Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Danh của Ngài — Đấng Mưu Luận



Danh của Ngài — Đấng Mưu Luận
Giảng ngày 26 tháng Chạp năm 1858 của Mục sư C. H. Spurgeon tại Giảng đường Music,
Royal Surrey Gardens
“Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận” — Êsai 9.6.
Sáng Chúa nhựt vừa qua, chúng ta đã xem xét tước hiệu đầu tiên: "Danh Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ Lùng". Sáng nay chúng ta bước qua danh xưng thứ nhì: "Đấng Mưu Luận". Tôi không cần phải nhắc lại phần nhận xét, dĩ nhiên là các tước hiệu nầy chỉ thuộc về Đức Chúa Jêsus Christ mà thôi, và chúng ta không thể hiểu được câu gốc nếu không gán tước hiệu ấy cho Đấng Mêsi — là Vua. Chính bởi một kẻ hay mưu mẹo mà thế gian nầy sẽ bị hủy diệt. Có phải Satan tự đội lốt con rắn, rồi mưu mẹo cùng người nữ với những diệu kế cực kỳ, đến nỗi nàng tự hái trái hiểu biết điều thiện và điều ác, với hy vọng bởi đó nàng sẽ ra giống như Đức Chúa Trời không? Há có phải mưu ác ấy đã khích mẹ chúng ta nổi loạn nghịch cùng Đấng Tạo Hoá của mình, và tác dụng của tội lỗi đã đem sự chết vào trong thế gian nầy với cả chuỗi khốn nạn của nó không? A! bạn yêu dấu ơi, như vậy thế gian cần phải có một Đấng Mưu Luận để phục hồi nó lại, nếu nó có một kẻ hay mưu mẹoc đặng hủy diệt nó. Chính bởi sự mưu mẹo mà thế gian đã sa ngã và chắc chắn, nếu không có mưu luận thì nó sẽ không bao giờ chổi dậy được nữa. Nhưng hãy đánh dấu những khó khăn vây quanh một Đấng Mưu Luận như thế xem. Thật là dễ bày mưu ác; nhưng bày mưu khôn khéo thì khó lắm! Phá đổ thì dễ dàng lắm, còn gây dựng thì khó dường bao! Làm cho thế gian nầy lầm lẫn, rồi gây cho nó tất cả chuổi tật bịnh là một việc rất dễ. Một người nữ hái trái cây và công việc phá đổ đã được thực hiện; nhưng phục hồi lại trật tự cho sự hỗn độn nầy, để quét sạch mọi sự ác đã tràn lan trên khắp cả đất xinh đẹp nầy, đúng đây là công việc, và "Đấng Lạ Lùng" chính là Đấng Christ đã đến trước để nổ lực lo liệu công việc, và Ngài trong sự khôn ngoan dư dật của Ngài chắc chắn đã hoàn thành công việc ấy, cho chính sự tôn quí và vinh hiển của Ngài, và cho sự yên ủi và an ninh của chúng ta.
Giờ đây chúng ta sẽ bước vào sự bàn luận về tước hiệu nầy, là tước hiệu đã được ban cho Đấng Christ, một tước hiệu đặc biệt ban cho Đấng Cứu Chuộc của chúng ta; và bạn sẽ thấy lý do tại sao tước hiệu ấy đã được ban cho Ngài và lý do tại sao phải cấp thiết cần có một Đấng Mưu Luận như thế.
Bây giờ, Đức Chúa Jêsus Christ Chúa chúng ta là Đấng Mưu Luận theo 3 ý nghĩa. Thứ nhứt, Ngài là Đấng Mưu Luận của Đức Chúa Trời; Ngài ngồi trong phòng mật nghị của Vua trên trời; Ngài có quyền bước vào phòng riêng, và là Đấng Mưu Luận với Đức Chúa Trời. Trong chỗ thứ hai, Đấng Christ là Đấng Mưu Luận theo ý nghĩa mà bản dịch 70 gán cho từ ngữ nầy. Đấng Christ được xem là thiên sứ của hội nghị quan trọng. Ngài là Đấng Mưu Luận trong nơi ấy để Ngài truyền đạt cho chúng ta vì ích của Đức Chúa Trời, những gì đã được bàn bạc trong hội nghị quan trọng trước khi lập nền thế gian. Và thứ ba, Đấng Christ là Đấng Mưu Luận cho chúng ta và với chúng ta, vì chúng ta có thể cầu hỏi với Ngài, Ngài bàn bạc và khuyên chúng ta bước theo đường chánh đáng và lối bình an.
I. Vậy thì hãy bắt đầu với điểm thứ nhứt, Đấng Christ đã được gọi là Đấng Mưu Luận, vì Ngài là ĐẤNG MƯU LUẬN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI. Và ở đây chúng ta hãy nói với sự kính trọng, vì chúng ta sắp sửa bước vào một đề tài rất quan trọng. Sự việc cho chúng ta thấy rằng trước khi thế gian hiện hữu, khi Đức Chúa Trời chưa dựng nên các ngôi sao, trước khi bầu không gian kia được trải ra, Đức Chúa Trời Toàn Năng đã tổ chức một cuộc họp quan trọng với chính mình Ngài; Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh đã tham dự một buổi họp với nhau, về những gì họ sắp sửa thực hiện. Buổi họp ấy, mặc dù chúng ta đọc rất ít về nó trong Kinh Thánh, chắc chắn đã được tổ chức; chúng ta có nhiều dấu vết của buổi họp đó, vì đây là một lẽ đạo mờ ảo không một người nào có thể vượt qua được thứ ánh sáng ấy, và không thể lý giải được, như đối với một số lẽ đạo khác, tuy nhiên chúng ta có những dấu vết liên tiếp nhau và những sự nhắc nhở về buổi họp lớn lao, tuyệt vời và đời đời đó, buổi họp đã được tổ chức giữa Ba Thân Vị vinh hiển của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trước khi thế gian bắt đầu. Thắc mắc đầu tiên mà chúng ta có là, tại sao Đức Chúa Trời lại tổ chức buổi họp nầy? Và ở đây, chúng ta phải trả lời, rằng Đức Chúa Trời không tổ chức một buổi họp vì bất kỳ một thiếu hụt nào trong tri thức của Ngài, vì Đức Chúa Trời vốn hiểu biết mọi sự từ lúc ban đầu; tri thức của Ngài là toàn bộ những gì là cao thượng, và vô hạn là toàn bộ tri thức ấy, vô hạn cao cả hơn mọi sự gì được kể là cao thượng nữa. Ôi hỡi Đức Chúa Trời, Ngài có những tư tưởng con người không sao dò tới được, và Ngài biết chẳng có một kẻ hay chết nào có thể đạt tới được. Một lần nữa, Đức Chúa Trời cũng không tổ chức bất kỳ một hội nghị nào để làm tăng thêm sự thoả mãn của Ngài cả. Quí vị ơi, khi họ đã quyết định những gì phải làm, đôi khi họ sẽ phải tìm kiếm mưu luận của bạn bè họ, vì họ nói: "Nếu lời khuyên của họ nhất trí với ý của tôi, lời khuyên ấy thêm cho sự thoả lòng của tôi, và tôi khẳng định với quyết tâm của mình". Nhưng Đức Chúa Trời đã vui thoả đời đời với chính mình, và chẳng cần biết cái bóng của một sự hồ nghi đang che lấp mục đích của Ngài; vì lẽ đó, hội nghị không được tổ chức với bất kỳ một động lực hay dự tính nào thuộc loại đó. Một lần nữa, hội nghị cũng không được tổ chức theo quan điểm cân nhắc; Con người phải để ra nhiều tuần lễ, nhiều tháng và đôi khi nhiều năm trời, để suy nghĩ về một vấn đề có nhiều khó khăn vây quanh; họ phải tìm cho ra manh mối với nhiều nghiên cứu; khép kín đối với quần chúng, họ phải thay hết áo nầy đến áo khác, trước khi họ tìm ra sự thực đã được phanh phui cả thảy. Đối với Đức Chúa Trời thì không phải như vậy. Những sự cân nhắc của Đức Chúa Trời loé lên như những tia chớp; chúng thực khôn ngoan giống như thể Ngài đã xem xét từ đời nào vậy, nhưng mọi tư tưởng của lòng Ngài, dù mau lẹ như tia chớp, vốn trọn vẹn như toàn bộ hệ thống của vũ trụ. Lý do tại sao Đức Chúa Trời được giới thiệu như đang tổ chức một hội nghị, nếu tôi nghĩ đúng, là như vầy: chúng ta phải hiểu Đức Chúa Trời khôn ngoan là dường nào. "Trong hằng hà sa số mưu luận, có sự khôn ngoan". Chúng ta phải nghĩ rằng trong hội nghị của Ba Ngôi đời đời đó, mỗi Thân Vị trong Ba Ngôi đều là toàn tri và đầy dẫy khôn ngoan, ở đó phải là toàn bộ mọi sự khôn ngoan. Và một lần nữa, hội nghị nầy tỏ ra sự nhất trí và cộng tác của các Thân Vị Thánh. Đức Chúa Cha không một mình làm việc gì trong sự sáng tạo hay sự cứu rỗi. Đức Chúa Jêsus Christ không làm việc gì một mình; thậm chí công tác chuộc tội của Ngài, phải nói rằng Ngài đã không ở một mình theo một ý nghĩa nào đó, đã cần đến bàn tay nâng đỡ của Đức Thánh Linh, và nụ cười đồng ý của Đức Chúa Cha, trước khi công tác ấy hoàn tất. Đức Chúa Trời không phán: "Ta sẽ dựng nên con người", mà phán: "Chúng ta hãy dựng nên loài người theo chính hình tượng của chúng ta". Đức Chúa Trời không những phán: "Ta sẽ cứu", nhưng suy ra từ những lời công bố của Kinh Thánh, ý định của ba thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời phước hạnh là cứu lấy một người cho chính họ, kẻ ấy sẽ tỏ ra sự khen ngợi họ. Cho nên, vì cớ chúng ta, chớ không phải vì cớ Đức Chúa Trời, buổi họp đã được tổ chức — để chúng ta biết sự nhất trí của những thân vị vinh hiển, và sự khôn ngoan sâu sắc của các mưu luận họ.
Có một nhận xét khác về hội nghị. Có thể thắc mắc: "Đâu là những đề tài được cân nhắc trong hội nghị đầu tiên đã được tổ chức trước khi sao mai biết vị trí của nó, và các hành tinh quay theo vòng của mình?" Chúng ta đáp: "Đề tài đầu tiên là sự sáng tạo". Trong phân đoạn Kinh Thánh chúng ta đã đọc, (Châm ngôn 8) thì biết rằng Đức Chúa Jêsus Christ, chính Ngài tiêu biểu là Đấng Khôn Ngoan, đã có mặt với Đức Chúa Trời trước khi thế gian được dựng nên, và chúng ta có từng lý do để tin rằng chúng ta cần phải hiểu điều nầy như muốn nói rằng không những Ngài đã ở với Đức Chúa Trời như một tập thể, mà còn với Đức Chúa Trời như sự cộng tác nữa. Hơn nữa, chúng ta có các phần Kinh Thánh khác minh chứng rằng "Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài". Và trưng dẫn phân đoạn Kinh Thánh khác giải quyết lẽ thật nầy. Đức Chúa Trời phán: "Chúng ta hãy làm nên loài người"; đây là một phần trong sự tham luận có quan hệ tới việc dựng nên thế gian, cùng các loài thọ tạo để ở trong thế gian đó. Tôi tin rằng trong hội nghị tối cao đời đời ấy, những ngọn núi đã được đem lên cân, các ngọn đồi phải được thăng bằng; vấn đề đã được ấn định trong hội nghị tối cao là biển sẽ trải ra bao xa, và đâu là các giới hạn của nó — khi nào mặt trời mọc và lặn đi, giống như một gã khỗng lồ từ những căn phòng tối tăm của mình, và khi nào nó trở lại với chiếc giường ngủ nghỉ của nó. Thế rồi Đức Chúa Trời quy định ngay khi Ngài phán: "Phải có sự sáng", và lúc nào mặt trời sẽ biến vào bóng tối tăm, và mặt trăng biến thành cục huyết. Tiếp đến Ngài ấn định hình thái và tầm cỡ của từng thiên sứ, rồi số phận của từng tạo vật; rồi Ngài phác hoạ trong tư tưởng vô hạn của Ngài, chim phượng hoàng khi nó tung cánh lên khoảng không và con trùng khi nó chui vào lòng đất. Thêm những vật lớn, cũng như vật nhỏ, giây phút cũng như sự rộng lớn, đều đến theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Có quyển sách đã được viết ra, trong đó Tấn sĩ Watts hát —
"Một quyển sách được buộc vào ngôi của Ngài,Với mọi số phận của loài người,Với hình thái và tầm cỡ của từng thiên sứ,được vẽ ra bởi ngòi viết đời đời".
Đấng Christ là Đấng Mưu Luận trong công cuộc sáng tạo; chẳng có ai khác bày vẽ cho Ngài; không một người nào dạy dỗ Ngài. Đấng Christ là Đấng Mưu Luận cho mọi công tác kỳ diệu của Đức Chúa Trời.
Đề tài thứ hai đã được bàn bạc trong hội nghị nầy là công tác của Đức Chúa Trời. Ngài không hành động đối với thế gian nầy giống như một người kia làm ra một chiếc đồng hồ, rồi để cho nó chạy theo phương thức riêng của nó cho tới khi nó thôi chạy nữa; Ngài là Đấng giám sát từng cái bánh xe trong bộ máy của Đức Chúa Trời. Ngài chẳng bỏ sót một thứ gì cho chính nó. Chúng ta nói tới những luật bao quát, và các triết gia cho chúng ta biết rằng thế gian được cai quản bằng các luật lệ, và họ gạt bỏ Đấng Toàn Năng ra khỏi vòng thắc mắc. Giờ đây, làm sao một đất nước được cai quản bằng các luật lệ lại tách rời ra khỏi Đấng có quyền, hay ra khỏi những quan toà, các quan cai trị để bày tỏ ra luật pháp? Mọi luật lệ có thể nằm trong sách luật, nhưng gạt bỏ hết cảnh sát, gạt bỏ từng quan cai, dẹp bỏ đi toà thượng thẩm, luật pháp sẽ được sử dụng như thế nào? Luật pháp không thể quản cai nếu không có đại biểu năng động để thể hiện chúng; thiên nhiên cũng không thể tiến hành theo đúng chu kỳ đời đời của nó được, bởi sức mạnh của luật pháp. Đức Chúa Trời là quyền lực cao cả trên hết muôn vật; Ngài có mặt trong mọi sự. Không những Ngài tạo ra muôn vật, mà bởi Ngài muôn vật tồn tại. Từ trong cõi đời đời, Đấng Christ là Đấng Mưu Luận cho Cha của Ngài về sự khôn ngoan — khi nào người đầu tiên đã được dựng nên, khi nào người đi phiêu bạt, và lúc nào người được phục hồi — khi nào vị vua đầu tiên dấy lên,và lúc nào mặt trời của nó sẽ mọc lên — dân sự của người sẽ được đặt ở đâu, họ sẽ trú ngụ bao lâu, và họ sẽ được dời đi đâu. Có phải Đấng Chí Cao phân chia các nước làm cơ nghiệp của họ không? Há có phải Ngài chỉ định biên giới cho chúng ta ăn ở không? Ồ! Hỡi kẻ kế tự thiên đàng, trong ngày hội lớn lao đó, Đấng Christ đã bàn luận với Cha Ngài gánh nặng của những cơn thử thách của Ngài, bằng với số lượng thương xót của Ngài, nếu chúng có thể đếm được, và với thời gian, phương thức và phương tiện bởi đó bạn sẽ được đem đến cho chính mình Ngài. Hãy nhớ, chẳng có một điều gì xảy ra trong đời sống hàng ngày của bạn, nhưng những gì là trước hết trong mọi sự đã được nghĩ ra trong cõi đời đời, Đức Chúa Jêsus Christ đã bàn bạc vì ích và tốt lành cho bạn, mọi sự hiệp lại vì ích cho bạn đến đời đời. Nhưng mà bạn ơi, những chiều sâu khôn ngoan không thể dò được đã được tính tới, khi Đức Chúa Trời tham luận với chính mình Ngài, khi chiếu đến quyển sách khôn ngoan kia! Ô, quả là khôn ngoan kỳ diệu đối với bạn và tôi! Trông nó chẳng giống như dòng kẻ zig-zag, chỗ nầy rồi chỗ kia, phía sau phía trước, giống như các chuyến hành trình của con cái Israel trong đồng vắng? A! anh em của tôi ơi, nhưng đối với Đức Chúa Trời đây là một đường thẳng. Đức Chúa Trời luôn luôn trực tiếp với đối tượng của mình, còn đối với chúng ta, Ngài thường đi vòng quanh. A! Hỡi Gia-cốp, Đức Giêhôva dường cung cấp cho ông trong xứ Ai cập, khi có nạn đói kém trong xứ Canaan, và Ngài sắp sửa lập Giô-sép lên cao và đáng trượng. Giô-sép phải bị bán đi làm nô lệ; ông bị vu cáo sai lầm, ông bị bỏ xuống hố, và ông phải chịu khổ trong chỗ ngục tù. Còn Đức Chúa Trời cứ thẳng thừng với mục đích của Ngài. Ngài đã sai Giô-sép đi trước họ xuống xứ Ai cập để lo tiếp trợ cho họ, và khi vị tộc trưởng già nua kia lên tiếng: "Mọi tai vạ nầy đổ lại trên tao", ông không lường được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, vì chẳng có một việc nhỏ nào trong toàn bộ danh sách chống lại ông cả, nhưng mọi sự đều được định sẵn cho hạnh phúc của ông. Chúng ta hãy học biết trao sự khôn ngoan vào tay của Đấng Mưu Luận, chúng ta hãy yên nghĩ dám chắc rằng Ngài rất khôn ngoan không thể sai lầm trong sự tiền định của Ngài, và quá nhơn từ không thể tử tế được, và trong hội nghị đời đời đó, điều tốt đẹp nhất cần ấn định đã được ấn định — nếu quí vị và tôi có mặt ở đó, chúng ta không thể bị định cho có phân nửa tốt lành đâu, mà chúng ta tự làm mình ra dại dột đời đời làm những việc mà mình chẳng biết tận tường. Rốt lại, đến cuối cùng chúng ta sẽ thấy mọi sự đếu tốt đẹp, và phải tốt đẹp cho đến đời đời. Ngài là “Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận", vì Ngài bàn bạc về các vấn đề thuộc Đức Chúa Trời.
Và giờ đây hãy đề cập tới các vấn đề của ân điển. Cũng đã được bàn bạc trong hội nghị đời đời kia. Khi Ba Thân Vị trong chỗ riêng tư trang trọng chỉ một mình họ bàn bạc với nhau khi tham khảo tới các việc làm của ân điển, một trong những việc đầu tiên họ phải xem xét là, Đức Chúa Trời sẽ công bình như thế nào và sự tự xưng công bình của kẻ bất kỉnh — làm thế nào để thế gian làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Vì vậy quí vị nên đọc trong sách Xachari, nếu quí vị mở ra ở chương 6 và câu 13, câu nầy chép như sau: "và sẽ có mưu hòa bình ở giữa cả hai". Con của Đức Chúa Trời với Cha của Ngài và Đức Thánh Linh, đã ấn định hội nghị về hoà bình. Vậy là hội nghị đã được sắp đặt. Đức Chúa Con phải chịu khổ, Ngài phải làm sự thay thế, phải gánh lấy tội lỗi của con người và chịu án phạt thay cho họ; Đức Chúa Cha phải chấp nhận sự thay thế của Đức Chúa Con và để cho dân sự Ngài được tự do, vì Đấng Christ đã trả nợ cho họ rồi. Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống khi ấy phải thanh tẩy dân sự bằng huyết của Ngài để được tha thứ, và họ phải được tiếp nhận trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha. Đấy là kết quả của cuộc hội họp quan trọng. Nhưng nầy anh em của tôi ơi, nếu sự ấy không có trong hội nghị đó, có thắc mắc nào còn lại chưa được giải quyết không? Quí vị và tôi cũng chưa hề nghĩ tới cách thức làm sao cho hai bên gặp nhau — làm sao cho sự thương xót và sự công bình sẽ hôn nhau trên dãy núi tội lỗi của chúng ta. Tôi luôn luôn suy nghĩ rằng một trong những minh chứng quan trọng nhất, ấy là Tin lành thuộc về Đức Chúa Trời, sự khải thị của Tin lành ấy là Đấng Christ chịu chết để giải cứu tội nhân. Đấy là một tư tưởng theo nguyên thủy, mới mẻ, tuyệt vời; quí vị không nhận được tư tưởng ấy trong bất kỳ một tôn giáo nào khác trong thế gian; tư tưởng ấy đã đến từ Đức Chúa Trời. Như tôi nhớ mình đã nghe từ một người không học vấn, thất học nói, khi lần đầu tiên tôi trao đổi với ông ta câu chuyện đơn sơ về cách thức Đấng Christ chịu án phạt trong chỗ của con người. Ông ta bật nói trong sự kinh ngạc: "Đức tin ư! Đấy là Tin lành, tôi biết mà; không một người nào có thể dựng lên việc ấy; chỉ có Đức Chúa Trời thôi". Tư tưởng tuyệt vời ấy, rằng một Đức Chúa Trời chính Ngài phải chịu chết, rằng chính Ngài sẽ gánh lấy tội lỗi chúng ta, rằng Đức Chúa Cha có quyền tha thứ và đưa ra chính xác án phạt, là người-trời, siêu thiên sứ; chớ không phải chêrubin và sêraphin có thể là những nhà phát minh ra công thức ấy. Nhưng tư tưởng đó trước hết đã đập vào lý trí của Đức Chúa Trời trong các hội nghị của cõi đời đời, khi "Đấng Lạ Lùng, Đấng Mưu Luận", đã có mặt với Cha Ngài.
Một lần nữa, đây là một phần khác nữa của hội nghị quan trọng đó — ai sẽ được cứu. Giờ đây, hỡi quí bạn tôi ơi, quí vị nào không thích tín điều xưa kia của Calvin có lẽ sẽ lấy làm khủng khiếp lắm, nhưng tôi không thể làm chi được cả; tôi không hề thay đổi một tín điều nào mà tôi tin làm đẹp lòng bất kỳ người nào đang bước đi ở trên đất; nhưng tôi sẽ minh chứng từ Kinh thánh rằng tôi có sự ưng chuẩn của Đức Chúa Trời về vấn đề nầy, đây không phải là phần sáng chế của tôi đâu. Tôi dám nói rằng một phần trong hội nghị đời đời kia là sự tiền định của những kẻ mà Đức Chúa Trời quyết định giải cứu, và tôi sẽ đọc cho quí vị nghe phân đoạn Kinh thánh nói tới sự việc ấy: "Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán". Sự định trước của từng người trong dân sự của Đức Chúa Trời đã được sắp xếp tại hội nghị đời đời đó, ở đấy ý định của Đức Chúa Trời sẽ ngự trị như trọng tài tối cao, không thể tranh cãi với được. Ý định ấy nói tới từng người được chuộc: "Trong giờ đó ta sẽ bởi ân điển mà gọi người, vì ta yêu thương người với tình yêu đời đời, và bởi lòng thương xót ta sẽ kéo người đến". Tình yêu ấy bắt nguồn khi huyết chỉ về sự bình an đã được đổ ra trên lương tâm của kẻ được chọn, khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời hằng sống sẽ hà hơi vui mừng và yên ủi vào trong tấm lòng người. Tình yêu ấy định liệu thể nào người được chọn "là kẻ bởi đức tin nhờ quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho”; và sự ấy đã được quyết định và lo liệu “bởi hai điều chẳng thay đổi, và về hai điều ấy, Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối”, rằng mọi người nầy sẽ được cứu cho đến đời đời, qua khỏi bóng của sự hư mất. Sứ đồ Phaolô không giống như một số các nhà truyền đạo khác, họ rất sợ phải nói ra một câu về hội nghị đời đời kia, vì ông nói trong thư tín Hêbơrơ — "Đức Chúa Trời cũng vậy, muốn càng tỏ ra cho những kẻ hưởng lời hứa biết ý định Ngài là chắc chắn không thay đổi, thì dùng lời thề". Giờ đây, quí vị nghe một người nói về sự chẳng thay đổi của lời hứa, điều ấy là tốt lành. Nhưng tính cách không đổi của mưu luận của Đức Chúa Trời — dò xét tới tận cùng những tín điều nói tới ân điển. Hội nghị của Đức Chúa Trời từ suốt cõi đời đời là bất biến; không một ý định nào mà Ngài từng thay đổi cả, không một chiếu chỉ nào đã được đổi thay, Ngài đã đóng đinh mọi chiếu chỉ của Ngài vào các cột trụ của cõi đời đời, và mặc dù ma quỉ đã tìm cách gỡ chúng xuống khỏi những cây cột kia trong cung điện nguy nga của Ngài, dầu vậy, Ngài phán: "ta đã lập Vua ta Trên Si-ôn là núi thánh ta"; chiếu chỉ được lập vững vàng; tôi sẽ hết lòng vui mừng. Vì Ngài đã làm những sự mới lạ, là những mưu đã định từ xưa, cách thành tín chân thật, ban đầu Ngài đã dựng nên trời và đặt nền của đất, Ngài đã định mọi chương trình và ý định của Ngài, và chúng sẽ đứng vững bền cho đến đời đời.
Tôi nghĩ tôi đã loan báo đủ thể nào Đấng Christ là Đấng Mưu Luận rồi, trong mọi việc huyền ảo của cõi thiên nhiên, sự thông sáng, và ân điển, trong phòng hội nghị đời đời của cõi đời đời. Nhưng bây giờ tôi muốn quí vị để ý đâu là lòng thương xót có trong Đấng Mưu Luận với Đức Chúa Trời, và thể nào Đấng Christ thích ứng để trở thành Đấng Mưu Luận ấy. Chính mình Đấng Christ là sự khôn ngoan. Các thiên sứ không thể so bì với Ngài được; mà Ngài chính là Đức Chúa Trời khôn ngoan duy nhứt. Nếu một kẻ dại muốn trở thành một tay mưu luận, mưu luận của hắn là dại dột lắm, nhưng khi Đấng Christ mưu luận, mưu luận của Ngài đầy dẫy sự khôn ngoan. Nhưng có đức tính khác rất cần có nơi một tay mưu luận. Dầu một người rất là khôn ngoan, người ấy không có quyền trở thành tay mưu luận với một vì vua, trừ phi người có tước vị cao và chỗ đứng đáng trọng. Trong hội chúng của tôi có một vài người rất có tài, nhưng nếu bạn tôi tự giới thiệu mình với ban trị sự rồi đưa ra lời khuyên của ông ta, có lẽ ông ấy sẽ bị gạt bỏ, vì họ sẽ nói: “Có phải ông là mưu sĩ của vua không; nếu không, ông có quyền gì mà đứng ở đây?" Bây giờ, Đấng Christ rất là vinh hiển; Ngài đồng đẳng với Cha của Ngài, vì lẽ đó Ngài có quyền làm mưu sĩ cho Đức Chúa Trời — mưu luận với Đức Chúa Trời. Há có thiên sứ nào dâng mưu kế mình cho Đức Chúa Trời, như thế sẽ là xấc láo không thể chịu được; há chê-ru-bin và sê-ra-phim tình nguyện dâng lên một lời mưu luận, điều nầy sẽ là phạm thượng lắm đấy. Ngài sẽ không lấy một mưu luận nào từ loài thọ tạo của Ngài. Tại sao sự khôn ngoan phải gập mình xuống từ ngai của nó, mưu luận với kẻ dại dột được dựng nên? Nhưng vì Đấng Christ cao hơn mọi quyền, mọi phép và mọi danh vang ra, vì lẽ ấy Ngài có quyền, không những từ sự khôn ngoan của Ngài, mà từ đẳng cấp của Ngài, để trở thành một Đấng Mưu Luận với Đức Chúa Trời.
Nhưng có một việc luôn luôn là cần thiết nơi một con người, trước khi chúng ta có thể vui mừng nơi sự trở thành một tay mưu sĩ của người ấy. Có những tay mưu sĩ về pháp chế trong xứ sở của chúng ta, nơi họ quí vị và tôi không thể vui nhiều được, vì chúng ta cảm thấy rằng trong mưu luận của họ hầu hết trong số chúng ta đều bị hất qua một bên. Những người bạn chuyên về nghề nông của chúng ta có lẽ sẽ vui mừng nơi họ; họ sẽ bàn bạc với mọi xu hướng của họ, không nghi ngờ chi nữa; nhưng có ai nghe nói tới một tay mưu luận, là kẻ mưu luận vì người nghèo chưa? Hoặc trong những năm rồi đã nghe nói nhiều như lời gợi ý đến tên tuổi của một người, người nầy thực sự bàn bạc về kinh tế và về lợi ích của xứ sở của người. Chúng ta có nhiều người hứa hẹn với chúng ta là họ sẽ mưu luận vì chúng ta — nhiều người lắm, nếu chúng ta muốn, trừ phi đưa họ trở lại với quốc hội chắc chắn họ sẽ tuôn đổ sự khôn ngoan đó ra vì ích cho chúng ta, chúng ta sẽ là hạng người vui sướng nhất trong thế gian theo lời hứa của họ. Nhưng than ôi! Khi họ bước vào chức vụ rồi, họ không còn lòng dạ nào cảm thông với chúng ta nữa; họ thuộc về một đẳng cấp khác đối với hầu hết chúng ta, họ không còn cảm thông với những nhu cần và các ước muốn của giai cấp trung lưu và của người nghèo nữa. Nhưng, đối với Đấng Christ, chúng ta có thể đặt từng sự tin cậy ở nơi Ngài, vì chúng ta biết trong hội nghị ấy từ cõi đời đời Ngài đã đồng cảm với con người. Ngài phán: "Sự vui thích ta ở nơi con cái loài người". Phước thay cho loài người có một Đấng mưu luận, Ngài lấy làm vui thích nơi họ! Hơn nữa, mặc dù khi ấy Ngài chưa phải là con người, thế mà đã thấy trước Ngài sẽ trở thành "xương bởi xương chúng ta và thịt bởi thịt chúng ta", và vì thế trong những mưu luận của cõi đời đời, Ngài đã đưa ra lời biện hộ của chính mình khi Ngài biện hộ cho chúng ta, vì Ngài biết rất rõ Ngài sẽ bị thử thách trong mọi sự giống như chúng ta, và phải gánh chịu những đau khổ của chúng ta rồi trở thành đầu giao ước trong sự hội hiệp với chúng ta. Đấng Mưu Luận thật tử tế thay! Tôi thích nghĩ Ngài đã có mặt trong hội nghị đời đời đó, quí bạn tôi ơi, hỡi anh em tôi, đã ra đời trong nghịch cảnh!
II. Sau khi bàn bạc điểm thứ nhứt, tôi sẽ tiến hành xem xét vắn tắt điểm thứ hai, theo bản dịch 70. Đấng Christ là THIÊN SỨ CỦA HỘI NGHỊ ẤY. Có phải quí vị và tôi muốn biết điều chi đã được nói ra và đã được làm ra trong hội nghị đời đời ấy không? Phải, chúng ta muốn thế. Tôi xem thường bất kỳ người nào, dù người ấy là ai, không muốn biết đôi điều về số phận. Điều chi chỉ ra sự dốt nát của hạng người bình dân, khi họ đến với thầy phù thủy, kẻ giả ngụy? Khi họ hỏi han nhà chiêm tinh, và đọc sách bói? Tại sao, nói như thế nghĩa là con người muốn biết đôi điều về hội nghị đời đời kia. Và muốn biết mọi nghiên cứu phức tạp về những con người có trong những lời tiên tri? Tôi thường tra xem những lời kết rút ra từ những lời tiên tri chẳng khác gì hơn những tiên đoán của mụ phù thuỷ Norwood, và mấy người đó quá bận rộn trong việc nói trước kỳ tận thế của thế gian, tốt hơn họ nên được sử dụng để nói trước về sự cuối cùng của sách báo của họ, và đừng lên khuôn in ấn những lời tiên đoán, thử giải thích những lời tiên tri, mà chẳng có một nền tảng nào hết. Nhưng, từ chỗ cả tin của họ, chúng ta có thể học hỏi, rằng giữa giai cấp cao hơn cũng như giữa vòng những kẻ dốt nát, có một ước muốn phải biết rõ những lần hội nghị của cõi đời đời. Hỡi bạn yêu dấu, chỉ có một tấm gương qua đó quí vị và tôi có thể nhìn vào bóng tối tăm của quá khứ đã bị che phủ, rồi đọc những mưu luận của Đức Chúa Trời, và tấm gương ấy chính là thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Có phải tôi muốn biết những gì Đức Chúa Trời đã ấn định khi quan tâm đến sự cứu rỗi con người từ trước khi sáng thế không? Tôi nhìn vào Đấng Christ; tôi thấy điều đó đã được ấn định trong Đấng Christ, Ngài là người đầu tiên được chọn, và một dân sẽ được chọn ở trong Ngài. Có phải quí vị thắc mắc phương thức mà Đức Chúa Trời đã ấn định dùng để giải cứu chăng? Tôi trả lời đây, Ngài đã ấn định để giải cứu bằng thập tự giá. Có phải quí vị thắc mắc Đức Chúa Trời đã ấn định tha thứ như thế nào chăng? Câu trả lời đến ngay, Ngài đã ấn định tha thứ qua những sự thương khó của Đấng Christ, và xưng công bình qua sự sống lại ra khỏi kẻ chết của Ngài. Mọi sự quí vị muốn biết khi quan tâm đến những gì Đức Chúa Trời đã ấn định, mọi sự quí vị cần phải biết, quí vị có thể tìm được trong thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Và một lần nữa, tôi có ao ước muốn biết bí mật của số phận không? Tôi phải nhìn xem Đấng Christ. Điều chi đã làm cho những cuộc chiến, sự hỗn loạn, những áo xống vấy đầy máu như vậy? Tôi thấy Đấng Christ do một nữ đồng trinh sanh ra, và rồi tôi đọc lại lịch sử của thế giới, tôi thấy mọi sự nầy dẫn tới sự đến của Đấng Christ. Tôi thấy tất cả những điều nầy nương vào nhau, giống như tôi thấy đống đá nương vào nhau vậy, và Đấng Christ là vầng đá góc, chồng lên trên đó là cả đống lịch sử trong quá khứ. Và nếu tôi muốn đọc về tương lai, tôi nhìn vào Đấng Christ, và tôi học được rằng Ngài là Đấng đã thăng thiên về trời, sẽ trở lại từ trời theo đúng tư thế mà Ngài đã lên trời vậy. Vì thế tất cả tương lai đủ rõ ràng cho tôi rồi. Tôi không biết Giáo Hoàng của La mã có nhận được đế quốc hay không; tôi không quan tâm đế quốc của người Nga có nuốt gọn các nước trong đại lục hay không; có một điều tôi biết, Đức Chúa Trời sẽ lật đổ, lật đổ, lật đổ, cho tới chừng Ngài ngự đến, quyền tể trị là của Ngài; và tôi biết mặc dù loài côn trùng ăn nuốt thân thể tôi, tuy nhiên khi sau cùng Ngài đứng ở trên đất, trong xác thịt tôi sẽ nhìn thấy Đức Chúa Trời, và như thế là đủ cho tôi rồi. Tất cả phần còn lại của lịch sử là không quan trọng khi đem sánh với sự cuối cùng, các vấn đề, mục đích của nó. Phần cuối của Giao Ước thứ nhứt là sự đến lần đầu tiên của Đấng Christ; phần cuối của Giao ước thứ nhì của lịch sử hiện đại là sự đến lần thứ hai của Cứu Chúa, khi ấy quyển sách thời gian bị đóng lại. Nhưng không một điều gì có thể mở lịch sử Cựu ước ra rồi kết thúc nó, trừ phi qua Đấng Christ. Ápraham có thể hiểu được điều đó, vì ông biết rằng Đấng Christ sẽ ngự đến; Đấng Christ đã mở quyển sách ra cho ông thấy. Và cũng vậy, lịch sử hiện đại chẳng có ai hiểu nổi trừ phi qua Đấng Christ. Chẳng một ai trừ ra Chiên Con có thể lấy quyển sách rồi tháo từng ấn ra; những người nào tin theo Đấng Christ và trông mong sự đến vinh hiển của Ngài, Ngài sẽ mở quyển sách ra rồi đọc lấy, và có sự hiểu biết, vì trong Đấng Christ có một sự khải thị của những hội nghị đời đời.
Có người nói: “Bây giờ, thưa ông, tôi muốn biết một việc, và nếu tôi đã biết việc ấy, tôi sẽ không lo điều chi sẽ xảy ra. Tôi muốn biết có phải Đức Chúa Trời từ suốt cõi đời đời đã ấn định cho tôi sẽ được cứu hay không!?!" Phải, bạn ơi, tôi sẽ nói cho bạn biết làm cách nào để tìm ra sự ấy, và bạn chắc chắn sẽ tìm ra sự ấy. Có người nói: "Nhưng làm sao tôi biết được sự ấy? Ông không đọc sách nói về số phận; thì biết làm sao được?" Tôi đã nghe nói một số điều thiêng liêng, về một ngôi trường rất kêu, họ nói: "A! Chúa phước hạnh thay, có một số người yêu dấu của Đức Chúa Trời ở đây; tôi có thể nói cho họ biết bằng cách nhìn thẳng vào mặt họ. Tôi biết rằng họ có mặt giữa vòng những kẻ được chọn của Đức Chúa Trời". Ông ta không có phân nửa dè dặt giống như Rowland Hill, là người được khuyên chẳng nên giảng cho ai khác trừ ra người được chọn, nói: "Chắc chắn ông ấy sẽ làm như vậy nếu trước tiên có ai bôi phấn vào lưng tất cả họ". Chẳng có ai từng nổ lực như thế, vì vậy Rowland Hill tiếp tục giảng Tin lành cho từng tạo vật, như tôi đang muốn làm. Nhưng quí vị có thể tìm ra quí vị có mặt giữa vòng những người được chọn của Ngài hay không!?! Có người nói: "Bằng cách nào?" Tại sao, Đấng Christ là thiên sứ của giao ước, và quí vị có thể tìm ra sự ấy bằng cách nhìn vào Ngài. Nhiều người muốn biết sự họ được chọn trước khi họ nhìn xem Đấng Christ. Hỡi bạn yêu dấu ơi, bạn không thể biết được sự mình được lựa chọn, trừ phi khi bạn nhìn xem sự ấy trong Đấng Christ. Nếu bạn muốn biết sự mình được chọn, để bạn chắc lòng ở trước mặt Đức Chúa Trời — Có phải bạn cảm thấy sáng nay mình sắp bị hư mất, là tội nhân không? Hãy đi thẳng đến thập tự giá của Đấng Christ, rồi nói với Đấng Christ rằng bạn đã đọc trong Kinh thánh: "Người nào đến với Ngài, Ngài sẽ chẳng bỏ ra ngoài đâu". Hãy nói với Ngài rằng Ngài đã phán: "Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu". Hãy nhìn vào Đấng Christ và tin cậy nơi Ngài, và bạn sẽ rút được minh chứng về sự mình được chọn cách trực tiếp, vì chắc chắn như bạn tin bạn đã được chọn. Nếu bạn dâng mình trọn vẹn cho Đấng Christ và tin cậy Ngài, thế thì bạn là một trong những người được chọn của Đức Chúa Trời; nhưng nếu bạn dừng lại và nói: "Trước tiên tôi muốn biết tôi có được chọn hay không!?!” điều nầy quả là khó đấy! Nếu có điều chi bị che đậy, và tôi nói: "Giờ đây, trước khi bạn có thể nhìn thấy điều nầy, bạn phải vén bức màn lên"; và bạn nói: "Nầy, nhưng tôi muốn nhìn thấy ngay qua bức màn đó”, không thể đâu bạn ơi. Trước tiên hãy vén bức màn thì bạn sẽ nhìn thấy. Hãy đến với Đấng Christ, bạn thể nào hãy đến với Ngài thể ấy. Hãy bỏ lại sau lưng mọi đòi hỏi tò mò về sự mình được chọn. Hãy đi thẳng đến Đấng Christ, bạn thế nào hãy đến thế ấy, đen đúa, trần truồng, chẳng có một xu dính túi, nghèo khổ và nói:
"Tôi chẳng đem theo gì trong tay,Tôi chỉ bám lấy thập tự giá của Ngài"
Và bạn sẽ biết được sự mình được chọn. Sự bảo đảm của Đức Thánh Linh sẽ được trao cho bạn, để bạn có thể nói: "vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó". Bây giờ hãy chú ý điều nầy. Đấng Christ đã có mặt tại hội nghị đời đời đó. Ngài có thể nói cho bạn biết bạn có được chọn hay không, nhưng bạn không thể nhận ra bằng cách nào khác. Bạn đã đi và đặt lòng tin cậy nơi Ngài, và tôi biết câu trả lời sẽ như thế nào rồi. Câu trả lời của Ngài sẽ là: — "Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhân từ mà kéo ngươi đến". Sẽ chẳng có chút nghi ngờ nào về sự Ngài đã lựa chọn bạn, khi bạn chẳng chút hồ nghi về việc bạn đã chọn Ngài.
Điểm thứ hai thì có rất nhiều. Đấng Christ là Đấng Mưu Luận, là thiên sứ của hội nghị, vì Ngài thổ lộ ra những bí mật của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết. "Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính sợ Ngài, tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài".
III. Điểm cuối cùng là: Đấng Christ là ĐẤNG MƯU LUẬN VỚI CHÚNG TA. Và ở đây tôi muốn đưa ra một số gợi ý rất thực tế cho dân sự của Đức Chúa Trời. Hỡi anh em, không cứ cách nào đó, thật là không tốt khi người ta ở một mình. Một người cô độc, tôi nghĩ, là một kẻ rất tội nghiệp, và là một người không có một Đấng Mưu Luận, tôi nghĩ, nhất thiết phải sai phạm. Vua Solomon nói: "Dân sự sa ngã tại không chính trị", tôi nghĩ hầu hết nhiều người sẽ nhận ra điều nầy. Có người nói: "Được thôi, tôi có cách riêng của mình, và tôi sẽ chẳng hỏi han ai cả". Thưa ông, quả như vậy — quả như vậy — và ông sẽ thấy rằng khi có cách riêng có lẽ ông sẽ rơi vào chỗ tệ hại nhất đấy. Hết thảy chúng ta có nhiều lúc đều cảm thấy cần có một ai đó làm mưu sĩ cho. David là một người vừa lòng Đức Chúa Trời và quan hệ mật thiết nhiều với Đức Chúa Trời; nhưng ông còn có Ahitôphe, ông mật nghị với người nầy, và họ đồng đi đến nhà của Đức Chúa Trời. Các vị vua phải có một số cố vấn. Khốn thay cho người nào có một vị mưu sĩ xấu. Rôbôam đã được những người trẻ tuổi bày mưu cho, chớ không phải những người có tuổi, và họ đã bày mưu cho ông để ông mất 10/12 đế quốc của mình. Một số lấy mưu luận của tổ tiên mình. Chúng ta biết nhiều người hỏi han bùa mê thuốc lú, thay vì đến với Đấng Christ. Họ sẽ phải học biết rằng chỉ có một mình Đấng Christ là đáng tin cậy mà thôi; và một Đấng Mưu Luận rất là cần thiết, chẳng ai khác có thể làm phu phỉ sự cần thiết ấy, trừ ra Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng Mưu Luận. Cho phép tôi đưa ra một hay hai lời bình về Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Jêsus Christ.
Thứ nhứt, Đấng Christ là một Đấng Mưu Luận cần thiết. Chắc chắn chúng ta làm bất cứ một việc gì mà không cầu hỏi mưu luận của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ sa vào rối rắm. Israel đã liên kết với dân Gabaôn, và Kinh thánh chép: họ nhận lương thực của dân ấy, và họ không cầu hỏi mưu luận từ nơi miệng của Đức Giêhôva, và họ nhận ra rằng dân Gabaôn đã lừa gạt họ. Nếu trước tiên họ cầu hỏi mưu luận, không một sự dối gạt xảo trá nào xâm nhập được vào họ cả. Saulơ, con trai của Kích, đã chết trước mặt Chúa trên núi Ghinh-bô-a, và trong sách Sử ký câu chuyện nầy đã được ghi lại, ông ta ngã chết vì ông không cầu vấn Đức Chúa Trời, nhưng đã đến cùng thầy phù thủy. Giô-suê, vị Tướng lãnh vĩ đại, khi ông đã được chỉ định kế tục Môise, không phải ra đi một mình, Kinh thánh chép: "Và thầy tế lễ Ê-lê-a-sa sẽ là mưu sĩ cho người, và Ê-lê-a-sa sẽ cầu vấn Đức Giêhôva cho người". Và tất cả những người cao trọng thời xa xưa, khi họ sắp sửa đưa ra một hành động, họ dừng lại, rồi nói với thầy tế lễ: "Hãy đem ê-phót đến đây" rồi người mặc lấy Urim và Thumim vào, đến với Đức Chúa Trời, và câu trả lời đến, và lời khuyên được ban ra ngay. Bạn và tôi sẽ phải học biết cách thức tiếp thu lấy lời tư vấn của Đức Chúa Trời là cần thiết!?! Bạn có bao giờ tìm kiếm lời khuyên của Đức Chúa Trời trên hai đầu gối về điều khó khăn nào đó đến không đúng lúc chưa? Nầy anh em ơi, tôi có thể làm chứng cho Đức Chúa Trời tôi rằng khi tôi đem ý muốn mình đầu phục với Thánh Linh dẫn dắt của Ngài, tôi luôn luôn có lý do để cảm tạ Ngài vì mưu luận khôn ngoan của Ngài. Nhưng khi tôi cầu xin nơi tay Ngài, tôi đã dùng đến ý riêng mình, tôi đã có đường lối riêng của mình, nhưng giống như Ngài đã nuôi dân Isarel bằng chim cút ở trên trời, trong khi thịt tràn ra nơi miệng của họ, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã giáng trên họ. Chúng ta hãy cẩn thận, chúng ta đừng đi trước trụ mây. Người đang đi trước trụ mây đang có mục đích của kẻ dại dột, và sẽ vui lòng quay trở lại sau. Một người theo Thanh Giáo thường nói: "Người nào đang tạc hình ảnh mình, sẽ làm đứt mấy ngón tay của mình. Hãy để cho Đức Chúa Trời tạc thay cho bạn bằng sự khôn ngoan, thì mọi chi tiết sẽ rất đẹp. Hãy tìm kiếm sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời và chẳng một điều gì sẽ sai hỏng cả". Đó là mưu luận rất cần thiết.
Trong chỗ kế tiếp, mưu luận của Đấng Christ là mưu luận rất thành tín. Khi Ahitôphe rời khỏi David, điều nầy minh chứng rằng ông không trung thành, và khi Husai đến gặp Ápsalôm và làm mưu sĩ cho anh ta, ông đã bày ra cho anh ta sự quỹ quyệt, hầu cho mưu luận tốt lành của Ahitôphe bị phá diệt đi. A! bạn bè của chúng ta thường bày mưu quỹ quyệt cho chúng ta! Chúng ta đã biết họ bày mưu như thế. Trước tiên, họ nhìn vào ưu thế của họ, rồi họ nói: "Nếu tôi có thể khiến anh ta làm theo thế nầy, thế nầy, việc ấy sẽ có lợi nhiều nhất cho tôi". Đấy không phải là thắc mắc mà chúng ta đưa ra cho họ. Đấy là những gì sẽ là tốt nhứt cho chính mình. Nhưng chúng ta có thể tin cậy Đấng Christ, trong lời khuyên dạy của Ngài chẳng hề có một lợi riêng nào cả. Ngài sẽ hoàn toàn khuyên dạy chúng ta với những động lực bất vụ lợi, hầu cho chúng ta được lấy điều tốt lành, và lợi ích cho chúng ta.
Một lần nữa, mưu luận của Đấng Christ là mưu luận rất thành thật. Tôi không thích phải đi tới một vị luật sư, để nói với ông ta về các vấn đề thương mại. Tôi nghĩ, loại trao đổi tệ hại nhất là loại trao đổi với luật sư. Có trường hợp của quí vị đấy! Hãy nghe tôi. Bạn sẽ thấy có một phần lợi ích ở trong cuộc trao đổi đó. Bạn bày tỏ vấn đề ra trước mặt ông ta, rồi nói: "Có một câu trên trang thứ nhì hoàn toàn không chính xác". Bạn nhìn vào đấy, rồi bạn nói: "A! không quan trọng lắm đâu; không quan trọng lắm đâu". Ông ta sẽ mở ra một câu khác rồi nói: "A! có chỗ nầy hay đây!" "Ông bạn ơi”, bạn nói: "Tôi không quan tâm đến những chỗ vụn vặt đâu, dầu nó nói tới tài sản, của cải, đất đai, hay di sản. Cái điều tôi muốn ông lo liệu là đưa điểm khó khăn nầy vào quan điểm của pháp luật kìa”. Ông ta đáp: "Hãy kiên nhẫn"; bạn phải trải qua nhiều cuộc trao đổi trước khi ông ta đi đến mục tiêu, Và trong khi tấm lòng bạn đang sôi sụt lên vì bạn cảm thấy có ích lợi ở mục tiêu chính. Còn ông ta thì lạnh như băng; bạn nghĩ bạn đang cầu hỏi tư vấn nơi một tảng đá cẩm thạch. Không nghi ngờ chi nữa, lời khuyên của ông ta sau cùng sẽ được đưa ra, và lời khuyên ấy nhất định sẽ là tốt cho bạn đấy; song chẳng thành thật đâu. Ông ta chẳng bước vào vấn đề với sự đồng cảm với bạn đâu. Vấn đề đối với ông ta, dù bạn có thành công hay không — dù mục tiêu trong lòng bạn có đạt được hay không. Ông ta chỉ nhắm vào tiệc ích nghề nghiệp mà thôi. Giờ đây Vua Solomon nói: "Dầu và thuốc thơm làm khoan khoái linh hồn". Khi một người đặt linh hồn mình vào sự khoan khoái, dễ chịu của bạn, rồi nói: "Bạn yêu dấu ơi, tôi sẽ làm bất cứ điều chi tôi có thể để giúp bạn. Để tôi xem". Và người ấy đặt hết sở thích mình vào việc đó giống như bạn làm cho chính mình vậy. Người ấy nói: "Nếu tôi ở vào địa vị của bạn, tôi sẽ làm như vầy, như vầy, có một câu nói chưa đúng ở đó". Có lẽ người ấy sẽ nói cho bạn biết, nhưng người ấy chỉ nói cho bạn biết vì người ấy lo không chắc mình biết có đúng sự việc hay không! và bạn có thể nhìn thấy sự lờ mờ của người ấy luôn luôn nhắm vào chính chung điểm mà bạn đang tìm kiếm, và người ấy chỉ còn lo về phần ích lợi của bạn mà thôi. Ồ! Vì một Đấng Mưu Luận có thể kết chặt tấm lòng của bạn vào sự nhất trí với mưu luận của Ngài! Giờ đây Đấng Christ chính là một Đấng Mưu Luận thể ấy. Mọi lợi ích của Ngài và mọi lợi ích của bạn đều buộc chặt với nhau, và Ngài rất thành thực với bạn.
Nhưng vẫn còn có một loại mưu sĩ khác nữa.. David nói tới mưu sĩ ấy, là người về sau trở thành kẻ thù của ông: "Chúng tôi đã cùng nhau nghị bàn cách êm dịu" [Thi thiên 55.14). Hỡi Cơ đốc nhân, có phải quí vị biết nghị bàn cách êm dịu ấy là gì không? Bạn có đến với Chủ của mình trong ngày gian nan, và trong sự bí mật của phòng mật nghị, bạn đã dốc đổ tấm lòng ra trước mặt Ngài. Bạn đã đưa trường hợp của mình ra trước mặt Ngài, với mọi khó khăn của nó, như Êxêchia đã làm với bức thư của Ráp-sa-kê, và bạn đã cảm thấy rằng dù Đấng Christ không có mặt ở đó bằng máu bằng thịt, thế mà Ngài đã có mặt ở đó trong thể linh, và Ngài đã mưu luận với bạn. Bạn cảm thấy rằng mưu luận của Ngài đã đến tận đáy lòng. Nhưng Ngài còn tốt hơn thế nữa. Có một sự dịu dàng đến với sự mưu luận của Ngài, như vẽ rạng rỡ của tình yêu thương, như sự đầy dẫy của mối giao thông, đến nỗi bạn nói: "Ôi, mỗi ngày đều ở trong cảnh gian nan, ước gì tôi có sự nghị bàn dịu dàng như thế nầy!" Đấng Christ là Đấng Mưu Luận mà tôi ao ước được cầu hỏi từng giờ một, và chớ chi tôi có thể ngồi trong phòng kín của Ngài suốt cả ngày đêm, vì mưu luận với Ngài là nghị bàn dịu dàng, mưu luận thật lòng, và mưu luận khôn ngoan, mọi sự đều xảy có cùng một lúc ấy. Tại sao, bạn có thể có một người bạn nói năng rất dịu dàng với bạn, và bạn sẽ nói: "Được thôi, người ấy là một linh hồn rất tử tế, nhơn đức, nhưng thực sự tôi không thể tin cậy vào sự xét nét của người". Bạn có một người bạn khác, người nầy xét đoán hay lắm, thế mà bạn lại nói về người bạn ấy: "Chắc chắn anh ta là một người thận trọng rất cao độ, nhưng tôi không thể tìm ra sự đồng cảm của người nầy; tôi chưa bao giờ nắm bắt được tấm lòng của người ấy, nếu người ấy có cộc cằn và không khéo léo, không lâu sau đó tôi sẽ nắm được tấm lòng thiếu sự thận trọng, hơn là nắm lấy sự thận trọng mà thiếu mất tấm lòng". Nhưng chúng ta hãy đến với Đấng Christ, và chúng ta nhận được sự khôn ngoan; chúng ta nhận được tình yêu thương, chúng ta nhận được sự cảm thông, chúng ta nhận được mọi sự có thể thực cần có trong một Đấng Mưu Luận.
Và bây giờ chúng ta phải kết thúc bằng cách để ý rằng Đấng Christ có những hội nghị đặc biệt cho mỗi một chúng ta sáng nay, và đấy là gì? Hỡi bạn là con cái của Đức Chúa Trời, con gái bạn đang lâm bịnh; vàng của bạn đang bị tan chảy trong ngọn lửa; lòng bạn đau đớn, buồn rầu. Đấng Christ mưu luận với bạn, và Ngài phán: "Hãy trao gánh nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động" (Thi thiên 55.22). Hỡi bạn trẻ kia, bạn đang tìm cách để được cao trọng trong thế gian nầy, Đấng mưu luận với bạn sáng nay: “Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm kiếm”. Tôi không bao giờ quên Midsummer Common. Tôi có nhiều tham vọng; tôi đang tìm cách vào đại học, bỏ dân sự mình lại trong đồng vắng hầu cho tôi trở nên một nhân vật cao trọng; và khi tôi đang tiến tới chỗ ấy, câu Kinh thánh thoạt hiện đến với lòng tôi — “Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm kiếm". Khi tôi nghĩ tới phần thu nhập của mình, tôi muốn làm thế nào để được thoả, rồi tìm cách gì đó để cải thiện đời sống mình tốt hơn, và khi ấy, câu gốc nầy thoắt nghe thấy trong hai lỗ tai của tôi: “Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm kiếm". Tôi nói: "Lạy Chúa, con sẽ làm theo mưu luận của Ngài và không theo ý riêng của con” và tôi chưa hề có lý do để luyến tiếc câu nói ấy. Hãy luôn luôn lấy Chúa làm kim chỉ nam cho mình, và bạn sẽ không rơi vào chỗ lộn xộn đâu. Hỡi kẻ tái phạm! Bạn có một cái tên để sống, và để chết, hay gần chết, Đấng ban cho bạn mưu luận nầy: "Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào". Và hỡi tội nhân! Bạn đang xa cách đối với Đức Chúa Trời, Đấng Christ ban cho bạn lời khuyên: "Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ". Hãy nương vào câu nói ấy, đây là lời khuyên đầy tình yêu thương. Hãy nhận lấy lời ấy. Hãy trở về nhà rồi quì gối xuống. Hãy tìm kiếm Đấng Christ, hãy vâng theo mưu luận của Ngài, và bạn sẽ vui mừng khi bạn nghe thấy giọng nói của Ngài, hãy nghe theo giọng nói ấy, và được sống.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét