Như lằn lửa bay chớp lên không – Phần 11
"Sự phục vụ đầy đau khổ của Giăng Báptít"
Mục sư David Legge
"Ở đây trong cá tánh của Giăng Báptít, chúng ta thấy thêm một thống khổ nhân khác"
Tôi muốn quí vị cùng với tôi mở ra sách Tin lành Mathiơ chương 11. Chúng ta sẽ bắt đầu phần nghiên cứu thứ 11 của chúng ta tối nay trong loạt bài 'Như Lằn Lửa Bay Chớp Lên Không' – xem xét các nhân vật trong Cựu Ước và rồi trong Tân ước (và chúng ta đang bước vào Tân Ước lần đầu tiên tối nay), các nhân vật đã được ghi lại cho chúng ta trong phần ký thuật của Kinh Thánh như đang trải qua những thời kỳ khó khăn nhất trong kinh nghiệm sống của họ, và thể nào Đức Chúa Trời đã đưa họ vượt qua. Đối với những người chúng ta đã xem xét qua rồi, chúng ta đã thấy đó chẳng phải là một con đường dễ dàng, và đời sống của họ chắc chắn không phải là chiếc giường đầy hoa hồng, cho dù họ là hạng tôi tớ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã dẫn dắt họ theo các mục đích tối thượng của Ngài vượt qua những lúc khó khăn, và chúng ta đã nhìn thấy và đã trải qua với nhiều người trong số họ – và chúng ta đang xem xét Giăng Báptít, đặc biệt 'Sự Phục Vụ Đầy Đau Khổ Của Giăng Báptít”.
Giờ đây có nhiều câu Kinh thánh trong các truyện tích Tin lành mà chúng ta phải xem qua tối nay, thực vậy chúng ta sẽ rút ra một số câu trong đó – nhưng chúng ta sẽ đọc chủ yếu trong tin lành Mathiơ chương 11, bắt đầu từ câu 1. "Vả, Đức Chúa Jêsus đã dạy các điều đó cho mười hai môn đồ rồi, bèn lìa khỏi chỗ nầy đặng đi giảng dạy trong các thành xứ đó. Khi Giăng ở trong ngục nghe nói về các công việc của Đấng Christ, thì sai môn đồ mình đến thưa cùng Ngài rằng: Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác chăng? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành. Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta! Khi họ ra về, Đức Chúa Jêsus mới phán về việc Giăng cho đoàn dân nghe, rằng: Các ngươi đã đi xem chi trong đồng vắng? Có phải xem cây sậy bị gió rung chăng? Các ngươi đi xem cái chi nữa? Có phải xem người mặc áo tốt đẹp chăng? Kìa, những người mặc áo tốt đẹp thì ở trong đền vua. Nhưng các ngươi lại đi xem cái chi nữa? Có phải là xem đấng tiên tri chăng? Phải, ta nói cùng các ngươi, cũng hơn đấng tiên tri nữa. Ấy vì người đó mà có chép rằng: Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt con, đặng dọn đường sẵn cho con đi. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người. Song, từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, nước thiên đàng bị hãm ép, và là kẻ hãm ép đó choán lấy. Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã nói trước cho đến đời Giăng. Nếu các ngươi muốn hiểu biết, thì ấy là Ê-li, là đấng phải đến. Ai có tai mà nghe, hãy nghe”.
Tôi không biết quí vị có bao giờ nghe kể lại câu chuyện một người nọ vào sáng Chúa nhật không thể ra khỏi giường chưa!?! Mẹ anh ta đã cố gắng vực anh ta dậy, nhưng không sao làm được. Bà hô vọng lên các bậc thang: 'Dậy đi!', và anh ta nói vọng xuống: 'Không!'. Bà lại hô vọng lên một lần nữa: 'Dậy đi!', và anh ta hô vọng xuống một lần nữa: 'Không!'. Thế rồi bà ta lại hô lên: 'Dậy đi!', và anh ta vọng xuống: 'Tại sao con phải dậy chứ?'. Bà đáp: 'Đúng đấy, trước tiên bữa điểm tâm của con đã dọn rồi, thứ hai con phải dậy để đi nhà thờ, và thứ ba con là Mục sư!'. Thường thì sự thờ phượng Cơ đốc và chức vụ Cơ đốc có thể trở thành một sự doạ dẫm giống như trên, dù tin hay không tin. Bất cứ ai có liên quan tới sự thờ phượng Cơ đốc, dù là chức vụ trọn thời gian, nếu quí vị thích gọi như thế, họ thấy khó khăn trong nhiều thời điểm đang phục sự Chúa, và khi đang phục vụ cho dân sự của Đức Chúa Trời. Có một điểm đánh dấu các nhân vật mà chúng ta đã nghiên cứu qua - Ápraham, Giacốp, Giôsép, Môise, Êli, Giêrêmi, Giôna, Gióp và còn nữa – ấy là họ đã nếm trải những cơn thử thách, đúng thế, nhưng họ đã trải qua những cơn thử thách đặc biệt trong vai trò tôi tớ của Đức Giêhôva. Không phải họ đã nếm trải qua những chứng bịnh thông thường, không phải chỉ có bịnh tật hay tình trạng mất người thân hoặc thử thách, mà thật đặc biệt – phải, những việc đó cũng có đấy – họ đã chịu thử thách, chịu thử nghiệm trong vai trò tôi tớ của Đức Chúa Trời. Chính sự trung tín của họ đối với Đức Chúa Trời, sự vâng phục đối với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, và chức vụ cùng sự thờ lạy dành cho Đức Chúa Trời mà họ đã dự phần vào, họ đã chịu đựng nổi sự thử thách mà họ đã chịu.
Bất cứ ai có liên quan tới sự thờ phượng Cơ đốc, dù là chức vụ trọn thời gian, nếu quí vị thích gọi như thế, họ thấy khó khăn trong nhiều thời điểm đang phục sự Chúa, và khi đang phục vụ cho dân sự của Đức Chúa Trời.
Tôi mong là quí vị đã nhìn thấy khuôn mẫu nầy xuyên suốt các phần nghiên cứu của chúng ta – chúng ta có thể nói tối nay, đặc biệt khi nhìn xem những khốn khó của Giăng Báptít, sự phục vụ dành cho Đức Chúa Trời thường đem lại nổi đau khổ. Phục sự đem lại đau khổ. Một nghiên cứu nhanh về các nhân vật mà chúng ta đã nghiên cứu rồi, cùng những quyển sách mà người ta tìm gặp họ, sẽ làm chứng đúng y như thế. Gióp 19.22 chép - Gióp đang xây sang những kẻ vu cáo ông mà chúng ta đã học hỏi tuần vừa qua, ông nói: 'Cớ sao các bạn bắt bớ tôi như Đức Chúa Trời, và chưa no nê thịt tôi sao?'. Trong Thi thiên 119, David là nhân vật chúng ta đã tiếp thu trong các phần nghiên cứu nầy, chúng ta có thể sử dụng câu nói của Thi thiên nầy chỉ ra sự ông chịu bắt bớ và chịu đau khổ trong tay của nhiều kẻ thù. Thi thiên 119.84 chép như sau: 'Số các ngày kẻ tôi tớ Chúa được bao nhiêu? Chừng nào Chúa sẽ đoán xét những kẻ bắt bớ tôi?'. 'Tôi là tôi tớ Chúa, chừng nào Chúa mới xét xử các dân nầy, họ đang khiến cho tôi gặp quá nhiều thử thách và hoạn nạn?'
Chúng ta đã xem qua 'Giêrêmi, con người buồn rầu', và trong chương 17 của quyển sách và lời tiên tri của ông, các câu từ 16 đến 18, ông nói: 'Còn tôi, tôi chẳng vội vàng bỏ chức chăn dân mà không theo Ngài. Tôi cũng không tự ý muốn mình trông được ngày khốn nạn, Ngài vẫn biết vậy. Lời miệng tôi nói ra đều ở trước mặt Ngài. Ngài là nơi ẩn náu của tôi trong ngày hoạn nạn, xin chớ làm cớ cho tôi kinh khiếp! Xin Ngài làm cho những kẻ bắt bớ tôi bị xấu hổ, mà chính tôi đừng bị xấu hổ; cho họ kinh hoàng! Xin cho ngày hoạn nạn lâm trên họ, và hủy hoại gấp hai!'. Tất nhiên là chúng ta biết, khi chúng ta học hỏi Bài Giảng Trên Núi, mọi sự đều tốt lành trong những buổi sáng Chúa nhật nầy, ấy là Chúa đã nói cho chúng ta biết: 'Các ngươi sẽ có hoạn nạn trên thế gian nầy; nhưng hãy vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi – nhưng đừng quên, các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian'. Ngài nói tiếp: 'Tôi tớ không lớn hơn chủ; và nếu họ bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các ngươi'. Tám Phước Lành mà hết thảy chúng ta đều nhìn biết và kinh nghiệm, tôi hy vọng là: 'Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước' – Ngài đang phán: 'Hạnh phúc, thoả lòng, vui sướng và được phước dành cho người phục vụ ta, và trong sự phục vụ ta gặp sự bắt bớ và thử thách'.
Theo các phần nghiên cứu đã qua, và thậm chí trong một vài câu Kinh thánh nầy, chúng ta đã trưng dẫn từ các nhân vật đã được nghiên cứu qua, tôi hy vọng rằng quí vị nhìn thấy rất rõ ràng, chúng ta đang nhìn thấy một nguyên tắc ở đây. Có lẽ nguyên tắc đã được nói ra ở đây cho thấy rằng khi quí vị hầu việc Đức Chúa Trời quí vị sẽ chịu khổ, nhưng tôi nghĩ khi chúng ta đang nhìn xem Giăng Báptít tối nay, chúng ta sẽ thấy rằng ‘việc phục sự càng lớn lao, chức vụ càng lớn lao, nỗi khổ và thử thách càng lớn lao thêm'. Tất nhiên, người Đầy Tớ Chịu Khổ mà chúng ta thấy đặc biệt trong sách Êsai là Tôi Tớ của Đức Giêhôva. Những phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng nhất là Êsai 52 và Êsai 53, ở đó chúng ta đọc thấy Đức Chúa Giêxu Christ được nói tiên tri trước về Ngài đến trong vai trò Đấng Mêsi của Đức Chúa Trời, là Đấng Được Xức Dầu của Đức Chúa Trời và là Đấng Được Chọn. Ngài thực là Tôi Tớ của Đức Giêhôva – nhưng Ngài đã được gọi như thế nào trong sách Êsai? 'Người từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm'.
Ở đây, trong nhân vật Giăng Báptít, chúng ta thấy một người buồn bực, nhưng chúng ta không thể chuyển qua Chúa chúng ta quá sớm vì tôi muốn quí vị nhìn thấy ở đây Đức Chúa Giêxu Christ Chúa chúng ta có nguyên tắc nầy: ấy là chức vụ càng to, đau khổ càng lớn. Quí vị có trong Cứu Chúa chúng ta sự chịu khổ lớn lao nhất trong mọi nổi đau khổ, và chúng ta có thể nói tối nay một cách khẳng định rằng Ngài là nhân vật chịu khổ lớn lao nhất trong mọi người, Ngài là Tôi Tớ đã hoàn thành chức vụ quan trọng nhất trong mọi chức vụ? Những người được cứu là khi họ tin Ngài đã đổ huyết ra để mua chuộc họ. Chúng ta đọc thấy trong thơ Hêbơrơ của Tân Ước, không những ở đây minh họa chức vụ cao trọng của Cứu Chúa chúng ta, mà còn nêu trong thơ Hêbơrơ sự chịu khổ lớn lao của Cứu Chúa chúng ta nữa: 'Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm'.
Đức Chúa Giêxu Christ nói về sự chịu khổ của Giăng Báptít trong Mathiơ 11.11, và cũng trong Luca 7.28: 'Ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai lớn hơn Giăng Báp-tít đâu'. Vì thế chúng ta không nên lấy làm lạ trước sự thực ông là vị tiên tri cao cả nhất, chúng ta cũng thấy nơi ông cá tánh của một người chịu khổ nhiều cho Đức Chúa Trời – vì ông có một chức vụ quan trọng, một sự phục vụ lớn lao, một chức vụ tiên tri cao cả, ông đã chịu khổ quá nhiều. Chúng ta có thể nhìn thấy mọi sự nêu trên, có lẽ tối nay, rằng cái điều đánh dấu chức vụ của Giăng Báptít là sự phục vụ đầy đau khổ của ông. Nếu tôi có thể áp dụng ngay phần ấy vào chỗ bắt đầu bài học của chúng ta tối nay, điều nầy thực sự nói gì với chúng ta, toàn bộ sứ điệp của chúng ta tối nay là đây: nếu quí vị là con cái của Đức Chúa Trời hôm nay trong kỷ nguyên nầy muốn phục sự Đức Chúa Trời có hiệu quả, muốn nhìn thấy các kết quả cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, muốn có một chức vụ trọn ý nghĩa cho Đức Chúa Trời và sự làm chứng cho Ngài – giống như hết thảy các nhân vật mà chúng ta đã học hỏi qua, và giống như Giăng Báptít – quí vị cần phải được sửa soạn để chịu khổ.
Nếu quí vị là con cái của Đức Chúa Trời hôm nay trong kỷ nguyên nầy muốn phục sự Đức Chúa Trời có hiệu quả, muốn nhìn thấy các kết quả cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, muốn có một chức vụ có ý nghĩa cho Đức Chúa Trời và sự làm chứng cho Ngài – giống như hết thảy các nhân vật mà chúng ta đã học hỏi qua, và giống như Giăng Báptít – quí vị cần phải được sửa soạn để chịu khổ.
Chúng ta hãy xem xét và tiếp thu từ những nỗi khổ của nhân vật cao trọng nầy tối nay. Việc đầu tiên chúng ta thấy, ấy là một người chịu khổ cho Đức Chúa Trời cần phải biết chắc là mình được Đức Chúa Trời kêu gọi, vì chỉ có người nào được Đức Chúa Trời kêu gọi mới chịu nổi sự khổ sở mà họ sẽ chịu trong sự hầu việc Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy ngay từ đầu tiểu sử của Giăng Báptít, ông đã có một sự chỉ định thiêng liêng trong chức vụ của ông. Thực ra, trước khi ông sanh ra, chúng ta thấy rõ sự chỉ định thiêng liêng ấy trong Êsai chương 40. 3-5. Nếu quí vị tra cứu cẩn thận điều ấy, quí vị không phải mở Kinh thánh ra, tôi sẽ đọc mấy câu nầy cho quí vị nghe nếu quí vị muốn – Êsai nói tiên tri: 'Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta! Mọi nơi sủng-thấp sẽ được cao lên; mọi núi mọi gò sẽ bị hạ xuống; các nơi gập-ghềnh sẽ làm cho bằng; các nơi dốc-hãm sẽ làm thành đồng-nội. Bấy giờ sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra, và mọi xác thịt đều sẽ xem thấy; vì miệng Đức Giê-hô-va đã phán vậy'. Malachi, trong chương 3 câu 1, ông nói tiên tri về Giăng Báptít là 'Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta', dọn đường cho chính mình Đức Chúa Giêxu Christ.
Khi chúng ta xem qua cuộc đời lúc ấu thơ của Giăng Báptít, chúng ta thấy một số việc đáng nhớ về ông. Chúng ta thấy rằng ký thuật Tin lành của Luca cho chúng ta biết rằng ông đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh từ trong lòng mẹ. Trước khi chào đời, ông đã có được sự đầy dẫy ấy, ông đã mặc lấy quyền phép từ trên cao ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Chúng ta cũng thấy rằng mẹ ông cũng đã được đầy dẫy Đức Thánh Linh nữa, chúng ta thấy cha của ông cũng được đầy dẫy Đức Thánh Linh, và thực ra đã được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ nói tiên tri. Chúng ta thấy rằng Giăng Báptít vốn có một khởi đầu rất đặc biệt, khác thường trong đời – hãy tưởng tượng mình đang có một loại khởi đầu ấy xem! Quí vị được đầy dẫy với Đức Thánh Linh từ trong lòng mẹ của mình, cha mẹ của quí vị đều được đầy dẫy, và cha của quí vị nói tiên tri về sự kiện quí vị ra đời. Sự thực là, khi chúng ta bắt đầu phần nghiên cứu nầy tối nay, và chúng ta đặc biệt nhìn vào sự chịu khổ của người đầy tớ Giăng Báptít, chúng ta phải công nhận rằng trong nhiều trường hợp Giăng Báptít chẳng khác gì với quí vị và với tôi. Tất nhiên là ông rất đặc biệt, về chúng ta chẳng có một lời tiên tri nào đặc biệt trong Cựu ước cả, và chúng ta không phải là người tiền khu của Đấng Mêsi; nhưng có một điều mà chúng ta có thể đòi hỏi tối nay, mỗi một người là con cái của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta được cứu bởi ân điển của Đức Chúa Trời, và hết thảy chúng ta đều có một sự chỉ định thiêng liêng để bước vào sự phục vụ. Hết thảy chúng ta đều có ơn kêu gọi của Đức Chúa Trời.
Tôi biết rằng có những sự kêu gọi khác nhau từ Đức Chúa Trời, và tôi không có thì giờ để tra xét hết thảy những sự kêu gọi ấy tối nay. Nhưng theo ý nghĩa về sự chỉ định thiêng liêng nầy trên đời sống của quí vị, chúng ta không cần phải ngồi xúm xít quanh một quyển Kinh Thánh đang mở ra rồi cầu nguyện và chờ đợi để có được sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, chờ đợi để có tia chớp xẹt xuống từ trời, cho tới chừng chúng ta bước ra ngoài – vì Chúa Giêxu đã ban cho chúng ta đầy đủ trong đại mạng lịnh: 'Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ'. Đại mạng lịnh ấy đã được ban ra cho hết thảy chúng ta, nghĩa là sự chỉ định thiêng liêng của Ngài dành cho hết thảy chúng ta.
Nếu quí vị mở ra Êphêsô 2.10, chúng ta thấy Phaolô nói về hết thảy chúng ta, là những người tin theo Đấng Christ: 'vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo'. Giờ đây, hãy nắm bắt câu nầy muốn nói gì tối nay, Phaolô đang nói rằng trước khi lập nền thế gian – hết thảy chúng ta đều biết về sự tiền định và sự biết trước của Đức Chúa Trời; trong lẽ mầu nhiệm mà Đức Chúa Trời biết rõ và Đức Chúa Trời đã chỉ định ngay giây phút nầy chúng ta phải hầu việc Đấng Christ, trong Đấng Christ, được che phủ trong sự công bình của Đấng Christ và với quyền phép của Đấng Christ – cho dù phải quay trở lại, trước khi lập nền thế gian, Đức Chúa Trời đã chỉ định những công việc đặc biệt mà chúng ta phải lo làm cho Ngài. Há không lấy làm lạ sao? Ngài đã chỉ định, đã chọn và đã hoạch định những việc mà chúng ta phải lo làm, chúng ta phải bước đi trong mọi việc ấy. Ngài đã sắm sẵn những việc lành cho chúng ta trước khi lập nền thế gian. Đây không phải là một vấn đề muốn hay không muốn đi vào cánh đồng mùa gặt và làm những việc chúng ta thích, và lo làm những việc làm vui lòng chúng ta đâu – mà Đức Chúa Trời có một chương trình cho chúng ta. Đúng là điều phải suy nghĩ! Hãy nghĩ xem, ở tận trên trời cao kia, ngay giờ phút nầy chắc chắn có một đống công việc chưa làm có ghi tên của chúng ta trên đó, chúng ta đã không làm thành vì chúng ta không biết Đức Chúa Trời có một sự chỉ định thiêng liêng cho mỗi một người chúng ta.
Sự kêu gọi của Đức Chúa Trời không phải là làm Mục sư, sự kêu gọi của Đức Chúa Trời không phải là một sự kêu gọi ra đi truyền giáo và nắm lấy các hội truyền giáo, hay bước vào công trường truyền giáo với vai trò giáo sĩ – về một ý nghĩa thì kêu gọi không phải là một trong các điều nầy, vì hết thảy chúng ta đều được ủy thác ra đi với Tin Lành. Đúng là một thảm họa khi thiên đàng đã sắm sẵn cho chúng ta nhiều việc làm mà chúng ta chẳng thi hành. Thắc mắc mà tôi từng đưa ra ngay từ đầu buổi nhóm tối nay là: quí vị đang ở trong chương trình, có phải không? Quí vị có đang ở trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho quí vị không? Quí vị có công nhận sự chỉ định thiêng liêng của Đức Chúa Trời cho đời sống quí vị không? Và quí vị đang làm gì trong chương trình đó? Quí vị đang dấn thân vào công việc nào? Quí vị thực thi công việc đã sắm sẵn trước khi thế gian khởi sự như thế nào? Tôi dám tin rằng trong ngày phán xét, khi chúng ta đến đứng trước mặt Đức Chúa Giêxu Christ, chúng ta sẽ chịu xét đoán tùy theo chúng ta có làm tròn những công việc nầy hay không!?!
Quí vị có đang ở trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho quí vị không? Quí vị có công nhận sự chỉ định thiêng liêng của Đức Chúa Trời cho đời sống quí vị không? Và quí vị đang làm gì trong chương trình đó? Quí vị đang dấn thân vào công việc nào?
Khi chúng ta nhìn xa hơn, chúng ta thấy rõ sự Chúa chỉ định ông, sự Đức Chúa Trời tấn phong cho ông, vẫn chưa phải là đủ để nắm lấy chức vụ nầy. Nếu quí vị mở ra sách Luca chương 1 trong một phút thôi, quí vị sẽ thấy ngay vấn đề ấy – quí vị cần đọc hết chương 1 sách Luca để nắm bắt phần ký thuật chi tiết hơn về Giăng Báptít – nhưng chúng ta thấy ở phần cuối của chương nầy, câu 80, nói về Giăng như sau: 'Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên'. Không những ông có một sự chỉ định thiêng liêng để nắm lấy chức vụ của mình, mà chúng ta còn thấy ông đã chịu đựng một sự chuẩn bị rất cao để nắm lấy chức vụ đó. Quí vị cần phải nhớ rằng Kinh Thánh nói 30 năm đã trôi qua, kể từ khi ông được thai dựng cách lạ lùng trong dạ son sẻ của Êlisabết. Ba mươi năm đã trôi qua và, nếu quí vị thích, nếu tôi có thể sử dụng trí tưởng tượng – tôi hy vọng – về sự phấn khích trong sự ông ra đời đều đã qua đi, và tôi dám chắc dân sự trong cộng đồng Do thái đã quên đi mọi sự phấn khích về sự ra đời của vị tiên tri nầy. Chính bản thân Giăng, là một cá nhân, cũng đã bị bỏ quên – có lẽ vì, một số học giả tin, từ tuổi 12 Giăng đã vào sống trong sa mạc, trong đồng vắng, sống trong những hang động và trong những chỗ lõm sâu của các vầng đá trong đồng vắng hoang mạc mà môn địa lý cho chúng ta biết trải dài từ Núi Hếprôn cho tới bờ biển phía Tây của Biển Chết.
Ở đó trong đồng vắng Đức Chúa Trời lo sửa soạn cho con người nầy, và ở đó quí vị có thể nhìn thấy nhân vật cô độc nầy – một người sống cô độc trong sa mạc, mặc thứ áo xống thô sơ kỳ dị, áo da bằng lông lạc đà, ăn thứ thực phẩm kỳ dị, châu chấu và mật ong rừng, Kinh Thánh cho chúng ta biết như vậy. Trong môi trường nầy, với áo xống và thứ thức ăn kỳ dị đó, với những thói quen lạ lùng, Đức Chúa Trời đang tôn cao, làm việc và nắn đúc con người nầy – Đức Chúa Trời đang dạy dỗ chàng thanh niên nầy, đưa toàn bộ thân hồn thần của người vào sự vâng phục trọn vẹn và địa vị lãnh đạo cho Đức Chúa Trời. Quí vị có thấy như thế không? Được Đức Chúa Trời kêu gọi vẫn chưa phải là đủ đối với chàng thanh niên nầy, hẳn nhiên chàng phải chịu đựng sự chuẩn bị có cường độ cao để chàng phải nắm lấy chức vụ cho Đức Chúa Trời. F.B. Meyer trình bày rõ ràng lắm khi ông nói về sự chuẩn bị nầy: 'Qua cách sử dụng chế độ sinh sống hạn hẹp và cách ăn mặc thô sơ như thế nầy, ông đã bắt thân thể mình phải chịu phục thật hoàn toàn. Từ bổn tánh, từ nhận thức thuở ấu thơ, và từ mối tương giao trực tiếp với Đức Chúa Trời, ông đã nhận lãnh nhiều sự khải thị được hiến cho liên tục, chỉ có những người thể ấy mới có thể đứng vững trước chuổi kỷ luật trong trường hoang vắng và thiếu thốn'. Ông đã sống trong trường của Đức Chúa Trời.
Phaolô xác nhận ngôi trường đó, tất nhiên là bản thân ông đã nếm trải ngôi trường ấy, nhưng ông nói cho chúng ta biết rằng mỗi một con cái của Đức Chúa Trời nào thực sự bước theo Đấng Christ cũng sẽ nếm trải qua ngôi trường đó – và điều ấy vốn rất quan trọng đối với tôi tớ của Đức Chúa Trời. I Côrinhtô 9.27 chép như vầy: ‘song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng'. Được Đức Chúa Trời kêu gọi, đấy không phải là vấn đề, vấn đề là bước vào cách cố ý – cố ý bởi sự dẫn dắt của Thánh Linh Đức Chúa Trời – mà thật vậy, mỗi ngày trong cuộc sống của quí vị, trong trường hoang vắng và kỷ luật của Đức Chúa Trời, bắt thân thể quí vị phải phục, buộc nó phải vâng phục, biến nó thành một tên nô lệ, kỷ luật nó – e rằng, khi quí vị giảng dạy kẻ khác và bảo họ những điều phải làm theo, quí vị sẽ bị bỏ vì bản thân quí vị không làm nổi.
Cho nên có hai việc ở đây trong sự sửa soạn cho chàng thanh niên nầy. Giờ đây, hãy đánh dấu hai việc nầy: một, cô độc; hai, kỷ luật. Cô độc và kỷ luật đều rất cần thiết trong sự sửa soạn cho vị tiên tri cao trọng nhất đã từng sinh sống. Quí vị có biết các điều nầy tác dụng như thế nào theo các giới hạn của từng người? Bây giờ hãy lắng nghe: quí vị phải ở một mình với Đức Chúa Trời nếu quí vị muốn hầu việc Đức Chúa Trời; và không những quí vị phải ở một mình với Đức Chúa Trời để hầu việc Đức Chúa Trời, mà quí vị còn phải đặt thân thể mình dưới quyền điều khiển của Đức Chúa Trời nữa! Cô độc và kỷ luật. Bây giờ, không nhất thiết phải nói ra một khi quí vị đã có mặt trên đường với Đức Chúa Trời lâu nay, hoặc chỉ mới khởi sự, quí vị sẽ biết ngay đấy không phải là một con đường dễ dàng. Ở một mình với Đức Chúa Trời không phải là dễ dàng đâu, và việc kỷ luật thân thể của quí vị không phải là điều dễ dàng – lý do là, tôi chẳng hề mệt mỏi khi nói tới điều nầy trong một kỷ nguyên tin thật là dễ dàng, rằng con đường Cơ đốc và cuộc sống Cơ đốc không phải là dễ dàng! Và nếu chúng ta xem là dễ dàng, thì có điều chi đó sai lầm với Tin Lành của chúng ta! Phải, Ngài phán rằng ách của Ngài là dễ chịu và gánh Ngài nhẹ nhàng, Ngài phán rằng các điều răn của Ngài không phải là buồn khổ hay gánh nặng – và dĩ nhiên, khi đem sánh với sự khó nhọc của hạng tội nhân, đường lối của họ thật là khốn khó, đây là cái ách nhẹ nhàng. Khi đem sánh với chủ nghĩa thiên về với luật pháp, là thứ luật mà người ta đang ra sức sống để được nên thánh và thuộc linh trong xác thịt, ách của Ngài là dễ chịu và gánh của Ngài nhẹ nhàng, và các điều răn của Ngài không phải là buồn khổ đâu.
"Tôi có thể hỏi quí vị tối nay: quí vị có muốn hoàn tất việc chi đó cho Đức Chúa Trời không? Phải, thắc mắc khác cần phải đáp trả là đây: Thì giờ quí vị ở riêng với Đức Chúa Trời là bao lâu? Quí vị sử dụng thì giờ ra sao với Đức Chúa Trời?"
Chúng ta đã được ban cho quyền phép của Đức Thánh Linh, quí vị và tôi cả hai đều biết rõ là chúng ta không thể làm được việc chi nếu không có quyền phép của Ngài – song chúng ta vẫn phải nhớ rằng chúng ta đã bước vào, thực ra tiếng Hy lạp cho thấy là chúng ta đã lấn ép qua cánh cửa hẹp, và chúng ta đang lấn ép qua con đường hẹp – và con đường ấy không phải là dễ đi đâu. Đức Chúa Trời đưa người ta vào Trường Đại Học về kỷ luật và sự im lặng của Ngài. Chúng ta đã nghiên cứu Môise, và quí vị nhớ Môise đã có mặt ở đó 40 năm rồi, tiếp thu đủ mọi thứ khôn ngoan và tài năng của người Ai cập. Ông là một thanh niên học thức, và gần 40 tuổi ông đã sử dụng mọi thế lực khôn ngoan mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông và đã tiếp thu thật nhiều khi ông có thể tiếp thu. Ông là một chính khách lỗi lạc và là một chiến binh vĩ đại, và ông đã hoàn thành đầy trọn ngay lúc quí vị có thể trông mong một chàng thanh niên hoàn thành ở tuổi 40 – nhưng ông vẫn chưa chịu bước vào trường cô độc của Đức Chúa Trời. Trong 40 năm kế, ông đã băng qua sa mạc của người Mađian, và ông đã bị đánh đòn nhiều lắm – không phải để học tập, mà là để quên những điều đã học biết; không phải để nhìn biết ông quan trọng ở tầm cở nào, mà phải tự hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời; không phải để cho bản ngã cứ lớn lên mãi, mà là để cho bản ngã phải thu hẹp lại! Khi công việc của Đức Chúa Trời đã được phát động, người của Đức Chúa Trời đã sẵn sàng.
Tôi xin phép hỏi quí vị tối nay: quí vị có muốn hoàn tất việc gì đó cho Đức Chúa Trời không? Còn có một câu hỏi khác cũng phải trả lời là đây: thì giờ quí vị ở riêng với Đức Chúa Trời như thế nào? Quí vị có dành hết thảy, hay bất cứ thì giờ nào cho Đức Chúa Trời? Đó là chỗ mà sự phục vụ, sự làm chứng, chức vụ, đời sống của quí vị sẽ đặt vào. Hãy tưởng tượng xem trường hợp – và nó sẽ xảy đến – ở Ulster, chúng ta sẽ bị bỏ tù vì cớ đức tin của chúng ta. Chúng ta sẽ lấy làm bối rối chăng? Phải ở trong xà lim của nhà tù – chỉ có quí vị và một mình Đức Chúa Trời thôi? Sẽ ra sao nếu Đức Chúa Trời kêu gọi quí vị làm giáo sĩ, và quí vị sẽ ở đó suốt những đêm đông và hè dài đăng đẳng, trong tiết nóng và lạnh, không có gia đình, không có bè bạn – và quí vị chỉ ngồi đó, quí vị và Đức Chúa Trời, quí vị có bối rối không? Chỉ có quí vị và Đức Chúa Trời làm bạn thôi sao? Hãy nghe đây, đừng nghĩ là tôi đang bào chữa cho một loại tu khổ hạnh tối nay, là hết thảy chúng ta đều phải gia nhập vào tu viện rồi trở thành thầy tu, chỉ biết lo cầu nguyện suốt ngày – đấy không phải là điều mà tôi muốn nói tới. Nhưng hãy nghe đây, quí bạn tối nay ơi, nếu quí vị muốn làm việc gì đó cho Đức Chúa Trời, quí vị cần phải học hỏi để trở thành một người nam hay người nữ của sự cầu nguyện – và điều đó có thể xảy ra, không phải ở buổi nhóm cầu nguyện, mà là ở riêng với Đức Chúa Trời! Có phải chúng ta nuông chìu nhiều với thân thể mình trong cảnh xa hoa, tiện nghi và sung túc, đến nỗi khi chúng ta phải hy sinh một thứ gì đó vì cớ Đấng Christ, hoặc buộc phải hy sinh cái gì đó cho Đấng Christ, thì hệ thống sinh học của chúng ta sẽ rơi vào chỗ hỗn loạn rồi chùn bước khi nghĩ tới mất mát một thứ chi mà chúng ta thường có, và chúng ta sẽ tan vỡ dưới sự mất mát đó chăng? Tôi nói cho quí vị biết là Giăng Báptít đã được tập huấn trong nhà tù ở đồng vắng để phục vụ trong những ngày nầy, ở đó ông ăn châu chấu và mật ong rừng, ở đó ông đã dành thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời – ông đã được sửa soạn cho những điều mà Đức Chúa Trời đã đặt trước mặt ông, và ông đã không chìu theo bản ngã của mình mặc dù ông có thể. Những gì chúng ta có thể tiếp thu từ Giăng Báptít, ấy là sự luyện tập thân thể của mình, dạy dỗ linh hồn mình, và đầu tư tâm thần mình vào sự phục vụ là việc rất khó – nhưng việc ấy rất cần thiết.
Khi chúng ta tiếp thu phần kỷ luật trong đồng vắng nầy, chúng ta đọc trong Luca chương 3 – hãy mở chương ấy ra – và các câu 1 - 2, chép như sau: ‘Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em vua ấy làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Ly-sa-ni-a làm vua chư-hầu xứ A-by-len, An-ne và Cai-phe làm thầy cả thượng-phẩm, thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng’. Giờ đây, chắc có nhiều điều trong các câu 1-2 mà có lẽ quí vị vẫn chưa hiểu, và quí vị không biết lý do tại sao mọi việc nầy đã được ghi ra ở đây. Tất nhiên là Lời của Đức Chúa Trời cũng là bản tường trình lịch sử, nhưng quí vị nên lưu ý ở câu 2 là có tới hai thầy tế lễ thượng phẩm, và điều nầy luôn ngược lại với luật pháp của Đức Chúa Trời vì từng có tới hai thầy tế lễ thượng phẩm. Điều nầy tỏ cho chúng ta thấy tình trạng của xứ sở, về tôn giáo và về chính trị, lúc bấy giờ. Sự thể nầy cho chúng ta thấy là đã có nhu cần về một đấng cứu tinh, và ở đây có một người vừa mới xuất hiện, Giăng Báptít, và ông đã để ra 20 năm trong đồng vắng. Kia là ông, và ông mới vừa xuất hiện, và Đức Chúa Trời ban cho ông một sứ điệp – mọi sự đã diễn tiến như thế đấy. Phần kỷ luật đó, sự chuẩn bị khá căng thẳng, nỗi cô độc ấy chỉ dành cho Đức Chúa Trời ban cho ông ân tứ để nói với một dân cằn cỗi và hư mất – và quí vị nghĩ suốt thời gian ấy Đức Chúa Trời đã nói gì với ông? Một câu ngắn thôi: 'Hãy ăn năn'.
Giờ đây hãy nhớ rằng đã có 400 năm tối tăm giữa sách Malachi và sách Mathiơ – thời kỳ mà Đức Chúa Trời không hề phán qua sự hiện thấy hay qua một vị tiên tri hoặc qua người của Đức Chúa Trời. Đấy là một thời tăm tối chẳng có một tia sáng tiên tri nào hết. Hết gallons nầy sang gallons khác chứa huyết thú vật làm con sinh đã đổ ra, hàng trăm thầy tế lễ đã phục vụ theo chức năng của họ, và xứ sở đã lạc lối trong nghi thức, của lễ và phép cắt bì. Nhưng những gì mà cả đoàn quân thầy tế lễ không thể làm trong 400 năm, Đức Chúa Trời đã phái một người đến làm trong 6 tháng! Tại sao vậy? Vì Ngài là Đức Chúa Trời đã tạo hình hài, Đức Chúa Trời đầy dẫy, và Đức Chúa Trời mở đường! Chức vụ của ông đã bắt đầu với sự được lòng người và đầy sự vinh hiển, đối với dân sự đấy là sự hồi tưởng những tháng ngày huy hoàng xa xưa, là thời thế của các tiên tri giống như Êli và Êxêchiên. Tiếng trống bập bùng quanh các thành thị, các tin tức đã lan rộng nói về một đấng tiên tri mới và là nhà truyền đạo đã có mặt trong xứ.
“Ông đã có lẽ thật của Đức Chúa Trời, và ông chỉ đem lẽ thật của Đức Chúa Trời cho dân chúng và đem họ đến với sự hiểu biết về nhu cần của họ”.
Cái nhìn đầu tiên chúng ta có trong chức vụ của ông, ấy là Giăng Báptít đang đứng bên bờ sông Giôđanh, và người ta trong từng chi phái, từng giai cấp, từng nghề nghiệp đến nhóm lại cùng ông ở đó, và ông rao giảng cho họ nghe: 'Hãy ăn năn! Vì Nước thiên đàng đã đến gần'. Ông lôi cuốn dân sự giống như ngọn lửa hấp dẫn bầy thiêu thân vậy. Tôi hy vọng quí vị ai nấy đều biết về lửa, chẳng cần phải quảng cáo nữa. Cụ John Wesley đã nói: 'Nếu bạn như ngọn lửa trên toà giảng, người ta sẽ kéo đến để xem bạn bốc cháy'. Họ đã làm đúng như thế không những với John Wesley, mà còn với Giăng Báptít nữa. Chúng ta thấy, nếu quí vị nhìn xem Luca chương 3 câu 9, rằng khi ông rao ra sứ điệp nầy, một sứ điệp nói tới sự phán xét, một sứ điệp nói tới sự ăn năn như cây búa đã để kề gốc cây. Trong câu 10 người ta đã hỏi ông, người dân bình thường đã hỏi: 'Chúng tôi sẽ làm gì?' Nếu quí vị qua câu 12, quí vị thấy ngay cũng có những người thu thuế, những người thu thuế đến để chịu phép báptêm, và họ đã hỏi sau bài giảng của ông: 'Chúng tôi sẽ làm gì?’ Quí vị thấy ở trong câu 14 là hạng người không theo tôn giáo nào, hay những người theo đa thần giáo, họ đã thờ lạy nhiều vị thần – thần của người La mã – các binh lính La mã là hạng người không có gì phải làm với người Do thái đã xuống tận sông Giôđanh. Họ đã nghe nói có một người đang đứng trên ngọn lửa cho Đức Chúa Trời bên bờ sông Giôđanh, và họ đã đến và thậm chí họ cũng đã nghe giảng – những kẻ vô thần vô đạo – sứ điệp của Đức Chúa Trời, và họ đã nói: 'Chúng tôi sẽ làm gì?' Có biểu hiện của một người được Đức Thánh Linh xức dầu, vì ông rao giảng sự ăn năn, và dân sự ăn năn!
Lúc đầu người ta có thể nhìn thấy nhân vật nầy là một vị tiên tri, vì lúc bấy giờ chức vụ tiên tri đã lỗi thời rồi – và ông là một con người thực sống giữa xã hội giả hình về mặt tôn giáo, tình trạng đạo đức giả đã là quy tắc của tôn giáo. Nhưng trên hết mọi sự nầy, có một việc đã tiến cử ông với dân chúng, ấy là sự thực ông đã đối mặt với thắc mắc về tội lỗi trong khi ông rao giảng, ông không nhảy múa quanh tội lỗi, mà ông đã đóng đinh nó! Ông đã đối mặt với tội lỗi nơi Hêrốt, tình trạng tà dâm, loạn luân của ông ta. Ông đã đối mặt với tình trạng giả hình nơi người Pharisi và người Sađusê, và đối với từng cá nhân, từng giai cấp trong xã hội, ông đã rao giảng mỗi một sứ điệp nầy: 'Hãy ăn năn! Hãy ăn năn! Hãy ăn năn!'. Ông đã có lẽ thật của Đức Chúa Trời, và ông chỉ đem lẽ thật của Đức Chúa Trời cho dân chúng và đem họ đến với sự hiểu biết về nhu cần của họ.
Ông là một nhân vật đã chịu phép báptêm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh, và ông rao giảng rằng sự đến của Nước thiên đàng đã gần rồi – là thần quyền đã được hứa cho trong Cựu Ước. Còn nếu quí vị không chấp nhận Nước Thiên đàng đã gần rồi, quí vị phải lo trốn tránh cơn thạnh nộ hầu đến. Đây là sứ điệp của Đức Chúa Trời, đây là người của Đức Chúa Trời, và ngày nọ họ đã đến với ông mà nói: 'Ông là ai? Chúng tôi công nhận rằng có cái gì đó rất đặc biệt nơi ông, có phải ông là Êli không?' 'Không, ta không phải là Êli'. 'Có phải ông là tiên tri không?' 'Không, ta không phải là tiên tri, ta chỉ là tiếng kêu trong đồng vắng'. Ông là một tiếng kêu vì ông chỉ là một giọng nói lo rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, ông không phải là tiếng dội của sứ điệp người khác đến từ Đức Chúa Trời, ông không phải là một con rối mà những sợi dây của con rối đã được nắm giật bởi một hệ phái hay một tổ chức tôn giáo – nhưng ông lo rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, và trong ông chẳng có gì phải sợ hãi cả. Ông đã rao giảng nghịch lại những người thiên về hình thức và những kẻ thiên về với luật pháp của đảng Pharisi, họ đã làm theo hết thảy hơn 600 điều luật của họ thêm vào với Ngũ Kinh. Ông đã rao giảng nghịch lại với những kẻ thiên về với vật chất, hình thái tự do, và chủ nghĩa hoài nghi của đảng Sađusê, họ không tin nơi hình thái siêu nhiên, họ không tin vào cõi đời đời, thiên đàng, địa ngục, hay sự sống lại. Ông đã rao giảng cho họ mọi sự, bất luận họ là ai! Ông không thoả hiệp với họ, ông không ngồi lại và lý luận với họ! Ông đã nhìn thẳng vào mắt họ rồi nói: 'Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai dạy các ngươi lẫn tránh cơn thạnh nộ hầu đến?' Đúng là người của Đức Chúa Trời!
Đây là một người vốn có sự phân biện về mặt thuộc linh, lường trước những việc tồi tệ và những việc cần phải thay đổi – và trong ông có sự hy vọng. Tôi tin rằng ở đó trong đồng vắng, suốt những tháng năm mà Đức Chúa Trời đã lo sửa soạn và mài dũa ông, lời cầu nguyện của Êsai đã nung nấu trong tấm lòng ông: 'Ôi! ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống và làm rúng động các núi trước mặt Ngài'. Chắc chắn chính áo xống của ông đã nói về sự cằn cỗi của dân Israel và sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên họ, và Đức Chúa Trời đã dạy họ hết thảy mọi sự nầy trong đồng vắng. Ông đã đến, Kinh Thánh phán, không theo ánh sáng đó, ông đã đến như một ngọn đèn đang chiếu sáng, ông đã đến như một chứng nhân cho ánh sáng đó. Giăng 1.6-18 cho chúng ta biết như thế, nhưng điểm chủ yếu đã được ghi ra ở đó, ấy là khi ông đến với sứ điệp “ăn năn”, sứ điệp thuyết phục về tội lỗi, sứ điệp nói về sự phán xét hầu đến, ông đã đối diện với sự chối bỏ hoàn toàn chức vụ đó.
Lúc đầu mọi người bị kích thích và bị câu nhữ bởi vị tiên tri mới nầy, vì họ không nhìn thấy tiên tri nào trong 400 năm – nhưng khi ông chỉ ra tội lỗi của họ, ông nói về sự phán xét của Đức Chúa Trời, và bảo họ phải ăn năn, ông đã bị họ chối bỏ. Thực ra, Giăng 1 nói cho chúng ta biết rằng nhân vật trọng tâm và then chốt trong sứ điệp của ông, là Đức Chúa Giêxu Christ, là Sự Sáng của thế gian, khi Ngài đến với tuyển dân của Đức Giêhôva, là dân mà chính mình Ngài đã dựng nên họ, Ngài đã đến với một thế giới mà Ngài đã dựng nên và họ đã chối bỏ Ngài. Khi Ngài đến với dân mà Ngài đã gọi họ ra khỏi thế gian để trở thành một dân, làm một ánh sáng soi rọi, chiếu vào cả thế gian – Kinh Thánh nói rằng Ngài đã đến với dân Ngài, và dân Ngài chẳng hề nhận lấy. Từng điểm một trong sứ điệp của Giăng Báptít đã bị dân nầy chối bỏ. Tôi nói với quí vị tối nay là bất kỳ người nào bài giảng dành cho họ chỉ có một câu ngắn ngủi thôi, ấy là: 'Hãy ăn năn', sẽ bị người ta chối bỏ hôm nay – và tôi cũng nói cho quí vị biết bất cứ ai dám rao giảng sự ăn năn cho con cái của Đức Chúa Trời sẽ bị chối bỏ gấp bằng hai.
“Tôi nói với quí vị tối nay, dù là bất kỳ người nào, bài giảng dành cho họ chỉ có một câu ngắn ngủi thôi, ấy là: 'Hãy ăn năn', sẽ bị người ta chối bỏ hôm nay – và tôi cũng nói cho quí vị biết bất cứ ai dám rao giảng sự ăn năn cho con cái của Đức Chúa Trời sẽ bị chối bỏ gấp bằng hai”.
Nếu quí vị nghĩ chúng ta đang sống trong thời buổi của những việc nhỏ, ở đó hạng tội nhân sẽ không để ý đến từ “ăn năn” và thay đổi đường lối của họ, hãy lắng nghe quí bạn tôi ơi, lý do cho sự ấy là vì dân sự của Đức Chúa Trời sẽ không nghe theo từ 'ăn năn' và thay đổi đường lối của họ. Chúng ta đang sống trong thời buổi khi sự ăn năn chẳng được ai nghe tới, chúng ta đang sống trong thời buổi mà ở đó ít người chịu trở lại đạo – và như Paris Reidhead đã nói với Leonard Ravenhill trong một cơ hội: "Những nhà truyền đạo ngày nay nói: 'Hãy đến đây rồi nói ra một lời cầu nguyện đại khái như vầy: 'nguyện Đức Chúa Trời thương xót con, một tội nhân', và đây là những điều quí vị sẽ nhận lãnh: sự sống đời đời, một toà lâu đài nằm trên đại lộ chính của thiên đàng, một vé miễn phí vào dự Tiệc Cưới của Chiên Con, cai trị trên 5 thành và miễn bị phán xét – quí vị không thể nhận lãnh nhiều hơn trong 5 phút tại bàn thờ, trừ phi mọi sự ấy đều là chuyện nhảm nhí – chuyện ấy chẳng thực đâu!" Sự ăn năn vẫn là một nền tảng của Tin Lành, người ta vẫn cần cảm thấy tình trạng quá độ của tội lỗi. Charles Finney, ông là người tạo ra cơn phấn hưng lớn trên nước Mỹ, ông đã rao giảng 28 đêm và chưa hề đưa ra lời kêu gọi tại bàn thờ, song chỉ rao giảng luật pháp của Đức Chúa Trời và cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, vì người ra cần phải cảm thấy tội lỗi của họ! Vì nếu quí vị không cảm thấy tội lỗi của mình, quí vị sẽ không bao giờ ăn năn tội lỗi của mình!
Đấy là lý do tại sao Giăng đã rao giảng sự ăn năn, trước khi Sự Sáng của thế gian hiện đến ông đã rao giảng tội lỗi và sự phán xét. Nhưng đỉnh cao sự Giăng rao giảng không những chỉ có thế, mà ông đã tự mình chịu che khuất để chẳng ai trông thấy chức vụ của ông. Tôi dám chắc là khi chúng ta xem xét nhân vật Giăng nầy, hết thảy chúng ta sẽ nói: 'Phải, tôi rất thích được giống như ông. Tôi muốn có một chức vụ giống như ông' – hết thảy chúng ta đều ước ao một chức vụ thật hiệu quả giống như chức vụ của Giăng. Nhưng tôi cảm thấy rằng một trong những thuộc tính quan trọng nhất về nhân vật nầy, ấy là ông đã bằng lòng để cho một trong những việc thành công nhất trong đời sống ông – đúng ra là chức vụ thành công nhất, có lẽ trong mọi thời đại – là để cho Chúa nắm lấy. Điều nầy ấn tượng nơi tôi như một sự kinh ngạc tuyệt đối, ông để cho chức vụ của ông mở ra một ngọn lửa thuần túy phóng ngang qua xứ Palestine vào thời điểm đó, ông đã cho phép chức vụ ấy thu nhỏ lại, chính ông để cho bản thân mình bị khuất đi đối với chức vụ. Điều nầy dường như là một thắc mắc ngớ ngẩn mà tôi phải đưa ra tối nay, rằng một Mục sư hay một nhà truyền đạo Cơ đốc có nên để cho Chúa nắm lấy chức vụ của mình không!?! – nhưng quí vị hãy tin tôi đi, để cho ai đó thu nhỏ chức vụ của mình lại đúng là một việc khó. Đôi khi chúng ta chính là hạng người không chịu để cho Chúa làm việc ấy.
Ông là vị tiên tri cao trọng nhất, và ông sẽ làm gì? Ông đang chỉ ra Đấng Christ, và tôi nói cho quí vị biết: đấy là lý do tại sao ông là tiên tri cao trọng nhất, ông chỉ Ngài ra, rồi ông để cho Đấng Christ thu nhỏ ông lại. Trong Giăng 3.30 chúng ta nghe thấy tiếng kêu thật kỳ diệu: 'Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống!'. Có một người Do thái đến hỏi ông: ' Thưa thầy, kìa, người ở cùng thầy bên kia sông Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho, bây giờ đương làm phép báp tem, và ai nấy đều đến cùng người'. Câu trả lời của Giăng, cơ bản là: 'Đấy là sứ điệp của ta! Đấy là toàn bộ mục tiêu tại sao ta đến rao giảng: thu nhỏ mình lại, và bày tỏ ra Đấng Christ'. Hãy tưởng tượng việc được kêu gọi và được trang bị, và nhận biết rằng chức vụ của quí vị sẽ kết thúc chỉ trong 6 tháng, và quí vị sẽ tách ra khỏi việc làm chứng đạo cho đám đông và chẳng còn có một người nào – và quí vị sẽ kết thúc trong tình trạng đày ải, và hiển nhiên là ở trong ngục tù. Một trong những việc khó nhất cho các nhà truyền đạo và Cơ đốc nhân ngày nay là tẻ tách ra khỏi con đường, và để cho người ta nhìn thấy chỉ một mình Sự Sáng của thế gian chiếu rọi ra mà thôi.
Mặc dù có lẽ ông là tôi tớ cao trọng nhất, mặc dù ông là nhà truyền đạo vĩ đại, và mặc dù ông đã tự mình để cho Con Đức Chúa Trời thu nhỏ lại, ông không được miễn trừ không nghi ngờ và có vấn đề trong chức vụ – thậm chí về nhân vật chính của chức vụ ông, là Đức Chúa Giêxu Christ. Chúng ta thấy ông đã kinh nghiệm những mối nghi ngờ trong chức vụ của mình. Giờ đây hãy nhớ điều nầy, đây là một người đã trông thấy Đức Thánh Linh như chim bồ câu liệng xuống từ trời, ông đã nhìn thấy các từng trời mở ra và tiếng phán của chính Đức Chúa Trời: 'Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường'. Ngay từ trong tù, trong phần đọc Kinh Thánh của chúng ta tối nay từ Mathiơ 11, chúng ta đọc thấy ông đã sai các môn đồ của mình đến gặp Chúa Giêxu rồi hỏi Ngài một câu: 'Ngài là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?' Bây giờ hãy nghe đây, tôi tin đây là mối hồ nghi chính đáng của Giăng Báptít, và tôi đã phân tích điều nầy khi chúng ta xem xét Êli. Êli là tổ phụ của ông, và Giăng Báptít hiện đến như tượng trưng cho Êli, nếu quí vị thích – và quí vị biết rồi đó, Êli đã đến ngồi dưới cây giếng giêng, thất vọng và ngã lòng, và tôi nghĩ rằng đấy là lý do tại sao chúng ta thấy Giăng Báptít cũng rơi vào một tâm trạng y như thế. Một mối hồ nghi chính đáng – ông là nhân vật cao trọng nhất trong mọi người, nhưng ông là người ở chỗ tốt nhứt mà chúng ta cần phải ghi nhớ, một người có những yếu đuối giống như chúng ta.
Ở đấy, trong nhà tù thất vọng của mình, trong sự ngã lòng của ông; có lẽ mọi sự trông cậy theo cách con người của ông, rằng Đấng Christ sẽ đến, đem theo Vương quốc và sự báo thù và rồi theo xác thịt – ông đang hồ nghi Đấng Christ! Lời đáp của Chúa cho ông, nếu quí vị nhìn vào chương 11 sách Mathiơ câu 4 đến câu 6 chép: 'Đức Chúa Jêsus đáp rằng: hãy về thuật lại cùng Giăng những điều các ngươi nghe và thấy'. Và họ đã ra về, Chúa phán trong câu 11 – hãy để ý là Ngài đã phán sau khi các môn đồ của Giăng đã ra về – Ngài trút đổ tấm lòng ra với sự khâm phục vị tiên tri cao trọng nhất trong mọi tiên tri, và Ngài phán rằng ông là vị tiên tri cao trọng nhất từng được đờn bà sanh ra – ‘nhưng phước thay cho kẻ nào không vấp phạm vì cớ Ta!’
"Quí vị đã thắc mắc về những sự dắt dẫn cùng cách xử sự của Ngài trong đời sống của quí vị, và có nhiều lúc khi đời sống chúng ta đầy dẫy với sự kín nhiệm, và có thể chúng ta suy nghĩ và cảm nhận rằng Chúa đã hạ chúng ta xuống, hay Ngài không vận hành mọi việc theo đúng đường lối mà Ngài đã vận hành”.
Tôi dám chắc ở đây không có ai đã từng hồ nghi, không có ai ở đây trượt chơn vấp ngã trên đường lối mọi chương trình của Đức Chúa Trời đã gắn trên đời sống của quí vị. Quí vị đã thắc mắc về những sự dắt dẫn cùng cách xử sự của Ngài trong đời sống của quí vị, và có nhiều lúc khi đời sống chúng ta đầy dẫy với sự kín nhiệm, và có thể chúng ta suy nghĩ và cảm nhận rằng Chúa đã hạ chúng ta xuống, hay Ngài không vận hành mọi việc theo đúng đường lối mà Ngài đã vận hành. Đặc biệt là những người, có nhiều lúc, họ hầu việc Đức Chúa Trời bị chìm đắm trong sự nghi ngờ. Họ cảm nhận y như ba bạn Hêbơrơ trong lò lửa hực, và ngọn lửa đã bị đốt nóng thêm 7 lần, và nhiều hơn nữa – và trong những ngày yếu đuối cùng các đêm buồn rầu, đau khổ chúng ta cảm thấy Đức Chúa Trời đã bỏ quên chúng ta, Đức Chúa Trời đã giấu kín mặt Ngài khỏi chúng ta. Có nhiều khi bàn tay của con người nghịch lại chúng ta, và có những lúc chúng ta nghi ngờ không biết bàn tay của chính Đức Chúa Trời có nghịch với chúng ta hay không nữa. Phải chăng Đức Chúa Trời đã bỏ quên không còn thương xót nữa? Phải chăng Ngài đã đóng kín lòng thương xót của Ngài, và phải chăng Ngài đang giận dữ? Chúng ta cảm nhận y như vợ của Gióp: sao chúng ta còn bền đỗ nữa mà chi, hãy rủa sả Đức Chúa Trời đi? Làm thế thì dễ hơn việc nầy – nhưng Chúa phán, hãy nghe: 'Phước cho người nào không bực bội, không lạc sai nơi ta hay nơi đường lối mà ta đang hướng dẫn'.
Phải, Giăng Báptít đã chết, nhưng ông không chết do rủa sả Đức Chúa Trời, ông đã chết như một người tuận đạo cho Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy, rằng ông đã trả cái giá cao nhất cho chức vụ của mình – và ai trong chúng ta, tôi hỏi quí vị tối nay, có thể hay sẽ trả cái giá nầy? Có bao nhiêu linh hồn vô danh trong thế giới của chúng ta ngày nay đã trả toàn bộ cái giá cho sự phục vụ? Tôi biết chúng ta có nhiều nan đề ở Ulster, và thậm chí trong Hội thánh nữa, nhưng tôi e rằng không một ai trong chúng ta chịu phê bình nghiêm khắc về đời sống của mình mỗi ngày vì chúng ta quì gối trong sự cầu nguyện, vì chúng ta đọc Kinh thánh, vì chúng ta nói tới danh Đấng Christ và hát lên những bài thánh ca của Ngài. Chúng ta sẽ toan liệu như thế nào? Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta đứng trước họng súng của kẻ hành quyết, hay chúng ta bị gài vào chiếc ghế điện vì cớ đức tin của mình? Không sớm thì muộn, ngày ấy sẽ đến, khi sự bắt bớ sẽ xảy ra – nhưng điểm quan trọng là đây: giống như Giăng Báptít, hãy nghe đây, khi quí vị từ bỏ mọi sự trên đất vì cớ Đấng Christ, mọi đặc ân, mọi tiện nghi, mọi quyền hạn của quí vị, quí vị không có chi để mất trong sự chết! Chết là phương giải thoát thật ngọt ngào – có bao nhiêu người trong chúng ta nghĩ tới sự chết theo cung cách đó? Giăng đã bước vào sự tự do.
Mới đây, tôi có đọc một câu chuyện, quí vị đã nghe nói trên mục tin tức trong các năm gần đây nói về xứ Rwanda với cuộc nội chiến giữa người Hutu và bộ tộc Tutsi. Cuộc chiến đã diễn ra trong nhiều năm trời, cuộc chiến nầy không phải là cuộc chiến mới đâu – và trong thập niên 1970 nhiều Cơ đốc nhân người Hutu đã bước vào sự chết, họ tỏ ra sự bình an và cầu xin sự tha thứ cho những kẻ hành quyết họ. Có một người tên là Abel Beniona, hiệu trưởng của trường học thuộc hội truyền giáo Quaker, và cũng là chấp sự của một Hội thánh địa phương, ông đứng trước những kẻ đến hành quyết ông. Trước khi mấy người bạn giáo sĩ của ông rời khỏi Burundi, ông đã viết bức thư nầy gửi cho họ, một lời tạm biệt, cảm tạ và cảm kích: 'Chúng tôi không có gì để đổi lại mọi sự mà quí bạn đã làm để giúp đỡ cho chúng tôi, nhưng chúng tôi biết rõ rằng Chúa chúng ta, Ngài cũng là Chúa Giêxu của quí bạn nữa, sẽ bù đắp lại cho quí bạn cách dư dật hơn những gì quí bạn đã làm cho chúng tôi'. Phải, ngày kia Abel Beniona, năm 1972, đã tuận đạo. Một người lính Cơ đốc đã thuật lại mọi chi tiết cái chết của ông. Anh ta nói rằng sau khi ông đứng dậy để chịu bắn, ông yêu cầu được hát, lời yêu cầu được nhậm. Ông đã hát một câu như sau:
'Ra khỏi xiềng xích đau thương đêm mơ màng,
Giêxu tôi đến! Giêxu tôi đến!.
Vô miền thong thả, tươi vui thêm huy hoàng,
Giêxu tôi đến theo Ngài'.
Đội xử bắn chần chừ trong một lúc, họ lấy làm lạ, rồi họ đã nổ súng. Há Phaolô không nói: 'Đối với tôi sống là Đấng Christ, còn chết là lợi' sao? Há ông không nói: 'Vì tôi tưởng rằng sự khốn khó bây giờ không đáng sánh với sự vinh hiển hầu đến, là điều sẽ được tỏ ra trong chúng ta'. Điều chi đã khiến cho Giăng cứ tiếp tục, điều chi đã khiến cho hết thảy các thánh đồ hay chịu khổ nầy cứ tiếp tục khi cái búa đã để kề cận cổ của họ, họ đã giữ được đức tin! Giống như Giăng, hết thảy họ đều đã nhận được lời khen ngợi thiêng liêng vì cớ chức vụ của họ – không một ai lớn hơn Giăng Báptít. Thậm chí trong giờ phút thất bại của họ, trong giờ phút nghi ngờ ở trong ngục tù, Chúa Giêxu đã chờ đợi cho tới khi các môn đồ của Giăng đã ra về rồi, Ngài mới phán dạy đoàn dân đông: 'Không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báptít'. Một trước giả đã nói như sau: 'Thiên đàng không phán xét theo tâm trạng, mà theo lề thói và khuynh hướng trong đời sống của một người; không phải bởi sự tỏ ra điều mình nghi ngờ, mà bởi linh hồn của một người trong đó có điều chi sâu sắc hơn cả tình cảm'.
"Quí vị có ngã lòng trong sự hầu việc Chúa không? Quí vị có thối lui không? Cho phép tôi hỏi và khích lệ quí vị: hãy ngước đầu lên!"
Giăng không làm một phép lạ nào, nhưng Giăng suốt cuộc đời của ông đã trung tín bước theo đường lối của Đức Chúa Trời đã chọn và đã ấn định cho ông, và cuối cùng Đức Chúa Trời đã khen ngợi ông! Chúng ta còn hỏi gì thêm nữa không? Khi chúng ta kết luận tối nay, tôi hỏi quí vị, trong thời buổi của những việc nhỏ, có phải quí vị nãn lòng trong sự phục vụ dành cho Chúa không? Quí vị có thối lui không? Cho phép tôi hỏi và khích lệ quí vị: hãy ngước đầu lên! Quí vị có thể đối diện với sự chối bỏ chức vụ của mình, có thể quí vị kinh nghiệm sự nghi ngờ, có thể quí vị bị buộc phải trả một giá rất cao – có thể cái giá cao nhất vào một ngày kia – song hãy vui mừng đi! Quí vị có sự chỉ định thiêng liêng, Đức Chúa Trời đã kêu gọi quí vị, và nếu quí vị tự thu mình lại trong Sự Sáng của thế gian, sự vinh hiển của Đấng Christ, quí vị có nhìn biết Lời của Đức Chúa Trời nói gì không? Quí vị có biết Đấng Christ nói gì không? Quí vị sẽ có một chức vụ và một ơn phước thậm chí còn lớn hơn chức vụ của Giăng nữa! Hãy xem câu 11: 'nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người'.
Nước mà Giăng đã rao giảng, vương quốc mà ông đã chỉ ra, ông không hề là một chi thể trong Nước đó. Giăng không hề rao giảng thập tự giá của Đấng Christ, sự sống lại và sự thăng thiên vinh hiển, và chức vụ trung bảo mà giờ đây Ngài đang có, nhưng chúng ta có thể – và chúng ta có thể được tôn trọng hơn Giăng! Còn ở đây là phần thách thức tối nay: nếu chúng ta muốn được tôn trọng hơn Giăng trong chức vụ của mình, thì sự chịu khổ của chúng ta sẽ phải lớn lao như thế nào?
Lạy Cha, chúng con cảm tạ Ngài tối nay vì nhân vật mà chúng con biết trong Kinh Thánh như là bạn của Chàng Rễ, là người tìm thấy niềm vui của mình khi giới thiệu Đấng Christ cho thế gian: 'Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời', ông kêu lên: 'là Đấng cất tội lỗi thế gian đi'. Nhưng lạy Cha, đúng là một sự phục vụ đã mở màn với cái chớp của sự vinh hiển và kết thúc khi ông bị chặt đầu vì cớ Đấng Christ. Nhưng đúng là có một bài học trong đó dành cho chúng con, lạy Cha, chúng con phải hạ xuống – hết thảy chúng con – và Đấng Christ phải dấy lên. Chúng con cầu xin sự ấy sẽ làm bằng chứng và là phương châm của chúng con ở đây trong Giảng đường Iron, chúng con sẽ làm sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời trong chức vụ và trong sự chịu khổ của chúng con, xin Đấng Christ thu nhỏ chúng con lại và nguyện thế gian nầy sẽ nhìn thấy Sự Sáng. Amen.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét