Kìa Đức Chúa Trời ngươi
"Quyền Tối Cao của Đức Chúa Trời"
Mục sư David Legge
'Quyền Tối Cao Đức Chúa Trời' – chúng ta đọc trước tiên ở Êsai 46, kế đó là Đaniên 4. Tôi sẽ yêu cầu quí vị cùng xem một vài phân đoạn Kinh Thánh khi chúng ta bước vào phần nghiên cứu nầy – và cho phép tôi nói rằng chúng ta sẽ không xem chủ yếu bất kỳ một phân đoạn Kinh Thánh nào, khi chúng ta chưa thực sự bước vào các phần nghiên cứu nầy trong mấy tuần qua. Khi quí vị rút ra một lẽ đạo dễ hiểu nào trong Lời của Đức Chúa Trời, tỉ như quyền tối cao Đức Chúa Trời, hay sự thành tín của Đức Chúa Trời, hoặc tình yêu thương của Đức Chúa Trời, thật là khó khi phải trụ lại ở một phân đoạn Kinh Thánh và cứ mãi lo bình luận phân đoạn ấy. Vì vậy, làm ơn tha thứ cho tôi vì sự ấy, song đấy là bản chất của Lời Đức Chúa Trời và bản chất của các lẽ đạo nầy có trong đó. Chúng ta muốn tiếp thu lẽ đạo nói về quyền tối cao của Đức Chúa Trời, vì vậy chúng ta sẽ cùng nhau xem xét một số câu Kinh Thánh.
"Khi tôi tìm kiếm Chúa qua những gì tôi giảng cho quí vị nghe ngay lúc bắt đầu một năm mới và ở cuối của một năm cũ, tôi rất ngần ngại không muốn ngưng lại phần nghiên cứu mà chúng ta đang đi ngon trớn vì tôi tin đấy là ý chỉ của Đức Chúa Trời cho chúng ta trong thời buổi nầy: hãy nắm lấy Đức Chúa Trời của chúng ta".
Êsai 46.10 – một câu – chúng ta sẽ đọc câu 9 làm câu mở đầu: "Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý”. Kế đó là câu thứ hai ở Đaniên 4, Đaniên 4.35 – chúng ta sẽ đọc câu 34: "Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia. Hết thảy dân cư trên đất thảy đều cầm như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?”
Chúng ta hãy để ra một phút đặng cầu nguyện: Lạy Cha, chúng con đến và chúng con công nhận Ngài là Đức Chúa Trời Rất Cao. Chúng con cúi đầu xuống trước mặt Ngài như loài thọ tạo của Ngài, và chúng con cầu xin Ngài ở cùng chúng con hôm nay, vận hành giữa vòng chúng con, đi lại trong chúng con – Lạy Chúa, xin chúc phước cho chúng con, xin sửa đổi chúng con, xin dạy dỗ chúng con, xin khích lệ và thúc đẩy chúng con bước theo các mục đích cao cả của Ngài trong Đấng Christ. Lạy Chúa, xin hãy chạm đến những ai cần được chạm, hãy chữa lành người có tấm lòng tan vỡ, làm vững mạnh kẻ yếu đuối, và giải cứu kẻ bị hư mất. Chúng con cầu xin mọi điều nầy trong danh của Chúa Giêxu, Amen.
Như tôi đã cân nhắc và tìm kiếm Chúa qua những gì phải nói với quí vị ngày hôm nay, vào lúc bắt đầu một năm mới và ở cuối của một năm cũ, tôi rất ngần ngại không muốn ngưng lại phần nghiên cứu mà chúng ta đang đi ngon trớn vì tôi tin đấy là ý chỉ của Đức Chúa Trời cho chúng ta trong thời buổi nầy: hãy nắm lấy Đức Chúa Trời của chúng ta. Đấy là lý do tại sao chúng ta đã xét qua tình yêu thương của Đức Chúa Trời vào Chúa nhật rồi, khi chúng ta đang suy gẫm về Lễ Giáng Sinh – và đúng là một đề tài cần phải xem xét! Khi chúng ta nhìn vào một năm mới đầy bất ổn và không lấy gì làm chắc chắn, còn có đề tài nào quan trọng hơn “Quyền Tối Cao của Đức Chúa Trời”?
Bây giờ, theo một ý nghĩa hiện đại, và trong bộ môn khoa học chính trị hiện đại, đề tài nầy rất lạ lùng. Khi nói rằng có một Đức Chúa Trời, thực ra, thật là lạ lùng khi cho rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Rất Cao và Ngài đã tể trị ở trên trời, như Đaniên đã nói, và cũng tể trị ở trong nước của loài người ở trên đất. Thực thế, rất buồn khi phải nói, cũng trong bầu không khí tôn giáo, sự cao cả của Đức Chúa Trời là điều rất lạ lùng – có nhiều người đã chối bỏ vấn đề ấy, có nhiều người đã bỏ qua đề tài nầy. Và thực thế, nói chung trong vòng con người hiện đại ngày nay, sự cao cả được nói tới “theo cách riêng tư” – nghĩa là chúng ta, những con người, là tác giả của số phận của chính mình, và vì lẽ đó nếu có một Đức Chúa Trời ở đó, Ngài chẳng quan tâm chi đến các vụ việc của con người, Ngài chẳng có một chương trình hay một mưu luận nào hết, còn chúng ta có quyền quyết định số phận của chính mình. Họ nói: “Số phận của chúng ta đã được định khi chúng ta quyết định theo ý muốn của mình: điều gì sẽ tới, nó sẽ tới'.
"Cái điều chúng ta gọi là Quyền Tối Cao của Đức Chúa Trời, chính xác nó là gì? Tại sao đó là một nan đề cho một số người? Đối với quí vị điều đó có gì khác biệt không?"
Khi chúng ta nhìn vào Lời của Đức Chúa Trời và vào mưu luận của Ngài trong Cựu Ước và trong Tân Ước, tôi thấy rằng nhận thức đó về Đức Chúa Trời – nhận thức của thời đại và đạo đức đương thời mà chúng ta đang sinh sống trong đó – không giống một chút gì với Đấng Toàn Năng của Kinh Thánh, chẳng khác gì một bóng đèn 15 watt đem so với sự vinh hiển của mặt trời lúc giữa trưa. Có một khoảng cách rất xa và rất khác biệt, quí vị không thể tìm gặp một Đức Chúa Trời giống như thế trong Lời của Đức Chúa Trời.
Giờ đây, khi chúng ta nghiên cứu đề tài quan trọng nầy: 'Quyền Tối Cao của Đức Chúa Trời', có ba câu hỏi mà tôi muốn chúng ta phải tự hỏi mình khi chúng ta xem xét đề tài ấy. Câu hỏi thứ nhứt là đây: quyền tối cao của Đức Chúa Trời là quyền gì? Quyền tối cao của Đức Chúa Trời, khi chúng ta gọi như thế thì chính xác là quyền gì? Câu hỏi thứ hai tôi muốn hỏi là: tại sao đây là vấn đề quan trọng đối với một số người? Tại sao người thế gian, hoặc thậm chí có người trong Hội Thánh, không chấp nhận Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời rất cao? Và câu thứ ba tôi muốn hỏi là: Đức Chúa Trời cao cả có gì khác biệt đối với quí vị không? Không những đây là một quy tắc hay một luận án thần học, mà sự cao cả của Đức Chúa Trời còn tạo ra sự khác biệt gì trong đời sống riêng tư của quí vị?
Vì vậy chúng ta hãy nhìn vào câu hỏi thứ nhứt: Quyền tối cao của Đức Chúa Trời là quyền gì? Phải, cần phải xác định sự tối cao của Đức Chúa Trời, quyền ấy được xác định như sau: đó là quyền của Đức Chúa Trời cai quản, tể trị vũ trụ mà Ngài đã dựng nên. Ngài là Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hoá, và vì lẽ đó Ngài có toàn quyền cai trị vũ trụ đó và tể trị y theo ý muốn Ngài. Chúng ta đã học hỏi mấy tuần qua thể nào Đức Chúa Trời là toàn năng, Ngài có toàn quyền, Ngài là toàn tri, Ngài là tối thượng. Chúng ta đã học biết Đức Chúa Trời là siêu việt, chẳng có ai cao tột hơn Ngài, chẳng có ai trỗi hơn Ngài, hay chẳng có ai giống như Ngài – Ngài có mọi sự rất cao tột. Nếu quí vị thích, quyền tối cao của Đức Chúa Trời là sự thực thi điều tối thượng đó, ấy là Đấng Toàn năng đang hành động, sử dụng mọi quyền hành Ngài đang có theo đúng đường lối mà mọi mưu luận thiêng liêng của Ngài đang và sẽ có, ấy là khả năng của Ngài. Vì cớ đó, chúng ta phải kết luận rằng Đức Chúa Trời nầy chẳng phải phục theo ai hết – chúng ta đã nói rằng Ngài trỗi cao hơn chúng ta, chúng ta không thể ảnh hưởng Ngài, chúng ta không thể hạ Ngài xuống tới một cấp độ của chúng ta và chúng ta không thể thăng cao tới một cấp độ tối thượng của Ngài. Chẳng có ai giống như Ngài và chẳng có ai mà Ngài phải phục theo hết.
"Hãy nghĩ điều nầy xem, chỉ một phút thôi, khi chúng ta suy gẫm về quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Quí vị có thể tưởng tượng Đức Chúa Trời đang hỏi xin phép ai đó chăng?"
Hãy suy nghĩ về điều nầy xem, chỉ một phút thôi, khi chúng ta suy gẫm về quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Quí vị có thể tưởng tượng Đức Chúa Trời đang hỏi xin phép ai đó chăng? Tất nhiên là quí vị không thể rồi! Vì đó là quyền của Ngài, đó là đặc quyền của Ngài khi Ngài đẹp ý – Ngài là Đức Chúa Trời, Ngài không hề xin phép một ai cả. Quí vị có thể tưởng tượng Ngài đang xin hay làm đơn xin trước một quyền bính nào cao hơn không? Không! Tại sao vậy? Vì chẳng có quyền bính nào cao hơn Đức Chúa Trời cả, Ngài trỗi cao hơn hết thảy, Ngài là tối thượng và quyền tối cao của Đức Chúa Trời là sự thực thi quyền tối thượng mà Ngài đang có đó. Bây giờ, đây là Lời của Đức Chúa Trời, Êsai 46.10 mà chúng ta đã đọc, Ngài: ‘rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên'. Đức Chúa Trời đang rao ra trước những việc sẽ được làm ra, Kinh Thánh nói rằng Ngài rao ra chúng bằng chính mưu luận của riêng Ngài: 'Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý'. Như có người đã nói: 'Quyền cao cả của Đức Chúa Trời không gì khác hơn bổn tánh Đức Chúa Trời', đó là bổn tánh của Đức Chúa Trời, đó là thuộc tính của Ngài. Đức Chúa Trời – nếu Ngài là Đức Chúa Trời – phải là một Đức Chúa Trời cao cả, Ngài phải nắm quyền tể trị, Ngài phải nắm quyền tể trị! Như Đaniên đã nói trong 4.35, rằng “hết thảy dân cư trên đất thảy đều cầm như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất: chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?!” Không một ai dám nói như thế với một Đức Chúa Trời cao cả hết!
Nói theo cách nói hôm nay, và bằng thứ ngôn ngữ mà chúng ta thực sự hiểu rõ và nắm bắt được, chúng ta có thể nói như vầy: 'Điều nào đẹp ý Đức Chúa Trời làm'. Đó là dòng cuối cùng – Đức Chúa Trời không cần phải đáp trả cho bất cứ ai, Ngài không cần phải đáp trả với chúng ta, hay với bất kỳ ai trên trời, hoặc với bất cứ ai trong địa ngục. Đức Chúa Trời là Đấng giải thích riêng của Ngài và Đức Chúa Trời sẽ làm những gì đẹp ý Ngài. Tác giả Thi thiên nói như thế, Thi thiên 135.6: 'Điều nào đẹp ý Đức Giê-hô-va làm, Ngài bèn làm điều nấy, hoặc trên trời, dưới đất, trong biển, hay là trong các vực sâu'. Câu nầy quá hay. Chúng ta thường nói với người thân để cho họ chạy cuống cuồng lên: 'Ngài là luật lệ đối với chính mình Ngài' – và chúng ta thường nói như thế theo một ý tiêu cực, nhưng chúng ta có thể nói như thế theo một ý tích cực và toàn hảo về Đức Chúa Trời Toàn năng – rằng Ngài là luật lệ đối với chính mình Ngài! Ngài không cần phải đáp trả cho một người nào, điều nào đẹp ý thì Ngài làm. Chúng ta đã nói trong mấy tuần qua, rằng Đức Chúa Trời không làm điều chi đúng đắn, có chắc Ngài không làm chăng? Mọi điều Đức Chúa Trời làm đều đúng đắn cả, vì Đức Chúa Trời trỗi hơn mọi sự, Ngài là tối cao.
Giờ đây, tôi muốn nói rằng mọi việc nầy rất sâu sắc, mọi việc nầy rất khó hiểu – thực ra những việc nầy, có nhiều lúc, có thể là không thích nghi đối với chúng ta trong chỗ tầm thường và nhận thức có hạn của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải nắm lấy điều nầy – khi chúng ta nắm lấy Đức Chúa Trời của chúng ta, chúng ta phải nắm lấy Ngài theo như Lời của Đức Chúa Trời mô tả và bày tỏ Ngài ra. Trong một cơ hội, Giôsaphát đã dâng lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời – tôi muốn quí vị cùng mở Kinh Thánh ra: II Sử ký 20.6. Ông cầu nguyện với Đức Chúa Trời bằng những lời nầy đây: 'Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao? Há chẳng phải Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? Ở nơi tay Chúa có quyền thế năng lực, chẳng ai chống trả Chúa cho nổi?', Giôsaphát đang đưa ra một câu hỏi trong một lời cầu nguyện. Câu trả lời cho câu hỏi ấy – không phải là câu trả lời đặc biệt, mà là câu trả lời chúng ta sẽ nhận lấy nếu chúng ta đưa ra câu hỏi ấy từ Lời của Đức Chúa Trời – được thấy ở I Sử ký 29.11, nếu quí vị mở câu đó ra. I Sử ký 29.11, hãy giữ lấy câu hỏi của Giôsaphát trong lý trí của quí vị - ''Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao? Há chẳng phải Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao? Ở nơi tay Chúa có quyền thế năng lực, chẳng ai chống trả Chúa cho nổi?' Câu trả lời đến, chương 29 câu 11: 'Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài; vì muôn vật trên các từng trời và dưới đất đều thuộc về Ngài. Đức Giê-hô-va ôi! nước thuộc về Ngài; Ngài được tôn cao làm Chúa Tể của muôn vật'. Giôsaphát đã hỏi: 'Có ai cao hơn Ngài không? Có ai là Chúa trỗi cao hơn Ngài, là Đức Chúa ở trên trời không?' – và chúng ta sẽ hỏi như thế hôm nay, khi chúng ta nhìn quanh một thế giới dường như đang ở trong cảnh hỗn độn, một thế giới dường như đổ vỡ về mặt đạo đức, về môi trường, trong từng lãnh vực có thể hình dung được dường như đang sụp đổ hết đến nơi, chúng ta hỏi: 'Có một Đức Chúa Trời ở trên trời không?' Câu trả lời đã được đưa ra: 'Hỡi Đức Giê-hô-va sự cao cả, quyền năng, vinh quang, toàn thắng, và oai nghi đáng qui về Ngài. Ngài được tôn cao làm Chúa tể của muôn vật'.
"Khi chúng ta bước vào một năm mới, Đức Chúa Trời đang phán cùng chúng ta: 'Ta là Đức Chúa Trời cao hơn mọi danh xưng. Ta là Đức Chúa Trời cao cả hơn thần học của loài người. Ta là Đức Chúa Trời đúng nghĩa là Đức Chúa Trời. Ta là Đức Chúa Trời ngự trên ngôi. Ta là Đức Chúa Trời Toàn năng, toàn quyền, tối cao là Đấng làm mọi sự theo mưu định của ý chỉ ta. Ta là Đức Chúa Trời rất cao!'"
Giờ đây, chúng ta sẽ nói như vầy: quyền tối cao của Đức Chúa Trời là quyền gì? Câu trả lời: điều gì đẹp ý, Đức Chúa Trời bèn làm, chỉ khi Ngài đẹp ý, và luôn luôn khi Ngài đẹp ý. Trong Êsai 46, chúng ta đã đọc qua rồi: "Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta. Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý' – Ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý! Nếu quí vị bước qua sách Đaniên, quí vị nhìn thấy quan điểm có tính tiên tri của ông, và ông đang nhìn thấy ở đó các thời kỳ của dân Ngoại – rằng mọi nước và mọi triều đại từ thời Đaniên, theo như ông đã nhìn thấy, cho tới khi Đức Chúa Giêxu Christ tái lâm, khi Ngài tái lâm và Ngài sẽ đặt chơn Ngài trên đất, rồi dựng lên Nước của Ngài, Ngài sẽ trị vì từ biển nầy đến biển kia. Ở đó, khi Đaniên nhìn thấy khải tượng nầy, lẽ đạo nằm ở đàng sau khải tượng ấy là đây: Đức Chúa Trời dựng lên các vua, Đức Chúa Trời đánh hạ các vua, và Đức Chúa Trời làm điều chi Ngài đẹp ý trong nước của loài người. Và lẽ đạo trong sách Đaniên là đây: Trong mọi cách ứng xử của Ngài với loài người, Ngài sẽ dạy dỗ họ - Đaniên 4.25 - 'cho đến khi vua nhận biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước loài người, và Ngài muốn ban cho ai tùy ý'.
Vậy thì đâu là quyền tối cao của Đức Chúa Trời? Đây là sự cao cả đó: Đức Chúa Trời làm, và sẽ làm, khi Ngài đẹp ý. Đức Chúa Trời muốn thế giới trong thế kỷ thứ 21, bước vào năm 2001, phải nhận biết rằng Ngài sẽ làm điều chi Ngài đẹp ý, rằng Ngài đang tể trị trong nước của loài người và Ngài ban nước ấy cho ai tuỳ ý. Khi chúng ta bước vào một năm mới, Đức Chúa Trời đang phán cùng chúng ta: 'Ta là Đức Chúa Trời cao hơn mọi danh xưng. Ta là Đức Chúa Trời cao cả hơn thần học của loài người. Ta là Đức Chúa Trời đúng nghĩa là Đức Chúa Trời. Ta là Đức Chúa Trời ngự trên ngôi. Ta là Đức Chúa Trời Toàn năng, toàn quyền, tối cao là Đấng làm mọi sự theo mưu định của ý chỉ ta. Ta là Đức Chúa Trời rất cao!'. Đấy là ý nghĩa của quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nhắm vào mối quan hệ của sự cao cả đó đối với loài người và trách nhiệm của loài người, và chúng ta không nghiên cứu điều đó sáng hôm nay, mọi sự tôi muốn quí vị nhìn thấy không phải “kìa là con người”, mà quí vị phải nhìn thấy 'kìa là Đức Chúa Trời!' Đức Chúa Trời là cao cả, Đức Chúa Trời sẽ làm điều chi Ngài đẹp ý. Trong sinh hoạt của vũ trụ nầy, trong thế giới của chúng ta, trong Hội Thánh và qua kinh nghiệm riêng của chúng ta, Đức Chúa Trời là cao cả! Không có gì phải ngạc nhiên, sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là một việc rất kinh khiếp.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn vào câu hỏi thứ hai: tại sao lại là nan đề cho những ai hiểu rõ Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời cao? Tôi muốn nói, vấn đề nầy rất rõ ràng từ Kinh Thánh và tôi cũng hiểu như thế. Những gì Đức Chúa Trời phán là rất rõ ràng, chúng ta đã đọc thấy: 'Ta làm theo khoái lạc của lòng ta. Không một ai có thể cản tay Ngài, điều chi đẹp ý thì ta làm'. Đức Chúa Trời vốn có cái quyền ấy – chúng ta đã công nhận quyền ấy – là Đấng Tạo Hoá của thế gian nầy, Ngài nắm quyền tể trị. Nhưng sự thực còn lại là lẽ đạo nầy – thực ra, tôi muốn nói không có lẽ đạo nào khác bị con người thù ghét hơn thế. Họ không thể chịu được Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị, họ không thể chịu Đức Chúa Trời là rất cao – và thậm chí, đáng buồn thay, một số Cơ đốc nhân không thể nắm bắt được lẽ thật quan trọng nầy: Đức Chúa Trời là tối cao! Họ sẽ để cho Đức Chúa Trời yêu thương, họ có thể để cho Đức Chúa Trời yêu thương vô giới hạn – nghĩa là phương thức Ngài yêu thương, halêlugia! Chúng ta đã xem qua sự yêu thương ấy tuần qua, chẳng có một giới hạn nào cho tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chẳng có một chiều sâu nào chúng ta có thể đo được, chẳng có một chiều cao nào chúng ta có thể với tới được – nhưng con người trong thế giới của chúng ta, thậm chí những kẻ đang ở ngoài Đấng Christ, sẽ để cho Đức Chúa Trời yêu thương mọi thứ mà Ngài ưa thích. Con người sẽ để cho Đức Chúa Trời sáng tạo, họ sẽ để cho Ngài sáng tạo một vũ trụ, họ sẽ để cho Ngài tiếp tục công cuộc sáng tạo, nâng đỡ muôn vật đang hiện hữu quanh chúng ta và giữ cho mọi sự y nguyên trước sau như một – con người sẽ để cho Đức Chúa Trời làm như thế. Họ sẽ để cho Đức Chúa Trời làm bất cứ điều gì, nhưng họ sẽ không để cho Ngài nắm quyền tể trị đâu!
“Không có lẽ đạo nào khác bị con người thù ghét hơn thế. Họ không thể chịu được Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị, họ không thể chịu Đức Chúa Trời là cao cả – và thậm chí, đáng buồn thay, một số Cơ đốc nhân không thể nắm bắt được lẽ thật quan trọng nầy: Đức Chúa Trời là tối cao!”
Spurgeon đã nói: 'Nhưng khi Đức Chúa Trời ngồi trên ngôi của Ngài, mọi loài thọ tạo của Ngài đều nghiến răng của chúng'. Giờ đây, chủ ý của tôi là không muốn có tranh cãi ở đây – vì đã có sự tranh cãi gay gắt về đề tài nầy trải qua nhiều thế kỷ, và tôi không bước vào cuộc tranh cãi ấy hôm nay. Thế nhưng những điều tôi muốn nói là vì quí vị, là con cái của Đức Chúa Trời và là tín đồ trong Đức Chúa Giêxu Christ, phải nhìn thấy vẽ đẹp có trong sự cao cả của Đức Chúa Trời cho chính mình. Đấy là những gì tôi muốn quí vị phải lắng nghe, tôi muốn quí vị nắm lấy Đức Chúa Trời của mình là Đấng đang nắm quyền tể trị! Ngài đang nắm lấy quyền tể trị thế gian nầy, bất luận quí vị nhìn thấy điều gì, vô luận quí vị suy nghĩ như thế nào, và Ngài đang nắm quyền tể trị trong sự sống mà quí vị đang sinh sống ngay giờ phút nầy của thời gian.
Bây giờ chúng ta hãy suy nghĩ về vấn đề nầy – thật là quan trọng để cho chúng ta suy nghĩ. Con người nói về quyền tự do, và về Đức Chúa Trời phải là Đức Chúa Trời - như A. W. Tozer nói – Ngài phải là toàn tri, Ngài phải là toàn quyền, và việc thứ ba là Ngài phải tự do cách tuyệt đối. Nếu Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời tối cao, Ngài phải biết rõ mọi sự, như vậy có đơn giản không? Không một điều chi mà lý trí của Đức Chúa Trời không biết, hay Ngài không thể quên một điều gì hoặc không nhìn thấy một điều gì, vì mọi quyết định mà Ngài đưa ra theo ánh sáng đó sẽ là dối trá – Ngài sẽ đưa ra những quyết định sai trái, với sự thiếu hiểu biết những điều liên hệ tới Ngài và tới một quyết định mà Ngài đưa ra. Vì vậy, Đức Chúa Trời phải là Đấng toàn tri, phải là Đấng toàn năng.
Đức Chúa Trời phải là Đấng toàn năng, là Đấng tối cao, há không phải như vậy sao? Nghĩ như vầy là dại dột, khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời có một ý chí và không thể bày tỏ ra ý chỉ tối cao đó vì Ngài là bất năng, vô quyền! Còn việc thứ ba là đây: Ngài phải tự do cách tuyệt đối. 'Điều chi đẹp ý thì ta làm', Đức Chúa Trời phán vậy – nghĩa là Ngài không có một ngăn trở nào, không một ai có thể cản tay Ngài lại, không một ai có thể làm thay đổi tâm ý Ngài, Ngài có quyền tự do. Giờ đây quyền tự do bị người ta bàn tán xôn xao, đó là một lẽ đạo và là bài quốc ca của quốc gia [nước Mỹ] trong thập niên 60 và vẫn y như thế hôm nay. Con người mong muốn được tự do, có phải không? Họ muốn sống thật tự do không có một ngăn trở nào hết – và việc đáng buồn nằm trong chỗ địa vị tội nhân của họ, khi họ trông ngóng sự tự do đó, họ tìm thấy họ đang mang vác thật nhiều vòng nô lệ cho tội lỗi. Tự do rất khó cưu mang và tưởng tượng trong lý trí của chúng ta, vì không có một sự tự do tuyệt đối nào trong thế gian nầy – sự tự do ấy không hiện hữu đâu! Chỉ một mình Đức Chúa Trời mới là tự do hoàn toàn và tuyệt đối mà thôi!
Bây giờ, chúng ta hãy suy nghĩ điều nầy xem: người ta hay nói 'tự do như chim', có phải không? Và quí vị biết rõ nói như thế có nghĩa gì rồi, một con chim có thể tung mình ra khỏi tháp của một toà nhà rồi bay lượn trong khoảng không. 'Tự do như chim' – và quí vị biết rõ nói như thế có nghĩa gì rồi, câu ấy nói về một khoảng không cho sự hoạt động của con chim đó: sự thật là nó có thể bay – và vấn đề là, khi chúng ta nhìn xem và chúng ta không thể bay được, 'Nầy! Con chim kia nó đang tự do!'. Nhưng câu nói 'tự do như chim' là câu nói dại dột, và đó không phải là một câu nói hay tuyệt đối vì loài chim không phải sống tự do đâu! Đấy chưa phải là sự tự do thực, vì loài chim đó có những bản năng, loài chim đó có những nỗi sợ đã được kiến thiết rồi ở trong chúng, nó sẽ không lao vào trong mối nguy hiểm, nó sẽ bay tránh loài động vật ăn thịt, loài chim đó biết chỗ mà nó phải bay tới vì cớ thời tiết – quí vị sẽ không nhìn thấy bầy chim bay ra trong lúc mưa hay trong lúc tuyết rơi. Nó không được tự do tuyệt đối đâu, nó không thể bay trong áp lực của không khí không thích ứng với luật hàng không, nó không thể bay tới một nơi mà chẳng có sự tiếp trợ về đồ ăn, nó không thể bay tới nơi đó vì nó không có tự do – chỉ có Đức Chúa Trời mới thật là tự do! Đấy là những gì tôi muốn quí vị phải nhìn thấy, trong lãnh vực tự nhiên, trong thế giới của chúng ta muôn vật đều nương tựa vào nhau. Đây là một thế giới tổng thể – Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới ấy theo phương thức nầy – về sự phụ thuộc. Quí vị có thể nhìn thấy sự ấy trong dây chuyền đồ ăn, trong chỗ chúng ta đang cần có thực phẩm – và có dây chuyền đó con người ăn thịt các loài thú đồng, các loài thú đồng thì ăn cỏ và cứ thế. Dây chuyền đó xoay vần, và quí vị có thể nhìn thấy loài thú đồng đang sống tự do ngoài đồng trống, quí vị có thể nhìn thấy tôi đang lái xe xuống con đường kia tự do trong chiếc xe của tôi – song chúng ta không đang sống trong sự tự do cách tuyệt đối đâu, có nhiều việc mà chúng ta phải nương tựa vào, và nếu chúng gặp rắc rối, thì chúng ta sẽ phải chịu khổ nhiều lắm.
"Các bậc cầm quyền không thích quí vị nói về sự tối cao của Đức Chúa Trời, họ cười nhạo vấn đề đó. Các bậc Thủ tướng, Tổng thống, các Vua, những người cầm quyền cai trị không ưa quan niệm đó – họ muốn tin rằng hết thảy quyền bính đều ở nơi tay họ".
Bây giờ, nhận lấy điều nầy vào lý trí chúng ta là điều rất quan trọng: ấy là chúng ta không sống tự do cách tuyệt đối đâu! Đấng duy nhứt sống tự do chính là Đức Chúa Trời Cao Cả Toàn Năng! Giờ đây, tại sao đây lại là nan đề cho ai suy tưởng về tự do đó? Phải đấy, tất nhiên vấn đề hiển nhiên là nếu Đức Chúa Trời là tối cao, thì họ không nắm được quyền cai trị và họ không phải là nhân vật sau cùng cần phải được tham kiến. Các bậc cầm quyền không thích quí vị nói về sự tối cao của Đức Chúa Trời, họ cười nhạo vấn đề đó. Các bậc Thủ tướng, Tổng thống, các Vua, những người cầm quyền cai trị không ưa quan niệm đó – họ muốn tin rằng hết thảy quyền bính đều ở nơi tay họ. Trong từng cá nhân người nam, người nữ, ít nhất có đôi chút địa vị vua chúa trong chính đời sống của họ, ở địa vị ấy họ nói: 'Ta sẽ không muốn Con Người nầy cai trị trên Ta'. Đây là vấn đề kiêu ngạo rất xa xưa, có phải không? Đó là mẹ đẻ của mọi tội lỗi.
Nhưng chúng ta không xử lý với nan đề nầy trong chỉ một phút mà được đâu! – Tôi muốn xử lý với điều mà tôi tin là nan đề chính mà thôi: tại sao người ta, kể cả Cơ đốc nhân, lại không chấp nhận quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Chính vì điều nầy: sự hiện diện của tội ác trong thế giới của chúng ta. Người ta đưa ra câu hỏi: 'Sao kẻ ác lại được thịnh vượng chứ?', Tác giả Thi thiên đã đưa ra câu hỏi ấy trong Thi thiên 37. Sao hạng người gian ác vẫn cứ thịnh vượng trong thế gian, cứ ở đỉnh cao trên thế giới, còn người công bình thì bị chà đạp ở dưới chơn? Điều nầy dẫn tới một câu hỏi khác nữa: phải chăng Đức Chúa Trời dự phần trong tội lỗi của con người? Nếu Đức Chúa Trời là tối cao và Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị và sao Ngài để cho hạng người thể ấy cứ làm ra những việc kinh khủng nầy – phải chăng Đức Chúa Trời đã ấn định điều nầy theo một phương thức không đúng, kỳ dị? Quí vị có thể hiểu được mấy thắc mắc nầy, có phải không? Lý do tại sao chúng ta hiểu mấy thắc mắc nầy: ấy là chúng ta có tâm trí giống như thế. Và chúng ta suy nghĩ về Chúa – như tác giả thánh ca đã nói, như chúng ta đã hát: 'chúng ta xét đoán Chúa với ý thức quá lờ mờ'.
Bây giờ, điều chúng ta không thể hay tự cho phép mình làm, là từ chối những điều chúng ta đã thiết lập rồi từ Lời của Đức Chúa Trời vì mọi thắc mắc của loài người. Nhưng cái điều chúng ta muốn làm là đưa ra một vài lý do tại sao tôi tin đây là những nan đề dành cho con người, liên quan tới quyền tối cao của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của điều ác. Việc đầu tiên là đây: thường là ý trời – và đấy là cách mô tả đơn giãn quyền tối cao của Ngài – họ dường như muốn đi ngược lại với mọi lời hứa của Ngài. Giờ đây, hãy lắng nghe điều nầy: ý trời, những gì Đức Chúa Trời làm và điều chi Đức Chúa Trời tuyên bố, ở mọi thời điểm trong cuộc sống của chúng ta dường như đi ngược lại với mọi sự mô tả Đức Chúa Trời và những gì Đức Chúa Trời đã phán dạy. Nói theo cách nói của chúng ta, chúng ta tự hỏi lòng: 'Điều nầy sẽ không xảy đến cho tôi đâu! Tôi là một Cơ đốc nhân, sao Đức Chúa Trời lại cho phép điều nầy xảy đến cho tôi chứ? Đức Chúa Trời để cho điều nầy xảy đến bằng cách nào?'
“Sao hạng người gian ác vẫn cứ thịnh vượng trong thế gian, cứ ở đỉnh cao trên thế giới, còn người công bình thì bị chà đạp ở dưới chơn? Điều nầy dẫn tới một câu hỏi khác nữa: phải chăng Đức Chúa Trời dự phần trong tội lỗi của con người? Nếu Đức Chúa Trời là tối cao và Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị và sao Ngài để cho mọi người nầy cứ làm ra những việc kinh khủng nầy – phải chăng Đức Chúa Trời đã ấn định điều nầy theo một phương thức không đúng, kỳ dị?”
Giờ đây, nếu quí vị cho phép, tôi muốn quí vị hãy quay trở lại với – và quí vị nhớ trong những câu chuyện đầu tiên về David, khi chàng đi ra ngoài đồng với bầy chiên, là một người chăn chiên, và Đức Chúa Trời cùng làm việc với, và đang nắn đúc chàng. Cụ Samuên đến tại nhà của chàng và ông đã xức dầu cho David làm Vua – sau khi quan sát tất cả các con trai của Ysai, ông cụ đã xức dầu cho người con út, người nhỏ nhất và người trẻ tuổi nhất: ấy là David. Chàng đã được xức dầu làm Vua, và đấy là ý trời, Đức Chúa Trời đã công bố: 'Người nầy sẽ là Vua'. Đấy là lời hứa của Đức Chúa Trời: 'David, ngươi sẽ làm Vua' – thế nhưng nhiều ngày, nhiều tháng, rồi nhiều năm trời trôi qua, chúng ta thấy lời hứa đó, ý trời đó dường như, theo con mắt của chúng ta, lại mâu thuẫn đối với nó. Tôi đang nói gì thế? Tôi đang nói lời hứa của Đức Chúa Trời: ấy là David sẽ làm Vua, chàng sẽ được đội vương miện – nhưng chúng ta thấy Saulơ đang truy kích chàng, giống như truy kích một con gà qua vùng đồi núi trong đồng vắng, sẵn sàng giết chết chàng. Ý của Đức Chúa Trời cho phép cuộc lục soát đó, ý của Đức Chúa Trời cho phép cuộc truy kích đó – và có nhiều thời điểm trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có một lời hứa của Đức Chúa Trời, chúng ta đọc Lời của Ngài, chúng ta dầm thấm lời ấy vào trong tấm lòng của chúng ta, thế nhưng mọi sự vây quanh chúng ta dường như đi ngược lại lời hứa đó – nhưng chúng ta cần phải nhận biết hôm nay, nếu đấy là tình trạng của chúng ta, có nhiều lúc sự việc lại xảy ra như thế. Dường như là ý trời đang đi ngược lại với mọi lời hứa của Ngài, song đấy không phải là trường hợp đâu! Đấy chẳng phải là trường hợp đâu!
Nếu quí vị nghĩ tới Phaolô, hãy nhớ trong sách Công Vụ các Sứ Đồ, ông đang có mặt trên chiếc tàu và Đức Chúa Trời hứa bảo tồn mọi sinh mạng có mặt trên chiếc tàu – nhưng điều chi đã bắt đầu diễn ra chứ? Hãy tưởng tượng quí vị là Phaolô xem, và Đức Chúa Trời đã ban cho quí vị lời hứa long trọng đó, rồi kế đó con tàu bắt đầu vỡ ra và quí vị sắp sửa bị chìm xuống, và quí vị nghĩ mình sắp sửa mất mạng sống cùng những người kia nữa – thế mà từng người một trong số họ, Đức Chúa Trời đã hứa họ sẽ được cứu. Dường như là ý trời đang đi ngược lại với lời hứa của Đức Chúa Trời vậy, nhưng chúng ta đã đọc thấy điều gì nào? Chúng ta đọc thấy rằng trong các mãnh vỡ của con tàu đó, từng người một đều còn sống mà bơi vào bờ. Đó là ý định của Đức Chúa Trời! Dường như mọi việc trong đời sống của chúng ta đều đi ngược lại với các lời hứa, các đường lối của Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời đang cai trị, Đức Chúa Trời là tối cao, Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị – và nếu con tàu sự sống của quí vị đã bị vỡ ra thành từng mãnh, hãy nghe đây, đây là sứ điệp của Đức Chúa Trời ban cho quí vị khi quí vị bước vào một năm mới: quí vị sẽ nổi lên rồi bơi vào bờ trên từng mãnh ván của con tàu vụn nát kia! Mọi lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ không thể qua đi cách nhưng không đâu.
"Theo nhận thức lờ mờ của chúng ta, ý định của Đức Chúa Trời dường như đi ngược lại với ý chỉ của Ngài – Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị!"
Thứ hai, có một lý do khác nữa tại sao người ta gặp nỗi khó nầy là vì con đường chúng ta đi trong cuộc sống nầy có thể là cay đắng và ngọt ngào đang pha trộn lẫn vào nhau. Chúng ta ngạc nhiên: 'Chúng ta có những thứ cay đắng trong đời sống của mình bằng cách nào? Làm sao Đức Chúa Trời lại để cho các thứ cay đắng cùng những việc kỳ quặc diễn ra khi Ngài chỉ muốn phước hạnh cho chúng ta thôi?'. Sự thể giống như một bàn cờ vậy, quân trắng và đen, và dường như chúng ta ra quân với phương thức ba chìm bảy nổi. Và chúng ta biết cái địa ngục kia, nơi đoạ đày ấy, là một nơi chốn của sự cay đắng; chúng ta biết rõ thiên đàng là một nơi của sự ngọt ngào – nhưng chúng ta cũng biết, mọi người cũng biết, trái đất mà chúng ta đang sinh sống trên đó đã bị pha trộn với cả hai thứ: cay đắng và ngọt ngào. Sự thể giống như cây gậy và mana đang ở trong hòm Giao Ước, cây gậy là dành cho phần kỷ luật và cho phần dẫn dắt, còn mana là để trưởng dưỡng – và sự thể giống như chuyến hành trình trên đất của chúng ta dọc theo đồng vắng, nó pha trộn hai thứ: cay đắng và ngọt ngào. Nhưng quí vị phải nhìn thấy, như David đã thấy trong các Thi thiên: 'Ta sẽ hát xướng về sự nhân từ và sự công bình' (Thi thiên 101.1) – nhân từ và công bình! Đức Chúa Trời đang cai trị đời sống tôi, bất luận có điều chi xảy ra, Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị – và giống như Giôsép, dù chàng bị bán đi làm nô lệ, dù chàng bị bỏ tù vì một tội mà chàng không có phạm vào, dù chàng bị ném vào trong ngục tối đó và người ta đã hứa với chàng đủ thứ nhưng đã quên phứt lời hứa của họ, lời nầy đã nói về chàng như sau: 'Nhưng Đức Chúa Trời ở cùng chàng!' Đúng thế! Dù khi ý trời dường như, theo nhận thức lờ mờ của chúng ta, đi ngược lại với ý chỉ của Đức Chúa Trời – Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị!
Thứ ba, một trong những lý do tại sao người ta có nhiều nan đề là đây, như tín đồ Thanh giáo Thomas Watson đã nói: 'Đức Chúa Trời có thể vẽ ra một đường thẳng bằng cái que cong'. Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự, Đức Chúa Trời có thể buộc muôn vật chạy theo mưu luận của ý chỉ của Ngài. Điều tôi muốn nói là đây: một việc nào đó là tội lỗi từ tay của con người ô uế, đồng thời nó có thể tốt lành từ tay của Đức Chúa Trời. Giờ đây những trở ngại đó – đừng yêu cầu tôi giải thích, vì tôi không thể giải thích nó – nhưng việc làm có thể bị tác động từ tay của con người tội lỗi, cùng lúc đó Đức Chúa Trời có thể sử dụng nó từ tay của Ngài để làm phước cho. Đó là Đức Chúa Trời toàn năng, mà cũng là Đức Chúa Trời tối cao của chúng ta! Có nhớ Giôsép không? Các anh chàng đã có lòng ganh tỵ, có phải không? Họ ganh tỵ đối với tình yêu của cha và họ đã bán chàng, họ đã bỏ chàng xuống một cái hố sâu, và chàng phải đi tù – như tôi đã nói – và đã gặp nhiều đủ thứ nan đề. Nhưng đâu là ý chỉ tối cao của Đức Chúa Trời, đâu là bàn tay vô hình của Ngài ở đàng sau mọi sự? Ngài vốn biết có một cơn đói kém sắp xảy tới, Ngài vốn biết dân sự của Israel và hết thảy Israel, gia đình của Giacốp, cần phải được nuôi sống – và ở cuối ngày ấy, Ngài muốn làm gì? Ngài muốn đưa cả gia đình đó sang Ai cập. Chuyện nầy há chẳng đáng ngạc nhiên sao? Từ những bàn tay độc địa của các anh Giôsép, Đức Chúa Trời vốn có quyền – và Đức Chúa Trời đã dự trù, và Đức Chúa Trời đã quyết định điều tốt lành cho con cháu của Israel.
"Tại sao Ngài chẳng làm gì về nan đề ấy chứ? Tại sao Ngài không nắm quyền tể trị? Tại sao Ngài không chấn chỉnh điều ác đang tồn tại trên thế gian?"
Có nhớ vụ Simêi rủa sả David không? Có nhớ ông ta đã rủa sả vua ba chìm bảy nổi không? Lời rủa sả đó độc địa và gian ác lắm, và đó là một điều tội lỗi kinh khủng phải làm, nó ra từ một tấm lòng hiểm ác nghịch lại David – nhưng đến cuối ngày ấy Đức Chúa Trời đã định rằng sự rủa sả phải được sử dụng để hạ David xuống vì tội tà dâm và giết người của David. Và đến cuối ngày, chúng ta nhìn về đồi Gôgôtha, chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Giêxu Christ – và hạng người gian ác, những kẻ giết người đã bắt lấy Ngài, họ treo Ngài lên, rồi khiến cho Ngài phải chết, nói theo con người, Giuđa đã bán và đã phản bội Ngài – thế mà chúng ta lại được ban cho sự cứu chuộc bởi huyết của Ngài. Sự thể ấy há chẳng kỳ diệu sao? Há chẳng kỳ diệu sao, khi chúng ta đang có một Đức Chúa Trời tối cao – và chúng ta có thể nhìn lại đời sống của mình, và trông nó giống như phân xưởng của người thợ rèn, có phải không? Và quí vị nhìn vào xưởng của người thợ rèn, và quí vị đang nhìn thấy các loại công cụ có hình móc câu – những thứ khủng khiếp, các đồ dùng rất dễ sợ, những đồ độc địa, các thứ công cụ trông rất đau đớn bởi đó ông ta lo làm công việc của mình. Nhưng khi chúng ta nhìn thấy món đồ đã làm hoàn chỉnh rồi, nó thật là xinh đẹp. Quí vị có biết lý do tại sao món đồ đó đẹp như thế không? Vì bàn tay của chủ nó. Đó là Đức Chúa Trời tối cao! Đó là Đức Chúa Trời của tôi! Đó là Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ lạy, một Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị – và lý do tại sao Ngài cho phép điều ác trong thế gian nầy, và câu trả lời cho thắc mắc của cả thế gian – họ đang gào lên lớn tiếng thắc mắc ấy đến nỗi họ không thể nghe được Đức Chúa Trời đang đưa ra câu trả lời. ‘Tại sao Ngài chẳng làm gì về nan đề ấy chứ? Tại sao Ngài không nắm quyền tể trị? Tại sao Ngài không chấn chỉnh điều ác đang tồn tại trên thế gian?' – thắc mắc ấy đã được trả lời! Câu trả lời là: Ngài đang tể trị nó. Hết ngày này qua ngày khác, hết phút này sang phút khác, Ngài đang cho phép các việc nhất định xảy ra đặng Ngài bày tỏ ra ơn phước qua các việc đó.
Đây là câu hỏi tôi muốn đưa ra cho quí vị hôm nay, khi chúng ta kết thúc những giây phút sau cùng (và qua đây tôi thấy chiếc đồng hồ treo tường lại có giờ khác với đồng hồ đeo tay của tôi, vì vậy tôi sẽ đi theo chiếc đồng hồ treo tường nếu quí vị không phiền – nó chạy chậm lắm!). Điều nầy có ý nói gì với quí vị vậy? Sự tối cao ấy đang làm gì – quí vị đang làm gì với sự tối cao đó? Đừng hỏi người thế gian, đừng hát với người thế gian: 'Đức Chúa Trời vẫn còn ngự trên ngôi, và Ngài sẽ nhớ tới dân sự của Ngài' khi quí vị không sống giống như thế! Đây là câu hỏi thứ ba: sự tối cao ấy tạo ra điều chi khác biệt cho quí vị vậy? Tôi sẽ nói cho quí vị biết sự tối cao ấy tạo ra điều gì, điều ấy là đây: không có một ngõ cụt nào hết. Có nghĩa là chẳng có một điều chi bởi cơ hội, không có một sự gì ngẫu nhiên, chẳng có một may mắn nào hết – và thậm chí cả vòng quay của mấy con súc sắc nữa, lời của Đức Chúa Trời phán [trong] Châm ngôn 16.33: 'Người ta bẻ thăm trong vạt áo; song sự nhứt định do nơi Đức Giê-hô-va mà đến'. Đức Chúa Trời là viên phi công của muôn vật, Đức Chúa Trời đang ngồi trong chiếc ghế cầm lái – nếu tôi có thể nói như thế – cho mọi loài thọ tạo. Và hãy tưởng tượng điều nầy xem, hỡi con cái của Đức Chúa Trời – hãy để cho điều nầy dầm thấm trong lý trí của quí vị: nếu Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời của quí vị, quyền tối cao của Đức Chúa Trời là dành cho quí vị đấy! Ngài đang ở cùng quí vị, Ngài hiện hữu vì quí vị – nhưng trong một phút tỉnh táo, nếu Đức Chúa Trời rất cao không phải là Đức Chúa Trời của quí vị, Ngài đang chống nghịch quí vị đấy – và nguyện Đức Chúa Trời giúp đỡ cho quí vị, vì Ngài là Đấng duy nhất có thể nếu Ngài đang chống nghịch quí vị.
"Phải công nhận điều nầy – nếu quí vị chưa được cứu – ai ở về phía Đức Chúa Trời sẽ thắng, rằng tội lỗi sẽ không thắng được đâu, và Đấng Christ phán với quí vị hôm nay: 'Ai không ở cùng Ta nghịch lại ta'. Không có chỗ ngồi nào trên chiếc hàng rào cả".
Hãy tưởng tượng điều nầy xem – chúng ta phải làm gì, điều ấy đã tạo ra sự khác biệt nào? Việc đầu tiên tôi muốn nói là đây: quí vị phải phục theo quyền tối cao của Ngài. Đúng như thế đấy! Người ta đang nói về trách nhiệm của con người, phải, đây là trách nhiệm của con người: con người phải phục theo quyền tối cao của Đức Chúa Trời, có đúng như thế không? Con người phải phục theo quyền tể trị của Đức Chúa Trời, con người công nhận chỉ một mình Ngài là rất cao ở trên thiên đàng, Ngài là Đấng mà với Ngài chúng ta phải công nhận, rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của muôn vật. Muốn công nhận Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời, phải công nhận điều nầy – nếu quí vị chưa được cứu - ai ở về phía Đức Chúa Trời sẽ thắng, rằng tội lỗi sẽ không thắng được đâu, và Đấng Christ phán với quí vị hôm nay: 'Người nào không ở cùng ta nghịch lại ta'. Không có một chỗ nào trên chiếc hàng rào cả.
Việc thứ hai là đây: quí vị phải tin cậy quyền tối cao của Ngài. Đó không phải là thứ quí vị tin ở trong đầu mình – và tôi nói như vầy: không một thuộc tính nào của Đức Chúa Trời làm sự yên ủi cho người tin Chúa giống như quyền tối cao của Đức Chúa Trời hết. Đừng để mất thuộc tính đó, đừng để cho người ta tranh cãi về quyền ấy khiến cho quí vị phải quên đi quyền ấy và hãy nói: 'Tôi không muốn bị quấy rối với mọi thứ tranh cãi đó'. Hãy cứ ở tại đó! Hãy suy gẫm về quyền ấy! Vì chẳng có gì yên ủi hơn – và cho phép tôi nói như vầy: Tôi tin đây là cách thứ nhứt Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính mình Ngài cho loài người, bằng quyền tối cao của Ngài. Sách đầu tiên đã từng được viết ra không phải là sách Sáng thế ký đâu, mà là sách Gióp, và toàn bộ lẽ đạo nói về việc ấy: Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị! Đức Chúa Trời cao tột hơn hết! Đây là Đức Chúa Trời mà chúng ta đang phục sự và chúng ta phải phục theo, chúng ta phải tin cậy nơi sự dẫn dắt của Ngài trong các hoàn cảnh tệ hại nhất của cuộc sống. Trong các cơn thử thách nghiệt ngã nhất mà chúng ta phải bước vào chúng ta phải nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã ấn định đường lối của chúng ta, mà còn là điều nầy nữa: Đức Chúa Trời có quyền tể trị đường lối đó, Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời đáp trả lời cầu nguyện, rằng Đức Chúa Trời sẽ vận hành. Tôi tin có ít nhiều quan trọng cho quí vị hôm nay, khi chúng ta bước vào một năm mới, ấy là sự thực Đức Chúa Trời đang ngự trên ngôi.
Hãy suy nghĩ về điều nầy khi chúng ta kết thúc: nếu Đức Chúa Trời không nâng đỡ thế gian, thì chúng ta sẽ ở đâu? Tôi đang nói tới ai đó tuần lễ nầy và người ấy lọt vào sự chú ý của tôi, là nếu Đức Chúa Trời khiến trời mưa suốt cả ngày, chúng ta sẽ thấy ướt loi ngoi hết, có phải không? Một ngày kia, quí vị nhìn thấy tuyết tan, quí vị nhìn thấy lũ lụt tràn khắp nước Anh, quí vị nhìn thấy những điều mà động đất và núi lửa có thể hoành hành – thế mà, trong mọi sự đang xảy ra, những mãnh thiên thạch không rơi nhằm quả đất; thực ra, nếu chúng ta tới gần mặt trời thêm một chút nữa, chúng ta sẽ bị nướng chín, nếu chúng ta xa mặt trời thêm một chút nữa, chúng ta sẽ bị đông cứng, Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị. Đức Chúa Trời đang nâng đỡ, Ngài đang nâng đỡ muôn vật bởi lời quyền phép của Ngài.
Thứ hai: học biết đầu phục quyền tối cao của Đức Chúa Trời. Quí vị sẽ học theo chăng? Chỉ học đầu phục thôi đấy! Quí vị có thể làm hay hơn Đức Chúa Trời chăng? Quí vị có thể hoạch định cuộc sống mình tốt hơn Ngài chăng? Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ ở đâu nếu chúng ta bị bỏ lại đây! Điều tôi muốn quí vị làm hôm nay là hãy bước ra và, giống như cụ Hêli nói – khi ông hay được mọi điều khủng khiếp đã xảy ra cho các con trai cụ và đã xảy ra cho Hòm Giao Ước, cụ nói: 'Ấy là Đức Giê-hô-va, nguyện Ngài làm đều đẹp ý Ngài!'. Chúng ta có thể nói như thế chăng? Chúng ta có thể nói như Gióp: 'Đức Giêhôva ban cho, Đức Giêhôva cất đi' – và đây là chìa khoá - 'Đáng ngợi khen danh Đức Giêhôva'? 'Dù Ngài giết tôi, tôi vẫn nhờ cậy nơi Ngài'? Giống như Đức Chúa Giêxu Christ: 'Thưa Cha, phải, thật như vậy, vì Cha đã thấy điều đó là tốt lành'? Hãy suy nghĩ xem: mọi thập tự giá của quí vị đều vừa vặn với chiếc áo xống của quí vị, vì Đức Chúa Trời là thợ may, Đức Chúa Trời đã ấn định chúng, Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng cho quí vị – và phép lạ của ân điển là đây: ấy là từng việc nhỏ nhặt đều hiệp lại làm ích cho quí vị.
“Tôi tin có ít nhiều quan trọng cho quí vị hôm nay, khi chúng ta bước vào một năm mới, ấy là sự thực Đức Chúa Trời đang ngự trên ngôi”.
Tôi biết đó là những gì Lời Đức Chúa Trời đã phán ra. Nó giống như mấy cái bánh xe của cái đồng hồ, dường như chúng đang chạy ngược, song hết thảy chúng đều chạy theo cùng một hướng – và điều đó khiến cho kim đồng hồ cứ chạy tới, và làm cho nó reng chuông lên. Bất luận điều chi đang xảy ra trong đời sống của quí vị, quí bạn tôi ơi, thật ra mọi sự đều là vì ích cho quí vị đấy thôi – và điều ấy sẽ là một phương cứu chữa [dành cho] sự sợ hãi, không một điều gì đụng đến quí vị vì quí vị nhận biết rằng Đức Chúa Trời trong sự yêu thương, khôn ngoan của Ngài sẽ không cho phép bất cứ một điều ác nào đi ngược lại với ý chỉ của Ngài. Tình yêu ấy khiến cho chúng ta càng ao ước về thiên đàng và khiến cho chúng ta khao khát một quê hương. Đó là nan đề, quyền tối cao của Đức Chúa Trời, đó là một nan đề mà tôi phải hiểu rõ, đó là một nan đề dành cho hết thảy chúng ta – thực vậy, có những lúc chúng ta hồ nghi sự tối cao ấy vì có những việc đang xảy ra trong đời sống chúng ta - nhưng có một ngày sẽ đến khi chúng ta biết như đang nhìn qua một tấm gương cách mập mờ, nhưng chúng ta sẽ thấy mặt đối mặt, và chúng ta sẽ biết như Chúa biết chúng ta vậy.
Đây là Đức Chúa Trời, Ngài đã đưa Êxơtê đến trước mặt nhà Vua vì nàng đã được chọn ra từ một loạt các nữ đồng trinh. Đây là Đức Chúa Trời, Ngài đã đưa những con chim quạ, thậm chí chúng chẳng cho các con nhỏ của chúng ăn, đem đồ ăn đến cho vị tiên tri của Đức Chúa Trời ăn – ấy là Êli. Đây là Đức Chúa Trời, Ngài đã khiến cho con gà biết gáy, đây là Đức Chúa Trời, bàn tay tối cao, vô hình của Ngài đã được nhìn thấy qua Lời của Đức Chúa Trời, và đã được thấy trong sách Êxơtê dù chẳng hề nhắc tới danh của Ngài – tại sao vậy? Vì mục đích là đây: Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời trong các vụ việc của loài người – và quí bạn tôi ơi – hãy nghe đây! – quí vị là con ngươi của mắt Ngài, và mí mắt của quyền tối cao của Đức Chúa Trời hết ngày nầy sang ngày khác lo bảo hộ quí vị, và lo gìn giữ quí vị.
Ồ, tôi muốn chúng ta còn ao ước nhiều hơn nữa – tôi dám chắc quí vị không ao ước gì khác hơn! Cho phép tôi nói điều nầy khi chúng ta kết thúc: sách Khải huyền là một bức thư viết cho hạng người chịu bắt bớ. Giăng đã ở trên quần đảo Bátmô – và có một câu mô tả quyền tối cao của Đức Chúa Trời trong sách ấy đã được nhắc đi nhắc lại, cái điều mà quí vị không tìm thấy ở đâu khác trong Lời của Đức Chúa Trời. Đó là chữ 'toàn năng', quí vị tìm thấy chữ ấy ở chương 1 câu 8: 'Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, Và Còn Đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga' – chữ toàn năng, chạy xuyên suốt quyển sách ấy. Quí vị có biết Ngài mong muốn dân sự phải làm gì không? Hãy nhướng mắt lên trời và nhìn xem điều nầy: bất luận điều chi đang xảy ra trong đời sống của quí vị, có một Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng đang cầm quyền tể trị.
'Khi hạng người cao trọng
đến dự bữa tiệc sau cùng của họ,
Và những kẻ chuyên quyền đưa ra lời đe doạ.
Khi các vị tiên tri câm nín vì lo sợ,
Và các lực lượng đối lập nhau dàn trận.
Khi bè đảng, lừa dối và phản bội,
Đem lại mọi sự hỗn loạn ở nơi có trật tự.
Khi tự do mà người ta ấp ủ lâu nay bị chế ngự,
Và các nhà lãnh đạo đáng tin cậy đã suy sụp.
Khi Đức Chúa Trời và Lời của Ngài bị chế giễu,
Và con người cho cầu nguyện là vô ích.
Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời vẫn tể trị,
Và Ngài là Đấng nói ra lời cuối cùng'.
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Ngài vì sự bảo đảm phước hạnh nầy, chúng con không biết tương lai có gì, song chúng con biết Đấng đang nắm giữ tương lai. Lạy Chúa, chúng con cầu xin sự dẫn dắt sâu sắc và bảo đảm của Ngài sẽ trở thành những đồn lũy mà tấm lòng chúng hướng tới trong năm mới nầy. Xin hãy chạm đến các tấm lòng cần được chạm đến, và xin chúc phước cho chúng con trong thì giờ nầy, Amen.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét