Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

“Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm”



“Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm”
Rôma 16.25-27
PHẦN GIỚI THIỆU: Đây là thời điểm rất đặc biệt trong năm. Đây là thời điểm của sự bố thí và chia sẻ. Đây là thời điểm cho sự thương xót và tha thứ. Đây là thời điểm của vui mừng và hạnh phúc. Có một điểm rất đặc biệt trong Lễ Giáng Sinh! Giáng Sinh là ngày lễ được ưa thích nhất trong mọi ngày lễ! Nhưng đối với Cơ đốc nhân, Lễ Giáng Sinh là đặc biệt vì đây là thời điểm trong năm khi chúng ta kỷ niệm sự ra đời của Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ! Trong một chuồng chiên nhỏ tại thành Bếtlêhem, một con trẻ đã ra đời cho một nữ đồng trinh và một người thợ mộc thấp hèn, là Đấng về sau chịu chết trên một cây thập tự sần sùi vì tội lỗi của chúng ta! Có người nói: “Nếu nhu cần lớn lao nhất của chúng ta là thông tin, Đức Chúa Trời sẽ gửi đến cho chúng ta một học giả. Nếu nhu cần lớn lao nhất của chúng ta là kỷ thuật, Đức Chúa Trời sẽ gửi đến cho chúng ta một nhà khoa học. Nếu nhu cần lớn lao nhất của chúng ta là tiền bạc, Đức Chúa Trời sẽ gửi đến cho chúng ta một nhà kinh tế. Nếu nhu cần lớn lao nhất của chúng ta là giải trí, Đức Chúa Trời sẽ gửi đến cho chúng ta một người làm trò tiêu khiển. Còn nếu nhu cần lớn lao nhất của chúng ta là sự tha thứ, Đức Chúa Trời sẽ sai đến cùng chúng ta một Đấng Cứu Thế”.
Có người nói: “Một Cơ đốc nhân phải nhìn xem Lễ Giáng Sinh với sự lạ lùng, thờ lạy, và làm chứng”. Tại sao phải lạ lùng chứ? Vì Lễ Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm. Đâu là lẽ mầu nhiệm đó? Từ ngữ ấy có ý nói: “một việc gì đó kín giấu hay bí mật”. Trong Tân Ước, từ ngữ ám chỉ rằng điều chưa tỏ ra là điều rất mầu nhiệm, như Phaolô đã viết ở I Côrinhtô 13.12: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy”. Khi chúng ta lên thiên đàng, mọi điểm phức tạp và thắc mắc chúng ta có sẽ được tỏ ra và những lẽ mầu nhiệm được mở ra, còn bây giờ, trong đời nầy, vẫn còn có nhiều việc rất lạ lùng. Sự khải thị của Đức Chúa Jêsus Christ vào trong thế gian là một lẽ mầu nhiệm. Không những đây là một sự kiện thuộc lịch sử, mà đây còn là một lẽ thật thuộc linh chỉ có Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh mới có thể tỏ ra cho tấm lòng của chúng ta nhìn biết. I Timôthê 3.16 chép: “Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Đấng đã được tỏ ra trong xác thịt, thì đã được Đức Thánh Linh xưng là công bình, được thiên sứ trông thấy, được giảng ra cho dân ngoại, được thiên hạ tin cậy, được cất lên trong sự vinh hiển”. Tôi muốn chúng ta hôm nay phải xem “Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm”.
(1) Lẽ mầu nhiệm của Giáng Sinh
*Lễ Giáng Sinh, khi chúng ta kỷ niệm sự ra đời của Cứu Chúa chúng ta, giới thiệu cho chúng ta ba lẽ mầu nhiệm:
A) Sự hóa thân thành nhục thể (Giăng 1.14). Đây là một lẽ mầu nhiệm rất khó hiểu cho tâm trí của con người chúng ta. Làm sao mà Đức Chúa Trời Đấng đời đời, vô hạn, toàn năng, lại khoác lấy trên chính mình Ngài một hình thể giống như hình thể của chúng ta cho được? (Philíp 2.6-8). “Ngôi Lời trở nên xác thịt...” Ngôi Lời theo tiếng Hy lạp là chữ Logos. Từ nầy có nghĩa là “Lời hằng sống của Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Jêsus Christ là hình ảnh, là sự tỏ ra, kiểu mẫu, chính ảnh tượng của những gì Đức Chúa Trời muốn phán với con người. Đức Chúa Jêsus Christ là sự tỏ ra của Đức Chúa Trời, là tiếng nói của Đức Chúa Trời, là Lời của Đức Chúa Trời cho loài người.
Minh họa: Có người đã nói rằng, nếu bạn làm cho người kia tin sẽ chẳng có hy vọng đâu, người ấy sẽ rủa sả cái ngày mà người ấy ra đời cho xem. Hy vọng là một đặc trưng không thể thiếu được trong cuộc sống. Cách đây nhiều năm chiếc tiềm thủy đỉnh S-4 đụng phải một chiếc tàu khác rồi bị chìm rất nhanh. Toàn bộ thủy thủ đoàn bị kẹt trong nhà tù sự chết. Nhiều chiếc tàu đổ đến bối cảnh tai vạ gần bờ biển Massachusetts. Chúng ta không biết điều chi đã diễn ra trong chiếc tàu ngầm bị đắm kia, nhưng chúng ta có thể quyết chắc rằng có nhiều người can đảm bám vào sự sống khi oxygen từ từ không còn nữa. Một thợ lặn đã đặt tai bên chiếc nón bảo hộ mình vào sườn con tàu rồi lắng nghe. Anh ta nghe một tiếng gõ vang lên. Anh ta nghe được có ai đó đã gõ một câu hỏi bằng những dấu chấm và gạch ngang của tín hiệu Morse. Câu hỏi đã phát ra từ từ: “Có... Hy vọng...Gì Không?” Đây dường như là tiếng kêu la của cả nhân loại: “Có hy vọng gì không?” Hy vọng, quả thực, là nền tảng cho sự sinh tồn của mọi người ở trong Đấng Christ!
*Sứ điệp quan trọng của sự hóa thân thành nhục thể là: CÓ HY VỌNG! Con của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ đã đến để ban hy vọng cho con người (Galati 4.4-5). “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt...”. Ngài trở nên xác thịt bằng cách nào? Bằng phép lạ qua nữ đồng trinh (Êsai 7.14). Ngài đã khoác lấy bản chất tội lỗi của con người trên chính mình Ngài. Ngôi Lời không phải là một quan niệm triết học hấp dẫn đâu, mà là một Thân Vị thực sự, là Đấng có thể thấy được, rờ được, và nghe được. Cơ đốc giáo là Đấng Christ, và Đấng Christ là Đức Chúa Trời!
B. Đồng hóa (Hêbơrơ 2.14-17). Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm cũng vì Đức Chúa Con tự mặc lấy xác thịt con người, Ngài đến và chịu chết vì tội lỗi chúng ta! Tại sao trở nên giống như chúng ta là cần thiết? Câu 17 cho chúng ta biết: “..hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân”. Nếu Ngài không giống như chúng ta, thì bằng cách nào Ngài sẽ thực hiện được công tác nầy?
Minh họa: Cách đây lâu lắm rồi, trong xứ Ba tư có một vì vua nhơn đức và khôn ngoan trị vì. Ông yêu mến dân sự mình. Ông muốn biết họ sinh sống ra sao!?! Ông muốn biết về nổi nhọc nhằn của họ. Ông thường mặc thứ quần áo của một người thợ hay một tên ăn mày, rồi đến với từng nhà của người nghèo khó. Chẳng ai trong số ông đến thăm viếng đều nghĩ ông là vua của họ. Lần kia, ông đến viếng một người rất nghèo sinh sống trong một túp lều. Ông đã ăn thứ thức ăn tồi tàn mà kẻ nghèo kia ăn. Ông nói ra lời lẽ tử tế, dịu dàng với người ấy. Thế rồi ông ra về. Sau đó, ông đến viếng lại kẻ nghèo đó rồi tỏ ra lai lịch mình bằng cách nói: “Ta là vua của ngươi đây!” Nhà vua nghĩ kẻ nghèo kia sẽ cầu xin một ân huệ hay sự ưu đãi nào đó; nhưng ông ta chẳng xin gì hết. Thay vì thế, ông ta nói: “Ông rời khỏi cung điện và sự vinh quang của mình đến thăm tôi trong chốn tối tăm, đê hèn nầy. Ông đã ăn thức đồ ăn tồi tàn mà tôi đã ăn. Ông đem sự vui sướng vào lòng tôi! Đối với nhiều người khác, ông đã ban ân huệ của ông thật rời rộng. Còn đối với tôi, ông đã ban chính mình ông rồi!” Vua Vinh Hiển, Đức Chúa Jêsus Christ, đã phó chính mình Ngài cho bạn và tôi. Kinh Thánh gọi Ngài là “sự ban cho không xiết kể!”
Minh họa: Một bịnh nhân đang nằm viện do một tai nạn chỉ còn có khứu giác ngửi mà thôi. Mẹ của cô ta muốn cho biết bà đang có mặt, vì vậy bà đã dùng thứ dầu thơm để cô gái sẽ nhớ sự hiện diện của mẹ mình. Giờ đây, dầu thơm không phải là bản chất quan trọng của người mẹ, mà là sự mở rộng bản chất thực của bà ta để truyền đạt theo trình độ của cô con gái. Đức Chúa Trời cũng không nhất thiết phải ở trong một thân thể, nhưng Ngài đã trở nên con người. Ngài đã tự mở rộng để truyền đạt theo cấp độ của chúng ta để chúng ta có thể đáp ứng.
*Hãy suy nghĩ tới những gì Ngài đã ra đi để đồng hóa với sự đau khổ và nhu cần của chúng ta xem! Ngài đã lìa khỏi Nhà Cha của Ngài với mọi sự giàu có rồi chào đời trong nghèo khổ cho một nữ đồng trinh thấp hèn đã đính hôn với một tay thợ mộc. Ngài đã chào đời trong một chuồng chiên, vì chẳng có chỗ ở nào cho Ngài trong quán. Và suốt cả đời sống và chức vụ của Ngài: “Ngài chẳng có chỗ để mà gối đầu”. Mục sư C.S. Lewis nói: “Đấng đời đời, Đấng biết hết mọi sự và Ngài đã dựng nên toàn bộ vũ trụ, không những trở thành con người mà (trước đó) còn là một con trẻ nữa, và trước đó là một bào thai ở trong thân thể của một người nữ. Nếu bạn muốn biết rõ sự ấy, hãy nghĩ tới việc bạn có thể trở thành một con sên hay một con rận xem”.
C. Ngự ở trong (Giăng 1.14a) – “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta...” Chữ được dịch là “ở giữa” trong tiếng Hy lạp là chữ en, có nghĩa là “giữa vòng”, nhưng ở đây có nghĩa là “ở trong”. Đây là pháp lạ vĩ đại nhất của sự Giáng Sinh. Ngài đã hóa thân thành nhục thể trong xác thịt loài người để đồng hóa với chúng ta, hầu cho chúng ta có thể tin cậy Ngài và được Ngài ở cùng! Đúng là một lẽ mầu nhiệm quan trọng! Không những Đức Chúa Trời đã đến “giữa vòng” mà Ngài còn ngự “trong” chúng ta nữa!
Chúa Jêsus đã lập một lời hứa với các môn đồ Ngài ở Giăng 14.18: “Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi”. Bằng cách nào? Bằng quyền phép ngự bên trong của Đức Thánh Linh. Đây là một trong những mục tiêu chính của sự hóa thân thành nhục thể. Bằng cách ấy Ngài sẽ ngự vào trong những kẻ tin rồi mặc lấy quyền phép cho họ để bước theo và làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời (Galati 2.20; Côlôse 1.27) .
(2) Ý nghĩa Lễ Giáng Sinh cho chúng ta (Romans 16.25-27)
A. Chúng ta phải chấp nhận Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm, nếu không chúng ta sẽ xem thường giá trị của sự ấy (câu 25b). Đức Chúa Trời càng mầu nhiệm, Ngài càng vinh hiển hơn trong con mắt của chúng ta (Rôma 11.33). Đúng là một kinh nghiệm rất khiêm nhường khi chúng ta phải xưng nhận rằng chúng ta không biết cũng không hiểu hết thảy những công việc của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Và bất luận chúng ta cố gắng khó nhọc là dường nào, chúng ta không thể thay đổi được sự thực đó! Đức Chúa Trời Toàn Năng đã sai Con độc sanh của Ngài đến, mặc lấy xác thịt tội lỗi, chịu chết vì tội lỗi của nhân loại và rồi ngự trong những người nào tin là một lẽ mầu nhiệm rất quan trọng. Chúng ta có thể bật lên sự vui mừng và tuyên bố: “Cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể”!
B. Chúng ta phải chấp nhận công việc Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta (câu 25a). Đức Chúa Trời dựng nên chúng ta là những người tin qua đức tin của chúng ta nơi Chúa phục sinh! Từ ngữ dựng nên có ý nói “làm cho vững vàng, khiến đứng vững và giữ chúng ta tránh khỏi điều ác”. Chúng ta từng chấp nhận lẽ mầu nhiệm của sự hóa thân thành nhục thể và được Đấng Christ ngự vào trong thân vị của Đức Thánh Linh, Ngài ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài, không một điều gì có thể dời chúng ta đi! (Giăng 10.28-29)
C. Chúng ta phải nắm lấy những tin tức tốt lành nầy cho chúng ta (câu 25a – “Tin Lành của tôi”). Phaolô đề cập đến giáng sinh là “Tin Lành của tôi”. Tin lành ấy trở thành riêng tư cho ông! Tin Lành ấy cũng trở nên riêng tư cho mỗi một người chúng ta! Lẽ mầu nhiệm của Giáng Sinh, Đức Chúa Trời trở nên con người để đồng hóa với con người và ở trong những kẻ tin sẽ chẳng có ý nghĩa gì với chúng ta trừ phi chúng ta bởi đức tin tiếp nhận Tin Lành ấy cho chính chúng ta!
D. Chúng ta phải trở thành khâm sai cho Đấng Christ (câu 25c – “Lời giảng Đức Chúa Jêsus Christ”) Đúng là Tin Lành cho Phaolô, ông đã trở thành người rao giảng Đấng Christ cho nhiều người khác biết. Ông không hề nổ lực để làm cho sự hóa thân thành nhục thể của Đấng Christ ra dễ hiểu; thay vì thế, ông đã giảng rằng Tin Lành ấy cần phải chấp nhận như sự thật vậy. Phaolô không thể làm công việc của Đức Thánh Linh, chúng ta cũng thế. Nhưng chúng ta phải trung tín trong việc chia sẻ những tin tức tốt lành cho kẻ bị hư mất (Thi thiên 107.2). Khi sứ điệp nầy được trình bày và kế đó được tin theo và làm theo, lẽ mầu nhiệm nầy quả thực sẽ làm thay đổi rất to lớn!
E. Chúng ta phải luôn cảm tạ Đức Chúa Trời vì đã giao thác lẽ mầu nhiệm lạ lùng nầy (câu 25d-26a”. theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước, mà bây giờ được bày ra....”) Hội Thánh và từng thuộc viên của Hội Thánh đã được giao cho phần việc vĩ đại lo chia sẻ những tin tức tốt lành nói tới Đức Chúa Jêsus Christ cho những kẻ đang ở trong bóng tối tăm. Kinh Thánh chép Tin Lành ấy kín giấu đối với họ bởi Satan đã làm mù mắt họ, nhưng Thánh Linh của Đức Chúa Trời có khả năng biến sự mầu nhiệm ra rõ ràng cho hết thảy những ai chịu tiếp nhận Tin Lành đó!
F. Chúng ta phải công nhận mục đích của lẽ mầu nhiệm nầy, ấy là bởi đức tin vâng phục Đức Chúa Trời (câu 26). Chương trình của Đức Chúa Trời, ấy là toàn thể nhân loại đều đạt tới mức nhận biết Ngài và sống trong sự vâng phục đối với Ngài bởi đức tin! Trong sự khôn ngoan của Ngài, Đức Chúa Trời đã hoạch định lẽ mầu nhiệm quan trọng nầy cho sự vinh hiển của chính Ngài phải được tỏ ra nơi chúng ta và nhiều người khác sẽ đến!
PHẦN KẾT LUẬN: Giáng Sinh là một lẽ mầu nhiệm, trong đó, Đức Chúa Trời đã sai phái Con của Ngài, là Đấng đã ra đời trong xác thịt tội lỗi và vì tội lỗi, để đồng hóa với chúng ta trong đau khổ và tội lỗi của chúng ta, rồi ngự trong những người nào chịu tin cậy Ngài. Vì thế Lễ Giáng Sinh có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận sự ấy trổi hơn sự hiểu biết của chúng ta. Và chúng ta tiếp nhận Đấng Christ bởi đức tin, để cho Đức Chúa Trời hành động trong đời sống chúng ta; hầu cho chúng ta trở thành khâm sai cho Đấng Christ lo chia sẻ Tin Lành với những kẻ đang còn ngồi trong tối tăm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét