Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

DAVID: Xu hướng muốn phiêu lưu


ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Xu hướng muốn phiêu lưu
I Samuên 27.1 - 28.2
Robert Robinson là một trường hợp. Khi còn là thiếu niên, ông bỏ thị trấn quê hương nghèo khó của mình đến sống trong một thành phố lớn. Đơn thân độc mã và theo sức riêng mình, ông bị cuốn hút và bị ảnh hưởng của cuộc sống băng đảng trên đường phố lôi kéo. Ở tuổi thanh niên, ông đã sống một đời sống gian ác và truỵ lạc say sưa. Một tối kia, ông và mấy tên trong băng đảng đi dự một buổi nhóm phục hưng ngoài trời để chế giễu nhạo báng những người thuộc hệ phái Trưởng Lão đang nhóm lại ở đó. Tối hôm ấy một nhà truyền đạo rất năng nổ có tên là George Whitfield đến giảng và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã bắt lấy tấm lòng của chàng thanh niên Robinson. Whitfield đã giảng từ Mathiơ 3.7: "Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau?" Robinson rất đỗi sợ hãi và choàng tỉnh bởi sứ điệp của nhà truyền đạo. Nhiều tháng trời trôi qua, sau cùng rồi thì Robinson đã xưng ra tội lỗi của mình và đến với Đấng Christ để tìm kiếm sự hoà thuận lại với Đức Chúa Trời. Ông được cứu vào ngày Thứ Ba 10 tháng Chạp năm 1755. Về sau ông đã viết kể lại buổi tối hôm ấy trong một bức thư gửi cho Whitfield. Ông nói: "Tôi thấy thương hại và khinh bỉ mấy ông thuộc hệ phái Trưởng Lão, song lại thấy ganh tỵ với ơn phước của họ".
Sau đó, Robinson đã trở thành Mục sư Chủ Toạ của Hội thánh Calvinist Methodist ở Norfolk, Anh quốc. Ở đó vào năm 1758, chỉ ba năm sau khi ông trở lại đạo, khi tổ chức kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần, ông đã viết ra bài thánh ca mang tính tự thuật: “Phước nguyên từ trời” (TC 28). Trong khổ đầu tiên ông giải thích thể nào tấm lòng của ông hiệp theo Đức Chúa Trời:
Phước nguyên từ trời xin chảy vào lòng,
bật lên khúc ca chúc ơn Ngài;Suối nhân từ hằng tuôn chảy ngập dòng,
giục tôi thoả vui hát một bài.Nguyện chỉ giáo tôi thi ca bỗng trầm,
mà lưỡi lửa cõi thiên thượng hát;Để tôi ngợi ngọn ân điển ngàn tầm
– là non cứu ân, non cực lạc!
Trong câu thứ hai, ông kể lại sự trở lại đạo cách lạ lùng của ông. Theo cùng một cách mà Samuên đã nhấc bỗng một hòn đá lên sau một chiến thắng rực rỡ rồi đặt tên là “Ê-bên-ê-xe”, có nghĩa là "vầng đá cứu giúp", Robinson đã nhấc bỗng một “Ê-bên-ê-xe” thuộc linh lên trong sự khen ngợi ân điển của Đức Chúa Trời. Ông viết:
Đến đây là nhờ chân Chúa phò trì, nguyền xây cất Êbênêxe;Nếu Cha đẹp lòng tôi dám nguyện kỳ. Miền Thiên quốc tôi sớm quay về.Giêxu kiếm tôi khi đang thất lạc,
từng vơ vẩn cách xa đường thánh;Suối huyết từ Ngài tuôn chảy rào rạt, vực tôi khỏi nanh sói hại hành.
Trong khổ cuối cùng, ông nhìn nhận nhu cần mỗi ngày của mình về ân điển của Đức Chúa Trời hầu giữ ông không cách ly Đức Chúa Trời. Ông nài xin Đức Chúa Trời buộc (xiềng) ông vào chính mình Ngài.
Chính tôi đầy nợ ân Chúa nặng dầy, nợ kia cứ vấn vương mãi hoài!Khẫn xin Ngài dùng dây ái từ rày
buộc tâm vẩn vơ tôi vào Ngài;Tự nghiệm tánh tôi ưa xa Thánh Phụ, thường hay cách ly Cha từ ái;Kính dâng lòng nầy cho Chúa Giêxu, nguyện nay đóng niêm ấn Thiên Đài.
“Phước nguyên từ trời” là một bài thánh ca phong phú về mặt thần học và rất thực tế, được Hội thánh ca hát luôn trong hai thế kỷ rưỡi. Bài hát nầy được Hội thánh quê hương tôi ưa thích khi tôi lớn lên. Lời của bài hát ngày nay vẫn còn khắc sâu vào tâm khảm tôi. Dù vậy, còn hơn cả một câu chuyện trong bài thánh ca nầy.
Robinson đã phấn đấu với lẽ đạo của bài thánh ca rất hay ấy trong phần đời còn lại của mình. Ông đã đi từ Hội thánh Trưởng Lão đến Hội thánh Báptít đến hệ phái Độc Lập và thậm chí đến hệ phái theo Thuyết Nhất Thể [Unitarians]. Ông cứ tiếp tục sống theo một khuôn mẫu cách ly hẳn với Đức Chúa Trời. Câu chuyện thuật lại rằng ông đã đánh chiếc xe ngựa bốn bánh trong nhiều năm sau đó với một thiếu phụ, là người hay hát những bài hát trong quyển thánh ca. Ông thấy bối rối và bà mong muốn làm chứng cho đức tin của mình, vì vậy bà nói: "Mấy lời nầy sẽ giúp cho ông giống như chúng đã giúp cho tôi vậy". Robinson buồn bã đáp: "Bà ơi, tôi là một người khốn khổ, vô phước, chính tôi đã sáng tác bài thánh ca nầy cách đây nhiều năm. Tôi sẽ dâng cả ngàn thế giới, nếu tôi có chúng, để tận hưởng những cảm giác mà tôi đã có đó".
Đúng là một tình trạng thê thảm khi dân sự của Đức Chúa Trời phiêu bạt cách xa Ngài. Hết thảy chúng ta đều có khuynh hướng phiêu lưu và xu hướng lìa khỏi Đức Chúa Trời mà chúng ta kính mến. Chúng ta phải thường xuyên cầu nguyện xin ân điển Ngài sẽ buộc lòng chúng ta vào chính mình Ngài.
Tại sao phải như thế chứ, khi chúng ta bắt đầu hầu việc ngon lành, ngay khi chúng ta nghĩ chúng ta có một sự kềm chế chặt chẽ đối với tội lỗi và sự cám dỗ mà rồi chúng ta lại thất bại? Ngay khi chúng ta nghĩ chúng ta đã chiến thắng, có cái gì đó từ bên dưới chúng ta, nó đánh cho hai chân của chúng ta phải quỵ xuống. Tại sao chúng ta phiêu bạt xa khỏi Đức Chúa Trời thậm chí khi chúng ta không có ý định ấy? David đang có một chuỗi đắc thắng về mặt thuộc linh. Trong chương 23, chàng đã học biết tìm kiếm ý chỉ của Đức Chúa Trời trước khi hành động. Trong chương 24, chàng đã lẫn tránh sự cám dỗ hòng giết chết Saulơ trong hang đá. Trong chương 25, Abigain đã giúp chàng kềm chế lại cơn giận và chàng đã nhẫn nhịn không tìm cách báo thù Nabanh. Trong chương 26, chàng đã minh chứng sự ăn năn của mình là thành thật bằng cách buông tha mạng sống của Saulơ lần thứ hai. Tuy nhiên ở đây trong chương 27, David đang phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài dành cho đời sống của chàng. Chúng ta thường sống y như thế. Khi chúng ta nghiên cứu qua phân đoạn nầy, chúng ta hãy chú ý bốn lẽ thật về sự phiêu bạt xa cách Chúa.
I. Phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời bắt đầu với một nhận thức sai (câu 1).
Chúng ta không thức giấc vào một sáng kia rồi nói: "Bữa nay ta sẽ phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời!" Phiêu bạt xa cách Chúa hiếm khi là một sự lựa chọn rõ ràng. Nó diễn ra, từng chút một cho tới khi tấm lòng của chúng ta trở nên giá lạnh. Nó luôn luôn bắt đầu từ trong lý trí, với mọi nhận thức của chúng ta về thực tại. Hãy chú ý với tôi trong câu 1 ba phương thức nhận định của David đã bị rạn nứt.
Thứ nhứt, nhận thức của David là nhận thức LẤY CÁI TÔI LÀM TRỌNG. Câu Kinh Thánh chép: "David nói thầm nghĩ rằng". Đây là lầm lỗi đầu tiên của chàng. Chàng đã bị chao đảo chút ít rồi. Những mối nghi ngờ đang lấn lướt. Chàng đã ngã lòng. Chàng đang chán nản. Thay vì phủ phục xuống trên hai đầu gối mà cầu nguyện, thay vì cho đòi thầy tế lễ Abiatha đến với cái êphót, thay vì tìm kiếm mưu luận của thiên đàng hay mưu luận của những người tin kính, David chỉ lắng nghe theo tiếng lòng mình. Quan điểm vững chắc duy nhất là quan điểm của chàng mà thôi. Chàng không dâng lời cầu nguyện. Chàng không thờ phượng. Chàng không còn viết Thi thiên nữa. Chàng chỉ nghe theo bài hát buồn bã nói tới sự tự thương hại phát ra từ chỗ chán nản của lòng mình. Quí vị đang ở một chỗ nguy hiểm, khi quí vị không cầu nguyện, không tìm kiếm sự khôn ngoan từ Ngôi Lời hay mưu luận tốt từ người khác. Khi quí vị chỉ nghe theo tiếng lòng mình, quí vị đang ở trong lối dẫn nhanh tới tai vạ.
Thứ hai, nhận thức của David là VÔ TÍN. Chàng nói thầm nghĩ rằng: "Chắc một ngày kia ta sẽ chết bởi tay Saulơ". Chúng ta đã học biết về đời sống của David thật nhiều điều, còn đây là một kết luận thật là lố bịch. Biết bao nhiêu lần Đức Chúa Trời đã buông tha mạng sống cho chàng? Biết bao nhiêu lần Đức Chúa Trời đã giải cứu chàng? Gôliát đã vô quyền trước mặt chàng. Saulơ không thể nào đụng đến chàng được. Tại sao vậy? Vì hết lúc nầy tới lúc khác, Đức Chúa Trời đã quyết chắc rằng David sẽ được tôn làm vua trên cả Israel. Khi Samuên xức dầu cho chàng tại nhà của thân phụ chàng, ông ấy đã thầm thì điều đó trong lỗ tai của chàng. Giônathan, người bạn thân nhất của chàng đã nói: "Anh sẽ làm vua Israel, còn tôi sẽ làm tể tướng anh" (23.17). Abigain đã nói rằng Đức Giêhôva đã "lập người làm đầu Israel" (25.30). Thậm chí chính Saulơ đã nhìn nhận: "Quả hẳn ta biết rằng con sẽ làm vua, và nước Y-sơ-ra-ên sẽ bền-lâu ở trong tay con” (24.20). Còn câu nói nầy đã sỉ nhục Đức Giêhôva là dường nào. Về mặt cơ bản, David đã chuyển sự thành tín của Đức Chúa Trời thành thắc mắc. Chàng đang nói rằng Đức Chúa Trời sẽ không giữ lời hứa của Ngài. Sao David lại có thể đạt tới mức nầy kia chứ? Chàng đã không nhìn xem Chúa. Ánh mắt của chàng đang chiếu vào chính mình chàng.
Có người đã mô tả tín đồ trong Hội thánh giống như cục than trong lò lửa vậy. Bao lâu cục than còn ở trong lò lửa, nó cháy có màu đỏ ửng. Rồi khi nó bị đem ra khỏi lò, nó mau chóng nguội dần đi. Cũng một thể ấy, bao lâu người tín đồ còn ở lại trong sự cầu nguyện và trong sự thờ phượng, bao lâu người ở lại dưới sự dạy dỗ của Ngôi Lời và sự chăm sóc của các vị lãnh đạo thuộc linh, bao lâu người ở lại trong mối tương giao và sự khích lệ của Hội thánh, người sẽ tấn tới luôn về mặt thuộc linh. Tuy nhiên, nếu người tự làm trống vắng lòng mình, đức tin của người không bao lâu nữa sẽ xìu đi và người sẽ nhìn xem mọi hoàn cảnh của mình qua nhận thức lạc sai của chính mình.
Thứ ba, nhận thức của David là nhận thức theo kiểu DUY LÝ. Chàng nói: "Ta chẳng làm chi hay hơn bằng trốn trong xứ Phi-li-tin". Hết thảy chúng ta đều rất lão luyện trong việc hợp lý hoá về tội lỗi của mình. Trong lý trí của chúng ta, có những sự giải thích trọn vẹn, đúng đắn cho việc thực thi những điều mà chúng ta đang làm. David cảm thấy buồn rầu ở trong lòng. Chàng nghĩ: "Đức Chúa Trời đã quên ta rồi. Mọi việc thực sự quá khó khăn. Ta đang ở một chỗ kinh khủng. Ta lấy làm mệt trong việc trốn chạy Saulơ. Ta biết Đức Chúa Trời muốn ta phải ở lại đây trong xứ Giuđa, song sống trong xứ Philitin thì dễ dàng hơn cho ta. Chắc Đức Chúa Trời sẽ hiểu thôi. Rốt lại, ta sẽ giúp Ngài thực thi chương trình của Ngài. Nếu ta ở lại Saulơ chắc chắn sẽ giết ta và rồi ta không thể làm vua được. Đức Chúa Trời muốn ta lên làm vua, vì vậy ta sẽ giúp cho Ngài làm thành việc ấy".
Mọi hoàn cảnh đều úp đổ trên David. Giáo sư Thần học viện Dallas, Howard Hendricks từng hỏi một sinh viên: "Anh sẽ sống thế nào?" Sinh viên ấy đáp: "Tôi sẽ lo liệu tốt dưới mọi hoàn cảnh". Hendricks hỏi tiếp: "Anh sẽ làm sao dưới hoàn cảnh nầy?"
Có thể quí vị có sự gắn bó với David hôm nay. Có thể quí vị đang ở dưới các hoàn cảnh của mình và chúng đang vầy mây trên nhận thức của quí vị. Có thể quí vị không cầu nguyện hay suy gẫm Lời Chúa nữa. Có thể quí vị đang ở một điểm mà ở đó người duy nhứt quí vị nghe theo chính là quí vị. Có thể quí vị đã quên phứt mọi lời hứa quí báu của Đức Chúa Trời và quí vị cảm thấy như Ngài đang làm cho quí vị ra trống không vậy. Có thể quí vị là viên than từng được đốt cháy đỏ hồng, nhưng quí vị đang trở thành một hòn than nguội lạnh. Có thể quí vị đang hợp lý hoá những điều quí vị biết là thái độ hay hành động sai trái. Có thể vào lúc nầy, quí vị cũng đã bắt đầu phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời một chút rồi đấy.
II. Phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời luôn luôn làm tổn thương người khác (các câu 2-4).
Câu 2 chép: "Vậy, Đa-vít chổi dậy, cùng sáu trăm người theo mình, sang qua đến A-kích, con trai Ma-óc, vua Gát". Trong câu 3 chúng ta học biết rằng chàng đã "ở cùng Akích tại Gát" cả "David và những kẻ theo người" cùng với “gia quyến” của mỗi người nữa. Tất nhiên là David đã có "hai vợ" theo, là Abigain và Ahinôam.
David đã đến tại xứ Philitin trước đó. Đây không phải là chuyến đi đầu tiên của chàng đến thành Gát đâu. Hãy nhớ rằng thị trấn quê hương của anh hùng xứ Gát là gã giềnh giàng Gôliát kia. David đã giết hắn tại trận chiến và chiến thắng đó đã đem đến cái chết cho nhiều người Philitin khác khi quân Israel truy kích họ. Trong chương 21, khi Saulơ bắt đầu đuổi theo David lần đầu tiên, chàng đã đến xứ Gát. Sự hiện diện của chàng đã gây ra một sự xáo trộn như thế, chàng lấy làm lo cho sinh mạng của mình. Chàng bị bắt và bị nhốt trong nhà ngục vì vậy chàng đã giả bộ điên khùng. Chàng "vẽ gạch dấu trên cửa và để nước miếng chảy trên mình râu mình". Khi Vua Akích gặp chàng, ông ta nói quyết: "Kìa, các ngươi thấy người đó điên cuồng! Cớ sao các ngươi dẫn nó đến ta?"
Lần đầu tiên David đến tại Gát, chàng chỉ có một mình. Lần thứ hai chàng đến có kèm theo một đội quân 600 người đã kinh nghiệm chiến đấu cũng như có cả vợ con của họ nữa. Lần nầy David có đôi điều để tâu cùng nhà vua. Chàng và người của mình giờ đây sẽ trở thành chiến binh đánh thuê cho Akích.
David rất lo lắng về mọi nỗi sợ của mình đến nỗi chàng bằng lòng dẫn 600 người cùng gia đình họ ra khỏi xứ Israel rồi vào trong xứ Philitin theo tà giáo kia. Trong chương 22, khi chàng ở lại tiền đồn trong xứ Môáp, Đức Chúa Trời đã phái tiên tri Gát đến bảo chàng phải "đi đến xứ Giuđa" (22.5). Trong chương 26, chàng nói cho Saulơ biết rằng quân đội của ông ta đã "đuổi tôi đi khỏi chỗ dành cho tôi trong sản nghiệp của Đức Giê-hô-va". Bởi câu nói nầy, chàng cho rằng họ đã nói: "Hãy đi, thờ tà thần" (26.19). Tuần rồi chúng ta đã nói về phương thức người Do thái suy nghĩ sự thờ phượng Đức Chúa Trời được gắn chặt với việc được ở trong Đất Hứa rồi. Tuy nhiên, giờ đây David lại bằng lòng và dời xa chốn thờ phượng không cần thiết. Chàng đã đưa hết thảy các gia đình nầy xa rời chốn phước hạnh của Đức Chúa Trời để làm thoả mãn mọi nhu cần ích kỷ của chính chàng.
Câu 4 chép: "Sau-lơ hay rằng Đa-vít trốn đến Gát, thì thôi đuổi theo người". David đã đúng về một việc đó. Saulơ không muốn rắc rối khi khuấy động các bộ tộc người Philitin. Quí vị biết đấy, điều nầy khiến cho David được yên ổn. Chàng cảm thấy an ninh khi ở tại Gát. Áp lực không còn nữa. Sau cùng chàng có thể thoải mái. Tội lỗi là ở chỗ đó. Nó cảm thấy thoải mái trong một thời gian ngắn. Đó là sự thoát ra của những ham muốn trong chốc lát. Tuy nhiên, nó không thực sự làm cho chúng ta được thoả mãn. Nó để chúng ta lại với một sự khao khát trong tấm lòng của chúng ta.
Chúng ta có thể một mình phiêu bạt xa khỏi Đức Chúa Trời. Chúng ta luôn luôn đem người khác theo với chúng ta. Quí vị không thể thoả hiệp cách ăn ở của quí vị với Đức Chúa Trời mà không ảnh hưởng đến người khác. Quí vị làm cho họ bị hư hỏng với sự lựa chọn tội lỗi của quí vị. Cách sống ấy chỉ có thể thấy mỹ mãn trong một thời gian ngắn mà thôi. Áp lực và sự căng thẳng có thể bớt đi. Nhưng phiêu bạt xa khỏi Đức Chúa Trời luôn luôn làm tổn thương những người mà chúng ta thương yêu nhiều nhất.
Hỡi những người làm chồng, Kinh Thánh nói quí vị là "đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội thánh" (Êphêsô 5.23). Thích điều nầy hay không thích, làm theo hay không làm theo, quí vị là người lãnh đạo thuộc linh của gia đình mình. Sau khi Ađam và Êva phạm tội trong Vườn rồi phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời, khi Đức Chúa Trời đến trong Vườn, đặc biệt Kinh Thánh chép: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu?" Mặc dù Đức Chúa Trời biết rõ Êva đã phạm tội trước tiên, trách nhiệm thuộc linh cho cuộc hôn nhân và gia đình thuộc về Ađam.
Hỡi những người làm cha, quí vị không thể phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời được, quí vị không thể tái phạm về mặt thuộc linh rồi mong nuôi dạy cho con cái về mặt tin kính. Hiếm khi có những đứa con vượt qua khỏi tấm gương của bố mẹ họ. Điều chi là quan trọng cho quí vị sẽ là quan trọng cho chúng. Nếu quí vị không nêu được sự cần thiết của một mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời, chúng sẽ không xem mối tương giao ấy là quan trọng. Nếu chúng không nghe quí vị cầu nguyện, không nhìn thấy quí vị nghiên cứu Kinh Thánh, không nhìn thấy quí vị đi thờ phượng, không phục vụ ở trong Hội thánh, chúng không nghĩ các việc ấy là quan trọng. Khi quí vị phiêu bạt, con cái quí vị đồng đi với quí vị.
Còn gia đình Hội thánh của quí vị thì sao? Còn những tín đồ chưa trưởng thành trong mối thông công thì sao, họ đang nhìn xem quí vị kìa? David không tự mình đi đến xứ Gát. Mặc dù chàng không khiến cho người của mình đi theo, họ đã đi theo chàng. Tin hay không tin, có nhiều người trong Hội thánh nầy sẽ đi theo quí vị. Họ đang ngóng theo tấm gương của quí vị đấy. Họ phát hiện ra thái độ của quí vị. Nếu quí vị bước một bước xa khỏi Đức Chúa Trời, họ sẽ bị ảnh hưởng ngay.
Còn bạn bè, hàng xóm, bạn cùng làm việc, và đồng sự của quí vị thì sao? Còn về những người chưa tin Chúa đang sống chung quanh quí vị? Quí vị đang tự đá vào mũi đót nếu quí vị nghĩ họ không chú ý tới tình trạng lơ là thuộc linh của quí vị. Khi quí vị theo đời nầy hơn là sống tin kính, họ nghĩ quí vị đang song hành với họ. Họ, giống như Vua Akích sẽ vui mừng lắm khi có quí vị ở với họ. Họ sẽ cảm thấy họ đắc thắng rồi quyết chắc trong trí họ rằng Cơ đốc giáo chỉ là thứ tôn giáo chẳng ra gì hết.
I Phierơ 5.8 chép: "Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được". Chúng ta đang sinh sống trong một quốc gia đầy sư tử. Kẻ thù đang theo sau lưng chúng ta. Quí vị có để ý hàm răng của nó đang há ra quanh nhà thờ nầy và quanh nhà ở của quí vị không? Chúng đang có mặt ở đó. Có những dấu chân cào trên các cánh cửa cái và cửa sổ. Hắn muốn có một chỗ đứng vững chắc trên đời sống của quí vị. Hắn muốn cắn nuốt vợ con của quí vị. Hắn muốn ăn tươi nuốt sống Hội thánh nầy. Hắn muốn những người không tin Chúa đang sống quanh quí vị chỉ ra quí vị là một kẻ tôn giáo giả hình. Làm sao hắn đạt được hết những điều nầy? Hắn đang dụ quí vị phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời, mỗi lần một bước thôi. Một số người trong chúng ta đã dở chơn bước một bước theo hướng đó. Đây là lúc phải ăn năn và quay trở lại với Đức Chúa Trời.
III. Phiêu bạt xa khỏi Đức Chúa Trời chấm dứt lâu hơn chúng ta từng dự trù (các câu 5-7).
Rõ ràng, sau khi David với người của chàng ở lại trong thành Gát một thời gian, chàng đến trước Vua Akích mà nói: "Nếu tôi được ơn trước mặt vua, xin hãy nhường cho tôi một nơi nào thuộc về các thành ở ngoài đồng bằng, để tôi ở đó. Vì tôi tớ vua ở trong đế-đô với vua mà chi?”
Quí vị có thấy gì không? David tự nhận mình là "tôi tớ" của Akích! Chàng đang phục vụ cho kẻ cừu thù của dân sự Đức Chúa Trời. Theo phép ẩn dụ thì chàng đã định cư trong lãnh địa của Satan rồi trở thành tôi tớ của hắn. Satan luôn luôn cung ứng cho người ta đúng những gì xác thịt họ mong muốn. Akích ban cho David những gì chàng khao khát. Câu 6 cho chúng ta biết rằng David đã được cấp cho một nơi ở nhỏ trong xứ. Địa điểm nầy được gọi là "Xiếc lác” và "Xiếc lác thuộc về Vua Giuđa cho đến ngày nay".
Hãy gạch dưới "Xiếc lác" vì địa điểm nầy rất quan trọng. Rồi chúng ta sẽ trở lại với địa điểm nầy và tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn. Còn bây giờ, tôi muốn quí vị tập trung vào điểm quan trọng ở câu 7: "Thì giờ Đa-vít ngụ trong xứ dân Phi-li-tin là một năm bốn tháng". David ở đâu trong xứ Philitin là không quan trọng cho bằng bao lâu chàng đã ở lại đó. David đã phục vụ cho người Philitn và đã sống giữa vòng họ TRONG MƯỜI SÁU THÁNG!
Có người nói: "Tội lỗi sẽ dẫn bạn tới nơi mà bạn không muốn tới và nó giữ bạn ở đó lâu hơn là bạn muốn nữa". David đã tìm cách tạm thời thoát ra song phải ở lại một thời hạn dài như thế. Chàng đã phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời nhưng luôn luôn dự tính quay trở lại ngay. Cái rắc rối, đấy là những năm tháng trước khi chàng quay trở về.
Kinh Thánh mô tả David là "kẻ hát êm dịu của Israel" (II Samuên 23.1). Phần lớn trong số 150 Thi thiên của Kinh Thánh đều được gán cho chàng. Khi chúng ta nghiên cứu những năm tháng đầu của đời sống David, tôi đã chỉ ra một số Thi thiên và nội dung trong đó David đã viết ra chúng. Thật là thú vị, trong mười sáu tháng ở lại trong xứ Philitin, David chẳng viết một Thi thiên nào cả. Môi miệng của chàng im lặng giống như mấy sợi dây đàn của chàng vậy. Giống như về phần xác chàng bị dời ra khỏi Israel, về mặt thuộc linh chàng đã bị dời ra khỏi Đức Chúa Trời. Tuần rồi chúng ta đã thấy trong Thi thiên 137, trong đó những người Israel phu tù trong xứ Babylôn đã treo đàn của họ trên cây dương liễu rồi than thở: "Trên đất ngoại bang, chúng tôi làm sao hát được bài ca của Đức Giê-hô-va?" (Thi thiên 137.1-4). Cũng một thể ấy, những bài hát ngợi khen và thờ phượng thôi không tuôn tràn ra từ môi miệng của David nữa. Đây là phần ứng dụng chính: “Quí vị biết rõ mình đã phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời ở trong lòng khi quí vị quá kiêu ngạo không hát được những lời ca ngợi khen của Ngài”.
Chúng ta không bao giờ cố ý quyết định phiêu bạt xa khỏi Đức Chúa Trời. Chúng ta mỗi ngày cách xa Ngài một chút thôi. Chúng ta quá bận rộn không cầu nguyện hay không đọc Kinh Thánh hôm nay, vì vậy chúng ta để Kinh Thánh qua một bên. Qua ngày sau cũng bận rộn lắm không có thời gian với Đức Chúa Trời. Trước khi chúng ta nhận biết điều đó, một tuần lễ đã trôi qua và chúng ta không tương giao cách cá nhân với Đức Chúa Trời. Thế rồi một tháng trôi qua, và kế đó sáu tháng trôi qua, và chúng ta lấy làm ngạc nhiên tại sao chúng ta không cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời nữa.
Chúng ta không hề tính sống xa cách Đức Chúa Trời đâu, chúng ta chỉ muốn xa Ngài trong những kỳ nghỉ ngắn thôi. Chúng ta không muốn chuyển vào một "xứ xa" mà chi, chúng ta chỉ muốn một chuyến tham quan nhanh cho qua thời gian thôi. Chúng ta nghĩ rằng một hai chai bia không bao giờ làm thương tổn ai hoặc một cái liếc trộm vào hình ảnh khiêu dâm sẽ không đến nỗi tồi tệ và chẳng có ai biết cả. Chúng ta hợp lý hoá tình cảm lăng nhăng và xí xoá cho các thói quen tội lỗi của mình. Điều mà chúng ta không nhận biết, ấy là Satan đang thi thố thủ thuật rào đón. Con sư tử đang ở ngoài kia muốn cắn nuốt chúng ta, chớ không phải muốn gặm nhấm chúng ta đâu. Khi chúng ta phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời, muốn quay trở lại phải lâu lắm. Khôn ngoan là đừng bao giờ phiêu lưu trong chỗ thứ nhứt.
IV. Phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời dẫn tới một đời sống dối gạt (các câu 8-12).
"Xiếc lác" nguyên được phân phối cho chi phái Simêôn khi xứ lần đầu tiên được phân chia. Về sau người Philitin chiếm lấy nó và làm cho nó ra hoang vu. Chúng ta sẽ nghĩ tới địa điểm nầy hôm nay giống như một thị trấn xa xưa. Chốn hoang vu nầy cách Gát khoảng 25 dặm về phía Nam và là biên giới của sa mạc Negev.
Trong lý trí của David, Xiếc lác là một quê hương trọn vẹn cho chàng và người của chàng. Họ đã có một phần đất nhỏ của riêng mình cách xa tầm với của Saulơ, song lại ở dưới sóng mũi của Akích và người Philitin. Một tác giả đã nói địa điểm nầy giống như xa cách bố mẹ chồng của mình đủ để sống tư riêng vậy! Thẳng về phía Nam là sa mạc Negev bao la, ở đây có các bộ tộc Bedouin với những bầy gia súc đông đảo của họ. Họ là những dân du mục sống trong lều trại. Người của David có thể lấn xuống và tiêu diệt họ, cướp lấy những của cải có giá trị của họ rồi không để lại một dấu vết gì ở sau lưng.
Akích không thực sự là bậc vua chúa. Ông ta là một lãnh chúa phong kiến chiếm giữ lấy địa vị nầy bằng sự giàu có và sức mạnh. Ông ta mong David không những đánh trận cho ông ta, mà còn đem lại cho ông ta một số của chiến lợi phẩm nữa. Câu 8 cho chúng ta biết rằng David "loán đến dân Ghê-su-rít, dân Ghiệt-xít, và dân A-ma-léc, là những dân tộc từ lâu đời ở miền lân cận Su-rơ cho đến xứ Ê-díp-tô". Surơ là biên giới phía Đông của xứ Ai cập. "Surơ" có nghĩa là "bức tường". Có lẽ đã có một loạt các bức tường bị bỏ lại ở đó kể từ thời kỳ của các Pharaôn.
David tấn công dữ dội các cựu thù của Israel. Câu 9 chép: "David chẳng để một người nam hay người nữ nào còn sống". Chàng cướp phá đem về cho Akích các bầy gia súc của họ. Nhà vua đến hỏi: "Ngày nay, ngươi đi xâm-đoạt nơi nào?” Đa-vít đáp: “Trong miền nam đất Giu-đa, miền nam đất dân Ghê-ra-mê-lít, và miền nam đất dân Kênít”.
Quí vị có hiểu David đang làm gì không? Chàng đang bịp Akích. Chàng cướp phá các kẻ cừu thù của Israel nhưng thực sự chàng đang rong chơi trong "khu vực nam xứ Giuđa", chàng làm cho Akích tin rằng chàng đang tấn công người Israel ở phía nam xứ Giuđa. Chàng đang giết các kẻ cừu thù của Israel, những kẻ không phải là cừu thù của dân Philitin. Mọi sự trong lúc nầy Akích đã bị dối gạt. Không những David đã dối gạt Akích, mà chàng còn nói dối với chính mình nữa. Mặc dù chàng đang tấn công "miền nam đất Giuđa" chàng không chiến đấu chống lại "miền nam đất dân Ghê-ra-mê-lít, và miền nam đất dân Kênít”.
Cứ giữ lấy các câu chuyện của chàng và phần lừa dối đó, David không có một chứng cớ nào hết. Câu 11 cho chúng ta biết lý do tại sao:
“Đa-vít chẳng chừa một người nam hay nữ còn sống đặng dẫn về Gát; vì nói rằng, e chúng nó sẽ cáo chúng ta mà rằng: Đó là điều Đa-vít đã làm. Trọn lúc Đa-vít ngụ trong xứ dân Phi-li-tin, thường hay làm như vậy”.
Câu 12 cho chúng ta biết rằng "Akích tin David" và nói về chàng như sau: "Hắn làm cho hắn bị gớm ghiếc nơi Y-sơ-ra-ên, là dân sự hắn, nên chắc hắn sẽ làm tôi tớ ta đời đời". Akích chấp nhận và hoàn toàn tin cậy David như một người thuộc về dân tộc mình.
Cũng một phương thức những chuyến phiêu bạt của David đã khiến chàng thành một người "ngụy Do thái", sự phiêu bạt của chúng ta xa cách Đức Chúa Trời đang khiến cho chúng ta thành ra hạng "ngụy Cơ đốc nhân". David là một người Do thái đang cố gắng sống giống như một người Philitin. Chàng có thể sống như thế bằng những lời nói dối và sự lừa gạt. Một Cơ đốc nhân chân chính chỉ có thể sống giống như một người chưa tin Chúa bằng cách nói dối và lừa gạt. Quí vị không thể sống như vậy được. Quí vị không thể giả dạng được. Đối với một người tin Chúa đích thực, Đức Chúa Trời hiện diện nhiều nơi họ, quanh họ toàn là những vụ việc của Đức Chúa Trời, thế mà họ lại xu hướng vào thế gian để tìm sự bình an. Họ thật là đáng thương. Chúa Giêxu đã phán trong Mathiơ 6.24: "Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa”.
V. Phiêu bạt xa khỏi Đức Chúa Trời khiến cho Đức Chúa Trời theo đuổi chúng ta (28.1-2).
Một trong những lời hứa long trọng nhất của Kinh Thánh, ấy là lời hứa về sự an ninh hay bền chí cho đến đời đời của các thánh đồ. Nói cách khác, quí vị từng bước vào một mối tương giao sống động với Đức Chúa Giêxu Christ, quí vị từng được nhận làm con nuôi trong gia đình của Đức Chúa Trời, quí vị từng được cứu, được sanh lại, quí vị ở lại trong mối tương giao đó bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu phán điều nầy thật đơn giản trong Giăng 10.27-30:
“Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta. Cha ta là Đấng lớn hơn hết đã cho ta chiên đó, và chẳng ai cướp nổi chiên đó khỏi tay Cha. Ta với Cha là một”.
Tôi có thể tiếp tục trưng dẫn hết câu Kinh Thánh nầy đến câu Kinh Thánh khác để làm chứng cho sự thật ân điển của Đức Chúa Trời cứu chúng ta cũng nâng đỡ chúng ta nữa. Chúng ta chẳng làm gì để tự cứu mình và chúng ta không nên làm gì để đánh mất một ơn cứu rỗi lớn lao như thế.
Thậm chí khi chúng ta phiêu bạt xa cách Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn thuộc về Ngài. Chúng ta sống giống như con cái loạn nghịch, lạc lối. Cha của chúng ta ở trên trời vẫn yêu thương và chăm sóc cho chúng ta. Ngài không chối bỏ và quăng hất chúng ta đi. Thực ra, giống như một người cha đầy lòng yêu thương, Chúa theo đuổi để đem chúng ta trở lại.
Hãy chú ý câu 1 trong chương 28:
“Về lối nầy, dân Phi-li-tin hiệp với các cơ binh làm một đạo đặng giao chiến cùng Y-sơ-ra-ên. A-kích nói cùng Đa-vít rằng: Ngươi phải biết rằng ngươi và những kẻ theo ngươi sẽ đi ra trận cùng ta”.
Ồ không. Sống trong xứ Philitin không đến nỗi tồi tệ, nhưng giờ đây David đang gặp rắc rối. Người Philitin sắp sửa mở một chiến dịch quân sự đánh dân Israel và Akích đang mong muốn David hiệp với họ rồi đánh với chính dân tộc mình. Điều nầy có nghĩa là David sẽ đánh Saulơ là người mà chàng đã thề chàng sẽ không giết ông ta. Điều nầy có nghĩa là David sẽ đai gươm mình chống lại người bạn thân nhất là Giônathan. David không muốn rời khỏi địa điểm Xiếc lác, nhưng chắc chắn chàng không muốn đánh trận với dân Israel.
Tuy nhiên, chàng phải bày tỏ ra sự nói dối, vì vậy chàng nói trong câu 2: "Vua sẽ thấy điều tôi tớ vua làm". Đây là một câu nói mơ hồ, không rõ ràng. Akích giải thích câu nói nầy, ông ta cho rằng David đã theo về ông ta. Ông ta nói: "Thế thì, ta sẽ lập ngươi làm thị vệ ta luôn luôn". David đã trốn vào xứ Philitin để tránh áp lực của Saulơ. Bây giờ trong xứ Philitin, Đức Chúa Trời đang cho phép áp lực được tái tạo trở lại.
Quí bạn tôi ơi, nếu quí vị đang sống trong chỗ tái phạm, nếu quí vị đang phiêu bạt xa cách Chúa và nếu quí vị là con cái của Ngài, Ngài sẽ theo đuổi quí vị đấy. Giống như người con trai hoang đàng, Ngài sẽ nhìn thấy chuyến mạo hiểm của quí vị đến một xứ xa sẽ kết thúc trong cái chuồng heo. Đức Chúa Trời yêu thương quí vị nhiều đến nỗi không để cho quí vị đi đâu. Ngài sẽ cho phép quí vị chao đảo trong cuộc sống và bịnh tật trong quí vị cho tới khi quí vị quay trở về với Ngài.
Cách đây mấy tuần, có mấy người bà con đến thăm ra về bằng cửa sau và hai con chó của tôi chạy xổng ra ngoài. Con Brittany, và con Peach bị người hàng xóm của chúng tôi nhận ra và họ đã đưa chúng về nhà. Dĩ nhiên nó vẫy tai khi gặp tôi và vui sướng trở lại nơi mà nó thuộc về. Con chó giống Cocker Spaniel 13 tuổi của chúng tôi là một câu chuyện khác. Buffy mắc chứng viêm khớp, nó bị điếc và mù. Chúng tôi e nó sẽ không chạy đâu xa được. Tôi lái xe xuống phố trong mấy giờ đồng hồ liền để tìm nó. Chúng tôi tìm khắp nơi, trong vùng phụ cận của chúng tôi. Sau cùng, sau hai ngày, chúng tôi nhận được một cú điện thoại. Một phụ nữ sống trong chung cư kia đã tìm gặp nó rồi đưa nó đến nhà của mẹ tôi ở phố bên kia. Người phụ nữ nầy đã gọi số bác sĩ thú y cho và bác sĩ nầy gọi lại cho chúng tôi. Tôi lái xe đến nhận lại con chó đi lạc của chúng tôi.
Có thể quí vị sống giống như con chó nhỏ bị lạc kia và quí vị cần một ngôi nhà tốt. Có thể quí vị thoát ra khỏi cổng sau ơn phước của Đức Chúa Trời để hướng vào mùi vị của thế gian, nhưng giờ đây quí vị biết quí vị thực sự cần về tới nhà. Có thể ai đó quí vị quen biết đã phiêu bạt xa cách Chúa và quí vị có thể giúp cho họ về tới nhà. Hãy nghe đây, chúng ta không phải là những con chó của Đức Chúa Trời đâu, chúng ta là con cái của Ngài. Ngài xem chúng ta rất trọng vì Con Ngài đã chịu chết vì chúng ta. Ngài không để cho chúng ta sống phiêu lạc đâu. Thực vậy, chúng ta có "xu hướng muốn phiêu lưu" nhưng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đem chúng ta về nhà với Ngài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét