Thứ Tư, 20 tháng 1, 2010

DAVID: Bí Quyết Sự Thành Công Của David



ĐỜI SỐNG VÀ THỜI THẾ CỦA VUA DAVID
Bí Quyết Sự Thành Công Của David
I Samuên 18
Hôm nay tôi sẽ cung ứng cho quí vị một bí quyết mà nhiều người phải trả giá thật nhiều tiền mới lãnh hội được. Tôi sẽ nói cho quí vị biết làm thế nào để thành công trong cuộc sống. Stephen Covey đã kiếm được hàng triệu đô la với Bảy Thói Quen của Hạng Người Thành Công Cao Độ. Các tác giả đã xới tung hàng đống sách báo, các giảng viên thì tìm tòi khắp mọi chỗ và người ta đã trả thật nhiều tiền để thu thập các thông tin nặng về tư vấn để làm sao được thành công ngày càng hơn và càng hơn nữa. Hôm nay tôi sẽ cung ứng cho quí vị bí quyết mà hết thảy những người đó đang tìm kiếm… mà không phải trả một giá nào hết! Quí vị có tin vào bí quyết ấy chăng? Đúng là miễn phí đấy! Bí quyết ấy ra từ Kinh Thánh và Kinh Thánh chép: "Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không" (Khải huyền 22.17). Hôm nay, từ I Samuên 18, chúng ta sẽ tiếp thu bí quyết sự thành công của David, bí quyết ấy sẽ trở thành bí quyết của chúng ta để thành công trong mọi sự mà chúng ta bắt tay làm.
Nếu quí vị có mặt ở đây trong tuần qua, quí vị đều biết chúng ta đã xét qua từng chi tiết trận chiến đỉnh cao của David với gã giềnh giàng Gôliát. Mặc dù đây là một câu chuyện khá quen thuộc đối với nhiều người trong chúng ta, chúng ta đã nghe kể thật nhiều lần trong đời sống của mình rồi, chúng ta đã nhìn thấy với ánh mắt tươi mới: Vì “Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận” và khi chúng ta “nhơn danh Đức Giêhôva vạn quân” mà sống đời sống của mình, với lòng tin cậy trọn vẹn nơi Ngài, hết thảy những gã giềnh giàng phải sụp ngã ở trước mặt chúng ta.
Chương 18 ghi lại vài biến cố nối theo sau cái hậu quả của lần chiến thắng oanh liệt đó. David tiếp nhận một tình bạn trọn đời nơi Giônathan. Chàng nhận lãnh cảm tình và sự tin yêu của dân chúng. Chàng phải lo xử lý với thái độ ganh tỵ và phản trắc của Vua Saulơ. Chàng cưới Micanh làm vợ và một lần nữa tự minh chứng mình trong chiến trận.
Suốt cả chương nầy có mấy câu được lặp đi lặp lại. Ba lần chúng ta đọc thấy: "Đức Giêhôva ở cùng David" (các câu 12, 14, 28). Bốn lần chúng ta đọc thấy: "David được may mắn". Đây là một câu rất hay, cũng được dịch là: "xử sự cách khôn khéo" hay "đều được việc" trong các bản dịch Kinh Thánh khác. Bí quyết sự thành công của David không những ở chỗ "Đức Giêhôva ở cùng người" mà còn ở chỗ chàng biết "xử sự cách khôn khéo" nữa. Chúng ta hãy bước vào phần nghiên cứu để hiểu rõ ý nghĩa của bí quyết ấy cách đầy đủ hơn.
Từ ngữ Hy bá lai là sakal (saw-kal') chứa quan niệm thịnh vượng nhờ sự khôn ngoan và hiểu biết. Từ nầy được sử dụng chừng 70 lần khắp cả Cựu Ước. Sakal được sử dụng theo hai ý chính trong Kinh Thánh. Thứ nhứt, từ nầy nói đến cuộc sống thành công hay thịnh vượng. Thí dụ, Giôsuê 1.8 kết thành công với việc tuân theo Kinh Thánh: "Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước [sakal]". Thứ hai, sakal có ý nói tới việc kiếm được sự khôn ngoan và tri thức. Trong Thi thiên 32.8, Đức Chúa Trời phán: "Ta sẽ dạy dỗ [sakal] ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi". Tương tự thế, Châm ngôn 16.20 chép: "Ai giữ theo đạo lý (cách khôn ngoan, [sakal]) tìm được ích; và ai trông cậy nơi Đức Giê-hô-va lấy làm cho phước thay".
Mục tiêu: ấy là người nào biết "xử sự cách khôn khéo" là người sẵn sàng tiếp thu. Người ấy rất dễ dạy. Vô luận người trẻ hay già, người liên tục kiếm được sự khôn ngoan và tri thức từ nơi Chúa. Sự khôn ngoan nầy sẽ kết quả bằng sự thành công trong mọi việc người bắt tay làm. Chúng ta hãy chú ý hai phương thức trong đó David đã xử sự cách khôn khéo và kế đó đưa vào áp dụng ba cách xử sự khôn ngoan trong đời sống của chúng ta.
I. David xử sự khôn khéo trong địa vị của mình (các câu 1-7).
A. David có được tình bạn với Giônathan (các câu 1-4).
Khi chúng ta xem xét David với kết quả của chiến trận, chàng được đưa tới trước mặt Saulơ và quan tổng binh Ápne. Chương 18 mở đầu bằng cách thuật lại cho chúng ta biết rằng "khi David vừa tâu xong cùng Saulơ” thì có một việc diễn ra giữa chàng và Giônathan. Giônathan là ai vậy?
Thứ nhứt, Giônathan là HOÀNG TỬ CỦA ISRAEL. Do quyền cha truyền con nối, một ngày kia chàng sẽ lên ngồi trên ngôi của Saulơ cha mình.
Thứ hai, Giônathan là MỘT CHIẾN BINH CAN ĐẢM. Chương 14 cung ứng một câu chuyện kể về Giônathan thể nào đã cùng với kẻ vác binh khí mình đến tấn công một đồn Philitin trên ngọn núi kia. Kinh Thánh chép: "Giô-na-than dùng tay và chơn leo lên, và kẻ cầm binh khí leo theo. Người Phi-li-tin ngã trước mặt Giô-na-than, và kẻ vác binh khí giết chúng nó chết ở đằng sau người. Trong trận thứ nhứt nầy, Giô-na-than và kẻ vác binh khí người giết chừng hai mươi người, trong một khoảng nửa công đất" (I Samuên 14.13-14). Điều nầy gây ra một sự hỗn loạn trong cả đạo binh Philitin.
Thứ ba, Giônathan là một CON NGƯỜI TIN KÍNH. Trước khi chàng và kẻ vác binh khí thực hiện cuộc tấn công, Giônathan đã nói: "Hè, chúng ta phải hãm đồn của những kẻ chẳng chịu cắt bì kia. Hoặc-giả Đức Giê-hô-va sẽ hành-sự vì chúng ta chăng; vì Đức Giê-hô-va khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy" (14.6). Giônathan vốn biết rõ y như David biết, ấy là “Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận" (17.47).
Thứ tư, Giônathan là một NHÀ LÃNH ĐẠO ĐƯỢC YÊU MẾN. Dân sự đứng binh vực cho Giônathan khi Saulơ muốn giết chàng vì đã vi phạm một mạng lịnh đơn giãn. Khi tôi đọc mấy câu chuyện nầy, tôi có cảm giác rằng nhiều người đã nhìn thấy tới một thời điểm khi Saulơ qua đi thì Giônathan sẽ lên kế vị trên ngai vàng.
Có thể chuyện ấy sẽ xảy ra vào cuối ngày ấy. Gã khỗng lồ đã té ngã xuống. Quân Philitin đã bị rượt đuổi. Trại quân của chúng đã bị cướp phá. David đã xuất hiện trước mặt nhà vua. Theo sau ngày chiến thắng ấy, có lẽ Giônathan đã mời David đến lều trại của mình, và họ đã gặp nhau theo cách riêng lần đầu tiên.
Ở đây trong bối cảnh nầy, Kinh Thánh thuật lại một việc đáng kinh ngạc về mối quan hệ của họ. Kinh Thánh chép: "lòng của Giô-na-than khế-hiệp cùng lòng Đa-vít, đến đỗi Giô-na-than yêu mến Đa-vít như mạng sống mình" (câu 1).
Quí vị từng có một người bạn giống như thế bao giờ chưa? Quí vị từng gặp ai đó mà với họ quí vị cảm nhận được một sự “khế hiệp” của hai tâm hồn không? Một số tình bạn phát triển trong hơn nhiều tháng trời; một số phát triển trong nhiều phút đồng hồ. Đôi khi chúng ta gặp người khác và cảm nhận ngay một mối liên lạc tức thì. Đấy là cách mà Giônathan đã cảm nhận về David. Chàng nhìn thấy nơi David cá tánh mà chàng mong muốn có trong đời sống của mình. Chàng đã nhìn thấy sự David hạ mình trước mặt Saulơ. Chàng đã trông thấy lòng dũng cảm của David trước mặt Gôliát. Chàng đã nhìn thấy đức tin của David khi David tuyên bố "vì Đức Giêhôva là Chúa của chiến trận" (17.47). Giônathan đã cảm nhận một mối liên lạc tức thì như thế đến nỗi chàng đã yêu mến David đến nỗi hiến sự sống mình cho David mà chẳng có sự ngần ngại chi hết. Chàng "yêu mến David như mạng sống mình".
Vì các việc làm có tính cách anh hùng của David và lời thề của Saulơ đối với người đã giết gã vô địch người Philitin kia, nhà vua "không cho [David] trở về nhà cha người nữa" (câu 2). Sự nghiệp của David là một người chăn chiên đã qua đi rồi. Giờ đây, chàng là một vị anh hùng của cả dân tộc.
Không nghi ngờ chi nữa, điều nầy đã làm cho Giônathan lấy làm thích thú. Kinh Thánh nói trong câu 3 rằng họ "kế hiệp" với nhau và một lần nữa nhắc lại thể nào Giônathan đã yêu mến David “như mạng sống mình”. Nói cách khác, họ đã thề tình bạn của họ với nhau. Mỗi người trong họ đều lập một khế ước sâu sắc với nhau. Về sau nầy chúng ta sẽ xem xét vài trường hợp cho thấy thể nào cả hai người đều giữ lòng trung tín với “khế ước” nầy.
Kế đó Giônathan "cổi áo mình mặc mà trao cho Đa-vít" cũng như “luôn với áo xống khác, cho đến gươm, cung, và đai của mình nữa". Tới chỗ nầy, David hãy còn mặc bộ y phục rách rưới của người chăn chiên. Không nghi ngờ chi nữa, cái mùi của chuồng chiên hãy còn bám lấy chàng. Vì vậy Giônathan mặc lấy cho chàng bằng chiếc áo xống của một hoàng tử. Một số giáo sư Kinh Thánh tin rằng ngay thời điểm nầy Giônathan đã tin David sẽ kế vị ngai vàng cách hợp pháp và chiếc áo xống hoàng tử của chàng đã minh chứng cho điều đó.
Hết thảy chúng ta đều cần có một tình bạn thân mật như thế. Hết thảy chúng ta đều cần có một vài người trong đời sống chúng ta sẽ tiếp nhận chúng ta bất chấp là như thế nào. Chúng ta cần những người bạn thân, chúng ta có thể làm bạn với họ. Châm ngôn 17.17 chép: "Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn". Đấy là những gì Giônathan đã dành cho David. Đấy là những gì mỗi một người chúng ta đều có cần hôm nay.
Tình yêu của Giônathan dành cho David là một tấm gương trọn vẹn cho hàng tín đồ biết cách phải yêu thương nhau là thể nào hôm nay. Chúng ta cần phải "kế hiệp" với nhau. Chúng ta cần phải tìm cho kỳ được loại quan hệ luôn lo toan cho nhau như thế trong vòng Hội thánh, là Thân Thể của Đấng Christ. Đừng tìm kiếm các quan hệ như thế trong thế gian, hãy tìm kiếm những người thể ấy trong Hội thánh. Chúng ta có một đức tin “như nhau”. Đức Chúa Trời không trông mong quí vị sống đời sống Cơ đốc một mình đâu. Quí vị không thể sống như thế được. Sống một mình như thế thật là khó đấy! Đó là lý do tại sao Ngài ban Hội thánh cho chúng ta. Ở đây chúng ta thấy bước đi bởi đức tin thật là tươi mới. Ở đây chúng ta tìm được sức lực và sự khích lệ. Hầu hết những người bạn tốt nhứt của tôi đang có mặt ở đây trong nhà thờ nầy. Tôi sẽ hiến sự sống của tôi cho họ và họ cũng làm thế cho tôi. Tâm hồn của chúng tôi "kế hiệp nhau”. Đấy là cách mà Đức Chúa Trời đã dự trù như vậy.
Tại sao có loại tình bạn thân mật như thế là quan trọng chứ? Vì Đức Chúa Trời đưa người ta đến trong đời sống chúng ta mà chúng ta sẽ cần đến trong tương lai. Khi chúng ta nghiên cứu thì thấy David phải nương vào Giônathan. Không có tình bạn của Giônathan, David đã bị giết và không bao giờ trở thành vua được. Quí vị không biết Đức Chúa Trời đã chất chứa điều chi trong phần đời còn lại của mình đâu. Tuy nhiên, bất luận là như thế nào, quí vị sẽ cần tới những người bạn tốt giúp đỡ cho quí vị.
B. David tìm được sự tiếp nhận nơi quân đội và triều thần (câu 5).
Không những Giônathan yêu mến David, mà nhiều người khác cũng thế nữa. Câu 5 chép: "David đi bất cứ đâu Saulơ sai người đi". Một lần nữa chúng ta thấy chàng sẵn lòng phục theo quyền bính. David "đều được việc". Đấy là tư tưởng chìa khoá của chúng ta. Chàng không khoe khoang phần chiến thắng của mình. Chàng không tự tôn. Chàng không tự mãn. Chàng đã phục vụ Saulơ với chính sự khiêm hạ như trước đó. Saulơ đặt chàng trai trẻ nầy, có lẽ chưa đầy 20 tuổi "làm đầu chiến sĩ". Còn hơn thế nữa, những chiến binh dạn dày kinh nghiệm nầy, "những tôi tớ của Saulơ" những người trong triều đình hoàng gia đều "đẹp ý" chàng.
C. David được lòng người (các câu 6-7).
Sau khi truy kích người Philitin, quân đội được nghỉ phép và ai nấy trở về nhà mình. Vì David bây giờ đã có một công việc mới với quân đội và ở trong triều đình của Vua Saulơ, chàng trở về thành Jerusalem. Các công dân của thành phố đã hoan nghênh chào đón vị anh hùng. Đã có một cuộc diễu hành thật lớn với nhiều đội múa hát trên đường phố. Thực vậy, câu 6 chép: "thì những người nữ của các thành Israel hát múa". Họ đánh "trống cơm, gõ nhịp, và reo tiếng vui mừng”. Đây là một lễ kỷ niệm mừng chiến thắng thật là lớn lao!
Như thông lệ, họ đã hát lên bài ca để kỷ niệm chiến thắng to lớn. Một phần của bài hát được thấy trong câu 7, "Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!" Vì họ không có đài phát thanh và top 10 bài hát hay nhất, các bài ca được hát lên trong thành phố và kế đó ở các thị trấn nhỏ và làng mạc. Trước đó lâu lắm rồi, cả nước đã hát lên giai điệu quen thuộc nầy. Đây sẽ là chiếc pháo thăng thiên cao tận đỉnh của các tấm biểu đồ.
Có người nghĩ bài hát ấy là bài ca rất cường điệu. Chúng ta biết David đã giết Gôliát, thế nhưng chàng có thực sự giết “hàng vạn” không?" Có người nghĩ bài hát là bài ca căn cứ theo sự thật. Trong các chiến trận trước đấy của Saulơ, ông ta đã lãnh đạo quân đội trong trận tàn sát “hàng ngàn” người Philitin và người Amaléc. Họ nói trận David thắng hơn Gôliát và cuộc truy kích quân Philitin sau đó đã kết quả khoảng 10.000 kẻ thù của họ phải ngã chết. Dù là cách nào, David đã đạt tới chỗ nổi tiếng và rất được lòng người. Chàng đã nhận lãnh cùng một sự nổi tiếng mà một người Mỹ sẽ nhận lãnh nếu người ấy đơn thân độc mã bắt lấy Osama bin Laden! Tuy nhiên, trong mọi sự nầy David tiếp tục "được may mắn".
II. David xử sự khôn khéo trong các mối quan hệ của chàng (các câu 8-30).
A. David xử sự khôn khéo với tánh ganh tỵ của Saulơ (các câu 8-16).
Mặc dù bài ca chiến thắng đã trở thành một bài hát trên đầu môi chót lưỡi của dân chúng, nó khiến cho Saulơ "lấy làm giận lắm". Thực ra nó "không đẹp lòng người". Saulơ chẳng điên đâu, ông ta nói: "Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi! "
Giọng nói của ông dường thống thiết lắm, có phải không? Sự ganh tỵ, “con quái thú mắt xanh" "sự hằn học của linh hồn" đã chổi dậy trong Saulơ giống như ngãi đắng trong cổ họng của ông ta vậy. Saulơ nói giống như một đứa trẻ chưa trưởng thành đang nghĩ tới ai đó nhận được quá nhiều sự chú ý. Thực vậy, câu 9 chép: "Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận".
Ganh tỵ giống như một chứng ung thư. Nó khởi sự như một khối u nhỏ rồi lớn dần lên cho tới khi cả người đều bị phủ độc. Nó làm dậy lên sự nghi ngờ, không tin cậy, cay đắng và cơn giận đặt không đúng chỗ. Saulơ chẳng có gì phải e sợ từ David, song tánh ganh tỵ bất ổn của ông ta sẽ làm cho ông ta nhìn thấy sự sợ hãi đó.
Ganh tỵ luôn luôn so sánh những con số. Nó làm cho Saulơ tức điên lên khi "người ta cho David hàng vạn” và ông ta "chỉ hàng ngàn" thôi. Ganh tỵ giữ lấy tỉ số. Ganh tỵ ngạc nhiên nơi tiền lương của người khác. Ganh tỵ xem xét kỹ lưỡng giá trị của nhà cửa, xe cộ và áo quần. Ganh tỵ tính toán ảnh hưởng và sự được lòng người khác.
Tình trạng chức vụ trọn thời gian của tôi là chức phận ban trị sự trọn thời gian đầu tiên của tôi trong một Hội thánh có Mục sư còn độc thân. Nói cách khác, ban trị sự gồm có Mục sư và tôi. Ông ấy là một thanh niên và trước đó chưa có ban trị sự. Tôi bắt đầu gây dựng chức vụ cho thanh niên mà chẳng bao lâu sau đó đã tấn triển. Không những các thanh thiếu niên, mà còn bố mẹ của chúng nữa cũng đã trở thành chi thể của Hội thánh chúng tôi. Tôi đạt được một lượng nhỏ thành công bề ngoài và giống như David đã nhận lãnh sự tán thưởng, sự vui mừng và tình cảm của cả Hội thánh. Điều nầy làm cho vị Mục sư phải tức tối và bối rối nhiều lắm. Thực vậy, sau một thời gian ngắn thôi, ông ấy rời khỏi Hội thánh. Tánh ganh tỵ của ông ta sẽ không cho phép ông ta dự phần vào tình cảm của cả hội chúng.
Hơn một năm qua, Đức Chúa Trời đã mở ra cánh cửa để đem Mục sư Jerry vào ban trị sự Hội thánh của chúng tôi. Jerry là một vị Mục sư dễ mến và rất trung tín trong hơn 40 năm. Ông đã kỷ luật nhiều vị Mục sư trẻ. Năm rồi, khi ông và tôi trao đổi với nhau ở một buổi nhóm của cấp lãnh đạo về Hội thánh khác, vị Mục sư khác đã nói với tôi: "Tôi rất bực bội về việc có một vị Mục sư đầy kinh nghiệm giống như Jerry trong ban trị sự của tôi. Tôi e ông ta sẽ gạt tôi ra khỏi công việc quá". Tôi nói cho ông ta biết rằng trước hết mọi sự tôi tin cậy Đức Chúa Trời và thứ hai tôi tin cậy Jerry. Đối với tôi, thật là dại dột làm sao khi lo lắng hoặc ganh tỵ đối với Jerry. Tôi là người mà Đức Chúa Trời đã dựng nên tôi phải là người ấy. Jerry là người mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, ông ấy phải là ông ấy thôi! Quí vị là người mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Đức Thánh Linh đem chúng ta cùng nhau vào trong Hội thánh và ai nấy đều được phước! Chẳng có một chỗ nào dành cho sự ganh tỵ cả.
Chúng ta đừng lo về mấy con số. Chúng ta đừng giữ lấy tỉ số nữa mà chi! Nếu chúng ta bận tâm với chiều sâu của chức vụ mình, Đức Chúa Trời sẽ quan tâm tới chiều rộng của chức vụ đó!
Sự ganh tỵ của Saulơ được thấy sâu xa hơn ở "ngày mai", khi một lần nữa "ác thần bởi Đức Chúa Trời nhập vào Saulơ". Ông ta cho đòi David đến như ông ta đã đòi trước đây và khảy "đờn" làm cho ông ta nguôi ngoai. David vốn có cây đờn lia hay guitar trong tay mình "còn Saulơ cầm một cây giáo trong tay". Khi David khảy đờn, tánh ganh tỵ của Saulơ đã lên tới một đỉnh thật là cao. Ông ta nhũ lòng rằng: "Ta sẽ đóng đinh nó nơi vách" Ông ta phóng mũi giáo nhưng "David tránh khỏi hết". Thực ra, câu 11 cho chúng ta biết điều nầy đã xảy ra "hai lần".
Saulơ không còn ganh tỵ với sự David được lòng người nữa. Ông ta đã "sợ David" vì rõ ràng là "Đức Giêhôva ở cùng David" và Đức Giêhôva đã "lìa khỏi Saulơ".
Tánh ganh tỵ của Saulơ cùng sự sợ hãi David càng lớn lên nhiều đến nỗi ông ta "khiến David cách xa mình [có lẽ điều nầy chẳng làm cho David phải bối rối!], lập người làm trưởng ngàn người". David, rất trung tín "ra trận trở về thì đứng đầu đạo binh". Như vậy có nghĩa là, chàng trung tín lo làm phận sự của mình. Một lần nữa trong câu 14 chúng ta thấy "David đều được may mắn". Đó là bí quyết sự thành công của chàng. "Đức Giêhôva ở cùng người". Hãy lưu ý sự nhắc lại trong câu 15: "Sau-lơ thấy người được may mắn dường ấy, thì lấy làm sợ người". Tuy nhiên, "Nhưng cả Y-sơ-ra-ên và Giu-đa đều yêu mến Đa-vít, bởi vì người ra trận trở về đứng đầu chúng".
B. David xử sự khôn khéo với sự phản bội của Saulơ (các câu 17-27).
Trở lại ở 16.21, chúng ta đọc thấy rằng khi Saulơ lần đầu tiên gặp gỡ David, ông ta "thương yêu người lắm". Ở 18.12 chúng ta thấy thể nào tình cảm của Saulơ chuyển từ thương yêu David thành ganh tỵ cho tới "sợ" chàng. Giờ đây chúng ta thấy rằng sợ hãi đổi thành bạo lực phản trắc khi Saulơ lo liệu một kế sách để giết David.
Saulơ, thành thực với lời hứa của mình dành cho người đã giết chết Gôliát nên ban con gái thứ của mình là Mêráp cho David làm vợ. Kinh Thánh cho chúng ta biết Saulơ suy nghĩ ở đây: "Tay ta chớ nên hành-hại hắn, nhưng thà tay của dân Phi-li-tin còn hơn". Là con rễ của nhà vua sẽ khiến David thành tiêu điểm cho người Philitin nhắm vào. Với bản tánh khiêm nhường, David đáp: "Tôi là ai? Thân phận tôi là gì? Họ hàng cha tôi nơi Y-sơ-ra-ên ra chi mà tôi trở nên phò-mã của vua?" David không tin chàng xứng đáng đủ để cưới con gái của nhà vua. Chàng chỉ là một người chăn chiên vừa trở thành một chiến sĩ mà thôi.
Thích ứng với sự từ chối của David, một người khác đã cưới Mêráp làm vợ. Dù vậy, Micanh, con gái khác của Saulơ đem lòng "yêu mến David". Khi Saulơ hay được tin nầy "thì lấy làm đẹp lòng". Ông ta nói: "Ta sẽ biểu hắn cưới nàng, hầu cho nàng làm cái bẫy cho hắn, và hắn sa vào tay của dân Phi-li-tin". Vì vậy, “lần thứ nhì” Saulơ đề nghị David nên cưới vợ trong gia đình của ông ta. Ông ta nói: “Ngươi sẽ làm phò-mã ta".
Saulơ cùng các tôi tớ mình phối hợp trong hành động. Ông ta nói với họ: "Hãy nói kín cùng Đa-vít rằng: Ngươi thấy vua lấy làm đẹp lòng ngươi, và hết thảy tôi tớ vua đều yêu mến ngươi: vậy, hãy làm phò-mã của vua". Tuy nhiên, khi họ nói điều nầy với David, David hỏi: "Làm phò-mã của vua, há là việc nhỏ mọn trước mặt các ngươi sao? Tôi vốn một người nghèo nàn và hèn-tiện" (câu 23). Nếu tôi là một thanh niên độc thân, là người mới vừa trở thành anh hùng dân tộc với hình ảnh tôi che phủ hết mấy tờ tạp chí, tôi sẽ mong có một cuộc hôn nhân đó. David đã không mong thế.
Trong thời buổi đó, một thanh niên tìm cách cưới vợ phải nộp "sính lễ" cho cô gái và cha của cô ta. Điều nầy làm biểu tượng cho anh ta xem trọng vợ chưa cưới của mình nhiều như thế nào!?! Ông nội của tôi là một truyền đạo xuất thân là nông dân thường tổ chức các đám cưới trong nhà của ông. Mẹ tôi thường nói rằng khi người thanh niên yêu cầu ông ra giá cho nghi thức của đám cưới, ông đáp: "Cô dâu đáng giá với cậu như thế nào?"
David vốn biết chàng không thể nộp một "sính lễ" xứng đáng với con gái của nhà vua. Tuy nhiên, theo huấn thị của Saulơ, các tôi tớ đáp: "Vua chẳng đòi sính-lễ gì khác, chỉ đòi một trăm dương bì của người Phi-li-tin, đặng trả thù kẻ cừu địch mình" (câu 25). Tất nhiên, Saulơ đang toan tính rằng David sẽ bị giết tại chiến trường trước khi chàng kiếm được một trăm dương bì. Saulơ không tìm cách BAN con gái mình cho David mà buộc David phải LẤY con gái mình!
Micanh "yêu mến David". Rõ ràng, David rất thích có Micanh làm vợ. Khi chàng nhận ra rằng của sính lễ không phải là tiền bạc mà là dương bì của người Philitin, chàng biết mình có thể đánh trận cho Đức Giêhôva và kiếm được cho mình người vợ như một giải thưởng. Câu 26 chép: "David chìu theo sự buộc ấy mà làm phò mã của vua".
Chàng cùng với quân thủ hạ mình đi ra và "đánh giết hai trăm người Philitin". Không những một trăm, mà tới hai trăm dương bì Philitin đã mang đến trước mặt Saulơ và nộp "cho vua đủ số". Quí vị có thể hình dung ra bối cảnh ấy, David đang đếm từng dương bì trước mặt Saulơ không? Saulơ không còn có một sự lựa chọn nào khác, vì vậy ông ta "gả Micanh con gái mình, cho người làm vợ".
Hãy suy nghĩ tới cái tánh kỳ quặc của Saulơ bây giờ xem. Giônathan con trai của ông ta yêu mến David "như mạng sống mình" và đã lập “khế ước” với người. Con gái ông ta là Micanh yêu mến David và đã làm phép “giao” với người vì David đã giết không những một trăm mà là hai trăm người Philitin trên chiến trận.
C. David xử sự khôn khéo với nỗi lo sợ của Saulơ (các câu 28-30).
Mọi chương trình phản trắc của Saulơ, hết thảy đều đã thất bại. Ông ta chẳng còn sức lực nữa, còn David thì ngày càng mạnh mẽ hơn. Câu 28 chép: "Saulơ nhìn biết Đức Giêhôva ở cùng David". Câu 29 chép: "Nhưng Sau-lơ càng sợ Đa-vít hơn nữa, và trọn đời mình làm kẻ thù nghịch người". Saulơ sống trong một tình trạng luôn luôn sợ hãi và hoang tưởng.
Đồng thời, bất cứ lúc nào "các quan trưởng dân Philitin ra trận" một lần nữa chúng ta lại thấy "David may mắn hơn các tôi tớ của Saulơ". Tôi muốn nói rằng không những David đã tấn tới trong sự hiểu biết về chức năng lãnh đạo, mà còn hiểu biết về chiến trường cùng các chiến thuật quân sự nữa. Chàng đã đánh nhiều trận và đạt nhiều trận thắng và "danh người trở nên tôn trọng lắm".
III. Ba phương thức để được may mắn ngày hôm nay.
Tôi sắp sửa chỉ ra bí quyết sự thành công của David được thấy rõ trong từ ngữ “may mắn”, nghĩa là chàng tiếp tục kiếm được sự khôn ngoan và tri thức từ nơi Đức Giêhôva. Đấy có thể là chìa khoá cho sự thành công của chúng ta ngày nay nữa. Cho phép tôi chỉ cho quí vị thấy ba phương thức quí vị cũng sẽ được may mắn nữa.
A. Đừng phản ứng quá mạnh trước sự chống đối.
Quí vị có một Vua Saulơ trong đời sống mình không? Phải chăng quí vị đang có một ông chủ bị chứng hoang tưởng? Phải chăng có ai đó đang cầm quyền trên quí vị, họ luôn luôn muốn bắt bớ quí vị? Sự chống đối có trong từng đời sống. Có phải quí vị gặp may mắn khi đối diện với sự chống đối thường xuyên không? Quí vị đừng phản ứng quá mạnh mẽ nhé! Hãy suy nghĩ xem David làm cách nào để kềm chế Saulơ. Chàng không rút mũi giáo ra khỏi vách rồi phóng trả nó về phía Saulơ đâu! Đúng thế, chúng ta sẽ học biết David vốn có nhiều cơ hội để kết thúc mạng sống của Saulơ, song chàng luôn luôn không chọn làm theo cách thế đó. Chàng vốn luôn giữ lấy cách ứng xử khôn ngoan và tin cậy nơi Đức Giêhôva chăm sóc cho chàng. Đây là nguyên tắc của Kinh Thánh: “khi chúng ta từ chối không lo bảo hộ bản thân mình, Chúa sẽ bảo hộ cho chúng ta”.
B. Hãy phát triển các mối quan hệ có tính cách giải cứu lẫn nhau.
Đức Chúa Trời vốn biết David cần tới một người bạn đặc biệt hầu giải cứu chàng qua những lúc khó khăn ở trước mặt, vì vậy Ngài đã sai Giônathan bước vào trong đời sống của chàng. Tôi biết tôi không thể đi suốt cuộc sống mà không có những tình bạn đặc biệt mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi. Chúng ta không được định cho phải trải qua cuộc sống nầy một mình đâu! Chúng ta cần những người bạn giúp đỡ cho chúng ta vượt qua những lúc khó khăn và vui vẻ với chúng ta trong những lúc phước hạnh.
Mới đây, tôi có xem phim phóng tác từ quyển “Nhóm anh em” của Stephen Ambrose, câu chuyện kể về Nhóm Cảm Tử của Trung đoàn 506 của Sư đoàn 101 Dù trong Đệ II Thế Chiến. Nhóm người nầy được thả dù vào Normandy vào ngày D và qua năm sau đã tìm đường vào nước Đức trước tiên để tóm lấy Tổ Phượng Hoàng của Hitler. Họ gánh chịu hết trận nầy qua trận khác và đã nhìn thấy nhiều đồng đội ngã chết và bị thương. Họ đã được tôi luyện trong tình trạng huynh đệ chi binh, mà sau 55 năm, tinh thần ấy vẫn còn y nguyên cho tới nay. Những người sống sót vẫn gặp nhau thật là đều đặn. Trong một lần phỏng vấn, Richard Winters, là người trong khoảng thời gian một năm đã được đề bạt từ Trung úy lên Thiếu Tá vì lòng dũng cảm trên chiến trường của ông, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: "Cháu nội tôi đã hỏi tôi: ‘Ông Nội ơi, có phải ông là một anh hùng trong chiến tranh không?’ Tôi đáp: ‘Không, nhưng ông đã phục vụ với một nhóm anh hùng’".
Tôi có cảm giác giống như thế về một số người đang có mặt trong phòng nhóm nầy. Tâm hồn của chúng tôi “kế hiệp” nhau. Chúng tôi có một khế ước bất thành văn về tình yêu thương và lòng trung thành. Chúng tôi đứng với nhau. Chúng tôi ủng hộ lẫn nhau. Chúng tôi cầu nguyện cho nhau. Chúng tôi khóc và cười với nhau. Đấy là cách mà Đức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta. Mỗi một tín đồ đều cần tới mối quan hệ có tính cách cứu giúp lẫn nhau, loại tình bạn được tôi luyện trong ngọn lửa đức tin sẽ cháy mãi cho đến đời đời.
Quí vị có biết lý do tại sao người ta không thấy thoả lòng với Hội thánh của họ không? Quí vị có biết lý do tại sao có người uổng công đi hết Hội thánh nầy sang Hội thánh khác, cứ mỗi Hội thánh chừng vài năm thôi không? Ấy là vì họ chưa hề hình thành được loại quan hệ nầy. Họ đến để dự các buổi thờ phượng. Họ dự phần trong một thời gian ngắn mà thôi. Nhưng họ không bao giờ bắt rễ lòng của họ vào trong cộng đồng đức tin. Nói cách khác, quí vị có biết lý do tại sao có người cứ ở lại trong một Hội thánh nhiều thập niên rồi vượt qua cả những thăng trầm không? Ấy là vì họ đã thực thi một cuộc đầu tư nơi người khác. Đối với họ, Hội thánh không những là một nơi để đi đến trong ngày Chúa nhựt, mà đó còn là một gia đình phải thuộc về trong phần đời còn lại của họ nữa đấy.
Nếu quí vị chưa phát triển các mối quan hệ có tính giải cứu lẫn nhau như thế ở đây, quí vị không thể đổ thừa cho ai khác được. Kinh Thánh chép trong Châm ngôn 18.24: "Người nào được nhiều bằng hữu sẽ làm hại cho mình; nhưng có một bạn tríu mến hơn anh em ruột". Quí vị không thể có được tình bạn gây dựng đức tin cho tới chừng nào quí vị bằng lòng bước ra khỏi lớp vỏ sò của mình và mở lòng mình ra cho người khác.
C. Hãy rút tỉa sự khôn ngoan từ Ngôi Lời.
Hãy nhớ cụm từ được lặp đi lặp lại đó "được may mắn"!?! Một lần nữa, cụm từ nầy ra từ chữ Hy bá lai sakal, nó mang ý niệm kiếm được sự khôn ngoan và tri thức dẫn tới sự thành công. Muốn kiếm được sự khôn ngoan, thì đâu là nguồn có giá trị nhất? Tất nhiên nguồn ấy chính là Lời của Đức Chúa Trời. Thi thiên 19.7 chép: "Luật pháp của ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan". Chính tôi…kẻ ngu dại. Sự khôn ngoan duy nhất mà tôi có được rút ra từ Lời của Đức Chúa Trời. Phaolô đã nhắc cho Timôthê nhớ trong II Timôthê 3.15: "… và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ".
Cách duy nhất chúng ta sẽ tấn tới trong sự khôn ngoan và có sự thành công tin kính là bằng cách nghiên cứu, học thuộc lòng, và suy gẫm luôn Lời của Đức Chúa Trời. Giôsuê 1.8 chép: "Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước [sakal]”. Chúng ta có thể dịch sát nghĩa cụm từ đó: "… và rồi ngươi sẽ biết cách ứng xử thật là khôn khéo".
Đời sống Cơ đốc thật là đơn giãn. Đời sống ấy không phải là khoa học về phản lực. Chúng ta nghiên cứu. Chúng ta cầu nguyện. Chúng ta vâng theo. Chúng ta thờ phượng. Muốn hiểu rõ đời sống Cơ đốc thì không khó đâu, hãy sống đơn giãn theo đời sống đó.
Tôi đã nói với quí vị là tôi sẽ cung ứng miễn phí cho quí vị bí quyết của sự thành công. Và đây là bí quyết đó. Chúng ta hãy mở Ngôi Lời ra, hãy vòng hai cánh tay lại rồi hãy nhơn đức tin mà bước tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét