Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Tội lỗi trên các nơi cao



Đời sống và thời thế của Vua David
Tội lỗi trên các nơi cao
II Samuên 10-11
Khi chúng ta gặp David trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, ông đang ở trên đỉnh cao quyền lực của mình. Đức Chúa Trời đã dấy ông lên từ ràng chiên, lập ông làm vua trên cả Israel. Đức GIÊHÔVA đã chúc phước cho ông rất lớn. Trong chương 7 chúng ta học thấy Đức Chúa Trời đã lập một giao ước với David dựng lên cho ông một nước cho đến đời đời. Tất nhiên điều nầy đã được ứng nghiệm nơi "Con Vua David", là Đức Chúa Jêsus Christ. Hòm giao ước đã được đưa về thành Jerusalem. Nhiều nhạc công và ca sĩ đã được biệt riêng ra hướng dẫn cả nước vào sự thờ phượng chung. Mọi kẻ thù ở chung quanh đều bị bắt phục và bị đánh bại. Mêphibôsết, con trai Giônathan đã được triệu vào cung David như một minh họa đáng ghi nhớ cho ân điển. David khi ấy khoảng chừng 50 tuổi. Ông lên làm vua khoảng 20 năm. Ông đã lên tới đỉnh cao của sự thành công. Từ đỉnh cao vời vợi nầy, ông đã lao vào tội trọng. Ông phạm tội tà dâm. Ồ, kẻ mạnh sức mau sa ngã là dường nào!
Tà dâm, chúng ta không dùng từ ngữ nầy nhiều, có phải không? Chúng ta gọi đó là một chuyện tình. Tôi được nhắc nhớ về lời lẽ của Farrar từ quyển sách Point Man do ông viết.
Chúng ta bỏ đi lối nói phi thực tế đi . Chúng ta hãy đặt những lá bài của mình lên bàn. Chúng ta gọi tà dâm theo đúng nghĩa của nó. Trong cuộc chiến của gia đình, tà dâm là phản bội. Thế nhưng chúng ta không gọi nó là phản bội. Chúng ta đã phát triển một từ rất tao nhã, tinh vi hơn. Tà dâm là một chuyện tình. Khi một người đờn ông bỏ vợ con mình để đi theo một người đờn bà khác và hành động bốc đồng giống như một cậu bé học trung học ở ngày hẹn hò đầu tiên của mình, đây không phải là một "chuyện tình" đâu! Đó là tà dâm… Một chuyện tình… Từ ngữ ấy có một chiếc nhẩn xinh đẹp, sáng láng, rộng rãi… Chắc chắn đây không phải là một từ ngữ bị tra xét giống như chữ tà dâm. Từ ngữ “chuyện tình” rất mượt mà và chẳng có gì ngăm doạ hết… Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường đi hội chợ lắm. Chúng tôi có dư thì giờ để ăn kẹo, cỡi ngựa đu quay, và dự các trò chơi trong lều có mái vòm. Khi quí vị đi hội chợ, quí vị để lại mọi trách nhiệm của cuộc sống đời thường lại sau lưng, ít nhất trong trong vài giờ đồng hồ. Cuộc sống có nhiều trò chơi giống như trong một hội chợ. Có thể đấy là lý do tại sao chúng ta gọi tà dâm là một chuyện tình. Nó để lại sau lưng mọi trách nhiệm.
Mặc dù tư tưởng của Farrar về tà dâm rất sắc sảo, chúng ta hãy xét qua Kinh Thánh nói gì về tội lỗi không ngay thẳng nầy. Trong luật pháp, Đức Chúa Trời rất là dứt khoát. Tà dâm không nên dung dưỡng. Tội lỗi ấy nằm trong Mười Điều Răn: "Ngươi chớ phạm tội tà dâm" (Xuất Êdíptô ký 20.14). Còn nữa, ở dưới luật pháp, những kẻ phạm tội tà dâm đều bị xử tử: "Khi người ta gặp một người nam nằm cùng một người nữ có chồng, thì người nam luôn với người nữ, cả hai đều phải bị chết. Ấy, ngươi sẽ cất sự ác khỏi Y-sơ-ra-ên là như vậy" (Phục truyền luật lệ ký 22.22; đối chiếu Lêvi ký 20.10).
Mỉa mai thay, Solomon, con trai David, do Bátsêba sanh ra, là người đờn bà mà vua đã phạm tội tà dâm cùng, lại được Đức Chúa Trời cảm thúc để viết ra lời lẽ khôn ngoan về sự cám dỗ của tội lỗi về tình dục. Châm ngôn 5-7 mô tả sự điên cuồng của tội ấy. Cho phép tôi chia sẻ mấy câu chọn lọc:
“Hãy uống nước hồ con chứa, và nước chảy trong giếng con. Các nguồn của con há nên tràn ra ngoài đường, và các suối của con tuôn nơi phố chợ sao? Nó khá về một mình con, chớ thông dụng nó với người ngoại. Nguyện nguồn mạch con được phước; Con hãy lấy làm vui thích nơi vợ con cưới buổi đang thì, như nai cái đáng thương, và hoàng dương có duyên tốt, nguyện nương long nàng làm thỏa lòng con luôn luôn, và ái tình nàng khiến cho con say mê mãi mãi. Hỡi con, lẽ nào con mê mật người dâm phụ, và nâng niu lòng của người ngoại? Vì các đường của loài người ở trước mặt Đức Giê-hô-va; Ngài ban bằng các lối của họ. Kẻ hung dữ sẽ bị gian ác mình bắt phải, và bị dây tội lỗi mình vấn buộc lấy” (Châm ngôn 5.15-22).
“Lòng con chớ tham muốn sắc nó, Đừng để mình mắc phải mí mắt nó. Vì tại kỵ nữ có người nông nổi chỉ còn một miếng bánh mà thôi; Người dâm phụ vẫn lừa sẵn linh hồn quí báu. Há có người nào để lửa trong lòng mình, mà áo người lại chẳng bị cháy sao? Há có ai đi trên than lửa hực, mà chơn minh lại chẳng bị phồng chăng? Kẻ nào đi tới cùng vợ người lân cận mình cũng vậy; Phàm ai đụng đến nàng ắt chẳng được khỏi bị phạt” (Châm ngôn 6.25-29).
“Kẻ nào phạm tội ngoại tình với người đờn bà, tất vô tâm vô trí: Ai làm như vậy, khiến cho linh hồn mình bị hư mất. Người ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ, sự sỉ nhục người sẽ chẳng bôi mất đi” (Châm ngôn 6.32-33).
Trong chương 7, Solomon đã phác hoạ ra tội tà dâm giống như một kỵ nữ tinh ranh dụ dỗ những gã đờn ông dại dột lên giường với nàng. Hãy lắng nghe phần mô ta sống động về mọi hậu quả của tư dục:
“Nàng dùng lắm lời êm dịu quyến dụ hắn, làm hắn sa ngã vì lời dua nịnh của môi miệng mình. Hắn liền đi theo nàng, như một con bò đến lò cạo, như kẻ ngu dại bị cùm dẫn đi chịu hình phạt, cho đến khi mũi tên xoi ngang qua gan nó; như con chim bay a vào lưới, mà không biết rằng nó rập sự sống mình…Vì nàng làm nhiều người bị thương tích sa ngã, và kẻ bị nàng giết thật rất nhiều thay. Nhà nàng là con đường của âm phủ, dẫn xuống các phòng của sự chết” (Châm ngôn 7.21-23, 26-27).
Tân Ước rất dứt khoát trong sự đoạn tuyệt của nó với tội tà dâm và mọi tội lỗi về tình dục. Thật là thú vị từ ngữ Hy lạp dịch là "Phi luân về tình dục" ("thông dâm" – KJV) là porneia từ đó chúng ta mới có chữ "pornography" (khiêu dâm). Hãy chú ý những điều sứ đồ Phaolô nói với các tín hữu trong I Côrinhtô 6.15-20.
“Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao? Vậy thì mình có nên lấy chi thể của Đấng Christ mà làm thành chi thể của điếm đĩ chăng? Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt. Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài. Hãy tránh sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình. Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”.
Phải chăng David hiểu rõ tà dâm là một tội kinh khiếp nghịch lại Đức Chúa Trời? Dĩ nhiên là ông đã hiểu rõ điều nầy. Có phải ông biết rõ tà dâm là một sự phản bội cao độ nghịch lại Đức GIÊHÔVA và chính gia đình của ông? Chắc như thế, ông vốn biết rõ sự ấy. Có phải ông biết rõ tà dâm luôn luôn phải trả một giá rất, rất đắc? Tôi dám chắc rằng ông cũng dư biết sự thực nầy rồi. Thế thì tại sao, quí vị sẽ thắc mắc về con người được phước nhứt trong vòng loài người, tấm lòng của nhân vật vừa lòng Đức Chúa Trời nầy sao lại sa ngã nhanh như thế chứ? Câu trả lời rất đơn giản, ấy là ông đã dối mình. Câu chuyện trong II Samuên 11 là một câu chuyện không những nói về sự tà dâm, mà còn nói tới sự dối gạt nữa. David đã tìm cách dối gạt bản thân mình và dối gạt người khác. Bất cứ người chồng hay người vợ nào phạm tội tà dâm đều là dối mình hết. Bất kỳ một sinh viên, bất cứ một thanh niên nào dính dáng vào tình dục tiền hôn nhân đều là dối mình hết. Galati 6.7-8 chép:
“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời”.
Chúng ta hãy chia chương nầy ra làm bốn phần. Thứ nhứt David tìm cách dối mình, kế đó ông tìm cách dối Uri, Giôáp và cả nước Israel.
I. David tìm cách dối mình (11.1-4).
A. Tìm hiểu sự tình (câu 1).
Câu 1 đề ra bối cảnh bằng cách thuật lại cho chúng ta biết khi ấy là "Qua năm mới, khi các vua thường ra tranh chiến". Thay vì đích thân mình dẫn quân đội đi: "Đa-vít sai Giô-áp cùng các tôi tớ mình và cả đạo binh Y-sơ-ra-ên đánh giặc". Kẻ thù là "dân Ammôn" và quân đội Israel "vây thành Rápba" là thủ phủ của họ trong khi David "ở lại Jerusalem".
Vào thời điểm nầy trong đời trị vì của David, ông đang lo quét sạch hết thảy các bộ tộc dân Canaan ra khỏi xứ Palestine, là tổ phụ của người Palestine ngày nay. Chương 8 mô tả tóm tắt thể nào ông đã quét sạch hay bắt thần phục người Philitin, dân Môáp, người Xôba, dân Syri cùng các dân khác nữa. Chương 10 ghi lại cuộc chiến với dân Ammôn. David một thời đã có kết ước với Vua Nahách và sai những kẻ khóc mướn để giúp yên ủi con trai của ông ta, là Hanun. Hanun được báo cáo rằng người của David thực sự là các thám tử nên binh lính của ông đã bị "cạo phân nửa râu họ" rồi "cắt phân nửa quần áo cho đến nửa thân mình; đoạn cho họ đi về" (10.4). Đây là một sự sĩ nhục thậm tệ đối với người Do thái. David liền gửi một sứ điệp đến cho các tôi tớ minh đang trong cảnh xấu hổ: "Hãy ở tại Giê-ri-cô cho đến chừng râu của các ngươi đã mọc lại; đoạn các ngươi sẽ trở về" (10.5). Đồng thời David phát động chiến dịch tấn công dân Ammôn. Họ đã thuê quân Syri đánh trận với họ, thế nhưng hết thảy đều bỏ trốn trước mặt quân của David. Giờ đây, di tích sau cùng của dân Ammôn còn sót lại trong thủ phủ “Rápba” của họ chính là thủ đô Amman, của Jordan ngày nay.
Thời tiết luôn luôn tác động vào cuộc chiến. Đặc biệt đây là sự thật trong thời buổi xa xưa. Mùa đông là một thời điểm không thích ứng để đánh nhau. Hầu hết các vua đều chọn chờ đợi hết mùa đông rồi mở màn vào mùa xuân và mùa hè. Khi mùa xuân vừa tới đến "Đa-vít sai Giô-áp cùng các tôi tớ mình và CẢ ĐẠO BINH Y-sơ-ra-ên đánh giặc". Mỗi người đều phải ra trận… tất cả trừ ra một: "Nhưng vua Đa-vít ở lại Giê-ru-sa-lem”.
Tại sao David không ra trận? Chúng ta không biết chắc, nhưng tôi có thể mạo muội có một vài điều ước đoán. Thứ nhứt, không nhất thiết David phải ra trận nữa. Giôáp là một lãnh đạo quân sự rất có tài. David đã ủy quyền chỉ huy cho ông ta. Thứ hai, đây là một cuộc chiến rất mệt nhọc. Hãy chú ý một lần nữa họ "vây thành Rápba". Một cuộc bao vây gồm có bao vây kẻ thù, cắt đứt mọi nguồn tiếp tế và làm cho họ bị đói kém. Đây không phải là một việc đem lại sự khích lệ đâu. Thứ ba, có thể tôi cho rằng David đã có một chút yếu đuối? Ở tuổi 50, ông không phải là hạng chiến binh kỳ cựu, chịu khó chịu nhọc như ở tuổi 30, khi ông lên ngai vàng. Ông đã sẵn sàng để ra đôi chút thì giờ.
B. Đề ra bối cảnh (các câu 2-3).
Hãy chú ý cẩn thận trong câu 2 hết thảy mọi sự nầy đã xảy ra vào một "buổi chiều kia" khi "David chổi dậy khỏi giường mình". David còn nằm ở trên giường, chớ không phải có mặt trên bãi chiến trường. Điều nầy có ý nói rằng David đã đi ngủ rồi vì đêm đã xuống song ông không ngủ được. Tôi nghĩ là ông đã ngủ suốt cả ngày rồi và "chổi dậy khỏi giường mình" vào "buổi chiều" khi trời hãy còn sáng. Ông không làm việc nhiều giờ ở bàn giấy lo toan nhiều vụ việc của quốc gia đại sự. Ông đang lang thang suốt ngày bên bộ đồ ngủ như một kẻ ăn chơi vậy.
Cung điện của nhà vua có lẽ được xây trên một ngọn đồi cao nhất. Ở đây có thể nhìn được toàn cảnh thành phố ở bên dưới. Thường thì phòng ngủ riêng của bậc vua chúa đã được xây trên tháp nhỏ cao của cung điện. Rộng rãi trên mái nhà, chỗ nầy đóng vai trò như một hành lang riêng cho gia đình hoàng tộc và các thực khách của họ. Khi David ra khỏi giường, ông "đi dạo chơi trên nóc đền vua", không nghi ngờ chi nữa ông đang thưởng thức buổi chiều mát mẻ với cơn gió nhẹ của mùa xuân.
Có thể ông đã nghe thấy tiếng nước văng tung toé hoặc nghe thấy tiếng cười khúc khích của người nữ nào đó. Tuy nhiên cái điều xảy ra trước tiên: "bèn thấy một người nữ đương tắm". Có thể ông đang ở một góc nhìn thấy được qua cửa sổ phòng tắm của nàng. Có thể nàng đang tắm trong khu vườn riêng hay trên mái nhà riêng của nàng. Cho dù là trường hợp nào, David đã tận mắt nhìn thấy một người đờn bà rất hấp dẫn.
Kinh Thánh không bao giờ cường điệu lắm đâu! Ở đây Kinh Thánh nói rất thực: "người nữ ấy rất lịch sự". Nàng thực sự, thực sự rất là đẹp. Tôi cũng để ý ở đây, ấy là chẳng có một chi tiết nào lớn lao hơn nữa. Đây không phải là một bi kịch có tính kích động của Hollywood đâu. Đây là phần mô tả những nét chấm phá của tội lỗi.
Tôi nghĩ chúng ta sẽ sai lầm khi chỉ đổ thừa cho một mình David. Giống như bao phụ nữ xinh đẹp khác, Bátsêba vốn biết rõ mình rất xinh đẹp. Tại sao nàng vô ý vô tứ khi để thân thể trần truồng như thế ở một chỗ mà rất dễ nhìn thấy từ trên mái nhà? Có thể nàng hoàn toàn vô tội vạ, song tôi lại không nghĩ như thế.
Thưa quí bà, đặc biệt là các cô thiếu nữ, cho phép tôi nói một lời về tính thùy mị. Đừng ăn mặc loại quần áo nào phô bày thân thể của quí vị hay mời mọc người ta chú ý vào bản thân mình. Giống như thể quí vị là trong trắng giống như tuyết rơi kia, quí vị sẽ trở thành cái cớ vấp chơn cho đờn ông ở chung quanh quí vị bằng cách khiến cho họ phải nghĩ tới các tư tưởng đầy dục vọng. Roma 14.13 chép: "Vậy chúng ta chớ xét đoán nhau; nhưng thà nhứt định đừng để hòn đá vấp chơn trước mặt anh em mình, và đừng làm dịp cho người sa ngã".
Khi David nhìn thấy thân thể trần truồng của Bátsêba, ông đã nhất thời không làm chủ mình được nữa. Ông đánh mất cảm giác với thực tế đó. Ông quên phứt mình là vua trên dân sự của Đức Chúa Trời. Ông quên mất mình là tấm gương cho hàng triệu người. Ông quên hẳn mình là người vừa lòng Đức Chúa Trời. Ông quên bẳng đi Kinh Thánh đang được che giấu ở trong lòng ông. Ông quên mất mình đã có vợ và đã có một ngôi nhà đầy ắp con cái. Ông quên không còn nhớ tới Đức Chúa Trời nữa.
Tư dục đang làm như thế cho chúng ta. Nó khiến cho chúng ta phải quên phứt điều chi là quan trọng nhất. Đấy là lý do tại sao Kinh Thánh chỉ cung ứng cho chúng ta một mạng lịnh khi chúng ta sa vào sự cám dỗ về tình dục. HÃY TRÁNH ĐI! I Côrinhtô 6.18 chép: "Hãy tránh sự dâm dục". II Timôthê 2.22 chép: "Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ". Hãy thoát ra khỏi đó! Hãy bỏ chạy cho mau! Nếu quí vị không bỏ chạy, quí vị sẽ vướng vào đấy … vấn đề, chỉ còn là lúc nào mà thôi.
David đáng phải để ý đến trường hợp của Giôsép, ông đã bị vợ Phôtipha dụ dỗ. Sáng thế ký 39.12 chép rằng nàng "nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta! Nhưng chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài". Quí vị sẽ lý luận với một con rắn chuông đang cuộn mình sao? Không, quí vị nên bỏ chạy đi. Thú tính về tình dục rất nguy hiểm hơn cả con rắn độc hại nhất nữa đấy.
Chúng ta không biết David đã đứng ở đó trố mắt nhìn bao lâu, nhưng chắc phải lâu đủ như ông có thể. Khi ấy, ông "sai người đem nàng đến". Ông đã hỏi thăm một tôi tớ về nàng và câu trả lời đến: "Ấy là Bát-Sê-ba, con gái của Ê-li-am, vợ của U-ri, người Hê-tít". Thông thường, một người Do thái trong thời đó sẽ được nhận dạng chỉ bởi cha hay ông nội của người (nam hay nữ). Tuy nhiên, người tôi tớ nầy dường như cũng muốn cảnh báo cho David biết rằng ông đang cho đòi một người nữ đã có chồng rồi. Đúng là tồi tệ, cha của Bátsêba là "Êliam" cũng như chồng của nàng là "Uri" cả hai đều là những chiến binh thiện hảo mà ai cũng biết là những người mạnh sức của David (23.34, 39). Còn nữa, Êliam là con trai của Ahitôphe, một trong các tư vấn khôn ngoan của David. Hết thảy những người đờn ông trong đời sống của nàng đều là chi thể trong chính phủ của David.
C. Phạm tội (câu 4).
Câu 4 chép rằng: "Đa-vít sai người đem nàng đến. Nàng đến nhà vua và vua ngủ với nàng". Wow! Thật y như thế. Ông đã nhìn thấy. Ông đã khao khát. Ông đã chiếm đoạt. Toàn bộ sự cố nầy đã diễn ra trong vòng một vài giờ đồng hồ. Vậy thì cái gì đã khiến cho David nghĩ ông dám phạm một việc như vậy chứ?
Suốt cả sự việc nầy chúng ta được cung ứng cho vài manh mối về David. Trở lại ở II Samuên 3 khi David làm vua chỉ trên chi phái Giuđa, ông đã có sáu người con do sáu người vợ khác nhau. Về sau, khi xứ sở tái thống nhất dưới quyền của ông, Kinh Thánh chép: "Sau khi Đa-vít từ Hếp-rôn đến, thì còn cưới thêm những hầu và vợ ở Giê-ru-sa-lem; lại sanh thêm cho người những con trai con gái khác" (II Samuên 5.13).
Luật Môise đã cấm tục đa thê giữa vòng các vua Israel. Phục truyền luật lệ ký 17.17 chép: "Vua cũng không nên kén nhiều phi tần, e lòng người trở xấu xa…". Trong nhiều năm trời David đã không nhìn biết câu Kinh Thánh nầy. Không nghi ngờ chi nữa, ông đã lấy mấy người vợ vì mục tiêu chính trị. Những người khác thì rất xinh đẹp, có người hãy còn rất trẻ. Họ rất mong muốn trở thành vợ của David và sanh ra nhiều hoàng tử và công chúa.
Hầu hết những người đờn ông đều có khuynh hướng tình dục mạnh và David chắc chắn không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, thay vì xây khỏi tình dục và tìm kiếm năng lực của Đức Chúa Trời để xử lý với sự cám dỗ, ông đã chiều theo tư dục của mình. Ông nghĩ phương thức xử lý với khuynh hướng dục vọng của mình là chiều theo chớ không lẫn tránh nó. Chuck Swindoll viết:
Sự thật cho thấy rằng cảm xúc tình dục không được làm thoả mãn bởi một hậu cung có nhiều phụ nữ; cảm xúc ấy ngày một gia tăng. Có nhiều đờn bà không làm giảm đi sinh lực của người đờn ông, nó còn kích thích sinh lực đó … nó còn khuấy động sinh lực đó. David, là một người đờn ông với tánh ham muốn tình dục rất mạnh, đã suy nghĩ sai lầm, muốn thoả mãn tánh ấy, ta phải có nhiều người đờn bà nữa. Cho nên, khi ông lên làm vua, ông đã thêm vào hậu cung, thế nhưng khuynh hướng của ông chỉ tăng thêm mà thôi. Một trong những lời dối trá của xã hội đương thời của chúng ta, ấy là nếu bạn chỉ làm thoả mãn khuynh hướng nầy, thì nó sẽ dịu bớt đi.
Lấy Bátsêba về cho ông thì chỉ là thêm một người đờn bà trong một chuỗi dài những phụ nữ thôi. Điểm khác biệt duy nhất, ấy là lần nầy, ông đã lấy một người nữ đã có chồng, một người nữ đã có chồng là một trong những chiến binh trung thành nhất của ông. David không muốn lấy nàng làm vợ. Ông muốn sử dụng nàng. Thế là ông đã xong việc với nàng.
Không có một bằng chứng nào cho thấy Bátsêba đã tranh đấu hay kháng cự. Có lẽ nàng còn lấy làm vui nữa. Ông là người đờn ông điển trai, già dặn và có quyền lực. Nàng là một người đờn bà trẻ trung, xinh đẹp. Họ đã cùng nhau tận hưởng giây phút kín đáo và rồi nàng "bèn trở về nhà".
David đã tìm cách dối lòng mình. Ông đã hành động giống như thể ông đã phạm tội trọng nầy vào một buổi tối mùa xuân, rồi bỏ qua. Đừng quên, Kinh Thánh chép: “Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” (Galati 6.7).
II. David tìm cách dối gạt Uri (11.5-13).
A. Một vấn đề quá bất ngờ (câu 5).
Câu 4 chép rằng Bátsêba đã ăn ở với David vì "nàng làm sạch sự ô uế mình", nàng đã hoàn tất chu trình của mình. Câu 5 chép nàng "thọ thai". Chồng nàng không có mặt ở nhà trong thời gian nầy. Nàng không có ăn ở với người đờn ông nào khác. Khoảng một tháng trôi qua, Bátsêba dám chắc rằng nàng đã thọ thai và biết chắc người cha là ai.
Khi ấy nàng "sai người tâu cùng David rằng : ‘Tôi có thai'" (câu 5). Hãy hình dung sự hoảng hốt đã chạm đến David khi ông đọc tờ điện tín nầy. Hãy tưởng tượng khối u đã hình thành trong bao tử của ông xem. Tội lỗi luôn luôn có một bảng giá và luôn luôn đó là một giá rất cao.
David đã làm gì ở thời điểm nầy? Ông đã sấp mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời và công khai xưng tội, dốc đổ tội lỗi và sự xấu hổ của mình trước mặt một người cha thật nhân từ. Thực vậy, đấy là những gì Kinh Thánh bảo chúng ta phải làm. I Giăng 1.9 - 2.1 chép:
“Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác. Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta…Hỡi con cái bé mọn ta, ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội. Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình”.
Deb và tôi dạy mấy đứa con gái của chúng tôi rằng khi chúng chắc chắn phạm tội và không nghe lời chúng tôi, thì xưng tội là tốt hơn phải nói dối. Chúng sẽ ở trong chỗ rối rắm. Chúng sẽ đối mặt với mọi hậu quả của các hành vi của mình. Có lẽ chúng sẽ bị hình phạt. Tuy nhiên, chúng sẽ ở trong chỗ rắc rối tệ hại hơn nếu chúng tìm cách che đậy tội lỗi của mình với những lời dối trá và gạt gẫm.
Không may, David đã chọn nói dối. Ông tưởng ông sẽ giữ kín điều nầy chẳng có ai biết, kể cả Đức Chúa Trời. Hêbơrơs 4.13 chép: "Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng hết thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại".
B. Một giải pháp rất sáng tạo (các câu 6-13).
Thay vì rộng mở và thành thật, David đã vạch kế hoạch: một sự che đậy rất tinh vi. Ông sai người đến gặp Giôáp với lời dặn nầy: "Hãy sai Uri, người Hêtít, đến cùng ta". Giôáp đã tuân lịnh nhà vua, nhưng ông cũng tỏ vẽ hồ nghi trong một phút, không biết lý do tại sao vua lại muốn người chiến binh đặc biệt nầy… nhiều hơn là mình!?!
Khi Uri tuân lịnh đến trước ngôi, David "đã hỏi thăm về Giôáp và đạo binh có bình an chăng, cùng chiến trận ra thể nào" (câu 7). David không lo về Giôáp hay quân đội hoặc chiến trận trong lúc nầy. Đúng đây là một sự che đậy. Chắc chắn Uri đã rất đỗi kinh ngạc tại sao ông một nhân sự tổ chức Lực Lượng Đặc Biệt được triệu về để báo cáo thay vì Tổng Tham Mưu Trưởng.
David nói với Uri: "Hãy đi xuống nhà ngươi và rửa chơn đi" (câu 8). Điều nầy không có nghĩa là Uri bị hôi chân! Đây là một cách nói của người Hêbơrơ có nghĩa là lấy ngay xà phòng, đi tắm cho bản thân thoải mái một chút. Dĩ nhiên David đã nghĩ Uri và Bátsêba sẽ làm những gì đôi vợ chồng mới cưới làm khi họ đã bị phân rẻ trong một thời gian. Ông rất mong Uri sẽ ăn ở với Bátsêba theo một cách như thế để khi đứa trẻ chào đời chín tháng sau đó, ông và mọi người khác sẽ không ai nghi David là cha nó. Thậm chí David còn gửi cho "một của ăn" nữa, một giỏ trái cây nhơn ngày trăng rằm kèm theo.
David đã ngủ ngon đêm hôm ấy, lòng lấy làm thoả mãn khi cho rằng mình đã giải quyết được một vấn đề khá nan giải. Ông đã tức điên lên được khi sáng hôm sau tôi tớ đến báo rằng "Uri không về nhà mình”, mà đã "ngủ tại cửa đền vua cùng các tôi tớ vua" (các câu 9-10).
David không thể tin được điều nầy. Ông cho đòi Uri đến rồi hỏi thăm ông ta. Người chiến binh giải thích mọi suy tưởng của mình trong câu 11.
“Hòm giao ước, Y-sơ-ra-ên, và Giu-đa, vẫn ở dưới trại, Giô-áp, là chúa tôi, luôn với các tôi tớ chúa tôi đương hạ trại nơi đồng trống, còn tôi lại vào nhà mình đặng ăn, uống, và ngủ cùng vợ mình sao? Tôi chỉ mạng sống và linh hồn của vua mà thề rằng, tôi chẳng biết làm một sự như vậy!”
David không thể tin được điều đó. Hai bàn tay ông không yên định được. Uri có thể ra đời là một người "Hêtít" nhưng ông là một người đã cải đạo thành một người Do thái trung thành, chơn thật. Nhà ông ở ngay trước đền vua. Vợ ông giống như tờ bìa của tờ Sports Illustrated chuyên quảng cáo áo tắm. Nhưng ông ngủ tại cửa đền vua sẵn sàng tỉnh thức bất cứ giờ phút nào để phục sự nhà Vua.
Khi ấy David mới chuyển sang kế hoạch B. Ông cho mời Uri vào dự tiệc và "ăn uống tại trước mặt mình". Quí vị nhìn thấy David đang dỗ dành ngon ngọt người chiến binh uống thêm chút rượu cho tới chừng "ông làm cho người say". David nghĩ nếu Uri đã ngà ngà say, ông sẽ chuốc thêm tinh thần đồng đội và đưa về nhà với người vợ xinh đẹp của ông ấy. Không may. Một lần nữa Uri trung tín kia lại ngủ trong đền vua mà "không có đi xuống nhà mình".
David đã tìm cách dối gạt Uri nhưng Uri không chịu cộng tác. Nhà vua đã bị cáo trách bởi lòng trung thành khó tả nổi của một người chiến sĩ giỏi. Ông cần phải xưng tội. Ông phải nói ra tội lỗi của mình. Thay vì thế, ông lại chọn một con đường hủy diệt lớn lao hơn.
III. David tìm cách dối gạt Giô áp (11.14-25).
Sau khi bỏ qua việc đưa Uri và Bátsêba ăn ở với nhau, David gửi người chiến sĩ giỏi nầy trở lại với chiến trường cùng với bản án buộc người phải chịu chết. Ông "viết một cái thơ cho Giôáp, và gởi nơi tay Uri" (câu 14). Bức thơ nói: "Hãy đặt U-ri tại hàng đầu, nơi hiểm nguy hơn hết của chiến trận, rồi hãy rút ra xa người, để người bị đánh và chết đi".
Hãy hình dung Giôáp tại đồn chỉ huy đang đọc bức thư nầy. Giôáp không phải là người xa lạ đối với bạo lực và sự báo thù như chúng ta đã biết trước đây. Ông cũng không phải là người xa lạ đối với David. Ông là cháu của David. Ông biết rõ David có vấn đề đối với những phụ nữ xinh đẹp. Có lẽ ông biết Bátsêba. Giờ đây ông đặt vấn đề ở trước mặt mình. Không cần biết bên nào là vô tội, số phận Uri đã bị định rồi. Hãy chú ý các câu 16-17.
“Vậy, khi Giô-áp vây thành, bèn đặt U-ri tại chỗ đã biết có lính mạnh bạo của thù nghịch gìn giữ. Người trong thành kéo ra đánh Giô-áp, có mấy người trong bọn tôi tớ Đa-vít ngã chết. U-ri, người Hê-tít, cũng chết”.
Quí vị có nắm được tới đây chưa? Không những Uri mà còn "mấy người trong bọn tôi tớ David ngã chết nữa". Các chiến binh dũng cảm khác chẳng có phần gì trong vụ việc bẩn thỉu nầy đã ngã chết để che đậy tội giết Uri.
Giờ đây tới phiên Giô áp gửi tin về cho David. Ông bảo người đưa tin trong các câu 19-21:
“Và người truyền lịnh cho sứ giả rằng: Khi ngươi đã thuật xong cho vua mọi điều đã xảy ra nơi chiến trận, nếu vua nổi giận nói cùng ngươi rằng: Cớ sao các ngươi đi tới gần quá đặng hãm thành vậy? Các ngươi há chẳng biết rằng người ta ở trên chót vách thành bắn tên xuống sao? Xưa ai giết A-bi-mê-léc, con trai của Giê-rút-bê-sết? Há chẳng phải một người nữ ở trên chót vách thành ném một thớt cối xuống trên người làm cho người chết tại Tê-bết sao? Vì sao các ngươi đến gần vách thành như vậy? thì bấy giờ ngươi sẽ tiếp rằng: U-ri, kẻ tôi tớ vua, người Hê-tít, cũng chết nữa".
Giôáp vốn biết rõ khi David trước hết hay tin bại trận tạm thời nầy, ông sẽ giận lắm. Đây là một cái giá của sự ngu xuẩn, ngu xuẩn về chiến lược. Giôáp đã sai người đến tấn công một khu vực thành thị, nơi đây những cung thủ đứng ở phía trên cao. Đây là một sứ mệnh tự sát. Ông bảo sứ giả rằng khi David hay tin nầy sứ giả sẽ nói: "Uri, kẻ tôi tớ vua, người Hêtít, cũng chết nữa" và rồi mọi sự sẽ rõ ràng đối với nhà vua. Đúng như thế đấy. David đã đáp trong câu 25.
“Ngươi hãy nói cùng Giô-áp: Chớ lấy làm cực lòng quá về điều đó; gươm, khi giết kẻ nầy, khi giết kẻ khác. Hãy rán sức hãm thành và hủy diệt nó đi. Còn ngươi hãy giục người vững lòng bền chí”.
IV. David tìm cách dối gạt Israel (11.26-27).
David đã tìm cách dối mình đến nỗi ông đã phớt lờ đối với tội lỗi. Ông đã tìm cách dối gạt Uri trong việc giúp ông che đậy tội lỗi của ông. Ông đã tìm cách dối gạt Giôáp vào việc giúp đỡ che đậy tội lỗi ông. Giờ đây ông đang tìm cách dối gạt cả nước bằng cách cưới Bátsêba. Các câu 26-27 chép:
“Khi vợ U-ri hay rằng chồng mình đã thác, thì than khóc U-ri. Khi đã mãn tang, Đa-vít sai vời nàng vào cung; nàng trở nên vợ người, sanh cho người một con trai. Nhưng điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va”.
Hôn nhân của một vì vua không phải là một câu chuyện nhỏ đâu. Nhà vua đã có nhiều vợ rồi, một đám cưới nữa sẽ tạo ra nhiều tin quan trọng lắm. Dân chúng sẽ chú ý. Hãy hình dung câu chuyện trên tờ bìa nhật báo Jerusalem Times. "Vua David lấy vợ của anh hùng ngoài mặt trận". Cũng tưởng tượng một câu chuyện đã chạy dài chín tháng qua khi đứa con ra đời cho đám cưới mới. Mấy ông chủ bút toà soạn không quên ngày tháng quan trọng như ngày tháng của các trận đánh chính. Họ không quên thời điểm vị anh hùng ngã chết. Họ không quên thời điểm nhà vua lấy thêm vợ nữa. Họ có thể đếm tới 9. Dân chúng có thể đếm tới 9.
Thế nhưng, ai sẽ thắc mắc nhà vua? Nhà vua chịu trách nhiệm với ai? Ai thắc mắc tính trung thực của bậc quân vương cao cả? Đức Chúa Trời đang thắc mắc. Hãy lưu ý phần cuối của chương.
“Nhưng điều Đa-vít đã làm đó không đẹp lòng Đức Giê-hô-va”.
Cái nêm tội lỗi giờ đây phân rẽ người vừa lòng Đức Chúa Trời ra khỏi Chúa.
Chúng ta hãy nắm bắt điều nầy với một vài lẽ thật ứng dụng.
Thứ nhứt, tội lỗi không diễn ra cách tình cờ, nó đến theo thời gian. Hãy nghiên cứu Giacơ 1.13-15. Tội lỗi được cưu mang trong trí từ lâu trước khi nó được sanh ra do hành động. David đã phạm tội với Bátsêba vì chưa bao giờ học nói "không" với những ham mến về tình dục của mình. Ông chưa bao giờ học tránh né tình trạng vô luân về tình dục. Hỡi quí ông, hãy tránh tình trạng khiêu dâm! Hãy tránh các mối quan hệ bất xứng với những người nữ khác! Hãy chạy tránh bất cứ thứ chi dẫn quí vị đưa ra những quyết định ngu xuẩn để rồi quí vị sẽ hối tiếc trong phần đời còn lại của mình.
Thứ hai, khi tội lỗi diễn ra, nó diễn ra thật nhanh. Đế quốc khiến cho David để ra cả đời lo gây dựng gần như bị hủy diệt trong vòng vài giờ đồng hồ khi sự tỉnh thức của ông bị hạ thấp. Đừng bao giờ cảm thấy mình được an ninh không bị cám dỗ. I Côrinhtô 10.12 chép: "Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã".
Thứ ba, tội lỗi thường có một hiệu quả như nắm tuyết. David đã phạm tội tà dâm. Khi ấy ông đã nói ra những lời dối trá để che đậy tội tà dâm của mình. Tiếp đến ông đã giết chết một người vô tội cũng như các chiến sĩ vô tội khác nữa. Tội lỗi không bao giờ bị cô lập. Nó tăng lên nhiều lắm.
Thứ tư, che đậy tội lỗi chỉ làm cho nó tệ hại hơn mà thôi. David càng che giấu tội lỗi của mình, ông càng nhận nhiều việc tệ hại hơn mà thôi. Ngược lại, Châm ngôn 28.13 chép: "Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót".
Thứ năm, dù chúng ta hết thảy đều là tội nhân, hết thảy chúng ta đều được ban cho sự tha thứ. Roma 6.23 chép: "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta". Đức Chúa Trời ban hiến ơn cứu rỗi rời rộng cho bất kỳ ai chịu xây khỏi tội lỗi của họ mà chạy đến với Con của Ngài.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét