Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

DAVID: Chàng Ca Sĩ Tuyệt Vời của Israel



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Chàng Ca Sĩ Tuyệt Vời của Israel
I Samuên 16.14-23
Âm nhạc… nó đang vây chung quanh chúng ta mỗi ngày. Chúng ta mở radio lên và có ngay bốn mươi bài hát hàng đầu ở trong xứ. Chúng ta mở TV lên rồi chọn lấy phần âm nhạc mình ưa thích. Chúng ta bước vào trong xe hơi và mấy cái loa rộn ràng lên. Hầu hết chúng ta đều có nhiều đĩa Cơ đốc và băng ghi âm các nhạc sĩ mà chúng ta ưa thích. Những dãy kệ của nhiều cửa hàng đều chất đống với đủ loại nhạc từ rock đến raggae, từ nhạc đồng quê đến cổ điển. Quí vị có thể tải bất cứ và từng thể loại nhạc xuống từ Internet. Thật là khó mà tránh được âm nhạc. Từng phần phát thanh quảng cáo đều có riêng loại nhạc nền. Quí vị bước vào thang máy, thì đã nghe thấy tiếng nhạc rồi. Chỉ cần bấm cái nút, thì chuông điện sẽ rền lên tiếng nhạc. Từng cuốn phim và từng buổi trình diễn vô tuyến truyền hình đều có dấu vết của âm nhạc. Âm nhạc có ở khắp mọi nơi.
David đã sống vào một thời đại khác. Không có một chiếc radio nào, không có một máy hát CD nào, không có một vô tuyến truyền hình hay nhà hát nào hết. Không có một chương trình phát thanh quảng cáo, không có thang máy, và không có một cái chuông điện nào cả. Âm nhạc là thứ duy nhứt mà người ta nghe thấy đã làm cho cuộc sống phải sinh động. Câu 18 nói David "gảy đờn hay". Câu 23 nói: "David lấy đờn và gảy". “Đờn” mà David gảy không phải là một trong những nhạc cụ của dàn nhạc lớn mà quí vị nhìn thấy hôm nay, mà là một thứ đàn lia [lyre], một thứ nhạc cụ nhỏ cầm tay có thể sánh với một cây đàn guitar hiện nay. Học giả Kinh Thánh lỗi lạc Merrill Unger đã mô tả nhạc cụ của David như sau:
Nhạc cụ gồm có dây, theo thông tin từ các rabi, dây nầy được làm từ ruột non của con chiên và được căng kéo qua một tấm ván tạo âm thanh với khoảng không gian trống có một cần đàn bắc ngang qua. Người chơi rõ ràng đã gảy một miếng phím lên các sợi dây bằng tay mặt, còn tay trái thì chận trên phiếm đàn.
Giống như Giu-banh là "tổ phụ của những kẻ đánh đờn và thổi sáo" (Sáng thế ký 4.21), David là một nhạc sĩ rất xuất sắc. Người ta thường gọi chàng là "ca sĩ tuyệt vời của Israel". Không nghi ngờ chi nữa, chàng cầm lấy cây đàn lia ra ngoài đồng ruộng và dạo khúc với bầy chiên của mình. Chàng đã viết nhiều bài hát cho sự thờ phượng và ngợi khen. Hơn phân nửa 150 Thi thiên của Kinh Thánh đã thuộc về David. Thực thế, một số trong các Thi thiên ấy đã được viết ra trong suốt thời kỳ David sống trên đất mà chúng ta sẽ nghiên cứu qua hôm nay.
Tuần rồi, chúng ta đã học biết thể nào David, gã thiếu niên chăn chiên có tài âm nhạc đã được tiên tri Samuên xức dầu làm vua. Dù vậy, một thời gian dài đã trôi qua trước khi chàng ngồi lên ngai vàng ấy. Làm thế nào một người xuất thân từ một gia đình không lấy gì nổi tiếng lắm đã thăng hoa lên ngai vàng cho dù các thành viên trong gia đình của chàng đã bỏ quên và đã chế giễu chàng? Làm thế nào chàng có được địa vị Vua, khi người hiện là Vua đang ở trong một tình trạng tâm thần phân liệt, người sẽ không ngần ngại giết bất kỳ ai chống đối mình?
Chính Đức Chúa Trời mới là Đấng xức dầu cho David và chính Đức Chúa Trời là Đấng đã cất chàng ra khỏi ràng chiên. Công cụ thứ nhứt mà Đức Chúa Trời sử dụng để đưa David lên ngai vàng của Israel là âm nhạc. Hãy đối diện với điều nầy xem, một số người chào đời để chơi nhạc và một số người thì không. Dù nhiều nhạc sĩ rất có tài đã chơi nhạc trong nhiều năm trời, một số người trước tiên phải có năng khiếu tự nhiên, một lỗ tai để nghe các giai điệu cùng mấy ngón tay nhanh nhẹn và khéo léo. Đức Chúa Trời với sự khôn ngoan đã đặt trong David một ân tứ về âm nhạc cũng giống như một tâm hồn thi sĩ vậy. Đức Chúa Trời cũng ban cho chàng nhiều năm sống cô độc trong đồng vắng để rèn luyện năng khiếu của mình trước một khán thính giả là bầy chiên nhiều lông lá kia. Kế đó, khi đến thì thuận tiện, Đức Chúa Trời sử dụng âm nhạc mà Ngài đã đặt trong tấm lòng của David như nấc thang đầu tiên trên chiếc thang bắc lên ngai vàng. Từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta ở I Samuên 16.14-23, chúng ta hãy xét xem làm thể nào mà việc đã xảy ra.
I. Nan đề – Một tâm hồn bị khuấy khuất (câu 14).
A. Thần của Đức Giêhôva lìa khỏi Saulơ.
Trong câu 13, khi Samuên xức dầu cho David với “sừng dầu”, chúng ta đọc thấy "từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Đa-vít". Bằng cách đối chiếu, câu 14 chép: "Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ". Dường như là linh của Đức Chúa Trời đã "ở cùng" David theo một phương thức rất mạnh mẽ, Ngài "đã lìa khỏi" Saulơ. Hai sự kiện được lên kết với nhau rất rõ ràng.
Giờ đây một số Cơ đốc nhân sẽ đọc mấy câu nầy và ngay lập tức cảm thấy lo lắng. Họ e sợ vì cớ một số tội lỗi, Đức Chúa Trời cũng sẽ lìa khỏi họ.
Một số nhà truyền đạo đã cù cưa ý niệm nầy làm một phương tiện cho việc lôi kéo dân sự của Đức Chúa Trời. Họ nói: "Nếu quí vị không vâng theo điều tôi giảng cho quí vị, Đức Chúa Trời sẽ cất đi Thánh Linh Ngài và sự hiện diện của Ngài ra khỏi đời sống của quí vị và rồi quí vị chỉ còn là cô độc mà thôi". Đó là một tư tưởng đáng sợ cho người nào thiếu hiểu biết đầy đủ. Thế rồi chắc chắn họ sẽ chỉ vào một phân đoạn giống như phân đoạn nầy hay Các Quan Xét 16, ở đây Đalila đã cắt bỏ mái tóc của Samsôn và "người chẳng biết rằng Đức Giê-hô-va đã lìa khỏi mình" (câu 20). Chắc chắn họ sẽ chỉ vào tiếng kêu la hối hận của David ở Thi thiên 51.11: "Xin chớ từ bỏ tôi khỏi trước mặt Chúa, cũng đừng cất khỏi tôi Thánh Linh Chúa".
Cho nên khi chưa có ai lôi kéo quí vị giống như thế, chúng ta hãy có một sự hiểu biết đúng đắn về thần học trước sự kiện: “thần của Đức Giêhôva lìa khỏi Saulơ" là như thế nào!?! David và Saulơ đã sống dưới Giao Ước Cũ trong thời kỳ Cựu Ước. Trong suốt thời kỳ ấy, trước sự sống lại và Lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã ở với dân sự Ngài và mặc lấy quyền phép cho dân sự Ngài để lo thực thi một số các công việc đặc biệt của sự thờ phượng. Thí dụ, Các Quan Xét 14 cho biết về một con sư tử tơ đã tấn công Samsôn. Câu 6 chép: "Thần của Đức Giê-hô-va cảm động Sam-sôn rất mạnh, tuy chẳng cầm vật chi, song người xé con sư tử đó như xé con dê con vậy". Trong Xuất Êdíptô ký 31 Đức Chúa Trời phán về Bếtsalêên: "Ta đã làm cho người đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ" (câu 3). Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã mặc lấy quyền phép cho Bếtsalêên để xây dựng đền tạm. Trong thời kỳ Cựu Ước, Đức Thánh Linh đã ở với dân sự và đã ngự trên một số người nhất định để giúp cho họ hoàn thành mọi việc làm nhất định nào đó. Đó là một cái chạm đặc biệt cho một phần việc đặc biệt.
Trong Tân Ước, có vài lần Chúa Giêxu đã nói tiên tri về sự đến của Đức Thánh Linh. Ngài phán trong Giăng 7.37-38: "Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy". Câu 39 chép: "Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Đức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Đức Chúa Jêsus chưa được vinh hiển". Trong Giăng 14.16-17, Chúa Giêxu đã phán cùng các môn đồ: "Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời, tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi". Lời hứa ấy đã thực sự đến vào ngày Lễ Ngũ Tuần trong Công Vụ các Sứ Đồ 2, ở đây quyền phép của Đức Thánh Linh đã tỏ ra qua những cái lưỡi bằng lửa và trong sự cứu rỗi 3.000 linh hồn. Phierơ nói: "Vì lời hứa thuộc về các ngươi, con cái các ngươi, và thuộc về hết thảy mọi người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi" (câu 39).
Ngày nay, chúng ta đang sống trong ơn phước đầy đủ của lời hứa đó. Khi quí vị và tôi đã được cứu, Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự đến sống trong chúng ta, ngự trong chúng ta. Êphêsô 1.13-14 chép: "Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chơn thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài". I Côrinhtô 6.19 hỏi: "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?" Thực ra, Roma 8.9 chép: "song nếu ai không có Thánh Linh của Đấng Christ, thì người ấy chẳng thuộc về Ngài".
Khi câu Kinh Thánh chép "thần của Đức Giêhôva đã lìa khỏi Saulơ", nói như thế có nghĩa là Đức Chúa Trời không còn mặc lấy cho ông ta năng lực để làm vua nữa. Saulơ đã sống theo sức riêng mình. Ông ta đã ngạo mạn thách thức Đức Giêhôva và bất tuân các mạng lịnh của Ngài. Đức Chúa Trời đã ra khỏi Saulơ. Thánh Linh của Ngài đã lìa khỏi ông ta.
B. Một linh khuấy khuất đã nhập vào Saulơ.
Khi "thần của Đức Giêhôva đã lìa khỏi Saulơ", Ngài không để cho ông ta trống không đâu. Trong chỗ của Đức Thánh Linh, một “ác thần” đã đến đặng "khuấy khuất người".
Chúng ta đang xử lý với mệnh đề đó, có phải không? Làm thể nào một Đức Chúa Trời thánh khiết, yêu thương lại sai một “ác thần" hay "tà linh" đến trên một ai đó? Tôi giải thích vấn đề theo cách nầy. Theo cùng một cách thức mà Đức Chúa Trời dời khỏi chiếc hàng rào bảo vệ dựng lên xung quanh Gióp và cho phép Satan làm khổ ông (Gióp 1.6-12), Đức Chúa Trời đã cất bỏ đi sự hiện diện với sự xức dầu của Ngài khỏi Saulơ rồi cho phép một ác thần đến áp bức và làm khổ ông ta. “Ác thần” là một linh thuộc về ma quỉ, song nó đến “từ Đức Giêhôva” đúng theo ý nghĩa mà Đức Chúa Trời đã cho phép nó đến giống như một sự trừng phạt Saulơ vậy. Đức Chúa Trời không còn kềm chế điều ác nơi Saulơ nữa.
Ác thần nầy "đã khuấy khuất” ông ta. Từ ngữ Hy bá lai nói đến sự “khuấy khuất” là ba’ath có nghĩa là "làm cho sợ hãi, làm cho giật mình, đánh bằng sợ hãi, làm cho kinh sợ, làm cho kinh khủng, làm cho phát khiếp, làm cho giật mình bằng hình thức kinh hãi đột ngột. Đây là một hình thức doạ dẫm cao độ nhất". Đức Chúa Trời đã cho phép một con quỉ đến gây kinh sợ, khủng khiếp và tạo ra tâm thần phân liệt trong tấm lòng của Saulơ. Saulơ không những đã gặp phải nhiều cơn chán nản và sầu muộn. Một ác thần đã lèo lái ông vào chứng tâm thần phân liệt, mất trí, và chứng giận dữ, điên tiết.
Một trong những thứ vũ khí nguy hiểm nhất của kẻ thù chúng ta là sợ hãi. Hắn thích làm cho chúng ta phải sợ hãi tương lai. Hắn vui lắm khi thấy chúng ta đau khổ. Hắn cười nhạo chúng ta khi chúng ta oằn oại với lo âu. Hắn thích thú lắm khi chúng ta lo lắng. Không có gì làm cho đức tin của chúng ta phải bại liệt cho bằng sợ hãi. Dù vậy, đức tin là phần đắc thắng duy nhất của chúng ta đối với sợ hãi. Bởi đức tin, chúng ta tin tưởng mọi lời hứa phong phú của Đức Chúa Trời. Bởi đức tin, chúng ta tin cậy vào tình yêu thương trọn vẹn của Đức Chúa Trời. 1 Giăng 4.18 chép: "Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cắt bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương". II Timôthê 1.7 chép: "Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát, bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và giè giữ".
Nếu sợ hãi có thể làm cho chúng ta phải bại liệt, dù khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời thường trực ngự trong chúng ta, hãy tưởng tượng mọi điều mà một “ác thần” sợ hãi có thể làm ra cho một người mà Đức Chúa Trời đã chối bỏ và đã cất khỏi người Thánh Linh của Ngài.
II. Chương trình – Một thứ nhạc êm dịu (các câu 15-17).
A. Các tôi tớ của Saulơ chú ý đến tình trạng của người (câu 15).
Các tôi tớ của Saulơ, mấy người hầu cận riêng của người, các tư vấn và triều thần gần gũi người vốn không biết chi hết về sự thay đổi nầy nơi nhà vua của họ. Họ đã nhìn thấy ông ngồi trong câm nín, không nói năng chi hết trong nhiều giờ liền. Họ đã nhìn thấy tâm tính ông thay đổi cách nhanh chóng. Họ đã nhìn thấy ông tỏ ra bực tức giận dữ. Họ đã nhìn thấy ông khóc lóc, run rẩy khi cảm xúc lo âu và sợ hãi phủ lút ông.
Thật là thú vị thay, họ đã thực hiện một cuộc chẩn đoán khá chính xác. Họ không đưa ông đi gặp một bác sĩ tâm lý. Ông chẳng đi gặp một vị y sĩ nào hết. Họ nói: "Nầy có một ác-thần mà Đức Chúa Trời khiến đến khuấy-khuất vua". Thái độ của Saulơ quá thất thường đến nỗi chỉ còn cách giải thích hợp lý duy nhứt, ấy là bị quỉ ám.
B. Các tôi tớ của Saulơ tiến cử một phương cứu chữa (các câu 16-17).
Họ đã nói: "Xin chúa chúng tôi hãy biểu những tôi tớ đứng chầu chúa tìm một người biết gảy đờn, để khi nào Đức Chúa Trời sai ác-thần đến chúa, thì người đó sẽ gảy đờn, và chúa sẽ được an ủy".
Họ đã tin tưởng phương cứu chữa cho tình trạng của Saulơ là hiệu quả êm dịu của âm nhạc. Câu cách ngôn xưa nói: "Âm nhạc có quyền lực làm cho con thú hung dữ phải dịu lại". Họ đã tin quyết vào câu cách ngôn đó. Hãy nhớ, không có chút âm thanh nổi nào hết. Họ không thể mở đĩa Cơ đốc nhạc pop của Kenny cho ông ta nghe và làm cho ông dịu lại được. Họ phải đi tìm cho ra một nhạc sĩ thật hay ngay tức khắc để chơi cho ông nghe với bất cứ giá nào.
Đối với tôi, đây là chỗ rất lý thú đây. Các tôi tớ của Saulơ đã chẩn đoán đúng nan đề, ấy là một “ác thần” đã đến khuấy khuất vua của họ. Họ vốn biết rõ đây là vấn đề của tâm linh. Tuy nhiên, họ đã chọn làm cho ông được yên ủi trong lúc ông nổi loạn. Họ đã tìm cách che đậy và xoa dịu nan đề thay vì giải quyết nan đề đó.
Chúng ta dễ rơi vào chính cái bẫy nầy dường bao! Chúng ta nhìn thấy một anh chị em đang ở trong tội lỗi, nổi loạn nghịch lại Chúa. Chúng ta không muốn làm cho người phải bối rối. Chúng ta không muốn tạo ra sóng gió trong mối quan hệ. Thay vì đối mặt với tội lỗi, chúng ta lại chọn bất chấp nó và làm cho người ấy được yên ủi trong tội lỗi đó. Thực thế, đôi khi chúng ta để cho tội lỗi của người khác được phép do sự chúng ta từ chối không chịu đương đầu với nó. Hãy xem xét các gia đình có người nghiện rượu xem.
Các tôi tớ của Saulơ rất trung thực với ông. Họ đã bảo ông nên ăn năn và trở lại với Đức Giêhôva. Hãy lắng nghe mấy câu nầy: "Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín. Bạn hữu làm cho thương tích, ấy bởi lòng thành tín; còn sự hôn hít của kẻ ghen ghét lấy làm giả ngụy" (Châm ngôn 27.5-6).
Tôi yêu âm nhạc. Tôi luôn yêu âm nhạc. Là một thiếu niên, tôi đã sử dụng nhiều giờ trong phòng để nghe các đĩa nhạc hay. Tôi đã học chơi hết thảy các bài hát mà tôi ưa thích bằng cây đàn guitar của mình. Trong trường Trung và Đại học, tôi đã chơi nhạc với nhiều ban. Âm nhạc là một sức mạnh có quyền năng cho cả tốt và xấu. Ngày nay, tôi có thể cầm cây đàn guitar lên và đi vòng quanh với một vài giai điệu rồi thấy thoải mái đôi chút. Mặt khác, khi có ai đó đứng bên cạnh tôi bên ngọn đèn màu đỏ rồi ăn nói huyên thuyên với cái giọng trầm trầm của hắn, thực sự tôi sẽ nổi điên lên ngay. Quí vị có thể tạo ra cả triệu đô la nếu quí vị có thể nghĩ ra một sáng chế chỉ ra một trong những chiếc xe hơi do nhiều mảnh điện tử ráp lại! Quí vị có muốn có một bộ điều khiển từ xa làm tan chảy những sợi dây loa không?
Âm nhạc có thể được sử dụng cho cả tốt và xấu. Âm nhạc có thể làm cho chúng ta nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời hay kéo chúng ta lại gần Ngài hơn. Là một thiếu niên, khi tôi nổi giận một chuyện gì đó, tôi sẽ vào phòng của mình rồi nằm nghe nhạc rock-n-roll. Nó chẳng giải quyết được việc gì. Mà thực ra, nó làm cho mọi việc ra tệ hại thêm mà thôi. Nếu quí vị chưa hoà thuận lại với Đức Chúa Trời, dù quí vị có chơi bao nhiêu bản nhạc đi nữa, thì cũng chẳng nhằm nhò gì đâu.
Cho phép tôi đưa ra lời khuyên tốt, tin kính cho quí vị. Đừng nghe thứ nhạc nào không có tính giáo dục. Tôi không có ý nói quí vị chỉ nên nghe loại nhạc ngợi khen và thờ phượng thôi đâu! Tôi không có ý nói rằng âm nhạc phải luôn luôn là nhạc Cơ đốc. Tôi không có ý nói quí vị đừng bao giờ nghe loại nhạc đời thường. Tôi có ý nói rằng quí vị nên cẩn thận lắng nghe và kiểm tra chất lượng sứ điệp của bất cứ loại nhạc nào và nếu nó không gây dựng cho quí vị, thì hãy tắt đi.
Saulơ không muốn ăn năn. Ông ta không muốn xưng tội với Đức Giêhôva. Ông ta đã nổi giận dữ và tỏ vẻ chán nản đối với Đức Chúa Trời. Ông ta bằng lòng tiếp lấy lời đề nghị của họ rồi nói: "Vậy, hãy tìm cho ta một người gảy đờn hay, rồi dẫn nó đến cùng ta".
III. Người chơi đàn – Những Thi thiên ra từ một người chăn bầy (câu 18).
Một trong các tôi tớ của Saulơ đã nhớ đến David. Ở trong trường hợp nào đó, ở đâu đó, ông ta đã gặp gã thiếu niên chăn chiên nầy. Ông ta đã nghe gã đánh đàn và ca hát. Ông ta nói: "Nầy tôi đã thấy một con trai của Y-sai, người Bết-lê-hem; nó gảy đờn hay, một người chiến sĩ mạnh bạo, ăn nói khôn ngoan, và mặt mày tốt đẹp; Đức Giê-hô-va ở cùng người". Đúng là một bản tóm tắt lý lịch! Thực vậy, khi chúng ta tiếp tục phần nghiên cứu, chúng ta sẽ quay trở lại với bản mô tả nầy trong câu 18 nhiều lần. Chúng ta hãy chú ý thật cẩn thận 5 đặc điểm nầy của David.
A. David là một nhạc sĩ có tài.
Chàng có tài “gảy đờn hay”. Đức Chúa Trời đã ban cho chàng ân tứ về âm nhạc và cơ hội để phát huy năng khiếu của mình ở vùng đồi núi gần thành Bếtlêhem. David có một tâm hồn thi sĩ. Chàng có khả năng phối trí cả lời và nhạc trong các bài hát ngợi khen rất hay mà chúng ta vẫn còn hát hôm nay. Hãy dành ra thời gian để xem xét các Thi thiên nói về người chăn bầy, được sáng tác dưới vòm trời của đồng vắng. Hãy xem qua các Thi thiên 8, 19, 23, 29. Meyer bình luận như sau:
Các Thi thiên do David sáng tác trong thời buổi xa xưa ấy – chúng thật tự do, rất hấp dẫn, dù phải chịu lấy các yếu tố tối tăm của sự bắt bớ, bất công, nhận thức về tội lỗi đã chỉ ra thiên bẩm sáng tác của chàng – các Thi thiên ấy đã được định cho việc ca hát khắp thế gian và mọi thời đại, chúng tác động trên mọi người chính những hiệu quả mà chúng đan dệt trong lòng nhà vua, Kinh Thánh cho biết rằng khi David cầm lấy đàn, dùng tay mình khảy, thì Saulơ bèn được yên ủi, lành mạnh ngay.
B. David là một chiến sĩ mạnh bạo.
Chàng là một “người dũng cảm, mạnh sức, một người của chiến tranh”. Hãy đợi trong một phút. Tôi nghĩ David là một gã chăn chiên lúc bấy giờ, đang chơi đàn lia cho bầy chiên nghe. Làm sao gã lại trở thành một chiến binh dũng cảm cho được? Gã chưa từng đối mặt với Gôliát bao giờ?
Hãy nhớ rằng Israel thường gặp cảnh chiến tranh trong suốt kỷ nguyên nầy. Người Philitin đã thực hiện nhiều cuộc xâm nhập vào Bếtlêhem cùng các thị trấn, làng mạc khác ở phía Nam. Những người trong các cộng đồng nầy đã ngưng mọi công việc của họ lại rồi cầm vũ khí lên để bảo vệ mùa màng, bầy gia súc, và gia đình của họ. Họ là “hạng người rất tỉ mỉ của thành Bếtlêhem”. Không nghi ngờ chi nữa, David đã chứng minh lòng can đảm của mình ngay lúc tuổi hãy còn trẻ khi chống cự lại lũ người xâm lược nầy, do đó tôi tớ của Saulơ mới có ý kiến như thế nầy về chàng!
Beth Moore trong phần nghiên cứu tỉ mỉ của bà về David, bà nói về sự trớ trêu của David khi là một nhạc sĩ làm thơ, viết Thi thiên và một người dũng cảm của chiến trận. Bà viết:
Câu 18 kết hợp hai phần mô tả mà chúng ta không mong chúng đi đôi với nhau: David đã gảy đàn; chàng là một chiến binh. Trong hai phần mô tả ấy, Đức Chúa Trời nói lên thật hùng hồn cho chúng ta biết về "người vừa lòng Ngài". Chúng ta thấy rằng David vốn có tánh ôn hoà và sự nhạy cảm của một nghệ sĩ. Chàng là một nhạc sĩ và một nhà sáng tác … Tuy nhiên, chúng ta cũng được biết chàng là một chiến binh, dũng cảm và mạnh sức. Những ngón tay khảy đàn cách nhẹ nhàng ấy cũng là những ngón tay điều khiển cái trành ném đá hay thanh gươm thật là linh hoạt.
C. David là một người ăn nói khôn ngoan.
Chàng rất "cẩn thận trong lời nói". Ngay khi còn trẻ tuổi, chàng đã biết ăn nói khôn khéo rồi. Chàng vốn biết phải nói như thế nào là đủ mà không quá nhiều. Thánh Linh Đức Chúa Trời đáp đậu trên chàng và chàng đã nói năng trong sự khôn ngoan trỗi hơn số năm tuổi của chàng.
D. David là một người đẹp trai.
Chàng có “mặt mày tốt đẹp”. Tôi nghĩ sự tốt đẹp nầy còn hơn cả mái tóc màu “hung hung đỏ”, đôi mắt xinh lịch của chàng nữa. Cái đẹp nầy nói đến toàn nhân cách của chàng. David là một người có sức hấp dẫn riêng. Người ta bị kéo đến với chàng. Saulơ yêu mến chàng. Micanh, con gái của Saulơ, nàng yêu mến chàng. Giônathan, con trai của Saulơ, vốn yêu mến chàng. Dân sự của chàng yêu mến chàng. Những người mạnh sức của chàng đều hiến thân cho chàng, họ muốn dâng mạng sống của họ cách sốt sắng tùy theo mạng lịnh của chàng.
E. David là một người thuộc linh.
“Đức Giêhôva ở cùng người”, đây là điều quan trọng nhất. Chàng kính sợ Đức Chúa Trời. Mọi tư tưởng của chàng đều xu hướng về Đức Chúa Trời. Các bài ca của chàng đều nhắm về Đức Chúa Trời. Lòng tin cậy của chàng đặt nơi Đức Chúa Trời. Chàng là người của Đức Chúa Trời. Còn điều lớn lao nào hơn nữa không?
IV. Sự tiếp trợ – Được ơn Vua (các câu 19-23).
A. Saul sai đòi David (câu 19).
Câu 19 chép: "Sau-lơ sai sứ đến Y-sai, mà nói rằng: Hãy gởi cho ta Đa-vít, con trai ngươi, là kẻ chăn chiên". Quí vị có theo kịp không? David đang ở đâu vậy? Chàng đang ở "với bầy chiên". Chàng đã được xức dầu làm vua, song chàng không tự mình lao vào đấy. Chàng không tìm cách luồn lách vào trong cung cấm. Cho tới chừng Đức Chúa Trời can thiệp một lần nữa, chàng quay trở lại với công việc mà chàng đang lo làm. Đấy là sự hạ mình! Chàng để cho Đức Chúa Trời thực hiện công việc đề bạt đó. Thi thiên 75.:6-7 chép: "Vì chẳng phải từ phương đông, phương tây, hay là từ phương nam, mà có sự tôn cao đến. Bèn là Đức Chúa Trời đoán xét: Ngài hạ kẻ nầy xuống, nhắc kẻ kia lên".
Lần đầu tiên David bị đòi đến, chàng đã được xức dầu làm vua. Chàng quay trở lại với bầy chiên và chịu khó lao động thêm mấy năm trời. Sứ giả kế đó đến triệu chàng vào cung Vua!
Đúng là một tấm gương cho chúng ta! Quí vị có cảm thấy mình được kêu gọi vào một chức vụ đặc biệt hay vào một vị trí đặc biệt nào đó chăng? Quí vị sẽ làm gì? Hãy ở lại nơi quí vị đang sinh sống cho tới chừng Đức Chúa Trời buộc quí vị phải ra đi. Phải cẩn thận trong những gì Đức Chúa Trời đã ban cho quí vị hôm nay. Hãy dọn lòng đi. Phải sẵn sàng. Song hãy đợi Đức Chúa Trời mở các cánh cửa ra.
B. Saulơ yêu mến David (các câu 20-23).
Ysai đã chuẩn bị một số quà theo lệ thường cho nhà vua rồi nhờ tay David gửi chúng cho Saulơ. Câu 21 chép: "Đa-vít đến nơi Sau-lơ, bèn ra mắt người. Sau-lơ thương yêu người [David] lắm, đặt người [David] làm kẻ vác binh khí mình".
Saulơ “thương yêu” David lắm, đúng là một câu nói đáng kinh ngạc. David là mọi sự mà Saulơ đã trông mong. David là sự thay thế của ông ta. Saulơ đã ghét bỏ David nhưng có một thứ nơi cá tánh của chàng trai nầy đã lôi kéo tấm lòng rách nát của Saulơ phải xu hướng vào. Châm ngôn 16.7 chép: "Khi tánh hạnh của người nào đẹp lòng Đức Giê-hô-va, thì Ngài cũng khiến các thù nghịch người ở hòa thuận với người".
Thực ra, Saulơ vốn ưa thích David đến nỗi ông "sai sứ đến Ysai" rồi trân trọng yêu cầu: "Ta xin ngươi hãy cho Đa-vít đứng chầu chực ta; vì nó được ơn trước mặt ta". Saulơ không cần phải có sự cho phép của Ysai. Ông ta là Vua mà. Tuy nhiên, do quá trân trọng đối với David, ông ta đã nài xin như thế.
Hai bài học quan trọng từ mấy câu cuối nầy:
Thứ nhứt, David đã tìm được vị trí của mình trong cung Vua.
Giống như Đức Chúa Trời đã chọn David làm Vua, giống như chàng đã sửa soạn để lãnh đạo một dân tộc qua việc dẫn dắt một bầy chiên, Đức Chúa Trời đã đem David vào cung vua để học biết mọi công việc mà nhà vua đang lo làm.
Hãy suy nghĩ xem. Muốn trở thành một vì vua, người ta phải học việc như thế nào đây? Không có một học vị hay lễ tân vương giả nào hết! David đã học nhiều về chính phủ phải làm việc ra sao qua việc quan sát Saulơ cùng triều thần của người. Một người khôn ngoan từng nói: "Bạn có thể học biết từ ai đó, thậm chí nếu đó là việc không nên làm". Với sự khôn ngoan của Ngài, Đức Chúa Trời đã đặt David vào cung vua để sửa soạn cho chàng nhiều hơn nữa để ngồi lên ngai vàng.
Thứ hai, Saulơ thấy khuây khoả trong sự thờ phượng.
Hãy lưu ý câu 23: "Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác-thần nhập vào Sau-lơ, thì Đa-vít lấy đờn và gảy. Sau-lơ bèn được an ủy, lành mạnh [ thấy thoải mái], và ác-thần lìa khỏi người".
Quí vị nghĩ xem, loại bài hát nào David đã khảy đàn cho Saulơ nghe trong nổi khổ của người? Có phải chàng khảy bản nhạc rap không? Có phải bài hát "giọt lệ trong men bia" cho kẻ có tấm lòng tan vỡ nghe không? Phải chăng đó là bài hát tình cảm du dương? Tôi không nghĩ như vậy đâu. Bản nhạc duy nhứt mà chúng ta có trong các bài ca của David nằm trong sách Thi thiên. Các bài ca của David hết thảy đều là các bài ca thờ phượng.
David đã cố gắng nâng vực tâm linh của Saulơ lên rồi trục xuất mấy con quỉ đi bằng cách dâng lên lời ngợi khen Đức Chúa Trời. Hãy chú ý trong tình trạng nát lòng, bị quỉ ám, Saulơ đã được “lành mạnh” và thấy “khuây khoả” trong các bài ca ngợi khen và thờ phượng của David.
Tôi thấy rằng điều nầy cũng rất thực trong đời sống tôi. Khi tôi gặp phải khó khăn trong một thời điểm đặc biệt, tôi bèn đàn mấy bài hát dành cho sự thờ phượng. Tôi hát cho Chúa nghe. Đôi khi tôi hát những bài thánh ca hay nói về đức tin của chúng ta. Tôi đàn những bài như Thành Tín Chúa Rất Lớn Thay hay Phước Bấy Duy Ngài. Có khi tôi hát các giai điệu đến thẳng từ Kinh Thánh như Như Con Nai Cái Thèm Khát Khe Nước hay Ngài Là Thuẩn Đỡ Cho Tôi. Có lúc tôi hát mấy bài mô tả tình yêu của tôi đối cùng Đức Chúa Trời, các bài hát như Lạy Cha Yêu Thương hay Tình Yêu Diệu Kỳ.
Phải, âm nhạc hiện hữu ở khắp mọi nơi. Chúng ta không thể lẫn tránh nó. Nhưng loại nhạc tốt nhứt là thứ nhạc làm cho chúng ta thoát khỏi những vất vả đời nầy và hãy để dành giọng hát cho bài ca trong tấm lòng của chúng ta, một bài ca ngợi khen và thờ phượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét