Đời sống và thời thế của Vua David
Gặt lấy bão lốc
II Samuên 13
Ôsê 8.7 nói tới kết quả của tội lỗi xứ Israel khi câu nầy chép như sau: "Vì chúng nó đã gieo gió và sẽ gặt bão lốc". Tôi không thể nghĩ tới cách diễn đạt nào mô tả đầy đủ hơn đời sống của Vua David vào thời điểm nầy. Tội lỗi của ông đã tố giác ông. Ông đã tận hưởng mọi khoái lạc khi chìu theo tư dục của mình, rồi giờ đây trong phần đời còn lại, ông đã hứng chịu mọi hậu quả đắt giá vì các hành động tư kỷ của mình.
Tôi đã nói đi nói lại rất nhiều lần rồi, chúng ta phải gắn lẽ thật nầy trên linh hồn chúng ta. QUÍ VỊ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI TỘI LỖI. Tội lỗi rất là lôi cuốn như thế đó. Nó hứa điều vui thích, thoả mãn và có đủ, nhưng nó không bao giờ phân phát cho đâu. Mọi kết quả của nó luôn luôn là ghê tởm, bẩn thỉu, xấu xí, và hoàn toàn làm chán ngán. Lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời đang rung lên nơi hai lỗ tai của chúng ta. Galati 6.7-8 chép:
“Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy. Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời”.
Đừng dối mình. Đừng dại dột. Phạm tội giống như gieo ra những hột giống hủy diệt trong đời sống của mình. Chúng chưa đâm chồi hôm nay, nhưng không bao lâu nữa chúng sẽ đem lại một mùa gặt "đồi bại". Từ ngữ nầy ra từ chữ Hy lạp phthoran, có nghĩa là "thối rửa, hư nát, đồi bại". Hãy hình dung con đường chết chóc vào một ngày mùa hè nóng nực xem. Hãy hình dung một cơn buồn phiền đang rỉ ra xem, sự nhiễm trùng ở đó đã gây ra cho da phải chết và thịt phải hư thối đi. Tội lỗi đem lại sự "thối rửa". Tội lỗi đem lại sự chết chóc.
Đức Chúa Trời muốn đưa sự thực vào tận trong nhà, ấy là chúng ta không tránh đâu cho khỏi tội lỗi đến nỗi Ngài đã để cho Vua David chẳng chôn được cái xương nào trong nhà kho của ông. Đức Chúa Trời chẳng giấu một điều gì nơi đời sống David đối với chúng ta. Không những Ngài gọi ông là "người vừa lòng ta" và tỏ ra cho chúng ta thấy sự vinh hiển mà không tỏ ra cho chúng ta thấy tình trạng bẩn thỉu. Ngài không tỏ ra sự vinh quang mà không tỏ ra sự xấu hổ. Đức Chúa Trời nâng cao David lên như một bức tranh đời đời về sự cao trọng của ân điển Ngài và tình trạng bẩn thỉu kín giấu của tội lỗi.
Trong trường hợp quí vị chưa quen thuộc với câu chuyện, Đức Chúa Trời đã chúc phước cho David với từng ơn phước khả thi. Ở đỉnh cao sự nghiệp của ông là Vua trên Israel, ông đã cố ý, nhất quyết loạn nghịch cùng Đức Chúa Trời và phạm tội tà dâm với một người đờn bà xinh đẹp tên là Bátsêba. Khi ông hay được nàng đã có thai, ông đã tìm cách đưa Uri chồng nàng từ bãi chiến trường về nhà để ông ta ngủ với vợ mình. Uri không chịu cộng tác, nên David đã giết chết ông ta. Trong ơn thương xót, Đức Chúa Trời đã tha thứ cho David mà không giết ông, tuy nhiên Ngài đã để cho ông phải đối mặt với mọi hậu quả của các tội lỗi ghê khiếp của mình. Ngài đã khiến cho đứa con ra đời từ sự gắn bó của họ phải chết đi. Trong phần đời còn lại, thanh gươm bạo lực không hề lìa khỏi nhà của ông. Nỗi đau buồn săn lấy ông. Ông sẽ gặt lấy bão lốc.
Trong phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, Đức Chúa Trời đang tô vẽ một bức tranh sinh động về tình trạng "thối nát" mà David đã gặt lấy từ tội lỗi của mình. Chúng ta sẽ chia chương nầy ra làm ba bối cảnh, kế đó rút tỉa một số bài học cho phần ứng dụng thực tế ở phần cuối hết.
I. Vụ cưỡng hiếp Tama (các câu 1-20).
David có nhiều con cái sanh ra do nhiều người đờn bà khác nhau. Ông có ít nhất mười người vợ và có lẽ cũng có rất nhiều hầu. Ông đã có một hậu cung nhiều đờn bà đẹp sanh cho ông nhiều con cái. Hãy tưởng tượng cuộc sống gia đình ở trong cung điện xem. Từng người vợ ghen tuông với nhau. Con cái tranh cạnh nhau để lấy tình cảm của cha chúng. Chẳng có một nhận thức gia đình nào hết, chỉ có tranh cạnh với nhau mà thôi.
Đứa con đầu tiên của David là Amnôn do vợ ông là Ahinôam sinh ra. Đứa con thứ hai là Kilêáp (hay Đaniên đối chiếu I Sử ký 3.1) do Abigain là vợ cũ của Nabanh sanh ra. Kilêáp đã biến mất khỏi lịch sử. Người ta cho rằng anh ta đã chết ngoài trận mạc. Mọi sự chúng ta biết chắc là vào thời điểm nầy anh ta nằm ở ngoài bức tranh. Đứa con thứ ba là Ápsalôm do Maaca sanh ra, bà là con gái của Vua Ghêsurơ (đối chiếu II Samuên 2.1-3). Maaca cũng sanh cho David một con gái tên là Tama.
Tư dục của Amnôn (các câu 1-2).
Trong câu 1 chúng ta được giới thiệu cho biết "Ápsalôm con trai David" và "em gái ruột, tên là Tama, rất lịch sự". Câu nói nầy đã làm cho câu chuyện ra thú vị: "Amnôn, con trai của David thương nàng". Amnôn là con trưởng nam và vì thế là người kế tự ngai vàng. Ápsalôm là con thứ ba, nhưng bây giờ là con thứ hai sau Amnôn. Tuy nhiên, Amnôn đã sa ngã vì em gái của Ápsalôm, là Tama.
Tama thực sự rất "lịch sự". Tên của nàng có nghĩa là "cây chà là". Trong 14.27, nàng được gọi là "người nữ rất lịch sự". Mặc dù nàng là em cùng cha khác mẹ với anh ta, nàng đã làm cho Amnôn mê mệt. Anh ta chẳng "yêu nàng" nhưng đã sanh lòng thèm muốn nàng. Câu 2 nói anh ta mê mệt nàng đến nỗi anh ta "thành bịnh".
Anh ta đã tơ tưởng đến nàng suốt cả ngày. Anh ta mơ mộng về nàng suốt cả đêm. Nàng là "một nữ đồng trinh", một thiếu nữ thuỳ mị, đoan trang. Anh ta không muốn làm tổn thương nàng, nhưng anh ta cứ tiếp tục mơ tưởng và thèm muốn nàng tới một điểm anh ta đã ngã bịnh. Anh ta không phải bịnh tương tư, mà là bịnh vì tội lỗi.
Một mối quan hệ như thế thường là vô hy vọng. Luật pháp ngăn cấm một mối quan hệ loạn luân như thế. Dù vậy Amnôn là hoàng thái tử của Israel. Anh ta đã nhìn thấy cha mình phạm tội giết người để lấy vợ của người khác. David đã hành động giống như ông cao tay hơn luật pháp của Đức Chúa Trời, vì vậy Amnôn chẳng có sự kính trọng đối với Đức Giêhôva bao nhiêu.
Bậc phụ huynh, đặc biệt là những người làm cha, hãy lắng nghe đấy! David vốn biết rõ phải nói về những sự đồn đãi như thế nào rồi. Ông nói năng rất thuộc linh. Nhưng Amnôn không lắng nghe bao nhiêu trước những gì cha mình nói khi anh ta trông thấy những điều cha mình đã làm. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải ăn ở sao cho cẩn trọng và sống không tì vít và vượt cao hơn mọi điều xấu xa ở trước mặt con cái của chúng ta.
Kế hoạch của Giônađáp (các câu 3-5).
Quí vị có thể nói thật nhiều về những ai là bạn hữu của một người. Câu 3 chép: "Amnôn có một bạn hữu tên là Giônađáp, con trai của Simêa, là anh David". Nói cách khác, Giônađáp là cháu của David và là anh em chú bác với Amnôn. Hãy chú ý phần mô tả khác về Giônađáp, anh ta là "người rất quỉ quyệt". Chúng ta sẽ thấy tính cách quỉ quyệt, bản chất xảo quyệt nầy không bao lâu nữa.
Tôi hình dung Giônađáp và Amnôn như đang sống rất giàu có, chỉ chuyên ăn chơi thôi. Họ đã lớn lên trong xa hoa và quá độ. Họ ít bị kỷ luật và thậm chí một ít hoang đàng. Họ biếng nhác để cho thời gian trôi qua, hết theo đuổi ích kỷ nầy thì theo đuổi ích kỷ khác. Một ngày kia khi họ gặp nhau, Giônađáp hỏi: "Hỡi Vương Tử, [Giônađáp đang đề nghị là con của vua thì phải có điều mình muốn, bất cứ cái gì], nhơn sao một ngày một hao mòn như vậy?" Ngã lòng đang gây thiệt hại theo phần xác thể trên hoàng tử.
Amnôn khi ấy nhìn nhận: "Ta thương Ta-ma, em gái của Áp-sa-lôm, là em trai ta". Amnôn vốn biết rõ luật lệ và biết rõ bất kỳ một mối quan hệ theo huyết thống là không thể được. Dường như anh ta đã có một sự tôn trọng rất tốt đối với Ápsalôm.
Giônađáp hiến một kế sẽ làm cho Amnôn ở riêng một mình với Tama. Anh ta không nói cho người em họ biết phải làm gì khi họ ở một mình với nhau, nhưng chắc chắn anh ta biết điều gì sẽ xảy ra. Anh ta đề nghị rằng Amnôn hãy "làm bộ đau", hành động như bịnh thiệt vậy. Khi ấy David sẽ đến thăm người kế tự ngai vàng để kiểm tra tình trạng của anh ta. Ở thời điểm nầy Amnôn cần phải yêu cầu: "con xin cha cho Ta-ma, em gái con, đến cho con ăn; nó sẽ dọn món ăn trước mặt con, con sẽ thấy nó làm, và sẽ nhận lấy đồ ăn từ nơi tay nó "(câu 5).
Hành động lừa lọc của Amnôn (các câu 6-14).
Y như Giônađáp đã đề nghị, Amnôn đã giả vờ đau. Khi cha anh ta đến thăm, anh ta đã yêu cầu ông sai Tama đến dọn cho anh ta một món ăn đặc biệt rồi đút cho anh ta ăn. David cả tin theo lời cầu xin của Amnôn rồi sai Tama đến.
Tama đến nhà của Amnôn và "trước mặt người, nàng lấy bột mì, nhồi làm bánh nhỏ và hấp đi". Khi bánh đã sẵn sàng nàng "nhắc chảo nhỏ xuống, và trút bánh trong mâm". Bây giờ tôi không biết nàng đã làm "bánh" gì, nhưng tôi hình dung ra loại bánh sôcôla hạnh nhân của vợ tôi. Bấy nhiêu luôn luôn đủ để làm cho tôi thấy khá hơn. Amnôn đã in trong trí những điều ngọt lịm khác nên không chịu ăn. Anh ta bảo các tôi tớ ra ngoài hết rồi yêu cầu Tama đem bánh đến giường ngủ của mình. Có lẽ tôi nghĩ anh ta đã hành động giống như mình tệ hại lắm và cần nằm mà thôi. Khi Tama đến bên giường, anh ta đã ôm chầm lấy nàng rồi nói: "Em ơi, hãy đến ngủ cùng anh" (câu 11).
Tama bị sốc và sợ hãi. Nàng cố hết sức nói năng để thoát ra khỏi cái bẫy nầy. Nàng nói:
“Không được anh; chớ làm nhục tôi, vì trong Y-sơ-ra-ên người ta chẳng làm như vậy. Chớ phạm sự ô hạnh nầy! Tôi sẽ mang sự sỉ nhục tôi đi đâu? Còn anh sẽ như một người ô danh trong Y-sơ-ra-ên. Thà anh nói cùng vua thì hơn; vua chẳng cấm anh lấy tôi làm vợ”(các câu 12-13).
Nàng đưa ra bốn lý do tại sao Amnôn không nên làm như vậy. Thứ nhứt, nàng nói đây là một sự "nhục nhã" hay gian ác và "trong Israel người ta chẳng làm như vậy". Luật pháp triệt để cấm đoán những mối quan hệ loạn luân thể ấy (Lêvi ký 18.11). Thứ hai, nàng nhắc cho anh ta nhớ về sự "ô hạnh" mà nàng sẽ phải mang lấy. Nàng sẽ không còn là gái đồng trinh nữa. Nàng sẽ không thể lấy chồng vì chi tiết của tiệc cưới đòi hỏi phải chứng tỏ sự đồng trinh của cô dâu. Thứ ba, bản thân Amnôn sẽ "như một người ô danh trong Israel". Nàng đã nhắc cho anh ta nhớ rằng anh ta là người kế tự ngai vàng và phải nêu gương tốt. Sau cùng, trong nỗi tuyệt vọng, nàng đã yêu cầu anh ta hãy nói cùng vua David cho phép anh ta cưới nàng. Mặc dù điều nầy trái với luật pháp, hôn nhân thì tốt hơn là cưỡng hiếp.
Amnôn đã chẳng nghe theo gì hết. Lý trí của anh ta hoàn toàn hướng vào việc làm thoả mãn dục vọng thèm khát lâu nay của mình. Câu 14 mô tả hành động trụy lạc của tội lỗi khi Kinh Thánh chép: "Nhưng Am-nôn không khứng nghe nàng; và vì người mạnh hơn, bèn gian hiếp nàng, nằm cùng nàng".
Nỗi ô nhục của Tama (các câu 15-20).
Quí vị có muốn nhìn thấy tội lỗi thực sự bệnh hoạn như thế nào không? Câu 15 nói rằng chẳng bao lâu sau khi thực hiện hành động nầy "Amnôn lấy làm gớm ghét nàng quá, đến đỗi tình người ghen ghét nàng lại lớn hơn tình thương yêu nàng khi trước". Sự xấu hổ đã giáng trên anh ta. Tội lỗi chưa thoả mãn. Chứng cớ đồi bại lớn lao hơn dành cho thủ phạm khi đổ thừa cho nạn nhân mà anh ta mới có hành động đáng khinh đó.
Tôi tưởng tượng những giọt nước mắt thổn thức không kềm chế được của nàng. Amnôn không thể chịu được điều đó. Anh ta bảo nàng phải cút đi: "Hãy đứng dậy, đi đi!" Nhưng Tama đáp: "Chớ đuổi tôi đi mà làm cho tôi một sự quấy lớn hơn sự quấy anh đã làm rồi! Nhưng người không khứng nghe nàng". Nói cách khác, nàng đang nói rằng không, anh ta phải cưới nàng. Luật pháp Môise rất đặc biệt ở điểm nầy.
“Nếu một người nam gặp một con gái trẻ đồng trinh, chưa hứa gả, bắt nàng nằm cùng, mà người ta gặp tại trận, thì người nam đã nằm cùng con gái trẻ đó phải nạp cho cha nàng năm mươi siếc-lơ bạc, rồi nàng sẽ làm vợ người, bởi vì người có làm nhục nàng. Người còn sống ngày nào, thì chẳng được phép đuổi nàng đi” (Phục truyền luật lệ ký 22.28-29).
Luật pháp giờ đây buộc Amnôn phải cưới nàng và nàng đã nắm lấy anh ta vì cớ luật nầy. Anh ta chẳng làm theo điều luật nầy. Anh ta đã kêu tôi tớ ném nàng ra ngoài đường phố rồi khoá trái của lại sau lưng nàng.
Hãy chú ý hình ảnh Tama cay đắng trong câu 18, nàng đang than vãn trên các đường phố thành Jerusalem. Áo choàng công chúa của nàng, một "áo dài nhiều màu sắc" nàng đã xé toạc ra thành nhiều mãnh nhỏ tiêu biểu cho tình trạng đồng trinh, tình trạng vô tư của nàng đã bị xé toạc ra khỏi nàng rồi. Nàng "bỏ tro trên đầu mình" và đi quanh quẩn với "tay bưng trên đầu" là dấu hiệu cho thấy nàng đang mang một gánh nặng. Nàng vừa đi vừa "cất tiếng la". Nàng đã gây ra một sự khuấy đảo trên các đường phố.
Ápsalôm anh nàng đã nhận ra ngay tức khắc là Amnôn tấn công nàng. Thay vì trình vấn đề cho cha mình, thay vì dành cho nàng một sự thương xót nào đó, Ápsalôm đã nói ra những câu mà người ta nói với các nạn nhân của sự cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục, đặc biệt trong các tình huống của gia đình, chàng nói: "Thế thì, hỡi em, hãy làm thinh, vì là anh của em; chớ lấy sự đó mà cực lòng quá!" Ít nhất Ápsalôm đã cho phép nàng ngụ trong nhà mình, dù nàng đã "ở riêng ra" và không bao giờ lập gia đình trong phần đời còn lại của mình.
Tôi nhận ra rằng đối với một số người trong quí vị đây là một phân đoạn khó. Quí vị nào đã từng là nạn nhân. Quí vị biết chính xác Tama đã cảm nhận ra sao rồi. Cho phép tôi nói điều nầy cách công khai, quí vị chẳng có lỗi lầm gì hơn Tama đâu. Mọi sự dối trá đều đổ hết vào cho thủ phạm. Tôi đã mắc nợ Beth Moore, là người đã giúp chúng tôi hiểu được cái gánh nặng mà phần nhiều người trong quí vị đang mang lấy. Bà viết:
“Có lẽ quí vị là nạn nhân của sự xấu hổ theo một cách thức nào đó. Nếu thực vậy, tôi chỉ cho quí vị thấy nhiều nạn nhân hôm nay. Tôi cũng có mặt trong đó nữa. Khi tôi còn là một đứa trẻ, cái người mà cha mẹ tôi tin cậy đã gây ra nỗi đau thương lớn bởi tội ác nghịch lại tôi. Bạn bè và các thành viên trong gia đình các nạn nhân thường hỏi tôi họ có thể nói gì với người thân bị tổn thương của họ. Tôi biết từ kinh nghiệm của bản thân mình rằng việc quan trọng nhất bất cứ ai cũng có thể nói với một nạn nhân về tội lỗi xấu hổ đó là: "Tôi rất tiếc. Tôi thương bạn và tôi ủng hộ bạn".
Đối với quí vị nào là nạn nhân, chúng tôi anh chị em của quí vị trong gia đình Đức Chúa Trời không muốn bảo quí vị cứ giữ lấy sự bình an và chớ lấy sự đó mà cực lòng. Chúng tôi muốn nói chúng tôi lấy làm tiếc, chúng tôi yêu thương và ủng hộ quí vị.
II. Sự báo thù của Ápsalôm (các câu 21-33).
Thái độ thù hận của Ápsalôm (các câu 21-22).
Câu 22 cho chúng ta biết chính xác Ápsalôm đã cảm nhận ra sao về Amnôn. Kinh Thánh chép: "Ápsalôm ghét Am-nôn, bởi Am-nôn đã gian hiếp Ta-ma, em gái mình". Ápsalôm sẽ không quên đâu! Chàng đang đợi một cơ hội tốt, đang chờ một cơ hội để báo thù. Tuy nhiên, hãy chú ý câu 21 phản ứng của David trước tội ác ghê khiếp nầy: "Vua David hay được điều đó, bèn giận lắm". Ông đã nổi giận, nhưng ông định làm gì đây? Tuyệt đối không làm gì hết. Ông chẳng phản ứng gì hết. Tại sao vậy?
Thứ nhứt, ông đã bối rối. Mọi sự trong trạng huống nầy hoàn toàn vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Thứ hai, ông đã cảm thấy tội lỗi. Rốt lại, chính David mới là người sai Tama đến với Amnôn. Thứ ba, và quan trọng nhất, David cảm thấy mình thật giả hình. Làm sao ông xét đoán Amnôn vì đã phạm chính cái điều mà bản thân ông đã phạm với Bátsêba chỉ mấy tháng trước đây?
David từng là một tướng lãnh thao lược và là vị vua tài ba nhất trong các vua của Israel. Tuy nhiên, ông là một người cha khó ai có thể chịu nổi. Ông đã để cho con cái mình lớn lên với ít chăm sóc và kỷ luật. Có lẽ chúng có mọi thứ mà tiền bạc có thể mua được, nhưng các thứ mà tiền bạc có thể mua được không thay thế được cho những việc quan trọng nhất trong cuộc sống. Hỡi những người làm cha, hãy chú trọng vào đây. Tôi giảng điều nầy cho bản thân mình thật nhiều lần y như tôi rao giảng sự ấy cho quí vị vậy: thất bại với gia đình mình là thất bại trong mọi sự. Đấy là lý do tại sao Tân Ước nói rõ ràng rằng mỗi người lãnh đạo Hội thánh phải được mô tả là "người phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn" (I Timôthê 3.4).
Câu 22 chép rằng dù "Ápsalôm ghét Amnôn" chàng "chẳng nói cùng Amnôn một lời nào, hoặc lành hay dữ". David có lẽ đã nguyền rủa trong cơn giận dữ, nhưng Ápsalôm chẳng nói một lời nào. Chàng đã luyện tập sự tiết độ. Chàng đã chôn vùi cơn giận của mình rồi hành động như thể chẳng có việc gì xảy ra cả. Tuy nhiên, ở trong lòng chàng, chàng đã lập chương trình sẵn hết rồi, chàng chờ đợi một cơ hội trọn vẹn để khiến Amnôn phải trả giá. Hắn sẽ trả giá vì đã cưỡng hiếp Tama và rồi Ápsalôm kế đó sẽ theo thứ tự mà tiếp lấy ngai vàng. Khi ấy chàng mới khiến cho David phải trả giá vì ông chẳng phản ứng chi hết.
Chương trình của Ápsalôm (các câu 23-29).
Câu 23 chép rằng "hai năm sau" trôi qua do không có một biến động gì hết. Amnôn dường như đã quên đi không còn nhớ tới tội ác của mình nữa. David đã cố quên đi sự việc ấy. Ápsalôm thì không quên đâu! Tất cả các chi tiết đã được thể hiện ra thật rõ ràng.
Mùa thu hoạch luôn luôn là thời điểm để tiệc tùng. Rõ ràng Ápsalôm làm chủ các bầy chiên ở gần Baanh Hátso được hớt lông bởi "những thợ hớt lông chiên" chuyên nghiệp. Ápsalôm đứng ra tổ chức một bữa tiệc đãi họ và cũng "mời hết thảy các vương tử". Chàng cũng đến gặp đích thân Vua David và xin: "vua cùng quần thần của vua đến nhà kẻ tôi tớ vua" (câu 24). Ápsalôm không những mời các con trai của vua đến dự tiệc, mà còn mời đích thân nhà vua nữa.
David đáp: "Không được, con; hết thảy chúng ta không đi đến nhà con, vì sẽ làm tổn phí cho con". Ápsalôm thực sự không muốn David đến dự đâu. Chàng biết rõ David không muốn đi những 12 dặm đường và đoàn tùy tùng của ông sẽ làm cho mọi việc ra khó khăn. Hãy tưởng tượng xem mọi nghi thức lễ tân của việc mời vị tổng thống đến dự tiệc ngoài trời xem. Sẽ có những đội đặc nhiệm bao phủ khắp cả nơi chốn đó.
Ápsalôm khi ấy dường như đệ trình một yêu cầu buộc David phải chọn một. Chàng nói: "Nếu vua không đến, xin cho phép Am-nôn, anh tôi, đến cùng chúng tôi". David hỏi lý do tại sao!?! Câu 27 chép: "Ápsalôm cố đến đỗi". Chàng cứ kèo nài vua. Có thể chàng đã nói: "Nếu vua không đến, thì ít nhất cũng sai người kế tự đến dự tiệc để đại diện cho vua chứ".
David đã ban ơn phước và Ápsalôm đặt bẫy sập. Chàng bảo thuộc hạ mình lưu ý Amnôn và chờ đợi cho tới khi nào "lòng Amnôn vui vì rượu". Chàng muốn họ phải đợi cho tới khi anh mình say sưa lắm. Khi ấy chàng mới ra lịnh và họ đã đánh Amnôn té xuống rồi giết anh ta luôn. Họ đã làm theo kế hoạch ấy từng chữ một và đã giết Amnôn ngay trong đêm đó. Làn sóng bạo lực nầy đã làm tỉnh thức mấy người con trai khác của nhà vua, họ không còn say rượu nữa, và họ cũng sợ hãi cho chính mạng sống của mình: "Bấy giờ, các vương tử, đứng dậy cỡi lừa chạy trốn" (câu 29).
III. Lòng thương tiếc của David (các câu 30-39).
David sợ hãi (các câu 30-33).
Sau vụ giết người, trước khi các con trai khác của nhà vua trở về thành Jerusalem, có lời tâu cùng David rằng "Ápsalôm đã giết các vương tử rồi, không có một ai thoát khỏi". Điều nầy không phải là bất thường trong xã hội đời xưa, nhà vua muốn quét sạch những kẻ thách thức mình. David tưởng tấu trình ấy là thực và trong nỗi đau khổ đã "xé áo mình và nằm dưới đất".
Trong khi David vẫn còn đau khổ do tấu trình giả kia nói tất cả các con trai ông đều đã chết, thì Giônađáp bước vào. Hắn ta nói: "Xin chúa tôi chớ tưởng rằng các vương tử của chúa đã bị giết hết; vì chỉ một mình Am-nôn bị chết thôi; ấy là việc Áp-sa-lôm đã định ý làm từ ngày Am-nôn gian hiếp Ta-ma, em gái của người" (câu 32).
Làm thế nào Giônađáp biết rõ điều nầy chứ? Hắn không có mặt ở Baanh Hátso. Hắn không nhìn thấy vụ giết chóc. Dường như hắn đã biết trước từ lâu những gì Ápsalôm sẽ làm. Hắn nói rằng Ápsalôm đã "định ý" hay hoạch định làm điều nầy kể "từ ngày Amnôn gian hiếp Tama em gái của người".
Ao ước của David (các câu 34-39).
Câu 34 cho chúng ta biết rằng "Ápsalôm đã chạy trốn". Câu 37 nói rằng chàng "ẩn tại nhà Thanh mai…vua xứ Ghêsurơ", ông ngoại của chàng. Đồng thời, người canh trên bức tường kêu lên rằng các con trai vua thực sự đã trở về từ chỗ hớt lông chiên. Họ về đến và "cất tiếng lên khóc" trước mặt cha mình. Khi ấy David cùng hết thảy quần thần mình "tuôn tràn giọt lụy".
David "để tang cho con trai mình luôn luôn". Cái chết của Amnôn khiến cho ông khó chịu vì cả hai, tội lỗi của ông và tội lỗi của Ápsalôm đều là một phản ảnh của mọi tội lỗi của chính ông nghịch lại Bátsêba và Uri. Ápsalôm đã ở lại với ông ngoại mình ở Ghêsurơ trong "ba năm". Đồng thời Đức Giêhôva "đã yên ủi" David "về Amnôn". Trong ba năm, ông có thể gạt nỗi buồn của mình lại sau lưng, nhưng ông "ao ước muốn gặp Ápsalôm". Ông muốn làm hoà lại với người con còn sống nầy.
IV. Những bài học cần phải tiếp thu.
Tội lỗi là bẩn thỉu. Có điều gì ghê tởm hơn khi một người tấn công tình dục em gái mình? Tội lỗi rất ghê tởm và bẩn thỉu. Nó đem lại sự "đồi bại". Khi tôi đọc về các linh mục Công giáo làm hại một đứa thiếu niên (ở Mỹ), tôi được nhắc nhớ tấn công tình dục không phải là bắt đầu của tình trạng trái thói tình dục mà là sự cuối cùng, nó xảy đến vì tình cảm không kềm chế được.
Tội lỗi rất đắt giá. Đức Chúa Trời đã hứa với David rằng gươm sẽ không thôi đuổi theo nhà của ông, sẽ có nghịch chướng dấy lên chống lại ông. Nhiều năm tháng trôi qua, nhưng David vẫn còn trả giá đắt về việc chìu theo xác thịt. Tội lỗi là một cơn bùng nổ khoái lạc ngắn ngủi trên một chương trình trả giá dài hạn.
Tội lỗi phản ảnh lại. Có bao giờ quí vị nghe thấy tiếng mình trên băng ghi âm rồi suy nghĩ: "Tiếng tôi nghe sao kỳ vậy?" Quí vị không nghe tiếng của mình theo cách người khác nghe. Chúng ta không nhìn thấy bản thân mình theo cách người ta nhìn thấy đâu. David đã nhìn thấy tình trạng bẩn thỉu của tội lỗi mình đã phản ảnh lại trên đời sống của con cái ông.
Tội lỗi bị hình phạt. I Giăng 1.9 dạy chúng ta rằng Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta và Ngài đang tha thứ. Tuy nhiên, chúng ta đừng sử dụng lẽ thật đó như một cục xà phòng thần học để tẩy rửa khi chúng ta bị nhuốm bẩn. Chúng ta sẽ được tha thứ, nhưng chúng ta sống với mọi hậu quả của tội lỗi chúng ta. Đức Chúa Jêsus Christ là nguồn trông cậy duy nhứt của chúng ta. Ngài gánh lấy án phạt vì tội lỗi chúng ta trên thập tự giá và hiện nay Ngài hiến ơn cứu rỗi cho chúng ta.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét