Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Di Sản Sau Cùng



Đời sống và thời thế của Vua David
Di Sản Sau Cùng
I Các Vua 1; I Sử ký 28-29
Chúng ta phải tóm tắt một đời sống giống như đời sống của David như thế nào đây? Chúng ta phải kết thiên sử thi nầy như thế nào đây? Sứ đồ Phaolô đã nói tới đời sống của David trong một bài mà ông đã giảng tại nhà hội Bisiđi. Ông nói: "Vả, vua Đa-vít lúc còn sống, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời, đoạn qua đời; người đã được trở về cùng các tổ phụ mình, và đã thấy sự hư nát" (Công Vụ các Sứ Đồ 13.36). Quí vị có nắm bắt được phần Phaolô tổng hợp đời sống của David không? Ông "lúc còn sống, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời". Có thể nói thêm hay nói hay hơn về bất kỳ tôi tớ nào của Đức Chúa Trời ở bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử chăng?
Tôi thường suy gẫm sống một đời sống trong các thời kỳ Kinh Thánh của ai đó thật là kỳ diệu dường bao. Hãy tưởng tượng đang đứng chung với Môise rồi nhìn thấy Biển Đỏ chia ra làm hai bằng hai con mắt thường của quí vị xem. Hãy tưởng tượng đang đi ra trận đánh với quân Philitin cùng với David là quan tướng của quí vị xem. Hãy tưởng tượng đang làm việc trên các bức tường thành Jerusalem cùng với Nêhêmi xem. Hãy tưởng tượng đang nghe Chúa Jêsus giảng dạy Bài giảng Trên Núi hay nhìn xem Ngài làm cho Laxarơ sống lại từ kẻ chết hay đứng dưới thập tự giá hoặc đang chạy ra ngôi mộ trống kia xem. Hãy tưởng tượng đang quan sát Phierơ khi ông rao giảng vào dịp Lễ Ngũ Tuần xem. Hãy tưởng tượng là một môn đồ của Phaolô hay đang thờ phượng với Hội thánh Êphêsô xem. Kỳ diệu làm sao khi nhìn thấy các bối cảnh đó bằng hai con mắt thường của quí vị và nghe thấy mọi lời nói kia bằng chính hai cái lỗ tai của mình!
Tuy nhiên Đức Chúa Trời trong sự toàn năng của Ngài đã đặt chúng ta vào thời buổi và địa điểm nầy. Giống như Hoàng Hậu Êxơtê xưa kia, chúng ta được sanh ra "cho một thời điểm như thế nầy đây". Quí vị và tôi đã được dựng nên theo cách rất đặc biệt và được ơn nơi Đức Chúa Trời Toàn Năng để trở nên hàng tôi tớ của Ngài ở đây và trong lúc bây giờ. Quí vị và tôi là những giáo sĩ đã được sai phái bởi "ý chỉ của Đức Chúa Trời", ý chỉ của Đức Chúa Trời cho "thế hệ” nầy đây.
Khi tôi đến mức cuối của đời sống trên đất nầy, tôi mong rằng ai nấy đều nói về tôi rằng ông ấy "lúc còn sống, làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời". Tôi mong để lại một di sản sau cùng là đức tin cho con cháu của tôi. Tôi hy vọng rằng chức vụ của tôi là rao giảng Lời của Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục trong đời sống của những người mà tôi đã dạy dỗ. Tôi muốn giữ lòng trung tín. Tôi muốn cùng nói với Phaolô: "Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin" (II Timôthê 4.7).
Trong bài nghiên cứu sau cùng nầy về đời sống và thời thế của Vua David, chúng ta sẽ thấy thể nào ông "đã xong sự chạy" và đã để lại một di sản, cái chạm của di sản ấy chúng ta vẫn còn cảm nhận được hôm nay. David đã có nhiều việc phải làm trước khi ông qua đời. Ông phải đặt Salômôn, con trai ông lên ngôi. Ông phải dạy dỗ cho Salômôn biết phải cai trị như thế nào!?! Ông phải trao toàn bộ kiểu mẫu để xây cất đền thờ và kế hoạch gây nguồn quỹ, vật dụng để xây cất nó. Chúng ta không dám chắc về biên niên sử của các biến cố nầy vì chúng được đề ra trong Kinh Thánh không theo một thứ tự niên đại.
Chúng ta sẽ xét qua ba chương Kinh Thánh, I Các Vua 1 và I Sử ký 28-29. Sau đó chúng ta sẽ tiếp thu một số bài học từ David về sự làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời trong thế hệ của chúng ta và để lại một di sản cho những người đang nối bước theo sau lưng chúng ta.
I. David chọn Salômôn (I Các Vua 1).
A. Sức khoẻ của David suy sụp (các câu 1-4).
Câu 1 chép: "Vua Đa-vít đã già; tuổi cao; và mặc dầu người ta đắp áo cho người, cũng không thể ấm được". Mỗi đời sống đều phải đi tới một mức cuối cùng và đời sống của David không nằm ở ngoại lệ. David đã 70 tuổi khi ông qua đời. Vì vậy ông chưa phải là quá "già" hay "quá cao tuổi" theo các tiêu chuẩn trong thời của ông hay của chúng ta. Cả khi ấy và lúc bây giờ nhiều người sống còn cao hơn 70 tuổi nữa. Tuy nhiên, cơ thể ông đã xuống cấp rồi. Có người đã nói rằng 70 năm sống của ông đáng phải sánh với 100 năm sống thọ. David đã đánh trận với sư tử, gấu cùng những gã giềnh giàng. Ông đã đánh giết nhiều kẻ thù tại chiến trường có tới hàng trăm mạng. Ông có nhiều người vợ và hầu rất xinh đẹp. Ông đã sống như kẻ trốn tránh và như một vì Vua. Ông biết cả nghèo khó lẫn giàu có. Ông được tôn cao hơn cả bao nhiêu người khác. Ông đã dập tắt nhiều cuộc nổi loạn và chinh phục nhiều vùng đất mới. Ông đã giải cứu Hòm Giao Ước và phục hồi lại sự thờ phượng của cả nước trong xứ Israel. Ông đã sáng tác nhiều Thi thiên ca ngợi. David đã gói ghém cuộc sống mình trong 7 thập niên.
Hầu hết các công viên vui chơi đều có đủ thứ trò chơi. Chúng có trò chơi đi mô tô bay, các khinh khí cầu bay chậm hoặc xe lửa chở khách đi vòng quanh công viên. Gia đình tôi rất thích viếng qua các địa điểm vui chơi như thế. Chúng tôi sẽ đứng xếp hàng rất lâu để chơi trò mô tô bay. Có một thứ mà chúng tôi để ý, ấy là cỡi mô tô bay không cỡi được lâu dài. Thường thì người cỡi chỉ đi được có 30 hay 40 giây đồng hồ mà thôi. Quí vị đứng xếp hàng dọc trong cả giờ đồng hồ để đi một chuyến kéo dài chừng nửa phút đồng hồ. Tuy nhiên, quí vị hiếm khi phải đứng xếp hàng để lên chiếc xe lửa kia. Nếu quí vị ngồi trên xe lửa đó đi vòng quanh công viên, thì phải tốn khoảng 10 phút đồng hồ. Tại sao vậy? Thân thể của quí vị chỉ đứng vài giây nơi lực tốc độ cao vận hành trên chiếc mô tô lượn kia, nhưng quí vị có thể ngồi lâu trên xe lửa đang di chuyển với tốc độ thật chậm. Đời sống của David giống như một người cỡi mô tô bay vậy. Đời sống ấy khó nhọc và qua nhanh nhưng qua nhanh một cách tương đối.
Tình trạng cho thấy sức khoẻ ông đang suy sụp, ấy là "ông không thể giữ ấm được" mặc dầu "người ta đắp áo cho người". Máu trong người ông lưu thông rất tồi tệ. Có lẽ tim của ông đã làm cho ông thấm mệt. Thật là đáng buồn khi suy nghĩ tới nhân vật dũng mãnh nầy, người chiến sĩ vô địch đang run bây bẩy dưới hàng đống chăn mền. Tuy vậy, về mặt thể chất cơ thể ông đang ngã chết dần mòn. Một số phận như thế đang chờ đợi hết thảy chúng ta.
Các tôi tớ của ông đã có một ý kiến rất là hay. Họ biết cách làm cho ông được ấm áp. Họ đã "tìm một gái trẻ đồng trinh" để hầu hạ nhà Vua. Tôi nghĩ cô gái nầy là người cuối cùng của một hàng dài các cung phi mỹ nữ. Nàng sẽ "hầu hạ Vua", "săn sóc Vua" và thậm chí họ nói: "Nàng sẽ nằm trong lòng vua, thì vua chúa tôi có thể ấm được". David đã già rồi, nhưng ông chưa chết! David vẫn là David và ý tưởng kia dường như rất tốt cho ông! Họ đã tìm được một "người gái trẻ đẹp" tên là "Abisác" và nàng "săn sóc và hầu hạ vua; nhưng vua không thân cận nàng" theo một ý nghĩa của tình dục.
Bây giờ đối với quí vị cánh đờn ông, những người đang sấp sĩ tuổi 70, cho phép tôi nói rằng điều nầy không phải là cách xưng công bình theo Kinh Thánh để có một nàng hầu 21 tuổi đâu nhé! Quí vị không phải là một vì Vua đâu! Nếu quí vị có bị lạnh, thì hãy mở máy sưỡi điện lên đi!
B. Cách đoạt ngôi sai lầm của Ađônigia (các câu 5-10).
Ađônigia là người con trai lớn nhất của David còn sống. Chắc chắn Ađônigia là người con thứ tư, đứng sau Ápsalôm (đối chiếu II Samuên 3.1-3). Chàng biết cha mình đang lịm dần và tưởng mình sẽ lên ngôi kế vị. Trong phần sửa soạn cho sự cố nầy, chàng đã "tự tôn" mình lên hoặc làm cho ai nấy đều chú ý vào chàng. Chàng "sắm xe và quân kỵ, cùng năm mươi người chạy trước mặt mình" (câu 5). Chàng đã làm theo gương của Ápsalôm khi Ápsalôm tạo quyền lực để chơi trò cướp ngôi (đối chiếu II Samuên 15).
Câu 6 là một câu nằm trong dấu ngoặc đơn nói về đứa con trai “rất đẹp” nầy, "cha người chẳng hề phiền lòng người". Chàng chưa hề biết kỷ luật của cha mẹ. Thật là tình cờ, từ ngữ "phiền lòng" ra từ một chữ Hy bá lai nguyên có nghĩa là "tạo ra, sản xuất hay nắn đúc". David đã thất bại trong vai trò làm cha không nắn đúc được đời sống của con trai mình.
Giống như Ápsalôm đi trước chàng, Ađônigia đã mưu tính một kế sách chính trị. Chàng đã tranh thủ được sự vùa giúp của tổng binh Giôáp và thầy tế lễ Abiatha. Chàng đi xuống "Ên Rôghên" một trong hai dòng suối chính của thành Jerusalem chủ yếu để tự công bố mình là tân vương. Chàng đã mời mọi người, các em mình – "các con trai của Vua", "các tôi tớ Vua" và"hết thảy những người Giuđa" (câu 9). Tuy nhiên, chàng cố ý loại ra khỏi danh sách khách mời "tiên tri Nathan", "Bênagia, các dõng sĩ" và "Salômôn em mình" (câu 10). Tại sao vậy? Vì họ hoàn toàn trung thành với David và sẽ không cho phép điều nầy xảy ra nếu không có phép tắc của David.
C. Sự can thiệp khôn ngoan của Nathan (các câu 11-14).
Chúng ta không nghe nói tới tiên tri Nathan trong một thời gian dài. Thế rồi ngay lúc nầy ông đến gặp Bátsêba với tin tức nói rằng "Ađônigia… đã làm Vua, mà David chúa ta, chẳng hay biết sao" (câu 11). Nathan là nhân vật đã được Đức Chúa Trời đại dụng để xét đoán vụ tà dâm của David và Bátsêba. Thế rồi, mỉa mai thay, sau khi tội lỗi họ được tha, nhiều năm về sau, ông đến bên cạnh bà như một người bạn và là mưu sĩ tin kính và thậm chí là một người bảo hộ nữa. Giết chết bất kỳ một nhân vật nào thách thức đối vối ngai vàng là một tập tục cho vị Tân vương và nếu như Ađônigia thành công trong việc nầy, chàng ta sẽ giết chết Bátsêba và Salômôn. Nathan đã thúc giục Bátsêba đến gặp David khi ông đang còn nằm trên giường và khiến cho ông biết rõ mọi hành động của Ađônigia.
D. Sự nhắc nhớ đúng lúc của Bátsêba (các câu 15-27).
Câu 15 nói rằng Bátsêba đến "tại trong phòng", nơi David ở và tại đó "Abisác… hầu hạ người". Bátsêba vẫn xoay chuyển được cái đầu của David. Khi lần đầu tiên ông nhìn thấy sự lịch sự của bà từ trên mái nhà kia, ông khoảng 50 tuổi. Nếu chúng ta giả định nàng khoảng chừng 20 tuổi lúc bấy giờ và 20 năm đã trôi qua, thì bà chỉ khoảng 40 vào thời điểm nầy. Bà hãy còn trẻ và lịch sự trong con mắt của David. Tôi nghĩ Nathan vốn biết rõ cảnh bà hay làm cho David phải ngẩng đầu lên mà nghe bà nói. Bà đưa ra trường hợp của mình, bà nói:
"Chúa tôi ôi! chúa đã nhơn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúa thề cùng con đòi của chúa rằng: Sa-lô-môn con trai ngươi sẽ trị vì kế ta, và nó sẽ ngồi trên ngôi ta. Ôi vua chúa tôi! nhưng bây giờ, A-đô-ni-gia làm vua, mà chúa chẳng biết chi đến" (các câu 17-18).
Bà nhẹ nhàng nhắc cho ông nhớ là ông hãy còn nắm quyền làm vua. Bà nói: "Ôi vua chúa tôi! cả Y-sơ-ra-ên đều xây mắt về vua, đợi vua cho họ biết ai là người kế vua phải ngồi trên ngai của vua, là chúa tôi" (câu 20). Theo kế hoạch của họ, Nathan khi ấy mới bước vào, họ khẳng định mọi sự mà Bátsêba đã nói.
E. Lời công bố vương giả của David (các câu 28-46, 49-53).
David cảm thấy áy náy, rồi ông chẳng thấy áy náy chi hết trong một lúc. Xứ sở của ông còn cần đến ông. Ông phải hành động thôi. Ông nhấc thân thể hay cảm lạnh, bị viêm khớp của mình ra khỏi chiếc giường rồi gọi Bátsêba đến bên cạnh mình. Ông nói với bà:
"Nguyện Đức Giê-hô-va hằng sống, là Đấng đã giải cứu mạng sống ta khỏi các hoạn nạn! Ta nhơn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên mà thề cùng ngươi rằng: Quả hẳn Sa-lô-môn, con trai ngươi, sẽ trị vì kế ta, nó sẽ ngồi trên ngai thế cho ta; thì ngày nay ta sẽ làm hoàn thành điều đó" (các câu 28-29).
Khi ấy nhà Vua cho đòi "thầy tế lễ Xađốc, tiên tri Nathan và Bênagia dõng sĩ". Ở đây chúng ta thấy ba chức vụ quan trọng tiên tri, thầy tế lễ, nhà Vua và dõng sĩ. Ông sai ba người nầy đến với Salômôn rồi truyền cho họ phải bắt "con la" của riêng ông cho Salômôn cỡi. Trong Israel nhà Vua hay cỡi một con la để biểu hiện sự vua phục vụ cho dân sự. Con la ấy được trang hoàng và được khoát lấy bộ áo khoác của hoàng gia. Mấy người nầy đã đặt Salômôn lên cỡi con la hoàng gia nầy rồi đưa chàng tới "Ghihôn" dòng suối kia của thành Jerusalem. Ađônigia đang ở tại suối "Ên Rôghên" và Salômôn đang ở tại suối "Ghihôn".
Tại "Ghihôn" họ phải "xức dầu cho người làm Vua Israel rồi thổi kèn lên mà hô rằng ‘Vua Salômôn vạn tuế!'" (câu 34). David cũng nói: "… Các ngươi sẽ theo sau người mà ta đã lập làm vua của Y-sơ-ra-ên và Giu-đa" (câu 35).
Các cận thần trung thành của David đã làm theo lịnh của ông từng chữ một. Họ "đỡ Sa-lô-môn lên cỡi con la của vua Đa-vít rồi đưa người đến Ghi-hôn" (câu 38). Họ "lấy cái sừng dầu trong đền tạm, và xức cho Salômôn" (câu 39). Phải chăng đây đúng là cái sừng dầu mà Samuên đã xức cho David nhiều năm trước đó không? Tại sao không chứ? Khi họ công bố Salômôn là Vua, "chúng đều theo người đi lên". Họ "thổi sáo, và vui mừng khôn xiết, đến nỗi đất rúng động bởi tiếng la của họ" (câu 40).
Đúng lúc nầy, lời công bố làm vua của Ađônigia đã qua đi và chàng ta nhận biết rõ điều đó. Chàng ta "nắm các sừng bàn thờ" với tư thế nài xin được thương xót trong hy vọng mình sẽ chẳng bị giết.
F. Lời ngợi khen với lòng biết ơn của David (các câu 47-48).
Trở lại với chiếc giường của nhà vua, David đã nghe thấy các tin tức tốt lành thực sự Salômôn đã lên ngôi. Câu 47 chép: "Và nhà Vua cúi lạy nơi giường mình". Ông không còn đủ sức lực để ra khỏi giường vì vậy ông đã cúi lạy ở đó trong sự thờ phượng. Ông nói: "Đáng khen ngợi thay Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì ngày nay Ngài có ban một người để ngồi trên ngôi của tôi mà mắt tôi xem thấy!" Quí vị có thể hình dung ra David tại đó không? Ông đau bịnh, yếu đuối, thế nhưng ông đã thờ phượng. Có thể ông đã hát lên lời lẽ của Thi thiên 103.1: "Hỡi linh hồn ta, khá ngợi khen Đức Giê-hô-va! Mọi điều gì ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!!" Khi ông ngợi khen Đức Chúa Trời, ông bắt đầu kiếm lại được sức lực. Còn có nhiều việc mà ông phải lo làm.
II. David chuyển giao ngọn đuốc (I Sử ký 28.1 - 29.25).
Hầu hết các sử gia Kinh Thánh đều nhất trí rằng David đã sống một hay hai năm sau khi Salômôn lên làm Vua. Mặc dù chúng ta không dám chắc về thứ tự niên đại, dường như mọi việc mà chúng ta đọc thấy trong hai chương nầy của sách I Sử ký đã xảy ra sau các sự cố mà chúng ta đã nghiên cứu trong I Các Vua 1.
Một sự thay đổi dường như đã trải qua trên David. Ông nhận biết công việc của mình chưa được trọn vẹn. Ông phải chuyển giao ngọn đuốc lãnh đạo cho Salômôn. Ông phải chuẩn bị cho con trai mình để cai trị và sửa soạn chúng dân để sống dưới sự trị vì của con trai ông. Sau khi tìm được sức lực rồi, David dường như đã chỗi dậy ra khỏi chiếc giường bịnh hoạn kia lâu đủ để triệu tập một hội chúng đông đảo tại thành Jerusalem.
Câu 1 của I Sử ký 28 chép rằng David hội hiệp "hết thảy các quan trưởng của Israel". Ông cho đòi hết thảy "các quan tướng", "các tộc trưởng", "các ban trưởng phục sự Vua", "các quan tướng cai ngàn quân và trăm quân", "các kẻ cai quản sản nghiệp" , “các hoạn quan” và "những người mạnh dạn" đến gặp ông để nhận một lời dặn dò sau cùng, một hiệu triệu sau cùng đầy sự khích lệ cho các bạn bè đáng tin cậy của ông.
A. Diễn văn cho chúng dân (28.1-8).
Hãy tưởng tượng David giờ đây khi ông "đứng dậy". Trước mặt ông hàng trăm người, có lẽ hàng ngàn bạn bè và những người trung thành ủng hộ đang đứng đó. Một số người trong họ không nghi ngờ chi nữa đã bị sốc khi nhìn thấy nhà vua dường suy yếu là ngần nào. Họ nhận biết không bao lâu nữa ông sẽ không còn ở với họ nữa. Tôi hình dung David đang ném chiếc áo choàng nặng nề ra phía sau, thâu hết mọi sức lực ông đang có rồi đứng dậy nghiêm chỉnh trước mặt thần dân của mình lần cuối cùng. Ông bắt đầu bằng cách nói cho họ biết về sự thất vọng lớn lao trong cuộc đời của mình.
"Hỡi các anh em và dân sự ta, hãy nghe! Ta đã có ý xây-cất một cái đền an nghỉ cho hòm giao ước của Đức Giê-hô-va, cho cái bệ chân của Đức Chúa Trời chúng ta; ta đã sắm tài liệu cho sẵn đặng cất. Nhưng Đức Chúa Trời phán với ta rằng: Ngươi chớ cất đền cho danh ta, vì người là một tay chiến sĩ, đã đổ huyết ra nhiều" (các câu 2-3).
Giấc mơ trong tấm lòng của David là xây cất một đền thờ để chứa Hòm giao ước của Đức Chúa Trời và làm trung tâm thờ phượng của xứ sở. Đức Chúa Trời đã đáp "Không" đối với giấc mơ nầy. Hai bàn tay của David không thể cất dựng đền thờ vì hai bàn tay ông đã "đổ huyết". Ông là một "tay chiến sĩ" và Đức Chúa Trời sẽ nhờ một con người của sự hoà bình xây cất đền thờ. Ngẫu nhiên thay, tên của Salômôn có quan hệ với tiếng Hy bá lai là shalom, nghĩa là bình an.
Mặc dù Đức Chúa Trời đã phán "không" với giấc mơ của David, nhà Vua vẫn biết ông đã được phước lớn lao là thể nào. Ông nói trong câu 4: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có chọn ta từ trong cả nhà cha ta, làm vua Y-sơ-ra-ên đời đời". Nói cách khác: "Mặc dù Đức Chúa Trời đôi lúc phán ‘không', Ngài thường phán ‘được'. Ta không thể than vản. Đức Chúa Trời đã đối xử tốt lành với ta suốt cuộc đời ta!" Thay vì ngã lòng do những việc mà mình không được phép làm, David đang ngợi khen Đức Chúa Trời vì mọi điều mà ông đã bắt tay làm!
Hơn nữa, David đang giải thích thể nào Đức Chúa Trời đã chọn vị Tân vương. Ông nói: "Ngài đã chọn Sa-lô-môn, con trai ta, đặt ngồi trên ngôi nước Đức Giê-hô-va, đặng cai trị Y-sơ-ra-ên" (câu 5). Ông nói thêm:
"Ngài phán với ta rằng: Sa-lô-môn, con trai của ngươi, sẽ cất cái đền và các hành-lang của ta; vì ta đã chọn nó làm con trai ta, và ta sẽ làm cha nó. Nếu người bền lòng làm theo các điều răn và luật lệ ta như ngày nay, thì ta sẽ làm cho nước người được bền vững đời đời" (các câu 6-7).
Đây mới là mục tiêu sau cùng của David. Đây mới là di sản của ông. Ông cần phải lo sửa soạn con trai mình để làm công việc mà ông không thể làm trong sự hầu việc Đức Giêhôva.
B. Lời khuyên dành cho con trai mình (28.9-10).
David xây cả hội chúng các cấp lãnh đạo xứ sở nhìn về Salômôn đang đứng bên cạnh ông trên khán đài. Ông nói: "Còn ngươi, là Salômôn con trai ta…". Trước sự chứng kiến của hết thảy mọi người, David truyền lịnh cho con trai mình. Ở đây giống như một lời thề để nhận lãnh chức vụ vậy. Trong hai chương nầy, câu nầy có lẽ là quan trọng nhất, vì vậy chúng ta hãy tách riêng nó ra. David ban cho Salômôn ba điều phải ưu tiên trong cuộc đời của mình. Ba điều ưu tiên nầy sẽ đóng khuôn đời sống của mọi người xưng danh Chúa.
ƯU TIÊN #1. Nhận biết Chúa – Mạng lịnh thứ nhứt là "hãy nhận biết Đức Chúa Trời của cha". Mạng lịnh nầy dường như quá tử tế, có phải không? Tuy vậy, David rất nghiêm chỉnh. Salômôn sẽ trở thành một nhân vật khôn ngoan cả thể. Chàng phải nhận biết Đức Chúa Trời. Tôi cố gắng bắt đầu mỗi buổi sáng trong cuộc đời của mình bằng cách công nhận Đức Chúa Trời đang tể trị trên tôi. Tôi tìm kiếm Ngài nơi Lời của Ngài hầu nhận biết tâm ý của Ngài.
Có thể David đang suy nghĩ tới nỗi yếu đuối, những sự cám dỗ và tội lỗi của mình. Ông đã cầu xin rằng con trai ông sẽ là con người mạnh mẽ hơn ông. Hãy nhận biết Chúa! Không còn có một điều gì khác quan trọng hơn. Giêrêmi 9.24 chép:
"Nhưng kẻ nào khoe, hãy khoe về trí khôn mình biết ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng làm ra sự thương xót, chánh trực, và công bình trên đất; vì ta ưa thích những sự ấy, Đức Giê-hô-va phán vậy".
ƯU TIÊN #2. Phục sự Chúa – Kế đó David nói: "hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài; vì Đức Giê-hô-va dò xét tấm lòng, và phân biệt các ý tưởng". Nếu quí vị thuộc về Chúa quí vị sẽ lo phục sự Ngài. Thắc mắc là, quí vị có bằng lòng phục sự Ngài không? Quí vị có sốt sắng phục vụ trong danh của Ngài không? Hỡi những kẻ làm cha, con cái của quí vị có nhìn thấy quí vị lo sốt sắng chuẩn bị cho buổi thờ phượng sáng Chúa nhựt không? Hỡi các bà mẹ, con cái của quí vị có nhìn thấy quí vị trung tín, bền đỗ đọc Kinh Thánh hàng ngày không? Khi có công việc cần phải lo làm, một vấn đề cần phải giải quyết, có phải con cái của quí vị chúng nhìn thấy quí vị sẵn sàng và bằng lòng phục sự theo cách thức khả thi không? Tôi thích Thi thiên 84.10: "Vì một ngày trong hành lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, hơn là ở trong trại kẻ dữ".
ƯU TIÊN #3. Tìm kiếm Chúa – Sau cùng, David nói với Salômôn: "Nếu con tìm kiếm Ngài, Ngài sẽ cho con gặp; nhưng nếu con lìa bỏ Ngài, ắt Ngài sẽ từ bỏ con đời đời. Bây giờ, khá cẩn thận; vì Đức Giê-hô-va đã chọn con đặng xây-cất một cái đền dùng làm nơi thánh của Ngài: khá mạnh dạn mà làm". Lời hứa rất rõ ràng: ai tìm kiếm Chúa sẽ gặp Ngài. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7.7-8: "Hãy xin, sẽ được' hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở". Hêbơrơ 11.6 chép: "Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài". David đang nói cho Salômôn biết rằng chàng có một phần việc lớn lao đã sẵn dành ở trước mặt chàng. Chàng không thể xây cất đền thờ nếu không tìm kiếm Chúa. Đức Chúa Trời đã chọn chàng cho phần việc và giờ đây Ngài phải thực thi lời hứa đó. Một phần việc như thế cũng có thể được nói cho mỗi một chúng ta, là những kẻ thuộc về Đấng Christ: "Đức Giêhôva đã chọn các ngươi…khá mạnh dạn mà làm".
C. Kiểu mẫu cho đền thờ (28.11-21).
Có lẽ David khi ấy mới bắt đầu mở bản thảo ra trên bàn đặt trước mặt Salômôn và hội chúng. Nếu ông sống trong thời buổi của chúng ta, đây sẽ là phần trình bày theo máy tính. Câu 11 chép: "Bấy giờ David trao cho Salômôn con trai người các kiểu…", kiểu mẫu chi tiết từng góc cạnh của đền thờ của Đức Chúa Trời. Hãy chú ý trong câu 12 Kinh Thánh cho chúng ta biết David đã vẽ kiểu mẫu nầy "nhờ Thánh Linh cảm động". Chúng được Đức Chúa Trời cảm thúc, Đức Chúa Trời hà hơi. Câu 19 khẳng định điều nầy vì David nói: "Kiểu-mẫu về các công việc nầy[chi tiết], ta nhờ tay của Đức Giê-hô-va chép ra, khiến cho ta hiểu biết vậy". David không thể xây cất đền thờ, nhưng Đức Chúa Trời đã ban cho ông kiểu mẫu chi tiết để xây cất đền thờ.
Có thể David nhận ra Salômôn đã bị xây xẩm vì mọi sự nầy. Hãy chú ý lời nói khích lệ của người cha trong câu 20: "Hãy vững lòng bền chí mà làm; chớ sợ sệt, chớ kinh hãi chi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của cha, vẫn ở cùng con; Ngài chẳng hề từ bỏ con, cũng chẳng hề lìa khỏi con cho đến chừng các công việc cất đền của Đức Giê-hô-va được xong".
D. Sự ủng hộ dành cho vị tân vương (29.1-15).
Ngay phần mở đầu của chương 29, David xây lại nói với "cả hội chúng", họ đang nhìn thẳng vào ông. Ông nói với họ: "Sa-lô-môn, con trai ta, chỉ một mình con đó mà Đức Chúa Trời đã chọn, hãy còn trẻ tuổi non-nớt, và công việc lại lớn lao; vì cái đền đó chẳng phải cho loài người đâu, bèn là cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời". Ông kêu gọi họ ủng hộ Salômôn và chu cấp các thứ của dâng như vàng, bạc cùng các thứ vật liệu khác cũng như các thợ khéo cần có cho việc xây cất đền thờ. Họ đã dâng hiến rời rộng ngay tại chỗ đó! Câu 9 tóm tắt như sau: "Dân sự lấy làm vui mừng về đều mình trọn lòng vui ý dâng cho Đức Giê-hô-va; và vua Đa-vít cũng lấy làm vui mừng lắm".
E. Lễ đăng quang của người kế vị (29.16-30).
Thế rồi "trước mặt cả hội chúng" David "chúc tạ Đức Giêhôva". Ông đã dâng lên một lời cầu nguyện rất hay khi ông hướng dẫn cả dân sự bước vào sự thờ phượng chung. Tôi nghĩ rằng thật là thích ứng cho chúng ta phải đọc lời cầu nguyện nầy một cách lớn tiếng ở các câu 10-19.
Khi David cầu nguyện xong, ông nói với dân sự: "Hãy chúc tạ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi" (câu 20). Tôi muốn nhìn thấy sự ấy. Phần còn lại của câu chép như sau: "Cả hội chúng bèn chúc tạ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, cúi đầu xuống mà thờ lạy Đức Giê-hô-va, và lạy vua". Nếu quí vị bước vào trong nhiều nhà thờ rồi nói: "Hãy chúc tạ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi", họ sẽ trừng mắt nhìn quí vị với nỗi ngạc nhiên không hiểu quí vị nói cái gì!
Các thứ của lễ đã được dâng lên. Có chiêu đãi ăn uống, thông công và "rất vui mừng" nơi phần của hội chúng. Câu 22 chép: "chúng lần thứ nhì tôn Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, làm vua, và nhơn Đức Giê-hô-va xức dầu cho người làm vua chúa".
Bối cảnh được tóm tắt lại bằng cách nói cho chúng ta biết rằng "Salômôn ngồi lên trên ngôi" và "cả Israel đều vâng theo mạng người". "Các quan trưởng và người mạnh dạn" cũng như "các con trai của Vua David" hết thảy đều "phục tùng Vua Salômôn". Câu 25 chép: "Đức Giê-hô-va khiến cho Sa-lô-môn được rất coi trọng tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên, và ban cho người được oai nghiêm, đến đỗi trong Y-sơ-ra-ên chẳng có một vua nào trước người được như vậy".
III. David để lại một di sản (I Sử ký 29.26-30).
Những câu cuối của I Sử ký 29 cung ứng một sự tổng hợp đời sống của David và "bốn mươi năm" (câu 27) ông làm vua trên Israel. Trong thời gian đó, ông đã thống nhất xứ sở đã bị chia làm hai, thiết lập một thành phố làm thủ đô, kiến tạo một lực lượng quân sự hùng mạnh, bắt phục toàn bộ các kẻ thù, mở rộng các đường biên giới từ 6000 sang 60.000 dặm vuông, và thiết lập một nền kinh tế phồn thịnh với quan hệ buôn bán quốc tế. Hơn cả mọi thành tựu đời nầy, David đã xây lòng dân sự hướng về Giêhôva Đức Chúa Trời. Đúng là một di sản mà ông đã để lại cho Salômôn và cho hết thảy chúng ta! Câu 28 chép: "Người băng hà tuổi cao, thỏa nguyện về đời mình, về sự giàu có, và về vinh hiển; Sa-lô-môn, con trai người, cai trị thế cho người". Có nhớ phần tổng hợp của sứ đồ Phaolô không? Ông "lúc còn sống, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời" (Công Vụ các Sứ Đồ 13.36).
Chúng ta kết thúc phần tra xét bốn phương thức chúng ta cũng có thể để lại một di sản sau cùng nữa.
A. Chúng ta không bám mãi vào tội lỗi của chúng ta.
Đức Chúa Trời đã mô tả theo cách riêng David là "người vừa lòng ta, người sẽ tuân theo mọi ý chỉ ta" (Công Vụ các Sứ Đồ 13.22; I Samuên 13.14). Tuy nhiên chúng ta đọc thấy David là một kẻ giết người và phạm tội tà dâm, một con người phạm vào nhiều tội lỗi kinh khủng. Ngay cả tuần lễ nầy, có người đã ngồi suốt phần nghiên cứu nầy đã thắc mắc làm thể nào David phạm vào các việc thể ấy mà vẫn được phước của Đức Chúa Trời mà làm Vua. Câu trả lời có hai phần. Thứ nhứt, David minh hoạ cho ân điển của Đức Chúa Trời. Giống như chúng ta ông không xứng đáng với ơn phước của Đức Chúa Trời, thế mà ông đã nhận lãnh chúng. Thứ hai, David không bám mãi vào tội lỗi của mình. Khi Đức Chúa Trời thuyết phục ông về tội lỗi, David đã mau mắn ăn năn. Hết thảy chúng ta đều sẽ phạm tội vì chúng ta sống trong xác thịt có căn cơ của tội lỗi và một thế giới sa ngã. Chìa khoá không phải là cứ giữ lấy mãi tội lỗi của mình, mà phải mau mắn xây trở lại với Chúa.
B. Chúng ta không trễ nãi trong sự thờ phượng.
David là một ca sĩ tuyệt vời trong Israel. Suốt phần nghiên cứu, chúng ta thấy ông đang thờ phượng trong gần hết mỗi phân đoạn Kinh Thánh. Thậm chí ông còn bảo dân sự ngày nay phải "chúc tạ" Đức Giêhôva. Con cái của chúng ta cần phải nhìn thấy chúng ta không xấu hổ quì gối xuống hạ mình nương cậy vào Giêhôva Đức Chúa Trời vinh hiển.
C. Chúng ta phải tiếp nhận cái “không” của Đức Chúa Trời và vui mừng trước cái “được” của Ngài.
David không được phép xây cất đền thờ. Giấc mơ của ông đã chết cùng với ông. Đức Chúa Trời đã phán "không". Tuy nhiên, David không để cho điều nầy làm lấn cấn ông. Ông vui mừng trong chỗ Đức Chúa Trời đã phán “được” với ông. Chúng ta phải chấp nhận cả hai từ nơi Chúa.
D. Chúng ta phải phấn đấu để hoàn tất mỹ mãn.
Chúng ta cảm nhận như thế nào khi đặt viên đá cuối cùng hay ốp tấm ván cuối cùng vào toà nhà đồ sộ kia? Chúng ta cảm nhận thế nào khi sống ngày, giờ hay phút cuối cùng của cuộc đời? Sẽ ra sao khi trút hơi thở cuối cùng? Tôi không biết. Nhưng trong loạt bài nầy về Vua David giờ đây đi đến chỗ kết thúc, một lẽ thật mà tôi rút ra được, ấy là tôi muốn sống mỗi ngày giống như thể ngày cuối cùng của tôi vậy. Tôi không muốn mình phải lo sửa soạn để chết. Tôi muốn sống sẵn sàng cách liên tục. Tôi không muốn sống lao động đặng để lại một di sản. Tôi muốn sống đời sống tôi theo một di sản đang đặt ở trước mặt mọi người.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét