Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Cái giá của sự đối mặt



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Cái giá của sự đối mặt
II Samuên 12.1-15
Tôi thức dậy lúc có phim Gunsmoke (Khói Súng). Đấy là trình tự ở gia đình tôi. Mỗi tối thứ Hai lúc 19 giờ, máy vô tuyến truyền hình trong phòng khách của chúng tôi sẽ rùm lên với bài đàn quen thuộc và chúng tôi sẽ nhìn thấy James Arness trong vai Matt Dillon đang đứng trên đường phố sẵn sàng đối mặt gã cao bồi với khẩu súng sáu của mình. Bỏ qua hết chuyện gì khác đang diễn ra, vào những ngày thứ Hai gia đình tôi đều xem Marshall Dillon, Festus, Chester, Doc, Newly và Bà Kitty giữ cho các công dân trong thành phố Dodge, Kansas được an toàn không bị đe doạ cắt cổ họng. Đôi khi cốt chuyện dẫn đến một cao điểm và tôi liếc nhìn đồng hồ thì thấy khi ấy là kém 5 hay 10 phút thì đến 8 giờ! Với các lần phát hình quảng cáo xen vào e không đủ thì giờ cho Matt Dillon giải quyết tình thế khó khăn nầy. Như vậy chỉ còn có một việc thôi... tình tiết bị chia ra làm hai phần! Tôi phải đợi cả tuần để xem Marshall Dillon bằng cách nào thoát ra khỏi tình thế ấy!?!
II Samuên 11 và 12 là một tình tiết có hai phần. Mọi sự xảy ra trong chương 12 là kết quả của những gì đã xảy ra trong chương 11. Trong trường hợp quí vị bỏ qua tuần rồi hay có lẽ quí vị không thông suốt câu chuyện, chúng ta hãy để ra vài phút ôn lại tình tiết của câu chuyện ấy.
Vua David đang ở tại đỉnh cao của sự nghiệp. Ông có chừng khoảng 50 tuổi đã ngồi trên ngôi nước Israel trong 20 năm. Ông là người vừa lòng Đức Chúa Trời. Dưới quyền lãnh đạo của ông xứ sở được thịnh vượng và đã đánh bại hầu hết mọi kẻ thù nghịch. Chỉ có một nhóm còn sót lại, ấy là dân Ammôn. Israel đã "bao vây" chúng tại "Rápba" là thủ phủ chính của chúng. Thay vì lo làm bổn phận mình phải ra đi đánh trận, Vua David đã ngủ vùi tại cung điện mình. Ông đang dự một kỳ nghỉ không phải nắm lấy trách nhiệm nữa.
Một tối kia, vì khó chịu sao đó, ông đi bộ trên nóc đền cung điện của mình. Từ cao điểm thuận tiện đó, ông nhìn thấy một người nữ "rất lịch sự" trần truồng đang tắm. Khi ông hỏi thăm về nàng, tôi tớ cho ông biết tên của nàng là "Bátsêba" và nàng là con gái của một trong các chiến binh mạnh sức và là cháu gái của một trong các thành viên thuộc chính phủ của ông. Còn nữa, nàng đã có chồng là "Uri người Hêtít" một trong những người mạnh sức, thuộc lực lượng đặc biệt của ông.
Gạt qua một bên bất kỳ trở lực nào, hành động theo tư dục của xác thịt, David cho vời người nữ xinh đẹp quảng cáo áo tắm trên trang bìa của tờ Sports-Illustrated. Ông ngủ với nàng rồi nàng "bèn trở về nhà mình".
Mấy tuần lễ trôi qua, David nhận được một tin từ Bátsêba cho hay. Nàng đã có thai. David đã phạm về luân thường đạo lý. Ông phải hành động nhanh, vì vậy ông cho triệu chồng nàng về, Uri được triệu về từ chiến trường. Nhà Vua tưởng rằng Uri sẽ trở về nhà với vợ mình và chẳng có ai nghi rằng ai đó sẽ là cha của đứa trẻ. Tuy nhiên, Uri từ chối không về nhà với vợ mình, mà nằm ngủ ngay cửa đền vua. David khi ấy mới dụ cho Uri uống rượu say, thế nhưng Uri không chịu cộng tác. Ông từ khước mọi khoái lạc như thế đang khi đồng đội của mình đang gánh chịu khó nhọc từ bãi chiến trường.
David mới sai Uri về lại trận tuyến mang theo chiếu chỉ ghi án tử hình của chính ông ta. Khi David viết ra những lời dặn dò Giôáp, quan Tổng binh phải đặt Uri ở tuyến đầu để cho ông ta bị giặc giết đi. Giôáp tuân lịnh nhà vua và Uri vô tội kia đã bị giết bởi tay của quân Ammôn cũng như mấy chiến hữu khác nữa.
Sau thời gian than khóc thích đáng, David đã cưới Bátsêba làm vợ, vời nàng vào cung điện rồi sanh một đứa con trai. Mọi sự dường như quá tuyệt hảo. David đã tránh được một vụ tai tiếng cấp quốc gia. Mớ hỗn độn đã được dọn dẹp sạch sẽ. Tuy nhiên, chương Kinh Thánh kết thúc với một câu nói bất hủ. "Nhưng điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va".
Khi chúng ta xem xét nửa phần đầu của chương 12, chúng ta sẽ thấy thể nào Đức Chúa Trời đã đối mặt với David về tội lỗi của ông và thể nào David đã ăn năn. Chúng ta sẽ chia phân đoạn Kinh Thánh ra thành ba tiểu đoạn. Thời điểm của Đức Chúa Trời, Thí dụ của Nathan và Sự ăn năn của David. Sau cùng, chúng ta sẽ tiếp thu vài bài học quan trọng về việc đối mặt với tội lỗi nơi nhiều người khác và đương đầu với chính tội lỗi của chúng ta.
I. Thời điểm của Đức Chúa Trời (câu 1a).
Chữ cuối cùng trong chương 11 và chữ đầu tiên trong chương 12 nói về hoạt động của Đức Chúa Trời trong đời sống của David. Câu 1 bắt đầu. "Đức Giê-hô-va sai Na-than đến cùng Đa-vít". Hãy gạch dưới chữ "vậy". Đức Chúa Trời đã định cho mọi sự được trọn vẹn. "Vậy" khi đúng thì, khi mọi sự được trọn, Đức Chúa Trời đã sai tiên tri của Ngài đến đối mặt với David.
Thế rồi một năm trôi qua kể từ khi David phạm tội tà dâm với Bátsêba. Uri đã chết. Ông đã cưới Bátsêba làm vợ. Họ có một đứa con trai và David rõ ràng đã có một thái độ quyến luyến đối với nó.
Từ một ý thức mới mẻ, David đã cảm thấy ông như đã lắc mình tránh được viên đạn bay thẳng tới. Ông đã chôn vùi vụ tai tiếng và chẳng có ai dường khôn khéo hơn. Từ một nhận thức về mặt thuộc linh, ông là một người rất khốn khổ. Tại sao ông là người rất khốn khổ chứ? Ông đã có điều mình mong muốn. Bátsêba giờ đây đã là vợ của ông kia mà. Đứa con của nàng chính là con của ông. Ông đã cảm thấy rất mãn nguyện rồi. Tại sao ông lại có vẻ u sầu như vậy chứ? Đức Chúa Trời đã hành động trong đời sống của ông. Đức Chúa Trời đã đánh đứa con của ông và đã đưa ông đến chỗ phải ăn năn.
Chúng ta hãy xét qua Thi thiên 32. Đây là một trong hai Thi thiên mà David đã viết trong thời kỳ nầy của đời sống ông (Thi thiên kia là Thi thiên 51). David bắt đầu tuyên bố niềm vui của sự tha thứ ở trong các câu 1-2.
“Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, và trong lòng không có sự giả dối!”
David vốn hiểu rằng người nào được tha thứ là được "phước". Trong tiếng Hêbơrơ từ nầy giống như một thán từ. Lẽ ra từ nầy được dịch là "sung sướng biết bao". Xưng tội giống như trút bỏ gánh nặng xuống, cái gánh nặng mà quí vị đã đeo bám lâu nay. Gánh nặng ấy rớt xuống khỏi đôi vai của quí vị, một ly nước mát làm thấm giọng cổ họng của quí vị. Người nào được tha tội quả thực là có "phước".
Bằng cách đối chiếu, trong hai câu kế, David nhìn lại khi ông chưa được tha thứ, khi ông còn mang lấy gánh nặng tội lỗi rất lớn của mình. Hãy lắng nghe hai câu 3-4.
“Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu-tàn, và tôi rên-siết trọn ngày; vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô-hạn mùa hè” Sêla.
"Sêla" có nghĩa là dừng lại và suy gẫm, xem xét sâu sắc những điều đã được nói ra. Chúng ta hãy làm theo như thế. Khi David "nín lặng" suốt thời gian ông giữ kín tội lỗi mình mà không xưng nó ra trước mặt Đức Chúa Trời, ông đã không được "phước". Ngược lại, ông đã chịu khổ nhiều lắm. Ông nói rằng "xương cốt ông tiêu tàn". Bản Kinh Thánh NASV dịch như sau: "thân thể tôi hao mòn". Ông đang bị giảm cân. Trông ông tái mét. Ông "rên siết" và lặng lẽ luôn. Cả "ngày và đêm" tay Đức Chúa Trời "đè nặng" trên ông. Tội lỗi đã liên tục hành hại ông. Ông không thể ngủ được lúc ban đêm và không thể làm chi được lúc ban ngày.
Hãy chú ý một lần nữa mệnh đề cuối. "Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô-hạn mùa hè". Hãy tưởng tượng đến việc lấy một tấm khăn ướt rồi vắt nó cho khô. Quí vị vắt nó, vặn cong nó cho tới chừng không còn một giọt nước nào hết. Đấy là những gì Đức Chúa Trời đã làm cho David suốt mấy tháng trời ròng rã nầy. Đức Chúa Trời đang vắt khô ông.
Ồ, ông cứ giữ việc làm Vua của mình. Ông ngồi trên ngai vàng, một kẻ phạm tội tà dâm giết người và phán xét án tử hình trên những kẻ khác vì tội giết người và tà dâm. Là Vua, ông vẫn cứ dự phần trong việc hướng dẫn sự thờ phượng của cả dân tộc mặc dù bề trong ông đang kinh nghiệm một "mùa hè khô hạn” đang kéo dài trong linh hồn ông.
Quí vị có cảm thấy như thế không? Có thể quí vị cảm thấy loại tội lỗi đó ngay bây giờ. Có thể quí vị đã phạm tội tà dâm. Có thể quí vị dính dáng vào việc nói dối, lừa lọc và ăn ở hai lòng. Có thể quí vị nghĩ mình đã lừa phỉnh ai đó. Có thể quí vị nghĩ tội lỗi của mình đã bị chôn vùi và chẳng ai biết tới nữa. Hãy nhớ điều nầy, Đức Chúa Trời biết. Nếu quí vị thực sự thuộc về Ngài, Ngài cũng đang vắt kiệt quí vị nữa đấy. Hêbơrơ 12.6 chép: "Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt". Galati 6.7 chép: "Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy". Hãy viết câu ấy ra đi. Hãy tin theo câu Kinh Thánh đó. Quí vị không thể nhổ bỏ tội lỗi được đâu.
Có người nói: "Cái bánh xe của Đức Chúa Trời lăn chậm lắm, nhưng mà chắc". Đúng lúc, khi David đương ở trong chỗ sâu thẳm đau khổ của mình, khi mọi sự kiêu căng và nhuệ khí đời nầy đã bị vắt hết khỏi ông, "Đức Giêhôva sai Nathan..."
II. Thí dụ của Nathan (các câu 1b-7a).
Câu 1 chép: "Đức Giêhôva sai Nathan đến cùng David". Nathan là ai vậy? Dường như Kinh Thánh mô tả ông theo hai cách, là tiên tri của Đức Chúa Trời và là bạn hữu của David. Là một vị tiên tri, Nathan đã đến nói ra Lời của Đức Chúa Trời cho David nghe. Là một người bạn, ông đã đến để đối chất theo cảm tính. Họ là bạn thân đến nỗi David đã lấy tên Nathan mà đặt cho con trai mình (II Samuên 5.14). David đã nói cho Nathan biết về sự ông ao ước muốn xây cho Đức Chúa Trời một đền thờ. Về sau Nathan đến đặt tên cho đứa con trai thứ hai sanh cho David với Bátsêba (12.25). Nathan đã đứng với David khi nhiều người khác đã trở mặt với ông. Vì vậy Nathan đã đến để nói ra Lời của Đức Giêhôva nhưng nói ra Lời ấy như một người bạn. Châm ngôn 27.6 chép: "Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín...".
Tôi hình dung David đang ngự trên ngai vàng một ngày kia khi bạn ông là Nathan bước vào. Đang lúc nặng nề với gánh nặng tội lỗi của mình, David phải vui mừng khi nhìn thấy ông. Ngay lập tức, Nathan nhập đề vào chuyện. Trong Tân Ước, chúng ta sẽ gọi đây là thí dụ, từ chữ Hy lạp parabole có nghĩa là "đặt bên cạnh". Một thí dụ là một câu chuyện đặt bên cạnh một lẽ thật thuộc linh để minh hoạ câu chuyện đó rồi ứng dụng nó. David đã có một nan đề về tội lỗi và Nathan đã đan dệt một câu chuyện đơn sơ để cho David có thể nhìn thấy tội lỗi của mình đúng y như thế. Thí dụ của Nathan là một câu chuyện mà David có thể hiểu rất rõ. Chúng ta hãy đọc lại các câu 1-3.
“Trong một thành kia có hai người, người nầy giàu, còn người kia nghèo. Người giàu có chiên bò rất nhiều; nhưng người nghèo, nếu chẳng kể một con chiên cái nhỏ mà người đã mua, thì chẳng có gì hết. Người nuôi nó; nó cùng lớn lên với con cái người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trên lòng người; nó như một con gái của người vậy”.
Đây là một câu chuyện kể về bầy chiên và những người chăn. David đã lớn lên trong ràng chiên. Ông đã chăn bầy rất lâu trước khi ông phải chăn giữ Israel. Tôi dám chắc câu chuyện nầy đã làm cho ông vui lòng. Nó đưa trở lại ký ức về một thời son sắt khi cuộc sống lúc nào cũng vô tư và chẳng bao rắc rối mấy. David có thể quan hệ với "người nghèo" vì chính bản thân ông đã ra từ một gia đình nghèo khó. Ông vốn biết rõ nhiều người chủ bầy giàu có vô tâm giống như "người giàu" nầy. Còn nữa, khi đưa ra môi trường thơ ấu của ông, ai chẳng nghĩ là David sẽ không nổi giận về con chiên như trong câu chuyện nầy. Khi Nathan còn đương nói, David đã nhớ tới con "Whitey" hay con "Lambkin" hoặc con chiên nào đó mà ông rất cưng chìu. Nếu câu chuyện nói tới người chăn ở nước Đức, tôi sẽ nghĩ ngay tới Buck, bạn tôi.
“Vả, có người khách đến người giàu; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình đặng dọn một bữa ăn cho người khách đã đến, bèn bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho kẻ khác đã đến thăm mình” (câu 4).
Đúng là rất vô tâm làm sao! Thật chẳng còn chút tình cảm gì hết! Quả là gian ác làm sao! Gã nhà giàu kia đã có "người khách" đến nhằm bữa ăn, một người lạ, không phải là người bạn thân thiết gì cho cam, chỉ là kẻ qua đường đấy thôi. Quí vị có nhìn thấy phần ví sánh không? David chỉ là kẻ đi qua đi lại trên nóc đền vua khi ông nhìn thấy một người nữ xinh đẹp trần truồng đang tắm. Ông chẳng có chút quan tâm gì đến tình cảm, ràng buộc hay hôn nhân chi hết. Ông chỉ muốn thoả mãn tư dục của mình mà thôi. Là "người giàu" có nhiều bầy chiên, David vốn có nhiều vợ và hầu rồi. Ông vẫn chọn chiếm lấy thứ chi quí giá nhất từ người khác. Hãy lưu ý nguyên tắc nầy: điều chi khiến cho chúng ta phiền hà người khác thường là thứ sai lầm trong đời sống chúng ta.
“Đa-vít bèn nổi giận lắm cùng người ấy, và nói cùng Na-than rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết! Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót” (các câu 5-6).
David nghĩ Nathan đang tường thuật lại một tội ác. Ông đã "nổi giận lắm". Luật người Lêvi trong Xuất Êdíptô ký 22.1 cho rằng một con chiên bị mất trộm phải bị bồi thường gấp tư và David mau mắn đưa ra lời phán xét đó. Nhưng tội ác trầm trọng hơn theo ý của David, ấy là người giàu kia "không có lòng thương xót". Chính vì thiếu điều nầy mà nhà Vua nói người kia đáng phải bị án chết.
Ngay giây phút quí giá nầy, Nathan đã chỉ ngón tay xương xẩu dài thòn của ông vào mặt nhà Vua rồi quyết chắc: "VUA LÀ NGƯỜI ĐÓ".
III. Sự ăn năn của David (các câu 7b-15).
Trái tim của David chắc phải bỏ đập một nhịp. Hàm hạ của ông chắc đã rớt xuống ngực của ông rồi. Tội lỗi của ông đã được che đậy kỹ lắm rồi giờ đây lại được bày ra trước mặt ông thật trần trụi với mọi sự xấu xí của nó. Sau cùng ông đã nhìn thấy chính bản thân mình đúng y như thế. Ông công nhận rằng chính mình là người đã đãi khách lạ gọi là tư dục, rồi cho người khách ấy ăn bằng của cải của người khác. "Vua là người đó!" Mấy từ nầy đã rung lên trong chỗ sâu thẳm nhất của linh hồn David.
Nhưng Nathan đã thôi đâu! Đức Chúa Trời đã ban cho ông một sứ điệp rất đặc biệt về David: "Giêhôva Đức Chúa Trời của Israel phán như vầy" là lời tựa của vị tiên tri. Và Đức Chúa Trời có nhiều điều để phán cùng nhà Vua.
Trước tiên hãy lưu ý thể nào Đức Chúa Trời đã nhắc cho David nhớ tới mọi phước hạnh của Ngài (các câu 7-8). Ngài phán: "Ta đã xức dầu lập ngươi làm Vua Israel". Đức Chúa Trời đã dấy ông lên từ ràng chiên. Ngài phán: "Ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Saulơ". David đã chết từ lâu nếu Đức Chúa Trời không bảo hộ mạng sống của ông. Ngài phán: "Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào tay ngươi các vợ của chủ ngươi, lập ngươi làm vua của nhà Y-sơ-ra-ên và Giu-đa". Đức Chúa Trời đã ban cho ông mọi sự từng thuộc về Saulơ và còn nhiều nữa. David đã có nhiều người nữ xinh đẹp ở chung quanh ông. Hãy lưu ý dòng cuối: "và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa!" Bất cứ ao ước nào là chánh đáng. Bất kỳ thứ chi David thực sự có cần, Đức Chúa Trời rất vui lòng ban cho ông.
Thứ hai, Đức Chúa Trời thắc mắc với David về tội lỗi của ông (câu 9). Ngài hỏi qua vị tiên tri: "Cớ sao ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm của dân Am-môn". Tội lỗi nầy không chỉ là tình dục trái phép. Thực thế, David đã hãm hiếp Bátsêba. Phải, ông đã giết Uri là chồng của nàng. Ông đã làm cho những người vô tội kia phải ngã chết trong vụ việc nầy. Ông đã phạm tội nghịch lại Êliam cha của nàng và Ahitôphe ông nội của nàng. Nhưng thực sự ông đã phạm tội nghịch cùng ai chứ? Điều nầy thực sự đang nói về điều gì? Với thái độ kiêu ngạo, David đã xem khinh Đức Giêhôva rồi.
Thứ ba, Đức Chúa Trời tuyên bố sự phán xét giáng trên David (các câu 10-12). Trước tiên Ngài phán: "Nên bây giờ, gươm chẳng hề thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi đã khinh ta". Bạo lực sẽ theo sau gia đình của ông. Các chương kế tiếp tỏ ra tình trạng loạn luân, chiếm đoạt và giết chóc giữa vòng con cái của ông. Thứ hai, Đức Chúa Trời phán: "Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi". Ápsalôm, một trong mấy người con trai của David sẽ đứng dậy lật đổ ông ra khỏi ngai vàng. Thứ ba, Ngài phán: "ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhựt". Con ruột của David sẽ lấy những nàng hầu của ông ngay trên nóc đền vua, nơi ông đã tham muốn Bátsêba. Cuối cùng, nỗi xấu hổ của David sẽ bị tỏ ra công khai. Câu 12 chép: "Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm, nhưng ta sẽ làm việc nầy trước mặt cả Y-sơ-ra-ên và tại nơi bạch nhựt". Mọi hậu quả sẽ thích đáng với tội đã phạm. Giống như David đã giết người, chiếm đoạt, chính gia đình ông sẽ giết người và chiếm đoạt từ nơi ông. Đây không phải là một vụ việc thầm lặng đâu, vì mọi người đều sẽ trông thấy việc ấy. Đức Chúa Trời sẽ bày tỏ ra qua David rằng chính nhà Vua đã xem khinh Đức Giêhôva và che giấu tội lỗi.
Tôi nghĩ David đã run rẩy khi giọng nói của Nathan nhỏ dần đi. Thật là nặng quá không dễ gì mang nổi. Nhiều giọt nước mắt đã tràn ra, ông ôm lấy đầu bằng hai bàn tay của mình, rồi ông gào lên: "Ta đã phạm tội nghịch cùng Đức Giêhôva!"
Đây là sự đối chất rất có kết quả. Dù sự đối chất nầy vang vọng từ trên toà giảng hay đã được thông qua nơi chỗ kín đáo riêng tư, đối chất theo Kinh Thánh phô bày ân điển của Đức Chúa Trời nghịch lại tấm màn tội lỗi đen kịch của con người. Kết quả của sự đối chất sẽ là lời tuyên xưng: "Ta đã phạm tội".
Trong nỗi yên tĩnh của giây phút ấy, người của Đức Chúa Trời lại nói nữa. Sứ điệp hãy còn dài:
“Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu. Nhưng vì việc nầy vua đã gây dịp cho những kẻ thù nghịch Đức Giê-hô-va nói phạm đến Ngài, nên con trai đã sanh cho ngươi hẳn sẽ chết”.
Công việc của Nathan đã xong. Sứ điệp đã được trung tín phân phát ra. Ông rời khỏi nội cung thật êm ái giống như lúc ông mới bước vào vậy. Có thể trước khi ông đi ra, ông đã vòng cánh tay choàng qua vai của David.
David chỉ còn lại có một mình. Có thể chính trong giây phút ấy mà ông đã viết ra những lời lẽ giờ đây chúng ta đọc trong Thi thiên 51. Đề tựa của Thi thiên nầy cho biết bối cảnh là "lúc Đấng tiên tri Nathan đến cùng người, sau khi David đã vào cùng Bátsêba". Cho phép tôi đọc cho quí vị nghe một đôi dòng:
“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhơn từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ-bi rất lớn của Chúa. Xin hãy rửa tôi cho sạch hết trọi gian ác, và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi tôi. Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, tội-lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi. Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa; Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, và được thanh sạch khi Chúa xét đoán” (các câu 1-4).
“Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng. Xin chớ từ bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa. Xin hãy ban lại cho tôi sự vui vẻ về sự cứu rỗi của Chúa, dùng thần linh sẵn lòng mà nâng đỡ tôi” (các câu 10-12).
“Chúa ơn, xin mở mắt tôi, rồi miệng tôi sẽ truyền ra sự ngợi khen Chúa. Vì Chúa không ưa thích của lễ, bằng vậy, tôi chắc đã dâng; Của lễ thiêu cũng không đẹp lòng Chúa: Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh dể đâu” (các câu 15-17).
IV. Hai mặt của sự đối chất.
II Samuên 12 cung ứng cho chúng ta nhận thức đặc biệt về hai mặt của sự đối chất. Chúng ta thấy Nathan đang thực hiện cuộc đối chất và David đang nhận lãnh sự đối chất đó. Chúng ta hãy kết thúc bằng cách vạch ra một số ứng dụng từ cả hai mặt nầy.
A. Lời khuyên thực tế khi quí vị phải đối chất.
Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta từng câu một, hết phân đoạn nầy đến phân đoạn khác biết để đối chất hay quở trách nhau khi chúng ta sa vào trong tội lỗi. Thí dụ, Châm ngôn 27.5 chép: "Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín". Phaolô đã nói với Tít: "Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con" (Tít 2.15). Ông đã viết cho Timôthê: "hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi" (II Timôthê 4.2). Chúng ta cần phải đối mặt với tội lỗi. Tuy nhiên có một mặt đúng và một mặt sai. Chúng ta có thể gây hại hơn là làm đúng đắn nếu chúng ta không cẩn trọng. Chuck Swindoll đề xuất bốn việc khiến cho chúng ta đạt hiệu quả hơn trong việc đối chất với ai đó đã quá phạm.
Thứ nhứt, chúng ta cần TUYỆT ĐỐI THÀNH THỰC. Đừng nghe lời đồn đại. Phải điều tra nghiên cứu. Phải biết chắc mọi sự kiện. Có khi chúng ta gặp một gia đình có con chết vì chứng ung thư. Có người không còn ở trong nhà thờ chúng ta nữa, người nầy tới gặp người cha đang đau khổ rồi cho rằng đứa con ấy đã chết vì nó có một tội lỗi nào đó chưa xưng ra! Làm sao ông ta biết được điều đó? Thật là kỳ cục dường bao!
Thứ hai, chúng ta cần phải ĐÚNG LÚC. Chúng ta không cần phải dằn tình cảm xuống. Chúng ta cần phải chờ đợi cầu nguyện cho tới chừng nào Đức Chúa Trời bật cho chúng ta ngọn đèn xanh. David chưa sẵn sàng lắng nghe từ Nathan khoảng một năm trời.
Thứ ba, chúng ta cần phải có LỜI NÓI KHÔN NGOAN. Câu chuyện của Nathan là rất hay. Ông đã sử dụng hình ảnh để cho David có thể hiểu được. Lời nói khôn ngoan đã khiến cho David phải đưa ra sự phán xét cho chính bản thân mình. Châm ngôn 25.11 chép: "Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc".
Thứ tư, chúng ta cần phải DẠN DĨ KHÔNG SỢ HÃI. Êphêsô 4.15 chép chúng ta cần phải "nói ra lẽ chơn thật". Khi nào quí vị nhận biết lòng mình là đúng!?! Khi quí vị xem xét mắt mình có cây đà nào không trước khi quí vị tìm cách lấy cái rác ra khỏi mắt của ai đó. Khi nào quí vị nhận biết là đúng thì!?! Khi quí vị biết rõ mình phải nói ra điều đó. Hãy nói ra điều đó và hãy tin cậy Chúa giúp cho quí vị cả hai qua sự kiện đó.
B. Sự khích lệ theo Kinh Thánh khi quí vị đối chất.
Thật là khó giữ mãi tội lỗi của mình. Thật là khó lãnh lấy các thương tổn thậm chí từ một người bạn. Nếu quí vị đang vất vả với tội lỗi của mình, nếu một tín hữu có lòng yêu thương đến đối chất với quí vị, cho phép tôi cung ứng cho quí vị 4 lời khuyên sau đây.
Thứ nhứt, phải THÀNH THỰC. Châm ngôn 28.13 chép: "Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót". Nếu quí vị phạm tội, hãy thú nhận nó. Hãy nhìn nhận nó. Kinh Thánh chép: "phải biết rằng tội chắc sẽ đổ lại trên các ngươi" (Dân số ký 32.23). Tội lỗi đó chắc chắn sẽ bị quăng xa đi. Quí vị chỉ nói ra sự thực thôi. Nếu quí vị không xưng ra, quí vị chưa ăn năn đâu.
Thứ hai, phải KHIÊM NHƯỜNG. Như chúng ta đã lưu ý ở trên, David đã nói trong Thi thiên 51.17: "Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau-thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau-thương thống-hối Chúa không khinh dể đâu". Phải bằng lòng làm bất cứ điều chi cần thiết để sửa ngay lại mọi việc.
Thứ ba, phải SẴN LÒNG. Ăn năn có nghĩa là phải quay 1800 theo hướng ngược lại. Phải sẵn lòng quay một vòng rồi đưa cuộc sống mình đi theo một hướng khác.
Thứ tư, phải CHẤP NHẬN. Sau khi David thành thực xưng nhận: "Ta đã phạm tội", ông đã sẵn lòng chấp nhận mọi hậu quả của tội lỗi mình. Mọi tội lỗi có thể được tha thứ nhưng hết thảy chúng phải mang lấy các hậu quả. Phải bằng lòng chấp nhận mọi hậu quả của tội lỗi quí vị và cứ giữ sự hầu việc Chúa.
Về sau trong sự nghiệp của ông, Tướng Douglas MacArthur bị phỏng vấn về các chiến công hiển hách của ông trong vai trò một cấp lãnh đạo về quân sự. Ông nói rằng trong chiến tranh mọi thảm kịch có thể được tóm tắt lại trong hai chữ: "quá trễ không lường được, quá trễ không chuẩn bị gì được cho mối nguy hiểm". Chúng ta phải giải quyết đừng để quá trễ... quá trễ trong khi đối mặt với tội lỗi hay quá trễ trong việc ăn năn đối với tội lỗi đó.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét