Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

ĐẤNG THẤY MỌI SỰ



ĐẤNG THẤY MỌI SỰ
Mục sư Charles Spurgeon
Giảng ngày 14 tháng 2 năm 1858, tại Giảng đường Music Hall, Surrey Gardens
***
Châm ngôn 15.11: “Âm phủ và chốn trầm luân còn ở trước mặt Đức Giê-hô-va thay, phương chi lòng của con cái loài người!”
Quí vị có bật cười khi thấy những người theo tà giáo, họ cúi mình xuống trước các thần bằng cây và bằng đá không!?! Quí vị trưng dẫn lời lẽ của Kinh Thánh, và quí vị nói: “Chúng có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe được”. Vì lẽ đó, quí vị cho rằng chúng chẳng phải là thần chi hết, vì chúng chẳng thấy và chẳng nghe được, và quí vị đã khinh khỉnh bật cười nơi những kẻ có sự hiểu biết quá thấp khi xem những vật bằng đá hay bằng gỗ thế kia là đáng tôn tặng. Cho phép tôi hỏi quí vị một câu – trừ một Đấng, có phải không? Đức Chúa Trời của quí vị có thể thấy lẫn nghe, nguyện cách xử sự của quí vị khác đi, nếu quí vị có bất kỳ cách xử sự nào đối với các vị thần mà người theo tà giáo đang thờ lạy. Hãy dành ra một phút, trên danh nghĩa thì Đức Giêhôva được tôn kính ở xứ sở nầy, lại bị xử sự với một thái độ bất chấp như thế, nghĩa là Ngài không thể nhìn thấy các việc làm và nhìn biết mọi tư tưởng của loài người, chắc quí vị chẳng để ý gì đến Ngài hơn như hiện nay? Tôi không tin như thế đâu! Chín trong mười trường hợp, và có lẽ với một tỉ lệ lớn hơn và đáng buồn hơn, lẽ đạo về Đức Chúa Trời Toàn Tri, mặc dù người ta tiếp nhận và tin theo, lại chẳng có một tác dụng thực tiễn nào trên đời sống chúng ta hết. Đại đa số con người đã quên phứt Đức Chúa Trời: toàn bộ những dân tộc nào nhìn biết sự hiện hữu của Ngài và tin rằng Ngài đang nắm giữ họ, họ sinh sống giống như thể chẳng có Đức Chúa Trời chi hết. Những nhà buôn, các nhà nông, những người đứng trong các cửa hàng, và ngoài đồng ruộng của họ, những người chồng trong các gia đình, cùng các kẻ làm vợ ở giữa người nhà của họ, họ sinh sống giống như thể chẳng có Đức Chúa Trời gì hết; không có mắt nào kiểm tra họ cả; không có lỗ tai nào lắng nghe giọng nói ra từ môi miệng của họ, và không có một tâm trí đời đời nào lo chất chứa ghi lại các hành động của họ. A! chúng ta là những nhà vô thần đích thực, đại đa số chúng ta; phải, hết thảy nhưng trừ ra những ai đã được sanh lại, và đã được chuyển từ sự chết qua sự sống, dẫu tín điều của họ trong cuộc sống có như thế nào thì họ vẫn là những con người vô thần; vì nếu chẳng có Đức Chúa Trời chi hết, và chẳng có đời sau, nhiều người sẽ chẳng hề bị sự thay đổi động đến; họ sẽ sống y như họ đang sống trong lúc bây giờ – đời sống của họ đầy dẫy sự bất chấp Đức Chúa Trời và mọi đường lối của Ngài, và sự thiếu vắng một Đức Chúa Trời chẳng tác động vào họ được một cấp độ nào cả. Vậy thì, cho phép tôi, sáng nay, như Đức Chúa Trời sẽ vùa giúp tôi, làm khuấy đảo tấm lòng của quí vị, và nguyện Đức Chúa Trời ưng nhận điều mà tôi sẽ nói, sẽ đẩy một số kẻ vô thần ra khỏi quí vị. Tôi sẽ cố gắng đặt Đức Chúa Trời, là Đấng nhìn thấy mọi sự ở trước mặt quí vị, và giúp cho quí vị xem xét lẽ thật rất quan trọng, rằng trong mọi hành động của chúng ta, trong mọi đường lối của chúng ta, và trong mọi suy tưởng của chúng ta, chúng ta đang liên tục ở dưới con mắt đang quan sát của Ngài.
Trước hết, chúng ta đang có trong câu gốc, một lẽ thật quan trọng đã được công bố ra -- “Âm phủ và chốn trầm luân còn ở trước mặt Đức Giê-hô-va thay” và có một lẽ thật quan trọng đã được đưa ra: “phương chi lòng của con cái loài người!”
I.- Chúng ta sẽ bắt đầu với LẼ THẬT QUAN TRỌNG ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ RA – một lẽ thật cung ứng cho chúng ta nhiều lời hứa, từ đó chúng ta suy ra phần kết thực tế của câu thứ hai -- “phương chi lòng của con cái loài người!” Cách giải thích tốt nhứt quí vị có thể đưa ra về hai từ đó, “âm phủ” và “chốn trầm luân”, theo tôi nghĩ, đã được hiểu trong một câu đại khái như câu nầy: “Sự chết và âm phủ còn ở trước mặt Đức Giêhôva thay”. Tình trạng phân rẽ của hồn lìa khỏi xác, và sự huỷ diệt, Abaddon, theo từ ngữ Hybálai, là nơi hình khổ, và cả hai từ đó, mặc dù kín nhiệm lắm đối với chúng ta, đang đủ chỉ ra Đức Chúa Trời.
1./ Trước tiên, chữ ở đây được dịch là “âm phủ”, lẽ ra nên được dịch là “sự chết”, hay tình trạng của hồn đã lìa khỏi xác. Bây giờ, sự chết, với mọi hậu quả nghiêm trọng của nó, là thấy được ở trước mắt Đức Giêhôva. Giữa chúng ta và đời sau của linh hồn là một đám mây đen đang treo lơ lửng. Đó đây Đức Thánh Linh đã tạo ra những khe hở, thực vậy, nơi bức tường phân rẽ màu đen, qua đó, chúng ta có thể nhìn thấy; vì Ngài đã “dùng Đức Thánh Linh để bày tỏ những sự đó cho chúng ta” những việc mà “mắt không thấy, tai không nghe được”, và là những điều mà trí khôn của con người không thể hiểu được. Tuy nhiên, những điều chúng ta đang biết là rất ít. Khi người ta chết, họ vượt quá lãnh vực tri thức của chúng ta: cả về thân thể và về linh hồn, họ vượt quá mọi sự hiểu biết của chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời Ngài hiểu hết mọi sự kín nhiệm của sự chết. Chúng ta hãy chia phần nầy thành mấy đề mục, rồi thống kê chúng lại.
Đức Chúa Trời vốn biết rõ nơi chôn cất của toàn bộ dân sự Ngài. Ngài biết rõ nơi yên nghỉ của kẻ cô độc và không mồ chôn, cũng như người có lăng mộ xây ở bên trên. Kẻ khách té ngã trong hoang mạc trơ trụi, thi thể người trở làm mồi cho loài kên kên, và xương cốt người bị phơi trắng dưới ánh mặt trời – gã thuỷ thủ, là kẻ bị đắm tàu ngoài biển khơi, chẳng có một bài truy điệu nào lướt qua thi thể của người, chỉ có tiếng rít của ngọn gió, cùng các lượn sóng thét gào – hàng ngàn người đã chết mất ngoài bãi chiến trường, chẳng ai kê sổ cũng chẳng ai để ý tới – nhiều người đã ngã chết - giữa rừng rú, giữa đại dương lạnh giá, và giữa bão tuyết đang nuốt chửng lấy họ – hết thảy những người nầy, cùng địa điểm mồ mả của họ, Đức Chúa Trời đều biết hết cả. Hang động im ắng kia dưới đại dương, nơi những viên ngọc trai nằm sâu ở đó, nơi ấy giờ đây kẻ bị đắm tàu đang ngủ nghỉ, được Đức Chúa Trời đánh dấu là chốn chết của kẻ được chuộc của Ngài; nơi ấy bên sườn núi, trong hang sâu kẻ lạ ngã chết và được chôn trong đống tuyết, ký ức Đức Chúa Trời đã đánh dấu là mộ địa của một con người. Tuy nhiên, không một thi thể nào của con người, dù được chôn hay không được chôn, vượt qua được dãy tri thức của Đức Chúa Trời. Thật phước hạnh thay là danh của Ngài, nếu tôi chết, rồi nằm ở nơi mà các bậc tổ phụ quê mùa kia nằm ngủ, trong một góc sân nhà thờ chẳng ai buồn để ý tới, tôi cũng sẽ được biết tới nữa, và sống lại khi được công nhận rõ ràng bởi Cha vinh hiển của tôi, giống như thể đã được chôn trong nhà thờ vậy, nơi ấy khu rừng cây gothic mọc thẳng đứng ngạo nghễ, và ở đó vô số các bài hát được trỗi lên vút trời mây. Tôi sẽ nhìn biết cũng y như tôi đã được chôn với nghi thức long trọng, và đã được liệm với âm nhạc và với nhiều sự trọng thể, và tôi sẽ được công nhận cũng y như những lời đề tặng ghi trên bia mộ đã được dựng lên để nhớ đến tôi; vì Đức Chúa Trời không hề quên một thứ gì giống như các nơi chôn cất con cái của Ngài. Môise nằm ngủ ở một nơi mà mắt thường không sao trông thấy được. Đức Chúa Trời đã hôn lấy linh hồn ông, và Ngài đã chôn ông ở nơi mà dân Israel không bao giờ tìm gặp được, dù họ đã cố công tìm kiếm ông. Nhưng Đức Chúa Trời vốn biết rõ chỗ Môise đang nằm ngủ; và nếu Ngài biết như thế, Ngài hiểu rõ hết thảy con cái Ngài đã được giấu ở đâu. Quí vị không thể buộc tôi nói ra mộ địa của Ađam nằm ở chỗ nào; quí vị không thể chỉ ra cho tôi biết nơi nằm ngủ của Abên. Có người nào tìm ra được mộ của Mêtusêla cùng những kẻ sống rất thọ vào thời điểm trước Nạn Đại Hồng Thuỷ không? Ai có thể nói được thi thể của Giôsép thật quí báu kia giờ đây nằm ngủ trong đức tin ở chỗ nào không? Có ai trong quí vị tìm ra lăng mộ của các vì vua, rồi đánh dấu điểm chính xác nơi David và Solomon yên nghỉ trong nét huy hoàng tráng lệ không? Không, những việc đó đã trôi qua khỏi ký ức của loài người, và chúng ta không biết hạng người cao trọng đời xưa đã được chôn ở đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết, vì sự chết và Âm phủ đang mở toang ra ở trước mặt Đức Giêhôva.
Và thêm nữa, không những Ngài biết rõ nơi họ được chôn cất, mà Ngài còn biết rõ tiểu sử hết thảy thi thể của họ sau khi mai táng hay sau khi chết nữa. Kẻ vô đạo thường hay thắc mắc như sau: “Làm sao thi thể của người ta được phục hồi cho được, khi họ bị các loài thú dữ hay kẻ ăn thịt người cắn nuốt?” Lời đáp đơn giản của chúng ta, ấy là Đức Chúa Trời có thể lần theo dấu vết từng nguyên tử của thi thể ấy một khi Ngài muốn. Chúng ta không nghĩ thi thể ấy cần phải sống lại một khi Ngài mong muốn, còn nếu Ngài muốn như thế, Ngài sẽ đem từng nguyên tử một của thi thể đã từng chết ấy, mặc dù nó đã bị bộ máy phức tạp của thiên nhiên lược qua, và bị vướng mắc khi chuyển trạng thái với các loài thực vật hay thú dữ, phải, và với nhiều thi thể của nhiều người khác nữa, Đức Chúa Trời vẫn có nó trong dãy tri thức của Ngài, Ngài biết rõ từng nguyên tử của nó đang ở đâu, và trong lý trí của Đấng Toàn Tri, Ngài kêu gọi từng nguyên tử một ra khỏi chốn lưu lạc, Ngài phục hồi các nguyên tử ấy trở lại khuôn mẫu thích ứng của nó, và tái tạo lại chính thân thể mà nguyên tử đó là một phần. Thực vậy, chúng ta không thể lần theo bụi đất đã bị mốc meo từ lâu rồi. Được chôn cất với sự chăm sóc tỉ mỉ nhất, được bảo tồn với sự tôn kính long trọng nhất, nhiều năm tháng trôi qua, và thi hài của vì vua, đã ngủ nghỉ từ lâu với sự canh gát và bảo hộ kỹ lưỡng, sau cùng có một bàn tay vô ý chạm đến. Quan tài đã được đúc kín, và kim loại bị hư hao đi vì cớ giá trị của nó; một nắm đất đã được tìm ra, di tích sau cùng của một nhân vật từng là chủ nhân của các nước. Bụi đất đó bị bàn tay xúc phạm quăng thảy vào lối đi giữa của hai dãy ghế nhà thờ, hoặc ném thẳng vào sân nhà thờ rồi bị gió thổi vào miếng ruộng lân cận kia. Thật là khó bảo tồn được thứ bụi đất ấy; sự chăm sóc tỉ mỉ nhất cũng phải thất bại, và rốt lại nhà vua đã ở cùng một cấp độ với kẻ nô lệ của mình, “như vô danh và chẳng ai nhận biết”. Nhưng Đức Chúa Trời biết rõ nơi mà từng mãnh nhỏ của nắm bụi đất đó đã đi đến: Ngài đã đánh dấu trong quyển sách của Ngài sự lưu lạc từng nguyên tử một của nắm đất ấy. Ngài có sự chết mở ra trước mắt Ngài, để rồi Ngài có thể đem hết thảy về đan kết lại với nhau, xương nầy với xương kia, rồi mặc cho chúng với từng thớ thịt giống y như những ngày thuở trước, và khiến cho chúng được sống lại. Sự chết đang mở toang ra ở trước mặt Đức Giêhôva.
Rồi giống như thân thể, linh hồn khi phân rẽ ra khỏi thân thể, đang hiện hữu ở trước mặt Chúa. Chúng ta nhìn vào gương mặt của người bạn quá cố của mình, và nhìn vào một sự thay đổi kín nhiệm mà cũng rất đột ngột diễn ra quanh thân thể của người. Chúng ta nói: “Linh hồn ông ấy đã ra đi rồi”. Thế nhưng chúng ta có khái niệm gì về linh hồn của ông ấy chưa? Chúng ta có thể tạo ra một sự phỏng đoán về việc bay lên của linh hồn đó, và sự hiện diện đáng kính một khi nó bước ra khỏi trạng thái rối rắm đời nầy của nó chăng? Có thể chúng ta đoán được trạng thái linh hồn không có thân xác là như thế nào, được phước vĩnh viễn, đang nắm lấy Đức Chúa Trời của họ chăng? Có thể chúng ta nắm được một số tưởng tượng ở trên thiên đàng là như thế nào rồi, khi thân thể và linh hồn tái hiệp lại, sẽ tận hưởng niềm vui sướng, hạnh phúc nhất ở trước ngai Đức Chúa Trời; còn tôi suy nghĩ, các khái niệm vụn vặt ấy là khái niệm của chúng ta, đang khi chúng ta còn sống trong thân thể của mình, cho nên gần như, nếu không phải là hoàn toàn, thật khó cho chúng ta tạo ra được một khái niệm nào bất kỳ đối với thể trạng của linh hồn, đang khi với trạng thái không có thân thể, giữa thời điểm qua đời và thời điểm được sống lại
Chúng ta biết rõ nhiều người, hết thảy họ
Thật được phước vô cùng
Họ đã phạm nhiều tội lỗi, lo âu, và khốn khó
Thế mà họ đã yên nghỉ trong Cứu Chúa của mình
Vị thánh đồ tốt đẹp nhất trong số các thánh đồ chẳng nói gì cho chúng ta biết gì về sự thể nầy. Họ đã được phước, và trong chốn thiên thai ấy họ đang trị vì với Chúa của họ. Nầy anh em ơi, Đức Chúa Trời vốn biết rõ mọi sự nầy. Tình trạng phân rẽ của kẻ chết, thiên đàng của những linh hồn không có xác thịt, đương ở trong tầm nhìn của Đấng Chí Cao, và ngay thì giờ nầy, nếu Ngài muốn, Ngài sẽ tỏ cho chúng ta thấy tình trạng của mỗi người đã quá cố – dù người ấy có leo lên đến tận Thiên đường, để ở đời đời trong ánh thái dương mặt của Chúa mình, hay người bị lún sâu dưới địa ngục, nặng nề với xiềng xích trói buộc, đang đợi chờ nỗi khốn khó làm kết quả của án phạt triền miên, khi “Hãy cút đi, kẻ bị rủa sả kia” sẽ là phần tái khẳng định bản án đã từng được công bố, và đã gánh chịu phần nào rồi. Đức Chúa Trời vốn hiểu rõ số phận bị phân rẽ linh hồn của một người trước ngày lớn trong kỳ đại nạn – trước khi bản án sau cùng sẽ được công bố, sự chết đang mở toang ra trước mặt Đức Giêhôva.
2./ Chữ kế tiếp “chốn trầm luân” có nghĩa là địa ngục, hay là chỗ của kẻ bị đoạ đày. Một nơi như thế cũng đang mở toang ra ở trước mặt Đức Giêhôva. Chúng ta không biết địa ngục ở đâu, cùng mọi nỗi thống khổ của nó; trừ phi “qua một tấm gương tối”, chúng ta không bao giờ nhìn thấy những việc khủng khiếp mà mắt thường không sao trông thấy được. Vùng đất kinh khủng đó là một vùng đất chẳng ai hề biết tới. Chúng ta có nhiều lý do để cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã đặt vùng đất ấy xa khỏi nơi cư ngụ của người chết đang sinh sống, để những nỗi khổ, tiếng than, tiếng la thét, sẽ không được nghe thấy ở đây, hoặc giả chính quả đất sẽ trở thành địa ngục, là chốn hình khổ không thể nói hết được. Đức Chúa Trời đã đặt ở đâu đó, ngoài lề quản trị của Ngài, một cái hồ đầy nước mắt cháy luôn với lửa và diêm; Ngài ném vào trong hồ ấy các thiên sứ loạn nghịch, là những kẻ (giờ đây được phép tới lui trên mặt đất) đang mang cả một địa ngục bên trong tấm lòng của họ, rồi bị xiềng xích bên cạnh nhau, dành cho họ là bóng đen tăm tối vì đã không giữ đấng bậc của mình, mà đã chìa tay loạn nghịch của họ ra chống lại Đức Chúa Trời. Chúng ta không dám nhìn vào một nơi như thế. Có lẽ chẳng ai có được một ý tốt về tình trạng khổ ải của kẻ bị hư mất. Lý lẽ sẽ quay cuồng ở một bối cảnh kinh khủng như thế. Một phút lắng nghe tiếng la thét đinh tai nhức óc của linh hồn bị khổ ải đó, sẽ đẩy chúng ta đời đời chìm sâu xuống tận cùng thất vọng, và khiến cho chúng ta bị buộc vào xiềng xích đang khi chúng ta còn sinh sống ở trên đất. Chúng ta sẽ trở thành những người mất trí thôi. Nhưng trong khi Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót bao phủ, che chở chúng ta không phải gặp các cảnh ngộ nầy, Ngài biết rõ hết thảy chúng ta; Ngài chăm sóc cho chúng ta; phải, chính cái thấy của Ngài biến địa ngục ra như thế đấy. Ánh mắt của Ngài, đầy dẫy sự giận, loé ra ánh chớp, đụng đến kẻ thù Ngài; môi miệng của Ngài, đầy dẫy sấm sét hãi hùng, xẹt tia chớp thẳng vào kẻ dữ. Ôi, có thể nào họ tránh thoát được ánh mắt của Đức Chúa Trời, làm sao họ không nhìn thấy nét kinh khủng trên gương mặt của Đấng Oai Nghi của các từng trời, khi ấy địa ngục sẽ bị dập tắt; lúc đó mấy cái bánh xe của cối đá sẽ dừng lại, và tội nhân sẽ thôi không còn khát nữa và được ăn uống cho đến no nê. Nhưng ở đó, trong khi họ nằm trong xiềng xích của họ, họ ngước mắt nhìn lên, và họ trông thấy cái nhìn đáng sợ của Đấng Chí Cao; hai bàn tay đáng sợ kia nắm lấy lưỡi sét, môi miệng khủng khiếp kia toát ra sấm sét, và ánh mắt mang nỗi sợ hãi kia loé ra những ngọn lửa thiêu đốt linh hồn họ, với mọi sự kinh khủng còn sâu sắc hơn cả nỗi thất vọng nữa. Phải, địa ngục, rất là kinh khiếp, và bị che khuất trong nhiều đám mây, bóng tối tăm bao phủ nó, đã bị trần trụi ở trước cái nhìn của Đấng Chí Cao.
Có lẽ thật rất quan trọng đã được thốt ra - “Âm phủ và chốn trầm luân còn ở trước mặt Đức Giê-hô-va thay”. Theo sau câu nầy là một mệnh đề nghe dường dễ chịu hơn – “phương chi lòng của con cái loài người!”
II.- Giờ đây chúng ta bước qua LẼ THẬT QUAN TRỌNG ĐÃ ĐƯỢC THỐT RA.
Khi bước qua phần thứ hai ngắn ngủi nầy, tôi sẽ bàn đề tài nầy: Quí vị hãy chú ý ở đó lời bàn nầy: “phương chi lòng của con cái loài người!” Vì lẽ đó, tôi sẽ bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao nối theo sau câu nói ở trên lại là tấm lòng của con người đã được Đức Chúa Trời trông thấy chứ?” Tại sao – bằng cách nào – cái gì – khi nào – sẽ là bốn câu hỏi phân chia những điều chúng ta sẽ bàn bạc ở đây.
1./ Tại sao phải nói rõ như thế chứ!?! “Âm phủ và chốn trầm luân còn ở trước mặt Đức Giê-hô-va thay”, tấm lòng của con người cũng được Ngài trông thấy rõ như thế sao!?!
Chúng ta trả lời, vì tấm lòng của loài người không rộng rãi giống như lãnh vực của sự chết và sự hình khổ. Tấm lòng của con người là gì nào? Bản ngã của con người là gì nào? Há con người không được sánh với con cào cào trong Kinh Thánh sao? Há Đức Chúa Trời không tuyên bố rằng Ngài “dỡ các cù lao lên” – toàn bộ các cù lao đầy ắp người – “như một đồ vật nhỏ? Và các dân trước mặt Ngài giống như một giọt nước nhỏ trong thùng sao?” Vậy thì nếu, con mắt nhìn thấy mọi sự của Đức Chúa Trời liếc sơ qua các khu vực rộng lớn của sự chết – và chúng thật rộng lớn, rộng lớn đủ để làm giật mình bất cứ người nào đang tìm cách vượt qua chúng – nếu, tôi nói, với một cái liếc sơ qua Đức Chúa Trời nhìn thấy sự chết và thấu suốt cả âm phủ, với hết thảy chiều sâu không đáy của nó, với mọi thống khổ không biên giới của nó, chắc chắn, Ngài hoàn toàn nắm được mọi hành động của một vật nhỏ được gọi là tấm lòng của con người. Giả sử một người kia rất khôn ngoan, có thể nhận biết được mọi nhu cần của một quốc gia và nhớ lại các cảm xúc của hàng chục ngàn con người, quí vị không thể cho là khó khăn cho người ấy trong việc nhận ra mọi hành động của chính gia đình mình và hiểu rõ các xúc cảm của người nhà mình. Nếu người kia có thể giang rộng cánh tay mình qua một không gian rộng lớn, rồi nói: “Ta là vua của mọi sự nầy”, chắc chắn người ấy có quyền điều khiển vật nhỏ nhất. Người nào trong sự khôn ngoan của mình có thể trải qua hàng bao thế kỷ sẽ không nói rằng mình thiếu hiểu biết lịch sử của một năm; người nào có thể ngụp lặn dưới đáy sâu của khoa học và hiểu rõ lịch sử của toàn thế giới từ chỗ sáng tạo của nó, sẽ không hoảng hốt bởi một vật nhỏ nhoi đang xuất hiện tại cửa nhà mình. Không, Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy sự chết và địa ngục, Ngài nhìn thấy tấm lòng của chúng ta vì chúng không lớn lao cũng không xa cách lắm đâu.
Hãy suy gẫm một lần nữa đi, chúng không xa cách lắm đâu. Sự chết là một ông vua già cỗi lắm; hắn là vị vua duy nhứt mà triều đại của hắn vốn mau qua. Kể từ thời Ađam hắn chưa hề có ai kế tục, và hắn chưa hề có một khoảng ngắt quảng nào trong sự trị vì của hắn. Cây gậy bằng gỗ mun của hắn đã giơ cao lên đối cùng thế hệ nầy đến thế hệ khác; cây lưỡi hái của hắn đã gặt lấy nhiều cánh đồng trên mặt đất nầy cả trăm lần, và đã được mài thật bén để cắt gọt chúng ta, rồi khi thế hệ khác tiếp nối chúng ta, hắn vẫn sẵn sàng cắn nuốt đoàn đông người, và quét sạch mặt đất một lần nữa. Nhiều khu vực của sự chết đều là những khu vực xưa cũ; mấy cây cột màu đen bằng đá granite đều cũ rích như các đồi núi đời đời kia. Sự chết mắc miếng mồi của nó lâu rồi ở trên đất, kể từ khi Ađam còn sinh sống ở đấy. Các loài thọ tạo mạnh sức kia đã làm cho tóc mình bạc đi với sức lực của họ, và khuấy động cả đất bằng những tiếng dậm chân của họ – các thứ già cỗi kia được mấy người con thiên nhiên sanh ra, mấy loài thọ tạo mạnh sức đã sinh sống rất lâu ở đây, từ khi Ađam còn bước đi trong vườn Êđen – sự chết đã biến họ thành miếng mồi của hắn: giống như một gã thợ săn mạnh sức kia đâm ngọn giáo vào con thằn lằn khỗng lồ kia rồi đè nó xuống đất, và giờ đây chúng ta đào nó lên từ ngôi mộ bằng đá, và lấy làm lạ hết sức khi nhận ra nó. Hắn là một ông vua già cỗi; nhưng già cỗi cũng giống y như hắn vậy, toàn bộ thể chế chuyên quyền của hắn nằm trong sổ sách của Đức Chúa Trời, và cho tới khi chính sự chết dãy chết, và bị nuốt mất trong sự đắc thắng, sự chết sẽ mở toang ra trước mặt Chúa. Sự chết quá già cỗi là dường nào – già cỗi giống như tội lỗi đầu tiên vậy. Trong cái ngày mà Satan cám dỗ các thiên sứ, và làm lạc đường một phần ba các ngôi sao ở trên trời, khi ấy địa ngục đã bị đào cho sâu hơn; khi ấy cái hố sâu không đáy các hòn đá cứng báo thù không đụng đến nó, mà chỉ có cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời mới có thể đụng đến nó, theo như sổ sách của Đức Chúa Trời ghi lại. Những ngọn lửa của địa ngục không phải mới nhóm lên ngày hôm qua; chúng là những ngọn lửa xa xưa đã được nhóm lên từ lâu kể từ khi Vesuvius ném ra tia lửa khủng khiếp của nó. Trước khi bụi tro bị nung nấu rãi khắp đất từ những miệng núi lửa đỏ hực kia, các ngọn lửa của địa ngục chúng ta đang bật mở chúng; vì “Tô-phết đã sửa soạn từ xưa; sắm sẵn cho vua. Nó sâu và rộng, trên có lửa và củi thật nhiều; hơi thở của Đức Giê-hô-va như suối lưu hoàng nhúm nó”, hãy nhóm nó lên đi. Vậy thì, nếu các vật đời xưa, những thứ quá xưa cũ nầy, sự chết và địa ngục, đã được Đức Chúa Trời lưu ý tới, và nếu toàn bộ lịch sử của chúng được Ngài biết đến, thì Ngài còn biết rõ lịch sử của các loài vi sinh vật là dường nào, loài thiêu thân chỉ sống trong một tiếng đồng hồ, mà chúng ta gọi là loài người kia! Quí vị có mặt ở đây hôm nay, rồi qua đi vào ngày mai; chào đời ngày hôm qua – qua giờ tới sẽ nhìn thấy mộ địa mình đã được sắp sẵn rồi, và giây phút khác sẽ nghe được: “bụi về với bụi, tro về với tro”, rồi chui vào bên trong nắp quan tài mà nằm. Chúng ta là loài thọ tạo của một ngày, mà chẳng biết gì hết. Chúng ta chỉ vừa mới có mặt ở đây thôi; chúng ta chỉ sống rồi để chết mà thôi. “Qua đời”, là phần quan trọng nhất của lịch sử chúng ta. Chúng ta chỉ có thì giờ đủ để kể lại câu chuyện, rồi nó mau mau đi tới kết cuộc của nó. Chắc chắn Đức Chúa Trời hiểu dễ dàng lịch sử của một con thú dữ, khi Ngài biết rõ lịch sử của các ông vua sự chết và địa ngục.
Đây là lý do tại sao. Tôi không cần phải đưa ra những lời bình sâu xa, dù có nhiều điều có thể suy diễn ra từ câu gốc. “Phương chi lòng của con cái loài người!”
2./ Còn bây giờ, Đức Chúa Trời nhận biết tấm lòng bằng cách nào? Tôi muốn nói ở cấp độ nào và tầm cỡ nào mà Ngài hiểu biết điều chi có ở trong con người? Tôi trả lời, ở nhiều chỗ trong Kinh Thánh cung ứng cho chúng ta nhiều thông tin rất quí báu. Đức Chúa Trời biết rõ tấm lòng đến nỗi Kinh Thánh nói Ngài “dò” được nó. Hết thảy chúng ta đều hiểu “dò” có ý nghĩa như thế nào rồi. Có một lịnh khám xét nhà để nghịch lại một người bị xem là chứa chấp kẻ phản bội. Viên sĩ quan đi thẳng vào phòng dưới lầu, mở cửa từng tủ một, quan sát từng căn buồng, săm soi từng góc xó, lấy xâu chìa khoá, đi xuống tầng hầm, lật từng cục than lên, xốc đống củi ra, e rằng có ai lẫn trốn trong đó. Ông ta đi lên lầu, có một căn phòng cũ không mở cửa trong nhiều năm trời, -- ông ta mở cửa phòng đó ra. Có một cái rương thật lớn, ông ta lắc ổ khoá, cái rương bị mở ra khi ổ khoá bị gãy. Họ khám xét cả mái nhà, xem coi có ai lẫn trốn trên đó không!?! Sau cùng, khi cuộc khám xét xong rồi, viên sĩ quan nói: “Khó có ai trốn được ở đây, vì từ mái nhà cho tới tận nền, tôi đã lục soát căn nhà khắp nơi, tôi biết rõ có mấy con nhện, vì tôi đã khám hết ngôi nhà rồi”. Bây giờ, Đức Chúa Trời biết rõ tấm lòng cũng y như thế đấy. Ngài dò xét nó – tìm kiếm từng góc xó, khe hở, và từng phần kín đáo; và hình ảnh của Chúa được đẩy vào cách lặng lẽ. Kinh Thánh cho chúng ta biết: “ngọn đèn của Đức Giê-hô-va, dò thấu các nơi ẩn bí của lòng”. Giống như khi chúng ta muốn tìm kiếm một thứ gì đó, chúng ta lấy cây đèn, rồi nhìn xuống đất với sự quan tâm tỉ mỉ, rồi xới đất lên. Nếu chúng ta muốn tìm một đồng tiền nhỏ, chúng ta đốt đèn lên, quét nhà cho kỹ, cẩn thận tìm kiếm cho tới khi nào chúng ta tìm đặng đồng tiền đó. Cũng một thể ấy với Đức Chúa Trời. Với nhiều ngọn đèn Ngài tìm kiếm Jerusalem, rồi đưa từng thứ ra ánh sáng. Ngài tìm kiếm, giống như Laban, chẳng bỏ sót một chi tiết nào, khi ông ta đi đến căn lều của Rachên tìm kiếm mấy cái tượng. Nàng đã đặt chúng ở dưới yên lạc đà, rồi ngồi lên trên chúng; còn Đức Chúa Trời nhìn thấu vào trong cái yên của con lạc đà, và mọi thứ. “Đức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng?” dò xét tấm lòng, rồi nhìn thấy từng chi tiết ở trong đó.
Trong một phân đoạn khác, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đang tìm cách kiểm tra thật chặt chẽ. Kiểm tra chặt chẽ còn hơn là điều tra nữa. Người thợ bạc khi ông ta lấy vàng ra, quan sát nó, rồi thử nó một cách cẩn thận. Ông ta nói: “A!, nhưng tôi chưa hiểu rõ vàng nầy đâu, tôi cần phải thử đã”. Ông ta ném nó vào lò lửa; ở đấy mấy cục than được thổi cho nóng lên, vàng bị chảy ra, cho tới chừng ông ta biết đâu là cáu cặn, đâu là vàng. Bây giờ, Đức Chúa Trời biết rõ trong chúng ta có bao nhiêu vàng và bao nhiêu cáu cặn. Không một điều gì có thể dối gạt được Ngài. Ngài đã đặt tấm lòng chúng ta vào lò lửa Toàn Tri của Ngài; lò lửa – tri thức của Ngài – đang thử chúng ta một cách trọn vẹn giống như nồi dót kim loại thử vàng của người thợ bạc – có bao nhiêu thứ đạo đức giả, có bao nhiêu sự thật – có bao nhiêu nghị lực, bao nhiêu chơn thật – bao nhiêu thiếu hiểu biết, bao nhiêu hiểu biết – bao nhiêu tin kính, bao nhiêu xúc phạm – bao nhiêu sự cẩn trọng, bao nhiêu vô ý. Đức Chúa Trời biết mọi thành phần của tấm lòng; Ngài làm cho linh hồn co cụm lại giống như thứ kim loại mới tinh khôi; Ngài tách nó ra – bao nhiêu tinh thể, bao nhiêu vàng, bao nhiêu chất cáu cặn, rác rưỡi, gỗ, cỏ khô, rơm rạ, bao nhiêu vàng, bao nhiêu bạc, và bao nhiêu đá quí. “Đức Giêhôva dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng của con cái loài người”.
Đây là phần mô tả khác về sự hiểu biết của Đức Chúa Trời về tấm lòng. Trong một chỗ của Kinh Thánh -- (thật lấy làm tốt cho quí vị, nếu quí vị bảo con cái mình về nhà tìm kiếm những chỗ nầy) – Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời đang cân nhắc tấm lòng. Bây giờ, quí vị biết rồi đấy, chữ Latinh ponder (cân nhắc) có nghĩa là weigh (cân đo, xem xét cẩn thận). Đức Giêhôva cân đo tấm lòng. Có một bức tranh chỉ về cái cân, đầu cân bên nầy người ta đặt tấm lòng, rồi đặt luật pháp, Kinh Thánh, vào đầu cân bên kia, để cân nó. Đây là cách Đức Chúa Trời đang làm với tấm lòng của con người. Chúng thường là những thứ làm cho người ta vênh mặt tự đắc. “Tấm lòng của con người là thế đấy”. Nhưng Đức Chúa Trời không xét đoán theo bề ngoài của tấm lòng cao trọng của con người, cũng không xét đoán theo cái bề ngoài tốt đẹp của tấm lòng đâu; nhưng Ngài để tấm lòng ấy lên cân rồi cân nó – đặt Lời của Ngài ở đầu cân bên kia và tấm lòng ở đầu cân bên nầy. Ngài đang biết chính xác mức cân đo – biết chúng ta có ơn ở trong lòng, là thứ làm cho mức cân ra đúng, hoặc có sự giả vờ ở trong lòng, làm cho mức cân ra nhẹ khi ấn cần cân. Ngài dò xét tấm lòng bằng nhiều phương thức khả thi, Ngài đặt nó vào trong lửa, rồi ném nó lên cân. Ồ, nguyện Đức Chúa Trời không nói với nhiều người trong số quí vị: “Ta đã dò xét tấm lòng của các ngươi, và ta chẳng tìm được chi ở trong đó? Có thể gọi các ngươi là bạc phóng đảng; vì Đức Chúa Trời đã đặt các ngươi vào trong lò lửa và đã từ chối các ngươi”. Và Ngài có thể kết thúc phần phán quyết của Ngài bằng câu nói: “Mê-nê; Mê-nê, Tê-ken – các ngươi đã bị cân trên cái cân và thấy là kém thiếu”. Vậy thì, đây là câu trả lời cho thắc mắc, bằng cách nào?
3./ Thắc mắc kế tiếp là, cái gì? Đức Chúa Trời tìm gì trong tấm lòng của con người? Đức Chúa Trời nhìn thấy trong tấm lòng của con người một việc quan trọng hơn chúng ta tưởng Đức Chúa Trời đang, và đã nhìn thấy trong tấm lòng của chúng ta, tư dục, phạm thượng, giết người, tà dâm, tính hiểm độc, giận dữ, cùng mọi thứ độc ác khác. Tấm lòng không bao giờ được tô màu đen đậm, trừ phi quí vị bôi bẩn nó với thứ bột màu đen hơn chính ma quỉ. Cái nền của nó vốn là vậy đấy. Quí vị chưa phạm tội tà dâm, quí vị chưa phạm tội giết người ở trong lòng; quí vị chưa làm ô uế hai bàn tay mình với tư dục, và ăn nói tục tỉu. Nhưng nó vẫn có ở đấy, trong tấm lòng. Quí vị chưa bao giờ nghĩ tới một việc ác sao? Linh hồn của quí vị chưa bao giờ chú về một khoái lạc trong một phút sao, há nó trong sạch đến nỗi không ham muốn sao, trong một phút ấy quí vị không thấy thoả mãn và vui thích chút ít sao!?! Sự tưởng tượng, dù là thầy tu ở trong căn phòng nhỏ, há chẳng phác họa ra tội ác lớn lao hơn những kẻ đang sống đời thường hay mơ ước sao? Và chẳng lẽ nhà thần học ở trong phòng kín của mình không ý thức được rằng những lời nói phạm thượng, và tội giết người, cùng các tư dục của giai cấp xấu xa nhất, có thể tìm được một bến bờ sẵn sàng ở trong tấm lòng mà người mong đem hiến dâng cho Đức Chúa Trời? Ồ, quí bạn yêu dấu ơi, đây là một bối cảnh mà mắt thường của con người không sao chịu nổi: bối cảnh một tấm lòng trần trụi bị đem đặt trước sự tra xét kỹ lưỡng của một Đấng sẽ làm cho chúng ta phải giật mình sửng sốt: nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng với mọi thú tính của nó, trong mọi sự phiêu bạt và loạn nghịch của nó, trong mọi sự kiêu căng và vui thích cao độ của nó; Đức Chúa Trời đã dò xét và biết tấm lòng ấy rất là rõ nét.
Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi sự tưởng tượng của tấm lòng, và mọi điều chúng có khiến cho chúng ta không thể nói ra được. Ôi hỡi con cái của Đức Chúa Trời, mọi điều nầy sẽ khiến cho quí vị phải than khóc, và mặc dù có những sự khóc than đối với các sự ấy, Ngài vốn thấu rõ chúng rồi. Ồ, tấm lòng đúng là một con lợn tưởng tượng bẩn thỉu; mọi thứ kín giấu trong nó, khi nó bắt đầu nhảy múa và tạo ra những thứ bừa bãi và hoan lạc có liên quan tới tội lỗi. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn thấy mọi thứ tưởng tượng của tấm lòng.
Một lần nữa, Đức Chúa Trời nhìn thấy những chỗ xấu xa của tấm lòng. Có lẽ, quí vị, hỡi những tội nhân, đã quyết định rủa sả Đức Chúa Trời; quí vị chưa làm như thế, nhưng quí vị đã định làm như thế. Ngài biết rõ mọi tật xấu của quí vị -- Ngài đọc thấy chúng vanh vách. Có lẽ quí vị sẽ không được phép chạy ùa vào sự phóng đảng mà quí vị tính nhào vào đó; nhưng chính mục đích của quí vị giờ đây đang chịu sự thẩm tra của Đấng Chí Cao. Chẳng có một ý định nào bị luyện lọc trong ngọn lửa của tấm lòng, trước khi nó bị đập trên cái đe kiên quyết bởi Giêhôva Đức Chúa Trời.
Kế đó, Ngài biết rõ mọi cách giải quyết của tấm lòng. Hỡi tội nhân, Ngài biết rõ có bao nhiêu lần quí vị tính ăn năn, và cứ tính đi tính lại, và rồi cứ tiếp tục sống y như nguyên cũ. Ngài biết rõ, khi quí vị mắc bịnh tật, quí vị tính tìm kiếm Đức Chúa Trời, song quí vị xem thường cách giải quyết của chính mình, khi sức khoẻ tốt đẹp, quí vị tưởng mình đã qua được mối nguy hiểm tạm thời. Những quyết tâm của quí vị đã chất đống ở trên trời, cùng mọi lời hứa hẹn mà quí vị đã phá vỡ, các lời thề hứa bị xem khinh, hết thảy chúng sẽ trở thành những vật chứng cho sự quí vị bị xét đoán. Đức Chúa Trời vốn biết rõ hết mọi sự nầy rồi. Chúng ta thường đưa ra minh chứng rõ ràng về sự Đức Chúa Trời biết rõ điều chi có ở trong lòng người, thậm chí trong chức vụ nữa. Cách đây mấy tháng, khi đang giảng đạo, tôi chỉ vào một người ở giữa đám đông, rồi nói mấy câu như thế nầy: “Có một người ngồi ở đàng kia, là một người thợ đóng giày, cứ mở cửa tiệm của mình vào các ngày Chúa nhựt, cửa tiệm của ông ta mở cửa vào sáng Chúa nhựt vừa rồi, thâu được 9 xu, và – lời được 4 xu. Linh hồn của ông ta đã bán cho Satan để lấy 4 xu”. Một vị Giáo sĩ kia, khi đi quanh phần phía Tây cuối phố, đã gặp một người nghèo, ông hỏi người ấy một câu nầy: “Ông có biết Ông Spurgeon không?” Ông thấy người ấy đang đọc một bài giảng. Người ấy đáp: “Thưa biết ạ! Tôi có từng lý do để biết ông ấy, tôi đã nghe ông ấy giảng đạo, và tùy theo ân điển của Đức Chúa Trời, tôi đã trở thành một người mới”. Người ấy nói tiếp: “Nhưng tôi sẽ nói cho ông biết làm sao để được như thế. Tôi đến giảng đường, rồi ngồi vào giữa hàng ghế kia, và ông ấy nhìn thẳng vào tôi giống như thể ông ấy đã quen biết tôi nhiều lắm vậy, rồi nói với hội chúng rằng tôi là một người thợ đóng giày, và tôi đã bán giày vào ngày Chúa nhựt; và tôi có bán, thưa ông. Nhưng, ông ơi, tôi chẳng có để ý chi việc đó; nhưng ông ấy nói tôi đã lấy 9 xu vào Chúa nhựt trước, và được lãi 4 xu, và làm cách nào ông ấy biết, tôi không thể nói được. Điều nầy đánh mạnh vào tôi, giống như Đức Chúa Trời phán với linh hồn tôi qua ông ấy vậy; và tôi đã đóng cửa tiệm vào ngày Chúa nhựt, rồi sợ hãi không dám mở cửa, e ông ấy lại bủa vào tôi một lần nữa”. Tôi có thể kể lại rất nhiều câu chuyện giống trường hợp đó đã xảy ra tại giảng đường nầy, là nơi tôi đã chỉ vào ai đó, mà không có sự quen biết trước, hoặc có ý nghĩ những điều mình nói là đúng, trừ phi tôi tin tôi đã được cảm thúc bởi Đức Thánh Linh; và nhấn mạnh sự việc được thốt ra, đến nỗi có những người khi ra khỏi nhà thờ, họ nói: “Hãy đến, xem một người đã nói về tôi mọi việc mà tôi đã làm, Đức Chúa Trời đã sai ông ấy đến với linh hồn tôi, không nghi ngờ chi hết”.
Và không những thế, nhưng chúng ta đã biết qua các trường hợp trong đó tư tưởng của loài người đã được tỏ ra từ toà giảng. Đôi khi tôi đã nhìn thấy nhiều người thúc khuỷu tay với những lần nhướng mày, vì họ đã bị đụng đến, và tôi có nghe họ nói, lúc họ đi ra: “Đây đúng là những gì tôi nói với bạn khi mới bước vào cửa đấy”. Người kia đáp: “A! Tôi đã nghĩ tới cái điều mà ông ấy nói, và ông ấy đã nói với tôi về điều đó”. Giờ đây, nếu Đức Chúa Trời minh chứng sự Toàn Tri của Ngài bằng cách giúp đỡ cho tôi tớ đáng thương, dốt nát để nói ra đúng sự việc, tư tưởng và việc đã làm ra, khi tôi tớ không biết việc ấy, thì sự việc ấy đã minh chứng rằng Đức Chúa Trời vốn biết rõ mọi sự kín nhiệm, vì chúng ta thấy Ngài nói điều đó ra với con người, và giúp họ nói ra điều đó cho nhiều người khác biết. Ồ, quí vị có thể rất nổ lực để che giấu mọi lầm lỗi với Đức Chúa Trời, nhưng không nghi ngờ chi nữa, Ngài sẽ tìm ra quí vị. Ngài tìm ra quí vị chính hôm nay. Lời của Ngài: “xem xét tư tưởng và ý định trong lòng”, và “thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt tủy”, và trong những ngày sau rốt nầy, khi quyển sách được mở ra, và Ngài sẽ ban cho từng người bản án tuỳ theo việc làm của họ, khi ấy sự hiểu biết của Đức Chúa Trời về mỗi người tuỳ việc họ làm là chính xác, quí báu, và riêng tư là dường nào.
4./ Và bây giờ là thắc mắc sau cùng: khi nào? Khi nào Đức Chúa Trời xem xét chúng ta? Câu trả lời là: Ngài xem xét chúng ta khắp mọi nơi và trong từng vị trí một. Ôi hỡi kẻ dại dột kia, ngươi tưởng mình trốn khỏi Đấng Chí Cao sao!?! Bây giờ là buổi tối đây, không mắt thường nào nhìn thấy ngươi; tấm màn kéo lại, và ngươi đi trốn tránh. Có đôi mắt của Ngài đang hạ thấp xuống nhìn chăm vào ngươi trong bóng tối. Trong một xứ xa, chẳng ai biết ngươi, bố mẹ và bạn bè đã bị bỏ lại sau lưng, chẳng có gì ngăn trở hết. Có một Đức Chúa Cha đang ở gần ngươi, Ngài đang nhìn chăm vào ngươi trong lúc bây giờ. Đây là một nơi kín đáo, và nếu việc làm đã được làm ra, không một lưỡi nào có thể thuật lại việc làm đó. Có một lưỡi trên thiên đàng sẽ thuật lại việc làm đó; phải, cây đòn tay trên bức tường, và các hòn đá ở ngoài đồng, chúng sẽ chỗi dậy như những chứng nhân nghịch lại ngươi đấy. Ngươi có thể trốn đâu đó mà Đức Chúa Trời chẳng tìm ra ngươi sao? Cả thế giới nầy không giống như chiếc tổ ong kia, trong đó chúng ta có thể đặt vào mấy con ong của mình riêng sao? Và phải chăng Đức Chúa Trời không chỗi dậy và xem xét mọi động lực của chúng ta khi chúng ta nghĩ chúng ta đang ẩn trốn sao? A, đó chỉ là một nơi ẩn nấp mà thôi. Ngài nhìn xuống từ trên trời, và xuyên qua các bức tường và xuyên qua các rặng đá; phải, ngay chính giữa đó, ánh mắt Ngài sắc bén, và trong bóng tối dày đặc nhất Ngài thấy rõ mọi động tĩnh của chúng ta.
Vậy thì, hãy đến, cho phép tôi đưa một ứng dụng riêng cho nan đề nầy. Nếu đây là sự thực, hỡi kẻ đạo đức giả, ngươi dại dột là dường nào! Nếu Đức Chúa Trời có thể đọc được tấm lòng, thì sự giả vờ của ngươi quả là đáng buồn làm sao! A!a!a! có một sự thay đổi đang lướt qua quí vị rồi đó. Thế giới nầy là một buổi dạ vũ hoá trang, và quí vị, phần nhiều người trong quí vị, đang mang chiếc mặt nạ tôn giáo. Quí vị đang khiêu vũ trong những giờ giấc quay cuồng, và có nhiều người tưởng quí vị là hạng thánh đồ của Đức Chúa Trời. Quí vị thay đổi như thế nào, tại cánh cỗng đời đời, quí vị phải đeo kính che chắn, và phải tuyên bố những sân khấu mà quí vị đang sinh sống trong đó! Quí vị thẹn đỏ mặt dường bao khi màu phấn son bị rửa sạch khỏi má của mình – khi quí vị đứng trước mặt Đức Chúa Trời trần trụi với nỗi xấu hổ của quí vị, một kẻ giả hình, ô uế, đồi bại, bịnh hoạn, che đậy với những thứ loè loẹt và mưu mẹo của hình thức giả vờ trong tôn giáo, còn bây giờ đang đứng ở đó, mất trí, ô uế, và che đậy! Có nhiều thứ mà một người đang mang lấy cho mình một chứng ung thư thấy được gây bịnh cho mình. Ồ, đạo đức giả dường bao khi tấm lòng mắc chứng ung thư của họ bị bày ra trần trụi. Hỡi ông chấp sự! Ông sẽ run sợ thế nào khi tấm lòng cũ rích của ông bị xé toạc ra, và những sự vờ vĩnh của ông bị phơi bày! Hỡi Mục sư kia ơi! Trông ông đen đúa là dường nào khi chiếc áo lễ bị cỡi ra, và khi những sự vờ vĩnh kia bị ném cho loài chó! Ông sẽ run rẩy là dường nào! Khi ấy sẽ không có giảng dạy gì cho người khác nữa hết. Bản thân ông sẽ được Kinh Thánh giảng cho nghe, và bài giảng sẽ lấy từ câu gốc nầy: “Hãy dang xa ta, hỡi ngươi là kẻ bị rủa sả”. Hỡi anh em ơi, sự giả hình sẽ lộ ra hết. Nếu anh em bị rủa sả, hãy yên lòng, và bị rủa sả như hạng người thành thực; nhưng tôi nài xin anh em, đừng giả vờ lên thiên đàng trong khi mọi thời gian anh em sinh sống là bị đùa đến địa ngục. Nếu anh em muốn biến nơi ở của mình thành một nơi dằn vặt cho đến đời đời, thì hãy phục vụ cho ma quỉ đi, và đừng xấu hổ về điều đó; hãy đứng cho thẳng lên, và làm cho thế giới biết anh em đang sống như thế nào!?! Nhưng mà, đừng khoác chiếc áo choàng tôn giáo lên mà chi. Tôi nài xin anh em, đừng thêm vào nỗi đau khổ đời đời của anh em bằng cách làm chiên đội lốt sói. Hãy tỏ ra đôi chân trần; đừng che giấu nó mà chi. Nếu anh em muốn đi địa ngục, hãy nói đi. “Nếu Giêhôva là Đức Chúa Trời, hãy theo Ngài. Nếu Ba anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn”. Đừng hầu việc Ba anh rồi cứ giả vờ là đang phục vụ Đức Chúa Trời.
Một phần kết luận thực tiễn khác. Nếu Đức Chúa Trời xem xét và biết rõ mọi sự, điều nầy khiến cho anh em run sợ là dường nào – anh em đã sinh sống trong tội lỗi nhiều năm rồi! Tôi có biết một người từng thôi không còn có hành động tội lỗi nữa bởi sự thực có một con mèo ở trong phòng. Ông ta chịu không nổi khi có ánh mắt của con vật đáng thương đó nhìn vào ông ta. Ồ, tôi muốn anh em liên tưởng lại ánh mắt ấy luôn luôn nhìn vào anh em. Hỡi kẻ chuyên thề thốt kia! Lẽ nào ngươi cứ thề một khi ngươi có thể nhìn thấy ánh mắt của Đức Chúa Trời đang nhìn chăm vào ngươi chớ? Hãi tên trộm cướp kia! Hỡi gã say xỉn kia! Hỡi cô gái điếm kia! Lẽ nào ngươi cứ lao vào tội, một khi ngươi nhìn thấy ánh mắt Ngài đang nhìn chăm vào ngươi? Ồ, tôi cho rằng chúng sẽ nhìn trừng trừng vào anh em và bảo anh em hãy dừng lại, trước khi anh em loạn nghịch chống lại luật pháp của Ngài ở trước mặt Ngài. Có một câu chuyện kể lại về cuộc nội chiến ở Mỹ, một tù phạm do người Mỹ bắt bị đem nhốt tù. Anh ta nói: “Tôi bị nhốt vào ngục rất hẹp; người ta chu cấp cho tôi mọi thứ tôi cần; nhưng có một kẻ hở trên bức tường, và qua kẻ hở đó, cả ngày và đêm, có một tên lính luôn luôn nhìn chăm vào tôi”. Anh ta nói: “Tôi không thể yên nghỉ được, tôi không thể ăn uống, không làm được một việc gì hết, vì luôn luôn có ánh mắt đó – một ánh mắt dường như không nhắp nháy, không nhắp mắt nữa – luôn luôn theo dõi tôi quanh nhà ngục nhỏ bé đó. Không một điều chi giấu khỏi ánh mắt ấy”. Giờ đây, hãy đem về nhà hình ảnh đó. Hãy nhớ lại, đây là tình trạng của quí vị; quí vị đang bị đóng kín bởi các bức tường hẹp của thời gian, khi quí vị ăn, và khi quí vị uống, khi quí vị thức dậy, và khi quí vị nằm trên giường ngủ của mình, khi quí vị bước đi trên đường phố, hay khi quí vị đang ngồi trong nhà, ánh mắt ấy luôn luôn hướng vào quí vị. Hãy về nhà ngay bây giờ và phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời, nếu quí vị dám; hãy về nhà ngay bây giờ và phá vỡ luật pháp trước mặt Ngài, và cứ xem thường Ngài, và hãy xem Ngài như chẳng có đi! Hãy lao vào sự huỷ diệt của riêng mình; hãy tự đụng mạnh vào cái khiên của Đức Giêhôva, và tự huỷ diệt mình khi lao vào thanh gươm của chính Ngài! Mà nầy, thay vì làm thế, hãy nghe: “Hỡi người, hãy trở lại! Hỡi người, hãy trở lại!” Hỡi người, hãy trở lại, hỡi ngươi là kẻ đã chạy theo các con đường tội lỗi, ngươi hãy trở lại cùng Đức Chúa Trời mà sống; và chính Đấng Toàn Tri kia là sự khủng khiếp của ngươi, giờ đây là khoái lạc của ngươi. Hỡi tội nhân kia ơi! Nếu ngươi cầu nguyện trong lúc bây giờ, Ngài đang dò xét ngươi; nếu ngươi than khóc, Ngài đang dò xét ngươi. “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn”. Sự thể sẽ y như thế đối cùng ngươi, nếu giờ đây ngươi quay trở về với Đức Chúa Trời và tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ Con Ngài.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét