Đời sống và thời thế của Vua David
Về Ân và Oán
II Samuên 19.9 - 20.26
Chuck Swindoll, trong quyển sách rất hay của ông viết về đời sống của David, ông chỉ ra rằng đức tính cao trọng được thấy nơi con người vừa lòng Đức Chúa Trời mà chúng ta đáng phải ganh đua, ấy là tinh thần hay tha thứ của David. Tuy nhiên, thay vì đưa ra sự tha thứ hoàn toàn, chúng ta thường tỏ ra sự tha thứ có điều kiện. Chúng ta nói: "Tôi sẽ tha thứ cho bạn NẾU…" hoặc "Tôi sẽ tha thứ cho bạn BAO LÂU bạn…" hay "Nếu bạn quay trở lại và sửa lại mọi việc, tôi sẽ tha thứ cho bạn", hoặc "Nếu bạn chịu nhận phần của mình trong vấn đề, tôi sẽ tha thứ cho bạn". Chúng ta cũng đưa ra sự tha thứ từng phần thôi. Chúng ta nói: "Tôi sẽ tha thứ cho bạn, nhưng đừng mong tôi quên" hay "Tôi sẽ tha thứ cho anh, nhưng nên tránh xa cuộc đời tôi". Chúng ta đang đáp ứng với sự tha thứ lần lữa. Chúng ta nói: "Tôi sẽ tha thứ cho anh một ngày, nhưng anh phải để cho tôi có đôi chút thời gian". Swindoll cũng nói thêm:
“...tha thứ không phải chỉ về người kia thôi, mà tha thứ cũng về chúng ta nữa. Khi chúng ta không tha thứ, nó có một tác dụng buồn thảm, tác dụng ấy đi xuống trong chính đời sống chúng ta. Trước hết, có một sự “mất lòng”. Và nếu không có sự tha thứ ở sau sự mất lòng đó, thì sẽ phát sinh ra sự tức tối. Rồi nếu không có sự tha thứ theo sau sự tức tối đó, thì “thù hận” sẽ chiếm lấy chỗ của tức tối. Hận dâng cao dẫn tới “oán”. Và oán hoàn toàn hình thành “trả thù”. "Tôi đang chờ cơ hội đấy thôi. Và khi có cơ hội tốt, tôi sẽ quay lại".
Trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay, qua phần nghiên cứu liên tục về đời sống và thời thế của Vua David, chúng ta thấy cả hai mặt của đồng tiền đó. Chúng ta thấy David đang đứng như một điển hình cho ân điển, đưa ra sự tha thứ hoàn toàn cho người nào chắc thật không xứng đáng với ân ấy. Mặt khác, chúng ta nhìn thấy Giôáp, vị tướng lãnh chỉ huy quân đội, ông ta chẳng có một dự tính nào khác hơn là làm tròn sự oán hận đến chỗ giết người của ông ta mà thôi. Hai nhân vật nầy đang đứng đối mặt nhau, giống như Thánh Linh và xác thịt vậy.
Trước khi chúng ta đi sâu vào phân đoạn Kinh Thánh nầy, cho phép tôi tóm tắt phần nội dung cho quí vị thấy. Chúng ta nhớ lại rằng vì mọi tội lỗi của David xoay quanh sự ông phạm tội tà dâm với Bátsêba, Đức Chúa Trời đã để cho ông phải gặt lấy hậu quả của bạo lực trong chính gia đình mình. Đứa con trai mà ông rất sũng ái là Ápsalôm đã nổi dậy trong sự loạn nghịch chống lại ông. Chàng ta "dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên vậy" (15.6). Chàng ta đã làm cho đại đa số dân Israel chống lại David và buộc ông phải tháo chạy ra khỏi thành Jerusalem. Khi David đi xuống con đường của "những làn nước mắt" đó, ông tìm gặp sự giúp đỡ nơi các bạn hữu mình, ông cũng nhìn thấy sự phản bội của những kẻ nghịch thù mình khi họ chế nhạo ông. Để biến câu chuyện dài thành ra ngắn gọn và đơn giản, Đức Chúa Trời đã hành động theo nhiều phương thức tùy theo sự khôn ngoan của Ngài để bảo hộ cho David. Ápsalôm dẫn một đạo quân dự tính giết chết David, nhưng người của David đã đánh bại họ "tại rừng Épraim" (18.6). Ápsalôm bị treo tòn teng trên một nhánh cây thấp. Giôáp cùng mấy kẻ vác binh khí cho ông ta đã đánh và giết chết chàng ta ở đó. David đã than khóc sầu thảm vì không những ông mất đi đứa con loạn nghịch, mà ông còn mất chàng ta cho đến đời đời nữa. Khi chúng ta nhìn thấy David, nơi sự giục giã của Giôáp, ông gạt qua một bên nổi buồn đau rồi bước ra chào đón các chiến binh trung thành của mình.
Phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay là một câu chuyện thật diệu kỳ. Câu chuyện nầy có thể dựng nên một cuốn phim hay song có lẽ sẽ nhận lãnh phần xếp loại "R" về bạo lực và đổ máu. Chúng ta hãy đào sâu vào câu chuyện nầy. Hãy để gói bắp rang của quí vị qua một bên rồi mở quyền Kinh Thánh của quí vị ra. Trong các phân đoạn nầy, chúng ta sẽ đối chiếu “ân” của David với “oán” của Giôáp rồi kế đó rút tỉa ra một số bài học sống động cho cuộc sống hôm nay.
I. Ân của Vua David (19.9-39).
David có sự kiên nhẩn với dân sự (19.9-18).
Câu 9 chép có "một sự trách nhau" giữa vòng "các chi phái Israel". Với David bị đẩy ra khỏi thành Jerusalem và Ápsalôm đã chết, họ không biết phải làm gì. Họ không có một bản hiến pháp như chúng ta có trong xứ sở của mình để dẫn dắt họ. Các vị vua không bao giờ chia phần chương trình của Đức Chúa Trời cho họ dù là phương thế nào. Họ đã nhìn nhận rằng David là một vì vua nhơn đức. Họ nói: "Vua đã giải chúng ta khỏi tay kẻ thù nghịch chúng ta, và người đã cứu chúng ta khỏi tay dân Phi-li-tin. Song bây giờ, người phải trốn khỏi xứ vì cớ Áp-sa-lôm". Họ cũng nhìn nhận lỗi lầm khi "xức dầu cho" Ápsalôm làm vua của họ. Bây giờ họ nhận biết đường hướng hành động tốt nhứt là đưa David trở lại với ngôi vị.
David vẫn còn ở tại Mahanaim, ở phía bên kia sông Giôđanh. Ông không muốn trở về thành Jerusalem ngay giống như chẳng có việc gì xảy ra. Mặt khác, một số người trong dân chúng lại sợ đem David trở về vì họ nghĩ ông sẽ báo thù vì sự họ ủng hộ Ápsalôm. David chờ đợi trong một thời gian ngắn, nhưng sau cùng ông gửi lời qua các bạn hữu của mình là "thầy tế lễ Xađốc và Abiatha". Ông yêu cầu họ khích lệ chính chi phái Giuđa của ông, phải đưa ra lời mời ông trở lại. Ông hứa đặt "Amasa" làm Tướng chỉ huy quân đội. Amasa đã không đi cùng David nhưng đã ở lại ủng hộ Ápsalôm. Điều nầy làm vui lòng các cấp lãnh đạo của chi phái Giuđa. Câu 14 chép rằng David "được lòng hết thảy người Giuđa" và họ nói với ông: "Xin vua hãy trở về với hết thảy tôi tớ vua".
Khi nhà vua và người của ông đã về tới các chỗ cạn của sông Giôđanh tại "Ghinh ganh", toàn bộ chi phái Giuđa đã đi ra đặng đón ông ở đó, họ hộ tống ông về lại thành Jerusalem. Kèm theo với những người thuộc chi phái Giuđa là Simêi và "một ngàn người Bêngiamin" cũng như Xípba cùng nhiều người khác nữa. Một "chiếc đò" đã đưa nhà vua cùng gia quyến người trở lại bờ Israel.
David không đòi hỏi các quyền hạn của mình. Ông xử sự rất tử tế và có ơn với số người nầy. Ông không mang một vẻ oán hận đối với những kẻ đã từng xây mặt đối với ông. Ông đã giàu ơn chấp nhận lời thỉnh cầu của họ muốn ông phải trở về.
David hiến ơn tha thứ cho Simêi (19.19-23).
Giữa vòng những kẻ đi ra đón vua David là Simêi. Quí vị có nhớ ông ta không? Trở lại với chương 16, khi David đang trong cảnh trốn chạy, Simêi, "một người về dòng dõi nhà Saulơ" đã bước ra từ Bahurim rồi công khai rủa sả David. Ông ta đã ném đá vào David và hết thảy người của ông. Ông ta đã gọi David là "người huyết" và "kẻ lừa đảo" hay "người không ra chi hết". Ông ta đã đổ thừa David về cái chết của Vua Saulơ. Ông ta đã hô to những lời sĩ nhục dối trá đối với nhà vua đang lâm cảnh khốn cùng nầy.
"Người đã tự làm vua thay vì Sau-lơ, nên bây giờ Đức Giê-hô-va khiến những huyết của nhà người đổ lại trên ngươi; Ngài sẽ phó nước vào tay Áp-sa-lôm, con trai ngươi; và kìa, chính ngươi bị hoạn nạn, bởi vì ngươi là một người huyết!" (II Samuên 16.8).
Abisai đã nói cho mọi người thuộc David nghe khi chàng nói với vua: "Cớ sao con chó chết kia dám mắng vua chúa tôi? Hãy để tôi đi chém đầu nó" (16.9). Tôi muốn nói với quí vị, nếu tôi là David tôi sẽ ngó sang chỗ khác rồi để cho Abisai làm cái điều mà anh ta vừa mới nói. Tuy nhiên, nhà vua đã tin cậy nơi bàn tay của Đức Chúa Trời khôn ngoan. Ông nói: "Có lẽ Đức Giê-hô-va sẽ đoái xem sự hoạn nạn ta, lấy phước trả lại thế cho sự rủa sả mà ta bị ngày nay" (16.12).
Cuộc nổi dậy đã trôi qua rồi. David được mọi người nghinh đón về lại thành Jerusalem. Ông đã rời khỏi đó trong thất bại, song lại trở về cách đắc thắng. Và bây giờ một lần nữa đây lại là Simêi. Lần nầy ông ta không dám rủa sả nữa. Ông ta cũng chẳng ném đá nữa. Thay vì thế, ông ta "phục dưới chơn vua" tại sông Giôđanh rồi nài xin thương xót. Ông ta nói:
"Cầu xin chúa tôi chớ kể tội ác cho tôi, và đừng nhớ đến sự gian tà mà kẻ tôi tớ vua đã phạm trong ngày vua chúa tôi đi ra khỏi Giê-ru-sa-lem. Xin vua chớ để điều đó vào lòng. Kẻ tôi tớ vua nhìn biết mình đã phạm tội. Vì vậy, ngày nay trong cả nhà Giô-sép, tôi đã đến trước hết đặng xuống đón vua chúa tôi" (19.19-20).
Abisai là "dõng sĩ" không thích như thế. Chàng ta vẫn nghĩ David sẽ cho phép lấy đầu hắn ta cách đây mấy ngày. Chàng ta nhắc cho David nhớ về sự Simêi rủa sả hôm trước: "Vậy, người ta há không xử tử Si-mê-i vì cớ đó sao, là kẻ đã rủa sả đấng chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va?" Tôi hình dung Abisai đang đứng với thanh gươm đã tuốt trần trong khi Simêi còn quì sụp ở đó.
Nhà vua nhìn thẳng vào mặt Abisai và mấy anh em bạo lực của chàng ta rồi hỏi: "Hỡi các con trai Xê-ru-gia, ta có can hệ chi với các ngươi chăng?" Ông hỏi thật hùng hồn: "Trong một ngày như vậy, người ta há có thể sai giết một người trong Y-sơ-ra-ên ư? Ngày nay có lẽ nào ta không hiểu rằng ta là vua của Y-sơ-ra-ên sao?"
David nhìn xuống Simêi đang sấp mình run rẩy dưới đất. Mới đây thôi, ông cũng đã thốt ra chính câu nói đó: "Tôi đã phạm tội" trước mặt tiên tri Nathan. Ông đỡ đầu của người Bêngiamin lên rồi nói: "Ngươi sẽ chẳng chết đâu" và "thề" điều nầy với ông ta.
David làm minh họa cho ân sũng của Đức Giêhôva trong sự tha thứ. Ông là người cha chạy ra đón đứa con hoang đàng trở về nhà. Ông là người chăn cẩn thận đi tìm kiếm con chiên bị lạc mất.
Thi thiên 3 có lời đề tựa như thể nầy: "Thi thiên của David khi ông đi trốn Ápsalôm con mình". Trong câu 3 chúng ta thấy lời lẽ nhắc cho chúng ta nhớ tới bài ca ngợi chúng ta hay hát. Thi thiên chép: "Nhưng, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là cái khiên chở che tôi; Ngài là sự vinh hiển tôi, và là Đấng làm cho tôi ngước đầu lên". Có thể câu nói nầy đã vang dội trong tâm trí của David khi ông đỡ đầu Simêi ngước lên. Chúng ta chưa bao giờ sống giống như Chúa hơn khi nào chúng ta chấp nhận tha thứ cho người nào không xứng đáng với ơn ấy.
David tỏ ra ơn thương xót với Mêphibôsết (19.24-30).
Tiếp đến chúng ta gặp lại Mêphibôsết. Chúng ta nhớ lại câu chuyện nói về anh ta từ chương 9. Ở đây trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay anh ta được gọi là "con trai của Saulơ" trong khi đúng ra anh ta là cháu nội của Saulơ qua Giônathan, bạn thiết của David. Nhiều năm trước đó, David đã ao ước làm tròn lời hứa của ông với Giônathan làm ơn cho nhà của Giônathan. Ông tìm kiếm xem coi có ai còn sống sót trong nhà của Giônathan. Xípba, một trong các tôi tớ của Saulơ trước đây đã cho ông biết tin về Mêphibôsết. Khi triều đại của Saulơ sụp đổ, người vú của Mêphibôsết đã bỏ trốn cùng với anh ta. Trong cơn vội vã, đứa nhỏ đã té ngã và bị què suốt đời (4.1-4). Mêphibôsết đã sống tới lúc trưởng thành như một kẻ bị đày ải trong xứ Lô Đêba (vùng đất không có đồng cỏ). David đã tìm gặp anh ta rồi trao lại cho anh ta mọi sản nghiệp của tổ phụ mình. David thậm chí đã nhận Mêphibôsết làm con nuôi rồi cho anh ta một chỗ nơi bàn vua, ăn cùng với các con trai con gái của nhà vua. Ơn của David dành cho Mêphibôsết tạo thành một gương trọn vẹn cho ân điển của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong sự cứu rỗi. Ngài đã tìm kiếm chúng ta. Ngài đã phục hồi chúng ta. Ngài đã ban cho chúng ta một cơ nghiệp. Ngài khiến cho chúng ta ngồi tại bàn của Ngài trong mối tương giao trọn vẹn.
Quí vị sẽ nghĩ rằng Mêphibôsết sẽ sống trung thành với David trọn đời mình. Tuy nhiên, khi David đang tháo chạy trốn tránh Ápsalôm, ông đã gặp Xípba, là người mà ông đã truyền phải phục sự Mêphibôsết. Xípba đã mang cống phẩm tới cho David. Khi David hỏi Xípba Mêphibôsết đang ở đâu, Xípba tâu: "Người ở lại Giê-ru-sa-lem, vì nói rằng: Ngày nay nhà Y-sơ-ra-ên sẽ trả nước của cha ta lại cho ta" (16.3). David nói với Xípba: "Thế thì, mọi vật thuộc về Mê-phi-bô-sết đều nên của ngươi".
Giống như Simêi, giờ đây chúng ta thấy Mêphibôsết đi ra đón David khi ông trở về với ngai vàng. Câu 24 mô tả tình trạng của chàng ta như sau: "Người không có rửa chơn [ làm sao làm được việc nầy với tình trạng què quặt của chàng ta], chải râu hay là giặt áo mình từ lúc vua ra đi, cho đến ngày vua trở về bình an vô sự". Rõ ràng đây là dấu hiệu của sự than khóc.
Khi David hỏi lý do tại sao chàng ta còn ở lại thành Jerusalem, Mêphibôsết cố gắng cáo lỗi luôn. Chàng ta xưng nhận rằng Xípba "đã đánh lừa" rồi "cáo gian" chàng ở trước mặt David. Theo ý kiến của tôi, chàng ta không thực sự trả lời câu hỏi của David. Thực ra, chàng ta đang tìm cách nịnh David bằng cách gọi ông là "thiên sứ của Đức Chúa Trời".
Nói cách thành thực, tôi không biết phải làm cho các điểm mâu thuẫn trong câu chuyện của Xípba với câu chuyện của Mêphibôsết phải ngay thẳng lại như thế nào nữa. Tôi không nghĩ là David đã làm điều đó. Đấy là lý do tại sao ông nói trong câu 29: "Sao còn nói về việc mình làm chi? Ta đã nói rằng: Ngươi và Xíp-ba hãy chia lấy đất". David vốn ưa thích làm sự tha thứ chớ không làm sự báo thù, cần ân điển chớ không cần công trạng.
Đáp ứng của Mêphibôsết cho chúng ta biết đôi điều về chàng ta. Chàng ta nói về cơ nghiệp: "Xíp-ba lấy hết cũng được, bởi vua chúa tôi đã trở về nhà mình bình an vô sự". Nói cách khác: "Tiền bạc đối với tôi không quan trọng cho bằng Vua được an toàn và ngồi lại trên ngôi vị".
Đúng đây là một bức tranh thật nổi bật. Ápsalôm con ruột của ông lật ông xuống khỏi ngai vàng. Còn đứa con nuôi thì lo chào đón ông trở về lại với ngai vàng. Quí vị có nhìn thấy sự tương ứng nơi chúng ta không? Israel, tuyển dân của Đức Chúa Trời, đã chối bỏ Con của Ngài và từ chối không chịu làm hoà với Ngài. Chúng ta dân Ngoại, là Hội thánh, đã tiếp nhận Con của Ngài, được nhận làm con nuôi trong gia đình đời đời của Ngài và một ngày kia sẽ hộ tống Ngài ngồi trên ngôi của Ngài!
David ban ơn phước cho Bátxilai (19.31-39).
Bátxilai được mô tả trong câu 32 là "đã già quá, được tám mươi tuổi". Câu nầy nhắc cho chúng ta nhớ rằng "ông có cung cấp lương thực cho vua trọn lúc vua ở tại Mahanaim" và "ông có nhiều của cải lắm". Vào thời điểm mà David đang trong cảnh có cần, Bátxilai đã có mặt ở đó để làm phu phỉ nhu cần đó. Giờ đây David muốn hồi báo lại sự tử tế của ông ta. Vua mời ông cụ cùng trở lại thành Jerusalem và nói cho ông cụ biết vua sẽ "bao bọc" cho ông cụ ở đó. David sẽ tiếp trợ cho ông cụ cái tốt nhứt của điều tốt nhứt trong phần đời còn lại của ông cụ.
Bátxilai cự tuyệt sự cung hiến đầy ơn của David. Ông đã già quá rồi không thể tận hưởng một đặc ân như thế được nữa. Ông yêu cầu trong câu 35: "Ngày nay tôi được tám mươi tuổi, há còn có thế phân biệt điều tốt và điều xấu ư? Kẻ tôi tớ vua cũng chẳng nếm được mùi của vật mình ăn và uống. Há lại có thể vui nghe người nam nữ ca xướng sao?" Nói cách khác, ông cụ đã quá già không còn thế vui hưởng những việc mà David sẽ dành cho ông. Hơn nữa ông nói ao ước của ông là "được chết trong thành tôi, gần bên mộ của cha mẹ tôi".
Bátxilai khi ấy đề xuất một phương án khác. Ông cụ muốn David nhận lấy "Kimham" và cụ nói: "vua phải đãi nó tùy ý vua lấy làm tốt". Kimham là ai vậy? Phân đoạn Kinh Thánh nầy không nói cho chúng ta biết, nhưng có một manh mối ở trong I Các Vua 2.7. Ở cuối đời mình, David dặn dò Solomon con mình như sau:
"Con hãy ở với các con trai Bát-xi-lai, người Ga-la-át, cách nhơn từ cho họ ăn đồng bàn cùng con; vì chính chúng nó đã đãi cha như vậy, mà đến đón rước cha, lúc cha chạy trốn trước mặt Áp-sa-lôm, anh con" (I Các Vua 2.7).
Tôi đưa ra câu nầy có ý nói rằng Kimham là con trai hay cháu nội của Bátxilai và có lẽ về sau có thêm các thành viên trong gia đình đã hiệp với anh ta tại bàn của David.
Với bất cứ cấp độ nào, David và Bátxilai có dự phần nơi bờ sông Giôđanh. Câu 39 chép: "Đoạn vua hôn và chúc phước cho Bát-xi-lai; rồi Bát-xi-lai trở về xứ sở mình".
II. Cái oán của Tướng Giôáp (19.40 - 20.26).
Khi đối chiếu với ơn mà David làm ra, chúng ta nhìn thấy những oán hận mà Giôáp đã cưu mang, ông là cựu Tướng lãnh chỉ huy quân đội. Qua tiểu đoạn nầy không bắt đầu với Giôáp, nó đề ra bối cảnh cho các hành động độc ác của ông ta mà chúng ta mới vừa xem thấy đây.
Giuđa và Israel tranh chấp về nhà Vua (19.40-43).
Khi David lên đường từ sông Giôđanh về thành Jerusalem, câu 40 chép: "cả dân Giu-đa, và hơn phân nửa dân Y-sơ-ra-ên đều theo". Hãy lưu ý trong mấy câu nầy có bao nhiêu lần quí vị nhìn thấy cụm từ "dân Giuđa" và "dân Israel". Họ đang tranh chấp cách vặt vãnh với nhau về ai trong họ muốn David quay trở lại nhiều nhất. Israel nói Giuđa đã "lén" đem Vua David đi khỏi phần còn lại của xứ sở. Giuđa đáp ứng bằng cách nói: "Ấy vì vua là đồng tộc cùng chúng ta". Israel nói rằng vì họ tiêu biểu cho 10 chi phái và Giuđa chỉ tiêu biểu cho 1 chi phái mà thôi, họ có 10 lần quyền hạn đối với nhà vua cũng như đối với Giuđa.
Cuộc tranh luận cứ tới lui bấy nhiêu đó. Mỗi bên cứ đẩy đưa lòng trung thành lớn lao của họ đối với David. Họ như hai con chó giành nhau một khúc xương. Khi đọc tới chỗ nầy quí vị thấy có nhiều ý đã được nói ra, nhưng Đức Giêhôva đã chọn tóm tắt cuộc ganh tỵ nầy bằng cách nói: "Những lời nói của người Giu-đa lại còn nặng hơn lời nói của người Israel" (câu 43). Hãy nhớ, mới đây một cuộc Nội Chiến đã xảy ra trong xứ Israel, ít nhất có 20.000 người đã ngã chết (18.7). Những mối căng thẳng dâng cao. Người nầy đổ thừa cho người kia. Cuộc tranh cãi nầy nhắc cho chúng ta nhớ về tình trạng bất ổn của cả nước.
Sêba lãnh đạo một cuộc nổi loạn chống lại David (20.1-2).
Ở giữa cuộc tranh cãi nầy "có một người gian tà tên là Sêba". Từ ngữ "gian tà" nghĩa đen là "con trai Bê-li-anh", một kẻ không tốt, sống lấy cái tôi làm trọng. Sau khi nghe dân sự cãi nhau, hắn ta nhìn thấy đây là một cơ hội để lên mình. Hắn "thổi kèn lên" và tuyên bố: "Chúng ta chẳng có phần nào cùng Đa-vít, cũng chẳng can thiệp gì nơi con trai Y-sai. Hỡi Y-sơ-ra-ên, mỗi người hãy trở về trại mình!" Một số người Israel chỉ cần có bấy nhiêu đó thôi. Họ lìa bỏ David rồi đi theo Sêba. Câu 2 chép rằng người Giuđa "vẫn trung tín cùng vua mình". Khi David vào trong thành Jerusalem rồi, nước ông lại bị chia ra làm hai một lần nữa.
David chăm lo cho các cung phi bị ô uế (20.3).
Quí vị có thể nhớ rằng David đã để lại 10 cung phi của mình "đặng giữ đền" khi ông tháo chạy ra khỏi cung điện trước mặt Ápsalôm (15.16). Việc giữ đền không có ý nói tới việc quét dọn mà nói tới việc duy trì sự hiện diện của David ở tại cung đền cho dù ông không có mặt. Tất nhiên là Ahitôphe đã âm mưu với Ápsalôm hầu sĩ nhục hết mức cha của chàng bằng cách buộc mình với mấy người nữ nầy.
Ápsalôm dựng một cái trại trên mái cung đền hầu cho ai nấy đều biết rõ mọi điều chàng sắp làm. Chàng ta "đi đến cùng các cung phi của cha mình trước mặt cả Israel" (16.22), đây là một sự ứng nghiệm trực tiếp lời nói của Nathan ra từ Đức Giêhôva đến với David ở 12.11-12.
"Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi; ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhựt. Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm, nhưng ta sẽ làm việc nầy trước mặt cả Y-sơ-ra-ên và tại nơi bạch nhựt".
Giờ đây, ông đã về tới cung đền, ông không còn tới lui với mấy người nữ nầy nữa. Con trai ông đã bức hiếp họ cách công khai. Dù vậy, ông không gạt bỏ họ. Ông "cầm [họ] trong một nhà riêng, cấp lương thực cho chúng nó dùng; nhưng không đi đến cùng chúng nó". Hơn nữa: "chúng nó bị giam cầm, ở góa cho đến ngày chết".
David ban lịnh lạc xử lý với Sêba (20.4-7).
Theo chiếu chỉ trước, David đã đặt Amasa vào địa vị Tổng Binh quân đội. Giôáp bị hạ tầng công tác. Tôi nghĩ David vẫn còn có lòng giận Giôáp về cái chết của Ápsalôm. Các lịnh lạc đầu tiên cho Amasa là "nhóm hiệp những người Giuđa trong ba ngày". David muốn truy đuổi Sêba và mau chóng đánh hạ cuộc nổi loạn nầy trước khi nó có cơ hội lớn lên.
Chúng ta không biết lý do tại sao Amasa đã nhóm hiệp dân sự quá lâu, ông ta "chậm trễ đã quá hạn định". David khi ấy mới cho đòi Abisai rồi bảo ông ta phải lấy vài người truy đuổi theo Sêba trước khi hắn có thể "choán lấy thành nào kiên cố, và thoát khỏi chúng ta".
Giôáp báo thù Amasa (20.8-13).
Abisai đã dựng lên một lực lượng từ mấy nhóm “dõng sĩ” của David hay Lực Lượng Đặc Biệt của Israel. Khi họ đến "bên hòn đá lớn ở Gabaôn", họ đã gặp Amasa giờ đây đã nhóm hiệp một đạo binh lớn.
Giôáp tiến tới trước đón Amasa. Câu 8 mau chóng cho chúng ta biết "Giôáp mặc áo lính" với dây nịt và một "thanh gươm thòng ở nơi hông và đút trong vỏ". Khi Giôáp bước tới đón Amasa, thanh gươm ngẫu nhiên "tuột ra". Giôáp rút gươm bằng tay tả nhanh đến nỗi Amasa không để ý kịp. Giôáp giả vờ hỏi han sức khoẻ Amasa. Ông ta "lấy bàn tay hữu nắm râu Amasa đặng hôn người". Điều nầy rất thông thường y như chúng ta đưa tay phải ra bắt vậy. Sự thể xảy ra quá nhanh, Amasa không nhìn thấy chi hết. Giôáp đã cầm thanh gươm bằng tay trái và "đâm một mũi trong bụng, ruột Amasa đổ ra xuống đất". Câu 10 cũng chép: "không phải đâm lại lần thứ nhì", như vậy chỉ cần đâm một mũi thì giết được Amasa.
Chúng ta đã gặp Amasa lần đầu tiên ở 17.25 khi ông ở lại phía sau không rút đi với David và đã được Ápsalôm chỉ định làm Tổng Binh quân đội. Giôáp không bao giờ quên thái độ bất trung của Amasa đối với David. Ông ta không quên dù trong một phút, ấy là David đã trao cho Amasa chức vị cũ của ông ta là Tổng Binh. Ông ta không bao giờ để cho oán hận chết đi. Khi cơ hội tốt đã đến một bên, Giôáp bèn đánh ngay.
Một người đã nhìn thấy mọi sự nầy tri hô lên: "Ai thương Giô-áp và thuộc về Đa-vít hãy theo Giô-áp". Cùng lúc ấy, Amasa "đẫm trong máu ở giữa đường". Đây là một bối cảnh rất rùng rợn. Các binh lính đã dừng lại nhìn vào cấp chỉ huy của họ đã té ngã cho tới chừng một người trong số họ "đã xít thây ngươi khỏi đường, đem đi trong một cánh đồng, đắp một cái áo choàng trên nó".
Giôáp cắt đứt cuộc nổi loạn của Sêba (20.14-22).
Với Amasa đã chết, Giôáp lấn lướt em mình là Abisai rồi nắm quyền chỉ huy toàn bộ quân đội. Họ đã trở lại với công tác truy kích Sêba. Họ tìm gặp hắn cùng người của hắn rồi bao vây chúng bên trong các bức tường thành phố được gọi là "Abên BếtMaca".
Các cư dân trong thành ấy dường như hoang mang trước những gì đã diễn ra. Họ đã trông thấy người của Giôáp "đắp một cái lũy" và "đào tường thành làm cho nó ngã xuống" (20.15). Dân cư của Abên không hiểu lý do tại sao Giôáp đến tấn công họ.
Khi ấy "một người nữ khôn ngoan" đã phất lá cờ tạm ngưng chiến và nói cùng Giôáp. Nàng nói vọng xuống với vị tướng lãnh từ trên bức tường cao. Rõ ràng là ông ta có ấn tượng bởi sự khôn ngoan và sự thẳng thắn của nàng. Ông ta nói với nàng rằng ông ta truy tìm Sêba vì hắn "đã phản nghịch cùng vua, tức là David". Ông ta đưa ra cách xử lý như thế nầy với người nữ đó: "Hãy nộp một mình hắn thôi, thì ta sẽ dan ra khỏi thành".
Người nữ kia đáp: "Người ta sẽ ném đầu hắn qua tường cho ông". Khi đó nàng mới thực hiện phần sắp đặt để hành quyết Sêba và không bao lâu sau đó "chúng chém đầu Sêba… rồi ném cho Giôáp". Sau khi nhận dạng đầu của Sêba, Giôáp "bèn thổi kèn lên", biểu hiệu kết thúc cuộc chiến và ai nấy đều trở về nhà. Giôáp "trở về Jerusalem, gần bên vua".
Giôáp nhận lại chức vụ cũ (20.23-26).
Những câu sau cùng trong chương nầy liệt kê một số người cùng địa vị của họ trong chính phủ của David. Mặc dù mỗi người trong số họ đều rất có tài, tôi chỉ muốn chúng ta nhắm vào một người thôi, đó là Giôáp. Ở đây trong câu 23 chúng ta thấy một lần nữa "Giôáp tổng lãnh cả đạo binh Israel".
David đã trở lại với ngôi vị bằng con đường ân điển và tha thứ. Giôáp đã trở lại với địa vị quyền lực quân sự của mình bằng con đường oán hận và giết chóc.
III. Các bài học sống động cho hôm nay.
Ân chớ không phải Oán xây dựng mối hôn nhân vững chắc.
Thật là dễ dàng khi đem oán hận vào trong mối hôn nhân của chúng ta. Những người làm chồng làm vợ mau chóng trở thành hạng chuyên gia trong việc nhắc nhớ nhau về những thiếu sót và thất bại trong quá khứ. Chúng ta thường sống giống như Abisai, mau mắn cắt đứt đầu nhau, thay vì như David sẵn sàng giàu ơn tha thứ và không còn nói ra những việc như thế nầy nữa.
Chúng ta phải học biết để cho quá khứ là quá khứ. Tha thứ hoàn toàn có nghĩa là không bao giờ nhắc lại những việc kia nữa. Hãy thôi xét đoán người bạn đời của mình vì những gì đã xảy ra ngày hôm qua. Hãy khích lệ chồng hay vợ mình sống tốt nhứt cho ngày hôm nay.
Ân chớ không phải Oán dựng lên những mối quan hệ vững bền.
Qua mối hôn nhân của chúng ta, chúng ta phải học biết áp dụng ân điển cho các mối quan hệ khác. Dù đó là bạn bè, gia đình, người lân cận hay người giúp việc của chúng ta, chúng ta phải có sự thẳng thắn và tấm lòng dịu dàng. Chúng ta phải chậm làm phật lòng và mau tỏ ra lòng thương xót. Chúng ta không đi vòng quanh với thái độ sẵn sàng cãi cọ mong mình sẽ bị phật lòng. Thay vì thế, chúng ta cần phải kiên nhẩn với tha nhân, tìm cách hiểu biết mọi nan đề và nhu cần của họ. Giống như David nâng cái đầu của Simêi lên, chúng ta cần phải nhớ lúc nào mình đã nhận được ân điển rồi hãy tỏ ra cùng ân điển ấy cho người khác.
Ân chớ không phải Oán gây dựng Hội thánh được mạnh mẽ.
Một trong các phương thức hai cánh cửa địa ngục tìm cách thắng hơn Hội thánh của Đấng Christ, ấy là chúng kích động tính nhỏ nhen trong dân sự của Đấng Christ. Cơ đốc nhân trong một Hội thánh địa phương có khuynh hướng nầy, họ luôn thấy mình bị tổn thương và thay vì đi đến kẻ làm mất lòng và khăng khăng làm sự phục hoà, họ đã xa cách người ấy, từ chối giao thông với người và cưu mang một mối hận nghịch lại người. Khi có thể, họ che giấu những thanh gươm lời lẽ của họ rồi xỏ xiên người trong khi trò chuyện với người khác.
Cái điều chúng ta đang cần là sự tha thứ chớ không phải bới lông tìm vết. Chúng ta cần sự thương xót chớ không cần tính bủn xỉn, chúng ta cần ân chớ không cần oán, và cần phước hạnh chớ không cần thái độ khinh khỉnh. Có nhiều câu chúng ta có thể đọc ở đây, nhưng tôi kết thúc với câu nói nầy ra từ môi miệng của Chúa Jêsus:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta”.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét