Như lằn lửa bay chớp lên không - Phần 5
"Tình trạng rối rắm của Môise – Phần 1"
Mục sư David Legge
"Không những Đức Chúa Trời có thể ban ra phước hạnh lớn lao từ chỗ rủa sả, nhưng chúng ta cần phải học hỏi từ những nhân vật nầy – và đặc biệt là Môise tối nay – sẽ không trở thành hạng người cao trọng của Đức Chúa Trời, và trở thành những đấng giải cứu mà họ đã trở thành, nếu không phải vì những sự thử thách của họ!"
Thật đáng hoan nghênh khi quí vị
đã đến với chương trình đọc Kinh Thánh tại đây ở giảng đường Iron tối nay. Cảm ơn quí vị vì đã đến, và cảm ơn những ai đến viếng chúng tôi, chúng tôi đặc biệt dành cho quí vị một sự tiếp đón nồng nhiệt, và hãy tin rằng quí vị sẽ thưởng thức thì giờ thông công sắp tới và cùng nghiên cứu Kinh Thánh với chúng tôi. Chúng ta quay sang sách Xuất Êdíptô ký. Chúng ta đã nghiên cứu các bài học nầy: 'Như Lằn Lửa Bay Chớp Lên Không', và tôi không muốn mắc công với quí vị bằng cách giải thích mỗi tuần lý do cho đề tựa của chúng ta, nhưng có thể đây là buổi tối đầu tiên quí vị có mặt tại đây và quí vị không hiểu tại sao chúng ta lại gọi đề tựa ấy là: 'Như Lằn Lửa Bay Chớp Lên Không'. Có một câu ngắn trong sách Gióp nói rằng người ta ra đời gặp rắc rối, giống như lằn lửa bay chớp lên không, và chúng ta đã nhìn xem những nhân vật trong Kinh Thánh ra đời để gặp rắc rối. Mỗi người ra đời đều gặp rắc rối, nhưng Đức Thánh Linh qua Lời của Ngài đã ban cho chúng ta từng nhân vật mà nhiều người trong chúng ta đều nhận biết từ những ngày đến Lớp Trường Chúa Nhật, nhưng mấy tuần mới đây chúng ta đã tìm cách nhìn vào đời sống của họ trong từng chi tiết nhỏ – không những thực hiện một nghiên cứu nhân vật về từng phương diện trong đời sống của họ, mà đặc biệt nhắm vào các nan đề, những thử thách mà họ đã nếm trải trong đời sống của họ, và đồng hoá với họ qua những gì chúng ta đang nếm trải trong đời sống của chúng ta rồi tìm cách rút ra từ các bài học nầy phần sức lực cho chính bản thân mình khi chúng ta trải qua sự rối rắm của cuộc sống.
Chúng ta đã xem qua: “Những gian khổ của Ápraham”, 'Chuyến hành trình sống động của Giacốp', chúng ta đã xem qua Giôsép cùng câu chuyện sống động của ông trong hai bài nghiên cứu, và tối nay chúng ta đến phần nghiên cứu thứ năm và có lẽ phần nghiên cứu nầy ít nhất cũng phải chia ra làm hai bài, và chúng ta đang nhìn vào 'Tình Trạng Rối Rắm Của Môise'. Tình Trạng Rối Rắm Của Môise, và phần đọc Kinh Thánh của chúng ta ở trong Xuất Êdíptô ký chương 2. Chính Môise, chúng ta tin ông viết: "Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao. Vả, bấy giờ, con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các con đòi đi dạo chơi trên mé sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai con đòi mình đi vớt lên. Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đang khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hê-bơ-rơ đặng cho đứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó kêu mẹ của đứa trẻ. Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú. Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước. Vả, đang lúc đó, Môi-se đã lớn khôn rồi, ra đi đến cùng anh em mình, xem thấy công việc nhọc nhằn của họ; cũng thấy một người Ê-díp-tô đánh một người Hê-bơ-rơ trong vòng anh em mình; ngó quanh quất chẳng thấy ai, bèn giết người Ê-díp-tô đem vùi trong cát. Qua ngày sau, Môi-se đi ra nữa, thấy hai người Hê-bơ-rơ đánh lộn, bèn nói cùng người có lỗi rằng: Sao ngươi đánh người đồng loại mình? Nhưng người đó đáp rằng: Ai đặt ngươi làm vua, làm quan án cho chúng ta? Có phải muốn giết ta như đã giết người Ê-díp-tô kia chăng? Môi-se sợ, nói rằng: Chắc thật, việc nầy phải lậu rồi. Pha-ra-ôn hay việc đó, thì tìm giết Môi-se; nhưng người trốn đi khỏi mặt Pha-ra-ôn, dừng chân tại xứ Ma-đi-an, và ngồi gần bên một cái giếng. Vả, thầy tế lễ xứ Ma-đi-an có bảy con gái; các nàng đó đến giếng xách nước đổ đầy máng đặng cho bầy chiên cha mình uống. Nhưng các kẻ chăn chiên đến đuổi đi; Môi-se bèn đứng dậy, binh vực các nàng đó và cho những bầy chiên uống nước. Khi mấy nàng trở về nhà Rê-u-ên, cha mình, thì người hỏi rằng: Sao bữa nay các con về sớm vậy? Thưa rằng: Một người Ê-díp-tô cứu chúng tôi ra khỏi tay bọn chăn chiên, và cũng có xách nước nhiều quá cho bầy chiên uống nữa. Cha lại hỏi rằng: Người đó bây giờ ở đâu? Sao các con bỏ người đi? Hãy mời đến đặng ăn bánh. Môi-se ưng ở cùng người nầy, người bèn gả Sê-phô-ra, con gái mình, cho Môi-se. Nàng sanh một con trai; Môi-se đặt tên là Ghẹt-sôn vì nói rằng: Tôi kiều ngụ nơi ngoại bang. Sau cách lâu, vua xứ Ê-díp-tô băng; dân Y-sơ-ra-ên than thở kêu van vì phải phục dịch khổ sở; tiếng kêu van lên thấu Đức Chúa Trời. Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái lại dân Y-sơ-ra-ên, nhận biết cảnh ngộ của chúng”.
"Quí vị phải nhớ Giôsép đã dấy lên tới địa vị cao tột trong xứ Ai cập, song khi xứ đó lần hồi có một thế hệ mới, khi có một vị vua mới, một Pharaôn mới, lên nắm quyền ở xứ Ai cập đó, ông ta đã quên và không nhìn biết Giôsép".
Trong mấy tuần lễ mới đây, chúng ta đã nghiên cứu qua một ít chi tiết về đời sống của Giôsép. Trong chương 1 sách Xuất Êdíptô ký và câu 8 chúng ta đọc mấy lời nầy: "Nhưng bấy giờ tại nước Ê-díp-tô, có một vua mới lên ngôi, chẳng quen biết Giô-sép". Quí vị phải nhớ Giôsép đã dấy lên tới địa vị cao tột trong xứ Ai cập, song khi xứ đó lần hồi có một thế hệ mới, khi có một vị vua mới, một Pharaôn mới, lên nắm quyền ở xứ Ai cập đó, ông ta đã quên và không nhìn biết Giôsép. Chúng ta đọc trong sách Xuất Êdíptô ký thì thấy vị vua nầy rất độc ác chuyên bắt bớ dân Israel, ông ta bắt họ làm nô lệ, ông ta đã ra lịnh cho nhiều người trong số họ phải bị án chết, và đặc biệt những con trẻ Hêbơrơ như chúng ta đang nhìn thấy trong câu 10 của chương 1 nếu quí vị nhìn vào đấy, ông ta nói: "hè! ta hãy dùng chước khôn ngoan đối cùng họ, kẻo họ thêm nhiều lên, một mai nếu có cơn chinh chiến xảy đến, họ sẽ hiệp cùng quân nghịch đánh lại ta, và ra khỏi xứ chăng. Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc; họ xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho tàng cho Pha-ra-ôn. Nhưng người Ê-díp-tô càng bắt làm khó nhọc chừng nào, dân Y-sơ-ra-ên càng thêm nhiều lên, và tràn ra chừng nấy. Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Y-sơ-ra-ên, bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay đắng, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công việc nầy người Ê-díp-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc nhằn lắm. Vua xứ Ê-díp-tô cũng phán cùng các bà mụ của dân Hê-bơ-rơ, một người tên Siếp-ra và một người tên Phu-a, mà rằng: Khi các ngươi đi rước thai cho người đàn bà Hê-bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống".
Pharaôn nầy là người đã quên Giôsép, ông ta đã quên người Hêbơrơ, nên quá lo rằng khi người Hêbơrơ thêm nhiều lên, thậm chí khi ở dưới vòng nô lệ đến nỗi một ngày kia họ hiệp cùng quân nghịch của Ai cập và đánh bại người Ai cập. Ông ta ra lịnh cho mấy bà mụ khi đi rước thai, thấy đứa trẻ là con trai thì phải giết đi. Nhưng như quí vị đọc thấy trong câu chuyện nầy rồi nhìn vào câu 17 của chương 1, thì thấy chép như sau: “Nhưng các bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời”. Đúng là một câu nói thật tuyệt vời: 'Nhưng các bà mụ kính sợ Đức Chúa Trời, chẳng làm theo lời vua Ê-díp-tô phán dặn, đều để cho các con trai sống hết'. Trong câu 20 chúng ta đọc: 'Đức Chúa Trời ban ơn cho những bà mụ' – Ngài đã đối xử tốt với họ. Biết như thế há chẳng kỳ diệu sao, ngay phần bắt đầu câu chuyện của chúng ta, khi Ngài nhìn thấy sự vâng phục nơi một trong các con cái của Ngài, Đức Chúa Trời liền đối xử tốt với chúng ta. Nhưng quí vị biết đấy, ân điển của Đức Chúa Trời đang hiện diện trong suốt cả sách Xuất Êdíptô ký. Thực vậy danh xưng “Xuất Êdíptô” có nghĩa là 'sự giải cứu', sự giải cứu ra khỏi vòng nô lệ, sự giải cứu trở thành sự cứu rỗi cho dân sự của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy ân điển của Đức Chúa Trời trong chương 2, nếu quí vị nhìn vào chương ấy, câu 24 - 25: 'Ngài nghe tiếng than thở chúng, nhớ đến sự giao ước mình kết lập cùng Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Đức Chúa Trời đoái lại dân Y-sơ-ra-ên, nhận biết cảnh ngộ của chúng'. Đức Chúa Trời đã ban ơn cho dân sự Ngài.
Nếu quí vị quá quen thuộc với Kinh Thánh Cựu và Tân ước, quí vị sẽ biết rằng ân điển của Đức Chúa Trời thường khoác lấy hình thể con người. Đức Chúa Trời thường nhân cách hoá ân điển của Ngài trong thân vị của một đấng cứu tinh, một vị tộc trưởng, một quan xét, một tiên tri, một thầy tế lễ hay một vị vua. – và thường không ở một ai khác hơn là Đức Chúa Giêxu Christ Chúa chúng ta. Điều nầy luôn luôn đúng ngay từ lúc sáng thế trong Sáng thế ký chương 3 và câu 15, sau khi Ađam và Êva sa ngã trong Vườn Êđen, quí vị hãy nhớ lại lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban ra cho họ sau khi họ sa ngã và biết xấu hổ, Ngài phán: 'Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người'. Ngay lập tức Abên ra đời, há Êva không nhắm con trai mình là một đấng giải cứu sao? Khi Abên bị giết, thì bà liền trông mong vào Sết, rồi kể từ ngày đó từng đứa trẻ nam ra đời trong vòng dân sự của Đức Chúa Trời, từng người mẹ trong dân Israel đều trông mong đứa con ấy có thể là đấng cứu tinh, có thể là Đấng Mêsi – và tất nhiên mọi sự đều hướng về Đấng Mêsi, là Đấng mà chúng ta đọc thấy trong Tân Ước. Galati 4.4: 'Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp'.
"Chúng ta có một Đức Chúa Trời, trong lịch sử ai cũng biết Ngài can thiệp vào các vụ việc của loài người, và là một Đức Chúa Trời giải cứu – một Đức Chúa Trời là Đấng mà chúng ta có thể nói là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi của chúng ta"
Tối nay, khi nghe rằng chúng ta không có một Đức Chúa Trời là Đấng đứng xa xa, chúng ta há không vui mừng sao? Chúng ta không có một Đức Chúa Trời là Đấng bị tách ra khỏi kinh nghiệm sống của chúng ta, bị tách ra khỏi cái hố sâu tội lỗi mà chúng ta thấy mình liên tục bị sa vào, chúng ta không có một Đức Chúa Trời là Đấng sống vô tư trong chúng ta, mà chúng ta có một Đức Chúa Trời, Ngài là một Cứu Chúa hay can thiệp! Chúng ta có một Đức Chúa Trời, trong lịch sử ai cũng biết Ngài can thiệp vào các vụ việc của loài người, và là một Đức Chúa Trời giải cứu – một Đức Chúa Trời là Đấng mà chúng ta có thể nói là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi của chúng ta!
Người của Đức Chúa Trời trong thời đại đặc biệt nầy chính là Môise. Chúng ta đọc trong chương nầy thấy rằng Môise có bố mẹ là hạng người tin kính, và khi ấy Môise đã được họ giấu kín ba tháng trong một chiếc rương mây. Ông đã được thả nổi trong một chiếc rương trên dòng sông Nile, quí vị hãy đọc trong chương 3. Nhưng đây không phải là một nguyên tắc thuộc linh tuyệt vời mà chúng ta đã tìm thấy trong mấy tuần lễ nầy nơi các phần nghiên cứu của chúng ta, và tôi muốn tóm tắt lại ở đây – tôi muốn quí vị nhìn biết lý do tại sao chúng ta lại bước vào phần nghiên cứu các nhân vật nầy, và chỉ đơn giãn là điều nầy: toàn bộ sự khải thị và lẽ thật của Kinh Thánh đang chứng tỏ cho chúng ta thấy, là con cái của Đức Chúa Trời trong thế đại của chúng ta, trong thế hệ và trong hệ thống tôn giáo của chúng ta, từ những hoàn cảnh tệ hại, đau buồn, kinh khủng nhất của cuộc sống, Đức Chúa Trời Toàn Năng của thiên đàng có thể mang lại vô số phước hạnh. Đấy là những gì quí vị sẽ nhìn thấy! Đừng lấy làm nặng nề, và đừng để bị sa lầy, và đừng bị chìm đắm dưới những sự kiện, những mối quan hệ mà chúng tôi sẽ cung ứng cho quí vị trong từng tuần lễ – nhưng nếu quí vị nhìn thấy điều nầy, quí vị sẽ nhìn thấy sứ điệp ra từ tấm lòng của tôi, và xuyên suốt cả Kinh thánh, rằng từ chỗ đau buồn nhất của mọi sự, Đức Chúa Trời của chúng ta có thể đem lại sự phước hạnh!
Từ những gian khổ của Ápraham, từ chuyến hành trình sống động của Giacốp, từ chỗ nguy hiểm của Giôsép và chuyến hành trình quan trọng của ông từ chỗ ngả lòng cực độ, từ chỗ bất lực trầm trọng, ngay trong cảnh tù đày và nô lệ, sự vu cáo, bị tống giam, bị ruồng bỏ và mọi sự mà chúng ta nhìn thấy: ấy là Đức Chúa Trời, Ngài là Đức Chúa Trời và Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta, có thể hiệp mọi sự lại làm ích cho những kẻ yêu mến Ngài, cho những kẻ đã được gọi theo ý Ngài đã định. Giờ đây hãy nắm bắt tối nay, trước khi chúng ta nhìn sâu hơn vào Môise hoặc bất kỳ một nhân vật nào, nguyện quí vị sẽ nắm bắt được điều đó tối nay: Đức Chúa Trời của chúng ta có thể mang lại sự đắc thắng từ chỗ tồi tệ nhất của chúng ta!
Hãy chú ý một việc khác nữa, và điều nầy rất quan trọng, khi chúng ta nhìn vào nhân vật Môise. Không những Đức Chúa Trời có thể mang lại nhiều ơn phước từ chỗ bị rủa sả nặng nề, nhưng những nhân vật nầy mà chúng ta đang nghiên cứu – và đặc biệt là Môise tối nay – sẽ không trở thành hạng người cao trọng của Đức Chúa Trời, và là đấng cứu tinh như họ đã là đấng cứu tinh, nếu không nhờ vào những lần thử thách của họ! Nếu Đức Chúa Trời không hạ họ xuống những lộ trình khó khăn nầy, họ sẽ không bao giờ trở thành Ápraham, tổ phụ của đức tin; Giacốp sẽ không trở thành Israel và là tổ phụ của dân tộc; Giôsép sẽ không bao giờ được dấy lên đến ngôi của Pharaôn và có thể là viên quản gia mọi sự hầu làm giảm bớt đau khổ khi nạn đói đến, không những cho Ai cập mà còn cho Israel nữa - và chúng ta sẽ không có Đấng Mêsi của chúng ta ngày hôm nay! Quí vị cần phải nhận biết điều nầy: những lần thử thách, và các nan đề, và sự rối rắm mà hết thảy họ đều đối diện đã khiến họ ra hạng người mà họ phải trở thành.
Bây giờ, nếu quí vị vào sâu hơn rồi hỏi tôi: 'Sao lại như thế được?', đó là chỗ mà tôi bị kẹt cứng! Tôi không biết cái rắc rối tại sao mọi việc phải chạy theo góc độ đó, mà lại thực như thế. Có lẽ chúng ta có một câu trả lời. Harold Kushner, tôi không biết ông có nhớ quyển sách nầy hay ông đã đọc nó, nhưng ông đã viết một quyển sách có đề tựa: 'Khi những việc tồi tệ xảy ra cho hạng người nhơn đức' – khi những việc tồi tệ xảy ra cho hạng người nhơn đức, và đây là lẽ mầu nhiệm của việc chịu khổ và đau khổ. Tại sao người công bình phải chịu khổ, còn kẻ ác và người bất kỉnh dường như lại thịnh vượng? Đây là lý thuyết quan trọng có trong Thi thiên của David ở bất cứ thời điểm nào. R.C. Sproul, nhà thần học và là giáo sư Kinh Thánh, từng bị tra hỏi: 'Sao những việc tồi tệ lại xảy đến cho hạng người nhơn đức chứ?'. Hãy lắng nghe câu trả lời của ông, vì tôi nghĩ câu trả lời nầy rất hay, ông ta nói: 'Tôi chưa gặp bất kỳ một người nhơn đức nào hết, vì vậy tôi không biết được'. – tất nhiên, cách định nghĩa của ông về 'nhơn đức' là 'trọn lành', tôi nghĩ thế. Chúng ta không nói về hạng người sống đạo đức, tử tế và hoà thuận với xóm giềng, nhưng những gì ông đang nói với ý nghĩa thần học là: 'Chẳng có ai nhơn đức, trừ ra Đức Chúa Trời, chẳng có ai lành hết, chẳng có ai tìm kiếm Đức Chúa Trời, nhưng mỗi người sanh ra trong dòng giống con người đều được thai dựng từ trong tội lỗi trong lòng mẹ của họ, sanh ra trong tội lỗi, được nắn đúc trong tội lỗi – bị hư hoại trong từng lãnh vực của cuộc sống, có thể họ không hư hoại đến thế, nhưng họ đã bị vặn cong trong mọi sự'.
"Đừng sống giống như đứa trẻ hư hỏng rồi nói: 'Tôi không đáng như vậy'. Đừng nói: 'Sao Chúa lại khiến tôi phải chịu đựng điều nầy? Tôi kiếm được điều nầy bằng cách nào?'".
Vì vậy, những việc tồi tệ không xảy ra cho hạng người nhơn đức, những việc tồi tệ đặc biệt xảy ra cho hạng tội nhân – và khi chúng ta xem xét qua sự việc, chúng ta thấy đôi điều rõ ràng hơn sự nghịch lý có trong đau khổ, rằng Đức Chúa Trời để cho đau khổ bước vào đời sống của người tin Chúa, trong đời sống của người công bình, là những người đã được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, vì mục đích của việc biến người xấu thành người tốt! Phải chăng chúng ta không nhìn thấy sự ấy ở phần cuối cuộc đời của Giôsép? Trong Sáng thế ký 50 và câu 20 ông nói với các anh của mình, họ đã bán ông vào vòng nô lệ và bỏ ông xuống cái hố rồi khiến cho ông phải gánh chịu đau khổ trong mọi sự mà ông đã trải qua suốt cuộc đời của ông: 'Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo'. 'Các anh toan làm điều ác, còn Đức Chúa Trời lại muốn tôi có mặt ở đây vì ý định tốt của Ngài, vì lý do của Ngài, và lý do ấy là phước hạnh'.
Trong mọi đường lối của Đức Chúa Trời, mà quí vị vốn biết rõ rồi – tôi mong thế – không phải là đường lối của chúng ta, trong trong mọi tư tưởng của Đức Chúa Trời, không phải là tư tưởng của chúng ta. Những lần thử thách nầy rất cần thiết, vì đó là điều ích lợi. Quí vị đừng sống như một đứa trẻ hư hỏng rồi nói: 'Tôi không đáng được điều nầy'. Đừng nói: 'Sao Đức Chúa Trời lại khiến tôi phải chịu đựng điều nầy? Tôi kiếm được điều nầy bằng cách nào?', vì những lần thử thách nầy – nếu chúng ta tin theo Đức Chúa Trời, và nếu chúng ta là những người tin Chúa, chúng ta phải tin theo Lời của Ngài – chúng đang dầm thấm nhiều ảnh hưởng trên đời sống của quí vị, chúng khiến cho nhiều người nam người nữ của Đức Chúa Trời ra từ chúng ta, chúng làm cho chúng ta trưởng thành, chúng đưa chúng ta qua khỏi lò lửa hực, và giống như Gióp là người đã cung ứng cho chúng ta đề tựa của loạt bài học nầy – ông ta có thể nói: 'Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng'. Quí vị sẽ nhìn thấy điều nầy qua các bài nghiên cứu nầy, làm ơn đừng bỏ qua nhé – và khi chúng ta nhìn vào Môise tối nay, Đức Chúa Trời có thể mang lại phước hạnh từ các thảm hoạ nặng nề nhất, còn hơn thế nữa: Đức Chúa Trời mang lại sự trưởng thành và Đức Chúa Trời mang lại sự trong sạch. Nói như thế có nghĩa là có một mục đích thiêng liêng trong nỗi đau khổ của quí vị. Quí vị có thể nhìn thấy qua một cặp kính đen khi quí vị đang ngồi với các nan đề và những thử thách đầy tối tăm của quí vị, và quí vị có thể hỏi tại sao – nhưng hãy ngợi khen Đức Chúa Trời, tôi không biết tại sao, quí vị có thể không biết tại sao, nhưng có một Đấng ở trên trời vốn biết rõ lý do tại sao!
Thường thì khi trao đổi với hạng người đang nếm trải nhiều nan đề, tôi tưởng như mình đang bước đi qua thử thách, rắc rối mà lọt vào một mê cung vậy. Tôi muốn ví đời sống của Môise với cái mê cung trong phần nghiên cứu tối nay của chúng ta. Nếu quí vị từng nếm trải một mê cung, quí vị sẽ biết rõ nó lộn xộn là ngần nào – quí vị không biết sẽ xoay sở thế nào, bên trái hay bên phải, hoặc trở lui lại chỗ mà quí vị đã bắt đầu, hay hướng tới trước, quí vị có sự sợ hãi tưởng chừng như sắp bị chết mất vậy. Nỗi sợ ấy ghê khiếp cho tới chừng quí vị lui ra, nếu quí vị muốn lui ra. Thế nhưng có một cách vượt qua cái mê cung đó thành công là nếu quí vị có một người bạn đang đứng trên một ngọn đồi, và người bạn đó có thể nhìn xuống từ trên trời, nhìn xuống tận mê cung của quí vị – họ có thể nhìn thấy vị trí mà quí vị xuất phát, họ có thể nhìn thấy nơi mà quí vị cần phải bước tới – và nếu quí vị nghe theo những sự chỉ dẫn của họ, quí vị sẽ vượt qua và ra khỏi ở đầu kia của mê cung một cách thành công. Há đấy không phải là cảnh ngộ cho cuộc sống của chúng ta sao? Chúng ta đụng phải bức tường đá ngay lúc bây giờ và trở đi, nhưng có một Đấng trên cao, Ngài có thể nhìn thấy mọi điều từ đó. Ngài có thể nhìn thấy Ngài sẽ dẫn chúng ta cách nào để ra khỏi đó.
Đấy là những gì đã xảy đến cho đời sống của Môise. Đời sống của Môise, như chúng ta đã đọc thấy, là một câu chuyện nói tới sự giải cứu. Đức Chúa Trời đã đưa ông đi qua một mê cung. Quí vị có thể nói: 'Tại sao Đức Chúa Trời lại đưa ông đi qua một mê cung? Tại sao Đức Chúa Trời không đưa ông qua một lối thoát, một đường thoát khẫn cấp thẳng tắp rồi đưa hết dân sự ra theo, sao không sử dụng nó? Tại sao Đức Chúa Trời lại đưa quí vị đi qua một mê cung chứ? Một lối thoát, một đường đi theo kiểu cứu hoả há không hay hơn sao?’ Phải, quí vị nhìn thấy sự Xuất Ai cập không những là là câu chuyện nói tới sự giải cứu của một dân tộc, mà sách Xuất Êdíptô ký là một câu chuyện nói tới sự tiến bộ của một con người. Những giải pháp dễ dàng, mau chóng, những kết quả thuộc linh dễ có không tạo ra hạng người trưởng thành, tiến bộ – vì Môise đã nhận lấy một mê cung, và đối với chúng ta tôi nghĩ cũng nên nhận lấy một mê cung nữa. Tôi nghĩ chúng ta có thể nhận ra mê cung của Môise tối hôm nay.
Những giải pháp dễ dàng, mau chóng, những kết quả thuộc linh dễ có không tạo ra hạng người trưởng thành, tiến bộ – vì Môise đã nhận lấy một mê cung, và đối với chúng ta tôi nghĩ cũng nên nhận lấy một mê cung nữa. Tôi nghĩ chúng ta có thể nhận ra mê cung của Môise tối hôm nay.
Việc đầu tiên tôi mong muốn quí vị phải lưu ý là lối vào mê cung của cuộc sống kinh khủng nầy mà ông đã bước vào. Chúng ta đã đọc thấy trong các câu 1- 4 trong chương 2, và tiểu đoạn nầy gây ấn tượng nơi tôi mỗi lần tôi nhìn xem một vị tộc trưởng hay một nhân vật trong Cựu Ước, có bao nhiêu người trong số những người thuộc về Đức Chúa Trời như thế nầy đã được chọn từ lúc sanh ra. Quí vị có nhớ Giêrêmi, chúng ta có một cái nhìn trộm vào lòng của mẹ ông, và Đức Chúa Trời phán: 'trước khi ngươi sanh ra, ta đã biệt riêng ngươi, lập ngươi làm kẻ tiên tri cho các nước'. Toàn bộ Lời của Đức Chúa Trời đầy dẫy với những lần sanh ra đời kỳ lạ – quí vị có Ysác, Giacốp, Samuên, Samsôn; trong Tân Ước, Giăng Báptít, và rồi quí vị có sự giáng sinh kỳ diệu của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giêxu Christ sanh ra bởi một nữ đồng trinh. Về một ý nghĩa, sự ra đời của Môise chẳng có gì là lạ hết, vì lối ông nhập vào thế gian chắc chắn là phi thường rồi – lối vào ấy thật là siêu nhiên. Không phải siêu nhiên ở sự mang thai ông và sự ông ra đời theo phần xác, mà là những gì chúng ta đọc thấy quanh các sự cố khi ông ra đời.
Tôi tin rằng người đờn bà nầy, là mẹ của Môise, là một người nữ tin kính. Tôi sẽ cung ứng cho quí vị lý do tại sao tôi tin bà là một người nữ tin kính. Việc đầu tiên là việc nầy đây: bà đã chọn ý chỉ của Đức Chúa Trời cao hơn những tình cảm tự nhiên của mình – bà đã chọn ý chỉ của Đức Chúa Trời cao hơn những tình cảm tự nhiên của mình. Hãy tưởng tượng xem quí vị đang đặt đứa con trai nhỏ của mình vào một chiếc rương mây rồi thả xuống dòng sông Nile – hãy tưởng tượng điều đó xem! Nhưng bà vốn biết rõ đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời, và có những lúc trong đời sống của chúng ta, là những người làm cha, những người làm mẹ, khi tra xét lòng mình cùng mọi nan đề riêng của chúng ta, khi chúng ta phải để cho ý chỉ của Đức Chúa Trời thắng hơn mọi xảm xúc của mình – những việc mà chúng ta cảm thấy chúng ta phải làm, đúng hơn chúng ta phải biết rõ việc mà mình phải lo làm. Lý do thứ hai, sở dĩ tôi tin bà là một người mẹ tin kính, ấy là vì bà đã tin vào sự bảo hộ siêu nhiên và tối cao của Đức Chúa Trời. Quí vị có nghĩ rằng bà đã đẩy đứa con đó xuống dòng sông Nile nếu bà không có đức tin nơi Đức Chúa Trời khi tin rằng Đức Chúa Trời siêu nhiên vốn có sự toàn năng để bảo hộ cho đứa con trai của bà? Dĩ nhiên là bà đã tin, ấy là bởi đức tin mà bà đã đẩy đứa con xuống dòng sông! Thứ ba, và có lẽ hầu hết mọi lý do tôi tin bà là một người mẹ tin kính ấy là bà đã quyết định cho thiên đàng chớ không phải cho trần gian. Quí vị có thấy như thế không? Bà đã quyết định cho thiên đàng chớ không phải cho trần gian. Tôi đã nói cho quí vị biết trước đây rằng sự ao ước của hết thảy những người đờn bà Hêbơrơ là sanh ra Đấng Mêsi, trở thành mẹ của đấng cứu tinh vĩ đại – thậm chí kể từ Êva, như chúng ta đã nói rồi, từ Sáng thế ký 3.15 mỗi người nữ Do thái Hêbơrơ đều muốn mình là người nữ sẽ đưa Đấng Mêsi vào trong thế gian. Theo một ý nghĩa, hết thảy các đấng cứu tinh nầy trong Cựu ước đều là đấng mêsi – những đấng mêsi với chữ “đ” thường, không viết hoa. – chỉ ra Đấng Mêsi, Đấng Mêsi, Đấng Cứu Tinh của Đức Chúa Trời.
Tôi tin rằng người mẹ nầy của Môise không có gì khác biệt hơn bất kỳ một người đờn bà Hêbơrơ nào khác. Chính trong tấm lòng của bà, bà mong muốn trở thành người sanh ra đấng cứu tinh. Cũng một thể ấy với Anne, quí vị có nhớ Anne không? Ở cuối sách Giôsuê và sách Các Quan Xét, chúng ta thấy chẳng có vua trong Israel, và mỗi người đều làm theo ý mình cho là phải – quí vị có nghĩ rằng Anne không biết gì về điều đó chăng? Tất nhiên là bà không biết rồi! Một người nữ tin kính và chồng của bà, và ở đó bà đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời – và bà chỉ mong muốn mình được có thai mà thôi? Tất nhiên bà không muốn bấy nhiêu đâu, bà mong muốn một đứa con trai, một đứa con sẽ đến và làm vinh hiển cho Đức Chúa Trời, và trở thành một đấng cứu tinh cho dân sự, họ chưa có một đấng cứu tinh. Cũng vậy đối với mẹ của Môise. Anne đã tin tưởng con trai mình là Samuên mới đem dâng cho Hêli, để phục vụ trong đền thờ, vì đấy là lý do tại sao ông ra đời. Bà đã tin tưởng ông khi ở trong ngôi nhà của sự đồi bại, ở đó hai người con trai của Hêli đã sống trong một sự gớm ghiếc và thờ lạy hình tượng tà giáo – nhưng bà đã tin vào sự toàn năng của Đức Chúa Trời, tin vào sự bảo hộ và chăm sóc siêu nhiên của Ngài.
Cho phép tôi nói với hết thảy chúng ta tối nay, là trong thời đại mà chúng ta đang sinh sống, Đức Chúa Trời cần rất nhiều người nam người nữ, Đức Chúa Trời cần tới bậc phụ huynh cùng những Cơ đốc nhân nào sẽ chỉ dạy cho lớp người trẻ và thiếu nhi theo đường hướng tin kính. Câu hỏi mà tôi cảm thấy cần phải đưa ra, và phải hỏi là: điều chi là quan trọng hơn cho chúng ta tối nay? Hỡi người làm cha, điều chi là quan trọng cho quí ông tối nay: rằng con của quí vị phải qua lớp 12, rằng chúng phải lên đại học, hay chúng phải có một cơ nghiệp không hư nát không suy tàn, được để dành trên các từng trời cho chúng? Điều chi là quan trọng hơn? Chúng ta đang có một xã hội và một hệ thống giáo dục và một cái thang địa vị nói cho quí vị biết quí vị chẳng là gì cả nếu quí vị không biết một việc, nếu quí vị không có những tư cách xứng đáng, nếu quí vị không có một tài năng. Chỉ khi ấy chúng ta mới đẩy con cái mình theo chiều hướng đó, và tôi không có ý dèm pha nền giáo dục cùng hết thảy mọi sự nầy, mà thắc mắc là đây: tối nay hết thảy chúng ta phải đối diện với: điều chi là quan trọng nhất?
"Có những sự lựa chọn khó mà lớp người trẻ phải thực hiện, và bố mẹ phải đưa ra, nhưng không có sự lựa chọn nào lớn lao hơn sự lựa chọn nầy: là giữa nhiều việc quan trọng chúng ta phải chỉ cho con cái mình biết Đấng Christ, chúng ta phải thúc đẩy chúng hướng vào những vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời, và chúng ta nên dâng con cái mình cho Đức Chúa Trời!"
Có những sự lựa chọn khó mà lớp người trẻ phải thực hiện, và bố mẹ phải đưa ra, nhưng không có sự lựa chọn nào lớn lao hơn sự lựa chọn nầy: là giữa nhiều việc quan trọng chúng ta phải chỉ cho con cái mình biết Đấng Christ, chúng ta phải thúc đẩy chúng hướng vào những vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời, và chúng ta nên dâng con cái mình cho Đức Chúa Trời! Đừng phạm sai lầm, như nhiều Cơ đốc nhân hiện đại đang mắc phải, về việc nhồi nhét năng lực của họ vào con trai con gái của họ, và khích lệ con cái của họ phải làm tốt mọi việc trừ ra những vụ việc thuộc về Đức Chúa Trời. Thế rồi khi họ trở thành hạng người có sự nghiệp, và tất cả những gì họ chú trọng vào đều là một chiếc xe hơi thật to, và một ngôi nhà đồ sộ, họ đang đứng tự hỏi mình: 'Tại sao con trai con gái của tôi không ham thích gì đến các vụ việc của Đức Chúa Trời?'. Chúng ta hãy dâng con cái mình cho Đức Chúa Trời – thậm chí khi chúng phải đưa ra sự lựa chọn riêng của chúng, còn chúng ta hãy làm những gì có thể làm cho chúng.
Nhưng có một nguyên tắc thuộc linh khác ở đây làm ấm áp tấm lòng tôi và là một phước hạnh cho tôi, và chúng ta đã thấy ơn phước đó rồi trong các phần nghiên cứu của chúng ta – khi quí vị dâng một điều gì đó cho Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời luôn luôn ban lại dư dật cho quí vị. Quí vị có tin như thế không? Chúa Giêxu đã phán như thế trong Luca chương 6.38: 'Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy'. Quí vị có thấy người mẹ kia đang đẩy đứa con nhỏ xuống sông Nile, bà ta đã dâng đứa con ấy cho Đức Chúa Trời không? Hãy nhìn vào chương 2 với tôi trong một phút câu 7. Con gái của Pharaôn bước xuống tắm dưới sông Nile, và một trong các tôi tớ của nàng nhặt lấy chiếc rương nhỏ trên dòng nước đó. Câu 6: ‘Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc'. Nàng bèn nhận ra, có lẽ từ nước da của nó, rằng nó là ‘một đứa trẻ Hêbơrơ’. Thế rồi trong câu 7, Miriam là chị nó đã đi theo chiếc rương nhỏ đó dọc theo suốt dòng sông Nile, nó nói với con gái của Pharaôn: 'Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hêbơrơ đặng cho đứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó kêu mẹ của đứa trẻ. Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú!'
Giờ đây hãy để ý việc nầy: bà đã dâng con của mình cho Đức Chúa Trời, và sự thể đau lòng là dường nào, nhưng Đức Chúa Trời đã ban trở lại đứa con cho bà và Ngài còn trả tiền công cho bà nữa! Đúng như thế đó! Đừng sợ hãi về việc dâng hiến mọi việc cho Đức Chúa Trời. Hãy nhớ Ápraham đã đem dâng Ysác, ông đã sẵn sàng để đâm thật sâu con dao vào lồng ngực của con trai mình, và Đức Chúa Trời đã làm gì? Ngài đã ngăn chận ông – và vì ông đã sẵn lòng dâng Ysác, Đức Chúa Trời đã ban Ysác cho trở lại – và Đức Chúa Trời đã ban cho Ápraham mọi lời hứa nói rằng dòng dõi ông sẽ giống như cát trên bãi biển, và ngôi sao ở trên trời, và Ngài đã ban cho ông một điểm A+ trong bài thử thách về đức tin! Đức Chúa Trời không mắc nợ một người nào, và ngày hôm nay họ vẫn còn ngợi khen Đức Chúa Trời. Hãy tin tôi, nếu quí vị dâng mọi sự cho Đức Chúa Trời, quí vị không mất mát gì đâu. Tôi nghĩ, và tôi biết tôi cứ làm việc nầy mãi thôi, nhưng tôi nghĩ rằng sau sự cứu rỗi thì không còn có một lẽ thật nào quan trọng hơn nữa – tôi nghĩ rằng đây là phần tóm tắt tất cả những vụ việc thuộc linh thực tế, đó là lẽ mầu nhiệm của đời sống thuộc linh nếu có bất kỳ một lẽ mầu nhiệm nào, và đó là một lẽ mầu nhiệm không hạn chế: hỡi con cái của Đức Chúa Trời, hãy dâng mọi sự cho Đức Chúa Trời! Chỉ bấy nhiêu đó thôi! Quí vị có thể nói về phước hạnh thứ hai, quí vị có thể nói tới mọi sự ở dưới mặt trời, nhưng quí bạn tôi ơi, hãy dâng mọi sự cho Đức Chúa Trời – đó là lẽ mầu nhiệm nếu có bất kỳ một lẽ mầu nhiệm nào, lẽ mầu nhiệm đó là đây:
'Tôi đem mọi sự đầu phục Chúa Giêxu,
Tôi dâng rời rộng hết thảy cho Ngài.
Tôi sẽ yêu mến và tin cậy Ngài,
Sống mỗi ngày trong sự hiện diện của Ngài.
Tôi đem mọi sự mà đầu phục,
Dâng mọi sự cho Ngài
là Cứu Chúa yêu dấu của tôi,
Tôi đem mọi sự mà đầu phục Ngài!'
“Tôi nghĩ rằng đây là phần tóm tắt tất cả những vụ việc thuộc linh thực tế, đó là lẽ mầu nhiệm của đời sống thuộc linh nếu có bất kỳ một lẽ mầu nhiệm nào, và đó là một lẽ mầu nhiệm không hạn chế: hỡi con cái của Đức Chúa Trời, hãy dâng mọi sự cho Đức Chúa Trời!”
Nếu quí vị làm theo lẽ mầu nhiệm ấy quí vị sẽ không đánh mất một điều gì cả. Phải, đấy là lối mà ông đã bước vào cuộc sống. Chúng ta thực sự chưa đọc nhiều về đời sống của ông, nhưng chúng ta thấy rằng ít nhất điều nầy đã xảy ra: sau khi con gái của Pharaôn vớt lấy đứa nhỏ, nó liền có một khởi điểm đầy hứa hẹn trong cuộc sống. Điểm thứ hai của quí vị: Môise có một khởi sự đầy hứa hẹn, huy hoàng trong cuộc sống. Giờ đây tôi dám chắc, khi chúng ta đọc tới chỗ nầy, đây sẽ không là lộ trình mà mẹ của Môise đã chọn – để ông được vào trong hoàng cung vô thần của xứ Ai cập, thực ra là kẻ áp bức cha mẹ ruột ông hiện đang là nô lệ, là kẻ thù của người Hêbơrơ. Tuy nhiên, như tôi đã nói cho quí vị mới đây vào các buổi sáng Chúa nhật, Augustine đã phải sang Nước Ý tà giáo để được biến đổi khi đang chống lại những lời cầu nguyện của mẹ ruột của ông. Đức Chúa Trời không luôn luôn trả lời cầu nguyện của chúng ta theo đường lối mà chúng ta trông mong chúng được trả lời, nhưng Ngài luôn luôn ban cho chúng ta những việc tốt lành.
Cũng vậy, chúng ta phải tin, là uy thế của Môise trong gia đình hoàng gia xứ Ai cập đều là do ý muốn của Đức Chúa Trời. Quí vị có tin như thế không? Chúng ta biết rất ít về 40 năm đầu đời của ông trong hoàng cung, nhưng chúng ta biết nhiều về điều nầy: Môise không phải là một con người trung lập. Không bao lâu sau khi ông bước vào hoàng cung đó, là một đứa trẻ nhỏ trong chiếc rương kết bằng mây, ông đã trở thành cháu ngoại của Pharaôn, thực như thế. Khi ông lớn khôn đủ, chúng ta tin có lẽ ông đã được gửi gấm và đã tốt nghiệp đường học vấn tại Ai cập, một trường trung hay đại học đã mọc lên, các vị học giả cho chúng ta biết, quanh đền thờ thần Mặt Trời – trường nầy được gọi là Đại học đường Oxford của xứ Ai cập. Hãy cùng tôi mở ra Công vụ Các Sứ đồ chương 7 trong một phút, Công vụ Các Sứ đồ chương 7, và trong bài giảng quan trọng của Êtiên trước khi ông tuận đạo cho Chúa, ông nói, sau khi lần qua lịch sử của người Do thái và thể nào Đức Chúa Trời đã dẫn dắt dân sự của Ngài, trong câu 22 ông nói tới Môise: 'Môi-se được học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô'. Và quí vị thấy ngay ở đây, trong xứ Ai cập, Đức Chúa Trời đang rèn đúc Môise cho những ngày tháng có ở trước mặt, Đức Chúa Trời đang đào tạo ông trở thành một người cai trị – không phải một người cai trị trong xứ Ai cập, mà là một người cai trị trong một tân quốc gia và một dân tộc Israel mới. Nhưng hãy xem Công vụ Các Sứ đồ chương 7 trong một phút đi, vì chúng ta đang nhìn thấy Môise là một sinh viên của hoàng tộc. Êtiên nói cho chúng ta biết ông là phát ngôn viên và ông là một chiến sĩ, Kinh thánh chép về ông 'lời nói và việc làm đều có tài năng' – lời lẽ của chức năng phát ngôn viên của ông, cùng mọi việc làm là sự tinh thông như một chiến sĩ vậy.
Vì vậy, đây là một học giả, đây là một hoàng tử, đây là một phát ngôn viên tài năng, đây là một chiến sĩ dũng cảm. Josephus, sử gia Do thái, nói cho chúng ta biết trong khi Môise vẫn còn trong lứa tuổi thanh niên, người Êthiôpi đã đến bao vây xứ Ai cập. Quân đội của người Ai cập đã bị đe doạ sắp bị tiêu diệt, và quân Êthiôpi sắp sửa hủy diệt thành phố, thành phố Memphis của người Ai cập, rồi trong sự hoảng loạn, hết thảy các cấp lãnh đạo người Ai cập đến tư vấn lời sấm truyền về Ai cập. Chúng ta được biết, về sự hấp dẫn của lời sấm truyền, Môise được giao phó chỉ huy quân đội hoàng gia. Ngay lập tức ông đã ra chiến trường, đã làm cho quân thù phải kinh ngạc và ông đã đánh bại họ, chiếm lấy nhiều thành phố của chúng rồi trở về Ai cập với nhiều chiến lợi phẩm. Đấy là những gì lịch sử đã ghi lại cho chúng ta biết! Đây là một học giả trẻ tuổi, một hoàng tử của hoàng tộc, một nhà quí tộc, và là một chiến binh chiến thắng lẫy lừng. Quí vị phải thông cảm vì với mọi sự ấy không đem lại cho Môise điều tốt đẹp hơn. Vì trong 40 năm đầu đời, ông đã sống một đời sống vương giả với các địa vị cao tột ở xứ Ai cập đang rộng mở cho ông. Quí vị chắc chắn sẽ nghĩ chàng thanh niên nầy cứ sẽ thăng quan tiến chức mãi – nhưng chúng ta đọc thấy đây không phải là trường hợp đó! Không phải như thế đâu, vì những điều sâu lắng trong tâm hồn của chàng thanh niên Môise là lai lịch của ông.
"Ông không phải là người phân tâm trong quyết định của mình. Nếu đó là quí vị hay là tôi, có lẽ chúng ta sẽ dùng ảnh hưởng của mình là Pharaôn hay là hoàng tử trong hoàng cung để giúp đỡ cho người thân thuộc huyết thống của mình, là người Hêbơrơ, trong cảnh nô lệ – nhưng đối với ông thì không! Ông đã làm một cú dứt bỏ, ông đã tự cắt bỏ một cách hoàn toàn".
Điều nầy thật là hay, hãy nhìn xem Công vụ Các Sứ đồ chương 7 và câu 23, câu nầy nói rằng: 'Nhưng lúc người được đầy bốn mươi tuổi rồi, trong lòng nhớ đến, muốn đi thăm anh em mình là con cái Y-sơ-ra-ên'. Ngọn lửa lai lịch của ông, thực sự ông là ai trong con mắt của người anh em Hêbơrơ và trong con mắt của Đức Chúa Trời Toàn Năng, bắt đầu nhen lên như một ngọn lửa không thế nào dập tắt cho được khi mỗi ngày ông nghe thấy tiếng kêu của những tên nô lệ rên rỉ trong những cánh đồng khô hạn dưới lằn roi của tên cặp rằn. Ông đã nghe thấy tiếng roi quất vùn vụt đó, và nó có một âm thanh – sâu lắng trong lồng ngực của ông, và tôi dám chắc rằng đã có một thời kỳ ông đã vật vã giữa địa vị huy hoàng của mình và thực sự ông là ai, nổi khắc khoải ấy nằm sâu trong lồng ngực của ông. Quí vị biết rõ câu chuyện rồi. Quí vị có thể hình dung ra sự can đảm có cần cho nhân vật nầy, và giá ông phải trả khi đến với người mẹ nuôi mình, là con gái Pharaôn nữ ân nhân của ông, khi muốn biết trọn mọi điều mà công chúa đã nuôi nấng ông, ông biết rõ số phận của mình sau lần gặp gỡ đó, nên ông đã chọn lấy quyền công dân của một dân tộc nô lệ!
Josephus nói cho chúng ta biết rằng Pharaôn nầy không có con cái chi hết trừ ra cô công chúa đó. Ông nói cho chúng ta biết cô công chúa của ông ta không có một đứa con nào khác trừ ra đứa con nuôi Môise, và sự thật cho thấy rằng Môise sẽ nối ngôi vua ở Ai cập. Thế nhưng ông đến với căn phòng có ngai vàng đó và nói chuyện với người mẹ nuôi của mình, và ông đã từ chối hết mọi sự ấy! F.B. Meyer, nhà học giả Kinh Thánh lỗi lạc, nói: 'Các yếu tố cao thượng trong quyết định của Môise có ba phần' – tôi muốn quí vị lắng nghe sự việc nầy, làm thế nào ông đến với quyết định đó, và làm thế nào ông lấy hết can đảm để đưa ra quyết định ấy. Trước hết quyết định nầy đã được đưa ra trong tình trạng ông có đầy đủ quyền hạn rồi. Môise chẳng có lợi lộc gì qua quyết định nầy, ông đã có mọi sự trong xứ Ai cập, nhưng ông đã đi lên từ những nấc thang thấp hèn nhất trong thế gian – siêu cường quốc số 1 – và ông đã bỏ trôi hết thảy. Thứ hai, quyết định nầy được đưa ra khi số phận của con cái Israel đã ở mức thấp kém tột cùng của họ. Ông đã đi từ những đỉnh điểm cao tột và giàu có huy hoàng nhất xuống tình trạng sa bại thấp kém nhất của con người. Hãy tưởng tượng điều đó xem: ông đã từ bỏ cung điện để lấy một túp lều làm bằng bùn đất, ông đã từ bỏ khô lân chả phụng để lấy thứ bánh tồi tàn nhất, ông đã đi từ vinh quang, tôn trọng xuống tới chỗ bị thù ghét và khinh miệt, từ giàu có xuống nghèo khổ và khó nhọc. Thế rồi ông đã gập cổ mình xuống chịu lấy cái ách, dù nó xù xì xấu xí, dù nó nặng nề, ông đã gập cổ mình xuống chịu lấy cái ách đó vì đó là ý chỉ của Đức Chúa Trời và đó là sự bằng lòng của ông! Thứ ba, đây là một quyết định đã được đưa ra khi mọi khoái lạc của tội lỗi dường như quyến rũ nhất. Môise có thể không động đến móng tay vào một việc gì hết, thế nhưng ông đã từ chối cả thảy. Thứ tư, và có lẽ trên hết mọi sự, quyết định nầy rất là kiên định. Ông không phải là người phân tâm trong quyết định của mình. Nếu đó là quí vị hay là tôi, có lẽ chúng ta sẽ dùng ảnh hưởng của mình là Pharaôn hay là hoàng tử trong hoàng cung để giúp đỡ cho người thân thuộc huyết thống của mình, là người Hêbơrơ, trong cảnh nô lệ – nhưng đối với ông thì không! Ông đã làm một cú dứt bỏ, ông đã tự cắt bỏ một cách hoàn toàn.
Có thể quí vị nói: 'Ồ, tôi ước chi tôi có thể sống giống như nhân vật Môise', có phải không? Tôi đang sống đây! Làm sao ông có thể sống được như thế chứ? Cho phép tôi chỉ cho quí vị thấy ông đã sống như thế bằng cách nào, hãy cùng tôi mở ra trong Hêbơrơ 11, Hêbơrơ 11. Có một điều cho tôi biết, chúng ta chưa thông suốt phần nghiên cứu nầy tối nay – nhưng chúng ta hãy dành thì giờ cho điều nầy, vì đây là điều rất quan trọng. Hêbơrơ 11.24: 'Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn’, 40 tuổi, ‘bỏ danh hiệu mình là con trai của công chúa Pha-ra-ôn, đành cùng dân Đức Chúa Trời chịu hà hiếp hơn là tạm hưởng sự vui sướng của tội lỗi, người coi sự sỉ nhục về Đấng Christ là quí hơn của châu báu xứ Ê-díp-tô, vì người ngửa trông sự ban thưởng. Bởi đức tin, người lìa xứ Ê-díp-tô không sợ vua giận; vì người đứng vững như thấy Đấng không thấy được'. Làm thế nào ông đưa ra quyết định nầy trong lúc có đầy đủ quyền lực trong tay mình, trong khi con cái Isarel đang sống ở mức thấp kém nhất? Làm sao ông dứt bỏ được khi mọi khoái lạc của tội lỗi đang rộng mở đối với ông? Sao ông có thể dứt bỏ một cách dứt khoát như thế chứ? Tôi nói cho quí vị biết: ấy là bởi đức tin! Đừng quên điều đó nhé!
Cần phải xác định vấn đề nầy cho quí vị một cách đơn giãn như sau: ông đã tin theo Đức Chúa Trời. Ông đã tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời cho các tổ phụ mình, ông đã tin theo lời hứa của Đức Chúa Trời cho Ápraham là sau 400 năm nô lệ ở xứ Ai cập thì dân tộc ông sẽ được giải cứu. Ông đã tin – ông đã biết rõ theo niên đại của tờ lịch – rằng thời kỳ ấy đã gần rồi. Ông đã có đức tin vì cớ Lời của Đức Chúa Trời! Quí vị biết như thế, và tôi nhìn biết như thế, theo ánh sáng của Tân ước, là đức tin đến bởi sự người ta nghe, và người ta nghe là khi lời của Đức Chúa Trời được rao giảng. Ông đã nghe thấy lời của Đức Chúa Trời ở trong lòng mình, ông đã nghe lời của Đức Chúa Trời từ các vị tiên tri, và ông tin rằng Đức Chúa Trời có một việc gì đó sáng láng cho con cái của đức tin hơn là cung điện vương giả trong xứ Ai cập dành cho con cái của Pharaôn. Đức tin! Hêbơrơ 11 câu 1: 'là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy'. Ápraham được truyền cho phải ra khỏi vòng quê hương mình rồi đi đến một nơi mà ông chẳng biết, và ông đã bước đi bởi đức tin mà không biết mình đi đâu. Giôsép đã bước đi bằng đức tin, Giacốp đã bước đi bằng đức tin, đây là những người nam người nữ có đức tin – và ở đây chúng ta có Môise không biết ông sẽ đi tới đâu, có lẽ thế, nhưng ông chắc chắn biết rõ những điều mà ông đang để lại sau lưng, nhưng ông đã chọn tin theo Đức Chúa Trời.
"Có những sự lựa chọn mà quí vị và tôi có những lúc phải đưa ra, và chúng sẽ khiến chúng ta phải trả giá. Có những lúc mà chúng ta không dám đưa ra những sự lựa chọn, nhưng bàn tay kỷ luật của Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Cha yêu thương, đến trong đời sống của chúng ta và Ngài cất đi một số nương tựa mà chúng ta đang sử dụng, một số điều mà chúng ta lấy làm ưa thích với và những điều ấy đang nằm trên chiếc bàn thờ lòng của chúng ta".
Sự thể ấy há chẳng kỳ diệu sao? Khi quí vị nhìn xem bằng đức tin những điều mắt thường không sao thấy được – bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy? Những gì tai không thể nghe được, những điều tấm lòng của bất kỳ ai không thể tưởng tượng được, và quí vị vui vẻ chọn lấy con đường gian khổ hầu nhận lãnh những điều quí vị không thể nhìn thấy, những gì quí vị không thể chứng minh – thế nhưng minh chứng duy nhứt và bằng chứng duy nhất quí vị có trên con đường ấy là đức tin! Ồ, nếu chúng ta có thể sống giống như Môise và chúng ta có thể chối bỏ mình mà vác lấy thập tự giá đi theo Đấng Christ, như Môise đã làm. Giờ đây hãy lưu ý, tôi không nhầm lẫn gì về mặt tôn giáo ở đây – Kinh Thánh nói rằng ông đã bước theo Đấng Christ! Chính sự gần gũi với Đấng Christ mà ông đã kể là giàu có hơn mọi báu vật của xứ Ai cập. Ông đã kể Ngai Phán xét của Đấng Christ là phần thưởng tốt hơn mọi sự mà ông có thể nhận lãnh tại ngôi của Pharaôn, và bởi đức tin ông đã từ bỏ xứ Ai cập, và ông đã nhịn nhục, thấy Ngài như thấy Đấng không thấy được.
Đấy là loại đức tin mà những người nữ người nam cao trọng của Đức Chúa Trời đã có. Nói thẳng ra: họ đang nhìn thấy những điều mà hầu hết những người khác không trông thấy, và đó là đức tin. Môise đã đến với một cứu cánh chết chóc, và chúng ta không có thì giờ để xét qua cứu cánh ấy tối nay – nhưng há chẳng kỳ diệu sao, và há chẳng kỳ lạ sao, trong mê cung của Đức Chúa Trời, sau khi ông bước vào đó, sau khi ông khởi sự một cách hứa hẹn, ông đã làm đúng, mọi sự dường như đang chào đón Môise, há chẳng lạ lùng sao một khi Đức Chúa Trời đưa ông ra khỏi mọi sự giàu có đó? Đức Chúa Trời đã đưa ông xa khỏi các cung điện đền đài, Đức Chúa Trời đã tách ông xa khỏi mọi sự ấy, và đó là một sự tình nguyện từ bỏ dành cho ông, song một phải theo ý muốn và đường lối tối hậu của Đức Chúa Trời – và sự ấy đang xảy ra cho quí vị và cho tôi, có phải không? Có những sự lựa chọn mà quí vị và tôi có những lúc phải đưa ra, và chúng sẽ khiến chúng ta phải trả giá. Có những lúc mà chúng ta không dám đưa ra những sự lựa chọn, nhưng bàn tay kỷ luật của Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Cha yêu thương, đến trong đời sống của chúng ta và Ngài cất đi một số nương tựa mà chúng ta đang sử dụng, một số điều mà chúng ta lấy làm ưa thích với và những điều ấy đang nằm trên chiếc bàn thờ lòng của chúng ta.
Tại sao ông lại đưa ra sự lựa chọn đó? Ông đưa ra sự lựa chọn đó vì sự lựa chọn đó là tốt hơn – quí vị có tin như thế chăng? Đó là những gì Môise đã tin theo: tốt hơn là từ bỏ xứ Ai cập và phải chịu khổ như một nô lệ. Cho phép tôi đọc cho quí vị nghe một bài thơ do Martha Snell-Nicholson sáng tác, mới đây tôi có đọc một bài cho quí vị nghe rồi, bài thơ nầy trích từ một quyển sách có đề tựa là 'Cung điện bằng ngà' và bài thơ có tên là 'Châu báu'. Bài thơ đó tóm tắt mọi sự mà Môise đã kinh nghiệm trong cuộc đời của ông, và là những điều một số người trong quí vị đang kinh nghiệm tối nay. Hãy lắng nghe bài 'Châu báu':
'Từng thứ một Đức Chúa Trời đã cất ra khỏi tôi,
Tất cả những điều mà tôi đánh giá cao nhất,
Cho tới chừng tôi chỉ còn bàn tay không;
Từng món đồ chơi sang trọng đã bị mất.
Rồi tôi khổ sổ lê bước
trên những đại lộ trần gian.
Bằng sự rách rưới và đau khổ của mình.
Cho tới chừng tôi nghe thấy
giọng nói Ngài mời gọi,
"Hãy đưa hai bàn tay trống không của ngươi
cho ta xem!"
Thế là tôi giơ hai tay hướng lên trời,
Và Ngài làm đầy dẫy chúng với sự dư dật
của những sự giàu có đầy dẫy của chính Ngài,
Cho tới chừng chúng không còn chứa hết được.
Rồi sau cùng tôi mới hiểu ra
Với lý trí tăm tối và đần độn của mình,
Rằng Đức Chúa Trời
không thể đổ sự giàu có của Ngài
Vào hai bàn tay đã đầy rồi!'
Quí vị có nhận biết như thế chưa? Rằng Đức Chúa Trời không thể đổ sự giàu có của Ngài vào hai bàn tay đã đầy rồi? Cũng một thể ấy hôm nay, theo ý của bài thơ đó, Đấng Cứu Thế phán rằng “hễ ai cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ Ta mất sự sống mình thì sẽ được lại”. Môise là một người có thể cất tiếng hát lên mấy lời nầy:
'Tôi muốn có Chúa Giêxu hơn vàng và bạc
Tôi muốn thuộc về Ngài
hơn những sự giàu có không nói được.
Tôi muốn có Chúa Giêxu
hơn là muốn nhà cửa, đất đai,
Tôi muốn được hai bàn tay
có dấu đinh của Ngài nắm lấy
Tôi muốn có Chúa Giêxu
hơn sự vỗ tay tán thưởng của loài người,
Tôi muốn sống trung tín
với lý tưởng thân thương của Ngài.
Tôi muốn có Chúa Giêxu
hơn là nổi tiếng khắp thế giới,
Tôi muốn sống chơn thật
với danh thánh của Ngài.
Hơn là làm Vua của một đế quốc rộng lớn,
Để bị cầm giữ trong tội lỗi.
Tôi muốn có Chúa Giêxu hơn bất cứ điều gì khác
mà thế gian nầy cung ứng cho hôm nay'.
Lạy Cha chúng con, chúng con biết rằng những điều chúng con đang trao đổi tối nay là con đường mà Chúa đã đi qua. Đó là con đường của sự hạ mình, ở đó Ngài là Đấng giàu có vì cớ chúng con mà trở nên nghèo, Ngài đã bước đi từ ngôi vị trên thiên đàng ra khỏi cung điện bằng ngà mà vào trong một thế giới đầy sự khốn khổ. Chúng con cảm tạ Ngài vì tình yêu được mô phỏng nơi Môise, nhưng trọn vẹn trong Đức Chúa Giêxu Christ của chúng con. Chúng con cầu nguyện là chúng con sẽ học biết vác lấy thập tự giá của chúng con, biết tự bỏ mình, và bước theo Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh yêu thương của Ngài, Amen.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét