Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

NHỮNG NGÀY LỄ CỦA MÙA THU



NHỮNG NGÀY LỄ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
NHỮNG NGÀY LỄ CỦA MÙA THU
Nếu người Do thái hay tuân thủ các kỳ lễ là đúng, thì chu kỳ lễ lạc xưa của dân Israel là một nguồn thuộc linh mới mẻ vô tận. Nếu người nào xem mình đúng là tín đồ của Đấng Mêsi, bảy kỳ lễ của Đức Chúa Trời phải hơn hẳn truyền khẩu của người Do thái. Người nào quyết Đấng Mêsi đã hiện ra rồi đều tin Ngài đã làm ứng nghiệm ý nghĩa thuộc linh của bốn kỳ lễ thứ nhất, để dành lại ba kỳ lễ sau cùng cho sự ứng nghiệm vào những ngày sau rốt.
Trong các trang sau đây, thành viên trong ban biên tập của Hội truyền giáo RBC là Kevin Williams, cung ứng cho chúng ta phần thứ hai trong công tác nghiên cứu có hai phần với đề tài: “Những Ngày Lễ Của Đức Chúa Trời” – phần nầy tập trung vào ba kỳ lễ của mùa thu. Với nhiều năm tháng kinh nghiệm trong các hội chúng. Kevin cho chúng ta thấy mối tương quan giữa chu kỳ hàng năm các ngày lễ trong Kinh Thánh và ý nghĩa tiên tri thuộc linh cho dân sự trong tất cả các nước.
Martin R. De Haan II
Những ngày lễ của Đức Chúa Trời
Những ngày lễ của mùa xuân:
1./ Lễ Vượt Qua (Pesach)
2./ Lễ Bánh Không Men (Chag HaMatzot)
3./ Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa (Habikkurim)
4./ Lễ Ngũ Tuần (Shavuot)
Những ngày lễ của mùa thu:
5./ Lễ Kỷ Niệm Lấy Tiếng Kèm Thổi (Rosh Hashanah)
6./ Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur)
7./ Lễ Đền Tạm (Sukkot)
NHỮNG NGÀY LỄ CỦA MÙA THU
“Đức Giê-hô-va lại phán cùng Môi-se rằng: Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Nầy là những ngày lễ của Đức Giê-hô-va các ngươi hãy rao truyền ra là các hội thánh” (Lê vi ký 23.1-2).
Với những lời lẽ nầy, Đức Giêhôva của dân Israel đã thiết lập một chu kỳ theo hàng năm những ngày lễ lạc mà các cộng đồng Do thái trên khắp thế giới vẫn còn tuân giữ. Dù là Chính Thống, Bảo Thủ, hay Cải Chánh; dù họ là người Nga, người Yemen, hay người Mỹ, các ngày lễ nầy hình thành một chuỗi phổ thông trong nền văn hoá toàn cầu của người Do thái.
Theo ngôn ngữ Hybálai, từ ngữ nói đến: “những ngày lễ của Đức Giêhôva” là mo-a-deem’, có nghĩa là “kỳ định” hay “những ngày lễ đã được ấn định”. Theo văn hoá của người Do thái: “những thời khắc của Đức Giêhôva đã được ấn định” rất quan trọng vì nhiều lý do. Như đã được liệt kê trong Lê vi ký 23, các ngày lễ nầy là một phần trong hệ thống “thời gian không tính” [time-outs] của dân tộc. Đồng thời chúng cung ứng những cơ hội hàng tuần, hàng tháng và hàng năm để yên nghỉ đối với mọi lề thói và công việc bình thường của cuộc sống mỗi ngày. Chúng cũng cung ứng một chương trình được soạn sẵn để suy gẫm và thờ phượng: “những ngày lễ của Đức Chúa Trời” nầy là những giáo hội nghị thiêng liêng kêu gọi dân sự của Đức Chúa Trời nhóm lại không những trong nét huy hoàng tráng lệ của đền thờ, mà còn trong nơi ở yên tĩnh và đơn sơ của từng gia đình trên đất. Đồng thời, những kỳ định của Đức Giêhôva cung ứng cho từng gia đình, dù giàu hay nghèo, một cơ hội để nhớ lại quyền phép và tình yêu thương đáng kính sợ của Đức Chúa Trời của Ápraham, Ysác và Giacốp.
Tuy nhiên, thật là quan trọng cho chúng ta khi hiểu rõ chu kỳ của những ngày lễ nầy không phải chỉ là nền văn hoá của người Do thái mà thôi. Thậm chí chúng còn nối kết với vòng quay nông nghiệp của đất đai Israel, và bộ lịch lễ lạc đã được dùng để thuật lại những truyện tích nói tới nguồn gốc và đời sống của người Do thái, những ngày lễ nầy cung ứng một toàn cảnh lịch sử có nhiều hàm ý mạnh mẽ cho toàn thể mọi gia đình trên thế gian. Được xem xét theo cách riêng và chung với nhau, các kỳ lễ nầy đang tô vẽ một bức tranh rất hấp dẫn mô tả công tác trong quá khứ, hiện tại và tương lai của Đấng Mêsi, Ngài là nguồn sự sống, hy vọng và bình an cho các dân các nước trên thế giới.
Những ngày lễ nầy cung ứng một toàn cảnh lịch sử có nhiều hàm ý mạnh mẽ cho toàn thể mọi gia đình trên thế gian.
Như chúng ta đã nhìn thấy trong quyển “Những Ngày Lễ Của Đức Chúa Trời: Những Ngày Lễ Của Mùa Xuân”, nhiều người Do thái và dân Ngoại tin Chúa Jêsus đang chia sẻ lòng tin chắc chặng thứ nhất sự giải cứu của Đấng Mêsi đã được ghi lại trên trang trung tâm của lịch sử nhân loại. Theo một nhóm chứng nhân người Do thái, chương trình của Đức Chúa Trời đã được tỏ ra trong những ngày thánh của Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, và Lễ Ngũ Tuần. Với một sự xoay chiều đột ngột của các biến cố, bốn kỳ lễ đầu tiên của Israel đã mô tả thân vị của một Đấng chuyên làm phép lạ, Ngài mang lấy các dấu hiệu của Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Trong Lễ Vượt Qua, Chúa Jêsus đã trở thành Chiên Con là sinh tế, huyết Ngài đã đánh dấu hết thảy những ai tin nơi để được cứu. Trong Lễ Bánh Không Men, Ngài đã chịu chết để cất bỏ tội lỗi và để ban cho chúng ta “bánh” (sự tiếp trợ nâng đỡ cuộc sống) nói tới sự hiện diện đời đời của Ngài. Trong Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, Ngài đã sống lại từ kẻ chết để tỏ ra rằng chính bởi quyền phép của Đức Chúa Trời Ngài làm sự giải cứu cho chúng ta. Rồi 50 ngày sau đó, trong Lễ Ngũ Tuần (cũng gọi là Lễ Các Tuần Lễ, hay Shavuot), Chúa Jêsus đã sai Thánh Linh Ngài để bày tỏ sự hiện diện của Ngài cho hết thảy những ai bằng lòng phó mạng sống họ cho Ngài.
Khi quý vị xem xét các ngày lễ của mùa thu, hãy tưởng tượng ra bối cảnh trong Israel xưa kia. Một vài tháng đã trôi qua kể từ ngày lễ cuối cùng trong những ngày lễ của mùa xuân. Mùa màng đã kết thúc. Những hoa quả như ôlive, nho, lựu, chanh được thu về từ những cánh đồng, và dân sự của đất đang sẵn sàng cảm tạ Đức Chúa Trời vì mùa gặt. Các gia đình khắp xứ Israel chuẩn bị lên đường đến Đền Thờ tại thành Giêrusalem để dự kỳ lễ hành hương lần thứ ba trong năm. Họ cùng nhau đi bộ trên những con đường đầy bụi để kỷ niệm vụ thu hoạch trong mùa thu và để bày tỏ lòng nương cậy nơi Đức Chúa Trời ban cho những cơn mưa có cần trong năm tới.
Khi những người thờ phượng sửa soạn lên đường đến thành Giêrusalem, thành của Đức Chúa Trời, tiếng thổi của cây kèn làm bằng sừng cừu đực (shofar) thổi lên từ các bức tường của thành phố đánh dấu sự bắt đầu của kỳ lễ mùa thu. Suốt cả ngày, những tiếng kèn làm bằng cừu đực đã được trổi lên như một lời kêu gọi nhóm lại trước mặt El Elyon, Đức Chúa Trời Chí Cao.
LỄ KỶ NIỆM LẤY TIẾNG KÈN THỔI
(Rosh Hashanah hay Yom Teruah)
“Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng bảy, sẽ có cho các ngươi một ngày nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy” (Lê vi ký 23.24).
Tiếng shofar được trổi lên vào ngày thứ nhất của tháng Tishri, là tháng thứ bảy theo lịch tôn giáo của người Do thái. Đó là Yom Teruah, “ngày kèn thổi”. Theo truyền khẩu được gọi là “Rosh Hashanah”, nó đánh dấu mùa gặt cuối năm là một cơ hội cho cả nước tìm kiếm sự đổi mới về mặt thuộc linh và về sự quan hệ.
Tiếng shofar kêu gọi ăn năn
Tiếng thổi của những cây kèn làm bằng sừng cừu đực đã cung ứng một sự nhắc nhớ thuộc linh rất quan trọng: Đó là một sự nhắc nhớ cho những ai mới vừa lo xong việc thu hoạch mùa màng bằng mồ hôi lao động của chính họ. Khi những người lao động bị cám dỗ nhìn vào các kết quả của sự họ nổ lực và sự khen ngợi mình vì mùa gặt, họ cần nghi thức nầy, vì nghi thức đó lấy Đức Chúa Trời làm trung tâm, để gợi cho họ nhớ rằng trong hết thảy việc làm của họ, họ đang nương cậy vào quyền phép sáng tạo và nâng đỡ của Đức Chúa Trời vì ích cho họ. Người lao động lo gieo, lo giống, lo tưới, và trông đợi. Song chính Đức Chúa Trời mới là Đấng ban cho sự dư dật.
Các học giả Kinh Thánh đều tin rằng lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi về mặt tiên tri có ý nói tới các biến cố trong những ngày sau rốt
Về tiếng thổi của shofar, Alfred Edersheim, học giả nổi tiếng vào thế kỷ 19, ông viết: “Mục đích chính của tiếng kèn nầy là làm cho người ta phải ăn năn, thức tỉnh. Thực ra, nhà giải kinh Maimonides (1135-1204) sử dụng câu nói sau đây để chỉ rõ ý nghĩa của tiếng kèn thổi: ‘Hãy tỉnh thức, hãy thức dậy ra khỏi giấc ngủ say; hãy dậy đi, hãy dậy đi, đừng ngủ nữa, các ngươi chẳng biết chi hết, vì giấc ngủ triền miên đã phủ lấy các ngươi. Hãy nhận vào lòng, trước khi các ngươi trình sổ cho Đấng ngồi trên ngai phán xét”.
Tiếng shofar nhìn về tương lai
Nhiều người tin rằng Yom Teruah cũng có một ý nghĩa về mặt tiên tri. Bốn kỳ lễ đầu tiên đều có một sự tương quan đáng kể với các biến cố sau cùng trong đời sống của Chúa Jêsus (sự đến lần thứ nhất của Ngài). Nhiều học giả Kinh Thánh tin rằng Lễ Kỷ Niệm Lấy Tiếng Kèn Thổi về mặt tiên tri có ý nói tới các sự cố trong những ngày sau rốt (lần đến thứ hai của Ngài), tiếng kèn ấy sẽ kêu gọi dân Israel, và cả thế giới, đến với sự ăn năn trong tư thế chuẩn bị cho Vương quốc của Ngài đang kíp đến.
Hãy so sánh hy vọng về Đấng Mêsi như thế nầy với lời cầu nguyện Rosh Hashanah từ một quyển sách cầu nguyện của người Do thái Chính Thống: “Nguyện ý chỉ của Chúa được nên khi tiếng shofar mà chúng con thổi lên, thiên sứ sẽ vén bức màn lên khi Ngài chấp nhận tiếng kèn đó bởi Elijah và bởi Yeshua, Vương Tử (nghĩa là Vương Tử trong sự hiện diện của Ngài) và là Đấng đang ngồi trên ngai của Đức Chúa Trời. Nguyện Ngài đầy dẫy lòng thương xót đối cùng chúng con. Ngài đáng được ngợi khen, là Chúa của lòng thương xót” (Birnbaum, quyển Đàng Sau Bức Màn, trang 282).
Với lời cầu nguyện nầy, các nhà hội Do thái đã cầu khẩn Rosh Hashanah theo danh của Vua hầu đến của Đức Chúa Trời: Yeshua. Hầu hết các rabi Do thái đều khẳng định rằng phần tham khảo đến Yeshua đều chẳng liên quan gì tới Jêsus, là danh xưng được Anh ngữ hoá cho Yeshua (sát nghĩa là “sự cứu rỗi”). Một lý do cho việc chối bỏ Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Israel là ý kiến của các rabi cho rằng Đức Chúa Trời không hề đòi hỏi – cũng không chấp nhận – một sinh tế con người. Tuy nhiên, ngược lại với sự dạy nầy, có trong truyền khẩu thực hành của nhiều nhà hội ghi nhớ một ngày khi Đức Chúa Trời buộc Ápraham là cha phải dâng Ysác là con làm một sinh tế.
Tiếng shofar nhìn lại Ysác
Mỗi mùa thu trong những Ngày Lễ Thánh, các nhà hội trên khắp thế giới đều ghi nhớ ngày Akeidah (từ ngữ Hybálai nói đến việc “trói Ysác” như đã được mô tả trong Sáng thế ký 22.1-19). Dấu hiệu nổi bật nhất của Rosh Hashanah hay Yom Teruah là tiếng kèn làm bằng sừng cừu đực. Các rabi nhìn thấy một sự liên kết quan trọng giữa tiếng kèn nầy và chiên đực có tính cách thay thế mà Đức Chúa Trời đã cung ứng cho khi Ápraham sắp sửa dâng Ysác con trai một của mình làm một sinh tế trên núi Môria.
Một lý do cho việc chối bỏ Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của Israel là ý kiến của các rabi cho rằng Đức Chúa Trời không hề đòi hỏi – cũng không chấp nhận – một sinh tế con người
Trong nhiều nhà hội, phần Akeida (trói Ysác) được đọc mỗi ngày trong tuần lễ suốt năm như một ghi nhớ, như đặc biệt từ lễ Rosh Hashanah đến lễ Yom Kippur đã được nhấn mạnh. Trong quá trình ấy, nhiều rabi dạy rằng khi Ápraham sắp sửa dâng Ysác trên Núi Môria (bối cảnh của ngọn núi có Đền Thờ), Ysác đã chết và đã sống lại.
Một quyển sách có đề tựa là Rosh Hashanah: Ý nghĩa, luật lệ và những lời cầu nguyện ghi rằng: “Đọc các tư liệu trong không những Talmud cho thấy rõ ràng Đức Chúa Trời có nghĩ tới Ysác như thể ông đã được thiêu trên bàn thờ” (trang 31). Một câu chuyện cho rằng Ysác kinh khủng đến nỗi ông đã chết trong sợ hãi, song khi nghe tiếng nói của thiên sứ Đức Giêhôva ông đã sống lại. Nếu chúng ta đọc câu chuyện của Kinh Thánh trong Sáng thế ký 22.1-19, chúng ta không thấy một hàm ý nào cho thấy Ysác đã chết hoặc thân thể ông bị thiêu hay đã sống lại nữa. Tuy nhiên, chúng ta học biết có một số điểm tương tự giữa Ysác và Người Con khác, là người, theo những nhân chứng trong Tân Ước, đã bị cha dù rất mực yêu thương dâng lên làm của sinh tế.
Hãy xem phần so sánh giữa Ysác và Yeshua trong Tân Ước. Cả hai đều là con của lời hứa. Sự đến của họ đã được hàng thiên sứ báo trước. Cả hai đều vào thế gian bằng phương tiện ra đời rất lạ lùng. Qua hai người cả thế gian đều được phước. Cả hai đều là con rất yêu dấu của cha họ. Họ sống không tì vít – cũng không người nào xứng đáng bị hình phạt. Cả hai đều đã mang lấy cây gỗ hình phạt của họ trên vai.
Phải chẳng Đức Chúa Trời đặt trong thần học và truyền khẩu của các rabi một manh mối cho lai lịch về chính Đấng Mêsi của Ngài?
Nhiều người tin rằng cả Chúa Jêsus và Ysác đều sắp được 30 tuổi ngay thời điểm họ chịu thử thách. Cả hai đều được đưa lên một hòn núi để làm sinh tế. Cả hai đều bằng lòng chịu giết, không nói một lời biện hộ nào; cả hai đều còn sống để nhìn thấy những kẻ kế tự của họ. Đây là một vài trong nhiều điểm tương đồng chúng ta có thể nhìn thấy giữa Kinh Thánh Hybálai và các sách Tin Lành trong Tân Ước.
Nếu chúng ta thêm vào phần so sánh quan điểm Chính Thống của người Do thái rằng Ysác đã bị dâng làm sinh tế, đã chết, và đã sống lại, chúng ta thấy còn có nhiều điểm tương đồng nữa. Một số rabi dạy: “Bụi tro của Ysác hiện hữu trước mặt Đức Chúa Trời luôn luôn là một sự nhắc nhớ sống động về giao ước của Ysác – vì con đường lên tới những cao điểm thuộc linh như Akeidah không bao giờ chết. Vì thế, đời sống của Ysác sau khi Akeidah thuộc về một thứ bậc khác hơn bất kỳ một thứ bậc nào. Ông là một sinh tế sống, được thánh hoá và rất thuộc linh” (Rosh Hoshanah – Its Significance, Laws & Prayers, trang 34).












NHỮNG PHÁC HỌA VỀ CHÚA JÊSUS TRONG CON NGƯỜI YSÁC
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG
YSÁC
CHÚA JÊSUS
Một người Hêbơrơ
Sáng thế ký 21.3
Mathiơ 1.1
Đứa con của lời hứa
Sáng thế ký 17.19
Luca 2.29-32
Được thiên sứ báo trước
Sáng thế ký 18.10
Luca 1.26-33
Ra đời bằng phép lạ
Sáng thế ký 18.13
Luca 1.34-35
Phước hạnh cho thế gian
Sáng thế ký 22.18
Luca 2.29-32
Cha rất yêu thương
Sáng thế ký 22.2
Giăng 3.16
Không đáng bị hình phạt
Giả định
Hêbơrơ 7.26
Vác lấy cây gỗ
Sáng thế ký 22.6
Giăng 19.17
Khoảng 30 tuổi
Sáng thế ký 22.2
Luca 3.23
Được đưa lên một hòn núi
Sáng thế ký 22.2
Giăng 19.17
Bằng lòng chịu giết
Sáng thế ký 22.9
Công vụ Các Sứ đồ 8.32
Làm sinh tế
Theo rabi
I Côrinhtô 5.7
Sống lại
Theo rabi
Công vụ Các Sứ đồ 2.31
Sống để nhìn thấy dòng dõi mình
Sáng thế ký 25.21
Hêbơrơ 2.10
Có phải những cách so sánh như thế nầy, dù là theo Kinh Thánh hay theo truyền khẩu, chỉ là những điều tình cờ? Hoặc giả có phải Đức Chúa Trời đã đặt trong thần học và truyền khẩu của các rabi một manh mối cho lai lịch chính Đấng Mêsi của Ngài?
Những ngày kinh hãi
Vào kỳ lễ của mùa thu, Rosh Hashanah là phần khởi sự thời gian 10 ngày mà ai cũng biết là “Những ngày kinh hãi”. Trong các cộng đồng Do thái, việc thổi shofar được nối theo sau bằng một thời gian tự xét mình, khi những người đến thờ phượng xét lại nội tâm của họ vì những sai phạm trong tư tưởng và việc làm nghịch lại Đức Chúa Trời. Đó là những ngày ăn năn, khi những cá nhân ra sức sửa chữa lại những sai lầm mà họ đã phạm phải. Đó là thời gian sửa soạn cho ngày Phán xét hầu đến, Yom Kippur.
Trong khoảng thời gian nầy ở đền thờ, thời kỳ ăn năn và hồi phục nầy của cả nước là một biến cố hàng năm, và cứ tiếp diễn cho tới ngày hôm nay như một cách thực hành quan trọng giữa vòng những người nào tuân giữ các ngày lễ của Đức Chúa Trời.
NGÀY LỄ CHUỘC TỘI
(Yom Kippur)
“Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Ngày mồng mười tháng bảy nầy là ngày lễ chuộc tội; các ngươi sẽ có sự nhóm hiệp thánh; hãy ép tâm hồn mình và dâng cho Đức Giê-hô-va các của lễ dùng lửa dâng lên” (Lê vi ký 23.26-27).
Yom Kippur (sát nghĩa là “ngày bao phủ”) rơi vào ngày mồng mười tháng Tishri và dẫn tới phần kết thúc thời kỳ ăn năn đã khởi sự từ lúc Rosh Hashanah. Vào ngày lễ chuộc tội của xứ sở, thầy tế lễ thượng phẩm của đền thờ đã sử dụng nghi thức rất hấp dẫn và đầy màu sắc để tỏ ra sự Đức Chúa Trời bằng lòng tha thứ mọi tội lỗi của năm trước đó.
Bảy ngày trước Lễ Yom Kippur, từng nổ lực được thực hiện để biết chắc thầy tế lễ thượng phẩm về nghi thức đã được giữ trong tình trạng thanh sạch. Trong ngày nầy, ông ta phải chịu 5 lần ngâm mình trong nước và có một đoàn tuỳ tùng khoảng 500 người Lêvi đi tới chỗ nào ông đi, họ giúp canh chừng cho ông tránh được bất kỳ điều chi làm cho ông ra “không sạch”.
Trong từng ngày khác trong năm, thầy tế lễ thượng phẩm mặc bộ đồ đồng phục theo hình thức của mình, gồm có mũ triều thiên vàng, áo xống nhiều màu sắc, bảng đeo ngực, cùng những thứ trang sức đã được gắn theo danh xưng của các chi phái Israel. Tuy nhiên, vào ngày lễ chuộc tội, ông ta cởi bỏ bộ áo bình thường kia rồi khoác lấy một chiếc áo dài màu trắng duy nhất, chiếc áo màu trắng nầy chính là biểu tượng cho sự thanh sạch.
Vì ngày lễ chuộc tội là một ngày dâng con sinh tế, chiếc áo dài trắng của thầy tế lễ thượng phẩm không bao lâu nữa sẽ bị rải đầy huyết. Để chuộc tội cho những tội lỗi của mình, ông ta phải dâng một con bò đực trước mặt Đức Giêhôva. Kế đó để chuộc tội cho cả nước, thầy tế lễ thượng phẩm bắt lấy hai con dê đực rồi bắt thăm quyết định số phận của chúng. Nương theo lá thăm rơi về phía nào, một trong hai con dê đực kia được dâng làm sinh tế như một con sinh chuộc tội cho cả nước. Khi con dê đực làm sinh tế nầy đã được chỉ ra, thầy tế lễ thượng phẩm tuyên bố: “Vì Đức Giêhôva”, và đám đông những người đến thờ lạy sẽ sấp mặt xuống đất và hô lên: “Phước thay Danh Ngài; sự vinh quang của Nước Ngài là đời đời, vĩnh viễn”. Kế đó con dê đực bị giết chết.
Còn con dê đực kia, ai cũng biết là Azazel, là con dê hay báng, đã trở thành hình ảnh thứ hai cho sự chuộc tội cả nước. Trước hết thầy tế lễ thượng phẩm ra dấu đặt tội lỗi của cả nuớc lên đầu của con dê đực còn sống. Ông làm như thế bằng cách đặt cả hai tay lên đầu của con dê trong khi xưng ra tội lỗi của dân sự. Kế đó, với tội lỗi của dân sự trên đầu của con dê, thầy tế lễ thượng phẩm đuổi Azazel vào trong đồng vắng. Đó là bức tranh gây ấn tượng sâu sắc nói tới sự Đức Chúa Trời bằng lòng phân rẽ dân sự Ngài ra khỏi tội lỗi của họ. Trong thời gian có đền thờ thứ hai (515TC đến 70SC), con dê hay báng kia sẽ bị dẫn tới một dốc núi và bị đẩy xuống với sự biết chắc nó sẽ không còn quay trở lại nữa.
Của lễ nầy là bức tranh nói về một Đức Chúa Trời hay thương xót, có lòng quan tâm tới việc tẩy sạch những quá phạm nhỏ nhất
Kế đó, trong ngày duy nhất nầy của năm, thầy tế lễ thượng phẩm đã liều mạng sống mình mang huyết của con sinh tế vào Nơi Chí Thánh trong đền thờ của Đức Giêhôva. Ở đàng sau bức màn phân biệt Nơi Thánh với Nơi Chí Thánh, thầy tế lễ thựơng phẩm đã bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời để rải huyết của con sinh lên Ngôi Thương Xót bằng vàng bao phủ Hòm Giao Ước. Nếu có phương diện nào của nghi thức chưa trọn vẹn theo huấn thị của Đức Chúa Trời (Lê vi ký 16), thầy tế lễ thượng phẩm đi ra mà còn sống thì cả nước sẽ vui mừng vì đấy là thêm một năm Đức Chúa Trời đã chấp nhận con sinh vì cớ tội lỗi của họ.
Thêm một việc nữa cần phải lưu ý về con dê hay báng kia. Trong thời kỳ có đến thờ thứ hai, kinh Talmud ghi lại rằng người Lêvi đã cột lên sợi chỉ màu đỏ điều quanh cái sừng của Azazel. Sau khi con dê bị đưa lên dốc núi, những người chứng kiến được gọi đến gần để kiểm tra sợi chỉ. Trong nhiều thế kỷ, sợi chỉ nầy đã chuyển thành màu trắng rất lạ lùng, cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã chấp nhận của lễ của họ và đã tha thứ cả nước Israel. Người ta tin rằng điều nầy đã ứng nghiệm Êsai 1.18: “Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”.
Kinh Talmud của nước Do thái ghi lại rằng 40 năm trước khi đền thờ thứ hai bị huỷ diệt, sợi chỉ không còn chuyển sang màu trắng nữa. Đó là một sự trùng khớp cùng thời điểm với sự chết và sự sống lại của Chúa Jêsus, khoảng năm 30SC, phải chăng các rabi chính họ đã nhìn thấy sự thật Đấng Chí Cao đã chối bỏ con sinh Azazel?
Yom Kippur: Nhìn về phía sau
Nhiều tín đồ trong cả hai nguồn gốc Do thái và dân Ngoại đều nhìn thấy trong các của lễ của ngày lễ chuộc tội một hình bóng nói trước về Đấng Mêsi là Đấng sẽ đến để làm sự cứu chuộc vì cớ tội lỗi chúng ta. Nhiều người tin rằng Êsai 53 nói tới một Đấng Cứu Thế chịu thương khó khi chép như sau: “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng” (câu 10). Sứ điệp dường như tỏ ra rằng Đấng Mêsi của chúng ta được phác hoạ ra có cả hai: sinh tế chuộc tội và Azazel, đang mang lấy tội lỗi chúng ta vào trong đồng vắng Gehenna (địa ngục) hầu cho mọi tội lỗi đỏ như son của chúng ta sẽ trở nên trắng như tuyết, và tội lỗi chúng ta sẽ được tẩy sạch trước mặt Quan Án của cả đất.
Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận một sự hy sinh của Đấng Mêsi vì cớ tội lỗi vẫn còn là một quan niệm rất khó cho người Do thái chịu tin theo. Tuy nhiên, quan niệm về một của lễ như vậy đã bắt rễ trong thần học của những nhà giải kinh Do thái hạng rabi. Trưng dẫn sau đây đến từ quyển The Stone Edition: The Chumash: “Tại sao sự chết của người công bình được nhắc tới trong sự gắn bó với chương nói đến sự thờ phượng có Yom Kippur? Vì Yom Kippur đem lại sự chuộc tội, cũng một thể ấy sự chết của người công bình đem lại sự cứu chuộc”.
Yom Kippur: Nhìn vào nội tâm
Yom Kippur có ý nghĩa như thế nào với chúng ta ngày hôm nay? Đối với những ai xem của lễ dâng vì tội lỗi chúng ta đã được Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời lập ra một lần đủ cả, lẽ thật nói về Yom Kippur có ý nghĩa rất lớn. Chúng ta không nhìn lại đàng sau theo cách sợ hãi nơi phần bình luận của kinh Talmud cho rằng sợi chỉ màu đỏ điều không còn đổi thành màu trắng như là minh chứng cho sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Thay vì thế, chúng ta có thể suy gẫm lại về ngôi mộ trống và nơi những bằng chứng về các lần hiện ra của Đấng mà sự sống lại hiển nhiên của Ngài xác chứng rằng cái giá của tội lỗi chúng ta đã được trả đầy đủ và chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời tiếp nhận. Giờ đây chúng ta có thể xưng tội: “Phải, con đã ngồi lê đôi mách. Phải, con có tư dục trong lòng con. Phải, con đã giận dữ với anh em con. Phải, con quá kiêu ngạo. Phải, con đã không thìn mình và đã phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời trong nhiều cách lắm. Phải, con đã không yêu thương kẻ lân cận mình, và đã phạm tội chống nghịch Đức Chúa Trời bằng cách không cung ứng cho người khác những gì con mong muốn cho bản thân mình. Phải, con đã phạm tội, nhưng bởi huyết của Đấng Mêsi của Ngài, Đức Chúa Cha đã trả giá cho hình phạt”. Khi chúng ta đặt lòng tin cậy Ngài, thì Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta.
Yom Kippur, Ngày Lễ Chuộc Tội, là một ngày nhắc nhớ tội lỗi của chúng ta và của dâng đã được lập vì ích cho chúng ta. Đây là một ngày để nhắc nhớ – và biết ơn – vì ân điển đã được ban ra qua của lễ trọn vẹn, đời đời là Chúa Jêsus Đấng Mêsi.
Yom Kippur: Nhìn tới trước
Ngày Lễ Chuộc Tội cũng chỉ ra cho chúng ta thấy được phần tương lai. Trên hai đầu gối của lời kêu gọi ăn năn trong những ngày sau rốt sẽ là một ngày hồi tưởng sau cùng cho hết thảy những ai không chịu ăn năn tội lỗi của mình. Theo các tiên tri Hêbơrơ, trong những ngày sau rốt sẽ có một Ngày của Đức Giêhôva, là ngày lớn và ngày kinh khiếp sẽ tỏ ra sự phán xét đang chờ đợi những ai không nắm lấy tiện ích của sự Đức Chúa Trời cứu chuộc. Ở đây chúng ta để cho Kinh Thánh phán về những người ấy:
“Đức Giê-hô-va làm cho vang tiếng ra trước mặt cơ binh Ngài; vì trại quân Ngài rất lớn; và những kẻ làm theo mạng lịnh Ngài rất mạnh. Thật, ngày của Đức Giê-hô-va là lớn và đáng khiếp; ai có thể đương lại?... Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến” (Giôên 2.11, 31).
“Vì nầy, ngày đến, cháy như lò lửa. Mọi kẻ kiêu ngạo, mọi kẻ làm sự gian ác sẽ như rơm cỏ; Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ngày ấy đến, thiêu đốt chúng nó, chẳng để lại cho chúng nó hoặc rễ hoặc nhành”Malachi 4.1).
Không một người nào có thể gỡ gạc chi được trong ngày Yom Kippur sau cùng. Ngày ấy sẽ là ngày vô vọng khôn tả cho hết thảy những ai đã dùng ngày tháng cuộc đời mình chống cự lại bằng chứng và mọi đòi hỏi của Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời. Ngày đó sẽ trở thành một ngày thể hiện ra loại hối tiếc mà tiên tri Xachari nhất trí khi ông viết:
“Ta sẽ đổ thần của ơn phước và của sự nài xin ra trên nhà Đa-vít, và trên dân cư Giê-ru-sa-lem; chúng nó sẽ nhìn xem ta là Đấng chúng nó đã đâm; và chúng nó sẽ thương khóc, như là thương khóc con trai một, sẽ ở trong sự cay đắng, như khi người ta ở trong sự cay đắng vì cớ con đầu lòng. Trong ngày đó, sẽ có sự thương khóc lớn tại Giê-ru-sa-lem, như là sự thương khóc của Ha-đát-Rim-môn ở trong đồng bằng Mê-ghi-đô. Đất nầy sẽ thương khóc, mỗi họ riêng phần mình: họ của nhà Đa-vít riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; họ của nhà Na-than riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; họ của nhà Lê-vi riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; Họ Si-mê-y riêng ra, những vợ chúng nó riêng ra; phàm những họ còn sót lại, mỗi họ riêng ra, và những vợ chúng nó riêng ra” (Xachari 12.10-14).
Hy vọng trong tương lai của những người chối bỏ không nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi sẽ như thế nào – khi không có đền thờ, không có thầy tế lễ. Và không có của lễ Yom Kippur để bảo đảm cho họ về lòng thương xót và sự tha thứ của Đức Chúa Trời? Họ có tìm được sự bảo đảm trong sự họ ăn năn, cầu nguyện, và các việc lành, với hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ tha thứ chăng? Môise nói:
“vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình; vì nhờ sanh mạng mà huyết mới chuộc tội được” (Lê vi ký 17.11).

Không một người nào có thể gỡ gạc chi đượctrong ngày Yom Kippur sau cùng
Sau khi đền thờ bị huỷ diệt vào năm 70SC, các rabi từ thế giới thời ấy nhóm lại trong một kỳ hội nghị – Hội nghị Yavneh. Mục đích của họ là quyết định tương lai sự thờ phượng của người Do thái khi không có thầy tế lễ hay của lễ. Tập tục tôn giáo đã thiết lập tại Yavneh là cơ sở cho Do thái giáo hiện đại tuỳ thuộc các rabi và cứ giữ mãi không đổi trong thời gian gần 2.000 năm. Rabi Yochanan Ben-Zakkai, thành viên có uy tín nhất của Hội nghị và vẫn là một nhà giải kinh tài ba, ông đã tỏ ra ít tin tưởng vào khả năng của hệ thống nhà hội mới hòng cứu linh hồn ra khỏi sự phán xét. Trên giường nằm chờ chết, vị rabi thổ lộ: “Giờ đây, tôi sắp bị dẫn tới trước mặt Vua tối cao của các vua, là Đấng Thánh, Ngài phước hạnh thay, Ngài hằng sống đời đời. Nếu Ngài bỏ tù tôi, Ngài bỏ tù tôi cho đến đời đời. Nếu Ngài bắt tôi phải chết, Ngài bắt tôi chết cho đến đời đời. Tôi không thể can ngăn Ngài bằng lời lẽ hay hối lộ Ngài bằng tiền bạc được. Hơn nữa, có hai con đường ở trước mặt tôi; một con đường dẫn tới Thiên đàng và con đường kia dẫn tới địa ngục, và tôi không biết tôi sẽ đi con đường nào. Tôi chỉ có khóc thôi, chứ không biết phải đi đường nào?” (B’rakhot 28b kinh Talmud).
Trong sự ứng nghiệm của ngày lễ chuộc tội, có bằng chứng tỏ ra rằng Đức Chúa Trời không để chúng ta lại trong vô vọng hay không có sự cứu chuộc
Trong sự ứng nghiệm của ngày lễ chuộc tội, có bằng chứng tỏ ra rằng Đức Chúa Trời không để chúng ta lại trong vô vọng hay không có sự cứu chuộc. Ngài không để chúng ta lại không có hy vọng, không có của lễ, hay không có một phương thức hiểu biết lòng thương xót của Ngài. Trong hình ảnh của Akeida, và trong hình ảnh của lễ dâng vì tội lỗi Yom Kippur, chúng ta có thể thấy bản chất và hình bóng nói trước về Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, sự bảo đảm ơn cứu rỗi của chúng ta. Các hình ảnh nầy không phải chỉ là những điểm tương đồng hay trùng khớp ngẫu nhiên đâu. Đấy là sự khải thị của Đức Chúa Trời cho Israel – và cho tất cả các nước.
LỄ LỀU TẠM
(Sukkot)
“Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày rằm tháng bảy nầy là lễ lều tạm, trải qua bảy ngày đặng tôn kính Đức Giê-hô-va” (Lê vi ký 23.34).
Năm ngày sau Ngày Lễ Chuộc Tội, kỳ lễ sau cùng trong các kỳ lễ mùa thu bắt đầu. Sukkot (tiếng Hêbơrơ chỉ về “lều rạp”) được biết đến bằng nhiều danh dưng khác nhau: Lễ Lều Tạm, Lễ Mùa Gặt (Xuất Êdíptô ký 23.16), Lễ Của Đức Giêhôva (Lê vi ký 23.39), và Lễ Cung Hiến Đến Thờ Của Vua Solomon (I Các Vua 8.2). Mỗi danh xưng phản ảnh một phương diện đặc biệt trong sự tuân giữ hàng năm nầy. Như chúng ta sẽ thấy, kỳ lễ nầy trưng ra một hình ảnh đẹp tỏ ra thể nào Đức Chúa Trời đã tiếp trợ cho dân sự Ngài trong quá khứ, cung ứng trong hiện tại, và sẽ cung cấp trong tương lai.
Sukkot trong quá khứ
Về mặt lịch sử, Sukkot là một ngày lễ ghi nhớ bằng những cách thức tượng trưng và lắm màu sắc 40 năm dân Israel còn phiêu bạt trong đồng vắng sinh sống trong lều rạp. Trong bốn thập niên, dân Hêbơrơ hoàn toàn nương cậy vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Áo xống và giày dép của họ không cũ mòn (Phục truyền luật lệ ký 29.5), và họ – cùng các bầy chiên của họ – không thiếu nước cũng không thiếu đồ ăn (Nêhêmi 9.154, 20-21). Đức Chúa Trời đã tiếp trợ cho mọi sự.
Trong sự ghi nhớ về lần tiếp trợ lạ lùng nầy, Giêhôva Đức Chúa Trời đã truyền cho dân Do thái phải “đóng trại bên ngoài” nơi cư ngụ tạm thời để nhớ lại thể nào Ngài đã tiếp trợ cho các tổ phụ họ:
“Hết thảy ai sanh trong dòng Y-sơ-ra-ên sẽ ở nơi trại trong bảy ngày, hầu cho dòng dõi các ngươi biết rằng khi ta đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, ta cho họ ở trong những trại: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê vi ký 23.42-43).
Là một trong ba kỳ hành hương, cùng với Lễ Vượt Qua (Pesach) và Lễ Ngũ Tuần (Shavuot), Lễ Lều Tạm (Sukkot) là Lễ thứ ba được ấn định cho tất cả người nam Do thái phải đến thành Giêrusalem với của dâng phần mười và các thứ của dâng khác. Vào thời điểm nầy trong năm, và trong 8 ngày của lễ Sukkot, thành Giêrusalem sẽ đầy ắp với dân sự. Đến ngày 15 tháng Tishri, thường dân khoảng 600.000 người tăng lên khoảng giữa 2 và 3 triệu người.
Giữa đám đông người và tiếng ồn ào của sinh hoạt, các thầy tế lễ của đền thờ đều có việc không dứt cần phải lo làm. Đàng sau bối cảnh sinh hoạt của đền thờ, họ tiếp nhận các huấn thị ban cho họ trong kinh Torah. Phần hành của họ là dâng sinh tế khoảng 70 con bò đực trong suốt kỳ lễ Sukkot (Dân số ký 29.12-39). Các thầy thông giáo và rabi Do thái áp dụng chính xác đối với huấn thị nầy.
Trong hệ thống con sinh, bò đực đã được dâng lên vì ích cho một nước hay nhiều nước. Vào ngày lễ Yom Kippur, thầy tế lễ thượng phẩm dâng một con bò đực vì tội lỗi của mình khi ông đại diện cho cả dân Israel. Trong lễ Sukkot, nhiều rabi đòi hỏi, 60 con bò đực tiêu biểu cho 70 quốc gia ra từ Nôê, các tổ phụ của các dân Ngoại trên thế gian. Những con bò đực nầy, theo các học giả Hêbơrơ , đã được dâng làm sinh tế cầu xin sự bình an và thịnh vượng trong dân Ngoại, mong rằng một ngày kia họ sẽ hiểu biết Đức Chúa Trời của Ápraham, Ysác, và Giacốp. Đây là lẽ đạo hiện hữu trong hàng trăm năm và, dù nhiều người Do thái cứ khăng khăng không biết tới nó, những lời cầu nguyện của họ đều được đáp trả: Những người dân ngoại nào tin Đấng Mêsi của Israel đều được tháp vào (Rôma 11.17-24) và trở thành con nuôi của Ápraham (Galati 3.29).
Sukkot ngày nay
Ngày nay lều rạp Sukkot khoác lấy nhiều hình thái và đặc điểm. Trong các thành thị như thành Giêrusalem, Tiberias, Tel Aviv, hay trong các vùng phụ cận của Brooklyn, New York, quý vị sẽ nhìn thấy những chỗ trú ngụ tạm bằng gỗ (sukkahs) được cất trên các sân thượng. Trong các khu dân cư, chúng thường được dựng trực tiếp bên cửa sau của ngôi nhà. Chúng được trang trí với nhiều ngọn đèn và cành nho đủ màu sắc. Trái cây được treo thòng xuống từ mái trên bằng lưới thép được che phủ bằng những lá kè (trong khu vực nhiệt đới) hoặc những cây bắp. Trong hầu hết các sukkahs, một bức tranh được treo lên nói về “sông nước hằng sống”, vì Sukkot là kỳ lễ dẫn tới mùa mưa trong xứ Israel.
Những tập tục hàng năm trong lễ Sukkot giữ một sự nhắc nhớ rất thực, rất năng động về thể nào Đức Chúa Trời nhơn lành đã chăm lo cho dân sự Ngài khi họ lưu lạc trong 40 năm ở đồng vắng trơ trụi Sinai. Thời gian nầy là một kỳ nghỉ trong một thế giới bận rộn, là một trong số 52 tuần lễ, để ghi nhớ sự thành tín của Đức Chúa Trời tiếp trợ cho dân sự Ngài và để dâng cho Ngài sự vinh hiển mà Ngài đáng được.
Trong những lần lang thang phiêu bạt qua cuộc sống của chúng ta, Đức Chúa Trời là Đấng Tiếp Trợ không thấy được, là Đấng thành tín cùng chúng ta dù khi chúng ta đã quên phứt Ngài
Các bài học đầy màu sắc về Lễ Lều Tạm có một phần ứng dụng cho những ai đạt tới mức hiểu biết Đức Chúa Trời của Ápraham, Ysác và Giacốp. Phần ứng dụng trội hơn cả người Do thái. Những tín đồ trong Chúa Jêsus có xu hướng, đặc biệt trong những lúc thịnh vượng, quên rằng mọi sự chúng ta có, chúng đến với chúng ta từ bàn tay của Đức Chúa Trời. Thật lấy làm tốt khi nhớ Đức Chúa Trời tiếp trợ cho chúng ta từng bước trong cuộc sống của chúng ta, y như Ngài đã tiếp trợ cho con cái Israel trong đồng vắng vậy. Trong những chuyến phiêu lưu của chúng ta qua cuộc sống, Ngài là Đấng Tiếp Trợ không thấy được, là Đấng thành tín cùng chúng ta dù khi chúng ta quên phứt Ngài. Ngài là Đấng phán: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hêbơrơ 13.5).
Trong một điểm tương đồng đáng nhớ về dân Israel xưa kia, chúng ta đang sống, đang thở, và đang bước đi trong loại “lều tạm”. Trong loại lều tạm thân thể của chúng ta, chúng ta phiêu bạt qua “đồng vắng” của cuộc sống nương cậy vào sự tiếp trợ của Đấng Chí Cao. Ngài là Đấng tiếp trợ cho chúng ta khi chúng ta lên đường trực chỉ vào chuyến hành trình đáng ngạc nhiên của chính mình.
Sukkot trong tương lai
Trong tương lai, Lễ Lều Tạm sẽ là một ngày lễ quốc tế. Theo tiên tri Xachari, trong những ngày sau rốt, kỳ lễ nầy sẽ là một ngày lễ toàn cầu:
“Xảy ra hết thảy những kẻ nào còn sót lại trong mọi nước lên đánh Giê-ru-sa-lem, sẽ lên đó hàng năm đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giê-hô-va vạn quân, và giữ lễ lều tạm” (Xachari 14.16).
Trong sự trị vì một ngàn năm, khi Đấng Mêsi của Israel ngự trên ngôi tại thành Giêrusalem, thể chế về Sukkot sẽ trở thành một phép ẩn dụ. Sukkot sẽ là một thực tại hàng năm. Thực tại, lễ nầy quan trọng đến nỗi đó sẽ trở thành một lời cảnh báo quan trọng được ban ra cho các nước nào không giữ Lễ Lều Tạm:
“Trong những họ hàng trên đất, kẻ nào đã chẳng lên Giê-ru-sa-lem đặng thờ lạy trước mặt Vua, là Đức Giê-hô-va vạn quân, thì sẽ không có mưa trên chúng nó. Nếu họ hàng Ê-díp-tô không lên và không đến đó, thì mưa cũng không xuống trên chúng nó; và chúng nó sẽ bị ôn dịch nầy, là ôn dịch mà Đức Giê-hô-va đã dùng phạt các nước không lên giữ lễ lều tạm” (Xachari 14.17-18).
Trong Lề Lều Tạm vào những ngày sau rốt, cả thế gian sẽ cử hành những gì đã bị che kín trong Đấng Mêsi ở những ngày trước khi Ngài chết và sống lại. Đức Chúa Trời sẽ sống giữa chúng ta trong thân vị của Đức Chúa Jêsus Christ. Ngài sẽ được tôn cao không những bởi dân Israel, mà còn bởi tất cả thế giới như Đấng Tiếp Trợ, là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta hầu cho chúng ta nhìn biết Ngài.
Khi Đức Chúa Trời sống giữa dân sự Ngài, tất cả thế giới sẽ lên đường sang thành Giêrusalem, đặng thờ lạy Chiên Con của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ được tỏ ra là Sư Tử của Nhà Giuđa
Trong ngày có sự hiện diện của Đấng Mêsi nầy, Lễ Lều Tạm sẽ là sự ứng nghiệm hoàn toàn sáu kỳ lễ đầu tiên. Khi Đức Chúa Trời sống giữa vòng dân sự Ngài, tất cả thế giới sẽ lên đường sang thành Giêrusalem, đặng thờ lạy Chiên Con của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ được tỏ ra là Sư Tử của Nhà Giuđa.
Ngày trọng thể trong kỳ lễ
(Hossanah Rabbah hay Sh’mini HaEretz)
“Trong bảy ngày phải dâng các của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va; qua ngày thứ tám, các ngươi có một sự nhóm hiệp thánh nữa, cũng dâng của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va. Ay sẽ là một hội trọng thể; chớ nên làm một công việc xác thịt nào hết” (Lê vi ký 23.36).
Sukkot là một kỳ lễ gồm 8 ngày kết thúc với tập tục mà ai cũng biết là Hossanah Rabbah, được dịch trong các bản Kinh Thánh Anh ngữ là “ngày trọng thể trong kỳ lễ”. Dù lễ nầy được cử hành giữa vòng những người Do thái, quý vị sẽ không thấy danh xưng ấy trong bản Kinh Thánh Hêbơrơ, mà chỉ thấy trong Tân Ước sách Tin Lành Giăng (7.37).
Trong thời gian có đền thờ thứ hai, Hossanah Rabbah đã phát triển thành một ngày khi dân Do thái đến với đền thờ tay vẫy nhánh chà là, nhành liễu, nhành mía, mang theo quả chanh, và cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban mưa xuống. Mùa thu hoạch nho, lựu, chanh đã đi tới chỗ dứt điểm. Giờ đây Israel cần mưa xuống cho vụ mùa tới, mùa gặt lúa trùng khớp với Lễ Vuợt Qua và Lễ Ngũ Tuần.
Vào “ngày trọng thể trong kỳ lễ” nầy, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ lấy “nước hằng sống” (theo nghi thức là nước sạch từ Ao Silôê) chứa trong mấy cái bình bằng vàng. Giữa lúc tiếng shofar trổi lên từ đền thờ, mấy cái bình bằng vàng nầy được đem lên bàn thờ thánh. Ở đó nước sẽ được trộn với rượu mới, khi các thầy tế lễ và dân sự đang cầu xin Đức Chúa Trời ban “mưa cuối mùa” xuống đất. Khi nước và rượu hoà nhau, họ đọc các phân đoạn từ Kinh Thánh Hêbơrơ về mưa để “nhắc cho Đức Chúa Trời nhớ” đổ ra Thánh Linh Ngài, là Đấng được kết vào trí của người Do thái với mưa. Thí dụ:
“vì ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô. Ta sẽ đổ Thần ta trên dòng dõi ngươi, và phước lành ta trên những kẻ ra từ ngươi” (Êsai 44.3).
Chính trong buổi thờ phượng nầy, khi nước và “huyết” (của trái nho) được rót ra, khi dân sự cầu xin Thánh Linh của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus bèn đứng dậy và phán rằng: “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy” (Giăng 7.37-38).
“Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta mà uống. Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy” (Giăng 7.37-38).
Ngài là Đấng đã đổ nước và huyết từ hông Ngài ra (Giăng 19.34; I Giăng 5.6) đã hứa rằng nước hằng sống sẽ tuôn tràn từ những ai chịu tin nơi Ngài. Khi nói như vậy Ngài có ý ám chỉ đến Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Một trong các rabi nổi tiếng nhất của Do thái giáo, Rashi, nói rằng sự tuân giữ nước và huyết trộn pha với nhau như thế nầy là kỳ lễ vui mừng nhất trong tất cả mọi lễ lạc của người Do thái và là một sự ứng nghiệm trực tiếp Êsai 12.3: “Vậy nên các ngươi sẽ vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn sự cứu”.
Giống như trong những ngày lễ của Đức Chúa Trời (“những kỳ định của Đức Giêhôva”), một lần nữa chúng ta lại gặp gỡ Chúa Jêsus, vì trong câu nầy từ Hybálai được dịch là “sự cứu” chính là chữ Yeshua (theo tiếng Hybálai có nghĩa là Jêsus).
Êsai 12.3 sẽ được dịch là: “Vậy nên các ngươi sẽ vui vẻ mà múc nước nơi các nguồn của Chúa Jêsus”.
Vui vẻ trong kinh Torah (Simchat Torah)
Đây không phải là một ngày lễ theo Kinh Thánh, mà là một ngày lễ theo tập tục. Ngày nầy rơi lập tức vào đúng sau ngày Hossanah Rabbah ở bên ngoài Israel (song cùng một ngày trong Israel), và là một ngày lễ kỷ niệm trọng thể khác. Trong các cộng đồng Do thái trên khắp thế giới, những người đến thờ phượng nhóm lại với nhau trong các nhà hội và mở cuộn giấy kinh Torah ra. Không giống như quyển sách có thể lật từng trang, mà là một quyển sách dài liên tục. Khi người ta đọc đến cuối sách Phục truyền luật lệ ký – nhằm vào ngày Simchat Torah – cuộn giấy sẽ được cuộn ngược lại cho tới sách Sáng thế ký. Cộng đồng Do thái nhóm lại để nghe đọc những lời sau cùng của sách Phục truyền luật lệ ký:
“Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt. Không có ai bằng người, hoặc về các dấu kỳ, phép lạ mà Đức Giê-hô-va sai người làm tại trong xứ Ê-díp-tô, trước mặt Pha-ra-ôn, các quần thần, và cả xứ của người; hoặc hết thảy công việc lớn lao và đáng sợ mà Môi-se cậy tay quyền năng mình làm tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên., là sông Ơ-phơ-rát, tràn cả xứ dân Hê-tít cho đến biển cả về hướng mặt trời lặn” (Phục truyền luật lệ ký 34.10-12).
Lễ kỷ niệm long trọng, âm nhạc, và nhảy múa trổi lên khi cuộn giấy được cuốn ngược lại đến chỗ “ban đầu”, khi họ nghe đọc những lời tuyên bố đầu tiên trong sách Sáng thế ký: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng thế ký 1.1).
Với cái liếc mắt lần đầu tiên, một thế giới không phải là Do thái phải nhìn thấy ngày lễ theo các rabi như thế nầy như có chút gì thích đáng hoặc quan trọng. Dù vậy, trong thế kỷ thứ nhất, một trong các tước hiệu của Chúa Jêsus là “Torah hằng sống” – Lời Hằng Sống của Đấng Chí Cao. Trong sách Tin Lành Giăng chúng ta đọc:
“Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời” (Giăng 1.1-2).
GẶP GỠ ĐẤNG MÊSI
Nếu chúng ta đã đọc hết bài học nầy, quý vị đã gặp gỡ Đấng Mêsi mà về Ngài sứ đồ Giăng đã nói tới rất nhiều lần. Sự hiện diện của Ngài trong các kỳ lễ của Đức Chúa Trời không phải là ngẫu nhiên đâu. Niềm vui mừng trong các kỳ lễ nầy cũng không phải là một sự ngẫu nhiên cho những ai khám phá ra rằng tất cả hình thức biểu tượng và ý nghĩa sâu sắc được kỷ niệm trong các ngày lễ của Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta trong thân vị của chính Sự Hiện Diện của Đức Chúa Trời:
Hoặc, chắc chắn quý vị phải hỏi lòng rằng: “Lẽ nào Jêsus là Đấng Mêsi đã được hứa cho?” Cùng với hàng triệu người dân Ngoại, có hàng trăm hàng ngàn người nam người nữ Do thái, họ tin rằng Chúa Jêsus chính là Moshiach (Đấng Mêsi) được hứa cho:
“Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức tường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời” (Êphêsô 2.14-16).
Những môn đồ của Chúa Jêsus đến từ mọi ngã đường của cuộc sống và từ mọi cấp độ học vấn. Họ tin Ngài đã đến một lần, y như Kinh Thánh đã nói trước, và Ngài sẽ tái lâm trong sự ứng nghiệm các lời tiên tri thánh.
Nếu quý vị sẵn sàng tiếp nhận Chúa Jêsus vào trong đời sống của quý vị bởi một hành động của đức tin, chúng tôi khuyên quý vị nên thốt ra một lời tương tự với lời cầu nguyện nầy cùng Đấng Tạo Hoá của linh hồn quý vị:
“Ngài phước hạnh thay. Ôi Giêhôva Đức Chúa Trời của chúng con, là Vua của vũ trụ, là Đấng ban lẽ thật của Ngài cho những ai tìm kiếm lẽ thật ấy. Giờ đây con đến với Ngài không có một công trạng chi hết, con mời Ngài đến và ngự vào lòng con, rồi dời xa mọi quá phạm của con theo chương trình thiêng liêng của Ngài. Dù là những sai phạm của con đỏ như son, xin phiếu chúng ra trắng như tuyết nhờ sinh tế thánh của Ngài, là Chúa Jêsus Đấng Mêsi. Con cầu nguyện trong danh của Ngài. Amen”.
Nguyện ngày nầy sẽ là một ngày đầy sự vui mừng cho quý vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét