng với sự vinh hiển của Chúa. Sự luyện tập về âm nhạc khi ấy thêm lên phần trang trọng, khi ông nhìn biết rằng năng khiếu ca hát của mình có thể mở rộng hay làm chết đi cái chạm của lời lẽ do ông thốt ra.
Nhưng vấn đề là cần phải có nhiều sự hy sinh. Từ chỗ ham mê nghề ca hát chuyên nghiệp, Norm cùng vợ là Georgia đã gánh chịu sự bất ổn về tài chính và nơi ăn ở. Norm đã phục vụ trong vai trò lãnh đạo tổ chức “Thanh Niên vì Đấng Christ”, là trưởng ban thăm viếng chăm sóc, là ca viên trong ban hát truyền giảng, và là Mục sư. Sau khi trải qua hơn chục lần di dời chỗ ở trong 10 năm, gia đình Nelson cùng mấy đứa con nhỏ sau cùng chuyển tới một ngôi nhà mà Norm đã đối chiếu nó với một số căn hộ mà họ đã từng biết qua, giống như chỉ có nền nhà và mấy bức tường mà thôi.
Ngay thời điểm nầy, Đức Chúa Trời đã mở ra khúc dạo mới, như đảo ngược lại với cuộc sống mới vừa ổn định của vị Mục sư trẻ tuổi nầy. Thình lình Norm phải đối mặt với thách thức của công cuộc truyền giáo. Là một Mục sư đã tận hiến dâng mình, biết đưa đời sống vào kỹ luật, tận tụy hy sinh, chắc chắn phần quyết định sẽ là dễ dàng đối với ông. Thế nhưng không phải như vậy đâu! Ông đã gặp phải một vài ngăn trở thực sự.
Thứ nhứt là thiếu suy xét. Norm đã đưa ra lời xưng nhận như sau:
“Nói chung, tôi có một bức tranh méo mó về các giáo sĩ và một số hội truyền giáo. Mặc dù tôi là chủ toạ hai Hội Thánh khác nhau, công trường truyền giáo đối với tôi là một chiến dịch từ thiện, đối với chiến dịch ấy chúng tôi phải trích nguồn quỹ của chúng tôi hàng năm. Chúng tôi đã thúc đẩy Hội Thánh trong khu vực làm công tác dâng hiến cho các hội truyền giáo lên đến cao điểm. Trong khi ấy, có nhiều nhà thờ chẳng làm chi hết cho các hội đó, chúng tôi đứng thứ ba hay thứ tư trong số các Hội Thánh dâng hiến, mặc dù chúng tôi đã dâng chỉ có 1.200$US một năm từ một Hội Thánh có khoảng 250 tín hữu mà thôi”.
Đến mùa hè năm 1955, chuyến du hành sang Đông phương đã mở mắt cho Norm. Với một nhà truyền đạo và một ca sĩ, ông đã sang Nhật bản, Đài loan và Phi luật Tân, ca hát ở những buổi nhóm của trường học, nơi họp chợ ngoài trời, cùng các thính đường trong thành phố. Hàng ngàn người kéo đến nghe, đặc biệt tại Phi luật Tân, giọng nam cao của ông đã đem lại nhiều kết quả ở đây. Tác động của tiếng hát, cộng với phần đáp ứng chân thành và sốt sắng của dân chúng đối với Tin lành, đã làm cho Norm phải tỉnh thức.
Các bối cảnh của chuyến đi đè nén ông đến nỗi phải suy sụp. Ông có nên tiếp tục một chức vụ ở nước Mỹ nữa hay không, đang khi có nhiều cơ hội đã đợi ông tại Đông phương? Khi ông nhận lời mời từ Cơ quan truyền giáo hải ngoại đến hầu việc Chúa tại Phi luật Tân trong 2 năm, Norm xem đấy là nhịp mở đầu của Đức Chúa Trời. Thế nhưng còn có trở ngại thứ hai.
Georgia Nelson đã không tham dự chuyến đi vào mùa hè đó. Bà đã ở lại Mỹ để sinh đứa con thứ tư và lần đầu tiên trong 10 năm, đã hưởng được một lượng an ninh đáng kể. Norm có một địa vị tốt trong nhà thờ, với nhiều lời mời hát hầu như mỗi buổi tối ở khắp khu vực Los Angeles. Họ đã mua được một căn nhà riêng, và có người thanh toán hết cho họ một số vật dụng trong nhà. Họ tiết kiệm tiền bạc để mua chiếc xe mới sau nhiều năm vất vả.
Georgia lấy làm lạ: “Không biết Đức Chúa Trời có buộc họ phải rời bỏ ngôi nhà ấy để bắt đầu trở lại hay không?”
Hiểu rõ tâm lý phụ nữ, Norm không tranh cãi chi với vợ, mà chỉ nhỏ nhẹ nói: “Em ơi, em hoàn toàn đúng đấy. Lượng an ninh nầy là sự mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Chúng ta rất biết ơn vì điều đó và sẽ không rời bỏ nó mà bước vào công trường truyền giáo mà chi!”
Georgia kháng cự: “Chờ em một chút đi”, rồi trao cho chồng một bài giảng ngắn nói tới tầm quan trọng của việc vâng theo Đức Chúa Trời cho dù phải trả bằng giá nào đi nữa!
Trong hai ngày, Norm đã đóng vai ngoan cố. Khi ông kể lại câu chuuyện: “Georgia đã hăng hái giảng cho tôi nghe trong suốt hai ngày đó rằng chính nàng đã tin chẳng có một bóng nghi ngờ nào, đây là điều mà Đức Chúa Trời mong muốn nơi chúng ta”. Với nụ cười hóm hỉnh, ông nói thêm: “Quí vị có thể nhìn thấy sự đắc thắng trộn lẫn nét bực bội trên gương mặt nàng khi tôi nói cho nàng biết tôi đã cương quyết ra đi từ lâu rồi”.
Một lần nữa, họ đã đồng lòng với nhau mà hiệp theo ý muốn của Đức Chúa Trời, các mối ràng buộc về vật chất của Norm và Georgia đã được tháo gỡ dễ dàng hơn là họ tưởng.
Norm nói: “Thật là ngạc nhiên, các thứ trông dường quí giá đối với quí vị thình lình trở nên thừa thải không đáng kể chi hết. Dù tin như thế hay không, chúng tôi rất hồi hộp khi sau cùng người môi giới cho chúng tôi hay ngôi nhà đã được bán rồi. Chúng tôi có thể bán đi hết thảy đồ đạt và cả chiếc xe hơi nữa. Trong vòng ba tháng, chúng tôi đã nhận được chiếc xe mới thích ứng với công tác của chúng tôi tại công trường, sự trợ cấp tiền đi đường cho chúng tôi cũng đã được quyên góp, và chúng tôi đã sẵn sàng ra đi”.
Ồ, thật là hồi hộp khi sử dụng hết năng lực một năng khiếu mà Đức Chúa Trời đã ban cho....sự say mê ca hát truyền giảng Tin lành cho nhiều đoàn dân đông kéo đến sốt sắng chăm chú lắng nghe...sự thoả lòng sâu sắc nối theo sau khi có nhiều người trở lại đạo, Norm và Georgia chưa từng biết điều chi giống như thế trong chức vụ của họ tại Mỹ.
Norm cộng tác với Greg Tingson, giáo sĩ người Phi luật Tân và khởi động một chiến dịch truyền giảng, và đã nhìn thấy hơn 30.000 người đáp ứng với lời mời gọi của Tin lành trong suốt bốn năm đầu tiên của Nelson trên đảo quốc nầy.
Norm ghi lại một buổi nhóm khi ấy: “Chúng tôi nhóm ở khu đất trống của một cộng đồng Hồi giáo. Khi buổi thờ phượng tối bắt đầu, chúng tôi đứng trên sân khấu được đóng nâng cao khỏi mặt đất. Trước tiên, tôi đã cho hòa nhạc. Kế đó, Greg Tingson rao giảng một sứ điệp Tin lành thật nóng cháy. Hiếm khi tôi nhìn thấy một lượng khán giả chịu chú ý lắng nghe như thế.
“Trong khu vực Hồi giáo nầy, trong suốt cả chiến dịch, thì chỉ có một hay hai người dám công khai xưng Đấng Christ là Cứu Chúa, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy 30 người tiến lên phía trước. Đối với một số trong những người nầy, khi tiến tới trước như thế có nghĩa là sẽ bị bắt bớ, bị gia đình chối bỏ, và thậm chí bị đe dọa đến tính mạng nữa”.
Thực ra, ở hải ngoại cần có một giáo sĩ hơn là...một giọng ca quyến rũ, lôi cuốn. Đây là yếu tố còn thiếu, là điều mà Norman Nelson đã tìm kiếm trong một thời gian khá lâu rồi.
Ông nhìn nhận: “Tôi chẳng yêu kẻ lân cận mình. Tôi không ưa người ấy trội hơn mình. Tôi đã cầu nguyện xin cho có được tình yêu nầy. Tôi đã cố gắng bằng nhiều cách để kiếm được chính gánh nặng ấy về những linh hồn đã khiến cho John Knox phải cất tiếng kêu la: “Xin ban cho con xứ Tô cách Lan hoặc là con sẽ chết”. Tuy nhiên, tôi phải thành thật với lòng mình: mối quan tâm không có ở đó. Có gì sai trật với tôi chăng? Tôi đã cầu nguyện; tôi đã đọc Kinh thánh. Tôi đã cố gắng và cố gắng.
“Thế rồi Đức Chúa Trời đã phán với tôi qua Rôma 6.13. Tôi nhìn biết để có một gánh nặng đối với kẻ bị hư mất, tôi phải nhìn họ bằng cặp mắt của Đức Chúa Trời, chớ không phải bằng con mắt của mình. `Hãy dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình’. Chắc chắn một nhạc cụ không thể tự chơi một mình được. Bao lâu tôi còn để cho tình cảm mình dậy lên thì tôi hãy còn lạc bước đối với Đức Chúa Trời. Song khi tôi đem lòng mình như một nhạc cụ dâng cho Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ tạo ra hòa âm của Ngài”.
Norm nói từ chính kinh nghiệm riêng của ông: “Nếu quí vị muốn có một gánh nặng đối với người bị hư mất, nếu quí vị muốn trở thành một giáo sĩ, hãy để cho Đức Chúa Trời biến quí vị thành công cụ của Ngài. Ánh mắt của Đức Chúa Trời nhìn xem mỗi người với lòng thương xót, Ngài hiểu rõ và rất ghét tình trạng tội lỗi của người ấy, nhưng lại tiếp trợ và mong mỏi người ấy sẽ được cứu rỗi. Khi tôi trở thành công cụ của Đức Chúa Trời, tôi không còn xem kẻ lân cận mình qua ánh mắt lấy mình làm trung tâm nữa, mà nhìn người ấy giống như Đức Chúa Trời nhìn người ấy vậy – với một mục đích cứu chuộc trong lý trí.
“Giờ đây, khi tôi đứng nơi chỗ họp chợ của một thị trấn Đông phương, mãi mê thưởng thức các bối cảnh, mùi vị và âm thanh, có một sự thương xót sâu sắc đọng trong tấm lòng tôi. Tôi quan sát khu chợ búa ấy đầy dẫy với những con người tội lỗi, tấm lòng của họ thường sợ hãi và thất vọng, và tôi cảm nhận được điều mà Chúa Jêsus đã cảm nhận khi Ngài hướng về thành Jerusalem mà khóc: “Bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con như gà mái túc con mình lại trong cánh” (Mathiơ 23.37).
Một trở ngại khác mà Norm đã đối diện, ông đặt tên cho nó là: “chiến trận của người được ơn”. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho ông ân điển để chơi một giai điệu thật là hay.
Norm nói: “Nếu Đức Chúa Trời không chia sẻ sự vinh hiển của Ngài với người khác, thì Đức Chúa Trời và tôi sẽ không có được sự vinh quang từ cùng một sàn diễn. Không bao lâu sau đó, tôi học biết rằng quí vị không thể cùng một lúc hay ngay tức khắc tỏ ra mình lỗi lạc là dường nào và Chúa kỳ diệu là bao. Sự chọn lựa không phải là một việc làm một lần đủ cả đâu, mà là kinh nghiệm hết ngày nầy qua ngày khác. Mỗi ngày tôi chỉ cầu xin Đức Chúa Trời cho phép tôi ca hát vì sự vinh hiển của Ngài mà thôi”.
Norm nhìn nhận rằng sau khi trở thành một giáo sĩ hải ngoại, ông đã gặp phải nhiều nan đề, nan đề khó khăn nhất là sự phức cảm tự ti mà ông đã có khi chỉ muốn “trở thành một giáo sĩ”. Giống như hầu hết các giáo sĩ khác, Norm thấy cần thiết phải đi đây đi đó du lịch một thời gian. Vì vậy, giờ đây chúng ta thấy ông đang ở trên một chiếc tàu thủy bóng mượt. Ngồi cạnh ông là một ủy viên quản trị trẻ trung rất năng động. Không bao lâu sau đó, họ đã trò chuyện với nhau.
Sau khi vị thương nhân trẻ tuổi giải thích công việc làm ăn của mình, anh ta quay sang Norm rồi nói: “Còn ông, ông làm nghề gì?”
Norm nói: “Tôi đã bật cười, nhìn thẳng vào mắt anh ta, rồi đáp: `Tôi là một nhà truyền giáo’. Đột nhiên, một thoáng giật mình hiện lên trên nét mặt của anh ta. Hầu như tôi có thể nghe thấy tiếng mấy chiếc bánh xe vận chuyển trong lý trí của anh ta khi anh ta nhũ thầm: `Ồ, không, một người thực sự sống đang ngồi ở đây, bên cạnh ta’. Thế rồi một sự biến đổi đáng kinh ngạc đã diễn ra. Nét kinh ngạc đã đổi thành một cái nhìn xa xăm, rồi khi nhìn vào khoảng không gian bao la kia, anh ta thố lộ bằng một giọng tin kính: `Sự kêu gọi của tôi là một sự kêu gọi rất kỳ diệu”.
“Anh ta chẳng nói chi về sự kêu gọi ấy. Dường như nó khô khan lắm vậy. Suốt thời gian đó, anh ta suy nghĩ: “Ông thầy tu nầy, sống ở núi ở non, chẳng biết cuộc sống là gì cả”. Sau nhiều lần trao đổi, một phức cảm tự ti dâng cao, nó bắt đầu quần trong trí tôi và tôi nhũ thầm rằng: “Anh nầy đang trong công việc làm ăn lớn đây, còn tôi chỉ là một giáo sĩ quèn mà thôi”.
Tôi sẽ buộc Norm nói cho quí vị biết Đức Chúa Trời đã quan phòng thể nào với nan đề nầy: “Một trong các chuyến hành trình truyền giáo đã đưa tôi đến tại M’Lang, Cotabato, trên quần đảo Mindanao trong xứ Phi luật Tân. Đây là một thị trấn mới thành lập, giống như thời buổi khai hoang ở Miền Tây cũ ở nước Mỹ vậy. Dân chúng là những người được nhà nước cấp đất cho ở, họ đến từ khắp nơi trên đất nước Phi luật Tân. Các con đường đều đầy bụi hay bùn (tùy theo thời tiết).
“Chúng tôi nhóm lại trên một khu đất trống, ở đây họ vừa đóng xong cái bục cho ban nhạc. Đây là chỗ họp chợ của thị trấn. Trước khi nhóm lại, chiếc xe tải có loa phóng thanh chạy khắp thị trấn, loan ra tin tức một giọng nam cao người Mỹ sẽ trình diễn trong buổi hòa nhạc tại khu chợ. Dân chúng rất ưa thích ca nhạc, và họ đến tới hàng mấy trăm người.
“Một ngọn đèn nhỏ được treo phía trên đầu tôi khi tôi hát. Ngọn đèn nầy sáng hàng trăm watt đã được thu lại còn chừng 50 watt khi các bóng đèn khác trong thị trấn được bật lên, và từng con côn trùng trong nhiều dặm quanh đấy đã quyết định có một hội nghị tổ chức tại khu chợ. Thế rồi bầy thiêu thân ở khắp mọi nơi bay về – chúng bám quanh ngọn đèn, trên tóc, trên mắt, trên mũi, trên hai lỗ tai, và khắp cả áo sơ mi của tôi. Tôi đã lấy hơi thật nhanh trong khi hát, vì cứ lo sợ có côn trùng bay tới gần mình. Bây giờ, trong từng bài hát, chúng cứ bay tới bay lui ngay miệng của tôi – có con đã bị tôi nuốt mất, không bao giờ nhìn thấy lại nữa, còn những con khác thì tôi phải nhổ ra khi đàn dạo. Đây hoàn toàn là một sự chọn lựa. Tôi chưa hề biết lúc nào phải nuốt lấy hay nhổ ra”.
“Khi tôi ngồi trên sàn diễn, thất vọng với mọi điều nầy, tôi suy nghĩ: “Sẽ ra sao nếu có một kẻ cuồng tín nào đó nhắm bắn vào chúng tôi qua bóng tối tăm. Họ sẽ đào một cái huyệt rồi nói: “Nằm đây thêm một ông giáo sĩ nữa”. Chẳng có gì nổi tiếng ở chỗ nầy cả. Làm sao tôi ra khỏi chỗ nầy cho được?
“Rồi bởi Thánh Linh của Ngài, Đức Chúa Trời bắt đầu vận hành trên tấm lòng của dân chúng khi Greg rao giảng và tôi thì hát. Nhiều thái độ đà thay đổi. Nhiều quyết định đã được đưa ra. Trong suốt tuần lễ có hơn 300 người trong thị trấn nhỏ bé đó đã công nhận nhu cần của họ về Đức Chúa Trời. Đến gần cuối tuần lễ, có 60 người đã sẵn sàng chịu phép báptêm. Vào sáng Chúa nhựt cuối cùng, họ đã đứng với gương mặt thật rạng rỡ, đưa ra nhiều bằng chứng trước dân chúng của thị trấn về đức tin của họ nơi Đấng Christ làm Chúa và Cứu Chúa.
“Khi tôi ngồi trong buổi thờ phượng có làm lễ báptêm dài cả hai giờ đồng hồ liền, dường như Đức Chúa Trời sấm sét câu nói nầy với tâm trí của tôi: “ĐÂY LÀ CÔNG VIỆC LÀM ĂN RẤT TO LỚN ĐẤY”. Chẳng có gì quan trọng hơn sự biến đổi của một đời sống. Con người thì quan trọng hơn địa vị, được lòng người, và sự giàu có. Lọai công việc nào – nếu được trả 1000$US một tuần – hay một buổi trình diễn nào có thể sánh được với công việc nầy?
“Giờ đây khi tôi đối mặt với vị thương nhân kia, và anh ta nói: “Còn ông, ông làm nghề gì?” Tôi đáp ngay: “Tôi là một giáo sĩ. Và đấy là một công việc lớn lao nhất trên thế gian!” Và nếu anh ta chưa tin khi tôi trình bày cho anh ta biết, ít nhất anh ta đã tin rằng tôi đã tin”.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét