Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

DAVID: Vì Đức Giêhôva Là Chúa Của Chiến Trận



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Vì Đức Giêhôva Là Chúa Của Chiến Trận
I Samuên 17
Đức Chúa Trời có nhiều anh hùng, họ dấy lên đúng lúc mà người ta cần tới họ. Ngày 11 tháng 9 không nằm ở ngoại lệ. Khi rõ ràng chuyến bay United 93 bị những tên khủng bố Ả rập cướp lấy, và chúng hoạch định đâm chiếc máy bay vào toà nhà quan trọng nào đó, Todd Beamer thuật lại về nhân viên trực điện thoại ở không cảng, là Lisa Jefferson: "Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ ở ngoài sự việc nầy. Tôi phải bước ra với đức tin". Beamer, một tín đồ trung tín, đã tốt nghiệp Đại học đường Wheaton, đã đọc thuộc lòng lời cầu nguyện của Chúa với người trực điện thoại. Theo tờ báo Newsweek khi đăng bài “Câu chuyện có thực về chuyến bay 93”, khi họ đã nghe xong lời cầu nguyện ấy, Beamer nói thêm "Nguyện Chúa Giêxu cứu tôi”. "Rồi kế đó, Beamer cùng các hành khách cùng đi với mình đã dâng lên lời cầu nguyện đã làm cho hàng triệu người được yên ủi trải qua nhiều thế kỷ, lời cầu nguyện mà David đã viết ra trong thì gian truân: Đức Giêhôva là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì… Dầu tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai hoạ gì. Và tiếp đến là câu nói sau cùng rất nổi tiếng: ‘Anh em sẵn sàng chưa? Nào, chúng ta vào cuộc’". Todd Beamer, một con người tin kính và giờ đây là một anh hùng dân tộc dường như đã ra lịnh đánh nhau với mấy tên khủng bố ngay tại bãi chiến trường. Cảm ơn tấm lòng can đảm đó, chiếc máy bay đã hạ cánh trên một cánh đồng rộng lớn ở Pennsylvania thay vì nó sẽ đâm vào điện Capitol hay Nhà Trắng.
Thật là đáng kinh ngạc dường bao khi một anh hùng thời nay đã rút tỉa sức lực thuộc linh từ Thi thiên của một trong những vị anh hào lỗi lạc nhất của Kinh thánh, là Vua David. Ngày nay, chúng ta sẽ xem xét chiến công đầu tiên và đáng nhớ nhất trong mọi chiến công đáng mặt anh hùng của David, chiến trận của chàng với gã khỗng lồ Gôliát.
Tôi không thể nhớ lúc nào tôi đọc câu chuyện trong I Samuên 17, câu chuyện kể về "David và Gôliát". Giống như "Đaniên trong hang sư tử" hay "Giôna và con cá lớn", chúng ta quá quen thuộc với các câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Thánh nầy, và tình trạng quen thuộc ấy đôi khi lại trở thành một chiếc hàng rào ngăn trở. Dù vậy, tuần lễ nầy, khi tôi tra xét lại câu chuyện nầy với ánh mắt tươi mới hơn, tôi đã học được nhiều điều mà tôi không biết trước đây và đã tìm thấy sự khích lệ rất lớn. Tôi cầu nguyện cho quí vị hôm nay, ấy là quí vị cũng sẽ tiếp cận phân đoạn nầy với một tấm lòng rộng mở, sẵn sàng, và để cho Đức Thánh Linh phán dạy trong đời sống của quí vị.
I. Mặt trước của bãi chiến trường (các câu 1-40).
I Samuên 17 là câu chuyện kể về một bãi chiến trường. Ba phần tư chương nầy mô tả bối cảnh mặt trước của bãi chiến trường. Israel đã dàn trận chống lại kẻ thù truyền kiếp của mình, là dân Philitin trong “trũng Êla”.
A. Chiến tranh trong đồng trũng (các câu 1-3).
Dân Philitin đã "nhóm hiệp các đạo binh mình đặng làm giặc” tại "Sôcô" ở phía Nam xứ Giuđê, cách thành Jerusalem khoảng 17 dặm về phía Nam. Khi ấy Vua Saulơ của Israel đã tập trung quân binh của mình và "dàn trận cùng dân Philitin" tại một địa điểm gọi là "trũng Êla". Họ đã có mặt ở đó đặng ngăn chận các lực lượng xâm nhập vào sâu trong lãnh thổ của Israel.
"Trũng Êla" rất giống với một hẽm núi lớn có nhiều bức tường núi cao ở mỗi bên và một khe suối rộng phân chia chúng ra làm hai. Ở mùa ẩm ướt, nước chảy ở đây hầu hết cả năm, chỉ có một dòng suối nhỏ ở dưới cùng. Ở đó, David đã tìm được loại đá thích ứng cho cái trành của mình.
Câu 3 nói: "Dân Phi-li-tin đứng trên núi phía nầy, còn Y-sơ-ra-ên đứng trên núi phía kia; trũng phân cách họ". Hãy suy nghĩ về trũng nầy giống như một cái sân vận động thiên nhiên thật rộng lớn với hai dãy núi và các bức tường của hẽm núi hình thành khán đài cho mỗi bên.
Ít nhất là trong "bốn mươi ngày" (câu 16) Israel và dân Philitin đã đối mặt với nhau mà chẳng có một mũi tên nào được bắn ra. Họ có mặt ở đó trong một tư thế chờ đợi. Chẳng bên nào muốn tấn công trước. Cả hai quân đội đều chần chừ, lưỡng lự tại địa điểm nầy. Đối với bên nào muốn tấn công, họ phải đi xuống núi và tỏ mình ra tại đồng trũng rộng mở kia và kế đó họ phải tràn lên núi phía bên kia để tấn công quân thù mình, họ đã trấn đóng chặt chẽ rồi. Bất kỳ một nhà chiến lược quân sự nào cũng sẽ tường trình cho quí vị biết tấn công như thế sẽ trở thành một sứ mệnh tự sát. Sự thất bại của bên tấn công sẽ nặng nề lắm. Giống như lịnh của Pickett tại Gettysburg, một cuộc tấn công như thế sẽ bị định là thất bại trước khi cuộc tấn công nổ ra.
Thêm vào nổi khó về chiến thuật, có một số lý do cho sự chần chừ. Dân Philitin đã bị Giônathan, con trai của Saulơ đánh bại mới vừa rồi. Họ đã học biết sự tôn trọng mới mẻ đối với các chiến binh của Israel. Mặt khác, dân Philitin đã học biết luyện sắt và luyện đồng. Họ đã được trang bị nhiều hơn dân Do thái. Vì vậy cả hai phe đều trông thấy nhau ở bên kia trũng song chẳng động đến ngón tay hầu phá vỡ thế bế tắc ấy.
B. Nhà vô địch của dân Philitin (các câu 4-11).
Ở giữa tình thế chẳng đặng đừng nầy, có một người từ giữa quân Philitin bước ra. Hắn là một nhà "vô địch", một người đã tự minh chứng mình trong chiến trận. Tên của hắn là Gôliát.
PHẦN MÔ TẢ Gôliát (câu 4).
Gôliát quê "ở Gát". Hắn là dòng dõi của Anác, dòng giống của những người giềnh giàng, cao lớn. Chúng ta nhớ từ Dân số ký 13 rằng khi 12 thám tử đến do thám xứ, họ đã nói: "Chúng tôi có thấy kẻ cao lớn, tức là con cháu của A-nác, thuộc về giống giềnh giàng; chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy" (Dân số ký 13.33). Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm bộ xương giềnh giàng trong thung lũng Giôđanh. Có bằng chứng rõ ràng về nền văn minh đồ đá xưa ở đó. Gôliát không phải là chuyện hư cấu do các vị giáo sư Trường Chúa Nhật đặt ra đâu. Phần mô tả hắn là đúng chính xác về mặt lịch sử và được khoa khảo cổ giám định.
Gôliát cao "sáu thước một gang". Có một số bất đồng đối với số đo chính xác của một “cubit” (thước) ở đây. Có người nói 18 inches. Có người nói 21 inches. Sử dụng số đo 18, Gôliát cao khoảng 9 feet, 9 inches! Sử dụng số đo 21, hắn cao khoảng 11 feet! Một cách dè dặt, Gôliát có thể đứng dưới cột bóng rỗ đã được xác định và đầu hắn sẽ đụng mặt lưới. Chỉ cần đứng ngay chỗ đó, hắn với tay lên thì đụng ngay đỉnh của tấm bảng đen của nơi ném bóng! Hơn nữa, hầu hết người nam trong thời ấy đều dưới 6 foot, vì vậy Gôliát dường như cao lớn hơn họ, hơn là cao lớn hơn người Âu Tây bây giờ!
Binh khí của Gôliát (các câu 5-7).
Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta một ý niệm về sức mạnh và dáng dấp bề ngoài khá ấn tượng của hắn bằng cách mô tả chi tiết áo giáp và vũ khí của Gôliát. Về sau, khi chúng được tuyển chọn làm chiến lợi phẩm, chúng đã được kiểm tra và chứng minh bằng tư liệu rất cẩn thận.
Gôliát đã đội "một mão đồng" trên đầu và mặc "áp giáp đồng vảy cá". Áo giáp cân nặng "năm ngàn siếc lơ" hay khoảng 175 - 200 cân Anh. Áo giáp của gã nầy nặng y như cả thân thể của gã vậy! Hắn cũng đeo những “ủng đồng” và có một "cây lao đồng" đeo "ở sau lưng". Thêm nữa, cán của cây lao hắn "giống như cây trục của thợ dệt cửi" và đầu của mũi lao cân nặng “600 siếc lơ” khoảng 20 cân Anh, nặng hơn bóng bowling loại nặng nhất!
SỰ THÁCH THỨC của Gôliát (các câu 8-11).
Gôliát không những rất bệ vệ; hắn còn rất quyết đoán nữa. Hắn rất muốn có một trận đánh. Khi chẳng có bên nào muốn ra khỏi các cao điểm, hắn bèn đưa ra một lời thách đấu riêng. Hắn bước vào trũng đến gần lằn ranh của người Do thái và hô to lên: "Cớ sao các ngươi ra bày trận? Ta há chẳng phải là người Phi-li-tin, còn các ngươi, là tôi tớ của Sau-lơ sao? Hãy chọn một người trong các ngươi xuống đấu-địch cùng ta" (câu 8). Quan điểm đánh theo kiểu đại diện, không phải là bất thường trong thời buổi ấy. Hắn sẽ ra song đấu với một chiến sĩ Israel và hễ ai thắng, quân đội của người đó thắng. Câu 16 nói hắn "tỏ mình" theo cách nầy và đưa ra chính lời thách đấu nầy hàng ngày trong “bốn mươi ngày” cả “buổi mai và buổi chiều”.
Mỗi lần Saulơ và quân đội của ông ta nghe thấy lời thách đấu nầy thì họ “hoảng hồn, sợ hãi lắm”. Hết thảy họ đều “lạnh cẳng” trong giày vì sợ hãi gã khỗng lồ nầy. Chúng ta thường đối mặt với những “gã khỗng lồ” của riêng chúng ta, là những điều cũng khiến cho chúng ta phải sợ hãi. Có thể “gã khỗng lồ” của quí vị là tình trạng sức khoẻ. Có thể đó là một món nợ. Có thể đó là một mối quan hệ đã thành sẹo. Có thể đó là một người hống hách. Quí vị nghe thấy nó mắng nhiếc, chửi bới quí vị khi quí vị thức giấc lúc nửa đêm hay khi quí vị lái xe cách im lặng từ sở làm về. Giống như Gôliát, nó đang thách thức quí vị đấy! Tấm lòng của quí vị rùng mình vì sợ hãi khi quí vị suy nghĩ tới nó. Quí vị không thể hình dung nổi quí vị sẽ thắng hơn nó bằng cách nào. Sự thực là, quí vị không thể… ít nhất là không thể với sức riêng của quí vị được.
C. Người VÔ ĐỊCH của Israel (các câu 12-40).
CÔNG VIỆC VẶT của David (các câu 12-18).
Ngược lại với phần mô tả rất trau chuốt về Gôliát, David đã được giới thiệu rất đơn sơ như người con út "là con trai của Y-sai, người Ê-phơ-rát kia, quê ở Bết-lê-hem trong xứ Giu-đa". Ysai đã “cao tuổi rồi” lúc bấy giờ. Ba người con lớn, là Êliáp, Abinađáp và Samma đang phục vụ trong quân đội của Saulơ. Trong thời ấy, các gia đình đều tài trợ cho các binh sĩ và Ysai không muốn mấy người con của ông vắng mặt trong vai trò phục vụ xứ sở và ông muốn nghe thấy các tin tức từ chiến trường. Ông đã quá già nên không tự mình đi nữa, vì vậy ông đã quyết định sai David.
Đồng thời, David thỉnh thoảng "lìa nơi Sau-lơ, trở về Bết-lê-hem đặng chăn chiên của cha mình". Kể từ lúc chàng được xức dầu làm vua, David liên tục giữ vai trò chăn chiên của mình. Chàng chỉ rời khỏi vị trí ấy khi được triệu tập vào cung điện để khảy đờn và hát lên những bài Thi thiên của mình cho vị vua bị quỉ ám là Saulơ nghe mà thôi. Một lần nữa, David đã không tự mình lao vào đấy. Chàng cứ giữ lòng trung tín trong những việc nhỏ. Chàng vốn hài lòng làm những gì chàng phải làm cho tới khi nào Đức Chúa Trời mở toang cánh cửa khác ra. Cánh cửa ấy sắp sửa được mở toang ra rồi!
David MẤT TINH THẦN (các câu 19-27).
"Ngày mai sáng sớm" David để bầy chiên mình với một “người chăn” ở lại (chàng không để chúng lại một mình, chàng xem trọng phần trách nhiệm của mình), khi "đến đồn, thì đạo binh đi ra đặng dàn trận và reo tiếng chiến tranh". Một lần nữa, chúng ta nhìn thấy sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Quân đội đang làm chính một việc mỗi ngày trong “40 ngày”. Nếu David không “dậy sớm”, nếu chỉ trễ chừng vài phút thôi, chàng sẽ không nghe thấy lời thách đấu thứ 81 của Gôliát. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã nhìn thấy điều đó nên để cho David đến đúng giờ, cho chàng trông thấy quân đội đi ra như mỗi buổi sáng để bày binh bố trận đặng đánh nhau. Hãy lưu ý rằng họ đi ra "reo tiếng chiến tranh". Mặc dù họ không đánh, họ reo lên để hù doạ kẻ thù mình.
David tưởng chàng đã đến đúng lúc để nhìn thấy chiến trận. Chàng trông thấy "Y-sơ-ra-ên và dân Phi-li-tin dàn trận, hai đạo quân đối nhau" (câu 21). Mau chóng nhưng cẩn thận, chàng "cất gánh nặng mình giao cho người giữ đồ-vật [một lần nữa hãy để ý tới phần trách nhiệm và sự quan tâm của chàng trong từng chi tiết]" đoạn "chạy đến chỗ dàn trận, tới hỏi thăm ba anh mình mạnh giỏi chăng".
Vừa kịp lúc chàng tìm thấy ba người anh của mình, thì Gôliát từ hàng ngũ Philitin xơm tới trong trũng rộng kia. Đây là lần thứ 81 "hắn nói như những lời ngày trước" song lần nầy "David nghe hắn nói". Câu 24 chép: "Hết thảy người Y-sơ-ra-ên thấy người nầy, đều chạy trốn và run sợ lắm". Họ vừa reo tiếng chiến tranh được có một phút thì phút kế đó hết thảy họ đều chạy trốn trong các lều trại của họ. Họ để David đứng tại chỗ đó.
David vốn tò mò với Gôliát và thấy thảm hại cho Israel. Tôi nghĩ chàng đã đứng đợi cho tới khi Gôliát đã nói xong và rồi bình tỉnh quay trở lại với trại quân. Khi chàng vào tới trại rồi, có người đến nói với chàng: "Các ngươi có thấy người đó xơm tới chăng? Hắn đến đặng sỉ nhục Y-sơ-ra-ên. Nếu ai giết được hắn, thì vua sẽ ban-thưởng nhiều của cải, gả con gái mình cho người đó, và miễn xâu-thuế cho nhà cha người ấy trong Y-sơ-ra-ên".
Đúng là một chương trình rất khích lệ! Saulơ đã thêm số phần thưởng về lợi tức cho người nào dũng cảm đánh nhau với Gôliát. Phần thưởng nầy đưa ra một câu hỏi: “ai sẽ ra đánh nhau với Gôliát?” Câu trả lời nằm ở một câu hỏi khác: “ai là người cao lớn nhất trong Israel?” Trả lời: Vua Saulơ. I Samuên 9.2 mô tả Saulơ theo cách nầy: "Người cao hơn cả dân sự từ vai trở lên". Tuy nhiên, "thần của Đức Giêhôva đã lìa khỏi Saulơ" và ông ta đã sợ hãi lo hối lộ người khác dám đối đầu để đánh trận thế cho ông ta.
Hãy chú ý phản ứng của David trong câu 26: "Người ta sẽ đãi thể nào cho kẻ giết được người Phi-li-tin nầy, và cất sự sỉ nhục khỏi Y-sơ-ra-ên? Vì người Phi-li-tin nầy, kẻ chẳng chịu phép cắt bì nầy, là ai, mà lại dám sỉ nhục đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống?" Mọi người đã nói trong câu 25 rằng Gôliát đã đến đặng “sĩ nhục Israel". David đã nhìn vấn đề theo cách khác. Chàng nói hắn sĩ nhục "đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống". Đây không phải là một sự tiếp cận chống lại dân sự, mà là chống lại chính mình Đức Chúa Trời!
David bị mất tinh thần và đã phẫn nộ với tình trạng hèn nhát của quân đội Israel. Tôi hiểu cảm xúc bất chợt đó. Tôi cảm thấy phẫn nộ khi dân sự dường như chẳng có trung thành bao nhiêu với Hội thánh. Tôi vất vả lắm mới hiểu lý do tại sao họ không làm chứng về Tin lành cho người khác hay lý do tại sao dường như họ không muốn học hỏi và tấn tới về mặt thuộc linh. Giống như David, thay vì bị mất tinh thần và phẫn nộ đối với họ, tôi phải nêu ra một tấm gương. Tôi phải tỏ ra cho họ thấy phục vụ trung tín đối với Đức Chúa Trời có ý nghĩa như thế nào!
MỤC TIÊU của David (các câu 28-30).
Khi ấy, Êliáp, người anh cả của David nghe được cuộc đối đáp nầy cùng lời lẽ can đảm của David. Câu 28 chép: "Êliáp nổi giận người". Không phải Êliáp xúc động sơ sơ đâu. Hãy nhớ, Êliáp là người đầu tiên trong mấy người con trai của Ysai đã đi ngang qua mặt Samuên. Khi Samuên nhìn thấy chàng ta, ông đã nói: "Quả hẳn, kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va đương ở trước mặt Ngài!" (16.6). Dù vậy, Đức Chúa Trời đã phán: "Chớ xem bộ dạng và hình-vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó" (16.7). Điều đó đã tạo ra sự tức tối. Êliáp đã bị bỏ qua để gã thiếu niên chăn chiên được chọn. Chàng ta khó mà cầm được nổi oán hận trong chàng.
Chàng ta nói với David: "Cớ sao mày đến đây? Mày bỏ ít con chiên của chúng ta trong đồng vắng cho ai? [đó là cú đánh bất thình lình, quí vị nghĩ sao?] Tao biết tánh kiêu ngạo và sự độc ác của lòng mày. Ấy đặng xem tranh chiến nên mày mới đến". Vậy thì trong lúc nầy, ai đã đầy dẫy với "tánh kiêu ngạo" và "sự độc ác của lòng?" Đúng thế, chính là Êliáp, chớ không phải David đâu!
Hầu hết những người trẻ tuổi đều tận dụng cơ hội nầy để thoi một thoi đầu tiên trước khi cuộc cãi lộn diễn ra. Nhưng David không làm như thế. Chàng chỉ hỏi sơ: “Không có lý do sao?" Nói cách khác: "Tôi có làm chi đâu! Tôi chỉ hỏi cho biết lý do tại sao người ta không đi ra đánh với tên giềnh giàng nầy mà thôi?"
Thường thì chúng ta bị cám dỗ mà đánh trận không đúng chỗ. Thường thì chúng ta quên kẻ thù là ai. Thay vì lo xử lý với những người "giềnh giàng" mà Satan đang đặt ở trước mặt chúng ta, chúng ta lại đánh lẫn nhau. Thay vì đẩy Satan ra khỏi vòng thi đấu, chúng ta lại xô đẩy lẫn nhau. Nhiều Hội thánh đang hoạt động trong sự vô quyền vì các thuộc viên quá bận rộn tranh cãi với nhau hầu được nổi bật về mặt thuộc linh trong cộng đồng của họ! Nguyện Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta! Câu hỏi của David vẫn còn vang dội rất rõ ràng kia: "Không có lý do sao?" Há chẳng có một thế giới đầy dẫy với hạng người bị hư mất sao? Há chẳng có một Cứu Chúa đã chịu chết vì cớ tội lỗi sao? Há chẳng có một sứ điệp nói tới các tin tức tốt lành dựa theo sự sống lại của Ngài ra khỏi kẻ chết sao? Há chẳng có một sự sống dư dật trong Đấng Christ sao? Quả thực chẳng có một lý do sao? Chúng ta phải luôn luôn nhắm vào kẻ thù thực sự là ai!?!
ĐỨC TIN của David (các câu 31-37).
Lời lẽ của David đã được “thuật lại cho Saulơ hay" và nhà vua bèn "đòi người đến". Sau 40 ngày, Saulơ đã sẵn sàng cho ai đó đi đánh với Gôliát. Khi David đến gặp ông, chàng nói: "Xin chớ ai ngã lòng vì cớ người Phi-li-tin kia! Kẻ tôi tớ vua sẽ đi đấu-địch cùng hắn". Saulơ nói: "Ngươi chẳng thế đi đấu-địch cùng người Phi-li-tin kia, vì ngươi chỉ là một đứa trẻ, còn hắn là một tay chiến sĩ từ thuở còn thơ".
David bèn đáp: "Khi tôi tớ vua chăn chiên của cha mình, hễ có sư tử hay là con gấu đến tha một con chiên của bầy. thì tôi đuổi theo, đánh nó, rứt con chiên khỏi miệng nó; hễ nó cất lên cự tôi, tôi nắm râu nó, đánh và giết nó đi. Tôi tớ vua đã đánh chết con sư tử và con gấu, vậy thì người Phi-li-tin không chịu phép cắt bì kia cũng sẽ đồng số phận với chúng nó; vì hắn sỉ nhục các đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống" (các câu 34-36).
Sư tử và gấu là loại dã thú ăn thịt tàn nhẫn nhất mà con người từng biết. Tôi có đọc nhiều câu chuyện nói về những lần tấn công của loài gấu. Có ít người sống sót lắm. Loài sư tử là loài gây chết chóc. David vốn hiểu rõ những lần đắc thắng của chàng trước các loài thú nguy hiểm nầy đều ứng với sự bảo hộ của Đức Chúa Trời. Tôi có thể hình dung chàng đang đánh một con gấu ngay giữa hai con mắt bằng một hòn đá đập đúng vị trí. Con gấu choáng váng phải buông con chiên ra. Thế rồi, nó lại chổi dậy và David nắm lấy râu nó rồi thọc con dao vào tim của con thú dữ. David vốn biết rõ những chiến công đó sẽ không thể có được nếu không có sự can thiệp của Đức Chúa Trời. Chàng có đức tin đầy trọn để tin rằng Đức Chúa Trời đã bảo hộ chàng tránh khỏi con thú dữ Philitin kia nữa. Chàng nói trong câu 37: "Đức Giê-hô-va đã giải cứu tôi khỏi vấu sư tử và khỏi cẳng gấu, ắt sẽ giải cứu tôi khỏi tay [sát nghĩa: ‘hàm’] người Phi-li-tin kia”. Tầm cỡ và sức mạnh của kẻ thù không còn là quan trọng nữa khi Đức Chúa Trời đang ở với quí vị!
Hãy suy nghĩ lại thể nào Đức Chúa Trời đã giải cứu quí vị ra khỏi các loài thú của ngày hôm qua. Quí vị tưởng đâu mình sẽ dính vào cuộc ly dị đó, nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu quí vị. Quí vị tưởng đâu mình không còn mạnh giỏi nữa, song Ngài đã giải cứu quí vị. Quí vị tưởng mình sẽ không thể thoát được nợ nần, song Đức Chúa Trời đã giải cứu quí vị. Quí vị tưởng mình sẽ không qua nổi sự khổ ãi nầy, nhưng Đức Chúa Trời đã giải cứu quí vị. Chính Đức Chúa Trời nầy đã giải cứu quí vị ra khỏi hàm loài thú ăn thịt của ngày hôm qua sẽ giải cứu quí vị ra khỏi gã khỗng lồ mà quí vị đang đối diện với hôm nay! Hãy tin cậy Ngài! Hãy có đức tin!
Beth Moore viết: "Chúng ta thường bị đe doạ nơi chiến trường vì chúng ta bất ổn về đức tin của mình. Chúng ta phải nhớ chúng ta không đứng vững trong đắc thắng vì cớ đức tin của mình. Chúng ta đứng vững trong đắc thắng vì cớ Đức Chúa Trời của chúng ta. Tin theo đức tin là tin vu vơ. Đức tin nơi một Đức Chúa Trời hằng sống, năng động, là đức tin dời núi".
CHIẾN LƯỢC của David (các câu 38-40).
Saulơ không thể nghĩ ra điều gì để phát biểu, vì vậy ông ta thốt ra một câu nói rất khách sáo về mặt tôn giáo: "Hãy đi, nguyện Đức Giêhôva ở cùng ngươi". Tuy nhiên, Saulơ trước tiên đã tìm cách khoác “áo chiến” mình lên người David. Từ ngữ "áo chiến" ở đây trong câu 38 có nghĩa là "áo xống". Một số người đề nghị rằng Saulơ muốn ai nấy đều nghĩ rằng David là ông ta. Ông ta đã thêm cái "mão đồng" và một "áo giáp" cũng như “thanh gươm” của người nữa. Đúng là lố bịch vì David không thể đi đứng được trong bộ áo chiến đó. Chàng nói: "Tôi không thể mang khí giới nầy mà đi được". Chúng rất bất tiện và chàng không thể chiến đấu với các loại khí giáp ấy.
Chàng cởi bỏ mọi thứ đó, đi xuống khe suối giữa trũng rồi chọn "5 cục đá bóng láng". Chàng để mấy hòn đá vào trong cái túi chăn chiên của mình rồi đi thẳng về phía người Philitin.
Mục tiêu là chúng ta không hề đánh trận với kẻ thù theo các điều kiện của hắn. II Côrinhtô 10.4 chép: "Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy". Êphêsô 6.11 bảo chúng ta phải: "Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ". Còn gì nữa, còn có việc gì làm cho một người mà không làm cho người khác. Quí vị phải tự mình chiến trận. Tôi khâm phục những nhà truyền đạo và các giáo sư Kinh Thánh lỗi lạc. Tôi thường tranh đua với các nhà truyền đạo khác. Tuy nhiên, tôi học biết rằng tôi phải trở nên người mà Đức Chúa Trời đã dựng nên tôi phải trở thành!
II. Đánh trận (các câu 41-51).
Sau cùng, sau bốn mươi câu, giờ đây chúng ta bước vào trận chiến. Trận chiến nầy chỉ cần mấy giây mà thôi. Khi David "xơm tới người Philitin", Gôliát cũng xơm tới, "đến gần David". Có kẻ vác binh khí cho hắn đi đàng trước (hình ảnh nầy trông thật tức cười). Tôi hình dung bối cảnh đó giống như một cuộc đấu súng trên đường phố đầy bụi trong một cuốn phim cao bồi nào đó. Quân đội của hai bên kéo lại gần nhau. Âm thanh duy nhất là tiếng gió thổi ngang qua sa mạc. Người ta đứng như đã đặt cược cả rồi vậy.
Khi Gôliát đến gần đủ để có một cái nhìn rõ nơi David, hắn mới nhìn thấy "người còn trẻ, nước da hồng hồng". Gã khỗng lồ "khinh người". Hắn đã nhạo báng và xem thường David. Tôi tưởng tượng hắn nói giống như một đấu sĩ đô vật: "Ta há là một con chó nên người cầm gậy đến cùng ta?" Hắn bắt danh các thần mình mà "rủa sả" David: "Hãy lại đây, ta sẽ ban thịt ngươi cho chim trời và thú đồng".
David chẳng lo gì về sự doạ dẫm đó. Chàng chẳng hề ấp úng hay lưỡng lự. Chàng nói: "Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ nhục" (câu 45). Tại sao chàng không thấy sợ hãi chứ? Chàng "nhơn danh Đức Giêhôva vạn quân" mà có mặt ở đó. Chàng không cần bất kỳ một áo chiến hay thứ vũ khí nào khác. Đức Chúa Trời đã ở cùng chàng và đấy là mọi sự mà chàng có cần.
Chàng đáp: "Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi, và ngày nay ban thây của đạo binh Phi-li-tin cho chim trời và thú vật của đất. Khắp thế gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời" (câu 46). Gôliát nói hắn sẽ ban thịt của David cho chim trời và thú đồng. Còn David nói chàng sẽ ban thây của cả đạo binh Philitin cho chim trời và thú vật của đất!
Thế rồi David nói trong câu 47: "và quân lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta". Đó là chìa khoá: "vì Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận". Khi quí vị đứng về phía của Đức Chúa Trời, kẻ thù của quí vị bao lớn thì không phải là vấn đề!
Gôliát đã bắt đầu đến gần hơn, vì vậy David "vội vàng chạy” về hướng hàng quân nghịch và đón Gôliát. Chàng rút ra một hòn đá để trong cái túi chăn chiên của mình, tra vào trành và ném. Cái trành quay vùn vụt mấy vòng trên đầu của chàng. Kế đó hòn đá bay đi đánh ngay Gôliát "lọt thấu trong trán và hắn té úp mặt xuống đất". David đã đánh gục hắn giống như hạ cái túi đựng mấy hòn đá xuống đất vậy!
David không có một thanh gươm nào, chỉ có cây gậy của người chăn chiên mà thôi. Vì vậy chàng phải rút chính thanh gươm của Gôliát ra khỏi vỏ rồi chặt lấy cái đầu to lớn bẩn thỉu của hắn. Dân Philitin đã nhìn thấy cảnh tượng nầy rồi bỏ trốn hết.
III. Trận đánh kết thúc (các câu 52-58).
Đã có một phút tê liệt nhất thời khi gã khỗng lồ gục ngã xuống đất. Cả hai đội quân đều bị sốc. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó họ nhận rõ điều gì đã xảy ra, người Philitin "chạy trốn" và dân Israel "dấy lên, hò hét, đuổi theo dân Philitin". Dân Philitin chạy trốn và bỏ lại khí giáp nặng nề của họ. Đạo binh Israel đã truy kích họ nhiều dặm đường và sau cùng quay trở lại "cướp phá trại quân chúng nó".
David "lấy thủ cấp của người Philitin đem đến Jerusalem" như một chiến lợi phẩm để khích lệ dân sự, nhưng chàng đã “để binh khí của Gôliát lại trong trại mình". Về sau, chúng ta sẽ học biết các thầy tế lễ xứ Nốp đã giữ lấy thanh gươm của Gôliát, còn David thì giữ lấy khí giáp của gã giềnh giàng đó. Có lẽ chàng đã giữ lấy nó trong cả phần đời còn lại của mình. Đồ binh khí ấy đã được đưa vào gian phòng trưng bày chiến lợi phẩm trong cung điện của chàng nhiều năm về sau. Biết bao lần trải qua nhiều thập niên về sau David đã xem lại bộ khí giáp đó mà nhớ lại rằng “vì Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận?”
Saulơ và "quan tổng binh", là Ápne đã quan sát trận đánh từ một khoảng cách an toàn. Saulơ đã hỏi Ápne: "người trai trẻ đó là con trai của ai?" Saulơ không hỏi David là ai!?! Ông vốn biết rõ David là gã thiếu niên thường khảy đờn lia cho ông nghe rồi. Ông muốn biết cha của David là ai!?! Tại sao vậy? Ông đã hứa "miễn xâu thuế cho nhà cha người ấy" (câu 25).
Ápne không biết, vì vậy họ sai đòi David đến. David đến trước mặt Saulơ, “tay còn cầm thủ cấp của người Philitin”, chàng đáp: "Tôi là con Ysai, tôi tớ của vua, ở Bếtlêhem".
Chúng ta hãy kết thúc với ba bài học rút ra từ câu chuyện quá quen thuộc nầy:
Kinh Thánh luôn luôn sâu sắc hơn chúng ta tưởng. Tôi đã nghe kể lại câu chuyện của David và Gôliát từ lâu lắm rồi, mà tôi vẫn nhớ, song tôi đã tiếp thu nhiều về câu chuyện ấy trong tuần nầy và được khích lệ từ nơi Chúa khi tôi nghiên cứu. II Timôthê 3.16 chép: "Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình". Đừng có thái độ tự phụ khi cho rằng mình không cần học thêm điều chi khác nữa.
Những gã giềnh giàng sẽ luôn luôn có mặt để làm cho chúng ta phải sợ hãi. Nếu không có một gã giềnh giàng nào chửi mắng quí vị hôm nay, hãy in trí đi, có một gã không bao lâu nữa sẽ nổi lên đấy.
Đức Chúa Trời luôn luôn cao cả hơn những gã giềnh giàng của chúng ta. Không có nan đề, không có thử thách, không có vất vả, không có lo lắng nào lớn lao hơn Đức Chúa Trời của chúng ta. Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta. Thánh Linh của Ngài ngự trong chúng ta. Nếu chúng ta nhớ tới tầm cỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không lo lắng về tầm thước của kẻ thù. Phaolô đã nói trong Philíp 4.13: "Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi".
Trận đánh luôn luôn thuộc về Đức Giêhôva. Nếu quí vị đối mặt với gã giềnh giàng bằng sức riêng của quí vị, quí vị sẽ thua thiệt ở mỗi lần đối mặt đó. Nếu quí vị tìm cách mặc lấy bộ khí giáp của thế gian nầy, quí vị sẽ thất bại cho xem. Phải vững vàng và trao phó chiến trận của mình cho Đức Chúa Trời, thế thì quí vị không thể thua trận được đâu.
Trong mấy phút cuối của cuộc đời mình, Todd Beamer đã làm cho lòng mình được vững vàng trong Chúa. Ông đã thốt ra lời cầu nguyện của Chúa. Ông đã nói ra lời lẽ của chính David từ Thi thiên 23. Kế đó ông nói: "Anh em sẵn sàng chưa. Nào, chúng ta hãy vào cuộc". Quí vị sẵn sàng chưa? Quí vị có sẵn sàng để đối mặt với những gã khỗng lồ trong cuộc sống chưa?
Có người nói: "Thưa Mục sư, Đức Chúa Trời đã ở cùng David, nhưng làm sao tôi biết Đức Chúa Trời đang ở với tôi chứ?" Quí vị đã được cứu. Quí vị đã được sanh lại. Quí vị có thể nhìn biết Đức Chúa Trời đang ở với quí vị ngay hôm nay và sẽ ở với quí vị trong phần đời còn lại của quí vị nếu quí vị quay trở lại với Ngài ngay hôm nay. Quí vị sẵn sàng chưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét